Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện Tích: Lợi Hòa Đồng Vui

26/07/202111:20(Xem: 3220)
Truyện Tích: Lợi Hòa Đồng Vui


luc tac

Lợi Hòa Đồng Vui

Trần Thị Nhật Hưng 

   Đêm văn nghệ của bọn con nít tuổi chỉ 11, 12, 13 do cô bé Trần Anh Nam đầu nêu làm bầu show đã thành công mỹ mãn về mặt nội dung cũng như «tài chánh» (thu bằng dây thun). Từ ban tổ chức đến đám khán giả con nít đã vô cùng hỉ hả với những trận cười thoải mái. Tản hát về nhà, đứa nào cũng mong đợi, hứa hẹn sẽ có những trò như thế tiếp tục nữa.

    Số dây thun thu được cho đêm hát, ngày hôm sau, hai chị em Nam, Thanh Du cùng Bích Nga và Hiền (những nhân vật chính của ban văn nghệ) đã ngồi lại xâu những cọng thun thành một sợi con tít. Xong đâu vào đó, chúng bàn nhau đem «con tít» thương lượng bán cho tiệm bánh kẹo Đại Lộc ngay ngã tư chính gần nhà Nam. Nam không dám…bán cho tiệm của bố mẹ, vì biết chắc bố mẹ không mua, không trả tiền, đôi khi còn bị hàm oan, nghi ngờ…ăn cắp dây thun của nhà nữa. 

   Tiệm Đại Lộc chuyên bán những loại bánh qui, kẹo nhập từ nơi xa về, không giống các loại bánh oản, bánh khảo, kẹo dừa...v.v...của bố mẹ Nam tự sản xuất lấy. Chúng rất vui khi Đại Lộc bằng lòng trả cho chúng 7 đồng (một tô bún bò giò heo trị giá 2 đồng). Chúng bán dễ dàng không hẳn là chúng giỏi Marketing, mà do, phần tiệm bánh cần dây thun để gói cột hàng hóa, phần nữa ủng hộ chúng vì thấy chúng dễ thương, còn nhỏ mà biết chịu khó…làm ăn theo lời chúng kể!

   Vốn hiếu động lại sáng dạ, Nam luôn nghĩ mọi cách đem vui cho nó và chúng bạn. Ngoài một đồng trích mua bịch bánh qui bể tại Đại Lộc do di chuyển, tiệm đã lựa ra những bánh bể đó túm thành một bao lớn giành bán cho trẻ con với giá rẻ. Con nít thì cần gì bánh đẹp. Chỉ cần nhiều, ngon và hợp hầu bao đủ để bọn Nam khao đãi nhau. Còn 6 đồng, Nam ra chợ mua 6 cuốn tập “Tân cổ giao duyên„ đủ mọi tuồng tích: Tình cô gái Huế, Tình anh bán chiếu, Gánh nước đêm trăng, Đêm lạnh chùa hoang, Tu là cội phuc, Tấm lòng của biển. Cuốn tập mỏng, nhỏ, dài, rộng chỉ bằng gang bàn tay, bên ngoài in hình các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng từng ca diễn tuồng đó. Nam đem về nhà hẹn một ngày gọi đám bạn bất kể đứa nào, đương nhiên không thể thiếu các... nghệ sĩ đã đóng góp cho đêm văn nghệ, tụ tập theo ngày giờ đã hẹn tại kho gạo bà Phước Hiệp.

   Kho gạo bà Phước Hiệp sát bên nhà bà ở, không xa lạ gì với bố mẹ Nam, kho cách nhà Nam một căn. Kho gạo chỉ chứa toàn gạo, không người ở, nên chất gạo ngập đến gần trần nhà. Hằng ngày bà Phước Hiệp mở cửa bán gạo. Chỉ buổi trưa nắng nóng, sau khi dùng cơm xong, không riêng bà mà cả thành phố có thói quen đóng cửa nghỉ trưa. Bà Phước Hiệp khép hờ kho gạo, không khóa, về nhà sát đó nghỉ ngơi. 

   Thật là thuận tiện để bọn Nam chọn làm...sào huyệt tập trung, trèo lên các bao gạo, lê la đứa nằm, đứa ngồi, hết ăn bánh, trò chuyện rồi ca hát.

