Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những người muôn năm cũ...

07/01/201806:17(Xem: 7743)
Những người muôn năm cũ...

Những người  muôn năm cũ...      

Lê Tự Hỷ (Atlanta, Hoa Kỳ)


        Sau mỗi lần có dịp viếng thăm các chứng tích như tượng đài, lăng mộ, viện bảo tàng, nhà lưu niệm, ..., của những nhân vật mà cuộc đời phần nào liên quan đến đời sống vật chất hay tinh thần,  sự thịnh suy ,... của một nhóm người, một dân tộc, một vùng, một quốc gia,..., tôi ra về lòng những bâng khuâng với hai câu :
                      Những người muôn năm cũ
                      Hồn ở đâu bây giờ ?
trong bài thơ Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên.

        Bài thơ Ông Đồ luôn gợi cho tôi những mỹ cảm tuyệt vời : không những là hoài niệm về một quá khứ đẹp trong đời sống văn hóa của cha ông mà còn nhắc nhỡ về công đức của tiền nhân đối với sự tồn tại và quá trình sống cho đến hiện nay của chính bản thân mình.
       Chiều nay, tôi bâng khuâng, ngậm ngùi nghĩ nhớ về những người đã từng có mặt trong những khoảnh khắc nào đó của đời mình : Hỡi “những người muôn năm cũ”, nếu không có sự hiện diện dù thoảng qua hay dài lâu của các vị trong dòng đời của tôi thì hôm nay tôi ra sao , tôi có là như  tôi của giây phút hiện tại nầy không ?

vu dinh lien

       Trong miên man hoài niệm về quá khứ ấy, tôi chợt nghĩ đến tập lưu trữ những giấy tờ của gia đình mình trong nhà con trai. Mở ra, tôi cầm lên tờ khai sinh của mình. Trong đời mình, chắc các bạn cũng vậy, đã bao lần tôi từng lấy một tờ giấy khai sinh ra đề đính kèm vào một tập hồ sơ  nào đó  như nộp đơn xin nhập học, nộp hồ sơ thi cử, hồ sơ xin việc làm,..., và có khi nộp đơn làm tủ tục kết hôn ! Nhưng tôi và có lẽ bạn cũng thế, chưa bao giờ đọc kỹ tờ khai sinh của mình ! bởi vì chúng ta chỉ nghĩ rất đơn giản và thực dụng : tờ khai sinh chỉ để chứng minh người đứng tên trong hồ sơ là chính hắn chứ không phải ai khác, và chỉ để cho người kiểm tra hồ sơ đọc sơ qua chứ  đương sự đã biết rõ tên, ngày sinh, nơi sinh của chính mình, tên cha, tên mẹ như trong khai sinh thì đã “yên chí lớn” rồi, đọc làm gì nữa cho mất công!

     Nhưng lần nầy, có lẽ do mong sớm trở về thăm nơi chôn nhau cắt rốn nên dư âm của hai câu thơ trên đây của nhà thơ Vũ Đình Liên đã khiến tôi đọc kỹ tờ giấy khai sinh của mình. Đấy là tờ Chứng Chỉ Thay Giấy  Khai Sinh được Tòa Hòa Giải Hội An cấp ngày... tháng... năm... mà người đứng ra xin chính là mẹ tôi! Tôi bồi hồi cảm động xiết bao khi hồi tưởng lại một trời dĩ vãng nơi quê nhà xa ngái. Lúc bấy giờ đất nước ta đang thời kỳ chiến tranh chống Pháp. Hội An là tỉnh lị của tình Quảng Nam  nên mọi thủ tục giấy tờ của dân chúng vùng Pháp tạm chiếm phải làm tại Hôi An. Trong chiến tranh, giấy khai sinh của anh em chúng tôi đã bị thất lạc. Cha tôi đã mất, mẹ tôi đã lặn lội xuống Hội An để xin làm tờ Khai Sinh cho mấy anh em tôi. Thời buổi chiến tranh, đường đi không dễ, lại không quen việc thủ tục giấy tờ đối với một người đàn bà ở thôn quê, mà mẹ tôi đã tới Hôi An làm xong cái cơ sở pháp lý ban đầu để đưa tôi đi học.
        Ôi, me của con! : mẹ đã lo cho con trên vạn nẽo đường! Hồn mẹ không phải “ở đâu bây giờ” ! như câu thơ của Vũ Đình Liên, mà con tin chắc là hồn mẹ ở trong tờ khai sinh nầy, và vẫn theo con trên mọi nẽo đường dù nay con đã bao nhiêu tuổi, dù con đang ở đâu trên hành tinh nầy : trước bàn thờ ông bà, cha mẹ trong ngôi nhà mà cha mẹ xây dựng nơi con được chôn nhau cắt rốn, hay những lúc con đi học xa nhà, những lúc con đứng trên bục giảng tại Huế gần một phần tư thế kỷ, rồi ở Sài gòn-Tp Hồ Chí Minh, kể cả những lúc con rong chơi nơi xứ lạ quê người trong mùa đông với gió và tuyết hay như chiều nay trong mùa thu lá cây đang ngã qua màu vàng, đỏ, tía... thành những vùng rực rỡ, những ”Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” của thi hào Nguyễn Du  .

