Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Xuất gia.

10/04/201311:02(Xem: 4629)
Xuất gia.

Truyện ngắn Phật Giáo

Xuất gia

Nguồn: Nguyên tác Kiyohiro Miura Diệu Đạo dịch

He’s Leaving Home, quyển tự truyện của tác giả Kiyohiro Miura, đã được giải thưởng đặc biệt AKUTAGAMA của Nhật. Quyển sách miêu tả về sự mâu thuẫn trong tình cảm của các bậc cha mẹ có con xuất gia : Họ tự hào vì con đường cao quí con mình đã chọn, đồng thời đau khổ vì sự chia ly, vì quyết định quá sớm, quá đột ngột của con mình.

Dịch theo bản tiếng Anh của Jeff Shore
.

Lần đầu tiên, khi con trai tôi nói muốn đi tu, tôi rất ngạc nhiên, Đó là một buổi sáng chủ nhật, đầu xuân, khi chúng tôi như lệ thường đang trên đường đến thiền viện. Năm học mới sắp khai giảng và nó sửa soạn vào lớp ba. Khi đang đi với nhau, nó ngước lên nhìn tôi và nói :"Cha, làm ơn xin với Thầy dùm con".
Đó là lần đầu tiên con trai tôi xin xỏ điều gì giống như thế. Thường nó chẳng nói gì, trừ khi được hỏi đến. Mà hình như ý nghĩ muốn xuất gia không phải vừa chợt thoáng qua đầu nó. Tôi có cảm tưởng như nó đã nghiền ngẫm về điều đó một thời gian, và bây giờ mới nói ra.
Tuy nhiên, tôi cũng không coi điều yêu cầu đó là nghiêm chỉnh. Trước hết là vì tôi bất ngờ. Dầu tôi vẫn dẫn nó theo trong các buổi tọa thiền, nhưng tôi chưa bao giờ bắt nó ngồi thiền. Tôi dẫn nó theo giống như là hai cha con đi chơi công viên nào đó. Hai nữa là vì nó đang theo dõi chương trình"Ikkyu-san" trên TV, một chương trình hoạt hình về một thiền sư Nhật. Vì thế, sau đó tôi quên khuấy đi lời yêu cầu của nó.
Nhưng con trai tôi thì không."Cha, cha đã thưa với Thầy về chuyện đó chưa?".
Đó cũng vào một buổi sáng chủ nhật, hai hay ba tuần sau, cũng vaò lúc chúng tôi đang trên đường đến chùa. Tôi chợt nhận ra cũng cái nhìn van xin, lo lắng như lần trước. Mỗi chủ nhật, sau giờ tọa thiền, chúng tôi hay ở lại, thọ trai, trò chuyện thân mật với vị trụ trì. Những lúc như thế, gương mặt phụng phịu của con tôi như thúc giục"Kìa cha.. Sao cha không hỏi Thầy đi?"
Vì thế, hôm ấy ở bàn ăn, tôi nói, trong tiếng cười"Hình như con trai con muốn xin xuất gia!". Làm được vậy, tôi coi như đã tròn lời hứa với con.
"Vậy sao?", Thầy trụ trì nói, rồi quay nhìn con tôi, nở nụ cười thân thiện."Con có là nhà sư tốt không?".
"Dạ có", con trai tôi trả lời với cái gật đầu sốt sắng.
Tôi hơi sững lại : không ngờ câu chuyện lại xoay theo chiều hướng đó. Tôi ngỡ là vị trụ trì cũng coi đó là chuyện trẻ con, một câu nói đùa thôi. Nhưng đối với thầy trụ trì, chuyện đó không phải chuyện đùa. Tôi đã quên là thầy trụ trì luôn nghiêm chỉnh trước mọi việc kể cả những chuyện của trẻ con. Tôi vội vàng nói đỡ :"Nhưng nó còn đang học tiểu học, ai mà biết nó sẽ thay đổi lúc nào, thưa thầy? Chắc là vì nó đang xem chương trình hoạt hình gì đó mà. Thôi ta hãy bàn đến chuyện đó sau khi nó học xong tiểu học".
"Có phải vì con đang coi các phim hoạt hình"Ikkyu-san" không?", vị trụ trì hỏi, dịu dàng nhìn vào mắt đứa trẻ. Nó lắc chiếc đầu nhỏ bé của mình, nói Không.
"Hay! Hay lắm! Nhưng con còn nhỏ lắm. Hãy chờ khi con lớn hơn". Rồi thầy trụ trì nói về các công việc phải làm trong chùa, nhưng trong cách nói của người, không phải là của một người lớn nói xuống với đứa bé.
Sau đó, mỗi khi nói về con trai tôi, thầy hay nhìn vào mắt con tôi, rồi trêu chọc, nói những lời như"Nầy Ryota, con chắc chắn sẽ làm nhà sư chứ?" hay,"Nè, chú tiểu nhỏ! Con có siêng học không?"
Sau đó, tôi bắt đầu nói ,"Phải sau khi nó lên trung học".
Nhưng tôi vẫn lo vì thấy thầy trụ trì có vẻ nghiêm chỉnh quá về chuyện này.
Một ngày kia trên đường từ thiền viện về, tôi nói :"Nếu con trở thành một thiền tăng, con phải làm hết mọi thứ từ quét dọn, lau chùi, cọ rửa nhiều việc lắm đó. Nếu phải làm những thứ đó, con còn muốn đi tu không?"
Nhưng con trai tôi, thích làm các công việc nặng nhọc, thể thao, hay mỹ thuật hơn là học hành, gật đầu, mặt làm nghiêm, nói :"Dạ muốn".
Khi nó lên lớp bốn, năm rồi sáu, tôi tiếp tục hỏi nó về việc đó. Nhưng câu trả lời của nó không hề thay đổi. Lúc nào cũng"Dạ muốn". Không nói gì hơn.
Lúc học năm thứ ba trường tiểu học, sau khi bắt đầu nói muốn trở thành một nhà sư, con trai tôi nói muốn bắt đầu ngồi thiền như các người lớn. Chúng tôi thường ngồi thiền ba buổi, mỗi buổi bốn mươi lăm phút, nhưng chỉ sau vài phút là con tôi bắt đầu xoay trở không ngừng, sau nó bỏ đi ra ngoài. Nhưng rồi nó có thể ngồi lâu hơn : đầu tiên là một buổi, sau đó hơn lên, cho đến lớp sáu thì nó có thể ngồi hết các buổi lâu như người lớn. Nó ngồi trong tư thế kiết già, và có thể xếp chân mà không cần dùng đến tay. Có lẽ các vị thiền sư đầy kinh nghiệm cũng có thể ngồi như thế, nhưng với những người như tôi, bắt đầu tu thiền khi đã trung niên, không thể ngồi kéo chân lên mà không dùng đến tay, mà ngay cả khi dùng tay, chúng tôi cũng phải thường sửa đổi thế ngồi tới lui.
Tôi nghĩ cơ thể con tôi dẻo dai vì nó còn quá nhỏ. Nhưng ngoài chuyện làm sao nó có thể ngồi xếp chân, chuyện lạ hơn cả là, làm sao đứa trẻ này, con trai của tôi, đứa lúc nào cũng nhảy nhót, là đầu đảng của đám học trò phá phách ở trường, nhưng lúc ở chùa, lại có thể trở thành một người hoàn toàn khác như thế.
"Thì cũng nhờ cha nó," mọi người nói. Một người cô thường chăm lo cho nó từ khi nó mới lọt lòng, nói với tôi giọng đầy trách nóc,"Nó trở thành như thế cũng do em đi chùa hay dẫn nó theo!"
Điều cô ấy nói cũng đúng, nhưng việc nó luôn vui vẻ đi theo tôi, cũng đúng. Ngay chính việc đó cũng là lạ. Chưa có bao giờ nó nói không muốn đi vì bận chơi với bạn bè. Mỗi chủ nhật, nó đều cầm cái giỏ xách, trong đó có phần cơm trưa của nó, giống như một ngày đi học, rồi trong khi mẹ và em gái còn đang ngủ, nó ra đi với tôi, Tôi nghĩ có lẽ vì nó thích được ngừng lại giữa đường ăn sáng ở tiệm McDonald (LND Một loại tiệm fast-food chuyên bán bánh mì hamburger nổi tiếng ở Mỹ) hay ở tiệm hủ tíu cạnh nhà ga, nơi chúng tôi"hút" những cọng bún gạo tròn, nóng. Dầu vậy, khi đã đến chùa, đối với một đứa trẻ cả ngày phải ở chùa như thế sẽ dài, và nhàm chán biết bao.
Nó sẽ làm gì từ lúc đến chùa cho đến khoảng hai giờ, khi buổi tọa thiền chấm dứt để chúng thọ trai? Lúc đầu, nó ngồi vẽ hình trên giấy bằng bút chì. Có lần, nó bị rầy vì vẽ lên cửa kéo. Đôi khi bác già phụ việc trong chùa dẫn nó đi chợ hay đi bắt các con ve sầu. Nhưng phần lớn thời gian nó phải ở một mình. Không lẽ nó chỉ chơi với con dế quanh quẩn chỗ ở của vị trụ trì, nơi có các ngôi mộ, các cây dại bao quanh mà không cảm thấy buồn, cô đơn sao?
Nó cũng có lấy mấy đồng tiền kẽm trong hộp công quả ra chơi, và giấu mấy tượng Phật nhỏ đâu đó, nhưng tôi nghĩ những việc đó xảy ra cũng vì nó buồn chán. Nhưng dầu nó có buồn chán bao nhiêu, làm cha, tôi cũng chẳng giúp được gì. Người cha chỉ có việc dẫn con đi về như một bổn phận. Và mỗi chủ nhật, đứa con lại lẽo đẽo theo, không mảy may nghĩ ngợi gì.
Trong một lần đi bách bộ, vợ tôi và tôi đã khám phá ra Thiền viện Zenkaiji. Sau gần mười năm lang thang ở Mỹ, tôi quay trở về Nhật ở lứa tuổi ba mươi, cưới vợ và bắt đầu sống trong khu chung cư mới được xây dựng ở ngoại ô Tokyo. Sau khi dọn về chỗ mới, chúng tôi hay đi bách bộ để biết thêm về các khu vực quanh đó.
Một lần, khi lang thang đến một vùng đồi đã được san bằng chuẩn bị cho một công trình xây dựng nào đó, chúng tôi chợt nhận thấy mình đang đứng trong khuôn viên một ngôi chùa. Đàng kia những bức tượng Ziro (Địa Tạng) nấp dưới những sườn hoa huệ thoai thoải. Ở đấy, cũng có các bức tượng Địa Tạng mất đầu, gãy tay bị chôn ấp dưới đám cỏ dại. Sau chúng tôi được biết là các bức tượng này đã bị đem vứt bỏ ở đây từ thời kỳ chống Phật giáo, thời đại Meiji (1868-1912).
Dưới chân đồi có một cây chérie to. Một túp lều nhỏ ở dưới cây chérie, và xa hơn nữa là cổng chính vào chùa, có lớn hơn, nhưng mái vẫn lợp bằng tranh.
Ngôi chùa cổ dường như đã bị bỏ quên từ khi được xây dựng khoảng bảy trăm năm về trước vào thời Kamakura (1185-1333). May nhờ có các công trình xây dựng đang phát triển, ngôi chùa như được làm mới lạ. Đồng thời cũng chính những mảnh đất mênh mông đang được khai phá để xây dựng nhà cửa lại làm cho ngôi chùa có nguy cơ bị" xóa sổ". Thật là một quang cảnh lạ lùng.
" My goodness! An old temple!" (Trời ơi! Một ngôi chùa cổ!), tôi buột miệng kêu lên bằng tiếng Anh, vì những lúc ngạc nhiên hay thú vị bất ngờ hình như ngôn ngữ này lại dễ dàng bật ra ở cửa miệng tôi, hơn là tiếng Nhật.
Vợ tôi chỉ một mảnh gỗ mỏng đóng ở cột vào chánh điện, nói:" Một ngôi Thiền Viện".
"Look at it!" (Nhìn kìa!), tôi nói trong sự ngạc nhiên, vẫn dùng tiếng Anh. Các nét chữ Hán trên mảnh gỗ gãy góc bạc mầu, gần như lẫn trong các thớ gỗ, khắc chữ:" Thiên đường Zenkaiji".