   Buổi trưa hè miền Trung trời nóng như đổ lửa, những hàng cây hai bên đường luôn đứng yên mong gió, nhưng gió thường không đến. Mọi người trong phố đều rúc trong nhà nghỉ trưa để trốn cái nắng như Trời giáng. Ngoài đường không một bóng người, không một xe cộ nào qua lại. Cả thành phố im vắng tưởng như có thể nghe được cả tiếng ruồi bay, mọi nhà đóng cửa ngủ yên, đường phố vắng lặng, thỉnh thoảng lắm, mới có người nào đó cần đi mua tí đá cục pha nước giải khát hay sự việc bất khả kháng ngoài ý muốn. 

  Đám trẻ, nhất là Nam và đồng bọn dù cha mẹ có bảo phải nghỉ trưa, nhưng bản chất hiếu động, không chịu ngồi yên, chúng cũng lén thông báo nhau rời nhà đi...quậy; nay trò này, mai trò khác, nhất là có...thủ lãnh đầu nêu vạch kế hoạch sẵn như Nam.

    Hôm nay kho gạo bà Phước Hiệp được chiếu cố. Chúng hẹn nhau tập trung tại đó, thỏa thích vui đùa, trèo lên tận nóc gạo nằm ngồi thoải mái tùy mỗi đứa tự chọn cho mình. Nếu chỉ nói cười, rồi...nhậu với vài cái bánh qui bể mà Nam đã mua tại tiệm Đại Lộc, thì mọi sự đã không nên chuyện, đằng này, sau khi bịch bánh bể đã không còn miếng nào, Nam lôi các tập ca cổ cải lương ra phát cho từng đứa bạn ngâm nga...

 -  Con trăm lạy mẹ ngàn lạy mẹ, con xin thú thật với mẹ...

 -  Hò... hơ..., chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm, công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp...ờ..ờ..ơ...tôi gối đầu mỗi đêm.

- Sương thu lạnh bao trùm khắp nẻo, trăng đêm nay dìu dịu cả không gian, tôi với em đi gánh nước cạnh đình làng, mùi cỏ dại mơ màng trong đêm vắng.

- Ai nức nở quì bên chánh điện, khi chuông chùa vừa điểm tiếng công phu, tín nữ ơi, nguyên do nào người muốn đi tu, vui kinh kệ và quen mùi khổ hạnh.

- ...... 

   Trời ạ, ca cải lương chỉ một đứa ca thôi, mà phải biết ca thì nghe còn mùi mẫn, đằng này, cả đám 6 đứa mỗi đứa...riêng một góc trời, đứa ngồi, đứa nằm, đứa soải mình dựa trên lưng bao gạo, trên tay mỗi đứa một cuốn tập ca cổ xúm nhau cất tiếng đủ mọi tuồng tích, đủ mọi điệu ca, hết xàng xê, hát lối, xuống xề...trộn vào nhau thành một âm thanh hỗn độn, đứa thì nỉ non “Con trăm lạy mẹ...„ qua “Tình cô gái Huế„,đứa thì lên giọng vô câu vọng cổ “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra...chào! của anh bán chiếu trong “Tình anh bán chiếu„ hoặc  “Tín nữ đi tu làm sao cho thành chánh quả, bởi làn phấn son còn in rõ trên đôi má dạng phong...trần!„. Đã vậy, đứa nào cũng cao giọng rống lên mong giọng ca mình trội hơn đứa khác, ồn ào không thua gì xúm nhau...cãi lộn, chao ôi, giữa buổi trưa hè im vắng, chỉ cần một tiếng sáo vi vu thánh thót của anh thất tình nào đó không ngủ được, hay tiếng đưa võng kẽo kẹt của bà mẹ nhẹ nhàng cất tiếng ru con cũng đủ vang xa khắp phố, thì thử hỏi, bọn trẻ Nam cùng đồng ca không phải một bài ca cổ mà mỗi đứa say sưa một tuồng khác nhau thì...chói tai, nhức óc đến chừng nào.

   Bên nhà, bà Phước Hiệp không sao ngủ được. Bà trỗi dậy lò mò bước qua kho gạo. Tiếng mở cửa sắt của bà đánh “xoẹt„ vang lên. Bọn trẻ biết ...động ổ, nằm bẹp sát xuống bao gạo, im thin thít. Bản đồng ca cải lương cùng lúc im bặt.

