Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 10. Danh vọng

18/07/201509:44(Xem: 2562)
Chương 10. Danh vọng
TỰ TRUYỆN MỘT NGƯỜI TU 
Thích Hạnh Nguyện 

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015
CHƯƠNG 10
DANH VỌNG

Danh như một con ong nó có một điệu nhạc nó có một nọc độc. Và ồ xem kìa, nó cũng có một đôi cánh. Emily Dickinson (1830-1886)

Mấy năm trước đây khi còn ở bên Đan Mạch, tôi biết được câu chuyện về một ông tỷ phú người Đan Mạch nọ, tên gì tôi chẳng còn nhớ rõ nhưng ông ta là một người giàu có, dĩ nhiên vì ông ta là tỷ phú và rất được mọi người biết tiếng. Một lần nọ ông có đưa đề nghị lên trên Bộ Xã hội rằng, nếu chính phủ lấy tên ông để đặt tên cho một con đường nọ, thì ông sẽ tặng cho chính phủ một số tiền lớn vài chục triệu đồng Đan Mạch. Sau một thời gian thảo luận, Bộ Xã hội trong khu vực thành phố đó đã từ chối lời xin của ông. Chuyện nghe qua đối với tôi quả thật là lạ, vì sao một người lại có thể thích danh tiếng đến như vậy; cái danh tiếng của ông trong đời này đã quá đủ, để được mọi người biết đến và ca tụng với những đóng góp của ông trong ngành kinh doanh, nhưng ông còn cho chưa đủ và muốn danh tiếng ấy phải mãi mãi lưu truyền hậu thế. 

Có lẽ tôi là một người tu và một người tu thì sẽ không bao giờ hiểu được chữ danh một cách trọn vẹn chăng? Vì đối với cuộc đời thì danh vọng là những gì cao cả và tốt đẹp nhất. Schiller một nhà thơ và kịch nghệ danh tiếng người Đức có nói: 

"Trong tất cả tài sản của cuộc đời, danh vọng là cao quý nhất. Khi thân này chìm vào cát bụi thì danh tiếng ấy vẫn còn mãi mãi".

Phải chăng đó là những gì mà đa phần con người trần thế này mong đợi. 

Trong cái học và hiểu biết nhỏ bé của mình, tôi chỉ biết danh vọng là những điều đáng xa tránh. Danh được xếp vào hạng thứ ba trong ngũ dục của cuộc đời: Tiền tài, sắc đẹp danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Người đời họ hiểu về danh khác người tu, nên họ thi đua với nhau mà đi tìm cầu danh vọng. Càng được nhiều danh vọng họ càng thấy thích thú và hãnh diện với chính mình, xem đó như là một thành công trong cuộc đời của họ.

Nhưng cuộc đời của mỗi người khi sinh ra đời nào có ai, có danh gì đâu. Chỉ có gia đình ông bà cha mẹ họ là có danh có vọng, và do những nhân duyên lành nào đó trong những quãng đời trước mà họ cũng dần hưởng được những danh vọng ấy từ gia đình khi họ lớn lên. Được sinh vào những gia đình quý tộc, giàu có, những gia đình khoa bảng, học thức là họ đã được sinh trong những cái danh tốt đẹp ấy rồi. Dĩ nhiên là cũng nhờ những danh vọng ấy mà chính họ được tôn trọng và kính nể hơn. Nhưng rồi những danh vọng ấy, đôi khi lại buộc chân hay đưa cuộc đời họ vào một ngã rẽ nào đó, đôi lúc thật là khó hiểu.

Dĩ nhiên là chính họ trưởng thành sau này, cũng phải tạo ra cho xứng cái danh với gia đình mà dòng tộc họ đã có. Không tạo được là một sự ô nhục sẽ làm khổ đau cho họ và gia đình đôi khi suốt cả một đời. Sự trưởng thành trong nhận thức của con người cũng là sự trưởng thành của biết bao cách danh vọng. Với người trí thức họ tìm cầu danh vọng theo đường trí thức, qua cách học để có được cấp bằng khoa bảng nọ kia, họ sống cuộc đời họ với toàn là danh xưng, với card, với thiệp mời trên đề toàn một dọc những chức vụ quan trọng. Thiếu những cái danh đó, những cái mà Leszcynski mô tả một cách mỉa mai rằng: - "Danh là gì? Nếu không là cái lợi để người ta biết về mình mà thật ra chính mình lại chẳng biết gì cả." - thì người ta sẽ rất buồn đau và sẽ cảm thấy cuộc đời chẳng còn một ý nghĩa nào cả.

