Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giọt nước cành dương.

10/04/201311:19(Xem: 2979)
Giọt nước cành dương.

Giọt Nước Cành Dương

Nhất Hạnh

--- o0o ---

Cho hay giọt nước cành dương
Lửa lòng rưới tắt mọi đường trần duyên
Nguyễn Du

Đúng vào hôm tôi vừa ở Phật Học Đường Báo Quốc về thì Vĩnh đến thăm. Anh đến mang cho tôi một chồng sách Phật viết bằng tiếng Pháp mà anh mới gởi mua ở tận xứ xa. Anh cũng không quên mang tặng chú Tâm Mãn một cuốn tự điển Pháp Việt mới xuất bản, bởi vì anh biết chú Mãn đang cần cuốn này để học thêm Pháp văn.

Vĩnh cười nói với chú Mãn:
- Pháp văn của chú đã khá lắm rồi đấỵ Truyện của Alphonse Daudet mà chú có thể đọc không cần tự điển rồi cơ mà. Nhưng mà Hán văn của tôi còn tệ lắm. Học chóng quên quá. Chẳng biết bao giờ tôi có thể đọc được sách Hán văn như các chú.

Tôi cũng cười:
- Anh chẳng lo. Cứ chịu khó theo phương pháp của tôi đã bày cho mà học. Với cái thông minh của anh, có lẽ chẳng bao lâu anh vượt được cả chú Mãn nữa đấy.
Vĩnh thông minh thật. Độ tôi còn ở chùa (chưa đuợc vào nội trú Phật học đường), mỗi tuần anh đến hai lần học với tôi; thế mà chỉ trong vòng ba tháng thôi, anh đã có thể đọc nhấp nhem được quyển “Phật giáo sơ học khóa bản” viết bằng chữ Hán. Anh học chữ Hán bởi vì anh cố công muốn nghiên cứu giáo lý đạo Phật. Gần đến kỳ thi tú tài phần hai rồi mà anh vẫn không bỏ Hán văn. Anh bảo:
- Đậu hay không đậu chả cần lắm. Cần giỏi Hán văn để mà nghiên cứu đạo Phật cho đuợc đã.
Người thanh niên vui tính ấy đã xem chúng tôi hơn cả anh em ruột thịt. Chúng tôi quen biết anh trong một trường hợp khá đặc biệt. Nụ cười của Vĩnh thật có duyên. Khuôn mặt anh sáng sủa, thông minh. Đôi mắt hiền dịu, bộc lộ được cả những cảm tình thành thật của anh. Anh rất vui tính. Trong giọng nói ấm áp của anh thỉnh thoảng được điểm thêm một tiếng cười trong trẻo.

Sáu tháng đã qua, từ ngày chúng tôi biết anh. Chú Mãn rất có cảm tình với Vĩnh. Vài ba hôm không thấy anh tới, chú đã nhắc. Bởi vì Vĩnh thành thực, dễ thương và vui tính lắm. Nói chuyện với anh, ai cũng mến ưa anh. Ấy thế mà cậu con trai kia đã có lần chán đời, suýt “cắt tóc đi tu” cơ đấy. Viết chuyện riêng của anh lên đây, không biết Vĩnh có giận hay không. Nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ anh không giận.
Hôm ấy tại chùa Linh Quang (Huế) có đại hội bất thường của Giáo hội Thừa Thiên, Thượng tọa và các thầy Tỳ kheo đều đã đi dự hội từ hồi sáng. Chùa vắng, chỉ còn có chú Tâm Mãn và tôi ở nhà. Tôi đang chép bài thì chú Tâm Mãn vào báo có một người khách.
- Một thanh niên. Anh ấy hỏi thầy nhưng thầy đi vắng. Em không biết có nên mời anh ấy ở lại không.
Tôi buông bút, đáp:
- Chú cứ mời người ta ở lại đi. Mời vào nhà Lạc nghĩa ngồi chơi. Lát nữa tôi ra nhé.

