Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kỷ niệm 40 năm định cư người Việt Truyền thông Việt ngữ tại Úc Châu

10/03/201606:15(Xem: 10069)
Kỷ niệm 40 năm định cư người Việt Truyền thông Việt ngữ tại Úc Châu
                     
Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (17)

  
   Kỷ niệm 40 năm định cư người Việt
Truyền thông Việt ngữ tại Úc Châu
 
         * Lưu Tường Quang


 

A. Mở đầu

.

Năm 1979 thường được coi là điểm khởi đầu của nền báo chí Việt ngữ tại Úc khi số đầu tiên của tờ Chuông Sài Gòn được phát hành tại Sydney. Tờ báo này xuất bản 2 tuần một lần và sau đó đã trở thành một tuần báo.

 

Trong vòng bốn thập niên qua, truyền thông tiếng Việt đã trải qua thời kỳ phát triển không khác chi truyền thông của các cộng đồng văn hóa đa nguyên khác, theo nghĩa là ngành này đã phát triển về số lượng cũng như sức mạnh theo đà phát triển của cộng đồng nói tiếng Việt.

 

Tuy nhiên truyền thông Việt ngữ tại Úc có vài đặc tính khác biệt so với truyền thông tiếng Việt tại Hoa Kỳ, và truyền thông sắc tộc khác tại Úc.

 

Trong bài này chúng ta thử phân tích truyền thông tiếng Việt tại Úc trong vai trò thông tin và giải trí cho cộng đồng nói  tiếng Việt. Khi phổ biến tin tức và tài liệu giải trí, báo in cũng như báo nói bằng tiếng Việt cũng đã góp phần vào việc duy trì văn hóa và ngôn ngữ. Tuy nhiên truyền thông Việt Ngữ không tự cho mình có một nhiệm vụ giáo dục chính thức.

 

Sự kiện là báo chí tiếng Việt đã tiếp tục phát triển trong hoàn cảnh khó khăn về mặt kỹ thuật, về mặt chức nghiệp và trong hoàn cảnh tài chánh eo hẹp là một thành công rất đáng kể. Từ nhiều góc cạnh, câu chuyện truyền thông báo chí tiếng Việt phản ảnh tiến trình định cư 40 năm của người Việt tại đất nước này. Thế nhưng sự thành công hôm nay không thể bảo đảm cho thành công trong tương lai trước những thách thức mới. Đó là thành phần nhân số người Việt đang thay đổi tại Úc, và ngày nay có rất nhiều nguồn tin tức và sản phẩm giải trí qua trang mạng Internet, cũng như mạng xã hội.

 

Trong lãnh vực truyền thông điện tử, nhiều cơ sở đã không phát triển đúng mức, trong khi nhiều cơ sở khác đã không tồn tại lâu dài, và không để lại một dấu ấn nào. Ngoài lý do tổn phí cao cho việc sản xuất, năng khiếu chuyên môn phức tạp và nhu cầu kỹ thuật để phục vụ một cộng đồng tương đối hãy còn nhỏ, truyền thông điện tử tiếng Việt khó mà cạnh tranh được về mặt cung cấp tin tức so với đài phát thanh SBS, là một hệ thống truyền thông công lập văn hóa đa nguyên của Úc Châu. Về mặt giải trí thì truyền thông điện tử cũng phải đương đầu với các loại video nói tiếng Việt sản xuất tại Mỹ, cũng như các loại phim tập từ Hồng Kông và Nam Hàn được chuyển ngữ tiếng Việt. Đấy là chưa kể gần đây còn có rất nhiều sản phẩm phát xuất từ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook và Twitter đã thu hút giới trẻ và có thể thỏa mãn nhu cầu của họ bất cứ lúc nào và bất cứ tại đâu, một lợi thế mà truyền thông cổ điển không thể cạnh tranh được.

 

B. Đặc tính và tiến trình phát triển

 

Nước Úc chưa có một cộng đồng người Việt trước ngày 30/4/1975, khi thủ đô Sài Gòn bị thất thủ. Có rất ít người Việt đã sinh sống tại đây, ngoài một số nhỏ trẻ em được nhận làm con nuôi và người phối ngẫu của các chiến binh Úc phục vụ tại Việt Nam. Trong tập thể người Việt tạm trú, thành phần thuần nhất là nhóm sinh viên du học theo chương trình học bổng Colombo đã được bắt đầu từ cuối thập niên 1950. Vào cuối thập niên 1960 còn có thêm nhiều viên chức chính phủ Việt Nam Cộng Hoà theo học các khóa tu nghiệp ngắn hạn, hoặc học tiếng Anh, và du học sinh tự túc. Để thỏa mãn nhu cầu thông tin liên lạc họ thường luân lưu các bản tin nội bộ hoặc đặc san Xuân vào dịp Tết. Các ấn phẩm không định kỳ này được sản xuất theo kiểu cây nhà lá vườn được Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc, gọi tắt là VOSA, in ấn bằng roneo và chuyền tay nhau đọc để đỡ nhớ nhà.

 

 

From left: Lưu Dân and Vũ Nhuận (Chuông Saigon Weekly), Lưu Tường Quang, NSW State Director of Immigration & Ethnic Affairs and Victor Boulos, Manager (Ethnic Affairs) of the State Office, Sydney – at The Bell of Saigon Office in 1987

 

Vài năm sau biến cố 1975, phương tiện thông tin liên lạc này không còn thích hợp vì thành phần người Việt đã thay đổi, một phần vì người tị nạn Việt Nam đã bắt đầu đến định cư và phần khác vì tập thể cựu sinh viên Việt Nam bị phân tán đối với chế độ mới tại quê nhà.

 

Thống kê dân số năm 1976 cho thấy có 2 427 người Việt là cư dân, nhưng nhân số này đã gia tăng gấp 17 lần, tức là tăng lên thành 41 096 người vào năm 1981, nhờ vào chính sách mới định cư người tị nạn Đông Dương của chính phủ liên đảng Malcolm Fraser. Thống kê dân số mới nhất vào năm 2011 cho thấy cộng đồng người nói tiếng Việt đã lên đến 233 390 người, và trở thành một trong sáu cộng đồng sắc tộc lớn nhất Úc Châu.

 

Báo Chuông Sài Gòn là viễn kiến và đứa con tin thần của một người: đó là ông Chu Văn Hợp. Chu Văn Hợp đã từng là sinh viên du học tại Mỹ, và khi trở về nước làm kỹ sư cho công ty Shell ở Sài Gòn. Đối với Chu Văn Hợp, nước Úc không chỉ là một quốc gia tự do dân chủ mà còn là một xã hội mới đầy cơ hội và anh muốn thử thời vận.

 

Đặt chân đến Úc, trước tiên là tại Perth thủ phủ tiểu bang Tây Úc, Chu Văn Hợp đã tổ chức cho chính mình, gia đình và một nhóm thân hữu tị nạn một chuyến đi về miền Đông bằng đường bộ, vượt qua hàng ngàn cây số đồng không mông quạnh Nallabor để đến thành phố Sydney, là nơi mà Chu Văn Hợp và tôi có duyên gặp gỡ nhau.

 

Lúc bấy giờ tôi sinh sống và làm việc tại thủ đô Canberra. Với tư cách Chủ Tịch toàn quốc đầu tiên của Cộng Đồng (1977-1982), tôi thường lái xe đi Sydney để gặp gỡ thân hữu như Chu Văn Hợp, Giáo sư Nguyễn Hoàng Cương, và Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Cộng Đồng người Việt tại NSW, lúc bấy giờ gọi là Hội Liên Hương, cả ba đều đã mãn phần. Nguyễn Anh Tuấn tốt nghiệp kỹ sư tại đại học Adelaide và đã làm việc cho công ty Hàng Không Việt Nam tại Sài Gòn. Nguyễn Anh Tuấn cùng với ông Nguyễn Văn Chánh được coi là người đã xuất bản tạp chí tiếng Việt đầu tiên tại Úc, tạp chí Quê Mẹ.

 

 

Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (1)

From left: Lê Văn Công, Gia Du, Lưu Tường Quang,  Nhất Giang
and Nguyễn Vy Túy in front of the Commonwealth Offices, Sydney 1988

 


Thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp nhau tại Canberra, nhưng khi tôi có mặt ở Sydney chúng tôi thường gặp nhau tại nhà hàng Lan Sài Gòn ở Pitt Street hoặc vào tiệm sách kế cận của ông Trần Phước Hậu, cựu thuyền trưởng tàu Sông Bé 12. Đây là một chiếc tàu đánh cá của chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Từ cảng Vũng Tàu là thành phố du lịch mà chiến binh Úc ANZAC-Vietnam rất quen thuộc. Trần Phước Hậu đã lái tàu xuôi nam, vượt qua một số hải đảo thuộc Indonesia và trực chỉ đến Cảng Darwin của Lãnh thổ Bắc Úc vào ngày 29.11.1977.

 

Cũng như Chu Văn Hợp, Trần Phước Hậu có tay làm thương mại. Anh nghiệm ra được tự điển Anh-Việt Việt-Anh là nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống hàng ngày của người Việt mới đến. Đây là các loại tự điển trước kia được xuất bản ở Sài Gòn, và sau năm 1975 được in lại tại California mà anh đã nhập cảng từ Mỹ cho thị trường người Việt tại Sydney mỗi ngày một đông đảo. Tuy tự điển và sách vở tiếng Việt được ưa chuộng, nhưng Chu Văn Hợp lại nghĩ khác: anh muốn xuất bản một tờ báo.

 

Chu Văn Hợp tham khảo ý kiến với tôi và các thân hữu khác để biết chắc rằng những gì mà anh đang suy tưởng có thể đánh đúng vào nhu cầu và tình cảm của độc giả, là những thuyền nhân tị nạn mới đến Úc và cần nhiều thông tin để thích nghi với đời sống xã hội văn hóa mới. Tên gọi Chuông Sài Gòn sau cùng đã được chọn để biểu lộ một lập trường của tờ báo là không ủng hộ cộng sản, vì danh xưng Sài Gòn là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất từ năm 1949, và thủ đô của Việt Nam Cộng Hoà từ năm 1954 đến năm 1975. Chuông Sài Gòn là một thông điệp rõ rệt. Chu Văn Hợp cũng hi vọng tạo một diễn đàn cho người tị nạn Việt Nam chưa có tiếng nói mà tâm trí hãy còn vướng bận với kinh nghiệm tù đày nghèo khó dưới chế độ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và chuyến vượt biển kinh hoàng đầy lo âu và nước mắt. Ngay từ đầu anh đã cẩn thận phổ biến chân dung của một vài người có tiếng trong cộng đồng mà lập trường chống cộng không thể có nghi vấn.

