Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Xuân Thiền

26/12/201023:14(Xem: 3959)
Xuân Thiền


XUÂN THIỀN

Thích Thông Huệ

Đề tài này có vẻ lạ lẫm đối với người đời, nhưng quen thuộc với những người con Phật, và đặc biệt thân thiết với các Thiền Sinh, vì liên quan đến công phu tu tập hàng ngày.

Nói về mùa xuân, ai cũng hình dung đến những điều tốt đẹp đang chờ đón mình trong năm mới. Nhưng rồi mùa xuân cũng đi qua, xuân năm nay trở thành xuân năm trước. Thời gian qua không bao giờ trở lại, như tuổi già không thể quay về thời trai trẻ, con người mỗi ngày một tiến gần đến cái chết. Hiểu rõ điều này không phải để chúng ta có cái nhìn yếm thế bi quan về cuộc đời, mà để nhận ra sự bình đẳng tuyệt đối của lý vô thường chi phối mọi loài vật. Từ đó ta có cách sống phù hợp với đạo lý, chuẩn bị chu đáo cho ngày từ giã cõi đời.

Thiền sư Thiên Tùng có bài kệ :

Sáng nay đều nói thêm một tuổi
Tôi bảo ngày này bớt một năm
Thêm bớt lại qua số khôn tính
Chỉ cần dứt sạch duyên thế gian
Cốt là biết được trong duyên chủ
Trăm ngàn ức kiếp thường an nhiên

Các Thiền sư cũng thường làm thơ, nhưng thơ của các Ngài không chứa đựng những tình cảm thông tục mà trái lại, tràn trề đạo vị. Mượn cảnh bên ngoài, các Ngài diễn tả nội dung tâm chứng của mình, đồng thời nhắc nhở cảnh tỉnh cho người. Sáng ngày mùng một Tết, ai nấy đều mừng nhau thêm một tuổi, chúc nhau tấn tài tấn lợi, hạnh phúc tràn đầy. Chỉ riêng Thiền sư lại thấy mọi người bớt đi một năm trong quỹ thời gian hạn hẹp. Tuy vậy, " Nói thêm nói bớt nói lại nói qua" chỉ là những con số tương đối theo quy ước của người đời. Thật sự, thời gian vốn vô cùng, không gian vốn vô biên, làm sao cân đo đong đếm? " Dứt sạch duyên thế gian" không phải trốn vào rừng xanh tránh duyên, mà vẫn tiếp duyên nhưng không dính mắc với trần cảnh. Chủ yếu là làm sao trong muôn duyên nhận ra " duyên chủ", thì dù trải qua trăm ngàn ức kiếp cũng đều an nhiên tự tại.

Người chủ trong muôn duyên ấy là ai? Làm sao có thể tự tại giữa hai bờ sinh - tử, làm sao vĩnh viễn trong Xuân thiền khi bốn mùa đất trời vẫn mãi luân lưu bất tận?.

Nhiều tiền thân của Đức Thích Ca là bậc Đại thí chủ. Ngài đã bố thí cúng dường những vật phẩm mà người đời không sao bắt chước được : Tài sản, vợ con, thậm chí móc mắt, chặt tay, chẻ xương, lóc thịt ... để cầu Đạo Vô Thựơng. Nếu hiểu theo nghĩa thông thường, ta khó thể tin được điều phi thực tế ấy. Bởi vì, trừ tiền bạc tài sản, chẳng ai cần đến các bộ phận trong cơ thể ta, trừ những người bệnh phải ghép cơ quan tạng phủ, mà cũng phải trải qua rất nhiều thủ tục xét nghiệm và phẫu thuật phức tạp mới có thể sử dụng được. Thật ra đây chỉ là ẩn dụ. mượn hình ảnh diễn tả công phu tu hành : "Bố thí" là buông xả, không đắm nhiễm, không dính mắc. Người đời khi mắt vừa thấy sắc liền khởi niệm phân biệt đẹp xấu, đẹp khen xấu chê, khen rồi muốn chiếm hữu, xấu lại mong xa lánh. Tương tự khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi ... Từ đó tạo nghiệp, nghiệp thiện dẫn đến ba đường lành (Trời - Người - A tu la), nghiệp ác đưa vào ba đường dữ ( Địa ngục - Ngạ quỷ - Súc sanh). Riêng những bậc đạt đạo, dù đang ở trong trần thế, sáu căn vẫn tiếp xúc với sáu trần, vẫn rõ ràng thấy nghe hay biết, nhưng tâm các Ngài không vướng bận, không dao động, ấy là thực hiện hạnh bố thí tích cực và đầy đủ ý nghĩa nhất.

