Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nghịch Cảnh Ở Ai?

15/01/202305:05(Xem: 3661)
Nghịch Cảnh Ở Ai?
Nghịch Cảnh Ở Ai?
Trần Thị Nhật Hưng
(Bài viết đoạt giải sơ kết trong cuộc thi “Muôn Nẻo Đường Đời„ do báo Sài Gòn Nhỏ tại Hoa Kỳ tổ chức năm 2022)


Tôi có một người cháu tên Nhi gọi tôi bằng dì. Liên hệ bà con xa, gần thế nào tôi không rõ lắm, chỉ biết là lần đầu gặp Nhi từ miền Trung vô Sài Gòn Nhi đã hai hai tuổi, hy hữu ở cùng cư xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận với nhà tôi. Nhi ở dãy A, nhà tôi dãy E đi bộ qua lại chừng hai phút.
Nhi theo chồng vào đây và đi học. Đã hai hai tuổi và đã lập gia đình nhưng trông Nhi rất trẻ con, có lẽ nhờ nét mặt mộc mạc ngây thơ, ánh mắt thật thà thánh thiện, đặc biệt có hai răng khểnh rất duyên, mỗi khi cười làm tăng nét hồn nhiên chân thành vốn sẵn có trên khuôn mặt bầu bĩnh hiền lành phúc hậu của Nhi.


nhat hung
Nhi lúc 22 tuổi



Tôi hơn Nhi năm tuổi, còn độc thân. Do gần nhà nên Nhi hay chạy sang chơi. Ngay lần đầu mới gặp, Nhi đã chinh phục mọi cảm tình của cả nhà từ cha mẹ, anh chị em và đương nhiên cả tôi nữa.

Hằng ngày tôi và Nhi đều bận rộn. Tôi đi làm, nhân viên của một ngân hàng. Còn Nhi bận học và bận làm dâu. Thỉnh thoảng cuối tuần dì cháu mới gặp nhau hủ hỉ tâm tình, shopping chợ Bến Thành lả lướt trên vỉa hè đường Lê Lợi, hoặc rủ nhau khèo mận nhà hàng xóm trái sum sê trĩu cành sát bên hông ban công nhà tôi cứ nhởn nhơ, khiêu khích, chỉ đưa tay qua khe hở của thành tường là hái được. Rồi hai dì cháu hỉ hả nói cười chấm muối ớt ăn với nhau, bị bố tôi bắt gặp, la cho một trận “con nhà tử tế, không nên hái trộm như thế„ chúng tôi mới thôi.

Dù ở gần nhau, nhưng đa phần thì Nhi hay sang tôi, ngoài vui chơi với tôi, Nhi còn nhờ các ông anh Bác sĩ của tôi chữa căn bịnh hiếm muộn mà Nhi đang mắc phải, chứ tôi vì ngại cụ bố chồng của Nhi khó tính khó nết, có cặp mắt sắc, nhìn ai như soi thấu tim gan người đối diện. Mới gặp cụ, ai cũng rụt rè ngan ngán trước vẻ nghiêm trang đến nghiêm khắc của cụ. Cụ là một nhà nho cỡ...nho chùm. Vóc dáng cao, gầy, quấc thướt thanh tao. Chùm râu bạc gần đến bụng với bộ bà ba trắng lúc ở nhà trông cụ như một tiên ông. Còn khi ra đường, cụ đĩnh đạc với chiếc áo dài the đen, khăn đóng. Tôi chỉ ghé qua khi nhờ cụ chấm và đoán lá số tử vi thôi, hoặc những bịnh phụ nữ cần thuốc Bắc xin toa cụ. Cụ rất giỏi tử vi và Đông y. Nhiều khi, tôi thầm phục cô cháu gái, một thiếu nữ thuộc tuýp thời đại mà giỏi “chịu đựng„ trong nếp sống cực kỳ khuôn khổ, khuôn phép do cụ đề ra. Phụ nữ thì phải thế này thế kia, công - dung - ngôn - hạnh, đi đứng nằm ngồi, ăn nói phải nhẹ nhàng, thanh tao, lễ phép, thậm chí mở miệng hát nhỏ cũng không được. Theo cụ, xướng ca là vô loài! Chỉ khi qua nhà tôi, tôi mới thấy Nhi sống...thực với bản chất của mình, nhanh nhẩu, vui vẻ, hoạt bát, hồn nhiên, nói cười rổn rảng...
Nhi vô Sài Gòn sinh sống được hơn năm thì biến cố 30.4.1975 xảy đến. Tôi bị mất việc vì toàn bộ ngân hàng đóng cửa. Còn Nhi nghỉ học, “thất học„ do là “vợ ngụy„ lý lịch đen thui, không thích hợp với chủ trương chính sách bài trừ “ngụy quân, ngụy quyền„ của chế độ mới. Và ngay sau tháng tư, chồng Nhi cũng “giải nghệ„ đời quân nhân, mất luôn sổ lương.

