Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cô còn nhớ em không?

03/10/201410:30(Xem: 3258)
Cô còn nhớ em không?

 

hoc sinh

Học sinh thường cho rằng, các thầy cô chỉ nhớ tên học sinh giỏi, học sinh đẹp hoặc hoạt động hiệu đoàn... Cho nên mỗi lần nếu tôi gặp lại một em học sinh không có gì xuất sắc ngày xưa mà tôi còn nhớ tên, thì đó là một niềm vui to lớn của em là được thầy cô còn nhớ mặt và nhớ tên của mình.

 

Sau khi cuộc chiến lan tràn trên quê hương thầy trò phân tán, tôi đi cùng nam cực bắc, đi xa nửa trái địa cầu, rải rác khắp nơi, tôi vẫn gặp lại những em học sinh Đồng Khánh cũ. Và nhờ cố gắng nhớ mặt, nhớ tên các em, nên hầu như ở đâu tôi cũng gieo được chút niềm vui cho những người đang phập phồng chờ được gọi đích danh sau một câu mở đầu công thức: „Cô còn nhớ em không?“. Những con người ấy, những học sinh Đồng Khánh tha phương - xa trường, xa thầy bạn cũ đã xưa rất xưa, mà chính bản thân khi soi gương cũng không còn bắt được hình bóng mình ngày ấy..., bất giác còn được gọi tên, còn được nhớ, còn được nhắc nhở đến bao kỷ niệm của một thời. Ôi! Vui biết bao nhiêu, ấm áp ngọt ngào biết bao nhiêu!

 

Kẻ gieo niềm vui, tất nhiên cũng được hưởng những niềm vui dội trở lại không kém phần to lớn. Giữa khu phố Tàu Toronto (Canada), tôi gọi đúng tên một em học sinh cũ. Em mừng rỡ ôm hôn tôi tha thiết rồi níu tay tôi „Cô chờ em một tí “. Em vụt chạy vào một tiệm gần đó mua ra một bông hồng đỏ, cài lên ngực áo tôi. Những cái hôn cảm động và đóa hồng như thế, tôi mang về trong giấc ngủ, tôi mang theo suốt cả cuộc đời. Nó là hương sắc đậm đà nổi bật trên cuộc sống đơn giản của một nhà giáo !

 

Có được chút khả năng nhỏ bé này, cái chìa khóa gieo vui của tôi là do tôi đã dày công cố gắng học tên, nhớ mặt học sinh. Mỗi đầu năm học, tôi ra công học kỹ bảng đồ lớp, sáu bảy lớp với hơn 300 học sinh, tôi phải học thật sự. May mà tên con gái Huế đa số 4 chữ, âm thanh hài hòa lắm lúc một dãy tên trở thành một đoạn văn biến ngẫu nghe êm tai mà cũng dễ thuộc hơn. Mặt đẹp tên hay thường đi đôi với nhau, mặt mày chất phác thường mang tên giản dị, còn thiểu số những em mang tên ngồ ngộ không theo quy luật nào cả lại càng dễ nhớ. Một năm 300 tên, 300 mặt, nhớ cho hết cũng đủ xây xẩm mặt mày rồi. Nhưng đò đi mà bến cũ còn ở lại, năm sau lại 300 tên khác rồi 300 tên khác nữa... thật gay go vô cùng.

 

Gặp lại học sinh với những nụ cười rạng rỡ trên môi, với bông hồng cài áo chỉ có trước năm 75 hoặc trên xứ người. Sau 30.4.75, trên các nẻo đường bôn ba ở miền Nam, tôi vẫn hay được gặp lại các học sinh thân yêu với lời chào quen thuộc „Cô còn nhớ em không?“ nhưng là ở những cảnh ngộ khác nhau rất xa ngoài phạm vi phấn trắng bảng đen. Hầu như tất cả cảnh ngộ đó đều gian khổ rất đau lòng, không có hộ khẩu, con cái của những gia đình thuộc chế độ cũ... Đó là những mảnh đời rách nát! Những cảnh đời của học sinh tôi như vậy, tôi đã gặp nhan nhản trong suốt thời gian tôi còn bị kẹt lại ở quê nhà...

