Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mưa nắng hai mùa

10/04/201312:54(Xem: 4472)
Mưa nắng hai mùa

 canhdep_8

Mưa nắng hai mùa

Thu Nguyệt

Nắng. Cái nắng làm người ta lúc nào cũng phải hấp háy mắt, ánh sáng dư thừa đến mức dường như có thể nhìn thấy từng mảng không khí xung quanh đang chuyển động như những váng dầu trên mặt nước. Nắng. Nắng như thế mà không nóng. Ngọn núi này có điều đặc biệt như thế. Những thân cây trụi lá, khô khốc, khẳng khiu, thế nhưng khi đưa tay thử bẻ một cành nhỏ, ta sẽ bất ngờ vì sự tươi mềm của nó. Giống như cây mai mới vừa được lặt lá trong những ngày sắp tết vậy. Chỉ có cây là hiểu rõ mùa, hiểu rõ nắng mưa vốn có. Ông Núi sống trong ngọn núi này cũng thế.

Người ta chẳng biết ông từ đâu đến và đến từ bao giờ, chỉ biết là từ lâu lắm, khi mới chỉ vài người đầu tiên đến đây lập nghiệp thì đã có ông Núi sống ở trong hang. Chẳng ai biết ông tên là gì nên cứ gọi là ông Núi. Như một bức tượng La Hán, ông Núi ít khi trò chuyện với ai. Ông sống bằng trái, lá cây và nước suối. Có lần một người dân trong vùng kể lại rằng anh ta mang đến cho ông một buồng chuối chín, rồi ngồi lại nhìn ông ăn. Ông không bẻ chuối rời ra như ta thường làm, mà cứ để nguyên buồng, tách võ, lấy ra từng trái rất khéo, ông ăn một mạch hết buồng chuối, mà nhìn như buồng chuối vẫn còn nguyên. Anh chàng thấy vậy liền mang buồng võ chuối về treo lên giữa nhà, buồng chuối khô dần nhưng không rữa mục, nhìn rất đẹp và ngộ. Từ đó, dân trong vùng, nhà nào cũng chọn một buồng chuối đẹp nhất, mang cúng ông và đem võ buồng chuối về treo trong nhà như một vật thiêng.

Xóm núi lơ thơ vài căn nhà nhỏ, bình yên giữa rừng cây cổ thụ bạt ngàn. Ông Núi thỉnh thoảng đến nhà chữa bệnh cho những người trong xóm. Ông có một xâu chuỗi rất đặc biệt, khi chữa bệnh, ông mài những hạt chuỗi ra, hòa với nước cho uống đúng ba lần là khỏi bệnh. Không biết xâu chuỗi của ông gồm những loại thuốc gì, nhưng bệnh nào ông cũng mài xâu chuỗi ấy. Ông ngồi bên bờ suối, giữa đá và nước, trong không khí yên ắng của rừng, chậm rãi, ung dung, nhẹ nhàng mài từng hạt, từng hạt... Nhìn dáng ngồi thanh thoát của ông khi mài chuỗi, người bệnh chưa uống thuốc đã cảm thấy như được khỏi bệnh rồi. Ông không đeo xâu chuỗi luôn bên mình, mỗi khi vào hang, ông để lại xâu chuỗi treo lên vách đá trước cửa hang. Trong xóm mỗi lần có người bệnh, đến tìm, nhìn thấy xâu chuỗi treo trước cửahang là biết chắc mình sẽ được cứu, không thấy tức là ông đi vắng. Ông đi đâu và bao giờ về thì không ai có thể biết được. Không phải trường hợp nào bệnh cũng được ông cứu chữa. Không ai tìm được ông, chỉ biết lúc nào cần thì ông xuất hiện, và ai được ông chữa thì chắn chắn là khoẻ, dù bệnh trạng có ngặt nghèo đến đâu.