Trước nguy cơ kinh tế đe dọa, ai ai cũng lo chuyện áo cơm, Nhi xoay sở thế nào mà biết được có chỗ sản xuất đan máy áo len, loại áo len màu xanh dương (màu công nhân) mà hầu hết cán bộ, bộ đội và dân miền Bắc vào Nam ai ai cũng mua mang về. Nhi rủ tôi, hai dì cháu nhận hàng của xưỡng đan, mỗi người một túi lớn áo, chất trước rỗ xe đạp, đạp ra chợ Bến Thành đứng ngay đầu đường Lê Thánh Tôn chào hàng.
Từng là những...tiểu thơ con nhà danh giá, nay ra đứng đường, hai dì cháu ngó nhau cứ thộn mặt ra. May sao, dì cháu chúng tôi đứng không lâu, có một thiếu phụ từ đâu đến hỏi:
- Hàng này các cô bán hay mua về?
Nhi mừng quýnh, nhanh nhẩu đáp:
- Dạ bán ạ.
- Thế thì hai cô theo tôi, tôi mua tất.
Chúng tôi mừng rơn, vui vẻ dắt xe theo người thiếu phụ. Cửa hàng của bà ngay trên đường Lê Thánh Tôn gần đó, cũng tiện cho chúng tôi. Vào nhà đếm áo mặc cả giá cả và trả tiền xong, bà nói:
- Ngày mai, các cô tiếp tục giao hàng cho tôi. Bao nhiêu cái cũng được.
Đạp xe ra về, hai dì cháu vui mừng khôn xiết. Gặp mối ngon béo bở, lòng hớn hở còn hơn trúng số độc đắc. Về nhà khoe ầm lên, ai cũng vui. Rồi như bà chủ dặn dò, ngày hôm sau chúng tôi tiếp tục giao hàng. Thế nhưng, lần thứ ba đến bà, chưa kịp vào nhà, bà chủ mắng xối xả:
- Tôi không lấy hàng của các cô nữa. Mặt mày các cô trông sáng sủa con nhà mà đi lừa gạt!
Trời, tôi và Nhi ngớ người ra, trố mắt ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì xảy ra. Bà ngoắc tay bảo chúng tôi vào nhà, bà đem từng chiếc áo len trước và sau ra cân.
- Các cô xem. Cái áo đầu tiên các cô bán, tôi cân được 500 gram. Áo hôm qua chỉ còn 400 gram. Và hôm nay coi nè chỉ còn 350 gram là sao?!
Chúng tôi hiểu ra, từ tốn phân bua:
- Bà ạ, những áo len này chúng tôi cũng chỉ nhận từ chỗ người khác đan, không phải nhà làm. Chúng tôi chỉ biết nhận áo, tính theo cái, chứ đâu biết phải cân thế này. Thôi, để chúng tôi về thưa với họ.
Nhìn vẻ ngơ ngác thật thà của chúng tôi, bà dịu giọng:
- Thôi được, tôi vẫn nhận số áo hôm nay. Ngày mai, nếu áo cân đúng 500 gram thì đem tới.
Về chỗ xưỡng đan, chúng tôi trình bày sự việc, họ không hiểu cho, còn nạt cho một mẻ:
- Áo chỉ có vậy, không nhận thì thôi. Hàng hóa đang khan hiếm, thiếu gì người cần hàng.

Rồi họ không cung cấp cho dì cháu chúng tôi nữa.
Thế là từ đó chúng tôi thất nghiệp dài hạn. Nỗi lo lắng về kinh tế không riêng gì chúng tôi mà cả miền Nam rơi vào tình trạng túng quẩn trước chính sách khắc nghiệt, ngăn sông cấm chợ của chế độ mới. Mọi người cầm cự qua ngày bằng cách bán dần đồ đạc trong nhà, hoặc mánh mung chợ trời, chợ đất. Nhi cũng vậy, nhưng Nhi nhờ cha mẹ khá giả tại miền Trung tiếp tế, nên xem ra Nhi cũng không vất vả cho lắm. Thế nhưng, sau ngày chồng Nhi vô tù cải tạo, rồi đưa ra Bắc, tôi lại ít gặp Nhi. Phần tôi cũng lo bon chen tìm kế sinh nhai, lăn lộn ở chợ đời nên cũng không thăm Nhi.

