XUÂN TRÊN ĐÁT PHẬT
Minh Mẫn
Sương phủ dầy đặc, 10 giờ 30 đêm mà cứ như khuya lắm; chim chóc im bặt, cảnh vật chìm vào u tịch. Trong màn đêm, xa xa còn le lói ánh sáng mờ đục của những ngọn đèn từ các chùa quanh khu vực Tháp. Cứ cách nhau vài răm mét có một ngôi chùa, càng gần Đạo tràng, chùa càng nhiều, có chỗ chùa sát vách nhau. Ngoài chùa Tây Tạng còn có nhiều chùa Miến Điện .
Chánh điện tuy bị bao phủ bởi khí lạnh và màn đêm, nhưng ánh sáng từ nội điện cùng với hàng loạt ngọn đèn cầy thắp quanh chùa, chạy dọc hai bên lan can dẫn xuống sân, làm cho không khí về đêm tăng phần huyền nhiệm. Giờ nầy tại Việt Nam đúng Giao Thừa. gần 20 người vân tập về chánh điện, các nghệ nhân người Huế cũng trịnh trọng trong chiếc áo tràng lam. Thầy Kiến Huệ chủ lễ, cô Khema Duy Na, Nick Kharma thủ trống. Đèn thắp sáng khắp nơi, không gian im ắng làm cho mọi người lẻ loi giữa sự giao hoà trong giờ phút nhiệm mầu của đất trời. Hình như mỗi người đều hướng về đất tổ, những kẻ tha phương mưu sinh đang chờ đợi cuộc gọi chúc Xuân của người thân từ hướng Đông. Nơi đây không có nhạc Xuân rộn rã trên TV, không có rộn rịp của giòng người đi lễ chùa đầu năm. Đối diện chùa độ 50m, những công nhân người Ấn trực đêm trong building bốn tầng, đứng từ cửa sổ nhìn qua chùa Việt Nam, nghe chuông trống đón giao thừa, nhìn nhóm người tay cầm nhang, tay đốt đèn hướng về quê mẹ cầu nguyện những điều tốt đẹp cho dân tộc, cho đất nước. Susanto châm ngòi pháo, tiếng nổ như xé bầu không gian u tịch, một luồng sáng bay lên không trung, tiếp là tiếng nổ lớn làm tung toé các chòm sao pháo bông phủ một góc trời. Xa xa, thỉnh thoảng có vài tiếng nổ của pháo mừng ngày độc lập Ấn độ. Mồng một tết năm nay trùng ngày quốc khánh của India, một xứ sở từng bị Anh đô hộ, hàng triệu người bỏ mạng vì đấu tranh giành độc lập theo lời kêu gọi bất bạo động của Thánh Gandhi.
Trước một ngày, các tụ điểm đông dân cư, địa phương đều tổ chức meeting, ngày 26 tháng giêng 2009, các trường học kéo học sinh về Bodhgaya Temple, kèn trống inh ỏi, cùng với lời mời của Management Committee, các tu sĩ, thân hào nhân sĩ, các tôn giáo đảng phái đến tham dự. Khu vực Đạo tràng lại bùng dậy làn sóng người trẩy hội!
