Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiếng chuông triêu mộ.

10/04/201312:32(Xem: 4388)
Tiếng chuông triêu mộ.

Tiếng Chuông Triêu Mộ
Võ Hồng



Trong thơ văn Phật giáo có hai câu thơ quen thuộc :

Thấy nguyệt tròn thì kể tháng

Nhìn hoa nở mới hay xuân.

Các bạn trẻ hôm nay có thể nghĩ rằng đó chỉ là văn chương, là nói quá, thậm chí là nói không thật. Không phải vậy đâu. Thời nay của các bạn, gần như nhà nào cũng có tờ lịch treo tường, có xấp lịch gở từng ngày một. Hồi xưa thì không. Năm mươi năm trước, ở mỗi làng chỉ có chừng hai nhà mua được cuốn lịch Tàu, ghi ngày tháng âm lịch. Cuốn lịch phổ biến trong dân gian là phiên chợ. Như ở vùng tôi, chợ Hôm họp mồng 1, mồng 6, 11, 16, 21, 26. Tiếp tới chợ Giã : mồng 2, mồng 7, 12, 17, 22, 27. Rồi chợ Đèo : mồng 3, mồng 8, 13, 18, 23, 28. Chợ Thành : mồng 4, mồng 9, 14, 19, 24, 29. Chợ Sen : mồng 5, mồng 10, 15, 20, 25, 30 hay tháng thiếu thì 29.

Với nhà Chùa thì ngày rằm được báo hiệu bằng mặt trăng. Tăng Ni nhìn trăng mà biết tháng, nhìn hoa mà biết mùa, vì các Chùa chiền đều nằm xa xóm làng, nằm ở chân núi hay lưng chừng núi, nằm ở cánh đồng heo hút xa xôi : Chùa Đồng Mạ, chùa Đồng Tròn, chùa Đồng Tranh, chùa Bảo Sơn, chùa Đá Trắng. Có cây xanh bao phủ xung quanh, có hồ sen, có chậu hoa, luống hoa trong sân, trong vườn. Hoa quí phải nở theo mùa như cúc, như mai..., hoa bình dân nở quanh năm như cây bông điệp, thân mạnh như cây keo, cây táo, mỗi khi có cúng k� bà con trong xóm lên chùa xin vài nhánh. Nhà quê không có lệ mua hoa cắm bình. Không dư tiền. Không ai dám nghĩ đến việc mua hoa, nên không có người bán hoa. Nhà chùa càng thêm gần gũi thân thiết với người nghèo.

Chùa nằm ở chân núi thì người đi đường ghé chân nghỉ mệt, người lỡ bộ đường có thể ghé nghỉ qua đêm. Nhà chùa nằm ở cánh đồng thì anh đi cày, chị đi cấy, trẻ chăn bò ghé xin nước uống, mượn chỗ nằm nghỉ lưng ở hiên sau, ở chái liêu. Cửa tam quan suốt ngày không đóng.

Thánh đường nhiều tôn giáo thường đi theo sát tập thể quần chúng, nhằm hoàn thành công tác mục vụ. Chùa chiền Phật giáo thì không. Như cố ý lánh xa, như gắng tìm một thâm sơn, xích gần lại với thiên nhiên, núi rừng, nên khi người tìm đến thì đồng thời cũng là dịp người gắn với thiên nhiên. Cùng với tiếng chuông và tiếng tụng niệm, màu xanh của cây lá, sự tĩnh mịch của đá của đất, sự bao dung của khoảng rộng trời cao cùng góp phần giải khổ, cùng nhẹ thổi niềm an vui, niềm hy vọng, niềm tin.