Bẵng một thời gian dài, không thấy Nhi qua chơi, tôi mon men ghé nhà Nhi hỏi thăm. Tôi sững sốt thấy Nhi thay đổi hoàn toàn không còn là Nhi nhí nhảnh hồn nhiên cởi mở của ngày xưa. Trên khuôn mặt khả ái thân thiện ngày nào hiện rõ nét buồn xa vắng, khép kín. Gặp lại tôi, Nhi không vồn vã vui vẻ như dạo nào, chỉ chào khẽ rồi lặng lẽ ngồi xuống mép giường buông một tiếng thở dài nhè nhẹ. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Cháu dạo này khỏe không, sao lâu rồi không thấy cháu sang nhà chơi?
Tôi vừa dứt câu, Nhi không trả lời, gục mặt xuống giữa hai lòng bàn tay òa khóc. Nghĩ Nhi buồn vì chồng vắng nhà, tôi xoa lưng Nhi, an ủi:
- Chồng cháu đi cải tạo rồi cũng về mà.
Nhi chỉ lắc đầu không nói.

Lần khác, tôi lại qua thăm Nhi, vẫn nét mặt âu sầu áo não, ánh mắt buồn vời vợi, tôi nhìn Nhi chạnh lòng, thương đời một cô gái trẻ sống kiếp cô phụ chờ chồng không biết bao giờ tái hợp. Dù an ủi cách mấy, vẫn thấy Nhi lầm lì trầm tư. Nhiều lần ngồi bên tôi, Nhi thừ người đăm chiêu nghĩ ngợi không nói gì, mắt bâng quơ lơ đãng nhìn ra khung cửa bên ngoài như kẻ mất hồn. Tôi có hơi ngạc nhiên, tự hỏi. Chồng vắng nhà đi tù cải tạo là nạn chung của cả miền Nam, người vợ nào chẳng buồn, nhưng đâu thể buồn thái quá như Nhi hiện tại. Đã vậy lâu lâu, chỉ mới mở miệng nhắc đến chồng, Nhi lại cúi gằm ôm mặt khóc. Hỏi tại sao, Nhi chỉ lắc đầu không nói.

Rồi cứ thế, thời gian lặng lờ trôi. Thấm thoát mà đã hơn sáu năm trời với bao vật đổi sao dời, tôi vẫn ngạc nhiên về sự thay đổi quá lớn lao trong tâm hồn Nhi. Nó vẫn âm thầm lặng lẽ sống bên cụ bố chồng như một chiếc bóng với trách nhiệm của một nàng dâu gương mẫu, chờ chồng. Tôi thương cháu nhưng cũng không giúp gì được ngoài việc lâu lâu ghé nhà hỏi thăm. Dạo này thấy Nhi cũng bận rộn nhiều với khách khứa, đa số bà con họ hàng ngoài Bắc phía cụ bố chồng vào thăm. Nhi vẫn như chiếc bóng, sống khép kín, không nói năng tâm sự gì, và cũng không có bạn bè thân thuộc, ngoài tôi. Nụ cười dường như đã tắt hẳn trên môi Nhi. Hai chiếc răng khểnh duyên dáng thu hút người nhìn đã không còn dịp hé ra nữa. Ánh mắt, nét mặt Nhi luôn phảng phất nỗi buồn xa vắng...

Một hôm, bỗng thấy Nhi sang nhà tôi, nó hỏi tôi, tuần tới nó vượt biên, dì có đi cùng cháu không, nơi tổ chức còn hai chỗ. Vượt biên là điều lúc này ai cũng mong. Đi đâu, ở đâu, chỗ nào cũng nghe thiên hạ bàn về chuyện vượt biên. Thành công đến bến bờ cũng lắm mà làm mồi cho cá cũng nhiều. Tất cả đều đem sinh mạng đánh loto để khỏi chết dần mòn trong chế độ khắc nghiệt quái dị của cộng sản. Tôi cũng mơ đổi đời nhưng điều kiện chưa cho phép. Tôi nói:

- Nếu đi qua đó trả vàng sau thì dì đi, chứ đưa trước thì dì không có.
- Người giúp cháu họ cho cháu góp tượng trưng, dì ạ. Nhưng dì thì phải đóng đủ, chỉ vài cây thôi mà.
Tôi vẫn lắc đầu, thế là tuần sau, Nhi một mình ra đi...
Khi Nhi đi rồi, tôi ghé qua nhà hỏi thăm tin tức chuyến đi của Nhi. Cụ Đặng, bố chồng Nhi tiếp tôi với nét mặt dàu dàu thương cảm, cụ nói trong nước mắt giàn giụa:
- Nghĩ thương cho em nó quá, dì ạ. Thân gái một mình dặm trường bôn ba nơi xứ lạ, tôi đâu muốn để em nó đi một mình như thế. Nhưng nó quyết nhất định phải đi, không cho đi nó đòi tự tử!

