Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 05: Lục tổ Huệ Năng (慧能) và pháp hệ

01/11/202120:46(Xem: 7371)
Quyển 05: Lục tổ Huệ Năng (慧能) và pháp hệ

canh duc truyen dang luc

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC

QUYỂN 05

Sa-môn Đạo Nguyên đời Tống soạn

Việt dịch: Lý Việt Dũng



 

 

Tổ Thứ 33 (Tổ Thứ 6 Trung Hoa) Huệ Năng

Pháp Tự Của Tổ Huệ Năng: 43 người, 19 người được ghi chép, 18 người bàng xuất.

1. Tam Tạng Quật Đa Tây Ấn Độ

2. Thiền sư Pháp Hải Thiều Châu

3. Thiền sư Chí Thành Cát Châu

4. Thiền sư Hiểu Liễu núi Biển Đam

5. Thiền sư Trí Hoàng Hà Bắc

6. Thiền sư Pháp Đạt Hồng Châu

7. Thiền sư Trí Thông Thọ Châu

8. Thiền sư Chí Triệt Giang Tây

9. Thiền sư Trí Thường Tín Châu

10. Thiền sư Chí Đạo Quảng Châu

11. Thiền sư An Tông chùa Pháp Tính Quảng Châu

12. Thiền sư Hành Tư núi Thanh Nguyên Cát Châu

13. Thiền sư Hoài Nhượng Nam Nhạc

14. Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác Ôn Châu

15. Thiền sư Bổn Tịnh núi Tư Không

16. Thiền sư Huyền Sách Vụ Châu

17. Thiền sư Linh Thao Tào Khê

18. Thiền sư Tuệ Trung chùa Quang Trạch Tây Kinh.

19. Thiền sư Thần Hội chùa Hà Trạch Tây Kinh.

 

 

 

LỤC TỔ HUỆ NĂNG - THIỀN SƯ ĐẠI GIÁM

 

Lục Tổ đại sư Huệ Năng, họ Lư. Tổ tiên người Phạm Dương. Cha tên Hành Thao, niên hiệu Vũ Đức làm quan bị giáng tới Tân Châu, thuộc Nam Hải và định cư tại đây.

Sư lên 3 tuổi thì cha mất, mẹ giữ tiết nuôi nấng đến lớn khôn thì nhà càng nghèo túng, sư phải đốn củi đem bán nuôi mẹ. Ngày nọ nhân gánh củi đi đến chợ, chợt nghe có người khách đọc kinh Kim Cang, đến câu “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” thì đâm ra cảm ngộ. Sư hỏi khách rằng:

- Đây là pháp gì, ông được từ ai ?

Khách nói:

- Đây là kinh Kim Cang, ta được từ chỗ Nhẫn đại sư ở Hoàng Mai.

Tổ liền cáo từ mẹ lên đường vì pháp, tìm thầy. Ngài đi đến Thiều Châu, gặp bậc cao hạnh Lưu Chí Lược kết làm bạn hữu. Có bà ni Vô Tận Tạng là cô của Lưu Chí Lược, thường đọc kinh Niết-bàn. Sư dần nghe liền định giải thuyết nghĩa kinh cho ni. Ni cầm sách đưa hỏi về chữ. Tổ nói:

- Chữ thì không biết, nhưng nghĩa thì xin cứ hỏi.

Ni nói:

- Chữ đã không biết thì làm sao hiểu được nghĩa ?

Tổ nói:

- Diệu lý của chư Phật, không liên hệ gì tới chữ nghĩa.

Ni hết sức kinh ngạc, nói với các kỳ lão trong thôn:

- Ông Năng là người có đạo căn, đáng được cúng dường.

Thế là người trong thôn kéo đến chiêm bái, kính lễ. Gần đấy có ngôi chùa cổ Bảo Lâm, mọi người bàn định xây lại để Tổ đến trụ trì. Tứ chúng kéo nhau đến thật đông, không bao lâu nơi đây trở thành chốn chùa chiền trang nghiêm thanh nhã.

Một hôm, Tổ chợt nghĩ: “Ta lìa xa mẹ cầu đại pháp sao dừng ở nửa đường ? Hôm sau thì lên đường, đi đến động đá Tây Sơn huyện Lạc Dương, gặp Thiền sư Trí Viễn. Tổ ra mắt hỏi đạo.

Viễn nói:

- Xem thần khí ông rất tốt, rõ là người sáng bạt không phải tầm thường. Ta nghe Bồ Đề Đạt Ma xứ Tây vực đã truyền tâm ấn nơi Hoàng Mai, ông nên đến đó tham cầu yếu quyết.

Tổ bèn cáo từ ra đi, đến Đông Sơn thuộc địa hạt Hoàng Mai. Lúc ấy nhằm thời nhà Đường, niên hiệu Hàm Hanh, năm thứ ba.

Nhẫn đại sư vừa trông thấy đã ngầm nhận biết ngay. Sau Tổ truyền y bát, dặn nên lánh một thời gian tại Tứ Hội và Hoài Tập.

Đến niên hiệu Nghi Phụng nguyên niên, năm Bính Tý, ngày 8 tháng giêng, Tổ đến Nam Hải gặp Pháp sư Ấn Tông tại chùa Pháp Tính đang giảng kinh Niết-bàn. Tổ dừng ngoài hiên chùa nghe giảng. Chiều tối, gió thổi lay động lá phướn chùa. Nghe hai ông tăng đối đáp nhau: Một người nói phướn động, người kia nói gió động, cùng cãi vả nhau vẫn chưa thấu lý.

Tổ nói:

- Có thể cho kẻ tục lữ tầm thường này lạm bàn cùng cao kiến được không ? Thực ra, gió với phướn đều không động mà là do tâm các thầy động đấy. 

Ấn Tông nghe lời nói ấy ngạc nhiên.

Hôm sau, Ấn Tông mời Tổ vào thất hỏi nghĩa thâm diệu về gió và phướn. Tổ dùng lý trình bày cặn kẽ. Ấn Tông bất giác đứng lên, nói:

- Hành giả nhất định không phải là người thường vậy thầy ông là ai ?

Tổ không thể giấu giếm, bèn thuật nguyên do việc đắc Pháp. Thế là Ấn Tông bèn tự chấp lễ đệ tử, thỉnh cầu được nhận pháp yếu của Thiền. Ngài cáo cùng tứ chúng:

- Ấn Tông ta đây thực là phàm phu, nay mới được gặp Bồ-tát thân phàm.

Đoạn chỉ Lư cư sĩ dưới pháp tòa nói:

- Chính là vị này đây.

Nhân đó cầu xin Tổ đưa ra tín y, bảo mọi người cùng chiêm bái.

Ngày 15 tháng giêng, Ấn Tông mời các bậc danh đức đến làm lễ cạo tóc cho Lư cư sĩ.

Đến ngày 8 tháng 2, Trí Quang Luật sư chùa Pháp Tính đứng ra làm lễ thọ cụ túc giới cho Tổ. Giới đàn này do Ngài Tam Tạng Cầu-na-bạt-đà-la triều (Lưu) Tống thiết lập.

Ngài Tam Tạng Bạt-đà-la cũng đã thọ ký: “Sau này sẽ có Bồ- tát thân phàm thọ giới tại đàn này”.

Lại vào cuối thời Lương, Chân đế Tam tạng đã tự tay trồng hai cây Bồ-đề bên cạnh đàn và nói với chúng: “Sau 120 năm, sẽ có bậc Đại pháp sĩ dưới cội cây này diễn pháp vô thượng thừa độ vô số chúng sanh”.

Thọ giới xong, ngay dưới cội Bồ-đề, Tổ khai diễn pháp môn Đông Sơn - đúng như dự ngôn trước kia.

Sang năm, vào ngày 8 tháng 2, Tổ bỗng nói cùng môn nhân:

- Ta không định lưu tại đây mà muốn trở về nơi ẩn khi xưa. 

Ấn Tông bèn cùng hơn ngàn người cả tăng lẫn tục làm lễ tiển đưa Tổ về chùa Bửu Lâm. Quan Thứ sử Thiều Châu là Vi Cứ đã thỉnh sư đến chùa Đại Phạn thuyết giảng pháp vi diệu và thọ giới vô tướng tâm địa. Môn đồ đã chép lại thành sách tên gọi Đàn Kinh, truyền bá rộng rãi trong đời.

Sau đó, Tổ trở về Tào Khê, thuyết giảng đại Pháp. Học giả thường không dưới ngàn người.

Đời vua Trung Tôn, niên hiệu Thần Long năm đầu, có chiếu rằng: “Trẫm mời hai thiền sư Tuệ An và Thần Tú vào cung cúng dường để khi rãnh việc triều chính đa đoan được tham cứu nhất thừa thì hai Đại sư cùng tận lực tiến cử rằng: ‘Phương Nam có Thiền sư Năng, đã mật thọ y Pháp của Nhẫn đại sư, có thể đến hỏi đạo ông ấy’. Trẫm sai nội thị Tiết Giản lãnh chiếu đi cung thỉnh, mong sư từ niệm, mau đến kinh thành”.

Tổ dâng biểu từ chối vì đau yếu, nguyện chung thân ở nơi rừng núi.

Giản nói:

- Các bậc Thiền đức ở kinh thành đều nói, muốn lãnh hội được đạo, tất phải ngồi thiền tập định, nếu chẳng vì thiền định mà được giải thoát thì là chưa từng có, vậy xin hỏi pháp mà sư nói như thế nào ?

Tổ nói:

- Đạo từ tâm mà ngộ, há tại vì ngồi thiền sao ? Kinh nói: “Nếu nói thấy Như Lai, hoặc ngồi, hoặc nằm, ấy là tà đạo vậy”. Tại sao vậy ? Bởi vì Như Lai không từ nơi nào đến đây, cũng chẳng đi về nơi đâu. Nếu biết không sanh diệt thì đấy là Như Lai thanh, tịnh Thiền. Nhận thực các pháp vắng lặng: tịch tịnh là Như Lai tịnh tọa. Rốt cùng, chân đế của Phật pháp há chỉ do ngồi thiền mà chứng đắc ru ?

Giản nói:

- Đệ tử trở về, chúa thượng tất hỏi, cúi nguyện Hòa thượng từ bi chỉ cho con chỗ tâm yếu.

Tổ nói:

- Đạo không sáng tối, sáng tối là nghĩa đối đãi qua lại. Sáng tối thì không cùng, song rồi cũng có chỗ tận, vì đối đãi qua lại nhau nên phải đặt tên kêu gọi. Vậy nên Kinh viết: “Pháp không có so sánh, không đối đãi nhau”.

Giản nói:

- Sáng, dụ cho trí tuệ, tối ví như phiền não. Người tu hành nếu chẳng lấy trí tuệ phá tan phiền não thì nhờ đâu thoát khỏi sanh tử từ vô thỉ ?

Tổ nói:

- Phiền não tức là Bồ-đề, không hai không khác. Nếu lấy trí tuệ chiếu tan đi phiền não thì đấy là hàng Nhị thừa tiểu kiến, là cỗ xe dê, xe nai. Bậc thượng căn đại trí thì chẳng như vậy.

Giản hỏi:

- Thế nào là kiến giải Đại thừa ?

Tổ bảo:

- Sáng với không sáng, tánh ấy không hai. Tánh không hai chính là thực tánh. Thực tánh ấy ở phàm ngu chẳng hề giảm, mà ở Thánh hiền nó cũng chẳng tăng. Ở chỗ phiền não mà không loạn, trụ trong Thiền tịnh mà không cô quạnh, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đi chẳng đến, chẳng ở nơi giữa, cho đến trong ngoài cũng không, không sanh không diệt, tánh tướng như như, thường trụ không chuyển biến, đổi thay - đấy gọi là đạo.

Giản nói:

- Thầy nói không sanh không diệt, vậy có gì khác với ngoại đạo ?  

Tổ bảo:

- Chỗ giảng giải chẳng sanh chẳng diệt của ngoại đạo là lấy diệt ngăn sanh, lấy sanh để hiển bày cái diệt. Diệt do vậy vẫn không diệt, sanh nói chẳng sanh. Ta nói chẳng sanh chẳng diệt là tự căn nguyên nó vốn không sanh, nay cũng không diệt, cho nên chẳng giống với ngoại đạo. Ông nếu muốn biết tâm yếu, chỉ cần hết thảy mọi thiện ác đều đừng bận tâm suy nghĩ thì tự nhiên sẽ ngộ nhập tâm thể thanh tịnh, thường tịch trong suốt, diệu dụng vô kể.

Giản được chỉ dạy, tâm hoát nhiên đại ngộ, đảnh lễ từ biệt về triều, dâng biểu tâu lại lời Tổ dạy. Vua hạ chiếu kính tạ và cúng dường cà-sa cực quí ma nạp và 500 xấp lụa, một chiếc bát vàng.

Ngày 19 tháng 12, sắc đổi tên cũ Bửu Lâm là Trung Hưng Tự.

Đến năm thứ ba (niên hiệu Nghi Phụng), ngày 18 tháng 11, vua lại lệnh cho Thứ sử Thiều Châu trùng hưng trang trí lại ngôi chùa và ban biển hiệu Pháp Tuyền Tự. Nơi chùa cũ của Tổ ở Tân Châu đổi tên là Quốc Ân Tự.

Một hôm, Tổ báo cùng chúng:

- Các thiện tri thức, các ông hãy tự tịnh tâm, nghe ta nói pháp. Hết thảy các ông đây, tự tâm là Phật, chớ nên nghi ngờ. Bên ngoài chẳng có một vật nào có thể kiến lập được. Tất thảy đều là tự bản tâm sanh ra vạn giống pháp. Kinh nói: “Tâm sanh thì đủ thứ pháp sanh, tâm diệt thì mọi pháp diệt”. Nếu muốn thành tựu chủng trí thì cần phải đạt nhất tướng Tam-muội, nhất hạnh Tam-muội.

Nếu ở mọi chốn mà không trụ tướng, trong tướng ấy chẳng nẩy sanh lòng yêu ghét, cũng không giữ bỏ, không nghĩ đến lợi ích, thành hay hư hoại các sự, cứ an nhàn thanh tịnh, hư dung đạm bạc, thì đấy gọi là nhất tướng Tam-muội. Còn như ở mọi chỗ mọi nơi, đi đứng nằm ngồi, duy nhất một chân tâm, chẳng làm mất tánh thuần khiết, tạo thành một khối tịnh độ giữa trần thế thì gọi là nhất hạnh Tam-muội. Nếu người nào đủ hai thứ Tam-muội này thì khác gì đất có mầm giống, có công năng dung chứa và nuôi dưỡng lớn lên thành trái. Nhất tướng nhất hạnh cũng lại như vậy. Ta nay nói pháp cũng như khi mưa mùa thấm nhuần đất đai rộng lớn. Phật tánh các ông tỉ như hạt giống, gặp đất ẩm ướt tất mầm mộng phát sanh. Cứ theo ý chỉ ta dạy, nhất định sẽ được Bồ-đề. Theo lời ta mà thực hành, tất sẽ chứng diệu quả.

Đầu niên hiệu Tiên Thiên, Tổ báo cùng tứ chúng:

- Ta lạm nhận y - pháp của Nhẫn đại sư, nay vì các ông mà nói pháp, nhưng không truyền lại y. Ấy cũng vì gốc tin các ông đã đủ, cứ nhất định chẳng nghi là đã đủ xác nhận sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của ta. Nghe ta đọc kệ:

Phiên âm:

Tâm địa hàm chư chủng

Phổ vũ tất giai sanh

Đốn ngộ hoa tình dĩ

Bồ-đề quả tự thành.

Tạm dịch:

Đất tâm dung các giống

Mưa khắp tất nẩy sanh

Đốn ngộ - hoa bừng nở

Bồ-đề quả tự thành.

Nói kệ xong, Tổ lại bảo:

- Pháp này không hai, tâm ấy cũng như vậy. Đạo ấy thanh tịnh cũng không có các tướng. Các ông chớ nên chấp quán tịnh và ngoan không cái tâm. Tâm vốn đã tịnh, không thể giữ - bỏ. Mọi người hãy gắng lên, tùy duyên mà đi tới !

Có ông tăng nêu kệ của Thiền sư Ngọa Luân rằng:

Phiên âm:

Ngọa Luân hữu kỹ lưỡng

Năng đoán bách tư tưởng

Đối cảnh tâm bất khởi

Bồ-đề nhật nhật trưởng.

Tạm dịch:

Ngọa Luân có biệt tài

Nghĩ suy, cắt đứt ngay

Gặp cảnh tâm không khởi

Bồ-đề lớn ngày ngày.

Tổ nghe vậy, nói:

Bài kệ này vẫn chưa đạt tâm địa, nếu theo đó mà hành thì chỉ thêm trói buộc.

Nhân đó, ngài đọc một bài kệ:

Phiêm âm:

Huệ Năng một kỹ lưỡng

Bất đoạn bách tư tưởng

Đối cảnh tâm tự khởi

Bồ-đề tác ma trưởng.

Tạm dịch:

Huệ Năng chẳng có tài

Chẳng đoạn trừ tư tưởng

Gặp cảnh tâm cứ sanh

Bồ-đề làm sao trưởng ?

Tổ giảng pháp hóa độ chúng sanh qua 40 năm, đến ngày 6 tháng 7 năm ấy, ngài bảo đệ tử đến chùa Quốc Ân Tân Châu lập tháp Báo Ân, dặn tăng gấp đôi công suất làm việc.

***

Lại có một ông tăng xứ Thục, tên Phương Biện đến ra mắt Tổ, bạch:

- Con chuyên nặn tượng.

Tổ nghiêm mặt, bảo:

- Hãy nặn xem.

Phương Biện chẳng hiểu chỉ ý, bèn ra sức đắp chân tượng Tổ cao độ 7 tấc, trông giống như thật. Tổ đến xem, bảo:

- Ông giỏi nặn tượng mà chưa giỏi tánh Phật.

Bèn ban tặng cho tấm y và đồ vật, Phương Biện tạ lễ lui về. Niên hiệu Tiên Thiên năm thứ hai, ngày mùng 1 tháng 7, Tổ bảo cùng môn đồ:

- Ta muốn về Tân Châu, các ông mau chuẩn bị thuyền.

Lúc ấy, mọi người buồn bã quyến luyến cầu xin Tổ ở lại. Tổ nói:

- Chư Phật ra đời vẫn phải thị hiện vào Niết-bàn. Có đến ắt có đi, lẽ thường là vậy. Hình hài này của ta tất cũng phải có chỗ quay về.

 Chúng nói:

- Sư ra đi, xin mau mau trở lại.

- Lá rụng về cội, ngày trở lại không nói được.

Chúng lại hỏi:

- Pháp nhãn của thầy, truyền lại cho người nào ?

Tổ nói:

- Có đạo thì được, vô tâm thì thông.

Lại hỏi:

- Sau này có nạn gì không ?

- Sau khi ta tịch diệt năm sáu năm, sẽ có người đến lấy đầu ta, nghe ta dặn dò:

Phiên âm:

Đầu thượng dưỡng thân

Khẩu lý tu xan

Ngộ Mãn chi nạn 

Dương liễu vi quan.

Tạm dịch:

Trên đầu dưỡng thân

Trong miệng để ăn

Gặp nạn của Mãn

Dương liễu làm quan.

Đoạn nói:

Sau khi ta tịch diệt 70 năm sẽ có hai Bồ-tát từ phương Đông tới, một tại gia, một xuất gia. Cả hai cùng dựng lập pháp ta, làm hưng thạnh tông phái ta.

Tổ nói xong, đến chùa Quốc Ân ở Tân Châu, tắm rửa xong vào ngồi xếp bằng an nhiên thị tịch. Mùi hương tỏa khắp, dãy cầu vồng trắng quyện ngang đất. Tức nhằm ngày mùng 3 tháng 8 năm ấy.

Lúc ấy, người hai quận Thiều và Tân Châu đều định lập tháp, đạo tục không biết nên đặt bên nào. Quan Thứ sử hai quận bèn cùng nhau thắp hương khấn: “Khói hương chỉ chỗ nào tức là ý Tổ muốn về đấy”.

Lúc bấy giờ, khói lư hương xông lên bay thẳng hướng Tào Khê.

Ngày 13 tháng 11, mọi người cùng đưa Tổ đến nhập tháp tại nơi này. Ngài thọ 76 tuổi.