Cũng có lẽ cuộc đời này, và nhất là đối với những xã hội Âu Mỹ ngày nay, những cái danh và bằng cấp ấy đã quá quan trọng nên người ta phải chạy theo như một phản ứng tự nhiên không thể nào khác. Con người sống trong xã hội ngày nay chẳng thể lấy sự cứu cánh nào khác ngoài danh, vì chính đó là nền tảng để xây dựng sự thành bại, sung sướng hay khổ đau của cuộc đời. Với người kém học nhưng có nhiều khôn khéo thì họ tìm danh vọng qua sự giàu có của tiền rừng -  bạc biển, có tiền là có tất cả kể cả danh vọng và địa vị của xã hội. Cái thế giới ngày nay dầu đã được tiến hóa đến một mức độ không thể ngờ với những tiến bộ khoa học đáng kể, và sự kiểm soát con người đến mức tinh vi thế mà đồng tiền vẫn có thể mua được tất cả từ bằng cấp nọ kia đến cái gọi là quyền cao chức trọng trong chính phủ. Đã có quá nhiều cái nhiêu khê và chuyện đáng tức cười xảy ra cho những người có cái danh mà không có thực chất ở trong cuộc đời này, từ các nơi hành chính của chính phủ, cho đến chỗ buôn bán và trong cả gia đình. Với những người xấu, họ tìm cầu danh vọng qua các thủ đoạn mưu chước và đôi khi vì danh đó mà họ đã tạo ra bao tội ác cho họ cũng như cho cả biết bao người liên lụy. Lúc tâm tham danh và cầu danh khởi lên, họ sẽ không từ chối bất cứ những hành động nào dù xấu xa, bỉ ổi thậm chí tán tận lương tâm đến đâu, miễn sao họ có được danh, được nổi tiếng là tốt rồi. Đó là cuộc đời, là cái thế giới mà hiện tôi đang sống. Cả thế gian này là vậy, cả cuộc đời và con người là vậy và tôi phải làm sao đây bây giờ, chạy theo hay dừng lại, chối bỏ hoặc quay lưng. Đức Phật với giáo lý trí tuệ và từ bi của Ngài, xin hãy soi sáng cho con trong mọi vấn đề để tâm con được an lạc, cuộc sống con được hạnh phúc và có ý nghĩa cho người cũng như cho mình. Nếu có sư tồn sung cao cả nào nhất để con đặt trọn vẹn niềm tin hướng về, nếu có giáo lý nào duy nhất trong cuộc đời để con nương theo, thì đó chính là đức Phật và giáo lý của Ngài. 

Chính Ngài và Phật pháp đã khai mở tâm con, cho con thấy được điều đáng thấy, biết được điều đáng biết để cho con biết cách sống hơn một đời sống làm người. Còn không thì con không biết đời con ngày nay sẽ trôi dạt ở nơi nào trong cái nhìn, thấy biết và hiểu của vô minh nghiệp chướng. Nhìn cuộc đời với muôn triệu con người đang sống trên danh, trên lợi và trên bao nhiêu nghiệp chướng tạo ra trong cuộc đời, con bỗng cảm thấy rùng mình sợ hãi. 

Nếu trong quá khứ con không có gieo những duyên lành thiện căn thì giờ đây làm sao con biết được Phật pháp mà nếu không biết thì chắc gì giờ đây con không lặn ngụp trong biển ái bờ mê như muôn vàn những con người khác. Lặn ngụp như vậy thì chắc gì con sẽ không bi đọa lạc trong các cõi xấu ác một khi thân người này hoại diệt. Thế nên quý báu thay khi con được xuất gia tu học, sống đời tỉnh thức để thấy và có sự hiểu biết thật nhiều những nỗi khổ đau trên trần gian này. Cũng do trí tuệ, tình thương và sức đại hùng Ngài đã ban cho con mà con có đủ sức nhẫn, trí tuệ và chí lực để dõng bước trên con đường đạo hầu có thể làm lợi lạc cho mình và cho người.
 
Có những lúc tôi thấy tâm tôi thật mênh mang vô bờ, trải rộng khắp nơi để thấy biết và cảm nhận đầy đủ nổi khổ của một kiếp chúng sinh. Đó là những lúc cõi lòng tôi cảm thấy xúc động, là những lúc tôi cảm nhận ân đức của đức Phật, và của đời sống xuất gia đầy thanh lương mà tôi là người đang hưởng nhận. Cho nên những dòng tôi viết bên trên là những dòng tâm niệm của tôi được xuất phát tự đáy lòng. Cảm nhận ân đức vô bờ ấy là tấm lòng của một người xuất gia, và người ấy phải tu và tu thật nhiều mới mong đền đáp ân sâu ấy. Trong sự hiểu biết ấy mà tôi vẫn luôn luôn đặt mình trong tình trạng sửa mình.

