Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Chùa Phước Lâm

13/04/201421:34(Xem: 8778)
02. Chùa Phước Lâm
blank

II Chùa Phước Lâm

Đến Phước Lâm trình thư của Thầy cho Thầy Như Vạn, tôi được chấp nhận ngay. Thầy Như Vạn gọi chú Hạnh Thu đến hướng dẫn nơi tôi để đồ đạc và những công việc phải làm hằng ngày. Với chú Hạnh Thu, tôi vâng lời như đứa bé lên ba. Vì lẽ đối với tôi, bây giờ cái gì cũng mới lạ. Từ việc ăn uống, lễ bái, học hành, hội họp, làm việc v.v... chuyện gì được chú phân công, tôi chẳng từ nan. Đầu tiên, tôi được phân công làm vườn và tưới cây. Đất ở chùa Phước Lâm là đất cát, không biết tưới bao nhiêu nước trên cát cho đủ, do đó chú Hạnh Thu quy định mỗi cây Dương Liễu được uống hai thùng nước mỗi ngày mới có thể sống được. Hằng ngày vào buổi chiều sau khi đi học về, tôi phải gánh 40 đôi nước từ một cái ao ở phía tây của chùa tưới những cây Dương Liễu và những luống rau trồng gần dãy tháp các Hòa Thượng.

blankTrước chùa Phước Lâm, có một cây Bàng rất lớn. Lá Bàng làm bổi thay củi nấu cơm. Khi hữu sự, nhặt lá Bàng tươi bán để mua thực phẩm cần thiết khác cho chùa. Năm đó là năm Thìn; hình như Giáp Thìn thì phải. Mà Thìn nghĩa là Rồng. Rồng đi đâu cũng mang mưa gió theo, cho nên vào tháng 10 năm 1964 một cơn lụt thật khủng khiếp, cả tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có không biết bao nhiêu người chết và nước dâng lên đến bốn thước là ít. Những nhà lầu cổ Hội An hai tầng cũng bị ngập lên cao. Do vậy, lá Bàng lúc ấy thật là hữu dụng. Thầy Trụ Trì bảo chúng tôi trèo lên cây Bàng hái lá và đem ra chợ Hội An đổi lấy thực phẩm.
Hình 7 : Bình phong chùa Phước Lâm

Đối diện với cây Bàng là cây me và cây xoài rất lớn. Có lẽ chúng hiện diện bên cạnh miễu Bà nầy từ lâu lắm rồi. Chúng Điệu chúng tôi kháo với nhau bên trong miễu có cặp rắn thần lớn lắm, rất linh thiêng. Ai phá phách, leo trèo hái trái cây sẽ bị Bà quở. Đối với chúng tôi, xoài chua lè còn me thì trái lép cho nên không chú nào phạm vào lỗi leo trèo ở trước nơi thiêng liêng cả. Phải như xoài ngọt và me ngon, chắc chúng tôi cũng chẳng kiêng nể gì những lời răn đe đó, dù mỗi khi hình dung hai con rắn thần ấy cũng hơi rợn người. Thật ra chúng tôi chưa có ai thấy được cặp rắn nầy cả.

Lúc ấy, ở chùa có chú Hạnh Thu, chú Hạnh Đức, chú Hạnh Chơn, chú Vinh, bác Thông, cô Sáu, chú Phong, chú Mạnh, tôi và một số người xuống làm công quả để chuẩn bị dỡ chùa cũ xây lại chùa mới. Về sau, trong số những người làm công quả ấy, có hai vị phát tâm xuất gia nữa đó là: Chú Thị Việt và chú Huân. Chú Thị Việt bây giờ là thầy Hạnh Thiền, trụ trì chùa Vạn Đức và chú Huân pháp danh Thị Tập bây giờ là Thầy Hạnh Trí, trụ trì chùa Ân Triêm ở Chợ Chùa, gần thị trấn Nam Phước. Chú Hạnh Thu ra người thiên cổ từ lâu, chú Hạnh Đức bây giờ là Hòa Thượng Hạnh Đức đang ở Đà Lạt. Còn một số chú khác nữa tôi không liên lạc được.