     Tôi đọc tiếp : người làm chứng thứ nhất là người bác thứ ba của tôi! Phải, mẹ tôi khi đi Hội An đã nhờ bác tôi đi làm chứng. Ôi những người bác của tôi.Tôi có 3 người bác. Tôi không còn nhớ một chút gì về người bác cao tuổi nhất vì bác đã mất khi tôi còn quá nhỏ. Người bác thứ hai tôi chỉ còn nhớ mang máng hình bóng mơ hồ về một người nông dân hay mặc bồ đồ nâu, và nhớ những kỉ niệm do mấy người chị tôi kể lại : bác thứ hai của tôi là một người chân chất, “thật thà như cục đất”, hẵn là như hầu hết các người nông dân quê mùa chất phác sinh vào cuối thế kỷ 19, đầu thé kỷ 20 ở nước ta. Bác thương mấy chị em chúng tôi lắm, mỗi khi đi làm về bác thường để dành cho chúng tôi một trái ổi, củ sắn, củ khoai, múi mít, một hai con dế, vài con châu chấu,...Ôi, những món quà chân quê từ tấm lòng thương mênh mông của bác là quí vô vàn với tuổi thơ tôi, và vẫn luôn lấp lánh trong kho tàng kỉ niệm về quê cha đất tổ, giúp tôi luôn nhớ đến cội nguồn. Thế rồi bác ra đi không bao giờ về nữa : nghe người ta nói giặc Pháp đã bắt bác và vài người cùng đi làm với bác “trói cắp ké” hai tay ra sau, bắn bỏ xác trôi sông vào khoảng năm 1949, 1950 gì đó! Ôi bác thân thương của con! Bác và biết bao người dân Việt đã là nạn nhân của lũ giặc Pháp tham tàn, cướp của, giết người. Thôi cũng đành, dòng sông Thu bồn đã đưa bác về hòa nhập với mênh mông!. Con cháu chúng tôi chỉ còn lập cho bác một “ngôi mộ gió”!. Qua bao lần biển dâu dời mộ, “mộ gió” của bác vẫn được dời theo. Lần cuối, cách đây hơn mười năm, chúng tôi đã dời “mộ gió “ của bác cùng với mộ ông bà, cha mẹ tôi trở lại làng quê, nơi mà bác đã từng một nắng hai sương dãi dầu năm tháng của cuộc đời người nông dân.

