Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự Thăng Trầm của Cuộc Sống

16/02/202021:57(Xem: 5792)
Sự Thăng Trầm của Cuộc Sống

ht nhu dien 2018 (30)
SỰ THĂNG TRẦM CỦA CUỘC SỐNG
Thích Như Điển

 

Người xưa thường nói rằng: Nhân sanh thất thập cổ lai hy. Điều nầy có nghĩa là:Đời người 70 tuổi xưa nay hy hữu. Đó là sự thật và đó cũng chỉ là tương đối mà thôi. Bởi lẽ có nhiều người sống thọ đến 80, 90, 100 hay hơn 100 tuổi. Âu đó cũng là do nhân duyên của nhiều kiếp ta vốn đã làm việc trưởng dưỡng lòng từ bi, tôn trọng sự sống của kẻ khác, nên mới được như vậy. Dĩ nhiên là cũng có nhiều người sống chỉ được có 5 năm, mười năm, 20, 30, 40, 50 hay 60 tuổi, nhưng với chừng tuổi ấy cũng đã có nhiều người lừng danh trên thế giới như Mozarth, Beethoven v.v… nghĩa là: Thiên tài không cần đợi tuổi, mà thiên tài thì rất ít, nhân tài cũng không nhiều, nhưng dù sao thì vẫn có, chỉ có hiền tài mới là điều hiếm quý mà thôi.

 

Lúc tôi 10 tuổi vẫn còn ở nhà với cha mẹ, đi học trường làng. Lúc đi học về theo cha mẹ ra đồng ruộng để giúp việc nhổ mạ, cắt cỏ. Khi về nhà giúp gia đình chằm nón, bỏ cỏ cho trâu bò ăn. Ngày Rằm, Mồng Một theo mẹ đi chùa và sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử. Kết quả của những năm học Tiểu học rất xấu, vì lẽ không có người hướng dẫn ở nhà, mà mọi việc đều phải tự mình xoay xở. Thương cha và mẹ nhưng cũng muốn xuất gia để làm một cái gì đó, dù tuổi còn nhỏ chưa biết là sẽ làm được cái gì? Chỉ vì thấy anh ruột của mình đi tu, nên tôi cũng có ý nguyện ấy, nhưng xin cha mẹ hoài chẳng ai đồng ý cả, chắc vì tôi là con út trong gia đình, cha mẹ muốn giữ lại để nhờ về sau chăng? Vì lẽ người xưa thường nói: Dưỡng nhi đãi lão, tích cốc phòng cơ mà. Nghĩa là: Nuôi con mong cậy về già, để dành lúa thóc phòng khi đói. Kết cuộc rồi con người ở trong cuộc đời nầy làm việc, học hành cũng chỉ vì cái ăn, cái mặc mà thôi.

HT Thich Nhu Dien (5)

HT Thich Nhu Dien (66)

 
HT Thich Nhu Dien (40)HT Thich Nhu Dien (43)


HT Thich Nhu Dien (6)HT Thich Nhu Dien (7)HT Thich Nhu Dien (8)HT Thich Nhu Dien (9)HT Thich Nhu Dien (10)HT Thich Nhu Dien (11)HT Thich Nhu Dien (15)HT Thich Nhu Dien (16)HT Thich Nhu Dien (22)HT Thich Nhu Dien (24)HT Thich Nhu Dien (25)HT Thich Nhu Dien (28)HT Thich Nhu Dien (29)HT Thich Nhu Dien (30)

