Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngưỡng Cửa Của Thương Yêu

28/12/201622:29(Xem: 2769)
Ngưỡng Cửa Của Thương Yêu
Ngưỡng Cửa Của Thương Yêu

Kính dâng thiền sư Nhất Hạnh, 
Vị thầy đã dạy con biết dừng lại và nhìn sâu 
để biết hiểu và biết thương.

Tiếng chén đũa nồi niêu khua rổn rảng hòa nhịp với những lời càu nhàu vô nghĩa của vợ trong bếp, tựa như một thứ vũ khí bén nhọn liên tụcchâm chích đâm thọc Bảo, khiến cơn giận điên cuồng mà chàng đang cố gắng đè nén bỗng sôi sục trở lại. Bảo "ức sức" muốn vào bếp, túm tóc vợ đập cho một trận "tơi bời hoa lá" thì mới hả cơn. Thoáng nghĩ vậy thôi, chớ Bảo đâu phải là kẻ vũ phu lỗ mãng đánh đập vợ; đôi khi, giận "cái mụ" lắm mồm hỗn hào, chàng tức tối đập chén dĩa, đá bàn, đá ghế... là tột cùng rồi. Lần nầy, để đối phó lại, Bảo rầm rầm dẫn chiếc xe đạp ra cửa. Trước khi phóng lên xe, chàng còn ngoái cổ lại dò xem phản ứng mụ vợ có thay đổi gì không? nào ngờ, cái mặt "mâm" của vợ vẫn chầm vầm lạnh nhạt chẳng thèm lưu tâm đến sự giận dỗi của chồng, khiến Bảo vừa tức vừa thẹn, phóng xe đi một nước.

Bảo điên tiết lái xe bừa bãi loạn cuồng, suýt tông vào những chiếc xe xuôi ngược, bị thiên hạ chửi bới bóp còi inh ỏi, mà vẫn dửng dưng chẳng hay biết. Những chuyện giận hờn xưa cũ, từng cử chỉ, từng lời nói chanh chua, nặng nhẹ... của vợ cứ thi đua nhau múa may quay cuồng trong đầu, khiến cho cơn sân hận của chàng lại càng tăng ngùn ngụt. Tình cờ, Bảo đạp xe qua cầu Hoàng Diệu, chàng ngẩn ngơ nhìn ngôi trường Thoại Ngọc Hầu, nơi đã ghi bao kỷ niệm ấm êm của cặp tình nhân thuở còn son trẻ. Chàng lắc đầu xua đuổi hình bóng năm xưa, thẩn thờ đạp xe về hướng bệnh viện, rồi lần về công viên Nguyễn Du. Công viên ngày xưa là nơi hò hẹ lý tưởng nhất của cặp tình nhân, chỉ cần nhìn nhau, chỉ cần nắm tay nhau... là hạnh phúc đã ngất ngây đầy ấp. 

Những ngày thơ mộng đó, công viên tràn ngập những cánh bông móng ngựa rực rỡ, với giòng sông Cửu Long bao la trời nước, thấp thoáng bên kia là cù lao Ông Hổ xanh tươi, được tô điểm đây đó bằng vài chiếc xuồng chèo xuôi ngược. Công viên giờ đây hắt hiu tàn tạ, lối đi loang lổ xình lầy, cỏ cây xơ xác, bờ sông cẩn đá đã bị soi mòn sụp đổ. Có lẽ, chỉ có đài vi ba cô đơn bên Ty Bưu Điện, tuy cũng bị thời gian soi mòn rỉ sét, mà vẫn còn gắng gượng giữ nét hào hùng cao ngất như xưa. Bảo thở dài tự nhủ: "Ôi! Dẫu mình cố sức bám víu cái hào quang xưa cũ thế nào thì cũng không che giấu nỗi chuỗi ngày sự nghiệp xuống dốc tan hoang được. Mình đã mất hết, mình đã te tua rách nát gầy còm, nên mụ vợ mới khinh lờn hỗn láo, từ những chuyện cỏn con chẳng ra gì mà cũng càu nhàu, gây gổ hành hạ chồng!...". 

Bảo ngắm nhìn giòng nước phù sa cuồn cuộn để tìm quên, nhưng hình ảnh vụ cãi vã nóng sốt cứ hiển hiện rõ ràng từng chi tiết nhỏ, không cách gì trốn tránh được. Mới hôm qua đây, trong khi Ngọc đi chợ, Bảo buồn tình lang thang ngoài phố, tình cờ gặp lại người bạn thân xa xưa. Hai người kéo vào quán tỉ tê tâm sự, quên mất ngày giờ. Về nhà trễ bữa cơm trưa, thấy mặt Ngọc bùng thụng, lẽ ra Bảo giã lã đôi lời thì yên xuôi, thế nhưng khi sáng thấy vợ lúi húi soạn mớ thuốc tây cho bà nhạc, chàng hơi bực bội nên lơ làchẳng mở lời. Bữa cơm chiều ăn uống lơ là trong bầu không khí giận dỗi vu vơ, chợt Bảo lỡ lời chê món canh nêm hơi lạt. Thế là Ngọc đùng đùng nổi giận hét vang: "Muốn ăn uống cho vừa ý, sao không lăn vào bếp nấu nướng! Hứ! suốt ngày mài miệt rong chơichẳng ra trò trống gì! Tất cả mọi việc đều đổ lên đầu con mọi cái nầy, vậy mà còn bày đặt khen với chê!". 

Bảo nạt một tiếng đàn áp cho vợ câm mồm, ngờ đâu, Ngọc lại ong óng đốp chát chẳng kiêng nể tí nào. Thế rồi nàng bù lu bù loa khóc lóc, kể lể hàng trăm thứ chuyện, lên án Bảo hàng trăm thứ tội, đoạn chỉa mũi dùi sang gia đình chồng, chỉ trích oán trách không sót một người. Kể về chuyện nhớ dai, thù vặt, đặt điều thêm bớt... thì Ngọc thuộc vào hàng cao thủ thượng thặng, như vậy làm sao một thằng đàn ông "tâm hơ tâm hất" như Bảo có thể ngang tài giao đấu. Bảo thua sát ván, không vạch được lỗi gì của vợ để đối phócuối cùng tức quá, chàng đành móc ngoéo đến bà già vợ khó ưa, phóng cho mấy chiêu hiểm độc để khóa miệng Ngọc. Trận khẩu chiến nhờ vậy tạm ngưng, nhưng tình trạng căng thẳng ngấm ngầm lại có nguy cơ tác hại mãnh liệt. Vợ chồng Bảo nhìn nhau toé lửa như hai con thú dữ sẵn sàng phung nọc độc và cấu xé nhau bằng những lời lẽ hiểm hóc cay chua.

