Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Piano Sonata 14.

10/04/201312:42(Xem: 4442)
Piano Sonata 14.

piano

Piano Sonata 14
Thích Tuệ Sỹ

Q.T Cô giáo dương cầm của tôi.



(Lời giới thiệu : Thượng tọa Tuệ Sỹ còn là một thi sĩ, một học giả, một nhà văn. Trước 1975, ông là Khoa trưởng Phật học Viện Đại Học Vạn Hạnh, tác giả nhiều cuốn sách biên thảo đặc sắc về Văn học và Triết học Trung Hoa; thơ Tô Đông Pha, một số thơ, truyện và thơ dịch đã đăng liên tiếp trên nhiều Tạp chí Văn học tại Sài Gòn, trong đó đa số đăng trên tờ Thời Tập.

Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh năm 1943, xuất gia tiểu đồng khi còn cư ngụ bên Lào. Là một trí thức Phật giáo mà tâm thức và hành sử hướng về Dân tộc, Đạo Pháp, Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bắt giữ cùng Thượng tọa Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 19 Tăng Ni, Cư Sĩ khác vào năm 1984, bị Tòa Án CSVN đem ra tòa ngày 30-9-1988, và bị kết án tử hình.

Do sự phản đối của các tổ chức Nhân quyền và Văn Bút quốc tế cũng như Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Hà Nội giảm án thành 20 năm khổ sai. Về sau, ngày 2 tháng 9 năm 1998, Hà Nội lại phải hủy án. Tuy vậy, ông đã ở trong tù 14 năm. Khởi hành đang thực hiện Số Đặc Biệt Tuệ Sỹ, với ít nhất là 4 truyện ngắn, và một số thơ mới cũ và hình ảnh tiểu sử đầy đủ. Truyện ngắn đăng trước kỳ này, Piano Sonata 14... của ông đáng kể là một trong những truyện ngắn hay nhất của Việt Nam.

Tháng 3 năm 1999, Hòa thượng Huyền Quang đã gặp Hòa thượng Quảng Độ và đề bạt Thượng tọa Tuệ Sỹ làm Tổng thư ký Viện Hóa Đạo, thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Đứng bên ngoài khung cổng sắt đã khóa kỹ, Nghi nép vào hàng dậu được kết bằng cây dâm bụt, nhìn vào bóng tối yên lặng đang bao trùm cả tu viện. Đây không phải là lần đầu tiên chú về trễ, và cũng không phải là người duy nhất về trễ như vậy. Các chú ranh mắt, hoặc vô tình hoặc cố ý, và bằng cách nào đó, đã làm cho một chấn song của cửa sắt gẫy hết một đầu, chỉ cần kéo nhẹ qua là lách mình vào lọt. Rồi sau đó nắn lại, cánh cửa sắt vẫn lầm lì như không hề biết đến những cuộc vi hành ngoài luật lệ thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Sư trưởng của tu viện không hề hay biết. Ông vẫn tin ở sự cứng chắc của nó, như tin vào sự hiện diện vừa hữu tình vừa vô tình của mình ngự trị khắp tu viện, giám thị mọi sinh hoạt của các sư tăng trong một thứ kỷ luật nghiêm khắc mà ông cho là đương nhiên. Không ai nói cho ông biết gì hết. Mọi người đều chuẩn bị sẵn cho mình những lối ra vào cần thiết. Cánh cửa lại không bao giờ biết nói.

Nhưng lần đầu tiên Nghi vượt ra ngoài giới nghiêm của tu viện không phải ngang qua cái cổng bao dung ngầm đó. Chú đi bằng ngõ sau. Đó chỉ là một hàng rào bằng kẽm gai, không có trồng dâm bụt hay một thứ hoa lá nào, chỉ cần cúi rạp mình xuống, cẩn thận vén các tà áo, có thể ra vào như không. Phía sau tu viện này là một vườn rau chạy dọc sát rào của nó. Băng qua vườn rau khoảng hai chục thước là một con đường đất, rộng vừa đủ cho hai chiếc xe đạp tránh nhau.

