Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quê hương ở đâu ?

10/04/201312:40(Xem: 4417)
Quê hương ở đâu ?

dongque3_thuymac

Quê hương ở đâu?

Thu Nguyệt

1. Ba tôi

Vở kịch Dạ cổ hoài langđã làm rung động trái tim cũng như bài hát Dạ cổ hoài langđã làm “rụng rún” biết bao người! Tim và rún không nằm xa nhau mấy trên cơ thể, do đó những giai điệu làm “rụng rún” thường dư chấn sang trái tim.

Nói chi xa là đi tới tận nước ngoài như hai ông già trong vở kịch kia mới nhớ nhà, nhớ quê, nhớ nước. Chưa đầy 150 cây số từ Đồng Tháp lên Sài Gòn, đi tới bến xe Miền Tây là ba tôi đã nhớ nhà rồi!

Từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn, chuyện nào cũng làm ba tôi nhớ nhà được! Chuyện nhỏ là chuyện mang dép và bỏ dép. Bốn giờ sáng, ba thức dậy loay hoay với việc mang đôi dép vào chân để đi ra bến xe đò, lên đất Sài thành cho nó ra vẻ con người lịch sự. Ba mang đôi dép vào, đi vài bước lại tháo dép ra, chậc lưỡi: “Thôi, ra tới bến xe hãy mang”. Lên xe, ba ngồi rút hai chân lên ghế và thỉnh thoảng đưa mắt dòm đôi dép nằm thừa thải dưới chân, lâu lâu thấy tội nghiệp nhúm da củ kỹ, đóng vá bằng mấy cây đinh (mà ba đã mua từ ngày ăn thôi nôi đứa con đầu lòng) nên lại thò chân xuống xỏ vô ngoe ngoe mấy ngón. Ba mong mau đến nhà con để đôi chân được giải phóng khỏi đôi dép.

Bước vào ngôi nhà trong thành phố, được đi bằng chân không, bỏ dép, thế mà ba cũng lại cứ loay hoay ngượng ngịu với hai bàn chân trần trên nền gạch sạch trơn, bóng láng. “Tình trạng” ấy có khi nó còn “ngặt” hơn là đi dép nữa! Ba là nông dân, không xa được mặt đất dù chỉ vài cen-ti-mét qua lớp dép kê chân, huống chi là lớp gạch Gra-mit cứng còng lạnh ngắt!

Vậy là nhớ nhà!

Đó là chuyện dưới chân, còn chuyện trên đầu: Ngước lên không thấy trọn một mảnh trời, toàn mái bằng, mái chóp và dây điện! Rồi chuyện xung quanh: Mắt nhìn đâu cũng thấy người, mà toàn là người lạ, ánh mắt nhìn không có chút hơi hớm hàng xóm láng giềng. Tai chẳng nghe tiếng gia súc gia cầm chim chóc… toàn nghe tiếng máy xe đủ loại hòa tấu kinh hồn dai dẳng đến tưởng chừng như âm thanh nhiễm xạ vào người! Và gió. Cái gió trời mang mùi đất cát, cây cỏ theo mùa, không hề léo hánh! Gió làm sao mà thổi nổi qua tầng tầng lớp lớp nhà cửa như rừng, như cỏ mọc vườn hoang! Chỉ có gió từ cái quạt máy phả đều đều, vô duyên lãng nhách, chán gần chết!

Vậy là nhớ nhà!

Đó là chuyện xung quanh, chưa đụng vô mình mẩy. Còn đây, chuyện tiếp cận với công nghiệp tiêu dùng: Bước vô nhà tắm, tắm xong, ba bước ra với bộ quần áo gần như ướt nhẹp! Tôi kêu: “Trời, sao ba không lau mình?” Ba tỉnh quẹo: “Cái khăn chàng bông (khăn choàng lông) nó mềm èo nhẽo nhợt, lau nhột thấy ù! Bữa đi tao quên đem theo cái khăn rằn”.

Vậy là nhớ nhà!

Nói tóm lại là đụng đâu cũng nhớ nhà, nhớ nhà mọi nơi mọi lúc! Dường như ba sinh ra là để cắm vào quê, cũng như cây lúa, chỉ có thể đứng trên đồng ruộng, nếu đem lúa trồng vào chậu trong nhà, lúa sẽ chỉ có thể là cây mạ già héo rũ, không thể nào thành cây lúa được!