Năm tôi 20 tuổi, lúc ấy gần thi tú tài một. Lẽ ra lúc 17 hay 18 tuổi mọi người đã thi rồi, nhưng tôi vào chùa lúc 15 tuổi và bắt đầu học trung học đệ nhất cấp ở tuổi nầy nên mới trễ như vậy. Được đi xuất gia, được ở chùa, được đi học là một hạnh phúc, mà học giỏi nhất lớp, nhất trường nữa cũng là một hạnh phúc tuyệt vời. Có lẽ tôi đã nhờ ở Đạo. Thế nhưng Thầy tôi đã buông một câu mà mãi cho đến bây giờ tôi cũng không quên. Đó là: “Ông học cho đến Cử nhân, Tiến sĩ cũng không bằng một bài Kinh Bát Nhã đâu”. Thuở ấy tôi không vui, nhưng chẳng buồn, vì nghĩ rằng biết đâu Thầy mình nói có lý, và tôi thưa lại rằng: “Bạch Thầy, tại sao vậy?” Thầy nói: “Dẫu cho ông có bao nhiêu cái bằng cấp đi chăng nữa, nhưng khi đến nhà thí chủ, ông trương những bằng cấp ấy ra, có ai mời ông một bữa cơm đâu. Trong khi đó, nếu ông thuộc làu một bài Kinh Bát Nhã, tụng thông suốt thì tín chủ sẽ mời cơm ông ngay”. Thuở ấy tôi thấy vô lý, nhưng sau 50 năm nữa thì tôi thấy lời dạy của Thầy mình có lý. Điều nầy cũng tương tự như cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm cũng thường hay nói với đệ tử của Ngài rằng: “Khi Thầy vô chùa, Thầy cùng một lúc với hai tay chuông mõ và bây giờ sau khi đậu Tiến sĩ rồi, hai tay Thầy cũng tay mõ tay chuông mà thôi. Đúng là như vậy, nhưng phải trải qua thời gian nhiều năm tháng, người ta mới nhận rõ ra mặt thực của nhận thức nầy.

 

Lúc tôi 30 tuổi là lúc đã đi ra gánh vác việc Đạo tại xứ Đức nầy, sau khi đã ở Nhật Bản hơn 5 năm và bắt đầu đi vào việc hành trì, tu niệm. Mỗi đêm, mỗi sáng vào thời Tịnh Độ hay công phu khuya tôi chiêm nghiệm lời Phật, lời Tổ, lời Thầy dạy thấy rõ ràng là cuộc đời có nhiều mặt quá, mà trên dặm trường thiên lý ấy mình biết phải làm sao đây? Đọc bao nhiêu kinh, bấy nhiêu sách, bao nhiêu thơ văn, bao nhiêu bài luận, bao nhiêu triết lý Đông Tây v.v… thấy mình chỉ là hạt cát trong sa mạc. Càng đọc càng thấy mình dốt và càng thấy mình hư, mặc dầu đã bắt đầu làm Thầy truyền giới cho các đệ tử tại gia rồi. Thế rồi việc gì đến nó phải đến, việc gì cần đi, mình phải cho đi khỏi tầm tay của mình, không vấn vương, không bị tình cảm bó buộc hay chi phối. Lúc ấy chỉ có Kinh văn và luận Bảo Vương Tam Muội là chất liệu dưỡng sinh trong cuộc sống hằng ngày, dùng để hiểu sâu lời Phật dạy và chiêm nghiệm về kiếp sống tha hương không định trước của mình. Đâu có ai xa quê cha đất tổ mà không mong ngày trở lại, nhưng ngày ấy đối với lúc nầy đã nằm ngoài tầm tay với rồi. Bao nhiêu năm ở Nhật, nhờ cơm gạo và nước uống của Nhật Bản mà tôi thành người. Học ở họ tấm lòng vị tha và tự trọng. Nghĩa là: Phải biết mình và người, hãy kiên nhẫn chịu đựng. Nếu có vấn đề, phải hiên ngang đứng ra giải quyết vấn đề, chứ không chạy trốn vấn đề. Bởi lẽ nếu ta chạy trốn thì vấn đề vẫn luôn còn đó, chứ vấn đề kia sẽ không được giải quyết một cách rốt ráo. Học ở người Nhật những đức tính siêng năng, nhẫn nại, tin vào người đối diện, giữ gìn mọi nơi, mọi chỗ sạch sẽ và nhất là đúng giờ. Chỉ ngần ấy việc thôi, mà tôi đã là tôi kể từ ngày ấy đến nay. Âu việc  khen, chê, chửi, mắng, giận, hờn, phiền muộn v.v… tất cả đối với tôi ở tuổi 30 vẫn là những trạng thái như nhiên, chẳng có gì để thắc mắc cả.

