Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cô còn nợ em!

08/11/201607:13(Xem: 3890)
Cô còn nợ em!

Hoa cuc quang duc (3)

Cô còn nợ em!
 
 (Thư cho Huyền Trang, một em học sinh
 Sương Nguyệt Ánh cũ, vừa mới ra đi.)

                                                                 

 

 

 

      Huyền Trang thân mến,

 

      Khi nhận được Mail của Kim Lan - bạn thân của em - báo tin em vừa mất, cô không ngạc nhiên vì cô biết bệnh tình của em đã kéo dài nhiều năm và em cũng đã ra vô bệnh viện cấp cứu nhiều lần.

      Nhưng sao cô vẫn có cảm giác xót xa, không nói nên lời, dù rằng cô biết sự ra đi này là một giải thoát cho em khỏi những đớn đau vật vã kéo dài đã lâu. Vậy mà tâm cô vẫn bị xao động, một cảm giác gì đó không rõ tên nên dù trời đã thật khuya, cô vẫn nằm thao thức, không ngủ được.

      Huyền Trang ơi, hình ảnh em những ngày còn học với cô ở Sương Nguyệt Anh hiện lên rõ mồn một: một cô bé nữ sinh cấp 3, tóc dài cột đuôi thả 2 bên càng làm tăng vẻ năng động của một lớp trưởng rất tích cực; cặp kính cận gọng đen làm nổi bật thêm vẻ thông minh sẵn có của em.

     Thời gian dần trôi qua, cô như người đưa đò, hết lớp học sinh này đến lớp học sinh khác, rồi em ra trường. Dù không còn học với cô nữa nhưng em vẫn luôn nhớ trở lại thăm cô vào ngày " Nhớ ơn Thầy Cô 20-11 " và dịp Tết.

      Người ta thường nói nghề đi dạy là nghề bạc bẽo, nhưng tạ ơn trời, cô vẫn cảm thấy ấm lòng khi nghĩ đến các em học sinh cũ vẫn nhớ đến cô và ghé thăm cô, nhất là vào dịp 20-11 hằng năm.

      Có năm cô phải tiếp các em học sinh hết nhóm này đến nhóm khác, đến tận 12 giờ đêm. Dù biết đã khuya nhưng làm sao cô có thể nỡ lòng từ chối khi nghe các em kể là đã chạy vòng vòng trở đi, trở lại bao nhiêu lần nhưng nhìn vào nhà cô vẫn còn thấy cả dãy xe đạp phía trước nhà, lại phải chạy tiếp. Biết khuya rồi nhưng vẫn ráng gặp được cô trong ngày 20-11 thì mới hả dạ, yên bụng về nhà được.

      Những món quà nhỏ các em tặng cô về giá trị vật chất có thể không đáng là bao, nhưng giá trị tinh thần và công chờ đợi của các em thật là vô giá.

      Có một lần, cô còn nhớ mãi và cảm giác ân hận cứ lẩn quẩn trong tâm trí cô không rời. Đó là vào dịp Tết, cô tiếp các học sinh mới và cũ đã mấy tiếng đồng hồ; trời đã về chiều, cô thật mệt mỏi nên cần nghỉ ngơi một lát. Nằm nghỉ chưa được 5 phút thì đứa con gái đã chạy vào lên tiếng:

    - Mẹ ơi, lại có học trò đến nữa.

      Cô thấy trong người còn mệt quá, cần nghỉ ngơi nên đã bảo con:

    - Con chạy ra nói là mẹ đang mệt, hôm khác trở lại.

      Một lát sau, con gái cô khệ nệ bưng vào phòng một chiếc cặp to, được bọc giấy lịch sự, rồi nói:

    - Đây là quà của chị Huyền Trang biếu mẹ. Chị nói tới nhà mấy lần rồi mà mẹ đều đi vắng, hôm nay có nhà thì gặp lúc mẹ mệt. Chị không khỏe mà phải đạp xe xa, mệt quá, chắc chị không đến nổi nữa! Chị gởi lời chúc mẹ ăn Tết vui vẻ.