Bấy giờ là tháng cuối của mùa nghỉ hè. Sau giờ tĩnh niệm thường lệ mỗi tối, Nghi ra phía sau tu viện để tiểu, vì chỗ này có nhiều bụi chuối kín đáo. Nhìn dòng nước lấp lánh dội lên đám cỏ, chú nghe trong người khoan khoái, tâm hồn như mở rộng. Những luống cải xanh mát của khu vườn trước mắt đẹp hẳn lên. Chú nghe luồng trăng bạc như sương khuya lấp lánh đang nhảy múa chập chờn trên các luống cải. Âm hưởng ngọt ngào và quyến rũ. Cây cối im lìm trong một cảnh tượng thanh bình và trang nhã. Lắng tai nghe kỹ hơn, chú nhận ra âm hưởng đó từ phía bên kia con đường đất lan truyền đến. Ăn cắp chuối trên bàn Phật, hay lẻn qua vườn rau nhổ bậy vài bụi cải cho những cuộc kiết tập kín đáo, với bánh tráng mỏng và nước tương dầm ớt thiệt cay, đó không phải là chuyện hiếm có giữa các chú tiểu. Mặc dù Nghi chưa lần nào được giao phó công tác hái trộm rau, nhưng lẻn chui qua bên ấy là một việc hết sức tự nhiên.

Lúc này thì cái âm hưởng quyến rũ kia cũng tự nhiên một cách vô tình khiến chú rạp người xuống, chui qua hàng rào kẽm gai, băng qua vườn, sang tuốt con đường đất. Nơi đây chú có thể phân định phương hướng phát ra âm thanh chuẩn xác hơn. Vào giờ này, không chỉ là con đường vắng vẻ, mà cả một khu vực cũng hoàn toàn vắng vẻ. Suốt con đường về phía tay trái phỏng chừng đó, duy nhất chỉ có một ngôi nhà ẩn sau nhiều bóng cây rậm rạp. Chú rẽ phía trái, rõ ràng đang có người chơi đàn trong đó.

Xuyên qua khung cửa sổ, chú thấy một mái tóc chảy dài, nghiêng nghiêng theo âm điệu to nhỏ và tiết điệu buông lơi của tiếng đàn. Trên cao một chút, bóng đèn sữa đục được ủ trong một ánh sáng ấm áp của chính nó. Tiếng đàn đột ngột dừng lại. Chú ngơ ngác. Nhưng bóng người đã hiện rõ trên khung cửa. Chú muốn bỏ chạy, lại e là vô lễ, hoặc có thể là bị nghi ngờ. Lỡ người ta sang mách bên chùa, nhất định chú bị phạt nặng. Hàng xóm cũng hay lên chùa than phiền các chú phá phách, và các chú có khi bị phạt tập thể.

Đợi một lúc, không thấy người đó động tĩnh gì cả, Nghi dợm chân muốn chạy. Nhưng tiếng nói từ bên trong vọng ra :

- Ai đó ?

Nghi không biết phải trả lời mình là ai. Lại có tiếng hỏi :

- Điệu bên chùa phải không ?

Cô này nhất định là người Huế. Giọng nói nghe kiểu cách, nhưng dịu dàng. Nghi có cảm tình ngay.

- Dạ.

- Chừng ni điệu còn đi mô khuya rứa ?

Nghi không trả lời ngay, và không chút ngần ngại, đẩy cánh cổng đi vào. Cổng chỉ khép hờ.

- Dạ, nghe đàn. Chạy đi coi thử.

Gương mặt chú hiện rõ qua ánh đèn đang hắt ra ngoài. Chỏm tóc lệch qua một bên, phủ mép trán. Đôi mắt sáng ngây thơ dưới hàng mi dài và cong. Chú đưa tay lên vuốt chỏm tóc.

- Dạ, thưa cô.

- Điệu chun qua rào hả ?

Chú cười. Chớp hai hàng mi tinh nghịch. Nụ cười của trẻ thơ, trong trắng và hồn nhiên, nhưng quá nhỏ nhoi và khiêm tốn giữa một thế giới đòi hỏi quá nhiều sự trang nghiêm và kính cẩn. Tuổi thơ hiếm hoi cho một tâm hồn tập sự săn đuổi những ước mơ ngoài tầm với bắt của con người.

Cô cũng mỉm cười theo chú, đưa tay hất ngược mái tóc về phía sau :

- Điệu vô trong ni đi.