  Tiếng bà Phước Hiệp vang lên:

- Nè, đám con nít tụi bây con nhà ai mà xông vô đây phá phách, không để ai ngủ trưa hết vậy?

  Không có tiếng trả lời. Bà Phước Hiệp vẫn cao giọng, hét:

- Có xuống hết không?

Vẫn không có tiếng trả lời. Bà Phước Hiệp sôi máu, hóng mặt lên ra lịnh:

- Xuống hết không? Gạo người ta bán mà tụi bây leo trèo lên đó chơi, rồi...ỉa, đái thúi gạo người ta thì ai còn  bán, còn ăn được chứ. Xuống hết! Xuống hết! 



   IMG_3192.JPG   



Giọng bà oang oang vang trong khoảng không, la hét rát cuốn họng, nhưng vẫn không nghe động tịnh hay một lời đáp trả, tức mình, bà muốn leo lên để bắt...trọn ổ, lôi đầu bọn chúng xuống, đánh cho một trận, nhưng vì tuổi già, bà không cách nào trèo lên được, chỉ đứng dưới ong óng chửi hóng lên, mỏi cả miệng, bà đành lẳng lặng khép cửa về nhà.

   Hai đứa con gái của bà, cô tên Xíu, cô tên Bé, đứa 17, đứa 18 đang tuổi lớn, giỏi ăn, dễ ngủ đang say sưa thả hồn trong mộng đẹp của buổi trưa hè, dù có sấm gầm, bom rơi, hai cô cũng ngủ như chết, không hay biết ất giáp gì, bà muốn gọi hai cô dậy tiếp tay với bà...chiến đấu với bọn trẻ, nhưng thấy hai cô ngủ say, bà không nỡ phá giấc ngủ của con, đành bó tay đầu hàng bọn trẻ vô điều kiện. Tuy vậy bà cũng hy vọng, qua sự giận dữ sừng sộ của bà, đám trẻ kia rồi cũng về nhà hết thôi.

   Điều bà nghĩ quả không sai. Sau khi bà Phước Hiệp khép cửa ra về, tụi bọn Nam cũng cụt hứng. Mấy đứa nhìn nhau tiu nghỉu, rồi không ai bảo ai, tự nhiên gom tất cả cuốn tập ca cổ giao Nam rồi trèo xuống kho gạo, cũng như bà Phước Hiệp mở cửa lẳng lặng ra về.

    Lợi Hòa Đồng Vui sau đêm văn nghệ coi như thanh toán xong. Nhưng cái duyên với nhà bà Phước Hiệp thì chưa dứt sạch, dường như đã kết từ bao kiếp trước, nên run rủi kiếp này là hàng xóm của nhau, lại sát vách, vẫn được bọn trẻ...chiếu tướng không tha.  

  Hai cô con gái, cô Bé và Xíu của bà Phước Hiệp, tuy so tuổi với Nam có hơi chênh lệch, nhưng hai chị vẫn coi Nam như em, như cô bạn nhỏ. Dù gì cũng là hàng xóm của nhau mà! Do vậy, đôi khi Nam chạy qua chạy lại chơi, coi như người một nhà, thân thiết với hai chị.  

    Kiếm được 7 đồng, tự mua bánh ăn thật đã, dù cha mẹ không để thiếu thốn, bánh kẹo cũng đầy nhà, nhưng Nam lại thích cái mà nó không có. Cái mà đã lọt vào mắt nó là nó nãy sinh sáng kiến. Xin tiền cha mẹ mắc công kèo nài, năn nỉ, muốn ăn bánh loại mình thích và nhất là cùng ăn với bạn, thì tự kiếm vẫn thích hơn. Nam bàn với chúng bạn, góp tiền quà sáng mẹ cho cùng nhau đầu tư kinh doanh mua thuốc rê về vấn.

   Thuốc rê là loại thuốc lá rẻ tiền giành cho dân lao động, vấn từ những cọng thuốc rê quăn quăn như thuốc lào cuộn tròn trong tờ giấy thấm ba luya mỏng đã cắt sẵn. Một đồng 10 điếu. Chỉ tốn công vấn là thành ra điếu thuốc. 