Ở chùa Tỉnh Hội lúc đó có chú Phấn, chú Điểm, chú Duyên, chú Hạnh, chú Kỉnh cũng thường hay theo xe Hòa Thượng Như Huệ ra thăm chùa Phước Lâm, tôi có cơ hội làm quen với quý chú từ thuở đó. Thỉnh thoảng quý chú ở lại chùa dùng cơm chung hoặc tụng Kinh hay kháo nhau nhiều chuyện trẻ con, nghĩ lại mà cũng cảm thấy vui vui. Thuở ấy, trò chơi của chúng tôi chỉ là đá kiệu, dây cao su và sỏi đá. Ngoài ra chẳng có một thứ gì khác đặc biệt hơn cho nhu cầu của tuổi thơ ở trong chùa cả.

Từ 15 tháng 5 đến 19 tháng 6 âm lịch năm 1965, tôi phải vừa phụ việc chùa, vừa học Kinh Lăng Nghiêm và làm những công việc lặt vặt, theo dạng sai đâu chạy đó, thật hồn nhiên! Mục đích duy nhất của tôi là xuất gia mà thôi. Vào ngày 19 tháng 6 âm lịch năm ấy, lễ vía Đức Quán Thế Âm tại chùa Viên Giác, hay tin Thầy tôi đi chữa bệnh ở Sài Gòn đã về, và được tin gọi về chùa Viên Giác để làm lễ xuất gia, tôi mừng hết lớn. Dĩ nhiên là điều ấy tôi chờ đợi từ lâu và nay là ngày trọng đại đã đến. Tôi xin phép Thầy Như Vạn, cưỡi xe đạp băng băng qua một cồn cát nóng trước mả Thanh Minh, chùa Chúc Thánh, miễu Ông Cọp, nhà thờ, qua ao rau muống chùa Tỉnh Hội về chùa Viên Giác.

Chùa Viên Giác nằm sâu vào bên trong các rặng cây. Đặc biệt có hai cây Đa rất lớn mà nhà thơ Trần Trung Đạo đã có bài thơ rất nổi tiếng về hai cây Đa nầy. Hai bên đường vào chùa là hai ao rau muống xanh um trước cổng Tam Quan. Sau cổng Tam Quan là hồ sen và hai sân tả hữu có hai dãy nhà Đông, Tây. Ngay chính giữa là Chánh Điện, phía sau thờ Tổ và Thập Điện Minh Vương.

Chùa tôi trước đây là đình Cẩm Phô. Quý thân hào nhân sĩ cung thỉnh Thầy tôi về trụ trì; ngôi đình biến thành ngôi chùa vào thập niên 1950[1]nên cũng tối om, vì chung quanh không có một cửa sổ nào cả. Chỉ trừ hai nơi lầu chuông lầu trống ở gần tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện Đại Sĩ là có cửa sổ. Tường xây dầy độ 60 cm. Độ ẩm càng cao khi mùa mưa lụt ở lâu trong nhà, không chịu rút nước. Do vậy mà lúc nào ở đó cũng thấy lạnh, dẫu cho là mùa hè đi chăng nữa.

Bà Chín dạo đó là một Tịnh Hạnh Nhơn làm công quả của chùa. Lúc ấy bà chừng 70 tuổi trông tròng mắt mom mem; mặt mũi không còn sáng tỏ nữa, chỉ được cái là lo miếng ăn cho Thầy rất chu đáo, nhất là khi Thầy bị bệnh hoạn. Thật ra, Thầy bị mật vụ ông Ngô Đình Diệm đánh năm 1963, thân thể Thầy bị chấn thương rất nhiều. Sau khi vào Sài Gòn khám bệnh về, Thầy cần thời gian để dưỡng bệnh nhiều hơn. Sau khi làm lễ xuất gia, cạo đầu xong, tôi lên chánh điện lễ Phật; thế là xong. Lễ xuất gia của tôi vào ngày lễ vía Quan Thế Âm đơn giản đến như vậy nhưng tôi nhớ suốt đời. Dù không giống như những lễ xuất gia long trọng trong 45 lễ xuất gia, tôi chủ trì cho những đệ tử của mình sau nầy, nhưng với tôi thật là ý nghĩa. Sau nầy tôi nghe nhiều vị Thầy cho rằng lễ xuất gia trang trọng quá đệ tử của mình khó tu. Tôi nghĩ đó chỉ là lý luận mà thôi, việc tu được hay không, không tùy thuộc vào lễ xuất gia, mà do duyên nghiệp của mỗi người. Tôi cho rằng quan hệ Thầy Trò, được làm đệ tử của Thầy nầy, không đệ tử của Thầy kia, cũng là nhân duyên, không thể cho rằng Thầy nào giỏi hay dở hơn. Có Thầy không giỏi lắm song đệ tử tại gia và xuất gia quá nhiều; trong khi đó nhiều Thầy quá giỏi nhưng chẳng có ai đến tu. Do vậy mọi việc thành tựu hay không thành tựu đều quy vào hai chữ nhân duyên là hay nhất.

