Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chữ Duyên Nơi Cửa Phật

25/04/201707:31(Xem: 7246)
Chữ Duyên Nơi Cửa Phật

 

Chữ DUYÊN Nơi Cửa Phật

 

● Trần Thị Nhật Hưng.

(Tường thuật khóa tu Bát Quan Trai

tại chùa Luzern Thụy Sĩ)

 

Chua Phat To Thuy Sy
(Chùa mới ở Nebikon / Luzern, Thụy Sĩ)

 

     Chữ "duyên" trong đạo Phật, nghe vô cùng dễ thương nhưng cũng cực kỳ dễ ghét. Dễ thương ở chỗ nhờ duyên người ta đến với nhau, còn dễ ghét cũng vì duyên người ta đành xa nhau.

     Đến cũng do duyên, mà đi cũng vì duyên. Hai người yêu nhau đến với nhau, họ bảo có duyên với nhau. Rồi khi chia tay thì bảo hết duyên. Đã vậy, "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ“. Còn „vô duyên đối diện bất tương phùng". Vô duyên cũng là duyên mà hữu duyên cũng là duyên. Cùng chữ duyên mà lắm nghĩa quá!

     Người Phật tử ngồi với nhau bàn chữ "duyên" cùng tự hỏi, nếu dịch chữ duyên ra tiếng Anh, Pháp, Đức cho người ngoại quốc phải dịch sao cho rõ nghĩa hở trời? Khó thật đấy.

     Thôi thì, chữ duyên coi như dành cho người Phật tử hay dùng và... độc quyền cho riêng Phật giáo mình vậy.

     Và tôi, nhiều năm trời ở Thụy Sĩ, đầu năm dương lịch nào, Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển cũng đến chùa tại Luzern tổ chức Thọ Bát Quan Trai, thế mà mãi đến bây giờ năm 2017 tôi mới có... duyên tham dự. Duyên này hẳn là duyên lành mới đưa đẩy tạo duyên cho tôi đến chùa. Tại sao vậy?

    Số là từ nhà tôi đến chùa tại Luzern cũng khá xa. Nếu đi xe lửa chỉ đổi tàu thôi cũng mất 3 bận thêm xe buýt rồi đi bộ, cộng cả thảy hơn 3 tiếng đồng hồ, chưa kể tàu xe tại Thụy Sĩ rất mắc, thôi thì... cứ nghĩ hình như chưa hội đủ nhân duyên để đến dự.

    Nay thì duyên lũ khủ đến, thôi thúc tôi lên đường. Trước nhất là tôi đã về hưu nhiều thời gian đi tu tập, còn mạnh chân khỏe tay đi đó đây. Năm nay không trốn tuyết Thụy Sĩ, nên mới ở nhà, lại thêm vé tàu xe lúc này có chương trình mua online nửa giá, chùa lại có sư mới và sắp có chùa mới, khiến tôi cũng tò mò. Tham dự, nhân tiện vấn an sức khỏe Hòa Thượng Phương Trượng sau thời gian dài không gặp mà nghe đâu, Hòa Thượng bị giải phẫu hai lần trong cơn bịnh không đơn giản. Ôi chao, nhiều duyên quá, cả chuỗi, cả chùm, lại thuận duyên nữa nên ở nhà sao đành.

     Đúng ngày giờ, tôi cùng đấng lang quân xách va ly lên đường khi ngoài trời tuyết rơi tầm tã, lạnh buốt.

     Tháng một mùa Đông là cao điểm của Thụy Sĩ,  bầu trời tối ui ui xám xịt trông thật buồn thảm, chỉ có đám tuyết trắng vướng mắc trên mái nhà, dạt hai bên đường còn phản chiếu chút ánh sáng xua đuổi phần nào bóng tối âm u. Với thời tiết khắc nghiệt như vậy, đường lại trơn trợt khó đi, nhưng mà "đường đi khó, không khó vì tuyết rơi lạnh buốt mà khó vì lòng người ngại tuyết với buốt da". Tôi đã không ngại gì hết khi lòng đã quyết tâm, nên cái lạnh bên ngoài sá gì khi sẽ được sưởi ấm bởi tình yêu thương trong không khí ấm cúng của thầy, bạn như một gia đình mà cha lành là đấng Từ Phụ để quây quần bên nhau tu tập, học lời Phật dạy, hướng tất cả tìm về Chánh Đẳng Chánh Giác để có một cuộc sống an lành hạnh phúc vốn luôn khổ đau này.

