Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Báo Ứng

16/11/201822:11(Xem: 3229)
Báo Ứng
baoung_manduonghong

TRUYỆN NGẮN

 BÁO ỨNG 

 

          Ngày 1 tháng 4 năm 1975.

         Thành phố biển Nha Trang hiền hòa bỗng chốc biến động, trở nên hoảng loạn. Chợ Đầm bị đập phá, phát hỏa. Bọn cướp giật, đâm thuê chém mướn đủ các loại hạng từ các trại giam phá ngục ùa ra đường, túa đi khắp các ngõ, nhập vào những dòng người tất tả, hăm hở đi hôi của. Những quân nhân “Cộng Hòa” ở các trại lính cũng bỏ hàng ngũ chạy về thành phố, luýnh quýnh và sợ hãi, như rắn mất đầu, cầm cây súng trong tay như mang một của nợ khủng khiếp. Súng quăng lăn lóc ngoài đường, đạn dược ném vung vãi nơi công viên, bãi biển, trở thành những thứ vũ khí cực kỳ lợi hại và đắc dụng cho bọn đầu trộm đuôi cướp đang có mặt khắp các nẻo đường với một bầu máu tham sôi sục. Trong mấy giờ chính quyền cũ bỏ chạy, chính quyền mới chưa lập lại được trật tự ấy, thành phố như đầy hiểm họa và đổ nát, làm cho những người lương thiện, người thật thà và nhát gan phải chui rúc ru rú trong nhà đã đóng cửa cài then với những lời cầu nguyện triền miên trên môi…

          Nhà tôi cũng đã đóng cửa, im thin thít. Cha tôi đứng ngồi không yên, đi lên đi xuống như lửa bỏng dầu sôi, thỉnh thoảng nhìn qua khe cửa ra sân trước, ngó chừng cổng ngõ. Mẹ tôi ngồi kiết già trước bàn thờ Phật, miệng lâm râm những câu kinh câu chú cầu an cho tất cả mọi người. Tôi cùng hai đứa em ngơ ngác ngồi trong góc nhà, không hiểu ngoài đường đã và đang xảy ra vụ việc gì, muốn chạy ra sân cũng không được phép của cha mẹ. Chị dâu tôi sinh đứa con đầu lòng chỉ mới được tám giờ đồng hồ trước biến động, đang nằm ở nơi buồng kín.

          Mẹ tôi nghiêm trang căn dặn lũ anh em chúng tôi:

         “Đứa mô bước chân ra khỏi cửa ngõ thì đi luôn, đừng bước lại vô nhà ni nữa”

          Tiếng súng nổ râm ran đây đó, ngoài đường người ta chạy rầm rập, la hét ỏm tỏi, mẹ lo là phải. Cha tôi thì bước quanh quẩn bên cánh cửa trước bèn thờ. Nhìn ra sân, chừng như ông đang ngóng trông, chờ đợi một điều gì đó đang làm lòng ông nóng cháy. Và rồi, ông chợt reo lên trong nỗi vui mừng:

          “Ơ, thằng Hai Hoằng đã về đến rồi. Nó về đến nơi rồi, mình ơi!”

          Mẹ tôi sáng rực đôi mắt, thở phào nhẹ nhỏm. rồi đưa mắt nhìn lên tượng Phật với vẻ biết ơn đấng từ bi cao cả. Cha tôi vội vàng mở toang cánh cửa để đón đứa con trai lớn của ông vừa bỏ ngũ trở về. Anh Hai tôi bước vào nhà, an toàn nguyên vẹn, với một khẩu M16 trên tay, bộ quân phục đã nhuộm màu đỏ quạch của đất bazan, mặt mũi bơ phờ và đôi mắt còn tràn đầy kinh hoàng. Chúng tôi reo mừng vây lấy anh Hai. Cha mẹ tôi cũng mừng khôn tả, hỏi han anh Hai đủ điều. Mẹ tôi báo tin vui:

          “Vợ mi mới sinh khi sáng, một thằng con trai!”