Bấy giờ, Thứ sử Thiều Châu là Vi Cứ soạn bi văn. Môn nhân nhớ chuyện đoán trước bị lấy đầu nên dùng miếng sắt lá quấn vải nhúng sơn quàng quanh cổ bảo hộ. Trong tháp còn có tín y của Đạt Ma truyền lại. (Chú: Tấm y làm bằng vải Khuất Thuấn xứ Tây Vực, vải này do lụa Mộc Miên Hoa tâm dệt thành. Cùng y quý Ma Nạp, bình bát vàng vua Trung Tông ban tứ, pho Chân Tượng do Phương Biện đắp và các đạo cụ. Lại cử chủ tháp và thị giả thủ hộ).

Khai Nguyên năm thứ mười, Nhâm Tuất. Ngày 3 tháng 8 nửa đêm bỗng có tiếng giũa sắt trong tháp, tăng chúng hoảng hốt trở dậy thì thấy một gã đàn ông mặc đồ tang từ tháp chạy ra, sau đó xem lại thì thấy cổ của Tổ có vết giũa trầy. Đem chuyện trộm báo lên quan huyện lệnh Dương Khản, Thứ sử Liễu Vô Thiểm được báo, bèn ra lệnh tìm bắt. Năm ngày sau thì bắt được tên trộm tại thôn Thạch Giác, giải về Thiều Châu tra hỏi.

Y đáp:

- Họ Trương, tên Tịnh Mãn, người huyện Lương, Nhữ Châu, do nhận 20 ngàn tiền của Kim Đại Bi, tăng xứ Tân La (Triều Tiên) chùa Khai Nguyên, Hồng Châu, bảo đến lấy đầu Lục Tổ Đại sư mang về Hải Đông (Triều Tiên) cúng dường.

Quan huyện Liễu xem cung trạng, chưa vội gia hình, đích thân đến Tào Khê hỏi Lịnh Thao là cao đệ tử của Tổ.

- Phải xử trị như thế nào ?

Thao nói:

- Theo quốc pháp thì bị tru di, nhưng đạo Phật từ bi, coi oán thân là bình đẳng, huống chi kẻ kia lại muốn trộm đầu để cúng dường, tội có thể tha thứ.

Thứ sử Liễu càng thêm khâm phục nói:

- Nay mới biết là nhà Phật quảng đại vô cùng.

Bèn xá tội cho Mãn. Năm đầu niên hiệu Thượng Nguyên, vua Tiên Tông sai sứ đến thỉnh y bát của Tổ đem về nội cung cúng dường. Đến niên hiệu Vĩnh Thái năm đầu (công nguyên 765) ngày 5 tháng 5, Đại Tông mộng thấy Lục Tổ đến xin lại y bát. Bảy hôm sau, vua lệnh cho Thứ sử Dương Giam rằng:

- Trẫm nằm mộng thấy Thiền sư yêu cầu mang y truyền pháp đưa trở về Tào Khê. Nay sai Trấn quốc Đại tướng quân Lưu Tông Cảnh mang trả lại. Trẫm coi đó là quốc bảo, khanh hãy mang đến chùa theo pháp tắc đặt đúng chỗ, riêng truyền cho tăng chúng và người đích thân nối tiếp tông chỉ, phải hết sức gìn giữ, đừng để mất mát.

Sau đó, hoặc có bị người đến trộm, song chưa trốn đi xa thì bị bắt lại, như vậy đến 4 lần.

Vua Hiến Tông thụy tặng Tổ là Đại Giám Thiền Sư. Tháp hiệu Nguyên Hòa Linh Chiếu.

Vào đầu thời hoàng triều Khai Bảo, quân triều đình bình định họ Lưu vùng Nam Hải, tàn binh làm bướng, miếu tháp Tổ cháy rụi song chân thân Tổ được các tăng coi tháp giữ gìn cẩn thận, chẳng tổn hại gì. Sau đó có người lo tu chỉnh lại, nhưng công việc chưa thành. Đến khi Thái Tông hoàng đế lên ngôi, đặc biệt lưu tâm đến Thiền tông, tháp mới tăng phần tráng lệ.

Đại sư từ năm Đường Tiên Thiên thứ hai, nhằm năm Quí Sửu nhập diệt cho đến năm Cảnh Đức nguyên niên, nhằm năm Giáp Thìn, là 292 năm.

Những người đắc pháp, ngoại trừ nhóm Ấn Tông 30 người mỗi người đều hành hóa một nơi, coi như pháp tự chính thức, còn có nhiều người giấu tên ẩn tích, không thể kể xiết. Nay trong truyền ký của các nhà, lược tập thuật 10 người gọi là bàng xuất.

PHẦN PHỤ LỤC

Hòa thượng Hoằng Nhẫn hỏi Huệ Năng:

- Ông từ đâu đến đây lễ bái ta ?

Sư đáp:

- Đệ tử người Lĩnh Nam, là dân thường ở Tân Châu. Nay từ phương xa đến lễ bái Hòa thượng, không cầu gì khác, chỉ cầu thành Phật.

Đại sư liền trách cứ Huệ Năng:

- Ông là người Lĩnh Nam, lại là dân thiểu số Cát Lão, thì làm sao mà làm Phật được.

Huệ Năng đáp rằng:

- Con người thì có phân biệt nam bắc, còn Phật tánh thì nào có bắc nam bao giờ. Thân phận dân Cát Lão sánh với Hòa thượng thì không giống nhau, nhưng Phật tánh thì có gì sai khác ?

(Theo Đàn Kinh)

***

- Phật pháp không mau chậm, người thì có phân biệt lanh lợi và trì độn. Kẻ mê muội thì nên đầu hiệp dần dần, còn người linh ngộ thì có thể trong phút chốc tu tập thành công. Mục đích của tu tập là nhận thức bản tâm của mình, phát hiện bản tánh của tự thân. Nếu ngộ rồi thì thấy vạn vật không sai biệt, còn không ngộ thì mãi chìm đắm trong sanh tử, luân hồi.

(Theo Đàn Kinh)

***

- Nhân tánh, xưa nay vốn thanh tịnh, nhưng do bị vọng niệm che chụp mất bản thể. Nếu như trừ được vọng niệm thì bản tánh liền hiển lộ thanh tịnh.

(Theo Đàn Kinh)

***

- Đến như yêu cầu bất động của tọa thiền tu tập, thì nên chẳng nhìn thấy sai quấy của bất cứ ai, đó là tánh bất động. Nhưng kẻ mê vọng thì chỉ thân bất động mà thôi, hễ mở miệng ra là nghị luận phải trái của kẻ khác, điều đó đi ngược lại với đạo Thiền.

(Theo Đàn Kinh)

***

- Trong pháp môn của chúng ta, cái gì là Tọa Thiền ? Trong pháp môn này, tất cả đều không có chướng ngại. Đối với tất cả sự vật của ngoại giới đều không khởi vọng niệm gọi là “Tọa”, Thấy được bản tánh bất loạn của tự thân gọi là “Thiền”. Sao gọi là Thiền định ? Xa lìa vật tướng của ngoại giới gọi là “Thiền”. Nội tâm không tán loạn gọi là định. Như quả chấp trước vật tướng của ngoại giới, nội tâm tức tán loạn. Như quả lìa xa vật tướng của ngoại giới, thì nội tính không tán loạn. Thật ra bản tánh nguyên thanh tịnh, nguyên chuyên nhất an định, chỉ nhân vì tiếp xúc ngoại giới, bởi tiếp xúc thì tán loạn. Lìa xa vật tướng ngoại giới, nội tâm tức không tán loạn, liền chuyên nhất an định. Ngoại thiền nội định, do đó mới gọi là Thiền định. Trong kinh Duy-ma có nói: “Ngay tức khắc đốn ngộ, khôi phục bản tâm”. Kinh Bồ-tát Giới nói: “Tự tánh bổn lai thanh tịnh”. Này các thiện tri thức, hãy phát hiện tự tánh bổn lai thanh tịnh, tự mình tu tập, tự mình nỗ lực, tự tánh liền là Phật pháp, tự hành hạnh của Phật pháp, tự mình nỗ lực, thì tự nhiên thành công đạo Phật.

(Theo Đàn Kinh)

- Người đời tánh tự tịnh, vạn pháp tại tự tánh. Nghĩ ngợi đến mọi chuyện ác, thì làm chuyện ác. Nghĩ ngợi đến mọi việc thiện thì làm chuyện thiện. Như vậy thì tất cả mọi pháp đều ở nơi tự tánh, nếu tự tánh thường thanh tịnh, thì mặt trời, mặt trăng thường sáng. Chỉ vì mây che phủ mà trên sáng, dưới tối, không thể thấy được mặt trời, mặt trăng cùng các ngôi sao. Bỗng gặp gió huệ thổi tan, vén hết mây mù, vạn sự vạn vật cùng lúc hiện ra. Người đời tánh tịnh do như trời xanh, huệ như mặt trời, trí như mặt trăng, trí huệ thường sáng. Nếu chấp trước hư cảnh bên ngoài, mây nổi vọng niệm che phủ, tự tánh không thể sáng. Cho nên nếu gặp được bậc Thiện tri thức (cao tăng) khai ngộ pháp chân thật, thổi tan mê vọng, trong ngoài đều sáng suốt. Trong tự tánh, vạn pháp đều hiện ra. Nhất thiết pháp tự tại tánh, gọi là thanh tịnh Pháp thân.

(Theo Đàn Kinh)

***

- Không nghĩ ngợi, tánh tức không tịch. Nghĩ ngợi, tánh tức biến hóa. Nghĩ ngợi chuyện ác, hóa thành địa ngục. Nghĩ ngợi việc thiện hóa thành thiên đàng. Tâm sanh độc hại hóa thành súc sanh, tâm sanh từ bi hóa thành Bồ-tát, tâm sanh trí tuệ hóa thành chốn vui trên thượng giới, tâm sanh ngu si hóa thành biển khổ hạ giới. Tự tánh biến hóa nhiều lắm, kẻ si mê tự mình không hiểu không thấu nổi. Trong tâm một niệm thiện vừa dấy lên, liền sản sanh trí huệ. Một cây đèn có thể trừ bỏ bóng tối ngàn năm, một niệm trí huệ có thể trừ bỏ muôn năm ngu si.

(Theo Đàn Kinh)

***

- Nhất thiết kinh điển thư tịch nhà Phật, cùng các loại nghị luận Phật giáo, Đại Tiểu hai thừa Phật giáo, mười hai bộ kinh, đều vì người mà bày ra. Nhân vì nhân tánh đều đầy đủ trí huệ, mà các kinh điển trên mới kiến lập. Như quả thế gian không có người thì nhất thiết Phật pháp, bổn lai vốn không có. Nhân đó mà có thể biết tất cả Phật pháp đã có, bổn lai vì người mà thi thiết, nhất thiết kinh điển Phật giáo, nhân có người giảng tập thì mới sản sanh. Nhân vì trong cõi con người có kẻ ngu người trí, ngu mê là tiểu nhân, duệ trí là đại nhân. Kẻ ngu mê hướng về người duệ trí thỉnh giáo, người duệ trí hướng về kẻ ngu mê giảng Phật pháp, khiến đám người ngu mê đó tỉnh ngộ lý giải. Đám ngu mê kia mà tỉnh ngộ lý giải rồi, thì đối với người duệ trí không còn khác nhau. Nhân đó, như quả không lãnh ngộ thì Phật cũng đồng chúng sanh, còn như quả một niệm đốn ngộ thì chúng sanh đều thành Phật. Do đó, mà biết rằng tất cả Phật pháp đều ở trong thân tâm ta, sao không từ trong tự tâm bỗng chốc hiển lộ bản tánh chân thật vậy ? Kinh Bồ-tát Giới nói: “Bản lai tự tánh của ta thanh tịnh ! Nhận thức tự tâm, phát hiện bổn tánh, tự nhiên thành công đạo Phật !”. Kinh Duy-ma nói: “Bỗng chốc lãnh ngộ, khôi phục bản tâm”.

(Theo Đàn Kinh)

***

- Này các thiện tri thức, ta hồi ở nơi Hoằng Nhẫn đại sư, vừa nghe lời nói đã đại ngộ, thấy liền chân như bản tánh. Do đó mà mang pháp ấy lưu bố đời sau. Nay kẻ học đạo đốn ngộ Bồ-đề, khiến bản tánh đốn ngộ... Các ông nếu không tự ngộ được, nên khởi Bát-nhã mà quán chiếu, trong nháy mắt vọng niệm đều diệt, tự mình trở thành cao tăng đắc dạo. một khi giác ngộ liền hiểu cảnh giới Phật.

 (Theo Đàn Kinh)

Đốn ngộ kiến Phật

Kim sanh nhược ngộ đốn giáo môn

Nhược dục tu hành vân mịch (mích) Phật

Nhược dục tâm trung tự hữu chân

Tự bất cầu chân ngoại mịch (mích) Phật

Đốn giáo pháp giả thị Tây lưu

Kim báo thế gian học đạo giả

Ngộ tức nhãn tiền kiến Thế Tôn

Bất tri hà xứ dục cầu chân

Hữu chân tức thị thành Phật nhân

Khứ mịch tổng thị đại si nhân

Cứu độ thế nhân tu tự tu

Bất vu thử kiến đại du du.

Tạm dịch:

Đời nay nếu ngộ đốn giáo môn

Nếu muốn tu hành mà tìm Phật

Nếu muốn trong lòng tự có chân

Tự chẳng cầu chân ngoài tìm Phật

Pháp đốn giáo nọ từ Tây lại

Nay báo thế gian người học đạo

Ngộ tức nhãn tiền thấy Thế Tôn

Chẳng biết nơi nào mà cầu chân

Có chân tức là thành Phật nhân

Đi tìm chính lại đại si nhân

Cứu độ người đời tu tự tu

Chẳng biết lý ấy đại hồ đồ.

(Theo Đàn Kinh) 

***

Chợt có người xứ Tân Châu họ Lư tên Huệ Năng, hai mươi hai tuổi, đến bái yết đại sư Hoằng Nhẫn. Đại sư hỏi:

- Ông từ đâu đến, ý muốn việc gì ?

Sư thưa:

- Con từ Lĩnh Nam đến, ý cũng không muốn việc gì khác, chỉ mong làm Phật.

Đại Sư biết đây là bậc khác thường, nhưng do thấy xung quanh đông người nên hỏi trớ:

- Ông có thể theo chúng làm việc được chăng ?

Sư thưa:

- Thân mạng đây còn không tiếc, sá gì chuyện làm việc.

Nói xong theo chúng đạp cối đá, giã gạo trong 8 tháng. Đại sư biết căn cơ của Huệ Năng đã chín muồi mới âm thầm gọi vào phương trượng phó pháp và trao lại cà-sa làm tin mà mình được truyền trước đây, rồi bảo phải đi khỏi xứ này ngay. Sau Huệ Năng sợ mọi người thấy được nên thường ẩn ở núi rừng, có lúc tại Tân Châu, khi thì tại Thiều Châu, mười bảy năm sống trong thế tục, lại cũng chẳng thuyết pháp. Sau lại đến chùa Chế Tâm ở Hải Nam gặp lúc pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết-bàn, Huệ Năng cũng ở nghe dưới tòa. Lúc đó Ấn Tông hỏi đại chúng rằng:

- Các ông có thấy gió thổi lá phướn lay động ở trên đầu cột không ?

Đại chúng đáp:

-  Thấy động.

Rồi có người nói thấy gió động, hoặc có người nói thấy phướn động, lại có kẻ nói chẳng phải động mà là thấy động, vặn nài nhau như thế mãi không phân định được.

Huệ Năng đang ở tòa liền thưa với pháp sư:

- Chính cái tâm vọng tưởng của đại chúng đây động vì động với chẳng động không phải do ở chỗ thấy hay động. Pháp vốn không có động cùng bất động. 

Pháp sư nghe nói thế liền khinh ngạc sững sờ, không biết lời ấy là thế nào, mới hỏi:

- Cư sĩ từ đâu tới ?

Huệ Năng thưa:

- Xưa giờ không đến, nay cũng không đi.

Pháp sư bước xuống tòa, thỉnh Huệ Năng vào phòng hỏi han kỹ lưỡng. Huệ Năng mỗi mỗi đều nói rõ Phật pháp Đông Sơn, cả chuyện có phó chúc cà-sa bên mình.

Ấn Tông pháp sư thấy cà-sa rồi bèn đầu mặt đảnh lễ tán thán rằng:

- Ngờ đâu dưới tòa lại có đại Bồ-tát hồi nào không hay !

Nói xong lại đảnh lễ, rồi thỉnh Huệ Năng làm Hòa Thượng, còn mình tự xưng là đệ tử, đoạn cạo tóc đắp y cho thiền sư Huệ Năng xong, mới bảo từ hàng đệ tử ruột cho đến môn đồ ở dưới hội lời tán thán rằng:

- Lành thay ! Lành thay ! Pháp của đại sư Hoằng Nhẫn ở Hoàng Mai gần đây nghe nói đã giạt về Lĩnh Nam, nào ngờ nay lại ở chốn này, các ông có biết không ?

Mọi người đều thưa là không biết.

Pháp sư Ấn Tông nói:

- Pháp mà ta thuyết giảng giống như ngói sạn. Nay có thiền sư Huệ Năng truyền bá pháp môn của đại sư Hoằng Nhẫn giống như vàng ròng, sâu xa không thể nghĩ bàn được !

Pháp sư Ấn Tông hướng dẫn đồ chúng đảnh lễ dưới chân thiền sư Huệ Năng, rồi sợ mọi người nghi ngờ bèn xin Huệ Năng đem y cà-sa được truyền làm tin ra cho mọi người xem.

(Theo Lịch Đại Pháp Bảo Ký)

***

Lục Tổ Huệ Năng hỏi:

- Thầy ông dạy dỗ chúng cách nào ?

Chí Thành hồi đáp:

- Thiền sư Thần tú thầy con thường dạy mọi người cần định tâm quan sát thanh tĩnh, suốt ngày ngồi thiền chớ không được nằm.

Tổ nói:

- Định tâm quán sát thanh tĩnh là bịnh chớ không phải Thiền. Ngồi mãi bó thân, đối với Phật lý đâu có ích gì !

Chí Thành hỏi:

- Chẳng hay đại sư dùng pháp gì để dạy chúng ?

Tổ đáp:

- Nếu như ta nói có pháp dạy người là dối gạt ông đấy ! Chẳng qua tùy theo tình huống mà cởi bỏ trói buộc, tạm gọi là Tam-muội.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 5)

 

 

TÂY VỰC - QUẬT ĐA TAM TẠNG

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ

 

Tây Vực Quật Đa Tam Tạng, người Thiên Trúc. Sư đông du đến Thiều Dương nghe Lục Tổ dạy mà liền ngộ đạo. Sau du hành đến núi Ngũ Đài, đến Lịch thôn huyện Định Tương thấy một ông tăng lập am tịnh tọa. Sư hỏi:

- Ông ngồi đây một mình làm gì ?

Đáp:

- Quán tịnh.

Sư nói:

- Kẻ quán là ai, tịnh ấy là gì ?

Tăng ấy làm lễ, hỏi:

- Lý ấy thế nào ?

- Ông sao không tự quán tự tịnh ?

Tăng ấy hoang mang không lời đối đáp, sư hỏi:

- Ông từ môn phái nào ?

Đáp:

- Thiền sư Thần Tú.

Sư nói:

- Loại ngoại đạo thấp nhất ở Tây Vực ta còn không sa vào kiến chấp này. Lặng yên ngồi thừ ra như thế, đối với đạo có ích gì ?

Tăng ấy liền hỏi:

- Thầy học của sư là người nào ?

Sư đáp:

- Thầy ta là Lục Tổ, ông sao không mau đến Tào Khê để sớm quyết được chân yếu.

Ông tăng đến tham kiến Lục Tổ. Lục Tổ chỉ dạy, phù hợp với lời sư, tăng tỏ ngộ đạo lý. Sau không biết rõ về sư nữa.

 

 

THIỀU CHÂU - THIỀN SƯ PHÁP HẢI

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Thiều Châu, thiền sư Pháp Hải, người Khúc Giang. Lúc mới gặp Lục Tổ, hỏi:

- Tức tâm tức Phật, nguyện mong chỉ dạy.