   Ngôi chùa tại Luzern tọa lạc tại một làng nhỏ gần trung tâm thuộc thành phố du lịch Thụy Sĩ. Chùa chỉ nhỏ thôi mà cái tên thì quá... nổ: "CHÙA PHẬT TỔ THÍCH CA". "Nhà" của Phật Tổ mà bé tẻo teo lại xuống cấp trầm trọng thấy xót xa quá. Đó là căn nhà "cải gia vi tự". Chùa vừa nhỏ vừa cũ, bị chi phối bởi thời gian nên hư hại nhiều. Ngồi trong nhà vệ sinh còn phải căng dù. Bếp núc có bốn mặt lò bị... đui hai cái khiến ban trai soạn rất khó khăn khi nấu nướng. Những lúc lễ lớn hầu hết do Phật tử nấu tại nhà đem đến cúng dường. Đó chưa kể dù cửa chùa đã khóa, chỉ cần đẩy nhẹ là cửa chùa bung ra, rồi ống nước, đèn đốm... hư tuốt tuồn tuột!

    Đạo Phật thường hay nói: "Có phiền não mới thấy Bồ Đề. Có nghịch cảnh mới gặp Niết Bàn". Nhà chùa hư hại như vậy, đó là lý do bị chính quyền Thụy Sĩ cảnh báo, nếu không muốn nói cấm đoán không cho Phật tử sinh hoạt đông sợ hỏa hoạn hay sụp nhà. Nói chung là tránh tai nạn có thể xảy ra.

     Người Việt mình thì quen "điếc không sợ súng" thường coi nhẹ tính mạng, cho nên cứ... lì cầm cự sinh hoạt. Tuy nhiên cũng đâu dám coi thường luật lệ Thụy Sĩ nên đã âm thầm kêu gọi sự đóng góp của Phật tử bao lâu để tu bổ chùa hoặc có thể tạo chùa mới.

     Nhân duyên đưa đẩy, cùng lúc với huy động tài chánh, Thầy trụ trì cùng với Phật tử âm thầm tìm địa điểm khác và nay đã tìm thấy.

     Ngôi chùa mới tọa lạc tại Nebikon, một làng nhỏ khác cũng không xa thành phố Luzern, lại gần thành phố Olten, nơi có đông đảo Phật tử. Nói chung Nebikon là trung điểm để các nơi thuận tiện đổ về.

     Chùa mới, đó là một nhà hàng có phòng trọ với 10 phòng ngủ diện tích 1.600 mét vuông trị giá 1 triệu 200 ngàn quan Thụy Sĩ. Với giá cả như vậy thật là một duyên lành không dễ một sớm một chiều mà có nếu không có Chư Phật hộ trì, phúc phần của Phật tử Thụy Sĩ nói chung và đặc biệt của Phật tử Luzern nói riêng bao năm đã kiên trì vượt qua bao khó khăn, sóng gió dù chùa bấy giờ không có sư, vẫn duy trì để tồn tại được hằng chục năm trời từ bấy đến bây giờ.

    Vừa mua được chùa mới, thì cùng lúc bán được cơ sở cũ, cộng thêm tịnh tài quyên góp bấy lâu đắp đổi qua lại, thì chùa vay thêm ngân hàng 400 ngàn quan nữa, chưa kể tiền để tu bổ chánh điện, nhà bếp, nơi ăn chốn nghỉ của chư Tăng Ni, Phật tử sao cho thuận tiện để sinh hoạt. Một điều thuận duyên nữa mà bao Phật tử mong ước đó là phương tiện giao thông. Nếu đi xe lửa xuống ga Nebikon thì nhìn qua là thấy chùa và chỉ vài phút là đến nơi. Còn xe hơi có tới 30 chỗ đậu trước và sau sân chùa, chưa kể hãng xưởng bên cạnh có chỗ đậu xe để khi cần thiết chùa có thể mượn được và đặc biệt hơn nữa văn phòng chính quyền sở tại cũng không xa chùa mấy, đã mở lời ủng hộ hết mình cho Phật giáo chúng ta. 

