Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa thượng Cua

11/04/201311:58(Xem: 11494)
Hòa thượng Cua

Hoa Thuong Cua

Hòa thượng Cua và tình mẫu tử
(tức Thiền sư Tông Diễn - đời Vua Lê Hy Tông)

 

Tịnh Tuệ (st)Diễn đọc:Diệu Hòa

Nguồn: Sưu tầm





Căn nhà lá xiêu vẹo mục nát bên bờ ao, ra vào chỉ có hai mẹ con. Mẹ buôn gánh bán bưng, tảo tần hôm sớm; đứa con trai còn nhỏ dại, đỡ đần mẹ những việc lặt vặt hàng ngày.

Một hôm mẹ bảo con:

- Sáng nay mẹ bắt được mấy con cua, còn để trong giỏ ở góc bếp. Trưa con hái rau đay nấu bát canh cua, mẹ đi bán về hai mẹ con ăn nhé.

Cậu bé vâng dạ, người mẹ quảy gánh hàng rong ra đi, cậu nhìn theo bóng mẹ, muốn nói, mẹ về mua cho con tấm bánh đúc, nhưng lại không dám. Tuổi thơ nhà nghèo đã sớm biết cảnh ngộ, cha mất từ khi cậu còn ẳm ngửa, mẹ bươn chải suốt ngày chỉ đủ cho hai mẹ con rau cháo đỡ lòng. Dám mơ gì đến áo quần quà bánh, càng không dám nghĩ đến chuyện học hành. Nhiều lần cậu bé đứng đàng xa nhìn về ngôi trường làng, thấy đám học trò đang gò lưng tập viết, hoặc đồng thanh đọc theo thầy "Nhân chi sơ tính bản thiện…" cậu thích mê, tuy chẳng hiểu một chữ nào nhưng cậu cảm thấy bao điều huyền diệu trong những âm thanh trầm bổng ấy.

Thích thì thật thích, nhưng tuyệt đối cậu không dám hé ra một lời với mẹ. Bởi vì cậu biết mẹ cậu đã khổ quá nhiều. Đôi lần cậu cảm nhận những giọt nước mắt thầm rơi trên tóc cậu, khi mẹ ôm cậu vào lòng. Nhưng khi cậu nhìn lên, mẹ lại vội mỉm cười, bảo là có hạt bụi rơi vào mắt. Sau đó mẹ ôm cậu chặt hơn, và hai mẹ con cùng ngồi yên lặng, tận hưởng những giây phút sum vầy hạnh phúc bên nhau. Hiển nhiên là cậu không thể sống thiếu mẹ và ngược lại, mẹ cũng không thể nào sống mà không có cậu.

Mãi nghĩ vẫn vơ, nhìn lại đã thấy trời gần đứng bóng, cậu bé nhớ lời mẹ dặn, ra sau nhà hái một đám rau đay, rửa sạch rồi để vào rổ cho khô. Rau đay nấu với nước cua giã, mùa hè nóng nực có bát canh nầy thì ăn đến đâu mát ruột đến đấy. Hôm nay mình phải nấu thật ngon, mẹ đi bán về mệt, ăn vào chắc chắn khỏe ra ngay. Mẹ sẽ khen con mẹ giỏi ghê, và mẹ sẽ thưởng cho mấy cái hôn vào má.

Chiếc giỏ tre nằm nơi xó bếp. Mấy con cua bò lổm ngổm. Cậu bé đến gần, định trút cua ra cối giã. Chợt thấy những đám bọt sùi trên thân cua, cậu ngẩn ra nhìn. Thì ra cua cũng biết khóc ư? Chúng sợ mình giết chúng đây mà. Tội thế thì thôi. Làm sao mình nỡ hại chúng được nhỉ? Cậu mang giỏ cua ra bờ ao, trút hết cua xuống đất. Lũ cua được hồi sinh, vội vã bò đi tản mát. Cậu bé nhìn theo, mỉm cười…

Buổi trưa nắng gắt. Người mẹ trẻ quẩy gánh hàng rong còn nặng trĩu trở về. Từng vệt mồ hôi trắng loang lổ trên lưng áo, chảy ròng ròng trên mặt. Nghèo nàn cơ cực và đau khổ đã tàn phá nhan sắc người thiếu phụ quá sớm. Mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, ở nhờ nhà dì chú lại bị hành hạ đuổi xua, cô phải làm thuê ở mướn nuôi thân qua ngày. Tuy cô hiền hậu dễ thương, nhưng gia cảnh quá bần hàn nên không ai muốn kết thân. Mãi về sau, gặp được người tử tế, tưởng số phận đã mỉm cười, vợ chồng suốt đời nương tựa bên nhau. Nào ngờ chồng mắc cơn bạo bệnh, không tiền thuốc thang nên qua đời, để lại đứa con trai mới vài tháng tuổi. Cũng an ủi cho cô, đứa con càng lớn càng thông minh, lại rất ngoan, rất có hiếu. Mẹ đi bán về, bé biết rót nước mẹ uống, quạt mát cho mẹ; thấy mẹ buồn, bé biết rúc đầu vào lòng mẹ, thỏ thẻ với mẹ đôi câu. Nếu không có đứa con, chưa chắc cô có thể gắng sống đến bây giờ.