Dân cư xóm núi ngày thêm đông đúc, cây cối thưa dần dù lắm chính sách tuyên truyền bảo vệ. Ông Núi ít chữa bệnh hơn dù người bệnh khá nhiều. Xóm núi đông người kèm theo nhiều mối quan hệ phức tạp. Núi bị chia chẻ thành nhiều mảnh sở hữu riêng lẻ. Rồi những cuộc cải vã, xô xát nhau đôi khi chỉ vì vài chục mét đất rẫy. Nơi nào có dấu chân nhiều người là nơi ấy bắt đầu có sự tranh giành, chiếm đoạt. Xóm núi đặc biệt có hai nhóm họ xung khắc rất dữ với nhau, đó là nhóm họ nhà ông Trần và nhóm họ nhà ông Phạm. Cùng là dân lưu lạc đến xóm này từ những năm sáu mươi. Họ đốt rừng làm rẫy và tranh nhau suýt mấy lần đổ máu. Mối hận vẫn ngun ngún cháy trong lòng cả hai bên.

Sắp đến mùa mưa rồi, cũng là mùa gieo hạt. Lại sắp phải cải nhau vì mấy cái rẫy màu mỡ bên kia đồi. Lòng người không đo được, nhưng vật sở hữu của người thì bất cứ thứ gì cũng được cân đong đo đếm rất kỷ lưỡng. Đất đai thì liền mạch nhưng ranh giới được vạch ra bởi con người thì lắm nỗi dọc ngang. Nếu đất mà nói được thì chắc là những cục đất ở các vạch phân chia phải nhiều tâm sự lắm!

Ông Trần bỗng nhiên ngã bệnh. Nhà họ Phạm hay tin này còn nhanh hơn những người thân nhà họ Trần. Ở đời, có khi nỗi đau của người này lại là niềm vui của người khác một cách nhẫn tâm hồn nhiên!

Ngày trước, cách đây hơn hai mươi năm, đã có lần ông Trần vác phảng rượt ông Phạm chạy chí chết vì tranh nhau miếng đất gần chân núi. Lần ấy, nếu không nhờ con suối cứu mạng - vì ông Trần không biết bơi - thì chắc là máu đã đổ. Mảnh đất ấy cuối cùng không về tay ai cả, vụ kiện chỉ đem lại cho làng mảnh đất sở hữu chung. Riêng ông Phạm “sở hữu” một mối nhục truyền đời, tháng ngày âm ỉ ngún trong sự phẩn uất. Ông đã nhờ vào đôi chân và khả năng bơi lội giỏi của mình để tự bảo vệ, nên pháp luật đâu có cơ hội để bảo vệ ông. Đôi khi ông ngồi nghĩ quẩn: Phải chi lúc ấy mình để hắn chém cho mình một phảng thì chắc chắn là hắn đã phải ngồi mục xương trong tù, hết huênh hoang khoác lác! Con cháu hắn sẽ mang một cái lý lịch là hậu duệ của một tên giết người, còn hắn sẽ mang một bản án của kẻ sát nhân bị mọi người kinh tởm, nguyền rủa. Còn ông, thà chết mà rửa được hận, còn hơn sống mà mang nỗi nhục triền miên. Đã có những lúc ông Phạm nghĩ như thế.

Nghe tin ông Trần bệnh, ông Phạm ngấm ngầm đi lên hang ông Núi dò la. Không nhìn thấy xâu chuỗi treo trên vách đá, ông khấp khởi mừng thầm, nhưng không yên tâm, ông tìm một góc khuất, ngồi quan sát. Người nhà ông Trần cứ vài giờ lại đến thăm chừng xem ông Núi đã về chưa. Hai luồng ý muốn, mong mõi khác nhau, người mong ông Núi về, kẻ mong ông Núi đừng có mặt; bên công khai, bên bí mật, nhưng cả hai đều sốt ruột, bất an và căng thẳng như nhau. Nhiều ngày trôi qua, vậy rồi ông Núi xuất hiện trong tiếng reo vui vỡ òa hy vọng và tiếng thở dài len lén thất vọng. Ông Phạm thất ý trở về khi ông Núi bắt đầu ngồi xuống mài hạt chuỗi đầu tiên .