Cô bước sang trái mở cánh cửa. Chú lách mình bước vào. Căn phòng, ngoài cái bàn nhỏ và một cái kệ sách, chỉ có một vật lạ đối với Nghi là cây đàn kê sát vách tường nhìn nghiêng ra khung cửa sổ. Chú đi thẳng lại đó, níu hai tay lên thùng đàn, cúi nhìn chăm chú những phím đen trắng chen nhau sắp thành một hàng thẳng. Sự thích thú hiện rõ trên đôi mắt. Cô ngồi xuống, trên cái băng ngắn đặt trước cây đàn và tựa một nửa người lên dãy phím.

- Điệu đi tu chi rứa ?

- Dạ. Nghi ở với Thầy.

Chú thừa dịp, đặt cả bàn tay lên phím đàn và ấn xuống. Âm thanh so le nhau cùng tấu lên. Khi cất tay, chú nghe chúng ngân dài, lẫn vào thùng đàn như

đang chìm sâu vào trong bóng tối hun hút phía sau.

- Điệu thích đàn không ?

- Thầy cấm. Mấy Thầy lớn bên chùa lén học, bị Thầy bắt được phạt hoài.

- Mấy Thầy lớn ?

- Dạ lớn lắm. Lớn bằng cô.

- Chú tên chi ?

- Dạ Nghi.

Chú nhích người ra, đứng nhìn thẳng xuống phím đàn, nắm chặt bàn tay phải, chĩa ngón trỏ thọc lên một phím đen. Ngón tay bị trợt sang, thọc luôn xuống phím trắng. Hai âm thanh nối nhau, to nhỏ không tề chỉnh.

- Điệu muốn học đàn hả ?

Tiếng đàn chạy lui vào vách tường, có lẽ vậy. Chú nhón gót chân nhìn. Nhưng lưng đàn dựa sát vách.

- Thầy la chết.

- Thì cứ chun qua rào như tối ni. Thầy biết mô.

- Đâu được.

Bỗng nhiên chú xoay người lại.

- Thưa cô, Nghi về.

Và chú tự động đến mở cửa, cắm đầu chạy thẳng. Bóng người lại xuất hiện qua khung cửa sổ. Nhưng chú không quay đầu nhìn lại.

Băng qua vườn cải, rồi lách mình chun qua hàng rào, chú chạy thẳng về phòng. Trong bóng tối của căn phòng, chợt có tiếng nói :

- Mi chết ?

Tiếp theo, có tiếng người lăn trên giường, tiếng vỗ chát và tiếng hô :

- Ê, làm gì kỳ vậy.

Nghi biết đó là giọng của chú Đảm. Còn kia chắc là chú tiểu Mùi. Chỉ có chú này mới hay ngủ mớ kiểu đó.

Những ngày kế tiếp Nghi hình như quên bẵng vụ chui rào của mình. Chú vẫn đùa giỡn, vẫn chăm chỉ làm công việc một chú tiểu trong chùa. Bổn phận hành điệu của chú là châm trà, lau bàn ghế và quét dọn trong phòng của sư trưởng. Không ai biết tuổi thơ trôi qua như vậy đang ấp ủ sự gì. Sự thành kính khi bưng ấm trà để vào khay. Sự ngăn nắp khi treo sâu tràng hạt vào tủ kính. Khi sửa lại ngay ngắn một bình hoa, một cây viết trên bàn, một quyển sách mà sư trưởng đang học dở. Tất cả những thứ đó không phải là kiểu cách mà người ta có thể nhìn thấy trong đôi mắt đen láy kia.

Hằng ngày, chú lại phải học về ý nghĩa của sự vô thường, khổ đau và giả tạo đang đè nặng kiếp người. Mắt chú vẫn trong sáng. Nụ cười vẫn hồn nhiên. Thân tứ đại giả hợp, như cây bên bờ sông, như cỏ bên bờ giếng. Tất cả đều là mộng tưởng, thì chắc gì cái vô thường và khổ não kia của kiếp người không là mộng tưởng. Nhưng chú thích học những thứ đó. Thích nhìn sự giả tạo đó qua những hàng chữ nhỏ ngay ngắn và chú lại càng thích nắn nót sao cho chúng được ngay ngắn trang nghiêm như chữ viết của sư trưởng.

