Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngày Vui Qua Mau (truyện ngắn)

24/01/201714:56(Xem: 2662)
Ngày Vui Qua Mau (truyện ngắn)




Ngay vui qua mau-mua xuan nhu yjpg



TRUYỆN NGẮN

     

                             NGÀY VUI QUA MAU

                                                                

        Một Gia Đình êm ấm, một Quê Hương trìu mến, một Tổ Quốc thân yêu, khi đã xa lìa, ta mới thấy thương nhớ biết là chừng nào !

        Mỗi người Việt Nam của chúng ta ở nước ngoài đều đã trải qua. Vui có, buồn có, nhung nhớ có. Kỷ niệm nào cũng khó phôi pha trong đời mình

                                                     

                                                    *

         Người đàn bà đang ngồi trước tôi bây giờ là Dung. Ánh sáng từ một khung cửa sổ phả nhẹ lên mái tóc, một bên bờ vai của Dung, nổi bật hẳn lên cái nền nhờ nhờ tối của một góc barrack, cho tôi một chân dung thật đằm thắm, thật thiết tha, nhất là lúc này Dung đang ngồi cặm cụi may vá áo quần cho con cái. Cạnh đấy trên một chiếc bàn nhỏ, hai đứa con của Dung đang ngồi bệt trên sàn gỗ chăm chỉ chép bài, hai mái đầu non dại cận kề nhau, thân mật quá ! Trên tay tôi điếu thuốc vẫn dìu dặt tỏa khói, làn khói thuốc chầm chậm đùn lên cao, tản mát vào cái không khí dịu lành của một chiều hải đảo đang ngã dần vào đêm. Giữa tôi và Dung bao giờ cũng vậy, làn khói thuốc vẫn là luôn luôn ngăn cách, lúc thì rõ rệt vô cùng sắc nét, lại có khi mờ loãng vô cùng, mơ hồ khó mà diễn tả được nên lời. Do đó được những dịp gần gũi như hôm nay, chúng tôi chỉ biết thầm lặng bên nhau, lâu dần đã trở thành quen thuộc, rất ý nhị, rất êm đềm.

        Dung và tôi gặp nhau thật bất ngờ tại đảo Pulau Galang thuộc Indonesia này. Hôm ấy vào một buổi trưa trên con đường từ một cơ quan thiện nguyện trở về barrack, một người đàn bà đi ngược chiều bỗng trờ tới rồi đứng khựng lại trước tôi

        - Dung. Dung sang đây từ bao giờ ?

        Qua đi giây phút xúc động lúc đầu, Dung không trả lời tôi vội, mà chỉ nhẹ cúi đầu. Vẫn cái dáng điệu nhu mì thuở nào của Dung. Chúng tôi chầm chậm bước bên nhau trên con đường còn lại qua từng bóng mát của những cây gòn trơ trụi lá. Một lúc sau Dung mới nói cho tôi biết Dung qua đây được hơn một tháng cùng với hai con : một trai mười lăm và một gái mười hai tuổi. Ở quê nhà nhờ vào người anh ruột khéo xoay sở chạy chọt với một người bạn chủ tàu, cho ba mẹ con Dung  một chỗ để vượt biên. Tàu tách bến tại một tỉnh nhỏ miền Tây, qua mười hai ngày lênh đênh trên biển cả, đói khát và hãi hùng... ghe của nàng mới lặn lội tìm đến được một giàn khoan. Tại đây, sau khi đã được tiếp tế đầy đủ và được chỉ dẫn đường cặn kẽ, ghe tấp vào đảo Kuku. Tại Kuku lại phải chờ đợi qua mười bốn ngày nữa, sau cùng mới được chuyển tiếp đến Galang. Dung và hai con xin định cư tại Mỹ và đã được qua phần sơ vấn, chỉ còn chờ ngày gọi lên tái phỏng vấn, tuyên thệ rồi nhập khóa học. Như vậy thời gian còn lại chắc chắn cũng phải mất đi nửa năm trời. Hiện ba mẹ con Dung đang tạm trú tại một barrack thuộc Zone 1 lưng lửng trên một con dốc cao, dẫn đến trước nhà thờ thánh Giuse và barrack của nàng cách barrack của tôi cũng chẳng bao xa, sự gần gũi chỉ một đoạn đường rất nhỏ qua một vũng lầy rau muống xanh tươi.

