Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 14. Dục vọng và đam mê

18/07/201509:48(Xem: 3119)
Chương 14. Dục vọng và đam mê
TỰ TRUYỆN MỘT NGƯỜI TU 
Thích Hạnh Nguyện 

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
CHƯƠNG 14
DỤC VỌNG VÀ ĐAM MÊ

Lòng khao khát dục tình của  phụ  nữ đối với người nam, không thể so sánh được với cơn khát mong được nước uống.  Sự  nghĩ tưởng khao khát dục tình của người nam đối với phụ nữ, không thể so sánh bằng cái đói của người mong có được miếng ăn. Cái khổ của  một người không được thỏa mãn dục tình, sẽ đốt cháy cháy xương tủy họ trong đêm ngày. Lama Gendun

Trong ánh sáng mờ mờ ảo ảo của cảnh giới trung ấm, tâm thức con người do sự chi phối của nghiệp lực bị cuốn hút bởi một lực xoáy rất mạnh. Kinh bản về Bardo (trung ấm giới ) thuộc mật tông Tây Tạng  kể khá rõ về những diễn tiến này và cho biết, do vì lòng dục và sự đam mê vô ngần mà con người tự dẫn mình vào những cảnh giới tái sinh trong luân hồi. Do sự huân tập và bị chìm đắm trong dục vọng từ muôn kiếp xa xưa, nên tâm thức con người tự tìm đến nơi chốn tác dâm để bị thọ cảnh đầu thai. Lòng dâm của tâm thức ấy khởi lên mạnh mẽ đối với người nam và muốn cùng người ấy giao hợp, tâm ấy tức thời nhập vào thai mẹ và làm thân nữ; lòng dâm khởi lên mạnh mẽ đối với người nữ và muốn cùng  người  ấy giao hợp, tâm ấy tức thời nhập vào thai mẹ và làm thân nam.

Đi vào đời  sống tu hành, tôi được học khá rõ về những diễn biến của tâm, nguyên nhân và các kết quả để đưa đến việc hình thành sự sống của một sinh vật. Trong quá trình sinh khởi và tạo tác này, tâm đóng một vai trò chủ yếu để có thể đưa sinh vật ấy trở thành một sinh vật tối cao như những bậc giác ngộ, hay cũng có thể  đưa sinh vật ấy đi vào những cảnh giới đọa lạc thấp kém nhất trong dòng  sống chết. Được học và hiểu biết về tâm chính là được học và hiểu biết về chính nơi con người mình, mà nơi đó những trạng thái phức tạp về tâm lý chưa từng được nhà trường và thế giới vật chất này chỉ dạy. Một trong những trạng thái tâm lý mà tôi muốn trình bày ra đây là trạng thái dục vọng của con người, nguyên nhân dẫn đến tái sinh cũng như mang đến những nổi khổ trầm luân đọa lạc. 

Như trong kinh luận mô tả, thì ngay từ khởi thủy của mầm sống con người, dục vọng đã được phát ra một cách mạnh mẽ trong cảnh giới trung ấm và dẫn đến tiến trình nhập thai và tái sinh sau đó. Nhưng dục vọng thật ra cũng chỉ là tên đầy tớ trung thành của vô minh, ông chủ người tạo tác ra tất cả. Khi sự sống bắt đầu qua thân thể vật lý, tồn tại và phát triển theo thời gian, thì dục vọng đi kèm với vô minh luôn là người đồng hành thân thiết nhất của chúng ta. Thân thiết đến nổi chúng ta không thấy có mình hiện hữu nếu không có dục vọng và vô minh kia đi cùng. Thế nên con người chúng ta dần dần đã nghĩ và sống với những  gì dục vọng và vô minh cho phép chúng ta nghĩ và sống. Cuối cùng chúng ta không thể thấy biết gì hơn là nếu chúng ta không nghĩ và sống như dục vọng và vô minh đã chỉ cho chúng ta nghĩ và sống;  không nghĩ và sống như vậy thì dường như chúng ta thấy mình không đúng phải là đang nghĩ và đang sống trong đời sống con người này. Tự nhiên chúng ta cảm thấy xa lạ với những gì ngược lại với dục vọng và vô minh, tự nhiên chúng ta cảm thấy trí tuệ và vô dục, là những gì hụt hẫng mất mát nhất trong đời sống làm người.

Đơn giản nhất là chuyện con người khi lớn lên phải sống đời sống có gia đình hay phải đi tu. Sống đời sống gia đình là thường sống theo dục vọng và sự sai sử của vô minh; đi tu là thường sống theo trí tuệ và học đòi hạnh vô dục, nhưng chắc chắn là chuyện đi tu sẽ bị người ta gạt sang một bên và xem đó như là chuyện bất thường.  Sống đời tu hành rõ ràng là có nhiều sự mất mát trong đời sống con người, và ai ai dường như cũng đều nghĩ vậy khi họ mường tượng đến chuyện bỏ đời sống gia đình để đi tu. Họ đã quá quen thuộc trong sự nghĩ tưởng rằng, con trai lớn lên là phải cưới vợ, con gái lớn lên là phải lấy chồng. Nhưng tại  sao ai ai cũng đều nghĩ và sống với những ý tường như vậy? Hay đó là một định luật  chung của con người. Nếu xét nó là định luật chung thì tôi phải xét nó là định luật chung của si mê và vô minh thì đúng hơn và con người là bạn hữu thân thiết của nó. Vì chính si mê và vô minh mới đưa đẩy con người đi vào một đời sống hạnh phúc ảo tưởng. Người ta biết cái hạnh phúc ảo tưởng trong đời sống gia đình, người ta biết bên ngoài đời sống hạnh phúc ảo tưởng đó cũng có những đời sống khác hạnh phúc tốt đẹp hơn. Nhưng khi động chạm đến bản ngã, đến cái "của tôi và thuộc về tôi" này,  họ không muốn những cái "của tôi, thuộc về tôi" ấy được sống biệt lệ khác họ. "Mày phải cưới vợ để có con nối dõi tông đường, con phải lấy chồng để có cháu nội, cháu ngoại cho cha, cho mẹ"!

Tôi hay hình dung ra hai cảnh tượng như vầy: một hình ảnh của người con trai, con gái xuất gia đi tu, sống trong sạch với thân thể và chiếc áo tu hành. Hàng ngày họ tập bỏ bớt những ý niệm tham lam, sân hận, ích kỷ và si mê. Họ học những gương lành cao thượng trong từng ý nghĩ lời nói và việc làm, họ học cách lo nghĩ và cứu giúp cho người hơn là chính họ, học cách sống thanh đạm, yên tĩnh, trong sáng của thân và tâm. Hình ảnh của những người con trai, con gái nếu sống được như vậy là những hình ảnh đẹp đẽ của một đời sống thanh tao và cao thượng. Họ chưa từng được hiểu biết và học hỏi về những tính tình tham lam, giận dữ, ghen ghét, ích kỷ trong con người họ, nên họ thường dùng thời gian để coi ngó và canh chừng nhau, họ tức giận và sẵn sàng đánh đập, chửi rủa nhau khi không vừa ý hoặc trái nghịch quan niệm. Họ say đắm trong các thú yêu đương, đòi hỏi thỏa mãn thể xác của nhau mà chưa từng chán ngán. Tâm hồn trong sáng của một người con trai, con gái khi mới lớn bị buộc phải nghĩ đến chuyện yêu đương, ái ân, ghen ghét, buồn bực, lo tìm phương cách để kiếm tiền, kiếm danh trong đời sống cho hai người hơn là nghĩ cách để gạn lọc bớt những tư tưởng tham lam, giận dữ, ích kỷ, xấu xa khác trong tâm hồn. Thời gian trong ngày và trong  suốt cuộc đời họ sẽ không còn có để nghĩ cho sự buông bỏ, nghĩ cho tha nhân và nghĩ cách vượt ra khói cái thế giới đắm say mà họ đang sống. Họ chỉ nghĩ  đến cách nào để được thâu vào nhiều nhất, mau nhất mà bất cần những sự mất mát, lỗ lãi của cái được và mất đó. Rõ ràng là cũng hai người ấy nhưng hai hình ảnh ấy quả là khác biệt và đối chọi với nhau làm sao. Ai cũng biết đời sống nào thanh cao, có hạnh phúc, ích lợi cho mình và người, và ai cũng biết đời  sống nào nhỏ nhen, nhiều khổ và ít vui. Vậy mà ai cũng buộc con trai, con gái mình đi theo con đường cũ ấy thay vì đi đến con đường của sự hy sinh, thanh cao và biết lo cho người.

Tìm hiểu sâu xa hơn về việc lấy vợ gả chồng thì bên trong ấy là gì nếu không phải là để ăn nằm, thương yêu, ghen ghét, cãi vã, giận lẫy, khóc cười, đánh đập, sợ hãi và lo lắng cho nhau. Những phật tử thường xuyên đi chùa tu tập, ai cũng biết và rõ về đời sống của người xuất gia là thanh cao, tốt đẹp và có nhiều sự an lạc hạnh phúc, nhưng ai cũng muốn con mình phải lấy vợ lấy chồng khi lớn lên và hãy tránh xa đời sống xuất gia tu hành của mấy ông thầy! Vậy thì con người chúng ta ngay cả những người phật tử có  học đạo thích một đời sống có trí tuệ và ít dục? hay vẫn thích một đời sống có nhiều dục và ít tuệ? Nói để chúng ta cùng  hiểu và có một ý thức nào đó trong sự việc này. Ở đây riêng tôi dù sao tôi cũng cảm thông điều này với mọi người, vì chính tự trong bản ngã vô minh sâu dày nơi tôi cũng thường muốn sống một cuộc sống nhiều dục ít tuệ kia mà!

Tôi đã bắt đầu nhìn lại nơi chính mình để tìm ra hai người bạn thân thiết nhất là dục vọng  và vô minh. Chẳng khó! nó ở ngay bên tôi trong từng ý nghĩ và hành động, nhưng thật là khó nếu chúng ta không biết nhìn lại nơi mình để tìm. Tìm thấy  và biết được là một vấn đề; nhưng để sống ngược lại với những gì mà dục vọng và vô minh sai sử là cả một vấn đề nhức nhối trên đoạn đường tu hành. Sự học Phật chỉ cho tôi nhận biết một cách rõ ràng, đâu là dục vọng, đâu là vô minh; và sự tu hành chỉ bày cho tôi phương pháp  để đoạn giao với hai đứa bạn thân này.  Không biết nhân duyên nào và tại sao mà tôi lại phải sinh vào một nơi chốn và thời đại khó khăn nhất cho sự tu hành tháo gỡ dục vọng. Chung quanh tôi là  đời sống của dục vọng và xã hội đề cao về dục vọng. Dục vọng bình thường nếu đã được con người chấp nhận từ xa xưa, thì ngày nay trong các xã hội phát triển, dục vọng  theo kiểu phát triển cũng được con người trong các xã hội này chấp nhận theo những hình thức mới. Nếu đời sống của thân thể vật lý này đòi hỏi cần có những nhu yếu vật chất mới, thì đời sống tâm lý người ta cũng đòi hỏi những nhu yếu thỏa mãn mới, đó là nhu yếu thỏa mãn dục vọng của con người. Con người trong các xã hội ngày nay đã chấp nhận nó và gián tiếp cổ động nó nữa là khác.