 

Một cảnh ngộ khác, tôi không bao giờ quên được khi tôi gặp Hạnh Mai trên một chuyến xe lửa Sàigòn – Huế. Thầy trò đều tất tả ngược xuôi vì miếng cơm manh áo, nước mắt nhiều hơn nụ cười với những tủi nhục của cảnh đời khốn khó lầm than! Con tàu đông nhung nhúc, hôi hám đến ghê tởm. Tôi ngồi chỉ được nửa bàn mông, đôi chân phải chuồi ra kê đỡ trên bao nhiêu đồ đạc bừa bãi chen chúc với chân cẳng người khác. Chắc chắn lại thấy có những con người khom khom lách tới, lẹ làng chui nhét chen chúc dưới ghế ngồi, những gói, những bao hàng không lớn lắm nhưng nặng nề. Một lúc sau lại thấy họ rật rật chạy tới lôi ra đem nhét vào những khoang khác. Đó là mấy bà đi buôn, họ đi tàu „cọp“. Gọi là cọp nhưng họ phải chi tiền cho ban kiểm tra, cho thuế vụ, cho thanh tra thanh trẻ. Giá tiền nhiều gấp bao nhiêu lần giá vé! Đến những ga nào có đoàn kiểm tra đột xuất, họ phải nhảy đỡ xuống rồi chạy bộ ra khỏi ga. Đoàn tàu chuyển bánh ra khỏi vòng kiểm soát của ga, tốc độ còn chậm, họ lại bám vào thánh tàu, nhảy lên rớt xuống, lại chạy theo, lại nhảy, người trên đưa tay kéo kẻ dưới, toàn là phụ nữ. Lòng tôi se thắt khi nhìn những con người như thế đeo lên rớt xuống mấy lần, lăn trên hai đường đá lởm chởm, lại ngoi lên, lại níu, lại nhảy. Cuối cùng rồi họ cũng lên được con tàu để sống chết với tài sản của họ. Tôi đang thẩn thờ suy nghĩ đến giá trị sinh mạng của những kẻ chung quanh tôi bấy giờ vẫn bô bô là „vốn quý của xã hội“, quên cả bực dọc vì chật chội, hôi hám như cảm giác lúc mới lên tàu, thì bỗng một người ngồi thụp xuống bên chân tôi, muốn tìm chỗ để rúc cái đầu xuống bên dưới ghế hầu tránh công an, thuế vụ nhưng nghẹt cứng không còn chỗ, đành phải úp mặt trên đầu gối tôi, mặc cho những lằn roi quất tới tấp trên chiếc nón lá xơ vành. Để cho nhẹ bớt đòn roi, chị đi buôn ghì mặt xuống thấp hơn, thấp hơn nữa, sũng xuống giữa hai bắp vế của tôi. Quá bất nhẫn trước hành động dã man của tên công an, tôi phản ứng; tính bất khuất của một nhà giáo trổi dậy trong tôi, tôi mở mắt lớn nhìn tên công an:

- Anh làm gì lạ vậy? và đưa tay gạt ngọn roi của nó.

Anh ta ngạc nhiên nhìn tôi:

- Thím lạ lắm hả?, cái bọn gian thương này phải đánh cho chúng nó chừa, chúng nó chuyên bóp nghẹt quốc doanh, phá hoại chính sách ưu việt của đảng và nhà nước ta...“.

Con vẹt áo vàng tuông đủ một tràng kinh nhật tụng rồi đổi giọng:

- Xin lỗi, thím công tác ở cơ quan nào?

Tôi đáp liều:

- Tôi đi dạy học (thật tình tôi đã bỏ dạy từ năm 1979 dù Ban Giám Hiệu đã yêu cầu tôi ở lại nhiều lần, vì môn Toán cấp 3 thiếu giáo viên).

Nghe vậy, tên công an nói tiếp:

- Thím về nên giảng giải thêm cho học sinh rõ, báo cáo sâu sát tình hình để nhà nước ta có biện pháp hữu hiệu tiêu diệt bọn chúng.

Hắn bỏ đi sau khi hừ một tiếng vào cái nón; còn tôi thì nín cười vì đã bịp được hắn. Tên kia đi khuất, chị đi buôn mới trồi mặt lên nhìn tôi qua nửa vành nón rách:

-„Cám ơn bác“ và bẽ bàng giọng Huế: „Kệ, rứa đó chớ không răng mô bác. Hắn giả đò quất trót trót cho to rứa, chứ không can chi mô. Cái nón của tụi tui là dùng vô mục đích nớ đó. Làm bộ qua mặt người khác rứa, chớ „đấm mõm“ thì yên hết.