" Khó thể tưởng nổi!". Tôi kêu lên, ghé mặt nhìn qua khe hở của cánh cửa đóng lỏng lẻo. Sự tăm tối làm người ta nghĩ tới nơi ẩn náu của các giống chồn tinh.
Lần khác chúng tôi trở lại, đi vào khu hậu đường của chùa, nơi chúng tôi tưởng là bỏ hoang, bỗng một trong những cánh cửa giấy rách bỗng vụt mở, và trước mắt chúng tôi, không phải là một con chồn, mà là hình dáng một người trong chiếc kimono cũ rách. Như vợ tôi muốn tả là" Một vị Ziro hiện hình"- một sự mô tả rất chính xác cho khuôn mặt tròn trĩnh, bầu bĩnh như trẻ con, với đôi mắt nhỏ, dài. Ngay chính nước da nâu đen cũng giống như của một vị Địa Tạng.
" Các người định làm gì đó?", bóng người choàng chiếc áo cũ nói lớn. Mới gặp lần đầu đã bị la, sau này chúng tôi biết đó không phải là chuyện lạ, vì" vị thần này nổi tiếng hay la.
Bà ( vị Ziro này là một vị sư nữ) nghĩ là chúng tôi phá cây cối hay gì đó. Thầy (đáng lý tôi phải gọi là ni sư, nhưng vì bà quá năng nổ, mạnh mẽ đến nỗi không có ai gọi bà như thế) rất quý cây kiểng, và đã sưu tầm rất nhiều loại, trồng quanh chùa. Vì ai cũng có thể đi vào khuôn viên chùa bằng nhiều lối, nên dầu không phải để trộm thứ cây gì, họ cũng thường dẫm đạp lên cây cỏ. Những gã lang thang trên các xe gắn máy cũng đã đặt chân đến đây. Ni sư kể khi đã mời chúng tôi bước vào khoảng sân đầy bóng nắng, nơi Ni sư pha trà, hút ống điếu khi tiếp chuyện với chúng tôi.
Mấy phút trước đó, khi Ni sư vừa mới mở cửara, người đã nhìn chúng tôi bằng cặp mắt nẩy lửa. Nhưng giờ, khi nói cười với chúng tôi, khuôn mặt đó biến thành khuôn mặt của một Ziro hiền hòa, thân thiện. Tôi không khỏi lo ngại cho việc một sư nữ sống nơi hẻo lánh như thế này một mình.
Nhưng rồi tôi thấy khó thể tin đó là một vị sư nữ, khi bà kể:’ Có một gã thanh niên vào đây trên xe gắn máy, thầy la hắn một trận, đến nỗi hắn chạy bò càng, vứt cả xe mà chạy, chắc là hắn tưởng gặp ma quỷ gì đó! Hì hì," Ni sư cười thành tiếng, giọng đục, rổn rang.
Trước đây một ngôi chùa cổ kính, đã được xây dựng trên mảnh đất này từ thời Heian (794-1185) bởi Đại sư Bodhisattva Gyoki. Diện tích chùa trước đây mênh mông bao gồm cả vùng đất này, nhưng nông dân cứ lấn đất làm ruộng. Sau thế chiến thứ II, không có giấy đất hay sơ đồ đất chính thức, vì thế khi có cuộc cải cách ruộng đất , phạm vi đất chùa bị thu hẹp lại. Không có người trụ trì, ngôi chùa dần đổ nát, vì thế dân trong vùng đã yêu cầu Ni sư đến trụ trì, chăm sóc chùa. Ni sư đã thề quyết phải trùng tu lại chùa trước khi nhắm mắt.
Trên bức tường nham nhở vì mưa nắng, treo một tấm biển gỗ với dòng Hán tự:" Hãy nhìn ngay dưới chân mình!"
Chậm rãi, buông ra từng tiếng, Ni sư nói:" Hãy nhìn ngay dưới chân mình đó là cốt lõi Thiền". Rồi bà tiếp thêm :" Thời bây giờ, ai cũng chăm chăm nhìn tới phía trước, lúc nào cũng phía trước. Nhưng phải nắm mũi họ lại, bắt họ phải chú tâm ngay dưới chân mình. Đó là Thiền định, chẳng có gì hơn". Nói xong, Ni sư gõ gõ ống điếu của mình trên khay thuốc.
" Thiền là gì?"
Câu hỏi đó đã luôn ám ảnh trong đầu tôi kể từ khi tôi còn ở Mỹ. Ở nước ngoài, người ta dễ thấy hụt hẫng khi không hiểu biết về chính quê hương của mình. Một lần tôi bị một người Mỹ hỏi Thiền là gì, và tôi không thể trả lời. Không, còn tệ hơn thế nữa, tôi đã chế nhạo ông ta. Bởi thế câu hỏi đó đã đọng lại tâm trí tôi mãi mãi.
Lúc đó, tôi đang làm phiên dịch ở thành phố New York. Sống gần Greenwich Village, tôi có thói quen vào các cuối tuần lang thang từ các tiệm cà- phê có nhạc jazz, đến các vũ trường, các hộp đêm thoát y, hay những chỗ đại loại như thế. Sống một mình ở Manhattan dễ làm người ta thấy rất cô đơn. Nếu người ta có thể đo lường sự cô đơn như thời tiết, thì ở Tokyo, nếu mặc quần áo đầy đủ, tôi có thể chịu đựng được nhiệt độ thấp dưới mức đông lạnh một chút. Nhưng ở Mahattan, tôi cảm thấy nhiệt độ âm dưới số không rất nhiều. Đút tay túi quần để tìm chút hơi ấm truyền từ thân thể, tôi cảm thấy sức sống thoi thóp trong tôi. Hình như người ta đã chôn giấu sự cô đơn ngay trong lòng thành phố, nên dù quanh tôi có bao nhiêu người, dù tôi đang ở đâu luôn luôn tôi cảm thấy lạnh lẽo từ trong xương tủy. Và nếu tôi không giã từ nó, có lẽ những bức tường xám đó sẽ chôn vùi tôi không thương tiếc. Tôi thường lang thang như thể người bị mộng du, đôi khi, cặp bồ với đám đàn bà. Có lẽ tôi thèm hơi ấm của đồng loại.
Một đêm kia, sau khi đã qua vài hộp đêm, tôi khá say vì đã phải kêu rượu mạnh thay vì trả tiền vào cửa. Bước ra đường, tôi gặp hai thanh niên Mỹ.
" Thiền là gỉ?", một người hỏi. Có lẽ vì tôi đang ngất ngưởng đi với một vẻ cô đơn xa vắng, giống như hình ảnh Thiền trong tâm trí họ. Mệt mỏi vì đã lang thang qua những mê lộ ồn ào các hộp đêm nơi da thịt được phơi bày lộ liễu, giờ tôi bước đi trên đường với cảm giác chán nản ngay cả cuộc đời.
Đáng lý ra tôi phải nói:" Tôi không biết," nhưng bỗng nhiên cái ý nghĩ muốn trêu đùa với họ nổi lên. Lúc đó là thời kỳ Thiền đang phát triển mạnh trong giới thanh niên trẻ ở Mỹ, tôi biết Thiền rất thịnh hành nhất là đối với các nghệ sĩ tụ họp ở Village, gần trường Đại học. Hai thanh niên trẻ này có vẻ như dân quê vừa từ ruộng đồng của họ ở lowa hay Nebraska ra, và họ sốt sắng muốn hỏi về phong trào Thiền nầy với bất cứ người Á đông nào họ chộp được đầu tiên. Tôi muốn chọc phá họ một chút. Vì ngay chính tôi cũng đang cô đơn, muốn có ai đó để chuyện trò.
Giả bộ như vừa từ Nhật bản đế, bập bẹ chút ít tiếng Anh. Tôi làm như đang nặn óc tìm chữ trong mớ từ ngữ giới hạn của mình, và với cách phát âm rất tồi tệ tôi nói với họ về Thiền. Chỉ vào người hỏi, vào chính tôi, vào tất cả mọi thứ tôi nói:" Jis is Zen, Jis is Jen". ( Đây là Thiền, đây là Thiền). Người thanh niên thứ hai hình như cảm thấy điều gì không ổn. Trong khi gã hỏi tôi thì đang ngóng cổ lên, nhìn tôi trân trối.
Cuối cùng bạn hắn hỏi :" Thôi đi, ông ấy đang chọc ghẹo mày đấy", và đẩy hắn đi. Hắn nhìn lại tôi lần nữa, nói:" Ông chọc ghẹo tôi sao?"
"Đâu có", tôi nói,"Jis is Zen".
"Được, vậy thì để tôi cho ông biết Thiền là cái gì". Vừa nói, hắn vừa cung tay thủ thế.
"Bỏ đi", bạn hắn nói, keó tay hắn lại.
Tôi lại nói"Jis is Zen".
Hắm dứ dứ nắm tay làm như sắp đấm vào mũi tôi. Nhưng rồi hắn xuôi tay xuống, nói:"Thôi chào"Jis is Zen". Khi họ quay đi, bạn hắn nói:"Cảm ơn đã chọc cười nhé, ông bạn!"
Hoàn hồn, tôi cũng bỏ đi. Trên đường về, tôi lại vào uống rượu, nhưng tôi cảm thấy hối hận, tôi muốn chạy theo họ để nói vài lời xin lỗi. Hay là xin họ đổi địa chỉ để sau này viết thư cho họ biết thật sự Thiền là gì. Kể từ lúc đó, tôi cảm thấy như mình nợ hai người ấy một điều gì.
Cuối cùng tôi quyết định tham dự khóa tu Thiền vào mùa Đông năm con trai tôi ra đời. Sau này nghĩ lại tôi thấy điều đó còn hơn là một bước ngoặt của định mệnh. Mùa đông năm đó tuyết rơi nhiều. Tuyết rơi ngày tôi bắt đầu tu Thiền. Và tuyết trắng xóa ngày con trai tôi chào đời. Ngắm những hạt tuyết rơi lả tả, tôi có cảm giác như con tôi đã theo tuyết, rơi xuống cuộc đời. Gương mặt nó tỏa rạng vẻ im lặng thánh thiện ẩn giấu sau đôi mắt nhắm, giống như gương mặt của một vị Ziro.
Ngắm nhìn nó nằm lặng im trong nôi, đôi mắt nhìn bâng quơ, đôi lúc tôi thấy nó bất chợt mỉm cười. Tôi nghĩ không biết có phải vì nó nhớ lại ánh mắt thương yêu của ai đó nhìn nó từ trên bầu trời đầy tuyết cái ngày đầu tiên của đời nó.
Vị trụ trì, Ni sư Gukai cho tôi một công án về"Không" (Mu) để suy gẫm. Có lần một nhà sư hỏi thầy mình con chó có Phật tánh không? Dầu trong các kinh tạng của Phật viết rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, vị thiền sư Trung hoa tên Triệu Châu (778-897) dưới đời Đường, trả lời ngược lại : đó là , ông chỉ đơn giản nói"Không".
"Bắt đầu từ bây giờ, con phải suy gẫm về công án Không", Ni sư nói. Mình mặc y vàng, ngồi trên sàn nhà, cây gậy Thiền(kyosaku) để trên đùi, Ni sư có vẻ nghiêm trang hoàn toàn khác với lần đầu tiên chúng tôi gặp.
"Bất cứ lúc nào, dầu là con đang đi trên đường, ngồi tàu hỏa hay đang chơi đùa với con cái, cũng phải nghĩ đến Không. Chỉ có Không. Người nhìn, người được nhìn, cái nhìn, tất cả đều là Không. Hãy nhớ lấy!" Nói xong, Ni sư dùng gậy Thiền đánh vào vai tôi.
Vào một dịp khác Ni sư lại nói với tôi:" Con phải biết Thiền không chỉ là suy gẫm về cái Không. Thiền không chú trọng vào những chuyện nhỏ nhặt như thế. KHÔNG chỉ là một phương tiện. Nếu con quá bám víu vào cái Không, đó là Thiền chết. Đi cũng là Thiền, ngồi trên tàu hỏa cũng là Thiền, chơi đùa với con cái cũng là Thiền. Cả vũ trụ này không có gì ngoài Thiền, không có gì ngoài công án. Đó là Genjo-koan, nghĩa là sự Tỉnh thức ngay trong giờ phút hiện tại".
