Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

26. Rời chùa Viên Giác đến Vĩnh Điện

14/04/201412:27(Xem: 9558)
26. Rời chùa Viên Giác đến Vĩnh Điện
blank


Rời chùa Viên Giác đến Vĩnh Điện

Tôi đến Vĩnh Điện sau Tết Mậu Thân. Cuộc chiến khốc liệt đã tạm lắng dịu. Vĩnh Điện là thành phố thứ ba tôi đến kể từ ngày tôi rời làng Mã Châu tơ lụa. Tôi phải đến vì trường trung học Duy Xuyên ở quê tôi vừa dời ra đó mặc dù không có ai quen. Vĩnh Điện là một thị trấn nhỏ nằm trên quốc lộ số một và ngay trên ngã ba đường đi Hội An, Đà Nẵng và Tam Kỳ. Thị trấn chạy dài khoảng một cây số với nhiều quán mì Quảng, tiệm ăn, quán café và cửa hàng tơ vải. Vĩnh Điện là nơi lớn lên của nhiều nhà thơ xứ Quảng nổi danh sớm và cũng qua đời rất sớm. Từ thị trấn giữa đàng đó, nhà thơ quá cố Nguyễn Nho Nhượng đã in tập thơ có cái tựa đầy định mệnh Tiếng Nói Giữa Hư Vô trước khi qua đời vào tuổi 23. Và cũng từ nơi đó, nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc đã viết những bài thơ về cái chết của anh.

Từ khi biết đọc thơ, tôi bị ám ảnh bởi những câu thơ của Nguyễn Nho Sa Mạc, tên thật là Nguyễn Nho Bửu, sinh năm 1944, đã viết như một lời trăn trối trong bài Mùa xuân 21:

Chiều cuối năm ngồi trên tầng phố cũ
Trời quê hương nhiều mây trắng sa mù
Hai mươi tuổi những ngày nuôi mộng đỏ
Đã xa rồi cây trái mọc ưu tư


Thân với máu xin thắp làm sương khói
Giữa thời gian tìm bóng dáng con người
Vũng tóc đó tháng ngày qua cỏ úa
Lửa của trời thiêu đốt tuổi hai mươi
Con mắt trũng hôn vào lòng đất ấm
Mẹ sắp khô đời sống cũng khô cằn
Thiên nhiên vẫn mặt-trời-trên-cao-mọc
Người tìm chi khu vườn cũ gía băng?
Tôi gọi nhỏ tên mình sa nước mắt
Ở trên đời vừa đúng hai mươi năm
Máu sẽ khô- xin tim này đừng rụng
Giữa hư vô phần mộ nhỏ yên nằm
Lũ bạn tôi đứa còng lưng nằm ngủ
Đứa vùng lên trong số phận lưu đày
Mỗi trái tim hằn vết thương chia cắt
Nỗi nhục này cho con cháu mai sau
Tôi thì vẫn tháng ngày xa phiêu lãng
Giữa lênh đênh tìm nắm một bàn tay
Trời tháng giêng những ngày sầu nổi gío
Nhớ Sài gòn thương Hà Nội mây bay.

Trong bài Sinh Nhật, một sinh nhật cuối cùng trên dương gian, anh viết như nuối tiếc cho kiếp người ngắn ngủi của mình:

Hỡi ơi khi ở trong lòng mẹ
Ta muốn đi cho trọn kiếp người

Anh Nguyễn Nho Sa Mạc mất năm 1964, tròn hai mươi tuổi.

Nơi nhộn nhịp nhất của thị trấn Vĩnh Điện vẫn là bến xe Vĩnh Điện, trạm dừng và chuyển xe của khách đi về nhiều ngã khác nhau. Phía trong ngã ba là nơi ở của nhà thơ và nhạc sĩ Đynh Trầm Ca, tác giả của nhạc phẩm quen thuộc Ru Con Tình Cũ. Ngày đó tôi không biết anh, nhưng sau này khi lớn lên mỗi khi về lại Vĩnh Điện, tôi thường theo bạn tôi, Phan Dạ Lynh đến căn nhà tôn bên trái Ty Thông Tin để nghe anh hát. Tôi vẫn nhớ chiếc giường đơn sơ của anh đặt ở cuối căn phòng khá tối. Anh hát rất hay và có nhiều nhạc phẩm hay hơn bài Ru Con Tình Cũ nhưng lại không được biết đến nhiều.