Đêm trăng cũng thường quyến rũ chú. Những đêm như thế, chú hay ra phía sau tu viện, ngồi bó gối thu hình trong bóng cây. Nội cả tu viện này, chỉ có sư trưởng mới để ý. Vì sư biết rằng, đó là lúc chú đang ngồi khóc một mình. Thỉnh thoảng bắt gặp, sư dẫn chú về phòng. Căn phòng cho các chú tiểu ngủ chung. Chỉ có bốn chú, hơn kém nhau vài tuổi. Sát góc phòng là bàn thờ nhỏ. Đó là bàn thờ đặc biệt sư trưởng lập riêng cho chú. Bây giờ thì các chú nhỏ kia đã ngủ hết. Sư đốt lên một ngọn nến. Giữa bàn thờ hiện rõ ảnh bán thân của một thiếu phụ, tuổi khoảng trên ba mươi, gương mặt hao hao giống chú. Sư đốt nhang cắm vào bát và nói rất nhỏ :

- Má con vẫn ở bên con đó. Con không thấy, nhưng má con thấy. Con đừng khóc như vậy nữa mà má con buồn. Ngồi đó với má con. Lát nữa tắt đèn mà ngủ.

Sư trở ra. Chú ngồi xuống. Nhìn ảnh. Nhìn ngọn nến bập bùng. Một năm có biết bao lần như vậy. Hằng ngày chú vẫn chăm chỉ học, vẫn hăng say đùa giỡn với chúng bạn và thỉnh thoảng vẫn thường ngồi khóc một mình. Ngọn nến do đó cũng lần hồi truyền vào da thịt chú sự nóng cháy kín đáo giữa cảnh khuya tịch mịch trang nghiêm đầy thành kính đó.

Chú tắt cây nến. Thay vì leo lên giường ngủ, chú bước ra ngoài, đẩy nhẹ cánh cửa và khép lại. Phía sau tu viện, trăng vẫn sáng. Vườn cải bên kia vẫn im lặng.

Buổi chiều, thầy trị sự sai các chú tiểu chuyển đống ngói ở sân trước ra đây, dự định lợp lại miếu thờ bà Ngũ Hành. Dạo này, các sư trong chùa hay cãi nhau kịch liệt. Nhất là thầy trị sự cứ bị phản đối và bị sư trưởng khiển trách hoài. Thầy cho là các thứ kim, mộc gì đó trong đất tu viện khắc nhau. Thầy nảy ra ý kiến thờ bà Ngũ Hành để mọi việc êm thắm. Miễu của bà được xây từ lâu rồi, trước khi có mặt thầy trị sự và có luôn cả trước sư trưởng. Tu viện này vốn là một ngôi chùa tư được nhường lại cho Giáo Hội, làm chỗ tu học cho các sư trẻ. Nhưng các sư này đa số lại hay nghịch. Về đây chưa bao lâu, họ đã lật úp bát nhang của bà và viết vào vách miễu ngày chỗ bà ngự bốn chữ "Bà đã đi rồi". Trải qua hai đời sư trưởng và bốn đời trị sự, nay đến thầy trị sự này mới có ý định mời bà về lại. Nghe thầy trị sự giải thích tại không có bà nên tu viện hay xảy ra những chuyện tranh chấp tư tưởng, các chú nhỏ lại càng không muốn bà trở lại. Vì các sư nếu cãi nhau nhiều sẽ bị phạt nhiều, bù vào chỗ họ hay ăn hiếp các chú. Nhất là chú Đảm và chú Mùi bị thầy trị sự phạt quỳ nhiều nhất, nên muốn thầy bị sư trưởng quở trách thích đáng. Hai chú nhỏ này rủ Nghi tối nay, đợi khi các sư ngủ hết, hè nhau ra đái lên đống ngói thật nhiều để bà không dám về. Họ dấu chú Tiểu Đài, vì chú này được thầy trị sự thương, sợ mách lại.

Sau bữa cơm tối, họ đã chuẩn bị uống nước thật nhiều để đái cho thật nhiều. Nhưng các sư chưa ngủ mà hai chú đó đã ngủ say hết. Nhớ mật ước, quên cả cơn khóc vừa rồi, quên má và quên sư trưởng, chú phăng phăng leo lên đống ngói đứng đái, xoay người tứ phía y hệt như tưới rau. Chú cảm thấy hứng thú vô cùng. Và chợt nhớ mấy người trước chui qua vườn cải.

Đái xong, chú chạy thẳng về phía hàng rào, chạy suốt sang con đường đất, và chạy luôn một mạch vào nhà có người đánh đàn hôm nọ. Và chú chợt nhớ mình chưa biết tên cô.