Nghĩ cho cùng, mầm mống tình trạng gia đình khủng hoảng quả đã phát xuất từ bà nhạc mẫu đoản hậu của chàng. Nhạc mẫu Bảo nguyên là một nhà thầu khai thác đá tại vùng núi Sập. Bảo là Phó Ty Công Chánh Pleiku, tuy không trực tiếp nâng đỡ mẹ vợ, nhưng bà cũng dựa được vào uy thế con rể, để tiến hành thuận lợi cho dịch vụ cung cấp đá trải đường cho các Ty Công Chánh miền Tây. Do đó, tuy là phận rể con, mà Bảo lại được bà tôn quý, vồn vã đón rướctrọng vọng tiếp đãi một cách khác thường, đến nỗi chính chàng cũng cảm thấy ái náy ngại ngùng. Thế nhưng, sau khi thời cuộc đổi thay, Bảo tiêu tan sự nghiệp phải đưa gia đình về An Giang nương náu, thì thái độ của bà đã xoay chiều nhanh chóng. 

Bà lơ là, tránh né con rể. Thời gian ngắn sau đó, bà ra mặt công khai ruồng rẫy kẻ thất thời: xua đuổi Bảo, coi rể như thứ cùi hủi, gần gũi sẽ bị lây bệnh "ngụy" nan y. Thậm chí, bà còn gợi ý khuyên con gái bỏ chồng ngụy, chọn chồng mới làm cán bộ cho sung sướng tấm thân. Bảo không kế sinh nhai, phải hành nghề thợ mộc, và bất cứ mọi thứ công việc nặng nhọc nào, miễn là có được chút đỉnh tiền gắng gượng nuôi gia đình bữa đói bữa no. Đói rách thì chịu, Bảo thề độc rằng thà chết, chớ trọn đời tuyệt đối sẽ không nhờ vả mẹ vợ. Tuy đã thề độc, vậy mà vì thương con, cần tiền lo cho hai đứa con vượt biên sang Hoa Kỳ sống với bên nội, vợ chồng Bảo đã phải lóc cóc dẫn nhau đến nhà mẹ vợ khóc than, năn nỉ mượn bốn lượng vàng, hứa sẽ bán ngay căn nhà trả nợ. 

Bà mẹ đã thẳng thừng từ chối mà vợ chồng Bảo cứ lải nhải van xin, bực quá, bà dọa tố cáo nội vụ cho công an khiến vợ chồng Bảo hoảng hốt gạt nước mắt lủi thủi ra về tức khắc. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó, Bảo bất ngờ nhận được tiền tiếp tế và thơ của thân nhân tại Hoa Kỳ. "Có lúa mới vay được gạo", Bảo cầm cái thơ chứng minh nguồn tiếp tế của mình, ghé thăm vài thân hữu là vay được ngay số tiền cần thiết. Mẹ vợ Bảo tuy gắt gao tiền bạc với rể nhưng lại dễ dãi với thằng con trai út. Chẳng biết cậu út òn ỉ cách nào, mà bà cứ mở hồ bao, "lòn" ra từ mươi lượng vàng nầy đến mươi lượng khác, để hắn kinh doanh. Thua keo nầy, cậu út bày keo khác, cứ thế mà rút rỉa tiền bạc bà giàcho đến lúc cạn queo. 

Bấy giờ, thì cô con dâu mới trở mặt hất hủi bà, khiến chuỗi ngày còn lại của bà cũng trăm cay ngàn đắng. Phần Bảo nhờ được thân nhân tại Hoa Kỳ thỉnh thoảng tiếp tế nên bắt đầu đỡ vất vả, sau đó, hai đứa con hiếu thảo lớn lên, lại gởi tiền về chu cấp đều đặn, nhờ vậy, nếp sống ngày càng trở nên sung túc phong lưu. Thừa tiền, Bảo rộng rãi chia xẻ cho mọi người, kể cả những kẻ hoàn toàn xa lạ, nhưng riêng đối với mẹ vợ, mối hận năm xưa chưa phai, nên Bảo vẫn lăm lăm tìm đủ mọi phương cách kềm kẹp, ngăn chận Ngọc phụng dưỡng bà. Mỗi lần nghi ngờ Ngọc lén lút mang thuốc men tiền bạc chu cấpmẹ, tuy chàng ngại mang tiếng là nhỏ mọn, không mở lời trách thẳng nhưng mối bực bộicứ canh cánh bên lòng, chờ cơ hội móc ngoéo sang chuyện khác, nên sớm muộn gì thì gia đình chàng cũng có chuyện "gấu ó" giận hờn.

Bảo lơ đãng nhìn giòng sông An Giang cuồn cuộn, chàng chợt nghĩ nếu thân xác mình được chìm sâu dưới giòng nước kia thì bao nhiêu chuyện rắc rối phiền hàthương yêu, thù hận... đều tan biến mất, và mình sẽ khỏe khoắn biết bao nhiêu! Bảo lắc đầu xua đuổiý nghĩ chết chóc lởn vởn trong đầu, rồi chẳng biết do động lực nào thúc đẩy, chàng lừng khừng dắt xe đạp xuống đò ngang đi qua cồn Mỹ Hòa Hưng. Chàng đi để mà đi, chớ thật ra thâm tâm lờ mờ chẳng biết sẽ đến đâu và làm gì? Mãi đến khi thuyền cặp bến, Bảo mới sực nhớ đến người bạn cũ cư ngụ gần bến đò, liền phóng xe đến nhà bạn. Thuận là người bạn thân thiết thuở thiếu thời, khi cả hai còn là huynh trưởng Gia Đình Phật TửChánh Nghĩa, chùa Quảng Đức. Lớn lên hai người vẫn thường gặp nhau tâm sự chuyện đời, chuyện đạo, nhưng từ khi cô con gái duy nhất đột ngột xuất gia, vợ chồng Thuận dứt khoát bỏ nghề dạy học, bán căn nhà ở chợ để lui về quê nhà tại xã Mỹ Hòa Hưng sinh sống với nghề rẫy bái, thì việc qua lại thưa dần.

Bảo vừa dựng chiếc xe đạp dưới gốc cây vú sữa trước sân, khóa kỹ lại, thì lại đã nghe mẩu đối thoại vui tươi của cặp vợ chồng Thuận và Thảo ra ngoài:

- Ối chà! Người đẹp của anh lại cưng chồng, lại thết đại tiệc nữa rồi!

- Anh kỳ quá hà! Em già khù xấu hoắc rồi, mà cứ giỡn chơi gọi người đẹp hoài, rủi ai nghe được, người ta cười thúi đầu đó!

- Hì! Hì! Nè! Lúc trẻ thì em đẹp theo trẻ, về già đẹp theo tuổi già! Anh thấy sao nói vậy, ai cười anh cứ cười, việc gì anh mắc cỡ!

- Anh cứ trăng nói cuội hoài! Em đã già cả hom hem, da nhăn tóc bạc rồi thì còn đẹp nỗi gì!

- Ậy! Em có nhớ câu kệ "mỗi khi dùng đến lại thành mới tinh" (1) của sơ tổ Trúc Lâmkhông? Đây là anh học theo cách nhìn của tổ: "Mỗi lần nhìn vợ, mỗi lần thấy đẹp ra"! Hì! Hì!