Cầu Vĩnh Điện bắt qua nhánh sông Thu êm ả chảy về cửa Đà Nẵng. Trung học Nguyễn Duy Hiệu đẹp, được xây gần phía bên kia chân cầu hướng đi Đà Nẵng. Như hầu hết các trường trung học khác ở miền Trung, sân trường Nguyễn Duy Hiệu trồng nhiều phượng đỏ. Ngay trước cổng trường ngày đó có một cây phượng nhỏ, xinh xinh nhưng gầy yếu. Tôi để ý đến cây phượng này nhiều nhất vì cảm thấy số phận của nó có chút gì đó giống tôi, nhỏ nhoi và đứng lẻ loi ngay trên lối vào trường. Vì cô độc lẻ loi nên cây phượng nhỏ trở thành chỗ dựa lưng, chỗ chờ đợi và chỗ dựng xe của đám học trò. Nhìn tấm thân trầy trụa của cây phượng nhỏ, ngày đó tôi đã thấy cảm thương. Năm ngoái, có dịp hỏi thăm về trường cũ, tôi rất vui sau gần bốn mươi năm, cây phượng nhỏ ngày xưa vẫn còn sống và che mát cả một khoảng trống lớn trên lối vào trường.

Sau buổi học tôi thường dạo chơi trên con đường nhỏ chạy dọc bờ sông. Tôi thích đứng nhìn những rặng tre già soi bóng bên sông, những chiếc ghe chở hàng từ phía thượng nguồn sông Thu xuôi dòng về Đà Nẵng. Những hình ảnh thân thương đó đã để lại rất nhiều trong những bài thơ tôi viết sau này.

Hải Vân đứng ngậm ngùi bao thế kỷ
Chảy về đâu lai láng nước Thu Bồn
Thuở học trò tôi hay đứng ven sông
Nghe nước vỗ dưới chân cầu Vĩnh Ðiện.

Ở trung học Nguyễn Duy Hiệu tôi gặp lại nhiều thầy cô và bạn học cùng trường sau một thời gian tản mác khắp nơi. Giáo sư hướng dẫn lớp bảy của tôi, thầy Phùng Ngọc Nhựt, rất vui khi gặp tôi. Thầy Nhựt khoảng ba mươi tuổi, độc thân, đeo kính cận dày. Thầy dạy Việt văn và dạy nhạc, cả hai môn tôi đều thích và học khá nên thầy có nhiều cảm tình riêng. Thầy dắt tôi vào văn phòng và xin lỗi đã không đến thăm tôi được khi nghe tin gia đình tôi gặp tai nạn. Tôi rất quý mến thầy, không phải chỉ vì thầy dạy những môn tôi thích nhưng thầy hay nói về quê hương đất nước, kể chuyện lịch sử cho chúng tôi nghe và tập chúng tôi hát những bài hát ca ngợi đất nước mình. Như hầu hết những người cùng lứa tuổi thanh niên lớn lên trong thời chiến, chỗ dựa duy nhất của thầy là lịch sử. Bài hát đầu tiên thầy dạy chúng tôi hát là bài Những Nẻo Đường Việt Nam. Thầy hát không hay lắm nhưng trong mỗi lời ca dường như thầy gởi gấm theo tâm sự của một thanh niên lớn lên trong một đất nước đang chìm vào cảnh tương tàn, nhiễu nhương, phân hóa:

Những nẻo đường Việt Nam
Suốt từ Cà Mau, thẳng tới Nam Quan
Ôi những nẻo đường Việt Nam
Ôi những nẻo đường Việt Nam
Những nẻo đường về đâu
Ánh chiều chìm rơi bờ lúa nương dâu
Ôi những nẻo đường về đâu …
Ơ ta đắp đường làng ta
Nhắn ai đi xin chớ quên quê nhà …

Buổi chiều ngày đầu tiên trong thị trấn không có một người quen với tôi là cả một vấn đề. Ăn đâu? Ở đâu? Cũng may, không phải chỉ mình tôi phải đương đầu với những khó khăn đó. Phần lớn bạn học cùng quê của tôi cũng đang lang thang đi tìm chỗ ở.