Trời ơi! Vậy là „yên„ đó ư? Con người ta còn chịu khổ đau đến mức nào nữa? Thảo nào mà bọn chúng không lạm dụng sức nhẫn nhục chịu đựng để làm khó dễ dân chúng. Nhưng tôi chưa kịp buồn lâu về cách hành xử giữa người với người, cũng chưa kịp suy tư theo thói quen nghề nghiệp về mấy từ „nhân cách, nhân nghĩa, nhân vị...“ thì tôi bỗng giật thót mình. Chị đi buôn khi ngớt lời, hất chiếc nón ra sau, nhìn kỹ lên một lần nữa. Bốn mặt nhìn nhau, tôi như bị điện chạm bởi ánh mắt quen thuộc của một ngày xa xưa hiện về giữa gương mặt tuy chai cằn sạm nắng che lấp một phần bởi tóc tai lòa xòa không chải chuốt nhưng cái lúm đồng tiền có một bên vẫn nhắc nhở cho tiềm thức tôi một thoáng vẻ rất quen thuộc.

Phần chị đi buôn, tự nhiên nụ cười vụt tắt, chị luống cuống quơ đôi dép nhựa đã rách mép, tuông đi như tháo chạy với lời „Cám ơn bác“ ném lại sau lưng.

Tôi vội chụp tay kéo giật lại „Hạnh Mai“!

Hạnh Mai quay lại, đổ ào xuống chân tôi, úp mặt vào đầu gối tôi bùng lên nức nở.

Mọi người trong khoang tàu nhìn chúng tôi ái ngại nhưng chỉ hỏi bằng mắt, còn tôi nước mắt cũng đã rưng rưng! Tôi im lặng đặt tay lên vai em để cho em khóc. Hồi lâu thật lâu, khi những nỗi tủi nhục đã vơi dần theo nước mắt, Hạnh Mai mới ngước nhìn tôi đầy mặc cảm:

- Em không ngờ cô còn nhớ ra em! Lâu quá rồi! Em già và tàn tạ quá! Cô thì không đổi mấy nhưng vì lúc đầu ngồi thấp và đội nón, nên em chưa thấy. Sau biết là cô, em định chạy trốn luôn“.

- Sao lại trốn ? Tôi hỏi.

- Em tủi thân, không dám chào! Vả lại không nghĩ là cô còn nhận ra em được nữa! Em đưa hai bàn tay đen đủi gân guốc bụm lên hai má rồi thở dài “Em tàn tạ quá!.

- Đâu có nhiều, bằng chứng là cô vẫn nhận ra em!

Tôi cố ép người lại, mời Hạnh Mai ngồi ghé vào nhưng cũng không thể nào nhín thêm một chút. Hạnh Mai ngồi trên một bao hàng bên chân tôi suốt đoạn đường còn lại. Em không phải chui luồn theo tốp đi buôn nữa và công an thuế vụ cũng lờ em luôn.

Thầy trò tôi thủ thỉ hỏi thăm nhau, được biết chồng em đi cải tạo, có 4 con. Em đi hàng chuyến, vào ra hết 4, 5 ngày, về qua nhà để lại được ít bo-bo, mì sợi cho con sống qua ngày, chờ chuyến khác. Hàng em buôn, cái gọi là „bóp“ nghẹt „quốc doanh“ là những món hàng nặng tùy mùa như đậu phụng vào, đậu xanh ra, bột mì vào, bo-bo ra v.v... có khi buôn cả than củi nữa, số lượng chỉ „lớn“ đủ nhét dưới ghế nọ, gầm kia trên khoang tàu.

Để quên lảng bớt nỗi ê chề đắng cay của thực tại, tôi đưa Hạnh Mai trở về quá khứ. Một vài kỷ niệm dễ thương dưới mái trường Đồng Khánh đã được thầy trò cùng nhắc đến, tạo được đôi chút ấm áp, vài ba nụ cười dù không trọn vẹn nhưng cũng đủ làm cho đường xa hóa gần.