   Huyền Trang!

       Hai tiếng Huyền Trang khiến cô vùng dậy! Trời ơi tội nghiệp cho em! Huyền Trang ơi, cô cứ ngỡ là học trò nào nên mới hẹn hôm khác. Giá biết là em thì dù có mệt mỏi đến đâu cô cũng gượng dậy để tiếp em. Vì cô biết sau khi ra trường, em mắc phải một chứng bệnh trầm kha, nó làm em suy kiệt sức lực, có khi em đi không nổi, có lúc em hồi phục phần nào, rồi có lúc lại bị suy yếu. Vậy mà bây giờ, tuy không còn học cô nữa, em đã đạp xe từ quận 11 lên đây mấy lần để thăm cô, để rồi hôm nay cô có nhà lại xảy ra điều đáng tiếc. Vô tình cô đã phụ lòng em. Làm sao cô có thể ăn Tết vui cho đành!

      Vậy là cô đã nợ em. Nợ một ân nghĩa sâu đậm. Hãy tha thứ cho cô Huyền Trang ơi!

      Nay nghe tin em mất! Chuyện xưa lại bừng sống trở về trong ký ức khiến lòng cô ray rức. Lá thư này vừa để tưởng nhớ em, vừa là nén nhang thắp lên để cầu mong em hiểu, cho lòng cô được thanh thản phần nào.

      Cô nhớ hồi đó nhìn chiếc cặp em tặng, cô lại nhớ một lần đến thăm cô, gặp lúc cô đang lấy bài từ cặp táp ra để chấm điểm, em đã nói:

    - Em có chiếc cặp mới đẹp lắm của nước ngoài gởi về, để hôm nào em mang đến tặng cô.

    - Em giữ nó mà dùng vì cái cặp của cô vẫn còn tốt và cô không muốn bỏ nó.

      Nhưng rồi em vẫn mang đến tặng cô, để rồi cô vô tình làm cho em đau lòng. Cô đã từng dạy các em: " Thà để người phụ ta, chứ ta không nên phụ người ". Vậy mà cô đã vô tình phụ lòng em.

      Rồi dòng đời đưa đẩy, vì hoàn cảnh gia đình, cô sang định cư ở Đức và mất liên lạc với em. Cô cũng không biết em sống, chết ra sao với căn bệnh nan y của mình.

      May thay, lần về thăm gia đình ở Việt Nam - Cô đã gặp và nói chuyện với em, mới biết gia đình em cũng đã tìm mọi cơ hội để chạy chữa cho em nhưng vẫn không thành công. Em cũng đã từng sang Mỹ vài năm để trị bệnh và khi biết cơn bệnh không thể trị dứt được mà chỉ cầm chừng thôi; em đã quyết định trở về Việt Nam. Em tâm sự về phương diện vật chất thì nước Mỹ là số một, nhưng về phương diện tinh thần thì buồn lắm - Nỗi buồn tha hương xứ lạ quê người. Em quan niệm dù sao chết trên quê hương VN mình vẫn hơn. Em cười:

    - Xin nhận nơi này làm quê hương, dẫu cho... khó thương:“ Đất Mẹ vẫn chan hòa niềm thân ái, cho tôi về dù cát bụi vô tri".

      Hình như cái số cô vẫn gắn liền với câu " Cô còn nợ em " nên lần cô về Việt Nam, không biết sao em vẫn còn nhớ sinh nhật cô để mang quà đến tặng và điện thoại hẹn trước mời cô đi ăn. Nếu cô không nhận lời thì em buồn nhưng sao cô thấy nó vô lý thế nào ấy. Dù sao cô vẫn mang tiếng là Việt kiều, còn em vừa không đi làm, vừa bệnh, nhưng nhận lời em, điều quan trọng là cô đã làm em vui.