Với tôi, hoàn cảnh còn khó khăn hơn vì chẳng những tìm cho ra chỗ ở mà còn chỗ ở không phải trả tiền thuê. Tôi không có nhiều tiền. Những đồng bạc chắt chiu của cô tôi đã gần hết. Tôi và vài người bạn, đến gần tối mới tìm ra được một căn nhà gần ngã ba Vĩnh Điện. Anh chủ nhà đi lính đóng ở Hội An và chị cũng đi theo anh. Chiều hôm đó, trước khi đi, họ cho chúng tôi ở mà không phải trả một khoản tiền nào, bù lại chúng tôi phải săn sóc, quét dọn, tưới cây trong vườn nhà anh chị. Tôi còn nhớ tên của anh là anh Xích. Tôi và ba người bạn học, một nam hai nữ, cùng sống trong căn nhà của anh Xích. Chị Ngà, học lớp đệ tứ, tức lớp chín bây giờ, lo việc đi chợ, nấu ăn, bếp núc. Chúng tôi rất thân nhau. Chiến tranh làm chúng tôi trưởng thành rất sớm. Chị Ngà mới mười lăm, mười sáu tuổi nhưng rất ra vẻ một người chị cả. Chị làm hầu hết công việc trong nhà, kèm thêm cho chúng tôi học, và có khi còn giúp chúng tôi giặt giũ áo quần.

Những ngày học tạm ở trung học Nguyễn Duy Hiệu trôi qua trong vội vã. Chúng tôi chỉ học ba ngày một tuần nhường những ngày còn lại cho trường chính. Ít ai đến thăm tôi trong những ngày tôi ở Vĩnh Điện ngoại trừ một lần khi lớp học đang diễn ra, thầy hiệu trưởng Nguyễn Phúc Mai đưa đến lớp chúng tôi một cụ già, thì ra là bác ruột của tôi, anh thứ tư của cha tôi. Ông từ Sơn Chà vào tìm tôi. Bác Lễ đứng giữa lớp học nhìn tôi vừa khóc lớn vừa kể lể. Cả lớp đều biết hoàn cảnh của tôi nên không ai nói gì. Tôi đứng dậy theo bác tôi ra ngoài. Bác tôi hối hận và đau lòng khi nhìn tôi bỏ nhà con trai của bác ra đi.

Bác rất thương tôi, nhưng giống cô tôi bác cũng chỉ ở với con trai nên cũng không làm gì được một cách cụ thể để giúp tôi. Hai bác cháu ngồi trên tam cấp trường Nguyễn Duy Hiệu tâm sự nhiều chuyện. Bác cũng không còn ở với con trai bác nhưng qua Ngã Ba Huế ở với con gái. Bác chỉ tôi chỗ bác chôn số tiền mặt ở Sơn Chà sau khi tản cư từ Duy Xuyên ra và dặn cuối tuần về để đào lấy lên. Tôi không hiểu tại sao bác không tự làm lấy mà dặn tôi phải về để đào lấy. Dù sao, cuối tuần tôi về lại Sơn Chà ra sau vườn theo lời chỉ dẫn của bác và đào lấy lên một gói tiền được bọc kỹ trong nhiều lớp giấy nhựa. Tôi đem nguyên gói tiền khá lớn còn dính đất qua Đà Nẵng giao lại cho bác. Bác đếm lại kỹ càng và cất đi. Tôi thông cảm và thương bác Lễ, với bác vì đó là tất cả những gì bác có để lo lắng cho phần đời còn lại của chính mình.

Ở Vĩnh Điện, nhà chúng tôi ở tương đối an ninh vì chỉ cách quận lỵ Điện Bàn một đoạn đường ngắn. Tuy nhiên, mỗi khi có pháo kích vào quận hay đánh nhau phía trong cầu Câu Lâu, cách quận vài cây số, chúng tôi cũng phải xuống hầm ngủ để đề phòng đạn lạc. Có khi chúng tôi ngủ quên suốt đêm dưới hầm.

Một lần, khi trời vừa tối, một đơn vị quân Cộng Hòa, trên đường hành quân dừng lại ở Vĩnh Điện, khoảng một tiểu đội được bố trí ở trong khu vực nhà chúng tôi. Nhà trở nên chật chội, không ai ngủ được. Đám học trò chúng tôi và mấy anh lính ngồi chung quanh ngọn đèn dầu để nói chuyện. Về khuya, mọi người đều tìm chỗ ngã lưng, chỉ còn mình tôi và một người lính, anh Bửu, ngồi lại. Quê anh ở Đại Lộc. Anh em chúng tôi hỏi thăm nhau về chuyện gia đình. Anh nói nhiều về tuổi thơ vất vả của anh ở Đại Lộc, anh nói về cha anh, người cha già bị bịnh nặng đang sống nhờ vào đồng lương lính của anh mỗi tháng gởi về. Tôi cũng thành thật kể anh nghe về những bất hạnh vừa xảy ra với tôi.