Vợ tôi không mấy vui lòng khi tôi bắt đầu học tu Thiền. Vì tôi bắt đầu tu tập mà không mời rủ cô ấy. Một lần khi chuyện này được khơi ra, cô ấy nói:" Anh chỉ đi, làm theo ý mình. Chưa bao giờ anh hỏi em có muốn theo không?"
Lần đầu nghe như thế, tôi hoảng kinh. Cô ấy đã sống ở Mỹ năm năm, và tôi chẳng bao giờ nghĩ người đàn bà thích sống trong các khách sạn, ăn ở các nhà hàng sang trọng, lại muốn thực tập Thiền. Lần khác, cô ấy bảo tôi:" Hãy nhìn lại xem anh là người thế nào. Tám năm ở Mỹ, anh đã làm gì? Luôn cặp kè với đàn bà con gái, la cà ở các hộp đêm, quán bar. Nếu người như anh mà còn tu Thiền được thì có gì lạ nếu tôi cũng muốn học thiền?"
" Không giống như học đánh Tennis hay học nhảy đầm đâu đấy. Mà đó cũng không phải là chuyện của đàn bà. Đó là việc căn bản dành cho đàn ông".
" Cái gì? Vậy chứ Ni sư không phải là đàn bà sao?"
Đó là một câu hỏi khó trả lời. Ni sư, ừ, thật ra bà cũng không phải là một người đàn bà bình thường. Hình như xương cốt bà không phải của đàn bà. Mà cũng không phải của loại đàn ông bình thường, cuối tuần chỉ lo dắt vợ con đi chơi. Bà đã thụ giáo Judo, và kiếm thuật Nhật Bản, trên trán bà còn hằn một vết sẹo kỷ niệm một lần đụng độ với đám du đãng.
Khi bà sống ở vùng Hokuriku, bà nổi tiếng phá phách trong đám thiền sinh ở thiền đường, được mệnh danh là"Con quỷ ở Dojo", và quá khác thường đến nỗi sư phụ bà phải cho bà ra khỏi tu viện. Riêng bà,coi đó là một cơ hội để đi hành hương chiêm bái khắp nơi, thăm viếng các vị cao tăng. Vì quen thuộc với lối sống đó, bà chẳng ngại ngùng gì đến trụ trì ở ngôi chùa đã xuống cấp này. Tôi tưởng tượng ban đêm bà lẻn ra ngoài, đi theo tiếng cười của lũ quỷ lùn, mũi dài trong các câu chuyện dân gian của Nhật bản. (Bà chẳng bảo đã từng thấy chúng đi từng đàn qua thung lũng đó sao?). Có lẽ bà đã tu luyện được các phép thuật, như ngồi thiền dưới thác nước, và tiếp tục thiền định dưới các gốc cây hay trên những mõm đá.
Có lẽ tất cả những thứ đó đã biến đổi phái của bà. Tôi không thể nghĩ ra điều gì khác hơn thế. Nhìn Ni sư, tôi thấy sự khác biệt giữa hai phái nam nữ rất nhỏ.
"Tôi không phải là đàn bà!", Ni sư tự nói. Rồi bà kể chuyện đã làm náo động cả chúng khi bà đi vào nhà vệ sinh của một tu viện dành chỉ cho tăng.
Bà thường tuyên bố :"Đàn bà vô tích sự. Tôi hiểu điều đó, tôi hiểu họ không phù hợp cho việc tu hành. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ là phụ nữ cần được giải thoát, cứu rỗi, nên tôi rèn luyện cho họ rất nhiều. Nhưng họ luôn luôn bỏ cuộc giữa chừng. Dầu lúc đầu họ có mục đích, ý hướng rõ ràng, nhưng sau đó rồi nhạt đi. Phụ nữ là như thế đó. Phụ nữ có rất nhiều tham vọng. Tu thiền là phải buông bỏ tất cả. Trong khi bản tính phụ nữ là bám víu, giống như khi họ thấy cái gì rơi rớt, họ không thể không lượm lên. Và nỗi đam mê nhất của phụ nữ là con cái họ. Nói tới con họ rồi, là họ hoàn toàn u mê, không biết phải quấy gì nữa."
"Nầy Kimura," Ni sư quay sang tôi,"con là đàn ông mà lo cho con cái nhiều quá". Với cái nhìn chán nản, Ni sư tiếp thêm :"Con cũng hơi khác thường đó".
Tôi dẫn con trai theo đến chùa không phải vì tôi lo cho con quá như Ni sư đã nghĩ; ngược lại thì có. Hay ít nhất đó cũng là điều suy nghĩ của vợ tôi. Các ông chồng khác ở nhà ngày cuối tuần để chơi đùa hay đi câu với con cái. Tôi thường bỏ thằng con trai đang học tiểu học và đứa con gái mới học mẫu giáo của tôi ở nhà, và ra đi trước khi mọi người thức dậy. Tệ hơn nữa, đêm trước đó, tôi còn nhờ vợ tôi làm bánh mì đủ cho năm người ăn. (Cô ấy phải làm thế vì chúng tôi, các thiền sinh thọ trai chung với nhau).
Chẳng bao lâu có sự phản kháng trong gia đình. Nhưng không phải là từ vợ tôi, mà là từ con trai tôi. Nó chun vô nhà hàng xóm, ăn bánh kẹo của người ta hay đi với bạn bè vào các shopping ăn cắp đồ. Con trai tôi là loại người dám đâm đầu xuống núi nếu như có ai bảo nó làm thế.
"Nó thiệt là một đứa trẻ nghịch ngợm. Ôi, nó phá bằng ba đứa con trai tuổi nó. Một mình em không thể coi nó nổi đâu. Mà em còn phải lo cho Rie nữa". Khi vợ tôi báo cho tôi biết về các hành động ngang bướng của nó, tôi rất giận.
Trong buổi ngồi thiền sau đó, tôi tuyên bố phải vắng mặt một khoảng thời gian để lo cho con trai tôi. Ni sư đề nghị ngay rằng :"Đem nó theo con. Nó muốn phá phách thế nào cũng được ở chùa này. Trẻ con thường ngang bướng vì cứ bị la rầy."Đừng làm thứ này, đừng mó thứ kia". Con còn cấm nó ăn thứ này, thứ khác nữa có phải không? Lúc nào cũng bắt nó ăn ba thứ đồ ăn kiêng như thể con đang nuôi thỏ. Nếu con không nuôi con nít đang lớn bằng thứ đồ ăn nó thích thì nó sẽ qua hàng xóm ăn chực thôi. Nếu nó đến đây, thầy sẽ để nó muốn ăn gì thì ăn. Ở đây này, thầy có bao nhiêu kẹo bánh để đến hư luôn. Nếu trẻ con được ăn bao nhiêu tùy thích, chúng sẽ không còn thèm thuồng nữa".
Tôi không thể làm gì khác hơn là cúi đầu, lúng búng nói :"Cám ơn thầy".
Khi tôi hỏi ý con trai tôi xem nó có muốn đi chùa với tôi, nó vui lắm. Có lẽ nó đang tò mò không biết tôi đến chỗ vui thú nào mà mỗi chủ nhật đều đi. Tôi nghĩ là không lâu sau nó sẽ chán thôi, nhưng thay vì thế, nó bắt đầu đánh thức tôi dậy vào những ngày chủ nhật.
Chẳng bao lâu lại có chuyện. Một trong các vị thâm niên ở thiền đường phàn nàn :"Đây không phải là nhà trẻ. Thằng bé phá rối việc tham Thiền của chúng tôi".
Ni sư gọi người cư sĩ đại diện của khoá Thiền, giám đốc của một công ty hải sản bán sỉ. Bà chất vấn :"Ở đây, ai là thầy, ai là đệ tử? Thầy đã cho phép mà. Thầy đã có tính toán cho nó rồi. Hành Thiền kiểu gì như thế, chỉ có một đứa trẻ cũng bị phân tâm?" Tôi nghe được những lời này từ người đàn bà phụ việc trong chùa cho Ni sư.
Tôi đã có tính toán cho nó rồi. Không biết Ni sư nói vậy với ý gì? Tôi hơi thắc mắc, nhưng không hỏi Ni sư. Nếu Ni sư đã nhìn thấy được nó sẽ trở thành một nhà sư, thì quả bà có đôi mắt tinh đời. Nhưng cũng có thể Ni sư nghĩ điều gì khác nữa, vì bà chẳng bao giờ bảo tôi bắt nó toạ thiền. Nhiều lúc Ni sư làm chúng tôi ngạc nhiên với những ước đoán chính xác của bà, có lẽ đó là do công lao tu Thiền của bà.
Đôi khi lúc kết thúc các buổi tham vấn giữa Ni sư và tôi, bà thường nói đại khái như :"Gần đây con hay lo ra. Đó là lý do tại sao con không thấy tiến bộ", hay"Khi ngồi, đừng để tâm con đi lang thang", rồi Ni sư gõ gõ cây gậy thiền xuống mặt chiếu.
Và Ni sư đã nói đúng. Khi đáng lý ra tôi chỉ ngồi thiền, thì tôi mơ mộng về việc tậu một dàn máy nghe nhạc mới, hay nghĩ về những nơi chốn tôi sẽ đi chơi với gia đình lúc nghỉ phép. Để bù đắp lại, trong các buổi tham vấn, tôi ráng lạy rất cẩn trọng hay la hét hết mình. Nhưng chẳng ích lợi gì.
Lúc đầu, khi con trai tôi nói muốn xuất gia, tôi đã suy nghĩ về những diễn biến lạ lùng của mọi việc. Tôi chỉ tình cờ khám phá ra ngôi chùa trong một lần đi dạo, sau đó tôi lại học Thiền. Rồi con trai tôi, lúc đầu bị bỏ ở nhà, sau theo tôi đến chuà và dần dần nó đòi đến chùa ở luôn. Tất cả mọi việc xảy ra một cách bình thường thôi. Nhưng ngẫm lại câu chuyện từ đầu tới cuối, tôi không thể nghĩ được điều gì khác hơn để diễn tả là do bàn tay của định mệnh đã xếp đặt trước.
Một điều nữa tôi cần phải nói thêm về Ni sư trụ trì Gukai mà nhiều người dưới phố coi là khác thường là Ni sư yêu thú vật. Nhưng không có nghĩa là Ni sư nuông chiều chúng quá. Đúng ra thì vì các loài vật hay quấn quít chung quanh Ni sư nên Ni sư cũng sinh lòng quyến luyến chúng. Đó là cách Ni sư thương loài vật. Hay nói đơn giản hơn, Ni sư rất"hiểu" chúng.
Đủ loài súc vật lang thang trong chùa, lẩn quẩn bên Ni sư một lát, rồi lại đi : gà vịt, chim chóc, sóc thỏ, dê không kể chó và mèo. Phần đông là do các Phật tử của chùa, hay các gia đình nông dân trong vùng mang đến. Họ nói không thích nuôi chúng nữa hay nhờ Ni sư nuôi hộ dùm một thời gian.
Ni sư không bao giờ nuông chiều chúng giống như kiểu người đời thương thú vật, coi chúng hơn con người. Đối với Ni sư, thú vật là thú vật. Chúng muốn đến hay đi tùy ý. Ni sư chỉ việc chuyện trò với chúng.
Và hình như chúng cũng hiểu được Ni sư. Vài năm trước đây, một đàn vịt xuất hiện, chúng ồn ào ỏm tỏi. Khi có con mèo nào lại gần, chúng càng quạc quạc to hơn để báo hiệu cho nhau và xua đuổi gã mèo đi. Rồi bỗng đàn vịt biến mất. Ni sư trụ trì la gã mèo một trận, nghĩ rằng nó đã trả thù đám vịt. Gã mèo hình như rất buồn lòng và sau đó cũng đi mất. Ni sư trụ trì bảo chúng tôi có lẽ là gã mèo đi lang thang ra khỏi chùa đã bị con chó hoang nào cắn chết rồi.
Bỗng một ngày kia, Ni sư trụ trì có việc ra khỏi chùa, trên đường đi, Ni sư bỗng nghe tiếng mèo kêu. Ni sư nhìn quanh quất cũng chẳng thấy gì. Nhưng khi Ni sư định cất bước, thì tiếng kêu lại trổi lên. Lúc ấy Ni sư nhận ra đó là tiếng kêu của chú mèo đã thất lạc. Tìm kiếm trong các bụi cây gần đó, Ni sư thấy cái xác thối rữa của một chú mèo. Bà đào hố chôn xác mèo và tụng kinh Trái tim cho nó.