           Quên hết những chuyện kinh hoàng đã và đang xảy ra, anh chạy ào vào buồng với vợ con…

          Những nén nhang trầm lại được thắp lên, khói hương lan tỏa khắp nhà, gia đình tôi đã tề tựu đông đủ, không thiếu vắng ai, cũng không sứt mẻ trầy trụa người nào, ấy là cái phước đức lớn lao an ủi cho mọi người trong giờ phút ngoài đường, ngoài phố, khắp nơi trong tỉnh và cả nước đang rung chuyển đổi đời…

         Đêm đến, tiếng súng nổ đã ngớt.

         Ngoài đường, và khắp nơi trong thành phố, những dòng người rầm rập ngược xuôi. Một số kẻ lợi dụng tình hình đi hôi của. Họ vơ vét bất cứ cái gì. Những con người điếc không sợ súng ấy đã quên hết mọi hiểm nguy có thể xảy đến với bất cứ ai, khi mà thành phố đang đợi chờ từng giây, từng phút được trông thấy hình bóng của những  người  mới về nắm giữ chính quyền.

          Anh Hai tôi cũng thuộc loại người điếc không sợ súng. Súng còn chưa sợ, nói gì đến lời khuyên răn của mẹ, lời nhắc bảo cảnh tỉnh của cha. Anh Hai xách súng chạy ra khỏi nhà, nhập vào dòng người đi vơ vét của cải. Anh Hai không đi đâu xa, chỉ đến tiệm tạp hóa ở đầu đường, tiệm Tân Hoa, dùng súng bắn nát ổ khóa cửa sắt, rồi một mình lẳng lặng khiêng mang đủ thứ về… Mẹ tôi mắng:

          “Mi lấy của thiên rồi sẽ trả cho địa!”

            Anh Hai tôi lạnh lùng đáp trả:

           “Vợ con của con đang khát thèm mọi thứ. Con phải lo cho đứa con trai đầu lòng. Những thứ con mang về, sẽ là vốn liếng sinh sống, con sẽ biến nó lớn lên, lâu dài và không mất đi đâu được. Con không hôi của, người khác cũng hôi!”

           Mẹ tôi nạt:

            “Nhưng đó là tội lỗi! Mi nhìn lại Ba mi mà xem, là viên chức cấp cao của Tòa Hành Chánh Tỉnh mấy mươi năm ròng, vậy mà không bao giờ sờ đến những lợi lộc, những đồng tiền không phải là của công sức mình làm ra, một đời thanh bạch đi làm hằng ngày bằng chiếc xe đạp mà vẫn nuôi nấng lo chu toàn cho cả gia đình đó, thấy chưa?”

            Anh Hai cũng không chịu sai:

            ”Người ta khiêng vác rầm rầm kia. Con không lo tương lai cho vợ của con, đó mới là tội lỗi!”

            Cha tôi bất bình hỏi:

             “Nhà người ta có người hay không, mà mi vào ngang nhiên như ăn cướp rứa?”

              Anh Hai tôi ngập ngừng giây lát thưa:

             “Chỉ có ba, bốn người đàn bà núp trong nhà. Có một người cũng mới sinh xong được một tuần qua. Con đâu đụng chạm gì đến họ, con cũng mở lời xin đàng hoàng, và họ cũng đồng ý cho rõ ràng, chứ đâu phải con ăn cướp?!”

            Cha tôi nặt:

             “Quá cha ăn cướp. Người ta là đàn bà yếu tim, mi cầm súng vào tận nhà, xin gì họ lại không cho!”

             Mẹ tôi quay quắt bước đi, giận trách:

             “Rồi mi sẽ nhận lấy hậu quả khi mang những thứ của phù vân nay về nhà!”

              Anh Hai tôi cười khẩy, tiếp tục bước ra khỏi nhà, suốt đêm làm con kiến cần cù lên đường tha mồi về tổ… cho đến sáng.