Luật sư Nguyên đến hỏi Thiền sư Huệ Hải :

- Hòa thượng có dụng công tu tập chăng

Thiền sư đáp :

- Có dụng công

Luật sư hỏi tiếp :

- Hòa thượng dụng công thế nào

- Đói đến thì ăn, mệt đến thì ngủ.

- Mọi người ai cũng như vậy, có thể cho là dụng công giống Hòa thượng chăng?

- Chẳng giống. Khi đói họ chẳng chịu ăn, đòi trăm thứ. Khi mệt chẳng chịu ngủ, tính toán đủ điều.

Phật Hoàng Trần Nhân Tôn trong bài Phú cư trần lạc đạo có bài kệ :

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Nghĩa :

ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báo thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền

Là người, ai cũng có những nhu cầu thiết yếu, trong đó ăn và ngủ là đòi hỏi tự nhiên theo quy luật sinh tồn. Nhưng do sử dụng ý thức phân biệt, nên ăn thì đòi món ngon vật lạ, ngủ còn suy nghĩ tính toán được mất hơn thua. "Đói ăn mệt ngủ" của các Thiền sư, mới nghe tưởng đơn giản nhưng thật sự, đó là cơ phong cao vút của các bậc ngộ đạo hồn nhiên xứng tánh. Các Ngài vẫn ăn vẫn ngủ, nhưng với tinh thần tuỳ duyên, không chọn món ăn ngon, nơi ngủ tốt, cũng không bắt cơ thể chịu đói khát mệt nhọc. Khổ hạnh ức chế là trái với tự nhiên, buông lung hưởng thụ lại sa vào tội lỗi, cả hai cực đoan đều không phù hợp với lý Trung đạo của nhà Phật. Các Ngài đã nhận ra và hằng sống với "Của báu trong nhà", nên ở giữa chợ đời mà vẫn vui với Đạo. Hàng ngày vẫn đối diện với cảnh mà không sinh tâm phân biệt thị phi tốt xấu, vẫn giữa muôn duyên mà tuỳ duyên tiêu nghiệp cũ, thì ngay đó là sống Thiền, đâu cần hỏi Thiền làm chi nữa?
Nhưng làm sao nhận ra "Của báu trong nhà" ?

Chúng sanh vô minh chấp thân tứ đại là thật, chấp tâm sinh diệt là thật mình, từ đó tạo nghiệp thiện ác rồi quẩn quanh trong lục đạo. Những bậc Giác ngộ nhận ra thân tâm cảnh đều do duyên hợp huyễn có, như điện chớp như sương mai. Ánh sáng giác ngộ bừng lên, bóng tối vô minh tự dưng không còn; như căn nhà muôn đời tối tăm, khi đèn bật lên tự nhiên sáng rực.Bóng tối lúc ấy trú ẩn nơi nào? Bóng tối không chạy đi đâu khác, ánh sáng cũng không có chổ cư ngụ. Chúng chỉ là hai mặt của thực thể, tạm thời đối đãi qua lại. Tâm người cũng thế khi còn vọng tưởng phiền não tức còn trong bóng tối, khi dứt bặt vọng niệm mà vẫn thấy biết rõ ràng là lúc ánh sáng bừng lên. Như vậy, chúng sanh và Bồ tát đều cùng một bản thể là Tánh giác thường trụ, sẵn đủ ở mọi loài, nếu quên (mê) là phàm phu, nhớ lại (ngộ) là Hiền Thánh.