Là chỗ bạn thâm giao, Bảo chẳng cần báo trướcngang nhiên xô cửa bước vào, cắt đứt câu chuyện thân mật của vợ chồng gia chủ, rồi cười vang lên tiếng:

- Hai ông bà nầy, già mà còn "mùi tận mạng" đa!

- A chào Bảo! Lâu quá không gặp nhau! Anh đến chơi thật bất ngờ! Làm vợ chồng tôi mừng quá! ủa! Chị Ngọc đâu? sao không đi với anh?

Bảo ngập ngừng một lúc, rồi bịa chuyện cho qua:

- Bà nhạc đau nên bả về đằng đó chăm sóc! Chớ lức đầu đã định cùng đi với tôi rồi!

Điều bất ngờ là vợ chồng gia chủ lại tỏ vẻ quan tâm đặc biệt đến sức khỏe bà cụ, họ thay phiên nhau hỏi han rối rít:

- Tội cho bà cụ quá! bà đau bệng gì? Lâu chưa? Nặng không anh? Bác sĩ cho biết bệnh tình như thế nào vậy anh?...

Bảo vốn "kuot; mẹ vợ, mỗi khi nghe tin bà gặp việc chẳng lành, tuy bề ngoài tỏ vẻ thương hại, nhưng thật ra rất khoái trá trong lòng, không mở miệng mắng thầm "cho đáng đời!" là tốt lắm rồi. Lời thăm hỏi bệnh tình chân thành của gia chủ khiến Bảo nhột nhạt, lúng túng mấy giây mới ngập ngừng đáp:

- Bệnh già mà anh chị! Bà chỉ yếu tổng quát chớ đâu có gì quan trọng!

Rồi để tránh khỏi phải trả lời dông dài về một đề tài khó ưa, Bảo giả vờ ngắm thích thúbức tranh treo trên vách, lên tiếng:

Anh chị có bức tranh đẹp quá! Ô! Mà lại có điểm thêm hai câu thơ Kiều nữa!

"Bây giờ rõ mặt đôi ta!

Biết đâu rồi nữa, chẳng là chiêm bao!" (2)

Ối chà! Chàng và nàng tình quá, bỏ thị thành để đi xây dựng "một mái tranh hai quả tim vàng" ngâm thơ vịnh nguyệt đây nầy!

Thuận cười hệch hạc:

- Ơ! tụi nầy thỉnh thoảng cũng đọc thơ Kiều, nhưng không đọc với tâm trạng chìm đắmtheo đoạn đời khổ đau sầu muộn của Kiều, mà chỉ nhằm khám phá đạo vị trong thơ Nguyễn Du, để nương vào đó tu sửa thân tâm anh ạ!

- Nói như vậy! thì hai câu thơ nầy có đạo vị, nhưng đạo vị ở chỗ nào, anh có thể giải thích tôi nghe được không?

- Tranh nầy bắt nguồn từ suy tư của bà xã tôi, tôi chỉ ghi lại bằng nét vẽ. Suy tư của bả, chắc tôi phải nhờ bả trình bày thì mới đầy đủ.

- Ơ! em...

- Thôi mà! Ngại ngùng gì em! anh Bảo là bạn đạo lâu đời của mình! Em cứ trình bày suy tư của em, nghĩ sao nói vậy, có trật ảnh cũng không cười mà!

Thảo trầm ngâm nhớ lại chuyện xưa, rồi chậm rãi mở lời:

- Tôi là đàn bà, nếu tôi có "cà kê dê ngỗng" dài dòng văn tự xin anh thông cảm nghen. Chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi. Ngày đó, anh Thuận vừa được trả tự do, sau khi bị giamgiữ hai tháng, vì đã tham dự buổi hội họp "bị coi là khả nghi" của Gia Đình Phật Tử tại Saion. Vui mừng đoạn tụ mà tôi vẫn ngay ngáy lo lắng an nguy cho ảnh sau nầy, nên tôi cô lập hóa không để ảnh liên lạc với bạn bè, và thường xuyên gây gổ lằng nhằng ảnh về cái tính tào lao lo chuyện bao đồng tự chuốc khổ vào thân, mà còn làm khổ lây đến vợ con nữa. Một hôm ngủ trưa, trong chiêm bao tôi thấy ảnh chết trong tù. Tôi đau đớn rụng rời khóc ngất thì tỉnh dậy. Mắt đẵm lệ, chân quính quíu, tôi nhớn nhác tìm ảnh. Ảnh đứng lặng yên bên khung cửa sổ, gầy gò tiều tụy

Tôi thấy ảnh "rõ ràng trước mặt còn ngờ chiêm bao"(3). Tôi dụi mắt véo tai mấy lần để được yên tâm, rồi tôi chợt nghĩ nếu chiêm bao là thật thì mình mất tất cả rồi, mình đâu có cơ hội nào nhìn chồng nữa. Khi đó, lòng tôi không còn tha thiết điều nào khác, tôi buông bỏ hết mọi sự mọi việc, để tập trung tất cả vào chồng, ngắm nhìn từng chi tiết nhỏ: một sợi tóc bạc, một vết nhăn..., thấy được nỗi ưu tư hoài bảo, thấu suốt cả tấm lòng vị thasuốt đời tận tụy hi sinh cho vợ con, cho đạo pháp của chồng. Cảm nhận được điều đó, tôi xúc động thân tâmhạnh phúc ngập tràn. Tôi khám phá rằng sống với chồng bao năm mà chưa lần nào tôi nhìn chồng suông mà hạnh phúc như lần nầy. 

Có thể trước đây, ngoài việc sống bên nhau tôi luôn đòi hỏi phải chờ hội đủ thêm hàng trăm điều kiện khác về công danh sự nghiệpgia đìnhxã hội... thì mới có hạnh phúc, nên hạnh phúc lúc nào cũng ở ngoài tầm tay, không với tới được. Tôi lại luôn luôn bận bịu đầy ấp chuyện vui buồnhờn giận, hơn thua..., nên lúc nào cũng qua loa hời hợt, chỉ biết vòi vĩnh, nhăn nhó, càm ràm... thì làm sao thấy được hạnh phúc tràn đầy bên cạnh người mình thương. Tôi nghĩ dẫu chồng tôi không chết trong tù, thì ngày nào đó hai vợ chồng già cũng có người gãy gánh. Ai biết chắc ngày đó là ngày nào? Ngày nay kề cận bên nhau, tại sao mình lại không thể nhìn nhau, thương nhau, chăm sóc nhau, tận hưởng cho hết hạnh phúc bên nhau liền bây giờ, kẻo chờ đến ngày mai sẽ không còn kịp nữa. Trong chiều hướng suy tư đó, tôi đã chọn hai câu thơ Kiều:

Bây giờ rõ mặt đôi ta

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao!

để làm phương tiện nhắc nhở tôi biết tận dụng những giờ phút bên nhau, bởi vì biết đâu ngày mai sẽ như mộng mị chiêm bao và không bao giờ có thực!

