Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngày xấu

02/10/201509:28(Xem: 3375)
Ngày xấu
phong canh 3NGÀY XẤU 
Hương Đức


 Hôm nay tôi đến nhà người anh họ để dự đám giỗ mẹ của anh ấy (cũng là mợ của tôi), nhìn lên bàn thờ thấy khói hương nghi ngút, thức ăn, trái cây bày cúng ê hề, lòng tôi bỗng nhói lên một niềm cảm xúc.

Thời gian trôi nhanh quá, mới đó đã mười hai năm. Nhớ lúc cha tôi vừa mất, khi chuẩn bị tẩn liệm cho người, mợ ấy đến nhìn mặt cha tôi lần cuối rồi khen rằng cha tôi chết không mất một miếng thịt (cha tôi mất đột ngột do tai biến mạch máu não), mấy tháng sau bắt đầu đến mợ ấy. Thế nhưng căn bệnh ung thư đại tràng đã hành hạ thân xác mợ gần một năm trời khiến mợ như chỉ còn da bọc xương. 
 
Vì tôi là thầy thuốc nên khi nào cần, con trai út của mợ – người trực tiếp nuôi mợ ấy – báo cho tôi biết, tôi sẽ đến tiêm thuốc bổ, truyền dịch trợ sức, cứ như thế kéo hết tháng này qua tháng nọ mãi cho đến trưa ngày 23 tháng 7 âm lịch năm đó thì mợ phát mệt dữ dội. Sợ mẹ mất vào ngày 23 (là một trong những ngày mà dân gian cho là xấu, đến mức “đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn”), thế là các người con của mợ vội vã đến nhà nhờ tôi tiêm thuốc, truyền dịch cho mẹ cốt sao cho bà qua khỏi ngày “xấu” đó.

Tôi thì vốn chẳng tin vào cái chuyện ngày xấu, tốt, tôi chỉ nghĩ ngày nào cũng là ngày của trời đất, như cha tôi thường dạy, nhưng ‘nghĩa tử là nghĩa tận”, lại thân tộc nhờ cậy, thôi thì cứ làm theo yêu cầu của họ, kẻo không lại mang tiếng là thằng ăn ở bạc tình. Khi tôi chuẩn bị dụng cụ, thuốc men xong, vừa định lên xe đi thì người con trai cả của mợ ấy đang định cư ở nước ngoài bỗng gọi điện về, anh ấy nói tự nhiên thấy nóng ruột quá nên gọi về hỏi thăm sức khỏe của mẹ anh, tôi bảo mẹ anh sắp mất, anh ấy khóc òa lên trong điện thoại, tôi nghe mà chảy nước mắt theo. 
 
Thật tội, vì miếng cơm manh áo phải bỏ xứ, rứt ruột ra đi, bây giờ cách nửa vòng trái đất làm sao kịp về với mợ trong phút giây sinh ly tử biệt này. Một lát sau, anh ấy trấn tỉnh lại, dặn tôi cố lo cho mẹ anh trong giờ phút cuối, ơn nghĩa này anh không bao giờ quên, anh còn bảo tôi nhớ ghi lại lời dặn dò, hình ảnh của mẹ anh trước lúc ra đi. Tôi nhận lời giúp anh ấy.

Thế là ngoài túi dụng cụ, thuốc men, tôi còn phải mang cả chiếc camera cũ kỹ và đồng thời cũng không quên mang đĩa VCD “bửu bối” theo. Sau khi tiêm thuốc trợ lực, truyền dịch được gần một giờ, mợ ấy tỉnh táo trở lại, ra dấu nhận biết tôi, mợ thì thào hỏi con tôi mạnh không (tôi có đứa con gái sáu tuổi, hay bệnh, mợ nhớ chuyện bệnh tật của nó nên hỏi thế), tôi trả lời xong liền lấy máy quay phim ra, nói: Mợ có nhắn gì thì nói đi, ngày mai con sẽ gởi phim này qua Mỹ cho anh Hai”. 
 