Mặt khác, những đợt sóng tâm thức chợt có chợt không, mang hình tướng của pháp trần nên có sinh có diệt, còn tánh giác không hình tướng nên không hề có đến đi sinh diệt bao giờ. Phần hữu hình là Sắc, bị hạn cuộc về thời gian và không gian, thuộc Tích môn. Phần ẩn tàng là Không, là thể tánh nguyên vẹn của vũ trụ vạn loại, thuộc về Bản môn. Đời là mặt hình tướng biêủ hiện, Đạo là phần ẩn tàng không hình tướng. Nhưng người tu không phải bỏ đời cầu đạo, mà từ thế giới hữu vi của Đời mà nhận ra lý Đạo vô vi. Thiền sư Linh Vân trãi qua ba mươi năm đi tìm lẻ thật, chỉ thấy có lá cành rụng khô. Không ngờ của báu sẵn đủ trong nhà, vì mãi phóng tâm đuổi theo cảnh mà cô phụ chính mình. Khi đủ thời tiết nhân duyên, nhìn hoa đào nở, Thiền sư hoát nhiên đại ngộ. Chân lý nào ở nơi hoa đào nở? - Hoa tàn hay nở là sự biến đổi tất nhiên của các pháp. Thiền sư đứng trước Hoa, không khởi niệm dính mắc trên hoa cũng không nhắm mắt chẳng nhìn, mà ngay nơi hoa trực nhận tánh thấy, trở về con người chân thật ban sơ, chưa bao giờ vắng thiếu.

Một vị Tăng hỏi Thiền sư Huệ ở Hoa Nghiêm :

- Người xưa nói: "Vọng tâm không chổ nơi tức Bồ đề". Vậy ngay khi đang vọng có Bồ đề không ?

Thiền sư trả lời :

- Lời đáp đã rõ.

Tăng thưa :

- Con không hội.

- Vọng tâm không chổ nơi tức Bồ đề.

Câu đáp của Thiền sư thật không có chổ cho đương cơ bám víu. Nếu Ngài bảo "có" hay " không có Bồ đề". Ngay khi niệm khởi, biết niệm chỉ là hư dối (vọng), tức không chổ nơi sinh ra. biết rõ như thế là Giác (Bồ đề), ngay đó tức là vô sanh (Niết bàn). cảnh giới Niết bàn không ở đâu xa mà ngay đương xứ, khi tâm Đốn ngộ lập cước trên cái thấy như thị, quán triệt thực tướng các pháp đang là trong sát na hiện tiền bất động. Nhận ra sát na vĩnh cữu ấy, Ngài Ca Diếp mỉm cười trong hội Linh Sơn, Lục tổ Huệ Năng thốt lên : "Đâu ngờ tánh mình xưa nay thanh tịnh ...". đời tu của các Ngài vượt qua một bước trọng đại, nhà Thiền gọi là chuyển Y, rắn hóa rồng không đổi vảy.

Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả truyện Kiều bất hủ, trong giây phút chợt tỉnh trước tảng đá phân kinh của Thái Tử Lương Chiêu Minh, đã có những câu thơ xuất thần.

Nhân liễu thử tâm nhân tự độ
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu

Và :

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ
Tái tri vô tự thị chân kinh.

Thái Kim Lan dịch :

Người tu được tâm độ ấy rồi
Linh Sơn chỉ ở long người thôi

Và :

Ta đọc Kim Cương trên nghìn lượt
Lắm điều sâu kín hiểu không rành
Đài đá phân kinh nay được đến
Mới hay “không chữ” ấy chân kinh.