Cơn bốc hỏa, nỗi bực tức vẫn đeo đẵng theo từng bước chân ông Phạm. Cái tên Trần ấy, sao nó không chết quách đi cho rảnh. Ông nhớ như in gương mặt đằng đằng sát khí và cái phảng lấp loáng ánh nắng sắc ngọt của ông Trần. Lửa căm hận trong lòng ông Phạm lại cháy. Ông cảm thấy nóng bức vô cùng. Bước chân vô tình dẫn ông đến đúng cái lối ngày trước ông Trần đã rượt đổi ông. Con suối bắt đầu vào mùa mưa, nước chảy rất mạnh, dâng tràn khiến đôi bờ suối mỗi ngày một xa rộng thêm ra. Ông bước ào xuống suối, đưa tay đánh tung tóe trên mặt nước. Không! Ông không thể chịu đựng mãi khi ông Trần cứ mỗi lần say rượu lại huênh hoang kể lại chuyện cũ, kể lại cái “thành tích” của mình, rồi miêu tả, rồi thêm thắt đủ thứ về cái sự yếu hèn, nỗi nhục nhã của kẻ thất thế để bôi nhọ ông. Ông đã chịu đựng nhiều rồi, ông không muốn con cháu ông sau này lại tiếp tục nghe câu chuyện ấy. Tháng trước, ông suýt vác dao sang nhà liều mạng với ông Trần một phen, khi nghe thằng cháu nội đích tôn của ông mới vừa 6 tuổi, đi ngang nhà ông Trần lúc ông này đang say rượu, ông ngoắc thằng bé vô và nói với nó: “Ông nội mày là thằng hèn! Tao đã từng vác phảng rượt nó chạy thục mạng, nếu nó không lạy tao đến bật máu trán ra, thì tao đâu có tha cho nó, để làm gì bây giờ có cái mặt mày trên đời!”. Câu nói này hơn hai mươi năm trước ông Trần đã nói tương tự như vậy với đứa con trai 8 tuổi của ông. Ông Phạm uất đến tím cả người. Nhục một mình ông chịu được, nhưng đến con ông, rồi đến cháu ông cũng phải chịu nhục vì ông thì ông không thể chịu đựng được nữa! Cái lão Trần ấy còn sống ngày nào là còn rêu rao, còn chọc ngoáy vào vết thương của ông, bôi nhọ ông và cả đến con cháu nhiều đời của ông nữa. Càng nghĩ ông càng căm hận. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, ông Phạm vội vàng bước lên khỏi suối, hối hả đi về nhà. Năm xưa, một người dân tộc đã cho ông một loại thuốc, hình như làm bằng nhựa cây hòa cùng nọc rắn gì đó, cực độc, dùng để bôi lên đầu mũi tên khi săn thú dữ. Bao nhiêu năm qua ông chẳng dùng để làm gì, vẫn cất kỹ. Ông vạch sẵn một kế hoạch trong đầu, ông sẽ tìm cách bôi lên xâu chuỗi của ông Núi. Dễ thôi mà, xâu chuỗi ông Núi vẫn treo ở cửa hang...