Mợ ấy trả lời : “Đừng có gởi sớm, đợi quay xong đám ma của mợ rồi gởi luôn cho đỡ tốn tiền”. Tôi nghe mợ nói mà xúc động lạ thường, thương người đàn bà tằn tiện cả đời để lo cho con ăn học, bây giờ đến giây phút cuối của cuộc đời vẫn sợ tốn tiền con cháu. Còn nhớ thời chiến tranh, gia đình mợ tản cư ở nhờ nhà của gia đình tôi, cậu tôi thì đi tập kết ra Bắc, bặt tăm bặt tích, bỏ mặc bầy con cho mợ quán xuyến. 
 
Mợ ấy, lúc đó, lớp mua bán ngoài chợ, lớp nhận may quần áo cho khách, lớp trồng đồ hàng bông bán, bươn chải không nề cực khổ để kiếm tiền lo cho bốn đứa con ăn học tới nơi, tới chốn. Tuy có tiền nhưng không khi nào thấy mợ dám mua bánh trái, thịt thà về ăn, tôi chỉ thấy mợ thường ra mé sông câu vài con cá lòng tong, cá chốt rồi kho qua quít ăn với các loại rau hoang dã hái trong vườn. Tất cả tiền bạc có được mợ đều dành dụm gởi cho con. 
 
Biết tánh hay tiện tặn của mợ, tôi hứa sẽ làm theo lời mợ dặn rồi hỏi mợ có nhắn dạy gì mấy đứa con không để tôi ghi hình. Mợ ấy nhìn tôi với ánh mắt xa xăm rồi nói: “Dạy cả đời rồi”. Sau đó mợ nhắm mắt làm thinh, hai giọt lệ lặng lẽ tuôn ra từ khóe mắt. Tôi bèn lục túi xách, lấy đĩa VCD đã đem theo – đĩa này thâu toàn tiếng niệm Phật A-di-đà của một vị cao tăng – tôi đưa cho các người con của mợ bảo họ mở cho mợ nghe, đĩa mở được môt lúc, tôi thấy nét mặt của mợ thanh thản dần theo tiếng niệm Phật. 
 
Đến khoảng 8 giờ tối, mợ ấy bỗng mở mắt nhìn những người thân xúm xít chung quanh rồi nói: Đã chết hai bàn chân rồi, không còn cảm giác nữa. Lát sau, mợ lại bảo đã chết đến đầu gối và cứ thế, mợ báo cho thân nhân biết cái chết đang chiếm dần cơ thể của mình. Đến khoảng mười giờ đêm, mợ bỗng nhìn tôi, bảo: Chết đến thận rồi, đau quá Đức ơi! Tôi chỉ biết nắm tay mợ động viên, thuốc men gì nữa trong phút giây này, tôi kề tai mợ dặn: Mợ gắng niệm Phật để về với Phật. 
 
Lúc gần 12 giờ, mợ lại bảo chết tới ngực rồi, khó thở lắm. Tôi lại động viên mợ niệm Phật, đôi môi mợ mấp máy theo tiếng niệm liên tục trong đĩa VCD, A-di-đà Phật, A-di-đà Phật. Qua mười hai giờ khuya mợ vẫn còn sống, hơi thở tuy còn nhưng đã mê man không phản ứng gì với những tác động bên ngoài. Đúng một giờ ngày 24/7, dịch truyền hết, tôi bèn hỏi những người con của mợ có muốn tiếp tục điều trị nữa không, họ bảo tôi đã làm đủ theo yêu cầu, không cần gì nữa. 
 