      Cám ơn em đã cho cô một tối sinh nhật thật vui và đầm ấm, chỉ riêng mình em thôi.

      Buổi tối trở về nhà, trước khi ngủ, mở nhạc lên nghe. Tiếng hát Mỹ Tâm với bài hát " Vẫn nợ cuộc đời " nghe sao mà thấm thía vô cùng:

 

                                       Ta nợ cuộc đời, hạt cơm xẻ đôi

                                      Ta nợ của người, cuộc vui đã phai

                                      Ta nợ người Thầy, bài thi thuở xưa

 

      Như quyện trong tiếng hát âm vang của lòng cô:“ Ta nợ học trò, biết bao ân tình!“

     Đúng vậy, cô cảm thấy còn nợ các học sinh của mình nhiều quá, đặc biệt là nợ em. Ngoài ra cô còn học nơi em bài học về tinh thần lạc quan, yêu đời những lúc cơn bệnh tha cho em sự giày vò thân xác em lại tiếp tục sống vui tươi, yêu đời, sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong khả năng của em mà quên đi bản thân mình đang mang cơn bệnh trầm kha, không biết phải ra đi lúc nào!?

      Em đã đẩy lùi nỗi sợ hãi về bệnh tật về cái chết lúc nào cũng rình rập quanh em để sống cho từng giây phút hiện tại thật trọn vẹn. Rồi có lẽ em linh tính rằng đây là lần cuối cùng chúng ta gặp gỡ nhau chăng? Em lại đứng ra liên lạc với bạn bè tổ chức một buổi họp mặt từ giã cô ở một nhà hàng ấm cúng trên đường Sương Nguyệt Anh.

      Cô không hiểu với tình trạng sức khỏe suy yếu như vậy nhưng em vẫn rất năng động trong việc liên lạc các bạn và họ rất nghe lời em. Có lẽ tại em luôn luôn quan tâm tới các bạn để tổ chức những buổi họp mặt và điều chính yếu là các bạn cũng cảm nhận đây có thể là buổi họp mặt cuối cùng!

      Bây giờ em đã đi về cõi Trên. Cô sẽ không bao giờ còn gặp em được nữa. Nhưng những ân tình em dành cho cô, cô xin biết ơn và trân trọng giữ lấy. Cô cầu chúc em ở thế giới mới luôn luôn được thanh thản, hưởng những

điều tốt lành như em hằng mong ước; những điều mà em chưa hưởng được ở thế gian này vì bệnh tật luôn theo đuổi, mãi quấy rầy em!

 

 

     Một lần nữa cô mong rằng những dòng chữ này như một cách thắp nén nhang lòng để tưởng nhớ đến em, một người học sinh rất thân thương của cô, một người luôn luôn hết lòng với thầy cô và bạn bè của mình; cùng lúc cũng mong hương hồn em hiểu được lòng cô, điều đáng tiếc xảy ra khiến vô tình cô đã làm tổn thương em ngày ấy.

      Em tuy đã ra đi nhưng tấm lòng của em sẽ còn ở lại mãi trong tim cô và các bạn thân thiết của em.

      Em ra đi nhưng tình thương em vẫn để lại cho đời, quả là em đã thấu hiểu được câu nói:  „ Chỉ có tình thương để lại đời".

      Cô nghĩ rằng em hiện đang mỉm cười trên ấy, còn người thân và bạn bè ở lại có nghĩ chăng là:

 

                                      " Bước đi trong đời, xót xa câu cười

                                        Qua từng ngày dài, còn ai với ai. "

 

       Riêng cô, chỉ mong em phù hộ để mỗi mai còn được thức dậy, còn biết mình được sống và vẫn còn cảm nhận:

 

                                       " Ta nợ mặt trời, từng tia nắng mai

                                         Ta nợ nụ cười, người quen sáng nay“

                                         …

 

         Và mãi mãi! Cô vẫn còn nợ em!!!