  1. Tôi

Là con của ba, tự phân tích mình, tôi thấy có 40% là giống ba, 20% giống mẹ, số % còn lại là do ông bà tiên tổ, cộng đồng, bè bạn, và các hệ tư tưởng… kết thành. Mười tám năm loanh quanh xóm nhỏ, nền móng tâm hồn tôi không khác gì ba, dù thượng tầng kiến trúc của tôi đã được gia cố khá nhiều, bứt xa ba một khoảng đủ để được thành ngữ khen ngợi là “nhà có phúc”. Những ngày đầu tiên bước lên thành phố, tôi cũng có 40% cái kiểu nhớ nhà giống ba. Để thích nghi, tôi tự lắp cho mình một toa tàu, lúc vui thì kéo lúc buồn thì đẩy, dẫu sao cũng phải tiến lên trên đường ray hội nhập. Những lúc va vấp mệt mỏi, tôi bỏ lại toa tàu, đi… xe đò về xứ:

… “Đi đâu rồi cũng về đây

Dưới vòm tre thấy tháng ngày nhẹ bâng

Không muộn phiền, chẳng băn khoăn

Tóc buông, áo bỏ ngoài quần, chân không…

Nghêu ngao hát với ruộng đồng

Không không sắc sắc không không… tắng tằng…

Nhân gian ơi có biết rằng

Thế gian đâu cũng chẳng bằng nơi đây”.

Với nhân sinh, thế giới quan như thế, tôi mãi là con bé nhà quê giữa phố, đến “nằm mơ vẫn mớ lời dân miệt đồng”, do vậy trong tôi, ý niệm về quê hương hẳn nhiên chỉ là cái tỉnh Đồng Tháp 3.391 ki lô mét vuông! Mở rộng biên giới hết ga cũng chỉ trong vòng các tỉnh miền Tây; thân thiết nhất là ven bờ hai con sông Tiền, sông Hậu. Bạn thân, tôi cũng chỉ chọn chơi thân với dân vùng quê gốc. Không phải tôi ích kỷ cục bộ, nhưng có lẽ vì khả năng thu sóng của tôi hơi bị lạc hậu, rụt rè, do đó tôi không bắt được nhiều tầng sóng khác. (chỗ này phải mở ngoặc để nói về một cái gien lạc, có lẽ nằm trong 40% sau cùng - phần ông bà tiên tổ – nên tôi từ đỉnh đầu đến gót chân là dân Nam bộ, lạc loài khẩu vị lại nằm đất Bắc Hà! Thích ăn quả vải, dưa lê hơn trái xoài, chôm chôm…). Sống ở thành phố gần hai mươi năm, tôi chưa có một góc quen. Đường phố Sài Gòn dẫu mòn mấy chục đôi giày tôi vẫn đi như đang đến một nơi nào đó chưa từng đến. Ngay cả những lúc vui vẻ rong chơi, khi mà đến ngọn gió bất ngờ thốc bụi bay vào mắt cũng không làm tôi bực thì nhìn những gương mặt ngược xuôi qua lại trước mắt, tôi vẫn chẳng có nổi cảm giác gần gủi, quen thuộc. Hoặc khi sơ ý quên tắt đèn xi-nhan xe mình, có ai đó đi qua khẻ nhắc giùm, lời cảm ơn tôi thốt ra cũng không chuyển được gam màu ứng phó! Đôi lúc lòng từ bi và tính công bằng trổi dậy, tôi thấy thương và tội nghiệp thành phố vô cùng. Tôi có cảm giác thành phố là một nơi mà người ta chỉ đến và đi chớ không phải là nơi để ở. Tôi có một anh bạn cùng là dân nhập cư, anh kể: “Có cái tết anh kẹt việc, không về quê được, đêm giao thừa xách xe chạy vòng vòng mấy phố, thấy có khá nhiều nhà với ống khóa bên ngoài, hẳn là chủ nhà đã về quê”. Cần gì đi tìm những cái ống khóa, chỉ cần nhìn vào các bến xe, bến tàu vào những ngày cận tết thì thấy ngay được sự “ruồng bỏ” thành phố rồi! Tự dưng thấy thương thành phố quá! Cớ gì mà xa lạ thế hỡi phố xa phố xa