Tôi hiểu mình đã hết nhiệm vụ nên thu dọn dụng cụ, thuốc men, sau đó đến nhìn mặt mợ đang mê man lần cuối rồi cáo từ ra về. Trên đường về, tôi suy nghĩ, thật lạ lùng cho sự bình thản trước cái chết của mợ tôi, suốt mấy chục năm trong ngành y, tiếp xúc rất nhiều với những người hấp hối nhưng chưa bao giờ có người nào có thể bình thản mô tả cái chết đang tới từng phần cơ thể của mình như mợ ấy. Y như một người đóng kịch trên sân khấu, nhưng vở kịch này người diễn viên không bao giờ có thể trở lại với đời thường.

Mợ tôi mất lúc ba giờ sáng ngày 24 tháng 7, sáng đó tôi trở vào dự đám tang và tiếp tục ghi hình buổi tang lễ. Sau tang lễ, tôi gởi phim đã quay cho người con cả của mợ ở nước ngoài, anh ấy xem xong gọi điện về cám ơn tôi, anh ấy khóc rất nhiều, bảo rằng xem một lần cho biết chứ chắc không dám xem lại lần thứ hai, rồi anh lại khóc. Đột nhiên, đang sụt sịt trong điện thoại, anh ấy bỗng hỏi tôi với giọng bực bội: “ .. thằng nào thọc huyết heo ngay lúc tẩn mẹ tao vậy, làm ăn gì kỳ quá, heo la dậy trời trong phim”. 
 
Xứ tôi là vậy đó, trong nhà người chết vừa thẳng cẳng thì ngoài sân đã vật heo, thọc huyết để chuẩn bị đãi đằng. Người đi đám ma dù không muốn ăn vẫn bị lôi kéo ngồi vào bàn “ăn” một chút cho có “cái tình”. Thiệt kỳ cục hết sức, trong kia kẻ khóc than, vật vã, ngoài này người nhồm nhoàm ăn nhậu, chẳng ra làm sao cả…. Không biết đến bao giờ cái tập quán tệ hại đó mới bị dẹp bỏ cho đỡ chướng con mắt.

… Thế là tôi đã giúp họ hàng kéo dài thọ mạng của thân nhân, không phải chết trúng vào ngày “xấu” theo ý của họ. Sau đám tang tôi nhận được nhiều lời cám ơn và quà tặng. Chuyện ngày xấu, tốt thế nào tôi không quan tâm vì không tin vào chuyện đó; nhưng chuyện xảy ra cho thân nhân người chết sau đám tang thì tôi thường chú ý vì trong lời giảng dạy của Đức Phật, Ngài khuyên thân nhân người đã khuất nên tạo công đức lành để hồi hướng cho họ, Ngài còn bảo sự hồi hướng đó, người chết chỉ hưởng được một phần rất nhỏ, còn người sống được hưởng phước gấp nhiều lần từ việc làm của mình. 
 
Chuyện này liên quan đến người con trai út của mợ tôi, vốn là đệ tử lâu năm của thần lưu linh, anh ấy rất khoái làm thịt chó để chế biến món nhậu. Lẽ ra sau khi mẹ mất, anh phải cố gắng tạo phước lành, ăn chay, phóng sinh để hồi hướng cho thân nhân đã khuất như lời vị sư trụ trì hướng dẫn cho những người con khi đến chùa cúng tuần thất cho mợ, thì anh ta lại tích cực giúp hàng xóm hạ “cờ tây”. 
 
Sau khi mợ tôi mất khoảng một tháng, nhân có ông hàng xóm của anh ấy lợp lại mái nhà, ông ta cũng thuộc vào hàng đệ tử có đẳng cấp của thần nhậu, lại cũng là dân “hảo” thịt chó, ông ta tậu được con chó tơ mập mạp để làm thịt đãi mấy người bạn đến phụ lợp nhà. Thế là người con trai út của mợ tôi quên cả việc mình đang trong thời kỳ tang chế, ra tay giúp nhấn nước con chó cho đến chết rồi phụ ra thịt, ướp gia vị, bắc bếp lên nấu một nồi thơm phức. 
 