Tiếng trống mõ đám ma ông Trần thỉnh thoảng lại vang lên, dội vào tim ông Phạm từng nhát khó tả. Tiếng trống mõ đi vào cả trong giấc ngủ chập chờn của ông sau hơn ba tháng kể từ ngày ông Trần mất. Ngày nào ông Phạm cũng lên hang, ngồi chờ ông Núi, chờ để lấy xâu chuỗi mà chính tay ông đã bôi thuốc độc. Ông sợ ông Núi lại dùng xâu chuỗi ấy để chữa bệnh cho người khác nữa thì tội của ông không biết đến đâu. Nhưng ông Núi đi đâu vắng biệt. Ngày nào ông cũng sống thấp thỏm trong sự âu lo và chờ đợi và dằn vặt. Ông Phạm đếm từng ngày, hôm nay đã là ngày thứ 103, gần 4 tháng rồi! Ông Núi vẫn chưa về. Ông Phạm nhìn mãi lên cửa hang, đôi khi hoa mắt, ông như nhìn thấy xâu chuỗi ẩn hiện trên vách đá, khi thì nhòe nhoẹt màu đỏ như máu, khi lại thấp thoáng gương mặt ông Trần... Tinh thần ông Phạm ngày thêm hoảng loạn. Ông gầy rộc, hốc hác, ngơ ngẩn như người mất trí.

Ông Núi rồi cũng trở về, Ông Phạm đã lấy được xâu chuỗi. Ông mang xâu chuỗi về nhà, gói rất kỹ, giấu dưới gối và cấm tiệt không cho ai được bước lại gần giường của mình. Lấy được xâu chuỗi rồi, ông ngỡ rằng mình sẽ bình tâm lại, nhưng không, bệnh tình ông ngày một thêm trầm trọng. Người nhà ông lại thay phiên nhau đứng ở cửa hang chờ ông Núi. Nhưng ông Phạm biết, vô ích thôi, xâu chuỗi đâu còn nữa. Cho đến một ngày... khi ông Phạm lên cơn hấp hối thì ông Núi xuất hiện trước mặt ông với một xâu chuỗi y như thế trên tay. Ông Phạm gượng chút sức tàn, bảo con trai và cháu nội dìu ông quì xuống trước mặt ông Núi và trao lại cho ông Núi xâu chuỗi tẩm thuốc độc. Ông Phạm định kể lại tất cả tội lỗi của mình, nhưng ông Núi đã từ tốn nói:

- Ta đã biết tất cả, con không cần kể lại đâu. Ta còn có chuyện này để kể cho con nghe...

Khi ông Trần ngã bệnh, sau nhiều ngày chờ đợi ông Núi, nằm trên giường bệnh nhìn thấy sức lực của mình ngày thêm mòn mõi, cái chân cái tay ngày nào cầm phảng rượt đuổi ông Phạm qua mấy ngọn đồi giờ đã không cầm nổi ly nước uống. Khi gần đến cái chết người ta mới thấm thía những trò phù phiếm của cuộc đời. Không hiểu sao, trong những ngày cuối đời, người mà ông nghĩ đến nhiều nhất lại là ông Phạm, cái người mà hơn nửa đời người bị ông nhục mạ, cái người đã đem lại niềm “tự hào”, “vinh quang” cho ông, “thành tích” của ông!

Ông Núi đã mài thuốc cho ông Trần uống. Ông Núi tự tay mình bưng đến bên giường bệnh ông Trần và nói: “Thật ra, bệnh của con đã đến hồi không cứu được nữa rồi, nhưng nếu con còn muốn sống để tiếp tục cái nghiệp mà từ lâu nay con đã gieo với nhà họ Phạm, thì con hãy uống chén thuốc này.” Nhìn gương mặt hiền hòa thanh thoát diệu kỳ của ông Núi, ông Trần như người chợt tỉnh cơn mộng. Ông Trần đã không uống. Chén thứ nhất, rồi chén thứ hai (chén này là chén thuốc mà theo ông Phạm trước đây nghĩ là đã có thuốc độc) rồi chén thứ ba... Ông Trần vẫn không uống, mặc cho người nhà vật vã khóc than nài nỉ. Ông Núi dặn người nhà ông Trần không ai được nói ra rằng ông Trần vì đã không uống thuốc mà chết...

Ông Phạm nở một nụ cười nhẹ nhõm. Cũng như ông Trần, ông Phạm trút hơi thở cuối cùng trong ánh nhìn từ bi, bao dung của ông Núi. Dù chỉ là một ánh nhìn, nhưng cũng đủ làm thành một hành trang, nếu người ra đi biết nhặt nó cho vào trong hành lý của mình.