Vậy rồi chồng tôi mất vì một tai nạn giao thông ngay trên đường phố đông người chật chội. Sự ghẻ lạnh đối với thành phố càng thêm băng giá (nếu không nói là đôi khi mấp mé bên bờ ranh giới căm hận!) Không chỉ là giận cá chém thớt mà đúng hơn là đứt tay oán thớt! Thành phố từ nay vô phương xích lại gần tôi. Mỗi ngày, tôi ra đường với đôi mắt mang hình… cục nước đá. Nỗi vọng cố hương càng ầm ỉ thét gào trong từng giấc ngủ ngột ngạt bơ vơ…

Tóm lại, tôi là dạng cây cỏ, tôi sinh ra từ đồng đất, tôi có thể về thành phố đứng sang trọng trong những vườn hoa, làm màu xanh che đất cát cho hoa nổi bật; làm thảm cỏ bên đường, góp chút hồn cho đại lộ đỡ nặng nề xi măng hắc ín. Nhìn vào tôi, người ta có thể nghĩ đến những thảo nguyên bao la bát ngát hoặc những cánh đồng cỏ non xanh miên viễn trong thơ của Nguyễn Du, tôi không thể hòa nhập vào muôn hồng nghìn tía của thành phố, nhưng dẫu sao tôi vẫn ấm ức xanh tươi được trên mảnh đất đô thành.

  1. Bạn tôi

Rồi hoàn cảnh đưa đẩy, tôi kết thân với một cô bạn chánh hiệu dân thành phố. Những lúc ngồi sau lưng bạn, theo nó “đưa võng” qua các ngõ ngách Sài Gòn, nơi nào nó cũng thuộc như lòng bàn… làm việc của mình (vì nó làm nhân viên thư ký), tôi thấy phục nó quá! Nó có thể kể vanh vách cây me này chết đi sống lại hồi năm nào, góc đường này trước kia là quán bánh bèo nổi tiếng nay thành quán bún bò Huế nổi danh; cửa hàng quần áo may thời trang này mới phất lên từ ngày có bài báo nọ...vv…và vv… Nghĩa là phải máu thịt với Sài Gòn lắm mới nhớ rõ nhiều và cặn kẽ như vậy. Vào quán karaoke nó hồn nhiên gào hát, cơ quan tổ chức liên hoan, nó trèo lên sân khấu nhảy nhót sành điệu vô tư. Thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn nhà hàng sang trọng, nó quát nhân viên phục vụ như người giúp việc ở nhà. Chạy xe ngoài đường nó lườm đến nhớ mặt các bác tài xe buýt trong khi tranh thủ vượt kịp đèn xanh. Có thể nhận biết người quen qua cái bảng số xe lấp loáng hồn nhôm thiếc. Biết quan sát để dừng xe ngay trong bóng râm khi đèn đỏ dù còn cách ngả tư hơn năm chục mét. Luôn miệng nhắc nhở tôi coi chừng bị kẻ gian giựt túi, móc bóp. Mười lần tôi cho tiền ăn mày, ăn xin, kẻ lỡ đường, hoàn cảnh…. thì đến chín lần nó phân tích cho thấy tôi bị lừa như thế nào; gia tài “câu chuyện đường phố” của nó đã vô tận mà còn liên tục được cập nhật. Thảm thương thay, hầu hết những điều nó nói đều có cơ sở thực tế, đều đúng và thậm chí nếu phân tích kỹ ra thì rất nhân bản mới chết chứ! Mới hay cái đúng và cái sai, cái thiện và cái ác như cỏ mọc chen nhau, mà chính những nơi như thành phố, mật độ ken dày càng làm ta khó phân biệt giả chơn. Tốt xấu chen vai thích cánh như bằng hữu và thậm chí đôi khi trở thành chiến hữu trong cuộc chiến quắp xã hội đi lên.