Nguyên Hạnh HTD                                                                                                                                                               

Tháng 8/2016

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/08/2016(Xem: 4662)
Sáng hôm nay trong thinh lặng của một sáng chủ nhật mùa đông, tôi muốn dành tâm trí thảnh thơi để viết vài hàng trả nợ cho cô bạn tí hon ngày xưa. Nợ vì tôi cứ hẹn sẽ viết cho nàng. Gọi là bạn nhưng chưa bao giờ nói chuyện, gọi là bạn vì học cùng trường. Tí hon vì nhỏ hơn tôi ba tuổi. Từ nhỏ, tôi có một tật rất xấu, tôi xem ai nhỏ tuổi hơn tôi là con nít. Vì sao chỉ hơn vài tuổi mà khi nào tôi cũng có cảm tưởng như mình đứng rất cao để nhìn xuống những người tí hon này!
11/08/2016(Xem: 4266)
Nó không biết chính xác năm nay mình bao nhiêu tuổi, chỉ nghe sư thầy nói nó ở chùa đã 12 năm với cái tên Quảng Chân Tâm. Tất cả những đứa trẻ ở chùa ngoài tên đời do cha mẹ đặt, sư thầy đều cho pháp danh với chữ Quảng đứng đầu.
03/08/2016(Xem: 37177)
Nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện [1941 - 2011] qua đời năm 2011 tại Houston, nhưng chuyện kể, các bài viết về anh đã nhiều lầm lạc : Người viết : anh bỏ áo tu hành lấy cô vợ người Pháp, theo Thiên Chúa Giáo, kẻ khác viết : anh không hề có một mảnh bằng kể cả bằng tú tài mà dạy Triết Học Viện Đại học Sorbonne, mười lăm tuổi anh đọc và viết hàng chục ngôn ngữ, mười lăm tuổi anh dạy trung học, hai mươi tuổi anh là khoa trưởng khoa Khoa Học Nhân Văn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, anh là triết gia không cần học một ai ? Dạy Triết học tại một Đại Học Pháp mà không cần một văn bằng nào ?
25/07/2016(Xem: 5321)
Người đàn bà đến bên cửa sổ ghé mắt nhìn ra ngoài trời. Qua lớp mưa mù dầy đặc trắng xoá ngoài kia bà chẳng nhìn thấy được gì ngoài những tia chớp xé toạt không gian kèm theo hàng loạt tiếng sấm như long lỡ đất trời. Thời tiết chiều nay quá xấu, xấu hơn người ta đã dự đoán và xấu hơn sự suy nghĩ của Quang, đứa con trai lớn của bà. Đã mấy tháng rồi nó mới có dịp bay về thăm bà vậy mà hôm nay trời lại mưa bão quá chừng! Trước khi lên máy bay nó còn gọi báo cho bà biết: - Bên đây thời tiết đẹp lắm má! Mong rằng khi con bay sang đến Cali thì trời quang mây tạnh, con sẽ chở má đi ăn và ở chơi với má đến tối mới về lại khách sạn.
06/07/2016(Xem: 8713)