Một bậc trí đức tài hoa siêu tuyệt như thế, nghiên cứu kinh Kim Cương công phu khó ai sánh nổi như thế, vẫn phải than rằng, còn lắm điều sâu kính diệu mầu chưa hiểu thấu

Bởi vì, hiểu kinh bằng ý thức phân biệt, bằng tư duy của chất xám thì chỉ hiểu trên mặt văn tự ngôn ngữ, chưa phải là kinh thật. Khi mọi vọng niệm bặt dứt, xoay lại chính mình bắt gặp con người chân thật hằng hữu, mới hay hội Linh Sơn chỉ tại “tâm đầu”, mới hay chân kinh chính là “Kinh vô tự”.

Kinh vô tự mới là kinh chân thật. Vì cớ sao? Vì ở nơi ấy không thể dùng lời diễn tả, không thể dùng ý nghĩ suy. Bặt đường ngôn ngữ, dứt tuyệt tâm hành mà vẫn tường tận rõ biết. Như Lão tử đã nói : “Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh”. Đạo mà còn nói được chưa phải là Đạo thường, Danh mà còn gọi tên được chưa phải là Danh thường. Đạo và Danh chân thường không hình tướng nên không đến đi, không tư lường được nên không có tên gọi. Và cũng vì không tên nên được đặt rất nhiều tên, tùy cảm nhận của đương cơ khi sáng Đạo ( Phật tánh, Pháp thân, Chân tâm, Bản lai diện mục, Ông chủ …) hoặc khi muốn khai thị cho người (Cây Bách trước sân, ba cân gai …). Liên hệ đến cảnh Xuân, các Ngài cũng đã thi vị hóa con người chân thật ấy bằng nhiều tên : Nhất Chi Mai của thiền sư Mãn Giác, Chúa Xuân của sơ tổ Trúc Lâm, Tâm xuân của thiền sư Tuyết Đậu …

Thiền sư Thanh Viễn Phật Nhãn đời Tống diễn tả mùa xuân của Ngài như sau :

Ngày xuân xuân trong núi
Việc xuân thảy đều xuân
Hồ xuân ánh xuân chiếu
Khí xuân hết mây xuân
Khách xuân lòng xuân động
Thi xuân xuân càng tươi
Chỉ có xuân biết xuân
Muôn kiếp một mùa xuân.

Quả là một mùa xuân sung mãn, hiện diện khắp mọi nơi, từ cảnh vật bên ngòai đến tận đáy sâu tâm thức. Thiền sư tu trên núi, thấy ánh nắng ấm áp chiếu trên mặt hồ xanh biếc, không khí trong lành thoang thoảng hương hoa, vài cụm mây trắng bồng bềnh trôi trên bầu trời thênh thang … Ngài biết mùa xuân đất trời đang đến. Người đời trước cảnh xuân, ai cũng thấy lòng rộn rã theo sự đổi mới của thiên nhiên, tươi trẻ theo sắc màu lộng lẫy của ngàn hoa, tưng bừng theo tiếng chim líu lo trên cành. Tâm hồn người biết Đạo cũng chan hòa với vạn vật, nhưng các Ngài thật sự sống với chúa Xuân, thưởng thức Xuân đời bằng Tâm Xuân, nên muôn kiếp vẫn chỉ một mùa Xuân ấy. Khi ngắm cảnh mà có ý thức phân biệt ta là người ngắm, cảnh là đối tượng được ngắm, thì người thưởng xuân chỉ là khách. Nhưng khi Tâm Xuân thưởng ngoạn Xuân đời, thì tất cả đã hòa quyện thành một thể nhất như. Chúa Xuân hiển hiện rõ ràng, luôn luôn có mặt.

Khi vua Lý Thái Tông vào núi thăm Thiền sư Thiền Lão, vua hỏi :

- Hòa thượng ở núi này bao lâu?