Nghĩ đến con, người mẹ thấy lòng dịu mát. Ở nhà chắc thằng bé đã nấu cơm xong. Sáng giờ chưa có gì vào bụng, người mẹ nghe đói cồn cào. Gắng sức về đến nhà, rửa mặt qua loa, cô mỉm cười nghe con vừa dọn cơm vừa tíu tít. Nhìn bát cà muối nằm chỏng chơ trên chiếc mâm tre, người mẹ ngạc nhiên hỏi:
- Con quên nấu canh cua chăng?
Thằng bé ngập ngừng:
- Con không quên đâu, mẹ ạ. Nhưng… lúc bắt cua định cho vào cối, con thấy chúng khóc tội quá nên… đã thả hết rồi.
Người mẹ tức nghẹn, trố mắt nhìn con, lát sau mới thốt lên:
- Cái gì? Mầy nói cái gì?
Nhìn đôi mắt long lên của mẹ, thằng bé co rúm người lại, líu ríu không ra tiếng:
- Dạ… con thả cua đi hết rồi.
Vừa mệt vừa đói lại vừa tủi cực, người mẹ òa lên khóc:
- Giời ơi là giời! Sao đời tôi khổ thế này? Người ta có con nhờ con có của nhờ của, tôi chỉ có một đứa con mà chẳng biết thương mẹ. Đồ bất hiếu, xéo ngay khỏi nhà nầy! Từ nay chẳng mẹ con gì sất!

Thuận tay, người mẹ cầm ngay đòn gánh phan vào chân con. Thằng bé trúng đòn vào chân đau điếng, vội chạy ù ra khỏi cửa. Người mẹ gục mặt vào cạnh bàn, đôi vai gầy guộc rung lên từng hồi trong cơn đau khổ xé lòng. Nỗi giận Trời già bất công, nỗi thương thân phận hẩm hiu chưa hề có một ngày vui trọn vẹn, chưa một giờ nào thật sự thảnh thơi. Bên cạnh, vẫn âm ỉ nỗi ân hận đã nặng tay nặng lời với đứa con thân yêu duy nhất. Từ trước đến nay, có bao giờ thằng bé bị bà la mắng, nói gì đến đánh đập đuổi xua? Chỉ tại hôm nay trời nóng quá, hàng họ ế ẩm, chủ nợ lại chận đường chửi bới đủ điều. Cực nhục quá đỗi, thân cò đơn chiếc làm sao giữ nổi bình tỉnh khi chút hy vọng cỏn con là một bữa ăn cải thiện mà cũng không thành hiện thực?

Chìm vào tột cùng đau khổ, người mẹ cứ gục đầu, không biết thời gian trôi qua, không biết bên ngoài trời đã xế chiều. Khi chợt tỉnh, nhìn quanh thấy im vắng lạ thường, người mẹ nhớ lại chuyện lúc trưa. Hốt hoảng gọi con, không nghe tiếng thưa, cô vội nháo nhác đi tìm…

. . . Cuộc tìm kiếm kéo dài gần 40 năm.

Người mẹ trẻ ngày nào đã trở thành một bà cụ cô đơn, còm cõi, sống hiu quạnh nơi quán nước bên đường. Hai mắt đã mờ, hai tai đã lãng, nhưng nỗi nhớ thương ân hận vẫn còn tươi nguyên, vẫn còn da diết. Bao nhiêu năm trời lang thang tìm con khắp nẻo, không kể nắng mưa gió bụi, không kể lạnh lùng đói khổ, bà sống nhờ hạt cơm bố thí. Chỉ có một chút lửa hy vọng nhìn lại mặt con, ôm con trong vòng tay, nói lên lời xin lỗi, mới giữ được bà còn sống đến ngày nay. Chút hy vọng ấy như sợi dây tơ giữ bà liên hệ với cuộc đời. Những năm gần đây, sức đã mòn chân đã yếu, bà đành về làng cũ, dựng tạm quán nước bên đường làm nơi trú thân và để tiện việc hỏi han tin tức đứa con lưu lạc. Sáng nay, tự nhiên bà cụ thấy nôn nao lạ lùng. Từ sớm, bà đã lui cui dọn dẹp bàn ghế, quét sạch nhà cửa, quét luôn đám lá ngoài sân. Ly tách trên bàn đã sạch sẽ ngay ngắn, nhà cửa đã ngăn nắp gọn gàng mà bà vẫn luôn tay làm việc. Dường như có một luồng sinh khí tràn vào thân tâm khiến bà mạnh lên, trẻ lại, nhưng bà không hiểu nguyên do, không biết có chuyện gì sẽ xảy ra cho mình. Mãi làm, bà không biết có một người khách vừa đến. Khi nghe tiếng gọi, bà mới giật mình ngẩng lên chào hỏi. Khách là một vị tu sĩ, trạc tuổi 50, giọng nói từ hòa trầm ấm:
- Bà cụ mở quán nầy lâu chưa?
Bà bưng tách trà đặt ngay ngắn trước mặt nhà Sư, chấp tay cung kính:
- Bạch cụ, con mới mở vài năm nay thôi ạ. Trước đây con cũng ở làng nầy, nhưng tận sâu trong kia.
Nhìn theo ngón tay chỉ của bà cụ. Sư như nhận ra điều gì, vội hỏi tiếp:
- Thế… bà cụ ở đây cùng với con cháu chứ?
Bà cụ đưa tay áo lên lau giọt nước mắt vừa ứa ra, buồn bã trả lời:
- Bạch cụ, trước kia con có một đứa con trai. Năm nó 12 tuổi, chỉ vì một chút bất hòa, nó đành đoạn bỏ con đi biệt tích. Con tìm nó suốt 40 năm nay, sức mỏn hơi tàn nhưng cũng gắng sống chờ gặp lại nó, nói với nó một câu xin lỗi rồi mới yên tâm nhắm mắt. Nếu không thế thì con không có mặt mũi nào nhìn nhà con dưới suối vàng được ạ.