Ni sư là như thế đó. Tôi cảm thấy rằng việc con trai tôi không thấy chán chơi đùa ở chùa, mà còn muốn đến sống ở đấy, có lẽ phần nào cũng do cá tính của Ni sư. Điều tôi lo sợ nhất là không biết con tôi có trở thành một vị tu sĩ được không. Theo tôi, thiền sư phải là người có tấm lòng đại từ bi đối với người khác, không màng đến những tiện nghi vật chất hay của cải, không ngại cúi xuống lau chùi sàn nhà. Và khi rảnh rỗi, họ phải đọc bao nhiêu kinh sách của Đức Phật. Về lòng từ bi, có thể con trai tôi sẽ phát từ tâm khi nó lớn lên. Nhưng tôi cũng không thể nói là nó thờ ơ với việc ham muốn của cải vật chất; nó muốn có tất cả những thứ bạn bè nó có : xe đạp, giày lăn, radio Walkman, vân vân. Gần đây, nó còn để mắt đến các chiếc xe máy kiểu cọ. Khi tôi lái xe, nó ngồi kế bên và bắt chước tôi lái. Nó nói :"Con muốn học lái xe quá cha".
Tôi không lo ngại mấy việc một vị tu sĩ phải lau chùi, quét dọn vì con tôi cũng thích hoạt động. Tôi mà biểu nó đi quét dọn gì đó thì nó còn làm chứ biểu cầm quyển sách lên học thì đừng hòng. Tôi lo sợ rằng nó sẽ chẳng bao giờ với tới các kinh sách của Đức Phật. Chứ đừng nghĩ tới việc nó sẽ là một nhà sư uyên thâm qua tận Ấn Độ để nghiên cứu các kinh điển hay thuyết giảng về thiền.
Nhìn nó ngồi kế bên tôi làm điệu bộ như đang lái xe, tai thì gắn chặt vào cái Walkman, tôi nghĩ không biết cái quỷ gì đã xui khiến nó nói muốn xuất gia. Tôi chỉ biết nhìn nó sợ hãi. Chắc nó tưởng khi làm nhà sư rồi nó còn có thể vừa lái xe vừa nghe nhạc như thế à? Ni sư trụ trì sẽ không bao giờ cho phép nó làm như vậy, vì thế tôi thấy thương cho nó quá.
"Trẻ con đòi hỏi thứ này, thứ kia, cũng là tự nhiên thôi", Ni sư trụ trì nói."Nhưng đầu tiên cũng là do cha mẹ mà ra. Một đứa trẻ lớn lên ham muốn được có mọi thứ. Còn bổn phận của cha mẹ là phải dạy cho con cái biết cái gì là cần thiết và cái gì không".
Một người bạn nói với tôi :"Bộ các nhà tu không có lòng tham sao? Còn việc chẳng kể đến tánh mạng vẫn đi đến tận Ấn Độ thỉnh kinh thì chắc chỉ có một nhà sư trong mười ngàn nhà sư và chỉ có một trong cả trăm năm. Anh bạn thật quá lý tưởng. Thêm nữa, có ham muốn cũng tốt chứ. Vì có lòng ham muốn, con người mới đạt được Giác ngộ. Nếu không có lòng ham muốn, khó mà thành thầy tu giỏi được".
Vợ tôi nói :"Anh muốn thứ gì là thằng Ryota muốn thứ đó".
Tôi nói :"Anh đã suy nghĩ nhiều về việc thằng Ryota sẽ làm gì khi nó lớn lên. Lúc đầu anh nghĩ nó sẽ là một kịch sĩ hay một tay trống jazz. Nó hay diễn tả mọi thứ bằng cử chỉ, thích nhún nhảy theo điệu nhạc. Lần nhà trường tổ chức lễ hội, nó đã chơi trống thật xuất sắc, dầu đó chỉ là một sinh hoạt phụ. Nhưng anh cũng đã nghĩ là nó sẽ làm việc trong một ngân hàng hay công ty kinh doanh, làm chủ một cửa hàng hay làm công nhân viên, nhưng hình như không có gì hợp với nó cả. Anh có một người bạn, một nhà kinh doanh rất thành công với các cửa tiệm sang trọng ở Tokyo và New York, vợ ông ta là Á hậu kỳ thi Hoa Hậu Nhật Bản.
Vậy đó, mà rồi giữa khi cuộc đời đang phất lên như thế, một ngày kia anh ấy bỗng bỏ hết mọi thứ, đi tìm cái chết".
"Anh lúc nào cũng bi quan quá. Làm cho các công ty thương mại hay ngân hàng không phải là việc tầm thường đâu. Tất cả các bà vợ trong khu chung cư đang được xây cất đều rất tự hào về các ông chồng của họ. Anh lúc nào cũng bóp méo sự thật hết".
Anh còn nhìn sự việc qua ống kính lịch sử nữa. Có bao nhiêu triệu, bao nhiêu tỉ người đã có mặt trên quả địa cầu, rồi cũng biến mất. Mọi người đều có thời là đứa trẻ con như Ryota, suy nghĩ, lo lắng không biết mình sẽ làm gì khi cha mẹ họ cũng lo lắng. Cuối cùng rất ít người có thể sống cuộc đời họ đã chọn, trong khi phần lớn không có sự lựa chọn nào. Và trong con số ít, rất ít đó có mấy ai còn để lại dấu vết gì trong lịch sử. Nhưng có phải họ mới là những người đáng kể không? Nếu Ryota có chọn lựa sai lầm đi nữa, thì cũng chỉ có nó hay chúng ta là kẻ phải lãnh chịu hậu quả thôi".
Dầu vẻ mặt vợ tôi tỏ vẻ khó chịu, tôi vẫn tiếp tục nói :"Tóm lại làm sao ai có thể thật sự biết con đường nào đúng để chọn lựa? Chừng nào họ đã đi qua con đường rồi, họ mới biết. Và cũng chỉ có họ phải đi con đường đó thôi".
Dựa vào lịch sử, anh chắc rằng sự cường thịnh của nước Nhật rồi cũng đi đến đường cùng. Hãy nhìn nước Mỹ đó ; nước Nhật rồi cũng giống như thế. Trong lúc các tệ nạn về tình dục, hút sách tăng lên, ở các vùng núi California vẫn có những thiền viện được tạo lập và rất nhiều người trẻ tuổi đã tìm đến đó. Mà cũng không chỉ những người trẻ tuổi. Em có biết là cựu thống đốc tiểu bang California bỏ làm thống đốc, đi đến một ngôi chùa ở Kyoto để tu Thiền không?"
"Thì ra vì các người Mỹ hành Thiền rồi con trai em cũng phải trở thành Thiền sư, có phải vậy không?", vợ tôi cắt ngang.
"Không, điều anh muốn nói là chúng ta đang ở thời đại của tôn giáo. Khoa học, kinh tế, chính trị không thể tiếp tục bỏ qua tôn giáo. Ông Fritzof Capra, một nhà vật lý ở Mỹ đã nói những gì bây giờ các nhà vật lý đang nghiên cứu những điều đó đã có trong các tôn giáo ở Á châu. Khi anh trao đổi với Ni sư trụ trì về vấn đề này, Ni sư nói đã biết điều đó từ lâu".
Vợ tôi trả lời:"Em không biết gì về Thiền, vật lý hay những thứ rắc rối khác, Chúng không ảnh hưởng gì tới em cả. Không thành vấn đề với em nếu con trai mình sẽ trở thành một nhà kinh doanh hay một vị tăng sĩ. Nhưng nếu nó có thể sống theo ý muốn mà không làm hại gì ai, em đủ thấy hạnh phúc rồi. Trước sau gì nó cũng phải rời bỏ gia đình để sống tự lập. Nếu mỗi tuần nó ghé thăm mình cũng được rồi. Ở chùa, nó vẫn làm được chuyện đó, có phải không? Hoặc là dịp năm mới, nó có thể về thăm. Rồi hè nữa. Em sẽ giữ phòng nó nguyên như vậy, ghế bàn gì cũng giữ y nguyên, để những khi nó về thăm nhà có mà sử dụng. Nó sẽ buồn nếu đồ vật của nó bị mất mát, hay nó không còn có phòng riêng".
Tôi tưởng tượng ra con trai tôi trở về nhà trong mùa hè ngắn ngủi hay dịp lễ đầu năm, đi dọc hành lang nhà, mặc áo tu sĩ với cái đầu đã cạo. Điều đó gợi tôi nhớ đến yabu-iri, một từ ngữ tôi thường nghe lúc còn trẻ để chỉ thời gian nghỉ phép của người đi học nghề ở xa về. Tôi không biết từ ngữ đó có áp dụng cho các chú tiểu tập sự không, Nếu có bà nội trợ nào trong chung cư gặp nó, chắc là bà sẽ xoe tròn mắt vì kinh ngạc. Rồi người ta xì xào :"Tại sao đứa con trai phải bỏ nhà đi tu, trong khi cha nó không phải là trụ trì. Cha mẹ nó còn bắt nó phải đi vòng quanh phố, mặc chiếc quần đen cổ lổ ấy. Trước đây, nó đâu có gì khác lạ trong chiếc áo thể thao màu tươi rói, quần trắng và giầy thể thao. Có lẽ do ác nghiệp gì đó mà cha mẹ nó bắt nó phải xuất gia".
Nó sẽ đứng ở cửa phòng, cúi chào như một người khách, nó sẽ kêu lớn lên, giống như thầy trụ trì đã dạy :"Cha mẹ, xin thứ lỗi cho sự phiền rộn này".
Và nếu chúng tôi có hỏi han về sức khỏe nó hay về tu viện, tôi biết cũng chỉ được nó trả lời một cách bài bản như"Dạ", và"Dạ, đúng".
Tôi cũng hình dung ra cảnh gia đình bốn người – Mẹ, cha, con trai và đứa con gái nhỏ Rie ngồi trước bàn thờ Phật ở nhà, và nó sẽ dẫn chúng tôi tụng kinh. (Thật ra,"chánh điện" ở nhà chúng tôi gồm một tượng nhỏ của ngài Jizo – quà của Ni sư trụ trì để trên kệ cao nhất, một chén trà nhỏ dùng làm bát hương và một bình hoa không đẹp lắm với đủ loại hoa). Hình ảnh chúng tôi quần tụ như thế vừa có vẻ buồn bã, vừa có vẻ hấp dẫn kỳ lạ.
Còn về đời sống khắc khổ với những luật lệ khắt khe thì sao? Tôi đã có lần xem một chương trình truyền hình về sinh hoạt ở tu viện Eiheiji : Trước khi mặt trời lên, một chú tiểu chạy qua những dãy hành lang dài và tối, tay rung một cái chuông nhỏ để đánh thức mọi người dậy. Rồi mọi người cùng ngồi thiền trong buổi bình minh giá lạnh, với hơi sương như tỏa ra từ các đỉnh đầu trọc. Những đôi chân trần, lau nhà với các mảnh giẻ ướt. Một thế giới hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, và khổ hạnh không tưởng được. Nhưng Ni sư trụ trì bảo một khi con là người ở trong chúng rồi, con sẽ không thấy giống như thế. Bao nhiêu việc tưởng chừng như khó khăn, đều có thể thực hiện được với chúng tu đông đảo. Không biết đó có phải là nơi con tôi nên sống không, vì nó dễ kết bạn, nhưng cũng hay bị bạn bè ảnh hưởng dễ dàng?
Một khi người ta đã bước vào thế giới đó, có dùng cây thước đo của thế giới bên ngoài để đo lường cũng chỉ là vô ích. Có lẽ nó cũng thôi đòi phải có dàn máy stereo hay xe gắn máy.
Trên chương trình TV, một trong các tu sĩ ở tu viện Eiheiji được hỏi :"Thầy thích gì về đời sống ở đây?". Người phỏng vấn hỏi với giọng đầy nghi ngờ như thể mốn hỏi tại sao mà người ta có thể từ bỏ thế giới đầy lạc thú để chui vào đây, sống khổ như thế này. Tôi vẫn còn nhớ câu trả lời của vị sư trẻ, lúc đó đang đảm nhiệm công việc ở nhà bếp từ sáng tới tối, chuẩn bị bữa ăn cho các huynh đệ khác. Hơi nghiêng chiếc đầu không tóc một tí, vị sư trả lời :"Có lẽ là niềm vui được làm tốt hơn những điều hôm qua chưa làm tốt".
