Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 03: Linh Ứng chùa tôi

24/03/201416:59(Xem: 10288)
Phần 03: Linh Ứng chùa tôi
blank
Phần 03:

Linh Ứng chùa tôi

Một chút lịch sử
- Sắc tứ Linh Ứng tự
- Danh lam cổ sát
- Việt Nam danh thắng
- Di sản văn hóa
- Non nước bây giờ


HT Thích Bảo Lạc


blank

Chùa Linh Ứng – Ngũ Hành Sơn

“Cách Đà Nẵng 8km về hướng Đông Nam và vượt qua sông Trường Giang, người ta thấy mọc lên trên bãi cát mênh mông gần bờ biển Tiên Chà (Sơn Trà) những hòn núi tuy không cao nhưng có những nét đặc sắc kỳ lạ, đó là Ngũ Hành Sơn.

Cảnh trí nào hơn cảnh trí này

Bồng lai âu cũng hẳn là đây

Đá chen với núi màu năm sắc


Chùa nực hơi hương khói lộn mây

Ngư phủ gác cần ngơ mặt nước

Tiều phu chống búa dựa lưng cây

Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách

Khen bấy thợ trời khéo đắp xây.

(Bà Bảng Nhãn – Quảng Nam).

Danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm gần làng Khoán Khái Đông thuộc ấp Sơn Thủy, phía đông bắc giáp làng Hóa Khê. Nhóm núi gồm 5 ngọn sắp thành hai hàng, mỗi hàng hai ngọn nằm ngang từ bờ biển đến con sông Trường Giang, trên một diện tích rộng độ 2km2và chiều dài rộng độ 10,000 mét, giữa cảnh trời biển mênh mông, giữa một bãi cát trắng lăn tăn gợn sóng, bên dòng sông xanh uốn khúc. Ngũ Hành Sơn hiện lên gây ra sự tương phản thú vị, làm ngạc nhiên những du khách đi tìm cảnh đẹp, với hình thù khác lạ, màu sắc biến chuyển theo thời tiết. Vẻ đẹp trầm lặng, Ngũ Hành Sơn có một sức quyến rũ lạ lùng, khiến cho du khách khi đến Quảng Nam hay Đà Nẵng mà không có cơ hội đến viếng thăm cảnh này thì thấy như mình đã phụ tình Non Nước”. (Lịch sử Ngũ Hành sơn – chùa Non Nước, Hòa Thượng Hương Sơn).

Non Nước – Ngũ Hành Sơn có 3 ngôi chùa lớn: chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng và chùa Quan Âm tách rời bên hòn Kim Sơn. Chùa Linh Ứng mặt tiền xoay hướng Đông trông ra biển Thái Bình Dương nên thơ kỳ thú. Gồm có những di tích Vọng Hải Đài, Giếng Tiên, Hang Gió, Hang Dơi, Động Tàng Chơn, đường xuống âm phủ v.v… Hơn 300 năm trước, vào năm Ất Hợi 1695, Hòa Thượng Thạch Liêm – người Tàu được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang hoằng pháp ở Đàng Trong Việt Nam. Ngài là một bậc danh tăng kiêm văn thi sĩ tao nhã, trên đường dong thuyền về xứ, có ghé chùa Non Nước, và xuất khẩu bài thơ vịnh chùa Tam Thai (lúc đó chưa có chùa Linh Ứng) như sau:

Nam minh một vịnh, dựng phan mây

Chất ngất từng không khí biển xây

Quét sạch mưa mù lên bảo điện

Tỏa ra ánh sáng chiếu đài lay

Hoa rừng đưa khách, rừng thông một

Khe núi chia dòng nước rẻ hai

Sơn thủy đuổi nhau rồng nén bóng

Khói mây cửa động nửa phên gài…

Sấm vang, gió thét, sóng ào ào

Đàn vượn bên khe, thót nhảy cao

Mắt ngắm biển khơi xanh thăm thẳm

Chân giày dậm cát trắng phau phau

Dây mây ngàn trượng, xuyên hang đá

Nhũ xanh muôn nụ, rũ động đào

Cát nóng giữa truông ngồi ngơi nghỉ

Hơi thu nhuốm lạnh lòng nao nao…

Một chút lịch sử“Nguyên lai vùng núi Non Nước trước kia là những hòn đảo ở ngoài biển khơi. Sau thời gian dài không biết chính xác bao nhiêu ngàn năm bị sóng đánh cát bồi, nên ngày nay người ta thấy những đụn cát trắng nõn phau phau in lên mặt biển. Bờ biển xa xa tận ngoài khơi, rồi bị sóng vỗ, cát bồi dần dần bao chung quanh những hòn núi, nên bây giờ năm ngọn núi đều nằm trong đất liền. Chung quanh Ngũ Hành Sơn bao bọc bởi cát trắng chiều dài chừng 20km, ở giữa nhô lên cụm núi như bàn tay năm ngón úp lại. Do trí tưởng tượng của người Việt Nam qua cốt truyện Tây Du của Ngô Thừa Ân, và giải thích sự cấu tạo Ngũ Hành Sơn bằng câu chuyện Tề Thiên Đại Thánh.