         Còn tôi, tôi đến đây trước Dung năm tháng. Tôi xin định cư tại Úc Đại Lợi và được nhận thẳng ngay sau đó. Mọi thủ tục y khoa đều xong chỉ còn chờ giây phút ký giấy rời đảo, lên đường. Thời gian còn lại đây là những ngày dài tháng rộng, nhờ một người bạn quen cùng barrack giới thiệu tôi vào làm công tác thiện nguyện trong một cơ quan từ thiện tại đảo. Ở đây công tác khá bận rộn nhưng bù lại nó đã giúp cho tôi nhiều thì giờ quý báu để trao dồi sinh ngữ cùng những kinh nghiệm thiết yếu rất cần thiết cho sau này khi định cư tại nước thứ ba. Niềm vui của tôi bây giờ là niềm vui chung lo tất cả mọi người. Tôi thương họ cũng như thương mình, những đồng bào của tôi đồng cảnh ngộ đã rời bỏ những gì thân yêu nhất của cuộc đời mà ra đi, lận đận và trôi dạt đến chốn này.

          Ngày xưa khi còn ở quê nhà, Dung có tiếng là đẹp nhất một vùng. Nhà Dung và nhà tôi cũng gần nhau. Chúng tôi học chung một trường, Dung kém tôi hai lớp.

         Chúng tôi có cả một thời thơ ấu bên nhau. Nét đẹp nhất của Dung là một mái tóc thề và đôi mắt. Ngày nào còn e ấp chưa tỏ ngỏ được tình yêu cho nhau, mỗi lần gặp Dung, ngắm Dung tôi thường nghĩ thầm với mái tóc đó, với đôi mắt đó, khi đã trao gởi cho ai thì ôi thôi hạnh phúc cho người ấy biết là chừng nào ! Bản tính của Dung lại hiền hòa, ít nói, nét nhu mì còn biểu lộ ra cả nụ cười của Dung. Môi Dung là đôi làn môi mọng ướt, phấn son nào sánh được với những đường nét tự nhiên !

         Rồi đến tuổi động viên, tôi vào lính. Những ngày tháng trong quân trường là thời gian phải xa nhau. Khi ra trường một lần về phép tìm gặp nhau, chúng tôi mới biết đã yêu nhau, thật sự yêu nhau. Dưới bóng mát của hàng phượng vĩ nơi sân trường, Dung đã ngã trọn trong vòng tay của tôi. Ước mơ ngày qua nay đã thành sự thật. Giờ đây tôi chính là kẻ được diễm phúc đặt trọn vẹn nụ hôn đầu lên đôi mắt thật đẹp của Dung và mái tóc của Dung cũng từ đây mãi mãi sẽ dệt thành võng đong đưa tôi vào những mộng, những mơ...

        Giữa lúc đó thì Tuấn đến. Tuấn là một người bạn cùng quân ngũ kể từ ngày nhập khóa học tại quân trường. Ra trường, chúng tôi lại được thuyên chuyển về cùng một đơn vị. Thời gian sau đó, sống chết có nhau, chúng tôi  trở thành đôi bạn chí thiết. Đôi ba lần về phép với tôi tại quê nhà, Tuấn được quen biết Dung. Tuấn cũng đâm ra yêu Dung mê mệt. Tuấn thố lộ tình yêu đó với tôi một cách ngay tình. Tôi biết tánh tình Tuấn nó vẫn thế, bộc bạch, thẳng thắn và trung thực với chính mình, chính bạn. Tôi không hề buồn giận Tuấn, trái lại tôi thấy thương Tuấn hơn nhiều. Chỉ hiềm một nỗi là Tuấn đã không dè dặt và ý tứ tìm hiểu tôi và Dung thêm chút nữa mà thôi. Và đối với Tuấn,  tình yêu buổi đầu khi đã nồng cháy, nếu không thành thì Tuấn sẽ đau khổ biết là bao nhiêu ! Tôi suy nghĩ nhiều đến Tuấn, đến tôi và đến cả cho Dung. Sau cùng tôi phải quyết định. Bắt đầu từ đó tôi dứt khoát xa lánh Dung, đồng thời tôi luôn luôn cố tìm đủ mọi cách tạo cho Tuấn được thật nhiều cơ hội gần Dung.  Nhiều khi tôi còn phụ họa chỉ bày cho Tuấn những đòn phép, những đòn phép hiểu biết ngốc nghếch của tôi về tình yêu như thế này, như thế nọ để làm sao chinh phục được người yêu. Thật ra tôi đau lòng không ít, tôi không hiểu tại sao mình lại có thể hành động được như vậy. Nhưng tôi biết chắc rằng tôi còn thương Tuấn nhiều lắm, thương hơn cả cho cả chính tôi. Và tiến xa hơn nữa, tôi về nhà nhận lời mẹ tôi cưới vợ không chút do dự. Làm như vậy, không hẳn tôi là đứa con có hiếu thảo đối với cha mẹ, nhưng thật ra là để giúp tôi có một lối thoát, ít ra trong lúc này. Thế rồi một đám cưới được cử hành, cử hành vội vã. Trâm chính thức về làm vợ tôi từ đó. Thật là đúng ý mẹ cha đã nhọc công chọn lựa và tác thành cho tôi. Trâm là mẫu mực của một người vợ nết na, hiền hậu, biết thương chồng và nhất là biết đảm đang được mọi công việc trong gia đình.