Xã hội ngày nay là xã hội của cái dục và dường như con người, xã hội càng văn minh tân tiến bao nhiêu thì họ lại càng muốn gần gũi hơn với cái dục bấy nhiêu, tiêu biểu là dục vọng của xác thịt. Con người ngày nay không những đã được xã hội chấp nhận những những cử chỉ ấu yếm tình ái một cách tự nhiên trên đường phố, mà họ còn được yêu nhau và kết hôn giữa một số người đồng tính. Những hiện tượng này đôi lúc tôi không nghĩ là do ở nơi cơn bệnh hoặc nơi tâm lý khác thường, mà do lòng dục của con người tăng trưởng quá độ nên phải đi tìm và sống với những cảm giác mới lạ, khác  thường. Người nam làm chuyện tình dục với người nam, người nữ làm chuyện ấy với người nữ; họ kết thành nhóm, đoàn thể tổ chức để tranh đấu cho được cái gọi là "quyền tự do đời sống cá nhân" của mỗi con người. Bên Mỹ, bên Pháp và một số nước phương Tây khác họ sống hàng mấy trăm ngàn cặp như thế này trong một số vùng riêng biệt của họ. Tìm hiểu hiện tượng này bên xứ Tây Tạng, người ta không thấy có xảy ra, ngay cả từ ngữ: homosexual cũng không có trong ngôn ngữ Tây Tạng. Vậy thì chúng ta có thể hiểu rằng, một đời sống tâm linh cao thì các hiện tượng này sẽ không xảy ra hoặc hiếm thấy xảy ra; còn đời sống vật chất ngày càng cao theo sự  đòi hỏi không ngừng của cái gọi là: "quyền tự do cá nhân" ở các xứ phương Tây, thì các hiện tượng đồng tính luyến ái này ngày sẽ càng phát triển không ngừng.

Ngoài cái tâm lý bệnh hoạn về vấn đề làm chuyện tình dục giữa những người đồng tính với nhau, con người ta cũng không quên bán đứng cái đạo đức và nhân phẩm căn bản của con người, khi bắt đầu tìm đến các trẻ em để làm những chuyện tình dục ấy. Làm sao mà con người ta có thể trơ trẽn và nhơ bẩn đến độ đi tìm các cuộc vui thú xác thịt với những người đáng tuổi con, tuổi cháu của mình. Nạn nhân của những xã hội vật chất, xã hội đồng tiền chính là những em bé gái, bé trai tuổi chưa quá mười, mười lăm mà phải bị.đưa đẩy vào những lò bán thịt để chịu sự nhơ nhuốc và hạnh hạ như vậy suốt cả một đời. Chủ nhân của các hiện tượng ấy cũng không ai hơn là những người có cùng màu da, cùng máu thịt đáng hàng cha, hàng chú của các em nhưng lại muốn ăn nằm và đày đọa các em trong những cơn đam mê và điên khùng nhất.
 
Ai đã  tạo ra những thảm trạng này? nguyên nhân nào đã dẫn đến những tình trạng đau thương và không có lối thoát?  Chính chúng ta và  chính  lối tư duy bản ngã của mỗi người đã tạo nên thảm trạng và tình cảnh đau thương này. Cảnh trạng này chỉ có thể xảy ra khi mình hoặc cố tình hay vô tình dự phần vào trong đó, và khi mình chỉ có hiểu và tin về những khoái lạc của đời sống dựa trên thân này và chỉ trong đời sống này. Chính niềm tin và lối sống như vậy của nhiều con người mà các hiện trạng được mệnh danh là tự  do, tiến bộ đã làm mồi dẫn đến những tình trạng bế tắc trên. Chính những xã hội chủ trương vật chất hóa đời sống, mà quên phần đạo đức hóa con người đã tạo nên những hiện tượng tai họa này. 

Trong bản tin đài VOA gần đây người ta tổng kết ở nước Mỹ không thôi mà trong năm 96 vừa qua đã có trên 500,000 trẻ em bị buôn bán và bị buộc làm những chuyện tình dục.  Theo bản báo cáo cơ quan bảo vệ quyền làm người của Liên Hiệp quốc, thì mỗi năm có 2 triệu trẻ em từ 5 đến 15 tuổi bị buôn bán vào ngành mãi dâm. Những người buôn bán trẻ em trong các hoạt động mãi dâm như vầy đã có tổ chức hẳn hòi qua các đường dây quốc tế từ Á, Phi sang Âu và Mỹ và ngược lại. Song song các hiện tượng này là những phương tiện giải trí có tính cách khơi động lòng dục trong con người, nay được phát triển và nhanh chóng lan tràn khắp mọi quốc gia. Sự tiến triển kỹ thuật qua hình ảnh và âm thanh  đã giúp con người ta rất nhiều trong sự phát triển xã hội, nhưng bên cạnh cũng phá hoại con người rất lớn trong lãnh vực làm tăng cường khả năng thôi thúc dục vọng, cũng như làm mất dần đi những  giá trị đạo đức căn bản khi trước của xã hội. 

Một lần tôi được xem cuốn phim: "Nhật Bản cái gì cũng có" và trong phim này trình chiếu nhiều cái thật của xã hội Nhật Bản ngày nay, trong đó có nhiều màn ăn chơi và hưởng thụ theo lối sống mới của những người Nhật Bản hiện đại. Quả thật là một khi bước vào lãnh vực ăn chơi và sa đọa thì con người ta càng ngày càng dấn sâu hơn với những trò lạ lùng. Người ta cho đó là cái vui của cuộc đời, do cái nhu cầu đòi hỏi của con người thời nay quá lớn nên dần dà những hiện tượng vui thú tình dục yêu đương, đôi khi có tính cách quái đản và lạ đời cũng được xã hội mặc nhiên chấp nhận. Trong cuộc phỏng vấn của những người làm phim Hồng Kông với những người làm phim ở Nhật Bản, họ cho biết mỗi một tháng tại Nhật người ta ước tính có khoảng 10,000 cuốn phim về tình dục được cho ra đời. Khi xem phim tôi không thể tưởng tượng và tin được cái mức phát triển và nhu yếu  đòi hỏi về mặt tình dục trong đời sống của người dân Nhật là như thế nào. Nhưng khi có dịp qua Nhật năm ngoái cùng thầy tôi thì tôi mới có dịp để hiểu tường tận hơn về các lãnh vực sa đọa của người dân xứ này. Đâu đâu tôi cũng  thấy các tiệm cờ bạc và đâu đâu tôi cũng thấy các tiệm phim ảnh, báo chí  khiêu dâm bày bán đa dạng không thiếu loại nào. Có lẽ tôi phải cho rằng đối với người dân Nhật Bản ngày nay, nhu yếu đòi hỏi để sống và thỏa mãn về mặt tình dục còn quan trọng hơn cả cái sống, ăn và mặc hàng ngày của họ.

Kỹ thuật thông tin qua hệ thống Internet hiện nay cũng là một vấn đề làm nhiều người chú ý và suy nghĩ. Những tiến bộ và lợi ích qua việc sử dụng hệ thống này ai cũng đã rõ, nhưng bên cạnh những hiện tượng xấu khác cũng quan trọng và nguy hiểm không kém qua việc tác động tâm não của con người. Intemet là con dao hai lưỡi; đời sống văn minh, vật chất, hưởng thụ ở những xã hội Tây phương cũng là con dao hai lưỡi vì nó có thể cho ta sự sung sướng và một vài tiến bộ nào đó trong nhận thức, nhưng mặt khác cũng chính nó làm con người ta sa lầy trong ấy, kéo người ta ngày càng xa dần đời sống tinh thần đạo đức như thuở nào.

Quả thật là phạm vi tự do của những xã hội Tây phương đã đi đến mức quá trớn của nó khi những người xấu chỉ biết có đồng tiền đã nhắm khai thác điều này để trục lợi mưu sinh bất kể hình thức nào. Những hiện tượng phim ảnh, sách báo khêu gợi lòng dục ngày nay không chỉ nằm trong phạm vi trong các tiệm, các siêu thị trên đường phố mà nằm ngay ở các phim ảnh thường chiếu, có thể đủ mọi hình thức thấy được trong đời sống hàng ngày. Thế nên đối với một người tu, một người có ý hướng đời sống mình đến những điều thánh thiện, muốn dùng đúng nghĩa của một kiếp người trong chiều hướng thăng hoa đời sống tâm linh thì những cái hướng thụ, sa đọa về mặt dục tình ở những xã hội Tây phương quả là một điều đáng sợ và cần nên tránh. 

Đạo Phật dạy cho tôi khi  nhìn vào những vấn đề này thì phải nhìn cái gốc lỗi lầm và nguy hại của nó, chứ không nên đánh giá và phê phán mặt ngoài. Mặt ngoài đây là các hiện tượng đòi hỏi và muốn sống thác loạn trong sự hưởng dục của con người ở những thời đại này. Đó là một sự thật và là diễn tiến tất nhiên của cái mà đạo Phật gọi là: "thời kỳ mạt pháp". Thời kỳ mà con người xa dần đạo đức, không muốn tu tâm dưỡng tánh và làm các điều thiện; thời kỳ mà người ta xích lại gần hơn với đầy đủ các loại dục vọng mà con người tự chế ra. Thế nên tự trong thâm tâm tôi chẳng bao giờ miệt thị, và phê phán con người với những hiện tượng sa đọa xảy ra cùng nhịp trong đời sống hàng ngày của họ. Tôi thấy rõ những khó khăn mà con người trong đó có chính tôi đang phải giáp mặt khi sinh vào thời kỳ này, và vào những xã hội như vậy. Thấy, hiểu rõ và tìm cách vươn lên là những  gì tôi đang cố gắng làm; thông cảm, thương xót và tìm cách cứu giúp là những gì tôi muốn trải và ban ra cho người. Chỉ một tâm niệm ấy thôi lòng tôi cũng đủ cảm thấy an vui và hạnh phúc lắm rồi.

Tôi không biết phải nói rằng, đâu là điều hay đâu là do khi tôi trên cương vị của một người tu sĩ lại biết quá nhiều về những chuyện ở ngoài đời. Lẽ ra một người tu sĩ đứng đắn thì không nên hiểu và biết những chuyện không cần hiểu và cần biết, thế nhưng tôi đã hiểu và biết khá nhiều rồi. Có lúc tôi cảm thấy mình đúng là một người tăng sĩ hư đốn vì đã nghĩ tưởng quá nhiều, đôi khi bậy bạ nữa là khác bên trong cái sự hiểu biết khá vớ vẩn kia. Có lúc tôi lại tự hỏi với chính mình  rằng, có ích lợi gì khi tôi biết những điều như thế và nó có ích lợi gì trong sự tu tập hàng ngày của tôi. Nếu tôi không biết những điều mà thế gian đã biết, nếu tôi tự che mắt mình hết thảy những hiện tượng sống thật của một con người thì sự tu hành của tôi sẽ ra sao, có những lợi ích gì trong những hiểu biết hạn hẹn và khuôn khổ của mình. Nhưng thật ra tự thâm tâm tôi phải có sự thú nhận rằng, tôi thích và  muốn tập một đời sống tu hành vô nhiễm đối với cuộc đời, hơn là vô minh (không biết gì) đối với cuộc đời. Thế nên cái nhân duyên nào đó tiềm tàng  trong tâm thức, đã đưa dẫn tôi đi qua từng giai đoạn một để có sự hiểu biết và cảm thấu sâu vào cuộc đời. 

Tôi đã học được bài học đầu tiên về tình yêu và dục vọng từ nơi cửa ngõ của học đường, môi trường để dẫn dắt con người ta tập tễnh bước vào cuộc đời. Ở những xã hội  phương Tây, vấn đề kiến thức và hiểu biết về đời sống tình dục giữa người nam và nữ là một điều hết sức tự nhiên, cần phải kinh nghiệm. Ngay từ lớp bảy lớp tám ở Đan Mạch các em học sinh nam nữ đã được học kỹ càng về cơ thể con người, và những phát triển sinh lý tự nhiên trong cơ thể. Ngoài xã hội, trong học đường việc trai gái đứng tự nhiên ôm hôn nhau là điều thường thấy. Các sách báo, phim ảnh chỉ dạy về những phương pháp ái ân cũng được bày biện, và cho mượn rộng rãi trong các thư viện. Thế nên muốn tìm hiểu và nói về vấn đề này đối với những ai đã từng sống trong các xứ Âu Mỹ chẳng phải là vấn đề khó, tuy nhiên để có một nhận thức và hiểu biến đúng đắn  về vấn đề này, có lẽ cần phải được soi sáng dưới cái nhìn trí tuệ của đạo Phật.