         Người bác thứ ba, người đứng tên làm chứng trong Chứng Chỉ Thay Giấy Khai Sinh của tôi, cũng là người rất hiền lành, chất phác. Vẫn còn hình ảnh,  lời nói của bác trong tôi. Cha tôi mất sớm, bác thương chị em chúng tôi,  những sáng sớm hay chiều tối, bác thường lặng lẽ dúi vào tay chị em chúng tôi một ít thịt, một ít bánh,.., và nháy mắt bảo về đi....dường như bác e có ai biết bác cho chúng tôi cái gì... Nhiều năm sau, vào một mùa Đông mưa phất phất, trời lạnh như cắt da, tôi về thăm quê nhà , đem tặng bác một cái áo ấm dài, bác mặc vào rất thích, đi đâu trong làng cũng khoe : thằng H.,  cháu tao nó cho tao cái ào “bành tô” nầy, ấm lắm! ấm lắm.! Nhưng bác đã già lắm, những gì chị em chúng tôi tặng bác thì không thấm vào đâu so với lòng thương mênh mông mà bác đã dành cho chúng tôi trong suốt cuộc chơn chất của bác. Tôi lại phải ra đi, từ biệt bác, lòng rưng rưng... Rồi bác cũng đã nằm xuống nơi quê nhà. Hồn bác cũng không “ở đâu bây giờ” như lời thơ của Vũ Đình Liên, mà ở trong tờ giấy khai sinh của tôi, và hẵn là có những lúc hồn bác ngồi trên mộ bác nhìn vằng trăng khuya treo lơ lững trên núi Phụng hoàng mà từ làng quê tôi nhìn xa xa thấy một màu xanh biếc; có những lúc bác ngồi trên bàn thờ cùng ông bà và cha mẹ tôi, và hẵn là hồn bác thường xuyên ghé thăm nhà thờ họ của chúng tôi vì bác là người đã giữ việc thắp hương nhà thờ trong cả cuộc đời bác.

       Tôi đọc tiếp người làm chứng thứ hai và thứ ba trong Chứng Chỉ Thay Giấy Khai Sinh của tôi. Họ là những người tôi không hề quen biết và chắc hai vị nầy cũng không hề biêt mặt mũi của tôi ra lam sao, chỉ nghe mẹ tôi kể với họ về tôi : con trai,  tên là...  , sinh ngày... , tháng..., bao nhiêu tuổi mà thôi. Nhưng có hề chi! Trong tờ Chứng Chỉ Thay Giấy Khai Sinh đã có in sẵn sâu : “Những nhân chứng nầy đã tuyên thệ và quả quyết biết chắc tên ..., quốc tịch Việt Nam, sinh ngày..., tháng..., năm..., tại làng..., xã... , quận..., tỉnh...., con trai ông.... và bà ...., vợ chánh thất”. Nghĩa là hai vị không những đã “thật sự” biết rất rõ về lai lịch của cậu nhóc con nầy là tôi đây, mà còn biết rõ mẹ tôi là vợ chánh của cha tôi, nghĩa là biết cha tôi đã có hay có quyền sẽ có thêm nhiều người vợ thứ nữa!

        Đây chính là hai người làm nghề đánh máy các loại giấy tờ để đưa vào ký tại Tòa Hòa Giải Hội An, tỉnh Quảng nam vào thời đó. Hai vị nầy là hai trong số 5, 7 vị đặt bàn máy đánh chữ, gõ lốc cốc cả ngày ngoài vỉa hè trước ngay Tòa Án tỉnh Quảng Nam. Chính họ đã hướng dẫn mọi người không biết thủ tục hành chánh như mẹ tôi làm được mọi giấy tờ cần thiết do Tòa án ký. Từ các khâu đánh máy, sắp xếp hồ sơ qua các nơi ký, đóng dấu, đóng lệ phí,..., họ làm ro ro ! Họ đã hữu ích vượt trên tầm mong đợi của biết bao người không biết thủ tục hành chánh như mẹ tôi. Họ đánh máy đúng họ tên tôi, còn ngày sinh của tôi thì sai. Nguyên, mẹ tôi khai ngày sinh của tôi theo âm lịch vì thuở đó dân quê của ta chỉ biết thạo ngày âm lịch, không rành ngày dương lịch, cho nên khi nghe số tuổi của tôi do mẹ tôi tính theo âm lịch thì họ tự động trừ đi một và từ đó qui ra năm sinh, và ngày âm lịch họ qui đổi ra ngày dương lịch, cho nên có khi đúng có khi sai. Tôi rơi vào trường hợp họ đổi sai! Nhưng không hề gì, miễn là cuối cùng có được giấy khai sinh hợp pháp của tôi cho mẹ tôi đem về là quá tốt rồi.

        Sự ghi sai ngày sinh trong Chứng Chỉ Thay Giấy Khai Sinh của tôi về sau lại là “một chút gia vị” cho đời tôi. Quả vậy, sau nầy vợ tôi nói tôi “gian” vì có tới 3 ngày sinh :  hai đúng gồm một ngày âm lịch, một ngày dương lịch mà không dùng, lại dùng cái sai đã được ghi trên khai sinh. “Gian” vì nhờ có 3 ngày sinh nhật khác nhau mà khi còn là “bồ” thì vợ tôi phải tặng quà sinh nhật cho tôi tới 3 lần một năm!. Nhưng khi nàng đã thành vợ tôi thì nàng thường hay làm lơ...vì nói tôi đã nhận quá nhiều quà sinh nhật của nàng rồi! Cũng không hề chi! Tôi cười.

