Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Xuân Thiền

15/01/201112:23(Xem: 3833)
Xuân Thiền


XUÂN THIỀN

Thích Thông Huệ

Nói về phương diện tục đế, ở pháp sinh diệt vô thường nơi thế gian thì chúng ta không thể chối bỏ cuộc sống hiện tại. Học thiền không có nghĩa là học trên lý luận siêu hình, không ý thức gì đến sinh hoạt đời thường. Sự giải thoát của đạo Phật không phải vượt thoát khỏi thế gian để mưu cầu hạnh phúc, mà là “cư trần bất nhiễm trần”, tùy duyên mà thọ dụng. Xuất thế gian là ở ngay thế gian vô thường nhưng tâm mình không bị vướng nhiễm nơi các pháp, làm hiển hiện cái bất sanh bất diệt thường hằng. Đạo lý cũng nằm ngay cuộc sống đời thường chứ không phải cách ly với nhân sinh xã hội, thiếu hiểu biết về phong tục tập quán, đất nước con người… Nhà Phật dùng hình tượng hoa sen để nói đến đức tính vô nhiễm này. Mùa xuân về, khí trời ấm áp, muôn hoa đua nở làm cho lòng người cảm thấy rạo rực. Đối với người học đạo, chúng ta vẫn đón tết vui xuân như mọi người nhưng bằng một tâm chánh niệm, tỉnh thức, thâm trầm và đạo vị.

Nắng xuân tràn khắp muôn nơi
Chồi non nảy lộc đất trời bình an

Líu lo chim hót trên cành

Hân hoan mừng đón khí lành ngày xuân.”

Mỗi mùa xuân đến, mọi người mọi vật, cỏ cây hoa lá đều thay áo mới. Nhưng lẽ thực, trong lòng sự vật luôn chuyển đổi để làm mới. Mỗi năm trôi qua, chúng ta xích gần đến cái chết. Vì vậy, tuy nói vạn vật hồi sinh nhưng thật ra, vạn vật đang từ từ đi đến chỗ chết. Chết để rồi chuẩn bị bắt đầu cho một cuộc sống mới. Mùa đông giá buốt làm cho cây cỏ trơ cành xơ xác, để rồi khi xuân về, khí trời ấm lại, chiếu những tia nắng đầy sức sống lên cỏ cây đang đâm chồi nảy lộc, xum xuê tươi nhuận hương sắc cung hiến cho đời. Như vậy, sống rồi chết, chết để tiếp tục sống, thì phải chăng, chết là một sự thật mầu nhiệm?

Mùa xuân là mùa của niềm tin và hy vọng. Từ thành thị đến thôn quê, ai ai cũng tưng bừng hớn hở, dù bận công việc gì cũng gác lại để sửa soạn nhà cửa, trang thiết bàn thờ ông bà tổ tiên, mua sắm bánh trái để chuẩn bị đón một cái tết cổ truyền đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của người dân Á Đông. Tết cũng là dịp để mọi người quây quần bên nhau, sum họp sau những ngày làm ăn xa cách, trở về với nguồn cội, ông bà tổ tiên, với gia đình, tìm lại chút hơi ấm của tình thương và hạnh phúc. Cho nên, những gì thuộc về phong tục tập quán, quốc hồn quốc túy của người Việt, từ tư tưởng cho đến văn hóa, tiếng nói, chữ viết… tất cả chúng ta phải biết trân trọng, gìn giữ, định hình và cổ xúy để phát triển, không bị đồng hóa bởi các thế lực ngoại lai mà mất đi tính dân tộc. Vì vậy, ngày tết cổ truyền là dịp để chúng ta giữ gìn và bảo tồn những nét đẹp mang giá trị văn hóa ấy mà ông cha ta đã xây đắp từ lâu đời.

