Câu chuyện thứ bảy:
PHỈ BÁNG
Một trung niên trí thức, vốn là học viên lâu năm của “Lớp Giáo Lý Phật Pháp dành cho Cư Sĩ Áo Lam”, thường có thói quen biểu hiện sự học rộng hiểu sâu của mình bằng những câu tham vấn hóc búa, lắt léo vào gần cuối giờ học để các vị giáo thọ, giảng sư phải mất thời gian giải đáp, giải thích…
Buổi học tối hôm đó, thầy giáo thọ nọ lâm bệnh đột ngột, phải nhờ thầy khác khác là huynh đệ đồng môn đứng lớp thay. Vì lần đầu tiếp xúc với Phật tử của lớp giáo lý ban đêm, nên vị thầy trẻ dạy thế thấy lạ lẫm, có đôi chút lúng túng, ngượng ngùng. Thầy không theo giáo án soạn sẵn nào, cũng không giảng dạy tiếp phần dở dang của thầy giáo thọ trước, mà chủ động dùng hai giờ của buổi học để pháp thoại, học viên thắc mắc, hay mù mờ chưa thông vấn đề gì thì cứ thoải mái giơ tay phát biểu. Vậy là “trúng đài” vị trung niên cư sĩ, xin tham vấn ngay:
“Tại sao đức Phật dạy: Tin ta mà không hiểu ta tức là đang phỉ báng ta?”
“Tại không hiểu mà tin.”
“Vì hiểu rồi mới tin, chứ đâu phải tin trước hiểu sau?”
“Hiểu rồi thì còn hỏi làm gì?”
“Không hỏi thì sao hiểu hết trọn vẹn rốt ráo?”
“Nếu chưa hiểu rốt ráo trọn vẹn thì hãy khoan tin!”
“Nếu khoan tin thì cứ mãi hoài nghi, mãi hoài nghi thì làm sao hiểu rốt ráo để tin?”
“Khoan tin để dành thời gian phá vỡ hoài nghi, muốn phá vỡ hoài nghi phải tìm hiểu, muốn hiểu thì phải thực hành, thực hành là để tự mình kiểm chứng trải nghiệm đúng sai đen trắng tà chánh tốt xấu, chứng nghiệm rồi là ngộ, ngộ rồi thì mới tin, chưa ngộ khoan hãy tin!”
“Sao phải ngộ rồi mới tin? Chưa ngộ mà tin trước rồi ngộ sau có được không?”
“Anh hỏi luẩn quẩn vòng vo Tam Quốc diễn nghĩa quá, anh đang không tin tôi, không hiểu lời tôi kiến giải, là phỉ báng tôi nãy giờ đó!”
Trung niên cư sĩ trố mắt, ngơ ngác. Thầy giáo thọ tiếp:
“Về nhà mà thực hành tất cả những lý thuyết, kiến thức mà anh thu thập được bao năm qua đi. Thực hành xong hết từng pháp, áp dụng vào đời sống thực tế hằng ngày của mình, anh sẽ chứng nghiệm và không còn hoài nghi gì nữa, và cũng sẽ không còn đặt một câu hỏi vòng vo lắt léo nào ở lớp giáo lý này nữa!”
Trung niên cư sĩ chưa kịp có động thái gì, đã nghe tiêng thầy giáo thọ vang rền như tiếng chuông dộng vào tai:
“Tin tôi đi!”
Lật đật đứng dậy, trung niên cư sĩ khum lưng xá dài, xúc động thưa:
“Nam mô Phật! Dạ, con tin chắc luôn ạ!"
Tâm Không – Vĩnh Hữu