Như không để ý đến câu trả lời đó, chương trình quay qua một cảnh khác. Nhưng câu trả lời đó gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Con người có thể tìm thấy niềm vui trong mọi hoàn cảnh. Và chính những niềm vui nhỏ bé đó truyền sức để ta tiếp tục vươn lên. Có lẽ, hơn cả là"niềm vui", chúng ta nên gọi đó là"sự cảm nhận" – lòng biết ơn. So sánh với những niềm vui này, ta thấy niềm vui của dục lạc hay được trúng số trở nên phù du, thoảng chốc biết bao. Niềm vui càng lớn, càng chóng qua. Tóm lại, mọi niềm vui đều thoáng qua, vì thế chúng ta không nên bám víu vào chúng. Một ngày kia, có lẽ con trai tôi sẽ hiểu ra điều đó.
Niềm vui được làm tốt hơn những điều hôm qua chưa làm tốt.
Khi con trai tôi hiểu được như thế, có lẽ nó thực sự trở nên một người tu. Khi tôi suy gẫm về tất cả những chuyện như thế này, tôi bắt đầu thấy việc con trai tôi muốn xuất gia trở nên có căn cớ hơn.
Tuy nhiên khi lên trung học, con trai tôi bắt đầu có những hành động khác thường. Tôi tìm thấy các điếu thuốc hút dở trong hộp viết chì, các quyển tạp chí nhảm nhí trong cặp sách của nó, nó bắt đầu đến trường áo thì dựng cổ lên, không cài nút, đầu dây nịt để vắt vẻo, thay vì cài vào lưng, nó mang giầy bít như thể giày sandals-nghĩa là phần gót không xỏ vào mà đi đạp lên thay vì mang cặp sách, nó vác cái túi đi chợ màu sắc loè loẹt đến trường.
Tôi tưởng đó chỉ là những thay đổi tạm thời để thích ứng với trường hợp mới hay gì đó, nhưng rồi thầy giáo chủ nhiệm đến thăm để báo cho chúng tôi biết là nó la cà với đám học trò phá phách nổi tiếng ở trường. Khi tôi vừa hiểu ra sự nghiêm trọng của vấn đề thì có cuộc ẩu đả giữa học sinh của hai trường. Vợ tôi được mời đến và nhà trường thông báo kẻ cầm đầu của cuộc ẩu đả : đó là con trai tôi.
Suốt thời gian đó, nó vẫn tiếp tục đi theo tôi đến chùa để tọa thiền mỗi chủ nhật, mang theo hộp đồ ăn trưa khá to trong một cái túi và đi theo tôi với cái vẻ bất cần bình thường như thể chẳng có gì đã xảy ra. Nó ít khi chuyện trò với tôi trong suốt thời gian chúng tôi ở chùa làm cỏ, hành thiền, thọ trai rồi trở về nhà. Nhưng theo luật lệ ở Thiền viện thì trong suốt thời gian này dù là người trong gia đình cũng không được nói những chuyện không cần thiết, nên tôi cũng chẳng quan tâm lắm.
Chỉ có một điều thay đổi là bây giờ nó muốn về nhà sớm hơn để đi chơi với bạn bè. Thỉnh thoảng nó thọ trai sớm, rồi lấy tàu hoả về trước một mình. Suốt những năm tiểu học, chưa có chủ nhật nào nó bỏ đi chơi banh, đi câu hay cặp kè chúng bạn dù bị rủ rê. Khi nó bắt đầu vào trung học đệ nhất cấp, tôi nghĩ là nó cũng cần đi chơi với chúng bạn, nên tôi vui vẻ tiễn nó ra khỏi chùa, còn bảo nó đi chơi vui vẻ. Vậy mà rồi nó đi đánh lộn.
"Sao mà con có thể đi đánh lộn sau khi ngồi Thiền?", tôi rầy nó. Thiệt là vô tâm, tôi đoán có lẽ sau buổi tọa thiền, nó trở về đi hút thuốc, coi sách báo nhảm nhí với chúng bạn.
Thứ hạng của nó tụt xuống hẳn, bây giờ nó đứng thứ hai hay thứ ba cuối sổ. Thầy chủ nhiệm bảo là trong lớp nó hay làm trò để chọc cả lớp cười, tôi tra vấn nó :
"Tại sao con không ngồi yên được trong lớp? Nếu tụi bạn có cười, cũng chỉ vì họ nghĩ con là đưa ngốc nghếch"
Nó có thể ngồi thiền cả hai giờ không động đậy, tại sao không thể ngồi yên ở lớp học."Con không thể", nó trả lời.
Bữa nọ, tôi răn đe nó về việc lười học"Làm nhà sư, không phải chỉ có lau chùi, dọn dẹp không thôi, con có biết không? Con còn phải học kinh nữa".
Cuối cùng nó bắt đầu nói :"Con không thành nhà sư đâu".
"Vậy con sẽ trở thành gì?", tôi hỏi.
Nó có vẻ không tìm ra câu trả lời."Con sẽ tìm cái gì đó thích hợp với con".
Tôi hét lên"Đồ ngốc! Con còn dám nói sẽ tìm cái gì thích hợp khi con không muốn học hành".
Đêm đó tôi trăn trở trong giường, lo lắng về việc bây giờ nó không muốn đi tu nữa. Không thể ngờ là tôi đã đặt quá nhiều hy vọng vào việc đó, đã trông mong việc đó xảy ra đến thế nào. Giờ nhận ra rằng có thể nó sẽ không xuất gia, làm tôi thấy được làm một nhà sư thật là tuyệt vời. Đó là một việc chỉ số ít người phát nguyện, và chỉ số ít người có thể thực hiện được. Một kẻ tầm thường như con trai tôi còn ước mong gì hơn thế nữa. Hình như có ai đó đã đưa lối cho nó đi vào con đường đó. Có lẽ nó đã có căn tu từ lúc sinh ra, có lẽ vị Jizo trên bàn thờ nhà tôi đã dẫn dắt nó. Không biết có phải vị thần Jizo đó đã hết linh nghiệm hay vì các ảnh hưởng xấu quanh nó quá mạnh? Tôi nghĩ là bằng mọi cách, tôi phải đưa nó ra khỏi vòng vây của lũ quỷ. Điều đó phải làm trước tiên, rồi mới tính tới việc nó có thành một nhà sư hay không? Nếu cuối cùng nó có bỏ ý định đi tu, để theo con đường của người thế gian, thì cũng đành thôi. Nhưng nếu nó cứ tiếp tục sống như hiện giờ, thì nó sẽ chiến bại trước các ảnh hưởng xấu xa.
Tôi bàn với vợ chuyển con trai tôi qua trường khác học. Chúng tôi định đổi nó sang một trường tư với luật lệ nghiêm khắc hơn trường công nó đang học. Là học sinh chuyển trường, nó phải qua một kỳ thi tuyển nhưng gay go nhất là bảng xếp hạng của nó. Trường tư loại nào lại nhận học sinh đứng thứ hai, thứ ba cuối lớp? Nếu có trường nào nhận nó, trường đó chắc phải vào loại thứ ba, thứ tư, nên không có đủ học sinh. Trường hợp đó có thể nó còn trở nên tệ hơn nữa. Dầu sao cũng còn hy vọng, nó có thể theo học ở các trường tôn giáo. Nó có thể có hy vọng được vào học trường Phật giáo.
Vợ tôi và tôi đến gặp Ni sư trụ trì."Chao ôi. Cả hai người! Hẳn phải có việc gì hệ trọng lắm", Ni sư nói vẻ chế nhạo khi chúng tôi cúi chào Ni sư.
Tôi kể cho Ni sư nghe mọi chuyện, kể cả chuyện con trai tôi nói bây giờ nó không muốn xuất gia nữa.
"Nó đã sống trong một thế giới quá trong sạch. Giờ thì đủ loại vi trùng muốn bám vào nó, nhưng thầy không lo gì những chuyện đó. Nó sẽ thay đổi ngay thôi", Ni sư trụ trì thản nhiên nói, một nụ cười chợt nở trên khuôn mặt đầy nét trẻ thơ của bà.
Tôi nói ý định chuyển trường học cho nó, Ni sư trụ trì tán đồng :"Ý kiến hay lắm. Con phải tách nó ra xa các ảnh hưởng xấu càng nhiều càng tốt".
Rồi tôi hỏi về trường Sendan, Ni sư nói"Đó là trường Phật học, dầu có nhiều con cái của các cư sĩ cũng theo học. Con cái của các vị trụ trì chùa có thể được nhập học không phải thi, nhưng thầy nghe hình như bây giờ điều đó cũng thay đổi".
Tôi nói tôi nghĩ là nếu nó có trở thành tu sĩ cũng được. Đó là điều nó muốn thực hiện ngay khi vừa lên trung học. Nhưng vì cha mẹ nó chần chừ, nên bây giờ nó cũng đổi ý. Tôi nhấn mạnh rằng nếu nó được đổi đến trường này học và trở lại muốn đi tu thì cũng được.
"Thế à" Ni sư nói, đôi mắt sáng lên nhìn tôi. Rồi quay sang vợ tôi :"Con có đồng ý như thế không?".
"Dạ" Vợ tôi cúi đầu xuống nói.
"Quyết định thế nhé!", Ni sư trụ trì nói lớn, bằng giọng nói tôi chưa bao giờ nghe Ni sư dùng."Giờ, để mọi chuyện cho thầy lo".
Tôi nghĩ mọi việc xảy ra nhanh chóng quá. Cách Ni sư giải quyết vấn đề thật bất ngờ. Tôi quen nhìn Ni sư ngồi uống trà tiếp khách hàng giờ, tưởng chừng như Ni sư đã mọc rễ trên chiếc tatami.
Tôi nghe kể là chủ nhật sau đó, khi con trai tôi vào phòng tham vấn, Ni sư đã hỏi nó :"Con có còn muốn xuất gia không?".
Con trai tôi trả lời :"Dạ con… nhưng…", nó ngập ngừng.
"Chuyện gì vậy?", Ni sư hỏi.
"Con không có tự tin"
"Tại sao?"
"Vì cha con nói là người như con không bao giờ có thể trở thành tu sĩ"(Tôi thật đau lòng nghe con tôi nói thế, vì tôi biết rất rõ lý do ngại ngùng của nó).
Rồi Ni sư trụ trì nói với nó :"Thầy sẽ giúp con trở thành một vị tu sĩ đức hạnh"
Giờ thọ trai, Ni sư nói :"Thầy có một việc quan trọng cần tuyên bố", rồi Ni sư tuyên bố thẳng luôn với mọi người đang có mặt ở thiền viện việc Ryota sẽ trở than2h một tu sĩ. Ni sư trụ trì nhấn mạnh :"Đó là quyết định riêng của nó".
"Ồ", mọi người kêu lên thán phục.
"Và nó phải chịu trách nhiệm về việc đó", Ni sư nói, hướng về con trai tôi đang nhấp nhỏm trên ghế ngồi, nó rụt rè gật đầu.
Ni sư trụ trì gọi điện cho trường Sendan, xin cái hẹn gặp thầy hiệu trưởng rồi cùng đến với tôi. Học sinh mặc đồng phục túa ra cổng trường đi dọc theo con đường đầy bóng cây ginkgo. Khi chúng thấy Ni sư trụ trì mặc y vàng, chúng dở nón chào. Trường con tôi đang học đâu có thế, tôi vui mừng nhận ra sự khác biệt đó.
Thầy hiệu trưởng bước vào phòng tiếp khách mặc đồ veste, nhưng có áo tràng choàng ngoài. Ông chắp tay lại và cúi đầu chào Ni sư trụ trì. Ni sư trụ trì giới thiệu tôi :"Đây là cha của Kimura Ryota, đưá học trò phải thi chuyển trường". rồi Ni sư tiếp :"Tôi đã quyết định nhận nó vào chùa và sau này sẽ để nó thay tôi trụ trì chùa Zenkaiji. Đó là lý do chúng tôi có mặt ở đây hôm nay".
Thầy hiệu trưởng có vẻ thích thú với việc một đứa trẻ từ gia đình cư sĩ lại muốn trở thành tu sĩ. Ông hỏi Ni sư trụ trì :"Thưa, nó có liên hệ với thầy không?"