Khi ngồi kể chuyện đời mình, chính tôi cũng ngạc nhiên trong thời gian chỉ vài tháng nhưng không biết bao nhiêu điều đã xảy ra cho tôi từ ngày rời Mã Châu, ra Đà Nẵng, sang Sơn Chà, vào Hội An và đêm hôm đó là thị trấn Vĩnh Điện. Tôi đã đi một chặng khá xa và có thể sẽ còn đi xa nữa. Bên ngọn đèn dầu không đủ sáng để soi rõ mặt nhau, chúng tôi ngồi kể chuyện buồn đau trong nước mắt. Tôi kể với anh như nhiều lần đã kể với dòng sông Thu Bồn bao dung chảy ngang qua cầu Vĩnh Điện. Và anh cũng thế, anh cũng nói với tôi như đã từng tâm sự với vì sao nhỏ xa xôi trong những phiên gác đêm khuya trên đồn vắng. Tôi cắn răng để khỏi khóc òa lên trong đêm tối. Nước mắt của người lính trẻ và đứa bé mồ côi mười ba tuổi đã nhỏ trên quê hương bất hạnh của họ. Đêm đó anh Bửu và tôi đều không ngủ.

Gần sáng, người lính gác đêm vào gọi anh và đơn vị ra đi. Trước khi đi anh đặt tay lên vai tôi, dặn dò chuyện học hành và trao tôi một gói giấy nhỏ, trong đó là một phần tiền lương lính của anh. Không nói nhưng trong lòng anh và tôi đều biết sẽ khó có ngày gặp lại nhau. Số tiền anh cho tôi đã tiêu dùng hết từ lâu nhưng giọt nước mắt anh nhỏ xuống trong đêm gặp gỡ ở Vĩnh Điện vẫn đọng lại trong tâm hồn tôi hôm nay và cho đến ngày nào tôi còn sống trên đời này. Giọt nước mắt của anh là nhựa nguyên cho cây đời tôi xanh lá. Tình thương của anh giúp tôi đứng dậy được mỗi khi tôi quỵ xuống trước những khó khăn. Nhân cách và lòng hiếu thảo của anh là chiếc gương đạo đức để tôi soi rọi lương tâm mình mỗi ngày. Gần bốn mươi năm sau, tôi vẫn đi trên con đường tình thương anh đã đắp. Tôi nghĩ về anh Bửu rất nhiều và rất mong gặp lại anh dù biết là rất khó. Ngoại trừ tên anh và câu chuyện vừa kể, tôi không biết gì nhiều hơn. Tôi cầu mong anh đọc được những dòng này vì tôi tin rằng nếu đọc anh sẽ nhớ ra tôi ngay.

Chúng tôi ở nhà anh Xích được vài tháng thì anh chị trở về, có nghĩa chúng tôi lại phải dọn đi. Sau một ngày hỏi thăm, chúng tôi cũng tìm được một nơi ở khác nhưng khá xa với trường Nguyễn Duy Hiệu. Nơi chúng tôi, ngã ba Điện Bình, không được an ninh như nơi ở trước. Ban đêm du kích thường hay về qua xóm. Có đêm tôi đang nằm ngủ mấy anh du kích kéo chiếu lên khám xét. Tôi giả vờ ngủ ngon. Thấy tôi còn nhỏ họ đắp chiếu lại và ra đi. Nhà trong xóm ngã ba Ðiện Bình toàn là người già và bọn học trò đệ nhất cấp như chúng tôi. Hầu hết thanh niên đều ra Vĩnh Điện ngủ khi trời tối, đi lính hay ra Đà Nẵng làm ăn. Bà chủ nhà dặn dò tôi rất kỹ những câu trả lời về tuổi tác, từ đâu tới, làm gì vì bà cũng ngại chúng tôi sẽ bị họ bắt đem theo. Bọn tôi hiểu nên mỗi khi nghe tiếng chân bước vào nhà giữa khuya, tôi thường co chân lên một chút để cho người ngắn hơn.

