Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

27. Giả thăm bạn để thơ từ biệt vợ

15/10/201821:19(Xem: 6428)
27. Giả thăm bạn để thơ từ biệt vợ

te dien hoa thuong


Tế Công Hoạt Phật
(Tế Điên Hòa Thượng)
Đồ Khùng dịch
(bút hiệu của HT Thích Minh Cảnh)

***

Chương 27:
Giả thăm bạn để thơ từ biệt vợ

Cầu thỉnh Tế Công bói quẻ tìm chồng



Có thơ rằng:

Áo gấm vui chơi chả về nhà 
Gia nhân mặt ngọc đợi hầu trà

Nội viện kín sâu người chẳng thấy

Cách rèm nở thắm một cành hoạ

Cao Quốc Thái về lại núi Thành Hoàng vẫn ở căn nhà cũ. Một buổi tối, ngồi đối diện với vợ, Quốc Thái nói:

- Nàng ơi, ngày mai tôi sẽ đi thăm bạn.

Lục thị nói:

- Ngày mai chàng đi xa, tôi còn 200 tiền đây. Tiền này là của bà cô cho tôi để mua kim chỉ thêu, chàng cầm đem theo để uống nước.

Nói rồi lấy tiền đưa ra.

Quốc Thái cầm lấy tiền, mặt có sắc hổ thẹn, nói:

- Thôi, nàng đi nghỉ trước đi.

Lục thị đi ngủ trước. Còn lại một mình Quốc Thái ngồi bên đèn, ngơ ngẩn hồi lâu rồi ngửa mặt lên trời thở dài thườn thượt. Lòng rối như tơ, thật là khó nghĩ. Cầm viết viết một mạch ba trang giấy, để dưới nghiên mực. Trong khi đợi trời sáng, muốn đánh thức Lục thị dậy, nhưng lại sợ sinh ồn náo lên, bèn đứng dậy, bước ra ngoài dằn lòng đi ra.

Trong am có một ông già tên là Phùng Thuận lo việc nhang khói trong điện Phật, tuổi ngoài 60, thường dậy rất sớm quét dọn xung quanh. Thấy Cao Quốc Thái đi ra, Phùng Thuận hỏi:

- Cao tiên sinh hôm nay có việc gì dậy sớm thế?

Cao Quốc Thái nói:

- Xin lão trượng làm ơn mở giùm cổng ngoài, tôi muốn xuống núi đi thăm bạn.

Phùng Thuận mở cổng, Cao Quốc Thái vội vã đi xuống núi. Khi Lục thị tỉnh dậy không thấy chồng đâu, giật mình kinh sợ, vội chạy ra các chỗ bên ngoài tìm kiếm. Nghe Phùng Thuận nói Cao tiên sinh đã đi hồi sớm rồi, Lục thị mới trở về nhà tìm kiếm. thấy ba tờ giấy chồng để lại trên bàn mà thôi. Tờ thứ nhất đề là:

Thời suy vận bỉ sống lầm than

Hổ phận làm trai gởi ni am

Cửa Phật thương tình hằng cửu giúp

Tránh sao miệng thế khỏi chê gièm.

Lục thị xem ý bài thơ này là tự trách thân mình vì nghèo khổ không thể lập nghiệp nuôi thân, phải cùng vợ đem than tá ngụ Ở ni am. Điều đó trách sao miệng thế khỏi cười chê?

Lại xem đến bài thơ thứ hai:

Đất khách ra đi chẳng hẹn về

Sống chết từ nay tự liệu bề

Duyên số kiếp này đành đứt đoạn

Ân tình kiếp khác hẹn phu thệ

Lục thị xem thấy bài thơ này là lời tuyệt vọng, lần này ra đi không hẹn ngày trở lại, chết sống không hẹn trước, đại khái kiếp này chẳng mong đoàn tụ, họa may duyên nối kiếp lai sinh mà thôi.

Cầm bút lưu thơ dạ cảm hoài

Trách mình tài vụng dám hờn ai

Nhắn nhủ hiền thê xem gẫm kỹ

Kiếp sau xin hẹn vẽ đôi mày.

Lục thị xem thơ xong cất tiếng khóc rống, lòng dạ rối bời. Đương lúc quá buồn thảm đó, lão ni lại đến hỏi:

- Con ơi, tại sao buồn khổ quá vậy?