Thiền sư trả lời bằng hai câu kệ :

Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu

Dịch :

Sống hôm nay biết hôm nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì

Người đời luôn bận rộn với biết bao nhiêu ý nghĩ, hết suy tính chuyện tương lai đến hoài niệm về quá khứ. Thiền sư thì không thế, các Ngài luôn an trú vững chãi trong giây phút hiện tại, chánh niệm tỉnh giác trên từng biến dđộng của thân, từng thay đổi của tâm và chuyển dời của cảnh. Thân tâm cảnh vô thường chi phối, song các Ngài vẫn viên mãn trong sát na hiện tiền bất động. Vì sao được như thế?. Bởi vì :

Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân

Dịch :

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây bạc hiện tòan chân

Trực nhận và hằng sống với chánh giác chân thường, thì mọi vật hữu hình hay vô hình đều nằm trong ánh giác, đều hiển hiện pháp thân thường trụ. Có phải đây là khoảnh khắc thiên thu mà “Tình dữ vô tình tề thành Phật Đạo”?. Chạm mắt tức Bồ đề, Ta Bà thành tịnh độ, tất cả pháp thế gian chẳng phải là pháp Phật đó sao?
Đối với những bậc đạt đạo, tất cả pháp đều là pháp Phật vì các Ngài đã thẩm thấu tinh thần bất nhị, tư tưởng vút cao của Phật môn. Trong thường tục mà siêu tục, trong khổ đau có hạnh phúc, trong ràng buộc có giải thóat. Không thể tìm hạnh phúc chân chính, tìm giải thoát tuyệt đối ở ngoài chốn đau khổ ràng buộc, cũng như tìm Chúa Xuân không phải chờ mùa đông đi qua. Bởi vì chúa Xuân luôn có mặt, sự an lạc xuất thế gian vẫn được hiện hữu ngay trong cuộc sống đời thường, khi vẫn hay biết rõ ràng mà không còn khởi niệm phân biệt hai bên. Đến đây thì “Thênh thang bầu trời rộng, đứng riêng trong mù tột”. Như Thiền sư Tuyết Đậu ngắm cảnh xuân về trên núi, thấy cành xanh trùng điệp, nước hồ long lánh, trời xanh bát ngát.Tâm Ngài chan hòa cùng muôn tượng mà vẫn đứng riêng trong mù tột, ngay trong cảnh thế gian mà vẫn an vị nơi xuất thế. Từ đó, chúng ta thấm thía hai câu kệ thường được nhắc đến trong nhà Thiền :

Bóng trúc quét sân trần chẳng động,
Vầng trăng xuyên biển nước không chao.

Trong thế giới hữu vi, các Thiền sư vẫn sinh hoạt, vẫn thi thiết nhiều phương tiện độ sanh. Nhưng dù việc gì, ở đâu, các Ngài vẫn luôn an trú ở vô vi, như bóng trúc quét sân không làm bụi bay, vầng trăng chiếu bóng xuống biển không làm nước chao động. Như thế, xuất trần là ở trong trần mà không vướng nhiễm bụi trần, xuất thế gian là vẫn ở trong thế gian mà không bị phiền lụy bởi cuộc sống thế gian. Hình ảnh ông già tay cầm bình rượu tay xách cá chép, bức tranh cuối cùng trong mười bức tranh chăn trâu Thiền tông, là hình ảnh đẹp tuyệt của những bậc giác ngộ đi vào cuộc đời, tùy duyên hóa độ muôn loài mà không thấy có chúng sanh nào được độ.

Áp dụng vào công phu tu tập, trước hết chúng ta cần dọn dẹp rác rưởi trong kho tâm thức, tức những nghiệp ác của thân miệng ý tích chứa bao đời nay. Dùng nghiệp lành thay thế nghiệp ác, dần dần ta trở nên người hiền thiện, ý luôn nghĩ điều lành, miệng luôn nói lời lành và thân luôn làm việc lành. Ta tưới tẩm tâm mình bằng những ý nghĩ lạc quan tích cực, yêu đời yêu người, mong muốn mọi người đều được hạnh phúc. Tâm ta dần trải rộng, ta thương yêu đồng loại bằng tình thương bình đẳng vô vị lợi, vì biết ai cũng có những nỗi khổ niềm đau cần chia sẻ.