Sau một đêm thức đón giao thừa, đốt lửa sinh hoạt mừng năm mới, dưới tán tre già, mọi người ngồi vây quanh, kẻ hát người kể chuyện; Các nghệ nhân xứ Huế với giọng thâm trầm của sông Hương núi Ngự, nhạc Huế lẫn nhạc Nam được lần lượt trình bày. Mở đầu chương trình văn nghệ, nhạc bản Xuân Nầy Con Không Về nghe thật não nuột, đó là tâm sự của kẻ xa nhà khi Xuân đến. Năm xưa, 1978, lần đầu tiên đi tù, nằm trong xà lim nơi đèo heo hút gió miền Trung, vọng đâu đây tiếng pháo xa xa, báo hiệu tết đến, cũng bản Xuân Nầy Con Không Về của các bạn tù trong các sam tập thể giữa đêm trường nơi rừng sâu, tưởng chừng ruột gan đứt đoạn. Người cô độc còn như thế thì những kẻ có gia đình, có con cái, họ thấm thía Ái Biệt Ly khổ như thế nào. Những người tù “mồ côi” nhìn anh em có thân nhân thăm nuôi, quây quần bên thức ăn đón Xuân, buồn đã đành, những người được bên ngoài thương tưởng gửi quà, họ nhìn đồ ăn mà nhớ đến tình cảm và hình ảnh thân thương của gia đình, họ cũng chẳng vui gì hơn, vì những món họ đang có là phần nhịn của vợ con khi cuộc sống lúc ấy chỉ có bo bo bột mì làm bữa ăn chính. Hôm nay, tuy xa nhà, không gian có khác hơn, nhưng sống giữa xã hội bất đồng ngôn ngữ, không cùng tập quán, kẻ tha hương cũng thấy trống vắng lạc lỏng mênh mông. Tiếp theo, đặc biệt cô Nick Kharma đọc một đoạn kinh META SUTA ( TÂM TỪ) làm cho không khi lắng đọng, hình như chư Thiên chung quanh cũng chắp tay lắng nghe, ngọn lửa nhảy múa vui mừng, sáng ra, các chú nghệ nhân thòng phong pháo hồng nhạt từ hoa văn cổng Tam quan để đón chào mồng một. Dưới các nhánh tre, những phong bì đỏ mang giòng chũ: With Heartiest Wishes, toòn teng trước gió, để mọi người hái lộc đầu Xuân, nội dung bên trong là những câu kinh Pháp Cú do cô Kharma thực hiện. Tuy pháo nổ dòn, nhưng một số viên lẻ vẫn rơi tung toé. Khema và Kharma ra Tháp thật sớm, lễ Phật toạ thiền, mang về một số bánh bao của Tây Tạng và bánh chiên của Ấn cho nội chúng dùng điểm tâm. 9 giờ kéo nhau ra lễ và nhiễu Tháp. Khách thập phương cũng tấp nập đến lễ các chùa qunh tháp. Tuy đa phần người Ấn theo Hindu và Hồi, nhưng họ vẫn đến chùa. Ngoài Đạo tràng và các tự viện Phật giáo quốc tế, họ không có nơi nào để giải trí vui chơi. Đàn ông Ấn chạy xe phân khối lớn, môtô từ 125 trở lên, ra đường ăn mặc lịch sự, nhưng nhà ở thì u ám tăm tối. Trong nhà hay ngoài đường luôn nồng nặc mùi xú uế phế thải. Đặc biệt người Ấn rất đoàn kết; không bao giờ có kẻ say xỉn ngoài đường, chẳng có cảnh đấu đá đánh nhau. Giao thông không hề có công an; xảy ra tai nạn hai bên tự động giải quyết êm đẹp. Ngoại trừ có chết người thì cảnh sát mới đến làm việc. Buôn bán họ có thể nói thách, nhưng không biết lợi dụng đông người trong mùa hành hương mà đồng loạt nâng giá. Giới trung lưu gia đình rất nề nếp tôn ti. Bán buôn họ không biết đon đả mời khách.
