ÁNH ĐÈN MỜ TRONG CĂN BẾP NHỎ
Căn bếp nhỏ thì có gì để nói, nên ánh đèn mờ trong cái bếp không có gì để nói đó thì lại càng không có gì sáng sủa mà được nói tới!
Ấy vậy mà ánh đèn đó, trong căn bếp đó đã bất chợt khiến Sư già thổn thức “A Di Đà Phật. Ôi, cảm động biết bao!”
Sư già ở một mình trong căn hộ nhỏ đã hơn mười năm nay. Huynh đệ, bạn đạo gần xa cũng thỉnh thoảng ghé qua, hỏi thăm nhau sức khỏe thế nào, tu tập tinh tấn không …
Tịnh thất quá đơn sơ nên Sư già cũng chỉ thường đãi khách bằng tinh thần như khi xưa thi hào Nguyễn Khuyến từng tiếp tri kỷ:
“Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây, ta với ta …”
Mới đây, biết Sư già tịnh tu niệm Phật, có hai bạn trẻ, ngập ngừng mãi mới dám mở lời: “Thỉnh thoảng, ngày cuối tuần Sư cô cho chúng con tới thất, cùng niệm Phật, được không ạ? Vì ngoài giờ đi làm, chúng con cũng chỉ niệm Phật tại nhà thôi.”
Và một sáng sớm, cái chuông cửa rất ít được xử dụng đã reo lên. Đó là hai người bạn trẻ xin đến cùng niệm Phật.
Sư già chia sẻ, tự tu tại thất nên Sư đơn giản lắm. Ngày hai thời công phu, mỗi thời tụng Kinh A Di Đà, niệm Phật, lạy Phật, đọc lời khai thị của các vị Tổ, sám hối, phát nguyện, kinh hành trong thất hoặc quanh khu chung cư.
Đó là thời khóa tự đặt ra để giúp mình không giải đãi, nhưng đã là hành giả tu pháp môn Tịnh Độ thì cố gắng trong mọi thời, mọi lúc, giữ chánh niệm trong sinh hoạt đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, đều duy trì tiếng niệm Phật trong tâm. Đó là rào cản đẩy xa vọng tưởng. Đó cũng là niềm an lạc vì cảm nhận luôn có Chư Phật gần gũi, và gia hộ.
Hai bạn trẻ chắp tay, nghiêm túc cùng vào thời khóa. Cả ba đồng thuận là khi niệm Phật sẽ niệm theo phương thức Thập Niệm KýSố, thay phiên nhau, mỗi người niệm mười tiếng, chia làm ba hơi 3-3-4:
A Di Đà Phật A Di Đà Phật A Di Đà Phật
A Di Đà Phật A Di Đà Phật A Di Đà Phật
A Di Đà Phật A Di Đà Phật A Di Đà Phật A Di Đà Phật.
Phương thức này đã giúp Sư già giữ được chánh niệm khi niệm Phật vì cần chú tâm niệm đủ mười tiếng, nhưng do chia làm ba hơi nên không mệt mà lại rất dễ tự kiểm, niệm một lúc là tự động nhận biết đang niệm ở hơi nào.
Sư lại đề nghị hai bạn trẻ, là để có thêm năng lượng, người trước dứt tiếng, không phải là hết phần mình thì dứt, mà hãy mang tâm mình, nương vào từng tiếng của người kế tiếp. Nếu nhiệt thành, rồi sẽ cảm thấy như mình chưa hề dứt, mà vẫn đang cùng niệm với bạn lúc nào không hay, dù không bằng âm thanh.
Đó có phải cũng là một trạng thái niệm mà vô niệm?
Văn hào Victo Hugo có nói một câu rất ý nhị, đại ý “Nghệ thuật có thể hình thành những vần thơ bay bướm, nhưng trái tim mới lưu lại những tác phẩm thi ca”.
Vậy, những gì thuộc lãnh vực tinh thần, ta có nên giảm bớt những hình thức không cần thiết để không gian thông thoáng hơn, tâm người thanh tịnh hơn, quán sát sâu sắc hơn?
Có lẽ nhờ sự vô tình đơn giản mà ánh đèn mờ này đã chợt bừng sáng trong tâm Sư già!
Hôm đó, sau thời công phu, lúc giải lao, hai bạn trẻ ngập ngừng mở một gói nhỏ. Đó là một bóng đèn loại mờ, cắm vào ổ điện nơi nào cần chút ánh sáng trong đêm tối.
Vừa đưa ra, người bạn trẻ vừa cắm vào một ổ điện trong nhà bếp, vừa nói: “Sư cô cho chúng con cắm thử bóng đèn này trong nhà bếp để buổi tối, nếu khi Sư cô ra bếp lấy nước uống hay cần chi nơi bếp thì có ánh đèn mờ vừa đủ, tránh vấp té trước khi bật đèn sáng trong bếp”
Sư già cảm động, nhìn ánh đèn mờ nhưng hữu dụng, mà chính mình chưa hề nghĩ đến, rồi lại nhìn hai bạn trẻ.
Nhưng tối hôm đó, khi ra bếp lấy nước thì ánh đèn đó không mờ như công dụng đặc thù của nó khi được tạo ra. Ánh đèn dường như sáng rực rỡ trong tâm Sư già, sáng tới mức dường như lan tỏa cả căn bếp nhỏ, cả căn hộ nhỏ …
Ôi, kỳ diệu thay khi Tình Đạo được hiển lộ trong Nghĩa Đạo thì Tình Nghĩa này sẽ tự nhiên vượt lên mọi tình nghĩa bình thường thế gian,mà đạt tới Tâm Đạo.