Tích cực làm lợi ích cho người, theo luật nhân quả, tự thân tâm ta thấy an lạc, hòa đồng với tất cả, phiền não tham sân si dần dần giảm thiểu. Theo tinh thần Phước – Huệ song tu, một mặt ta tinh tấn tu hành, một mặt nổ lực giúp đỡ người khác tùy hoàn cảnh và khả năng của mình. Quán chiếu Bát Nhã sâu sắc, thiền sinh thấy rõ thân tâm đều do duyên hợp, chỉ giả lập mà không thật có, thì bao nhiêu phiền não nhiễm nhơ chỉ là hoa đốm giữa hư không. Khi đủ thời tiết nhân duyên, nhận ra con người thật của chính mình, đời tu ta đã có sự chuyển hóa tận gốc rễ. Ta đã có nơi chắc chắn để an thân lập mệnh, đường ta đi không còn lầm lạc, niềm tin ta không cách gì làm lung lay được nữa.

Biết rõ thân tâm cảnh đều không thật, thiền sinh có thể chịu đựng và bình tĩnh ứng phó trước sự thuận nghịch của hoàn cảnh và sự đổi thay của lòng người. Tám gió là thước đo định lực của người tu : lợi lộc, tổn hao, phỉ báng, khen ngợi, ca tụng, nói xấu, cảnh khổ, niềm vui. Đối với người này, tám hòan cảnh trên như những trận bão, với người khác như ngọn gió mạnh, với người tu khá hơn thì chỉ như cơn gió hiu hiu. Đến lúc nào đó, trước tám gió mà ta vẫn bất động an nhiên, tự biết công phu tu tập của ta đã tiến một bước dài.

Ngạn ngữ Anh có câu :

Tự xét mình miễn là không thẹn
Thị phi miệng thế có ngại gì

Cái chấp hai bên là tập khí cố hữu của con người : ưa thiện ghét ác, khen tốt chê xấu … đưa đến thị phi nhân ngã, đầu mối của sự tranh chấp bất hòa làm tổn thương cho mình cho người. Đời sống Thiền tập giúp người tu luôn xoay lại chính mình, sống với những thời khắc hồn nhiên của tự tánh, siêu vượt thế giới của phân biệt nhị biên. Sự hồn nhiên biểu hiện qua phong cách hàng ngày, tiếp cảnh mà không duyên theo cảnh, sống giữa các pháp mà không làm bạn với pháp nào.

Mặt khác, chúng ta cần cảnh giác với những thuận duyên, vì lửa nóng dễ tránh mà nước mát lại thường làm chết chìm. Hòan cảnh luôn xuôi thuận, làm việc gì cũng thành công, được nhiều người ca tụng, khen ngợi … thường làm con người sinh tâm kiêu mạn, từ đó đường tu đi xuống mà không biết. Ngược lại, nghịch cảnh giúp ta thức tỉnh, cảm nhận sự bất toàn của cuộc sống nên bớt đắm luyến dục lạc thế gian. Gặp nhiều gian nan trở ngại, ta có cơ hội nuôi dưỡng ý chí kiên cường, cố gắng vượt qua sóng to gió lớn. Ví như cái cây mọc trên đất mầu mỡ, thường mau lớn và mau ra hoa kết trái, nhưng lại dễ đổ ngã khi gặp trận cuồng phong. Còn một cây mọc nơi đất đá cằn cỗi, tuy chậm phát triển nhưng khi đã đủ mạnh, lõi cây thường cứng và vững chãi hơn rất nhiều. cho nên, người tu chúng ta không sợ thất bại mà nên tỉnh giác trước thành công; và khi định lực tăng tiến, ta siêu vượt những niềm đau nỗi khổ cùng những niềm vui mừng của thế tục.Tuy tập khí vẫn còn và đôi lúc vẫn bùng lên mãnh liệt, nhưng nhờ công phu thiền tập, ta có sức kham nhẫn tự chủ, không để lạc vào lối rẽ đường mê.