 

Tàu đến ga Lăng Cô, đoàn đi buôn quăng những bao hàng rồi nhảy ào xuống trước khi vào vùng kiểm soát của nhà ga. Hạnh Mai cũng thế, tôi xót xa nhìn theo cô học trò nhỏ bé của tôi đang nhảy tàu, lăn mấy vòng rồi đứng dậy lao mình, chụp theo mấy bao hàng, xốc nách một bao và xách hai tay hai bao, chạy ngã lên ngã xuống qua những hàng kẽm gai đổ nát để vòng thoát ra phía sau mấy dãy nhà dân.

 

Năm sau, báo chí loan tin xe lửa Huế – Sàigòn bị lật nhào ở Trảng Bom, chết sáu bảy trăm người, đa số là con buôn. Tôi kinh hoàng đau xót, Hạnh Mai có trong đó không em? Không em thì cũng trăm ngàn Hạnh Mai khác, cũng vậy thôi!

Buổi tối, tôi ăn cơm độn với mì sợi được chế biến từ bột bo-bo, tôi cảm thấy sợi mì khô như gai và mặn như nước mắt!

 

*

 

Tôi đã may mắn rời quê hương để bao nỗi u hoài ở lại. Tưởng rằng nơi đất khách khó gặp được người thân, ai ngờ tôi vẫn còn nghe những câu chào „Cô còn nhớ em không?“ nhưng có cái khác là giữa bầu không khí tươi vui rực sáng. Các em học sinh của tôi không thể ngờ được rằng ở một đốm không gian nào đó, trong ký ức nhỏ bé của tôi, các em vẫn hằng có mặt. Những quà cáp, những nụ hôn, những đóa hồng là những phần thưởng dễ thương của tôi hiện tại và là hành trang quý giá của tôi sau này.

 

Trong ngậm ngùi của thực tế giáo chức giữa xã hội đổi thay, tôi vẫn lưu giữ những gì tôi đã chọn và mãi mãi trân quý...

    