          Những ngày đầu thành phố đã có những chủ nhân mới đến tiếp nhận và cai quản, anh Hai tôi ra đầu thú, nộp giao vũ khí. Nhờ có bác họ tôi là một “cán bộ cách mạng  nằm vùng”, đứng ra bảo lãnh với lý do chị Hai tôi mới sanh con trai đầu lòng, nên anh Hai tôi khỏi phải đi học tập cải tạo. Anh Hai tôi chỉ là một lính bộ binh quèn, binh nhì đồ họa, nên cũng được chính quyền xét chính sách cho qua, nhờ vậy anh chỉ học tập cải tạo hai mươi hai ngày tại địa phương. Không những không bị kết tội, anh còn được biểu dương khen ngợi vì buổi sáng ngày 2 tháng 4, khi ban quân quản được thành lập, anh đã tham gia vào lực lượng bảo vệ, giữ gìn trật tự trị an cho thành phố, bắt giữ những tên cướp hung hãn, ngăn chặn những kẻ phá hoại, cướp bóc. Có nhiều người làm chứng cho anh Hai tôi chuyện này. Cái công lấp cái tội. Không ai biết chuyện anh Hai tôi đã một mình phá cửa vào tiệm tạp hóa Tân Hoa, mang về cả kho hàng hóa cất giấu trên gác. Chỉ trừ những thành viên trong gia đình tôi, và những người đàn bà có mặt trong tiệm Tân Hoa kia.

       Cha tôi lo lắng, thấp thỏm về chuyện này rất nhiều, cứ gặng hỏi anh Hai tôi luôn. Cuối cùng, anh Hai phải thú nhận: khi anh phá cửa vào, trong nhà không có ai trừ một thiếu phụ đang “nằm ổ”. Anh Hai có dò hỏi thì được biết cả gia đình đã sơ tán chạy vào Sài Gòn. Người thiếu phụ mới sinh được đứa con gái đầu lòng non một tháng, không chịu đi, nhất quyết ở lại giữ nhà, đợi người chồng là một thiếu úy quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang ở Tây Ninh chưa về được. Cả nhà nghe vậy thì thở phào, bớt lo.

         Khi cuộc sống đã bình lặng, thành phố đi vào nền nếp sinh hoạt mới, hít thở không khí độc lập tự do, qua dò hỏi lân la, anh Hai tôi báo cho mẹ tôi hay: Nhà Tân Hoa hoàn toàn vắng chủ, đã được trưng dụng làm trụ sở Ban nhân dân khóm. Chuyện hôi của mà anh Hai tôi một mình là thủ phạm, vậy là chìm nghỉm vào đáy lãng quên. Chỉ có gia đình tôi hay biết, và trời biết. Nhưng mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc:

        “Của thiên sẽ trả cho địa.”

          Cha tôi cũng ậm ừ phụ họa mẹ:

          “Không trả trước cũng trả sau, không chóng thì chầy. Mi hãy lo tu nhơn tích đức cho con cháu, Hai à!”

          Anh Hai tôi gạt bỏ ngoài tai những lời khuyên lơn của cha mẹ, bắt đầu nhảy ra chợ trời kinh doanh buôn bán. Khi chị dâu tôi đã mạnh chân mạnh cẳng, cháu tôi đã biết đi biết chạy, thời gian trôi đi vùn vụt, nhìn quanh thấy nhiếu người đói khổ, nhiều nhà tan tành cơ nghiệp đến trắng tay, thì vợ chồng anh chị Hai tôi được sung túc, dư dả nhờ quầy hàng tạp hóa. Anh Hai tôi có trong tay số vốn liếng khá lớn, phát triển thêm một sạp bán phụ tùng xe đạp. Thời bấy giờ, được buôn bán những mặt hàng thiết yếu ấy thì cứ là hốt bạc mà xài. Từ số vốn hôi của ban đầu, anh Hai tôi xây dựng được một cuộc sống vững vàng, ấm cúng cho vợ con đến mãi tận sau này…

           Hai mươi lăm năm trôi qua, anh Hai tậu được căn nhà riêng, mở tiệm bách hóa gần ngã tư phố xá nhộn nhịp.Vợ cùng ba đứa con của anh sống khỏe và sung túc. Gia sản của anh Hai ngày càng lớn hơn, nhiều hơn. Anh đã có dâu hiền, con ngoan quây quần bên mình thật hạnh phúc. Cha mẹ tôi đã không còn sống đến hôm ngày hôm ấy, hai mươi lăm năm sau ngày đất nước thay đổi chế độ, từ Cộng Hòa chuyển sang Cộng Sản...