 


Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (2)
        From left: Ngọc Hân, Lưu Tường Quang and Nguyễn Vy Túy - Sydney 13.07.1990


 

Ông Nguyễn Vy Túy, một thành viên của ban biên tập, tin rằng tên “Chuông Sài Gòn” được chọn lựa cũng để xác nhận lập trường tự do tín ngưỡng, bởi vì “chuông” còn là một biểu tượng tôn giáo tại Việt Nam cho Giáo hội Thiên Chúa Giáo và Giáo hội Phật Giáo, là những cơ chế phi chính phủ mà nhà cầm quyền Cộng Sản đàn áp sau năm 1975.

 

Về khía cạnh thương mại, báo Chuông Sài Gòn không thành công vì tờ báo đầu tiên này không tồn tại được lâu qua nhiều ban biên tập. Tuy nhiên đóng góp quan trọng của Chuông Sài Gòn là tính cách khai phá và cơ hội đào tạo nhân sự cho sự phát triển của báo chí Việt ngữ tại Úc.

 

Nguyễn Vy Tuý hồi tưởng: “Tất cả chúng tôi đều chưa hề được huấn luyện trong ngành truyền thông báo chí. Ban biên tập đầu tiên gồm anh Chu Văn Hợp với tư cách chủ bút, anh Đỗ Lê Viên với tư cách thư ký toà soạn, và tôi với tư cách là kỹ thuật viên. Nhưng tất cả chúng tôi đều bình đẳng với nhau, vì không ai biết nhiều hơn ai trong lãnh vực này. Chu Văn Hợp rất khôn khéo khi quyết định thuê mướn một phòng làm việc tại Seddon Street, Bankstown NSW là nơi mà các báo chí sắc tộc khác đã đặt trụ sở. Chúng tôi thường trò chuyện với các đồng nghiệp để học hỏi ngay tại chỗ kinh nghiệm kỹ thuật của họ, và đôi khi chúng tôi đã ở lại sau khi họ đã ra về để quan sát việc làm của họ mà họ không hề hay biết”.

 

Trong hàng ngũ những người tị nạn mới đến Úc, ít ai có thể được coi là người có khả năng chuyên môn và kiến thức trong lĩnh vực truyền thông. Tuy vậy một số ít người cũng đã có kinh nghiệm trước tại Việt Nam như ông Nguyễn Ngọc Phách và ông Nhất Giang. Nguyễn Ngọc Phách đã từng viết báo tại Sài Gòn, và phát thanh tại Quốc tế vụ Đài BBC Luân Đôn. Sau khi định cư tại Victoria, Nguyễn Ngọc Phách đã trở lại nghề nghiệp cũ qua việc phục vụ Đài phát thanh Úc Đại Lợi và làm bỉnh bút cho TiVi Tuần San tại Melbourne. Còn  Nhất Giang đã từng phục vụ trong ban biên tập nhật báo Tiền Tuyến ở Sài Gòn, thì trở lại nghề cũ với tờ Chiêu Dương sau một thời gian ngắn làm quản lý thương mại cho báo Chuông Sài Gòn.

 

Hàng ngũ chuyên môn trong ngành truyền thông gia tăng khi ông Phan Quân, một nhà báo kỳ cựu tại Sài Gòn bắt đầu viết lách trở lại. Vào đầu thập niên 1990 nhà báo Phan Lạc Phúc tức là Ký giả Lô Răng, và nhà báo Nguyễn Vân Thân với bút hiệu Hồ Ông đến Úc và gia nhập làng báo Úc Châu. Phan Lạc Phúc đã từng được huấn luyện về truyền thông tại Mỹ vào cuối thập niên 1950, và đã giữ nhiệm vụ chủ bút nhật báo Tiền Tuyến rất lâu năm. Tại Sydney ông viết cho tờ Chiêu Dương từ năm 1991 cho đến năm 2002, và sau đó là tờ Việt Luận từ năm 2002 đến khi ông nghỉ hưu năm 2005. Nguyễn Văn Thân là tay viết trào phúng cho báo Con Ong ở Sài Gòn, gia nhập tuần báo Dân Việt sau khi từ Thái Lan đến Sydney hồi giữa thập niên 1990, và sau đó kể từ năm 2003 gia nhập tuần báo Văn Nghệ cho đến lúc nghỉ hưu.

 

Lãnh vực truyền thông điện tử tại Úc không tạo nhiều cơ hội cho các cựu viên chức truyền thanh và truyền hình tại Việt Nam trước kia. Mãi đến đầu thập niên 1990 khi hệ thống truyền thanh văn hóa đa nguyên SBS Radio được cải tổ sâu rộng về mặt chương trình và nhân sự, thì những cựu nhân viên của các đài truyền hình và truyền thanh Việt Nam mới có cơ may trở lại nghề cũ: đó là Cô Nguyễn Bạch Tuyết tức là Ngọc Hân, các ông Vũ Nhuận, Nguyễn Đình Khánh và Trần Hữu Trung tại Sydney, và Cô Lữ Hồng Phượng tức là Phượng Hoàng tại Melbourne.

 
Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (4)

Voices of Freedom - From Left: Lưu Dân, Khánh An, Ngọc Hân, The Hon. Ann Symonds, MLC, and Lưu Tường Quang, Sydney 20.10.1990

 

Nói chung thì làng báo Việt ngữ tại Úc được thành công là nhờ khả năng quản lý của một số người Việt tị nạn có đầu óc kinh doanh mặc dầu không có nhiều kinh nghiệm chuyên môn về truyền thông. Đây có lẽ là điểm khác biệt rõ rệt so với làng báo tiếng Việt tại Mỹ vì cộng đồng người Việt tại Mỹ đông đảo hơn gấp 10 lần, cũng như so sánh với các cộng đồng sắc tộc khác tại Úc như người Hoa và người Ý, những cộng đồng lớn hơn cộng đồng người Việt. Nhật báo Sing Tao (Sydney, 1984) và báo The Australian Chinese Daily (Sydney, 1987) có thể tuyển dụng rất nhiều tài năng chuyên môn không những tại Úc, mà còn tại Hồng Kông, Đài Loan và Hoa Lục. Trong cộng đồng người Ý, báo Thế Giới Il Globo (Melbourne, 1959), và báo La Fiamma tại Sydney đều có ký giả chuyên nghiệp phục vụ.

 

Vào đầu thập niên 1980, khi mà cộng đồng người Việt đã gia tăng nhân số gấp đôi trong vòng 5 năm (83 028 người theo kiểm tra dân số 1986), thì một số báo tiếng Việt được trình làng như báo Chiêu Dương và Việt Luận tại Sydney, và báo Nhân Quyền và Tivi Tuần San tại Melbourne.

 

Báo Chiêu Dương do ông Nhất Giang xuất bản trước tiên tại Perth vào năm 1980 có lẽ là tờ báo thương mại thành công nhất của báo chí Việt ngữ tại Úc. Chiêu Dương được dời về Sydney và từ năm 1985 trở thành nhật báo duy nhất. Vào năm 1993 Chiêu Dương được giải Thương Nghiệp Sắc Tộc do Ngân hàng NAB bảo trợ và cho đến nay vẫn còn là báo Việt ngữ duy nhất nhận được vinh dự này. Báo Chiêu Dương hiện nay do David Giang làm quản nhiệm.

 

Ông Đỗ Lê Viên, với bút hiệu Nguyễn Chánh Sĩ đã thành lập báo Việt Luận hồi năm 1983, sau khi đã trải qua một thời gian trong ban biên tập Chuông Sài Gòn. Tuy nhiên, Đỗ Lê Viên đã rời khỏi vị trí chủ bút Việt Luận vào năm 1984 để theo học luật và hành nghề với tư cách luật sư. Cũng trong năm 1983, ông Hồ Công Lộ với bút hiệu Long Quân đã khai sinh tuần báo Nhân Quyền, mà Long Quân là chủ nhiệm kiêm chủ bút duy nhất cho đến ngày nay. Tại Việt Nam, Hồ Công Lộ cũng là một luật sư.

 

Tivi Tuần San cũng là một tấm gương thành công, do một cặp vợ chồng điều hành. Tivi Tuần San đã được chuẩn bị vào tháng 11/1985 và phát hành số đầu tiên vào ngày 17.01.1986. Khởi đầu trong một căn nhà nhỏ ở vùng North Richmond Victoria, ông Nguyễn Hồng Anh, chủ bút, và Bà Vũ Thị Hà, thư ký toà soạn, đã thu hút được một phần quan trọng của độc giả người Việt tại Melbourne. Theo một cuộc khảo sát của Multicultural Perspective Pty Ltd do Sở thuế vụ ATO ủy nhiệm hồi năm 2005, tờ Nhân Quyền và Tivi Tuần San là hai tuần báo được ưa chuộng nhất trong cộng đồng người Việt tại Victoria

 

Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (5)

     Mr. Nguyễn Hồng Anh welcomes the Hon. John Howard to the TiVi Tuần San Office Melbourne, 14 Dec 1995 (Photo: TiVi Tuần San, 20.12.1995)

 

Một trong những tờ báo đã vượt qua thách đố của thời gian là tuần báo Dân Việt, chào đời vào năm 1993 với ban biên tập cũ của Việt Luận, sau khi báo Việt Luận đã bán cho một ban quản trị mới. Ông Bùi Kế Giản với bút hiệt Gia Du đảm nhận chức vụ chủ bút Dân Việt trong 10 năm, và từ năm 2003 ông Nguyễn Văn Sơn với bút hiệu Lưu Dân đã kế nhiệm trong vòng 6 năm cho đến năm 2009.