    Ngồi bên nhau quây quần vấn thuốc cũng là trò chơi đồ hàng của bọn con gái như Nam, dù gì, Nam vẫn là con gái mà. Bọn chúng bên nhau ríu rít như đàn chim non tẩn mẩn vê từng điếu thuốc. Nhưng chúng không... buôn bằng tiền giả như mọi lần phát hành bằng giấy tập vở cắt nhỏ, hay trao đổi bằng những sợi dây thun mà lần này buôn bằng tiền thật, gởi ké tiệm tạp hóa của bà Phước Hiệp nhờ hai con bà, chị Bé và Xíu, người có bổn phận, ngoài những lúc học hành, trông nom cửa hàng cho bà, bán giùm. Cũng cần nói thêm, sát bên kho gạo bán sỉ, bà Phước Hiệp còn thêm cửa hàng bán tạp hóa ngay nhà, bán mắm muối gạo lẻ và những thứ lặt vặt linh tinh...

     Nệ hà gì 6 bó thuốc chúng vê nhờ bán hộ. Cứ một bó 10 điếu cột trong sợi dây thun, hai chị Bé, Xíu hoan hỉ cho đặt ké thuốc trong tủ kiếng. Thuốc nằm đã gần tháng, mới có khách đến mua một bó cũng là niềm vui vô hạn đối với Nam và bọn trẻ, tiếc là, công việc “kinh doanh„ của bọn Nam chưa gặp thời vận nên người mua thuốc hút đã trả lại đúng lúc bà Phước Hiệp trông hàng.

- Thuốc gì vấn lỏng lẻo quá, mới châm lửa hút chưa được nửa hơi đã bời rời rớt ra. 

  Bà Phước Hiệp tá hỏa tam tinh. Bà có buôn loại này đâu, nhưng trước lời phàn nàn của khách hàng, bà đành hoàn tiền lại và sau đó tìm rõ nguyên nhân...

   Lại một lần nữa bà nổi trận lôi đình, chẳng những la rầy đám bọn Nam một mẻ mà hai cô con gái bà cũng lãnh đủ búa riều không ít. Những bó thuốc còn lại bà ra lịnh hai cô trao trả cho bọn Nam trước khi bà vứt vào sọt rác, thế là từ đấy...công ty vấn thuốc của Nam, chưa kịp khai sanh đã bị chết nghẹt từ trong trứng nước. Và “công ty„ đó, cũng từ đấy, coi như bị...phá sản!


                                           *** 

   Thưa các bạn, với câu chuyện kể trên, tôi không rõ mọi người khi đọc xong sẽ cảm nhận như thế nào về những trò nghịch ngợm của bọn trẻ như Nam.

   Tuổi thơ của thời năm 1900...hồi đó, nền văn minh vật chất còn rất thô sơ, bọn trẻ con thiếu thốn mọi bề. Đồ chơi giành cho con trai ngoài bắn bi, đánh đáo (ném đồng tiền vào lỗ nhỏ), bắn ná, bắn chim, chơi dế, bịt mắt bắt dê, ném trái vụ...xôm lắm là đá banh! Phần con gái ngoài trò chơi nẻ, búng dây thun, ô quan, cò cò, u mọi, ném lon, chơi đồ hàng hái từ những chiếc lá chuối, búp bê đồ nhựa rẻ tiền, hay từ những đồ sành bằng đất sét nắn ra thành nồi niêu..v.v...vui và sống động hơn là múa hát. Bọn chúng đâu hân hạnh được chơi những hàng điện tử văn minh, tối tân qua những chiếc xe hơi, máy bay bằng sắt hay những con búp bê biết khóc, biết cười, biết đi, mắt nhắm mắt mở hay trăm ngàn thứ đồ chơi khác như bây giờ. Do vậy những trò chơi như Nam tôi vừa kể là trường hợp đặc biệt, ngoại lệ, bộc phát từ sáng kiến của một cô bé hiếu động mà từ khi còn nằm trong bụng mẹ đã “bị„ hun đúc và nuôi dưỡng tính khí con trai. Âu đó cũng là số phận, một số phận được sinh ra từ một ngôi sao...quái lạ. Nam nghịch là điều hiển nhiên. Hiểu như thế, thì câu chuyện về cô bé Nam cùng chúng bạn hồn nhiên nghịch phá chắc chắn người đọc cũng sẽ hoan hỉ như Đức Phật Di Lặc mỉm cười với lũ “lục tặc„ quấy nhiễu Ngài. Thôi thì, xin hãy thông cảm và vui với niềm vui của bọn trẻ, điều mà Nam đã làm cho Nam và đám bạn của nó, dù gì vẫn hơn lũ...lục tặc thật đáng sợ đến từ 6 căn: mắt, mũi, miệng, tai, thân, và ý luôn ngày đêm chầu chực hại phá chúng ta, nếu chúng ta không định tâm đề phòng.