Tổ nói:

- Niệm trước không sanh tức tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật. Thành ra nhất thiết tướng tức là tâm, lìa nhất thiết tướng tức Phật. Ta nếu nói đủ thì đến suốt kiếp cũng không dứt. Nghe kệ rằng:

Phiên âm:

Tức tâm danh huệ      

Tức Phật nãi định       

Định huệ đẳng trì       

Ý trung thanh tịnh      

Ngộ thử pháp môn     

Do nhữ tập tính 

Dụng bản vô sanh      

Song tu thị chính.       

Tạm dịch:

Tâm ấy gọi là huệ

Phật ấy bèn là định

Định huệ cùng nắm giữ

Trong ý đầy thanh tịnh

Ngộ được pháp môn này

Là do ông tập tính

Dụng bản gốc vô sanh

Cùng tu ấy là chính.

Sư tin nhận đọc kệ tán thán:

Phiên âm:

Tức tâm nguyên thị Phật

Bất ngộ nhi tự khuất  

Ngã tri định huệ nhân

Song tu ly chư vật.     

Tạm dịch:

Tức tâm nguyên là Phật

Chẳng ngộ mà tự khuất

Con biết nhân định huệ

Cùng tu rời mọi vật.

(Chú: Đàn Kinh nói: Môn nhân Pháp Hải theo hầu Tổ biên tập Pháp Bảo Đàn Kinh là sư đó).

 

 

CÁT CHÂU - THIỀN SƯ CHÍ THÀNH

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Cát Châu, thiền sư Chí Thành, người Thái Hòa. Lúc đầu, tham kiến thiền sư Tú tại chùa Ngọc Tuyền núi Đương Dương. Sau đó, nhân cả hai tông phát triển thạnh hành. Đồ chúng của thiền sư Tú thường công kích Nam tông:

- Năng Đại sư chẳng biết một chữ thì có cái gì hay ?

Tú nói:

- Người ấy được trí vô sư, thâm ngộ thượng thừa, ta chẳng bì được vậy. Vả thầy ta là Ngũ Tổ thân trao phó y pháp, há, lại là chuyện không đâu sao ? Ta chỉ hận không thể đi xa để gũi được, do đã luống thọ ân nước. Các ông không nên ở nán nơi đây, hãy đến Tào Khê chất nghi. Khi trở về nói lại ta nghe.

Sư nghe nói, lễ bái từ tạ đến Thiều Dương, theo chúng vào tham thỉnh mà chẳng nói mình từ đâu đến.

Lúc ấy Lục Tổ bảo cùng chúng:

- Nay có kẻ đến trộm pháp, đang ẩn trong hội chúng này.

Sư bước ra lễ bái, nói rõ mọi việc. Tổ hỏi:

- Thầy ông dạy chúng thể nào ?

Sư đáp:

- Thường chỉ dạy đại chúng nên trụ tâm quán tịnh, thường ngồi không nằm.

Tổ nói:

- Trụ tâm quán tịnh là bịnh không phải thiền. Ngồi mãi bó buộc thân thì đối đạo lý có ích gì. Nghe ta nói kệ:

Phiên âm:

Sanh lai tọa bất ngọa  

Tử khứ ngọa bất tọa   

Nguyên thị xú cốt đầu

Hà vi lập công quá ?  

Tạm dịch:

Lúc sống, ngồi không nằm

Chết đi, nằm không ngồi

Chỉ là bộ xương thối

Lấy gì lập công tội ?

Sư hỏi:

- Chẳng biết đại sư dùng pháp gì chỉ dạy người ?

Tổ nói:

- Ta nếu nói có pháp dạy người, tức là dối gạt ông. Ta chỉ tùy phương mà tháo buộc, giả danh là Tam-muội. Nghe ta nói kệ:

Phiên âm:

Nhất thiết vô tâm tự tánh giới

Nhất thiết vô ngại tự tánh huệ

Bất tăng bất thoái tự kim cang 

Thân Pháp thân lai bản Tam-muội.

Tạm dịch:

Tất thảy vô tâm là tự tính giới

Tất thảy vô ngại là tự tính huệ

Chẳng tăng chẳng thoái tựa như kim cương

Thân của Pháp thân vốn là Tam-muội.

Sư nghe kệ sám hối tạ lễ, thệ nguyện quy y, và trình bài kệ:

Phiên âm:

Ngũ uẩn huyễn thân

Huyễn hà cứu cánh

Hồi thủ chân như

Pháp hoàn bất tịnh.

Tạm dịch:

Năm uẩn giả thân

Huyễn nào rốt cùng

Trở lại chân như

Pháp thành bất tịnh.

 

 

BIỂN ĐAM - THIỀN SƯ HIỂU LIỄU

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Thiền sư Hiểu Liễu, núi Biển Đam, truyền ký lục không ghi sự tích sư, duy có môn đồ Bắc tông là thiền sư Hốt Lôi Trừng soạn bi văn tại mộ tháp là truyền rộng trong đời. Đại khái chép: Sư trụ tại núi Biển Đam, có hiệu Hiểu Liễu, là pháp tự đích truyền của Lục Tổ. Sư chứng được tâm vô tâm, thấu rõ tướng vô tướng. Vô tướng là những hình tướng biến ảo lóe mắt, vô tâm là sự phân biệt mạnh mẽ rờ rỡ. Dứt tuyệt ngữ ngôn, tiếng vang, tiếng vang chẳng thể truyền, truyền là thay đổi. Lời chẳng thể cùng, cùng là không phải vậy. Sư chứng đắc cái không của cái không, nên chẳng không nơi không. Chúng ta nay vin lấy cái có của cái có nên chẳng có nơi có. Cái có của không có thì đến đi chưa từng. Cái không của không không, nên Niết-bàn chẳng diệt. Ô hô ! Sư trụ thế chừ - Tào Khê tỏ rõ. Sư tịch diệt chừ - bè pháp ngửa nghiêng. Sư diễn bày vô thuyết chừ, hoàn vũ đầy. Sư tỏ tỏ rõ người mê chừ, trọn nghĩa cùng thừa. Núi Biển Đam bốn mùa cảnh sắc, động trống không Hiểu Liễu lưu danh.

 

 

HÀ BẮC - THIỀN SƯ TRÍ HOÀNG

 PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Hà Bắc, thiền sư Trí Hoàng, lúc đầu học nơi Ngũ Tổ, mặc dù thường tham vấn quyết nghi nhưng sư cứ tuần tự tu hành. Sau đó, sư đến Hà Bắc dựng am ngồi thiền, trải hơn 20 năm, chẳng thấy vẻ mỏi mệt. Sau gặp sư Huyền Sách là môn nhân Lục Tổ khuyến khích, ngài đến gặp Lục Tổ. Tổ thương tình từ xa nên giải nghi cho. Sư vừa nghe xong thì hoát nhiên chứng ngộ. Sở đắc của tâm từ 20 năm trước đều biến mất. Đêm ấy, đông đảo tín đồ Hà Bắc bỗng nghe tự không trung có tiếng nói: “Thiền sư Hoàng hôm nay đã đắc đạo”.

Sau đó, sư trở lại Hà Bắc, giáo hóa tứ chúng.

 

 

HỒNG CHÂU - THIỀN SƯ PHÁP ĐẠT

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Hồng Châu, thiền sư Pháp Đạt, người Phong Thành, Hồng Châu. Bảy tuổi xuất gia, đọc tụng kinh Pháp Hoa. Sau khi thọ cụ túc giới đến lễ bái Lục Tổ đầu không sát đất, Tổ bèn quở:

- Lạy chẳng sát đất, chi bằng chẳng lạy ! Trong lòng ông tất có một vật, quấn kết việc gì vậy ?

Sư đáp:

- Đó là tụng kinh Pháp Hoa đã được ba ngàn bộ.

Tổ nói:

- Ông nếu tụng đến vạn bộ, được ý kinh đó mà chẳng lấy làm hay ắt cùng sánh vai với ta. Ông nay dựa vào sự nghiệp ấy thực chẳng biết lỗi. Nghe ta nói kệ:

Phiên âm:

Lễ bản chiết mạn tràng

Đầu hề bất chí địa       

Hữu ngã tội tức sanh  

Vong công phúc vô thỉ.       

Tạm dịch:

Lễ là chặt cờ kiêu mạn

Đầu sao chẳng cúi tới đất

Có ngã, tội tất sanh

Quên công, phúc bậc nhất.

Tổ lại hỏi:

- Ông tên gì ?

- Tên Pháp Đạt.

Tổ: 

- Ông tên Pháp Đạt mà chưa từng đạt pháp.

Đoạn nói kệ:

Phiên âm:

Nhữ kim danh Pháp Đạt

Cần tụng vị hưu yết (hiết)

Không tụng đán tuần thanh

Minh tâm hiệu Bồ-tát

Nhữ kim hữu duyên cố

Ngô kim vị nhữ thuyết

Đản tín Phật vô ngôn

Liên hoa tòng khẩu phát.

Tạm dịch:

Ông nay tên Pháp Đạt

Chuyên tụng chẳng dừng nghỉ

Tụng rỗng theo tiếng đọc

Tâm sáng hiệu Bồ-tát

Ông nay có duyên xưa

Ta nay vì ông nói

Chỉ tin Phật không lời

Hoa sen phát từ miệng.

Sư nghe kệ, hối lỗi, nói:

Từ nay về sau, tất thảy đều sẽ khiêm cung. Chỉ nguyện Hòa thượng đại từ, nói qua nghĩa lý trong kinh.

Tổ bảo:

- Ông niệm kinh ấy lấy gì làm Tông ?

Sư đáp:

- Kẻ học này ngu độn, trước nay chỉ y theo văn mà tụng niệm, chẳng biết thú hướng Tông thế nào ?

Tổ nói:

- Ông thử đọc lại một biến kinh, ta sẽ vì ông mà giải cho.

Sư bèn cao giọng đọc kinh, đến phẩm Phương Tiện, Tổ bảo:

- Dừng lại. Kinh này nguyên là lấy nhân duyên ra đời của Phật làm Tông. Dù nêu ra nhiều loại thí dụ nhưng cũng không ngoài ý này. Sao vậy ? Nhân duyên duy nhất đây là một việc lớn, một đại sự, tức tri kiến Phật. Ông cẩn thận đừng hiểu sai ý kinh, thấy kinh nói khai thị ngộ nhập thì tự cho là tri kiến của Phật, còn chúng ta vô phần. Nếu cho cách giải lý này là đúng tức là chê bai kinh huỷ báng Phật, Phật đã là Phật, là đã đầy tri kiến, thì còn khai gì nữa ? Ông nay nên tin, tri kiến Phật đây chỉ là tự tâm ông, ngoài ra, chẳng có cái thể nào khác. Ấy cũng vì tất thảy chúng sanh tự che lấp ánh sáng, tham ái trần cảnh. Ngoài bám duyên, trong chẳng yên, đành chịu lôi cuốn, làm lao nhọc Phật từ nhập định Tam-muội trở dậy, tuyên thuyết mọi điều đến mỏi miệng, khuyên nên buông dứt, chớ mong cầu bên ngoài, cùng Phật không hai. Vậy nên gọi: Khai Phật tri kiến. (Còn như) ông chỉ nhọc nhằn chấp lấy việc tụng niệm, cho là làm công khóa thì khác gì con trâu ly ưa thích cái đuôi của nó.

Sư nói:

- Nếu như vậy thì chỉ cần được nghĩa, chẳng nhọc lòng tụng kinh sao ?

Tổ bảo:

- Kinh có lỗi gì, có ngăn trở gì ông niệm tụng đâu ? Chỉ vì mê ngộ tại người, thiệt hay lợi là do người. Nghe ta nói kệ:

Phiên âm:

Tâm mê Pháp Hoa chuyển

Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa

Tụng cữu bất minh dĩ

Dữ nghĩa tác thù gia

Vô niệm, niệm tức chánh

Hữu niệm, niệm thành tà

Vô hữu câu bất kế

Trường ngự bạch ngưu xa.

Tạm dịch:

Tâm mê Pháp Hoa chuyển

Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa

Tụng lâu không sáng tỏ

Cùng nghĩa thành thù nhà

Không niệm là niệm chánh

Có niệm là niệm tà

Có không điều chẳng kể

Ngồi mãi bạch ngưu xa.

Sư nghe kệ lại khải bạch:

- Kinh rằng: Các Đại Thanh văn chí đến Bồ-tát đều hết lòng nghĩ suy, liệu lường cũng vẫn không thể nào lượng được trí Phật. Nay khiến kẻ phàm phu chỉ ngộ tự tâm, liền gọi là tri kiến của Phật trừ phi thượng căn, chưa tránh khỏi lòng nghi báng. Lại nữa, kinh nói ba xe, xe bò lớn với xe bò trắng khác nhau thể nào ? Nguyện Hòa thượng giảng giải cho.

Tổ nói:

- Ý kinh rõ ràng, ông tự mê mờ hiểu trái lại. Các người Tam Thừa không sao suy lường được trí tuệ Phật, tai hại là tại đo lường. Có đem hết tận suy nghĩ xét đoán chỉ càng thêm xa rời. Phật vốn vì phàm phu mà nói chứ không vì Phật mà nói. Lý này nếu chẳng quyết tin tất sẽ theo bọn họ mà rời bỏ chỗ ngồi vậy. Nhất là chẳng biết đã ngồi xe bò trắng, lại còn tìm ba xe bên ngoài cổng. Huống hồ, kinh văn rõ ràng nhắm ông mà nói, không hai cũng không ba. Ông sao chẳng tỉnh ra hiểu ba xe là giả, là việc thời xưa. Một xe là thực, là việc thời nay, là chỉ dạy ông bỏ giả về lại thực. Sau khi về thực, thực cũng không tên. Nên biết mọi trân báu có được đều thuộc nơi ông, do ông thọ dụng, lại chẳng khiến tưởng của cha, cũng chẳng khởi tưởng của con, cũng không khởi tưởng dùng lấy. Đấy gọi là trì kinh Pháp Hoa, đó chính là từ kiếp này đến kiếp khác, tay chẳng rời sách, từ sáng đến tối, không lúc nào là chẳng niệm tụng.

Sư được chỉ dạy, phấn chấn vui mừng, đọc kệ khen ngợi:

Phiên âm:

Kinh tụng tam thiên bộ       

Tào Khê nhất cú vong

Vị minh xuất thế chỉ  

Ninh yết lũy sanh cuồng     

Dương, lộc, ngưu, quyền thiết     

Sơ trung hậu thiện dương    

Thùy tri hỏa trạch nội

Nguyên thị pháp trung vương.     

Tạm dịch:

Tụng kinh ba ngàn bộ

Tào Khê một câu quên

Chẳng hay ý xuất thế

Sao hết lụy sống cuồng

Dê, nai, bò giả lập

Trước, giữa, sau khéo bày

Ai hay trong nhà lữa

Nguyên là vua Chánh pháp.

Tổ nói:

- Ông từ rày về sau mới đáng gọi là tăng niệm kinh.

Sư từ đấy lãnh ngộ ý chỉ, cũng chẳng xao lãng tụng kinh.

 

 

THỌ CHÂU - THIỀN SƯ TRÍ THÔNG

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Thọ Châu, thiền sư Trí Thông, người An Phong. Buổi đầu đọc kinh Lăng Già hơn ngàn biến mà chẳng hiểu tam thân, từ trí nên đến lễ bái Lục Tổ, cầu giải ý nghĩa ấy. Tổ nói:

Tam thân là thanh tịnh Pháp thân, đó là tánh của ông. Viên mãn báo thân là trí của ông, thiên bách ức hóa thân là hạnh của ông đấy. Nếu lìa bản tánh mà chỉ nói tam thân, ấy gọi là có thân thông trí. Nếu ngộ tam thân không có tự tánh, tức gọi là tứ trí Bồ- Bề. Nghe ta nói kệ:

Phiên âm:

Tự tánh cụ tam thân 

Phát minh thành tứ trí

Bất ly kiến văn duyên

Siêu nhiên đăng Phật địa

Ngô kim vị nhữ thuyết

Đề tín vĩnh vô mê

Mạc học trì cầu giả

Chung nhật thuyết Bồ-đề.

Tạm dịch:

Tự tánh đủ tam thân

Phát minh thành tứ trí

Chẳng lìa duyên thấy nghe

Siêu nhiên lên đất Phật

Ta nay vì ông nói

Rõ tin suốt không mê

Đừng học kẻ mong cầu

Cả ngày nói Bồ-đề.

Sư nói:

- Nghĩa tứ trí có thể nghe được không ?

Tổ nói:

- Đã hiểu tam thân thì rõ liền tứ trí, còn hỏi gì nữa ? Nều lìa tam thân, nói riêng tứ trí thì đây gọi là có trí không thân. Tức là tuy có trí mà thành ra vô trí.

Tổ lại nói kệ:

Phiên âm:

Đại viên cảnh (kính) trí tánh thanh tịnh

Bình đẳng tánh trí tâm vô bịnh

Diệu quán sát trí kiến phi công

Thành sở tác trí đồng viên kính

Ngũ bát lục thất quả nhân chuyển

Đản dụng danh ngôn vô thực tính

Nhược ư chuyển xứ bất ưu tình

Phồn hứng vĩnh xứ na-già định.

Tạm dịch:

Đại viên cảnh trí tánh thanh tịnh

Bình đẳng tánh trí tâm không bệnh       

Diệu quán sát trí thấy không công

Thành sở tác trí đồng viên kính

Ngũ bát lục thất chuyển quả nhân

Chỉ dùng danh ngôn không thực tính   

Nếu nơi chỗ chuyển tình không vọng

Giữa chốn động này vẫn an tịnh.

Sư làm lễ đáp tạ, lại làm kệ tán thán:

Phiên âm:

Tam thân nguyên ngã thể    

Tứ trí bản tâm minh   

Thân trí dung vô ngại 

Ứng vật nhậm tùy hình       

Khởi tu giai vọng động       

Thủ trụ phỉ chân tinh 

Diệu chỉ nhân sư hiểu

Chung vong ô nhiễm danh. 

Tạm dịch:

Tam thân nguyên thể ta

Tứ trí vốn tâm minh

Thân trí dung không ngại

Ứng vật cứ tùy hình

Khởi tu đều vọng động

Giữ trụ mất chân tinh

Diệu chỉ nhân sư hiểu

Dứt tận nhiễm ô tình.

 

 

GIANG TÂY - THIỀN SƯ CHÍ TRIỆT

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Giang Tây, thiền sư Chí Triệt, họ Trương, tên Hành xương. Thiếu thời đi giang hồ hành hiệp. Từ khi Nam Bắc phân hóa, hai tông chủ yếu tuy quên bỉ ngã, nhưng môn đồ lại khởi cạnh tranh yêu ghét.

Bấy giờ, môn đồ Bắc tông tự lập thiền sư Thần Tú làm Tổ thứ sáu nhưng lại e kị việc ngài Đại Giám Huệ Năng được truyền y mà thiên hạ đều hay biết. Nhưng Tổ là Bồ-tát đã biết trước sự việc sắp bị gia hại, bèn đặt 10 đồng tiền vàng nơi phương trượng. Lúc bấy giờ Hành Xương nhận lời dặn dò của môn nhân Bắc tông, lận dao vào thất của Tổ, định sẽ ám hại. Tổ thản nhiên đưa cổ cho chém, Hành Xương vung đao chém ba nhát, chẳng tổn hại gì. Tổ nói:

- Chính kiếm chẳng tà, tà kiếm chẳng chính. Chỉ nợ ông vàng chứ chẳng nợ ông mạng.

Hành Xương kinh hãi té xỉu, lúc lâu tỉnh lại ai thiết cầu sám hối lỗi và nguyện xin xuất gia. Tổ bèn đưa vàng cho, nói:

- Ông hãy đi đi ! E đồ chúng hại trở lại ông đấy. Ngày khác ông có thể thay đổi hình dạng đến đây, ta sẽ nhận cho.

Hành Xương vâng lời, trốn đi trong đêm, theo tăng xuất gia, thọ đủ giới, tinh tấn tu tập.

Ngày nọ, nhớ lời Tổ nói, từ xa đến lễ ra mắt hầu hạ, Tổ nói:

- Ta nhớ ông đã lâu, sao đến muộn vậy ?