Rồi như mạch nước được khai thông, bà cụ run run ngồi xuống bên Sư, kể hết mọi sự tình. Bà kể về những tháng năm mẹ con đầm ấm bên nhau, đến chuyện một bát canh cua làm đoạn lìa tình mẫu tử. Bà kể về khoảng thời gian lang thang khắp nẻo, vừa xin ăn vừa lặn lội tìm con, cho đến tuổi già còn đau đáu ngóng vời đứa con biệt dạng. Bà không thấy rõ mặt Sư, vì giòng lệ nhiều năm đã làm mờ ánh sáng của đôi mắt trong, nhưng bà cảm nhận một sự thân thuộc và tin cậy không tả nổi với người khách lạ nầy. Cho nên, tâm sự chất chứa bao năm đầy ắp, giờ có dịp được trút cạn nỗi niềm.

Sư sửng sờ, ngồi lặng thinh. Trước mắt Ngài hiện rõ hình ảnh một đứa bé gầy guộc đen đủi, mặc chiếc quần cộc đen, ngồi nhìn đám cua đang khóc trong giỏ, rồi lui cui thả chúng xuống ao. Đứa bé ra cửa đón mẹ, hai mẹ con đang nói cười vui vẻ, bỗng đâu mẹ quắc mắt nhìn mâm cơm, và một chiếc đòn gánh phang đến. Vết đau nơi chân không sâu bằng vết đau trong tâm hồn non trẻ và sự hoảng sợ khi cậu bất chợt nhận ra một người khác nơi mẹ mình, một con người sân hận hung dữ mà cậu chưa hề gặp.

Cậu không biết mẹ đã biến đi đâu. Người mẹ hiền từ dịu dàng vẫn vuốt ve ôm ấp cậu. Cậu ôm đầu chạy trốn con người hung dữ kia, tai vẫn văng vẳng nghe tiếng gào thét của hắn. Cậu nhắm mắt chạy mãi, chạy mãi để trốn tránh những hình ảnh, những âm thanh ma quái ấy. Cho đến khi mệt đuối, cậu ngã xuống một bờ đê, bất tỉnh.

Bà cụ vẫn thủ thỉ kể chuyện đời mình bằng một giọng đều đều, nhỏ nhẻ. Sư vẫn ngồi đó yên lặng, tiềm thức tiếp tục trổi dậy những hình ảnh ngày xưa. Bốn mươi năm dài chỉ như một chớp mắt. Cậu bé được một vị sư già đưa về chùa săn sóc, dở tỉnh dở mê. Cơn chấn động tinh thần dữ dội, thêm sự nhọc mệt quá độ của thể xác làm mất hẳn trí nhớ. Cậu không biết mình con ai, ở đâu, tên gì, vì sao nằm gục trên đám ruộng xa lạ. Khi tỉnh dậy nhìn quanh, thấy mình đang ở trong chùa, bên cạnh là vị sư già đang nhìn cậu bằng đôi mắt bao dung, từ ái.

Kể từ hôm ấy, cậu như mới được sinh ra, sống nương cửa Phật, nhờ ơn giáo dưỡng của sư phụ trụ trì. Tu hành tinh tấn, giới hạnh trang nghiêm, cậu dần trưởng thành, trở nên một vị chân tu thạc đức, được sư phụ cho kế thừa trụ trì ngôi tu viện. Trong một đêm thiền định sâu xa, khi mọi vọng niệm bặt dứt, trở về với bản tâm thanh tịnh rỗng lặng sáng ngời, ngài đột nhiên nhớ lại chuyện xưa. Thời thơ ấu bên người mẹ hiền sớm hôn tần tảo vụt hiện ra, rõ ràng như chuyện xảy ra hôm qua.

Mẹ giờ chắc đã già yếu, quạnh quẽ cô đơn, từng ngày mong ngóng đứa con duy nhất. Người tu cát ái từ sở thân, nhưng không vì thế mà lãng quên công sinh thành dưỡng dục. Phải trở về quê cũ, tìm gặp mẹ hiền, nghĩ cách bù đắp cho Người những gì mình thiếu sót, báo đền ơn sâu của Người dù đã muộn màng.

Sáng sớm hôm sau, Ngài sắp xếp công việc trong tự viện, giao phó cho những đệ tử thân tín, bảo là ra đi có việc cần, khi nào xong việc sẽ trở về. Một mình Ngài tìm về làng xưa, nhận không ra quang cảnh cũ. Bốn mươi năm, bao nhiêu nước chảy qua cầu. Mái nhà tranh thân thương cạnh bờ ao rau muống, nay chỉ là mảnh đất cỏ dại. Đi quanh xóm, không còn một gương mặt thân quen. Mẹ già đã phiêu bạt nơi đâu, hay đã ra người thiên cổ?