          Một năm sau khi vợ tôi sinh đứa con đầu lòng, chúng tôi nhận được hồng thiệp của Tuấn và Dung. Tôi cầm hồng thiệp trên tay mà xót xa quặn thắt tận đáy lòng. Thôi nhé, tôi mất Dung, vĩnh viễn mất Dung. Nhưng sau đó tôi lại thấy rất vui, niềm vui thật to tát, thật trọn vẹn nơi tôi. Bởi vì trong tình yêu trước kia với Dung tôi chưa hề làm gì với Dung để bây giờ phải ân hận hoặc hổ thẹn, hoặc cắn rứt lương tâm. Tôi hiểu tôi như vậy, đủ rồi. Tuấn đáng được hưởng cái hạnh phúc tràn đầy đó bên Dung. Tuy thế ngày cưới, tôi vẫn tìm cớ thoái thác bận công tác xa không tham dự, để một mình vợ tôi chạy đi chạy về chung vui với gia đình Tuấn.

         Thời gian vẫn qua đi, một hôm vợ chồng tôi lại nhận một thiệp mời dự con đầy tháng của vợ chồng Tuấn. Cho đến bây giờ thì tôi mới thảnh thơi đến với gia đình Tuấn. Có rất nhiều khách đến chung vui. Tôi cố hết sức tránh những lần phải gặp Dung trong buổi tiệc. Tôi chắc Dung cũng vậy. Lâu lắm mới được nhìn ngắm Dung, nàng vẫn đẹp như thuở nào. Vẻ đẹp bây giờ là thiếu phụ, tư cách và trang nhã hơn. Có điều Dung gầy đi và đôi mắt của Dung thì thật buồn. Chỉ có Tuấn là người nhiều hạnh phúc nhất trong cuộc vui. Cả vợ tôi nữa, suốt buổi nàng vui cười tíu tít bên vợ chồng Tuấn một cách rất là ngây thơ. Khi khách đã ra về hết, chỉ còn lại một giây phút rất ngắn bất chợt giữa tôi và Dung bên chiếc nôi xinh xắn của đứa con tròn tháng, Dung mới nhẹ nhàng nói với tôi :

         - Em đã hiểu, nhưng sự hy sinh đó đã làm gì được cho chúng ta... và cho cả Tuấn nữa nhỉ ? Em nghĩ rằng…

         Dung nghẹn lời. Trên đường về nhà, bên vợ bước chân tôi quá nặng nề. Nắng ban trưa bỗng gay gắt quá mà hai ven đường chẳng có một cây cối nào. Tôi cố đi tìm một bóng mát, tôi nép sát vào vợ hơn nữa, hãy che cho tôi bóng mát thật nhiều !

 

                                                  *

 

         Thế rồi ngày 30.04.1975 đến ! Việt Nam đổi đời !

         Tôi và Tuấn phải lên đường học tập. Hơn năm năm trời tôi mới được tha cho về. Bệnh hoạn gặm nhấm, soi mòn thân thể tôi đến rã rời, tàn tạ, cả đến ý chí của mình cũng gần như có lúc phải gãy đổ nếu không có gắng gượng để vượt qua. Tuấn cũng được về sau đó ít lâu nhưng chỉ hai tháng sau thì Tuấn chết. Vợ chồng tôi cùng lo liệu tiếp để chôn cất bạn. Năm ấy Dung được hai con. Vợ chồng tôi hơn nàng một đứa. Rồi dòng đời quá nghiệt ngã, đưa đẩy gia đình tôi và mẹ con Dung ngày một xa. Thét rồi không còn hơi sức đâu mà ngó ngàng đến nhau. Nhờ đảm đang sẵn có, vợ tôi phải lặn lội ngược xuôi buôn này bán nọ qua ngày để nuôi con. Tôi dù đã được tha cho về nhưng luôn luôn sống trong sự theo dõi, nghi ngờ, mỗi tuần phải trình diện một lần nơi chính quyền đang cư ngụ. Cuộc sống quá cơ cầu, ngày ngày tôi phải ra ngồi dưới một gốc cây trước một cơ quan chính quyền nọ, viết từng lá đơn mướn kiếm thêm chút đỉnh tiền phụ giúp gia đình. Rồi tôi bị đuổi, lại chuyển nghề. Khi thì bơm mực vào viết bi, khi thì sửa quẹt ga, khi thì thu góp ve chai, lê la suốt ngày nơi đầu đường, góc chợ, tối mịt mới về tới nhà, lục lọi tìm con cái lêu lổng trong xóm và nấu cơm muộn, chờ vợ rồi mới cùng nhau ăn. Trong nhà đèn đuốc chẳng có, nhìn vào cứ rờn rợn như một hang sâu. Đôi lần tôi có gặp Dung. Dung cũng không hơn gì vợ chồng tôi. Mất chồng, một mình nàng phải trồi ra phố, chân thấp chân cao tảo tần mua bán quần áo cũ ở một góc chợ trời.