Nghe chuyện người, ngẫm phận mình Bảo xót xa thầm nghĩ: "Mình lỡ dại chết đi, mụ vợ mình chắc sẽ khoái chí vật heo ăn mừng, chớ làm gì có chuyện khóc với thương!". Chàng ta buồn hiu, nhưng gắng gượng nhếch môi nửa cười nửa mếu lên tiếng:

- Hì! Hì!... Chị là một người đàn bà yêu thương chồng tột bực! Yêu đến độ phải làm tranh, đề thơ để nhắc nhở phải yêu nhiều, yêu lập tức, yêu dài dài... quả là việc thế gian hy hữu, khó tin mà có thật...

Tránh cho vợ đỡ ngượng nghịu trước lời nói bỡn cợt của Bảo, Thuận giải thích:

- Ơ! thật ra, chữ "đôi ta" phải hiểu rộng ra là ta và đối tượng đang hiện hữu, "đôi ta" có thể là ta và em bé, ta và tách trà, hay ta và giòng sông...; và trong giây phút hiện tại nầy, "đôi ta" chính là anh và vợ chồng tôi, chúng mình phải biết tỉnh thức để tận hưởng buổi hội ngộ nầy, "nếu không rồi nữa chẳng là chiêm bao!".

Thảo bổ túc:

- Đúng vậy anh ạ! Theo tinh thần đó vợ chồng tôi rất hoan hỉ tiếp đón anh và mong sao buổi gặp mặt đặc biệt nầy tràn đầy vui tươi và lợi lạc!

- Cám ơn anh chị! Tôi đã cảm nhận được điều đó! sự ân cần thành thực của anh chị giúp tôi vô cùng thoải mái, điều mà tôi không bao giờ có được khi nói chuyện với người khác!

- Anh Bảo ăn cơm trưa với vợ chồng tôi nhé! Cơm nước xong mình sẽ tiếp tục câu chuyện, kẻo thức ăn nguội lạnh hết!

Vốn quen nếp sống rượu thịt phong lưu, Bảo nhìn mâm cơm đạm bạc chỉ gồm có chén nước tương, một dĩa đọt rau lang, bông điên điển, một dĩa rau càng cua trộn dấm, cùng với hai miếng đậu hủ muối xả... mà chán ngán trong lòng, nhưng nếu từ chối lại ngại người bạn nghèo tủi thân, nên đành sốt sắng cầm đũa.

Tuy nhiên, có lẽ nhờ đang cơn đói bụng, lại gặp món ăn đồng nội quê mùa lạ miệng, Bảo "tự nhiên quá trớn" tấn công tới tấp, khiến Thảo phải tíu tít chạy ra sau vườn hái thêm rau tiếp tế.

- Chị nấu ăn ngon tuyệt vời! Thảo nào khi tôi vừa tới cửa đã nghe ảnh tán tụng là được cho ăn đại tiệc!

- Hì! Hì! Đối với tôi, thức ăn nào vợ nấu nướng chẳng là đại tiệc!

Thảo nghe chồng tán tỉnh thẹn thùng trách chồng::

- Anh đùa như vậy không sợ anh Bảo cười trẹo quai hàm sao?

Rồi quay sang Bảo, Thảo ấp úng phân bua: 

Cảm tạ anh quá khen! Thức ăn toàn là rau luộc thì ai làm chẳng được! Sở dĩ anh Thuận dùng chữ "đại tiệc" chỉ vì hôm nay có đậu hủ mà thôi! Số là hoa lợi của mấy giồng khoai và nửa công ớt của anh Thuận trồng chỉ đủ đổi gạo và vài vật dụng cần thiết, nên thông thường mâm cơm toàn là "cây nhà lá vườn" miễn phí, lâu lâu tôi mới dám xài sang, mua đậu hủ để có thêm chất đạm.

Nghe rõ nếp sống bẩn chật của gia chủ, Bảo động lòng trầm ngâm nghĩ ngợi mông lung: "Họ nghèo rớt mồng tơi, thiếu trước hụt sao, ngụ trong gian nhà lá trống trải, phục sứcđơn sơăn uống đạm bạc, một miếng đậu hủ rẽ rề mà cũng phải dè xẻn ăn tiêu... tội nghiệp quá! Mình tội nghiệp họ, nhưng dường như chính họ chẳng cảm thấy khổ sở tí nào! Họ bình thản với cái nghèo, sống hồn nhiênvui tươi an lạc kia mà? Hạnh phúc đến với họ xem ra dễ dàng quá: họ nhìn nhau, họ âu yếm đối thoại, họ nâng niu săn sócnhau... là đủ, họ không ước mơ, không đòi hỏi điều gì khác, dù là loại của cải quý giá hay thứ "phép lạ nhiệm mầu nào". Còn mình thì sao? Mình tuy chưa hoàn toàn phục hồi được thời vàng son, nhưng đời sống vật chất mình quá ư đầy đủ: nhà cao cửa rộng, tiền bạc thừa thãi, áo quần tươm tất, mâm cơm thịt cá ê hề..., mà mình có hạnh phúc tí nào đâu? Vợ chồng tranh cãi nhau dài dài, ai cũng lăm le rình cơ hội đối thủ sơ hở để nặng nhẹ chửi bới, thì nhìn mặt nhau đã là việc khó huống chi nghĩ đến việc thương yêu chăm sóc nhau". Thế rồi Bảo thở dài lên tiếng:

- Tôi đang có chuyện nhức đầu, vậy mà tiếp xúc với anh chị trong bầu không khí vui tươian lành nầy tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng! Anh chị có nếp sống thanh cao đầy đạo vị tôi rất khâm phục! Thành thực mà nói, người làm tôi ngạc nhiên và phục nhất chính là chị. Tôi đâu có lạ lùng gì về tính nết của anh Thuận nữa! Nhưng làm sao tôi ngờ được một cô gái con nhà giàu sang xuất thân trường đầm, lại có thể từ bỏ những thú vui cùng tiện nghicủa thành thị, kể cả nhà cửa, danh vọng, bạc tiền để chui về chốn quê mùa heo hút nầy, thanh thản sống giản dị, đạm bạc, lấy việc cưng chồng, chiều chồng làm vui!

- Cám ơn anh quá khen! Thật ra, là đàn bà thì tôi cũng thích chưng điện, ăn sung mặc sướng, ở nhà rộng rãi thênh thang, thèm danh vọngđịa vị, bạc tiền, nên trước đây, cứ mè nheo, lằng nhằng anh Thuận, để đòi hỏi thúc đẩy ảnh phải bươn chảy xoay sở gầy dựng sự nghiệp công danh sao cho bằng người khác. Sau biến cố năm 1975, tiền bạc eo hẹp, sanh hoạt khó khăn khiến tôi khổ đau cùng cực, tôi oán trách đời, tôi giận chồng đã chậm chạp không chịu đi tản ra nước ngoài..., tóm lại tôi sống trong tâm trạng bất mãnthường trực, và trăm điều tội lỗi đều đổ lên đầu chồng, làm khổ chồng dài dài... Cho đếnmột hôm, anh Thuận mang thông điệp hiểu biết và thương yêu về cho cả nhà tu tập, từ đó tính nết tôi thay đổi dần. Tôi hiểu biết chồng, thương chồng nhiều hơn, lần lần hòa hợpvới tâm tư chồng, và cuối cùng đã thực sự tìm thấy được suối nguồn an lạc qua nếp sống đạm bạc, giản dị tại chồn nầy.