Tề Thiên Đại Thánh mang lốt khỉ nhờ tu luyện lâu năm thành người, có phép thần thông biến hóa phi thường, nên trở thành kiêu mạn, dám khinh khi cả Ngọc Hoàng Thượng Đế để tranh ngôi. Phật bà Quan Âm đọc được tâm trạng nên chận hỏi Tề Thiên:

- Ngươi có phép thần thông như thế nào mà dám tranh ngôi với Ngọc Hoàng?

- Ta có phép lạ thiên biến vạn hóa như không bao giờ già chết, nhảy một bước vượt tới 10,800 dặm, Tề Thiên trả lời một mạch.

- Thế nếu nhà ngươi nhảy qua khỏi bàn tay ta, thì ngươi có quyền tranh ngôi với Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Tề Thiên Đại Thánh lấy thế liền nhảy qua bàn tay của Phật Quan Âm, nhưng không vượt qua khỏi, bị Ngài chụp lại, năm ngón tay thành năm quả núi, giam nhốt Tề Thiên vào trong. Ngài khắc vào chỏm núi câu thần chú: “Án ma ni bát di hồng” để Tề Thiên Đại Thánh không thoát khỏi được.

Năm trăm năm sau Đường Tam Tạng sang Thiên Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh Phật, lúc đi ngang qua đó, nghe tiếng kêu than của Đại Thánh, mới xin với Phật Quan Âm cho phép Đường Tam Tạng xóa câu chú ở chỏm núi. Từ đó Tề Thiên Đại Thánh được thoát ra khỏi núi và theo hầu Ngài Tam Tạng qua Ấn Độ thỉnh kinh”. Do sự tích trên mà Ngũ Hành Sơn còn có tên là Ngũ Chỉ Sơn (núi năm ngón tay) hay Marble Mountain như người Tây Phương hay gọi.

… Nhờ nước quỉ, thoát rời hỏa ngục

Tôn Ngộ Không phải phục Phật Đà

Đã dùng ngũ chỉ bắt tà

Cho non Ngũ đảnh đè mà im hơi

Nay Tam Tạng sang chơi Đông Độ

Đi rảo ngang qua chỗ Ngũ Hành

Ngộ Không cầu khẩn thất thanh

Nhờ thầy cứu độ, tâm thành nguyện tu.

(thơ Văn Phong – Thi Đàn Minh Phụng)

Ngũ Hành Sơn, theo người Chiêm Thành lại giải thích như sau: một vị ẩn sĩ sống giữa bãi cát. Một hôm ngạc nhiên thấy nữ thần Naga đem cho một quả trứng. Quả trứng ấy do thần Kim Qui canh giữ từ phía đông Đà Nẵng để trừ ma quỷ quấy phá. Thần Kim Qui cho ông lão ẩn sĩ một cái móng. Quả trứng trở thành to lớn kỳ dị làm cho ông lão sợ. Thế rồi một hôm sau một giấc ngủ say, ông lão tĩnh dậy thì thấy một thiếu nữ từ quả trứng nở ra. Cái vỏ trứng trở thành những trái núi, tức là Ngũ Hành Sơn. Lão ẩn sĩ và thiếu nữ giúp đỡ rất nhiều cho dân chúng trong vùng như bố thí cho người nghèo, chữa bịnh cho người đau, che chở dân lành khỏi bị cướp phá…Vua Chàm nghe được câu chuyện ấy, sai quan đến hỏi thiếu nữ làm vợ. Từ đó lão ẩn sĩ cởi Kim Qui biến mất lên trời.

Cũng chuyện tích Ngũ Hành Sơn mà mỗi tác giả thuật một khác, với nhiều chi tiết hấp dẫn ly kỳ hơn.