Bốn mươi năm, hình ảnh mẹ bị phủ che bởi lớp bụi dày vô ký, con không hề biết trên đời nầy có mẹ, thảnh thơi sống trong thiền môn vui với câu kinh tiếng kệ. Chao ôi! Tu hành mà làm gì khi một chữ hiếu chưa trả xong, khi không biết mẹ hiền đang ở đâu để lo bề phụng dưỡng?

Nhiều năm trôi qua như thế. Ngài quảy gói làm du Tăng đi khắp hang cùng ngõ hẹp hỏi thăm tin tức về một người mẹ mất con. Trả lại câu hỏi của Ngài, mọi người đều lắc đầu không rõ. Rất thông cảm và rất thương cho vị tu sĩ có hiếu, nhưng không ai có thể giúp Ngài được gì. Nhiều người góp ý, có lẽ thời gian qua lâu thế, mẹ Ngài đã khuất bóng rồi chăng, biết bà cụ ở đâu mà tìm? Chỉ một mình Ngài vẫn giữ trọn lòng tin, Phật Trời không phụ người thành tâm, sẽ có ngày mẹ con đoàn tụ.

Và bây giờ, sự thật mà cứ ngỡ trong mơ! Mẹ đang ngồi trước mặt, đang kể về những năm tháng đau khổ trong đời. Mẹ kể chuyện cho người mới gặp lần đầu, sao có vẻ tin cậy đến thế? Phải chăng vì từ lâu không có ai lắng nghe bằng tất cả tấm lòng, hay vì sợi dây tình cảm thiêng liêng đã rung lên thành điệu nhạc vô thanh? Nhìn mẹ say sưa nói mà nội tâm Sư đang bị đấu tranh bởi hai tư tưởng trái ngược: Bên nầy là tình cảm thông thường, Sư muốn ôm chầm lấy mẹ, khát khao hít đầy lồng ngực mùi mồ hôi quen thuộc của mẹ. Bên kia là trí tuệ và lòng từ của một bậc chân tu, muốn độ mẹ hiền qua biển khổ sinh tử. Nếu hôm nay Sư nhận mẹ, đưa mẹ về chùa phụng dưỡng, thì tình cảm mẹ con sẽ khiến bà sinh tâm chiếm hữu, ỷ lại và khinh mạn đối với chư Tăng. Mẹ vẫn còn tâm chúng sinh với đủ tật tham, sân, si sao khỏi tổn phước; như thế thương mẹ mà vô tình làm hại mẹ. Còn nếu không nhận mẹ con, để mẹ cứ mãi cô đơn nơi quán nước hiu quạnh, thì chẳng hóa ra bạc bẽo tàn nhẫn lắm sao? Làm thế nào trọn vẹn cả đôi đường, Sư có thể gần gũi chăm sóc mẹ, hướng dẫn mẹ tu hành theo chánh pháp, mà mẹ không tổn phước khi sử dụng của tín thí đàn na.

Sư trầm tư suy tính. Chợt một ý nghĩ lóe lên. Ngài mỉm cười tự nhủ: "Phải, cần phải làm như thế". Nắm bàn tay nhăn nheo gầy guộc của mẹ, Ngài dịu dàng hỏi:
- Này cụ, cụ có muốn theo tôi về nương cửa Phật chăng?
Bà cụ không tin vào tai mình:
- Bạch cụ, cụ dạy gì con không rõ?
Sư thương cảm nhắc lại từng tiếng:
- Bà cụ muốn theo tôi về chùa chăng?
Bà cụ mừng rỡ thốt lên:
- Được thế thì còn gì bằng? Nhưng… bạch cụ, con già yếu thế nầy, đâu thể làm công quả cho nhà chùa được ạ?
Sư vỗ nhẹ vào tay mẹ:
- Bà cụ đừng lo. Người khỏe có việc của người khỏe, người già yếu khắc có việc cho người già. Bà cụ ở chùa, sớm hôm niệm Phật, biết đâu nhờ Phật độ trì mà sớm tìm gặp con mình. Để tôi về chùa bạch cùng chúng Tăng, nếu được chấp thuận, tôi sẽ đến đây đón cụ.

Từ đó, bà cụ về ở am tranh nhỏ sau chùa. Không ai biết bà là mẹ của Hòa thượng trụ trì, ngay cả bà cũng không ngờ mình đang sống cạnh người con yêu quý. Sáng nào Sư cũng đến thăm bà, hỏi han sức khỏe, nhắc bà niệm Phật. Việc công quả hàng ngày, Sư phân công bà nhặt hoa lá rụng trước am, khỏe làm mệt nghỉ. Công việc bà thích nhất là nhặt hoa sứ. Cây sứ lâu năm trồng phía trước am tranh của bà, hoa nở trắng cây thơm ngát. Bà nâng niu từng đóa, chọn những hoa còn tươi rửa sạch, đặt vào hai bát sứ. Một bát bà dâng cúng Phật - bức tượng Đức Phật Di-Đà mà Sư đã đưa đến tặng bà. Bát hoa thứ hai, bà để trên bàn dành biếu Sư. Mỗi lần đến, Sư đều ngồi trên chiếc ghế trên bàn, nâng bát hoa sứ bằng hai tay, nhìn thật lâu vào những cánh hoa, sau đó mỉm cười cảm ơn bà cụ.