"Không, chúng tôi không làm như thế để giữ chùa cho gia tộc mình. Đó là ý nguyện của đứa trẻ. Nó đã đến chùa tôi từ ngày mới vào lớp một, đến khi lên lớp ba, nó nói muốn trở thành tu sĩ. Chúng tôi đã bảo nó còn quá nhỏ, phải chờ đến lên trung học. Trong thời gian đó, chúng tôi chờ xem thằng bé có đổi ý không, nhưng nó không thay đổi. Cuối cùng chúng tôi đồng ý", Ni sư nói, nụ cười thiền không kềm hãm nở rộng trên khuôn mặt người.
"Vậy à, vậy à", thâỳ hiệu trưởng nói vẻ thích thú."Nó có ngồi thiền không?"
"Y như người lớn. Tâm nguyện của nó rất thành khẩn. Không giống như người lớn. Nó quá trong trắng, nó hành thiền với tất cả tấm lòng. Thiệt là đặc biệt"
"Vậy sao? Ngày nay khó mà tìm được ai ngồi thiền với tấm lòng thành như thế, kể cả các vị tu sĩ", thầy hiệu trưởng than thở. Rồi ông đổi đề tài"Nhưng nó đã làm lễ xuất gia chưa? Nếu nó được nhận, nó phải tham gia vào các sinh hoạt tăng đoàn, mà muốn thế nó phải làm lễ thọ giới", ông nói nhìn Ni sư trụ trì, rồi nhìn tôi."Quý vị có thể không tin, nhưng gần đây càng ngày càng nhiều các gia đình Phật tử nhờ các chùa giới thiệu đến trường chúng tôi, hầu tách con cái họ ra khỏi các trường trung học công lập đầy dẫy các tội phạm thanh thiếu niên. Tuy nhiên việc này tôi chỉ nói riêng với quý vị thôi đấy…"
"Nó sẽ thọ giới xuất gia ngay", Ni sư trụ trì bình tĩnh trả lời.
Ni sư quay qua tôi mỉm cười nói :"Thầy định làm chuyện đó sau, nhưng giờ thì càng sớm càng tốt". Ni sư chưa nói gì với tôi về chuyện đó, thành thử tôi chỉ có thể ậm ừ theo bà
"Vậy thì, sau lễ xuân phân của chùa được không?"
"Không cần phải vội vã thế", thầy hiệu trưởng đỡ lời. Rồi thầy tiếp thêm :"Nếu nó đã quyết định thọ giới xuất gia thì lúc nào cũng được, miễn là trước kỳ nghỉ hè. Trong khoá hè, các học sinh sẽ được huấn luyện cùng lúc với nhau, miễn là tới lúc đó nó đã xuống tóc …"
"Trước sau gì cũng phải làm, thôi làm sớm tốt hơn. Kimura, con nghĩ sao?".
"Dạ, sao cũng được", tôi chỉ có thể trả lời như thế vì tôi chẳng biết gì về các thủ tục xuất gia.
Thầy hiệu trưởng dẫn chúng tôi đi dọc hành lang ra cửa. Không giống như ở các trường công lập, ở đây các mặt sàn bằng gỗ được đánh bóng loáng đến nỗi tôi sợ mình sẽ trượt ngã. Thầy hiệu trưởng tán thán việc Ryota xuất thân từ gia đình cư sĩ nhưng lại xin vào học trường này và lại có ý muốn xuất gia.
Tôi cảm thấy lo lắng quá, nên bày tỏ sự lo lắng không biết con trai tôi có thể hoà hợp được với con cái của các gia đình tu sĩ không, nhưng thầy hiệu trưởng lại bảo thầy sợ ngược lại thì có. Tôi hỏi ý thầy nghĩa là sao, với vẻ mặt đầy âu lo thầy nói có vài đứa trẻ của gia đình tu sĩ rất hư, thầy sợ chúng sẽ làm cản trở chí nguyện cao cả của con trai tôi. Tôi định nói thầy không cần phải lo âu như thế, nhưng kềm lại kịp.
"Thôi, thầy nghĩ mọi chuyện đã dàn xếp xong" Ni sư trụ trì nói khi tôi quay xe trở về.
Tôi trả lời :"Nhưng vẫn còn kỳ thi nhập học, sợ rằng kết quả kỳ thi sẽ làm thầy hiệu trưởng vỡ mộng về hình ảnh của Ryota trong ông".
Ni sư trụ trì có vẻ không để ý gì đến chuyện đó. Hình như Ni sư còn đang lo nghĩ đến chuyện bỗng nhiên được có kẻ thừa kế mình. Bỏ giầy ra, Ni sư xếp chân ngồi, nói không ngừng trong khi hút thuốc cũng không dứt , luôn gạt tàn thuốc vào cái gạt Ni sư cầm để trên đùi. Cứ như thế suốt đoạn đường trở về chùa, một đoạn đường dài 90 phút. Ni sư quả thật là người lưu loát. Thỉnh thoảng tôi mới nói chen được vài câu, ngoài việc lo quay cửa xe lên xuống để cho khói thuốc bay ra ngoài.
"Thầy định buông bỏ hết mọi việc, nhưng giờ thì đã có việc cho thầy phải lo đây, phải không Kimura? Có lẽ Đức Phật đã sắp bày mọi thứ. Thầy có ít tiền dành để dưỡng già, với số tiền đó có thể để lo cho nó đến xong đại học. Đó có lẽ cũng là sự sắp bày của Đức Phật nữa. Chuyện gì sẽ xảy ra sau này, sau này hãy lo".
Tôi nói với Ni sư tôi sẽ lo chi phí ăn học của nó.
"Không, không, con không được làm như thế. Bổn phận của người tu là phải tự lo cho mình. Một người tu mà nhận tiền của Phật tử để lo cho riêng mình thì thật không tốt. Nhận đồ cúng dường hay công lễ thì lại là việc khác, đó là cho việc làm lễ ở các đám tang hay các thứ khác. Nghĩ đến chuyện đưa tiền cho một nhà sư là ngã mạn, hãy lập tức bỏ lối suy nghĩ đó đi".
"Nếu thầy đã dạy như thế" tôi đáp.
"Này Kimura, ta muốn đứa trẻ đó trở thành một nhà sư giống như Dogen Zenji, người đã tạo lập nên dòng thiền Soto trong Phật giáo Thiền. Con có thể cười, nhưng ta mong nó có thể lãnh hội được cái tối thượng của Ngài Dogen càng nhiều càng tốt. Đó là ý nguyện của mỗi vị thiền sư Soto. Thầy nghĩ là có hai loại thầy tu : loại chạy đuổi theo các cấp bậc trong giáo hội và loại thầy chuyên tu. Các vị thầy ở các chức vị cao trong giáo hội thường phải lo nhiều việc đời; các vị thầy chuyên tu chỉ chú tâm vào việc tu tập, để được giác ngộ sâu xa. Con chọn loại thầy tu nào?"
"Dĩ nhiên là các vị thầy chuyên tu".
"Đúng vậy, Nhưng các vị này thường nghèo!", Ni sư cười to."Thầy quyết phải rèn luyện nó. Không có chuyện nửa người nửa ngợm. Trên thế giới ngày nay, con có thấy toàn là nửa người nửa ngơm. Ngày nay, ngay các thầy, cũng không ít người là như thế. Các thầy thường được chứng nhận giác ngộ dễ dàng. Không thể tin vào các việc như thế. Gần đây, hình như người ta cứ chịu khó ngồi thiền, rồi sẽ được giấy chứng nhận là đã giác ngộ. Đó cũng là lỗi của các bậc sư phụ. Riêng thầy, thầy sẽ rất nghiêm đó. Này Kimura, hãy nghe đây, con phải giữ bình tĩnh và không được can thiệp ngay cả khi sự việc có vẻ như tàn nhẫn quá. Con có làm thế được không?".
"Dạ được".
"Điều ta lo sợ nhất là sức khoẻ của mình. Nó hãy còn trẻ. Mà đâu chỉ có bảo nó làm là được, ta phải theo nó từng bước từ sáng sớm, bằng không, ta khó thể rèn luyện nó được. Thầy đã già yếu và bệnh tật, không biết khi nào đến lượt mình ra đi. Nhưng cũng không sao. Thầy coi đây như là Phật sự cuối cùng của mình".
Ni sư bập thuốc, rồi nói tiếp :"Cuộc đời còn lại của thầy sẽ dành trọn vào việc rèn luyện nó. Nó sẽ không giúp gì được cho thầy, nhưng nó sẽ phục vụ nhà chùa. Số tử vi của thầy nói thế, nhưng không sao.
"Thầy đang chọn Pháp danh cho nó, thầy còn nhờ đến một ông thầy hay chữ để tên sao cho hợp với người. Con nghĩ thế nào về tên Ryokai? Hán tự Kai là từ tên thầy, Gukai và Ryo thì từ tên Ryota của nó".
"Dạ nghe cũng được"
"Ryokai là một cái tên rất thanh nhã. Rất hợp với cá tính của nó. À, mà tên với họ Kymura Ryokai nghe không hay. Bản chất của nó là ngỗ nghịch, đặt tên như thế có khác gì châm dầu vào lửa. Tâm tánh nó thì tốt nhưng hoang đàng quá. Tử vi còn bảo là nó còn có thể trở nên một gã rù quyến đàn bà nữa đấy".
Tôi không khỏi phì cười."Dạ, cũng có thể lắm chứ!".
"Ừ. Vị thầy bói số tử vi rất giỏi, đã hay đoán cho ta điều này, điều nọ. Thầy đã hỏi có nên lấy họ thầy là Gyokusen để đặt cho nó không, thì ông bảo rất tốt, rất nên, điều đó sẽ giúp hãm dây cương nó lại. Là con trai nó cần có nhiều bạn bè, nhưng cũng không nên bừa bãi quá. Con thấy sao Gyokusen Ryokai?".
"Dạ cũng được".
"Nếu con không bằng lòng, cứ nói ra, thì không thay đổi họ nó nữa. Nhưng thầy thấy nó không đi với cái tên mới kia".
Tôi nghĩ là dầu gì nó sẽ ở chùa thôi. Tôi đâu thấy vị tăng sĩ nào sống ở nhà với cha mẹ. Và nếu nó sẽ sống ở đó suốt đời, thì cũng nên chọn cho nó một Pháp danh. Điều đó giúp nó dễ hoà nhập vào cuộc sống mới hơn. Việc đổi tên đâu thể biến nó thành một con người khác. Sao cũng được miễn là vì lợi ích của con tôi.
Tay cầm lái, tôi cúi đầu nói :"Nhờ thầy chăm sóc cho nó".
"Dầu có đổi tên, cha mẹ vẫn là cha mẹ, Sự thật con là cha nó, có bao giờ thay đổi được. Cái tên chỉ là tiếng gọi thôi. Con có biết cái họ ta đang dùng, Gyokusen, đã được người khác đặt cho không? Ta vốn là con gái của một người chủ trọ ở Hokurikudo, họ là Ichinoseki".
Cuộc đời của Ni sư hình như đầy sóng gió. Thỉnh thoảng Ni sư cũng nói về chúng, nhưng sóng gió trong đời Ni sư có lẽ quá nhiều đến nỗi tôi không thể hình dung ra hết. Hình như Ni sư được đặt tên Gyokusen bởi những người có tranh chấp về việc ai sẽ làm chủ một gia đình tiếng tăm ở vùng Chugoku. Khi Ni sư hành hương qua đó, bà đã giúp họ hoà giải ổn thoả. Và họ đã yêu cầu Ni sư mang dòng họ đó để ban phước lành cho họ và Ni sư đã nhận lời. Ngay như nếu con tôi cũng mang họ đó, không có nghĩa là gia đình đó đã nhận nuôi nó. Đó chỉ là tên gọi thôi mà.
Có tám thí sinh dự kỳ thi chuyển trường đến trường trung học đệ nhất cấp Sendan, nhưng chỉ có hai được vào, con trai tôi là một trong hai trò đó, chúng tôi đợi trong một văn phòng ở trường khi các thí sinh lần lượt từ người một được gọi vào, tôi lo lắng tự hỏi, kế đến là chúng tôi chứ, hay kế đến là ai? cuối cùng chỉ còn lại hai thí sinh, nên tôi nghĩ thôi chắc chẳng còn hy vọng gì, không ngờ hai anh em còn chót lại là thí sinh trúng tuyển. Khi tôi đưa cho con trai tôi xem tấm giấy báo trúng tuyển, nó nhìn trân trối.