Thông điệp hiểu biết thương yêu như thế nào mà hiệu nghiệm như thế? Ai truyền cho anh vậy Thuận?

Thông điệp hiểu biết thương yêu tạo thành một luồng sinh khí mới cho gia đình chúng tôi thực tập, đã phát xuất từ một chuyện thật tình cờ vào khoảng chín năm về trước. Năm đó, nước sông Cửu Long dâng cao gây nạn lụt trầm trọng. Một tổ chức Phật giáongười Việt nước ngoài gởi về một số quà cứu trợ. Mỗi phần quà gồm hai hộp phó mát, một hộp bơ, ba lon sữa đặc, một ký đường, hai cục xà bông thơm, một khăn lông... và một ít tiền mặt đủ để sinh sống trong vòng một tháng. Tôi được anh em giao trách vụ cứu trợ đồng bào vùng Tri Tôn và Hồng Ngự, một vùng đông đảo đồng bào Việt gốc Miên. Nhìn gói quà, tôi bỗng nhớ thầy tôi từng dạy "nếu gặp người không biết ăn trái sầu riêng, mà mình ép buộc người ta phải ăn, thì hành động thương yêu đó chỉ gây khổ cho người ta mà thôi. 

Thương như vậy, là không biết đem hiểu biết soi sáng cho tình thương, do đó, tình thương trở nên què quặt, gây tổn hại cho người". Tôi nghĩ trường hợp phó mát và bơ, cũng tương tợ như vậy. Nó có thể là món ăn xa xỉ quý giá đối với vài giới sang trọng ở thành thị, nhưng hoàn toàn vô dụng đối với dân quê. Mang tặng họ có khi chỉ làm họ khó chịu mà thôi. Do đó, trong buổi họp trước khi xuất phát, tôi đề nghị nên thay thế hai thứ đó bằng loại thực phẩm hữu dụng khác. Ban tổ chức không tán đồng ý kiến của tôi, vì họ chủ trương rằng quà tuy không thích hợp lắm, nhưng nếu đổi thành thứ khác chắc chắnsẽ nảy sanh lắm chuyện hiểu lầm, rồi bị xuyên tạc mang tay tiếng vô ích. Không thuyết phục được kẻ khác, tôi cương quyết thực hiện ý định một mình, bất chấp mọi hậu quả có thể xảy ra. 

Tôi tự động đem bốn thứ: phó mát, bơ, khăn lông và xà bông thơm, ra chợ trời bán để đổi thành hai mươi ký gạo, một cái mền, hai khăn rằn, ba ký lô xà bông đá và ba tỉnh nước mắm. Đối với đồng bào Miên, thì nước mắm được thay bằng mắm bò hóc cho hợp với nhu cầu và sở thích của họ. Nhờ vậy, gói quà, đã tăng giá trị thực dụng lên hàng bốn, năm lần, và rất hợp với nhu cầu của nạn nhân bão lụt, nên đã được hân hoan đón nhận. Công tác hoàn mãn, trên đường trở về nhà, lòng tôi rộn ràng tràn ngập niềm vui. Tôi sung sướng vì nhận thấy nhờ nắm vững được thông điệp hiểu biết thương yêu, mà tôi đã mang được lợi ích thiết thực cho nạn nhân bão lụt. Tôi chợt nghĩ tại sao mình không mang thông điệp nầy thực hành trong gia đình để nắm vững được hạnh phúc kìa. 

Thế rồi, với tinh thần hiểu biết, tôi tự đặt mình trong tư thế bà xã, để có thể cảm thông với bả. Tôi bèn nhớ lại, trước đây, sau chuyến công tác xã hội mệt nhoài, về nhà thấy vợ kém vui, tôi sanh ra bực mình nên cũng lầm lì, thành thử không khí hờn hờn giận giận kéo dài đến mấy ngày mới trở nên bình thường. Giờ đây, đem sự hiểu biết vào soi sáng, tôi mới nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn mà vợ tôi phải cô đơn gánh vác: bả điên đầu với đường lối dạy học thay đổi, phải hội họp liên miên ở trường, ở xóm, phải đảm trách thêm lớp bổ túc văn hóa, phải tham gia công tác thủy lợi, phải xếp hàng, phải chạy gạo từng bữa, phải chăm sóc dạy dỗ con, đã vậy, lại còn phải lo lắng an nguy cho người chồng đi biền biệt chẳng có tin tức gởi về. 

Thì ra, từ trước đến nay tôi chỉ nghĩ đến cá nhân mình, cho công tác của mình là cao quí nên đã đui mù không thấy được lòng hi sinh cao cả và nỗi khổ vô biên của vợ ở nhà. Suy tư đó giúp tôi thông cảm với vẻ mặt bùng thụng của vợ khi tôi bước vào nhà. Tôi âu yếm: "Em lo lắng lắm phải không? tội nghiệp em quá! anh bỏ bê để em phải chịu khổ sở trăm bề một mình! Thương quá là thương!". Chỉ nói chừng đó mà vợ tôi đã rưng rưng nước mắt. Tôi lại vỗ về: "Sao em lại khóc? Mình phải cười vui, mừng hội ngộ chớ!". Sau đó, tôi từ từ tường thuật vụ cứu trợ, mô tả từng thảm cảnh bi đát của nạn nhân, nhờ vậy, vợ hiểu chồng hơn, đồng thời cũng sung sướng thấy sự hi sinh để chồng đi cứu trợ là xứng đáng. 

Chưa bao giờ, vợ chồng tôi hiểu nhau và hạnh phúc như lần nầy. Do đó, chúng tôi quyết định nuôi dưỡng thông điệp hiểu biết và thương yêu thường trực hiện diện trong nhà bằng phương pháp đặt tên cửa trước là cửa hiểu biết, cửa sau là cửa thương yêu. Từ bên ngoài vào nhà liền được nhắc nhớ rằng mình phải bước qua ngưỡng cửa hiểu biếtthì mới đạt đến ngưỡng cửa yêu thương tròn đầy chân thực. Từ sau ra trước, được nhắc nhớ phải khơi mở tình thương tràn đầy để mở rộng cánh cửa hiểu biết hầu cảm thông với mọi loài, mọi ngườiGia đình chúng tôi, cứ thế mà thực tập và ngày càng cảm thấy an vui hạnh phúc.

Phương pháp nầy hay quá! nhưng liệu gia đình khác có thể áp dụng được không anh?

- Theo tôi, việc áp dụng được hay không cũng tùy gia đình, tùy hoàn cảnhKinh nghiệmnghề nông dạy tôi rằng nếu hội đủ ba yếu tố đất, nước, ánh sáng mặt trời thì hạt giốngnào cũng nẩy mầm, nhưng muốn cây bụ bẫm sinh hoa quả lại cần phải gia công nỗ lựcsăn sóc dài lâu thì mới thành công được!