Không nói ra nhưng bà cũng biết Ngài trân trọng tấm lòng của bà đối với Ngài. Chỉ có thế cũng đủ làm bà cụ vui suốt ngày. Bà ôm ấp niềm vui ấy khi làm việc, khi ăn cơm, khi nghỉ ngơi và cả trong khi ngủ. Theo lời dặn của Sư, lúc nào bà cũng cầm trên tay chuỗi hạt bồ đề do Sư tặng, tay lần chuỗi miệng niệm thầm Lục tự Di-Đà. Khi làm việc, bà mang chuỗi vào cổ tay. Như thế, xâu chuỗi hạt theo bà như hình với bóng.

Đối với bà, đó là vật quý báu nhất đời vì tiếp xúc với nó, bà luôn luôn gần gũi với Đức Phật và với Hòa thượng trụ trì - người vừa có tình thầy trò vừa có một tình cảm nào đó thật lạ mà bà không dám phân tích. Bà chỉ muốn cố gắng làm vui lòng Hòa thượng bằng cách vâng theo thật đúng, thật siêng năng những lời chỉ bảo của Ngài. Mà Ngài có nói gì nhiều đâu, chỉ dặn dò luôn nhớ niệm Phật, ăn ngủ điều độ, chớ lo nghĩ buồn phiền. Cũng thật lạ, từ khi về nương dưới mái chùa, mỗi ngày được Sư đến thăm dù chỉ giây lát, bà tự nhiên thấy mình vô cùng hạnh phúc. Nỗi nhớ mong đứa con lưu lạc từ lâu nặng trĩu, bây giờ bỗng tiêu tan đâu mất.

Trước đây, mỗi khi trời chập choạng tối là bà cảm nhận sự cô đơn quạnh quẽ hơn bao giờ hết. Bây giờ cảm giác ấy không còn, thay vào đó là sự bình ổn của thân tâm. Đêm đến, bà rửa mặt sạch sẽ, đến bàn thờ Phật thắp một nén hương. Bà không biết khấn vái gì nhiều, chỉ dâng lên Đức Phật lời cảm tạ chân thành vì đã ban cho mình niềm vui được sống và tu dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng. Bà cầu nguyện Đức Phật phò hộ độ trì cho Hòa thượng mạnh khỏe sống lâu để làm lợi ích cho nhiều người. Sau đó, bà ngồi xếp chân trên chiếc giường tre, lần chuỗi niệm danh hiệu Đức Phật A-Di-Đà. Khi đã mỏi, bà nằm xuống nhẹ nhàng thảnh thơi đi vào giấc ngủ.

Ngày tháng êm đềm trôi qua. Nhờ Hòa thượng cùng chư Tăng bổn tự, bà cụ đã được an vui trong tuổi xế chiều, được đầy đủ về vật chất trong giới hạn của người tu, được thấm nhuần Phật pháp và tu hành theo giáo lý nhà Phật. Bà cụ đã biết gạt bỏ phiền não, rửa sạch tập khí, tịnh tu ba nghiệp, một lòng niệm Phật cầu được vãng sanh. Có thể nói, đây là giai đoạn hạnh phúc sung mãn nhất trong đời bà.

Một buổi sáng, bà cụ bỗng lên cơn sốt, đầu nhức mắt hoa, tay chân rũ liệt. Sư đến thăm như thường lệ, thấy thế vội lấy nước bà uống, xoa bóp tay chân bà rồi tự mình xuống bếp, nấu cho bà bát cháo giải cảm. Bà cụ, tuy lòng áy náy vì sự chăm lo ấy của Sư, nhưng tận sâu xa của cõi lòng người mẹ vẫn thấy vô cùng sung sướng. Bà nhớ ngày xưa, có lần bà bị mệt, đứa con nhỏ thân yêu của bà cũng quấn quýt săn sóc bà như thế. Có cái gì nửa lạ nửa quen nơi vị Hòa thượng khả kính nầy, bà đã cảm nhận từ lâu nhưng không dám lộ ra. Vả lại, mọi người đều rất tốt đối với bà. Họ ân cần đối xử thăm nom bà như một bà cụ làm công quả, một bà cụ cô đơn được chùa cưu mang. Và bà thì có mong điều gì hơn thế, luôn tỏ lòng cung kính biết ơn đối với chư Tăng, đặc biệt sâu sắc biết ơn Hòa thượng trụ trì đã từ bi ban cho mình những ngày tháng cuối đời thật bình an đầy đủ.