HT Thich Nhu Dien (30)HT Thich Nhu Dien (34)HT Thich Nhu Dien (35)HT Thich Nhu Dien (36)HT Thich Nhu Dien (37)HT Thich Nhu Dien (38)HT Thich Nhu Dien (39)HT Thich Nhu Dien (41)HT Thich Nhu Dien (44)HT Thich Nhu Dien (48)HT Thich Nhu Dien (49)

 

Đến năm 40 tuổi, có thể là cái tuổi đã vững vàng rồi, tôi bắt đầu thâu nhận đệ tử xuất gia, mua đất làm chùa, phiên dịch kinh sách, viết lách, đi tụng đám các nơi, thuyết giảng, ngoại giao v.v… đây cũng là thời gian học hỏi được nhiều nhất từ người đối diện. Vì lẽ: Ai cũng là Thầy của mình và mình cũng là Thầy của mọi người. Cái gì mình không biết, đi học hỏi nơi người khác, thì người ấy chính là Thầy mình và cái gì mình biết mà kẻ khác không biết, họ cần mình giúp đỡ, thì mình chính là Thầy của họ. Trong thế gian nầy đâu có ai dám nói rằng mình biết hết mọi việc, ngoại trừ chư Phật và chư vị Bồ Tát đâu. Ta chấp nhận sự sai và sám hối những lỗi lầm. Bởi vì chúng ta không ai là Thánh cả, mà chúng ta là những người đang trên con đường thực hành hạnh Thánh. Đức Phật đã chẳng từng dạy rằng: Trên đời nầy có hai hạng người. Hạng thứ nhất không bao giờ tạo ra lỗi lầm và hạng thứ hai là có lỗi lầm rồi mà biết sám hối ăn năn. Hạng thứ nhất chắc chắn không phải là mình rồi. Hạng người thứ hai chắc chắn sẽ có mình. Khi dạy đệ tử học, tôi cũng đã học được nhiều bài học rất hay rút ra từ trong những Kinh điển như: Đại Trí Độ Luận, Đại Thừa Khởi Tín Luận, Kinh Pháp Hoa, Kinh Bát Nhã, Kinh Kim Cang v.v… Ví dụ như khi đọc đến đoạn Phật dạy rằng: Hãy đừng mong ai đó bọc nhung hết quả địa cầu nầy để chúng ta đi hai chân cho được êm, mà mỗi người hãy tự bọc hai chân của mình lại để mình đi được êm trên quả địa cầu nầy. Hoặc giả: Người ác chẳng khác nào kẻ kia không mua cá, nhưng sau khi vào chợ cá, lúc bước ra khỏi chợ cá thì áo quần kẻ ấy bị hôi tanh; còn người hiền, ví như đi vào trong rừng trầm, tuy không bẻ nhánh trầm nào hết, nhưng khi ra khỏi rừng trầm rồi thì áo quần đều thơm phức. Đó chỉlà những lời tiêu biểu, còn nhiều và nhiều lắm những lời dạy như thế ở khắp đó đây trong kinh điển, sách vở trong Đạo cũng như trong thế gian nầy. Có điều là mình có ham đọc sách hay không, có thích xem kinh hay không khi bên cạnh mình còn không biết bao nhiêu phim hay, những tuồng cải lương vừa ý. Kết quả là: Kẻ nào tự làm chủ mình được trong tình yêu, tiền bạc, lợi danh, sự sống, địa vị v.v… thì kẻ ấy sẽ sống hiên ngang trong cuộc đời nầy. Còn người nào bị lệ thuộc và bị trói buộc vào những việc trên thì người ấy chưa chọn cho mình được một lối đi giải thoát ngay nơi nầy và ở đây.

 