Lúc chờ thịt chín, anh ta leo lên nóc nhà trước tiên rồi bảo mấy người bạn lên theo, tranh thủ lợp nhanh nhanh để còn xuống nhậu. Không ngờ, chẳng biết do sơ ý hay do mải nghĩ đến nồi thịt chó đang bốc mùi thơm lừng mà anh ta ngồi lên cây đòn tay đã bị ải mục một bên; cây gãy, anh ta rớt từ nóc nhà xuống, xui xẻo lại rớt trúng cạnh bàn nằm bên dưới rồi văng xuống đất bất tỉnh nhân sự. Những người đàn ông có mặt ở đó xúm nhau kẻ giựt tóc mai, người bấm huyệt cho anh tỉnh lại, có người còn xoa bóp dầu nóng ở ngực. 
 
Anh ta đã tỉnh lại sau một hồi được săn sóc bởi mấy tay “nghiệp dư” với hai cái xương sườn bị gãy, mũi nhọn xương gãy do bị xoa bóp đã đâm vào phổi gây lủng phổi, phải đưa đi bệnh viện huyện cấp cứu. Ngày tôi đến thăm, thấy anh ấy ngồi thù lù trên giường bệnh, tay cầm chai đựng máu dẫn lưu từ phổi ra, tôi nói đùa: Bộ ở nhà ôm chai ba xị chưa đã sao lên tới đây còn ráng kiếm chai ôm nữa vậy cha? Anh ta bật cười rồi nhăn mặt vì đau…

Sau mấy tháng điều trị, vết thương, sức khỏe vừa ổn, anh ấy lại tiếp tục nhậu và tiếp tục hạ “cầy tơ”, đến ngày cúng giáp năm của mợ tôi, sau một chầu nhậu thịt chó, anh ta bắc chiếc thang xếp rồi leo lên thay một bóng đèn điện hỏng, không may chốt gài của thang bị tuột, thang ngã, anh ta bị té theo, chân trái bị gãy ở xương cẳng chân, phải chở đi bệnh viên cấp cứu và bó bột.

Thấy anh ta bị tai nạn hoài, mấy người lớn tuổi trong xóm bảo tại anh ta hay giết chó nên bị quả báo. Tôi thì không nói gì nhưng không lấy làm lạ về những việc đó, nhân nào quả đó mà thôi.

Đến cuối năm đó, lúc đang cúng đưa ông táo về trời, tôi lại “được” nhờ đi “kéo” một người sắp chết cho qua khỏi ngày 23. Người sắp chết là cha chồng của cô giúp việc gia đình tôi – cô ấy đã phụ giúp nuôi dưỡng mẹ của chúng tôi bị di chứng tai biến mạch máu não hơn mười hai năm, mẹ chúng tôi tuy đã mất nhưng gia đình chúng tôi và cô ấy vẫn liên lạc thường xuyên, chúng tôi luôn xem cô ấy như con cháu trong nhà – nên việc nhờ cậy này khó có thể từ chối, tôi vội soạn thuốc men, y cụ vào túi rồi đi cùng cô ấy. 
 
Khi đến nơi, các người con của người sắp mất đều đã có mặt, chỉ thiếu anh con trai út (là chồng cô giúp việc) đang trên đường từ thành phố về. Tôi kiểm tra thì mạch của người sắp chết hầu như không bắt được, huyết áp không đo được, tim đập nhanh, nhỏ, thở lấy hơi lên, phổi ứ đầy dịch, với tình huống này chỉ trong vòng hai giờ nữa là ông ấy sẽ ra đi. 
 
Lúc đó, người con trai út vừa về tới, một mặt tôi bảo cô giúp việc ngồi kế bên cha chồng niệm Phật và nhắc cha chồng niệm Phật theo, một mặt tôi nói với các người con và vợ của ông ấy về tình hình sắp ra đi của ông, khuyên họ bàn bạc thống nhất về việc có nên tiêm thuốc kéo dài thêm sự sống không, và tôi cũng nói lên quan điểm của mình về ngày xấu hay tốt. 
 