Ánh sáng còn hắt ra ngoài cửa sổ. Nghi thấy cô đang cúi đầu trên sách, hai tay vo tròn cây viết, vòng lên đầu quyển. Chú vịn tay leo lên khung cửa sổ.

- Thưa cô.

Cô giật mình, quay phắt người lại. Hai mắt mở to kinh ngạc. Nghi thấy hai con mắt đó dễ thương hết sức. Không đợi cô trả lời, Nghi hỏi luôn :

- Nghi chưa biết tên cô.

Cô mỉm cười. Nghi thấy cái gì ở cô cũng khác má mình hết. Nhất là nụ cười. Nghi không nhớ má chú đã cười như thế nào. Thậm chí không nhớ rõ là có cười lần nào không. Ảnh thờ trong phòng thì không bao giờ cười. Ngày thường, Nghi không hề để ý xem các cô lên chùa khi nói chuyện với các sư họ cười như thế nào. Các vong linh thờ sau điện Phật cũng có người cười. Mỗi khi các chú được sai lau ảnh, chú Đảm thường hay la lên :

- Người chết cũng cười tụi bây ơi.

Chú Mùi lẩn quẩn đâu đó, chạy lại nói :

- Ê ! Coi chừng quả báo chết mi không được cười đa nghen.

Quả báo rụng răng hết.

Nụ cười của cô, Nghi thấy cũng dễ thương như đôi mắt của cô.

- Như Khuê. Được chưa ? Điệu ni coi rứa mà hoang quá hỉ.

Nghi nhảy vào trong. Thất vọng, thất vọng nhìn cây đàn đã bị đậy nắp phím. Chú nhớ lại tiếng đàn hôm trước. Cô có thể đọc trên mắt chú thấp thoáng sự tìm kiếm, vì chúng chập chạp lướt trên thùng đàn. Mặt thùng màu nâu bóng loáng, mà mắt chú thì lúc nào cũng sáng, và bây giờ chúng lại lấp lánh trong sự tìm kiếm mơ hồ.

- Muốn đàn hả ?

- Cô đàn chớ Nghi đâu biết đàn.

- Để cô dạy cho, Thầy điệu không biết mô.

Chú nghiêng đầu ra khung cửa. Nghe ngóng. Bên phải là sân cỏ nhỏ, chạy lùi về phía sau nhà. Góc rào kia là một cây hòe. Trước mắt, rải rác vài khóm hoa mà Nghi không biết là thứ hoa gì. Như Khuê cũng đến đứng dựa cửa sổ nhìn ra với chú. Cô nhắc :

- Cô dạy Nghi học đàn nghe.

- Học liền hả cô ? Thích thiệt. Nghi dở đàn nghe.

Quả tình, Nghi đang khoái chí. Chú quay lại với cây đàn. Rảo mắt nhìn quanh, rồi đặt tay vào hai núm sắt. Khắp cả cây đàn, chỉ có hai cái núm đó là Nghi thấy có thể nắm được. Nắm và kéo, mảnh gỗ bật lên, nhưng kéo không ra. Phần trên nắp phím vẫn không động đậy. Chú dở ngược lên, định giật mạnh. Như Khuê chận lại :

- Coi, hư của người ta.

Cô đẩy nhẹ nắp phím thụt vào thùng đàn. Nghi cao hứng. Mười ngón tay bấu luôn cả vào phím. Chúng thi nhau chạy nhảy tứ tung. Âm thanh rộn rã.

- Bữa ni học chi kịp. Khuya rồi. Bữa khác, Nghi nhớ qua thiệt sớm nghe.

- Dạ đâu có được. Giờ đó Nghi phải trả bài cho thầy. Mà qua hoài, thầy biết phạt chết.