Ở tuổi 50, tôi đã chiêm nghiệm khá nhiều về việc tu cũng như việc học, việc đời cũng như việc Đạo. Đây cũng là lúc cần phải dụng công hơn nữa, nên việc bái sám, tụng Kinh, lạy kinh văn từng chữ một vào những mùa An Cư Kiết Hạ trong suốt 35 năm như vậy, quả là: Phép Phật nhiệm mầu. Từng lời Kinh, tiếng kệ, từng dấu chấm, phết của Kinh Văn đã được gieo vào tâm thức tôi hằng ngàn, hằng vạn lần mầu nhiệm. Để từ đó sau khi đi Phật sự đâu xa về hay lúc nằm nơi Tịnh Thất một mình, thì đây chính là thời gian làm cho tâm tư và thần thức của mình tỉnh thức hơn. Không ai thương mình hơn mình và cũng không ai ghét mình bằng chính mình. Nếu thật sự mình còn cái ta vị kỷ. Do vậy tôi đã bắt đầu học được sự buông xả; nên năm 53 tuổi cũng là năm đã trở về ngôi Phương Trượng của chùa Viên Giác tại Hannover, giao chùa chiền lại cho Đệ tử để nhập thất tịnh tu, dịch kinh, viết sách mỗi năm 3 tháng mùa Đông tại núi đồi Đa Bảo gần Sydney, Úc Châu suốt trong 10 năm như vậy. Mỗi ngày tôi thức dậy từ sáng tinh sương khi mặt trời chưa xuất hiện. Nhìn núi đồi Đa Bảo ở vùng Capelltown hay ở Blue Mountain mà thấy lòng mình thanh thản nhẹ nhàng. Nhiều năm tôi chỉ ở một mình với hai dãy núi chung quanh, chưa bao giờ có tâm sợ hãi về rắn độc, cháy rừng hay thú dữ. Lòng vẫn vững như hư không, không đến, không đi, không còn, không mất. 15 phút ngồi Thiền và gần 1 tiếng đồng hồ trì Kinh Lăng Nghiêm buổi sáng là liều thuổc bổ của tôi trong 56 năm nay. Mặc dầu chay tịnh lâu năm, nhưng tôi không cần phải uống thuốc bổ, vì thời kinh buổi sáng ấy chính là năng lực mạnh nhất đã giúp tôi tự chiến đấu lấy mình trong mọi hoàn cảnh cũng như đối diện với mọi thử thách trên thế gian nầy. Buổi sáng và buổi chiều làm việc. Buổi tối trì Kinh Kim Cang. Mỗi lời Kinh tôi nuốt chửng vào lòng mình. Nghe như mình đã tận hưởng được pháp vị nhiệm mầu của thế nào là: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, mà trước đó phải rõ hai câu khác thì câu thứ ba nầy mới định hình được. Đó là: Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm….


Đến năm 60 tuổi, tôi đã trở thành Sư Ông của nhiều cháu xuất gia. Họ là đệ tử của những đệ tử của tôi. Bây giờ việc giáo dục, hướng dẫn tôi giao cho Quý Thầy, Quý Cô, tôi không phải trực tiếp nữa. Vì lẽ giáo dục là một nhân bản của con người, là một chiếc cầu bắc liên tục từ quá khứ đến hiện tại và từ hiện tại sang tương lai. Nếu không là vậy, sẽ lỡ một nhịp cầu. Điều nầy có nghĩa là một người không thể vươn tay từ quá khứ đến tương lai, mà mỗi thế hệ như thế phải tự lo kế thừa và truyền đạt những kinh nghiệm sẵn có, thổi vào thế hệ đi sau những di sản tinh thần để cái gì có thể tiếp thu được thì cứ tiếp thu, những gì cần đào thải theo thời gian năm tháng thì cứ đào thải. Không cần phải bắt buộc thế hệ đi sau phải giống hoàn toàn với thế hệ đi trước. Vì lẽ mỗi thế hệ như thế có một khoảng thời gian, không gian và hoàn cảnh riêng biệt, không có thời nào giống hệt thời nào cả. Tôi cũng đã chỉ cho các Thầy đệ tử biết rằng: Thầy sẽ chỉ phương pháp làm một cái bánh ngon như thế nào; chứ Thầy sẽ không cho một cái bánh. Nếu cho cái bánh dầu lớn hay ngon bao nhiêu đi chăng nữa, ăn riết rồi cũng sẽ hết. Còn ở đây tôi chỉ cho phương pháp làm một cái bánh, Quý Thầy, Cô có thể dùng khuôn mẫu ấy và công thức nầy để làm một cái bánh hay nhiều cái bánh, như thế có thể ngon hơn cái bánh của tôi đã chỉ ra công thức thì cứ nên làm. Còn việc dùng người hay cách thành công trong việc tổ chức thì hãy làm theo lối cuốn một chiếc chiếu. Chúng ta phải quan niệm rằng: Nếu không có những chiếc chiếu cũ rách kia, thì sẽ không có nhữnng chiếc chiếu mới ngày nay. Do vậy khi thay chiếu hãy cuốn chiếc chiếu cũ lên từ từ, đoạn để những chiếc chiếu mới xuống phía dưới, mãi cho đến khi nào chiếc chiếu cũ bên trên đã cuốn lại xong, thì chúng ta sẽ có một chiếc chiếu mới hoàn toàn tinh xảo. Ai nhìn qua cũng sẽ vừa lòng và không ai trách cứ ai cả. Cũng chính trong thời gian nầy tôi đã lạy Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển hai, phẩm thứ 27 về Ứng tận hoàn nguyên của Đức Phật. Khi lạy đến câu: THỂ TÁNH CỦA VÔ MINH VỐN LÀ GIẢI THOÁT, phải nói rằng toàn thân cũng như tâm của tôi rung động lạ thường. Sau đó lại suy nghĩ rằng: Nếu Phật đã dạy như vậy thì mình có thể định nghĩa thêm rằng: Thể tánh của phiền não vốn là Bồ Đề và thể tánh của sanh tử là Niết Bàn. Điều nầy có nghĩa là: Ngoài vô minh, không có giải thoát; ngoài sanh tử không có Niết Bàn; ngoài phiền não không có Bồ Đề. Vậy Bồ Đề từ phiền não mà sanh ra. Niết Bàn từ sanh tử mà có và Giải thoát từ Vô minh mà thành. Nghĩa là trong cái nầy có cái kia và trong cái kia lại có cái nầy. Cái nầy hiện ra thì cái kia sẽ mất đi. Đơn giản chỉ thế thôi, mà tâm tôi thư thái nhẹ nhàng vô cùng, giống như ngụp lặn trong Pháp vị nhiệm mầu của chư Phật đã từ lâu rồi.