Người già như ngọn đèn cạn dầu, chỉ cần một cơn gió nhẹ là lịm tắt. Bà cụ từ trẻ đến giờ, nhờ Trời tuy lam lũ nhưng ít đau ốm nặng. Lần này, chỉ một trận cảm xoàng nhưng sao bao nhiêu sức lực trong người hầu như cạn kiệt. Toàn thân bà ê ẩm, rét run từng cơn, môi khô miệng đắng. Mọi việc thuốc thang chăm sóc, Sư đều tự tay làm một cách chu đáo tận tình. Nhiều lần bà cụ vừa khóc vừa thưa cùng Sư:
- Bạch cụ, xin cụ hãy để mặc con, con khắc tự mình làm được. Cụ chăm con thế nầy, con e tổn phước lắm ạ.
Sư dịu dàng nói:
- Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật. Bà cụ chỉ có một mình, không con không cháu, tôi thay con bà lo cho bà cũng được, có sao đâu?
Đại chúng biết chuyện, vừa thương bà cụ vừa xót cho Sư, nên đưa một nữ Phật tử đến, bạch rằng:
- Kính bạch Thầy, vị nữ thí chủ nầy có hoàn cảnh rất tội nghiệp, chồng con đều mất, không nơi nương tựa, xin đến chùa ta làm công quả. Chúng con kính trình Thầy, xem có thể nhờ nữ thí chủ đây chăm sóc bệnh tình bà cụ được chăng?
Bằng đôi mắt u ẩn, Sư nhìn người đệ tử, nhìn sang người phụ nữ đang chấp tay cúi đầu. Ngài trầm ngâm giây lâu, sau mới bảo:
- Thôi được, cứ để nữ thí chủ đây ở chung với bà cụ, hôm sớm có nhau. Hai ngày nữa, Thầy có việc đi xa vài hôm. Bệnh tình bà cụ không biết sẽ như thế nào, tuổi già… thật khó lường trước được. Mọi việc ở nhà, Thầy nhờ các chú lo liệu cho. Có điều… nếu bà cụ qua đời, các chú hãy thay Thầy làm đủ lễ cho chu tất, nhưng đừng đậy nắp áo quan. Đợi Thầy về sẽ tính. Thầy sẽ cố thu xếp công việc sớm, xong lúc nào Thầy về ngay lúc ấy.

Trước khi ra đi, Sư đến am tranh ngồi với bà cụ rất lâu. Không biết Sư nói với bà những gì, trấn an bà thế nào, nhưng khi Ngài đứng lên từ giã, bà cụ đã để rơi những giọt nước mắt hạnh phúc tột cùng. Bà đã trải qua những giây phút an lạc. Đã được sống trong hào quang của chư Phật, đã trọn vẹn tin tưởng rằng khi trút hơi thở cuối cùng, bà sẽ được vãng sanh. Cái chết đối với bà giờ đây như chuyến đi xa hứa hẹn nhiều điều kỳ thú, và bà bình thản chờ đợi nó. Có điều, bà hơi băn khoan, không biết Hòa thượng có trở về kịp để tiễn đưa mình không. Thật là lạ trong những giờ phút sau cùng của cuộc đời, bà lại ít nhớ đến đứa con lưu lạc của mình, mà chỉ nghĩ về Hòa thượng như một nơi nương tựa vững chắc, một dây liên kết giữa mình và Tam Bảo.

Bà nhớ câu chuyện cổ tích kể về cô gái nghèo nhờ Bụt hóa phép trở thành người đẹp nhất và hạnh phúc nhất trần gian. Hòa thượng có thể là hiện thân của Bụt, Ngài thương xót hoàn cảnh nghèo khó neo đơn của bà nên đến với bà bằng tấm lòng từ bi - ban vui và cứu khổ.

Hòa thượng đi rồi, đại chúng phân công nhau hàng ngày trợ niệm cho bà cụ. Bà không mở mắt nổi, thở yếu dần nhưng tai vẫn nghe, ý vẫn duyên theo từng tiếng niệm Phật. Những hình ảnh dĩ vãng lần lượt hiện về, từ thuở nhỏ mồ côi đến khi lấy chồng sinh con, nhất là thời gian bốn mươi năm đằng đẳng lang thang tìm kiếm đứa con mất tích. Bà thấy rõ đời mình quá nhiều đau khổ mà chẳng có mấy niềm vui.

Chỉ từ lúc gặp Hòa thượng, được nương nhờ cửa Phật, bà mới biết thế nào là hạnh phúc. Nhờ Hòa thượng chỉ dạy, bà hiểu rằng do bao đời trước bà đã tạo nhân xấu, nên kiếp nầy bà phải nhận quả khổ. Bà không còn oán trách người, một lòng niệm Lục tự Di-Đà nguyện khi chết được vãng sinh về Tây phương Cực-Lạc, nơi có Đức Phật A-Di-Đà và Bồ-tát Quán Thế Âm. Làng xưa của bà có một ngôi chùa nhỏ, trước sân chùa là bức tượng Mẹ hiền Quán Thế Âm cầm tịnh bình và nhành dương liễu. Gương mặt mẹ thật dịu hiền, đôi mắt từ ái nhìn bà mỗi khi bà đến chấp tay cung kính lễ. Chỉ cần nhìn gương mặt ấy, đôi mắt ấy, bà đã thấy trong lòng ấm áp, bao nhiêu buồn đau hận tủi tự nhiên vơi nhẹ đi nhiều.