Dù thấy mình vô lý trong khi cứ cố tình không chịu công nhận rằng dân thành phố cũng rất chân thành, cũng có thể là những người bạn tâm giao còn tốt hơn nhóc đứa là dân miệt mình mà lăn dưa đá cá. Thế nhưng không hiểu tại sao trái tim tôi vẫn cứ không chịu hành xử công bằng. Bởi vậy, dù chơi với nhau rất thân, có lúc tưởng chừng như chị em ruột thịt, nhưng cứ hễ mỗi lần giận nhau là tôi lại nhìn thấy bạn hiện ra rõ ràng với bộ mặt dân thành phốlạnh lùng xa lạ! Chút tình bạn thân có vẻ vững bền liền đứt gốc như đang bị “thần đèn” Cẩm Lũy cắt móng chặt nền. Thiệt là đáng tội! May mà mỗi ngày chúng tôi đều gặp nhau vì cùng làm việc một phòng. Bạn tôi vẫn vô tư hồn nhiên với những cử chỉ ân cần, tấm lòng nhân hậu cỡi mở. Còn tôi thì không thể từ chối mâm cỗ nghĩa tình thịnh soạn ấy, vì bản thân đang đói khát, suy dinh dưỡng tình cảm nặng nề. Thế nhưng cứ mỗi lần ngồi vào mâm cỗ ấy, tôi luôn thấy áy náy không yên, như một kẻ ăn nhờ, ăn quỵt vậy. Người ta bảo rằng “Sói chết ba năm quay đầu về núi” không biết có thiệt không, chớ còn tôi… miệng còn ngậm cây tăm thành phố, đầu đã quay về phía làng quê! Tóm lại, khi chơi với bạn là người thành phố, tôi đối xử với bạn một cách “thành phố” còn hơn dân thành phố! Có lẽ đó là điều tồi tệ nhất, đáng chê trách nhất của tôi khi sống ở cái đất này!!!

Cháu tôi

Cháu là sinh viên năm thứ tư. Một hôm đưa tôi về nhà trong buổi trưa tan tầm nắng gắt đầy người, xe và khói bụi. Tôi nhăn mặt càu nhàu:

- Cái xứ gì mà ra đường cực như đi đày!

Cháu tôi cười qua lớp khẩu trang dầy bịt:

- Vậy mà đi đâu con những nhớ Sài Gòn đó dì!

Liền đó, chiếc nón bảo hiểm của tôi đập bốp vào lưng nó sau một cú thắng gấp. Hình như mối quan tâm của nó không nằm ở sau lưng, từ cái khẩu trang lại vang ra những lời thắm thiết:

- Con đi đâu, hễ về tới gần thành phố là thấy nao nao, thấy ánh đèn thành phố là con thấy mừng mừng làm sao dì ạ!

Để không bị nới lỏng sợi dây thâm tình ruột thịt, để chứng tỏ mình không quá xa cách với những suy nghĩ của lớp trẻ, tôi ứng phó bằng cách vay mượn thơ của lớp tiền bối:

- Con có nhớ nhà thơ Lê Anh Xuân không? Cái ông viết bài Dáng đứng Việt Nammà sách giáo giáo khoa văn có dạy đó… - Nói tới đây tôi chợt giật mình, chưa chắc gì cháu nó biết, bởi sách giáo khoa thời tôi và thời nó dẫu cách nhau mới có hai mươi năm, nhưng đã qua mấy lần đổi khác! Biết không thể bám víu vào cái “Tình nghĩa giáo khoa thư” (1)này nên không đợi cháu trả lời, tôi nói nhanh luôn - Ổng viết khi ở rừng, nhìn về phía thành phố, thấy ánh đèn sáng rực góc trời: “Cái quầng sáng bồn chồn thương nhớ đó/ Cứ đêm đêm thao thức giục ta về”….

Thấy tôi hưởng ứng, cháu hào hứng tâm sự tiếp:

- Dù lúc ở thành phố, ra đường ồn ào bụi khói bực mình, chỉ mong được đi đâu đó hít thở không khí trong lành cho mát phổi, nhưng khi đi xa, tự dưng thấy nhớ, thấy thèm nghe tiếng xe, thèm hít mùi khói bụi…

Lần này thì tôi im. Tôi chợt nhớ lại ngày xưa, hồi còn ở quê, mỗi lần có chiếc xe gắn máy chạy qua trên đường làng, cả đám con nít chạy ùa ra ngóng theo mút mắt, có đứa còn hít lấy hít để cái mùi khói xe để lại, bởi vì nó ngộ quá, hiếm có quá! (Trong đám, có đứa giờ đây đang làm thợ sửa xe ở ngã năm Chuồng Chó. “Đáng đời, bây giờ thì tha hồ mà hít khói nghen con!” - tôi nổi giận vô duyên, lẩm bẩm mắng nhiếc khi ký ức nhớ lại chuyện cũ!).

Thấy tôi im, cháu quay lại hỏi:

- Chắc dì năm lớn lên ở quê, không thấy thương thành phố như con đâu ha?