Sau lễ xuất gia, tôi đảnh lễ Thầy và xin Thầy chỉ dạy những điều cần làm. Thầy bảo rằng: “Gần ngày khai giảng, nên chuẩn bị sách vở để đi học.“ Tôi hỏi lại rằng: “Bạch Thầy đi tu rồi còn phải học để làm gì nữa“. Thầy xoa đầu và nói: “Tại sao không học, không học làm sao biết mà tu?“.

Tôi ngoan ngoãn vâng lời và đạp xe trở lại chùa Phước Lâm. Lúc ấy, một số chú đã đi học trước như chú Như Lệ, chú Hạnh Thu, chú Hạnh Đức, chú Hạnh Chơn v.v... do vậy tôi dò hỏi đường và hỏi cách đi học cần phải sắm sửa những gì. Lúc ấy, chú Đức, chú Phong và tôi cùng học chung lớp, nhưng tôi lớn tuổi hơn. Mỗi ngày đi về hai bận, đạp xe từ chùa Phước Lâm đến trường Diên Hồng gần chợ Hội An bây giờ để học đệ Thất. Trường này là một trường trung học tư thục, do ông Ngô Thống làm Hiệu Trưởng, nhưng không thâu tiền học phí hằng tháng của quý chú dù họ là Thiên Chúa Giáo. Niên học 1964-1965, tôi học với các Thầy Hiến dạy Pháp văn và Công Dân Giáo Dục, Thầy Thống dạy Sử Địa v.v... Mới đầu vào học còn ngớ nghếch; vì lẽ ba năm sau khi đậu tiểu học, tôi chẳng đến trường; nên bây giờ ở tuổi 15 học đệ Thất, so ra với những học sinh khác tuổi 12, 13 tôi lớn hơn quá nhiều. Mỗi lần bị hỏi bài, không thuộc là bị Thầy Hiến la cho một trận. Lại còn đem mấy ông Thầy ra giễu nữa. Thầy ấy bảo rằng: Đâu phải như tụng Kinh thuộc lòng thôi. Quý chú phải hiểu nghĩa những gì quý chú trả bài nữa.

Trong lớp có chú Chín, tức Hòa Thượng Thích Như Phẩm, hiện bây giờ đang ở chùa Long Tuyền tại Hội An học giỏi nhất lớp. Tôi quan sát tại sao chú học giỏi vậy. Sau đó, tôi rút kinh nghiệm cho chính mình. Té ra chẳng có gì khó cả. Nghĩa là những bài học của hôm qua chú ôn lại sau khi đi học về và những bài học cho hôm nay, chú đã chuẩn bị trước rồi. Do vậy, Thầy giáo hỏi đâu chú đáp đó, trúng phong phóc; khiến ai cũng phải nể. Thời ấy, có làm toán chạy. Nghĩa là Thầy giáo cho đề và trong 5 hay 10 phút đầu, nếu có ai đó làm xong có đáp số đem lên nộp, Thầy cho điểm vào sổ. Nếu ai lanh, mỗi tháng có từ 2 đến 4 lần làm được toán chạy là đứng cao. Có thể đứng nhất, nhì v.v... Còn những ai rụt rè, chỉ có đội sổ. Tôi học được phương pháp học ấy; nên tự chọn cho mình một lối đi. Kể từ đó học rất khá, và cuối cùng là giỏi. Nghĩa là, mới nửa năm đệ thất đứng gần cuối lớp, đến giữa năm đứng giữa lớp, và gần cuối niên khóa ấy, tôi đứng 7, trong số 40 học sinh.