Hôm nay là ngày 10 tháng 6 năm 2015, tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 65 của mình với tựa đề là “Nước Úc trong tâm tôi” để sang năm 2016 sẽ xuất bản và ấn tống. Tác phẩm nầy được viết trong mùa An Cư Kiết Hạ lần thứ 31 của năm Ất Mùi, nghĩa là từ năm 1984 đến nay (2015) cứ mỗi năm ba tháng như vậy, Thầy trò chúng tôi có trọn vẹn 3 tháng an cư tại chùa Viên Giác thật là an lạc. Chương trình mỗi ngày được bắt đầu từ 5 giờ 45 sáng. Đại Chúng vân tập nơi Tổ Đường để xá Tổ, sau đó lên Chánh Điện, hô canh và tọa thiền 15 phút. Sau khi xả thiền, Đại Chúng bắt đầu trì tụng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm, phần giữa của thời khóa có kinh hành niệm Phật ba vòng, tiếp đó lạy danh hiệu của chư Phật, Bồ Tát và Thánh Chúng độ 35 lạy. Sau thời công phu khuya ai về phòng nấy để nghỉ ngơi hay hành trì tiếp, hoặc tập thể dục. Đúng 8 giờ sáng là giờ điểm tâm của Đại Chúng, ai nấy đều tỉnh thức trong lúc dùng sáng, không nói chuyện, mà câu chuyện hằng ngày chỉ được
13/06/2016(Xem: 4425)
Hoa Lan nhất định không đầu hàng ngẩng mặt than thở: “Đời là bể khổ, tình là giây oan“ như cụ Tố Như đâu. Hoa Lan phải tâm tâm niệm niệm cột vào tâm câu Nhất thiết duy tâm tạo, khổ hay vui đều do cái đầu và bàn tay năm ngón của ta điều binh khiển tướng. Hoa Lan sẽ kể về nỗi khổ, niềm đau của thế gian trong trường thiên Tỵ Nạn Tình Duyên, một vấn nạn trong cuộc sống lứa đôi, trong vòng ái ân, sinh tử. Nỗi khổ chúng sanh chỉ cần khoanh vùng trong hai chữ tỵ nạn cũng đủ làm ta khiếp vía. Nào tỵ nạn cộng sản, con rơi của tỵ nạn chính trị, cháu rớt của tỵ nạn kinh tế, những đề tài ấy nhắc đến đã đủ ù tai hoa mắt và cũng chẳng phải là sở trường của mình, Hoa Lan sẽ kể về đề tài tỵ nạn tình duyên, nơi đã đi, đã đến và đã về.
01/06/2016(Xem: 13667)
Bài này được viết như một ghi chú cho Thiền Tông, để như một cách tiếp cận đơn giản… và hy vọng, cũng là một ghi chú cho rất nhiều pháp khác của nhà Phật, kể cả Tịnh Độ. Bởi vì, Thiền Tông là pháp môn cốt tủy nhất, trực tiếp nhất, không qua bất kỳ phương tiện nào khác, và cũng có thể dùng làm chiếc cửa lớn cho tất cả các pháp khác.
31/05/2016(Xem: 21013)
Chuyện xảy ra ở Việt Nam, nhưng lại bắt đầu từ bên Mỹ. Số là, vào khoảng thời gian năm 1956, có một kỹ sư Hoa Kỳ tên là Frank M.Balk. Chàng kỹ sư này suốt đời chẳng biết gì về cái xứ bé nhỏ xa xôi tận vùng Đông Nam Á tên gọi là Việt Nam cả.
27/05/2016(Xem: 6618)
Bao nhiêu năm ao ước cho đến hôm nay tôi mới có duyên lành được hành hương về Tây Trúc - Tây Trúc hay Thiên Trúc là tên gọi trước đây của xứ Ấn Độ. Trong phái đoàn tôi đi có nhóm Sợi Nắng và các Phật tử đến từ Canada cũng như Hoa Kỳ. Về chư Tăng thì có thầy Tánh Tuệ - nhà thơ Như Nhiên. Thầy là người từng sống và học tập ở Ấn Độ suốt bảy năm nên thầy nắm rất rõ về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán... của người Ấn Độ. Cũng chính vì thâm niên như vậy nên nước da thầy rám nắng và người ta thường gọi thầy với cái tên rất gần gũi là "thầy cà-ri". Ngoài ra, phái đoàn còn có thêm sư cô An Phụng và sư cô Huệ Lạc
16/05/2016(Xem: 12112)
Phim Phật Giáo: Quan Âm Bán Cá
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]