          Thành phố biển hiền hòa sống trong hòa bình và phát triển…

          Nhưng riêng gia đình tôi, cái gì phải đến thì nó sẽ đến.

          Chuyện đã đến cách đây đã 15 năm, bây giờ tôi mới dám hé lộ cho mọi người biết, chỉ để nhấn mạnh và làm sáng lên về nhân quả báo ứng mà nhà Phật luôn luận thuyết vạch bày biết bao đời…

           Đứa con dâu trẻ trung khờ khạo của anh Hai vào buổi tối khi phố xá đã thưa thớt người đi lại, tiệm bách hóa đã đóng cửa, trong một lúc bất cẩn với bình xịt muỗi gián, đã xịt ngang qua chiếc đèn dầu nơi bàn thờ ông địa đặt dưới đất ở góc cửa tiệm, thuốc bắt lửa phụt cháy. Hoảng kinh, cô ném chiếc bình vụt khỏi tay, lửa cháy qua hàng hóa, lan nhanh trong tiếng kêu cứu thất thanh quá nhỏ của người gây ra hỏa hoạn. Ngọn lửa tàn bạo. Ngọn lửa dã man. Ngọn lửa không chút nương tình đã đốt nung cửa tiệm của anh Hai tôi, cháy rụi hàng hóa, đồ đạc. Vợ chồng, con cháu gia đình anh Hai chỉ kịp cứu lấy thân mạng của mình. Khi xe cứu hỏa đến, ngọn lửa đang lan qua hai nhà kế bên, may dập tắt kịp. Cháy sạch, mất trắng, căn nhà của anh Hai, cửa tiệm của anh Hai, sau hai mươi lăm năm nỗ lực gây dựng đã tan thành mây khói. Anh Hai lạc hồn ngay đêm ấy, và sáng ngày hôm sau trở thành một cái xác biết lê gót trên hè phố. Người ta chỉ biết anh Hai tôi điên vì tiếc của. Riêng tôi lạnh người khi chợt nghĩ ra rằng anh Hai tôi đang bị quả báo, anh lấy của thiên phải trả cho địa. Anh Hai đã trắng tay. Vợ con của anh cũng lâm cảnh ngặt nghèo trong mười lăm năm qua…

         Có một điều mà từ lâu chỉ mỗi mình tôi khám phá ra, biết được nhưng không dám tiết lộ cùng ai.

          Tôi chỉ có thể nói ra điều này cho cha mẹ tôi hay, nhưng rất tiếc là ông bà không còn hiện hữu trên thế gian ô trọc này.

          Tôi cũng có thể nói ra cho anh Hai tôi biết vào lúc anh đang trong cơn điên loạn. Nhưng nói ra chẳng ích lợi gì, và lại quá muộn màng.

          Đó là, tôi tình cờ biết được khi đám cưới thằng cháu tôi được tiến hành. Tôi nghe người này người nọ nói về nhà gái, tôi lạnh mình hoảng sợ, nhưng rồi nín thinh. Anh Hai tôi không hề hay biết, không nhớ nổi người sui gia của mình. Bên sui gia của anh Hai chắc cũng quên mất. Đám cưới được tổ chức vui vẻ, thông suốt, cô dâu chú rể cùng tuổi, xứng đối vừa lứa. Tôi lặng thinh, im bặt như hũ nút từ nhiều năm qua. Nếu bây giờ tôi tiết lộ điều bí mật ấy cho anh Hai tôi, anh sẽ được tỉnh táo sáng suốt như xưa, thì tôi sẽ mạnh dạn đến bên anh, hét vào tai anh rằng:

         “Con dâu của anh là đứa nhỏ con của thiếu phụ ở tiệm tạo hóa Tân Hoa cách đây bốn mươi năm về trước đó!”