 Kính chào bạn đọc. Thân chúc các bạn những ngày vui.

 Hẹn sẽ gặp lại Nam trong “Thân hòa đồng...trèo„ với sáng kiến nghịch phá mới của nó.

 Kính mời Quí vị nhớ theo dõi.

 Trần Thị Nhật Hưng 

  





***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/06/2019(Xem: 5727)
HC Andersen Truyện Kể - Tâm Trí Lê Hữu Khải
25/05/2019(Xem: 10091)
Nhân ngày giỗ Tổ năm nay, tôi được Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì Tùng lâm Hương Tích cho biết rằng, mùa an cư năm nay, Kỷ hợi, 2019, Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội đã quyết định giảng bộ sách TRUY MÔN CẢNH HUẤNtại các trường Hạ trên toàn thành phố. Với túc duyên này, chư Tăng Tùng lâm Hương tích và Phật tử Đạo tràng Chân Tịnh chùa Hương đã biên tập và ấn tống tái bản lần thứ hai sách Truy Môn Cảnh Huấn để cúng dàng Chư tôn đức Tăng Ni trong 18 Hạ trường của Phật giáo Thủ đô.
20/05/2019(Xem: 4550)
Truyện Thạch Sanh Lý Thông có liên hệ gì với tư tưởng Phật giáo? Nơi đây, chúng ta thử suy nghĩ về chủ đề này, trong dịp Giáo sư Nguyễn Văn Sâm biên dịch, chú giải và ấn hành Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông. Truyện cổ tích Thạch Sanh Lý Thông được kể qua văn học truyền khẩu nhiều thế kỷ trước khi xuất hiện truyện thơ cùng tên. Thường được gọi tắt là truyện Thạch Sanh. Do vì xuất sinh từ văn học truyền khẩu, nên có nhiều phiên bản khác nhau.
15/05/2019(Xem: 4596)
Những tiếng gọi chậm rãi, ân cần, chợt vọng lên từ đáy lòng sâu thẳm khi thời công phu khuya vừa dứt. Những tiếng gọi hòa quyện vào nhau, nhịp nhàng đồng điệu như một bản hòa tấu. Tiếng gọi của Hồn Thiêng Sông Núi, của Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, của những vị ân sư đã đến rồi đi, đang còn rồi sẽ mất, của những ngôi chùa làng quê, của giòng sông, của vách núi …. Tất cả, như những âm thanh vọng từ cõi tâm hương nào, tuy nghìn trùng mà như gang tấc, tưởng chiêm bao mà như hiện thực đâu đây … Những âm thanh đó đã khiến thời công phu khuya dường như bất tận, để khi ánh dương lên, tôi biết, tôi sẽ phải làm gì. Đứng lên.
03/05/2019(Xem: 5369)
Thuở xưa nước Tỳ-xá-ly, Đất thơm in dấu từ bi Phật-đà. Có rừng cổ thụ ta-la, Một chiều chim rộn trong hoa hát mừng. Tay Phật cầm nhánh lan rừng Quay sang phía hữu bảo rằng “A-nan! Đạo ta như khói chiên đàn, Mười phương pháp giới tỉnh hàng nhân thiên.
01/05/2019(Xem: 4079)
Hôm nay là ngày 30.04.2019, ai trong chúng ta không nhớ đến ngày 30.04.75 cái ngày đen tối nhất trong lịch sử đất nước, ngày mà mọi người hoảng loạn vì tỵ nạn cộng sản, ai cũng tìm đường ra đi bằng mọi cách nhất là những người đã sống với cộng sản sau ngày Cộng sản tràn về Hà Nội, tuyên bố Độc Lập, thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa, cái mỹ từ đó nghe quá đẹp đẽ nhưng đằng sau đó lại là những áp bức bất công đầy dẫy, để