Kinh nghiệm trồng cây của anh hay thật! chắc tôi phải ra thăm vườn để học nghề tay trái nầy mới được!

Thế rồi, theo sự hướng dẫn của Thuận, Bảo viếng thăm sở vườn nhỏ bé, ngăn nắp và xanh um cây trái của bạn. Bảo ái ngại lên tiếng:

- Chắc anh phải cực khổ với sở vườn nhiều lắm?

- Cuốc đất, tưới cây, bón phân... tương đối cũng nhọc mệt, nhưng khổ thì không. Trái lại, tôi còn tìm được những giờ phút thoải máithảnh thơi với sở vườn, rút tỉa học hỏi với cỏ cây nhiều điều bổ ích!

- A! như vậy! thì chắc anh đã đạt được cái nhìn: "Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác! Trăng trong mây bạc lộ toàn chân". (4)

- Tôi đâu tu cao đến mức độ nhìn hoa lá thấy đạo như các bậc tổ sư! Tôi chỉ rút tỉa những bài học rất tầm thường từ cây cỏ mà thôi! Thí dụ như có lần tôi nhận thấy sau trận mưa to rau cải và cỏ hoang đều phát triển mạnh, nếu tôi lơ là không nhổ cỏ dại, thì cỏ dại sẽ lan tràn mau chóng lấn áp cây khác. Rồi tôi nghĩ, những biến cố lớn trong cuộc đời, vui hay buồn, có lẽ cũng giống như trận mưa to, giúp cho những hạt giống tốt lẫn xấu sinh sôi nảy nở. Nếu mình lơ là, thì cỏ dại tham sân si sẽ thao túng mảnh vườn tâm, ngược lại, nếu biết chăm sóc, thì những hạt giống lành từ bi hỷ xả sẽ phát triển xinh tươi. Lần khác, khi săn sóc khóm cúc, khóm vạn thọ... tôi nhận thấy cây nào mình cắt tỉa, vô phân, tưới nước chu đáo thì nó sẽ bụ bẫm, hoa sẽ tươi thắm hơn. Tôi nghĩ con ngườicũng vậy, vợ conthân nhânxóm giềng mình, nếu được mình nâng niu chăm sóc bằng tình thương ngọt ngào, thì chắc chắn họ sẽ xinh xắndễ thương hơn...

- Hì! Hì! Tóm lại, bằng phương nầy thế kia, mục đích anh chẳng qua để tán thán thuyết "thờ vợ, kính vợ" phải không?

Thuận mĩm cười lảng tránh qua chuyện khác:

- Anh Bảo, anh xem giây bí tơ nầy, nó mới lên được ba lá mà đã thả cái vòi nhỏ xíu bám lên dàn rồi đây nầy. Vùng Long Xuyên mình có câu hát ru em ví von về giây bí rất dễ thương, có lẽ anh đã nghe qua:

"Bí lên ba lá, trách ba với má, không chịu làm dàn

Để bí bò lang, vô dang(5) bạc phận...

"Duyên nợ ở gần, chẳng đặng xứng đôi..."

Thuở nhỏ, khi nghe câu ru em nầy tôi rất hờ hững, còn bây giờ làm vườn ngắm nghía giây bí mỗi ngày, tôi nhận thấy câu hát mộc mạc nầy tình ý thâm trầm vô cùng. Giây bí lên ba lá đã thả vòi tìm dàn mà leo tương tợ như cô gái đến tuổi cặp kê tìm chồng để nương tựa. Gái có chồng không xứng đôi, giống như giây bí phải bò lang dưới đất, thật là tội nghiệpNgày xưa mình từng tự hào là thứ dàn khá vững cho giây bí nương thân, nhưng giông tố đổi đời xô ngã cài dàn sụp sát mặt đất, mà giây bí vẫn cam chịu cái phận hẩm hiu với cái dàn thất thời, không bỏ vòi tìm dàn khác, thật là tình nghĩa, thật là "đáng nể đáng kính" phải không Bảo?

Bảo nghĩ "vụ gì vợ mình tệ, chớ trung trinh với chồng, thì bả có thua ai đâu", nên anh ta gật gật đầu tỏ ý tán thành. Thuận lại bàn tiếp:

- Thật ra, trường hợp dàn cũ sụp đổ, rồi giây bí có bỏ vòi sang ngang tìm dàn khác, việc đó cũng thường tình, nên suy cho cùng, "giây bí" nào cũng đáng thương, đáng trọng phải không anh Bảo?

Thảo đang ngồi rửa chén sau nhà, bỗng góp ý:

- Anh nói mới nghe qua thật là chi lý, chừng bàn thêm chút nữa, suy nghĩ kỹ lại thì thấy nó "ba phải" quá chừng hà!

- Trước kia nếu tôi nghe ảnh lý luận kiểu nầy chắc tôi phải cãi đến cùng! Giờ thì tôi hiểu ảnh rồi chị ạ! Nếu mình biết đem trí hiểu biết để soi sáng cho mọi ngườimọi việc... thì chỉ có tình thương tràn ngập, đâu còn chỗ đứng của lòng thù hận sân si nữa! Ảnh "ba phải" do tình thương, chớ không ba phải vì cù lần đâu chị!

*

* *

Chỉ sau vài giờ hàn huyên tâm sự với bạn, Bảo cảm thấy nỗi hờn giận sầu đau vơi dần... Ngồi trên đò, trở về tỉnh lBảo nghĩ "Bi và trí tức hiểu biết và thương yêu đâu phải là vấn đề xa lạ. Mình đã thuộc nằm lòng là trong bi có trí, trong trí có bi, mà không bao giờ biết đem áp dụng điều đó vào đời sống thực tiễn, thảo nào gia đình mình chẳng xào xáo. Mạnh vợ vợ nói, mạnh chồng chồng làm, không ai chịu hiểu ai, nên thương mà cứ chống đối nhau, ép buộc nhau, và do đó, càng thương nhau lắm, lại càng cắn nhau đau". Thế rồi Bảo dừng tâm lại, gạt bỏ mọi thành kiếncố chấpthành khẩn tự suy xét mình và cũng để tìm hiểu vợ sâu sắc hơn. 

Trong suy tư bỗng Bảo khám phá ra rằng khi chàng còn phải hành nghề mộc cực khổ, vợ chồng thương yêu nhau "hạt muối cắn làm đôi", mãi đến khi được con cái cung cấptiền bạc phủ phê thì tình nghĩa phu thê mới bắt đầu rạn nứt. Không bận tâm sinh kế, lại thừa tiền Bảo giao du vui chơi với bè bạn suốt ngày, lơ là giờ giấc, không quan tâm đến người vợ ở nhà cực khổ nấu nướng, dọn sẵn mâm cơm tươm tất đợi chờ chồng. Đã bao ngày Ngọc phải sống thui thủi buồn tênh: con ở xa, chồng suốt ngày vắng mặt... thảo nào nàng chẳng "sanh tật" mặt mày bùng thụng, bực bội vu vơ... Chuyện nầy trùng hợpvới việc Ngọc tới lui về nhà mẹ, thì mình lại nghi ngờ đề quyết là trăm chuyện lộn xộn lớn nhỏ đều do mẹ vợ xúi biểu mà ra. 