"Con đã đậu" tôi nói.
"Con đã đậu" nó la lớn
Nhìn mặt nó tôi đã nhận ra rằng dù nó đã học lết bết ở trường trung học trước, nó vẫn vui mừng được nhận vào trường học mới, còn tôi vui mừng vì sự thành công của nó còn hơn khi lần đầu tiên tôi nhìn thấy tấm giấy được nhận vào đại học của chính tôi.
Em học sinh trúng tuyển thứ hai mang kiếng dầy cộm, có vẻ là loại học sinh chăm chỉ đón nhận tin mừng với vẻ bình thản, nhưng cha nó, người mập mạp là nhân viên bưu điện trong tỉnh, thật sung sướng khi ông trao đổi danh thiếp với tôi. Tôi có cảm tưởng là trong hai thí sinh trúng tuyển hôm nay, một người có điểm cao nhất và người kia điểm thấp nhất.
Sau đó đến lễ thọ giới xuất gia.
Ni sư trụ trì muốn dành cho con tôi mọi thứ tốt nhất, nên khi không thể mua được áo tràng và các thứ vật dụng khác ở Tokyo, Ni sư liền gửi mua tận Kyoto, Ni sư nhờ một huynh đệ ở chùa khác đến giúp lễ, mời hoà thượng chánh đại diện của giáo hội, tất cả thiền sinh trong khoá tu Thiền hàng tuần đến dự, và cố hết sức mình để buổi lễ được diễn ra theo truyền thống cổ truyền tốt đẹp nhất. Con tôi ngủ lại chùa đêm trước buổi lễ. Vị thầy phó chuẩn bị một lễ tắm gội để rửa sạch hết bụi bặm của cuộc đời trần tục, cũng như mọi thứ phiền não đã tích tụ trong con tôi từ bấy lâu. Ngày hôm đó đã có một việc hệ trọng xảy ra, ít nhất là đối với chúng tôi, cha mẹ của nó. Oâng bà nội ngoại và chúng tôi sẽ tham dự buổi lễ nhưng vợ tôi còn muốn mời cả người cô đã chăm sóc, nuôi nấng nó từ thuở nhỏ. Vợ tôi đã gọi hỏi, và cô nó hứa chắc chắn sẽ đến. Khi tôi hay tin này, tôi nói tốt hơn hết là chúng tôi phải gọi xin phép trên chùa trước.
Ni sư trụ trì gạt ngang :"Đừng có đi mời đủ loại người như thế! Thầy còn có bao nhiêu người khác nữa thầy muốn mời, con phải biết đây đâu phải đám hát tuồng. Đây là buổi lễ để đứa trẻ chính thức cắt đứt dây liên hệ với cha mẹ nó. Nói đúng ra, ta còn không muốn con mời các ông bà của nó nữa, nhưng thôi lần này ta cũng ngó lơ cho, nhưng đâu có thể như thế với tất cả thân bằng quyến thuộc".
Khi vợ tôi nghe tin, cô ấy nói cô không thể nào báo lại tin cho người cô thân yêu ấy được, tôi đành phải tự gọi để cắt nghĩa đây là buổi lễ để cắt đứt mọi ràng buộc.
"Có phải em muốn nói là sợi dây ràng buộc với tôi nữa, đúng không?" người cô nói với giọng mỉa mai.
Đúng vậy, buổi lễ bắt đầu với con trai tôi nói lời từ biệt với chúng tôi, cha mẹ nó. Con trai tôi, mặc đồ đồng phục, bước vào chánh điện, hai tay chắp lại, đi bên cạnh vị thầy phó. Vợ tôi và tôi ngồi bên nhau ở tuốt đằng sau.
Nó một mình tiến đến gần, ngồi trước mặt tôi, rồi đặt ngửa hai bàn tay ra trên tấm chiếu, nó nói :"Cha, người đã chăm sóc con từ thuở bé, con xin cảm tạ".
Rồi nó đứng lên, đến ngồi trước mặt vợ tôi :"Mẹ, người đã chăm sóc con từ thuở bé, xin cảm tạ".
Nó cúi đầu lạy.
Đoạn, nó tiến đến Ni sư trụ trì, quỳ gối xuống hai tay chắp lại. Ni sư trụ trì xướng từng giới một, và mỗi lần đều hỏi nó có giữ được không. Bằng một giọng sang sảng, nó trả lời mỗi lần được hỏi :"Dạ, con xin giữ".
Sau đó, Ni sư trụ trì đọc kinh, khi nó được phát từng thứ một : áo, mũ và các thứ vật dụng, nó đi ra khỏi phòng khi mọi thứ đã xong xuôi.
Khoảng 15 phút sau, nó trở lại mặc áo trắng và đầu đã cạo. Sự chuyển đổi từ tóc, áo quần đồng phục, đến đầu cạo láng và y áo trắng thật khá bất ngờ, giống như trong xiếc"úm ba la" đổi.
Giờ thì mắt vợ tôi đỏ lên, nhìn nó trong quần áo trắng, tôi thật sự có cảm tưởng như nó đã bước vào một thế giới khác vượt khỏi tầm với của chúng tôi. Nhưng tất cả dường như quá đột ngột, hình như không phải là sự thật. Có thật sự là sợi dây ràng buộc cha mẹ và con cái đã bị cắt đứt? Sự liên hệ ấy giờ chỉ là trống không?
"Cảm ơn cha, cảm ơn mẹ"-chỉ nói vậy là đủ phủ nhận mọi thứ từ bấy lâu nay? sự liên hệ giữa cha mẹ, con cái là gì? Hay sợi dây ràng buộc giữa cha mẹ và con cái chỉ là ảo tưởng? Chỉ là một ý nghĩ sản sinh do thói quen? Có phải cha mẹ và con cái chỉ là những vai trò giả tạo?
Ngồi lắng nghe tiếng tụng kinh, tôi có cảm tưởng như mình vừa được trao cho một công án để suy gẫm, nhìn Ni sư trụ trì bước vào chánh điện, vừa tụng kinh trên gương mặt Jizo này, hình như chỉ có đôi môi chuyển động như những sinh vật nhỏ bé.
Đôi môi đó hình như đang nói :"Mu, M…u".
Lễ thọ giới xuất gia đã qua, nhưng con trai tôi vẫn sống ở nhà. Chúng tôi đã thỏa thuận với Ni sư trụ trì là nó sẽ sống ở nhà cho đến khi xong trung học đệ nhất cấp. Điều đó cũng tốt cho nhà chùa nữa, vì thật sự phải trông coi một đứa trẻ ở tuổi đó tại chùa thật phiền toái, vì thế tất cả chúng tôi đều quyết định cho nó ở lại nhà trong lúc này.
Lễ thọ giới đã qua, giờ nó trở lại ngôi nhà nó vừa rời bỏ hôm qua nhưng nó đứng đợi ở trước cổng nhà. Trước khi bỏ giầy vào nhà, nó đứng thẳng lưng, chiếc đầu cạo hơi cúi xuống,"Con phải nhờ sự chăm lo của cha mẹ trong thời gian này".
Chúng tôi không thể gọi nó là Ryota nữa."Phải gọi là Ryokai". Ni sư Gukai nhắc nhở, nếu chúng tôi lỡ quên gọi nó là Ryota, nó sẽ phản đối:"Xin gọi con là Ryokai".
Nó có vẻ rất nghiêm túc về việc đó, và nó rất nghiêm túc về buổi lễ tọ giới xuất gia nữa. Đối với chúng tôi, cha mẹ của nó, chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn tin đó là sự thật, vì thế chúng tôi thường xuyên cứ gọi nó là Ryota.
Cách nó tự xưng là"Ryokai" thật buồn cười đến nỗi đôi khi tôi cố ý gọi nó bằng tên cũ để chọc phá nó. Nhưng dần dần khi tôi đã quen với tên gọi mới của nó, tôi cảm thấy có một sự thay đổi kỳ diệu, giống như tôi gọi nó là Ryokai thay vì Ryota, thì trong nó có một người khác hiện ra : Ryokai chẳng bao giờ nói với em nó những câu như :"Mày muốn gì?" hay"Đồ ngu, hãy để tao yên".
Nó chẳng còn vứt giày ra nhà, thẩy cặp học lung tung, hay bỏ quần áo dơ trên sàn. Khi đi học về đến nhà, Ryokai nói :"Thưa, con đã về đến".
Lúc dùng bữa, nó chấp hai tay lại và nói :"Xin cảm tạ vì thức ăn này".
Trước khi đi ngủ, nó tự giặt đồ lót nó bận trong ngày và phơi khô. Tuy nhiên nó vẫn còn nằm trước TV, chống cằm lên tay, coi phim hoạt hình"Doraemon" hay lắng nghe băng cassette của Off Course và Arabesque. Theo Rie, em gái nó, thì nó còn nhảy theo điệu nhạc disco khi không có mặt chúng tôi ở đó, khi ngồi học bài, nó luôn gắn ống nghe của máy Walkman lên cái đầu đã cạo tóc của nó.
Những lúc nhìn thấy nó như thế, tôi thường tự hỏi không biết rằng nó có làm lễ thệ nguyện quá sớm chăng. Nhưng mà rồi, nếu nó không làm như thế, biết đâu nó đã trở thành tệ hại hơn cả bây giờ.
Lúc mà tôi cảm thấy rõ ràng rằng nó đã"bỏ nhà đi tu" là khi chúng tôi đi ra ngoài với nhau, cái đầu cạo tóc của nó nổi bật ở khắp mọi nơi, nghĩ rằng nó sẽ không còn ở nhà với chúng tôi bao lâu nữa, nên thỉnh thoảng chúng tôi lái xe đưa nó đi dạo chơi hay đi ăn nhà hàng-những thứ nó thích làm. Nhưng thằng bé da trắng xanh với chiếc đầu cạo luôn làm mọi người chú ý. Đôi khi những lời xì xào của bọn trẻ tiểu học đến tai chúng tôi :"Chắc là anh đó đang tập thi một môn thể thao nào đó".
Vào những ngày chủ nhật, khi chúng tôi lên chùa hành Thiền, nó mặc áo tu màu đen, đội mũ. Còn tôi vận y phục bình thường, nên khi tôi đi với nó, hình như nhiều người còn trố mắt nhìn hơn. Tôi có cảm tưởng như tôi thì đi theo con đường dễ dãi, sung sướng, còn con tôi thì phải chọn sự khổ cực. Tại sao những bộ đồ màu đen đó lại tạo cho người ta có cảm giác khổ chứ? Trong những trường hợp như thế, tôi cảm thấy thương cho nó quá, nhưng lạ thay, nó chẳng để ý gì. Hãy nhớ rằng trước đây nó thích mặc áo pull hiệu và quần jean trắng, không biết có phải đây cũng là do sự đổi tên mà ra?
Những đứa trẻ con của các gia đình tu sĩ (LND ở Nhật, một số hệ phái cho phép người tu sĩ được quyền lập gia đình, ăn mặn) không thích bị cạo tóc, nên chúng đi học để tóc dài. Có đứa còn không ưa Pháp danh của mình, nên đổi thành các tên Nhật bình thường. Nghe rằng con tôi đã bỏ trường học ngoài đời để học trở thành tu sĩ, chúng chọc ghẹo :"Thật là ngu! Nếu mày muốn có cái chùa đến vậy, mày có thể lấy chùa của tao".
Ryokai về nhà, kể lại với chúng tôi chuyện này với vẻ thú vị.
Một lần tôi đến dự lễ gì đó ở trường, các học sinh đang diễu hành, và kìa, giữa một biển đầu đen, có duy nhất một cái đầu trông giống như một quả trứng trồi lên hụp xuống. Có cái gì đó thôi thúc tôi kêu lên :"Ryokai!".
Tuy nhiên cũng có nhiều điều bất tiện. Thí dụ bao vấn đề trong gia đình bỗng trở thành vấn đề của nhà chùa, chúng tôi quên rằng Ryokai giờ đã là con của chùa và không có gì mà nó không nói, đó là một thói quen không thay đổi khác nữa của nó.
"Kimura, hôm qua lại đi ăn ở nhà hàng đó nữa à? Gia đình con thích đi ăn tiệm quá phải không?" Ni sư trụ trì nói lại với nụ cười cổ hủ trên môi.