Sau một hồi hội ý, người con trai cả đến bảo với tôi, họ đã thống nhất không tiêm thuốc “hồi sinh”, trời bảo đi hồi nào thì đi hồi ấy. Nhận được quyết định đó, tôi rất vui mừng dù rằng mình bị “thất nghiệp”. Và ông ấy mất vào 11 giờ 30 ngày 23 tháng Chạp năm đó.

Qua giao tiếp lâu năm, tôi biết gia đình bên chồng của cô giúp việc là gia đình có truyền thống thờ Phật lâu đời, tôi hay gặp cha chồng cô ấy đi chùa, vị trụ trì ngôi chùa lớn trong xã rất quý trọng ông ấy, lệ thường, sau khi ông ấy đến chùa đó lễ Phật, do nhà xa, tuổi lại cao, thầy trụ trì hay trực tiếp chở hoặc cho người đưa ông ấy về nhà sau lễ cúng. 
 
Lúc còn khỏe, ông ấy có chân trong hội chữ thập đỏ của ấp, nhà nào có tang ma ông thường đến gúp đỡ rất nhiệt tình, hễ có thân nhân vừa mất là người ta nghĩ ngay đến ông ấy. Con cái ông ấy theo gương cha nên ăn ở hiền lành, hay giúp đở hàng xóm..

Ngày tang lễ của ông ấy, những người con đã tổ chức một lễ tang chưa từng có tiền lệ ở xã nhà là cúng kiếng, chiêu đãi toàn bằng thức ăn chay. Việc làm đó tạo hai phản ứng trái chiều, những người thích ăn nhậu thì chê đãi ăn gì toàn tàu hủ với rau củ, họ nói mỉa mai, đãi như thế, xong đám chắc lời to, còn những người lớn tuổi, Phật tử thì hết lời khen những người con biết tạo phước lành cho cha…

Sau đám tang, những người con của ông ấy thường đi chùa cúng dường, cầu nguyện, lại hay tổ chức lễ phóng sanh, họ dùng tiền phúng điếu xây được một cây cầu bê-tông nhỏ bắc qua kênh trong xóm… Tất cả những việc làm đó họ đều hồi hướng cho cha mình khi cúng nguyện trong các tuần thất ở chùa.

Nhân nào thì quả đó, nửa năm sau, đứa cháu nội đích tôn của ông ấy trúng tuyển vào đại học, cả họ hàng đều mừng, đó là người đầu tiên của dòng họ đậu đại học, bởi họ xuất thân từ tầng lớp nông dân, chuyện khoa cử luôn xa tầm tay với ông bà, cha mẹ. 
 
Ngoài ra, người con trai út của ông ấy sau bao năm xa nhà, làm thuê trên thành phố, đã tìm được việc làm tại địa phương với mức thu nhập tương đương trên thành phố, làm việc gần nhà, anh có điều kiện săn sóc mẹ già, lo cho gia đình, vợ anh ta thì khỏi phải nói, vui mừng khoe với chúng tôi với nụ cười rạng rỡ trên môi… Và còn nhiều việc may mắn khác nối tiếp đến với những người con khác của ông ấy.

Đôi lúc, chợt nghe ai đó nhắc tới những ngày mùng 5, 14, 23, tôi lại nhớ đến hai câu chuyện trên, một dòng họ được tôi dùng thuốc men giúp cho thân nhân không mất vào ngày “xấu”, nhưng với lối sống theo dục lạc thế gian, không biết tạo phước, hay sát sanh nên tai họa đến hoài, còn một dòng họ chấp nhận người thân ra đi theo lẽ tự nhiên của trời đất, mất đúng vào ngày dân gian cho là xấu nhưng họ biết sống theo lời Phât dạy, gieo phước lành, phóng sanh nên phước liên tục đến. 
 