Chặng cuối của con đường danh vọng sẽ đưa người ta đi đến đâu nhỉ, có lúc tôi tự hỏi. Sự tìm kiếm, mong mỏi, hy vọng, lo âu để được những gì và nó có giá trị lâu bền là bao? Cái sung sướng đạt được chiếm hữu ấy kéo dài được bao lâu nếu không hơn một đời người. Tôi liên tưởng đến cái thế giới này vào một trăm năm sau, và lúc ấy sẽ gần như là không còn ai trong 7 tỷ người ngày hôm nay có mặt trên trái đất này nữa. Thế giới này sẽ có 10 tỷ hoặc 20 tỷ người mới sống thay thế thế hệ mà chúng ta đang sống. Quả là một sự ra đi vĩ đại của 7 tỷ người, rồi nó cũng sẽ mãi mãi tiếp tục diễn tiến và kéo con người ra đi mãi mãi như vậy. Cái danh vọng mà con người chúng ta tưởng là tốt đẹp, bền chắc và mang đầy ý nghĩa của một thời tranh nhau để có, sẽ tạo nên được những gì và có bền lâu trong cuộc đời này hay không? Xét cái vô tận của trời đất, xét cái không cùng của không gian tôi bỗng thấy nó mong manh và giả tạo làm sao.

Nếu ngày xưa con người vì danh vì vọng mà quên hết tình nghĩa để sát phạt đâm giết lẫn nhau, thì ngày nay, xã hội con người đạt đến những điểm cao của sự văn minh và tiến bộ, họ giải quyết vấn đề này cũng chẳng tốt đẹp và cao thượng hơn là mấy. Phải chăng tự bản chất của danh vọng đã là cái xấu xa tội lỗi, nên những hành động truy tìm nó cũng tạo nên những phản ứng tương tự. Cứ mỗi lần xem tin tức, đọc báo thì tôi lại thấy người ta tranh dành danh vọng. Những người cầm quyền thì muốn mãi giữ danh vọng và quyền uy của mình, kẻ chưa được thì mong và tìm cách chiếm cho được cái danh vọng và quyền uy đó bằng đủ mọi cách có thể, từ hủy nhục cho đến tìm phương cách bạo động lật đổ. Phật giáo dạy cho tôi biết rõ về bản chất của danh vọng, cũng như những sự khổ kéo theo khi người ta mưu tìm để chiếm đoạt.

Ở đây sẽ có ba trạng thái khổ, một là khi chưa có danh vọng nên người ta cần phải tìm và dùng đủ mọi cách để cho có được danh vọng; đây là cái khổ chưa được cầu cho được Ví như để có được quan chức, địa vị, bằng cấp nọ kia người ta phải học, lo lắng, hy vọng, họ phải mưu mô, thủ đoạn mới mong chiếm được những địa vị và danh vọng mà họ muốn. Hai là khi được rồi người ta phải lo lắng giữ chặt và bảo vệ nó; đây là cái khổ của lo lắng, sợ hãi. Ví như khi có được danh vọng như quan, tướng, hoặc nhà giàu bằng cấp nọ kia họ phải lo gìn giữ nó không để mất mát. Trong giai đoạn này có rất nhiều người ghen ghét, ganh tị nên tìm cách nói xấu và ám hại họ, do đó những người có danh vọng hay sợ hãi bị giết chóc, bắt cóc, thủ tiêu và bị chưởi bới. Ba là khi bị tước đoạt và mất đi danh vọng mà họ đang có, họ sẽ bị khổ sở, sầu muộn, tuyệt vọng, chán chường và hối tiếc; đây là cái khổ khi bị mất danh vọng. Ví như những người khi bị cách chức, bị mất ghế, mất phiếu, bị sa thải họ đều phải chịu sự khổ với tâm tư bị hành hạ, dày vò, ray rứt và mang nhiều hối tiếc, cuộc đời họ như đã tan vỡ và họ sẽ chẳng thấy vui thú gì để sống trên trần gian này nữa. Bacon Francis một nhà triết và sử gia người Anh có nói:

Danh vọng cao giống như ngọn lửa; khi ta nhóm nó thì đã khó rồi, giữ lại khó hơn nhưng nếu để mất và phải nhóm lại thì quả thật là khó.

Nói vậy cũng không phải là để bài bác và chê bai những cái mà con người ta từng theo đuổi kiếm tiền, mà nói để hiểu rõ về thực chất của nó, để ta khỏi vướng mắc và khổ lụy về nó. Con người cũng cần có danh lắm chứ, nhưng có danh và hiểu rõ về bản chất thực sự của danh trong cái nhìn trí tuệ, thì ta sẽ bớt khổ đau nhiều lắm. Vì sao? Vì danh kia khi tìm tiếm, hy vọng, mong đợi thì rất khó được, nhưng được rồi thì dễ chóng tàn, khi đã tàn, đã mất thì sự khổ đau không cùng - nếu thiếu trí tuệ sẽ mãi mãi hiện hữu trong ta như một vết thương đau nhức. Trong  kinh Tứ thập nhị chương đức Phật có nói rằng:

"Người thế gian suốt một đời theo đuổi tìm cầu danh vọng, nhưng khi được thì thân đã già suy. Tham danh lợi thế gian mà không lo học đạo thì thật là uổng công nhọc xác, ví như lửa đốt hương, khi ta ngửi được mùi hương thì thân hương cũng đã hóa thành tro. Cái lửa đốt thân này ở ngay sau lưng mình đây".

