Cap Anamur
Bài của Hoa Lan Thiện Giới
Biến cố 30 tháng 4 năm 75 không những làm đảo lộn cuộc sống của người dân miền Nam, làm xóa tan một chính thể Cộng Hòa nhân bản mà từ Đệ Nhất tới Đệ Nhị Cộng Hòa đều mang đến tự do, hạnh phúc cho người dân. Không như sáo ngữ "Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa - Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc", nghe như một liều thuốc tê làm mất hết cảm giác và trở thành con người vô cảm lúc nào không hay!
Các tay phản chiến lừng danh trên thế giới như bên Mỹ có cô đào điện ảnh Jane Fonda, bên Pháp có triết gia hiện sinh như Jean Paul Sartre và biết bao nhiêu phản chiến khác đã xuống đường biểu tình chống Mỹ thả bom xuống Hà Nội vào những năm đầu 70. Họ đã thành công khi tạo nên dư luận ép Quốc hội Mỹ phải ngừng viện trợ cho Miền Nam và rút quân về. Đồng nghĩa là Mỹ đã trắng trợn bỏ rơi Đồng minh là Việt Nam Cộng Hòa, cho Đồng chí Việt cộng vào giải phóng Miền Nam. Kết quả hoàn toàn đông lạnh, chỉ vài năm sau cả nước trước từ Nam sau ra tới Bắc, đều bỏ nước leo lên tàu chạy bán mạng ra nước ngoài.
Tình hình nước Đức lúc bấy giờ vẫn chia đôi, Tây Đức theo tư bản nên sống trong tự do và thịnh vượng, Đông Đức theo chủ nghĩa xã hội nên vẫn xếp hàng dài dài mua nhu yếu phẩm. Bắt đầu vào những năm 1978, trên những Đài Truyền hình cơ bản của Tây Đức tức Cộng Hòa Liên Bang Đức như ARD và ZDF, chiếu liên tục các cảnh tượng thê thảm của những chiếc tàu ọp ẹp sắp chìm ngoài Biển Đông, trên chứa biết bao con người từ đàn bà, trẻ em, già trẻ lớn bé đủ cỡ, đang giơ cao các tấm bảng SOS hay cờ trắng một cách tuyệt vọng. Họ chờ đợi một chiếc tàu nào đó đến cứu, đưa họ đến một bến bờ bình yên. Cụ thể hơn là vào mùa Thu năm 1978, tin tức từ chiếc Tàu Hải Hồng, rồi Tùy An và Huy Phong gồm 10 ngàn người đang lênh đênh ngoài Biển Đông, mà không một nước nào nhận cho vào.
Những tin tức và hình ảnh khốn khổ về các thuyền nhân Việt Nam trên biển, đã làm dư luận người dân Tây Đức lúc ấy thương cảm, họ muốn chính phủ ra tay cứu vớt. Nhưng các Đảng phái lớn như CDU và SPD còn mãi cãi nhau chưa thống nhất, "ja oder nein" hay "yes or no" còn phải biểu quyết qua Quốc hội Liên bang.
Nhưng vào ngày thứ sáu 24 tháng 11 năm 1978, ông Thủ hiến bang Niedersachsen Dr. Ernst Albrecht (1976 - 1990) đã tự quyết định trong quyền hành của bang mình, thu nhận 1.000 thuyền nhân trên chiếc tàu Hải Hồng, đang chơi vơi trên biển cả, họ là những thuyền nhân đầu tiên được đón nhận vào xứ Tây Đức. Hành động này của ông "Bồ Tát" Albrecht, đã thức tỉnh các đảng phái khác trong chính quyền, họ ra luật cho phép đón nhận người tỵ nạn vào các liên bang trên toàn nước, không chỉ ngoại lệ bang Niedersachsen của Dr. Albrecht.
ông Thủ hiến bang Niedersachsen Dr. Ernst Albrecht (1976 - 1990)
Con Tàu Cap Anamur II
Tiến sĩ Rupert Neudeck giúp vui an ủi người tỵ nạn VN qua tiếng đàn guitar của ông
Cùng thời điểm ấy, các tay phản chiến thứ dữ bên nước láng giềng Pháp cũng thức tỉnh, nhà văn Jean Paul Sartre đã hối lỗi bằng cách, cùng người bạn triết gia Raymond Aron thành lập một chiến dịch cứu người trên Biển Đông lấy tên "Un bateau pour le Vietnam", một con tàu cho Việt Nam vào tháng 5 năm 1979. Chuyến tàu đầu tiên có tên “Ile de Lumière”, Đảo ánh sáng và chuyến thứ hai lấy tên “Baie de Lumière”, Vịnh ánh sáng, nhưng gặp khó khăn khi nhận người tỵ nạn vào nước Pháp, chính phủ Pháp chỉ cấp giấy phép đặc biệt một lần vào tháng 10 năm 1979 cho chiếc tàu “Ile de Lumière” với 884 thuyền nhân.