 

Sài Gòn Times được trình làng tại Sydney vào năm 1995 như là một tạp chí hàng tuần khổ nhỏ do ông Nguyễn Hữu Chí với bút hiệu Hữu Nguyên điều hành. Hữu Nguyên trước kia là một cộng tác viên của Chiêu Dương, có một quá trình khác biệt với những chủ bút và các ngòi viết trong làng báo tiếng Việt. Chính Hữu Nguyên đã xác nhận là trước năm 1975, Hữu Nguyên đã theo bộ đội từ miền Bắc xâm nhập vào miền Nam, nhưng sau đó đã rời bỏ hàng ngũ cộng sản để trở thành một người hồi chánh. Tuy nhiên Sài Gòn Times đã không thể tồn tại trong một thị trường đầy cạnh tranh và nhỏ hẹp nên đã đình bản từ đầu thập niên 2010.

 

Sinh sau đẻ muộn so với các báo nói trên là tờ Văn Nghệ tại Sydney vào năm 2003, với Nguyễn Vy Túy làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, và Nhất Giang làm quản lý thương mại để bảo đảm sự thành công về mặt tài chánh, vì Văn Nghệ trước sau vẫn là một tuần báo trong gia đình Chiêu Dương. Nguyễn Vy Túy khởi đầu sự nghiệp làm báo trong ban biên tập Chuông Sài Gòn và đã có lúc làm chủ bút tờ báo đầu tiên này. Theo một cuộc thăm dò không chính thức trong năm 2015 thì Văn Nghệ đã trở thành tuần báo bán chạy nhất của làng báo tiếng Việt tại Úc Châu.

 

Thập niên 1990 không phải là thời gian trường tồn của nhiều báo chí Việt ngữ, các báo sau đây đã đến và đi: Sài Gòn News, Việt Nam Thời Nay, Tiếng Nói Người Việt, Người Việt, Đại Việt và VietNews Tiếng Nói Cộng Đồng. Tờ Đại Việt ra đời vào giữa thập niên 1990 do cựu nghị viên thành phố Fairfield Nguyễn Thế Nghiệp điều khiển. Tờ báo Tiếng Nói Cộng Đồng xuất hiện vào năm 1999 tại Melbourne và do Cộng đồng Người Việt tiểu bang Victoria sáng lập. Sự chết yểu của hai tờ báo này có vẻ như cho thấy rằng độc giả người Việt không mấy ủng hộ một cơ quan ngôn luận theo đuổi nghị trình cá biệt của một cá nhân hoặc của một đoàn thể. Đấy là chưa kể đồng nghiệp trong làng báo cũng không có nhiều thiện cảm, vì lý do cạnh tranh.

 


Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (6)

From left: Maribyrnong Commisioner Trần Đức Dũng, Professor Trang Thomas, AM, Mr. Lưu Tường Quang, and Mr. Nguyễn Ngọc Phách at the office of TiVi Tuần San, Melbourne, 14 Dec 1995 (Photo: TiVi Tuần San, 20.12.1995)

 

Những tờ báo thành công về mặt tài chánh hầu hết là do gia đình sáng lập và quản trị, chẳng hạn như Chiêu Dương, Văn Nghệ, Tivi Tuần San và Nhân Quyền. Việt Luận và Dân Việt là ngoại lệ, vì chủ nhân của hai tờ báo này là những người có cổ phần trong thương nghiệp. Đặc điểm này có vẻ như là yếu tố thành công của các cộng đồng sắc tộc nhỏ, vì trong các cộng đồng sắc tộc lớn ngành truyền thông thường nằm trong tay những cá nhân hoặc tổ chức có nhiều tiền để đầu tư thương mại, chẳng hạn như báo chí trong cộng đồng người Hoa.

 

Hầu hết các báo Việt ngữ điều theo đuổi một mô thức sinh hoạt thương mại tương đối đơn giản, và thành công về mặt tài chánh phần lớn là do quảng cáo chính phủ, nhận trực tiếp hoặc qua trung gia của công ty quảng cáo như là Leba Ethnic Media. Hiện nay TiVi Tuần San là tuần báo duy nhất phát triển sang lãnh vực buôn bán sách vở mà phần lớn là tiếng Việt nhập cảng từ Hoa Kỳ và từ Việt Nam. Trước đây trong đầu thập niên 1980, Trần Phước Hậu cũng đã thử phát triển việc làm báo sang lãnh vực in ấn khi anh điều hành tờ báo Việt Luận vào năm 1984. Đây cũng là mô thức thương mại của một tờ báo lớn tiếng Ả Rập trong cộng đồng Lebanese: đó là công ty Media Press Pty Ltd, chủ nhân của tờ báo El-Telegraph (Sydney 1970) xuất bản ba lần trong tuần, và cơ sở này cũng là nơi mà báo chí tiếng Việt tại Sydney đã từng được in ấn. Nhưng thử nghiệm của Trần Phước Hậu đã không thành công và anh đã quay trở lại với thị trường buôn bán sách vở.

 

Tất cả những báo có số phát hành toàn quốc đều tập trung tại SydneyMelbourne, vì đây là hai thủ phủ có nhiều người Việt định cư nhất không khác chi các cộng đồng sắc tộc khác. SydneyMelbourne có khoảng 75% người Việt sinh sống và 25% còn lại là tại các thủ phủ của các tiểu bang khác. Adelaide và Brisbane có một nhân số người Việt dưới 15 000 người, nhưng cũng đã có một vài tờ báo địa phương.Trong khi tại Perth, thủ phủ tiểu bang Tây Úc, với một nhân số người Việt không khác chi Adelaide và Brisbane thì lại không thể nuôi dưỡng được tờ báo điạ phương. Thử nghiệm duy nhất tại Perth là Tạp chí Phổ Thông chỉ tồn tại được 6 năm kể từ năm 1993.

 

Trong số các ấn phẩm tiếng Việt tại Úc, tạp chí chịu số phận hẩm hiu nhất, có lẽ vì số phát hành ít và lợi nhuận quảng cáo không nhiều nên khó có thể tồn tại. Ngoại lệ là những ấn phẩm đặc biệt in trên giấy đẹp và có nhiều màu sắc gọi là Giai Phẩm Xuân hay Báo Xuân mà các báo Việt ngữ lưu hành mỗi năm vào dịp Tết. Đây là truyền thống tốt đẹp của ngành báo chí Sài Gòn, mà làng báo Việt ngữ tại Úc Châu đã và đang duy trì. Một ngoại lệ khác là khi tạp chí là một ấn phẩm chuyên đề, chẳng hạn như Lưỡng Nguyệt San Y Học và Đời Sống do Bác Sĩ Liêu Vĩnh Bình chủ trương từ năm 1999, được phát hành khắp Úc Châu và một vài nơi khác trên thế giới.

 

Không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà tờ Chuông Sài Gòn là một tờ báo bán lẻ chứ không phải là một tờ báo phát không tại các cửa hàng thực phẩm Á Châu tương tự như tại Hoa Kỳ.

 

Sinh sống tại Úc chúng ta biết rằng, hàng tuần có rất nhiều báo đã được thẩy vào sân nhà miễn phí. Đây không phải là các tờ báo lá cải mà là báo phát không sống hoàn toàn nhờ vào quảng cáo, do các công ty truyền thông lớn làm chủ, chẳng hạn như công ty Fairfax Media. Chắc hẳn là nhiều người trong cộng đồng chúng ta cũng đã tiếp nhận và đọc những tờ báo phát không này để có được những tin tức địa phương và nhiều khi biết được sinh hoạt của chính trị gia trong vùng từ liên bang đến tiểu bang và hội đồng thành phố địa phương.

 

Thế nhưng tại Úc ngoại trừ một vài ngoại lệ, cộng đồng người Việt hình như không có nhiều tin tưởng đối với các tờ báo phát không. Cho tới những năm gần đây thì tại SydneyMelbourne nhiều tờ báo phát không đã không thể tồn tại được.

 


Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (7)

                                                    Trần Châu and Lưu Tường Quang - Brisbane 20.05.2000

 

Ngoại lệ trước tiên là tại Adelaide với 2 tuần báo phát không: tờ Nam Úc Tuần Báo (1995) và Adelaide Tuần Báo (2001). Hai tuần báo này đã vượt thách thức thời gian, vẫn cạnh tranh với nhau đều đặn và tiếp tục phát hành khoảng 3000 số hàng tuần cho đến nay. Khoảng 1 trong số 4 người Việt là độc giả của hai tờ báo phát không này tại Adelaide, trong khi họ cũng mua báo từ Melbourne và Sydney.

 

Tại Brisbane một nhóm trẻ có tinh thần thương mại đã cố gắng theo đuổi kinh nghiệm của Adelaide. Tuần báo phát không Bầu Trời Phương Nam / Southern Sky đã tồn tại được 10 năm, khởi đầu trong thị trường Brisbane không có cạnh tranh, sau khi báo Người Việt bị đình bản, cho đến 5 năm sau khi có sự xuất hiện của một tờ báo phát không khác là APN News. Cũng như tại Adelaide, Bầu Trời Phương Nam & APN News cạnh tranh với nhau mạnh mẽ trong một thị trường địa phương tương đối nhỏ mà số phát hành được cho biết là khoảng từ 3 000 đến 6 000.

 

Nhà báo Trần Châu đã thiết lập Tập San Người Việt xuất bản 2 tuần một lần từ năm 1997, trước khi trở thành một tuần báo vào năm 2006, theo khổ tabloid, do ông Đỗ Trung Hiếu điều hành. Tuy nhiên tờ báo phải đình bản hai năm sau đó.

 

Khác với cộng đồng người Việt tại Mỹ, độc giả tại Úc có vẻ thích thú đọc báo mà họ trả tiền mua. Tại Brisbane và Adelaide, họ vẫn nhận báo phát không và đồng thời vẫn mua những tờ báo phát hành từ SydneyMelbourne. Phải chăng đây là một truyền thống tốt đẹp của báo chí tại miền Nam Việt Nam, hoàn toàn do tư nhân điều hành, và bày bán chớ  không phát không.