Nghĩ đến Mẹ hiền Quán Thế Âm, đến Đức Phật A-Di-Đà, tâm bà cụ chợt lắng xuống, chỉ còn hiển hiện sáu chữ Nam mô A-Di-Đà Phật tràn đầy khắp không gian, lồng lộng đất trời. Bà đột nhiên thấy mình rơi vào một đường hầm sâu hun hút, và cuối đường hầm ấy là một vùng ánh sáng chan hòa rực rỡ. Và kìa! Đức Phật A-Di-Đà và chư Thánh chúng hiện ra rõ ràng trước mắt bà, lung linh trong vòng hào quang chói lọi. Vị Bồ-tát đứng bên phải Đức Phật cầm một hoa sen hé nở, tỏa hương thơm ngát. Bồ-tát Quán Thế Âm đứng bên trái, hình dáng quen thuộc với tịnh bình và nhành dương liễu. Ngài mỉm cười với bà, phẩy nhẹ cành dương về phía bà. Lập tức, bà cảm nhận những giọt nước mát thấm đượm vào từng lỗ chân lông, người thấy nhẹ nhàng thanh thản lạ lùng. Bao nhiêu đau đớn của thể xác tự nhiên biến mất, bà như ngợp đi, như hòa tan vào trong vùng ánh sáng huyền diệu của chư Phật Bồ-tát.

Một mùi hương nhẹ nhàng ở đâu tỏa ra khắp phòng. Mọi người nhìn nhau thầm hỏi. Bà cụ vẫn nằm đó, gương mặt rạng rỡ bình an như đang trong giấc ngủ say không mộng mị. Một âm thanh nào trên cao khi gần khi xa, thoạt có thoạt không, thánh thoát du dương chưa từng có trong đời. Bà cụ ra đi an lành thanh thản quá đỗi, như đã rũ sạch mọi trần lao phiền não, mọi gánh phiền não của suốt mấy mươi năm trả nợ trần gian.

Những việc hậu sự cho bà cụ được chư Tăng và Phật tử bổn tự thực hiện chu đáo, theo lời dặn của Hòa thượng trước đây. Bà cụ được tẩm liệm, được đặt vào chiếc áo quan chưa đậy nắp, luôn có người bên cạnh hương khói tụng niệm suốt ngày đêm. Tất cả mọi người, kể cả bà cụ trong quan, đều như mong ngóng Hòa thượng trở về.

Và Ngài đã về, hai ngày sau khi bà cụ mất. Vừa đến chùa, chưa kịp rửa mặt, Sư đã vội đi qua am tranh. Từng bước chân chánh niệm theo công phu từ lâu hành trì, nay gấp gáp hơn. Biết tâm hơi xao động, Sư vội hít vào sâu thở ra dài vài lần. Trở về với tâm an nhiên, Ngài bước vào ngưỡng cửa. Mẹ Ngài như trong giấc ngủ, gương mặt vẫn tươi, nụ cười như đang phảng phất trên môi. Tưởng chừng chỉ cần Sư lên tiếng gọi, bà sẽ mở mắt ra, cười với Ngài một nụ cười móm mém và hồn nhiên như trẻ nhỏ.

Thắp nén hương trầm cắm vào bát hương còn nghi ngút khói, Sư chậm rãi từng bước đi quanh quan tài bà cụ ba vòng. Đại chúng đang tụ tập trước am, ngạc nhiên từng cử chỉ lạ lùng của Hòa thượng. Chẳng ai hiểu vì sao một vị Hòa thượng đạo cao đức trọng mà lại có thái độ thành kính khác thường đối với bà cụ không họ hàng thân thích. Từ khi bà cụ về đây, Ngài không chỉ ban cho bà sự thông cảm, bao dung, mà còn có cái gì ân cần, quan tâm đặc biệt. Cho đến hôm nay, thấy Ngài đi nhiễu quanh bà cụ ba vòng bằng những bước chân tuy nhẹ nhàng nhưng có vẻ trầm tư, câu hỏi "Phải chăng có mối liên hệ nào giữa Hòa thượng và bà cụ?" từ lâu âm ỉ chợt dấy lên trong tâm đại chúng.

Có lý nào…

Tiếng Sư vang lên làm mọi người giật mình lắng nghe:

- Đức Phật từng dạy: "Một người tu đắc đạo, cửu huyền thất tổ sinh thiên". Nếu quả thật lời nầy không hư dối, xin Tam Bảo chứng minh cho lời nguyền của đệ tử: Chiếc quan tài nầy sẽ bay lên hư không!

Hòa thượng vừa dứt tiếng, chiếc quan tài bỗng như có một lực đẩy, từ từ nâng lên cao, sát mái am tranh, lơ lửng. Mọi người đồng loạt quỳ xuống, chắp tay, ngẩng mặt nhìn lên trong một niềm kính ngưỡng tột cùng. Mắt Hòa thượng sáng ngời, an trú trong giây phút hiện tại tuyệt vời, một giây mà đằng đẵng thiên thu.

Tâm hiếu của người con hòa lẫn trong tâm từ của một bậc chân tu đắc đạo, nở tung như đóa sen tỏa hương tinh khiết, tuy vô hình mà bất diệt, tuy vô thanh mà tràn ngập âm hưởng diệu kỳ, tuy vô tướng mà chan hòa khắp cùng cõi giới.

Khi chiếc áo quan nhẹ nhàng trở về chỗ cũ, người ta thấy gương mặt bà cụ - bây giờ đã rõ là thân mẫu của Hòa thượng trụ trì - tươi nhuận rạng rỡ. Mùi hương lạ lại tỏa ra phảng phất quanh nhà. Mọi người đứng bất động, đắm mình trong niềm phúc lạc ngàn năm chưa dễ có.

Nơi quán nước ngày xưa của mẹ, Sư lập một ngôi chùa đặt tên là Mại trà lai Tự. Am tranh mẹ từng ở có tên là Dưỡng mẫu Đường, sớm chiều khói hương nghi ngút.