     Chúng tôi, một số Phật tử cùng Hòa Thượng ghé thăm qua chùa mới. Mới bước chân vào, ai nấy đều hoan hỉ. Bên trong, nơi sẽ làm chánh điện, nhà bếp, nhà vệ sinh sao mà rộng rãi tươm tất sạch sẽ, trông mát mắt vô cùng. Còn mười phòng ngủ nằm hết trên lầu chỉ cần tạo thêm nhà tắm, nhà vệ sinh nữa thì sẽ đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt cho Phật tử thoải mái hơn nếu lễ lạc có đông người về tham dự.

      Ôi, còn thuận duyên và niềm vui nào hơn!

      Tuy nhiên, đó mới chỉ là hình thức, là phương tiện mà thôi. Không thể đánh giá sự thành công về một ngôi chùa nhờ có Phật to chùa lớn, mà quan trọng, theo Hòa Thượng Phương Trượng, người từng nhiều kinh nghiệm điều hành một ngôi chùa cho rằng, còn phối hợp với sự điều hành nội bộ như một xưởng nhỏ đòi hỏi điều kiện ắt có và đủ người lãnh đạo phải biết cách quản lý nhất là khâu nhân sự hết sức khéo léo và tế nhị để trên dưới thuận hòa, công việc trôi chảy lớp lang thì ngôi chùa mới phát triển, mới đúng nghĩa là nơi dẫn dắt mọi người hướng về cõi Tịnh Độ.

     Đại Đức Thích Như Tú, một tăng sinh từng nhận học bổng do Hòa Thượng đài thọ, tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Ấn Độ về Việt Nam hành đạo, rồi mới sang Thụy Sĩ lãnh đạo tinh thần Phật tử tại đây.

     Đứng trước sự khác biệt quá lớn của hai nền văn minh Âu-Á, đương nhiên Đại Đức không khỏi bỡ ngỡ và gặp rất nhiều khó khăn khi hội nhập. Từ tập quán, ngôn ngữ tiếng Đức, khí hậu, cách sống, cách suy nghĩ của người dân Thụy Sĩ và nếp sống cộng đồng Việt Nam tại đây.

     Như cô dâu mới về nhà chồng. Làm dâu một mẹ chồng đã là rất khó khăn, huống hồ làm trụ trì là làm dâu trăm họ với bao bà mẹ chồng tính khí khác nhau mà phụ nữ xưa nay vốn nhiều phức tạp hơn đàn ông nên hướng dẫn họ không đơn giản. Ngay Đức Phật ngày xưa đã nhìn ra điều đó từng cấm không cho phụ nữ vào chùa tu và khi Ngài cho phép, Đức Phật đã khẳng định giáo pháp của ngài sẽ bị chậm đến 500 năm. Do vậy trước mọi khó khăn, đòi hỏi người làm dâu hành xử vô cùng khéo léo, tế nhị, thì mọi việc trong nhà mới diễn ra tốt đẹp được.

     Nhân khóa tu Bát Quan Trai, Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển đã chỉ dạy cho tất cả Phật tử hiểu thêm về cuộc sống. Không phải lúc nào cũng thuận duyên. Chính những chướng ngại, nghịch cảnh, phiền não là cơ hội cho người Phật tử cùng nhau tu tập để nếu không chuyển hóa những chướng ngại trở thành thuận duyên, thì phải biết chấp nhận; có như thế, mới an lạc và có phước báu tốt đẹp.