 

Sự xâm nhập đầu tiên của báo phát không vào tâm điểm của làng báo Việt ngữ tại Úc xảy ra tại Melbourne mấy năm trước đây, khi một cộng tác viên của tuần báo Nhân Quyền bắt đầu xuất bản tờ Việt News. Chủ đích của tờ báo là nhằm quảng cáo thị trường nhà cửa để cạnh tranh trực tiếp với tuần báo Nhân Quyền. Long Quân có vẻ như không hài lòng nhưng cũng không quan tâm thái quá, và coi hành động này như là một thực tế của cuộc đời. Vào năm 2015 Việt News phát động ấn phẩm Sydney, cũng trên căn bản mà tờ báo này đã thành công tại Melbourne, tức là quảng cáo thị trường điạ ốc. Trong khi Việt News đã không ảnh hưởng tiêu cực nhiều đối với các tờ báo bán ở Melbourne, đặc biệt là tuần báo Nhân Quyền, thì tại Sydney Việt News có vẻ như đã gây ảnh hưởng tiêu cực cho tuần báo Dân Việt mà nguồn lợi nhuận chính yếu cũng là quảng cáo nhà cửa.

 

Khuôn mặt mới nhất trong làng báo Việt ngữ là tờ Tự Do Thời Báo, khởi đầu tung ra thị trường như một tờ báo phát không hồi đầu năm 2015. Hiện nay Tự Do Thời Báo xuất bản hai lần một tuần, được bán với giá hạ, và do Gia Du tiếp tay về mặt biên tập, cùng với Phạm Khiêm / Mộc Văn phụ trách phần tin tức và thời sự Úc Châu. Gia Du là một tay làm báo kỳ cựu theo phương thức truyền thống trong khi Phạm Khiêm / Mộc Văn đã từng làm việc cho ban Việt ngữ đài BBC Luân Đôn. Tự Do Thời Báo là một phần của công ty đa ngành và vào thời điểm của bài này thì hãy còn đang tìm một thế đứng trên thị trường báo in tiếng Việt chật hẹp tại Úc Châu.

 

Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (8)

Prime Ministerial launch of SBS Radio Online, Sydney 26.10.2001 – From left: Head of SBS Radio Lưu Tường Quang, Editor of Saigon Times Hữu Nguyên, the Hon John Howard, MP, Head of Vietnamese Group Ngọc Hân and Editor of Dân Việt Gia Du

 

Về mặt khổ của tờ báo, thì người Việt có truyền thống đọc báo khổ lớn tại Việt Nam trước năm 1975. Tuy nhiên khổ báo lớn ngày nay không còn được ưa chuộng tại Úc Châu, và một vài thử nghiệm khổ lớn theo truyền thống Sài Gòn xưa đã không thể tiếp tục được.

 

Làng báo Việt ngữ đã theo gương tờ Chuông Sài Gòn với khổ tabloids mà không ai thắc mắc thảo luận gì từ phía người làm báo cũng như phía người đọc báo. Đây là một vấn đề đã được cứu xét lâu dài trong lãnh vực báo chí chính mạch. Tôi còn nhớ là đã thảo luận với nhiều nhân vật điều hành trong công ty Fairfax Media, và họ đã trăn trở không biết là tờ Sydney Morning Herald và tờ The Age có nên bỏ khổ lớn hay không? Lý do mà họ trăn trở là vì họ e ngại rằng đọc giả sẽ coi khổ nhỏ phản ảnh tiêu cực đối với phẩm chất và tên tuổi của hai tờ báo lớn này tại Úc Châu. Nhưng sau cùng thì chính tờ Times of London cũng đã được chuyển từ khổ lớn sang khổ nhỏ và những tờ báo lớn trên thế giới cũng đã phải biến thể về mặt hình thức. Trong khi đó thì báo chí sắc tộc tiếng Hoa vẫn duy trì khổ lớn, và một tờ báo lớn tiếng Ả Rập El-Telegraph đã đi ngược chiều từ khổ nhỏ trở thành khổ lớn.

 

Trong làng báo Việt ngữ, không biết có phải vì đây là một đặc tính của Melbourne hay chăng, mà TiVi Tuần San và Tivi Victoria đều tiếp tục tồn tại với khổ A4, trong khi khổ nhỏ này không thể tồn tại tại Sydney. Có lẽ lý do là vì khởi thủy Tivi Tuần San nhằm vào việc phổ biến các chương trình truyền hình tại Úc cho cộng đồng người Việt, trước khi trở thành một tờ báo đa dạng với nhiều tiết mục khác.

 

Trong lãnh vực truyền thông điện tử, thì Radio 2VNR là đài phát thanh tư nhân duy nhất phát thanh dưới hình thức narrowcaster 24/7, mà chủ nhân là ông Donald Nguyễn Thu tức là Hoàng Nam và ca sĩ Mẫu Đơn. Bắt đầu từ năm 1998, Radio 2VNR phát thanh tiếng Việt dần dần đến tất cả các thủ phủ tiểu bang với một kế hoạch tiếp thị rất năng động, và một mô thức thương mại ít tốn kém nhờ vào việc phát thanh lại các chương trình Việt ngữ của các đài phát thanh quốc tế, như VOA, RFA, RFI và BBC. Hoàng Nam cho biết rằng anh không có ý định biến đài 2VNR thành một đài phát thanh miễn phí, tức là free-to-air broadcaster, vì tổn phí quá cao.

 

Tại các thủ phủ tiểu bang còn có nhiều chương trình Việt ngữ phát thanh từ các đài cộng đồng. Tại Sydney Đoàn Kim và Bảo Khánh đã có thể vượt qua trở ngại thời gian với chương trình phát thanh tiếng Việt được gọi là Việt Nam Sydney Radio. Trong số các chương trình Việt ngữ từ các đài cộng đồng tại các tiểu bang, thì Radio 4EB ở Brisbane cũng đã phục vụ và phản ảnh sinh hoạt của cộng đồng người Việt nhiều năm, từ ông Joe Chương, đến Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng và ông Trần Hưng Việt. Nhiều chương trình Việt ngữ khác, kể cả đài Hồn Việt đã không thể tồn tại vì nguồn lợi quảng cáo không đủ cho các chi phí điều hành.

 

Trong lãnh vực truyền hình, thì đài truyền hình cộng đồng Channel 31 vẫn chưa phát triển được như mong muốn về mặt nội dung cũng như về mặt kỹ thuật. Trong thập niên 1990, đã có một vài nổ lực phát hình tiếng Việt trên đài truyền hình Channel 31 tại Sydney nhưng tất cả đều đã thất bại. Tại Melbourne Victoria chương trình hàng tuần của Vietnam Television (VNTV) đã tồn tại từ năm 1996 nhờ vào nỗ lực của một nhóm tình nguyện nam nữ có lòng và có khả năng, mà trưởng nhóm là Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng. Họ đã vượt qua những trở ngại về kỹ thuật và tài chánh để tiếp tục công tác thiện nguyện này phục vụ khán giả người Việt tại Melbourne, và rộng rãi hơn dưới hình thức youtubes trong vòng gần 2 thập niên qua.

 

Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng đã thuật lại những hoài bão về sự cần thiết của một chương trình truyền hình bằng tiếng Việt cho khán giả người Việt như sau: “Vào thời điểm mà chúng tôi thành lập VNTV thì cộng đồng người Việt chỉ có một số báo hàng tuần và hàng tháng, một chương trình phát thanh toàn quốc của SBS Radio do chính phủ liên bang tài trợ, và một số chương trình phát thanh điạ phương. Nhưng hoàn toàn không có một chương trình truyền hình bằng tiếng Việt. Chúng tôi nhận thức rằng một chương trình truyền hình Tiếng Việt sẽ được cộng đồng quan tâm thích thú theo dõi vì chương trình này sẽ là nguồn giải trí cũng như là nguồn thông tin cho cộng đồng người Việt vốn có những nhu cầu văn hóa chính trị đặc thù của cộng đồng. Một chương trình truyền hình như vậy cũng sẽ là đóng góp của cộng đồng người Việt vào lãnh vực truyền thông văn hóa đa nguyên”.

 

Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (10)

SBS Radio Vietnamese Team – Sydney 2003: From left: Sơn Lâm, Thái Hòa, Ngọc Hân (Head of Group), Vũ Nhuận and Phan Bách (Photo: SBS Radio)

 

Môi trường truyền thông điện tử bằng tiếng Việt đã thay đổi trong vòng 3 năm vừa qua khi Vietface TV bắt đầu phát sóng 24/7 như là một hệ thống truyền thông Úc Châu có cơ sở tại Sydney. Cũng đặt cơ sở tại Sydney là SaiGon Broadcasting and Television Network (SBTN-A) là một mạng truyền thông nối kết trực tiếp với đài SBTN ở Mỹ. Hai đài truyền hình này sinh hoạt trên căn bản thương mại và cần cải thiện nguồn tài chánh từ các nhà quảng cáo và bảo trợ. Tuy nhiên đài SBTN-A còn phải đối phó với một trở ngại khác vì lý do thời lượng phát hình bị hạn chế. Phần lớn những chương trình làm tại Úc của SBTN-A đều được phát hình theo dạng youtube. Vào thời điểm viết bài này, ông Nguyễn Trọng Hiếu, trưởng đài SBTN-A còn thương thuyết với các đối tác về một sự hợp tác thương mại mà SBTN-A và ban điều hành hi vọng sẽ giúp SBTN-A tồn tại trên căn bản lâu dài.

 

Trong khi đó, đối với đài Vietface TV Australia do cặp vợ chồng Nguyễn Kim Hoàng, một nữ thương gia trẻ điều hành, và người phối ngẫu làm giám đốc kỹ thuật, sự thách đố là làm thế nào để có thể sử dụng thời lượng 24/7 phủ sóng bằng vệ tinh nhân tạo khắp lục địa Úc Châu và Tân Tây Lan. Vietface TV phát sóng phần lớn chương trình làm tại Úc, và một số chương trình mua từ nước ngoài. Với một thị trường người Việt tương đối nhỏ, kinh phí sản xuất chương trình và chi phí phát sóng bằng vệ tinh nhân tạo hãy còn là một thử thách lớn cho Vietface TV Australia.