Nói xong, cụ khóc ròng, nước mắt sợi vắn, sợi dài thi nhau lăn trên đôi má nhăn nheo. Tôi ngồi lặng thinh, lòng cũng rưng rưng chùng xuống nhưng cố kìm lại để ngăn không cho lệ chảy ra. Cụ Đặng vẫn khóc:

- Nó đi như vậy vô cùng nguy hiểm, không biết sống chết như thế nào. Nếu có bề gì, tôi ân hận suốt đời. Rồi tôi ăn nói làm sao với các cụ thân sinh bên nhà em. Số em nó cũng vất vả, đâu ai muốn đẩy em vào đường cùng như thế.

Tôi không an ủi gì được, chỉ ngồi yên lắng nghe để xẻ chia nỗi niềm với cụ. Tôi cũng định nhân cơ hội hỏi thăm cụ về hiện tượng lạ lùng thay đổi của Nhi, nhưng thấy không tiện, tôi lại thôi.

Mười ngày sau, tôi lại ghé qua hỏi thăm tin tức của Nhi, rất mừng là chuyến đi của Nhi đã đến bến bờ bình yên sau năm ngày lênh đênh trên biển. Cụ Đặng cũng bớt căng thẳng lo âu nhưng trên khuôn mặt cụ vẫn chất chứa nỗi buồn sâu thẳm.

An lòng về cuộc sống mới của Nhi, dù thế nào ra được nước ngoài vẫn hơn kẹt tại quê nhà với bao điều khó khăn vây bũa, tôi không quan tâm đến Nhi nữa. Thế nhưng vài tháng sau, bất ngờ tôi nhận thư Nhi gởi từ đảo Bidong, Malaysia. Thư viết thật dài kể lể mọi nỗi thống khổ mà Nhi chịu đựng bấy lâu. Bấy giờ tôi mới rõ ngọn ngành tại sao Nhi không còn là cô bé vui vẻ, nhí nhảnh, yêu đời ngày xưa, có con mắt biết nói, biết cười từng chinh phục bao niềm thương quí của cả gia đình tôi. Đọc thư Nhi, tôi khóc ròng. Nước mắt cứ từng giọt chảy dài theo từng nỗi niềm trong bức thư. Thế mà bấy lâu khi còn ở Việt Nam, Nhi không chịu nói ra, âm thầm ấp ủ nỗi thương đau chịu đựng một mình không thổ lộ với bất cứ ai, kể cả tôi. Nhi ôm nỗi buồn lặng lẽ ra đi, hầu mong chân trời mới có thể xoa dịu và xóa nhòa vết thương lòng mà Nhi gánh chịu. Rời xa quê cha đất tổ, bỏ cả gia đình với bao người thân yêu trong đó có người chồng mà Nhi hết mực thủy chung, Nhi cũng đau buồn thật nhiều, nhưng Nhi không còn cách nào khác để giải quyết vấn nạn cuộc đời Nhi...
Sau vài tháng của tháng tư đen 1975, kể từ chồng Nhi đi cải tạo vắng nhà, cụ Đặng liên lạc được với toàn bộ gia đình bà con họ hàng của cụ ngoài Bắc (cụ di cư vào Nam 1954 chỉ với hai bố con), Nhi mới vỡ lẽ chồng Nhi trước khi rời làng đã có một đời vợ và một đứa con trai ngoài Bắc. Cuộc hôn nhân kiểu phong kiến do gia đình sắp đặt khi chồng Nhi vừa 16 tuổi và vợ tròn đôi mươi. Biến cố tang thương đất nước chia cắt, người vợ đó kẹt tại quê nhà do vừa mới sinh con, thế mà từ bấy đến giờ, mẹ con người đó vẫn ở vậy chờ chồng với bao gian nan khốn khổ trong chế độ cộng sản áp bức thành phần “trí, phú, địa hào„ và gia đình có người vào Nam. Biết được tin này, Nhi như tiếng sét đánh ngang đầu. Nhi chết lặng với cơn đau xé ruột xé gan không sao tả xiết. Đêm đêm Nhi chỉ còn biết khóc và khóc...