          Vào một đêm tôi đang thiêm thiếp ngủ thì vợ tôi đánh thức dậy :        - Anh. Nay thì em không giấu anh nữa. Em đã lo liệu cho anh một chỗ rồi đó. Bến bãi họ cũng lo xong, mai mốt có tin lại là anh lên đường !

          Tôi nghe vợ nói mà choáng váng cả người

          - Nhưng mà…

          - Em đã nghĩ kỹ rồi, không lẽ ở đây mà khổ chùm, chết chùm hay sao ? Chỉ cần lo cho anh đi được là em yên tâm, vả lại anh có ở lại đây…

          - Còn em, còn con thì sao?

           - Hiện giờ em còn gắng gượng để lo cho con. Anh yên tâm, anh cứ đi đi, may mà thoát được tiếp về cho mẹ con em rồi sau đó sẽ liệu.

          Vợ tôi trao tiếp cho tôi một chiếc cà rá vàng :

          - Hành trang anh, em cũng đã thu xếp xong, gọn nhẹ, khi đi anh chỉ cần vác lên vai như người đi buôn bán chợ trời.

         Tôi chỉ còn biết gật đầu rồi suốt đêm không ngủ được. Tôi lồm cồm bò dậy vén màn tìm sang con cái, những đứa trẻ còn đang say nồng trong giấc ngủ hồn nhiên và vô tư lự. Chúng biết đâu rằng ngày mai đây chúng sẽ lìa xa, lìa xa hẳn một người cha. Tôi bật òa lên khóc, vợ tôi cũng nức nở khóc theo...

        Và đến nay thì tôi đã có mặt tại Galang. Từ ngày dứt áo ra đi đến nay thế mà đã hơn nửa năm rồi !

 

                                                     *

           Ngoài kia, trời ngã dần vào đêm. Nhìn lên nhà thờ, tôi thấy những con Chiên đang tìm về với Chúa. Trong barrack của Dung, đây đó đã lên đèn. Những ngọn đèn dầu làm bằng vỏ lon bia, lập lòe sáng, không đủ xua đuổi bóng đêm đang lảng vảng tìm về. Bóng của con người tị nạn trong barrack chập chờn hiện lên trên nền vách ván, yếu ớt và mỏng manh, mỏi mòn trong niềm mong đợi vào một ngày mai của cuộc đời mình. Hai đứa con Dung cũng không còn ngồi chép bài trên chiếc bàn con nữa. Tôi đứng lên từ giã Dung ra về thì cũng là lúc nàng khâu vá xong chiếc áo cuối cùng cho con cái. Dung nói với tôi:

         - Ngày mai Tết Trung Thu rồi đó, mau thật. Mới ngày nào nhỉ ?

         Câu nói của Dung làm tôi chạnh nhớ về gia đình, thương cho vợ con quá, giờ đây còn lận đận ở quê nhà. Không biết bây giờ họ ra sao.  Con tôi có được chiếc lồng đèn để mà vui Tết trung thu không nhỉ ? Dung lại hỏi tôi:

         - Anh có nhận được tin tức gì từ quê nhà gửi sang chưa ? Chị và các cháu có khỏe không anh ?

         -Tin tức gì hở Dung ? Như Dung cũng biết đó, thư từ ở đây phải qua thân nhân từ một nước thứ ba chuyển tiếp, thư đi đã nhiều, thư lại thì không, nỗi  muộn phiền là ở đó. Người ra đi nóng nảy tin về, kẻ ở lại vẫn khắc khoải chờ mong. Tôi chỉ còn một an ủi thế này, chờ định cư được ở một nước thứ ba rồi sẽ liên lạc với nhau, cũng không muộn.

         Tôi bước ra khỏi barrack của Dung. Trăng đã lên cao nhưng ngủ vùi sau tấm màn mây đang giăng mắc dày đặc một góc trời. Những đám mây đó hợp rồi cũng chóng tan, thường vần vũ kéo qua đây chợt nắng, chợt mưa bất thường. Nắng thì nắng gắt, mưa thì mưa lũ chập chùng và xa xa kia... cây cối, núi đồi Galang hiện ra trước mắt tôi, hoang vu đến rợn người ! Gió đêm từ ngoài biển cả mênh mông thổi lại, làm tôi thoáng rùng mình !

                                                       *

          Một chiều thứ bảy, tôi đang nằm đọc sách thì Dung đến. Ít khi Dung tìm đến như thế này. Tôi ngồi bật dậy :

         - Có gì không hở Dung?

         Dung nhẹ nhàng ngồi trên rìa sạp gổ, vẫn khoảng cách vừa đúng tầm thước thường có giữa tôi và Dung mỗi khi gần gũi nhau. Dung lôi từ trong chiếc xách tay ra một gói thuốc Commando :

          - Em biếu anh đó!