           

                                                   MÃN ĐƯỜNG HỒNG

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/11/2018(Xem: 3581)
Những năm cuối của thế kỷ 20, “Bến Xe Ngựa” ngay trước nhà tôi đã di dời vào “Bến Xe Lam” gần chợ từ lâu, trả lại một con đường bị chiếm dụng sau nhiều năm tháng đầy kỷ niệm tuổi ấu thơ của tôi, và lũ con nít xóm Chùa.
05/11/2018(Xem: 3972)
Tôi và chị chưa hề một lần gây thù chuốc oán với nhau. Vậy mà không hiểu sao ngay từ ngày chạm mặt đầu tiên ở trụ sở Hội Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh, bỗng dưng tôi thấy ghét chị thậm tệ. Và nhìn ánh mắt, vầng trán nhăn nhíu, điệu bộ của chị khi đứng gần tôi vào lúc cuộc họp chuẩn bị khai mạc, tôi cảm nhận, thấy biết được chắc chắn rằng chị cũng chẳng ưa gì tôi, có thể là ghét cay ghét đắng tôi, còn hơn cái mức mà tôi ghét chị.
04/11/2018(Xem: 4599)
Có bao giờ bạn nghĩ đời sống vợ chồng cũng là một nghề không? Chắc chắn mọi người đều nghĩ vợ chồng là chuyện tình cảm yêu đương, cớ sao lại gọi là một nghề?... Vào ngày 7 tháng 1 năm 2008, có một người Mỹ gốc Việt, 38 tuổi đã ném bốn đứa con nhỏ từ bốn tháng đến ba tuổi trên một chiếc cầu tại tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ. Theo tin tức thì hai vợ chồng anh thường cãi nhau suốt ngày, hầu như không ngày nào mà hàng xóm không nghe vợ chồng anh to tiếng mắng chửi nhau. Ngoài việc xung đột, bất đồng ý kiến với vợ, anh còn uống rượu và xài thuốc kích thích, nên không kiềm chế nổi cơn sân. Vào ngày nói trên, sau khi cãi nhau với vợ, anh xách bốn đứa con lên xe và đem ra cầu liệng xuống sông, sau đó cảnh sát đã tìm ðược xác của bốn đứa trẻ này. Khi ra tòa anh ðã thú tội và nhận án tử hình.
03/11/2018(Xem: 7720)
Mười câu chuyện sức mạnh của chân thật và nguyện cầu chân lý Trích từ Tiểu Bộ Kinh Nikàya thay-tro Tâm Tịnh cẩn tập Chuyện tiền thân số 422 của Tiểu Bộ Kinh kể rằng trong thời tối sơ, con người sống thọ đến một A tăng kỳ. Tương truyền đó là thời mọi người trên thế gian đều nói thật, người ta không biết từ "nói dối" nghĩa là gì cả. Một hôm, Vua ban chiếu chỉ cho các thần dân tập trung trước sân chầu để nghe Vua nói dối. Mọi người đều ngơ ngác và hỏi, “Nói dối là gì? Nói dối là vật gì? Có màu gì? Màu xanh, hay màu đỏ”. Thời đó, con người có sắc thân rất tuyệt mỹ, toát ra mùi thơm của hoa chiên đàn, miệng có mùi thơm của hoa sen, là nhờ quả hành nghiệp chân thật, nói lời chân thật trong tiền kiếp.
02/11/2018(Xem: 3101)
Cả đám bảy, tám đứa tuổi choai choai đang quây quần nhậu nhẹt hò hét, làm huyên náo cả cái thôn vắng vẻ nằm ven biển. Những nhà ở gần đó không ai nghỉ ngơi, chợp mắt ngủ trưa được sau một buổi quần quật với công việc làm. Không ai dám hé môi động răng lên tiếng trước cái đám “quỷ sống” nổi tiếng là “quậy tới bến” này, dù là lên tiếng van lơn năn nỉ chứ không phải răn đe khuyên bảo…