Rồi Nhi ra đi, đó là phương cách cuối cùng, duy nhất để giải quyết vấn đề. Nhi “trả„ chồng lại cho người ta, dù gì cả hai cũng đã có mối dây liên hệ huyết thống đó là cậu con trai. Còn Nhi và chồng chưa ràng buộc gì ngoài tình yêu mà cả hai giành cho nhau. Ra đi, Nhi vẫn còn rất thương chồng, nhất là lúc này chồng Nhi đang sa cơ lỡ vận. Bỏ thì thấy thương, vương vào thì tội cho Nhi. Đứng trước ngã ba đường, Nhi không còn cách lựa chọn nào khác thả đời buông xuôi theo số phận, như chiếc lục bình lênh đênh trên dòng sông đời giữa bão tố, mưa sa, như cánh chim lạc đàn tả tơi trước dông bão cuộc đời.


nhat hung 2
Nhi lúc 29 tuổi.




Rồi Nhi tấp vào Âu Châu thay vì đến Mỹ diện vợ sĩ quan cải tạo. Nơi chân trời mới, tôi cứ ngỡ, sẽ là cơ hội để Nhi làm lại cuộc đời. Nhi còn quá trẻ mới 29 tuổi đầu, với dung nhan thiện cảm và một tâm hồn hiền lương trong sáng, tôi nghĩ sẽ dễ dàng cho Nhi có một cuộc sống mới hạnh phúc. Thế mà đã nhiều năm trời, mỗi lần tôi ghé qua nhà cụ Đặng hỏi thăm về Nhi, thì bây giờ chính cụ, mỗi khi nhắc đến Nhi, cụ lại khóc:


- Dì ạ, tôi nghĩ thương cho em nó quá. Bôn ba nơi xứ lạ quê người ra đi với hai bàn tay trắng. Ngày em xuống tàu chỉ có 100 bạc Việt Nam lận lưng, em cũng gởi bà chủ tàu cầm về cho tôi. Nhận tiền mà tôi không cầm được nước mắt. Bây giờ không biết nơi xa, em nó trông mong nương tựa vào ai. Nếu em nó có bước đi bước khác, tôi và chồng em trăm lần không, vạn lần không, và triệu triệu tỉ tỉ lần không, không bao giờ trách em trong hoàn cảnh như thế. Thế mà đến giờ, nó vẫn ở vậy lăn lộn với cuộc sống tìm kế nuôi thân, còn luôn gởi tiền về phụng dưỡng tôi và giúp đỡ gia đình giữa lúc kinh tế kiệt quệ bế tắc như thế này.

Nói tới đây, cụ mủi lòng, rưng rức khóc thành tiếng. Tôi cảm nhận được tình thương chân thành sâu đậm cụ dành cho con dâu, nhưng tôi chỉ ngồi lặng thinh, lòng cũng xốn xang, không biết an ủi sao hơn. Rồi khi nước mắt làm vơi bớt nỗi niềm trong cụ, cụ lại nói tiếp:
- Từ ngày em nó bước chân về nhà chúng tôi, tôi và chồng em đã chưa bao giờ tạo cho em có một cuộc sống vật chất sung sướng. Kinh tế nhà chỉ một đầu lương cũng chật vật lắm dì ạ, nhưng em không than van oán trách gì, vậy mà giờ trong hoàn cảnh thế này, đẩy em nó gánh vác gia đình khi cái đòn gánh chúng tôi cũng không có để trao cho em.

Nói xong, cụ khóc òa, nước mắt cứ liên tục chảy dài theo từng lời tỉ tê nói về Nhi. Tôi cũng không kìm được xúc động, rưng rưng khóc theo cụ.

Nhiều năm sau, không chịu nỗi chính sách khắc nghiệt, quái dị đi ngược lòng dân của chế độ cộng sản, bằng mọi cách tôi cũng tìm đường trốn ra nước ngoài. Và tôi định cư tại Hoa Kỳ.

Ngày tôi gặp lại Nhi, dễ chừng mấy chục năm sau nhân cơ hội Nhi du lịch qua Mỹ và ghé thăm tôi. Tôi đưa Nhi thăm thú nhiều nơi. Nhi đã tươi tắn lại như xưa dù bây giờ Nhi đã “Nửa chừng xuân„ bước vào tuổi bốn mươi. Gặp lại Nhi, dì cháu tay bắt mặt mừng tíu tít kể lại bao kỷ niệm. Đi bên cạnh Nhi còn có ông xã, chính là người chồng sau hơn mười ba năm Nhi mới gặp lại.