Đáp:

- Ngày trước nhờ Hòa thượng xá tội, nay tuy xuất gia khổ hạnh, rốt lại khó báo đáp ân sâu, lại dám nghĩ đến truyền pháp độ sanh sao ! Đệ tử thường đọc kinh Niết-bàn, chưa hiểu nghĩa vô thường, cúi mong Hòa thượng từ bi, tuyên thuyết sơ lược.

Tổ nói:

- Vô thường là Phật tánh, hữu thường là tâm phân biệt thiện ác hết thảy các pháp.

Hành Xương nói:

- Như Hòa thượng nói thật trái hẳn kinh văn.

Tổ bảo:

- Ta truyền tâm ân Phật, đâu dám sai khác kinh Phật.

Xương nói:

- Kinh nói Phật tánh là thường, Hòa thượng lại nói vô thường Thiện ác các pháp cho đến Bồ-đề tâm đều là vô thường. Hòa thượng lại nói là thường. Đấy là trái nhau, khiến người học đâm ra thêm ngờ vực.

Tổ nói:

- Kinh Niết-bàn, xưa ta nghe ni Vô Tận Tạng đọc tụng một lần liền vì bà giảng giải, không một chữ một nghĩa nào là chẳng hợp kinh văn, nay lại đến ông, trọn cùng không hai thuyết.

Xương nói:

- Học nhân lượng thức nông cạn tối tăm, nguyện Hòa thượng cặn kẽ chỉ dạy.

Tổ nói:

- Ông biết không, Phật tánh nếu thường, thì nói cái gì là thiện ác các pháp, cho đến cùng kiếp, không có một người phát tâm Bồ-đề vậy nên ta nói vô thường, cũng chính là đạo chân thường của Phật thuyết vậy. Lại nữa, tất thảy các pháp nếu là tâm vô thường, tức mọi vật đều có tự tánh, dung thọ sanh tử mà tánh chân thường có chỗ bất biến. Vậy nên ta nói thường, chính là Phật nói nghĩa chân vô thường vậy. Phật nhân vì phàm phu, ngoại đạo và hàng Nhị thừa chấp nói ta thường nơi thường lại suy là vô thường, cộng thành 8 thứ điên đảo, vậy nên trong giáo lý liễu nghĩa Niết-bàn phá biên kiến của họ mà hiển thuyết chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh. Ông nay y theo lời, ngược lại nghĩa, lấy đoạn diệt vô thường, cùng xác định từ thường mà lần giải lời viên mãn vi diệu tối hậu của Phật. Vậy thảng có xem ngàn biến kinh thì có ích lợi gì ?

Hành xương bỗng như người say vụt tỉnh, liền nói kệ:

Phiên âm:

Nhân thủ vô thường tâm      

Phật diễn hữu thường tánh  

Bất tri phương tiện giả         

Do xuân trì chấp lịch  

Ngã kim bất thí công  

Phật tánh nhi kiến tiền

Phi sư tương thụ dữ    

Ngã diệc vô sở đắc.

Tạm dịch:

Do giữ tâm vô thường

Phật diễn tánh có thường

Chẳng biết là phương tiện

Như ao xuân nhặt gạch

Ta nay chẳng thí công

Phật tánh ngay trước mắt

Không phải thầy trao cho

Ta cũng chẳng được gì.

Tổ bảo:

- Ông nay đã thấu triệt, nên lấy tên là Chí Triệt.

Sư lễ tạ lui ra.

 

 

TÍN CHÂU - THIỀN SƯ TRÍ THƯỜNG

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Tín Châu - Thiền sư Trí Thường, người ở tại Quý Khê của bốn châu. Thuở bé xuất gia, chí cầu thấy tánh. Một hôm tham lễ Lục Tổ, Tổ hỏi:

- Ông từ đâu tới ? Muốn cầu chuyện gì ?

Sư đáp:

- Học nhân gần đây lễ hòa thượng Đại Thông, nhờ chỉ dạy nghĩa kiến tánh thành Phật mà chưa giải quyết mối hồ nghi. Đến Cát Châu gặp người chỉ chỗ mê lầm, bảo đến theo Hoà thượng, cúi nguyện từ bi thâu nhận.

Tổ bảo:

- Hòa thượng kia có câu nói gì, ông thử nhắc lại xem, ta sẽ chứng minh cho ông.

Sư thưa:

- Lúc đầu đến đó ba tháng, chưa được chỉ bày. Vì tha thiết với pháp nên nửa đêm một mình vào phương trượng, lễ bái tha thiết thưa hỏi. Đại Thông bèn nói: “Ông có thấy hư không chăng ?”. Con đáp: “Có thấy”. Người lại hỏi: “Ông thấy hư không có tướng mạo không ?”. Con đáp rằng: “Hư không vô hình thì sao có tướng mạo”. Người nói: “Bản tánh của ông cũng như hư không, quán sát lại tự tánh, hiểu rõ không một vật nào có thể thấy, ấy gọi là chánh kiến. Không một vật có thể biết, ấy gọi là chân tri. Không có xanh, vàng, dài, ngắn, chỉ thấy bản nguyên thanh tịnh, giác thể tròn sáng, tức gọi là kiến tánh thành Phật, cũng có tên là thế giới cực lạc, cũng có tên là tri kiến Như Lai”. Học nhân tuy nghe lời này, vẫn chưa dứt được mối ngờ, cúi xin Hòa thượng chỉ dạy để không còn vướng kẹt.

Tổ nói:

- Chỗ thầy kia nói vẫn còn thấy biết nên khiến ông chưa rõ. Ta nay chỉ cho ông một bài kệ:

Phiên âm:

Bất kiến nhất pháp tồn vô kiến

Đại tự phù vân già nhật diện

Bất tri nhất pháp thủ không trì

Hoàn như thái hư sinh thiểm điện

Thử chi tri kiến miết nhiên hưng

Thác nhận hà tằng giải phương tiện

Nhữ đương nhất niệm tự tri phi

Tự kỷ linh quang thường hiển kiến.

Tạm dịch:

Chẳng thấy một pháp, còn vô kiến

Giống như mây nổi che nhật diện

Chẳng biết một pháp, giữ biết không

Lại như hư không sinh chớp điện

Tri kiến này đây thoạt khởi lên

Nhận lầm chứ đâu từng phương tiện

Ông nên nhất niệm tự biết sai

Tự mình linh quang thường thấy hiển kiến.

Sư nghe kệ xong, tâm ý rõ suốt, bèn đọc bài kệ:

Phiên âm:

Vô đoan khởi tri giải  

Trước tướng cầu Bồ-đề       

Tình tồn nhất niệm ngộ       

Ninh việt tích thời mê

Tự tánh giác nguyên thể      

Tùy chiếu uổng thiên lưu    

Bất nhập Tổ sư thất

Mang nhiên thú lưỡng đầu. 

Tạm dịch:

Bỗng không sanh tri giải

Chấp tướng cầu Bồ-đề

Tình còn một niệm ngộ

Sao vượt thuở xưa mê

Tự tánh giác nguyên thể

Tùy chiếu lại quay về

Chẳng vào thất của Tổ

Mơ hồ đuổi ngộ mê.

 

 

QUẢNG CHÂU - THIỀN SƯ CHÍ ĐẠO

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Quảng Châu, thiền sư Chí Đạo, người Nam Hải. Lúc đầu tham lễ Lục Tổ, hỏi:

- Học nhân từ khi xuất gia đọc kinh Niết-bàn hơn 10 năm chưa rõ đại ý, nguyện Hòa thường chỉ dạy.

Tổ hỏi:

- Ông có chỗ nào chưa rõ ?

Đáp:

- “Các hành vô thường, là pháp sanh diệt. Sanh diệt diệt rồi, diệt là vui”. Còn nghi ngờ chỗ đó. Tổ nói:

- Ông sao lại nghi ngờ ?

- Tất cả chúng sanh đều có hai thân, đó là sắc thân và pháp thân. Sắc thân thì vô thường, có sanh có diệt. Pháp thân thì hằng thường, vô tri vô giác. Kinh nói: Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui. Không biết thân nào tịch diệt ? Thân nào thọ vui ? Nếu là sắc thân thì khi sắc thân diệt, bốn chất phân tán, toàn là khổ, khổ thì không thể nói là vui được. Nếu Pháp thân tịch diệt, tức đồng như cỏ cây gạch đá, ai được thọ vui ? Lại nữa, pháp tánh là thể của sanh diệt, năm uẩn là cái dụng của sanh diệt. Một thể năm dụng, sanh diệt là thường. Sanh tất tùy thể mà khởi dụng, diệt tất nhiếp lấy dụng về thể. Nếu cho rằng có chuyển sanh, tức là loài hữu tình chẳng đoạn chẳng diệt. Nếu cho rằng chẳng chuyển sanh, tức hằng quay về tịch diệt, đồng với vật vô tình. Như vậy là hết các pháp đều bị Niết-bàn ngăn trở, đã chẳng đặng sanh thì sao lại có vui ?

Tổ nói:

- Ông là Thích tử, sao lại tập theo tà kiến đoạn - thường của ngoại đạo, mà nghị luận pháp Tối thượng thừa ? Cứ theo lời ông thì ngoài sắc thân, lại riêng có Pháp thân, lìa sanh diệt mà cầu nơi tịch diệt. Lại suy Niết-bàn thường lạc, nói có thêm thọ nhận, đây là chấp cạn cợt sanh tử, đắm trước cái vui thế gian. Ông nay nên biết, Phật vì hết thảy người mê, nhận năm uẩn hòa hợp làm tướng tự thể, phân biệt mọi pháp làm tướng ngoại trần. Ưa sanh ghét tử, niệm niện chuyển đổi không dừng, chẳng biết mộng huyễn giả tạo, cam chịu luân hồi, lấy thường lạc Niết-bàn đổi làm tướng khổ, suốt ngày truy cầu. Phật thương xót những điều ấy nên chỉ bày Niết-bàn chân lạc, trong khoảnh khắc không có tướng sanh, trong khoảnh khắc chẳng có tướng diệt, lại không có sanh diệt để diệt. Đấy là tịch diệt hiển hiện, đang lúc hiển hiện cũng chẳng suy lường hiển hiện, đấy gọi là thường lạc. Cái lạc này không có người nhận, cũng không có kẻ chẳng thọ nhận. Há lại có tên gọi nhất thể ngũ dụng ? Huống chi lại nói Niết-bàn ngăn trở các pháp, khiến mãi chẳng sanh. Đấy là chê Phật, hoại pháp. Nghe ta nói kệ:

Phiên âm:

Vô thượng Đại Niết-bàn

Viên minh thường tịch chiếu

Phàm ngu vị chi tử

Ngoại đạo chấp vị đoạn

Chư cầu Nhị thừa nhân

Mục dĩ vô vi tác

Tận thuộc tình sở kế

Lục thập nhị kiến bản

Vọng lập hư giả danh

Hà vi chân thực nghĩa

Duy hữu quá lượng nhân

Thông đạt vô thủ xả

Dĩ tri ngũ uẩn pháp

Cập dĩ uẩn trung ngã

Ngoại hiện chúng sắc tượng

Nhất nhất âm thanh tướng

Bình đẳng như mộng huyễn

Bất khởi phàm Thánh kiến

Bất tác Niết-bàn giải

Nhị biên tam đế đoạn

Thường ứng chư căn dụng

Nhi bất khởi dụng tưởng

Phân biệt nhất thiết pháp

Bất khởi phân biệt tưởng

Kiếp hỏa thiêu hải để

Phong cổ sơn tương kích

Chân thường tịch diệt lai

Niết-bàn tướng như thị

Ngô kim cương ngôn thuyết

Linh nhữ xá tà kiến

Nhữ vật tùy ngôn giải

Hứa nhữ tri thiểu phần.

Tạm dịch:

Đại Niết-bàn vô thượng

Tròn sáng thường lặng chiếu

Phàm ngu cho là chết

Ngoại đạo chấp là đoạn

Những người cầu Nhị thừa

Lấy đó làm vô vi

Đều thuộc chỗ liệu tình

Từ 62 kiến chấp

Vọng lập danh hư giả

Sao được nghĩa chân thực

Duy người vượt suy lường

Thông đạt không giữ bỏ

Vì biết pháp ngũ uẩn

Cùng với ngã trong uẩn

Ngoài hiện các tượng sắc

Mỗi mỗi tướng âm thanh

Bình đẳng như mộng ảo

Chẳng khởi chấp phàm Thánh

Chẳng nêu giải Niết-bàn

Dứt nhị biên tam thế

Hằng ứng các dụng căn

Mà chẳng khởi tưởng dụng

Phân biệt hết mọi pháp

Chẳng khởi tưởng phân biệt

Niết-bàn vốn phi vật

Lữa gió đụng chẳng được

Chân thường vui tịch diệt

Tướng Niết-bàn như vậy.

Ta nay gượng nói ra

Khiến ông bỏ tà kiến

Ông chớ theo lời giải

Giúp ông biết đôi phần.

Sư nghe kệ phấn khởi vui mừng, làm lễ lui về.

 

 

HÒA THƯỢNG ẤN TÔNG

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Hòa thượng Ấn Tông chùa Pháp Tính ở Quảng Châu, họ Ấn người Ngô quận, theo thầy xuất gia, tinh chuyên đại bộ kinh Niết-bàn. Năm đầu đời Đường Hàm Hanh, sư đến kinh sư, được sắc cư chùa Đại Kính Ái. Sư cố từ đến Kỳ Xuân tham yết Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Sau ở chùa Pháp Tính Quảng Châu lúc đang giảng kinh Niết-bàn, gặp Lục Tổ Huệ Năng, mới ngộ huyền lý, coi Năng đại sư là thầy truyền pháp. Sư lại lượm lặt lời lẽ của chư phương đạt giả từ đời Lương cho tới nhà Đường trước tác thành Tâm Yếu Tập, thịnh hành trong đời.

Ngày 21 tháng 2 năm Tiên Thiên thứ hai, sư viên tịch tại chùa Diệu Hỷ núi Cối Kê, thọ 87 tuổi. Vương sư Càn ở Cối Kê lập tháp và bia.

 

 

CÁT CHÂU - THIỀN SƯ HÀNH TƯ

 

Thiền sư Hành Tư ở núi Thanh Sơn Cát Châu, vốn người An Thành của châu này, họ lưu. Sư xuất gia từ thuở bé, mỗi khi đông người tụ tập đàm luận đạo Phật, thường lặng thinh chẳng nói lời nào. Về sau, nghe Tào Khê Huệ Năng mở rộng cửa Thiền, pháp tịch khá long thạnh, sư bèn đến tham lễ Tổ. Hành Tư hỏi Lục Tổ Huệ Năng:

- Tu hành thế nào thì không bị rơi vào phân biệt ?

Lục Tổ hỏi vặn lại Sư:

- Ông từng tu hành thế nào ?

Hành Tư đáp:

- Tuy không theo tục đế, nhưng cũng không cầu tìm Thánh.

Tổ hỏi:

- Vậy thì ông rơi vào phân biệt gì ?

Hành Tư đáp:

- Thánh đế còn không tìm cầu thì còn có phân biệt gì ?

Do đó mà Lục Tổ đối với Hành Tư có bề rất kính trọng. Trong hội của Tổ, đồ chúng tuy đông, nhưng sư đứng hàng đầu, chẳng khác nào nhị Tổ Huệ Khả, tuy lặng thinh chẳng nói mà Tổ Đạt Ma ở Thiếu Lâm cho là được phần tủy của ngài.

Một hôm, Tổ nói với Hành Tư:

- Từ sơ Tổ Đạt Ma ở Thiếu Lâm cho đến nay, y pháp truyền trao một lượt từ thầy cho trò qua mỗi đời. Y để biểu thị lòng tin, pháp để ấn tâm. Ta nay đã có người thừa truyền, còn lo gì thiếu lòng tin. Ta từ nhận y tới nay gặp rất nhiều nạn tai, huống hồ là đời sau, sự tranh giành càng thêm khốc liệt, cho nên y để dành trấn sơn môn. Ông nên nhận Tông chỉ, phân hóa một nơi, đừng để pháp ta đoạn tuyệt.

Sư sau khi đắc pháp, bèn đến trụ chùa Tịnh Cư núi Thanh Nguyên Cát Châu.

***

Lúc Lục Tổ sắp thị diệt, có sa-di Hy Thiên (Tức Hòa thượng Thạch Đầu sau này) hỏi:

- Sau khi Hòa thượng trăm năm, xin hỏi Hy Thiên này nương tựa vào ai ?

Tổ nói:

- Tầm tư thôi.

Sau khi Tổ qua đời, Hy Thiên thường ở nơi thanh vắng ngồi nghiêm, tịch lặng như quên đời sống (tầm tư). Thủ tòa hỏi:

- Thầy ông đã mất, ngồi luống như thế mà làm gì ?

Thiên đáp:

- Tôi theo lời thầy dạy mà tầm tư đây.

Thủ tòa nói:

- Ông có sư huynh là hòa thượng Hành Tư nay đang trụ ở Cát Châu. Ông có nhân duyên với ông ấy. Lời thầy nói thẳng tuột mà tại ông mê thôi.

Hy Thiên nghe lời ấy bèn lễ bái khám thờ Tổ, đến thẳng chùa Tịnh Cư. Sư Hành Tư hỏi:

- Ông từ đâu đến ?

Hy Thiên đáp:

- Từ Tào Khê.

Hành Tư hỏi:

- Từ Tào Khê đến có được vật gì đem theo ?

Hy Thiên đáp:

- Vật mà tôi được từ Tào Khê thì trước khi đến Tào Khê cũng chưa từng thiếu.

Hành Tư nói:

- Nếu đã chưa từng thiếu thì ông đến Tào Khê mà làm gì ?

Hy Thiên đáp:

- Nếu không đến Tào Khê thì làm sao biết là chưa từng thiếu.

Hy Thiên lại hỏi:

- Đại sư Lục Tổ Tào Khê có còn nhận thức Hòa thượng không ?

Hành Tư hỏi lại:

- Ông nay còn nhận thức ta không ?

- Nhận thức thì như thế nào mà nhận thức được.

Qua đối đáp với Hy Thiên, Hành Tư không khỏi khen ngợi cơ phong mẫn tiệp của Thiên:

- Thú có sừng tuy đông, nhưng chỉ một con kỳ lân là đủ !

Hy Thiên lại hỏi:

- Hòa thượng rời xa Tào Khê đã lâu chưa ?

Hành Tư:

- Ta cũng không biết ông rời Tào Khê từ lúc nào đây.

Hy Thiên nói:

- Hy Thiên không từ Tào Khê đến.

Hành Tư nói:

- Ta không những biết ông từ đâu đến mà còn biết cả nơi ông sẽ về.

Đến đây Hy Thiên vội vàng ngăn lại thoại đầu nói:

- Hòa Thượng đúng là người trưởng thượng, xin đừng khinh suất; để Hành Tư khỏi thuyết phá mình.

***

Một ngày kia, Hành Tư lại dùng thoại đầu nữa mà hỏi rằng:

- Ông từ đâu đến ?

Hy Thiên đáp:

- Tào Khê.

Hành Tư bèn đưa cây xơ quất cầm trong tay lên nói:

- Tào Khê còn có thứ này sao ?

Hy Thiên nói:

- Chẳng riêng Tào Khê không có mà cả Tây thiên cũng không có.

Hành Tư nói:

- Ông phải chẳng đã đến Tây thiên rồi ư ?

Hy Thiên nói:

- Nếu đến Tây thiên thì tức có rồi vậy.

Hành Tư phê phán:

- Chẳng thông, xin nói lại đi.

Hy Thiên nói:

- Hòa thượng cũng nên khai thị đôi điều, đừng cứ ỷ lại vào kẻ học trò này.

Hành Tư nói:

- Ta không dám thế, ta chỉ sợ về sau không có người thừa nhận.

***

Hành Tư phái Hy Thiên mang một phong thư đến hòa thượng Nam Nhạc Hoài Nhượng, dặn dò:

- Ông đem thư trao tận tay Hòa thượng rồi chóng về đây, ta có một cây búa giao cho ông để khai sơn.

Hy Thiên đến chỗ Hoài Nhượng, chưa trao thư mà hỏi Hòa thượng:

- Không mộ các Thánh mà cũng không trọng linh mẫn của mình thì thế nào ?