Con người nếu không có sự tu học và thấm nhuần chất liệu trí tuệ trong Phật pháp, thì thật khó mà dửng dưng đối với cái danh vọng của cuộc đời. Ai dám là người chịu tách mình ra khỏi cái biển người đang chen nhau mà vui mà sống với danh vọng này, có chăng là người ấy phải có một nhận thức sâu sắc về tính vô thường, giả tạo của cuộc đời, mới có thể sống an nhiên tĩnh lặng mà ngoái nhìn thiên hạ đua tranh. Để có được sự hiểu biết và thâm nhập thật sâu về lý vô thường, thì ai đây nếu không là những người đi vào các con đường đạo hạnh. Nhưng việc này  không dễ vì ngay cả những người xuất gia như tôi chẳng hạn cũng thấy lao xao trong lòng, có lúc cũng đi tìm kiếm, cũng tự hào với cái danh cái chức vị nọ kia trong đạo.

Nhớ khoảng bốn năm về trước khi được thọ giới Tỳ kheo lần đầu, tôi thấy mình có niềm hãnh diện trong lòng. Hãnh diện vì kể từ đây mình sẽ được người ta gọi mình là Đại đức, sẽ được người ta cung kính và tôn trọng thêm mỗi khi mình đi đâu, mình nói gì. Thú thật rằng cái tâm thọ đại giới để có giới mà tu thì ít mà cái tâm để được người khác tôn trọng thì nhiều. Được làm một vị thầy tất nhiên là khoái hơn làm một chú Sa di rồi, vì khi làm Sa di thì đi đâu và tham dự lễ lượt gì cũng chỉ mặc được áo tràng màu lam, và chiếc y đơn sơ một sọc. Gọi thì ai cũng gọi bằng chú, và có lúc gọi chú dường như chưa lột tả hết ý nghĩa của một người mới vào tu, người ta còn gọi thêm là chú và tiểu nữa chứ. Xét về tâm niệm trước đó thì tôi thấy, quả thật cái danh nó dường như tăng trưởng theo thời gian tu hành. Khi mới vào xuất gia người ta vẫn gọi tôi là chú tiểu, và khi ấy lòng tôi đã chẳng thấy khởi lên một phản ứng buồn phiền nào; nhưng rồi với thời gian tu tập trôi qua tôi thấy mình có vẻ không vui khi thấy mấy chú khác được thọ giới Sa di, và được đắp y vàng mỗi khi làm lễ. Còn tôi thui thủi một mình với chiếc áo tràng màu lam vô ý nghĩa. Tôi thấy mình bị thua sút và thấy mình không được bằng người nên tự nghĩ: "khi nào được thọ giới Sa di chắc là rất thích và vui sướng lắm. "Nhưng qua thời gian khi thọ giới Sa di được rồi, tâm thích thú vui sướng và mãn nguyện ấy chẳng dừng ở đó, mà bắt đầu nghĩ đến việc thọ giới Tỳ kheo để được người ta tôn kính và trọng nể hơn. Và rồi mang những ý nghĩ đó trong tâm, tôi muốn mau được thọ đại giới là vì vậy. Kể giông dài như vậy để cho thấy một diễn trình tâm lý của con người quả thật là phức tạp, mang nhiều sự thèm muốn bên trong, dù rằng đó là một người tu, một người sống ở cảnh thanh tịnh và được tu học, được răn nhấc hàng ngày với những giáo pháp giải thoát của đức Phật.

Dĩ nhiên khi khởi lên hoặc mang trong lòng những tâm niệm như vậy, thì điều ấy rất là tà vạy và bậy bạ. Tôi hiểu và cố kìm chế tâm ấy để nó khỏi thường khởi lên ngự trị, tôi vẫn thấy nó có vẻ như tiềm tàng đâu đó sâu trong tiềm thức, khó chữa trị. Nếu không có tâm niệm chân chánh, tư duy và quán sát lấy chính mình trên mỗi bước đường tu học thì người tu cũng có thể dễ làm mồi cho bả danh vọng và lợi lộc. Người tu hành hơn ai hết rất dễ dàng có điều kiện để sống với danh vọng và che mắt người khác. Đối với một số truyền thống khác như Tích Lan hoặc Tây Tạng, một người tu hành bình thường và dễ duôi, thì khó có thể lấy cửa đạo làm đà tiến thủ danh vọng của mình. Vì người tu trong những truyền thống đó phải trải qua những thử thách rất lớn, trước khi được trở thành một bậc thầy đúng nghĩa như Maha Thera hay Geshe, để được người phật tử tôn kính và nể vì. Qua một quá trình được đào luyện như vậy, một bậc thầy phải trải qua mười mấy năm liên tục gian khổ trong vấn đề học và hành trì, nên khi thành tựu họ cũng có thể xứng đáng với sự tôn kính của mọi người. Còn không chịu đặt mình trong các tu viện để học và tu, thì dù có tu suốt cuộc đời cũng chỉ là một tăng sĩ bình thường, chẳng thể làm lợi ích cho người và cũng chẳng được nể vì. Thế nhưng trong truyền thống Việt Nam thì lại khác, quá dễ dãi và chỉ căn cứ vào thời gian năm tu mà sắc phong Thượng tọa, Hòa thượng để đến nỗi có người chẳng có sự tu học, chẳng thông hiểu Phật pháp cũng mang danh nọ kia để tự mãn với mình và người, làm cho cái hay và sự cao quý của pháp bảo, của tăng bảo từ đó mất dần ý nghĩa.