Tà tà rảo bước trên sân chùa Kim Sơn, một tu viện tọa lạc trên đỉnh núi cao thuộc thành phố San Jose, miền Bắc California. Sau khi vào chánh điện đảnh lễ Phật, dì cháu loanh quanh vào cửa tiệm chùa, nơi phát hành đủ loại tôn tượng lớn, nhỏ các vị Phật và Bồ Tát. Nhi thỉnh được một tôn tượng Quán Thế Âm rất ưng ý. Tượng bằng đá màu xám nhạt, cao chừng hai gang tay, vừa vặn kích thước ban thờ Nhi mong đợi, điêu khắc rất tinh xảo, sắc nét. Trong cơn bão biển thập tử nhất sanh lúc vượt biên, Nhi đã từng khấn nguyện cầu bình an và phát nguyện qua cơn nguy khốn, Nhi sẽ thờ Ngài như một sự tri ân tưởng nhớ Ngài.

Trong khi chồng Nhi vẫn mải miết ngắm chân dung Phật trong tiệm, dì cháu tôi bước ra ngoài hít thở không khí trong lành khoáng đảng. Cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ tú lệ. Những hàng thông ngạo nghễ cao, to. Thân đầy lỗ li ti do chim gõ kiến đục dự trữ những hạt đấu, hạt sồi làm thực phẩm. Thoảng trong gió, hòa với tiếng chim ríu rít, nhạc Phật thánh thót từ trong chùa phát ra khiến lòng người cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng tưởng như đang ngự trên tiên cảnh. Vừa đi, Nhi thả hồn bâng quơ đưa mắt nhìn về khoảng trời xa, nơi có vùng biển xanh xa tít chân trời thấp thoáng vài chiếc tàu buồm qua lại, Nhi lên tiếng tâm sự:

- Dì thấy đó, cả đời cháu kiếp này không làm gì nên tội, thế mà tại sao cuộc đời luôn trắc trở gian nan gặp toàn điều bất như ý. Sau ngày 30.4.1975, cháu chỉ còn một con số không to tướng. Mất hết tất cả, tình yêu, tương lai và niềm hy vọng. Không riêng những mộng đẹp cháu hằng ấp ủ mà ngay người chồng thân yêu cũng bấp bênh vuột ra khỏi tầm tay. Cháu buồn không nói nên lời. Lúc đó, cháu chỉ còn muốn chết.
Ngưng một lát, Nhi tiếp:

- Chồng cháu ngồi tù cải tạo ngoài Bắc hơn chín năm. Ngày trở về dù có muốn “sum họp„ với mẹ con người vợ đó, nhưng có lẽ duyên họ đã hết, nên run rủi thời cuộc, hoàn cảnh gia đình, xã hội, đất nước họ lại tiếp tục xa cách nhau. Cháu không toan tính tranh giành chiếm đoạt bất cứ gì, tất cả đều tùy duyên, cái gì đến tự nhiên sẽ đến. Cái gì của mình trước sau vẫn là của mình. Do cháu và chồng cháu dường như còn “nợ„ nhau nên số phận đẩy đưa anh liều...vượt biên chỉ một lần trót lọt. Ai dám đoan chắc vượt biên 100% sẽ thành công?! Qua đó, cháu mới thấy rằng, mọi sự đều có số phận định mệnh an bài. Tốt, xấu đều tùy thuộc vào cách sống của mình. Nếu sống tốt thì kết quả cuối cùng sẽ tốt.

- Vậy bây giờ mẹ con người đàn bà đó ra sao? Tôi hỏi.

- Vẫn sống ngoài Bắc như từng sống bấy lâu. Cháu nhận thấy họ dường như sức phấn đấu đã bị thui chột, tê liệt trước sự tàn bạo của cuộc đời. Họ không dám vùng vẫy đổi đời dù có cơ hội. Luôn cam chịu và chấp nhận số phận một cách đương nhiên làm như nó đã là. Với cháu, bà ta và ngay cả chồng cháu đều chỉ là nạn nhân của phong kiến và cộng sản, cháu chỉ thấy họ đáng thương thôi, dì ạ. Và trong hoàn cảnh bây giờ, làm được gì, giúp được gì để an ủi mẹ con bà ta phần nào thì làm thôi.