Tuy là xứ sở tôn giáo thần linh, vẫn xẩy ra tệ nạn giết người cướp của. Du khách Việt, Úc từng là nạn nhân, nhất là người Nhật bị mất tích nhiều. Du khách ít ai dám đi một mình, vào các quán ăn, giải khát thỉnh thoảng cũng bị thuốc mê, may lắm thì bị lột sạch tiền bạc, nếu không thì cũng bị mất mạng. Ở Ấn đất rộng mênh mông,việc thiêu người chết quá bình thường và dễ dàng, vì thế khó ai phát hiện những vụ thủ tiêu nạn nhân. Tuy nhiên, trộm cắp vặt không thấy xảy ra. Chiếc xe môtô để ngoài đường nhiều ngày vẫn còn. Vào Đạo Tràng bỏ xe ở ngoài cũng không mất. Bên Ấn không có điểm giữ xe. Rất nhiều cái tương phản trong xã hội Ấn mà ít có quốc gia nào có. Những người Việt ở Ấn lâu năm, họ than phiền là rất mệt mỏi khi làm ăn hoặc giao dịch với người bản địa, họ rất trung thực với đồng hương, nhưng với người nước ngoài, họ lại rất điêu ngoa. Muốn mua đất tại Án, phải có tên người Ấn đứng chủ, vì thế mà một số sư nước ngoài bị mất trắng. Mua gạch xây chùa đến tận lò chọn loại một, khi chở đến, họ pha trộn loại hai hoặc không đủ số lượng. Các trường học tại Gaya, kể cả đại học, đóng tiền có tên mà ít khi thấy học sinh hoặc thầy giáo có mặt, mùa thi đóng tiền, họ cho bài về nhà làm, ai có tiền nộp thì được đậu. Sư cô Từ Tâm, người Việt quốc tịch Mỹ, mở lớp học từ thiện mướn cô giáo bản xứ tốt nghiệp trung học cấp ba đến dạy, chính cô giáo cũng không biết làm toán nhân. Phần lớn trẻ con các vùng xa thất học vì quá nghèo và không có trường công lập; có trường mở ra chỉ để nhận sự giúp đỡ từ người ngoại quốc, mạnh thường quân ra về là trường tự động giải tán. Các tu sĩ Việt Nam mở nhiều trường, phải mướn thầy giáo của họ dạy cho con em họ, thế mà họ vẫn gây khó khăn cho các sư mỗi khi chưa có tiền trả lương. Sư Giác Viên lập Tịnh Xá Kỳ Hoàn cách Khổ Hạnh Lâm gần 10km, đem tiền của từ Việt Nam qua để giúp đồng bào trong làng, khuyến hoá con em đến chùa và độ cho trên mười em xuất gia, bố mẹ muốn gửi con vào chùa để có cái ăn cái mặc, thỉnh thoảng chúng về nhà cả tháng khi có lễ của Hindu, lúc có lỗi bị phạt quỳ nhang, cha mẹ chúng biểu tình phản đối. Xét thấy chúng khó cảm hoá, trả lại nhà, gia đình cũng làm đơn thưa buộc chùa phải nhận lại. Sư Minh Thủy nói có sống gần họ mới biết tại sao họ nghèo khổ, họ không biết đạo đức nhân quả, họ sống theo ngoại đạo mê muội, không biết phải quấy. Họ cúng đất xây Tịnh xá, khi xây xong, họ làm đơn kiện buộc phải bồi thuờng…
Công nhân lãnh lương xong là nghỉ, ăn hết tiền mới trở lại làm việc; họ làm tà tà cho hết giờ chứ không cần xong việc. góp ý chỉnh sửa, họ đều OK, nhưng đâu lại vào đấy. Vì thế chẳng lạ khi thấy các chùa của nhiều quốc gia có mặt mà không chùa nào độ được người bản xứ đi tu. Myanmar, Srilanka, Thái , Việt, Bangladesh, China, Taiwan, Korea…cũng chỉ dành cho những người của Myanmar. Srilanka, Thái, Việt, Bangladesh, China, Taiwan, Korea và một số người Âu châu tu mà thôi. Người bản xứ chỉ đến làm thuê công nhật. Lương lao động rất rẻ, cao nhất là 80 rubi một ngày, tương đương 28 ngàn đồng VN.
Cái chết đối với họ là chuyện quá bình thường, vì thế người chết không cần thân nhân đưa tiển, chỉ vài người khiêng xác trên tấm ván ra đồng đốt, nếu ở xa sông Hằng. Không kèn trống ầm ỷ như VN, không có cảnh thương vay khóc mướn, tẻ nhạt đến độ tàn nhẫn; ngược lại, đám cưới rất rộn rã, nhạc mở suốt ngày, nhà giàu tổ chức phô trương qua các bang lân cận; Nhưng không có cảnh ăn nhậu bia bọt. Họ nằm bừa bãi trên đất hay bất cứ nơi đâu có thể, vì họ quan niệm thân xác nầy cũng là của đất, sẽ trở về với đất.