 
Ngoc Han va truyen thong tai UC (18)
Ngoc Han va truyen thong tai UC (29)
Ngoc Han va truyen thong tai UC (19)

SBS Radio Vietnamese Team – Sydney at Quang Duc Monastery, Fawkner, Victoria 12 Oct 2003:
From left: Vũ Nhuận, Ngọc Hân, Thích Nguyên Tạng (Photo: quangduc.com)

 

C. Nội dung và vai trò thông tin và giải trí

 

 

Thông tin và giải trí là hai yếu tố quan trọng trong lãnh vực truyền thông, và truyền thông tiếng Việt không phải là một ngoại lệ. Trong tiến trình tăng trưởng qua nhiều giai đoạn thì nhu cầu của cộng đồng về mặt thông tin và giải trí cũng thay đổi.

 

Kiểm tra dân số 1971 không hề ghi nhận sự hiện hữu của bất cứ cư dân người Việt nào trên nước Úc. nhưng trong khoảng thời gian 5 năm từ 1976 cho đến 1981 thì cộng đồng người Việt đã gia tăng 17 lần nhiều hơn, từ một nhân số rất nhỏ là 2 427 người, nhờ vào chính sách định cư nhân đạo của Thủ tướng Malcolm Fraser, và chính phủ liên đảng Tự do Quốc gia. Thế nhưng cho đến khi các báo tiếng Việt xuất hiện từ năm 1983 trở đi, thì thông tin cho người Việt mới đến Úc chỉ được cung cấp bởi tờ báo Chuông Sài Gòn xuất bản cách tuần, và một vài chương trình phát thanh ngắn bằng tiếng Việt trên Radio 2EA ở Sydney và Radio 3EA ở Melbourne (cả hai đài này là thành phần của hệ thống phát thanh SBS Radio sau này).

 

Nói một cách tổng quát thì làm thế nào để cho tập thể người Việt mới đến từ một quốc gia đang mở mang có thể hội nhập vào một môi trường thành thị tân tiến như Úc Châu?       

 

                                        

                    Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (11) Nguyễn Hoàng Cương’s Con Người từ Việtnam, Sydney 1979

                                                                                                                                                                                                                                                                                             

Trước tháng 4/1975, ông Nguyễn Hoàng Cương là một giáo chức đại học của Viện đại học Đà Lạt, một thành phố cao nguyên tuyệt đẹp 300 cây số về phía Bắc của Thủ đô Sài Gòn. Ông Nguyễn Hoàng Cương là tác giả của một quyển sách tiếng Việt đầu tiên được xuất bản tại Úc hồi năm 1979 với nhan đề “Con Người Từ Việtnam”. Ông đã viết một phần của quyển sách này tại trại tị nạn của Mã Lai Á hồi năm 1977, và đã hoàn tất tại Sydney hồi năm 1979. Tác giả khuyên đồng hương mới đến về cung cách ứng xử trong một xã hội pháp trị như sau: “Bạn nên nhờ người đồng hương tới trước chỉ dẫn cho về các luật lệ thông thường như luật đi đường, luật lao động và an ninh xã hội. Ngoài ra nên tìm hiểu phong tục tập quán trong xã hội mới để tránh chuyện trái ý mất lòng với người đồng hương mới. Nếu lỡ vi phạm luật lệ, nên xin sự giúp đỡ của cơ quan cố vấn luật pháp hoặc của luật sư (trang 63)”.

 

Đối với Nguyễn Vy Túy, cầm trên tay một tờ báo tiếng Việt là cả một kinh nghiệm đầy xúc động và nước mắt. Nguyễn Vy Túy hồi tưởng: “Nếu chúng ta nhìn lại hồi năm 1979, khi tôi và gia đình cùng khoảng 100 đồng hương khác đặt chân đến Darwin trong tình trạng kiệt sức sau 23 ngày lênh đênh trên biển cả. Tôi đã không cầm được nước mắt khi nhận từ tay một viên chức Bộ Di trú ở Canberra hai số báo Chuông Sài Gòn. Tôi đã không thể tưởng tượng được là tại Nước Úc này lúc ấy đã có một tờ báo tiếng Việt”. Sau đó Nguyễn Vy Túy đã phơi bày tình cảm và kinh nghiệm trên giấy trắng mực đen mô tả sự tuyệt vọng của thuyền nhân trên một chiếc tàu gỗ ngập nước ở giữa biển khơi, họ đã liều mạng sống không những vì thời tiết sóng to gió lớn mà còn vì mối đe doạ thường xuyên của hải tặc Thái Lan cho đến khi một chiếc tàu buôn Nước Anh đã nhìn thấy họ, cứu vớt họ và chuyên chở họ về Darwin. Câu chuyện đầu tiên của Nguyễn Vy Túy về chuyến đi từ “Hoả ngục đến Thiên đàng” đã được gởi về báo Chuông Sài Gòn ở Sydney là nơi mà anh và gia đình sau đó đã đến định cư, và anh đã trở thành một người cộng tác.                                              

Cho đến khi SBS Radio có cuộc cải tổ sâu rộng về sự phân chia thời lượng và chuyên nghiệp hóa ký giả và phát thanh viên vào đầu thập niên 1990 thì báo chí Việt ngữ đã có tình trạng độc quyền trong việc cung cấp thông tin để thỏa mãn nhu cầu của người tị nạn Việt Nam mới đến mỗi ngày một đông đảo.

Chân dung của thuyền nhân tị nạn Việt Nam đã thay đổi từ tháng 4/1975 đến năm 1996 là  thời điểm mà Phủ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR chính thức đóng cửa các trại tị nạn tại Đông Nam Á và Hồng Kông. Tuy chân dung những người mới đến có thay đổi, nhưng yếu tố không thay đổi là họ là nạn nhân của bạo hành bởi nhà nước cộng sản. Họ là những người tị nạn như đã được định nghĩa trong Công ước Liên Hiệp Quốc 1951 và Văn kiện Bổ túc 1967 về quy chế của người tị nạn.

 

Chỉ 5 năm sau khi Sài Gòn thất thủ mà bản chất của làn sóng thuyền nhân người Việt đã trở thành một đề tài tranh luận tại Úc với câu hỏi là thuyền nhân tầm trú người Việt là người tị nạn hay di dân kinh tế. Phúc đáp cuộc tranh luận này để bênh vực cho chính sách nhân đạo của chính phủ Fraser, tôi đã gởi một tờ trình thay mặt cho cộng đồng người Việt tại Úc trong tư cách là chủ tịch liên bang. Phúc trình này đề ngày Canberra 28.10.1981, cùng ký tên với tôi là Giáo sư Nguyễn Hoàng Cương với nhan đề: “Người tầm trú Việt Nam - Tị nạn hay Di dân kinh tế?”. Tờ trình này đã được một vài cơ quan ngôn luận chính mạch tường thuật (The Age, 03/11/1981). Trong phúc trình này chúng tôi hi vọng làm sáng tỏ được nguyên nhân của thảm trạng thuyền nhân Việt Nam để chính phủ liên bang, đảng Lao Động đối lập cùng toàn thể dân biểu và nghị sĩ cũng như các tổ chức đại diện xã hội dân sự cứu xét khi chương trình định cư của chính phủ được coi lại.

 


Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (12)
SBS Radio Vietnamese Team 2003 – Melbourne – Clockwise: Hoàng Thọ, Thanh Vy, Trần Việt,
Phượng Hoàng and Trần Như Hùng aka Quốc Việt, Head of Group. (Photo: SBS Radio)

 

Để biện minh cho lập trường của chúng ta, chúng tôi đã nêu ra 3 giai đoạn của làn sóng thuyền nhân từ năm 1975.

 

Trước năm 1978, tức là trước khi nhà cầm quyền cộng sản quốc hữu hóa và tịch thu tài sản, đánh phá lãnh vực kinh tế tư nhân, hầu hết những người vượt biển vượt biên là gốc Việt, kể cả 130 000 ngưòi đã được di tản và rời khỏi Việt Nam trong những ngày trước và sau khi Thủ đô Sài Gòn thất thủ.  Trong khoảng thời gian 1978 – 1979 là khi làn sóng thuyền nhân đã trở thành một cuộc khủng hoảng trùng hợp với chính sách quốc hữu hóa và tịch thu tài sản của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì sự ra đi ồ ạt của người Việt gốc Hoa, một cách bán chính thức hoặc do bị chính quyền trục xuất, đã làm mờ đi nhân số người Việt rời bỏ quê hương. Và giai đoạn cuối cùng là từ cuối năm 1979 khi sự hiện diện của người Việt trong làn sóng thuyền nhân được chú ý trở lại vì nhân số người Việt gốc Hoa giảm sụt, có lẽ như là một hậu quả của hội nghị thế giới về người tị nạn Đông Dương nhóm họp tại Geneva hồi tháng 7 cùng năm.

 

Chúng tôi lập luận rằng người Việt trên căn bản cá nhân cũng như tập thể, đã phải vượt biển vượt biên vì nỗi lo sợ chính đáng là bị chính quyền hành hạ bạc đãi. Khi vượt biên với những lý do chính đáng như vậy, người Việt cũng có thể có những lý do phụ khác là thoát ly một nền kinh tế cực kỳ khó khăn, mà chế độ cộng sản đã tạo ra tại Việt Nam sau năm 1975. Một vài giáo chức đại học đã có khuynh hướng phân loại thuyền nhân tầm trú người Việt, gồm những thành phần trí thức khoa bảng lúc đầu, tiếp theo là những thành phần xã hội khác như giới tiểu thương và những công nhân lao động thành thị cũng như nông thôn. Trong khi tôi không đồng ý với phương cách phân loại trên căn bản xã hội và kinh tế, tôi cũng biết rằng (do kinh nghiệm của một viên chức điều hành tại trung ương Bộ Di trú ở Canberra và với tư cách trưởng nhiệm của Bộ Di trú và Sắc tộc sự vụ liên bang tại tiểu bang NSW) người tị nạn và di dân mà không có trình độ Anh ngữ, và không có bằng cấp được công nhận thì sẽ cần được giúp đỡ nhiều hơn và lâu hơn trong tiến trình định cư.