Lục thị mới đem việc Cao Quốc Thái để thơ lại rồi ra đi, chắc là phen này mười phần chết chín quá. Lão ni cô nói:

- Con ơi, đừng quá lo chi, ta có chủ ý đây. Hiện tại ở chùa Linh Ẩn bên Tây Hồ có Ngài Tế Công, ấy là vị Phật sống đương thời, đoán biết hết mọi việc quá khứ vị lai. Để ta bảo Phùng Thuận sang đó mời Ngài đến đoán giùm xem Cao tiên sinh đi đâu, sống chết ra sao, rồi cho người đi mời về cho con là xong.

Lục thị lật đật nói:

- Thế thì nên cho người đi mời thỉnh Tế Công ngay đi.

Lão ni cô liền sai Phùng Thuận xuống núi đi thỉnh Tế Công.

Lần thứ nhất đến chùa Linh Ẩn, Tế Điên lại đi khỏi.

Lần thứ hai đi thỉnh gặp nhằm lúc quan binh đang vây chùa Linh Ẩn. Lần thứ ba đi thỉnh, Phùng Thuận hỏi thăm thì Tế Điên bị người của Thừa tướng bắt trói dẫn đi. Nhân đó, công việc lần lữa bị trễ lại năm, bảy ngày. Ngày kia, Phùng Thuận lại xuống núi đi thỉnh Tế Điên, thì gặp lúc Tế Điên cùng Triệu Văn Hội và Tô Bắc Sơn đang đi tới. Phùng Thuận vội chạy đến thi lễ, nói:

- Thưa sư phụ, Ngài mới đến đấy à, tôi liên tiếp lên chùa mấy lần tìm Ngài mà không gặp, hôm nay may mắn gặp Ngài ở đây. Bây giờ sư định đi đâu?

Tế Điên nói:

- Ta muốn lên tìm lão ni sư của ông đây. Chúng ta đến đó để gởi một người đi xuất gia.

Phùng Thuận nói:

- Thế thì hay, hay lắm! Lão ni của chúng tôi định thỉnh sư phụ đến có việc cần.

Triệu Văn Hội và Tô Bắc Sơn hỏi:

- Hôm nay trên ni am có việc gì cần kíp thế?

Phùng Thuận mới đem việc Cao Quốc Thái đầu đuôi thuật lại kỹ càng.

Mọi người cùng nhau trở về am. Phùng Thuật đi trước dẫn đường. Về đến am, thẳng vào viện phía Tây ngồi nghỉ. Viện phía Tây này có ba dãy Đông, Tây và Bắc, mỗi dãy đều có ba gian. Phùng Thuận và mọi người cùng tiến về phòng Bắc.

Triệu viên ngoại nhìn kỹ thấy trong phòng rất sạch sẽ, sát tường phía Bắc có một cái bàn dài, bên trên chất đầy những kinh sách. Phía trước có một cái bàn bát tiên với hai ghế ở hai bên. Tế Điên đến ngồi vào chiếc ghế ở đầu bàn, Triệu Văn Hội ngồi ở cuối bàn, Tô Bắc Sơn lại ngồi ở một bên. Ngay trên vách đối diện có câu đối chữ viết rất đẹp, chính giữa lại có một bức đại tự, viết bài thơ:

Ưa thích thanh nhàn lánh tục xa

Dựa sườn khiêm tốn một lư gia

Nửa mẫu ao sen soi bóng nước

Mấy mươi gốc liễu, bụi tre già

Rượu xuân nồng ấm say lòng khách

Đêm tối đèn hồng sách quến ta

Khóa lợi dàm danh toàn bỏ mặc

Băng tâm một mảnh sạch không tà.

Hai bên lại có câu đối đề là:

Non xanh chẳng đổi ngàn năm họa

Nước biếc trôi dài vạn cổ thị

Bên dưới đề là: Kẻ tài vụng Cao Quốc Thái.

Tô Bắc Sơn xem xong, nói:

- Bạch Thánh tăng, Ngài xem Cao Quốc Thái thật là phong lưu tài tử đấy chớ. Lời Phùng Thuận nói quả thật không sai. Ngài xem câu đối này và bút tích đẹp quá. Bạch Thánh tăng, xin Ngài đại phát từ bi tìm Quốc Thái về, tôi sẽ tìm học quán thành toàn cho anh ấy. Đợi đến kỳ đại thí, tôi sẽ tặng cho tiền bạc để anh ấy lập chữ công danh.