       Hai vị đánh máy làm chứng khai sinh cho tôi hẵn là đã làm chứng cho rất nhiều người khác do chiến tranh thất lạc giấy tờ như tôi. Bây giờ sau hơn nửa thế kỷ, chiều hôm nay  tôi mới chỉ biết hai vị qua tên được ghi trong Chứng Chỉ Thay Giấy Khai Sinh của tôi. Các vị cũng chưa hề biết mặt mũi tôi, nhưng rõ ràng các vị đã cho có công rất lớn đối với tôi : tạo cho tôi một cơ sở pháp lí ban đầu để từ đó tôi mới có thể bước đi trên cuộc đời nầy và đã đi đến như ngày hôm nay.

     Chắc các vị đã nhập vào đoàn thể “ Những người muôn năm cũ” của Vũ Đình Liên như  mẹ tôi từ hơn hai mươi năm qua. Nhưng hồn của các vị cũng không “ ở đâu bây giờ” như lời thơ của Vũ Đình Liên, mà ở trên tờ khai sinh của tôi và của bao nhiêu người khác nữa mà các vị đã đứng tên làm chứng. Nhưng vì quá vô tình chúng ta không biết đấy mà thôi!.

     Chiều nay, ở nơi đây cách xa Hội An hàng vạn dặm tôi âm thầm thành kính tri ân hai vị.
     Tôi đọc tiếp một khai sinh của con tôi . Ba người làm chứng  khai sinh cho con tôi khi tôi ở Cư Xá Giáo Sư Đại Học số 2 đường Lê Lợi của Huế một thuở xưa . Cả 3 đều là người quen biết của gia đình tôi. Anh Đ. M. T. nghe đâu đã ra người thiên cổ tại một hải đảo xa xăm nào đó, còn anh V. H. L. và anh L. S. nay đã về hưu, hẵn là vẫn đang ở Huế.

      Chắc chắn các anh không bao giờ nhớ việc đã làm chứng khai sinh cho con tôi. Cũng như bạn và tôi có bao giờ nhớ mình đã làm chứng khai sinh cho ai hay làm thành viên trong đoàn nhà trai đi cưới vợ cho ai, cái chuyện nhỏ nhặt xảy ra mấy mưoi năm trước! 

      Nhưng chiều nay, tôi tự hứa vời lòng mình là chuyến trở về sắp tới, tôi sẽ về thăm lại Huế, và tìm đến thăm hai người bạn nầy. Tôi sẽ nhắc lại việc hai bạn đã làm chứng khai sinh cho con tôi. Hẵn là chúng tôi sẽ cùng uống với nhau “một ve” để ôn lại những ân tình một thuở nơi Huế xưa. Ôi Huế xưa của tôi! mà trong lòng tôi như mới hôm qua, nhưng bên ngoài đã mấy mươi năm rồi!.

     Và rồi sẽ đến một ngày tất cả chúng ta  sẽ “lên đường”, nhập vào đoàn “Những người muôn năm cũ”. Nhưng hồn các bạn không “ ở đâu bây giờ ?” như lời thơ của Vũ Đình Liên, mà một phần ở trong tờ giấy khai sinh của con tôi dù nó đang ở đâu đó, nơi phương trời Tây xa thẳm. Nhưng không ai biết . Cũng chẳng hề chi!

                           “Những người muôn năm cũ”
                            Ân tình một thuở xưa
                            Phả hồn trên tích cũ
                            Vô tình- ngươi biết chưa?