Nét đẹp của xuân đời, cũng là nét thẩm mỹ siêu nhiên của xuân đạo. Bởi thế mà từ xưa, nhân dân ta đã có truyền thống đi chùa lễ Phật đầu năm, dần dần trở thành một nét đẹp không thể thiếu trong những ngày đầu xuân. Mùa xuân của đất trời luôn gắn liền với mùa xuân của tâm linh, tạo nên sự hài hòa giữa đời và đạo. Đầu năm đến chùa, thưởng ngoạn phong cảnh trang nghiêm chốn thiền môn, nghe quý Thầy giảng pháp, chúng ta hiểu biết thêm về đạo lý, từ đó áp dụng vào cuộc sống thường ngày để trong năm mới, chúng ta có được nhiều sự an lạc và thảnh thơi hơn. Đó là những món quà tinh thần, những lời chúc đầu xuân tốt đẹp và có ý nghĩa.
Mỗi năm qua đi, tuổi già lại đến, tóc thêm hoa râm, mạng sống giảm dần. Nhìn thấy một đứa trẻ lớn lên thì biết rằng mình cũng đang già đi. Hoa nở rồi hoa tàn, xuân năm trước qua đi, xuân năm sau lại đến. Nên mới nói:

Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Trăng còn non nghĩa là trăng sắp già.”

Đây là quy luật vô thường tất yếu của cuộc sống. Hiểu như vậy, chúng ta phải trân quý từng tấc bóng thời gian để học đạo tu hành, chuyển hóa đời sống mình ngày càng tốt đẹp hơn. Biết được cuộc đời vốn không thật, vô thường, duyên sinh, huyễn mộng thì chúng ta phải xây đắp cuộc đời mình trong đạo đức. Đạo đức vô hình vô ảnh nhưng có sức chi phối hoàn cảnh xung quanh. Điều đáng sợ nhất trên cuộc đời là sống đời xấu ác, hư dở. Cho nên, là người phật tử đến chùa học đạo thì mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm chúng ta phải tiến bộ, thăng hoa trên con đường tâm linh đạo đức.

Suốt một đời, chúng ta từng chứng kiến bao cảnh sanh diệt đổi dời, bãi bể nương dâu, muôn vật chuyển dịch, vô thường biến đổi. Thiền sư Thiên Tùng nhân dịp xuân về đã làm một bài kệ:

Sáng nay đều nói thêm một tuổi
Tôi bảo ngày này bớt một năm.

Thêm bớt lại qua số khôn tính

Chỉ cần dứt sạch duyên thế gian.

Cốt là biết được trong duyên chủ

Trăm ngàn ức kiếp thường an nhiên.”

Mùa xuân, các thiền sư hay làm kệ thơ, cũng trào dâng xúc cảm nhưng không đắm nhiễm như người đời. Các ngài làm thơ bằng ánh sáng trí tuệ để soi sáng nhân tình thế gian, nhắc nhở mọi người đón xuân trong tỉnh thức. Tùy duyên tùy tục, các ngài vẫn đón xuân vui tết, ở trong thế gian sinh diệt nhưng vượt lên, tự tại siêu nhiên, không vướng bận trần gian huyễn mộng. Ngày đầu năm, mọi người thường chúc nhau thêm một tuổi, cũng có nghĩa là sự sống bị bớt lại một năm. Cho nên, khi ý thức rõ cuộc sống là vô thường thì điều cần thiết nhất làm sao để dứt sạch các duyên thế gian, sống tùy thuận theo dòng đời mà không vướng nhiễm nơi các duyên, sống ngay trong muôn cảnh dàn trải trước mắt mà nơi bản thân mình biết được người chủ trong các duyên. Phải tin chắc rằng ngay trong thân ngũ uẩn sinh diệt này có con người chơn thật thường hằng, bất sanh bất diệt để không phải hướng ngoại tìm cầu nơi khác. Một khi đã biết được “chủ trong duyên”, chúng ta cảm thấy vững vàng trong cuộc đời này, dầu trải trăm ngàn ức kiếp vẫn an nhiên tự tại, khoác áo độ sanh. Có như vậy, dù thêm một tuổi hay bớt một tuổi thì đạo lý trong chúng ta vẫn tràn trề sức sống của sự tỉnh giác.