Sau một tiếng thở dài, Nhi tiếp:
- Âu cũng là nghiệp quả phải không dì? Cũng như cháu vậy, cháu đâu muốn rơi vào hoàn cảnh như thế. Những nghịch cảnh đau thương, ê chề với bao gian nan thử thách, buộc cháu phải đối đầu và chấp nhận. Đừng đổ lỗi “Nghịch Cảnh Ở Ai„ mà nên tự biết lỗi ở mình, do mình. Không kiếp này tạo ra thì cũng gây từ bao kiếp trước. Khi hội đủ nhân duyên nghiệp sẽ trổ ra, đó là nhân quả. Nếu không vậy, tại sao, có kẻ mới sinh ra đã nghèo đói đau ốm tật nguyền và có người khi lọt lòng đã giàu sang con ông hoàng bà chúa?! Và tại sao, người hiền lương như cháu lại luôn gặp bất trắc, trong khi nhiều kẻ khác tàn ác lại có cuộc sống sung sướng hạnh phúc?! Tất cả đều do mình tạo ra. Khi kiếp này biết sống tốt, biết sám hối không tạo nữa và không vay nữa coi như đã trả xong nợ. “Nghiệp đã qua rồi lòng nhẹ nhõm. Ngàn năm mây bạc trắng thong dong.

Tôi không ngờ cháu tôi nhờ đâu mà bây giờ ăn nói “đạo vị„ và trưởng thành lắm vậy. Trải nghiệm với bao đau khổ nhọc nhằn lăn lộn trên đường đời, Nhi đã chín chắn vững vàng không còn là đứa...con nít ngây thơ hồn nhiên mà tôi đánh giá trước đây dù khi nó đã lập gia đình, và Nhi cũng không còn mày châu ủ rũ thất thần như lúc ở Việt Nam. Trông Nhi bây giờ an nhiên tự tại, thần thái xinh tươi như trái chín mùi trên cây, như đóa hoa nở đúng mức, khoe sắc dưới bầu trời quang đãng. Tôi mừng cho cháu tôi, nhưng tôi vẫn thắc mắc, hỏi:

- Dì vẫn ngạc nhiên, suốt thời gian dài ở nước ngoài, cháu còn rất trẻ là cơ hội để cháu làm lại cuộc đời, sao cháu cứ ở vậy?
- Dì ơi, làm sao cháu có thể hạnh phúc và đem lại hạnh phúc cho người chồng mới khi nơi xa chồng cháu đang đói khổ trong tù và luôn trông mong hy vọng ở cháu? Với cháu, cháu quan niệm, hôn nhân ngoài sự chấp thuận từ chính mình còn cần sự chấp nhận của gia đình và xã hội, có vậy cháu mới thực sự hạnh phúc. Những lời cầu hôn chỉ đưa cháu đứng trước ngã ba đường, cháu không quyết định gì được, đành buông xuôi thả đời trôi theo dòng sống, tùy duyên thôi, dì ạ.

Chồng Nhi đã từ trong tiệm bước ra. Anh ngơ ngác tìm chúng tôi và đến ngồi xuống bệ thành hòn non bộ trong sân chùa bên cạnh chúng tôi. Anh mở túi lấy ra tôn tượng Đức Phật Di Lặc và hoan hỉ nói với Nhi:

- Anh thỉnh thêm tượng này tặng em. Phật Di Lặc biểu tượng cho sự vui vẻ, an lạc, may mắn và hạnh phúc. Em xem, khuôn mặt Ngài tròn trĩnh, phúc hậu lúc nào cũng cười. Anh mong em luôn như thế.

Nhi nhận tôn tượng từ tay chồng. Cô săm soi ngắm nghía, nét mặt rạng rỡ, miệng nở nụ cười theo nụ cười của Phật Di Lặc. Đến lúc này tôi mới thực sự thấy lại hai chiếc răng khểnh rất duyên trên khuôn mặt khả ái của Nhi dù thời gian và tuổi tác vẫn không phai nhòa nét hồn nhiên chơn chất phảng phất của Nhi ngày nào.