          Rồi nàng tiếp:

           - Sáng nay có người đến lấy áo, trả công may cho em. Chả gì mấy bạn bè cùng barrack tin cậy đem vải đến may áo. Nhờ có chiếc máy khâu, từ nay mẹ con em đỡ được rất nhiều.

          - À ra thế !  

          Và tôi hiểu Mẹ con Dung qua đây với hai bàn tay trắng, một mình nàng trơ trọi với hai đứa con. Cuộc sống chỉ nhờ vào sự cứu trợ của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Nhưng sự cứu trợ đó có giới hạn mà thôi. Mấy lúc sau này, tiêu chuẩn lại bị cắt dần đi, cuộc sống càng cam khổ, mì gói trụng nước sôi làm canh thường xuyên với cá khô ba bữa đều khắp mọi nơi, mọi gia đình. Trên tay tôi còn chiếc cà rá vàng hai chỉ tôi muốn đem bán đi giúp cả cho Dung dùng làm vốn liếng để tảo tần gì đó, kiếm chút đỉnh tiền lời mà nuôi con. Nhưng Dung khéo léo từ chối ngay từ lúc đầu, nên tôi lại thôi. Tuy nhiên trong âm thầm tôi vẫn tìm cách giúp đỡ Dung, thì dịp may cũng vừa đến. Một hôm tình cờ tôi được biết vợ chồng một người bạn có một chiếc máy khâu bỏ trống, tôi vội cày cục đứng ra bảo lãnh mướn về cho Dung để may vá. Nhờ trước kia Dung cũng biết qua nghề may, rất thích hợp cho nàng. Thế là ngày ngày tại barrack, Dung vừa kiếm được tiền, vừa có thì giờ chăm sóc con cái chu toàn. Tối tối, Dung còn thì giờ nhàn rỗi học thêm  Anh văn tại một trung tâm sinh ngữ ở đảo. Có lẽ hôm nay Dung tìm đến tôi để đền ơn đó thôi. Tôi thấy vui vui và bật cười thành tiếng với Dung :

          - Hà hà ! Dung thường khuyên anh chừa bớt thuốc đi, giữ gìn sức khỏe, nhỡ ra có bề gì bị cancer thì khốn. Thế mà tại sao Dung lại đi mua thuốc lá cho anh ?

          Dung vội quay đi nơi khác, môi không giấu được nụ cười :

          - Em cũng không biết và... cũng không hiểu tại sao nữa.

         Dung từ từ đứng lên để khỏa lấp câu nói của tôi.

         - Thôi em phải về, kẻo con nó đợi. mai mốt rãnh rỗi, anh ghé qua mẹ con em chơi nhé !   

        Tôi chỉ còn biết gật đầu lia lịa với Dung.

 

                                                      *

        Sáng nay đến sở làm một lúc, tôi nghe có tiếng loa đọc danh sách những người được đi định cư tại Úc. Bỗng tên tuổi và hồ sơ của tôi cũng được phát đi cuối cùng ! Toàn thân tôi bật lên như một cái máy. Mừng vui bất ngờ tràn ập đến, cơ hồ tôi không còn chống đỡ cho được. Cùng lúc toàn sở làm của tôi cũng bừng lên tiếng reo hò tiếp mừng cho tôi. Một vài thằng bạn ôm chầm lấy tôi nhảy nhót tưng bừng.

          Những ngày tháng đợi chờ bây giờ là đây ! Tôi được thu xếp cho nghỉ ngay việc, chuẩn bị hành trang cho vài ngày nữa lên đường. Tôi tìm ngay đến văn phòng ICM lo thủ tục ký giấy rời đảo. Sau đó tôi trở về barrack của mình. Qua khung cửa sổ quen thuộc thường ngày, trên cao lưng lửng ngọn đồi kia là barrack của Dung. Ánh sáng trắng lóa trên những mái tôn. Thấp thoáng có bóng người ra vào barrack, nhưng tôi không thấy Dung, cả hai đứa con của Dung mọi khi vẫn hay thơ thẩn nô đùa trước sân, giờ cũng không thấy nốt. Tôi muốn gặp ngay Dung để báo tin, nhưng nghĩ lại, tôi lại thôi. Chắc chắn Dung cũng đã biết rồi. Qua hệ thống loa ở đây, mọi tin tức gì của người tị nạn cũng được phát đi rõ mồn một toàn trại. Tuy nhiên, thế nào rồi tôi cũng tìm đến Dung, luôn tiện mượn tạm của Dung cuốn tự điển dùng vào việc cần trước khi lên đường.