Biết được chủ thì không bị trôi lăn, dính mắc theo trần cảnh. Các ngài muốn chúng ta thưởng xuân, xem hoa, nhìn muôn vật bằng đôi mắt Thiền. “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”. Đối với tất cả cảnh đều vô tâm phân biệt, vô tâm sinh diệt, thản nhiên trước mọi hoàn cảnh, sáu căn tiếp xúc sáu trần đều biết rõ mà không sinh tâm khởi niệm. Có như vậy, tâm chúng ta sẽ an lạc và thanh nhàn. Dưới mắt các vị Thiền sư thì núi sông, khe suối, ao hồ… đâu đâu cũng là một mùa xuân, một màu xuân, một chất xuân miên viễn. Tâm hồn các ngài lúc nào cũng vui vẻ, thanh thoát trong ánh sáng tỉnh thức, xuân đời xuân đạo hòa nhập thành một thể nhất như. Các ngài muốn chúng ta trở về nguồn, tức là trở về với mùa xuân bất diệt nguyên sơ tự thuở nào. Từ vô thỉ kiếp xa xưa, chúng ta ở trên mảnh đất bình an nơi quê nhà nhưng quên mất nguồn cội mà lang bạt khắp nơi, ba cõi sáu đường, trôi lăn trong sinh tử. Nhờ giáo lý của Đức Phật soi đường, chúng ta tự trở về nguồn để thừa hưởng gia tài đó, về để uống ngụm nước đầu nguồn trong sạch. Đó là ý nghĩa tu hành. Chúng ta ý thức thế gian sinh diệt, nhưng nơi sinh diệt đó mà khuếch đại tự do, tùy duyên hóa đạo, sống thong dong thoải mái giữa dòng chảy của cuộc đời.
Trong giai thoại nhà Thiền có kể câu chuyện “Linh Vân kiến đào ngộ đạo”. Thiền sư Linh Vân trong hội của ngài Quy Sơn Linh Hựu, đã nhiều năm tu hành mà chưa ngộ đạo. Mộït hôm nhân thấy hoa đào nở, chợt hoát nhiên đại ngộ, ngài liền làm bài kệ rằng:

Tam thập niên lai tầm kiếm khách
Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi

Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu

Trực chí như kim bất cánh nghi.”

Tạm dịch:

Ba chục năm nay tìm kiếm khách
Bao hồi lá rụng với cành trơ

Từ khi chợt thấy hoa đào nở

Mãi đến hôm nay hết bóng ngờ.”

Ở Trung Hoa, mùa xuân có hoa đào nở. Thiền sư Linh Vân tu hành ba mươi năm, đi tìm sự thật mãi không ra, chưa biết được người chủ xây ngôi nhà này. Bỗng nhiên một hôm nhìn thấy hoa đào nở, chợt nhận ra Chúa Xuân hiển hiện trọn vẹn nguyên hình tự thuở ban sơ cho đến bây giờ, diễn tả một thực tại vô ngôn, không còn nghi ngờ về ông chủ của chính mình, giáp mặt với sự thật ngàn đời.

Chúng ta học đạo, bước đầu tiên là dứt trừ dần những nghiệp ác nơi thân khẩu ý, sống đời hiền lương đạo đức. Kế tiếp là dứt trừ những phiền não tham, sân, si nơi tâm thức. Sau đó mới lặn sâu vào công phu tu tập để khám phá ra ông chủ thật sự nơi mình. Người đời không ý thức về việc tu hành, tết đến chỉ lo say sưa trong men rượu, chìm đắm trong ngũ dục, không biết đạo lý, dần dần sa đọa. Còn chúng ta là người phật tử phải biết sống đời lành mạnh, xây đắp cuộc đời bằng những hạnh lành, tiến tu đạo nghiệp trên con đường giác ngộ giải thoát.

Cầu chúc tất cả chúng ta hưởng một mùa xuân an lạc miên viễn trong ánh sáng của chánh pháp, nhận ra được “một cành mai” mãi mãi không bao giờ tàn phai trong đời thường.