Ngoài kia ánh nắng chan hòa, ngát lên một thứ ánh sáng lung linh rực rỡ. Cây cỏ xanh tươi, chim muông vẫn ríu rít hòa trong tiếng nhạc Phật thánh thót. Một ngày mới tràn trề hạnh phúc dành cho Nhi. Nhi thật sự xứng đáng nhận điều đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/06/2013(Xem: 14866)
Đại ý bài kinh đại khái nói về việc ngài Anan thưa hỏi đức Thế Tôn về việc phụng sự Phật pháp là kiết tường hay hung tai? HT Thích Minh Thông
05/06/2013(Xem: 10275)
Một bữa nọ, Hòa Thượng và chú Tiểu cùng đi hóa duyên. Hai thầy trò đi, đi mãi như thế mà không biết đã vượt qua bao nhiêu núi non trùng điệp, những rừng cây bạt ngàn hun hút. Hòa Thượng ung dung tự tại đi trước, chú Tiểu vai mang tay nãi lẽo đẽo theo sau, hai người cùng săn sóc bầu bạn lẫn nhau.
23/05/2013(Xem: 3743)
Hồi ấy có một người gánh nước, mang hai chiếc bình ở hai đầu một cái đòn gánh trên vai. Một trong hai bình ấy bị vết nứt, còn bình kia thì tuyệt hảo, luôn mang về đầy một bình nước. Cuối đoạn đường dài, từ con suối về nhà, chiếc bình nứt lúc nào cũng chỉ còn một nửa bình nước. Suốt hai năm tròn, ngày nào cũng vậy, người gánh nước chỉ mang về có một bình rưỡi nước.
11/04/2013(Xem: 11543)
Căn nhà lá xiêu vẹo mục nát bên bờ ao, ra vào chỉ có hai mẹ con. Mẹ buôn gánh bán bưng, tảo tần hôm sớm; đứa con trai còn nhỏ dại, đỡ đần mẹ những việc lặt vặt hàng ngày.
11/04/2013(Xem: 8276)
Trong xã hội loài người, không có mối quan hệ nào thiêng liêng hơn mối quan hệ giữa Mẹ và con. Tuy nhiên, có những trường hợp cá biệt mà mối liên hệ thiêng liêng này đã bị phá vỡ một cách đau đớn, man rợ và tàn nhẫn bởi những đứa con ngu muội và ác độc. Câu chuyện Trái Tim Của Mẹ, được trích dẫn từ truyện cổ Ý (Italia) sau đây kể về một đứa con đã cố tình dẫm nát mối thâm tình khiến cho bao nhiêu người, kể cả những kẻ thô bạo và cứng rắn nhất đều phải rơi lệ.
11/04/2013(Xem: 20425)
Bao giờ chúng sanh còn đau khổ còn sanh tử luân hồi, thì lòng từ ứng hiện của Bồ Tát Quán Âm vẫn biến hiện mãi mãi để cứu độ dẫn dắt chúng sanh ra khỏi luân hồi đau khổ.
11/04/2013(Xem: 5422)
Có một số trẻ em được sinh ra nhưng chẳng may bị khuyết tật hoặc bạo bệnh. Những em may mắn hơn thì vẫn được cha, mẹ nuôi nấng. Những em còn lại thì bị bỏ rơi... Nếu chúng ta là những đứa trẻ bị bỏ rơi thì chúng ta hẳn sẽ rất buồn và đành chấp nhận vì chúng ta không có sự lựa chọn khác. Ngược lại, thì chúng ta sẽ là những đứa trẻ hạnh phúc nhất.
10/04/2013(Xem: 7872)
Có một vị bồ-tát rất tầm thường ở trong nhà của tôi, nhà của các bạn, nhà của mọi gia đình ở xứ này. Vị bồ-tát ấy cũng có mặt ở các văn phòng, hãng xưởng, bệnh viện, trường học, v.v… từ tư nhân đến công quyền. Ở nơi sang trọng thì ăn mặc gọn ghẽ, hình dáng thon thả, nhẹ nhàng; ở nơi xập xệ thì hơi cồng kềnh, luộm thuộm một chút. Nhưng vẫn cái dáng đó, ai nhìn vào cũng nhận ra.
10/04/2013(Xem: 7414)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một Đức Phật lịch sử, Ngài sinh ra tại Ấn Độ; cho nên cách phục sức cũng giống như người Ấn Độ thuở bấy giờ cách đây hơn 2.500 n ăm về trước.
10/04/2013(Xem: 4655)
Truyện “Quan Âm Thị Kính” không rõ xuất hiện từ thời nào và do ai sáng tác ra. Thoạt tiên truyện là một khúc hát chèo gồm nhiều đoạn, với ngôn từ rất bình dị và tự nhiên, rõ ràng là một khúc hát của dân quê, của đại chúng. Về sau mới có truyện thơ “Quan Âm Thị Kính” xuất hiện, được viết bằng thể thơ “lục bát”, mang nhiều ý nghĩa thâm thúy của cả đạo Nho lẫn đạo Phật. Người ta phỏng đoán rằng tác giả chắc phải là một người có học thức.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]