Anh Hai, con của cô tôi lái xe đò, tuyến đường Tam Kỳ-Đà Nẵng. Cuối tuần tôi ra quốc lộ đứng chờ xe anh để theo xe về Đà Nằng thăm cô. Đời sống của cô và gia đình vẫn thế, chật vật trong căn nhà nhỏ. Đà Nẵng vẫn là thành phố xô bồ đông đúc mặc dù một số lớn dân lánh nạn Mậu Thân đã trở về nguyên quán. Mỗi lần tôi về như thế cô tôi lại cho tôi một ít tiền. Anh Hai con của cô tôi thỉnh thoảng cũng giúp đỡ tôi. Vĩnh Điện cũng là nơi tôi đã tập viết những bài thơ đầu tiên của mình. Bài đầu tiên là bài thơ tôi viết về làng tơ lụa Mã Châu, dù chỉ cách nơi tôi ở vài chục cây số nhưng trong nỗi nhớ thầm đã xa như nghìn trùng:

Tôi viết bài thơ gởi về đất Mã
Thuở dại khờ vụng dại trên môi
Thuở mẹ ru tôi tiếng hát vào đời
Để tôi lớn trong tháng ngày ươm mộng.

Tôi trở lại Vĩnh Điện để học xong niên học. Ngày cuối cùng của niên khóa, thầy hiệu trưởng Nguyễn Phúc Mai thông báo sang năm trường sẽ dời xuống Hội An. Tôi từ biệt Vĩnh Điện, thị trấn giữ lại của tôi những kỷ niệm không quên với anh Bửu. Biết bao giờ sẽ được gặp lại nhau, và dù mai mốt tôi có về chăng nữa, bốn mươi năm, Vĩnh Điện thân yêu biết có còn nhận ra thằng bé học trò bơ vơ năm xưa:

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi bè bạn anh em
Ai còn sống và ai đã chết
Ai ở lại lao đao, ai phương trời biền biệt
Giờ chia tay sao chẳng hẹn quay về
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi ghế đá công viên
Những mái lá che tôi thời mưa nắng
Từ nơi đấy trong đêm dài yên lặng
Tôi ngồi nghe sông núi gọi tên mình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/05/2016(Xem: 11991)
Phim Phật Giáo: Quan Âm Bán Cá
10/05/2016(Xem: 16069)
Hằng triệu dân Miền Nam nói chung trong các tôn giáo, nói riêng Quân, Cán Chính VNCH, (KiTô Giáo, Tam Giáo), tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương, đều thấy biết chốp bu (VIP) của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, đều là Tướng, Tá các cấp trong Tam giáo, do Đại Tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch có lời hiệu triệu kêu gọi toàn quân binh chủng tham gia Cách Mạng nhưng, những Tướng, Tá các cấp Cần Lao KiTô Giáo ngồi im và có hành động chống lại. Tức thì liền bị bắn chết ngay. Như Đại Tá Quyền (Cần Lao – Bộ Tư Lệnh Hải Quân) bị bắn chết trên xa lộ, do không tham gia, chống lại HĐQNCM. Nói rõ hơn, Tướng, Tá gốc Cần Lao Thiên Chúa không ai lên tiếng xin tham gia, đánh điện ủng hộ. Đến khi nghe ĐT Quyền bị bắn chết, liền gọi điện thoại, đánh công điện về Bộ Chỉ Huy Cách Mạng xin tham gia, nói lời ủng hộ. Nhưng, tất cả đều giả vờ, không thật lòng, là ý tưởng chung của các ông Cần Lao, họ đã hội kiến với nhau, với các giới KiTô trong nhà thờ, ngoài xóm đạo, là cứ giả theo, để rồi sau đó
05/05/2016(Xem: 5151)
Festival Huế lần 9 đã chiêu đãi khách quý và bà con mình một bữa tiệc văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, âm nhạc, ẩm thực, gồm: Lễ hội chính 13 chương trình; Hoạt động hưởng ứng 28 chương trình; Âm nhạc 27 chương trình; Nghệ thuật truyền thống 9 chương trình; Múa 9 chương trình; Triển lãm, trưng bày, sắp đặt 19 chương trình; Nghệ thuật 14 chương trình. Để thực hiện một Festival hoành tráng, kỳ công, đa dạng, đậm chất Huế như vậy, ai cũng biết là không hề đơn giản. Nó thấm đẫm trí tuệ, mồ hôi, tâm huyết của chủ (Bộ máy nhà nước và bà con Thừa Thiên Huế) và khách (các đoàn quốc tế và du khách).
05/05/2016(Xem: 6521)
Cậu bé vô gia cư thường xuyên gạt tiền cơm của chủ quán, cho đến khi hành vi đó bị con trai bà chủ phát giác ra. Câu chuyện về cậu bé ngày nào, 20 năm sau đó khiến nhiều người xúc động.
29/04/2016(Xem: 4351)
Hai đứa tôi hợp lại thật là đẹp đôi, ai cũng bảo thế. Tôi hăm tám, nàng hăm hai. Tôi cao thước bảy tám, nàng thước sáu, nếu thêm giày dép phụ trợ nàng cũng chẳng thể qua được vành tai tôi. Tôi lưng thẳng, vai rộng, mặt chữ điền, mày rậm, mũi cao, nếu không như Từ Hải cũng là một đấng nam nhi không đến nỗi bị các bà, các cô nhăn mày hỉnh mũi khi phải đối mặt, đối mày. Nàng thanh tao, cân đối với đầy đủ kích thước của một hoa khôi phối hợp với một gương mặt trong sáng như một vầng trăng, vầng trăng có những nét chấm phá tuyệt vời của đôi mày thanh tú không tỉa gọt, đôi mắt to dài sáng long lanh dưới hàng mi cong đen tuyền, chiếc mũi thẳng, và đôi môi, ôi đôi môi xinh đẹp ngọt ngào luôn mọng đỏ như trái chín đầu mùa, y như mấy ông văn sĩ vẫn thường hay diễn tả các giai nhân.
24/04/2016(Xem: 5134)
Đâu là những rủi ro khi kết hôn giả để tìm đường ở lại Úc? Chính phủ có những biện pháp nào để ngăn chặn vấn nạn này? Làm gì khi kết hôn giả nhưng lại bị đối tác xâm phạm tình dục hay bạo hành?
22/04/2016(Xem: 10820)
Jimmy Phạm thừa nhận anh từng cảm thấy xấu hổ với nguồn gốc Việt của mình, và luôn khẳng định mình là người Úc khi ai đó hỏi anh đến từ đâu. Nhưng giờ đây, mặc cảm ấy biến mất, nhường chỗ cho sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp xã hội Koto, nơi đổi thay cuộc đời hơn 1000 trẻ bụi đời Việt Nam.
18/04/2016(Xem: 6161)
Vị bác sĩ với đôi mắt thâm quầng lo lắng theo dõi tín hiệu sinh tồn của người đàn ông trên bàn mổ, đằng xa nữ y tá ngủ gục sau ca phẫu thuật ghép tim kéo dài 23 giờ. Gần 30 năm trôi qua, trái tim người thầy thuốc đã ngừng đập nhưng bệnh nhân được ông cứu sống vẫn còn sống. Không đơn thuần tái hiện nỗi vất vả của đội ngũ y tế, tác phẩm của nhiếp ảnh gia James Stansfield trên hết truyền tải mối liên kết đặc biệt giữa bác sĩ và người bệnh.
08/04/2016(Xem: 4329)
Tính từ đêm nhìn ngắm trời sao Paris qua khung cửa sổ Linh Sơn (*), hơn ba mươi năm đã qua còn nhanh hơn bóng câu qua cửa. Ánh trăng vằng vặc buổi ấy còn soi tỏ đến nay những ý nguyện phần nào được khơi dậy trong chuyến đi xa đầu tiên mà Linh Sơn là bước đầu bỡ ngỡ. Đi là mở rộng thêm được nhiều cánh cửa. Chuyến trở lại Pháp và mấy nước láng giềng lần này mới thật là chuyến rong chơi. Không chương trình và cũng chẳng vướng bận một dự tính nào cần phải hoàn tất.
07/04/2016(Xem: 4588)
Tôi có một ông bác họ, Bác Hương Thạch, thành viên Hội Đồng Hương Chính thời kỳ sau Hiệp Định Geneve năm 1954, tức là một Ủy Viên của Ủy Ban Hành Chánh Xã, lúc đó khoảng gần 60 tuổi mà tôi thì còn con nít mới 9 tuổi. Ông bác này có một chiếc nhà nhỏ bằng gỗ ván thùng cây để nuôi chim bồ-câu. Chiếc nhà gỗ nhỏ đó khoảng 50 cm x 50 cm x 40 cm có hai cửa tròn để chim bồ câu ra vào. Bác sơn chiếc nhà màu xanh da trời rất đẹp rồi đặt lên trên một cây trụ khá cao, có lẽ khoảng 5 đến 6 mét. Bác nuôi một cặp chim bồ câu gồm một trống và một mái.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]