Tôi là một người rất thích về nghệ thuật và phim  ảnh nên trong những năm   trung học ở trường, môn tôi chọn học thêm là môn phim ảnh. Rồi cũng có lẽ một phần là do những hiểu biết nông nổi của tôi về môn học này, vì cho rằng học môn này là khoẻ và sướng nhất vì khi vào lớp là chỉ xem phim và phân tích, thế thôi.  Dĩ nhiên tôi cũng đoán trúng  phần nào nhưng bên trong quả cũng có những điều khúc mắc của nó. Những tháng  năm học trôi qua, cái tật mê xem phim của tôi được đền bù bằng hàng trăm cuốn phim thượng vàng hạ cám trong các tiết học. Từ những phim thời sự xưa như trái đất cho đến những loại phim quảng cáo, rồi những phim chiến đấu ác liệt cho đến những loại phim làm tình nảy lửa;  tất cả đều được đem ra chiếu và bàn bạc lung tung, làm tôi có lúc cũng thấy hứng khởi và có lúc ngồi ngủ gà ngủ gật trên bàn.

Hôm đầu tiên xem những loại phim đó, tôi sợ hãi vô cùng, trán toát mồ hôi, tim đập mạnh, len lén nhìn quanh coi tụi bạn cùng lớp có để ý không. Thế nào tụi nó cũng nghe và nói thầm trong bụng về tôi cho mà xem: "Người tu mà cũng xem những phim như thế này à!". Một mặc cảm tội lỗi nào đó len lén âm thầm nổi lên,  rồi một mặt tôi muốn ra về, một mặt tôi nghĩ "về là mất tiết học và không lẽ cứ mỗi lần đến giờ này tôi lại bỏ học, một mặt nữa tôi tò mò muốn ở lại coi cho biết". 

Lẽ ra tôi phải hiểu rằng, tôi được phép hiểu và sống như những con người khác trên trần gian này, nhưng không được phạm như những người thế gian đã phạm, đó là bước chân vào đời sống gia đình. Tôi có thể tự cho phép mình hiểu tất cả những điều mà những người tu trước tôi, những bậc thầy ở các thế hệ trước tôi chưa từng hiểu, vì tôi có được môi trường và điều kiện để hiểu như vậy.  Trưởng thành ở một xã hội Tây phương, có hiểu biết và nhận thức để đưa tôi đến việc xuất gia dĩ nhiên không phải là một việc làm tình cờ, bị ai đó dụ mà tôi đã phải trải qua một quá trình phấn đấu nội tâm để đưa đến việc buông bỏ. Nhưng dù biết rằng tôi có đủ tố chất trong sáng và can đảm khi đối mặt với thực tại cuộc sống - tình yêu và dục vọng-, tôi vẫn cảm thấy e ngại và mặc cảm tội lỗi. Có lẽ tôi đã được dạy và bị răn đe quá kỹ về các vấn đề này chăng? hoặc cũng có lẽ cái học luân lý cổ truyền của tinh thần Khổng Lão đã nhập tâm tôi tự thuở nào. Sinh ra làm một người Á Đông là con người ta đã sinh ra với một nền luân lý cổ truyền rồi. Ai mà dám đi  khác được khi trên đầu mỗi người mang một màu tóc đen, da màu vàng và cái khổ người nhỏ thó. Chính ở những điểm ấy mà những con người mang dòng máu và văn hóa đạo đức Á Đông thường hay tự hào về họ. Nhưng trớ trêu thay vì do một hoàn cảnh và nhân duyên nào đó, con người và văn hoá đạo đức Á Đông đã được đọ sức với con người và văn hoá phương Tây. Cả hai cùng gặp nhau trên một bình diện của đời sống trong cùng một xứ sở, một xã hội có nhiều tương phản. Người bản xứ cao, người Á Đông thấp, đời sống người bản xứ chủ trương hướng ngoại, vật chất hóa; đời sống người Á Đông chủ trương hướng nội, tâm linh; họ chủ trương cá nhân với những đòi hỏi tự do tuyệt đối trong cuộc sống, tự do trong tình yêu, tình dục, còn chúng ta chủ trương văn hóa và đạo đức,  gia đình và bổn phận trách nhiệm của kẻ trên người dưới. Hai nền văn hoá và tư duy khác biệt là hai sắc thái đặc thù của hai dân tộc;  bên nào đúng bên nào sai, bên nào hay và bên nào dở. Chỉ có mình mới có những câu trả lời  thỏa đáng cho chính mình, vì mình luôn luôn là người hiểu mình và bênh vực cho mình hơn ai hết. 

Nhưng dù có khác gì đi nữa về truyền thống, lối nhận thức và tư duy về đạo đức nơi ở mỗi con người thì bề trái, mặt trong của nó cũng đều có một tính chất giống nhau, đó là ưa thích dục vọng. Vì sao, vì tất cả chúng ta dù Đông hay Tây đều cũng chỉ là một con người. Thế nên dù văn hoá và nền luân lý đạo đức phương Tây bị người Á Đông chê bai, tôi vẫn tin rằng nó sẽ thắng cuộc trên đường tranh đua để nhanh chóng lan tràn khắp trên quả địa cầu này. Vật chất hoá đời sống là đứa bạn tận tình nhất của đời sống phi đạo đức, chuyên tìm cách sáng tạo và đòi hỏi thêm về những nhu cầu để thỏa mãn những khao khát về dục vọng của con người. Dục vọng của con người khi thiếu đi trí tuệ thì không có điểm dừng của chuẩn mực giới hạn, mà dục vọng về ham muốn tình dục thì lại càng ghê gớm và tai hại hơn bao giờ hết. Cái học của học đường, cái thấy và biết từ những  gút mắc trăn trở về vấn đề này ở các mặt đời sống khác nhau trong xã hội đã cho tôi biết điều này. Cái sung sướng mà con người hưởng được qua việc tự do sống  chung, tự do tình dục, tự do yêu đương và luyến ái không đủ trả giá cho những khổ đau mà họ và những người chung quanh phải hứng chịu. Thế nhưng con người thường chỉ muốn biết và sống với những đam mê mà họ có thể với tới trong tầm tay, và ngay giây phút mà họ có dịp.  Những kết quả dù có đắng cay, khổ đau nào đi nữa thì cũng xa vời và thiếu hiện thực đối với họ, ít nhất là cho đến giờ  phút đó.

Tôi là một ngươi Á Đông nên tôi bị ảnh hưởng ít nhiều bởi nền luân lý và đạo đức Á Đông.  Hơn thế nữa tôi cũng là một người tu nên tôi bị ảnh hưởng và buộc ràng trong các giới luật của đạo. Trên căn bản là một người tu tôi phải giữ giới nghiêm túc của một người tu, một người tu không giữ giới tất nhiên không phải là một người tu vì người tu đâu chỉ phải chỉ nơi chiếc áo vàng hay chiếc đầu đã cạo. Chính giới pháp thể hiện một người tu hay có thể hiểu rộng hơn (tôi tự an ủi cho mình khi làm không đúng giới luật) là chính sự hổ thẹn mà nhân cách và giá trị của một ngươi tu được tròn đầy. Trong kinh Di Giáo đức Phật dạy cho các thầy rằng:

"Sự hổ thẹn  là phục sức đẹp nhất trong mọi thứ phục sức; Như cái móc sắc, sự hổ thẹn có năng lực chế ngự mọi thứ phi pháp của con người. Thế nên các thầy  Tỳ kheo, hãy luôn luôn biết hổ thẹn, sỉ nhục, đừng bao giờ dầu chỉ là tạm thời mà thôi, được phép quên mất đức tính ấy. Mất hổ  thẹn là mất công đức.  Có hổ thẹn là có thiện pháp, không  hổ thẹn thì không khác chi cầm thú".

Giới luật của đức Phật thật là khó  và nhiều vô số kể, giữ sao cho hết trong thời đại ngày nay và nhất là thời đại chủ trương và cổ xuý về dục vọng. Ngài Sogyal Rinpoche, một bậc thầy Tây Tạng khi ra sống và giảng dạy ở nước ngoài nhiều năm, có kinh nghiệm về đời sống của những xã hội này cũng đã phải buộc lòng than rằng:  "Xã hội ngày nay đối với tôi dường như là một cuộc lễ ăn mừng tất cả mọi thứ dẫn ta đi xa sự thật, làm cho người ta khó mà nắm bắt được chân lý ; nó lại càng không muốn cho người ta tin rằng có chân lý hiện hữu nữa. Tất cả điều này lại thoát thai  từ một nền văn minh tự cho là tôn thờ sự sống nhưng kỳ thực lại tước đi ý nghĩa đích thực của sự sống. Một nền văn minh luôn luôn nói làm cho người ta hạnh phúc, mà kỳ thực lại làm bế tắc con đường dẫn đến suối nguồn hạnh phúc chân thực".

Dục vọng được xem là một trong những nguồn năng lực mạnh nhất trong con người, thông thường dục vọng hay đi cùng với sự hiểu biết mù quáng. Để minh thị cho hình ảnh này, giáo lý Tịnh độ có bài kệ rằng:

Biển cả ái dục,
sóng gió ngàn trùng,
muốn cầu giải thoát,
niệm  Phật Di Đà .
Nam mô A Di Đà Phật.

Ở đây ái dục hay dục vọng của con người được ví như một biển lớn, mà nơi đó luôn luôn có sóng và  gió làm chao đảo con người. Muốn thoát khỏi sự nguy nan này, con người chỉ quay về nương tựa vào tha lực của đức Phật A Di Đà để cầu giải thoát.  Tuy nhiên trong giáo  lý mật tông, dục vọng không cần thiết phải bị loại bỏ vì đây là một nguồn năng lượng rất mạnh đáng được sử dụng. Phật giáo Tây Tạng đi xa hơn trong các pháp tu sử dụng năng lượng dục vọng này qua pháp hành trì "Kim công nữ Du già" (Vajra Yogini), một phương pháp tu quán về màu sắc, hình ảnh của một người nữ lõa thể mà trên thân phơi bày toàn diện các nơi kín đáo nhất của người phụ nữ.  Đây là pháp môn tu có tính cách quyết  định cho sự giải thoát sau cùng đối với các hành giả có định và tuệ cao.

Con người thông thường rất khó biết về dục vọng của chính mình khi chưa gặp duyên và  nghiệp tác động.  Dục vọng luôn luôn được nằm rất sâu dưới lớp tiềm thức của mỗi người, ít có khi trỗi dậy vì người ấy chịu nép mình dưới đời sống luân lý, đạo đức của xã hội và gia đình. Đối với người tu, dục vọng ấy càng khó thấy hơn do thiếu môi trường và điều kiện nhân duyên tác động. Những duyên tốt như giới luật, thầy bạn, kinh sách, sự tu học hàng ngày cũng làm cho dục vọng  mất hết khả năng phát tác. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà những người tu hành đoạn  dứt các chủng tử dục vọng bên trong họ. Nếu một mai niềm tin bị lung lay, sự tu hành yếu ớt, giải đãi, và người ấy còn gặp những duyên nghịch để dục vọng phát sinh, thì dục vọng tiềm ẩn bên trong người ấy lúc bấy giờ sẽ bộc phát lên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Người tu khi ấy sẽ không còn có thể tự chủ và chế ngự lấy mình trong thân, khẩu và ý mà bấy giờ lại bị tâm ý dục vọng chế ngự hết, vì nguồn năng lượng này tự bao giờ cũng vẫn là nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất bên trong mỗi con người. Vậy nên dù một người tu có sự tinh tấn và hành trì suốt một đời, nhưng đến lúc chết nếu vẫn chưa thật sự được tự tại và giải thoát, thì các chủng tử dục vọng ấy vẫn còn và hiện hữu sâu nơi tiềm thức để chờ một mai nào trong các kiếp sống tới bộc phát.