        Đêm party, Dung lại rất sớm, tiếp tôi cho bàn tiệc. Nói party quả là quá sang, thật ra thì là buổi họp mặt với nhau qua cốc trà nóng, vài điếu thuốc, bánh kẹo mua ở siêu thị bỏ ra cùng với bạn bè. Thông lệ ở đây là vẫn như vậy đó, người ra đi bao giờ cũng ăn mừng đãi đằng người còn ở lại. Mà tôi thì giàu có gì cho cam, bạn bè bảo nhau người bỏ ra một ít góp lại mới có được đó thôi. Dung thì lăng xăng đây đó không hở tay. Nàng dành pha cà phê cho khách. Dung vẫn có sở trường pha cà phê rất ngon. Ngày trước Tuấn là đứa ghiền cà phê hạng nặng, thảo nào nó không chết mê chết mệt là phải. Bạn bè đến đầy đủ, có những thằng bạn quên lửng không mời tới cũng lò mò tìm đến, không thiếu mặt nào. Tôi cảm động quá, trong buổi tiệc, nghẹn lời. Rồi cũng có ngâm thơ, ca hát, chúc mừng, rồi cũng có những tráng pháo tay bôm bốp vang dội cả một góc barrack.

         Nhưng cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, bạn bè ra về hết.  Dung vẫn còn ở lại lúi húi dọn dẹp mãi mới xong. Tôi ái ngại nhìn Dung:

         - Dung à ! Dung giúp anh như vậy, anh biết lấy gì để đền ơn em hở Dung?

         Chỉ còn tôi và Dung bên nhau. Cả hai đứa con của Dung cũng đang mải mê nô đùa với con hàng xóm ngoài đường lộ. Bấy giờ Dung mới trao cho tôi một gói nhỏ được phong kín :

         - Em chọn mua được chiếc áo này cho anh.  Ở bên đó nghe nói lạnh lắm. Anh nhớ mà giữ gìn sức khỏe !

         Tôi đỡ gói quà trên tay Dung mà không nói được nên lời. Giữa tôi và Dung, bây giờ không còn khói thuốc ngăn cách nữa.  Chỉ cần một bước ngắn, nhẹ nữa thôi, tôi đến sát bên Dung. Dung đến với tôi bằng chiếc áo màu tím, màu mà ngày xưa Dung hằng ưa thích, đã từng tha thướt trên sân trường cũ thuở nào ở quê nhà. Có lẽ chiếc áo đó, Dung gìn giữ kỹ, gói gém đem được sang đây. Và này là đôi mắt của Dung, này là mái tóc của Dung, nhưng bây giờ đã cắt ngắn, chải chuốc gọn ghẽ uốn thành từng lọn buông lơi trên chiếc cổ trắng ngần. Và này là đôi môi, đôi môi mà đã có lần thì thầm với tôi: “Bao giờ thì em cũng vẫn là của anh !”

         Đêm nay tôi chợt biết Dung có trang điểm. Trời ơi, nét trang điểm chắc chắn từ ngày không còn Tuấn, Dung chưa hề nghĩ đến bao giờ ! Ánh đèn dầu yếu ớt từ xa hắt lại.

         Dung ơi! Dung đẹp lắm, đẹp não nùng !

         Phải, chỉ cần một bước ngắn, nhẹ nữa thôi, nhưng sao chân tôi lại khựng đi và gói quà trên tay tôi bỗng nặng nề quá, trì kéo lại chân tôi, kịp đến lúc hai đứa con của Dung chạy ập vào cuống cuồng ôm chầm lấy mẹ đòi về, tôi mới như người chợt tỉnh cơn mê. Dung vội ngồi xuống với con :

         - Con. Con vòng tay chào bác, mai bác lên đường rồi !

         Tôi cũng ngồi xuống với mẹ con Dung :

         - Cháu "mi mi" bác đi, mai bác đi rồi !

        Đứa bé gái mới mười hai tuổi đầu thơ ngây quá ! Nó ngoan ngoãn vụt khỏi lòng mẹ, đến bên tôi. Đôi môi của nó giống đôi môi của Dung quá chừng ! Cho đến khi môi của nó chạm vào má tôi, tôi ôm choàng lấy nó siết chặt vào lòng mình, mắt tôi cũng nhòe nhoẹt đi khi nhìn đến Dung...

         Sau đó, Dung và các con ra về. Khi ra đến cánh cửa lớn của barrack, Dung mới dừng lại nhìn tôi lần cuối, đôi môi với mắt cũng nhạt nhòa:

        - Thôi em về !