Ngày trước, đa phần học đạo hay học văn hóa ngoài đời cũng vậy, quý Thầy quý Cô giáo ít ứng dụng phương pháp giáo dục có sư phạm, dạy cho học trò, cách làm bài, cách học, đa phần quý Thầy quý Cô bắt học trò mình học thuộc bài và trả bài đúng theo các câu hỏi trong sách là được. Nếu ú ớ, trả lời không xong, đôi khi bị đánh, bị bạt tai, bị mắng, bị chửi nữa. Thật ra, đó không phải là phương pháp giáo dục đúng sư phạm. Đa phần, những học sinh người Á Châu của chúng ta chỉ cần học những gì Thầy Cô dạy và tiếp nhận những gì Thầy Cô hiểu là đủ. Ngoài ra, chẳng có chút gì gọi là tác động đến óc sáng tạo của trẻ em cả. Trẻ em rất cần sự đánh thức óc sáng tạo nầy. Có như thế trẻ em mới có thể làm chủ được vận mệnh của cuộc đời nó về sau. Giáo dục Âu Mỹ hoàn toàn khác với giáo dục của Á Châu chúng ta. Nghĩa là ngay từ Tiểu học, Thầy Cô giáo cho học trò tập quan sát sự kiện, sau đó đem ra thảo luận và tìm câu trả lời đúng nhất của vấn đề, sau quá trình tranh luận biện hộ ý kiến của mình. Còn học trò Á Châu đa phần là sợ Thầy, Cô; nhưng cái sợ ấy vô lý. Vì Thầy Cô không có gì để cho mình sợ cả. Chỉ những học sinh làm biếng hoặc không có thì giờ ôn bài vở mới kẹt, còn phần nhiều không có vấn đề.

Có nhiều trò tội lắm, phải giúp cha mẹ buôn bán, coi sóc cửa tiệm, hoặc làm ruộng v.v...do vậy bài vở chểnh mảng; thế là bị chửi mắng thậm tệ ở trong lớp và nhiều trò mặc cảm nên nghỉ học luôn. Trong trường hợp nầy, theo tôi trách nhiệm chẳng phải ở nơi người học trò, mà do phương pháp giáo dục ấy quý Thầy Cô giáo không hoặc thiếu kinh nghiệm trải qua, không lôi cuốn được học trò, nên mới sinh ra những vấn đề thương tâm như thế.

Ngày ấy, có nhiều học trò đến từ vùng quê, nơi mà chiến tranh du kích hằng ngày vẫn tiếp diễn. Ban ngày lính quốc gia đến bảo dân phải lấp hầm, làm đường. Ban đêm quân du kích về bảo đào hầm tránh bom, tránh đạn. Do vậy, nhà nào có con cái cũng muốn cho con đi học để khỏi phải đi lính, mà muốn thế phải gởi con đi xuống Hội An hoặc ra Đà Nẵng; chứ ở tại quê thì trước sau không bị nạn nầy cũng bị nạn khác. Do vậy mà làm người dân thuở ấy gọi là “một cảnh hai quê.“ Con trai sinh ra trong thời lọan quả thật cũng là một vấn đề rất đau đầu nhức óc. Nếu lỡ thi Tú Tài I không đậu phải đi lính vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung; nếu Tú Tài II không đậu cũng phải đi lính để ra Chuẩn úy. Có nhiều người lúc ấy không muốn con đường rủi nhiều hơn may nầy, ở lại nhà làm ruộng và tiếp tay với du kích. Cuối cùng, lại bị đẩy xô hay tự nguyện vào con đường mà mình phải dấn thân theo, hoặc không theo lý tưởng của mình. Dĩ nhiên là do chính mình chọn, nhưng con đường của quốc gia hay của giải phóng quân, cũng chỉ thế thôi. Trong hai chọn lựa ấy, họ phải tìm một để theo. Con trai trong thời loạn là vậy, chẳng còn cách nào hơn.

Học sinh nào may mắn hơn đậu Tú Tài II, khỏi bị động viên có thể tiếp tục con đường đèn sách tại các trường Đại Học trong Sài Gòn hay ngoài Huế. Sau đó, tốt nghiệp hoặc làm Thầy Giáo ở các trường Trung Học hay ở văn phòng tại phố thị, khỏi bị phanh thây nơi chiến trường vô nghĩa. Dầu ở bất cứ phía nào cũng chỉ vậy thôi. Người con trai trong thời chinh chiến hầu như không có quyền được chọn lựa. Riêng các Tăng sĩ như chúng tôi thuở bấy giờ nếu ai trên 18 tuổi phải có một giấy hoãn dịch do Bộ Quốc Phòng cấp. Xin thưa giấy hoãn dịch chứ không phải giấy miễn dịch. Điều ấy có nghĩa là khi nào chính phủ cần động viên, Tu sĩ cũng phải lên đường cầm súng, tuy nhiên điều này thuở ấy chưa xảy ra.