Bà con nông thôn gần gũi với chùa, thương kính ông Phật, không phải vì hiểu biết giáo lý Phật giáo. Những tiếng Tam quy, ngũ giới, Thập nhị nhân duyên... đa số không biết, không hiểu, mà chỉ biết nhìn theo các Thầy mà làm lành lánh dữ, cố gắng theo gương các Thầy mà bớt phạm sát sinh. Triết lý vốn sáng mà lạnh. Rất hay để nói, rất êm để nghe, mà phàm nói hay thì thường ít làm. Thì hãy cứ vui hồn nhiên như người đàn bà kia, tin rằng lễ Phật xong, đem tiền phát cho những người nghèo ngồi đợi xin ở bậc thềm trước chùa là lúc chết sẽ được Phật dắt về Tây phương Cực lạc.

Trong thời gian làm nghề dạy học, tôi có dạy ở một trường trung học Bồ đề, được dạy cho các Tăng Ni. Lúc vãn niên, mỗi khi có vị Tăng Ni nào đến thăm là tôi dạy đứa cháu ngoại vốn rất cứng đầu nghịch phá phải đứng nghiêm thủ lễ, chắp tay cúi đầu mà "A Di Đà Phật". Nó tuân lời, không miễn cưỡng. Tôi đã hiểu đúng tâm lý màu áo lam áo nâu, trang nghiêm thanh đạm, giọng nói khoan hòa, cử chỉ từ tốn... đã chinh phục nó.

Phần tôi, mỗi lần có Đại đức hay Ni cô tới thăm, khi ra về tôi xin phép được đưa tiễn đến tận cổng, ra lề đường rồi chắp tay cúi đầu xá nhiều cái. Vì Đại đức, Ni cô thường là học trò cũ, tôi phải giải thích :

Tôi muốn biểu lộ sự tôn kính đối với một vị tu hành khổ hạnh. Cho dầu vị ấy trẻ. Tôi biết nhiều người đang nhìn chúng ta, và xã hội chung quanh thì đang ùn ùn nhiều tệ nạn, thói hư tật xấu.

Đạo Phật hiện diện trầm lặng trong ta. Câu chuyện năm người mù sờ voi, tôi đọc hồi học tiểu học, trong cuốn sách tập đọc viết bằng tiếng Pháp, sau này mới biết đó là truyện cổ Phật giáo. Truyện người đàn bà có con chết, khóc lóc van lạy xin Đức Phật cứu sống con. Phật dạy : "Hãy lấy tro bếp nơi nhà nào không có người chết, đem về đây ta sẽ cứu cho". Truyện Mục Kiền Liên, ở một kiếp nào đó là một người mê vợ đẹp. Vợ thuê người dắt mẹ Mục Kiền Liên đem bỏ trên núi cho chết đói, nhưng bà cụ dẫu mù mắt cũng lần về được. Lần này vợ sai chính Mục Kiền Liên dẫn mẹ lên núi và bắt phải đánh cho chết. Nào ngờ Mục Kiền Liên vừa đập một gậy thì mẹ kêu lên : "Con ơi, chạy lẹ đi ! Kẻo cướp nó đánh chết !".

Đạo Phật hiện diện êm đềm quanh ta. Trong một thời gian dài, cứ chặng năm giờ sáng là nằm trong giường tôi nghe tiếng gõ mõ tụng kinh của ông láng giềng phía sau nhà. Bốn giờ sáng, bà con khu Hồng Bàng - Xóm Mới nghe tiếng chuông của chùa Linh Thứu. Bà con xóm Mã Vòng - Phường Củi nghe tiếng chuông chùa Long Sơn. Bà con Đồng Nai nghe tiếng chuông Phật Học Viện. Những bà con phải sống xa quê hương, ngoài nỗi nhớ cô bác họ hàng, ngôi nhà tổ tiên, khu vườn cây lá, ắt có lúc chợt nhớ những hương thơm của hoa bưởi hoa cau, tiếng con trâu, con nghé ọ kêu mẹ, tiếng mái chèo khua nước trên sông, tiếng gà gáy vang lại từ thôn xóm xa..., và tiếng chuông chùa.