Rõ ràng không phải là đơn giản khi niệm niệm khởi lên trong dòng sống luân hồi của chúng ta, -khi thác sánh làm người, làm loài vật, làm chư thiên - đều là niệm niệm của dục vọng thì làm sao trong một kiếp sống ngắn ngủi này ta có thể đoạn trừ vĩnh viễn được. Rõ ràng là cuộc sống của chúng ta hiện tại đây cũng chưa từng xa rời, và tách khỏi những niệm của ái dục. Thế mà đi vào đời sống đạo của phật tử tại gia, chúng ta được dạy và buộc phải giảm bớt dục vọng nơi mỗi con người qua từng ý nghĩ, lời nói và hành động. Với  người xuất gia thì không phải là một việc làm tiết chế hoặc giảm bớt mà là một sự đoạn tận. Sự đoạn tận dục vọng này được xem là cánh cửa đầu tiên để bước vào trong ngôi nhà phật pháp, được xem là cánh cửa sau cùng để lao ra khỏi ngôi nhà tam giới, khai mở thấy một vùng trời của giải thoát và giác ngộ.

Bằng những phương tiện xảo diệu nhất trong phương pháp tu và quán "Kim cang nữ Du già", hành giả tự khơi dậy lòng dục của chính mình từ tận sâu dưới đáy lớp tiềm thức. Khi nguồn năng lượng dục vọng ấy trồi lên càng lúc càng mạnh, hành giả quán chiếu các nhân duyên của nó, tánh chất và tự thể, tánh không và những tia quán chiếu trí tuệ vào nó. Với những nỗ lực dồn các năng lượng trong sự tu hành, và cách nhìn quán chiếu trí tuệ vào khuôn mặt thật của năng lượng dục vọng,  hành giả ấy có thể đoạn lìa hẳn chủng tử dục vọng ngay trong kiếp sống này và đạt được giải thoát.
Chắc chắn là sự tu hành đoạn dục vọng sẽ  không mấy hấp dẫn mấy đối với con người ngày nay, dù là những người ấy muốn tu và muốn tìm về với đạo. Nếu trong sự tu hành có ít nhiều những chất kích thích tố của dục vọng, người ta sẽ tìm đến đông hơn và dễ dàng tin nghe hơn. Các bậc đạo sư giả danh đã biết rất rõ những  điều này nên không bao giờ họ bỏ qua những phương pháp tu tân kỳ,  là lạ và gợi óc tìm cầu thỏa mãn của người học đạo. Tôi chưa có dịp chính thức chứng kiến những pháp  tu này, nhưng bạn tôi thì có vì thầy ấy đi vào tận các trung tâm thiền đường này để tìm hiểu. Người ta  từng cặp, từng cặp nam nữ lõa thể ngồi thiền dính liền với nhau trong một tư thế rất trang nghiêm thành khẩn tu tập;  đủ mọi sắc dân và đủ mọi hạng người trong xã hội. Hãy nghe một tập sách: "Những bậc đạo sư thời đại" đề tựa một câu đi kèm với hình ảnh các cặp ngồi thiền lõa thể dính với nhau: "Bạn có thể làm tình với một người nào đó..., từng hai người một ngồi thưởng thức hơi ấm của nhau, không có vấn đề gì cả.  Đây là triết lý thu hút hàng bao nhiêu người đệ tử của Rajneesh."Có đâu xa, chỉ cách nơi tôi đang tu học độ ngàn cây số mà thôi, và xin thưa dĩ nhiên đây không phải là pháp tu của Phật giáo mà là của Rajneesh, người đã từng tự xưng là Phật, Phật Di Lặc, Phật Rajneesh Zorba.v.v... cái tên sau cùng mà ông tự chọn cho mình trước khi rời bỏ cõi trần là Osho Rajneesh.

Thế giới ngày nay có quá nhiều những  bậc thầy, nhưng pháp tu kỳ lạ như vậy và có lẽ sẽ không tiện nếu tôi kể hàng loạt ra đây. Đề cập đến như vậy để thấy  rằng, cái dục vọng luôn luôn là đề tài gây hứng khởi và tạo sự thích thú nơi mọi người. Thấy và  biết vậy để chúng ta có thể hiểu rõ mình hơn với những tư tưởng và niềm dục vọng thầm kín ở nơi mình. Ai trong chúng ta có thể cho mình là  thanh tịnh và trong sạch khi chúng ta vẫn còn đang là một người phàm; và khi tự thân còn ô nhiễm thì chớ chê và phỉ báng cái ô nhiễm của người. Nếu có một sự ý thức nào đó nơi mình với những tánh chất dục vọng mà mình đang mang, thì phải tìm cách tháo gỡ nó nếu muốn con người và đời sống chúng ta ngày một thăng hoa, muốn ngày nào đó chúng ta có thể thoát khỏi cảnh giới khổ đau tục lụy này. Chấp nhận và hài lòng với đời sống đầy dục vọng mà mình đang  sống hoặc đang mang trong từng tư tưởng, ý niệm thì dù có muốn tu hành, muốn thoát khổ, chúng ta cũng sẽ không thể nào thoát ra khỏi cái khổ ngay cuộc đời này, huống là muốn được thoát khổ ở những kiếp sau. Vì sao? vì bản chất của dục vọng chính là bản chất của khổ đau, muốn lìa khổ đau mà mong cầu và muốn hưởng dục vọng là điều không thể có, và cũng vì dục vọng chính là quả của khổ đau và nhân của khổ đau, nên mọi con đường dẫn đến và đi ra từ dục vọng tất là phải khổ. 

Có một lần ở khu phố Khaosan road thuộc thủ đô Bangkok, tôi đang loay hoay kiếm tìm một khách sạn bình dân để nghỉ qua đêm cùng với một anh chàng thanh niên Thái đang theo sát tôi để cò mồi một vài khách sạn quen hầu kiếm chút huê hồng. Tôi vẫn chưa trả lời và anh chàng vẫn cứ bám miết theo nhưng bất ngờ trên đường tôi gặp một ông già, tuổi độ khoảng 60 hay 65 gì đó vì mái tóc bạc phơ và trên mặt, trên thân ông ta đầy những nếp nhăn. Có vẻ là tay ăn chơi cũng chẳng vừa trong khu phố này nên khi gặp chàng trai, ông bèn lấy làm mừng rỡ và hỏi ngay liền: "Ê, anh có thể kiếm cho tôi một cô gái không?". Biết là trúng mánh với ông già béo bở nhưng vẫn còn ham làm chuyện gió trăng, nên chàng thanh niên Thái gật đầu cái rụp, bỏ tôi một nước và chạy theo ông già kia liền. Tôi đứng  ngỡ ngàng và suy nghĩ mông lung về cái thói đời. Cuộc đời quả có lắm điều trái ngang và mê loạn, một bên chỉ lo suốt ngày với việc kiếm tiền và  làm đủ mọi cách để kiếm nó, dù là làm những việc xấu xa trái với lương tâm; một bên là có đồng tiền và cũng làm những việc xấu xa. Tôi cũng không thể tưởng tượng nổi với số tuổi chừng đó, với sự suy hoại thân thể dường đó trong cái già, tóc bạc, nếp nhăn mà con người ta cũng còn khao khát và đi tìm cái dục. Cuộc đời ông ta đã trải  qua quá nhiều rồi những kinh nghiệm và việc làm tình dục ngay từ khi tuổi còn xuân thời. Ba bốn mươi năm qua mà nào đã có thỏa mãn  và tự dừng lại với chính mình. Cái  tâm khát khao về ái dục, hành lạc ấy có lẽ chỉ chấm dứt khi ông ta nhắm mắt lìa bỏ cõi đời. Nhưng rồi cũng chưa dứt vì thân ông ta tuy đã chấm dứt nhưng với cái tâm khao khát ấy, nó cũng sẽ tiếp tục khao khát dục vọng như nó đã từng khao khát một khi nó còn tồn tại nơi dòng tâm thức của ông ta; tâm ấy sẽ phải loanh quanh lẩn quẩn mãi trong sáu nẻo luân hồi để tìm, và để thỏa mãn được dục vọng.

Lòng  đam mê dục vọng ấy của con người thật ra nào có giới hạn tuổi tác vì nó vốn bắt nguồn từ vô minh. 60, 70 hay 100 tuổi đi nữa thì nó cũng chỉ là những chặng đường nhỏ của một thân người trong cái không cùng của sinh tử và cái thăm thẳm của vô minh. Đối với con người thì dục vọng gây ra chất kích thích và nguồn cảm hứng hơn cả, nó cũng là gốc của mọi tội ác nên tránh sao mà đứa bạn vô minh chằng xui chúng ta đi làm điều này. Đã đi vào con đường này thì kẻ trí cũng thành ngu, kẻ có thanh danh cao sang cũng thành bại liệt, người có tiền của như núi cũng thành kẻ tan gia bại sản. Đắm chìm vào rồi thì luân lý người ta cũng chẳng màng, đạo đức họ cũng chẳng theo, gia đình kẻ trên người dưới họ đều chẳng kể, chỉ biết sao là họ có thể hưởng thụ khoái lạc lúc ấy là được rồi; bất chấp tất cả con người, xã hội và thế giới chung quanh. Một bậc thầy nói về sự hướng thụ dục tình như sau:  "Đối với một người thông thường, họ chỉ biết thọ hưởng dục lạc và cho đó là cao thượng, là hạnh phúc duy nhất. Trong sự thoả mãn nhục dục  chắc chắn là có hạnh phúc nhất thời khi mong chờ, khi thọ hướng và khi hồi nhớ lại các thú vui ấy. Nhưng nó chỉ tạm bợ và huyền ảo. Với đức Phật, không luyến ái hay sự vươn mình ra khỏi những khoái lạc của nhục dục là hạnh phúc cao thượng nhất".

Xét đến đó mà sợ  hãi. Nhưng rồi thật ra những điều này cũng đâu có gì mới mẻ  hoặc  lạ lùng gì, vì bản chất của vô minh và dục vọng vốn là vậy tự bao giờ. Nó không phải chỉ thể hiện trong cái thế giới ngày nay với sự sa đọa và thác loạn về mặt tình dục ngày càng đi lên, mà nó đã có trong thời xa xưa cách đây hàng ngàn năm hoặc trong muôn ngàn kiếp xa xưa về trước. Trong kinh bổn sinh đức Phật kể nhiều chuyện về các tội lỗi và sự xấu ác trong sự ái luyến và đam mê  tình dục của con người, nhưng đặc biệt có hai câu chuyện mà tôi muốn ghi lại sau đây:

Một thuở nọ khi nhà vua Brahmadatta lên cầm quyền ở xứ Ba la Nại, lúc bây giờ Bồ tát sinh ra trong nhà một Bà la môn thuộc thành Takkasila ở nước Ma kiệt đà. Khi lớn lên ngài đã được thừa hướng tất cả sự thông tuệ siêu phàm mà gia đình truyền lại, trong đó gồm sự tinh thông ba Bộ Vệ đà và tất cả những kinh thư cùng các môn võ nghệ khác. Danh tiếng ngài vang lừng, khắp nơi trong nước ai ai cũng biết ngài là một bậc thầy siêu xuất trong số các bậc thầy lúc bây giờ. 

Thời ấy có một gia đình Bà la môn nọ ở thành Ba la nại vừa sinh được một người con. Hôm người con ra đời cho đến khi nó được khôn lớn là lúc tuổi 16, gia đình cha mẹ luôn luôn đốt và giữ lửa cháy mãi vì đây là tục lệ của những gia đình cúng tế thần lửa. Cha mẹ cũng dạy cho người con trai về những quy củ nghi lễ của việc thờ cúng thần lửa, dặn rằng đừng bao giờ để ngọn lửa ấy tắt. Cha mẹ cũng khuyên người con ấy rằng: "con nên đi theo con đường của ông bà tổ tiên mình để lại là sống đời phạm hạnh, ẩn tu ở chốn núi rừng và suốt đời cúng tế thần lửa; làm được như vậy sau này con sẽ được thác sinh vào cõi trời Phạm thiên. Còn nếu con muốn đi theo con đường thế tục thì con nên đến thành Takkasila để theo một bậc thầy danh tiếng ở đó mà học cách làm người. "Bấy giờ người con mới nói rằng: "Con sống đời gia đình là đủ rồi và con sẽ cúng tế thần lửa như cha mẹ đã từng làm". Nói xong người con từ giã gia đình ra đi và mang  theo 1000  đồng tiền để trả tiền thầy, và làm lộ phí dọc đường. Ở đó chàng ta đã học  đủ các ngành học cho đến khi hoàn tất và tính chuyện quay trở lại quê nhà. Nhưng cha mẹ chàng ta lại cứ muốn con mình sống đời tu sĩ Bà la môn cúng tế thần lửa trong rừng, nên tìm cách khuyến dụ con mình. Bà ta muốn làm cho con hiểu sự xấu xa và ác độc của một người đàn bà mà sợ hãi xa lánh để sống đời phạm hạnh, nên bà nói:

"Này con, con đã học nhiều năm với thầy, vậy mà con đã học bộ kinh tình ái chưa?"