Do không được tu học đúng nghĩa, do không phát tâm chân chánh khi tu hành, nên người ta lấy Phật pháp làm con đường tiến thân cho danh vọng và sự nghiệp. Nếu cuộc đời tu hành mà chỉ tính toán và mưu toan với dường ấy những tâm ý bất thiện, thì quả thật sự tu hành không phải là cái nhân đem lại lợi lạc và giác ngộ cho người, mà là nhân đưa mình đoạ vào ba cõi ác một khi thân người này mất đi. Nhưng dù khi bắt đầu vào đời sống tu hành, ta có những tâm niệm rất chân chính và hợp với đạo; nhưng với thời gian trôi qua, không thường có sự giác tỉnh và lấy mục tiêu giải thoát làm mục tiêu tối hậu cho cuộc đời tu hành của mình, thì với tâm ý vô thường này ta cũng có thể dễ bị cái bản ngã uốn nắn, để rồi một ngày nào đó khi nhìn lại chính mình, ta sẽ thấy những ý nghĩ của mình chỉ toàn là danh, những lời nói và hành động của mình cũng  mang một ý nghĩa nào đó hướng về lợi mà thôi. Đức Dalai  Lama, ngài có nói rằng: 

"Nếu một người tu mà trải qua bao tháng năm hành đạo không thấy mình tầm thường hơn, giản dị hơn và khiêm tốn hơn thời gian ban đầu, thì có lẽ là ta đã đi lạc rồi!"

Điều đức Dalai Lama nói trông có vẻ dễ và ta có thể chẳng lấy làm lạ gì, nhưng đã có mấy người tu hành ngày nay làm được. Ai tu lâu năm rồi cũng tự nhiên muốn mình được người khác cung kính, và tôn trọng hơn thời gian ban đầu. Ai không biết gọi sai cái danh, cái chức vị của mình, ta cũng cảm thấy bực bội và không tỏ vẻ vui với người ấy. Ai không cung kính, vái chào hoặc đảnh lễ mình, mình cũng cảm thấy khó chịu và tự nghĩ: "sao người kia vô phép, vô tắc".

Chợt nhớ trước đây có lần tôi được đọc một câu chuyện, tên gì tôi chẳng nhớ rõ, nhưng đại khái câu chuyện kể về một vị thầy sau thời gian tu hành nghiêm mật trên núi nên bèn hạ sơn hoàng đạo dưới chốn kinh kỳ. Sau một thời gian hoằng hóa độ sinh, thầy được mọi người biết tiếng và ngưỡng mộ vô cùng vì đức hạnh và sự uyên bác kinh luật của ngài. Được vua sắc phong làm quốc sư, và mỗi lần thầy thuyết giảng đều được ngồi trên những pháp tòa trang nghiêm, bằng gỗ trầm thơm. Sau một thời gian hoàng đạo ở chốn kinh kỳ, thầy ra đi để tìm cách độ những người ở các nơi khác. Một hôm ngang qua một dòng suối thầy xuống tắm và đắm chìm trong cái sảng khoái giữa dòng nước mát, cảnh vật thiên nhiên xinh đẹp của núi rừng. Đột nhiên thầy giựt mình vì nghe những tiếng la ó của một bọn trẻ. Chúng nó thì cũng ngạc nhiên vì bất chợt trông thấy thầy nên bật la lên: 
"Ê tụi mày ơi! Xem kìa, có ông thầy chùa đầu trọc đằng kia."