     Trong Đại Trí Độ Luận có nói, anh không thể đòi hỏi người ta bọc nhung cả quả địa cầu để chúng ta đi cho êm, mà mỗi người nên tự bọc nhung cái chân của mình thì chân mình sẽ êm thôi. Nếu hiểu được như vậy thì sẽ không oán giận ai; mà nếu có, thì tự giận chính mình thiếu tu và thiếu phước.

      Phật tử đã tới chùa thọ lãnh Bát Quan Trai giới là đã phát tâm hướng về Tam Bảo, huân tập chủng tử lành, có lòng tu học, nó như que diêm đốt lên trong phòng tối thì ánh sáng sẽ thay đổi, chuyển hóa mọi khổ đau, phiền não. Chấp nhất gì nữa những điều không ưng ý. Mà những điều không ưng ý, theo Ngài Đạt Lai Lạt Ma đôi khi lại là điều may mắn, vì có nghịch cảnh mới thấy Niết Bàn!

     Riêng đối với người xuất gia, Hòa Thượng cho rằng, nhiệm vụ của người tu khi ra hành đạo, trước là thượng báo tứ ân: quốc gia, cha mẹ, thầy tổ và chúng sinh. Hạ tế tam đường: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Nếu không là vậy, coi như làm sai qui luật nhà chùa. Tuy chùa không đưa ra luật lệ khắt khe, nhưng người vào chùa là đã tâm niệm mang trong mình một hoài bão, một lý tưởng phụng sự Tam Bảo, phụng sự chúng sinh, ngay cả cư sĩ Phật tử cũng vậy, tất cả đều có ý hướng xây dựng, mong Phật giáo hưng thịnh và trường tồn.

     Cùng gặp nhau trong chùa là đã có duyên với nhau từ bao kiếp dù thuận hay nghịch cũng là duyên.

     Ngày xưa, ngay như Đức Phật và Đề Bà Đạt Đa, tuy anh em chú bác ruột trong một gia tộc, nhưng Đề Bà Đạt Đa coi Đức Phật như kẻ thù, luôn hãm hại Phật.

     Truyền thuyết cho rằng một kiếp nào đó hai người đã có duyên gặp nhau trong một hoàn cảnh cùng tham dự lễ tuyển phu của con gái một trưởng giả. Vì bị thua mà Đề Bà Đạt Đa đem lòng oán hận Phật cho tới kiếp sau. Vốn tài năng nhưng cực kỳ hung ác đã phạm trọng tội ngũ nghịch phải bị đọa xuống địa ngục A Tỳ vô cùng thống khổ. Sau ông biết ăn năn sám hối, chí thành qui y Phật rồi đi tu nên trở thành Bích Chi Phật tên là Nam Mô Phật.

     Chuyện thời Đức Phật còn vậy là bài học cho mỗi chúng ta nhìn lại chính mình để nếu có lầm lỡ thì kíp ăn năn sám hối, tu tập thì chúng ta cũng sẽ thành Phật. Đức Phật đã chẳng bảo, ta là Phật đã thành, và chúng sinh là Phật sẽ thành đó sao! Mà nói không chưa đủ, Phật còn hướng dẫn chỉ bảo cho chúng ta một cách cặn kẽ căn nguyên của vô minh, vô thường, khổ, tất cả những phương pháp để mọi người đều có khả năng thành Phật.

 

   Thưa các bạn, từ nãy giờ tôi lan man chuyện thiên hạ sự, bây giờ xin vào đề mục chính thọ Bát Quan Trai Giới.

      Người Phật tử vốn gia sự đa đoan không thể xuất gia được, có cơ hội đến chùa phát tâm thọ Bát Quan Trai Giới tức là đặt mình vào một rào cản không để tâm chạy lung tung, chí tâm sám hối, gieo nhân hạnh xuất gia một hay vài ngày khi có thể.

 

chua phat to thuy sy 2

 

      Ngoài Tam Qui, Ngũ Giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu Phật tử còn thọ thêm 3 giới nữa cho đủ tám: Không xức dầu thơm, không nằm giường cao đẹp, ca múa và xem nghe âm nhạc, ăn phải đúng thời.