Đêm đã khuya. Mặc dù đây chỉ là một khu ngoại ô cách trung tâm Sài Gòn không mấy xa, nhưng vào giờ này, có lẽ cả xóm đã ngủ hết. Nhà cửa thưa thớt, cách nhau vài chục thước. Thêm nhiều cây cối và tàn rộng khiến cho chúng càng thêm biệt lập và khuất nhau. Chú tiểu ở chùa, quen sự tự nhiên của mình đối với khách thập phương lai vãng, nên không biết thế nào là thân hay sơ. Biết mặt và biết tên, chừng đó như đã để đủ trở thành bà con ruột thịt. Nghi lúc nào cũng cao hứng, Như Khuê tự nhiên thấy mình đã thân thiết với chú vô cùng. Cô muốn hôn lên đôi mắt thần tiên của chú. Cửa chùa không biết có vĩnh viễn khép kín nổi con người có cái phong vận như thế. Nhưng chắc cũng có mấy ai có thể nhìn suốt qua đôi mắt kia mà thấy được bóng dáng của huyễn mộng phù sinh. Cô đâu biết, và chưa bao giờ thấy sự thành kính của chú và đôi mắt mông lung như khói trầm. Dù vậy, ngay lúc này, cô thấy rõ hơn ai hết, có lẽ vậy, sự nóng cháy đam mê trong đôi mắt thần tiên đó. Thế mà cô cũng chưa bao giờ thấy được sự nóng cháy của một ngọn nến lẻ loi giữa đêm khuya tịch mịch. Cô bỗng thấy trong thâm tâm mình bây giờ y hệt như một họa sĩ vẽ trúc đã mọc đầy trúc trong bụng. Cô mong cho sự nóng cháy kia không sớm bị dập tắt dưới những kỷ luật lạnh lùng nơi tu viện. Cô có cảm giác mười đầu ngón tay của mình đang vuốt nhẹ lên mặt hồ với những lượn sóng nhỏ.

Cô ngồi lại trước cây đàn. Bàn tay trái mở rộng, đầu ngón trái và ngón út cũng ấn nhẹ lên hai phím đen, ngón trỏ và ngón áp út điểm đều đặn trên các phím đen trắng bất thường. Nghi chưa bao giờ thấy ở đâu có sự dịu dàng bao la như những ngón tay đó của cô bây giờ. Chú đưa tay lên vuốt chỏm tóc. Bất chợt, chú cũng xòe rộng bàn tay trái, đập lên các phím đàn. Như Khuê vừa đàn vừa la :

- Đừng phá. Để người ta đàn cho mà nghe.

Nghi rút tay lại. Chạy vòng qua phía tay phải của cô. Nhìn một lúc, chú lại thò tay phải ra, đập một lượt bốn phím trắng.

- Phá hoài hà. Không đàn nữa.

Chú đứng lui, núp sau lưng cô. Như Khuê đứng dậy. Cô nhìn thấy chú ngơ ngác, thất vọng.

- Nghi mấy tuổi ?

- Mười hai.

- Học ở mô ?

- Nghi sắp lên đệ lục. Nghi đi học buổi sáng. Ngoài trường Hồ Ngọc Cẩn đó, cô biết không ?

- Hằng ngày Nghi có hay ra khỏi chùa đi chơi không ?

- Cô hỏi nhiều vậy. Nghi mỏi chân rồi.

Chú chống tay, nhảy lên ngồi trên khung cửa sổ.

Đâu có được. Phải có Thầy dẫn mới được đi. Còn không thì trốn đi tối nay đó.

Như Khuê cười. Chú tiểu này quả có lí lắc thật. Cô thích được nắm chỏm tóc của chú mà vuốt dài xuống, Cô đứng tựa mình lên khung cửa và nhìn lên bầu trời. Trăng khuya, lác đác vài ngôi sao. Một ngôi sao.... Xa quá....

- Nghi buồn ngủ chưa.

- Chưa. Nghi thức suốt đêm 30 rạng mùng 1 tết.

- Chi rứa.

- Tại quen. Hồi trước, má Nghi dẫn Nghi tới Thầy, rồi đi đâu mất. Tết năm đó, nhớ má Nghi không ngủ được.

Mấy tháng sau nghe thầy nói má Nghi chết rồi. Ở đâu không biết. Nghi có bàn thờ má trong phòng.

Như Khuê nghe cánh tay chú đụng vào người, Cô nhìn lại. Chú đang kéo chỏm tóc sang một bên.

- Nghi muốn về chưa ?

- Chừng nào cô buồn ngủ Nghi về. Thầy chắc tưởng Nghi ngủ trong phòng. Ủa. Nghi về chớ. Mai mốt cô qua chùa chơi nghe.

Chú nhảy ngay xuống đất và chạy thẳng ra cổng. Như Khuê đứng nhìn bóng trắng khuất ngoài hàng rào bông bụp.