 

Khi ra làm việc Giáo Hội, tôi chấp nhận thị phi. Âu đó cũng là chuyện bình thường của nhân thế và tôi quan niệm rằng việc của Giáo Hội là việc chung của mọi người, tại sao mình không san sẻ trách nhiệm với người khác để tảng đá trên hai vai của mình sẽ nhẹ đi, nếu có người chia sẻ với mình. Cho nên từ năm 2013 đến nay, sau khi cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm viên tịch, tôi và Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt đã cư xử với nhau như tình huynh đệ, chia sẻ những khó khăn với nhau và nhiệm vụ của ai thì người ấy làm, không giẫm đạp lên nhau. Đó là một nguyên tắc, nên Giáo Hội êm thắm từ đó đến nay. Cũng vì lẽ Giáo Hội là một tổng hợp của nhiều thành viên, nên đụng độ với nhau cũng là một chuyện bình thường. Tôi hay ví dụ và nói rằng: Nếu mình không chấp nhận người khác thì người khác cũng sẽ không chấp nhận mình. Ngay cả thân thể mình mà tồn tại được ở đây, đâu phải chỉ thuần là Vitamin để nuôi hằng tá tế bào trong cơ thể, mà trong thân thể ấy còn phải chứa rất nhiều vi khuẩn khác nữa. Có khi lên cả hằng 10 tỷ như vậy. Nếu chúng ta loại trừ những con vi khuẩn nầy ra. Trên thực tế rất là nguy hiểm cho sự tồn tại của chính mình. Do đó hãy chấp nhận thực tế là điều quan trọng nhất và ta sẽ gặp nhiều thuận duyên hơn. Riêng phần tôi từ nhỏ đến bây giờ đa phần là nhận được nhiều thuận duyên hơn là nghịch cảnh. Nếu hỏi rằng bao nhiêu thuận và bao nhiêu nghịch? Thì tôi có thể cả quyết trả lời rằng: Với tôi từ khi ra đời đến bây giờ trên 70 năm nơi trần thế nhận được 95% là thuận duyên và chỉ có 5% là nghịch cảnh mà thôi. Như thế là một phước báu. Tôi không biết rằng khi đọc bài nầy của tôi, quý vị có ứng dụng được phần nào vào cuộc sống của mình không, thì đó có thể nói là Duyên; còn nếu sau khi xem xong bài nầy mà quý vị thấy rằng chẳng áp dụng được một việc nào cả, thì âu đó cũng là Duyên chưa đến mà thôi. Với tôi sẵn sàng như con tằm nhả tơ. Mong rằng với những sợi tơ óng ả ấy, con người có thể dệt nên những tấm lụa đẹp tuyệt vời, giúp cho nhân thế có niềm vui khi mặc chúng vào mình. Chỉ đơn giản như vậy thôi. Còn ai không muốn mặc những áo vải lụa ấy thì cũng theo nhân duyên vậy.