Tế Điên nói:

- Được đó, đây cũng là công đức của viên ngoại.

Đang nói tới đó, lão ni cô Thanh Tịnh dẫn các đồ đệ và cháu gái cùng đến tham kiến Thánh tăng và nói:

- Xin Thánh tăng đại phát lòng từ bi chọ Đây là Lục Tố Trinh, cháu gái của đệ tử. Nhân vì chồng nó là Cao Quốc Thái lưu ngụ trong Ni am, bỏ đi không nói lời từ biệt đã ba bốn hôm rồi. Xin Thánh tăng đại phát lòng từ bi chiếm cho một quẻ.

Tế Điên nói:

- Cái đó dễ mà! Hôm nay bọn ta cứu được một người, nàng ta là con gái nhà danh giá lầm sa vào chốn yên hoa. Ý nàng ta muốn xuất gia, nên bọn ta định đưa đến đây để lão ni thâu nhận làm đệ tử đấy.

Lão ni cô nói: Sư phụ đã dạy, đệ tử xin vâng theo.

Triệu Văn Hội nói:

Lát nữa cô ấy sẽ đến. Tôi xin cúng nhang khói cho chùa hai trăm lượng bạc.

Lão ni cảm ơn Triệu viên ngoại, lại day qua Tế Điên:

- Xin Thánh tăng từ bi chiếm cho một quẻ, xem Cao Quốc Thái hiện ở đâu?

Tế Điên vỗ vào linh quang ba cái, rồi nói:

- Chao ôi, thôi rồi, thôi rồi!

Lục thị đứng ở một bên nghe vậy sợ xanh cả mặt, lắp bắp nói:

- Xin Thánh tăng từ bi lập cách cứu giùm, cứu giùm!

Thanh Tịnh lão ni cũng năn nỉ hết mức.

Tế Điên hỏi:

- Bây giờ là mấy giờ rồi?

Phùng Thuận đáp:

- Hiện giờ đã sang đầu giờ Ngọ.

Tế Điên nói:

- Người này hiện cách đây 180 dặm. Đến chừng mặt trời lặn, người ấy sẽ bị tai nạn mất mạng như không.

Tô Bắc Sơn nói:

- Thưa sư phụ, xin Ngài ra tay tế độ giùm.

Tế Điên nói:

- Khi ta tìm được người ấy trở về, ông phải tìm giùm một chỗ ở học quán nhé.

Tô Bắc Sơn nói:

- Đệ tử xin hứa giúp điều đó.

Tế Điên nói:

- Ông phải phái một gia nhân cùng đi tìm với ta và đem theo 200 lượng bạc làm lộ phí mới được.

Tô Bắc Sơn kêu:

Này Tô Lộc, ngươi đi mau về kho bạc lấy theo 200 lượng bạc, đi cùng với Thánh tăng tìm Cao tiên sinh nhé!

Thanh Tịnh lão ni nói:

- Này Phùng Thuận, ông cũng cùng đi với Tế Công nhé!

Lục thị cúi đầu cám ơn rối rít.

Tế Điên nói:

- Triệu Văn Hội và Tô Bắc Sơn! Hai ông chờ Doãn Xuân Hương đến, đưa cô ấy xuất gia rồi hãy về nhé!

Hai vị viên ngoại vâng dạ.

Tô Lộc đem bạc đến. Tế Điên cùng hai người ra khỏi Thanh Tịnh am. Khi tới chân núi, Tế Điên bước tới ba bước, bước lui ba bước. Tô Lộc nói:

- Sư phụ Ơi, bộ Ngài lẫn rồi sao? Chúng ta phải đi 180 dặm mà Ngài đi như vậy cả đến 8 dặm cũng khỏi tới được đó. Đi cách đó làm sao tới được? Xin Ngài đổi cách đi khác đi!

Tế Điên nói:

- Đổi thì đổi, có khó gì!

Nói rồi đổi bộ đi tới hai bước, sụt lui ba bước.

Phùng Thuận cười lên, nói:

- Sư phụ Ơi, Ngài đi lộn trở về rồi đó. Đi cách đó làm sao tới được?

- Ờ, được, ta đi nhé!