  Lê Tự Hỷ




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/07/2010(Xem: 4747)
Đêm qua con nghe bài pháp “Vượt qua oan gia trái chủ”của thầy Thích Tâm Đại, cảm thấy bàng hoàng, sửng sốt, mồ hôi ướt lạnh. Hóa ra, trong quá khứ, con đã tạo vô lượng tội, gieo vô lượng oán thù, oan gia trái chủ.
25/06/2010(Xem: 5070)
Vì không biết sự vận hành nội tại nên hầu hết mọi người trên thế gian không ai nhận ra chính mình và cũng không đồng ý với chính mình. Có người nương vào thể chất như thân thể cao lớn, mạnh khỏe, sắc diện đẹp đẻ, sáng sủa thù thắng …và cho đó là ta. Có vị lấy tri thức như bằng cấp học vị là mình như tiến sĩ, bác sĩ hay kỹ sư v.v. Có vị lấy danh vọng chức tước như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng v.v.làm ta.
25/06/2010(Xem: 9616)
Cô Sue Dixon, một Phật tử người Úc, vướng phải căn bệnh hiểm nghèo, ung thư ngực, trong lúc dường như phải bó tay và hoàn toàn tuyệt vọng thì các Tăng sĩ Tây Tạng đã hướng dẫn phương pháp Thiền quán. Tuyệt vời thay, không lâu sau đó, cô bình phục và khỏe mạnh như xưa. Bài viết dưới đây, cô sẽ kể cho đọc giả biết quá trình loại bỏ bệnh ung thư như thế nào
02/06/2010(Xem: 3788)
Đó là ngày 26 Tháng 10 năm 1967. Tôi đang bay ngay trên bầu trời trung tâm Hà Nội đan chéo đầy hỏa tiễn trong phi vụ thứ 23 của mình, thì bị một hỏa tiễn Nga kích thước cỡ cột điện thoại bắn tung cánh phải chiếc Skyhawk ném bom tôi bay. Phi cơ bổ nhào từ cao độ khoảng 4,500 feet xuống đất, bị đảo ngược lại, gần như chúi thẳng đầu xuống đất. Tôi kéo cần bung dù thoát hiểm. Lực phóng làm tôi bị bất tỉnh vì tốc độ gió đâu khoảng 500 knot (chú thích người dịch: 926 km/giờ). Lúc đó tôi không nhận thức được, nhưng chân phải ngay quanh đầu gối và ba nơi trên cánh tay phải cùng cánh tay trái của tôi đã bị gãy. Tôi tỉnh lại ngay trước khi cánh dù của tôi rơi xuống một hồ nước ngay một góc của Hà Nội, một trong những hồ họ gọi là Hồ Tây. Mũ phi công và mặt nạ dưỡng khí của tôi đã bị thổi bay đâu mất. Tôi chạm mặt nước và bị chìm xuống đáy. Tôi nghĩ rằng hồ sâu khoảng 15 feet, cũng có thể 20. Tôi chòi chân phía dưới để nổi lên mặt nước. Lúc đó tôi không cảm thấy bất kỳ đau đớn nào. Tôi hít một
03/04/2010(Xem: 3965)
Đạo vốn vô ngôn; do ngôn mà hiển đạo, thế nên có mạn lục, có bảo huấn, có bút ngữ, có võ khố. Nay đây, có Hòa thượng Văn Thủ, tự Nhất Ty (1607 – 1648) người nước Nhật Bản, lúc đầu ở ẩn nơi Tây Cương thuộc đất Lạc Tây, về sau Ngài về núi Đan mai danh ẩn tích. Nhưng các hàng xuất gia khắp chốn hải hồ tìm đến bên Ngài kết am tranh tu học số đông không kể xiết. Rốt cuộc, danh Ngài thấu đến cửu trùng, vua thỉnh Ngài trụ trì hai chùa Pháp Thường và Linh Nguyên, ban hiệu là Định Huệ Minh Quang Phật ĐảnhQuốc Sư. Những khi nhàn rỗi, Ngài xem lại gương xưa góp nhặt những di ngôn, vãng hạnh của Phật Tổ và thêm vào đó lời phẩm bình biên tập lại thành bộ Truy Môn Bảo Tạng Tập (trong bản dịch nầy tạm lấy nhan đề là Kho Báu Nhà Thiền). Bộ sách nầy thật là cây đuốc huệ trong đường tăm tối, là thuốc hay cho người bệnh, chẳng những lợi cho người đương thời mà cũng là tiếp độ kẻ hậu côn, thật không có gì hơn vậy. Than ôi! Vào niên hiệu Bảo Vĩnh vì ảnh hưởng thời cuộc nên đâu có khắc bản và muốn lưu hàn
21/02/2010(Xem: 6091)
Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]