"Con mới mua xe à? Sắm áo quần mới cho thích hợp với công việc đó phải không? lại mượn tiền ngân hàng nữa à? Các ngân hàng càng ngày càng cho vay nợ nhiều hơn và thiên hạ đua nhau mượn tiền để mua sắm cả những thứ họ không cần đến. Người có lợi nhất vẫn là mấy ông ngân hàng!
"Lương tháng con bao nhiêu? Ba trăm ngàn, hay bốn trăm ngàn yên? Con có tiền để dành trong ngân hàng không? Không? Mỗi tháng kiếm vô bốn trăm ngàn yên, mà không để dành được đồng nào? đang khó khắn lắm mới trả nổi tiền nhà hàng tháng, vậy mà đi mua xe mới, con thật chẳng biết giữ tiền, con sẽ không bao giờ sống nổi như người tu, còn làm ảnh hưởng xấu đến Ryokai nữa.
"Con biết ở chùa mỗi tháng chúng tôi được bao nhiêu không? Hai trăm ngàn yên một tháng, con có thể không tin nhưng đó là sự thật, đôi khi có thể hơn tùy tháng. Với số tiền đó chúng tôi phải chi phí cho chùa và hơn mười ngàn mét vuông đất đai, không có đông người, nhưng nhiều chó mèo, chim chóc. Thầy phải mướn thợ làm vườn, mua hoa, nhang đèn, quần áo và các thứ vật dụng khác. các tu sĩ cũng cần tiền vậy, nhưng ở đây thầy không mua thực phẩm, các thầy chỉ ăn những gì bá tánh cúng dường, có nhiều tháng thầy đã nghĩ là giá mà nhà chùa có được ba trăm ngàn yên, sẽ đỡ hơn nhiều".
Vì thế khi Ryota trở thành Ryokai việc đầu tiên nó phải học không phải là kinh kệ, hay các nghi thức ma chay, mà là cân bằng số tiền của mình. Nó phải ghi xuống từng đồng yên nó đã nhận được và chi tiêu, rồi Ni sư trụ trì sẽ xét lại. Khi nó dọn đến ở chùa, Ni sư trụ trì sẽ bắt nó làm như thế mỗi đêm, và chỉ khi nào cuốn sổ cân bằng, nó mới được đi ngủ, nó sẽ không thể mua nước ngọt ở trường một cách bừa bãi.
Thú thật khi nói về sự tiết kiệm tôi cũng tự hỏi không biết tiền sắm sửa cho chùa, bảo quản chùa ở đâu mà ra. Các công ty thuộc các tôn giáo như nhà chùa, tôi nghĩ, cũng được hưởng các đặc quyền về thuế má, và Ni sư rất kỹ lưỡng về tiền đóng góp của các Phật tử, cũng như lệ phí cho việc giữ gìn mộ chí. (Sự tương phản rõ rệt giữa sự sung túc dần tăng lên của chùa và lối sống khổ hạnh của Ni sư là điều khó ai có thể lý giải. Một vài Phật tử bảo là khi Ni sư còn trẻ, trên đường đi tìm đạo, người đã dùng năng lực tâm linh để giúp đỡ một phú nông đang sống trong đau khổ, và giờ ông chu cấp cho chùa. Nhưng đó chỉ là tin đồn. Dầu gì, trong khoảng 15 năm tôi theo học Thiền tại đây, tôi đã chứng kiến một sự biến dạng thay hình. Ngôi chùa không còn là một chỗ xác xơ, u tối để cho loài chồn lảng vảng đến nữa. Không những trong chánh điện được tô điểm bằng các tầng hoa rực rỡ, ma Ni sư còn cho cất những khu nhà ở khang trang trên đồi chỗ ngày xưa những bức tượng Jizo từng bị cỏ dại chôn lấp. Chỗ mà trước đây trẻ con thường chạy xe đạp lấn vào đất chùa, giờ là một con đường điểm dọc hai bên bằng nhiều tượng mới, vào mùa xuân hoa đào tươi bông xuống đó, và mùa hè tắm đẫm những màu xanh. Cổng chính vào chùa, với tấm bảng gỗ đề :"Núi Komyo : Thiền viện Zenkaiji" bằng mực xanh, giờ được cắm vào chỗ ngày xưa người ta có thể nếu muốn, đi xuyên tắt qua. Chỗ cỏ dại rậm rạp đã biến thành vườn"thực vật" của Ni sư Gukai : một rừng các loại cây và hoa không tên mà Ni sư đã thu nhặt được những ngày khai hoang trên các đồi lân cận, giờ rộ hoa, ra trái và dâu).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/12/2018(Xem: 3377)
Thằng Bửu nấp sau cây phượng vĩ có thân lớn một người ôm không xuể cách cổng trường chừng năm mươi thước. Trong bàn tay đang nắm chặt run rẩy vì giận tức của nó là một hòn đá xanh cứng gồ ghề những góc cạnh. Nó đang chờ, đúng ra thì nó đang rình, rình một người đã hơn nửa giờ qua... Thầy Tiên đang thong thả đạp xe từ hướng trường từ từ chạy đến. Thầy đang nghĩ ngợi nhiều về một đứa học trò ngỗ nghịch và lười biếng nhất của lớp mà thầy làm chủ nhiệm…
30/11/2018(Xem: 4296)
Căn bếp nhỏ thì có gì để nói, nên ánh đèn mờ trong cái bếp không có gì để nói đó thì lại càng không có gì sáng sủa mà được nói tới! Ấy vậy mà ánh đèn đó, trong căn bếp đó đã bất chợt khiến Sư già thổn thức “A Di Đà Phật. Ôi, cảm động biết bao!” Sư già ở một mình trong căn hộ nhỏ đã hơn mười năm nay. Huynh đệ, bạn đạo gần xa cũng thỉnh thoảng ghé qua, hỏi thăm nhau sức khỏe thế nào, tu tập tinh tấn không … Tịnh thất quá đơn sơ nên Sư già cũng chỉ thường đãi khách bằng tinh thần như khi xưa thi hào Nguyễn Khuyến từng tiếp tri kỷ: “Đầu trò tiếp khách, trầu không có Bác đến chơi đây, ta với ta …”
28/11/2018(Xem: 8818)
Am tường những thuật ngữ của văn chương tức là hiểu được những yếu tính của văn chương để rồi từ đó ứng dụng vào tác phẩm của mình hầu làm cho tác phẩm trở nên hay- đẹp, đúng ý mong muốn.
26/11/2018(Xem: 9647)
Xưa trong làng nhỏ vùng quê Có ông đánh trống chuyên nghề lâu nay Một hôm ông được cho hay Tại Ba La Nại nơi đây ăn mừng Có phiên hội chợ tưng bừng Bao người tham dự vô cùng đông vui
18/11/2018(Xem: 3350)
Vì là khu dân cư mới đang được hình thành qua từng tháng năm với tốc độ xây dựng chậm chạp, khoan thai, nên còn rất nhiều con đường liên thôn liên xóm chưa được đổ bê-tông, trông như một bức tranh lem nhem nhếch nhác, dở dang đang chờ đôi bàn tay tài hoa của nghệ sĩ hạ thủ công phu dứt điểm vào một buổi sớm tươi sáng cho hoàn mỹ chỉnh chu.
16/11/2018(Xem: 3230)
Cả đám bảy, tám đứa tuổi choai choai đang quây quần nhậu nhẹt hò hét, làm huyên náo cả cái thôn vắng vẻ nằm ven biển. Những nhà ở gần đó không ai nghỉ ngơi, chợp mắt ngủ trưa được sau một buổi quần quật với công việc làm. Không ai dám hé môi động răng lên tiếng trước cái đám “quỷ sống” nổi tiếng là “quậy tới bến” này, dù là lên tiếng van lơn năn nỉ chứ không phải răn đe khuyên bảo…
16/11/2018(Xem: 3201)
Ngày 1 tháng 4 năm 1975. Thành phố biển Nha Trang hiền hòa bỗng chốc biến động, trở nên hoảng loạn. Chợ Đầm bị đập phá, phát hỏa. Bọn cướp giật, đâm thuê chém mướn đủ các loại hạng từ các trại giam phá ngục ùa ra đường, túa đi khắp các ngõ, nhập vào những dòng người tất tả, hăm hở đi hôi của. Những quân nhân “Cộng Hòa” ở các trại lính cũng bỏ hàng ngũ chạy về thành phố, luýnh quýnh và sợ hãi, như rắn mất đầu, cầm cây súng trong tay như mang một của nợ khủng khiếp. Súng quăng lăn lóc ngoài đường, đạn dược ném vung vãi nơi công viên, bãi biển, trở thành những thứ vũ khí cực kỳ lợi hại và đắc dụng cho bọn đầu trộm đuôi cướp đang có mặt khắp các nẻo đường với một bầu máu tham sôi sục. Trong mấy giờ chính quyền cũ bỏ chạy, chính quyền mới chưa lập lại được trật tự ấy, thành phố như đầy hiểm họa và đổ nát, làm cho những người lương thiện, người thật thà và nhát gan phải chui rúc ru rú trong nhà đã đóng cửa cài then với những lời cầu nguyện triền miên trên môi…
16/11/2018(Xem: 3904)
Đó là tên gọi của "dự án" mới tinh toanh của Tâm Không - Vĩnh Hữu, sẽ gồm những câu chuyện ngắn thú vị nhưng hàm chứa nhiều điều để suy ngẫm về cuộc sống đa sắc màu luôn sống động bất trắc, cũng như luôn bình lặng an vui, khi tu học và ứng dụng Phật pháp. Mục đích là khuyến tu, là nhắc nhở những người con Phật hãy Thực Hành, chứ đừng mãi Thuyết Suông! Tác giả khởi viết từ chiều nay, cho đến khi được chừng trăm câu chuyện, sẽ in thành tuyển tập để phổ biến rộng khắp với tâm nguyện phụng sự của một “hoằng pháp viên” nhỏ bé như viên sỏi. Xin giới thiệu câu chuyện đầu tiên:
13/11/2018(Xem: 3380)
Hôm ấy, trời trong xanh sáng mượt, muôn hoa đang khoe sắc, ong bướm dập dìu bay lượn dưới ánh nắng hồng dịu đẹp. Hạt Bụi vừa trở mình mở mắt ra và cảm thấy quá đỗi ngỡ ngàng, tò mò với vạn vật xung quanh. Mọi thứ đều trở nên lung linh sinh động, lạ lẫm trước mặt mặc dù Hạt Bụi vẫn ở đây từ bao kiếp trước đến giờ. Có lẽ, sau khi tu luyện chứng quả thành hình người, cơ thể thay đổi, có đủ lục căn nên việc bắt đầu tiếp xúc sáu trần khiến Hạt Bụi trở nên tò mò hơn. Cảm giác có thể dung tayđể sờ chạm vào vật thể thật tuyệt vời Sư Phụ hỉ, con thích lắm cơ. Sư Phụ chỉ ngồi lặng yên quan sát rồi mỉm cười nhẹ và nói. Hạt Bui à. nay con đã có đủ hình hài của con người rồi thì cũng nên đổi lại tên cho hợp với con người nhé. Hạt Bụi nhanh nhảu đáp: Tên là gì hở Sư Phụ? Con là Hạt Bụi mà. Vậy Hạt Bụi có phải là tên của con không?
13/11/2018(Xem: 3109)
Như thường lệ, sau giờ điểm tâm sáng, tiểu Ngọc đều ra khoảng sân rộng trước đài Quan Âm đọc truyện tranh Phật Giáo.Ngọc chọn một chỗ lý tưởng cho mình rồi nhẹ nhàng ngồi xuống với tư thế hoa sen, hít vào thật sâu và thở ra thật chậm rãi,3 lần trước khi bắt đầu đọc sách.Làm như vậygiúp lưu thông khí huyếtdẫn lên não bộ để tiếp nhận thông tin tốt nhất.Đây là công việc hàng ngày củaNgọc vì là chú tiểu nhỏ nhất chùa nên không phải chấp tác. Trời trong xanh, gió xuân hiu hiu thổi, tiểu Ngọc bắt đầu lật từng trang sách dưới gốc cây hoa Anh Đào. Đang chăm chú đọc từng dòng kinh, kệ thì một cơn gió nhẹ lướt qua thổi rơi cánh hoa trên cành,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]