Thiền sư Vạn Hạnh từng bảo :

Sá chi suy thịnh việc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành

Nếu chúng ta dính mắc vào đời suy thịnh, ta cứ mãi làm khách phong trần, lang thang vĩnh kiếp trong lộ trình sinh tử. Nếu biết thịnh suy, vinh nhục chỉ như giọt sương trên cành cây ngọn cỏ, hư dối không thật, ta có thể an nhiên tự tại trước mọi hòan cảnh. Tự thân công phu theo chánh pháp, nếm mùi pháp hỉ thiền duyệt, ngay nơi bất an mà biểu hiện tự do, ngay chổ ồn ào xáo động mà sống trong sát-na bất động. Khi biết được mình là ai, đời tu của ta tăng tiến rất nhanh mà không sợ lạc lầm. tất cả các pháp luôn chuyển biến theo tiến trình nhân quả, bốn mùa đắp đổi theo nhau, nhưng ngay trong lòng sự biến chuyển đó, vẫn có một cành hoa xuân mãi không bao giờ tàn rụng.

Thiền sinh chúng ta là những người diễm phúc, hưởng được Xuân đời và cả Xuân đạo. trời đất như quán trọ, chúng sanh lên xuống ba cõi như khách qua đường, có khi tạm nghĩ chân giây lát rồi lại tiếp tục cuộc hành trình thiên lý. Nguyên nhân chỉ do điên đảo chấp thân tâm mình là thật, chấp cảnh bên ngòai là thật nên quay cuồng theo chúng mà tạo nghiệp sinh tử. Nếu biết tất cả những biến đổi của thân tâm cảnh đều là khách, con người chứng kiến mọi biến đổi ấy, người không hình tướng luôn hiện diện vượt thời gian, không gian mới là con người chân thật, chúng ta đã có nơi nương tựa vững chắc đời đời. Khi ấy, ta mới thật sự hưởng một mùa xuân bất diệt, mới sống trọn vẹn trong Xuân thiền.

Cầu chúc tất cả chúng ta đều biết cách quay gót trở về quê nhà muôn thuở, vĩnh viễn an vui trong xuân thiền – bây giờ và mãi mãi.