"Con chưa học bộ kinh ấy mẹ ạ!"

"Vậy thì làm sao con có thể nói rằng con đã học hết tất cả từ nơi thầy rồi. Này con, hãy trở lại ngay với thầy để học và chỉ khi nào con học xong kinh ấy thì mới được về". Người mẹ nói.

"Được rồi, con sẽ vâng lời mẹ", nói xong người con tức tốc khởi hành đi Takkasila lần nữa.

Bấy giờ ông thầy có một người mẹ già, tuổi đã 120 nên ông ta phải lo lắng chăm sóc mọi thứ từ việc dùng tay để tắm rửa, đút cơm cho bà. Nhưng khi làm những việc này thì ông  bị hàng xóm mỉa mai chê cười. Nên cảm thấy buồn lòng,  ông muốn đưa mẹ vào trong một khu rừng để sống riêng, tách biệt mọi người. Trong rừng sâu ông đã xây một cái hang nhỏ rất đẹp và đem đầy đủ thức ăn vào rừng, sau đó đưa mẹ vào. Ờ đó ông đã cùng mẹ sống vui vầy.

Không tìm thấy thầy tại thành Takkasila, chàng trai trẻ Bà la môn kia hỏi thăm và sau cùng được biết thầy mình hiện đang sống trong một khu rừng. Đến nơi chàng cung kính đảnh lễ trước mặt thầy và thầy đã hỏi:

"Có chuyện  gì mà ngươi quay trở lại đây như vậy?"

"Thưa thầy con nghĩ rằng con chưa học được bộ kinh tình ái khi trước đây con ở với thầy."

"Nhưng ai nói với ngươi rằng ngươi phải học bộ kinh tình ái đó?"

"Dạ thưa thầy, mẹ con." Chàng trai đáp.

"Bấy giờ vị thầy tức vị Bồ tát tự nghĩ thầm rằng, thật ra chẳng có bộ kinh nào là kinh tình ái cả, nhưng đoan quyết rằng mẹ của người này muốn con bà biết rõ về sự xấu xa và ác độc của người đàn bà nên mới nói vậy". Thế rồi Bồ tát nói:

"Được rồi, từ ngày hôm nay ta sẽ chỉ dạy cho ngươi bộ kinh ấy. Nhưng trước hết ngươi hãy thay ta tắm rửa và chăm sóc cho mẹ ta.  Mỗi lần cầm tay bà, chân bà, vuốt đầu bà hoặc sờ lưng bà thì nhớ mà khen tặng như này: "Bà ơi! Người của bà giờ đây tuy già nhưng cũng còn thật dễ thương, thì chắc khi còn trẻ bà phải là trang giai nhân  tuyệt sắc". Khi ngươi chùi rửa thân thể và xông hương vào tay, vào chân của bà thì một mực khen tặng về những cái đẹp nơi bà. Sau đó thì đừng  xấu hổ gì mà hãy kể lại cho ta nghe tất cả những gì mẹ ta nói với ngươi. Vâng lời thầy mà làm điều này thì ngươi sẽ thông suốt được bộ kinh tình  ái kia. Không nghe  lời ta thì ngươi sẽ mãi mãi không biết gì về điều này".

"Vâng lời thầy chàng thanh niên đã làm tất cả những việc làm cấm kỵ kia và ngày này qua tháng nọ anh đã không ngớt khen ngợi cái vẻ đẹp của bà già kia đến nỗi bà ta tưởng thật rằng anh ta đã yêu bà. Mặc dù mắt đã bị quáng mờ và già yếu, lòng dục vẫn nổi lên cuồn cuộn trong bà, nên một hôm trong khi đang được khen tặng, bà cắt ngang lời chàng trai với câu hỏi:

"Ngươi có muốn làm tình với ta không?"

"Ồ! Chắc chắn là muốn. Thưa bà." Chàng trai Bà la môn kia trả lời. "Nhưng thầy tôi rất là khó khăn".

"Nếu ngươi muốn ăn nằm với ta."Bà ta nói, "chỉ có cách là giết con ta đi."

"Nhưng làm sao tôi có thể giết được khi tôi đã học từ ông ta rất nhiều. Làm sao vì lỏng dục mà tôi có thể giết thầy tôi được".

"Vậy được rồi?  nếu nhà ngươi chung thủy với ta, ta sẽ đích thân giết nó".

Chàng Bà la môn bèn nghĩ trong lòng: "Thật là ghê gớm thay cho lòng dạ đàn bà, chỉ vì lòng dâm dục khởi lên, muốn được thỏa mãn mà không từ bất cứ hành động ác nào ngay cả việc giết con mình". Bấy giờ chàng bèn kể lại hết tự sự câu chuyện cho thầy mình nghe. Bồ tát khi ấy quán biết số mạng mẹ mình cũng đã đến hồi tận vào ngày hôm ấy nên gọi chàng Bà la môn kia đến và bảo:

"Để  ta sẽ thử bà ta." Nói rồi ngài cưa một thân cây và làm một hình nộm giống  mình, xong ngài quấn vải lại che kín và đặt lên giường với một sợi dây cột chặt, giả như là hình ngài đang ngủ. Bồ tát nói với người đệ tử rằng:

"Giờ  đây ngươi xách cái búa này đến cho mẹ ta, sợi dây đây nữa để cầm và dẫn đường đi cho bà".

Tức thời người học trò đi đến bà già kia và nói rằng: "Thưa bà, bây giờ ông thầy đang ngủ trên giường ở bên trong cửa. Tôi đã cột ông ta bằng sợi dây này và lấy nó làm mối dẫn đường cho bà; lấy cái  búa này và giết ông ta đi nếu bà có thể làm được".

"Nhưng nhà người hứa là không được phụ bạc ta à?"

"Tại sao tôi lại phải phụ bạc bà chứ! Chàng trai trả lời."

"Vậy thì được!" và bà ta cầm búa, đứng dậy với cái sức run rẩy của bà, men theo sợi dây cho đến khi bà cảm thấy đến được bên giường của người con. Rồi bà nhắm đến cái đầu mờ mờ của thân hình chém mạnh xuống, nghĩ rằng với một  nhát búa như vậy con mình sẽ chết ngay. Nhưng khi nhát búa kêu bút một cái bà mới biết mình chặt trúng thân cây? Vị thầy lúc bấy giờ mới bước ra và nói: "Mẹ đang làm gì đó?"

"Biết là mình đã bị gạt, bà ta ức lên và té ngay xuống nền đất chết liền. Đúng là số mạng bà ta phải chết như vậy, ngay tại chỗ đó với chứng cớ trên tay.

Thấy mẹ mình đã chết, thầy bèn đem  xác bà đi thiêu, và chôn cốt bà cùng với các loài hoa dại trong rừng. Sau đó trở về cùng với chàng Bà la môn trẻ ngồi ngay cửa hang, thầy nói:

"Này con, thật ra chẳng có một cuốn kinh tình ái nào đâu, mà chỉ cốt nói lên tính chất trá hiện của sự trụy lạc nơi người đàn bà. Khi mẹ con gửi con đến đây lại để học kinh tình ái, mục đích muốn con rõ biết sự ác độc và gian dối của người đàn bà là như thế nào. Giờ đây con đã tận mắt chứng kiến về sự ác độc của mẹ ta và đã thấy ra thế nào là sự nguy hại của lòng dâm dục nơi người đàn bà. Bài học con đã học xong rồi, vậy nên trở về đi".

Giã biệt thầy, chàng Bà la môn trẻ kia lên đường trở về quê nhà và khi về đến nơi, bà mẹ hỏi liền:

"Con đã học xong bộ kinh tình ái kia chưa?"

"Dạ rồi, thưa mẹ."

"Vậy thì  như thế nào? Sự lựa chọn sau cùng của con ra làm sao? Con từ bỏ thế gian này để tu hành và cúng tế thần lửa hay con chọn đời sống gia đình?"

Người con trẻ trả lời: "Con đã tận mắt chứng kiến sự ác độc của người đàn bà, nên chẳng còn mơ tưởng gì đến một đời sống gia đình nữa. Hãy cho con tu và từ bỏ cái thế gian này".

Với lòng tin sâu đậm về những gì xấu xa và ác độc nơi người đàn bà, chàng Bà la môn trẻ rời bỏ gia đình cha mẹ và cả thế giới phàm tục này để đi sâu vào rừng sống trọn một cuộc đời ẩn sĩ để tu tập đạo hạnh.

Một câu chuyện khác được đức Phật kể lại tại tịnh xá Kỳ viên như sau:

Một thuở nọ vào triều đại của vua Brahmadatta  tại kinh thành Ba la nại, Bồ tát tái sinh vào trong một gia đình giáo sĩ. Khi cha mất, ngài được thừa hưởng quyền kế tự và được xem như là một vị trưởng thượng  trong dòng tộc.

Câu chuyện xảy ra lúc bấy giờ tại kinh đô,  khi nhà vua hứa ban cho hoàng hậu một điều toại nguyện nên bà ta đáp rằng:

"Lời cầu xin của tiện thiếp rất là dễ xin Hoàng thượng  ban cho, rằng hoàng thượng từ đây về sau sẽ không được nhìn vào mắt người đàn bà nào khác với ánh mất yêu thương".

Lúc đầu nhà vua từ chối nhưng sau đó quá mệt mỏi vì sự nũng nịu dai nhách của hoàng hậu nên cũng đã bằng lòng. Bắt đầu kể từ hôm ấy, vua không bao giờ liếc một ánh mắt yêu thương đến bất kỳ người nào trong mười sáu ngàn thể nữ của ngài.

Bấy giờ có sự rối loạn dậy lên nơi biên giới của vương quốc ngài và sau hai ba lần đánh dẹp bọn cướp mà vẫn chưa yên, một bức điện thư được gửi về kinh thành báo cáo rằng quân đội nhà vua hiện nay đang yếu thế, và không thể chống được nổi quân phản loạn.

Nhà vua lấy làm lo lắng nên triệu tập quần thần lại  để bàn, sau cùng không còn cách nào khác hơn là đích thân nhà vua phải cầm binh đi dẹp loạn. Trước khi đi nhà vua gọi hoàng hậu lại và nói rằng: 

"Hoàng hậu yêu mến ơi! nay ta phải ra biên thùy để dẹp loạn, sự sống chết và thắng bại chưa biết thế nào. Nơi ấy lại không có chỗ cho nàng tạm trú nên nàng phải ở lại kinh thành này".

"Này chàng ơi! Làm sao tiện thiếp có thể ở lại đây một mình khi không có chàng". Nhưng rồi thấy nhà vua cương quyết quá, nên hoàng hậu bèn cầu xin một lời thỉnh nguyện:

"Hoàng thượng đã nhất quyết ra đi thì tiện thiếp cũng chẳng thể cản, nhưng tiện thiếp chỉ cầu xin một thỉnh nguyện rằng, khi hoàng thượng đi qua mỗi một dặm đường, xin chàng cho gửi về kinh thành một người đưa tin để thấy được thế nào là lòng chung thủy của tiện thiếp".

Nhà vua đã  hứa điều này. Lúc cùng đoàn quân ra đi, nhà vua để  Bồ tát ở lại để trông coi triều đình và hoàng hậu cho ngài. Rồi y theo lời hứa với hoàng hậu, nên đến dặm đường đầu tiên là nhà vua đã cho gửi về một người đưa tin để báo cho hoàng hậu biết hiện nhà vua đang thế nào, và cũng để xem lòng chung thuỷ của hoàng hậu ra sao. 