Hoài Nhượng nói:

- Ông hỏi cao sâu quá, sao không hỏi cái gì nông cạn rõ ràng.

Hy Thiên nói:

- Thà chịu vĩnh kiếp luân hồi trong biển sanh tử chớ không ngưỡng mộ chư Thánh cùng tiên hiền chỉ thu thập được những giải pháp hư ảo.

Hoài Nhượng dừng thôi. Hy Thiên liền trở về chùa Tịnh Cư.

Hành Tư hỏi:

- Ông mới đi chưa lâu, thư đã trao xong chưa ?

Hy Thiên nói:

- Tín không thông, thư không đạt.

Hành Tư hỏi:

- Có chuyện gì vậy ?

Hy Thiên bèn đem chuyện đối đáp với Hoài Nhượng thuật lại một thôi, thuật xong hỏi Hành Tư:

- Lúc ra đi Hòa thượng có hứa cho cây búa, giờ xin trao cho vậy.

Hành Tư thòng một chân, Hy Thiên bèn bước đến lễ bái. Sau đó Hy Thiên từ biệt Hành Tư đến Nam Nhạc mở riêng đạo tràng.

***

Hà Trạch Thần Hội cũng đã từng đến chỗ Hành Tư tham Thiền. Hành Tư cũng hỏi:

- Từ nơi nào đến ?

Thần Hội nói:

- Từ Tào Khê đến.

Hành Tư hỏi:

- Chỉ ý của Tào Khê như thế nào ?

Thần Hội chỉ rương rướn người lên thay lời đáp. Hành Tư nói:

- Thân người ông hình như mang đầy gạch ngói vậy.

Thần Hội nói:

- Hòa thượng nơi đây há có đầy vàng ròng cho con chăng ?

- Nếu có thì ông đem đến nơi nào mà cất ?

***

Ngoài ra còn có tăng nhân đến hỏi:

- Thế nào là đại ý của Phật pháp ?

Hành Tư đáp:

- Gạo ở Lư Lăng giá bao nhiêu vậy cà ?

Hành Tư sau khi phó pháp cho Thạch Đầu Hy Thiên, vào ngày 13 tháng 12 năm Canh Thìn, nhằm năm thứ hai mươi tám, đời Đường Khai Nguyên (740) ngồi kiết già mà tịch. Vua Đường Đức Tông thụy ngài là Hoằng Tế Thiền Sư, tháp tên Qui Chân.

 

 

NAM NHẠC - THIỀN SƯ HOÀI NHƯỢNG

NGƯỜI NỐI PHÁP CỦA LỤC TỔ ĐẠI GIÁM THIỀN SƯ

 

Thiền sư Hoài Nhượng họ Đỗ, người Kim Châu, sanh mùng 8 tháng 4 năm thứ hai niên hiệu Nghi Phụng đời Đường. Cảm nhận luồng bạch khí ứng vào một hiện tượng huyền nhiệm tại khu vực An Khang, Thái sử xem thấy, tâu lên Cao Tông Hoàng đế. Đế bèn hỏi:

- Đó là điềm lành gì ?

Thái sử đáp rằng:

- Đó là pháp khí của đất nước, không nhiễm vinh hoa của thế gian.

Đế truyền chỉ cho Thái thú Kim Châu là Hàn Giai đích thân đến, ủy lạo nhà sư. Nhà có 3 con trai, sư là người nhỏ nhất, rõ ràng khác hẳn, tính hay nhường nhịn, nên người cha đặt tên là Hoài Nhượng. Năm lên mười, chỉ thích đọc sách Phật. Lúc đó có Tam tạng Huyền Tĩnh ghé qua nhà, nói với cha mẹ ngài rằng:

- Đứa con trai này nếu xuất gia ắt được vào hàng thượng thừa, quảng độ chúng sanh.

Đến năm Thùy Cung thứ ba, ngài vừa được 15 tuổi, từ biệt người thân, đến chùa Ngọc Tuyền ở Kinh Châu, theo Hoằng Cảnh là nhà sư Luật tông, xuất gia. Năm Thông Thiên thứ hai, sau khi thọ giới, sư tu tập Tỳ Ni tạng, Một ngày nọ, sư tự than thở rằng: “Phàm người xuất gia nên thực hành vô vi pháp, trên trời dưới thế không gì bằng”. Lúc đó người đồng học là Thản Nhiên, biết Sư chí khí cao xa, khuyên sư cùng mình đến yết kiến An hòa thượng ở Tung sơn. An khai mở cho ngài rồi chỉ đến Tào Khê tham Lục Tổ. Tổ hỏi:

- Từ đâu lại ?

Đáp:

- Từ Tung sơn lại.

Tổ nói:

- Vật gì mà đến như thế ?

Sư nói:

- Nói giống như một vật tức không trúng.

Tổ nói:

- Có cần tu chứng không ?

Sư nói:

- Tu chứng tức chẳng không, ô nhiễm tức không được.

Tổ nói:

- Chỉ có cái không ô nhiễm này là cái chư Phật hộ niệm, ông như thế. Ta cũng như thế. Lời sấm của Bát-nhã Đa-la bên Tây Thiên dự ghi: “Dưới chân ông xuất hiện con ngựa non, đạp chết cả người trong thiên hạ, tâm ông hiểu là đủ, không nên gấp nói”.

Sư ân cần hầu hạ chung quanh Lục Tổ 15 năm. Năm Tiên Thiên thứ hai, đến núi Hành Nhạc ở tại chùa Bát-nhã.

***

Trong thời Khai Nguyên, có Sa-môn Đạo Nhất (tức Mã Tổ) tại viện truyền pháp núi Hành Nhạc thường tập tọa thiền, sư biết là pháp khí, đến hỏi rằng:

- Đại đức tọa thiền cả ngày là mong muốn gì ?

Nhất nói:

- Muốn làm Phật.

Sư bèn lấy một viên gạch, mài vào hòn đá trước am của Nhất. Nhất nói:

- Mài gạch để làm gì ?

Sư nói:

- Mài làm gương.

Nhất nói:

- Mài gạch há thành gương được sao ?

Sư nói:

- Mài gạch đã không thành gương thì tọa thiền há làm Phật được sao ?

Nhất hỏi:

- Thế nào mới đúng ?

Sư nói:

- Như bò kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là đúng hay đánh bò là đúng ?

Nhất không có lời đối đáp. Sư lại nói:

- Ông học ngồi thiền hay học ngồi Phật ? Nếu học ngồi thiền, thiền không có nằm ngồi. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng cố định, trong pháp vô trụ, không ưng thủ xả. Nếu ông ngồi Phật tức là giết Phật. Nếu chấp vào tướng ngồi, không đạt được lý.

Nhất nghe xong lời dạy, như uống đề hồ, lễ bái, hỏi rằng:

- Dụng tâm thế nào thì hợp với vô tướng Tam-muội ?

Sư nói:

- Ông học pháp môn tâm địa, giống như gieo giống. Ta thuyết pháp yếu, ví như trời mưa cam lộ, nếu duyên của ông hợp thì sẽ thấy đạo.

(Nhất) lại hỏi:

- Đạo phi sắc tướng, làm sao có thể thấy ?

Sư nói:

- Tâm địa pháp nhãn có thể thấy được đạo, vô tướng tam-muội cũng giống như vậy.

Nhất nói:

- Đạo có thành hoại không ?

Sư nói:

- Nếu lấy thành hoại tụ tán mà thấy đạo, thì không thấy đạo vậy. Hãy nghe bài kệ của ta:

Phiên âm:

Tâm địa hàm chư chủng

Ngộ trạch tất giai manh

Tam-muội hoa vô tướng

Hà hoại phục hà thành.

Tạm dịch:

Tâm bao hàm chủng tử

Gặp mưa nẩy mầm xanh

Hoa Tam-muội vô tướng

Làm gì có hoại thành ?

Nhất được ơn khai ngộ, tâm ý siêu nhiên, thị phụng thầy được 10 năm, ngày càng sâu sắc. Có 6 người đệ tử ruột, sư đều ấn chứng, nói:

- Sáu người các ông đều chứng thân ta, mỗi người thích hợp với một món. Một người được lông mày của ta, giỏi thể hiện uy nghi (Thường Hạo). Một người được mắt của ta, giỏi ngắm nhìn (Trí Đạt). Một người được tai của ta, giỏi nghe lý (Thản Nhiên). Một người được mũi của ta, giỏi biết khí (Thần Chiếu). Một người được lưỡi của ta, giỏi đàm thuyết (Nghiêm Tuấn). Một người được tâm ấn của ta, giỏi việc cổ kim (Đạo Nhất).

Sư lại nói:

- Tất cả pháp đều từ tâm sanh, tâm nếu đã không sanh thì pháp không dựa vào đâu để tồn tại. Nếu đạt tới tâm địa, làm gì cũng không vướng mắc. Nếu không gặp người thượng căn, nên cẩn thận lời nói !

***

Có một đại đức hỏi:

- Như lấy kính đúc tượng, sau khi tượng thành, xin hỏi ánh sáng của kính chiếu vào chỗ nào ?

Sư nói:

- Như đại đức lúc còn con nít, tướng mạo ở đâu ?

(Pháp Nhãn nói thay rằng: A-na-hàm là tượng đại đức đúc thành).

(Đại đức) nói:

- Chỉ như sau khi tượng thành thì vì sao không soi được ?

Sư nói:

- Tuy không soi được, một điểm giả dối hắn cũng không được.

***

Sau Mã Tổ hoằng hóa ở Giang Tây. Sư hỏi chúng rằng:

- Đạo Nhất có vì chúng mà thuyết pháp chưa ?

Chúng nói:

- Có vì chúng mà thuyết pháp rồi.

Sư nói:

- Nói chung không thấy người mang tin tức đó lại.

Chúng không có lời đáp lại. Nhân sai một vị tăng đi đến đó và dặn rằng:

- Hãy đợi lúc ông ta thượng đường thì phải hỏi thượng đường làm gì. Lời đối đáp của ông ta hãy ghi nhớ mà đem về đây.

Tăng ra đi làm y như lời thầy dạy rồi trở về nói với sư rằng:

- Thầy Mã nói rằng: “Kể từ sau cuộc Hồ loạn, 30 năm chưa từng thiếu muối tương”.

Sư chấp nhận lời Mã. Ngày 11 tháng 8 năm Thiên Bảo thứ ba, sư viên tịch tại Hành Nhạc, được thụy là Đại Huệ Thiền sư, tháp tên Tối Thắng Luân.

PHẦN PHỤ LỤC

Đến ngày 18 tháng 7 năm đầu niên hiệu Cửu Thị (700) sư tự than thở:

- Ta từ thọ cụ túc giới đến nay đã trải qua năm mùa kiết hạ, học rộng phép uy nghi, nghi biểu trang nghiêm, nhưng việc truy tìm chân lý thì khó khế hiệp.

Lại nói:

- Người xuất gia phải nên nắm vững pháp vô vi, trên trời dưới đất, không có gì hơn được.

Lúc đó có thiền sư Thản Nhiên nghe lời than thở của Hoài Nhượng, bèn rủ Sư cùng đi du học bốn phương, thỉnh giáo rộng rãi các bậc cao minh.

(Theo Tổ Đường Tập quyển 3)

II - Sư bèn đến Tào Khê bái kiến Lục Tổ. Lục Tổ hỏi:

- Ông gần đây nhất rời nơi đâu ?

Hoài Nhượng đáp:

- Rời Tung sơn đến đây lễ bái Hòa thượng.

Lục Tổ hỏi:

- Vật gì mà đến như thế ?

Sư đáp:

- Nói như một vật nào đó là không đúng.

Rồi đó sư hầu cận Lục Tổ trong 12 năm.

(Theo Tổ Đường Tập quyển 3)

 

 

VĨNH GIA - THIỀN SƯ HUYỀN GIÁC

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Vĩnh Gia thiền sư Chân Giác tên húy là Huyền Giác, họ (Đái). Xuất gia từ bé, tìm hiểu cả tam tạng. Tinh thông pháp môn viên diệu Thiên Thai chỉ quán. Trong bốn oai nghi thường ẩn sâu Thiền quán. Sau, nhân Tả Khê - Thiền sư Lãng khuyến khích, đã cùng thiền sư Đông Dương Sách đồng đi đến Tào Khê. Thoạt tiên, sư vừa đến liền chống tích trượng đi quanh Tổ ba vòng, rồi đứng thẳng. Tổ nói:

- Phàm là bậc Sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh. Đại đức từ phương nào đến mà quá cao ngạo vô lễ.

Sư đáp:

- Sanh tử việc lớn, vô thường chóng vánh.

Tổ nói:

- Sao chẳng giữ lấy cái vô sanh, thấu rõ cái không mau.

Sư:

- Thể là vô sanh, cái thấu rõ vốn không mau.

Tổ nói:

- Đúng vậy, đúng vậy !

Lúc ấy, đại chúng ai nấy đều kinh ngạc, sư mới bày đầy oai nghi tham lễ, phút chốc cáo từ. Tổ hỏi:

- Quay về mau vậy sao ?

Sư thưa:

- Vốn chẳng động, há có mau sao ?

Tổ bảo:

- Ai biết không động ?

Sư nói:

- Nhân giả tự sanh phân biệt.

Tổ bảo:

- Ông rất đạt ý vô sanh.

Sư nói:

- Vô sanh há lại có ý sao ?

Tổ bảo:

- Không ý thì ai phân biệt đây ?

Sư đáp:

- Phân biệt cũng chẳng phải ý.

Tổ khen ngợi:

- Hay thay ! Hay thay ! Hãy lưu lại một đêm.

Bấy giờ, người đời nhân đó mới gọi là Nhất túc giác (Ông Giác ở một đêm, cũng có người hiểu là “Giác ngộ trong một đêm”). Phần Đông Dương Sách thì ở lại Tào Khê.

Sáng sớm hôm sau, sư xuống núi, trở về Ôn Châu, học giả tìm đến đông dầy, Sư trước tác bài Chứng Đạo Ca cùng sách Thiền Tông Ngộ Tu Viên Chỉ, từ nông đến sâu.

Thứ sử Khánh Châu là Nguỵ Tĩnh biên tập và đề tựa, chia thành 10 thiên đề tựa là Vĩnh Gia Tập và cho lưu hành trong đời.

Thứ nhất: Nghi thức mộ đạo (Mộ đạo chí nghi) - Phàm muốn tu đạo, trước nên lập chí, cùng hầu thầy đúng lễ, làm sáng điều thầy dạy. Do đó, đặt để hàng thứ nhất để làm sáng tỏ Nghi thức mộ đạo.

Thứ hai: Giới ý kiêu sa (Giới kiêu xa ý) - Ban đầu tuy lập chí tu đạo, khéo biết nghi thức phép tắc, nếu ba nghiệp kiêu sa, vọng tâm xáo động thì sao được định. Do đó, đặt để hàng thứ hai để nêu rõ giới ý kiêu sa.

Thứ ba: Tịnh tu ba nghiệp (Tịnh tu tam nghiệp) - Trước, giới kiêu sa để lược nêu cương yếu. Nay kiểm trách lại kỹ lưỡng, khiến sự lỗi lầm không nảy sanh. Do đó, đặt để hàng thứ ba là làm rõ ba nghiệp tịnh tu, giữ giới thân, khẩu, ý.

Thứ tư: Bài tụng Xa-ma-tha (Xa-ma-tha tụng) - Đã kiểm trách thân, miệng, khiến lỗi chẳng nảy sanh. Thứ đến vào cửa tu đạo dần theo thứ tự trước sau năm loại khởi tâm, không ra khỏi định huệ năm loại khởi tâm sáu khoa liệu lường. Do đó, đặt để hàng thứ tư để làm rõ bài tụng Xa-ma-tha.

Thứ năm: Bài tụng Tì-bà-xá-na (Tì-bà-xá-na tụng) - Không giới thì chẳng có Thiền, không Thiền thì chẳng có huệ. Trên đã tu định, định lâu thì huệ sáng. Do đó, đặt để hàng thứ năm làm rõ bài tụng Tì-bà-xá-na.

Thứ sáu: Bài nghĩa tụng Ưu-tất nghĩa (Ưu-tất nghĩa tụng) - Thiên tu về định, định lâu tất chìm sâu. Thiên học về huệ, huệ nhiều tâm động. Do đó, đặt để hàng thứ sáu là nêu rõ các bài tụng Ưu-tất, nghĩa nơi định huệ, khiến chẳng chìm động, làm cho định huệ quân bình, buông bỏ hai bên.

Thứ bảy: Lần lượt của ba thừa (Tam thừa tiệm thứ) - Định huệ đã quân bình ắt lặng lẽ mà thường soi. Tam quán nhất tâm thì có nghi nào chẳng dứt, có sáng chiếu nào chẳng tròn đầy ? Dù đã tự hiểu rõ ràng nhưng thương kẻ khác chưa ngộ, ngộ có nông sâu. Do đó, đặt để hàng thứ bảy là nói rõ thứ bậc lần lượt của ba thừa.

Thứ tám: Sự lý không hai (Sự lý bất nhị) - Ba thừa thấy lý, lý chẳng không cùng. Lý cùng ở tại sự, rõ sự tức lý. Do đó, đặt để hàng thứ tám là làm rõ sự lý không hai, tức sự mà chân, dùng loại trừ kiến chấp.

Thứ chín: Sách khuyên bạn hữu (Khuyên hữu nhân thư) - Sự lý đã dung thông, trong tâm tự sáng, lòng lại thương xót người học về sau, phí mất thời gian. Do đó, đặt để hàng thứ chín là tỏ rõ sách khuyên bạn.

Thứ mười: Văn phát nguyện (Phát nguyện văn) - Khuyên bạn tuy là thương xót kẻ khác nhưng chỉ chú tâm vào một người, thì tình vẫn chưa cùng khắp. Do đó, đặt để hàng thứ mưới là tỏ rõ văn pháp nguyện, thề nguyền độ tất cả.

Lại còn có 10 môn quán tâm là:

Ban đầu nói đến pháp nhĩ

Kế đến nêu ra quán thể

Thứ 3: Nói đến sự tương ưng

Thứ 4: Phòng ngừa cao ngạo

Thứ 5: Răn sự lười biếng, chểnh mảng

Thứ 6: Nêu lại quán thể lần nữa

Thứ 7: Rõ biết phải trái

Thứ 8: Chọn lấy thuyên chỉ

Thứ 9: Gặp sự thành quán (Xúc đồ thành quán)

Thứ 10: Diệu hợp nguồn huyền.

Thứ nhất nói về Pháp nhĩ, phàm tâm tánh hư trống suốt thông, gốc động tịnh chẳng hai, chân như dứt lo nghĩ, niệm duyên ý chẳng riêng khác. Hoặc thấy lăng xăng, đến cùng tất chỉ là vắng lặng. Nguồn linh chẳng hình dạng, xét xem ắt thấy thiên sai, thiên sai chẳng đồng, nên tên pháp nhẫn tự lập. Nhất tịch không khác nên hiệu huệ nhãn ấy riêng còn. Lý lượng cùng tiêu nên công năng Phật nhãn tròn đủ. Đấy là ba đế một cảnh, lý Pháp thân thường thanh tịnh. Ba trí một tâm. Bát-nhã ấy sáng trong thường chiếu. Cảnh tối ứng hợp giải thoát ấy tùy cơ ứng hiện. Chẳng ngang chẳng dọc, tròn đầy ấy hợp với đạo huyền. Vậy nên biết diệu tánh của ba đức, hiển nhiên không trái. Một tâm sâu rộng, khó nghĩ xuất từ đâu. Điều gì cần mà chẳng có lối, do đó, tức tâm là đạo, có thể nói là theo dòng mà được nguồn vậy.

Thứ 2: Nêu rõ quán thể. Chỉ biết một niệm, tức không mà chẳng không, chẳng không mà chẳng phải chẳng không.