     Ngoài ra, tại nhà, nếu chọn ngày mồng 8 và 23 ngày các Thiên Sứ đi tuần trong dân gian. Ngày 14, 30 hay 29 tháng thiếu là ngày mà hai Đông Cung Thái Tử đi tuần và đặc biệt ngày Rằm, Mồng Một (15, 1) là ngày của Vua cõi trời Đế Thích đi tuần. Đó là sáu ngày chay căn bản cho Phật tử tại gia thọ Bát Quan Trai giới, và nhờ công đức thọ Bát Quan Trai này sẽ không đọa ba đường: ác thú, bát nạn, biên địa. Ngay như việc ăn mặn trong ngày thọ giới cũng bị xem phạm giới sát sanh.

     Ôi, tu tập nói thì dễ mà hành không phải dễ nếu người đó không chí thành cầu đạo và không có duyên với Phật.

     Lần này, ngoài việc giữ giới chỉ một ngày trong thọ bát, Phật tử chúng tôi còn được Hòa Thượng giảng sơ về Kinh Viên Giác.

     Kinh Viên Giác chương đầu tiên nói về Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, đệ tử tượng trưng trí tuệ nhiều đời của Phật, từng là thầy của nhiều Phật có lòng từ bi quảng đại.

      Chủ yếu của kinh Viên Giác là trở về với tánh giác để đến Niết Bàn an lạc. Nhưng trước nhất phải biết rõ căn bản vô minh, vô thường là khổ. Rồi dùng tánh giác để quán chiếu thân này kết hợp từ đất, nước, gió, lửa để không còn thấy cái tôi của mình, không thấy gì thuộc về tôi, không bản ngã tôi. Tất cả đều không thật. Và phương pháp để quán chiếu là thiền hay tụng kinh để phát sinh trí tuệ. Điều này ai cũng có thể làm được không đòi hỏi phải học cao hiểu rộng. Một Bàn Đặc, hai chữ Tảo Giác (có nghĩa là quét, trí tuệ) học còn không xong, nhưng chỉ chuyên tâm ngồi thiền, tụng kinh không những trí tuệ phát sinh mà còn có thần thông nữa.

     Trong khóa tu, còn có mục Phật pháp vấn đáp rất sôi nổi với những câu hỏi mà Hòa Thượng dặn, hỏi sao cho quí Thầy... bí. Nhưng, là Phật tử chúng tôi làm sao“múa rìu qua mắt thợ được„ nên bao câu hỏi đều được trả lời thích đáng.

     Câu hỏi gút mắc khó hiểu nhất là, tu như thế nào để biết người đó chứng được quả A La Hán?

     Trả lời:

     * Cư sĩ chứng A La Hán có hai trường hơp:

     - Ái dục phải dứt, chứng xong đi tu liền.

     - Vừa chết xong chứng được A La Hán.

     * Tu sĩ chứng được A La Hán khi:

     - Dứt bỏ được tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.

    Thưa các bạn, tôi tạm kết thúc bài viết tại đây, hẹn các bạn khóa tới tại chùa mới với địa chỉ sau đây:

     Chùa Phật Tổ Thích Ca

     Im Winkel 9

     Nebikon 6244, Kt. Luzern

     Schweiz

      Với địa chỉ này, phân tích cặn kẽ, chúng ta nhận thấy ngôi chùa như một thiên duyên tiền định, bởi ngay chữ “Im Winkel„ tiếng Đức có nghĩa là nằm ở một góc, mà chùa tọa lạc đúng ngay một góc không méo, không xéo của ngả ba. Không đụng chạm hàng xóm Thụy Sĩ để phiền hà sau này.