Mỗi người đưa tin trở về và đến với hoàng hậu, nàng hỏi rằng nhà vua đã đem về cho nàng được gì? khi tìm hiểu về lòng chung thủy của nàng, người đưa tin được hoàng hậu vời đến giường và bị bà ép làm chuyện gió trăng. Thế rồi nhà vua đã đi qua ba mươi hai dặm đường; ba mươi hai người đưa tin được gửi về và tất cả đều bị hoàng hậu quyến rũ cũng như buộc làm chuyện ái ân.

Khi nhà vua đến  biên thùy và đánh dẹp xong loạn quân ở đó, quá đỗi vui mừng nhà vua liền kéo quân về kinh thành để sớm được gặp lại hoàng hậu. Rồi cũng  qua ba mươi hai dặm đường, vua cho gởi về thêm ba mươi hai người đưa tin nữa và lần này hoàng hậu cũng đã chẳng tha thứ cho một ai.

Trên đoạn đường nghỉ chân khi đoàn quân chiến thắng về gần đến kinh thành, vua cho báo tin đến Bồ tát để chuẩn bị cuộc đón rước đoàn quân chiến thắng  trở về. Trang  hoàng và chuẩn bị kinh thành xong, Bồ tát đến nơi hoàng hậu để tường trình thì, thấy vẻ xinh đẹp tươi tắn của Bồ tát hoàng hậu lại liền nổi cơn dâm tình và tìm cách để thỏa mãn với người.

Nhưng Bồ tát đã cưỡng lại nàng, người nói: "vì danh dự của nhà vua, và cũng vì đây là điều tội lỗi nên tôi không thể làm theo ý nàng được".

"Không một ai trong số sáu mươi bốn người đưa tin dám cưỡng lại ý ta mà nhà ngươi dám chống à!"

Bồ tát đáp lại: "Những người ấy nếu nghĩ như tôi thì họ đã không phạm vào tội lỗi. Còn như tôi đã biết rằng đâu là điều đúng, điều sai thì tôi sẽ không bao giờ làm chuyện xấu xa này".

"Đừng  nói lời ngu ngốc."  Hoàng hậu nói, "nếu nhà ngươi còn từ chối thì ta sẽ ra lệnh  chém đầu ngươi." 

"Hoàng hậu cứ chém đầu tôi đi. Bà có thể chém đầu tôi hoặc chặt chẽ thân hình tôi ra đến trăm ngàn mảnh,  nhưng tôi quyết không làm chuyện này".

"Được rồi;  nhà ngươi sẽ thấy." Hoàng hậu nói  giọng hằn học và bỏ đi. Vào trong cung phòng, bà cào rách thân mình và đổ dầu lên người, chà xác thân vào những áo quần dơ bẩn và giả như đang bịnh. Rồi bà  sai người hầu đến gặp nhà vua và nói rằng bà đang bệnh. 

Trong lúc ấy Bồ tát ra ngoài để đón nhà vua sau khi vua cùng với đoàn quân chiến thắng  đang đi dạo quanh kinh thành. Về đến cổng thành và không gặp hoàng hậu, nhà vua  lấy làm lo lắng hỏi và được biết rằng bà hiện đang bệnh. Vua tức tốc chạy ngay vào loan phòng và chứng kiến cảnh tượng tang thương khi thấy hoàng hậu mình mẩy có nhiều vết tích, áo quần dơ bẩn nhàu nát. Vua hỏi đôi  lần nhưng hoàng hậu đều im lìm. Sau cùng khi được hỏi đến lần thứ ba thì nàng mới nhìn nhà vua và nói trong nước mắt:

"Bệ  hạ ơi! Dù bệ hạ còn sống đây mà tiện thiếp vẫn còn bị người ta hành hung cưỡng đoạt."

"Nàng  nói gì?"

"Vị giáo sĩ mà bệ hạ để lại trông coi kinh thành đến nơi tiện thiếp và tìm cách quyến rũ tiện thiếp; nhưng vì tiện thiếp không ưng thuận nên hắn ta đã đánh đập tiện thiếp tàn nhẫn rồi bỏ đi".

Nổi cơn thịnh nộ lôi đình như tiếng nổ của những hạt muối và đường bị ném vào lửa, nhà vua lao nhanh ra khỏi cung phòng và truyền lệnh bắt trói vị giáo sĩ lại ngay lập tức, sau đó đem ra pháp trường xử trảm.

Nghe  lệnh truyền, quân lính liền bắt trói Bồ tát và đem đến pháp trường chờ giờ hành quyết.  Lúc ấy Bồ tát biết rằng, bà hoàng hậu ác độc kia đã làm loạn tâm trí nhà vua và xúi vua chém đầu mình, nên người bèn tìm phương kế để thoát. Bồ tát nói với người đao phủ rằng: "Trước khi bị ngươi chém đầu, xin ngươi hãy đưa ta đến gặp hoàng thượng.

"Tại sao  ta lại phải đưa ngươi đến gặp hoàng thượng?" Người đao phủ hỏi. 

"Bởi vì  là một quần thần tín cẩn, ta đã tạo ra rất nhiều quý vật cho nhà vua, và hiện tại đang cất dấu những quý vật đó. Trước khi chết ta muốn nói lại cho nhà vua hay. Nếu  nhà vua không biết thì những quý vật ấy sẽ mất hết. Thế nên trước hãy đưa ta tới gặp hoàng thượng, sau có chém cũng  không muộn.

Nghe như vậy,  người đao phủ bèn đưa Bồ tát đến gặp nhà vua. Bấy giờ nhà vua đã nguôi bớt cơn giận bèn hỏi.

"Tại sao nhà  ngươi lại làm những chuyện xấu xa và đồi bại như vậy đối với hoàng hậu của ta?"

"Tâu  đại vương! Tôi được sinh ra trong một gia đình Bà la môn nên ngay cả sinh mạng của một con vật nhỏ như kiến cũng tránh sát hại. Ngay một ngọn cỏ  mà nếu không phải của tôi thì tôi cũng chẳng lấy. Tôi chưa bao giờ nhìn với ánh  mắt tỏ tình và yêu đương đến vợ người, cũng không bao giờ nói một lời gian dối hoặc dùng qua một giọt rượu mạnh. Do đó nên thưa ngài, tôi là người vô tội. Nhưng người đàn bà ác độc kia đã khởi dâm tình và dụ dỗ tôi, bà còn kể những chuyện làm bí mật với sáu mươi bốn người đưa tin mà ngài đã gửi về; nhưng tôi đã chối từ nên bà đe dọa rằng sẽ giết tôi. Xin ngài hãy hỏi từng người một trong số sáu mươi  bốn người này thì sẽ rõ tự sự".

Nghe vậy nhà vua liền  cho đòi bắt sáu mươi bốn người lại để tra vấn và sau cùng họ đã thú nhận tội lỗi. Nhà vua cũng cho đòi  hoàng hậu đến để đối chất và sau đó bà ta cũng nhận tội.

Nổi cơn thịnh nộ, nhà vua truyền đem sáu mươi bốn người lính đưa tin kia ra pháp trường chém đầu. 

Lúc này Bồ tát mới khóc lên rằng:

"Muôn tâu bệ hạ, đây không phải là  lỗi của những người ấy, bởi vì họ bị sự dụ dỗ và đe dọa bởi hoàng hậu. Vậy nên xin  ngài hãy tha cho họ. Còn về phần hoàng hậu, ở đây cũng không phải lỗi của bà vì lòng dục bên trong bà chưa từng được thỏa mãn, và bà ta đã hành động theo sự đòi hỏi tự nhiên của thân thể bà. Vì vậy xin  ngài cũng hãy tha cho bà."

Nghe lời khẩn cầu này của Bồ tát, nhà vua khởi lên lòng từ và tha cho tất cả.  Như vậy vị Bồ tát đã cứu thoát được hoàng hậu và sáu mươi bốn người khác. Sau đó Bồ tát đến gặp nhà vua và nói rằng: "Tâu bệ hạ, sự buộc tội giả dối của một người có hành động điên rồ làm cho một người trí bị trói buộc không xứng đáng; nhưng một lời nói của người trí có thể cứu thoát những kẻ khờ dại. Như vậy những hành  động sai lầm và điên rớ sẽ là sự trói buộc, và trí tuệ sẽ là sự cởi thoát những trói buộc".

"Sau khi nói với nhà vua như vậy, Bồ tát tuyên bố rằng: "Tất cả những phiền lụy trong cuộc đời này bắt nguồn từ đời sống của một người thế tục. Tôi phải rời bỏ cuộc đời này và nay xin phép bệ hạ cho tôi được đi tu xa lánh khỏi thế gian".

Sau khi đức vua bằng lòng, Bồ tát đã từ bỏ tài sản, gia đình và những người quyến thuộc để sống đời một ẩn sĩ, tu phạm hạnh trong một dãy núi thuộc Hy mã lạp sơn. Tại đây  người đã đạt tri kiến siêu việt và sau đó được thác sinh về cõi phạm thiên. 

Trong những kinh bản Mật tông có đề cập đến sự suy hoại cơ thể sinh lý của người nam lẫn nữ  vào lứa tuổi xế chiều. Ở giai đoạn này những cơ phận sinh dục của con người phát triển  một cách mạnh mẽ trong một thời gian nào đó, rất ngắn nhưng đầy tính khí như hồi còn xuân thời.  Sau đó tức thời các cơ phận sinh dục ấy trở nên mất hết khả tính bình thường, và từ đó nó lặng luôn chẳng thể làm gì được ngoại trừ việc làm bài tiết. Thế nhưng tâm lý của con người lại không theo thuận một chiều với sự suy hoại về mặt sinh lý, mặt khác nó có cơ phần gia tăng và từ đó nhiều nguyên nhân tâm lý khác sinh ra như: hối tiếc, kỷ niệm, mơ tưởng, khát khao những việc làm dâm dục đã qua. Theo Phật giáo thì chính dục tâm này dẫn dắt chúng ta trầm luân mãi vào trong tam giới này. Cũng chính ở nơi dục tâm này mà con người ta trong đời sống hiện tại phải khổ não, bất an, lo lắng và sợ hãi; tâm ấy làm cho con người mê muội, tán loạn và kéo họ đi mãi, đi mãi xa rời những điều lành để cuối cùng tâm ấy dẫn ta đọa vào những cõi ác ngay khi thân mạng này trút hơi thở cuối cùng.

Dục vọng của con người quả thật là cái chi chi, nhưng lại rất ghê gớm vì nó cứ thúc bách và làm cho người ta đi tìm cầu mãi mà không bao giờ nguôi. Càng tìm cầu để được thỏa mãn nó,  nó càng đòi hỏi thêm nhiều và làm cho con người thấy bứt rứt mỗi khi không được thỏa mãn cho cái tâm khao khát ấy. Đức Phật ví dụ người khao khát và  mong  cầu ái dục như là, một người khát nước mà tìm nước muối để uống thì biết bao giờ mới đã khát. Cơn khao khát và tìm cầu ái dục trong sự hành lạc cũng giống như vậy và nó chỉ tăng chứ không bao giờ giảm. Còn về ái dục thì trong luật kinh, đức Phật ví nó như một mảnh xương cùn, thịt thà tróc vẩy hết chỉ còn mảnh xương thế nhưng đối với kẻ vô trí thì họ không bao giờ  biết chán ngán. Những bậc có trí tuệ nhìn ái dục như mảnh xương cùn, rõ biết chẳng có chút ngon lành và lạc thú nào trong đó, còn kẻ mê lầm thì vẫn cứ bám víu và mãi mãi chạy theo.