 

Trong tư cách trưởng nhiệm SBS Radio, tôi đã bắt đầu dự án cải tổ sâu rộng cơ quan truyền thông quốc gia này về mặt phân chia thời lượng cho các cộng đồng vào đầu thập niên 1990, không những để phản ánh trung thực thành phần nhân số văn hóa đa nguyên, mà còn để phục vụ nhu cầu của họ để họ hội nhập thành công. Căn cứ vào dữ kiện của Thống kê Dân số 1991, năm tiêu chuẩn đã được đặt ra để áp dụng: đó là nhân số trong một cộng đồng, tỉ lệ người lớn tuổi từ 55 trở lên, tỉ lệ thành phần mới đến, tỉ lệ thiếu khả năng Anh ngữ và tỉ lệ thất nghiệp. Việc phân chia thời lượng của SBS Radio đã thay đổi lớn lao với 5 tiêu chuẩn này, mà kết quả là chương trình tiếng Việt đã trở nên một trong những chương trình lớn nhất của 68 ngôn ngữ phát thanh trên hệ thống SBS Radio (số ngôn ngữ hiện nay là 74). Mỗi ngày SBS Radio đã phát thanh 2 chương trình tiếng Việt 60 phút tại SydneyMelbourne, và một chương trình cho các thủ phủ tiểu bang và lãnh thổ còn lại. Song song với việc cải tổ thời lượng, SBS Radio cũng có chương trình cải tổ nhân sự, qua một phương cách tuyển dụng công khai và công bằng. Hai nhóm phát thanh mới đã bắt đầu làm việc trong năm 1992, một nhóm ở Sydney mà trưởng ban là cô Ngọc Hân, và một nhóm ở Melbourne mà trưởng ban là ông Quốc Việt để thoả mãn nhu cầu truyền thông của tập thể người Úc gốc Việt

 

Tại SBS Radio chương trình tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ khác đã phải chu toàn trách nhiệm mà bản Hiến Chương của SBS đã đặt ra (The Commonwealth SBS Act, 1991). Hiến Chương này quy định rằng SBS Radio phát thanh chương trình để thông tin giáo dục và giải trí cho người Úc bằng ngôn ngữ mà họ ưa chuộng. Tức nhiên các phương tiện truyền thông tiếng Việt khác tuy không bị ràng buộc bởi luật lệ nhưng vì lý do sinh tồn, cũng đã phải cung cấp tin tức và giải trí cho khán thính giả và độc giả của họ. Tình trạng độc quyền mà giới báo chí Việt ngữ đã có trước đây đã bị giảm dần từ những năm đầu của thập niên 1990, khi SBS Radio mỗi ngày một trở nên là nguồn tin tức chính yếu cho hầu hết mọi người trong cộng đồng người Úc gốc Việt.

 

Thật ra trong khoảng 40 năm định cư người Việt, SBS Radio đã trở thành một cơ quan truyền thông mạnh mẽ nhất, như các cuộc thăm dò thính giả đã xác nhận (Quadrant Research, Ingenuity Research – và Multicultural Perspective Pty Ltd by the ATO từ 1999 đến 2006). Các cuộc khảo sát này cho thấy rằng 89% người Úc gốc Việt đã từng thưởng thức chương trình tiếng Việt của SBS Radio và trên 60% đã lắng nghe chương trình thường xuyên hàng tuần. Thành quả này phải được ghi nhận cho hai ban phát thanh tiếng Việt, và cho hai trưởng ban vì họ đã duy trì được thế thượng phong là chương trình có tỉ lệ khán thính giả cao nhất của SBS Radio liên tục trong một thời gian dài. Cô Nguyễn Bạch Tuyết tức là Ngọc Hân đã được tưởng thưởng Huân chương Úc Đại Lợi OAM hồi tháng 6/2007 cho những đóng góp và phục vụ cộng đồng người Úc gốc Việt. Hai ban phát thanh này đã để lại cho các đồng nghiệp một chương trình tiếng Việt rất được ưa chuộng và đánh giá cao. Trưởng ban Việt ngữ hiện nay là ông Hoàng Quốc Vinh và thành phần phát thanh viên gồm có nhiều người trẻ giỏi về kỹ thuật như cô Tú Trinh.

 

Thành tích cũng cần được ca ngợi và chia sẻ trong hàng ngũ những vị chủ bút và những nhà báo, nhà văn sinh hoạt trong lãnh vực truyền thông tư nhân bằng tiếng Việt.

 

Tôi đã thảo luận với hàng chục chủ bút, cựu chủ bút và các nhà báo và nhận xét chung mà mọi người đề cập đến là báo chí Việt ngữ coi vai trò của họ là vô cùng quan trọng và thiết yếu.

 


Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (13)

From left: David Giang, Lưu Tường Quang, the Hon. Philip Ruddock, MP, Attorney-General and Ven. Thích Phước Đạt, Sydney 2005

 

Vào thập niên 1980, ông Trương Minh Hoàng, bút hiệu Nguyễn Thành Danh (vốn là một cựu thẩm phán tại Việt Nam trước năm 1975), đã nói rằng trong thời gian ông làm chủ bút báo Việt Luận, ông đã dành hầu như toàn bộ phương tiện rất có giới hạn để tìm tòi và cập nhật những tin tức định cư cho độc giả. Những năm ấy, người Việt mới đến thường rất quan tâm đến tình trạng của  thuyền nhân tại Đông Nam Á, tin tức từ Phủ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cũng như chính sách định cư của các nước thứ ba như Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ, Canada và Tây Âu. Độc giả lúc nào cũng cần những tin tức để định cư và truyền thông Việt ngữ lúc bấy giờ đã đóng vai trò vừa học hỏi vừa phổ biến đến mức độ mà ông Trương Minh Hoàng nghĩ rằng vai trò giải trí đã không được quan tâm đúng mức.

Lưu Dân đã đến định cư tại Adelaide vào năm 1984 từ một trại tị nạn ở Indonesia nhưng sau đó đã trở về Sydney để làm công việc viết báo, ngoài công việc chính hàng ngày. Lưu Dân có nhu cầu cho chính mình và cho gia đình anh hãy còn chờ đợi ở Việt Nam. Lưu Dân vừa là ngòi bút dịch thuật tin tức, viết bài quan điểm cho báo Việt Luận và đã có lúc trở thành chủ nhiệm của tờ báo này. Sau đó từ năm 1993 Lưu Dân làm chủ nhiệm cho báo Dân Việt và chủ bút từ 2003 đến 2009.                                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Về phương thức đáp ứng mà báo chí Việt ngữ đã theo đuổi để thoả mãn nhu cầu thông tin của cộng đồng, Lưu Dân chia thành phần nhập cư thành hai giai đoạn: giai đoạn đầu từ 1975 đến 1989, khi cộng đồng thế giới nhóm họp hội nghị Geneva lần thứ hai để chấp nhận một chương trình hành động toàn diện để giải quyết vấn đề người tị nạn Đông Dương gọi tắt là CPA. Trong giai đoạn này người tị nạn mới đến đã nhờ vào báo chí Việt ngữ như là một ‘đường dây sinh mạng’ để có những tin tức cần thiết cho việc định cư. Trong giai đoạn này, theo Lưu Dân, nhiệm vụ của truyền thông Việt ngữ gồm 3 phần: đóng góp vào việc định cư tại Úc, tranh đấu cho chính sách tiếp tục định cư người tị nạn từ các trại di trú, và ủng hộ tiến trình dân chủ tại Việt Nam.

Giai đoạn thứ hai là từ thập niên 1990 trở về sau, khi người Việt đã tạm ổn định trong vấn đề định cư nên coi truyền thông Việt ngữ như là đầu cầu để hội nhập vào cộng đồng chính mạch và cũng là một nguồn giải trí . Trong tư cách nhà báo, và cũng là chủ nhiệm kiêm chủ bút anh nghĩ rằng: thứ nhất là báo chí Việt ngữ có vai trò hướng dẫn cho người Úc gốc Việt hội nhập vào cộng đồng chính mạch tranh đấu cho bình đẳng cơ hội và chống lại kỳ thị chủng tộc, thứ hai là đẩy mạnh sinh hoạt về thương mại và hội nhập chính trị trong môi trường văn hóa đa nguyên, và thứ ba là cổ xúy tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.

Lý tưởng về nhân quyền và tự do dân chủ cho Việt Nam lúc nào cũng được giới truyền thông Việt ngữ nói chung chia sẻ. Một vài cơ quan ngôn luận Việt ngữ cũng như những nhà báo có nhiều kinh nghiệm trong nước và ngoài nước thì tin rằng họ có vai trò hướng dẫn và ảnh hưởng đến công luận liên hệ đến các vấn đề chính trị Việt Nam. Ký giả kỳ cựu Phan Lạc phúc trong vai trò một nhà bình luận, cũng như Long Quân ở Melbourne và Gia Du ở Sydney trong vai trò chủ bút, đều tin rằng truyền thông tiếng Việt có bổn phận phải công khai cổ xúy cho một nền dân chủ đa nguyên tại Việt Nam.


Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (14)
30th Anniversary of Vietnamese Settlement at The Great Hall, Parliament House Canberra 2005 – From left: Nhân Quyền Weekly editor Long Quân, the Hon. Michael MacKellar, AM, Minister for Immigration and Ethnic Affairs (1975-1979) and Head of SBS Radio Lưu Tường Quang

 

Nhưng cũng có nhiều tờ báo và nhiều ký giả theo đuổi vấn đề này dưới một hình thức tế nhị hơn. Dầu vậy khi quyền lợi chính đáng của người Úc gốc Việt bị đe dọa, những tờ báo được coi là nặng phần thương mại chẳng hạn như Chiêu Dương tại Sydney và TiVi Tuần San tại Melbourne cũng như những tờ báo có lập trường tranh đấu công khai hơn như Nhân Quyền tại Melbourne và Việt Luận tại Sydney đều góp sức tranh đấu cho một nghĩa vụ chung.