Chàng lại nghĩ, bà mẹ vợ mình tuy từng xử tệ với mình, nhưng vợ mình là con, nếu bả hiếu dưỡng mẹ cha đó là chuyện đáng khuyến khích, sao mình lại nhẫn tâm cản ngăn kềm kẹp! Ai cản ngăn, xúi giục con mình bất hiếu mình có khổ sở không? Thật ra, xét kỹ thì mẹ vợ mình cũng không có hành động gì tệ hại lắm! Bà xót xa trước cảnh con nghèo khổ nên xúi con lấy chồng khác cho sung sướng tấm thân. Bà có thức ngon bổ dưỡng nào liền nhắn con gái về nhà cho được, buộc con gái ăn tại chỗ, chỉ sợ con gái chia bớt cho chồng con. Ngày xưa, những lần Ngọc được mẹ tẩm bổ, về nhà thấy chồng con thiếu thốn, đứng ngoài cửa khóc rưng rức, Bảo biết chuyện căm hận bà vô tả. Giờ đây, Bảo thông cảm bà, nghĩ rằng chỉ vì bà mù quáng thương con mà thiếu hiểu biết, vô tình gây thương tổng cho người khác mà thôi!

Chìm đắm trong suy tư, Bảo đạp xe thong thả nên khi về đến nhà thì trời đã bắt đầu tối. Chàng hé cửa bước vào thấy vợ đang ngồi ủ rũ trước bàn cơm chờ đợi. Mắt nàng vụt sáng mừng rỡ, rồi xụ xuống ngay như chẳng thèm để ý đến sự hiện diện của chàng. Nhìn mâm cơm dọn sẵn, thấy có món mực dồn thịt, một thức ăn chàng vốn ưa thích, Bảo cảm thấy tội nghiệp nàng vô cùng, té ra, dù giận chồng như thế nào, Ngọc vẫn thương chồng, săn sóc chồng chu đáo.

- Anh về trễ khiến em phải chờ cơm! Thương quá!

Lần đầu tiên nghe chồng ngọt ngào, Ngọc trố mắt ngạc nhiên, nhưng vẫn lầm lì không lên tiếng.

Bảo lẳng lặng xơi cơm cho vợ, - một việc mà trước kia chàng cho đó là nhiệm vụ của đàn bà nên chẳng muốn đụng tay-, rồi mời mọc:

- Ăn đi em, kẻo thức ăn nguội hết! 

Đúng ra thì thức ăn đã lạnh tanh, tuy nhiên lần đầu tiên trong đời, Bảo nghiệm thấy được tình yêu của vợ đã gói ghém tràn đầy trong việc tỉ mỉ chăm sóc bữa cơm cho chồng, nên thức ăn nguội lạnh mà tình lại nóng sốt nồng nàn. Bảo chợt hiểu thâm ý của Thuận qua lời tán tỉnh vợ "thức ăn nào vợ nấu cũng ngon như đại tiệc cả". Thì ra, nếu biết cách thưởng thức mình có thể nếm được hương vị thương yêu trong thức ăn, biến thức ăntầm thường thành đại tiệc.

- Em làm thức ăn vừa ý anh quá! chưa bao giờ anh ăn ngon như vậy!

Ngọc được chồng khen, sung sướng thấy rõ, nhưng chưa từng gặp trường hợp chồng thay đổi thái độ đột ngột "đầy âm mưu" như thế nầy, nên vẫn giữ thái độ yên lặng đề phòng.

- Em à! hồi nảy, anh đến nhà anh Thuận bên Mỹ Hòa Hưng chơi, thấy cảnh vợ chồng ảnh sống hạnh phúc, nên mới nghĩ lại chuyện vợ chồng mình. Vợ chồng mình bây giờ đã già rồi! liệu mình còn chung sống với nhau bao năm nữa? Tại sao mình cứ tạo chuyện gây khổ cho nhau mãi, để rồi đến ngày nào đó, khi một đứa đi vào lòng đất, đứa còn lại mới hối tiếc khóc than rằng đã không còn cơ hội nào để yêu thương săn sóc nhau nữa!

- Dạ!

Nghe vợ lên tiếng, Bảo biết lời hòa giải mình đã có kết quả phần nào, nên vội vã "tấn công":

- Nè em! Lâu nay anh lơ là không thăm viếng má quả là có lỗi! Vì vậy, anh định ngày mai, hai vợ chồng mình đi ra chợ mua mớ trái cây làm quà cho má!

Bảo làm lơ như không để ý đến nét mặt ngạc nhiên sửng sốt của vợ, tiếp tục nói:

- Sẵn dịp anh cũng muốn mua một mâm hoa quả về làm lễ tạ ơn.

- Ủa! Sắp nhỏ viết thơ về kể chuyện lễ Thanhsgiving nhằm cuối tháng mười một, đã qua lâu rồi mà!

- Mình đâu phải là người Hoa Kỳ mà vật gà lôi làm lễ Thanksgiving! Họ nội anh theo truyền thống chi phái Phật giáo "Tứ Ân Hiếu Nghĩa", theo đó người con Phật phải làm lễ tạ ơn mỗi ngày để tưởng nhớ bốn ơn lớn:

- Ơn Phật và thầy tổ

- Ơn cha mẹ tổ tiên

- Ơn quốc gia xã hội, và

- Ơn nhân loại. (6)

Tạ ơn là một phương thức nhắc nhở mình bằng lòng với cái hiện có, để khám phá được nguồn hạnh phúc ngay "bây giờ và ở đây" trong tầm tay của mình. Anh bằng lòng với cái nhà, với tiện nghi hiện có và anh hạnh phúc, anh không đòi hỏi, không mong ước phải có nhà khang trang hơn, tiện nghi nhiều hơn để có hạnh phúc! Anh bằng lòng với hai đứa con hiếu thảo và anh hạnh phúc tức thời chớ không cần chờ đợi hay đòi hỏi một số điều kiện khác về chúng như cấp bằngđịa vị... thì mới hạnh phúc. Cũng như thế đó, anh tạ bốn ơn lớn, đã ban cho anh hạnh phúc có được người vợ dễ thương như em...

Ngọc mềm nhủn người ra, nức nở:

- Em! em cũng cảm tạ Trời Phật đã ban cho em người chồng... người chồng đáng yêu, đáng kính như anh... 

Tháng 12.1995 
 
 

Ghi chú:

1. Vua Trần Nhân Tôngxuất gia tại núi Yên Tử, với tự hiệu là Hương Vân đại đầu đà. Ngài là vị tổ đã sáng lập phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ngài lưu lại rất nhiều tác phẩm:

Thiền Lâm Thiết Chủy ngữ lục 
Đại Hương Hải ấn thi tập 
Tăng già Toái sự 
- Thạch thất mị ngữ

Pháp ngữ trong truyện ngắn đã được trích dẫn từ lời vấn đáp sau đây:

Một vị tăng hỏi đạo tổ Trúc Lâm:

- Thế nào là việc hướng thượng?