Nói rồi co giò chạy mau tới trước, chớp mắt không thấy đâu. Hai người lật đật chạy theo, chạy mãi đến hai ba dặm, mồ hôi ra ướt cả mình, nói:

- Bọn mình vô khu rừng kia tạm nghỉ đi!

Hai người vừa bước vào rừng, Tế Điên hỏi:

- Hai vị mới tới hả?

Hai người đáp: 

- Bọn tôi mới tới chưa nghĩ ngơi tí nào. Sư phụ tới đã lâu chưa?

- Ta tới đây ngủ được hai giấc rồi đó. Cặp giò đó có phải của hai ông không?

Hai người đáp:

- Cặp giò của chúng tôi dính liền với thân, không phải của chúng tôi còn của ai nữa!

Tế Điên nói:

- Nếu là của hai ông thì khi ta niệm chú nó phải chạy nhé!

Phùng Thuận nói:

- Được, được. Sư phụ cứ niệm đi!

Tế Điên thấy hai người đều đứng yên, nói:

- Ta niệm chú đây nhé!

Nói rồi trong miệng niệm lẩm nhẩm: "Án ma ni bát mê hồng. Án sắc lịnh hích!". Tức thì thân hai người không tự chủ được, cặp giò tự động chạy như bay tới trước.

Tô Lộc kêu lên:

- Sư phụ Ơi, không xong rồi! Trước mặt cây giăng giăng, đụng vô chắc chết quá!

Tế Điên nói:

- Không sao đâu! Có ta đây mà, tới đó không đụng chạm gì đâu!

Quả nhiên hai người chạy đến đó luồn qua kẻ hở chạy tuốt.

Hai người đang chạy bỗng thấy từ trong xóm đi ra một người, trên tay cầm một cái chén. Tế Điên nhướng mắt lên xem, thì ra đó là tên nghịch tử. Người này họ Ngô tên Vân, là con của một quả phụ. Hôm nay nhà ăn bánh hỏi, mẹ hắn đã sửa soạn xong xuôi. Khi Ngô Vân về nhìn vào thấy không có giấm, bèn nổi giận, nói với mẹ hắn:

- Má sao càng già càng dốt, nhà ăn bánh hỏi sao bà không mua giấm? Bà thiệt hết xài mà!

Tuy giận lắm nhưng bà mẹ vẫn không trả lời. Hắn nói lầm bầm, rồi cầm chén ra cửa đi mua giấm. Gặp Tế Điên, bị chỉ một cái, Ngô Vân tức thì giở chân chạy luôn theo bọn Phùng Thuận.

Sợ quá hắn kêu lên: Tôi không có đi hướng này mà! Tại sao lại kỳ vậy? Cặp giò này bữa nay bộ điên rồi chắc?

Ba người nghe bên tai tiếng gió vù vù, phảng phất như tuôn mây lướt gió, băng băng đi tới trước. Thấy trước mặt con sông nước trắng xóa, Tô Lộc vội kêu:

- Thánh tăng ơi, cho tôi ngừng lại đi! Phía trước là con sông đó, đâm xuống chắc chết quá!

Tế Điên nói:

- Không sao đâu! Ráng phóng mình tới là qua ngay!

Khi tới bên sông, ba người vẫn lướt băng băng, tức thì qua bờ bên kia ngaỵ Tô Lộc nghĩ: "Chạy như vậy không xong rồi, ta phải tìm một gốc cây ôm cứng lại mới được!". Mới nghĩ xong, vừa hay gặp một gốc cây, Tô Lộc vội ôm cứng lại, bèn té đánh huỵch xuống đất. Phùng Thuật và người mua giấm cũng té nhào theo.

Tế Điên vừa đi tới, nói:

- Ba người dậy đi chớ!

Ba người nói:

- Bọn tôi dậy không được.

Tế Điên móc ra một viên thuốc chia cho ba người uống. Ba người cảm thấy thân thể hoạt động lại bình thường, có thể đứng dậy được.

Ngô Vân ngơ ngác lặng thinh! Từ phía kia có một người bộ hành đi tới.

Tô Lộc hỏi:

- Xin ông cho hỏi thăm, đây là nơi nào vậy?

Người kia đáp:

- Đây là Tiểu Lưu Thôn. Các vị định đi đâu đó?

Tô Lộc nói:

- Bọn tôi từ thành Lâm An đi đến huyện Dư Hàng.