Người gửi bài: Toàn Trung
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/01/2017(Xem: 8940)
Thường thì người dân tìm gà quý, cá ngon, giết lợn, mua bia, mua rượu,… về để mừng đón năm mới. Đa phần người dân làm như vậy. Thế còn, Phật tử chúng ta làm gì để đón năm mới. Tôi xin kể ra đây những việc làm của các Phật tử tại 3 địa điểm khác nhau, thuộc 3 đối tượng khác nhau. Mong rằng các câu chuyện sẽ mang đến cho người đọc hương pháp mùa xuân.
24/01/2017(Xem: 4052)
Phù sa ngơ ngẩn chạy ra đồng Tội lá buông tay níu cội nguồn Mây ước ao về làm sóng quẫy Đâu ngờ khi chết cũng thành sông
24/01/2017(Xem: 4119)
Nắng xuân ấm cả đất trời Tình xuân mang đến lòng người vui tươi Hoa xuân luôn nở nụ cười Nàng xuân dạo mát rong chơi phố phường .
24/01/2017(Xem: 6940)
Lâm Bô (968-1028) thi nhân thời Tống, tự Quân Phục người Tiền Đường ( nay thuộc Hàng Châu Chiết Giang ). Thời trẻ thường đi du ngoạn miền Giang Hoài, về già quy ẩn Tây Hồ, Hàng Châu ở một mình trên núi, trồng mai nuôi hạc, không ra làm quan, không lấy vợ, “ mai là vợ, hạc là con” Năm Thiên Thánh thứ 6 ông mất, Tống Nhân Tông ban thụy là Hòa Tĩnh tiên sanh. Tác phẩm: Hòa Tĩnh thi tập 4 quyển, bổ di 1 quyển.
22/01/2017(Xem: 4696)
Mỗi cuối năm khi hoa mai, hoa đào bắt đầu nở, khi ngoài trời vài cơn gió hiu hiu lạnh nhẹ nhàng lướt qua trên cành cây ngọn trúc, thì chúng ta biết là mùa Xuân đang về. Mùa Xuân chưa hẳn là mùa đẹp nhất trong năm, nhưng mùa Xuân là mùa mà cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, là mùa của các loài hoa có tên hay không tên đua nhau rộ nở khoe sắc, mùa mà theo truyền thống phương Đông mọi người dù nghèo hay giàu, dù đang thảnh thơi nhàn hạ hay đang tất bật làm ăn cực khổ ở nơi xa, cũng đều mong muốn quay về sum họp với gia đình: cha mẹ, vợ chồng, con cái, để cùng nhau đón chào mùa Xuân mới.
22/01/2017(Xem: 5007)
Tết Nguyên đán bước sang năm mới 2017 theo chu kỳ can chi là tết Đinh Dậu, Tết con gà. Trong đời thường lẫn văn học nghệ thuật dân gian, hình tượng con gà gắn bó mật thiết với hình ảnh của sự chăm chỉ, dũng mãnh “gà trống gọi mặt trời”, tình mẫu tử “gà mẹ xù lông bảo vệ con” hay như một lời chúc cho cho gia đình con cháu đề huề, vợ chồng mới cưới sớm có con qua bức tranh “Đàn gà mẹ con” của dòng tranh Đông Hồ nổi tiếng…
22/01/2017(Xem: 5229)
_ Chiều chiều con quạ lợp nhà Con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh Câu hát đơn giản truyền đi một thông điệp hoà bình và hạnh phúc, giấc mơ đã xuyên triền miên qua nhiều thế hệ. Ước mơ hòa bình : quạ là loài ác điểu chuyên ăn cướp trứng và bắt cóc gà con ; gà là loài gia cầm hiền lành, nhưng khi bảo vệ ổ trứng và đàn con cũng trở thành hung tợn, thường đánh bạt đối phương. Ở đây hai con chim thù địch hợp tác làm chung một việc. Quạ chim trời, ở vị thế cao, làm việc chủ đạo là lợp nhà ; gà, chim chuồng, ở vị trí thấp, đưa tranh làm việc trung gian ; cu, biểu tượng cho tình yêu đôi lứa, chẻ lạt, tạo điều kiện ràng buộc.
22/01/2017(Xem: 4764)
Con Gà cục tác lá chanh Con Lợn ủn ỉn mua hành cho tôi Con Chó khóc đứng khóc ngồi Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.
22/01/2017(Xem: 6437)
Hạ Vy - Mùa Xuân Em Đi Lễ Chùa (Kiều Tấn Minh, thơ: TNT Mạc Giang)
21/01/2017(Xem: 5861)
Pháo xuân dồn dập tưng bừng Hoa xuân lộng lẫy đón mừng tuyết tan Mưa xuân réo rắt ngoài sân Nhạc xuân rộn rã gieo ngàn niềm vui Hương xuân thanh thoát tuyệt vời Nàng xuân e ấp dạo chơi cõi trần Tâm xuân an lạc thanh nhàn Gió xuân lồng lộng nồng nàn tin yêu Tình xuân phơi phới yêu kiều Trời xuân ưu ái nuông chìu thế gian Thư xuân hồng thắm tình thân Chúa xuân hoan hỷ giáng trần vui chơi
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]