Ngang qua thiền thất, Nghi thấy sư trưởng bắc ghế ngồi nhìn ra phía trước cổng. Cổng sắt đã khép kín. Con đường kéo dài bất tận. Tiếng đàn buông lơi và chạy suốt, mất hút ngoài kia. Nghi lén nhìn sau lưng sư trưởng và sư trưởng thì nhìn vào bóng tối của con đường vì sư biết đó là Piano Sonata 14 với tiến nhịp của sustenuto, chậm nhưng vĩnh viễn chìm sâu trong bóng tối như những làn sóng nhỏ ôm bóng trăng mà ngủ vùi trên bến cát.

Cho đến lúc, Nghi cũng biết được rằng, đó là Piano Sonata 14....

(Trích báo Khởi Hành . Khởi Hành là một tạp chí văn học có giá trị, phát hành mỗi tháng. Giá mua dài hạn chỉ có 2 mỹ kim 1 số hay 24 mỹ kim 1 năm (tại Hoa Kỳ). Địa chỉ liên lạc : P. O. Box 670, Midway City, CA 92655 USA ; Phone & Fax (714) 554 - 1886) ./.


---o0o---

Vi tính : Hải Hạnh Ngọc Dung

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/12/2014(Xem: 3710)
T huở nhỏ tôi mồ côi bố sớm, ở vào cái tuổi con nít vừa mới chập chững biết đi chưa nói được câu gọi bố lần đầu, bố tôi đã đi về miền cát bụi. Sự ra đi của ông đột ngột quá, còn trẻ quá mới 27 tuổi đầu làm sao không để lại bao luyến tiếc cho người ở lại. Dĩ nhiên mẹ tôi là người chịu nhiều đau đớn nhất, mới lấy chồng được hai năm cộng thêm đời chiến binh nên chỉ ở gần chồng vỏn vẹn có một tháng là nhiều. Con thơ còn bế ngửa trên tay, đầu quấn khăn tang người chồng yêu quí, đã phải xách tay nải leo lên chiếc thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường như một bài hát nào đó.
01/12/2014(Xem: 13216)
Nguyên gốc tác phẩm này là của Genro, một Thiền sư thuộc tông Tào động Nhật Bản, viết và xuất bản năm 1783. Mỗi câu chuyện là một công án mà tác giả đã có lời bình và kệ đi kèm. Fugai, người thừa kế Genro, thêm nhận xét của sư, câu đối câu, vào sách của thầy. Tôi sẽ dịch các câu chyện hay tắc, gồm cả lời bình của Genro và nhận xét của Fugai trong hầu hết các câu chuyện để tham khảo. Có khi gặp bài kệ cũng dịch để khuyến khích học tập.
28/11/2014(Xem: 4341)
Tôi và cả vợ tôi nữa, hình như mấy ngày hôm nay, lòng lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, hạnh phúc vô cùng! Chuyện chẳng có gì to tát lắm đâu mà sao chúng tôi vui mừng đến vậy. Tối thứ bảy vừa qua, sau khi tắt đèn, mở cửa phòng đi tìm nước uống chuẩn bị đi ngủ, tôi phát hiện ngay trước cửa phòng một túi quà nhỏ, món quà nhỏ bé của các con tôi, với một tờ giấy võn vẹn sáu chữ "Happy 40th year from your children". Chỉ với sáu chữ võn vẹn đó...đã khiến vợ chồng tôi ngẩn ngơ, quên đi hai chiếc đồng hồ tuyệt đẹp trên tay vợ tôi! Vợ tôi thì xúc động lắm, còn tôi, miệng thì luôn hỏi sao tụi nó lại nhớ đến ngày cưới của mình, nhưng lòng lại mơ màng nghĩ về những ngày này của 40 năm trước...Tôi cưới vợ!
16/11/2014(Xem: 5078)
Sau khi kết hôn hai năm, chồng tôi bàn với tôi đón mẹ lên ở chung để chăm sóc bà những năm tuổi già.Chồng tôi mất cha từ ngày anh còn nhỏ, mẹ chồng tôi là chỗ dựa duy nhất, mẹ nuôi anh khôn lớn, cho anh học hết đại học. “Khổ đau cay đắng” bốn chữ ấy vận đúng vào số phận mẹ chồng tôi! Tôi nhanh chóng gật đầu, liền đi thu dọn căn phòng có ban công hướng Nam, phòng có thể đón nắng, trồng chút hoa cỏ gì đó.Chồng tôi đứng giữa căn phòng ngập tràn nắng, không nói câu nào, chỉ đột ngột bế bổng tôi lên quay khắp phòng, khi tôi giãy giụa cào cấu đòi xuống, anh nói: “Đi đón mẹ chúng ta thôi!”.