Một trường hợp mà nghĩa vụ chung này đã thể hiện rõ rệt là vào cuối năm 2003, khi SBS TV là một phân bộ truyền thông của SBS Coporation do ngân sách quốc gia đài thọ, đã quyết định phát hình chương trình VTV4 của Hà Nội kể từ ngày 06.10.2003. Nhờ sự ủng hộ chưa từng có và toàn diện của tất cả truyền thông tiếng Việt dù là báo in hay báo nói mà Cộng đồng Người Việt Tự Do đã tổ chức thành công hai cuộc biểu tình phản đối lớn lao, kể cả cuộc biểu tình lần thứ nhì có khoảng 12,000 người tham dự hồi đầu tháng 12 bên ngoài trụ sở chính của SBS Coporation tại Sydney. Đây là một cuộc biểu tình chưa từng có về mặt tổ chức cũng như về mặt nhân số để chống lại quyết định của một cơ quan truyền thông quốc gia mà người Úc gốc Việt là thành phần đóng thuế.

Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (15)
From left: Lưu Tường Quang, Dr. Nguyễn Mạnh Tiến, veteran writer Phan Lạc Phúc and Ngọc Hân - Sydney 08.11.2007

 

Trong xã hội dân chủ văn hoá đa nguyên, tiếng nói của người Úc gốc Việt đã được Hội đồng Quản trị SBS Coporation lắng nghe và do đó đã biểu quyết chấm dứt phát hình chương trình VTV4 trên SBS TV. 

Đối với cộng đồng người Việt thời điểm 1996 có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là vì đây là lúc mà Phủ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR chính thức đóng cửa các trại tị nạn ở Đông Nam Á và Hồng Kông. Thứ hai là vì đây là khởi đầu của thời kỳ đang lên của Thủ tướng John Howard với các chính sách bảo thủ mới, và thứ ba là vì đây là thời điểm bắt đầu của sự phát triển kỹ thuật, dẫn đến sự phối hợp các dạng truyền thông từ báo in, báo nói đến báo hình với phương tiện truyền thông dạng số, trang mạng Internet và các trang mạng xã hội khác, đã biến cải hoàn toàn bản chất của truyền thông theo truyền thống cũ.

Trong ý nghĩa thứ nhất thuyền nhân tị nạn Việt Nam không còn được ban cấp tư cách người tị nạn như là một tập thể, và kể từ năm 1996 họ cũmg không còn cơ hội được cứu xét trên căn bản cá nhân tại một trại tạm dung. Hậu quả là Việt Nam không còn là một quốc gia nguồn quan trọng cho di dân và người tị nạn đến Úc. Lý do thứ hai là chính phủ John Howard đã không còn mặn mà với chính sách văn hóa đa nguyên. Tuy sự thay đổi này không ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng người Việt nhưng sự thay đổi trong chính sách và chương trình di trú đã giảm hạ rất nhiều cơ may của người Việt có thể đến Úc định cư theo dạng đoàn tụ gia đình. Đây cũng là thời điểm mà bang giao song phương giữa Úc và Việt Nam trở nên gần gũi hơn, và du sinh từ Việt Nam đến Úc mỗi ngày một đông đảo hơn. Hiện nay tại Úc có trên 30 000 du sinh Việt Nam và nhân số này tượng trưng khoảng 10% của tập thể người nói tiếng Việt tại Úc.

 “Chúng tôi phải giảm bớt vai trò thông tin định cư để chú tâm nhiều hơn vào lãnh vực giải trí vì cộng đồng người Việt đã thay đổi và độc giả cũng đã thay đổi” Nguyễn Vy Tuý nhận xét.

Cách đây khoảng 10 năm, Long Quân đã nói với tôi tại Melbourne là anh đã phát hiện một vài thay đổi trong số độc giả của tuần báo Nhân Quyền, trong khi đó thì David Giang tin rằng đã có khoảng 20% độc giả của nhật báo Chiêu Dương thuộc thành phần mới và đang dần dần thay thế sự sụt giảm của độc giả thuộc thế hệ thứ nhất người tị nạn định cư.

David Giang còn nói rằng lý do mà người mới tới hiện nay có thể dễ dàng mua và đọc báo Chiêu Dương là vì báo Chiêu Dương được coi là một tờ báo thương mại có khả năng cung cấp một dịch vụ cho độc giả mới cũng như cũ, một dịch vụ mà các tờ báo tiếng Việt khác cũng như báo chính mạch thường không cung cấp được: đó là những quảng cáo những rao vặt từ trang này sang trang khác, từ tìm việc cho đến tuyển dụng nhân viên, từ việc chia phòng đến việc buôn bán nhà cửa, cũng như việc dạy kèm học sinh. Dịch vụ này là một nguồn tài chánh quan trọng cho nhật báo Chiêu Dương, tương tự như nguồn tài chánh mà quảng cáo đã đem lại như là một “dòng sông vàng bạc River of gold” của báo chí chính mạch trước khi ngành quảng cáo trên mạng trở thành khởi sắc và hữu hiệu.

David Giang nói: “Chúng tôi đã cẩn thận nghiên cứu và đi đến chính sách là không phổ biến nhật báo Chiêu Dương lên mạng Internet để bảo vệ nguồn tài chánh”. Nguyễn Vy Túy cũng đồng ý và nói rằng ban giám đốc tuần báo Văn Nghệ không phổ biến nội dung lên mạng vào thời điểm này vì hiện nay trang mạng Internet chưa tạo được nguồn tài chánh để bù trừ vào những phí tổn.

Quả thật nhìn chung thì truyền thông tiếng Việt, báo in cũng in điện tử, đã không nhanh chóng sử dụng kỹ thuật mới để phổ biến nội dung bằng mọi phương  tiện kỹ thuật đang có, kể cả trang mạng Internet, trang mạng xã hội và những phương tiện di động như Iphone và Ipad. Tức nhiên là có ngoại lệ và ngoại lệ này là chương trình tiếng Việt của SBS radio nhưng chúng ta không thể so sánh được vì SBS radio được chính phủ tài trợ từ ngân sách quốc gia. SBS radio đã bắt đầu chương trình canh tân hóa kỹ thuật và thủ tướng John Howard đã khánh thành SBS Radio online vào ngày 26.10.2001. Hiện nay chỉ có báo Việt Luận và TiVi Tuần San là có phổ biến một phần nội dung trên Internet.

Kỹ thuật đương đại quả thật đã giúp đỡ truyền thông Việt ngữ trong vấn đề thông tin nhanh, và giảm hạ chi phí. Sản xuất một tờ báo ngày nay không cần nhiều nhân lực như xưa và đủ mọi loại tài liệu đều có sẵn trên Internet. Thế nhưng hậu quả tiêu cực là độc giả ngày nay ít khi tìm thấy một bài báo có giá trị nguyên thủy.

Gia Du đã tâm sự: “Truyền thông Việt ngữ đã mất năng khiếu phỏng vấn, điều tra và viết lách phúc trình”. Tôi chia sẻ quan điểm này. Truyền thông Việt ngữ đã dần dần mất đi tính đa dạng về mặt nội dung và khả năng đào sâu một vấn đề. Tuy nhiên đây là một chiều hướng chung trong kỹ nghệ truyền thông, chớ không phải chỉ riêng trong truyền thông Việt Ngữ.

                               

                            
Luu Tuong Quang va truyen thong dai chung Uc Chau (16)
Old and new titles of Vietnamese print media in Australia

 

D. Tạm kết

 

Tại Úc Đại Lợi, báo chí tiếng Việt đã vượt mọi trở ngại để thành công nhờ vào những người bỏ công khai phá mặc dầu chưa phải là chuyên viên trong ngành và những người kinh doanh giỏi. Trải qua nhiều năm, thế hệ người Úc gốc Việt và một số người Việt khác đến Úc với tư cách là du sinh đã theo học và được huấn luyện về báo chí và truyền thông tại các viện đại học Úc. Thế nhưng tầng lớp chuyên môn mới và trẻ này chưa có cơ hội thi thố tài năng trong ngành truyền thông chính mạch, cũng như trong lãnh vực văn hóa đa nguyên phục vụ cộng đồng người Úc gốc Việt. Thị trường truyền thông chính mạch có tính cạnh tranh rất cao, và không kể một vài ngoại lệ tại các định chế quốc gia như ABC và SBS, thì hầu hết những sinh viên gốc Việt tốt nghiệp đại học đều đã phục vụ bên ngoài lãnh vực truyền thông.

 

Trong ngành truyền thông tiếng Việt, thế hệ chuyên môn trẻ cũng cố gắng tiến thân. Tuy nhiên theo ý tôi thì thế hệ thứ 2 và thứ 3 người Việt vẫn còn gặp khó khăn để vượt qua trở ngại văn hóa và ngôn ngữ ngược chiều với thế hệ cha anh vì họ không có đủ khả năng ngôn ngữ tiếng Việt, và kiến thức đầy đủ về văn hóa Việt Nam để thỏa mãn được nhu cầu  của độc giả và khán thính giả mà phần lớn hãy còn là  thế hệ  thứ nhất. Bởi thế mà họ chưa có cơ hội để áp dụng tài năng học hỏi được. Lý do khác là vì hầu hết những cơ quan truyền thông Việt ngữ - báo in cũng như báo nói - đều là những sinh hoạt kinh tế gia đình.

 

Tôi hi vọng rằng tài năng này sẽ không bị mai một, một khi mà cộng đồng người Úc gốc Việt bước chân vào một giai đoạn mới trong tiến trình hội nhập tương tự như những cộng đồng khác, chẳng hạn như cộng đồng người Ý, người Hi Lạp và cộng đồng Do Thái. Trong các cộng đồng này, những độc giả, thính giả và khán giả không tùy thuộc hoàn toàn vào tiếng mẹ đẻ. Bởi vậy, các báo chí tiếng Hi Lạp và tiếng Ý, thí dụ The Greek Herald  và Neo Cosmos của Hi Lạp hoặc tờ Il Globo và La Fiamma của Ý, thì đã phát hành báo song ngữ, bao gồm cả phần tiếng Anh, trong khi đó thì tờ báo quan trọng nhất của cộng đồng Do Thái là Jewish News thì hoàn toàn sử dụng Anh ngữ.