Một lát sau, tôi mặc áo dài đi ra. Chàng thanh niên vẫn ngồi nhìn bức họa đức Quán Thế Âm, nét mặt trầm tư. Thấy tiếng động anh ngoảnh lại và đứng dậy. Tôi mời anh ngồi, rót nước mời anh uống và hỏi anh có chuyện gì gấp cần phải thưa thầy ngay không. Anh vội vàng trả lời là không có việc gì cần làm. Thế rồi anh lại ngồi yên. Tôi cũng ngồi yên, không hỏi thăm gì nữa, để mặc cho anh ngồi ngắm một cách thiếu tự nhiên những đồ vật trang trí trong nhà.

Anh chợt hỏi:
- Chú đi tu đã được mấy năm rồi, thưa chú?
Tôi nhìn anh đáp:
- Dạ, tôi xuất gia đã gần ba năm rồi.
- Chú xuất gia từ lúc mấy tuổi?
- Mười chín.
- Thế là năm nay chú hăm hai. Tôi cũng mới hăm ba, suýt sóat tuổi chú.

Và anh làm thân ngay:
- Vậy xin chú cứ xem tôi như anh em và đừng giận nếu tôi có hỏi những câu có vẻ tò mò nhé.

Tôi cười:
- Đâu dám, anh cứ hỏi.

Trầm ngâm một lát anh thân mật:
- Vì sao chú đi xuất gia?
Tôi dương mắt nhìn anh, và hơi khó chịu một tí. Nhưng tôi làm vui ngay và trả lời một cách thẳng thắn:
- Vì tôi mến đạo Phật, mến nếp sống giải thóat.
- Vì sao chú mến được nếp sống giải thóat?
- Tôi sinh trưởng trong một gia đình Phật tử. Tôi được đọc một ít sách báo Phật học và tự nhiên thấy ưa thích đời sống thanh tịnh giải thóat, nhất là khi biết rằng đời sống ấy có thể giúp ta tìm hiểu chân lý.