san bằng giai cấp cộng sản đã không từ cái gì cả, mọi người tố cáo nhau để dành quyền lợi, cả xã hội đảo lộn vì họ chỉ tin vào lý thuyết duy vật, vô thần và trong đầu mọi người Đáng Cộng sản chỉ nhồi sọ một thứ ảo tưởng xa vời là tiến lên một xã hội công bằng, đẹp đẽ, mọi người đều có quyền lợi ngang nhau, không ai được phép giàu hơn ai cả nên họ tẩy não mọi người nhất là tầng lớp tiểu tư sản mà họ cho là luôn ăn trên ngồi trước mọi người, cũng vì vậy mà có cuộc di tản 1954 từ Bắc vào Nam của những người dân Miền Bắc.
15/04/2019(Xem: 4592)
Gần đây khi tiếp xúc với một số bạn đồng cảnh ngộ , bạn tôi thường cười đùa với nhau và đôi khi ôm chầm lấy tôi và nói thì thầm vào tai tôi " đời người chính là sự cô đơn, khi mình càng hiểu ra được điều này sớm bao nhiêu thì càng dễ tìm được hạnh phúc bấy nhiêu." . Một đôi khi cô bạn còn cười khúc khích đánh mạnh vào vai tôi rồi nói " hơn thế nữa, bạn thân tôi ơi , bạn có biết không cô đơn thực ra là một trạng thái cuộc sống cao cấp hơn thôi, bởi nó dạy bạn cách quan tâm, chăm sóc hơn đến nội tâm của mình một cách chu đáo và cẩn thận hơn "
14/04/2019(Xem: 6468)
Hòa Thượng THÍCH NHƯ ĐIỂN Mối Tơ Vương của Huyền Trân Công Chúa (Phóng tác lịch sử tiểu thuyết vào cuối đời Lý đầu đời Trần) Phật lịch 2.562 – Mậu Tuất 2018 Xuất bản năm 2018 - Xin vô vàn niệm ân tất cả những ai đã quan tâm đến tác phẩm nầy trong nhiều năm tháng qua, khi tôi có dịp giới thiệu với quý vị ở đâu đó qua những buổi giảng, hay những câu chuyện bên lề của một cuộc hội thoại nào đó. Tuy nhiên vẫn có một số vị vẫn muốn biết vì sao tôi viết tác phẩm phóng tác lịch sử tiểu thuyết nầy. Dĩ nhiên là không nói ra, khi xem sách hay xem tuồng cải lương nầy do soạn giả Giác Đạo Dương Kinh Thành ở Việt Nam biên soạn thì độc giả sẽ hiểu nhiều hơn, nhưng có nhiều vị xem dùm tôi trước khi in ấn đều mong rằng nên có lời dẫn nhập để tác phẩm nầy hoàn chỉnh hơn. Đây là lý do để tôi viết những dòng chữ nầy.
14/04/2019(Xem: 8787)
Một chàng vượt biển đi xa Thuyền qua ngọn sóng bất ngờ đánh rơi Chén bằng bạc quý sáng ngời Chén rơi xuống biển và rồi chìm sâu Chàng bèn làm dấu thật mau Hông thuyền ghi lại để sau dễ tìm Rồi chàng tiếp tục chèo thuyền Trong tâm tự nghĩ: “Nào quên dễ gì
07/04/2019(Xem: 9162)
Nó bị người ta tra tấn hành hạ rất dã man, quá đói mà không có gì ăn phải ăn cả vỏ bánh kẹo của du khách, bây giờ nó đã được giải thoát và sống cuộc sống vui vẻ, tự do. Trong suốt 50 năm, chú voi Raju sống một kiếp sống nô lệ. Không ai biết cuộc đời trước kia của nó là như thế nào, chỉ biết rằng nó đã bị bắt cóc khỏi mẹ và tách khỏi bầy từ khi còn rất nhỏ, rồi được bán đi bán lại qua tay của 27 người chủ khác nhau như một món hàng hóa, để rồi cuối cùng chôn vùi cuộc đời mình tại một sở thú ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]