Tôi có quen một người bạn mà lúc ban đầu anh ta là một người buôn bán và chạy hàng, tướng người phong nhã và thuộc loại ăn chơi chắc cũng chẳng phải vừa. Sau thời gian tìm hiểu đạo Phật và bắt đầu tìm về néo tu hành, anh ta mới thấy được rõ ở nơi mình hơn và đã có lần tâm sự thật tình với tôi về cuộc đời bay nhảy sóng gió của anh. Sau những câu chuyện ấy anh thú thật rằng anh đã tu kể từ khi tìm về đạo Phật. Những chuyện ăn nằm khi trước đối với anh giờ đây đã trở thành vô nghĩa, nhưng không phải là không tác động và ảnh hưởng tới anh một thời. Anh kể rằng thời gian đầu anh tu và thực tập thiền định, cả tâm và thân của anh đều bị náo động dữ dội do những việc quen nghĩ và quen làm khi trước. Ngồi thiền quán tưởng đến lời kinh và hình ảnh của Phật, thì trong tâm anh chỉ hiện ra toàn là những hình ảnh trai gái ôm nhau quấn quít và làm tình với nhau. Anh không còn nghe những âm thanh của hơi thở khi đang quán niệm sổ tức, mà chỉ nghe những tiếng rên rỉ nhỏ to trong lúc người ta yêu đương. Những lần như vậy là những lần anh cảm thấy khổ sơ nhất, vì bị mặc cảm phạm tội và vì chẳng thể làm chủ lấy mình, làm chủ lấy những ý tưởng và hình ảnh thác loạn trong tâm. Anh muốn cuồng lên, bực tức muốn phá và bỏ hết mọi sự. Có lúc anh thấy chán nản lấy mình và muốn thả trôi để trở về đời sống ăn chơi phóng đãng như trước, nhưng tự trong tiềm thức không cho phép anh như thế vì anh muốn trở thành một con người tốt, và anh muốn đi tu. Rồi không phải chỉ gặp những tán loạn bậy bạ trong ý tưởng mà anh còn gặp khó khăn hơn về những sự phát tác của phần sinh lý cơ thể anh cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và những trạng thái này nó làm anh rất là bức xúc, muốn làm một cái gì đó cho thân thể anh được êm dịu trở lại, nhưng càng chú ý về nó, càng cố tìm cách để hãm phanh nó lại thì nó càng làm anh khó chịu, đến phải thoả mãn nó qua những việc làm thủ dâm. Đây là một vấn đề làm anh buồn không ít và thấy là tội lỗi, nhưng  có nhiều lúc anh không thể tự chế lấy mình được trong những thời gian tu tập ban đầu. Anh nói: Thông thường chất hormon trong cơ thể ở trạng thái bình thường nhưng khi càng đi vào những vấn đề tình dục, nó càng gia tăng trong cơ thể, làm người ta khó chịu, ngứa ngáy thêm và thôi thúc người ấy đòi hỏi, thỏa mãn thêm nữa. "Thế nên khi đã tu tập và nhìn lại về nó, con cảm thấy sợ hãi với chính mình vì những nổi bức xúc và khó chịu của cả tâm lẫn thân khi con thật sự muốn bỏ và xa rời con đường đó". Anh ta kể  với tôi như vậy.

Thật là ghê sợ cho dục vọng, vì một khi dính vào và theo đuổi nó thì nó chỉ làm cho con người ta đắm nhiễm, sa đà ngày càng tăng mà chẳng thể thoát được. Thuốc phiện và ma túy đã làm cho người say mê và không thoát ra được, thì cái thôi thúc và bức bách của tình dục nó càng trăm phần hơn. Do vậy nên đức Phật trong kinh Tứ thập nhị chương nói rằng: "Phàm người học đạo, nếu không bị cái tình dục làm cho mê hoặc, không bị các điều tà nhiễu loạn mà lại tinh cần tu học thì ta chắc chắn rằng người này sẽ thành đạo."

Thời gian sau này anh bạn tôi xuất gia, rồi trở về Mỹ để tu tập và đã nhập thất nhiều  năm ở đó. Cũng đã lâu lắm rồi tôi chẳng còn dịp để gặp lại anh nhưng đối với tôi anh là một con người rất tốt, có ý chí và khả năng phục thiện, biết đi tìm cho mình một đời sống thanh cao và giá trị hơn là những năm tháng tầm thường mà anh sống trước đó. Tôi chắc chắn rằng với niềm tin, ý chí và sự hy sinh cao thượng đó anh sẽ trở thành một vị tăng xứng đáng trong Phật pháp và đáng làm gương cho người người cung kính và noi theo. 

Khi bước vào đời sống tu hành con người ta  ai cũng có nhiều giai đoạn để phấn đấu với tự thân. Khi còn là chú tiểu nhỏ tuổi thì phải phấn đấu với cái buồn ngủ, cái ăn thiếu thốn khổ cực và cái học không ngơi nghỉ của những chương trình thế tục và kinh điển trong chùa. Lớn lên lại phải phấn đấu với đời sống tu hành, cám dỗ vật chất, tình yêu bên ngoài và những bức xúc cơ thể thuộc phạm vi sinh lý bên trong.  Đến khi già thì cũng phải phấn đấu với sự lười biếng và mỏi mệt qua một thời gian dài tu hành, phấn đấu để chống lại những tư tưởng hám lợi, hám danh mà khi lớn tuổi có được những sự tôn kính, cúng dường qua các phẩm bậc mà người tu gần như ai cũng nhận được.  Không biết phấn đấu, tự chế những điều đáng tự chế thì sự tu hành lâu ngày sẽ chẳng có ích lợi mà còn tạo thêm sự đàm tiếu  chê bai của người đời. Vậy thì trong suốt cuộc đời của một người  tu đều có những giai đoạn thử thách đáng sợ để phải trải qua. Thế nên mặc được chiếc áo của người tu cũng chẳng  phải là một chuyện dễ làm.

Tôi nghĩ rằng thử thách đáng sợ nhất chính là những thử thách của thời kỳ niên thiếu, tôi gọi là thời kỳ trăng mật, vì thời kỳ này những người tu sĩ tử có dịp vươn mình lên với bao sức sống mãnh liệt, ở cả hai thái cực sống đạo và sống đời. Những nguồn năng lực tươi mát trong thân tràn đầy với lý tưởng ra đi tìm cầu chân lý, để phụng sự đạo pháp và chúng sinh; nhưng rồi mặt khác nguồn năng lực đối chọi cũng thôi thúc đòi hỏi những nhu yếu tình cảm của yêu đương, dục tình, hay vật chất và nó đã không ngừng quyến rũ những kẻ tư hành trong giai đoạn tráng niên này.  Nhưng rồi để có một lối thoát cho chính họ thì chỉ có chính họ mới là người có thể tự gỡ và chọn bước đi tới cho mình. Ai có đủ trí tuệ và nhân duyên tốt lành, thì con đường mà họ đã chọn thuở nào vẫn sẽ là con đường hoa  thơm cỏ lạ mà họ nhằm bước tới, còn thiếu nhân duyên thì chỉ bước lại những lối mòn đầy chông gai cũ mà một thời họ đã chối từ. 

Những tháng năm tu tập trong thời gian ban đầu, tôi rất lạc quan với mình về sự tu trì và khả năng tự chế đối với ngoại cảnh, và những cám dỗ cuộc đời. Tôi coi thường  vật chất và khinh bỉ dục tình, vì quan niệm rằng những chất liệu đam mê và lòng khao khát mù quáng ấy, làm sao có chỗ đứng trong một người có sự tha thiết tu tập như tôi. Đọc các đoạn kinh đức Phật mô tả những điều đáng sợ và ghê gớm của ái dục, tôi thấy dửng dưng và không chú ý là mấy vì lúc ấy thật sự nó chẳng có một ý nghĩa, và tác động nào trong đời sống tu hành của tôi. Chung quanh tôi có thầy, có chùa và có huynh đệ bạn đạo; rồi chung quanh tôi cũng có những kẻ dòm ngó và lời ra tiếng vào. Nhưng thời gian sau này khi có  dịp đi xa, khi phải sống một mình và đối mặt với ngoại cảnh; khi không có cảnh chùa, thầy bạn bên cạnh và những người thân quen dòm ngó đến, tôi để ý thấy tâm mình có những lúc lung lay và dao động dễ sợ.  Đó là thời gian tôi sống tại Đề Li khoảng hai năm về trước. Trong thời gian ấy đời sống tu hành của tôi bị đe dọa vì tình trạng giấy tờ Visa vào Ấn, bị họ từ chối hoặc ngâm giấy tờ xin Visa học sinh của tôi gần cả năm trường, chỗ cư trú không được ổn định trên miền Bắc và tôi tính thuyên chuyển về miền Nam nhưng lại cũng không có giấy phép nên phải tạm sống tại Đề Li. Sống gần một năm trong hoàn cảnh rất đời vì phải sống trong nhà thuê, thiếu tiện nghi và không khí tu học, thêm những chuyện phiền phức, buồn bực về giấy tờ và qua thời gian dãi đãi tu tập, phóng túng lấy mình, tôi gần như sống trọn vẹn với những nỗi dễ duôi và loạn động tâm ý trong gần cả năm trời.

Tôi thấy những đứa giặc tình cảm, ân oán nặng nợ yêu thương, những cảm xúc cùng những đam mê tán loạn chạy ào ạt qua lại và khởi lên trong tâm trong não của tôi. Tôi thấy nó xúi tôi nghĩ bậy và làm bậy với một biện minh duy nhất là, chẳng ai biết đâu mà! Những hình ảnh thác loạn yêu đương trong phim trong ảnh mà một thời tôi đã xem qua trong trường, hoặc trước lúc tôi xuất gia đã được nó trình chiếu lại rõ ràng trong tâm tôi, như là một chiêu chước để dụ hoặc và quyến rũ tôi sa ngã. Tôi thấy nó nài nỉ và than van những cái mà nó cho là khoái lạc  nhất trong cuộc đời mà sao tôi lại bỏ uổng. Rồi nó thúc bách làm cho cơ  thể tôi ngứa ngáy khó chịu, nó muốn làm tôi phải chịu khổ thật là khổ mới thôi vì dám đứng lên và cưỡng lại cái mà bao nhiêu người khác đã không thể cưỡng lại. Như vậy là cả  tâm lẫn thân tôi, đều bị những đứa giặc ái dục và vô minh quấy phá trong nhiều tháng trường.  Nhưng cũng may là trên hết tất cả tôi vẫn còn nhớ lời nguyện thuở nào trước lúc ra đi, tôi vẫn còn có đủ sáng suốt để phân biệt rõ ràng với một niềm tin không thể nào lay chuyển là: "đường đi của một người xuất gia chân chính và thanh tịnh sẽ dẫn đến cảnh giới an vui và đường đi bên kia hưởng dục lạc như những người phàm tục chỉ sẽ dẫn đến khổ đau trong luân hồi. "Trong niềm tin kiên cố trên, tôi thấy mình đứng vững và giữ được phạm hạnh thanh tịnh cho thân, dù rằng tôi phải thành thật thú nhận với mọi người là: "tâm tôi trong thời gian ấy chứa đầy những vọng tướng điên loạn của dục tình".

Trải qua những thử thách đáng sợ trong thời gian kia, - đáng sợ là vì trong thời gian, giây phút bị dụ dỗ và mê hoặc kia của đứa giặc si ái vô minh; nếu người tu nào đó không có một lời phát nguyện trong sự tu hành, không có chánh tâm để suy niệm về giới, về đức, về tội lỗi và không có đủ niềm tin về sự an vui của giải thoát và về khổ đau của sự phạm giới, sự đi trở lại vào tục lụy, thì người ấy dễ dàng đưa chân vào cho tham ái và vô minh lôi kéo. Một phút sa chân phạm giới, muôn kiếp không thể trồi lên được. Trong thời gian 'tu hành tôi cũng có nghe nhiều chuyện phạm giới dâm của một số người tu, mà lý ta có trường hợp chẳng đáng phải phạm. Có chuyện những người tu rất thành khẩn và tinh tấn lúc ban đầu, ai thấy cũng phải khen phải phục nhưng rồi bất thình lình phạm giới với một cô ni nào đó và ra đời; có người phạm với một phật tử nào đó và có người dù chẳng muốn phạm nhưng trong một giây tích tắc yếu lòng và bị dục ái chi phối, nên bị phạm giới nhưng rồi cũng do lòng ăn năn nên sám hối và xin được tu lại. Có người thì được phép tu lại nhưng bị bạn hữu khinh chê đàm tiếu, có người thì bbị thẳng thừng tẩn xuất ra khỏi chùa viện. Nhìn chung người xuất gia rời bỏ gia đình thế tục cũng rất nhiều mà vướng lại vào vòng tục lụy qua cửa ngõ ái dục như vầy cũng không phải là ít. Thế cho nên trong những thời gian sau này, tôi đâm ra sợ hãi nó và chẳng dám khinh bỉ nó như trước. Tôi đã chẳng được nó cho  xem trọn vẹn và đầy đủ khuôn mặt thật của cái gọi là, đam mê của dục vọng hay sao? 