Anh chăm chú nghe tôi nói, và cố giấu một nét mặt u buồn. Anh thở dài thật nhẹ, sợ tôi nghe thấy. Cuối cùng anh hỏi khẽ:
- Tôi có người bạn cũng muốn xuất gia. Nhưng bạn tôi không biết muốn đi tu phải có điều kiện gì.
- Bạn anh năm nay bao nhiêu tuổi.
- Cũng trạc tuổi chú và tuổi tôi.
- Có phải anh hỏi điều kiện xuất gia cho bạn anh không?
- Vâng. Anh trả lời nghe có vẻ ấp úng.
- Bạn anh còn đi học?
- Vâng. Nhưng cũng sắp thôi. Bạn tôi học Đệ nhất, đậu bán phần năm ngoái. Vậy thưa chú, chú cho biết muốn đi tu, bạn tôi phải có những điều kiện nào?
Tôi trả lời ngập ngừng:
- Kể ra điều kiện thì cũng không có điều kiện gì nhiều ....
Rồi đột ngột tôi hỏi:
- Bạn anh có bị thất vọng trong một cuộc tình duyên nào đó không?
Câu hỏi của tôi đến một cách bất ngờ quá làm anh lúng túng ngập ngừng. Và luống cuống nữa. Tôi thương hại:
- Bởi vì nếu bạn anh bị thất tình, anh ấy sẽ không được xuất gia đâu.
- Vì sao thế, thưa chú?
- Bởi vì bạn anh không thể sống nổi đời sống của người tu.
- Sao lại không sống nổi?
- Vì đó là một người thiếu nghị lực. Anh ấy thất tình, anh ấy muốn đi tu, thì cũng như có một số người thất chí chán nản khác muốn rời bỏ trốn tránh cuộc đời. Thất vọng mà chán nản, ấy là không có nghị lực. Mà đã không có nghị lực, thì làm sao có thể sống được cuộc đời của nhà tu trường kỳ gian khổ?
- Bạn tôi sẽ không sợ cuộc đời gian khổ.
- Gian khổ đây không phải là một ít cực khổ thể xác. Gian khổn mà chúng tôi muốn nói đây là khả năng chịu đựng những thử thách cố gắng để đạt đến mục đích của cuộc đời tu đạo. Nếu bạn anh vì thất tình mà đi tu, thì sớm muộn gì bạn anh cũng xuất tục mất thôi.
- Xin chú cho biết lý do.
- Trước hết, phải nói rằng bạn anh vào chùa mang theo cả một tâm trạng đen tối, buồn nản đến cực độ. Mà như thế là cả một cái tội. Khởi đầu của một cuộc đời mà đen tối như thế thì toàn thể cái cuộc đời ấy mới như thế nào? Trong khi người khác vào chùa với một tâm niệm thành khẩn trong sáng để phát nguyện sống đời giải thóat thì bạn anh lại vào chùa với ý niệm trốn bỏ xa lánh cuộc đời. Đạo Phật không phải là chỗ dung chứa những tâm hồn đen tối đó, anh ạ.
- Nhưng đạo Phật che chở cho những tâm hồn khổ đau.
- Cái đó thì có. Nhưng che chở bằng nhiều cách. Chứ không nhận vào đoàn thể tăng già một phần tử không theo đuổi một mục đích tăng già.
- Xin chú cho biết mục đích ấy là gì?
- Như tôi đã nói với anh, mục đích đó là giải thoát giác ngộ cho mình và cho những kẻ khác. Ở đây bạn anh không có mục đích ấy. Bạn anh chỉ muốn lánh đời mà thôi. Nhưng đạo Phật đã có ra vì cuộc đời: tu như chúng tôi là để đào luyện cho có một căn bản đạo đức giác ngộ, để trước hết cứu khổ cho tự mình, sau lại, để giúp đỡ cho mọi người.
- Biết đâu sau này bạn tôi sẽ học theo để có được mục đích đó?
- Cái đó chưa thể nói trước. Nhưng nếu bây giờ bạn anh vào chùa bạn anh sẽ khổ đau nhiều hơn ở đời nhiều. Sống trong cảnh thanh tịnh, chúng tôi thấy an lạc và giải thoát; nhưng bạn anh sẽ khổ sở điêu đứng vì cái khung cảnh vắng vẻ thanh tịnh của chùa. Càng vắng vẻ, bạn anh càng sống với nội tâm, càng sống với nỗi thất vọng đau khổ của mình. Rồi thì mỗi khi nghe một tiếng chuông, bạn anh lại sầu héo thêm lên một chút. Chúng tôi nghe chuông thì lại càng thấy tâm hồn thanh tịnh, còn bạn anh nghe chuông thì sẽ thấy toàn sầu thảm, bởi vì tâm hồn của bạn anh bệnh hoạn, không lành mạnh như tâm hồn của những người khác .....

Giờ ngọ. Chú Mãn đã cúng Phật xong. Người khách trẻ rất tiếc phải bỏ nửa chừng câu chuyện. Nhưng tôi ân cần mời anh ở lại thọ trai. Mắt anh sáng lên. Bữa ngọ trai hôm ấy chỉ có ba chúng tôi. Chú Tâm Mãn đã chu đáo tô điểm cho bữa cơm của chúng tôi một món măng hầm mà chú đã nhờ dì Tư sửa soạn từ hồi nãy.

Ngọ trai xong, Vĩnh (trong bữa cơm chúng tôi đã biết tên anh là Vĩnh) muốn tiếp tục câu chuyện, chúng tôi ba người đưa anh ra ngoài núi, ngồi dưới rặng thông. Tôi giới thiệu chú Mãn với Vĩnh. Và chúng tôi trò chuyện thân mật với Vĩnh như đã quen biết anh từ lâu lắm.

Vĩnh hỏi:
- Chú đã có đọc cuốn “Thế rồi một buổi chiều” của Nhất Linh chưa?

Tôi đáp:
- Vâng, có đọc. Anh nhắc tới cuốn ấy tức là anh đã hiểu. Cô sư nữ của Nhất Linh cũng đã vì thất tình mà đi tu đấy. Và sống trong cảnh thanh tịnh, nghe tiếng chuông, cô đã chẳng thấy tâm hồn êm ả chút nào, mà trái lại, càng thấy khổ đau tan nát. Thành ra, khi cô bỏ chùa ra đi ....với một người chiến sĩ, chúng ta cũng không ngạc nhiên mấy. Nhưng cũng may đó chỉ là nhân vật tiểu thuyết .... Có thêm một nhân vật như thế thì đạo Phật cũng chỉ lấy làm xấu hổ mà thôi.