Ngẫm lại, họa hay phước không phải do ngày tháng xấu, tốt tạo ra; họa hay phước là do nhân quả mà có, gieo nhân lành thì có quả ngọt, nhân xấu thì quả đắng, không thể khác được. Chỉ có vấn đề là nó đến nhanh hay chậm mà thôi.  
 
(Văn Hóa Phật Giáo 185)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2011(Xem: 2663)
Mẹ tôi qua đời đã hơn 10 năm rồi, nhưng cái bếp thân yêu, như là chỗ ghi nhớ bóng dáng mẹ, thì vẫn được các em tôi dùng làm nơi đun nước hàng ngày...
23/08/2011(Xem: 2393)
Vào một năm không nhớ rõ năm nào, trời làm hạn hán khủng khiếp, nắng lửa hết tháng này đến tháng khác thiêu cháy cây cối...
23/08/2011(Xem: 5612)
Xưa có một gia đình rất đông con, đông đến nỗi bố mẹ không nhớ hết được tên từng đứa. Người chồng tên Đang, người vợ tên Phang.
23/08/2011(Xem: 2153)
Một ngày mùa hạ, trời mưa to nước lũ tràn về. Chàng đem củi đi chợ bán, vì nước lũ tràn về nhanh quá, không thể lội qua sông...
23/08/2011(Xem: 2524)
Ngày ấy có đôi bạn chí thân là Quắc và Nhân. Họ đều là con nhà học trò nghèo, lại đều mồ côi cha mẹ, Quắc được học nhiều hơn bạn...
23/08/2011(Xem: 3081)
Ngày đó trâu cùng nói một thứ tiếng với người. Nhờ thế người dùng lời nói để sai khiến con vật theo ý muốn của mình rất tiện.
05/08/2011(Xem: 14416)
Khi vua Tịnh Phạn hay tin Phật thành đạo, nhà vua và dòng họ Thích rất vui mừng. Lúc ấy, em trai vua vừa sanh hoàng tử và xin vua Tịnh Phạn đặt tên. Vua liền đặt tên Khánh Hỷ (Vui Mừng), tức là tên của ngài A Nan.
01/08/2011(Xem: 2726)
Bằng đức độ, lòng từ bi và trí tuệ siêu tuyệt, Nhị Tổ Pháp Loa chinh phục được mọi hạng người trong xã hội, từ vua quan đến quân sĩ...
30/07/2011(Xem: 3441)
Ấm trà phúc đức, Tương truyền 500 năm về trước, tại huyện Mỹ Nùng có một vị tu hành đức hạnh tên là Chánh Thông pháp sư, nhân muốn lập một tòa tùng lâm tại nơi này, đã đặt chân khắp nơi để tìm địa điểm mà vẫn chưa tìm thấy. Có một đêm, pháp sư ra suối tắm, khi trở về qua khu rừng, dưới ánh trăng trong vằng vặc, bỗng nghe có tiếng nho nhỏ gọi: - Lão Pháp sư! Lão Pháp sư! Người dừng bước trông chung quanh không thấy một bóng ai cả, trong lòng lấy làm kỳ quái tưởng là mình nghe lầm nên cứ thản nhiên tiến về thảo am. Nhưng vừa đi được vài bước, lại nghe có tiếng gọi: - Pháp sư! Lão Pháp sư! Chánh Thông pháp sư liền theo hướng tiếng gọi phát lên mà tìm đến coi thử thì thấy trong đám cỏ dại um tùm trước hoang viện, hiện ra một người giống hệt dáng hồ ly, chắp tay vái pháp sư. Pháp sư hoan hỷ hỏi: - Thế ra nhà ngươi gọi ta? - Dạ đúng! Người đó trả lời. - Vậy ngươi có chuyện gì muốn nói cùng ta Pháp sư hỏi. Người đó chớp chớp đôi mắt nói : - Có phải lão Pháp sư định tìm một
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]