Dục vọng của ái  tình, dục vọng trong hoan lạc yêu đương là những nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất, đã chế ngự con người trong suốt thời gian sống của cuộc đời. Ai lại không có những nguồn năng lượng này, nhưng theo đạo Phật những nguồn năng lượng này là những nguồn năng lượng tiêu cực, nó sẽ mang đến khổ đau sau những giây phút hoan lạc như lên cảnh tiên bồng kia. Cái khổ đau trầm thống nhất chính là con người không gỡ thoát ra được cái khổ đau không cùng tận của dòng sinh tử luân hồi này. Cái khổ đau kế đến là cái khổ đau của luyến ái vì do những ý niệm sinh diệt liên tục trong tâm với cái tưởng cho rằng niềm hoan lạc và sung sướng đây, chính là do cái chuyện tình dục phát sinh tác hợp giữa nam và nữ. Do tưởng sai biệt nên có luyến ái, do có luyến ái nên có khổ đau của chia lìa, của sân hận, ghen tuông, của đòi hỏi, của bất mãn, của bệnh tật, già yếu suy nhược.v.v... Cái khổ đau như vậy mãi mãi lập đi lập lại trong kiếp sống của luân hồi, mà chưa một lần bị gián đoạn. Đức Phật và chư Tổ đã cho ta thấy sự không gián đoạn này qua bao kiếp sống xa xưa mà các ngài và chúng ta đã trải:  "Bụi cả thế giới này cũng không sánh bằng thân ta trải qua trong vòng luân hồi, nước của cả đại dương cũng không bằng nước mắt khóc khi phải biệt ly, xương của ta nếu chất lại thì cao hơn cả những ngọn núi cao nhất và thân xác này của ta nếu mà sắp gom lại thì tràn khắp quả đất rộng này".

Ghê gớm thay đến vậy mà chúng sinh vẫn nghĩ tưởng và cho ái ân là hoan lạc là hay là sung sướng hơn hết trong cuộc đời.

Có lẽ khi sinh ra trong cảnh dục giới này thì con người ta có mấy ai thoát khỏi lưới bủa vây của cái dục; chí cho đến những người xuất gia đã từng một thời quyết tâm cắt ái ly gia, đã từng tu tập hành trì về những phương pháp chống lại dục vọng như quán bất tịnh, quán nghiệp báo, nhân quả luân hồi và đủ thứ cách quán khác mà đôi khi còn không vượt qua nổi cái quyến rũ mê hoặc của dục tình thì hà huống những người thế gian chưa một lần hiểu về tâm, về nghiệp, về khổ đau của luân hồi. Cái chất dục tình trong cõi này là chất mà nó thâm nhiễm, và biến mãn cùng khắp trong mọi không gian và sinh vật. Trong kinh Pháp cú đức Phật nói với các thầy Tỳ kheo đệ tử Ngài rằng: 

"Này các Tỳ kheo, ta thấy biết không có một chút nhỏ nào trong tâm của một người nam mà không chứa đựng và mến thích hình ảnh của những người phụ nữ. Ta thấy, hình sắc của một người phụ nữ tràn đầy trong tâm trí của người nam.

Này các Tỳ kheo, ta thấy biết không có một chút nhỏ nào trong tâm của một người nam mà không chứa đựng và mến thích mùi hương của những người phụ nữ. Các thầy, mùi hương của một người phụ nữ tràn đầy trong tâm trí của người nam.

Này các Tỳ kheo, ta thấy biết không có một chút nhỏ nào trong tâm của một người nam mà không chứa đựng và mến thích mùi vị của nhưng người phụ nữ. Các thầy mùi vị của một người phụ nữ tràn đầy trong tâm trí của người nam.

Này các Tỳ kheo, ta thầy biết không có một chút nhỏ nào trong tâm của một người nam mà không chứa đựng và mến thích sự xúc chạm của những người phụ nữ. Các thầy, sự xúc chạm của một người phụ nữ tràn đầy trong tâm trí của người nam. 

Này các Tỳ kheo, ta thấy biết không có một chút nhỏ nào trong tâm của một người nữ mà không chứa đựng và mến thích của những hình ảnh, thanh âm, mùi hương, mùi vị và sự xúc chạm của người nam. Ta thấy, tâm của một người phụ nữ tràn đầy những thứ như trên của người nam."

Không cứ phải càng tu nhiều và tu lâu năm thì người tu ấy có thể chế ngự được cái tham ái và dục tình trong con người. Đòi hỏi việc chế ngự này chỉ cần có trí tuệ, vì có trí tuệ thì những tính chất tham ái và đam mê dục tình kia - thuộc hạ của vô minh tất phải nhường bước. Thế cho nên tôi vẫn thích tu về trí tuệ hơn để nhìn  rõ cái bộ mặt thật của đứa bạn vô minh, đứa đã dẫn dụ tôi và bao nhiêu loài hữu tình chúng sinh khác ngụp lặn nổi trôi trong dòng luân hồi. Nhưng không  phải là có trí tuệ thì cứ phải là thoát khỏi những sự bức xúc của thân thể, và phần đòi hỏi sinh lý một khi cơ thể trưởng thành. Đây là một hiện tượng tất nhiên của con người khi thân là một sự kết hợp của nhiều yếu tố vật chất để hình thành, và tâm là một sự nối dài và liên tục hoạt động qua những tác động của nghiệp. Thế nên  những vấn đề và hiện tượng tiêu cực nảy sinh bên trong phần cơ thể, và sự bức xúc của tâm qua sự tác động của nghiệp là một điều chắc chắn. Chỉ có điều chúng ta biết nhận ra được hai  yếu tố sinh khởi, tác động của cơ thể vật lý và tâm lý hay không. Nhận ra được điều này thì có thể ta đã nắm và làm chủ được một phần nào con người của chính mình. Còn không thì ta chỉ làm theo những gì mà dục tình trong ta đòi hỏi, mà dục tình đòi hỏi thì biết mấy cho vừa. Bốn mươi năm kể từ thời niên thiếu hai mươi là con người đã bắt đầu suy nghĩ tưởng tượng và làm chuyện ái ân dục tình trong hàng ngày cho đến sáu mươi tuổi, mà tâm lý khao khát và mong cầu ấy nào có được sự biết đủ và dừng lại. Cho đến một trăm, hai trăm tuổi cũng sẽ không  dứt, và sẽ không bao giờ dứt sự thỏa  mãn đòi hỏi ấy ngay cả đến muôn đời kiếp về sau. Nhưng nếu con người ta biết cái nguy hại và lỗi lầm của sự khổ, sự đắm trước trong dục lạc, ái tình thì chỉ ngay trong một đời này, trong một thời gian ngắn này, con người có thể thoát ra khỏi nó. Chỉ có lối thoát này mới là lối thoát cao cả và vinh quang nhất của con người. 

Không tìm cách thoát mà lại tìm sự  thỏa mãn, đắm chìm cuộc đời mình trong các thú vui của ái ân, của dục vọng thì con người chỉ tự trói buộc mình trong cái phiền não khổ đau của đời này, và những đời về sau. Ai cũng công nhận rằng, đời sống dục lạc của gia đình có nhiều khổ đau nhưng ít người có đủ can đảm và khả năng để tìm cách thoát nó. CÓ lúc, có nhiều người lại tôn vinh và sùng bái nó hơn nữa, coi nó như là một biểu hiện tốt đẹp của sự sống trên hành tinh này. Nói đến chuyện đoạn dục, có người còn lo sợ rằng nếu ai cũng đoạn dục,  cũng đi tu hết thì trên hành tinh này sẽ mất giống sao? Rồi có nhiều người lại cũng  tỏ vẻ đạo đức, có tình thương tội nghiệp giùm cho những nhà tu hành, chỉ sớm tối biết có kinh kệ tương chao mà không biết hưởng những thú vui dục lạc của cõi đời.

Tôi đồng ý là cõi đời này có nhiều thú vui và trong dục lạc cũng có nhiều cái vui và sướng lắm nhưng do vì tôi biết nó là giả tạm, là không thật, nhất thời có đó và hết liền đó, nó là vui và sướng nhưng nó cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt những khổ đau và sầu não khác. Không vướng vào nó dĩ nhiên tôi cũng đánh  mất đi một phần nào cái vui và sướng của cuộc đời, nhưng chắc chắn ngoài nó cũng còn có những cái vui và sướng thanh cao hơn, tốt đẹp hơn và vĩnh cửu hơn. Đem phân biệt rõ ràng hai thứ vui và sướng này, người ta có thể chấp nhận một sự hy sinh nào đó.

Trong luận Du Già của bậc Bồ tát, một vị thánh ấn Độ là ngài Thánh Thiên có viết 14 trang luận bàn về ái dục và có một đoạn như sau: Bị trói buộc bởi tham dục người ta không thấy cái tai hại của dục tình như một người bị phong lỡ, những ai thoát ra khỏi tham dục sẽ thấy sự mê đắm ấy là khổ đau, như người mang chứng bệnh phong.

Đối với những người bị bệnh phong lỡ thì cái sung sướng và hạnh phúc nhất của họ là được gãi, càng gãi họ càng thấy khoái và đã, nhưng đối với những người không bị bệnh này thì cái đã và sướng của người mắc bệnh phong và đang gãi ấy, quả thật là tội nghiệp và đáng thương. Họ sẽ cố tìm cách cứu giúp và chữa trị cho người kia khỏi bệnh, để có được sự an vui và sung sướng hơn một khi không có cơn bệnh ấy. 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2011(Xem: 2945)
Diệu nhắm mắt lại, không biết mình đang mơ hay tỉnh. Phép lạ nào đã biến đổi tâm hồn Quảng đến không ngờ?
28/08/2011(Xem: 2709)
Mẹ tôi qua đời đã hơn 10 năm rồi, nhưng cái bếp thân yêu, như là chỗ ghi nhớ bóng dáng mẹ, thì vẫn được các em tôi dùng làm nơi đun nước hàng ngày...
23/08/2011(Xem: 2429)
Vào một năm không nhớ rõ năm nào, trời làm hạn hán khủng khiếp, nắng lửa hết tháng này đến tháng khác thiêu cháy cây cối...
23/08/2011(Xem: 5643)
Xưa có một gia đình rất đông con, đông đến nỗi bố mẹ không nhớ hết được tên từng đứa. Người chồng tên Đang, người vợ tên Phang.
23/08/2011(Xem: 2183)
Một ngày mùa hạ, trời mưa to nước lũ tràn về. Chàng đem củi đi chợ bán, vì nước lũ tràn về nhanh quá, không thể lội qua sông...
23/08/2011(Xem: 2555)
Ngày ấy có đôi bạn chí thân là Quắc và Nhân. Họ đều là con nhà học trò nghèo, lại đều mồ côi cha mẹ, Quắc được học nhiều hơn bạn...
23/08/2011(Xem: 3134)
Ngày đó trâu cùng nói một thứ tiếng với người. Nhờ thế người dùng lời nói để sai khiến con vật theo ý muốn của mình rất tiện.
05/08/2011(Xem: 14515)
Khi vua Tịnh Phạn hay tin Phật thành đạo, nhà vua và dòng họ Thích rất vui mừng. Lúc ấy, em trai vua vừa sanh hoàng tử và xin vua Tịnh Phạn đặt tên. Vua liền đặt tên Khánh Hỷ (Vui Mừng), tức là tên của ngài A Nan.
01/08/2011(Xem: 2788)
Bằng đức độ, lòng từ bi và trí tuệ siêu tuyệt, Nhị Tổ Pháp Loa chinh phục được mọi hạng người trong xã hội, từ vua quan đến quân sĩ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]