Lời nói vô tình đó khiến Vĩnh đỏ mặt. Anh quay đi, làm bộ nhìn về phía tháp chùa. Nhưng chú Tâm Mãn đã tinh ý nhận thấy. Chú nói lảng đi:
- Các thầy chắc hẳn đến chiều mới về.

Bỗng Vĩnh quay lại:
- Vậy thì thưa chú, bạn tôi không nên xuất gia.
- Vâng, rất không nên. Bạn anh chỉ nên vùng vẫy để mau thoát khỏi cái vỏ tâm lý đen tối đang úp chụp lấy anh ấy mà thôi. Đời vẫn đẹp, nhưng bạn anh không còn thấy đẹp. Anh thử nhìn chúng tôi. Chúng tôi sống ở đây một cách vui vẻ, và có thể nói yêu đời nữa. Chúng tôi có lý tưởng. Lý tưởng ấy là đạo Phật. Chúng tôi chỉ chán ghét có một điều. Đó là dục vọng si mê. Chúng tôi muốn sống với một lý tưởng thật đáng gọi là lý tưởng. Nghĩa là động lực thúc đẩy lý tưởng ấy không phải là dục vọng. Bạn anh cần thoát ra ngoài cái tâm trạng thất tình càng sớm càng hay. Bởi vì anh ấy có thể còn có lý tưởng của mình và cũng cần phải lành mạnh để phụng sự cho lý tưởng ấy.

Chú Mãn cười hỏi Vĩnh:
- Thất tình mà đi tu thì có đáng ghét không hở anh?
Vĩnh khẽ đáp:
- Đáng thương thì phải hơn.
- Thương hại ấy.
- Vâng, thương hại cũng được. Còn hơn là ghét. Vậy bây giờ nếu bạn tôi không có ý muốn đi tu nữa thì chú có ghét nữa không chú Mãn?
- Cái ấy anh hỏi chú Quán.

Tôi cười:
- Cố nhiên là không ghét nữa. Mà trái lại, chúng tôi sẽ có rất nhiều cảm tình. Và nếu anh ấy lại chịu khó lâu lâu đến chùa để học cho rõ những chủ trương của đạo Phật, thì anh em mình còn đãi cơm chay là khác nữa đấy.

Vĩnh vui cười:
- Vậy thế nào tôi cũng đem bạn tôi đến. Bạn tôi chắc sẽ yêu các chú lắm.

Hai ngày sau, Vĩnh đến, nhưng đến có một mình. Thì ra bạn của anh và anh chỉ là một người. Anh đến với một vẻ mặt tươi trẻ hơn:
- Cám ơn chú đã giải thoát cho tôi ra khỏi một tâm trạng hắc ám. Lời nói của chú cũng như đời sống của chú đã đánh bạt đi rất nhiều những sắc thái buồn nản của tâm hồn tôi. Hôm ấy trở về, tôi suy nghĩ rất kỹ về những lời nói của chú. Và tôi thấy tôi suýt chết đuối trong cái tâm trạng chủ quan đen tối của tôi. Tôi thấy những câu thơ sau đây rất đúng và phù hợp với lời khuyên của chú:

Tandis que tout change pour toi, la nature est la même,
Et le même soleil se lève sur tes jours ....
- Nhưng tôi chưa tin rằng tâm hồn anh đã lành mạnh hòan toàn.
- Vâng, nhưng tôi có thể nói là đã thuyên giảm một cách phi thường. Đã hơn hai tháng nay, tôi khổ đau điên cuồng ....
- Nhưng bây giờ, anh đã được thấm nhuần một vài giọt nước dương chi của Phật. Tôi mong anh học Phật thêm nữa để thấy cái đẹp siêu thoát của đạo Từ Bi.

Vĩnh bày tỏ rằng anh đã từng nghe nói về triết lý siêu việt của đạo Phật. Nhưng anh chưa được am hiểu một tí gì về giaó lý ấy.
-- Tôi muốn sẽ có được dịp tìm hiểu đạo Phật nhiều hơn. Sách Việt và Pháp không có bao nhiều. Chỉ có một cách là học chữ Hán. Lâu nay tôi có nhiều thành kiến sai lầm quá. Tôi tưởng đạo Phật là nơi nương tựa của những tâm hồn khổ đau chán nản.