Thiền Thất Viên Giác
Tp. Nha TrangXuân Canh Dần 2010.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/03/2018(Xem: 6103)
Melbourne mấy ngày vừa rồi mát mẻ, hôm nay lại lên trên 30oC, mai lại mát và có thể lành lạnh nữa.Đường phố đã ngập ngợn lá vàng trên những vòm cây xanh.Vài hôm trước, trời có tí gió đã thấy lá vàng bay phất phới. Những lúc đi trong công viên, nghe tiếng chân mình trong không gian vắng, tiếng lá cựa mình, tiếng mưa thủ thỉ, tiếng mây xám thở dài, lòng sao chùng đến vậy Tháng ba rồi, chỉ vài tuần nữa sẽ vặn lên một giờ, ngày sẽ dần ngắn lại. Dân Úc lại sắp bước vào mùa thu và rồi mùa đông, trong lúc dân ở bên kia địa cầu đang vui mừng thoát khỏi đông giá bước vào những ngày nắng ấm. Một giờ thu lại từ bên Úc sẽ lại để trả cho các nước bên kia địa cầu; để 6 tháng nữa một giờ đó lại được Úc ngang nhiên lấy lại. Chỉ cho mượn thôi mà.Y như thời đi học tiểu học, học sinh thay nhau giữ cuốn sổ luân chuyển vậy. Ừ, chỉ luân chuyển thôi.Hôm nay những chiếc lá bắt đầu chuyển vàng, một số đã bắt đầu rụng. Bên kia dại dương, những người bạn tôi đã bắt đầu khoe hình những bông hoa đào bung nở
05/03/2018(Xem: 8565)
Nạn cướp lộc mong cầu may mắn Tranh đua nhau xô đẩy tả tơi Tung tiền ném liệng tới nơi Nhìn xem cảnh tượng tơi bời lá hoa . Kẻ bói quẻ xin xăm khấn vái Cầu công danh sự nghiệp dài lâu Chẳng tham học quán thâm sâu Cuộc đời vẫn cứ lo sầu mãi thôi . Tâm ta an chẳng cầu cũng phước Lòng ta yên mọi việc đều yên Thế gian lắm nỗi truân chuyên Tìm về Chánh Pháp vui niềm lớn vui . Tánh Thiện 4-3-2018
05/03/2018(Xem: 9938)
Rằm Tháng Giêng năm Mậu Tuất (3/3/2018) do Chư Tôn Đức Ni chứng minh và hướng dẫn đại lễ: 1/ Ni Sư TN Huệ Khiết Trú Trì Chùa Báo Ân - Sydney Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Từ Thiện Xã Hội GHPGVNTN 2/ Ni Sư TN Như Như Chùa Báo Ân - Sydney 3/ Ni Sư TN Hạnh Từ Tịnh Thất Huê Lâm - Sydney 4/ Ni Sư TN An Hiếu Chùa Pháp Hưng - Brisbane 5/ Sư Cô TN An Thảo TỊnh Xá Minh Đăng Quang Sydney 6/ Sư Cô TN Thảo Liên TV Minh Quang - Sydney 7/ Sư Cô TN Thành Liên TỊnh Xá Minh Đăng Quang -
04/03/2018(Xem: 13178)
Hình ảnh Tu Viện Quảng Đức tổ chức Hành Hương Thập Tự đầu Xuân Mậu Tuất, Chủ Nhật 4-3- 2018, nhằm ngày 17 tháng giêng âm lịch, viếng thăm lễ Phật 10 Chùa: 1/ Tu Viện Quảng Đức, 2/ Chùa Linh Sơn; 3/ Chùa Hoa Nghiêm; 4/ Chùa Minh Nguyệt; 5/ Chùa Giác Hoàng; 6/ Tu Viện Từ Ân; 7/ Chùa Phật Quang; 8/ Chùa Quang Minh; 9/ Chùa Tây Tạng; 10/ Chùa Tích Lan
03/03/2018(Xem: 9942)
Chùa Pháp Quang mừng Xuân Mậu Tuất 2018
03/03/2018(Xem: 9018)