Những năm sau này tôi có nhận dạy ở lớp chuyên khoa của Viện cao đẳng Phật Học miền trung. Đi từ nhà đến Phật Học Viện, tôi thẩn thờ đếm bước một mình trên con đường đất đỏ uốn lượn ở đầu núi. Những bụi cây mọc theo ven lối đi, không hàng lối, mạnh ai nấy mọc.. Những bụi cây âm thầm. Những doi đá nằm lấn ra, những khe suối khoét lõm vào. Tiếng chim nói chuyện với nhau chi chích trong các bụi rậm, ở trước mặt, ở bên phải, bên trái. Mùi thơm của lá, của hoa thoang thoảng. Vừa giã từ thành phố trong năm phút, mắt tôi, tai tôi đã được nghỉ ngơi trong khung cảnh hoang sơ này.

Mỗi tuần một lần như vậy, tôi được gần gũi với thiên nhiên, và tâm hồn tôi bỗng được buông xả, nhẹ nhàng. Lắm lúc tôi quên mất hiện tại mà trở về hồi nào không hay, cái tâm trạng của một đứa nhỏ mười tuổi, mười hai tuổi, say mê màu xanh của lá, màu trắng màu vàng của hoa và mùi thơm ngai ngái của nhựa cây.

Con đường càng gần đến Phật Học Viện càng thêm âm u râm mát. Những cây cao lặng yên tỏa bóng hiền lành. Tôi leo lên con dốc nhỏ, bước qua cái cổng gỗ. Nơi đây bắt đầu giang sơn của các bụi hoa và những thân cây có danh tính. Những cây quỳnh lá xanh óng ả. Những giò phong lan đong đưa trên cành cao. Bụi trúc lá nhảy lăn tăn theo cơn gió dưới đồng thổi lên. Những chậu hoa tỉ muội, hoa đơm đỏ thắm từng chùm.

Tôi không phải là người văn cảnh, không phải là khách nhàn du, dưới tay tôi là một cặp sách. Tôi sắp có hai giờ dạy, buổi học bắt đầu bằng ba hồi niệm Phật, và chấm dứt bằng bốn câu kệ :

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Mỗi lần chắp tay lắng nghe các Tăng Ni niệm bốn câu kệ, lòng tôi xúc động rộn ràng. Có hôm cơ hồ muốn rơi nước mắt khi nghe tụng tới câu PHIỀN NÃO VÔ TẬN THỆ NGUYỆN ĐOẠN. Tôi muốn cất tiếng kêu lên : "Đức Phật ơi, hãy giúp giùm cắt đứt mọi phiền não bủa vây tâm hồn con. con đang cô đơn biết bao".

Tôi không là Phật tử. Không biết tụng kinh. Nhưng tôi lại dễ xao xuyến dạt dào mỗi lần nghe tiếng kinh tiếng mõ. Những lúc đó tôi tự nhiên trút bỏ mọi ảo vọng ở đời mà cuối nhìn xuống thân phận yếu đuối nhỏ mọn của mình. Chỉ một hơi thở thôi, cuộc đời chỉ có nghĩa là một hơi thở mà thôi, rất nhẹ và rất mong manh. Chỉ cần hơi thở ngừng lại nửa phút là giũ bỏ tất cả.

Như vậy, những buổi chiều thứ sáu đối với tôi có một giá trị tinh thần không nhỏ. Và con đường sỏi đá lượn quanh co trên đầu núi là một loại con đường hành hương dẫn tôi đi vào cái khung cảnh thanh khiết, nơi đó tôi gạn lọc các ô nhiễm kết tập trong suốt một tuần lễ, từ cái thành phố sống đầy bụi bặm dưới kia.