Thứ 3: Nói về tương ưng. Tâm với không tương ưng, thì lời khen chê có gì là lo, là mừng ? Thân với không tương ưng ắt đao chặt, hương thoa có đâu vui, khổ. Y báo với không tương ưng thì bố thí với cướp đoạt, có gì là được mất ? Tâm với không, chẳng không tương ưng, tất ái kiến đều quên, từ bi cứu khắp. Thân với không, chẳng không tương ưng, tất bên trong đồng với cây khô ngoài hiện vẻ uy nghi. Y báo với không và chẳng không tương ưng, tất hằng dứt tham cầu, của đem cứu giúp. Tâm với không chẳng không, chẳng không mà không phải chẳng không tương ưng, tất thực tướng tỏ sáng, khai mở tri kiến Phật. Thân với không chẳng không, chẳng không mà không phải chẳng không tương ưng, tất một trần nhập vào chính thọ, các trần khởi Tam-muội. Y báo với không chẳng không, chẳng không mà không phải chẳng không tương ưng, ắt đài hương gác báu hóa sanh cõi trang nghiêm.

Thứ 4: Cảnh tỉnh thượng mạn. Nếu chẳng như vậy ắt chưa được tương ưng.

Thứ 5: Răn sự biếng lười, chểnh mảng, như qua biển cần phải đi thuyền, không thuyền sao qua được ? Tu tâm tất cần nhập quán, không quán thì chẳng được sáng tâm. Tâm nếu không sáng thì ngày nào tương ứng đây ? Hãy nghĩ suy, chớ ỷ lại.

Thứ 6: Nêu lại quán thể. Chỉ biết một niệm tức không chẳng không, chẳng có chẳng không, không biết tức niệm, tức là không chẳng không, chẳng phải chẳng có, chẳng phải chẳng không.

Thứ 7: Rõ biết phải trái. Tâm chẳng phải có, tâm chẳng phải không. Tâm không phải là không có, tâm chẳng phải là không không. Là có là không, tức sa vào phải. Chẳng có chẳng không tức rơi vào trái. Như vậy, chỉ là cái sai của phải trái, chưa phải là cái phải của chẳng phải chẳng trái. Nay lấy hai trái phá hai phải, phải phá bỏ trái là vẫn phải trái, lại dùng hai cái trái để phá bỏ hai trái, trái phá bỏ chẳng trái tức là phải. Như vậy, chỉ là cái phải của chẳng phải chẳng trái, chưa phải là chẳng trái chẳng chẳng trái, chẳng phải chẳng chẳng phải. Mê lầm của phải trái, nhỏ nhặt khó thấy, thần trong nghĩ lặng tinh tế mà nghiệm xét.

Thứ 8: Chọn lấy thuyên chỉ. Nhưng mà chí lý thì không lời, giải lập lời văn để làm tỏ ý chỉ. Ý chỉ và tông không phải quán, mượn tu quán để hiểu lấy Tông. Nếu chưa tỏ ý chỉ, tất lời chưa đạt. Nếu Tông chưa hiểu được, quán ấy chưa sâu, quán sâu thì hiểu được Tông chỉ. Lời tất sáng ý chỉ, ý chỉ và tông đã hiểu rõ thì lời và quán còn tồn tại ru ?

Thứ 9: Gặp sự thành quán (Xúc đồ thành quán). Phàm ngôn từ diễn lại, nêu rõ thể quán. Muốn sáng tỏ Tông chỉ, lời và quán không khác, theo lời mà thay đổi, thay đổi lời tất lời và ý không sai, đổi quán tất quán và ý chỉ không khác. Ý chỉ không khác tức lý, lý không sai tức Tông, Tông và chỉ là một nhưng hai tên gọi. Lời và quán là làm rõ phương thức ấy.

Thứ 10: Diệu hợp nguồn huyền. Phàm kẻ ngộ tâm há chấp quán mà lạc ý chỉ, người đạt giáo pháp há dừng nơi lời mà sanh ý ? Lý rõ tất lời lẽ cắt đứt, có lời nào mà nghị luận được; ý chỉ hiểu ắt chỗ tâm hành, tiêu diệt có quán nào để nghĩ đến ? Tâm lời không thể nghĩ bàn có thể gọi là diệu khế hoàn trung vậy.

Niên hiệu Tiên Thiên năm thứ hai, ngày 17 tháng 10, sư ngồi yên tịch diệt. Ngày 13 tháng 11 tháp lập tại hướng Nam Tây Sơn. Vua ban thụy Vô Tướng Đại Sư, tháp hiệu Tịnh Quang. Trong niên hiệu Hoàng triều nhà Tống ta, Hoàng đế Thái Tông xuống chiếu cho bổn châu trùng tu khám thờ và tháp.

PHẦN PHỤ LỤC

I. (Sư nói):

- Nhưng mà chánh đạo không tịch hư vắng, cho nên tuy tu tập mà cũng khó lĩnh ngộ. Còn đường tà thanh âm huyên náo, cho dù không học tập thì cũng dễ bị thân gần. Như quả tư tưởng chưa khế hiệp với nghĩa lý huyền diệu, hành động chưa phù hợp với chỉ ý chân chánh, e rằng không thể riêng ở u tịch mà ôm ấp ý kiến của mình để mà cho rằng đã hoàn thành xong cuộc đời, mà phải hướng về các bậc cao minh để thỉnh giáo, thành khẩn tín phục, tiếp thụ chân lý. Khi thọ giáo phải cung kính hành lễ, đoan chính nghi dung. Nên ngày đêm tu tập, quên cả mệt mõi, từ đầu tới cuối kiền thành tín ngưỡng. Phải luôn ức chế thân tâm và lời lẽ, trừ bỏ thói kiêu căng và trây lười. Nếu như có thể chẳng đoái hoài đến thân thể, chuyên tâm nghiên cứu tinh tường chân lý, mới có thể gọi là thanh lọc trong sạch tấc lòng.

(Theo Vĩnh Gia Tập)

***

II. (Sư nói):

- Cho nên trước phải biết đạo, rồi sau đó mới ở nơi núi non được Nếu như chưa biết đạo mà vội lên núi ở, thì chắc chắn chỉ nhìn thấy núi non mà đương nhiên quên đạo. Nếu như chưa ở núi non mà đã biết đạo, thì đương nhiên chỉ thấy đạo mà quên núi non. Quên núi non thì tính đạo có thể di dưỡng tâm thần. Còn như quên đạo thì hình dáng núi non kia có thể làm mờ ảo mắt. Nhân đó mà người thấy đạo quên núi thì ngay khi ở nơi nhân quần vẫn thấy tịch tịnh, còn kẻ thấy núi quên đạo thì dù cho ở ngay nơi núi non vẫn cảm thấy huyên náo.

(Theo Vĩnh Gia Tập)

 

 

TƯ KHÔNG - THIỀN SƯ BẢN TỊNH

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Núi Tư Không, thiền sư Bản Tịnh, người Giáng Châu, họ Trương. Xuất gia tại Tào Khê, đươc thọ ký thuộc chùa Vô Tướng núi Tư Không.

Nhà Đường, niên hiệu Thiên Bảo năm thứ 3, vua Huyền Tông, sai Trung sứ Dương Quang Đình vào núi hái dây Thường Xuân, nhân đấy mà đến trượng thất của sư.

Dương làm lễ, hỏi:

- Đệ tử mộ đạo đã lâu, cúi mong Hòa thượng từ bi, lược bày chỉ dạy.

Sư nói:

- Kẻ học rộng Thiền tông trong thiên hạ đều tập họp tại Kinh sư. Thiên sứ về triều, hỏi thăm tất đủ toại nguyện. Bần đạo ở nơi khuỷu núi bờ khe, tâm không có chỗ dụng.

Quang Đình khóc, lễ bái. Sư nói:

- Thôi lễ bần đạo. Thiên sứ vì cầu Phật hay hỏi đạo ?

Đáp:

- Đệ tử trí thức tối tăm mê muội, chưa biết Phật với đạo, nghĩa ấy giống khác thế nào ?

Sư nói:

- Nếu muốn cầu Phật, tâm ấy là Phật. Nếu muốn thấu đạo, vô tâm là đạo.

Hỏi:

- Thế nào là tâm ấy là Phật ?

Sư nói:

- Phật nhân tâm mà ngộ, tâm do Phật hiển bày rạng rỡ. Nếu ngộ vô tâm thì Phật cũng chẳng có.

Hỏi:

- Thế nào vô tâm là đạo ?

Sư đáp:

- Đạo vốn vô tâm, vô tâm gọi là đạo. Nếu rõ vô tâm, vô tâm tức là đạo.

Quang Đình thi lễ, tin nhận.

- Khi trở lại triều đình, Trung sứ tâu lại đầy đủ việc gặp gỡ trong núi. Vua ban sắc sai Quang Đình thỉnh sư về kinh, sắc sư trụ tại đình Bạch Liên.

Sang năm sau, tháng giêng, ngày rằm, vua mời các danh tăng, thạc học hai nhà vào trong nội tràng, cùng với sư xiển dương Phật ý.

Lúc ấy có thiền sư Viễn cất to tiếng hỏi Sư:

- Nay đối trước Thánh thượng, xét lường tông chỉ, cần phải hỏi thẳng đáp thẳng, chẳng lập nhiều lời rườm rà. Chỉ như chỗ thấy của Thiền sư thì lấy gì làm đạo ?

Sư đáp:

- Không tâm là đạo.

Viễn hỏi:

- Đạo vì tâm mà có, sao lại nói không tâm là đạo ?

Sư đáp:

- Đạo vốn không tên, nhân tâm mà gọi đạo. Tâm và tên nếu có, đạo chẳng trống không. Tận cùng tâm đã không thì đạo dựa vào đâu mà lập ? Cả hai đều hư vọng, thảy chỉ là giả gọi tên.

Viễn hỏi:

- Thiền sư thấy có thân tâm là đạo rồi phải không ?

Sư đáp:

- Sơn tăng thấy thân, tâm xưa nay là đạo.

Viễn nói:

- Vừa nói không tâm là đạo, giờ lại bảo thân tâm xưa nay là đạo, há chẳng nói trái nhau sao ?

Sư đáp:

- Không tâm là đạo, tâm diệt đạo không, tâm đạo nhất như nên nói không tâm là đạo. Thân tâm xưa nay là đạo, đạo cũng vốn là thân tâm. Thân tâm đã là không, đạo cũng cùng nguồn không có. Viễn nói:

- Xét thấy Thiền sư hình hài rất nhỏ, thì đã hiểu lý này rồi.

Sư đáp:

- Đại đức chỉ thấy tướng của Sơn tăng, không thấy được không tướng của Sơn tăng. Thấy tướng là chỗ thấy của đại đức. Kinh nói: “Phàm chỗ có tướng đều là hư vọng. Chừng nào thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy được đạo. Nếu lấy tướng làm thực thì tận kiếp cũng chẳng thấy đạo”. Viễn nói:

- Nay mời Thiền sư nơi tướng nói nơi không tướng.

Sư:

- Kinh Tịnh Danh nói: “Bốn đại vô chủ, thân cũng vô ngã. Chỗ thấy vô ngã, cùng đạo tương ưng”. Đại đức nếu coi bốn đại có chủ là ngã, nếu có thấy ngã tận kiếp cũng không hiểu đạo.

Viễn nghe nói biến sắc, thẫn thờ rời khỏi cuộc hội. Sư có kệ rằng:

Phiên âm:

Tứ đại vô chủ phục như thủy

Ngộ khúc phùng trực vô bỉ thử

Tịnh uế lưỡng xứ bất sanh tâm

Ưng quyết hà tằng hữu nhị ý

Xúc cảnh đản tự thủy vô tâm

Tại thế tung hoành hữu hà sự ?

Tạm dịch:

Bốn đại không chủ cùng như nước

Gặp quanh gặp thẳng chẳng khác chi

Sạch nhơ hai chốn chẳng sanh tâm

Nghẽn thông, đâu từng có hai ý

Gặp cảnh chỉ tựa nước vô tâm

Tại thế dọc ngang có việc gì ?

Lại nói:

- Một đại như vậy, bốn đại cũng vậy. Nếu hiểu rõ bốn đại vô chủ, tức ngộ vô tâm. Nếu rõ vô tâm, tự nhiên khế hợp đạo.

Thiền sư Chí Minh hỏi:

- Nếu nói vô tâm là đạo, gạch ngói vô tâm cũng đáng là đạo sao ?

Lại nói:

- Thân tâm xưa nay là đạo, tứ sanh thập loại đều có thân tâm cũng đáng là đạo sao ?

Sư đáp:

- Đại đức nếu lấy thấy nghe hiểu biết để hiểu thì cùng đạo trái nhau, tức chỉ là kẻ cầu thấy nghe hiểu biết, không phải là người cầu đạo. Kinh nói: “Không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý”. Sáu căn đã không, vậy thấy nghe hiểu biết dựa đâu mà lập. Tận gốc chẳng có, chỗ nào còn tâm ? Vậy làm sao mà chẳng đồng cỏ cây gạch ngói ?

Minh làm thinh lui bước.

Sư có bài kệ:

Phiên âm:

Kiến văn giác tri vô chướng ngại

Thanh, hương, vị, xúc thường Tam-muội

Như điểu không trung chỉ ma phi

Vô thủ vô xả vô tắng ái

Nhược hội ứng xứ bản vô tâm

Thỉ đắc danh vi quán tự tại.

Tạm dịch:

Thấy nghe hiểu biết không chướng ngại

Tiếng, mùi, vị, chạm thường Tam-muội

Như chim trong không chỉ việc bay

Không giữ không buông không ghét ái

Nếu hiểu chỗ ứng vốn không tâm

Mới được gọi là Quán tự tại.

Thiền sư Chân:

- Đạo đã không tâm, vậy Phật có tâm không ? Phật với đạo là một hay hai ?

Sư đáp:

- Không một mà cũng không hai.

Chân nói:

- Phật độ chúng sanh là vì có tâm. Đạo chẳng độ người là vì không tâm. Một độ một chẳng độ, sao gọi được là không hai ?

Sư nói:

- Nếu nói Phật độ chúng sanh, đạo không độ, đây là đại đức vọng sanh thấy có hai. Như sơn tăng đây tức chẳng vậy. Phật là hư danh, đạo cũng giả lập. Cả hai đều không thực, đều là giả danh. Thuộc giả một thứ thì sao lại phân hai.

Hỏi:

- Phật với đạo cùng là giả danh. Vậy, chính lúc lập danh là do ai lập ? Nếu có kẻ lập, sao được nói là không ?

Sư đáp:

- Phật với đạo nhân do tâm mà lập. Suy cùng việc lập tâm, tâm cũng là không. Tâm đã là không, tức ngộ cả hai đều chẳng thực. Biết đây là kiến giải của người Nhị thừa.

Sư bèn đọc kệ vô tu vô tác:

Phiên âm:

Kiến đạo phương tu đạo

Bất kiến phục hà tu

Đạo tánh như hư không

Hư không hà sở tu

Biến quán tu đạo giả

Bạt hỏa mịch phù âu  

Đản khán lộng khởi lỗi

Tuyến đoạn nhất thời hưu

Tạm dịch:

Thấy đạo mới tu đạo

Chẳng thấy thì tu gì ?

Tánh đạo như hư không

Hư không tu chỗ ni ?

Xét khắp người tu đạo

Khều lửa tìm bọt chi

Chỉ xem con rối diễn

Dây đứt ngưng tức thì.

Thiền sư Pháp Không hỏi:

- Phật với đạo đều là giả danh, mười hai phần giáo cũng phải là không thực, vậy sao hàng tôn túc từ trước đều nói đến tu đạo ?

Sư đáp:

- Đại đức hiểu lầm ý Kinh. Đạo vốn không tu, đại đức gượng ép tu. Đạo vốn không tạo tác, đại đức gượng tạo tác. Đạo vốn vô sự, gượng sinh lắm sự. Đạo vốn không biết, ở trong lại gượng biết. Thấy biết như vậy là cùng với đạo trái nhau. Bậc Tôn túc trước kia không phải như vậy, chính là đại đức không hiểu, xin suy xét lấy.

Sư có bài kệ:

Phiên âm:

Đạo thể bản vô tu

Bất tu tự hợp đạo

Nhược khởi tu đạo tâm

Thử nhân bất hội đạo

Khí khước nhất chân tánh

Khước nhập náo hạo hạo

Hốt phùng tu đạo nhân

Đệ nhất mạc hướng đạo

Tạm dịch:

Thể đạo vốn không tu

Chẳng tu tự hợp đạo

Nếu khởi tâm tu đạo

Người đó không hiểu đạo

Vất đi cả chân tánh

Lại vào lắm chộn rộn

Bỗng gặp người tu đạo

Đệ nhất chẳng hướng đạo.

Thiền sư An hỏi:

- Đạo đã là giả danh, Phật rằng giả lập, mười hai phần giáo cũng là tiếp vật độ sanh. Thảy đều là vọng, vậy lấy gì làm chân?

Sư nói:

- Vì có vọng nên lấy chân đối vọng. Suy cho cùng thì tánh vọng vốn không, chân cũng nào có bao giờ. Do đó, biết chân vọng đều là giả danh. Hai sự đối trị đều không thực thể. Tận cùng gốc rễ thảy đều là không.

Nói:

- Đã nói hết thảy là vọng, vọng cũng đồng chân. Chân vọng không sai biệt thì lại là vật gì ?

Sư đáp:

- Nếu nói vật gì thì vật gì cũng vọng. Kinh nói: “Không tương tự, không so sánh, dứt đường ngôn ngữ, như chim bay trên không”.

An thẹn, thầm phục mà chẳng biết làm gì.

Sư có bài kệ:

Phiên âm:

Suy chân, chân vô tướng

Cùng vọng, vọng vô hình

Phản quán suy cùng tâm

Tri tâm diệc giả danh

Hội đạo diệc như thử

Đáo đầu diệc chỉ minh.

Tạm dịch:

Suy chân, chân vô tướng

Xét vọng, vọng chẳng hình

Quay lại xét cùng tâm

Biết tâm cũng giả danh

Hiểu đạo cũng như vậy

Đến cùng cũng chỉ thế.

Thiền sư Đạt Tính hỏi:

- Thiền đạt đến chỗ vi diệu, cùng cực chân vọng đều diệt. Phật đạo cùng mất, tu hạnh tánh không, danh tướng không thực, thế giới như ảo, thảy đều là giả danh. Ngay lúc hiểu như vậy thì cũng không thể đoạn dứt hai cái gốc thiện ác của chúng sanh.

Sư nói:

- Hai cái gốc thiện ác đều do tâm mà có. Xét cùng tâm nếu có thì gốc cũng chẳng phải hư giả. Suy xét tâm đã là không thì gốc do đâu lập được ? Kinh nói: “Pháp thiện hay bất thiện, từ tâm hóa sanh. Nghiệp duyên thiện ác vốn không có thực”.

Sư có kệ:

Phiên âm:

Thiện ký tòng tâm sanh

Ác khởi ly tâm hữu 

Thiện ác thị ngoại duyên

Ư tâm thực bất hữu

Xả ác tống hà xứ

Thủ thiện linh thùy thủ

Thương ta nhị kiến nhân

Phan duyên lưỡng đầu tẩu

Nhược ngộ bản vô tâm

Thủy hối tòng tiền cữu.

Tạm dịch:

Thiện đã từ tâm sanh

Ác há lìa tâm có ?

Thiện ác là duyên ngoài

Tại tâm thực chẳng có

Bỏ ác vất nơi nào ?

Lấy thiện khiến ai lo ?

Thương thay người thấy hai

Theo duyên đều chạy co

Nếu ngộ gốc vô tâm

Lỗi xưa ai tha cho.

Lại có cận thần hỏi:

- Thân này từ đâu mà đến ? Sau trăm tuổi lại trở về đâu ?

Sư đáp:

- Như người lúc nằm mộng, từ đâu mà đến ? Lúc tỉnh lại thì đi về đâu ?

Cận thần nói:

- Lúc mộng không thể nói không, tỉnh lại không thể nói có. Tuy có có không, đến đi không có chỗ.

Sư nói:

- Thân này của bần đạo cũng như mộng vậy.

Sư có bài kệ:

Phiên âm:

Thị sanh như tại mộng

Mộng lý thực thị náo

Hốt giác vạn sự hưu

Hoàn đồng thùy thời ngộ

Trí giả hội ngộ mộng

Mê nhân tín mộng náo

Hội mộng như lưỡng ban

Nhất ngộ vô biệt ngộ

Phú quý dữ bần tiện

Cánh vô phân biệt lộ.