Họ rất sùng kính tín ngưỡng. Những khu vực xa đền thờ, mỗi chiều, quần chúng tụ tập bên hông nhà, đặt ảnh nữ Thần dưới đất, năm bảy người xúm nhau đọc kinh cầu nguyện. Một tháng không biết bao nhiêu cuộc lễ của tôn giáo. Gần chùa Việt Nam có ao đất sét, nước tù đọng, đục ngầu, hằng ngày người dân địa phương đem áo quần ra đó giặt, trẻ con đến đó phóng uế, trâu bò dê ngựa đến uống, cứ dăm hôm lại có đám rước, chiếc xe đạp đặt tượng nữ thần Mặt Trời làm bằng rơm bọc đất sét, sơn phết rất đẹp và sinh động, máy và loa cũng trên chiếc xe đó, trẻ con và học sinh hơn chục người vây quanh đọc kinh, thoa bột màu trên mặt, hát hò nhảy múa rồi bê tượng nữ Thần xuống ao trấn nước, để nữ Thần ở lại với Hà bá, mọi người lại hân hoan nhảy múa và ra về, Có ngày gần mười đám diễn ra trên ao ước như thế. Họ có gần 10 ngàn vị Thần chính thức và vô số vị Thần bán chính thức tùy theo tập tục của mỗi địa phương, mỗi sắc tộc, Đức Phật Thích Ca là một trong số Thần mà người Hindu tôn thờ. Tuy họ có nhiều chủng tộc, nhưng tiếng Hindi được chọn làm ngôn ngữ phổ thông ngoài tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh đứng hàng thứ ba.
Riêng tại khu vực Bồ Đề Đạo tràng, Phật giáo cũng thường tổ chức lễ lộc trong mùa hành hương . Đầu tháng giêng 2009 các sư Tây Tạng luân phiên tổ chức cầu nguyện Hoà bình hơn 10 ngày; cúng dường trai tăng hàng ngàn vị. Bố thí đại trà; Hôm qua đây, cũng tại chùa Tây Tạng cách Bồ Đề Đạo Tràng 50m, một người Việt tổ chức trưng bày ngọc Xá Lợi Phật và nhị vị đại đệ tử Phật cho quần chúng chiêm bái suốt ba ngày, cũng cúng trai Tăng cho tất cả tu sĩ các quốc gia có mặt, đặc biệt chùa Tây Tạng nơi đây hoàn toàn dùng chay. Chính quyền địa phương hổ trợ nhiệt tình cho mọi lễ lộc của Phật giáo. Có những đoàn Việt Nam đến thăm, họ ngạc nhiên số người vãng lai tại Bồ Đề hàng ngày đều tấp nập như lễ hội, nổi cộm vẫn là bóng dáng các tu sĩ Tây Tạng, quần chúng Tây Tạng và người Âu châu tu theo Tây Tạng.
Người Việt đón Tết, ra lẽ Phật tại gốc Bồ Đề trong không gian thanh tịnh, khí lạnh phủ vây; mọi người nhộn nhịp tưởng chừng họ cùng đón Xuân, vì thế kẻ tha hương cũng bớt cảm thấy lẻ loi cô quạnh. Trong chùa, hương vị tết Việt cổ truyền vẫn còn đậm nét trên bánh mứt. Mặt tiền chánh điện ngôi chùa Việt Nam vẫn hướng về đất tổ quê cha, vẫn khóm tre có chim ca hát suốt ngày, xác pháo còn nằm bề bộn một góc trên đất Phật như mọi cái bề bộn của người dân Ấn tồn tại hàng ngàn năm qua. Vẫn thời tiết khắc nghiệt, vẫn những tương phản khó định nghĩa về một đất nước đậm nét Thần linh. Riêng Phật giáo nơi đây, chỉ tồn tại qua những Thánh tích và hình bóng tu sĩ nước ngoài, quần chúng Phật tử so với dân Ấn nó chỉ bằng số không; đạo Phật vẫn tồn tại như sự tồn tại của cổ thụ Bồ Đề trải qua nhiều thăng trầm hủy diệt; cũng thế, cái Tết Việt Nam vẫn tồn tại trong góc thẩm sâu của tâm hồn người Việt xa quê. Những cộng đồng người Việt ở các quốc gia phương Tây dẫu sao còn ấm áp khi Xuân về, nhưng Ấn Độ, hương vị Tết Việt Nam mênh mông bàn bạc như cánh chim lạc bầy giữa khí lạnh mùa Đông. Rất may, nơi đây là Thánh địa mà Đức Thế tôn đã đắc đạo. Xin cúng dường năng lượng nầy, từ trường nầy về cho những người con viễn xứ Xuân lai.
MINH MẪN
30/01/09