(München, Mùa 30 tháng 4)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/04/2024(Xem: 821)
Có thể do một sự thần khải, thiên khải, mặc khải hoặc một phép mầu nhiệm, phép linh thiêng, phép huyền bí nào đó, hoặc do đại giác ngộ, đại ân sủng mà toàn thể loài người bỗng dưng trở thành tu sĩ! Thật đại phúc! Vui mừng khôn xiết! Mấy ngàn năm qua với bao lời rao giảng, truyền đạo, răn dạy mà con người vẫn cứ mê luyến vào cuộc sống phàm tục, sinh con đẻ cái, làm giàu, hưởng lạc thú trong cái cõi đời ô trọc này. Nay thì - đúng là ước mơ đã thành hiện thực của các giáo hội. Trong nỗi vui mừng khôn tả đó, việc đầu tiên là phải giải tán ngay phái bộ truyền giáo bởi vì mọi người đã trở thành tu sĩ rồi thì cần gì phải truyền đạo nữa? Tuyên truyền cho ai bây giờ? Còn đất đâu? Còn dân ngoại đạo nữa đâu mà tuyên truyền? Thôi thì cả triệu tấn giấy, hình ảnh, tài liệu, phim ảnh, CD, DVD, Video được đem ra đốt, bao nhiêu đài phát thanh, chương trình truyền hình, website truyền đạo cũng đều dẹp bỏ. Tuy nhiên trong nỗi hân hoan ấy việc chuyển hóa cả một cấu trúc xã hội thế tục vô cùng phức tạp qua
01/04/2024(Xem: 604)
Sáng thứ Bảy cuối tuần rảnh rang, tôi rong xe về phố, qua bên kia đầu cầu Hà Ra ghé thăm đạo huynh Duy Pháp-Đinh Hoà ở dốc Đoàn Kết. Ngồi ngoài ban-công sân thượng, huynh đệ vừa uống trà, nhâm nhi tách cà phê nóng bên mấy chậu kiểng hoa hồng, vừa trò chuyện đổi trao chuyện Đạo trong Đời, Đời có Đạo, thật thân tình và đầy hứng khởi... Đây là lần thứ ba tôi có mặt trên "tịnh thất sân thượng" của huynh Duy Pháp. Lần trước là vào dịp Tết mới rồi, khi tôi đứng phóng mắt ngắm cảnh xa gần chung quanh, thấy được bóng dáng của chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa trên núi Sinh Trung hiện ra xa xa ở góc nhìn lạ, nên lần này tôi không quên mang theo máy ảnh gắn ống kính tele để "săn cảnh già lam"...
30/10/2023(Xem: 1702)
🐄Bò làm mệt, than với chó: " Tao mệt quá ". 🐶 Chó gặp mèo tâm sự: " Bò nó kêu mệt, chắc làm quá sức, chắc nó đòi nghỉ một chút". 🐱 Mèo gặp dê tám chuyện: " Bò nó muốn nghỉ một ngày vì công việc làm nó mệt quá, có lẽ ông chủ bắt nó làm quá sức". 🐐 Dê gặp gà: " Bò nó đòi nghỉ làm, ông chủ bắt nó làm đến kiệt sức thì phải". 🐔 Gà gặp heo nói: " Biết chuyện gì chưa, bò nó định đổi chủ và bỏ việc đấy".
21/10/2023(Xem: 1881)
Từ đầu đến giữa năm 2020, con virus do Tập Cận Bình (TCB) cho tạo ra tại Viện Nghiên Cứu ở Vũ Hán, chẳng những để giết người dân Tàu ở Vũ Hán chống đối đường lối cai trị tàn ác dã man của Tập, mà còn cho con virus ác ôn này xuất ngoại với âm mưu thâm độc là gây truyền nhiễm, lây lan cho người dân lành khắp mọi nơi trên thế giới. Rồi đây đảng cộng sản Tàu do TCB dẫn dắt đã gieo cái nhân ác, sẽ nhận lãnh cái quả không thể nào lường trước được. Xin quý độc giả hãy chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.
01/09/2023(Xem: 24037)
Bát quan trai giới Cửa Vào Tuyệt Đối Chiến tranh, tình yêu, hoài niệm và truyện ngắn Võ Hồng Dẫn vào Tâm Kinh Bát Nhã Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo Du-già Bồ-tát giới Duy-ma-cật Với Các Đại Thanh Văn Duy tuệ thị nghiệp Đạo Phật và thanh niên
03/08/2023(Xem: 1989)
Sư Khánh Vân đang dạo bước ngắm hoa ở sân sau chùa bỗng nghe tiếng ồn ào đâu phía trước. Chú tiểu Công Sơn lật đật lại gần sư thưa: – Bạch thầy, không biết ai đã đem một đứa bé trai bỏ trước cửa chùa. Nó khóc dữ quá. Một số thôn dân đang đứng quanh đấy bàn tán xôn xao, xin thầy ra xem thử.
09/06/2023(Xem: 2683)
Hằng năm cứ vào độ đầu xuân, hoa Mai vàng rồi hoa Đỗ Quyên của Đức nở rộ, Thầy Hạnh Tấn, một vị Tu sĩ Phật giáo, người có khả năng tiếp cận và truyền đạt được những giáo lý màu nhiệm của Đức Phật đến các em thanh thiếu niên sống tại nước ngoài. Dĩ nhiên là có sự tiếp sức của Thầy Hạnh Giới, cũng cùng chung một chí nguyện, cùng khả năng về ngoại ngữ, ít nhất là hai thứ tiếng Anh và Đức mới tổ chức được một Trại Thanh Thiếu Niên toàn nước Đức, có khi lên đến trên bốn trăm em tham dự.
08/05/2023(Xem: 2237)
Bạn tôi có mỗi thằng con trai độc nhất. Hai vợ chồng thương nó lắm. Qua định cư ở Mỹ lúc tuổi đã xế chiều cho nên luôn nghĩ: ”Đời mình kể như bỏ thôi hy sinh lo cho con”. Ông làm đủ nghề lao động, bà thì lớp nào giữ trẻ, lớp nào coi sóc người già, để bù thêm vào tiền lương còm cõi của ông.
05/05/2023(Xem: 2357)
Tại cánh đồng rộng mênh mông ở Phi Châu có một con sử tử con mới lọt lòng mẹ bảy ngày. Mẹ nó trong một chuyến đi săn bị bầy linh cẩu cắn chết và không bao giờ quay trở lại. Sư tử con đói kêu la thảm thiết, chập chững đi chẳng kể phương hướng để tìm sự sống. Nó may mắn lạc vào một đàn bò. Một con bò mẹ đang nằm dài dưới đất cho bê con bú.
03/05/2023(Xem: 127026)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567