Tạm dịch:

Nhìn đời như trong mơ

Trong mơ thật náo nhiệt

Vừa hay, vạn sự ngừng

Cũng đồng lúc tỉnh giấc

Kẻ trí rõ biết mộng

Người mê tin mộng diễn

Hiểu mộng như hai việc

Một ngộ, không ngộ khác

Giàu sang với nghèo hèn

Cũng không đường phân biệt.

Niên hiệu Thượng Nguyên năm thứ hai, sư quy tịch, vua ban hiệu là Đại Hiểu Thiền Sư.

 

 

VỤ CHÂU - THIỀN SƯ HUYỀN SÁCH

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Thiền sư Huyền Sách, người Kim Hoa, Vụ Châu. Lúc đi du phương đến Hà Sóc, nơi đây có thiền sư Hoàng, từng tham yết nơi Hoàng Mai, tự coi như đã được chánh truyền. Sư biết chỗ đắc của Hoàng vẫn chưa là thực bèn hỏi:

- Ông ngồi đây làm gì ?

Hoàng đáp:

- Nhập định.

Sư nói:

- Ông nói nhập định, vậy hữu tâm hay vô tâm ? Nếu là hữu tâm thì hết mọi loài cựa quậy đều định được. Nếu là vô tâm thì mọi giống cỏ cây cũng định được.

Hoàng nói:

- Ngay lúc tôi nhập định thì không thấy có hữu tâm hay vô tâm.

Sư nói:

- Đã không thấy có hữu tâm, vô tâm tức là thường định, vậy sao lại có xuất, nhập ? Nếu có xuất, nhập thì không phải là đại định.

Hoàng tắc họng. Lúc sau hỏi:

- Thầy là pháp tự của ai ?

Sư đáp:

- Thầy tôi là Lục Tổ ở Tào Khê.

Hỏi:

- Lục tổ cho Thiền định là thể nào ? 

Sư đáp:

- Thầy tôi nói: “Phàm sự lặng yên huyền diệu, vắng lặng tròn đầy, thể và dụng như như. Năm ấm vốn không, sáu trần chẳng có. Không xuất không nhập. Chẳng định chẳng loạn. Tánh Thiền không chỗ trụ, nhưng lìa trụ Thiền cô tịch. Tánh Thiền không sanh, lìa sanh Thiền không tưởng. Tâm như hư không, cũng không có suy lường về hư không”.

Hoàng nghe lời này vẫn chưa dứt nghi tình, bèn đến nơi Tào Khê, nhờ Tổ giải quyết mối nghi mờ, nhưng ý Tổ với sư khế hợp nhau. Hoàng bấy giờ mới ngộ rõ.

Sau Sư trở lại Kim Hoa, truyền rộng pháp tịch.

 

 

THIỀN SƯ LINH THAO

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Thiền sư Linh Thao Tào Khê, họ Trương, người Cát Châu, theo Lục Tổ mà xuất gia, chưa từng rời tả hữu. Tổ qui tịch bèn làm tháp chủ giữ y cà-sa. Năm thứ tư đời Đường Khai Nguyên, Huyền Tông nghe đức phong của sư, chiếu vời vào triều đình. Sư từ chối nêu cớ bịnh không tới. Năm đầu niên hiệu Thượng Nguyên, Đường Túc Tông sai sứ đưa y truyền pháp vào cung nội cúng dường, nhưng sắc sư phải theo y nhập triều. Sư lại lấy cớ bịnh mà chối từ, hết đời tại bổn sơn, thọ 95 tuổi, sắc thụy Đại Hiểu Thiền Sư.

 

 

NAM DƯƠNG - QUỐC SƯ TUỆ TRUNG

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Nam Dương, Quốc sư Tuệ Trung, người Chư Kỵ, Việt Châu, họ Nhiễm. Sau khi được tâm ấn, Sư đến trụ tại cốc Đãng Tử, núi bạch Nhai, Nam Dương, hơn 40 năm chẳng hề xuống núi, đạo hạnh truyền đến cung vua.

Thời Đường, vua Túc Tôn, niên hiệu Thượng Nguyên năm thứ hai, sắc lệnh Trung sứ Tôn Triều Tiến mang chiếu vời sư về kinh đãi theo lễ Thầy.

Lúc đầu, sư ngụ tại Tây Thiền viện, chùa Thiên Phước. Đến khi Đại Tôn lên ngôi, lại đón sư đến chùa Quang Trạch. Trong 16 năm, sư tùy cơ giảng pháp.

Lúc ấy có Đại Nhĩ Tam Tạng từ Tây Thiên đến kinh, cho rằng đã được tha tâm thông.

Vua Túc Tông lệnh quốc sư nghiệm thực, Tam Tạng vừa trông thấy sư liền lễ bái, đoạn đứng sang bên. Sư hỏi:

- Ông được tha tâm thông ư ?

Đáp nhún nhường:

- Không dám !

Sư nói:

- Ông nói xem lão tăng hiện đang ở đâu ?

Đáp:

- Hòa thượng là thầy một nước sao lại bỏ đi Tây Xuyên xem đua thuyền ?

Lúc lâu sư lại hỏi:

- Ông nói xem lão tăng hiện đang ở chỗ nào ?

Đáp:

- Hòa thượng là thầy một nước sao lại đến trên cầu Thiên Tân xem khỉ đùa ?

Lúc lâu, sư lại hỏi:

- Ông nói lão tăng đang ở đâu ?

Tạng không biết, sư quát:

- Dã hồ tinh kia, tha tâm thông ở chỗ nào ?

Tạng không đáp được.

(Tăng hỏi Ngưỡng Sơn:

Đại Nhĩ Tam Tạng, lần thứ ba sao chẳng thấy Quốc sư ?

Sơn nói:

- Hai lần đầu liên quan đến tâm cảnh, sau đó thì Tam-muội nên không thấy được.

* Lại có ông tăng hỏi Huyền Sa. Sa nói:

- Ông nói hai lần đầu có thấy gì sao ?

Huyền Giác nói:

- Hai lần đầu thấy, sau đó chẳng thấy, hãy nói chỗ lợi hại thế nào ?

* Tăng hỏi Triệu Châu:

- Đại Nhĩ Tam Tạng lần thứ ba chẳng thấy Quốc sư, chẳng biết Quốc sư ở chỗ nào ?

Châu nói:

- Trên lỗ mũi của Tam Tạng.

Sau đó, tăng hỏi Huyền Sa:

- Đã ở trên lỗ mũi tại sao lại không thấy ?

Sa đáp:

- Chỉ vì gần quá.)

***

Ngày nọ, sư gọi thị giả, thị giả ứng dạ. Như vậy, ba lần gọi ba lần dạ. Sư nói:

- Tưởng là ta phụ ông hóa ra là ông phụ ta.

 (* Tăng hỏi Huyền Sa:

- Quốc sư gọi thị giả là có ý gì ?

Sa đáp:

- Tức là thị giả hiểu đấy.

Vân Cư Tích nói:

- Hãy nói thị giả hiểu hay không hiểu ? Nếu nói hiểu, Quốc sư lại bảo ông phụ ta; nếu nói không hiểu, Huyền Sa sao lại nói thị giả hiểu. Hãy xét xem thể nào ?

* Huyền Giác trưng hỏi ông tăng:

- Chỗ hiểu của thị giả là hiểu thế nào ?

Tăng nói:

- Nếu chẳng hiểu, sao lại ứng dạ ?

Huyền Giác nói:

- Ông khá hiểu đấy.

Lại nói:

- Ông theo đấy mà suy xét là biết Huyền Sa.

* Tăng hỏi Pháp Nhãn:

- Quốc sư gọi thị giả là có ý gì ?

Pháp Nhãn nói:

- Hãy tạm đi đi, khi khác tới.

Vân Cư Tích cho rằng:

- Pháp Nhãn sao nói vậy. Ông ta hiểu rõ ý Quốc sư hay không rõ ý Quốc sư ?

* Ông tăng hỏi Triệu Châu:

- Quốc sư gọi thị giả là có ý gì ?

Triệu Châu nói:

- Như người trong tối viết chữ, chữ tuy không thành nhưng văn thái đã rõ.)

***

Nam Tuyền đến tham kiến. Sư hỏi:

- Từ đâu đến ?

Đáp:

- Từ Giang Tây đến.

Sư hỏi:

- Có đem được chân pháp của Mã sư đến không ?

Đáp:

- Chỉ thế đấy.

Sư nói:

- Cõng phía sau lưng kìa !   

Nam Tuyền liền bỏ đi.

(Trường Khánh Lăng nói:

- Giống như chẳng biết.

Bảo Phúc Triển cho rằng:

- Như chẳng có đến chỗ Hòa thượng vậy.

Vân Cư Tích nói:

- Cả hai vị tôn túc ấy đều cõng phía sau. Còn như Nam Tuyền chịu thôi, là ôm phía trước hay cõng phía sau ?)

***

Ma Cốc đến tham kiến, đi vòng giường thiền của Sư ba vòng, đoạn chống tích trượng đứng lại.

Sư nói:

- Ông đã như thế, ta cũng như thế.

Ma Cốc lại chống tích trượng xuống.

Sư quát lên:

 - Dã hồ tinh kia, ra đi !

***

Sư thượng đường, nói:

- Người học Thiền tông, nên tôn trọng lời Phật. Liễu nghĩa nhất thừa, ứng hợp với tự bản tâm, còn chẳng liễu nghĩa như loài rận, bọ chét, mãi chẳng được nhìn nhận là được trong thân sư tử. Phàm là thầy người, nếu dấn vào danh lợi, đặt bày dị đoan thì mình với người có ích gì. Như người thợ giỏi trong đời, búa rìu chẳng làm tổn thương tay. Lượng chở của voi nòi, con lừa không kham nổi.

***

Tăng hỏi:

- Làm thế nào để thành đạt được ?

Sư đáp:

- Phật với chúng sanh, bỏ hết ngay đi, ngay đấy được giải thoát.

Hỏi:

- Làm sao để được tương ưng ?

Sư đáp:

- Thiện ác chẳng nghĩ thì tự thấy Phật tánh.

Hỏi:

- Làm sao để chứng được Pháp thân ?

Đáp:

- Vượt cảnh giới Tỳ Lô.

Hỏi:

- Làm sao được Pháp thân thanh tịnh ?

Sư nói:

- Đừng mong cầu Phật.

Hỏi:

- Cái gì là Phật ?

Sư đáp:

- Tâm ấy là Phật.

Hỏi:

- Tâm có phiền não không ?

Sư đáp:

- Tánh phiền não tự lìa đi.

Hỏi:

- Há chẳng đoạn được sao ?

Đáp:

- Đoạn phiền não tức gọi là Nhị thừa. Phiền não không sanh gọi là Đại Niết-bàn.

Hỏi:

- Vậy ngồi thiền, khán tịnh chuyện ấy lại là thế nào ?

Sư nói:

- Chẳng cấu nhiễm, chẳng thanh tịnh, đâu cần phải dùng khởi tâm mà xét tướng tịnh.

Hỏi:

- Thiền sư nhìn mười phương hư không, có phải là Pháp thân không ?

Sư nói:

- Dùng tâm suy tưởng là cái thấy điên đảo.

Hỏi:

- Tâm ấy đã là Phật, có thể lại tu vạn hạnh không ?

Sư đáp:

- Các Thánh đều đủ hai sự trang nghiêm, há lại vất không nhân quả sao.

Lại nói:

- Ta nay trả lời ông đến cùng kiếp cũng không dứt. Lời nhiều lìa đạo càng xa, vậy nên nói: Thuyết pháp có sở đắc - ấy là dã can (chồn rừng) kêu, thuyết pháp không sở đắc, ấy gọi là sư tử rống.

***

Sư thượng đường, nói:

- Dây leo xanh mài miệt bò lên đỉnh tùng lạnh lẽo. Mây trắng lặng lờ ẩn hiện giữa trời không, vạn pháp vốn rỗi nhàn, nhưng tự người làm huyên náo.

***

Sư hỏi ông tăng:

- Gần đây rời nơi nào ?

Đáp:

- Phương nam.

Sư hỏi:

- Tri thức phương nam lấy pháp gì dạy người ?

Đáp:

- Tri thức phương nam chỉ dạy, một khi lửa gốc tiêu tán thì cũng như rắn, lột da, như rồng đổi cốt. Cái gốc chân tánh ấy y nhiên không bị hoại diệt.

Sư nói:

- Khổ thay! Khổ thay! Tri thức phương nam thuyết pháp nửa sanh nửa diệt.

Hỏi:

- Tri thức phương nam là như vậy. Xin hỏi Hòa thượng ở đây giảng pháp thế nào ?

Sư nói:

- Ta ở đây giảng thân tâm nhất như, ngoài thân không gì khác.

Hỏi:

- Hòa thượng sao lại đem thân bọt ảo này coi đồng pháp thể ?

Sư nói:

- Ông là ai ở tà đạo vậy ?

Hỏi:

- Chỗ nào là chỗ con đây bị sa vào tà đạo ?

Sư nói:

- Chẳng thấy kinh giáo (Kim Cang) dạy: “Nếu dùng sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, là người đi trệch đường, không thể thấy Như Lai”. (Đoạn từ “Sư hỏi ông tăng… đến đây là lấy từ sách Ngũ đăng hội nguyên).

***

Hành giả Trương Phần tại Nam Dương hỏi:

- Được Hòa thượng nói vô tình thuyết pháp, con chưa hiểu sự này, cúi xin Hòa thượng chỉ dạy.

Sư nói:

- Nếu ông hỏi vô tình thuyết pháp, hãy giải vô tình kia mới nghe được ta nói pháp. Ông chỉ nghe nắm lấy vô tình thuyết pháp thôi.

Phần nói:

- Như nay, chỉ hạn trong phương tiện hữu tình, thế nào là nhân duyên của vô tình ?

Sư nói:

- Nay trong tất thảy sự động dụng thì hai dòng phàm Thánh đều không phân biệt chút nào. Sự khởi diệt là ra khởi thức, chẳng thuộc có không. Thấy giác sáng tỏ, chỉ nghe thấy không có tình thức buộc ràng. Do đó, mà Lục Tổ nói: Sáu căn đối cảnh phân biệt, chẳng phải thức.

***

Có ông tăng đến tham lễ. Sư hỏi:

- Ông súc tích sự nghiệp gì ?

Đáp:

- Giảng kinh Kim Cang.

Sư nói:

Hai chữ đầu kinh là gì ?

- Như thị.

Sư:

- Là gì ?

Tăng không đáp được.

***

Có người hỏi:

- Thế nào là giải thoát ?

Sư đáp:

- Các pháp không cùng đến, ngay đấy là giải thoát. 

Hỏi:

- Làm sao để đoạn dứt đi ?

Sư nói:

- Vừa mới nói với ông là các pháp không cùng đến, vậy còn đoạn gì ?

Sư thấy một ông tăng đến, lấy tay làm hình tròn, trong vẽ chữ nhật. Tăng không đáp được.

***

Sư hỏi Thiền sư Bản Tịnh:

- Ông sau này thấy lời nói kỳ đặc thì tịnh thế nào ?

Đáp:

- Không một niệm ái tâm.

Sư nói:

- Ấy là sự trong thất của ông.

***

Vua Túc Tôn hỏi:

- Sư ở Tào Khê được pháp gì ?

Sư đáp:

- Bệ hạ có thấy áng mây giữa trời không ?

Đế nói:

- Có thấy.

Sư hỏi:

- Nó có đinh đóng hay dây treo ?

Đế lại hỏi:

- Thế nào là đấng Điều Ngự mười thân ?

Sư liền đứng lên, nói:

- Lãnh hội không ?

Đế nói:

- Không lãnh hội.

Sư:

- Đem tịnh bình đến đây cho lão tăng.

Đế lại hỏi:

- Thế nào là vô tránh Tam-muội ?

Sư nói:

 - Đàn việt giẫm ngược lên đỉnh Tỳ Lô.

Đế hỏi:

- Ý ấy thế nào ?

Sư đáp:

- Đừng nhận chính mình là Pháp thân thanh tịnh.

Đế lại hỏi nhưng sư đều chẳng nhìn đến.

Đế nói:

- Trẫm là Thiên tử Đại Đường, sao sư lại chẳng nhìn tới ?

Sư hỏi:

- Có thấy hư không kia chăng ?

Đế nói:

- Thấy.

Sư:

- Nó có chớp mắt nhìn Bệ hạ không ?

***

Ngư Quân Dung hỏi:

- Sư trụ núi Bạch Nhai, trong mười hai thời tu đạo thể nào ?

Sư gọi đồng tử đến, vuốt đầu nó, nói:

- Khôn ngoan cứ nói khôn ngoan, rõ ràng cứ bảo rõ ràng, về sau đừng để bị gạt.

***

Sư cùng quan Cung Phụng Tử Lân nghị luận.

Sư thăng tòa. Cung Phụng nói:

- Mời Sư lập nghĩa, tôi đây sẽ phá giải.

Sư nói:

- Lập nghĩa rồi đó !

Phụng hỏi:

 - Đó là nghĩa gì ?

Sư nói:

- Quả nhiên chẳng thấy, không phải là cảnh giới của ông.

Rồi xuống tòa.

***

Ngày nọ, Sư hỏi quan Cung Phụng Tử Lân:

- Phật là nghĩa gì ?

Đáp:

- Là nghĩa Giác.

Sư:

- Phật có từng mê không ?

Đáp:

- Chẳng từng mê.

Sư nói:

- Dùng giác để làm gì ?

Cung Phụng không đáp được.

Cung Phụng hỏi:

- Thế nào là thực tướng ?

Sư đáp:

- Mang đáy hư không đến đây.

Đáp:

- Đáy hư không chẳng thể lấy được.

Sư bảo:

- Đáy hư không chẳng lấy được, hỏi thực tướng làm gì ?

***

Ông tăng hỏi:

- Thế nào là đại ý Phật pháp ?

Sư đáp:

- Trong điện Văn Thù có vạn Bồ-tát.

Tăng nói:

- Học nhân này không lãnh hội.

Sư:

- Đại bi, nghìn tay, mắt.

Sư thấy hóa duyên sắp mãn, đã đến thời Niết-bàn nên từ vua Đại Tông.

Đại Tông hỏi:

- Sau khi Sư diệt độ, đệ tử làm gì để ghi nhớ ?

Sư nói:

- Báo đàn việt tạo lấy ngôi tháp không đường ráp.

Đế nói:

- Xin sư cho biết hình dạng tháp ?

Sư yên lặng hồi lâu, hỏi:

- Lãnh hội không ?

Đế đáp:

- Không lãnh hội.

Sư bảo:

- Sau khi bần đạo qua đời, có thị giả Ứng Chân sẽ biết được đều này. Xin triệu đến hỏi.

Niên hiệu Đại Lịch năm thứ mười, ngày 19 tháng 12, Sư nằm nghiêng bên hữu thị tịch. Tháp lập tại cốc Đãng Tử. Vua ban thụy hiệu Đại Chứng Thiền Sư.

Sau đó, vua Đại Tông triệu Ứng Chân hỏi về lời sư lúc trước, Chân yên lặng lúc lâu, hỏi:

- Thánh thượng lãnh hội không ?

Đế nói:

- Không lãnh hội.

Chân đọc bài kệ:

Phiên âm :

Tương chi nam

Đàm chi bắc

Trung hữu hoàng kim sung nhất quốc

Vô hình thọ hạ hợp đồng thuyền

Lưu ly điện thượng vô tri thức.

Tạm dịch:

Sông Tương nam

Đầm Đàm bắc

Giữa có hoàng kim đầy một nước

Dưới cội vô hình đồng hợp thuyền

Trên điện lưu ly không tri thức.

Ứng Chân sau trụ núi Đam Nguyên.

 

 

ĐỜI THỨ HAI SAU LỤC TỔ

ĐAM NGUYÊN – THIỀN SƯ ỨNG CHÂN

(Cảnh Đức Truyền Đăng Lục Không Có Chép)

PHÁP TỰ CỦA NAM DƯƠNG QUỐC SƯ TUỆ TRUNG

 

Cát Châu, núi Đam Nguyên, thiền sư Ứng Chân, thời còn làm thị giả cho quốc sư Trung, ngày nọ, quốc sư đang trong pháp đường, sư đi vào, quốc sư bèn buông xuống một chân, sư trông thấy nên trở ra, lúc sau lại đi vào.

Quốc sư hỏi:

- Vừa nãy tới có ý gì ?

Sư nói:

- Nói với ai mới được chứ ?