Vi tính : Hải Hạnh Ngọc Dung

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/05/2011(Xem: 2508)
Một người có ba con trai, cả cơ nghiệp có một cái nhà. Người con nào cũng muốn sau này, khi bố mất, nhà sẽ về mình.
26/04/2011(Xem: 10645)
Mỹ Uyên tần ngần đứng trước cổng Tam quan chùa, lâu lắm rồi vì nhiều lý do nàng đã không đến đây dù rằng mỗi kỳ lễ Tết nàng đều từ thành phố về nhà thăm cha mẹ và nhà nàng cách chùa không xa lắm. Dù sao, ngôi chùa này với nàng cũng có biết bao kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu.
26/04/2011(Xem: 4293)
Ai đã từng đọc tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh“ tức “Truyện Kiều“ của đại thi hào Nguyễn Du mà chẳng biết Hoạn Thư, người đàn bà “biết ghen“ thông minh vào bậc nhất nhì trên đời. Hoạn Thư thì quá nổi tiếng rồi (nhưng chẳng biết trên đời có thật hay không?), bây giờ thì tôi xin được kể về một Hoạn Thư khác hoàn toàn có thật, thật như mặt trời mọc ở đằng đông và lặn ở đằng tây vậy.
26/04/2011(Xem: 2436)
Một buổi tối, chàng đánh trống trẻ tuổi đi một mình giữa cánh đồng. Tới bên một cái hồ, anh thấy trên bờ ba chiếc áo trắng của ai vứt đó.
26/04/2011(Xem: 2121)
Xưa có một người trước khi đi xa từ biệt ba con gái, hỏi các con muốn lấy quà gì. Cô cả muốn lấy ngọc, cô thứ hai xin kim cương, cô út nói...
26/04/2011(Xem: 3044)
Xưa có một người lính như vậy bị thải hồi. Bác ta không học được nghề gì nên không kiếm tiền được, đành đi lang thang ăn xin thiên hạ.
26/04/2011(Xem: 2722)
Ngày xưa có một người đàn bà góa sống cô quạnh trong một túp lều gianh. Trước cửa là một cái vườn có hai cây hoa hồng, một cây ra hoa đỏ, một cây ra hoa trắng.
26/04/2011(Xem: 2507)
Ngày xưa có một ông vua trị vì vào thời nào, tên là gì, tôi không nhớ rõ nữa. Vua không có con trai, chỉ có độc một cô con gái, luôn luôn đau ốm...
25/04/2011(Xem: 3630)
Ông Tư bị ung thư và biết chắc không thể sống lâu hơn sáu tháng. Ông bình tỉnh chờ cái chết, và vui vẻ sống những ngày ngắn ngủi còn lại, mà không bi ai, không sợ hãi. Ông muốn sau khi chết, gia đình làm đám tang theo ý riêng của ông. Bà vợ nghe dặn dò cách thức làm đám tang kỳ dị, thì nói giọng buồn, với đôi mắt cầu khẩn: - Em nghe nói ngày xưa ở Huế, người đàn bà đầu tiên đi xe đạp, bị cả thành phố phỉ nhổ, xem như là Me Tây, như kẽ phá hoại phong hóa nơi đất thần kinh. Cho đến khi chiếc xe gắn máy hiệu “Velo solex” ra đời, người đàn bà đầu tiên xữ dụng, cũng bị xem như là thứ côn đồ, cao bồi du đảng, chẵng ai dám giao du thân mật. Đến như bà Thu, vốn là một công chúa, dù là con của vị phế đế, là người đàn bà có xe hơi, và lái xe hơi dầu tiên ở Huế, cũng bị thiên hạ nghi ngờ oan ức đến cái đức hạnh của bà, mà suốt đời không kiếm được một tấm chồng. Thế mà bây giờ, anh bảo em làm đám tang khác thiên hạ, không giống ai, thì chịu sao nỗi lời tiếu đàm của bà con, họ hàng! Ông Tư cười,
24/04/2011(Xem: 12709)
Trên đời này, hạnh phúc và khổ đau; chiến tranh và hòa bình; giàu và nghèo… nếu chúng ta chịu khó tu tập một chút và giữ tâm thật bình thản, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều hay vô cùng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]