     Chùa còn hy hữu mang con số “9„. Mà số 9 theo truyền thống dân gian là con số đẹp đem lại nhiều may mắn hạnh phúc an lành, ngay cả trong bài cào, số 9 là số thong dong ngồi ăn tiền. Còn dựa theo tinh thần Phật giáo, số 9 là hình ảnh cửu phẩm chúng ta thường hồi hướng sau bài kinh “Cửu Phẩm Liên Hoa Vi Phụ Mẫu„ đây là ước nguyện cho hành giả khi tu tập để được về cõi Liên Hoa của Đức Phật A Di Đà.

     Có tất cả 9 cõi:

1-    Thượng phẩm thượng sanh.

2-    Thượng phẩm trung sanh.

3-    Thượng phẩm hạ sanh.

4-    Trung phẩm thượng sanh.

5-    Trung phẩm trung sanh.

6-    Trung phẩm hạ sanh.

7-    Hạ phẩm thượng sanh.

8-    Hạ phẩm trung sanh.

9-    Hạ phẩm hạ sanh.

      Đó là 9 tầng bậc của cảnh giới Tây phương dành cho người biết tu tập. Vậy thì, còn chần chờ gì mà không gieo duyên Tam Bảo với ngôi chùa trên, nơi mà thiên duyên đã an bài cho những người con Phật.

 

     Cuối bài, chúng con không quên vô vàn tri ân Hòa Thượng Phương Trượng, dù tuổi đã cao, sức khỏe chưa hồi phục vẫn hết lòng tận tụy với Phật giáo, không quản đường sá xa xôi, mưa, tuyết của mùa Đông giá lạnh lặn lội đó đây hết từ Đức sang Pháp, qua Thụy Sĩ, trở về Đức rồi bay tiếp đến Đan Mạch, Na Uy, Ý... để truyền bá giáo pháp của Như Lai và hướng dẫn Thọ Bát Quan Trai cho Phật tử tu tập. Bút mực nào có thể ghi hết lòng kính trọng, ngưỡng mộ của chúng con.

      Chúng tôi cũng xin niệm ân Đại Đức Thích Như Tú và Ban Trị Sự chùa Luzern đã tổ chức khóa tu Thọ Bát Quan Trai này, cùng những vị trong ban trai soạn, đóng góp những bữa ăn rất ngon cho khóa tu…

     Kính chúc tất cả sức khỏe dồi dào, Bồ Đề tâm kiên cố.

     Nam Mô A Di Đà Phật.

 