Người kia nói:

- Các vị đi phải rồi đó. Nơi đây cách huyện Dư Hàng chỉ có 20 dặm thôi.

Ngô Vân nghe nói, kêu lên:

- Trời ơi, trời! Rồi cầm cái chén quăng bể nát. Bánh hỏi không được ăn mà phải đi xa hơn 200 dặm đường. Bây giờ tôi làm sao mà trở về được nè trời!

Tế Điên nói:

- Để ta làm phép đưa ngươi về.

Ngô Vân nói:

- Thôi, thôi! Đừng có làm phép nữa, tới nhà tôi đứng lại không được, chạy tuốt lên miền Bắc Tái rồi làm sao về được! Để tôi về một mình cho xong.

Tự hắn về hết hai ngày một đêm mới tới nhà. Từ đó hễ thấy hòa thượng đi hóa duyên là hắn chạy trốn, vì sợ gặp lại hòa thượng kiếc như xưa thì thêm khổ.

Tô Lộc nói với Tế Điên:

- Bây giờ chúng ta đi tiếp lên huyện Dư Hàng tìm Cao tiên sinh chớ?

Tế Điên đáp:

- Phải đó.

Ba người lại tiếp tục lên đường.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4824)
Vào mùa xuân năm 1993, một bà mẹ người Anh 40 tuổi đang sinh sống với chồng và hai con ở thành phố Northamptonshire Anh quốc đã đoàn tụ ...
10/04/2013(Xem: 5508)
Thượng tọa Thubten Zopa Rinpoche, sáng lập viên Hội Bảo vệ Truyền thống Phật giáo Đại thừa (năm 1975, văn phòng trung ương đặt tại bang ...
10/04/2013(Xem: 4810)
Mỗi lần Tết đến, tôi lại ngồi bần thần nhớ mạ. Tuổi thơ tôi nơi làng cát nghèo khuất lấp góc biển xưa, một năm ròng bao giờ cũng đau đáu mong ...
10/04/2013(Xem: 4147)
Linh mục Phero Chấn ra biển rất sớm, thói quen từ ngày cha về dưỡng lão tại trại của dòng Ða Minh, tuy nhiên,nơi đây, các LM triều vẫn được an ...
10/04/2013(Xem: 4920)
Nhà tôi cố bốn anh em. Trong bốn anh em, cái Giang được bố mẹ tôi cưng chiều nhất. Mà chả cứ bố mẹ, cả ba anh em tôi đều quí và chiều nó. Như ...
10/04/2013(Xem: 4933)
Ngày xưa ở thành Xá Vệ nước Ấn Độ, đức Phật đến hóa độ cho một gia đình kia, hai vợ chồng đều có tánh tham lam độc ác, không biết tôn trọng đạo đức....
10/04/2013(Xem: 4562)
Mẹ nhìn đồng hồ mãi. Mẹ mong con từ chiều mà bây giờ đã hơn 10 giờ khuya. Mỗi phút trôi qua, mẹ càng thấy thỏm lo âu, đầu nặng như treo đá...
10/04/2013(Xem: 4864)
Đang đọc báo ông Hải chợt thấy bóng mấy đứa trẻ lấp ló ngoài cửa phòng, ông đằng hắng giọng và hỏi : Ai đó có chuyện gì không, mấy đứa nhỏ thì thào rồi im lặng, thấy vậy ông độ chừng chắc tụi nó sợ nên ông bước ra hỏi chuyện gì đó mấy cháu, nào các cháu cần ông giúp việc gì đây? Bé Lan lại đây với ông nào, còn An, Mai,Hùng và Tâm cùng lại đây các cháu đã vào trung học rồi, làm sao hôm nay lại rụt rè thế, bộ các cháu không ngoan bị cô giáo rầy phải không?An vội lên tiếng không phải vậy đâu ông ơi, cô giáo khen chúng cháu học tốt và hạnh kiểm tốt nữa đó.
10/04/2013(Xem: 4236)
Cách thị trấn năm dặm về hướng tây là một cánh rừng rậm bọc quanh một ngọn núi cao ngất. Ngọn núi sừng sững trấn ngự một phương trời như một ...
10/04/2013(Xem: 4707)
Người tài xế bặm môi nhíu sát hai lông mày vào nhau. Những nếp nhăn hằn lên, khổ sở. Tôi chong mắt nhìn ra trước xe. Những cánh đồng trải ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]