Quốc sư:

- Ta hỏi ông.

Sư hỏi:

- Thấy con chỗ nào ?

Sư lại hỏi:

- Trăm năm sau có người hỏi: Sự cùng tột là như thế nào ?

Quốc sư đáp:

- May mà tự quí đời sống, cần phải tìm bùa hộ thân làm gì ?

***

Ngày khác, Sư xách giỏ vào phương trựơng. Quốc sư hỏi:

- Trong giỏ có gì đây ?

Sư đáp:

- Thanh mai.

Quốc sư:

- Đem tới dùng việc gì ?

 Sư bạch:

- Cúng dường.

Quốc sư bảo:

- Thanh sai (mai sống) cúng dường được sao ?

Sư đáp:

- Lấy nó để biểu thị lòng dâng hiến.

Quốc sư nói:

- Phật chẳng nhận cúng dường.

Sư:

- Con đã vậy, ý Hòa thượng thế nào ?

Quốc sư:

- Ta chẳng cúng dường.

Sư:

- Sao lại không cúng dường ?

Quốc sư:

- Ta không có trái cây.

***

Hòa thượng Bách Trượng Hoài Hải tại núi Lặc Đàm đang đánh xe.

Sư hỏi:

- Xe ở đây, còn bò chỗ nào ?

Trương vỗ trán, Sư bèn lau mắt.

***

Ma Cốc hỏi:

- Quan Âm mười hai mặt, há chẳng phải Thánh ?

Sư nói:

- Đúng là Thánh.

Ma Cốc tát sư một bạt tai. Sư nói:

- Tưởng ông chưa đến cảnh giới này.

***

Nhân thiết trai ngày giỗ Quốc sư, có ông tăng hỏi:

- Quốc sư có đến không ?

Sư nói:

- Ta chưa đủ tha tâm thông (nên không biết).

Hỏi:

- Vậy thiết trai làm gì ?

Sư nói:

- Chẳng đoạn trừ thế tục đế.

(Trích từ toàn truyện Thiền sư Đam Nguyên từ Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 2).

 

 

HÀ TRẠCH - THIỀN SƯ THẦN HỘI

PHÁP TỰ BÀNG XUẤT CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 

Tây Kinh, Hà Trạch thiền sư Thần Hội, người Tương Dương họ Cao. Làm sa-di năm 14 tuổi, sau ra mắt Lục Tổ. Tổ nói:

- Tri thức từ xa đến thực là khổ công, vậy có đem bản thể tới không ? Nếu có bản thể thì mới hợp thức chủ, ông thử nói xem.

Sư nói:

- Lấy vô trụ làm bản thể, nhận thức bản tánh là chủ.

Tổ nói:

- Gã sa-di này sao nói quàng xiên lớn lối như vậy được ?

Liền dùng gậy quất cho. Đang lúc bị đòn, sư nghĩ ngợi, nói:

- Đại thiện tri thức, trải qua nhiều kiếp cũng khó gặp. Nay đã được gặp, há lại tiếc thân mạng.

Từ đó, Sư theo hầu Tổ.

***

Ngày nọ, Tổ nói cùng chúng:

- Ta có một vật: không đầu, không đuôi, không tên, không chữ, không sau lưng, trước mặt, mọi người có biết không ?

Sư bèn đứng ra, nói:

- Là bản nguyên của các pháp, là Phật tánh của Thần Hội.

Tổ nói:

- Vừa mới nói với ông là không tên không chữ, ông lại gọi là bản nguyên, Phật tánh.

Sư tẻn tò lễ bái lui ra.

Tổ, nói:

- Gã này về sau nếu có làm trụ trì thì cũng thành được tông đồ tri giải.

(Pháp Nhãn nói:

- Người xưa dự ghi cho người, rốt lại không sai khác. Như nay, lập tri giải làm Tông, tức là Hà Trạch (Thần Hội) vậy.)

Sau Sư tìm đến Tây Kinh thọ giới.

Thời Đường, trong khoảng niên hiệu Cảnh Long, sư trở lại Tào Khê, đọc trong Đại Tạng kinh, có sáu chỗ ngờ nên hỏi Lục Tổ:

Câu thứ nhất: hỏi về Giới định huệ.

- Giới dùng về cái gì ? Định từ chỗ nào tu ? Huệ nhân chỗ nào mà khởi ? Chỗ thấy biết chưa lưu thông.

Tổ nói:

- Định là định lấy tâm, dùng giới để giới lấy hạnh, trong tánh thường huệ chiếu, tự thấy tự biết rõ.

Câu hỏi thứ hai:

- Xưa không, nay có, vậy có vật gì ? Xưa có nay không là không vật gì ? Tụng kinh chẳng thấy nghĩa có - không, thực giống như cưỡi lừa lại tìm lừa.

Tổ nói:

- Niệm trước nghiệp ác vốn không, niệm sau thiện sanh nay có. Niệm niệm hạnh lành thường hành, đời sau chẳng cõi trời người chẳng lâu. Ông nay chính nghe ta nói, ta tức xưa không nay có.

Hỏi lần thứ ba:

- Lấy sanh diệt trừ diệt, lấy diệt diệt trừ sanh. Chẳng rõ nghĩa sanh diệt, chỗ thấy tựa điếc, mù.

Tổ nói:

- Đem sanh diệt trừ diệt, khiến người không chấp tánh. Đem diệt diệt trừ sanh, khiến nhân tâm lìa cảnh, chưa lìa được hai bên thì tự trừ bịnh sanh diệt.

Lần thứ tư hỏi:

- Trước đốn mà sau tiệm, trước tiệm mà sau đốn. Người không ngộ đốn tiệm, trong tâm thường mê muội.

Tổ nói:

- Nghe pháp tiệm trong đốn, ngộ pháp đốn trong tiệm. Tu hành tiệm trong đốn, chứng quả đốn trong tiệm. Đốn tiệm là nhân thường, không ngộ không mê muội.

Hỏi lần thứ năm:

- Trước định sau huệ, trước huệ sau định. Định huệ trước sau, cái nào sinh chánh ?

Tổ nói:

- Thường sanh tâm thanh tịnh, trong định mà có huệ. Ở trên cảnh vô tâm, trong huệ mà có định. Định huệ đều không trước, cùng tu tự tâm chánh.

Hỏi lần thứ sáu:

- Trước Phật mà sau pháp, trước pháp mà sau Phật. Căn nguyên Phật pháp, nảy sanh ra từ đâu ?

Tổ nói:

Nói - tức trước Phật mà sau pháp, nghe - tức trước pháp mà sau Phật. Nếu luận căn nguyên Phật pháp thì nhất thiết đều nảy sanh từ tâm chúng sanh. (Chú: Từ đoạn ‘Gã này về sau’... đến ‘từ chúng sanh’ lấy của Ngũ Đăng Hội Nguyên).

Sau khi Tổ nhập diệt chừng 20 năm, tôn chỉ đốn ngộ của Tào Khê phải trầm phế tại các vùng Kinh, Ngô, Tung, Nhạc còn tiệm môn lại thịnh hành nơi Tần, Lạc. Sư bèn vào Kinh. Niên hiệu Thiên Bảo, năm thứ tư, mới ổn định hai tông (Nam Năng tông đốn, Bắc Tú giáo tiệm). Sư bèn trước tác Hiển Tông Ký, thịnh hành trong đời.

Ngày nọ, tin thư từ quê đến, báo hai thân đã mất. Sư thượng đường đánh kẻng triệu tập tăng chúng nói:

- Cha mẹ ta đều mất, mời đại chúng niệm Ma-ha Bát-nhã !

Mọi người vừa tập hợp lại. Sư bèn đánh kẻng, nói:

- Làm phiền đại chúng quá.

Năm đầu niên hiệu Thượng Nguyên, sư an nhiên mà hóa. Tháp đặt tại Long Môn, Vua sắc chỉ xây chùa Bắc Ứng tại bên tháp. Năm Đại Lịch thứ năm (770), lại ban hiệu là Chân Tông Bát Nhã truyền Pháp đường. Bảy năm sau, lại ban danh hiệu là tháp Bát Nhã Đại Sư.

***

PHẦN PHỤ LỤC

Trịnh Tuyến hỏi:

- Thế nào là đạo ?

Sư đáp:

- Vô danh là đạo.

Lại hỏi:

- Đạo vốn không tên sao lại còn gọi là đạo ?

 Sư đáp:    

- Thỉ chung bản thân đạo không lời lẽ. Gọi là “Đạo”, ấy chẳng qua là để đối đáp vấn đề.

Lại hỏi:

- Đạo nếu đã là hư ảo giả danh thì cái không có tên gọi là thật danh chăng ?

Sư đáp:

- Cũng không phải thật.

Hỏi:

- Nếu không có tên gọi là không phải thật, thế tại sao nói cái không có tên gọi là đạo ?

Sư đáp:

- Ấy chẳng qua là vì phải đối đáp vấn đề, mới có lời lẽ giải quyết. Nếu như không nêu vấn đề, thì trước sau đều không có lời lẽ.

(Theo Thần Hội Ngữ Lục)

Trưởng quan Phần châu Đường Pháp Thông hỏi:

- Phật tánh của chúng sanh và Phật tánh của Phật giống hay là khác nhau ?

Sư đáp:

- Cũng giống mà cũng khác.

Lại hỏi:

- Vì sao lại vừa giống mà cũng vừa khác ?

Sư đáp:

- Nói chỗ giống là như cùng làm bằng vàng ròng, nói chỗ khác là như có hình dạng cái chén, cái chung vậy.

Lại hỏi:

- Phật tánh ấy giống cái gì ?

Sư đáp:

- Không giống cái gì cả.

Lại hỏi:

- Nếu đã không giống cái gì, thì tại sao gọi là Phật tánh ?

Sư đáp:

- Nếu mà giống vật gì thì đã không gọi là Phật tánh.

(Theo Thần Hội Ngữ Lục)

***

Tề trụ trì hỏi :

- Thế nào là Đại thừa ?

Sư đáp:

- Tiểu thừa.

Lại hỏi:

- Nay hỏi Đại thừa vì sao lại nói đó là Tiểu thừa ?

Sư đáp:

- Nhân vì có tiểu mới lập ra đại. Nếu mà không có tiểu thì đại lấy đâu mà sanh ra. Đại mà ông hỏi đây là đại của cái tiểu. Cái gọi là Đại thừa trống không chẳng có một vật, do đó mà làm sao nói đại tiểu được. Tỉ như hư không, hư không chẳng hạn lượng mà không thể nói là chẳng hạn lượng. Hư không chẳng ngằn mé, mà chẳng thể nói là không ngằn mé. Đại thừa cũng lại như thế. Do đó mà kinh Phật nói: “Hư không chẳng có trung gian, chẳng có ngằn mé, Pháp thân chư Phật cũng như thế”. Do đó mà ông hỏi Đại thừa ta mới đáp là Tiểu thừa. Đạo lý rất rõ ràng mà còn kinh ngạc nỗi gì !

(Theo Thần Hội Ngữ Lục)

 Quan Cấp sự trung Phòng Quán hỏi ý nghĩa của “Phiền não tức Bồ-đề”.

Sư đáp:

- Nay xin lấy hư không làm thí dụ. Như hư không bổn lai chưa từng biến hóa, không vì ánh sáng tới mà sáng, cũng không vì bóng tối đến mà tối. Thật ra hư không tối cũng chính là hư không sáng. Hư không sáng kỳ thật cũng là hư không tối. Sáng tối tuy có sanh ra và mất đi, nhưng bản thân hư không chưa bao giờ biến đổi. Phiền não tức Bồ-đề, ý nghĩa cũng như vậy. Mê ngộ tuy nhiên không giống nhau, nhưng bản tâm Bồ-đề là không có biến hóa.

(Theo Thần Hội Ngữ Lục)

***

Ban sơ, thiền sư Quang Bảo yết kiến Hà Trạch Thần Hội. Sư nói:

- Tên ông là Quang Bảo, tên đã định thể. Bảo là tự thân có đầy đủ, còn Quang cũng không từ ngoài mà đến. Ông tự ý sử dụng cũng chẳng thiếu hụt, suốt đêm chiếu soi mà không có lúc nào đứt đoạn. Ông có tin không vậy ?

Quang Bảo đáp:

Tin thì tin rồi nhưng chẳng biết Quang và Bảo giống nhau hay không giống nhau ?

Thần Hội đáp:

- Quang là Bảo, Bảo là Quang, há có khái niệm chẳng đồng ru ?

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 2)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/05/2015(Xem: 5662)
Em đừng hỏi vì sao tôi cưới em Chỉ đơn giản bên em tôi thở được Đó là hai câu thơ của thầy tôi làm tặng người vợ thân yêu của mình khi thầy bị bệnh phải nhập viện.
07/05/2015(Xem: 5692)
Ngày còn đi làm, cứ mỗi lần đến ngày 13 thứ sáu, các bạn đồng nghiệp trong sở tôi kiêng cử dữ lắm, ai cũng cho đó là ngày xấu nhất trong năm. Tôi thì không tin, chỉ cười, cũng không phản đối lòng tin của bạn bè nhưng bây giờ tôi cũng đâm ra sợ ngày này vô cùng: 13 Thứ sáu - ngày Anh tôi ra đi thật quá bất ngờ và quá đau đớn!
02/05/2015(Xem: 3801)
Khi tôi gặp Thầy lần đầu tiên, tôi thật sự là một kẻ phàm phu tục tử có đầy đủ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, đã chẳng tu mà chỉ biết hú là giỏi. Mặc dù tôi được sinh ra từ một gia đình có tiếng là theo đạo Phật lâu đời, nhưng từ khi có sự hiểu biết, tôi thấy bà và mẹ chỉ đi chùa mỗi năm vài lần vào dịp lễ lớn, cũng lạy Phật, thắp hương, khấn vái sì sụp gì đó rồi… hết. Còn tôi thì sao, tôi bị sinh ra vào những năm sau cuộc chiến, tưởng là hòa bình lập lại thì dân giàu nước mạnh, tôn giáo được tự do phát triển không ngờ mọi việc hoàn toàn ngược lại, ăn còn không đủ no nói gì đến việc đi chùa nghe Pháp, đọc kinh. Tóm lại tôi hoàn toàn mù tịt về Phật Pháp.
02/05/2015(Xem: 4648)
Tôi gặp nàng tại Đại nhạc hội Việt Nam tổ chức tại Düsseldorf vào một mùa Giáng Sinh xa xưa nhưng không bao giờ quên được dù nàng lúc đó lẫn lộn giữa rừng người đông đảo. Nàng không xinh đẹp tuyệt trần, không ăn mặt lòe loẹt nổi bật, cũng không hoạt bát ồn ào gây sự chú ý của mọi người. Nhưng đối với tôi thì nàng thật đặc biệt với dáng vẻ đoan trang thùy mỵ, với đôi mắt dịu dàng và với sự im lặng của nàng trong một góc vắng của hội trường. Nàng đứng đó, tay cầm một cuốn sách nhỏ, vừa đọc vừa... gặm bánh mì, thỉnh thoảng lại ngước mắt lên nhìn xung quanh coi có gì “lạ” không rồi lại cắm đầu vào cuốn sách, cứ y như trong đó có chỉ chỗ giấu kho vàng vậy!
01/05/2015(Xem: 15071)
Được làm con Phật là điều vừa đơn giản, vừa hy hữu. Đơn giản, vì sinh ra trong một gia đình Phật giáo thì tự động theo cha mẹ đi chùa, lễ Phật, tin Phật ngay từ bé. Hy hữu, vì biết lấy Phật giáo làm lý tưởng đời mình và chọn sự thực hành Phật Pháp như là sinh hoạt nền tảng hàng ngày—không phải ai sinh ra trong gia đình đó cũng đều tin Phật từ nhỏ đến lớn, và nếu tin Phật, cũng không gì bảo đảm là hiểu Phật, thực hành đúng đắn con đường của Phật để gọi là con Phật chân chính.
23/04/2015(Xem: 3130)
Năm nay 2015 tôi có đến ba mùa Xuân. Đó là mùa Xuân của nước Đức, mùa Xuân của nước Nhật và mùa Xuân của Hoa Kỳ. Thông thường mùa Xuân bắt đầu vào cuối tháng 3 dương lịch và kéo dài ba tháng như vậy, để thuận với lẽ tuần hoàn của vạn hữu là Xuân, Hạ, Thu, Đông; nhưng cũng có nhiều nơi mỗi năm chỉ có hai mùa như quê tôi Việt Nam, là mùa mưa và mùa nắng. Trong khi đó Âu Châu, nhất là vùng Bắc Âu, mỗi năm cũng chỉ có hai mùa. Đó là mùa lạnh kéo dài nhiều khi đến 6 hay 7 tháng và mùa ấm chỉ có chừng 3 đến 4 tháng là cùng. Dĩ nhiên là sẽ không có mùa Hè và trời vào Thu lại nhanh lắm, để đón tiếp một mùa Đông băng giá lạnh lùng.
15/04/2015(Xem: 11295)
Một sớm mai nọ, tôi không nhớ ngày ta, ngày tây, chỉ nhớ đầu năm 1984. Buổi sáng hôm ấy đầy dáng Xuân cả đất trời Nam Hà, khi tôi và hằng trăm tù nhân chính trị trên đường đến hiện trường lao động ở dải đất dài, mà hai bên toàn là núi đá vôi cao, thấp trùng trùng, điệp điệp. Người địa phương Ba Sao gọi là THUNG.
31/03/2015(Xem: 18266)
Dianne Perry, (sau này được biết đến qua pháp danh Tây Tạng của cô là Tenzin Palmo) là một vị ni cô người Anh đầu tiên, đã ẩn cư thiền định suốt 12 năm trong một hang động cao 12.300 bộ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, cách ngăn khỏi thế giới trần tục bởi những rặng núi phủ đầy tuyết trắng quanh năm. Tenzin Palmo đã sống một mình và tu tập trong động tuyết này. Cô đã chạm trán với những thú rừng hoang dã, đã vượt qua những cơn lạnh khủng khiếp, những cái đói giết người, và những trận bão tuyết kinh hồn; cô tự trồng lấy thực phẩm và ngủ ngồi trong cái hộp gỗ rộng cỡ 3 bộ vuông (theo truyền thống Tây Tạng, các vị tu sĩ đều tọa thiền trong một cái hộp gỗ như vậy). Cô không bao giò ngủ nằm. Mục đích của Tenzin Palmo là chứng đạo trong hình tướng một người nữ.
18/03/2015(Xem: 6263)
Tôi sinh ra ở miền sông nước Nam Bộ của xứ Việt. Nhưng thật lạ, phải gần nửa đời tôi mới bắt đầu nhận ra mình vốn yêu sông nước. Tôi yêu quê từ những miền đất lạ mà mình đi qua, và tệ nhất khi đôi lúc chỉ là những nơi chốn xa ngái mịt mù chỉ nhìn thấy trong sách vở, phim ảnh. Và kỳ chưa, đó cũng là cách tôi yêu đạo Phật. Ăn cơm chùa từ bé, nhưng phải đợi đến những giây khắc nghiệt ngã, khốc liệt nhất bình sinh, tôi mới nhìn thấy được rõ ràng nụ cười vô lượng của đức Phật bất chợt hiện lên đâu đó cuối trời thống lụy.
05/03/2015(Xem: 3183)
Có những kỷ niệm tưởng rằng sẽ mờ nhạt theo tháng ngày tất tả, trôi xuôi đến tận cùng triền dốc của cơm áo xứ người. Nhưng không, mỗi khi trời đất đổi mùa thì lòng người lại bâng khuâng, ký ức lại hiện về rõ nét, dù đó là một khoảng thời gian đã qua, một ký ức đã xa... Chỉ còn lại trong tim nhưng cũng đủ xót xa lòng khi nhớ đến! Hình ảnh bà cụ già nua ốm yếu, ngồi cô đơn trong căn chòi tranh rách nát, vào một buổi chiều âm u buồn thảm vẫn còn đậm nét trong lòng tôi, nhớ đến là bồi hồi xao xuyến cả tâm can. Buổi chiều ở Đồng tháp Mười buồn quá sức, buồn đến não nuột xót xa, một chòi tranh nằm chơ vơ bên con lạch nước đục ngầu, không người qua lại, xung quanh chỉ có tiếng ếch nhái than van!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]