ht-nhudien2htnhudienhtnhudien (1)
Phong van HT Nhu Dien_TT Nguyen Tang (90)Phong van HT Nhu Dien_TT Nguyen Tang (94)Phong van HT Nhu Dien_TT Nguyen Tang (97)Phong van HT Nhu Dien_TT Nguyen Tang (99)Phong van HT Nhu Dien_TT Nguyen Tang (100)Phong van HT Nhu Dien_TT Nguyen Tang (106)Phong van HT Nhu Dien_TT Nguyen Tang (109)
ht thich nhu dien 2ht thich nhu dienDai le 40 nam vien giac (7)Le mung khanh tue_HT Thich Nhu Dien (70)Le mung khanh tue_HT Thich Nhu Dien (170)Le mung khanh tue_HT Thich Nhu Dien (270)

 

Ở vào tuổi 70, tôi không biết là mình còn sống được bao lâu nữa, nên tôi đã chuẩn bị cho mình sẵn sàng rồi. Đó là: Nếu ai đó sống được đến 80 tuổi thì hãy tự hỏi rằng mình còn sống thêm được mấy ngày nữa? Nếu ai sống được 70 tuổi rồi thì hãy hỏi rằng: Mình sẽ còn sống được mấy tháng nữa? Và nếu ai đó đã sống được 60 tuổi rồi thì hãy tự hỏi rằng: Mình sẽ còn sống được bao nhiêu năm nữa? Đó là chưa kể đến sự vô thường. Vì vô thường có thể đến với chúng ta bất cứ ở thời điểm nào, chứ không thể nói mấy tháng, mấy năm, mấy ngày, mấy giờ…mà phải hỏi rằng: Bây giờ còn thở ra và lúc nào không còn hít vào lại được nữa? Thì đây mới chính là điều mà tôi muốn gửi đến các độc giả xa gần để làm hành trang cho cuộc sống của mình vậy. So ra 70 tuổi đã là thọ quá rồi. Nếu còn sống thêm được bao nhiêu ngày, tháng, năm nữa thì tôi vẫn luôn làm toán trừ chứ không làm bài toán cộng nữa. Nghĩa là mỗi ngày được sống, ta hãy trừ bớt đi một ngày và ta hãy xem lại chính mình là mình đã làm được những gì trong 24 tiếng đồng hồ ấy. Chứ tuổi nầy tôi sẽ không bao giờ làm toán cộng nữa. Cứ trừ đi những gì mình có được từ từ là vừa rồi. Nếu ai cần giúp đỡ về tài chánh, nếu mình còn có khả năng thì hãy cho bớt ra trong số tiền hiện có của mình. Nếu mình còn áo quần, xe cộ, của cải vật chất thì cứ cho và xả hay buông bỏ từ từ là vừa. Vì nếu bây giờ mình không buông bỏ chúng thì khi hai mắt nhắm nghiền lại, hơi thở không còn vào ra nữa và lúc ấy hai tay có muốn nắm lại, chắc chắn rằng cũng sẽ không nắm được gì cả, ngay cả những người thân ở bên cạnh mình, hay ngay cả bản thân của mình cũng phải buông xuôi theo thế sự vô thường mà thôi. Đó là chưa kể đến lúc sinh ra chúng ta chưa biết khóc, chưa biết bú sữa mẹ, chưa biết ăn…là đã biết tham lam ích kỷ rồi. Bởi lẽ đứa trẻ nào khi sanh ra cũng nắm hai bàn tay lại, chẳng có đứa nào buông hai tay khi mẹ sinh ra đâu. Nhưng nắm riết cả một cuộc đời, nào danh, nào lợi, nào tình, nào tiền, nào sự nghiệp và cuối cùng ở tuổi gần đất xa trời rồi thì mình cũng phải trả lại cho uyên nguyên của trời đất mà thôi và hai bàn tay cũng phải buông ra.  Lúc ấy chỉ có nghiệp Thiện hay Ác theo cùng và mình phải đối đầu với bao nhiêu sự sanh tử khác, sẽ tiếp tục trong chuỗi luân hồi vô tận ấy.