Mỗi tháng ở chùa Phước Lâm họp chúng hai lần. Mỗi lần chừng một tiếng đồng hồ sau thời sám hối vào tối 14 và tối 30 âm lịch. Nếu tháng thiếu, họp vào tối ngày 29. Nguyên tắc chú Hạnh Thu đưa ra là tất cả phải dựa theo tinh thần lục hòa để kiểm điểm. Đầu tiên là tự phê và sau đó là phê bình. Theo tinh thần lục hòa như sau:

Thân hòa cùng ở chung
Miệng hòa không tranh cãi
Ý hòa cùng vui vẻ
Thấy nghe cùng chia xẻ
Giới hòa cùng tu học
Lợi hòa đồng chia đều

Chúng tôi nói và thảo luận rất hăng say về nội dung của bản nội quy cũng như về lục hòa. Dạo đó tôi rất thích, vì thấy phương pháp giáo dục của Phật Giáo thực tế; Đến phần tự phê, mình tự nói về lỗi của mình, nói rất ít, bởi vì có thấy đâu mà nói. Nhưng đến mục phê bình, không khí thật căng thẳng, bởi vì mình lại nói nhiều hơn về lỗi người khác. Một phần vì mình chủ quan, một phần vì cái ngã quá lớn. Ngã nầy đụng ngã kia, đến nỗi mỗi khi họp xong, có người rất bực. Nhiều chú hờn mát, bỏ ăn hoặc không chịu chấp tác. Thế là chú Hạnh Thu phải nghiêm nghị, nhỏ nhẹ, từng lời nói, lắm khi chú cũng ra oai với cái roi trên tay, vừa nhịp vừa la vừa quát. Dáng người chú cao ráo, chân đi đôi guốc và hai con mắt bao giờ cũng sắc bén. Chúng tôi ai ai cũng đều e dè, mà e dè cũng phải, bởi vì chú Hạnh Thu rất gương mẫu. Đi tụng Kinh bao giờ cũng đúng giờ; ngược lại chúng tôi đã được đánh thức bao nhiêu lần mà vẫn còn làm biếng chưa muốn dậy.

Bên sau nhà bếp của chùa Phước Lâm có một cây dừa rất cao; nhưng ít trái và nếu có thì cũng chẳng có nước. Có lẽ dừa mọc trên đất cát. Dẫu cho bên cạnh đó có một cái giếng rất nhiều nước, có lẽ vì rễ dừa hút không sâu xuống đất.

Phía sau nhà Tổ lại có thêm cây nhãn và cây xoài. Hai cây nầy có rất nhiều trái và đây cũng là đề tài đem ra bàn cãi nhiều nhất với chúng điệu của chúng tôi lúc bấy giờ. Khi bị hỏi ai là thủ phạm leo cây, ai hái xòai và ai hái nhãn chỉ thấy những cái trả lời rất im lặng. Vì chú nào mà chẳng có. Do vậy, phần nầy chẳng thấy bị phê bình.