Lần này thì tôi hùng dũng gật đầu! Hình như đọc thấy vẻ không hài lòng của tôi qua ánh mắt còn dư âm câu mắng nhiếc ký ức vừa rồi, cháu nhẹ nhàng thanh minh:

- Ở đâu quen đó dì ạ. Dì và mẹ con lúc nào cũng thích về quê, còn con thì về quê mẹ cũng như đi về một vùng quê nào đó thôi. Con chỉ có cảm giác gần gũi khi về thành phố. Quê hương thực sự là nơi mà mình sinh ra và lớn lên của mình dì há!

Tôi cố thủ im lặng, vờ vô tình làm tuột chiếc khẩu trang để lộ nụ cười ngụy trang cho cháu thấy, để cháu không nghĩ là tôi đang phật ý. Cháu sinh ra ở thành phố, đang học nghành kinh doanh, cháu khoái không khí ồn ào, náo nhiệt của thành phố là phải rồi. Còn dì, (tôi thầm vênh váo tự kiêu kẻ sĩ) dì là nhà thơ, dì phải yêu cái không khí lãng đãng miền quê chứ! Nhủ thầm như thế, tôi âm mưu về nhà “phỏng vấn” đàn con có máu “nhà thơ” của mình, xem chúng sẽ trả lời ra sao. Lòng tràn trề hy vọng sang trọng, tôi về nhà hỏi con – những đứa trẻ đã sinh ra nơi miền quê nhưng lớn lên ở thành phố.

5. Con tôi

- Con thích quê hơn hay thành phố hơn? - Tôi hỏi đứa con gái bảy tuổi.

Trả lời:

- Con thích nơi nào mẹ thích!

Bảy tuổi thì có biết quê hương là gì. Tôi tự cười mình. Có lẽ mình bị ảnh hưởng cái tư tưởng của Mạnh Tử, thuộc vài câu Tam tự kinh “nhân chi sơ…”nên tôi nhầm rằng con nít cũng đã sẵn có “chủ kiến”, có Thiện – Ác. Tôi quay lại với tư tưởng câu thơ của một đồng nghiệp cùng thời: “Quê hương là chùm khế ngọt” phấn khởi hỏi cô con gái 14 tuổi. Trả lời:

- Về quê nghỉ hè thích nhất! Mát và tắm sông, tắm mưa đã đời…

- Nhưng con thích ở đâu nhất? – tôi nhắc lại câu hỏi, cố lái đúng chủ đề.

- Con thích về quê nghỉ hè rồi lên thành phố đi học với bạn.

Cái cô giữa này đúng là ở giữa! Trả lời mãi không ngả ngũ được. Tất cả niềm hy vọng dồn vào cô con gái lớn – cô con gái có tâm hồn lãng mạn nhất, cũng đang võ vẽ làm thơ:

- Còn con, con thích ở đâu nhất hở Dạ Quỳnh?

Con bé tuổi mười bảy nhạy cảm, nó rất hiểu lòng tôi, phần nào biết tôi đang mong muốn nó trả lời như thế nào, nhưng với bản chất trung thực giáo điều mà tôi đã tưới tăm vun bón lâu ngày dài tháng cho con, nó ngập ngừng bày tỏ:

- Con rất yêu quê của mẹ (Tôi chú tâm vào ba chữ “quê của mẹ” câu đó đã gián tiếp bày ra một vế khác tồn tại song song: “quê của con”!) - Rất nhanh thấy vẻ mặt thất vọng của tôi, con bé vội vàng lấp liếm: - Quê hương là nơi chôn nhau cắt rún của mình, con đã sinh ra ở quê, đã đi học những ngày đầu tiên (mẫu giáo) ở đó, con rất nhớ nếu lâu không được về. Nhưng quê phải gắn liền với những người thân. Người thân của con là ông ngoại, là dì sáu, là các anh chị em…. Nhưng giờ đây ông ngoại thì mất rồi, dì sáu và các anh chị em kẻ theo chồng, người cưới vợ, tản mác làm ăn nơi xa hết, con về quê thấy hổng còn vui…

Phải rồi. Người ta chỉ gắn bó với đất đai làng mạc khi được sống lâu ngày ở đó. Hương vị màu sắc của dòng sông, bờ ruộng, khoảnh vườn, đất cát mới thấm vào người. Con tôi chỉ sống ở quê có bốn năm tuổi nhỏ, chân chưa giẫm được bao nhiêu trên mặt đất, sự gắn bó mới chỉ dừng ở vị trí trên tay những người bồng ẳm nó, những người ấy không còn thì đất hoá lạ xa. Tôi thông cảm với con, ngồi lặng. Thấy tôi hình như có phần tỏ ngộ, mười bảy tuổi thỏ thẻ nói tiếp:

-Bạn con có mấy anh chị đi học nước ngoài, bạn ấy hỏi anh chị có nhớ nhà không, anh chị bảo: “Nói em nghe điều này em đừng mách lại với bố mẹ nhé. Chẳng có nhớ nhà, nhớ quê như các ông bà nhà văn nhà thơ sướt mướt đâu. Thỉnh thoảng cũng có nhớ, nhưng cuộc sống trước mắt thu hút hơn. Chỉ thi thoảng nhớ lại khi nào gặp chuyện buồn phiền thất bại thôi, rồi cũng vèo qua! Nhưng ai hỏi thì phải nói là da diết lắm, kẻo người ta chửi mình là đồ mất gốc…” .

Tôi lắc đầu, cắt ngang lời con:

- Đối với những hòn đá đang lăn ấy thì nói làm gì! Đến khi nào bị va đập, bào mòn, nằm trơ bên bờ suối cạn, đá thành sỏi rồi mới nát tan nhớ núi! – Tôi nói luôn một mạch như trút nỗi bực tức, chợt nhớ lại con của mình, tôi vội hỏi con: - Thế còn con? Con có nghĩ như vậy không?

Con gái tôi trả lời rất thật:

-Con cũng chưa biết nữa!

Ờ nhỉ! Quê hương là khái niệm chỉ thực sự được kích hoạt khi người ta phải xa nó. Sao tôi lẩn thẩn vậy? Tuổi thơ ở đâu thì quê là ở đó. Đối với những đứa trẻ không có tuổi thơ thì quê chỉ là khái niệm rỗng! Thế nào là tuổi thơ? Hình như có một số người trên hành tinh này không có tuổi thơ mà chỉ có những ngày tuổi nhỏ.

Bên tai tôi văng vẳng cô buồn lời một bài hát: “…ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó… trong giấc mơ tôi vẫn thầm mơ…”.

Thôi, miên man làm gì cho mệt, Mỗi con người là một tiểu vũ trụ, phân tích làm chi cho phiền! Tôi bước ra thắp một nén nhang trên bàn thờ Phật, mong hương khói mong manh đem đến chút vững chải an bình. Bất chợt lại phất về trong đầu câu thơ của Nguyễn Bính:

Quê tôi có gió bốn mùa

Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm…

Tôi ngước mắt nhìn lên tượng đấng Từ Bi, gương mặt con người Ấn Độ ấy sao lại thân thương gần gũi quá chừng! Ơ kìa, bất đồng ngôn ngữ, xa xôi thế mà sao mình thấy gần như vậy? Còn những người – đến như cô con gái mười bảy tuổi núm ruột kia lại có “quê của me” và “quê của con”? Tại sao tôi lại muốn nó cũng yêu quê theo cái kiểu của mình?

Khi cái ngãvi tế được mặc ấm bằng chiếc áo đạo đức thì tàng hình thật là khó thấy. Vòng vo mấy cũng trở về đúng thực chất mà thôi.

Yết đế yết đế ba la yết đế ba la tăng yết đế… (Bát Nhã tâm kinh).