Từnhiều năm nay, bao người đã đến rồi đi, có ai quan tâm về một ánh đèn mờ trong căn bếp nhỏ có thể giúp người Sư già độc cư, tránh được vấp té trong đêm tối? Ngay chínhSư già, từng lần mò trong đêm, có lẽ cũng từng vấp té mà cũng không đủ quan tâm tới chính mình để mang về cho mình một sản phẩm quá thông dụng, bày bán khắp nơi!
Hai bạn trẻ chỉ mới đến thăm vài lần, nhưng đã nhận ra, và đã thể hiện Tình Sen Nghĩa Đạo, khiến ánh đèn mờ không chỉ thắp sáng mà còn khiến đôi dòng lệ hiếm hoi của tuổi đời quá thất thập cổ lai hy đã lặng lẽ nghẹn ngào, như tinh thần hai câu cuối trong bài thơ “Khóc Bạn”,cụ Nguyễn Khuyến đã viết khi nghe tin cụ Dương Khuê vừa mất: “Tuổi già hạt lệ như sương. Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!”
Tối hôm đó, lấy nước uống xong, Sư già vén áo, lặng lẽ ngồi xuống bồ đoàn, trước ban thờ Phật. Chỉ ngồi xuống thôi, mà cũng chẳng nghĩ ngồi xuống để làm gì!
Bỗng dưng, ánh đèn mờ trong bếp như vừa đủ để Sư đọc được từ trong tâm, những nét chữ trong Tôn Kinh A Di Đà vừa tụng lúc công phu chiều.
Phải chi có hai bạn trẻ hiện diện phút này để Sư chia sẻ, là Sư không ngạc nhiên, cũng không hốt hoảng sao mình lại cảm nhận được như thế, mà điều này chỉ giúp Sư liên tưởng tới hình thức tụng kinh cực kỳ tôn kính tại Tu Viện Quảng Đức, bên Úc, mà Sư vừa nghe nói. Đó là cuối tháng mười vừa qua, Thượng Tọa trụ trì đã hướng dẫn Lễ Pháp Hoa Kinh, mỗi chữ lạy một lạy (nghe file mp3).
Sư già đứng dậy, bật đèn ban thờ Phật, bật đèn sáng căn hộ, mặc áo tràng, đắp y, và ngồi xuống bồ đoàn, mở Kinh A Di Đà.
Chậm rãi đọc trang kinh đầu, Sư tự biết ngay là sức chưa đủ lực, tâm chưa đủ định, để có thể tụng một chữ, lạy một lạy. Vọng sẽ chen vào quấy nhiễu và tâm sẽ không kết được từng chữ cho trọn ý nghĩa câu kinh. Nhưng ngay trên trang kinh đầu, Sư nhìn thấy những dấu chấm.
Đây rồi! Dấu chấm là biểu tượng vừa tròn ý của một câu. Vậy thì, cứ tụng từng câu, sau mỗi dấu chấm, Sư sẽ lạy xuống một lạy. Thật đơn giản, thật vừa với tâm lực và sức lực, mà cũng tôn kính biết bao! Chư Phật sẽ chứng giám cho.
Vừa nhận ra giải pháp này, Sư già hướng về tôn tượng Đức Quán Thế Âm, bên phải tôn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca mà lạy tạ ơn ba lạy. Sư tin tưởng Đức Quán Thế Âm đã lắng nghe được nỗi lòng băn khoăn của chúng sanh mà chỉ dạy. Đừng ai hỏi Sư căn cứ vào đâu mà tin như thế, vì niềm tin này tự nhiên và trong sáng, như nhật nguyệt, nắng mưa, phải thời thì hiện. Sống một mình nhiều năm, Sư đã quen với sự thanh thản làm theo giác quan thứ sáu mà Sư tin tưởng có Chư Phật gia hộ và hướng dẫn.
Thời công phu chiều, thường là một tiếng rưỡi đồng hồ, nay tụng Kinh A Di Đà, lạy xuống từng câu, Sư hoàn mãn công phu sau hai tiếng.
Tụng một thời kinh mà như được hai thời vì tụng xong một câu, khi chậm rãi cúi lạy thì dư âm câu kinh vừa tụng, theo năm vóc sát đất mà êm ả thấm vào huyết mạch hành giả, như gieo một hạt mà nở trăm hoa ….
Bất giác, Sư già chợt nhớ một lời dạy trong cuốn Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục mà Sư từng được nghe Giảng Sư khai thị “Khi bế quan dụng công, nên lấy chuyên-tinh-bất-nhị làm chính. Đóng cửa phương tiện, cự tuyệt sự vụ chẳng cấp bách, thật là hữu íchlắm thay!”
Ôi,
Chữ nghĩa vẫn nằm đó
Năm tháng vẫn trôi qua
Chúng sanh hờ hững quá!
Kho báu bụi phủ nhòa!
Tạ ơn thiện-trí-thức
Dẫn dắt kẻ nghèo cùng
Đến trước kho châu báu
Chỉ đường về Tây Cung.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật.
Nam Mô Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.
Con xin quy ngưỡng thân tâm về ngày Lễ Vía Đức Phật A Di Đà, Giáo Chủ Cõi Tây Phương Cực Lạc.
Nam Mô Phương Tiện Thánh Cư Độ
A Di Đà Như Lai
Giải Thoát Tướng Nghiêm Thân
Biến Pháp Giới Chư Phật.
Thích Nữ Huệ Trân
(Tào-Khê Tịnh Thất – Những ngày tịnh tu, tháng 11-2018)