 

Hôm nay tôi viết những lời nầy cũng là lúc đã hơn 70 tuổi và gần 48 năm sống tại ngoại quốc, hơn 56 năm  xuất gia học đạo và hành đạo, để xin gửi đến biếu tặng mọi người lâu nay đã trợ duyên cho tôi  ở nhiều phương diện, nên mới được là tôi của ngày hôm nay. Xin chắp hai tay lại để niệm ân tất cả và cầu nguyện cho mọi người, mọi loài được thể nhập vào thể tánh chơn như của Niết Bàn an lạc.

 

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh.

Viết xong vào lúc 18:00 giờ ngày 15 tháng 2 năm 2020 tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc.

 

Sửa lỗi đánh máy: Phật Tử Thanh Phi 








 

Ý kiến bạn đọc
16/02/202012:15
Khách
Nam Mô A Di Đà Phật🙏 Con học được rất nhiều điều trong bài viết này của Hoà Thượng! Chỉ tiết rằng trí nhớ của Con hạn hẹp, không thể nhớ hết những lời vàng ngọc này của Hoà Thượng! Con sẽ cố gắng nhiều thiệt nhiều hơn nữa! Nam Mô A Di Đà Phật🙏
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/08/2010(Xem: 3474)
Tác-giả Thiện Xuân Malkhanova là một con người thật đặc-biệt. Còn nhớ năm 2000 khi chị Trương Anh Thụy và tôi đi sang họp Đại-hội Văn-bút Thế-giới ở Mạc-tư-khoa, chúng tôi đã để ý đến chuyện đi đường, gặp con sâu róm ở dưới đất, chị đã ân cần lấy một cái lá nâng nó lên rồi đặt nó lên một cành cây gần đó. Một con người từ-bi đến với cả cỏ cây, đất đá! Chị bảo đó là điều chị đã học được từ đạo Phật.
04/08/2010(Xem: 3116)
Không biết từ lúc nào, mà ngôi tịnh thất vô danh thấp thoáng dưới tàn cây huỳnh đàn rậm lá trên đỉnh núi Ông cheo leo mây mù đong đưa bao phủ quanh năm, đã được dân quê dưới chân núi ưu ái gọi là am Mây Ngàn thay thế cho cái tên “chòi đạo Ân” mà họ hùa nhau ám chỉ túp lều lá của sư Từ Ân ngày trước. Thuở mới đăng sơn cắm dùi khẩn đất làm chốn ẩn tu, sư lủi thủi một mình chẳng có móng đệ tử lăng xăng đón đưa phục dịch, sư tự vác cuốc, quẩy gánh... lặng lẽ lên tận đỉnh, khai phá được một khoảnh đất nhỏ làm rẫy. Sư bắt đầu trồng các loại rau đậu, khoai, bắp, cà dưa... để sớm gặt hái hoa lợi,
20/07/2010(Xem: 8722)
Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, tất cả mọi hành động bằng thân, lời và ý đều xuất phát từ hai tiêu chuẩn đó nhằm đem lại lợi lạc cho mình và tha nhân. Đây là những đức tính rất cơ bản để phát triển về Giới-Định-Tuệ mà một người muốn thăng tiến về mặt tâm linh thì cần phải quan tâm và thực hiện một cách triệt để.
17/07/2010(Xem: 3878)
Đêm qua con nghe bài pháp “Vượt qua oan gia trái chủ”của thầy Thích Tâm Đại, cảm thấy bàng hoàng, sửng sốt, mồ hôi ướt lạnh. Hóa ra, trong quá khứ, con đã tạo vô lượng tội, gieo vô lượng oán thù, oan gia trái chủ.
25/06/2010(Xem: 4258)