______________________________________________________

(1): Tựa truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam

---o0o---

Trình bày:Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/10/2023(Xem: 1494)
🐄Bò làm mệt, than với chó: " Tao mệt quá ". 🐶 Chó gặp mèo tâm sự: " Bò nó kêu mệt, chắc làm quá sức, chắc nó đòi nghỉ một chút". 🐱 Mèo gặp dê tám chuyện: " Bò nó muốn nghỉ một ngày vì công việc làm nó mệt quá, có lẽ ông chủ bắt nó làm quá sức". 🐐 Dê gặp gà: " Bò nó đòi nghỉ làm, ông chủ bắt nó làm đến kiệt sức thì phải". 🐔 Gà gặp heo nói: " Biết chuyện gì chưa, bò nó định đổi chủ và bỏ việc đấy".
21/10/2023(Xem: 1731)
Từ đầu đến giữa năm 2020, con virus do Tập Cận Bình (TCB) cho tạo ra tại Viện Nghiên Cứu ở Vũ Hán, chẳng những để giết người dân Tàu ở Vũ Hán chống đối đường lối cai trị tàn ác dã man của Tập, mà còn cho con virus ác ôn này xuất ngoại với âm mưu thâm độc là gây truyền nhiễm, lây lan cho người dân lành khắp mọi nơi trên thế giới. Rồi đây đảng cộng sản Tàu do TCB dẫn dắt đã gieo cái nhân ác, sẽ nhận lãnh cái quả không thể nào lường trước được. Xin quý độc giả hãy chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.
01/09/2023(Xem: 23690)
Bát quan trai giới Cửa Vào Tuyệt Đối Chiến tranh, tình yêu, hoài niệm và truyện ngắn Võ Hồng Dẫn vào Tâm Kinh Bát Nhã Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo Du-già Bồ-tát giới Duy-ma-cật Với Các Đại Thanh Văn Duy tuệ thị nghiệp Đạo Phật và thanh niên
03/08/2023(Xem: 1893)
Sư Khánh Vân đang dạo bước ngắm hoa ở sân sau chùa bỗng nghe tiếng ồn ào đâu phía trước. Chú tiểu Công Sơn lật đật lại gần sư thưa: – Bạch thầy, không biết ai đã đem một đứa bé trai bỏ trước cửa chùa. Nó khóc dữ quá. Một số thôn dân đang đứng quanh đấy bàn tán xôn xao, xin thầy ra xem thử.
09/06/2023(Xem: 2604)
Hằng năm cứ vào độ đầu xuân, hoa Mai vàng rồi hoa Đỗ Quyên của Đức nở rộ, Thầy Hạnh Tấn, một vị Tu sĩ Phật giáo, người có khả năng tiếp cận và truyền đạt được những giáo lý màu nhiệm của Đức Phật đến các em thanh thiếu niên sống tại nước ngoài. Dĩ nhiên là có sự tiếp sức của Thầy Hạnh Giới, cũng cùng chung một chí nguyện, cùng khả năng về ngoại ngữ, ít nhất là hai thứ tiếng Anh và Đức mới tổ chức được một Trại Thanh Thiếu Niên toàn nước Đức, có khi lên đến trên bốn trăm em tham dự.
08/05/2023(Xem: 2163)
Bạn tôi có mỗi thằng con trai độc nhất. Hai vợ chồng thương nó lắm. Qua định cư ở Mỹ lúc tuổi đã xế chiều cho nên luôn nghĩ: ”Đời mình kể như bỏ thôi hy sinh lo cho con”. Ông làm đủ nghề lao động, bà thì lớp nào giữ trẻ, lớp nào coi sóc người già, để bù thêm vào tiền lương còm cõi của ông.
05/05/2023(Xem: 2284)
Tại cánh đồng rộng mênh mông ở Phi Châu có một con sử tử con mới lọt lòng mẹ bảy ngày. Mẹ nó trong một chuyến đi săn bị bầy linh cẩu cắn chết và không bao giờ quay trở lại. Sư tử con đói kêu la thảm thiết, chập chững đi chẳng kể phương hướng để tìm sự sống. Nó may mắn lạc vào một đàn bò. Một con bò mẹ đang nằm dài dưới đất cho bê con bú.
03/05/2023(Xem: 125951)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
21/04/2023(Xem: 2658)
An Dưỡng Địa là một khu nhà mồ ở Phú Lâm, gần bến xe đi về lục tỉnh. Trong khu An Dưỡng Địa có chùa Huệ Nghiêm, có Tháp Phổ Đồng. Tiền thân của chùa Huệ Nghiêm là Viện Phật Học Phổ Thông được thành lập đầu năm 1964, rồi chuyển qua Viện Cao Đẳng Phật Học Chuyên Khoa đầu năm 1971. Tôi và ba thầy Liêm Chính, Toàn Châu, Thiện Tường được Viện Trung Đẳng Chuyên Khoa Phật Học Liễu Quán ở Huế gởi vào đây học thêm 04 năm. Sau ba năm tu học theo chương trình của viện, tôi đi thêm đoạn đường dài là đến tu học, hoằng hóa tại Hoa Kỳ.
15/01/2023(Xem: 2463)
Nạn đói năm Ất Dậu 1945 làm chết hơn 2 triệu dân miền Bắc, nặng nhất là hai tỉnh Thái Bình, Nam Định đã để lại dấu ấn không bao giờ quên về hậu quả của chiến tranh tại Đông Dương do Pháp và Nhật chiếm đóng Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567