Khi vừa thoáng nghe, cơn giận từ đâu tràn đến và như xâm chiếm toàn bộ cõi lòng thầy. Thầy thấy mình bị xúc phạm, bị hủy nhục và chê bai. "Ta đây là đường đường một vị quốc sư, ngay cả vua cũng phải kính nể quỳ lạy, người người ai ai cũng tôn kính đảnh lễ, mà nay tụi nhóc này dám nói mình là thầy chùa đầu trọc". Nhưng rồi chỉ trong khoảng khắc sau đó, thầy chợt nhiên bật cười với chính mình vì sự giác ngộ kịp lúc:

"Mình là thầy chùa có đầu trọc, thì tụi nhỏ gọi là thầy chùa đầu trọc, chứ có gì đâu mà phải buồn, phải giận trong lòng."

Bỗng chốc thầy thấy được cái vô thường và giả tạo của cuộc đời. Những cái danh vị của quốc sư, của hòa thượng, những sự cung kính, khen ngợi, đảnh lễ, cúng dường từ mọi người bỗng trở thành huyễn hoặc và giả tạm. Cái còn lại trong thầy là sự an nhiên, như như tự tại của một người thoát khỏi mọi phiền trược tranh đua của cuộc đời. Câu chuyện tôi chỉ nhớ được đến đó, nhưng nó đã gợi cho tôi những hình ảnh và ý nghĩa thật đẹp của nội dung câu chuyện, về cái tâm tham danh vọng, chấp chước của người tu đối với cuộc đời.

Thật ra những ước vọng thầm kín trong mỗi con người là thích được người khác chú ý, tôn trọng và kính nể; dù người đó là một người thường hay một người tu. Có những danh vọng và chức vị nhỏ người ta muốn được tôn trọng và kính nể theo mức độ nhỏ; có danh cao, chức lớn thì người ta cũng muốn người khác biết đến và kính nể nhiều hơn.  Thế nên theo thời gian tu hành nhiều năm, có phẩm bậc cao hơn thì người tu muốn được xem trọng cũng là chuyện thường tình; nhưng nếu lấy Phật pháp làm thước đo cho việc này, thì việc mong muốn được người tôn kính và trọng nể nhiều hơn qua lâu năm tu hành; thì đây quả là một mong muốn của bản ngã do thiếu chất liệu tu hành mà ra.

Khi người ta không có sự tu và hành trì thật sự thì người ta sẽ thấy cái danh vọng này là thật có, thấy có mình đáng hưởng cái danh này và thấy cuộc đời là thật và thường tại. Chỉ có cái nhìn và thấy như vậy thì người ta mới ham cái danh hão huyền để phải buồn, phải vui và tìm cầu chạy theo nó. Còn nếu luôn luôn nghĩ đến sự tu hành, nghĩ đến sự khổ não của chúng sinh mà hằng khởi những niệm từ, tâm bi mong cứu độ mọi loài, thường nghĩ đến giải thoát thì người ta sẽ đâu ham những cái danh giả tạo mà người khác ban tặng cho. Dù tôi vẫn biết tự trong thâm tâm và đáy lòng rằng, tôi còn rất ham thích những cái danh vọng của chức vị nọ kia, và các phẩm bậc của người tu, nhưng tôi mặt khác lại sợ nó vì những tác động tâm lý tiêu cực, để từ đó nó đưa đẩy tôi đi vào con đường sai lạc.

Nếu có những hành động nào cao cả và đẹp đẽ nhất trong sự gạt bỏ và chối từ danh vọng cuộc đời, để tôi lấy đó làm gương mà noi, thì đó là hành động ra đi của đức Phật trong quá khứ và đức Dalai Lama trong hiện tại. Có ai có danh vọng và quyền lực hơn đức Phật thuở bấy giờ, có ai có đầy đủ cuộc sống và sung sướng như Ngài vậy mà Ngài vẫn chối từ và thản nhiên ra đi. Trong kinh Tứ thập nhị chương đức Phật nói:

"Ta coi ngôi vị vương hầu như bụi qua kẻ hở; coi vàng ngọc châu báu như ngói gạch; coi lụa là như vải thô; coi đại thiên thế giới như hạt tiêu... ; coi thịnh suy như cây bốn mùa".

Đức Dalai Lama thì ngài cũng tỏ vẻ thản nhiên không kém khi rời ngôi vị lúc bỏ xứ ra đi. Gần đây ngài lại tuyên bố sẽ từ chức, một khi dành lại được độc lập cho Tây Tạng, trên hết dù được hàng bao nhiêu triệu người tôn sùng như là một hóa thân của đức Bồ tát Quán thế âm, ngài vẫn luôn luôn tỏ ra bình dị và tầm thường như một người tu tầm thường. Trước mọi người bao giờ ngài cũng nói rằng: "tôi chỉ là một tu sĩ bình thường, như mọi người chứ chẳng khác." Như vậy mới thấy rằng một vị chân tu thật sự bao giờ cũng luôn luôn hạ mình xuống trước mọi người, nâng mọi người lên được qua lời nói và việc làm khi có thể; và hay thay là chính khi những vị ấy hạ mình xuống thì các ngài càng được người khác tôn sùng và nâng lên cao. Còn với tôi một người thiếu sự tu học và hành trì thì không hiểu sao lại cứ thích và tham những danh vọng hảo huyền, cầu sự cung kính tôn trọng của mọi người. Nếu có những ân phước nào lớn nhất, nếu có những nguồn cảm hứng nào thiêng liêng nhất cho tôi ngưỡng mộ nhìn lên để học theo những công hạnh và đức độ của các ngài, thì đó chính là đức Dalai Lama, một bậc thầy vĩ đại của nhiều người và cũng là thầy của tôi, người tôi hằng tôn sùng. 