Tôi khuyên anh học chữ Hán và bảo đảm sẽ bày cho anh học. Thế là mỗi tuần, anh đến chùa hai bận. Trong giờ nghỉ ngơi, chúng tôi thường đưa nhau ra núi chuyện trò. Tôi nói cho Vĩnh nghe về lịch sử đạo Phật, và vai trò Phật giáo trong văn hóa Viêt Nam. Anh say sưa nghe kể lại những thời đại hưng thịnh của thủa Lý Trần và đã từng tỏ bày ý kiến xây dựng lại một nền Phật giáo dân tộc.
- Một ngày kia, anh nói, có thể tôi cũng xuất gia. Nhưng bây giờ đây, tôi cần cố gắng nhiều để có một sức học căn bản về đời và đạo, để sau này có thể phụng sự cho Phật giáo một cách đắc lực. Tôi rất mừng khi thấy các chú, bởi vì các chú là hình ảnh của lớp xuất gia tích cực sau nầy. Đoàn thể Tăng già, theo tôi, phải tìm lại đuợc sinh khí của các thời đại Lý Trần ngày xưa mới đuợc.

Tôi hứa sẽ cố gắng giảng cho anh về đạo Phật; riêng anh, anh cũng hứa sẽ tìm giúp tôi những tác phẩm Phật học của Tây Phuơng.

Câu chuyện tình duyên của Vĩnh, anh cũng đã có lần kể lại cho chúng tôi nghe. Nhưng thôi, chuyện đời ta gác lại, nói ở đây làm chi, phải không Vĩnh? Đừng ai tò mò muốn biết câu chuyện ấy làm gì. Chỉ nên biết rằng hiện giờ Vĩnh rất khá Hán văn. Anh vừa gửi cho tôi một tập văn mà anh đã dịch trong tạp chí Trí Tuệ Âm. Theo như anh viết cho tôi, còn một năm nữa tốt nghiệp đại học và anh sẽ trở về làm việc cho nền văn học Phật giáo. Người thanh niên có lý tưởng cao đẹp và yêu đời đó ai ngờ đã chỉ nhờ thấm nhuần có một giọt nuớc từ bi của Phật .....