Mùa mưa qua rồi, con suối chảy nhẹ nhàng hơn và làm gần lại đôi bờ. Nắng. Trời lại nắng, và những thân cây trụi lá tiềm ẩn trong mình những nụ non xanh, vẫn sẳn sàng cho một mùa lộc mới, chỉ cần có nắng có mưa.

--- o0o ---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/12/2010(Xem: 2482)
Đời Tam Quốc, em trai của Ngô chúa Tôn Quyền là Tôn Dực làm Thái thú quận Đan Dương. Dực vốn tính cương cường, nóng nảy lại hay rượu.
14/12/2010(Xem: 3966)
Hội đồng Trạch có cả chục ngàn mẫu ruộng. Theo lời cháu chắt ông kể lại, toàn tỉnh Bạc Liêu bấy giờ có 13 lô ruộng thì hết 11 lô là của ông Trạch.
14/12/2010(Xem: 4280)
Điển tích "Ba đào"- sóng lớn - trong sách Dị Văn lục: Triều Huệ Đế đời nhà Minh, tại huyện Tề Hàng, tỉnh Sơn Nam, có hai vợ chồng Trần Hoá Chiêu, Lương Tiểu Nga.
09/12/2010(Xem: 2545)
"Mây Tần" nghĩa bóng chỉ nhớ nhà, nhớ quê hương, cha mẹ. Còn những tiếng "Mây trắng", "Mây Hàng", "Mây bạc", "Mây vàng" cũng để nói ý nhớ gia đình, nhớ cha mẹ, quê hương.
07/12/2010(Xem: 14212)
Ngày hôm qua Steve tới thăm với chú bé Mickey 7 tuổi. Gớm, thằng bé lớn mau quá đi thôi và nghịch ghê. Nó nói giỏi cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh. Nó còn nói được tiếng lóng học ở ngoài đường nữa. Trẻ con bên này được nuôi dạy khác với lối nuôi dạy trẻ con bên mình. Cha mẹ chúng để chúng “tự do phát triển”. Suốt hai giờ ngồi nói chuyện, Steve phải để ý tới thằng bé. Nó chơi, nó nghịch, nó xan vào cả câu chuyệncủa người lớn. Nó làm cho người lớn không nói chuyện với nhau được. Tôi đưa cho nó mấy quyển sách hình của trẻ con, nhưng nó chỉ lật xem sơ sơ rồi lại bỏ sách, xen vào giữa tôi và ba nó. Nó đòi sự chú ý của thế giới người lớn.
05/12/2010(Xem: 2814)
"Tiền Xích Bích phú " là một áng văn chương kiệt tác của Tô Đông Pha (1036-1101), một văn hào đời nhà Tống (950-1275). Đông Pha tên là Thức, tự Tử Chiêm...
05/12/2010(Xem: 2326)
Nước Việt, năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lên làm vua. Vua Lê Chiêu Tông bị họ Mạc bắt nhốt định giết chết.
05/12/2010(Xem: 2382)
Năm Nhâm thân (1572), nhà Mạc sai tướng là quận công Lập Bạo đem quân đánh Thuận Quảng là đất chúa Nguyễn ở miền Nam. Lập Bạo huy động cả thảy lục quân tiến vào.
05/12/2010(Xem: 2752)
Gần bên giếng của chùa bỗng mọc lên một cây hoa lạ. Cây cao một trượng, trên ngọn có một đóa hoa ngũ sắc cực kỳ tươi đẹp.
02/12/2010(Xem: 2432)
Đời Xuân Thu, Quản Di Ngô tự là Trọng, vốn người có tài kinh bang tế thế. Ngày còn hàn vi, chưa gặp thời thường cùng bạn là Bảo Thúc Nha đi buôn chung.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]