Vì không biết sự vận hành nội tại nên hầu hết mọi người trên thế gian không ai nhận ra chính mình và cũng không đồng ý với chính mình. Có người nương vào thể chất như thân thể cao lớn, mạnh khỏe, sắc diện đẹp đẻ, sáng sủa thù thắng …và cho đó là ta. Có vị lấy tri thức như bằng cấp học vị là mình như tiến sĩ, bác sĩ hay kỹ sư v.v. Có vị lấy danh vọng chức tước như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng v.v.làm ta.
25/06/2010(Xem: 7392)
Cô Sue Dixon, một Phật tử người Úc, vướng phải căn bệnh hiểm nghèo, ung thư ngực, trong lúc dường như phải bó tay và hoàn toàn tuyệt vọng thì các Tăng sĩ Tây Tạng đã hướng dẫn phương pháp Thiền quán. Tuyệt vời thay, không lâu sau đó, cô bình phục và khỏe mạnh như xưa. Bài viết dưới đây, cô sẽ kể cho đọc giả biết quá trình loại bỏ bệnh ung thư như thế nào
02/06/2010(Xem: 2727)
Đó là ngày 26 Tháng 10 năm 1967. Tôi đang bay ngay trên bầu trời trung tâm Hà Nội đan chéo đầy hỏa tiễn trong phi vụ thứ 23 của mình, thì bị một hỏa tiễn Nga kích thước cỡ cột điện thoại bắn tung cánh phải chiếc Skyhawk ném bom tôi bay. Phi cơ bổ nhào từ cao độ khoảng 4,500 feet xuống đất, bị đảo ngược lại, gần như chúi thẳng đầu xuống đất. Tôi kéo cần bung dù thoát hiểm. Lực phóng làm tôi bị bất tỉnh vì tốc độ gió đâu khoảng 500 knot (chú thích người dịch: 926 km/giờ). Lúc đó tôi không nhận thức được, nhưng chân phải ngay quanh đầu gối và ba nơi trên cánh tay phải cùng cánh tay trái của tôi đã bị gãy. Tôi tỉnh lại ngay trước khi cánh dù của tôi rơi xuống một hồ nước ngay một góc của Hà Nội, một trong những hồ họ gọi là Hồ Tây. Mũ phi công và mặt nạ dưỡng khí của tôi đã bị thổi bay đâu mất. Tôi chạm mặt nước và bị chìm xuống đáy. Tôi nghĩ rằng hồ sâu khoảng 15 feet, cũng có thể 20. Tôi chòi chân phía dưới để nổi lên mặt nước. Lúc đó tôi không cảm thấy bất kỳ đau đớn nào. Tôi hít một
03/04/2010(Xem: 2942)
Đạo vốn vô ngôn; do ngôn mà hiển đạo, thế nên có mạn lục, có bảo huấn, có bút ngữ, có võ khố. Nay đây, có Hòa thượng Văn Thủ, tự Nhất Ty (1607 – 1648) người nước Nhật Bản, lúc đầu ở ẩn nơi Tây Cương thuộc đất Lạc Tây, về sau Ngài về núi Đan mai danh ẩn tích. Nhưng các hàng xuất gia khắp chốn hải hồ tìm đến bên Ngài kết am tranh tu học số đông không kể xiết. Rốt cuộc, danh Ngài thấu đến cửu trùng, vua thỉnh Ngài trụ trì hai chùa Pháp Thường và Linh Nguyên, ban hiệu là Định Huệ Minh Quang Phật ĐảnhQuốc Sư. Những khi nhàn rỗi, Ngài xem lại gương xưa góp nhặt những di ngôn, vãng hạnh của Phật Tổ và thêm vào đó lời phẩm bình biên tập lại thành bộ Truy Môn Bảo Tạng Tập (trong bản dịch nầy tạm lấy nhan đề là Kho Báu Nhà Thiền). Bộ sách nầy thật là cây đuốc huệ trong đường tăm tối, là thuốc hay cho người bệnh, chẳng những lợi cho người đương thời mà cũng là tiếp độ kẻ hậu côn, thật không có gì hơn vậy. Than ôi! Vào niên hiệu Bảo Vĩnh vì ảnh hưởng thời cuộc nên đâu có khắc bản và muốn lưu hàn
21/02/2010(Xem: 4412)
Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567