Cách đây mấy năm khi có dịp về Việt Nam để thăm viếng, tôi nảy sinh ra ý định làm một số việc từ thiện. Tôi tính nhiều dự án lắm kể cả việc xây một tu viện quy mô để làm nơi đào tạo tăng tài. Phật giáo nước nhà cần được phục hồi, tăng chúng cần phải có môi trường tu học và được đào tạo đúng mức theo những trình độ mà tăng sĩ Phật giáo các nơi đã được đào tạo. Cùng một số những huynh đệ trẻ khác, chúng tôi bắt tay vào làm việc và kêu gọi. Kết quả sau nửa năm làm việc thấy rất là khả quan, nhưng sau vì tình hình trong nước chưa cho phép nên chúng tôi đành gác lại dự án. Tôi nghĩ thời cơ cũng chưa đến cho mình ra ngoài để làm việc nên rút lui về lại Ấn Độ, và vào tu viện tính chuyện tu học cho xong.

Sau một thời gian ở yên và chuyên tâm vào việc tu học, tôi ngoái nhìn lại vấn đề cũ -những chương trình, dự án, kế hoạch đủ thứ trước đây- bỗng thấy sợ hãi. Sợ hãi là vì nếu nhân duyên thuận lợi đó đưa đến, thì bây giờ không biết tôi đã bị ngập đầu, ngập cổ đến đâu với biết bao công việc. Cái tâm mà ban đầu tôi luôn nghĩ là tâm chơn chất, do vì lòng thương, xót xa khi thấy người mình nghèo, đạo pháp bị khó khăn nên tôi hy sinh ra làm việc; liệu tâm ấy có phải xuất phát từ lòng từ bi chân thật của chính tôi hay không? hay nó chỉ là một cái mặt của bản ngã? Liệu tôi sau một thời gian làm việc như vậy có tránh khỏi danh, khỏi lợi hay không khi mà đường tu hành của tôi còn rất yếu? Thế nên tôi chợt nhớ lời thầy Nhất Chân dạy tôi trong một lần nào đó gặp mặt:

"Con đi xa tu học thì chỉ chuyên về tu học thôi, chứ đừng nghĩ tưởng đến gì khác, đừng làm việc nọ việc kia dù việc ấy có là phật sự, có lợi ích bao nhiêu đi nữa cho chúng sinh".

Một khi sự tu hành của một người xuất gia chưa được chín mùi -ở đây nghĩa là chưa được bình thản và an nhiên đối trước những danh lợi, được mất, hơn thua, khen chê của cuộc đời- mà họ muốn ra làm việc đạo, hoằng dương Phật pháp, phổ độ chúng sinh thì thật chẳng ích gì và có hại cho họ mà thôi. Làm sao ta có thể biết được những niệm lành, ý muốn tốt cho đời cho đạo kia không là những ý tưởng dẫn dụ của một bản ngã.

Nhân danh các điều thiện, các điều lành lợi ích cho mọi loài ấy, bản ngã dẫn ta đi và đi mãi với những cái tốt và đẹp nhất cho mọi loài. Nhưng để rồi một ngày nào đó khi ta trong một lúc tu hành quán chiếu lấy chính mình, mới chợt nhận ra rằng tất cả những ý tưởng, niệm lành cho người, cho mọi loài trước kia của mình chỉ là cái thực chất của bản ngã, nó mang mặt nạ vì lợi ích cho Phật pháp và chúng sinh ở bên ngoài. Xét và tìm đến cái bản ngã sâu tận bên trong của con người, thì ta mới có thể thấy nó luôn luôn gian manh và quỷ quyệt, nó có đủ mọi ma chước để quyến rũ và dẫn dụ những người tu đi vào con đường sai lạc và sa đọa. Thế nên tôi cũng hay dặn lấy chính tôi rằng: "hãy coi chừng cái bản ngã của ngươi."

Nếu những người tu hành vì lòng từ bi thương xót thật sự với những nỗi khổ đau và mê lầm của cuộc đời, nên xông xáo lao vào cõi trần tục này để cứu độ mọi người, thì cái động cơ tâm lý ấy quả thật đáng tán thán và đảnh lễ. Nhưng nếu để lao vào cuộc đời này với mục tiêu có được những danh vọng, sự tôn kính và cúng dường thì dù những việc làm phật sự, hoằng pháp lợi sinh kia mang ý nghĩa cao cả bao nhiêu đi nữa cũng là vô ích, vì nó đưa đẩy người tu ấy vào đường danh lợi khác gì thế gian.