15/11/2014(Xem: 10548)
Không và Có tương quan mật thiết với nhau như bóng với hình. Có bao nhiêu cái có thì cũng có bấy nhiêu cái không. Nếu cái có vô cùng vô tận, thì ...
14/11/2014(Xem: 4802)
Tại một ngôi trường tiểu học trong một thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ hôm nay là ngày đầu tiên khai giảng cho năm học mới. Cô Thompson là giáo viên phụ trách dạy lớp Năm. Cô giáo đứng trước các học sinh trong lớp học của mình và tương tự như các giáo viên khác, cô cũng nhìn khắp lượt vào các em học sinh và nói là cô sẽ thương yêu tất cả các học trò của cô như nhau, không có sự phân biệt nào cả. Cô đã nói với các đứa trẻ này điều đó, một điều mà cô tự biết là không thật lòng và cô biết là mình sẽ không thực hiện được.
08/11/2014(Xem: 6152)
Người đàn bà ngồi tựa vào tường trên lối mòn của một con hẻm. Mệt mỏi và thiếp đi cạnh quang gánh của mình. Hai đầu gánh là đủ thứ quà vặt như bánh tráng, kẹo, đến chanh, ớt… rồi có cả đồ chơi trẻ con chằng cột. Chị như muốn kéo cả thế giới chung quanh đi theo mình trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn không có ngày tháng cuối.
07/11/2014(Xem: 7576)
Tại sao lại là những bài học bình dị? Vì những câu truyện ở đây sẽ chỉ ra cho các em thấy được những bài học đạo đức rất gần gũi trong cuộc sống...
07/11/2014(Xem: 32188)
Nói "Chùa Khánh Anh sau 30 năm" có nghĩa là đã bắt đầu bước sang năm thứ 30+1... Thật vậy, chùa Khánh Anh bắt đầu sinh hoạt từ Lễ Phật Đản 1974, tức 1 năm trước biến cố lịch sử 30/4/1975. Tại sao lại không phải là sau ngày 30/4/75 như nhiều nơi khác, và nhiều chùa khác ở hải ngoại? Thưa quý vị và bà con cô bác, đó mới là có chuyện để kể lại. Và cái đoạn này có nhiều chuyện để kể lắm. Nghĩa là nguyên nhân do đâu, và từ bao giờ đưa đến việc thành lập chùa Khánh Anh trước năm 75 và sinh hoạt cho đến ngày hôm nay?
01/11/2014(Xem: 5484)
Trước 1975, tôi là một phi công Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Tôi qua Mỹ từ ngày mất nước, khi tuổi đời vừa mới 25. Mang tiếng pilot bay bướm nhưng tôi không có lấy một mảnh tình, bởi vì tôi không có tài tán gái. Thời đó mặc dù phụ nữ Việt nam cao giá, mấy thằng bạn không quân lanh lẹ vẫn vớt được một cô vợ Việt. Tôi khù khờ, vài năm sau đành yên bề gia thất với một thiếu nữ Mỹ tuổi đôi mươi. Hồi mới cưới, cuối tuần tôi thường dẫn Carrol hội họp bạn bè, nhưng nàng cảm thấy lạc lõng giữa đám người Việt bất đồng ngôn ngữ và từ chối những buổi họp mặt. Xuất giá tòng thê, mất liên lạc với đám bạn cũ, tôi hoàn toàn hội nhập vào đời sống Mỹ. Khi đứa con gái lên 5, chẳng may Carrol bị bịnh thận. Căn bịnh quái ác kéo dài hành hạ nàng hơn 20 năm và nàng qua đời vào thời gian đứa cháu ngoại vừa tròn 3 tuổi. Gần 2 năm qua, nỗi buồn mất người vợ Mỹ tuy đã nguôi ngoai nhưng tôi vẫn giữ thói quen sống không bè bạn, vẫn âm thầm cô đơn chiếc bóng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]