                                                       *                                                   

       Sáng hôm sau tôi dậy sớm. Những gì còn lại đây, tôi thu vén

gọn gàng trước khi lên đường. Tôi không còn ở đây nữa, vĩnh viễn không còn ở đây nữa. Hành trang tôi bây giờ chỉ là một chiếc xách vừa đủ xách trên tay. Vài bộ quần áo cũ, dăm tờ báo Nguyệt San tại đảo làm kỷ niệm vì có bài viết của tôi trong đó. Ngoài một ít giấy tờ cần thiết ra, tôi còn tấm ảnh vợ con tôi chụp khi còn ở quê nhà. Tôi ngắm nhìn họ lần nữa, gấp ví lại bỏ vào túi quần. Trên chiếc bàn con cuốn tự điển của Dung tôi mượn còn đó. Tôi đã bán đi chiếc nhẫn vàng hai chỉ chiều hôm qua, lấy ra một ít cần thiết cho chuyến đi, còn lại bao nhiêu tôi bỏ vào trong một phong bì dán kín lại, kẹp nó vào giữa cuốn tự điển, rồi gói kỹ trong tờ báo lớn, chốc nữa đây khi tôi đi rồi sẽ có một người bạn thân còn ở lại trao trả lại cho Dung. Dung còn ở lại đây lâu ngày, cuộc sống còn nhiều cơ cực, Dung giữ lấy mà phòng thân, nuôi con. Tôi làm công việc này thật lòng. Vợ tôi có biết cũng vui vầy mà tha thứ.

         Tôi bước ra khỏi barrack, giờ phút chia tay kẻ ở người đi, bùi ngùi, Bên tai tôi qua hệ thống loa, tiếng nhạc tiễn đưa của văn phòng Ban Đại Diện trỗi lên đến buốt lòng.

         Tôi cũng có một Gia Đình êm ấm, tôi cũng có một Quê Hương trìu mến và tôi cũng có một Tổ Quốc thân yêu, nhưng một thời tôi đã không biết nâng niu, gìn giữ. Bây giờ xa cách đi rồi, tôi mới thấy nhớ thương vô cùng ! Đau đớn đó dằn dặt mãi trong tôi, để rồi có từng đêm tôi không hề ngủ được và tôi đã khóc ! Tôi biết chắc rằng tôi không bao giờ quên được Gia Đình tôi, Quê Hương tôi, Tổ Quốc tôi. Rồi đây trên bước đường tha phương nơi đất khách quê người, tôi phải làm gì đây để giữ mãi một dạ sắc son đó ở trong lòng !

          Ngoài bến tàu, người người thật đông đảo. Ở đây cứ vào dịp  có đoàn người đi định cư, quang cảnh cũng đều tấp nập và ồn ào như vậy đó,  kẻ ở người đi rộn ràng. Và mãi cho đến khi trình giấy tờ, khám xét hành lý xong, bước xuống chiếc tàu đưa khách, tôi mới chợt hiểu ra rằng giờ phút cuối này, Dung đã không đến với tôi !

         Trong khoang tàu người người xuống trước chộn rộn sắp xếp hành lý và tìm chỗ ngồi cho mình. Con tàu bập bềnh trên mặt biển xanh lơ bắt đầu nổ máy, từ từ rời bến. Tôi ngoái cổ nhìn lại lần nữa, trên bến tàu những người đưa tiễn chưa về vội, chen chúc lẫn khuất vào nhau nhìn theo chúng tôi. Có những chiếc nón, chiếc khăn tay vẫy vẫy chào. Tự nhiên có một niềm xúc động mãnh liệt dâng lên trong tôi đến nghẹn ngào.

          Thôi nhé ! Vĩnh biệt Galang ! Rồi mai đây Dung cũng sẽ tiếp tục lên đường, cầu mong cho Dung có được nhiều sức khỏe để nuôi nấng con cái nên người.

          Qua dần đi những hòn đảo bé nhỏ và xanh tươi trong hải phận Indonesia, tàu rẽ sóng ra khơi, gió lồng lộng thổi. Cả một bầu trời cao vời vợi cùng mặt nước bao la của biển cả đập vào mắt tôi. Từng làn sóng nhấp nhô tới tấp đập vào hai bên sườn tàu và nắng mai sáng rực cả một mũi tàu.

        Tít ngoài xa kia là một bến bờ xa lạ đang chờ đón tôi. Tôi quay nhìn về phương trời cũ của mình. Màu nắng gắt làm mắt tôi thêm chập chùng. Phải đó là quê hương tôi  .

           Quê hương tôi giờ đây lần nữa thêm xa vời !

 

                               Melbourne, cuối năm 1990                                            

                                   MÙA XUÂN NHƯ Ý

                                            *

                        NGH THUT VI ĐỜI

                             *Bạn thương là sống !