Cũng vào thời điểm ấy, một ký giả người Đức của đài WDR (West Deutsch Rundfunk), Tiến sĩ Rupert Neudeck, đã thành lập một tổ chức lấy tên "Ein Schiff für Vietnam", một chiếc tàu cho Việt Nam. Tổ chức này được sự ủng hộ của Đại văn hào Heinrich Böll với giải Nobel văn học năm 1972 và Matthias Walden, cả hai đều là những người thuộc phe đối lập. Tiến sĩ Neudeck đã đặt tên cho con tàu cứu vớt thuyền nhân Việt Nam là Cap Anamur, lấy tên một thành phố biển ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và một tổ chức Y tế có tên "Komitee Not-Ärzte Cap Anamur", quy tụ nhiều bác sĩ chuyên khoa để chữa trị gấp cho các thuyền nhân Việt Nam, tất cả đều là thiện nguyện.
Kết quả của những năm tháng dài miệt mài cứu người trên biển, tiến sĩ Neudeck đã cứu được 11.300 người Việt Nam lênh đênh trên biển cả và vớt được 226 chiếc tàu vượt biên, đồng nghĩa với 226 lần nhận chìm tàu ghe, vì theo luật hàng hải chỉ vớt người lên tàu khi gặp nguy khốn và không để mảnh vụn cản trở lưu thông trên biển.
Một câu nói bất hủ trong phim "Schindlers Liste" của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg: "Ai cứu được một mạng sống là cứu cả thế giới". Trong khi đó tiến sĩ Neudeck đã cứu được mười một ngàn ba trăm người trước cái chết tàn bạo dưới Biển Đông. Ôi, những tấm lòng "Bồ Tát" này, các thuyền nhân được cứu vớt phải mãi mãi ghi ơn!
Một bà cụ có cậu con trai cả đi vượt biên được tàu Cap Anamur vớt, đưa vào bến bờ bình yên rồi lại được bảo lãnh cho bố mẹ và các em sang định cư tại Đức, đã dạy dỗ con trai mình như sau:
- Bố mẹ sinh ra con hình hài này, nhưng ông Neudeck đã tái sinh cho con lần thứ hai. Sau này ông mất phải cúng giỗ cho tử tế nghe không!
Cái tên "Boat People" tức "Thuyền nhân" được thế giới biết đến qua cuộc họp của Cao ủy Liên hiệp quốc ở Geneve - Thụy Sĩ vào ngày 20 và 21 tháng 7 năm 1979. Sau này lại xuất hiện hai từ "Tường nhân" chỉ nhóm người tỵ nạn trèo tường, trèo qua "Bức Tường ô nhục" chia cắt Tây và Đông Bá Linh vào những năm 1989. Để vào ngày mùng 3 tháng 10 năm 1989, xứ Đức ăn mừng Quốc khánh thống nhất đất nước. Họ cũng chia đôi đất nước như Việt Nam, nhưng ngày giải phóng của họ hoàn toàn trái ngược, bên thắng cuộc rất nhân bản, họ bỏ tiền ra xây dựng lại đất nước cho kinh tế hai bên được cân bằng. Còn phần Việt Nam mới chán chê mê mỏi như câu hát trong bài Chiều Tây Đô của nhạc sĩ Lam Phương: "Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?".
Tượng Đài Tiến sĩ Neudeck ở Troisdorf - 2007.
Đài Kỷ Niệm ở Hamburg - 2009.
Dr. R. Neudeck - 12.09.2009 Hamburg.
Dr. E. Albrecht - 12.09.2009 Hamburg.
Dr. P. Rösler - 12.09.2009 Hamburg.
Hội Ngộ và Tri Ân - 03.09.2011 Berlin.
Tiến sĩ Neudeck được các Hội đoàn tỵ nạn tại xứ Đức xây một tượng đài với chân dung của ông bằng đồng đen vào ngày 28 tháng 4 năm 2007, dựng tại quê hương của ông ở Troisdorf.
Trên cảng Hamburg, cộng đồng tỵ nạn tại Hamburg cũng đặt một Đài Kỷ Niệm bằng đồng đen hình cuốn sách để tưởng nhớ công ơn ông Neudeck vào ngày 12 tháng 9 năm 2009, có sự hiện diện của rất nhiều nhân vật tiếng tăm trong chính phủ đương thời.
Tại thủ đô Berlin vào ngày mùng 3 tháng 9 năm 2011, một số thuyền nhân đã được ông Neudeck cứu vớt, đã tổ chức một buổi Hội Ngộ và Tri Ân nước Đức tại Hội trường Audimax của Đại học Kỹ thuật Berlin thật rầm rộ, thu hút được các Chính trị gia nổi tiếng của thủ đô đến tham dự.
Ông ân nhân của 11.300 thuyền nhân được cứu vớt, cộng thêm cha mẹ, vợ chồng con cái, anh em của họ được bảo lãnh sang, không biết lên đến con số nào? Nhóm người này đã tiếc thương khi nghe tin Ông đã ra đi về nước Chúa vào ngày 31 tháng 5 năm 2016.
Tất cả đều là vô thường trong cõi tạm, Ông đến làm công tác cứu người xong việc rồi Ông lại đi. Có điều là hình ảnh của Ông cứ mãi mãi nằm trong tâm khảm của những người đã chịu ơn Ông.