Tâm Quán

(Tác giả Nhất Hạnh khi còn là chú điệu)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/10/2018(Xem: 3872)
Một cú điện thoại gọi đến vào giấc trưa im ắng đã làm cả nhóm sinh viên chúng tôi giật bắn cả người. Thằng Tiên, trưởng nhóm gia sư, vồ lấy điện thoại với vẻ mặt háo hức. Tiếng đầu dây bên kia: “A lô, xin lỗi … có phải nhóm gia sư trường Đại học Nha Trang không ạ?” “Dạ phải! Dạ phải!”, thằng Tiên vừa đáp vừa nheo mắt nhìn chúng tôi. “À, tôi cần một gia sư thật gấp!” “Kèm lớp mấy ạ? Môn gì ạ?” “Lớp 5, môn Toán. Con tôi nó thích học cô giáo, có cô không?”
19/10/2018(Xem: 12592)
Ở Ba La Nại xa xưa Trị vì là một vị vua lâu đời Vua sinh ra một con trai Lớn lên độc ác ít ai sánh cùng Kiêu căng, bạo ngược, tàn hung Khiến người hầu cận, tùy tùng không ưa
18/10/2018(Xem: 4894)
Giữa tháng 11 năm 2007, khi tôi đang nhập chúng, An Cư Kiết Đông tại Làng Mai, Pháp quốc, chờ được thọ giới Sa-Di-Ni trong Đại Giới Đàn Thanh Lương Địa, thì gia đình gửi điện sang, cho biết đã tìm được một chỗ khá tươm tất theo nhu cầu và khả năng của tôi, nhưng phải trả lời ngay trong vòng 24 tiếng!
14/10/2018(Xem: 4048)
Sức chịu đựng của tôi thuộc loại ghê gớm lắm. Tôi có được, luyện được sức chịu đựng ấy là nhờ học từ chữ Nhẫn của đạo Phật. Nhẫn là chiến thắng. Nhẫn là thành công. Nhịn nhường là bản lĩnh, là dũng cảm. Nhịn nhường là cao thượng, là bao dung. Tôi đã từng ngồi im cả tiếng đồng hồ để lắng nghe bà chị Hai chửi vì cái tội coi lén nhật ký của bả.
10/10/2018(Xem: 4530)
Một bệnh nhân vào phòng mạch, khám bệnh. Bác sĩ niềm nở : - Bạn có khỏe không ? Đó là câu nói đầu môi chót lưỡi rất ư là lịch sự mỗi lần gặp nhau để thay cho lời chào hỏi thường ngày của mọi người ở cái xứ sở đầy ắp văn minh này. Riết rồi thành thói quen.
10/10/2018(Xem: 5554)
Trời đã vào thu rồi mà nắng vẫn còn ấm, những đợt nắng trong veo như mật ong rải ánh vàng long lanh trên ngàn cây nội cỏ. Tôi lại nhớ những ngày thu ở Huế, dù chỉ là mùa thu mà trời đầy mưa bụi bay bay và gió lạnh run rẩy khi đạp xe qua cầu Tràng Tiền thời đi học. Nỗi nhớ như sợi tơ trời lãng đãng, vật vờ bay lượn giữa hư vô chợt sà xuống vướng mắc nơi góc vườn kỷ niệm.
09/10/2018(Xem: 4967)
“Định mệnh không là Định mệnh”, lấy theo tựa đề của một độc giả, người tôi chưa từng quen biết và cũng là lần đầu tiên đọc tác phẩm “Người tình định mệnh” của Hoa Lan. Cám ơn người đọc này đã khai ngộ cho tôi, chợt nhớ rằng trong đạo Phật không có chữ “Định mệnh” mà chỉ có “Định nghiệp”. Gây nghiệp nào sẽ từ từ xuất hiện nghiệp ấy liền tay. Một dạng của nhân quả!
09/10/2018(Xem: 3641)
Thăm người nghèo, sống một mình và cô đơn ở Frankfurt, Đức Tôi đến châu Âu nhiều lần và nhất là Đức. Tôi yêu Đức và thấy đây là quốc gia rất phát triển, rất văn minh. Đồ dùng của Đức thì quá tuyệt vời. Ở Pháp còn thấy nhiều người nghèo, kể cả lừa đảo. Ở Ý còn thấy trộm cắp. Ở Bỉ thấy kẻ xấu, móc túi… Nhưng ở Đức thật sự thấy văn minh và bất cứ dùng thứ gì ở Đức cũng luôn rất yên tâm.
06/10/2018(Xem: 5857)
Ngày nay, cảnh khổ bàng bạc khắp muôn nơi, vì chiến tranh, xung đột, thiên tai do tham sân si, đố kỵ, hơn thua, được mất của biết bao nhiêu phàm nhân trong thế giới vật chất khắc nghiệt xô bồ khó chịu này mà ra. Nhan nhản người khốn khó đang ngày đêm trông chờ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân bằng tịnh vật và tịnh tài để sống qua cơn bỉ cực. Nếu trong hoàn cảnh bỉ cực này của tha nhân, những ai có lòng từ mẫn chân thành chia sẻ tịnh tài hay tịnh vật dù ít dù nhiều tùy khả năng, thì việc bố thí nầy được xem như là Quảng Đại Tài Thí, như đã được Như Lai dạy trong Trung Bộ Kinh – 142: Phân Biệt Cúng Dường (Pali) như sau:
02/10/2018(Xem: 3918)
Tại nơi tịnh xá Trúc Lâm Thành Ba La Nại, mùa Xuân đã về Đất trời tĩnh lặng bốn bề Muôn hoa phô sắc sum suê trên cành Đàn chim vui hót lượn quanh Hương xuân phảng phất bên mành ngất ngây. Thế Tôn an tọa nơi đây Nhưng nhìn thấy cảnh đọa đầy phương xa
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]