Sư đáp:

- Khiên nhật nguyệt trên đầu gậy.

Hỏi tiếp:

- Dùng công án cũ mà làm gì?

Sư đáp:

- Mỗi khi dùng đến, lại thành mới tinh...

2. Truyện Kiều câu 443, 444

3. Tưởng bây giờ là bao giờ 
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao 
(truyện Kiều câu 3013, 3014)

4. vô dang: vô duyên

5. Nguyên văn:

Túy trúc huỳnh hoa phi ngoại cảnh 
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân 
(kệ của Thuyền Lão thiền sư)

Dịch nghĩa:

Trúc biết hoa vàng đâu cảnh khác 
Trăng trong mây bạc, hiện toàn chân 
(bản dịch của T.T. Mật Thể)

6. Theo truyền thống Phật giáo, tứ trọng ân gồm có:

- Ân quốc vương 
Ân tam bảo 
- Ân cha mẹ, và 
Ân chúng sanh

Chi phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa hình thành bởi những phần tử yêu nước chống Pháp và chống chế độ quân chủ hèn yếu chủ bại, nên đã chủ trương cải tiến ơn quốc vươngthành ơn quốc gia xã hộiNgoài ra, nhằm mục đích để giới tân học dễ chấp nhận, ơn chúng sinh cũng được sửa đổi thành ơn nhân loại.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/09/2010(Xem: 3591)
Tha phương sinh sống xứ người, tuy thâm tâm lúc nào cũng hướng về quê hương mến yêu, thế nhưng phải chờ đợi đến hơn hai mươi năm trời, sau bao ngày khắc khoải suy tư Thanh mới đột ngột quyết định về nước nghỉ hè hai tháng. Chàng về Saigon viếng thăm họ hàng vài ngày, rồi lang thang du ngoạn khắp các vùng biển từ Sầm Sơn đến Vũng Tàu, sau cùng quay lại Nha Trang, chiều chiều thơ thẩn đi dài dài trên bãi, mắt lơ láo nhìn biển khơi xa xăm với nỗi buồn vời vợi.
02/09/2010(Xem: 3857)
“Khác hơn thường lệ, đôi bạn thân Hiển và Phước, đối ẩm trong lặng lẽ, chẳng ai chịu mở lời. Hiển nâng chung trà hớp từng ngụm, rồi dường như đang bâng khuâng thả hồn theo những chiếc lá phong đỏ thẩm từng chiếc, từng chiếc rụt rè buông rời cành theo làn gió chiều mơn man. Còn Phước thì cầm chung trà, đi tới lui đăm chiêu suy nghĩ, mấy lần định lên tiếng mà cố đè nén chưa chịu hở môi.
02/09/2010(Xem: 3742)
Nghĩa háo hức theo mẹ về Việt Nam thăm viếng quê hương. Sau mấy ngày vui nhộn làm sống lại những kỹ niệm ấu thơ tại Thủ Đức với bà con họ nội xa gần, chàng theo mẹ về quê ngoại, tạm trú tại nhà cậu Út ở thành phố Phan Rang, Ninh Thuận. Vì thuở nhỏ chàng không có cơ hội liên lạc với họ ngoại, nên dù được cậu tiếp đón rình rang, nhưng chàng muốn thân thiết với hai đứa em cô cậu thật khó.
01/09/2010(Xem: 5638)
Dù dòng thời gian đã xoá nhòa những hình ảnh quý gíá xa xưa, dù dấu chân của các Ngài đã rêu phong phủ kín. Nhưng những dấu chân ấy đã đi vào lịch sử nhân gian, dù tiếng nói các Ngài đã hòa vào không gian tĩnh lặng. Nhưng đâu đây vẫn còn vang vọng pháp âm của các Ngài, làm chấn động tâm tư huyết mạch của bao người con Phật. Trong quyển “Những Vị Phật ở Miền Tây Nam Việt Nam” này. Chúng tôi sưu tầm, nghiên cứu và ghi chép trung thực theo lời thuật của các vị Trưởng Lão uy tín; hay các vị trí thức trung hậu; hoặc trích trong các tài liệu giá tri được mọi người tin tưởng.
28/08/2010(Xem: 62979)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 4529)
Tết Mậu Thân 1968, một cái Tết mà Việt Cộng tràn về quá bất ngờ, tôi không thể tin rằng đó là sự thật. Mồng Một Tết vẫn ăn Tết sắm sửa bình thường. Nhà tôi ở lầu 2 trường Đồng Khánh vì tôi làm Giám Học tại trường này, bên hông là Tòa Hành Chánh và Lao xá Thừa Thiên - nơi giam giữ nhiều tù binh Việt Cộng. Cả ngày vẫn tấp nập bà con tới lui thắm viếng, chiều lại còn có con của các nhân viên trong trường đến thăm chuyện trò hàn huyên vui như ngày hội. Tối đến cả nhà còn bàn nhau nên đi ngủ sớm để ngày mai xuống phi trường đón gia đình người anh chồng về Huế ăn Tết.
28/08/2010(Xem: 59108)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
19/08/2010(Xem: 9014)
Tại Keelung, Đài Loan có một cửa hàng với cái tên là “Ngộ Duyên Hào”. Ông chủ Lâm vốn là một người rất tử tế, xung quanh khu vực ông sống có rất nhiều những cư dân đánh cá hay kiếm sống quanh đó.
04/08/2010(Xem: 4621)
Tác-giả Thiện Xuân Malkhanova là một con người thật đặc-biệt. Còn nhớ năm 2000 khi chị Trương Anh Thụy và tôi đi sang họp Đại-hội Văn-bút Thế-giới ở Mạc-tư-khoa, chúng tôi đã để ý đến chuyện đi đường, gặp con sâu róm ở dưới đất, chị đã ân cần lấy một cái lá nâng nó lên rồi đặt nó lên một cành cây gần đó. Một con người từ-bi đến với cả cỏ cây, đất đá! Chị bảo đó là điều chị đã học được từ đạo Phật.
04/08/2010(Xem: 4156)
Không biết từ lúc nào, mà ngôi tịnh thất vô danh thấp thoáng dưới tàn cây huỳnh đàn rậm lá trên đỉnh núi Ông cheo leo mây mù đong đưa bao phủ quanh năm, đã được dân quê dưới chân núi ưu ái gọi là am Mây Ngàn thay thế cho cái tên “chòi đạo Ân” mà họ hùa nhau ám chỉ túp lều lá của sư Từ Ân ngày trước. Thuở mới đăng sơn cắm dùi khẩn đất làm chốn ẩn tu, sư lủi thủi một mình chẳng có móng đệ tử lăng xăng đón đưa phục dịch, sư tự vác cuốc, quẩy gánh... lặng lẽ lên tận đỉnh, khai phá được một khoảnh đất nhỏ làm rẫy. Sư bắt đầu trồng các loại rau đậu, khoai, bắp, cà dưa... để sớm gặt hái hoa lợi,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]