Trần Thị Nhật Hưng

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/10/2018(Xem: 3923)
Một cú điện thoại gọi đến vào giấc trưa im ắng đã làm cả nhóm sinh viên chúng tôi giật bắn cả người. Thằng Tiên, trưởng nhóm gia sư, vồ lấy điện thoại với vẻ mặt háo hức. Tiếng đầu dây bên kia: “A lô, xin lỗi … có phải nhóm gia sư trường Đại học Nha Trang không ạ?” “Dạ phải! Dạ phải!”, thằng Tiên vừa đáp vừa nheo mắt nhìn chúng tôi. “À, tôi cần một gia sư thật gấp!” “Kèm lớp mấy ạ? Môn gì ạ?” “Lớp 5, môn Toán. Con tôi nó thích học cô giáo, có cô không?”
19/10/2018(Xem: 12975)
Ở Ba La Nại xa xưa Trị vì là một vị vua lâu đời Vua sinh ra một con trai Lớn lên độc ác ít ai sánh cùng Kiêu căng, bạo ngược, tàn hung Khiến người hầu cận, tùy tùng không ưa
18/10/2018(Xem: 4943)
Giữa tháng 11 năm 2007, khi tôi đang nhập chúng, An Cư Kiết Đông tại Làng Mai, Pháp quốc, chờ được thọ giới Sa-Di-Ni trong Đại Giới Đàn Thanh Lương Địa, thì gia đình gửi điện sang, cho biết đã tìm được một chỗ khá tươm tất theo nhu cầu và khả năng của tôi, nhưng phải trả lời ngay trong vòng 24 tiếng!
14/10/2018(Xem: 4100)
Sức chịu đựng của tôi thuộc loại ghê gớm lắm. Tôi có được, luyện được sức chịu đựng ấy là nhờ học từ chữ Nhẫn của đạo Phật. Nhẫn là chiến thắng. Nhẫn là thành công. Nhịn nhường là bản lĩnh, là dũng cảm. Nhịn nhường là cao thượng, là bao dung. Tôi đã từng ngồi im cả tiếng đồng hồ để lắng nghe bà chị Hai chửi vì cái tội coi lén nhật ký của bả.
10/10/2018(Xem: 4592)
Một bệnh nhân vào phòng mạch, khám bệnh. Bác sĩ niềm nở : - Bạn có khỏe không ? Đó là câu nói đầu môi chót lưỡi rất ư là lịch sự mỗi lần gặp nhau để thay cho lời chào hỏi thường ngày của mọi người ở cái xứ sở đầy ắp văn minh này. Riết rồi thành thói quen.
10/10/2018(Xem: 5610)
Trời đã vào thu rồi mà nắng vẫn còn ấm, những đợt nắng trong veo như mật ong rải ánh vàng long lanh trên ngàn cây nội cỏ. Tôi lại nhớ những ngày thu ở Huế, dù chỉ là mùa thu mà trời đầy mưa bụi bay bay và gió lạnh run rẩy khi đạp xe qua cầu Tràng Tiền thời đi học. Nỗi nhớ như sợi tơ trời lãng đãng, vật vờ bay lượn giữa hư vô chợt sà xuống vướng mắc nơi góc vườn kỷ niệm.
09/10/2018(Xem: 5031)
“Định mệnh không là Định mệnh”, lấy theo tựa đề của một độc giả, người tôi chưa từng quen biết và cũng là lần đầu tiên đọc tác phẩm “Người tình định mệnh” của Hoa Lan. Cám ơn người đọc này đã khai ngộ cho tôi, chợt nhớ rằng trong đạo Phật không có chữ “Định mệnh” mà chỉ có “Định nghiệp”. Gây nghiệp nào sẽ từ từ xuất hiện nghiệp ấy liền tay. Một dạng của nhân quả!
09/10/2018(Xem: 3720)
Thăm người nghèo, sống một mình và cô đơn ở Frankfurt, Đức Tôi đến châu Âu nhiều lần và nhất là Đức. Tôi yêu Đức và thấy đây là quốc gia rất phát triển, rất văn minh. Đồ dùng của Đức thì quá tuyệt vời. Ở Pháp còn thấy nhiều người nghèo, kể cả lừa đảo. Ở Ý còn thấy trộm cắp. Ở Bỉ thấy kẻ xấu, móc túi… Nhưng ở Đức thật sự thấy văn minh và bất cứ dùng thứ gì ở Đức cũng luôn rất yên tâm.
06/10/2018(Xem: 6026)
Ngày nay, cảnh khổ bàng bạc khắp muôn nơi, vì chiến tranh, xung đột, thiên tai do tham sân si, đố kỵ, hơn thua, được mất của biết bao nhiêu phàm nhân trong thế giới vật chất khắc nghiệt xô bồ khó chịu này mà ra. Nhan nhản người khốn khó đang ngày đêm trông chờ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân bằng tịnh vật và tịnh tài để sống qua cơn bỉ cực. Nếu trong hoàn cảnh bỉ cực này của tha nhân, những ai có lòng từ mẫn chân thành chia sẻ tịnh tài hay tịnh vật dù ít dù nhiều tùy khả năng, thì việc bố thí nầy được xem như là Quảng Đại Tài Thí, như đã được Như Lai dạy trong Trung Bộ Kinh – 142: Phân Biệt Cúng Dường (Pali) như sau:
02/10/2018(Xem: 3988)
Tại nơi tịnh xá Trúc Lâm Thành Ba La Nại, mùa Xuân đã về Đất trời tĩnh lặng bốn bề Muôn hoa phô sắc sum suê trên cành Đàn chim vui hót lượn quanh Hương xuân phảng phất bên mành ngất ngây. Thế Tôn an tọa nơi đây Nhưng nhìn thấy cảnh đọa đầy phương xa
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]