 

                                            ___________

 

                                 ( Trích trong "Ngày Vui Qua Mau"

                                         sắp xuất bản nay mai ! )

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/10/2023(Xem: 1509)
🐄Bò làm mệt, than với chó: " Tao mệt quá ". 🐶 Chó gặp mèo tâm sự: " Bò nó kêu mệt, chắc làm quá sức, chắc nó đòi nghỉ một chút". 🐱 Mèo gặp dê tám chuyện: " Bò nó muốn nghỉ một ngày vì công việc làm nó mệt quá, có lẽ ông chủ bắt nó làm quá sức". 🐐 Dê gặp gà: " Bò nó đòi nghỉ làm, ông chủ bắt nó làm đến kiệt sức thì phải". 🐔 Gà gặp heo nói: " Biết chuyện gì chưa, bò nó định đổi chủ và bỏ việc đấy".
21/10/2023(Xem: 1736)
Từ đầu đến giữa năm 2020, con virus do Tập Cận Bình (TCB) cho tạo ra tại Viện Nghiên Cứu ở Vũ Hán, chẳng những để giết người dân Tàu ở Vũ Hán chống đối đường lối cai trị tàn ác dã man của Tập, mà còn cho con virus ác ôn này xuất ngoại với âm mưu thâm độc là gây truyền nhiễm, lây lan cho người dân lành khắp mọi nơi trên thế giới. Rồi đây đảng cộng sản Tàu do TCB dẫn dắt đã gieo cái nhân ác, sẽ nhận lãnh cái quả không thể nào lường trước được. Xin quý độc giả hãy chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.
01/09/2023(Xem: 23705)
Bát quan trai giới Cửa Vào Tuyệt Đối Chiến tranh, tình yêu, hoài niệm và truyện ngắn Võ Hồng Dẫn vào Tâm Kinh Bát Nhã Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo Du-già Bồ-tát giới Duy-ma-cật Với Các Đại Thanh Văn Duy tuệ thị nghiệp Đạo Phật và thanh niên
03/08/2023(Xem: 1895)
Sư Khánh Vân đang dạo bước ngắm hoa ở sân sau chùa bỗng nghe tiếng ồn ào đâu phía trước. Chú tiểu Công Sơn lật đật lại gần sư thưa: – Bạch thầy, không biết ai đã đem một đứa bé trai bỏ trước cửa chùa. Nó khóc dữ quá. Một số thôn dân đang đứng quanh đấy bàn tán xôn xao, xin thầy ra xem thử.
09/06/2023(Xem: 2607)
Hằng năm cứ vào độ đầu xuân, hoa Mai vàng rồi hoa Đỗ Quyên của Đức nở rộ, Thầy Hạnh Tấn, một vị Tu sĩ Phật giáo, người có khả năng tiếp cận và truyền đạt được những giáo lý màu nhiệm của Đức Phật đến các em thanh thiếu niên sống tại nước ngoài. Dĩ nhiên là có sự tiếp sức của Thầy Hạnh Giới, cũng cùng chung một chí nguyện, cùng khả năng về ngoại ngữ, ít nhất là hai thứ tiếng Anh và Đức mới tổ chức được một Trại Thanh Thiếu Niên toàn nước Đức, có khi lên đến trên bốn trăm em tham dự.
08/05/2023(Xem: 2165)
Bạn tôi có mỗi thằng con trai độc nhất. Hai vợ chồng thương nó lắm. Qua định cư ở Mỹ lúc tuổi đã xế chiều cho nên luôn nghĩ: ”Đời mình kể như bỏ thôi hy sinh lo cho con”. Ông làm đủ nghề lao động, bà thì lớp nào giữ trẻ, lớp nào coi sóc người già, để bù thêm vào tiền lương còm cõi của ông.
05/05/2023(Xem: 2284)
Tại cánh đồng rộng mênh mông ở Phi Châu có một con sử tử con mới lọt lòng mẹ bảy ngày. Mẹ nó trong một chuyến đi săn bị bầy linh cẩu cắn chết và không bao giờ quay trở lại. Sư tử con đói kêu la thảm thiết, chập chững đi chẳng kể phương hướng để tìm sự sống. Nó may mắn lạc vào một đàn bò. Một con bò mẹ đang nằm dài dưới đất cho bê con bú.
03/05/2023(Xem: 125990)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
21/04/2023(Xem: 2659)
An Dưỡng Địa là một khu nhà mồ ở Phú Lâm, gần bến xe đi về lục tỉnh. Trong khu An Dưỡng Địa có chùa Huệ Nghiêm, có Tháp Phổ Đồng. Tiền thân của chùa Huệ Nghiêm là Viện Phật Học Phổ Thông được thành lập đầu năm 1964, rồi chuyển qua Viện Cao Đẳng Phật Học Chuyên Khoa đầu năm 1971. Tôi và ba thầy Liêm Chính, Toàn Châu, Thiện Tường được Viện Trung Đẳng Chuyên Khoa Phật Học Liễu Quán ở Huế gởi vào đây học thêm 04 năm. Sau ba năm tu học theo chương trình của viện, tôi đi thêm đoạn đường dài là đến tu học, hoằng hóa tại Hoa Kỳ.
15/01/2023(Xem: 2466)
Nạn đói năm Ất Dậu 1945 làm chết hơn 2 triệu dân miền Bắc, nặng nhất là hai tỉnh Thái Bình, Nam Định đã để lại dấu ấn không bao giờ quên về hậu quả của chiến tranh tại Đông Dương do Pháp và Nhật chiếm đóng Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567