Ngày nay, những người tu có thể nhân danh những cấp bằng cao học, hay tiến sĩ để vươn mình ra đời, làm việc phật sự lợi ích cho chúng sinh. Nhưng liệu những cấp bằng cao học, tiến sĩ ấy có đủ làm đại diện duy nhất cho tâm Bồ đề , tâm từ bi thương xót muốn thật sự cứu độ các chúng sinh hay không? Xã hội con người ngày nay là xã hội của danh và vọng, ai không có danh vọng người đó không được tôn trọng và nể vì, thế nên con người ta đua nhau truy tìm nó và gán lên người đủ thứ các chức vị, thanh danh. Nếu để đi vào cuộc thế và song song hành đạo giữa những người có nhiều danh vọng, mà người tu phải phương tiện dùng cái danh học, danh tu của mình để cảm hóa và nhiếp phục mọi người thì điều ấy chẳng trái; nhưng nếu lấy đó làm phương tiện tiến thân để có lợi, được danh, thì thật là sai hẳn cái mục tiêu mà người tu ấy ấy phát nguyện lúc ban đầu. 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4807)
Sáng sớm đã nhìn thấy lá vàng rụng đầy sân. Ừ, đang mùa thay lá mà. Sân chùa có nhiều cây cao bóng mát cho khách thập phương ghé lại tham ...
10/04/2013(Xem: 8951)
Trong ngôi chùa lá nhỏ nằm gần một con suối nhỏ, thầy trò tôi đã có một đời sống tu hành đạm bạc yên vui. Sáng sáng thầy cùng các vị sư huynh ra ...
10/04/2013(Xem: 4541)
Nằm trong góc sân chuồng, con Bê uể oải nhai lại mớ rơm khô mà mắt nó cứ ngó mông lung ra ngoài. Nơi ấy có mấy bụi tre già, thỉnh thoảng vang ...
10/04/2013(Xem: 4173)
Bóng chiều buông xuống. Những tia sáng cuối cùng đi qua mảnh sân nhỏ còn rơi rải lại chút nhạt nắng mong manh trên những thân cây đang ngã ...
10/04/2013(Xem: 4366)
Một bóng người thoăn thoắt bước đi, thỉnh thoảng quay đầu nhìn ra hai bên đường đầy vẻ tư lự. Lúc này vần trán thanh tú khẻ nhíu lại, trầm ngâm nghĩ ...
10/04/2013(Xem: 5748)
Tôi mang loại giày vải màu đen đó đã ba mươi năm. Còn xâu chuỗi màu đỏ luôn ở bên mình (không phải là loại mã não thứ thiệt đâu) cũng tròm ...
10/04/2013(Xem: 4372)
Quân bước xuống xe, rẽ vào con đường đất đỏ, nơi có chiếc cổng Tam Quan màu xanh rêu cổ kính. Gần bên với tấm biển thấp nhỏ ghi rõ hàng ...
10/04/2013(Xem: 6068)
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp đi lại trên dòng sông này. Bờ bên kia là vườn cây trái xum xuê vươn thẳng tới tận cuối đường chân mây. Xa xa…. từng cánh đồng lúa xanh non trải rộng trông như tấm màn nhung giăng kín cả mặt đất, làm cho những cánh cò cứ chao nghiêng bay lượn theo hương mùi mạ mới.
10/04/2013(Xem: 4666)
Dừng chân bên khu vườn rợp bóng mát của những táng cây cổ thụ, Người lữ khách đặt nhẹ chiếc ba lô xuống, rồi ngồi thư giản trên một tảng đá trong tư thế toạ thiền đếm hơi thở. Dù từng đi đây đó nhiều, cảm thụ biết bao kỳ quan dị cảnh cuả đất trời, nhưng chàng vẫn bị thu hút trước vẻ đẹp huyền ảo của buổi ban mai rực vàng bóng nắng. Nhiều người khác cũng lần lượt kéo tới, không gian bao trùm trong sự chiêm bái thành kính mà yên lặng tôn nghiêm. Đến với miền đất Phật xa xôi này, Du Tử chợt nghe lòng thoáng chút nhẹ nhàng thanh thản an vui.
10/04/2013(Xem: 4321)
Hình ảnh ngôi chùa, dòng sông, cây đa bến nước đã quá đổi thân quen và gắn bó đời người qua từng làng xã quê hương. Để rồi khi tất cả khung cảnh nên thơ bình dị ấy chỉ còn là chút hoài niệm xa xôi thì nó bổng trở thành một thứ biểu tượng thiêng liêng, ẩn chứa biết bao niềm thương nỗi nhớ đến nao lòng...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]