01/11/2018(Xem: 3508)
Thạch đến chơi nhà tôi thường xuyên vào mỗi buổi chiều. Nói là chơi, thật thì lúc nào Thạch cũng đem bài vở đến cùng học và trao đổi ý kiến, chỉ khi xong xuôi bài vở mới ngồi tán gẫu với nhau. Mẹ tôi rất thương Thạch, bà yên tâm khi tôi kết bạn với một người hiếu học, hiền lành, lễ phép. Mẹ tôi cũng đã từng nghe mấy đứa bạn khác của tôi nói bóng nói gió có ý cặp đôi Thạch với tôi, nhưng bà bỏ ngoài tai, vì bà tin Thạch, cũng như tin con gái út của bà. Chỉ có một lần, không có Thạch, bà nhắc nhở tôi: “Con cứ theo thằng Thạch mà học như nó, đừng có ham chơi và giữ gìn đức hạnh thì có ngày con sẽ gặt hái những gì tốt đẹp nhất mà mình mong muốn!”
01/11/2018(Xem: 3390)
Nước Nga Bây Giờ Thích Như Điển Sau 25 năm, tôi đến lại nước Nga để thăm viếng lần nầy là lần thứ 6. Lần đầu vào năm 1994, nghĩa là mới chỉ sau 3 năm khi Liên bang các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết bị sụp đổ; Liên bang Nga - một hình thức nhà nước mới được ra đời, nơi mà đảng Cộng sản không đóng vai trò độc tôn trong xã hội nữa. Những tưởng rằng, thành trì của phe xã hội chủ nghĩa ấy vẫn vững như bàn thạch, nhưng ngờ đâu, sau hơn 73 năm (1917-1991) tồn tại đã sụp đổ hoàn toàn bởi cuộc cách mạng dân chủ Nga do Yelsin, Tổng thống Nga chủ trương.
28/10/2018(Xem: 3751)
Diễm và Liễn lấy nhau được đúng 5 năm, chưa có con, biến cố 30-04-75 đến, chồng Diễm khăn gói vào tù, lúc đó nàng vừa 23 tuổi. Ở nhà chỉ còn nàng và cụ Định 70 tuổi, thân phụ Liễn. Trước đây, cả nhà ba người chỉ sinh sống bằng đồng lương hạn hẹp, ít ỏi của Liễn. Nhờ Diễm biết tằn tiện, quán xuyến, lại không phải hạng người ham vật chất, đua đòi nên cuộc sống gia đình nàng tạm đủ. Đủ theo cái nghĩa biết đủ thì nó đủ. Nhờ thế, mái ấm gia đình nàng êm đềm hạnh phúc dù vắng bóng tiếng trẻ thơ.
24/10/2018(Xem: 3453)
Ký túc xá Trường Cao Đẳng Sư Phạm không phải tồi. Thậm chí còn rất khang trang so với nhiều ký túc xác khác. Từ đây lội bộ ra bãi biển thơ mộng chỉ chừng trăm mét, tha hồ mà hóng gió trong lành. Ấy nhưng, cuộc sống ở ký túc xá quá phức tạp, ồn ào dường như không chịu ngơi nghỉ, lại thường xảy ra những vụ cầm nhầm lấy lộn không chịu trả… Tôi và Hương, Lý, Thanh họp bàn với nhau, quyết định chung tiền tìm nhà trọ ở ghép ở riêng.
22/10/2018(Xem: 3924)
Một cú điện thoại gọi đến vào giấc trưa im ắng đã làm cả nhóm sinh viên chúng tôi giật bắn cả người. Thằng Tiên, trưởng nhóm gia sư, vồ lấy điện thoại với vẻ mặt háo hức. Tiếng đầu dây bên kia: “A lô, xin lỗi … có phải nhóm gia sư trường Đại học Nha Trang không ạ?” “Dạ phải! Dạ phải!”, thằng Tiên vừa đáp vừa nheo mắt nhìn chúng tôi. “À, tôi cần một gia sư thật gấp!” “Kèm lớp mấy ạ? Môn gì ạ?” “Lớp 5, môn Toán. Con tôi nó thích học cô giáo, có cô không?”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]