[1]xin xem thêm quyển Châu Ngọc Hồi Ký




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/09/2013(Xem: 7857)
Khi bước xuống thuyền vượt biên ai cũng mang đầy hy vọng, mơ ước... Có kẻ mơ ước một tương lai xán lạn ở chân trời mới, có người chỉ mong những giấc mộng bình thường: Ngày hai bữa đủ no, tự do yên ổn...
11/09/2013(Xem: 4366)
Hân tra chìa khóa, mở cửa bước vào phòng làm việc. Căn phòng khá rộng. Diện tích gấp hai sân bóng rổ hầu hết chứa kệ vải. Ở một góc sát cửa sổ nhìn ra ngọn đồi cỏ là chỗ làm việc của Hân với Susan, chiếm 1/6 căn phòng, có một bàn dài, kế đó là những dãy kệ chứa nú
11/09/2013(Xem: 4848)
Hằng năm vào tháng mười, sinh nhật tôi, tôi có thông lệ, trước tiên là tự nhắc mình đóng tiền niêm liễm đến Văn Bút Âu Châu (tôi là hội viên mà), kế đó là cố nặn óc tìm một truyện ngắn về đề tài Sinh Nhật coi như món ăn tinh thần "đãi" quí vị độc giả.
10/09/2013(Xem: 6283)
Một lần nữa, chẳng quản đường xá xa xôi, thời gian, công sức, tôi tìm về tu viện Viên Đức Đức quốc không những gặp lại nhị vị Đại Đức Thích Hạnh Đức, Đại Đức Thích Hạnh Tuệ, tôi đã may mắn tiếp thụ tài thuyết giảng của hai Thầy; một người giảng thật nhẹ nhàng nhưng sâu, một người giảng lôi cuốn hấp dẫn trong khoá tu học do anh em Gia Đình Phật Tử Thụy Sĩ tổ chức vào dịp lễ Phục Sinh hằng năm vừa qua, mà còn hân hoan chào đón thêm 6 vị trong phái đoàn “Hoằng Pháp Âu Châu” do Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển tổ chức, một lực lượng hùng hậu chưa từng có từ trước đến nay. Nhìn trong danh sách giảng huấn của phái đoàn, tôi gọi đùa, toàn “Cao thủ võ lâm!” mặc dù không ai là võ sĩ cả mà là tu sĩ!
10/09/2013(Xem: 7756)
“Hậu sinh khả úy“ (kẻ sanh sau thật đáng nể sợ) là câu nói của ngài Khổng Tử, một triết gia Trung Hoa thốt ra khi ngài cùng học trò đi dạo thấy một em nhỏ vọc gạch cát xây thành giữa lối đi, ngài bảo: “Tránh chỗ cho xe ta qua“. Đứa nhỏ đứng dậy, đáp: “Xưa nay, xe tránh thành, chứ thành nào lại tránh xe“. Thấy đứa nhỏ đối đáp thông minh, Khổng Tử xuống xe cùng bé trò chuyện, đưa ra nhiều câu hỏi rất khó khăn, đứa bé đều trả lời thông suốt
09/09/2013(Xem: 5306)
Đối với những ai đã từng ghé Ấn Độ, nghe ngóng, tìm hiểu, quan sát, hẳn không xa lạ gì với thế giới của lực lượng Tăng Ni sinh viên Việt Nam đang du học tại đó. Nhưng với riêng tôi, cho mãi năm 2011 trong chuyến hành hương Tích Lan, tôi mới thực sự biết được bằng mắt thấy tai nghe thế giới lạ đó qua sự giới thiệu của Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác về bốn sinh viên tu sĩ, học tăng từ Ấn Độ.
09/09/2013(Xem: 5361)
Nói đến, viết đến các khóa học Âu Châu, bao năm qua cây viết của tôi đã gần mòn, đã có nhiều bài viết về khóa học, viết đến độ không còn gì để viết. Nào ăn, nào ngủ, nào học, nào chơi... đủ cả. Khỏe cả bên trong, tốt lẫn cả bên ngoài. Thế thì lần này sẽ viết về gì đây?! Xin thưa, viết về “Thiên Đường Hạ Giới“ ạ.
06/09/2013(Xem: 4445)
Từ chùa Từ Đàm, tôi trở lại khóa học, nơi tổ chức khóa tu Âu Châu của mười ngày qua. Sân trường giờ vắng hoe. Thảm cỏ xanh dẫn ra con đường lớn, không còn một bóng người. Vài băng ghế nằm rải rác trên sân cỏ cũng đìu hiu như nhớ, như chờ ai. Bên trong trường học lưa thưa sót lại một số người đang dọn dẹp và một số đang đợi chuyến bay cho ngày hôm sau khi khóa học bế giảng. Hằng ngàn người, mới đó mà...biến mất. Biến như một cơn gió thoảng qua.
06/09/2013(Xem: 8935)
Lý số, đông y là nghề của bố chồng tôi. Không rõ nhờ cụ thực tài hay tại hành nghề miễn phí, không nhận thù lao của khách nên khách của cụ khá đông. Một ngày, năm đó tôi vừa 23 tuổi, có một vị khách đặc biệt đến nhà giữa lúc bố tôi đi vắng. Vị khách tướng tá khác phàm, râu tóc bạc phơ, cốt cách như một tiên ông. Cụ mặc chiếc áo dài the, đầu đội khăn đóng như bố chồng tôi vậy, tay cụ cầm gậy trúc và tự xưng là bạn của bố tôi mặc dù xưa nay tôi chưa hề gặp cụ bao giờ. Tôi mời cụ vào nhà.
29/08/2013(Xem: 10267)
Năm 1983: chúng tôi cạn kiệt khi mua xong đất làm tự viện mà còn thêm nợ nữa. Mảnh đất thật trơ trọi, không nhà cửa, một túp liều cũng không, Suốt mấy tuần lễ đầu chúng tôi phải ngủ trên cánh cửa cũ mua rẻ trong bãi phế liệu. Chúng tôi kê bốn góc gạch làm giường (dĩ nhiên làm gì có nệm – chúng tôi tu ở rừng mà!).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]