Pháp Hội Dược Sư Xuân Mậu Tuất 2018 tại Chùa Pháp Vân
02/03/2018(Xem: 5766)
Chiều nay dường như hương vị ngày xuân vẫn còn đọng lại trong tôi và đang len lõi dần trong từng hơi thở, mơn man từng thớ thịt trên gương mặt của người con xa quê hương. Rồi ngồi nghe khúc nhạc“Mẹ hiền yêu ơi, Xuân sau con sẽ về,Mẹ chớ buồn lòng nặng trĩu niềm đau, Xuân năm nay Xuân mang nhiều nỗinhớ, Xuân mong chờ Xuân cô quạnh Mẹ ơi….”, chợt thương mình đôi mắt cứ mờ dần mờ dần khi chạm vào nỗi nhớ, nước mắt đong đầy bờ mi. Hẳn nhiên, cuộc đời đang chảy trong một vòng xoay giữa quá khứ và hiện tại, sống chậm để nâng niu từng hơi thở mỗi phút giây, cũng là cách cảm ơn đấng sinh thành đã cho ta hình hài và có mặt trên cuộc đời.
02/03/2018(Xem: 9855)
Xuân Đạo của Thích Chúc Hiền, Ngày mai nắng ấm tiết xuân sang, Én lượn mây thêu dệt mộng vàng. Tuệ nghiệp vun trồng hoa giác nở, Tâm thiền tỏa chiếu bóng mê tan. Nhàn chân rảo bước miền An Lạc, Thoả chí ngao du chốn Niết Bàn. Thắm vẻ xuân sang, xuân bất diệt, Xuân thiền, xuân đạo, mãn xuân tâm...!
02/03/2018(Xem: 5671)
Ý nghĩa và nguồn gốc về ngày Tết Nguyên Tiêu, “Thế là lại thêm một lần Tết. Lẽ đời đã biết được gì đâu. Thời gian lừng lững đi mải miết. Một đời tha thiết chỉ bắt đầu.” Tết Nguyên Tiêu là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, cho nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng. Vì vậy có câu Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng lễ rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt.
01/03/2018(Xem: 13646)
Cảm ơn Bác Minh Đạo và Thi Hữu Tánh Thiện đã gởi lời chia sẽ và Chúc lành. Chúc Hiền cảm động cảm tác bài thơ nhỏ kính gởi tặng Bác và Thi Hữu Tánh Thiện và tỏ lòng tri ân đến TT. Thích Nguyên Tạng và ĐĐ. Thích Hạnh Tuệ đã hoan hỷ cho online những cảm tác của CH, Bác Minh Đạo và Thi Hữu Tánh Thiện để chia sẽ cùng bạn đọc bốn phương.Cầu Phật gia hộ cho TT. Thích Nguyên Tạng, ĐĐ. Thích Hạnh Tuệ, Bác Minh Đạo , Thi Hữu Tánh Thiện và bạn đọc bốn phuong thân lạc tâm an luôn vui khoẻ! Năm ngoái nhân chuyến ủy lạo cứu trợ Vạn Giã, Nha Trang Chúc Hiền có duyên lành được gặp TT. Thích Nguyên Tạng. Trước khi Thượng Toạ rời Việt Nam để về lại Úc Thượng Toạ có gởi cho Chúc Hiền tin nhắn Chúc lành và Thượng Toạ có nhã ý bảo Chúc Hiền gởi những cảm tác về Trang Nhà Quảng Đức để Thượng Toạ cho online. Đáp lại tấm thịnh tình của Thượng Toạ, sau khi cảm tác 8 bài thơ Hoài Cảm, Chúc Hiền có gởi về Trang Nhà Quảng Đức ngay. Nhung không biết Thượng Toạ có nhận được không mà không thấy online. Chúc Hiền t
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]