 

Giả dụ như di dân người Việt đến Úc sẽ không bị gián đoạn như trường hợp người Ý người Hi lạp và người Do Thái thì tôi tin rằng truyền thông Việt ngữ sẽ không mất nền tảng kinh tế và văn hóa tại điạ phương và do đó cộng đồng người Úc gốc Việt có thể tiếp tục ủng hộ sự hiện hữu của ngành truyền thông tiếng Việt.

 

Chắc chắn là trong mọi trường hợp này, truyền thông tiếng Việt cũng sẽ gặp nhiều thách đố về mặc thông tin và giải trí, những thách đố do kỹ thuật đem lại cũng như những thách đố dưới hình thức sản phẩm từ Việt Nam hoặc từ Hoa Kỳ, những loại sản phẩm nhằm vào thị trường của cộng đồng người Việt ở nước ngoài kể cả cộng đồng người Việt tại Úc.

 

Vào năm 2005 khi chúng ta kỷ niệm 30 năm định cư, tôi đã nêu lên câu hỏi mà tôi đặt lại trong năm 2015 với một số chủ bút và cựu chủ bút, kể cả Long Quân ở Melbourne, David Giang, Nguyễn Vy Tuý và Lưu Dân ở Sydney và Trần Châu ở Brisbane. Câu hỏi này là: “Truyền thông Việt ngữ còn có tương lai gì không?”. Phần trả lời có nhiều điểm khác nhau nhưng hầu hết đều tin rằng truyền thông Việt ngữ sẽ tiếp tục giữ vai trò hữu ích cho cộng đồng người Úc gốc Việt, ít nhất là trong thập niên sắp tới. Tôi cũng tin tưởng như vậy và nghĩ rằng truyền thông tiếng Việt sẽ có cơ hội tồn tại trong vài thập niên nữa. Điều trớ trêu là trong số các chủ bút được hỏi ý kiến hồi năm 2005, Hữu Nguyên là người lạc quan hơn cả, thế mà tuần báo Saigon Times lại đã đình bản trong vòng 5 năm vừa qua.

 

Trong 10 năm sắp tới, khi cộng đồng người Việt kỷ niệm nửa thế kỷ định cư tại Úc, tôi tin rằng một vài cơ quan ngôn luận tiếng Việt trong số cả chục tờ báo và 5, 7 đài phát thanh và truyền hình hiện nay sẽ không còn hoạt động nữa. Chỉ có những cơ sở truyền thông được quản trị khéo léo và có khả năng thích nghi với môi trường mới sẽ tồn tại. Đó là luật tự nhiên mà chỉ những thành phần mạnh mẽ nhất về mặt văn hóa và tài chánh mới có thể đương đầu.

 

 

 

(c) Tuong Quang Luu, AO
Sydney, 07.10.2015
(Nguồn: VCA/NSW - Kỷ Yếu 40 Năm Định Cư Người Việt tại Úc, 1975-2015, Sydney, 2015)

 

___

Ngoc Han va truyen thong tai UC (15)

English version:  40th Anniversary of Vietnamese Settlement Vietnamese Language Media in Australia



Ngoc Han va truyen thong tai UC (9)
SBS Radio, Còn đây những mảnh đời tị nạn
http://quangduc.com/a58058/sbs-radio-con-day-nhung-manh-doi-ti-nan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/05/2016(Xem: 11958)
Phim Phật Giáo: Quan Âm Bán Cá
10/05/2016(Xem: 16047)
Hằng triệu dân Miền Nam nói chung trong các tôn giáo, nói riêng Quân, Cán Chính VNCH, (KiTô Giáo, Tam Giáo), tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương, đều thấy biết chốp bu (VIP) của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, đều là Tướng, Tá các cấp trong Tam giáo, do Đại Tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch có lời hiệu triệu kêu gọi toàn quân binh chủng tham gia Cách Mạng nhưng, những Tướng, Tá các cấp Cần Lao KiTô Giáo ngồi im và có hành động chống lại. Tức thì liền bị bắn chết ngay. Như Đại Tá Quyền (Cần Lao – Bộ Tư Lệnh Hải Quân) bị bắn chết trên xa lộ, do không tham gia, chống lại HĐQNCM. Nói rõ hơn, Tướng, Tá gốc Cần Lao Thiên Chúa không ai lên tiếng xin tham gia, đánh điện ủng hộ. Đến khi nghe ĐT Quyền bị bắn chết, liền gọi điện thoại, đánh công điện về Bộ Chỉ Huy Cách Mạng xin tham gia, nói lời ủng hộ. Nhưng, tất cả đều giả vờ, không thật lòng, là ý tưởng chung của các ông Cần Lao, họ đã hội kiến với nhau, với các giới KiTô trong nhà thờ, ngoài xóm đạo, là cứ giả theo, để rồi sau đó
05/05/2016(Xem: 5149)
Festival Huế lần 9 đã chiêu đãi khách quý và bà con mình một bữa tiệc văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, âm nhạc, ẩm thực, gồm: Lễ hội chính 13 chương trình; Hoạt động hưởng ứng 28 chương trình; Âm nhạc 27 chương trình; Nghệ thuật truyền thống 9 chương trình; Múa 9 chương trình; Triển lãm, trưng bày, sắp đặt 19 chương trình; Nghệ thuật 14 chương trình. Để thực hiện một Festival hoành tráng, kỳ công, đa dạng, đậm chất Huế như vậy, ai cũng biết là không hề đơn giản. Nó thấm đẫm trí tuệ, mồ hôi, tâm huyết của chủ (Bộ máy nhà nước và bà con Thừa Thiên Huế) và khách (các đoàn quốc tế và du khách).
05/05/2016(Xem: 6519)
Cậu bé vô gia cư thường xuyên gạt tiền cơm của chủ quán, cho đến khi hành vi đó bị con trai bà chủ phát giác ra. Câu chuyện về cậu bé ngày nào, 20 năm sau đó khiến nhiều người xúc động.
29/04/2016(Xem: 4345)
Hai đứa tôi hợp lại thật là đẹp đôi, ai cũng bảo thế. Tôi hăm tám, nàng hăm hai. Tôi cao thước bảy tám, nàng thước sáu, nếu thêm giày dép phụ trợ nàng cũng chẳng thể qua được vành tai tôi. Tôi lưng thẳng, vai rộng, mặt chữ điền, mày rậm, mũi cao, nếu không như Từ Hải cũng là một đấng nam nhi không đến nỗi bị các bà, các cô nhăn mày hỉnh mũi khi phải đối mặt, đối mày. Nàng thanh tao, cân đối với đầy đủ kích thước của một hoa khôi phối hợp với một gương mặt trong sáng như một vầng trăng, vầng trăng có những nét chấm phá tuyệt vời của đôi mày thanh tú không tỉa gọt, đôi mắt to dài sáng long lanh dưới hàng mi cong đen tuyền, chiếc mũi thẳng, và đôi môi, ôi đôi môi xinh đẹp ngọt ngào luôn mọng đỏ như trái chín đầu mùa, y như mấy ông văn sĩ vẫn thường hay diễn tả các giai nhân.
24/04/2016(Xem: 5128)
Đâu là những rủi ro khi kết hôn giả để tìm đường ở lại Úc? Chính phủ có những biện pháp nào để ngăn chặn vấn nạn này? Làm gì khi kết hôn giả nhưng lại bị đối tác xâm phạm tình dục hay bạo hành?
22/04/2016(Xem: 10818)
Jimmy Phạm thừa nhận anh từng cảm thấy xấu hổ với nguồn gốc Việt của mình, và luôn khẳng định mình là người Úc khi ai đó hỏi anh đến từ đâu. Nhưng giờ đây, mặc cảm ấy biến mất, nhường chỗ cho sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp xã hội Koto, nơi đổi thay cuộc đời hơn 1000 trẻ bụi đời Việt Nam.
18/04/2016(Xem: 6158)
Vị bác sĩ với đôi mắt thâm quầng lo lắng theo dõi tín hiệu sinh tồn của người đàn ông trên bàn mổ, đằng xa nữ y tá ngủ gục sau ca phẫu thuật ghép tim kéo dài 23 giờ. Gần 30 năm trôi qua, trái tim người thầy thuốc đã ngừng đập nhưng bệnh nhân được ông cứu sống vẫn còn sống. Không đơn thuần tái hiện nỗi vất vả của đội ngũ y tế, tác phẩm của nhiếp ảnh gia James Stansfield trên hết truyền tải mối liên kết đặc biệt giữa bác sĩ và người bệnh.
08/04/2016(Xem: 4326)
Tính từ đêm nhìn ngắm trời sao Paris qua khung cửa sổ Linh Sơn (*), hơn ba mươi năm đã qua còn nhanh hơn bóng câu qua cửa. Ánh trăng vằng vặc buổi ấy còn soi tỏ đến nay những ý nguyện phần nào được khơi dậy trong chuyến đi xa đầu tiên mà Linh Sơn là bước đầu bỡ ngỡ. Đi là mở rộng thêm được nhiều cánh cửa. Chuyến trở lại Pháp và mấy nước láng giềng lần này mới thật là chuyến rong chơi. Không chương trình và cũng chẳng vướng bận một dự tính nào cần phải hoàn tất.
07/04/2016(Xem: 4586)
Tôi có một ông bác họ, Bác Hương Thạch, thành viên Hội Đồng Hương Chính thời kỳ sau Hiệp Định Geneve năm 1954, tức là một Ủy Viên của Ủy Ban Hành Chánh Xã, lúc đó khoảng gần 60 tuổi mà tôi thì còn con nít mới 9 tuổi. Ông bác này có một chiếc nhà nhỏ bằng gỗ ván thùng cây để nuôi chim bồ-câu. Chiếc nhà gỗ nhỏ đó khoảng 50 cm x 50 cm x 40 cm có hai cửa tròn để chim bồ câu ra vào. Bác sơn chiếc nhà màu xanh da trời rất đẹp rồi đặt lên trên một cây trụ khá cao, có lẽ khoảng 5 đến 6 mét. Bác nuôi một cặp chim bồ câu gồm một trống và một mái.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]