Hòa thượng để lại cho đời một tấm gương đại hiếu sáng ngời muôn thuở.

Ngài là Thiền sư Tông Diễn, hiệu Chơn Dung (1640-1711), đời vua Lê Hy Tông, thuộc tông Tào Động, quê ở thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giang. Chính Ngài, bằng phương tiện thiện xảo, đã giúp nhà vua cải ác tùng thiện, quay về với Phật pháp. Đối với triều đình và môn đồ, Ngài là Thiền sư Tông Diễn; nhưng đối với dân chúng, Ngài là Hòa Thượng Cua - cái tên dân dã mộc mạc nhưng thật gần gũi thân thương.

Hình ảnh Ngài trong lòng mọi người, đẹp đẽ chói ngời muôn thuở, không phải là hình ảnh của vị Thiền sư, càng không phải của một tu sĩ được vua ban chức Ngự Tiền Chi Quân và áo gấm. Đó là hình ảnh của một bậc chân tu tốt đời sáng đạo, vừa tu hành có kết quả vừa lo tròn chữ hiếu đối với mẹ già một cách vượt thường đầy trí tuệ.

Chúng ta ôn chuyện người xưa để tự nhắc mình một tấm gương đại hiếu sáng ngời.

Không chỉ Ấn Độ mới có chuyện Đức Mục-Kiền-Liên, Xá-Lợi-Phất; không chỉ Trung Hoa mới có chuyện 24 người con hiếu thảo, mà ở Việt Nam ta cũng có những câu chuyện thật đã làm cảm động lòng Trời. Hòa thượng Cua đã lo cho mẹ những ngày cuối đời hạnh phúc, lại độ mẹ được vãng sanh về cõi lành. Còn chúng ta, đã báo hiếu cho cha mẹ những gì khi các Người còn sinh tiền và khi đã khuất bóng? - Đó là câu hỏi mà mỗi người chúng ta, không phân biệt tôn giáo, tuổi tác, không kể xuất gia hay tại gia, đều tự mình suy gẫm và tìm cách trả lời.

Khuyết danh



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/04/2011(Xem: 6839)
Như sen nở dưới mặt trời Vươn cao mặt nước, xa nơi bùn lầy, ưu tiên truyền đạo giờ đây Khai tâm những kẻ loay hoay tìm đường
15/04/2011(Xem: 5044)
Sau khi viết xong đoạn cuối Truyện Hoa Lan với một kết thúc thật tốt đẹp, nàng tươi sáng trong chiếc áo tràng nhuộm màu Ánh Đạo Vàng, tự hứa với lòng sẽ mãi mãi là Đóa Sen bất diệt không để cho chàng có cơ hội chà đạp lên Đóa Lan xưa nữa. Bạn bè tôi ở khắp nơi trên thế giới viết thơ về chúc mừng tới tấp, mừng cho tôi sắp được an hưởng tuổi vàng. Tuổi vàng phải hưởng sớm hơn chứ để đến lúc già lụ khụ thì còn hưởng gì được nữa.
05/04/2011(Xem: 10453)
Trưởng giả Tu-đạt-đa (cũng gọi là Tu-đạt) là một nhà từ thiện lớn, luôn vui thích làm những chuyện phước đức, bố thí. Ông thường cứu giúp những người nghèo khó...
27/03/2011(Xem: 6288)
Chư Bồ Tát, tùy theo hạnh nguyện thù thắng khác biệt mà mỗi vị mang một danh hiệu khác nhau, tựu trung hạnh nguyện của vị nào cũng vĩ đại rộng sâu không thể nghĩ bàn...
26/03/2011(Xem: 9612)
Tuy ra đời khá sớm trong dòng văn học Phật giáo, nhưng cho đến nay, điểm thú vị của độc giả khi đọc lại tập sách này là vẫn có thể nhận ra được những vấn đề quen thuộc với cuộc sống hiện nay của bản thân mình.
26/03/2011(Xem: 3391)
Chân lý chỉ có một, nhưng mỗi người đến với chân lý bằng một con đường khác nhau. Dù bằng con đường nào đi nữa thì đó cũng là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời...
25/03/2011(Xem: 3497)
Dì Tư Lợi có ba cô gái đang xuân tuổi từ 24 đến 30, đều xuất thân đại học, đều có việc làm tốt tại San Jose, California, đứa nào cũng theo nếp sống Âu Mỹ giao du rộng rãi, đùa giỡn tưng bừng mà vẫn lửng khửng chẳng “kết” ai. Dì Tư thầm lo sợ “ba hũ mắm nêm” nổ thình lình, nên cứ nhì nhằng than thở
22/03/2011(Xem: 2901)
Sân chùa yên ả không một tiếng lá rơi. Mặt trời áp má lên những vòm cây xum xuê, chỉ để rớt nhiều đốm nắng rất nhỏ xuống đất, không nóng bức, không khó chịu...
21/03/2011(Xem: 9964)
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời cách đây đã hơn 25 thế kỷ. Những gì ngài để lại cho cho chúng ta qua giáo pháp được truyền dạy khắp năm châu là vô giá...
19/03/2011(Xem: 8677)
Theo đạo Phật, luật nhân quả không chỉ giới hạn trong một đời sống hiện tại này, mà là một quy luật chi phối trong suốt dòng thời gian...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]