“Tương truyền lúc Bàn cổ sơ khai, thế giới chia ra bốn đại bộ châu: Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Nam Thiệm Bộ Châu và Bắc Cu Lô Châu. Ngoài biển Đông Thắng Thần Châu có một nước tên là Ngao Lai quốc, giữa biển có một hòn núi gọi Hoa Quả Sơn. Trên ngọn núi có một viên tiên thạch, nhờ hấp thụ tinh hoa nhật nguyệt lâu ngày, thông được linh tánh, nên sau sanh ra một trứng đá. Trứng đó theo gió lớn lên, trở nên một thạch hầu có đủ tứ chi và ngũ quan. Thạch hầu tập chạy nhảy tới lui, đói ăn trái cây rừng, khát uống nước suối, lại tụ tập một bầy khỉ nhỏ đến chiếm cứ Thủy Liêm động, tự xưng là Mỹ Hầu Vương vô cùng đắc ý. Ở như vậy được bốn năm trăm năm, Mỹ Hầu Vương nhận thấy kiếp sống hữu hạn, nên sanh lòng buồn bực, bèn quyết chí rời Hoa Quả Sơn tầm tiên học đạo trường sanh. Đi mãi như vậy trên mười năm, Mỹ Hầu Vương gặp một sư tổ bằng lòng thâu nhận làm học trò, đặt cho họ Tôn, pháp danh là Ngộ Không.

Tôn Ngộ Không theo thầy học đạo mười năm, chẳng những võ nghệ cao cường mà pháp thuật cũng tinh thông, rành 72 phép biến hóa, lại giỏi “cân đẩu vân” nhảy một nhảy xa mười muôn tám ngàn dặm. Nhờ đó, khi về Hoa Quả Sơn uy phong của Hầu Vương càng thêm lừng lẫy, chỉ tiếc còn thiếu một món binh khí cầm tay cho xứng sức. Vì vậy, Mỹ Hầu Vương thẳng ra Đông Hải, xuống tận cung Long Vương để mượn binh khí tùy thân. Long Vương giận lẩy, chỉ cây trụ đồng giữa biển đông, bảo nhổ đem về xài. Nguyên cây trụ đồng này dài đến hai trượng, lớn hơn một vừng, nặng một vạn ba ngàn năm trăm cân, biết biến lớn nhỏ tùy ý muốn, nên gọi là “như ý kim cô bổng”. Hầu vương được Kim Cô bổng chẳng khác hùm thêm vây, thanh thế càng thêm to lớn.

Ngày kia, Hầu Vương đang ngồi ăn uống ca xang cùng bầy khỉ nhỏ, xảy đâu có sai dịch của Diêm Vương nơi cõi u minh đến bắt. Hầu Vương cả giận hươi Kim Cô Bổng đánh rốc đến Sum La điện. Thập Điện Diêm Vương kinh hồn, chạy tuốt về tâu đầu đuôi tự sự với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng chẳng biết làm sao đành nghe lời Thái Bạch Kim Tinh sắc phong Ngộ Không làm Bật Mã Ôn, cho ở lại nhậm chức trên thiên đình. Hầu Vương vốn quỉ quái, không bao lâu hiểu được Bật Mã Ôn là chức hèn, bèn nổi giận bỏ cõi trời về Hoa Quả Sơn dựng cờ làm phản, tự xưng “Tề Thiên Đại Thánh”, ý nói mình ngang hàng với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sai thiên binh thiên tướng đánh dẹp cũng không xuể, bất đắc dĩ phải phong Hầu Vương chức “Tề Thiên Đại Thánh” như ý muốn.

Trên thiên đình, mỗi năm đều có đại hội Bàn Đào, mời khắp chư tiên các nơi về phó hội. Kỳ đại hội năm ấy, không mời Tề Thiên Đại Thánh. Đại Thánh nổi giận, lén nhập đào viên trộm đào ăn gần sạch. Còn bày mưu khiến các tiên dự yến tuốt qua cung Đâu Suất của Thái Thượng Lão Quân, trộm linh đơn ăn đã thèm rồi trốn về Hoa Quả Sơn. Ngọc Hoàng cả giận, sai thiên tướng kéo binh xuống bắt Tề Thiên, nhưng đánh không lại, rốt cuộc phải nhờ Thái Thượng Lão Quân đến lừa thế bắt được, đem về nhốt trong lò Bát Quái, nổi lửa định đốt cho ra tro bụi. Không ngờ Tề Thiên tinh ý núp vào hướng trên gió không có lửa, nên vẫn an toàn. Đúng bốn mươi chín ngày, Thái Thượng Lão Quân đinh ninh khỉ đột đã tiêu ra tro, bèn mở cửa lò toan lấy thuốc. Tề Thiên thừa cơ hội, nhảy ra làm sập cả một góc lò, hươi thiết bảng đại náo thiên cung. Ngọc Hoàng phải nhờ Phật Tổ Như Lai đến dùng kế mới bắt được Tề Thiên trấn dưới Ngũ Hành Sơn, dặn phải chờ năm trăm năm sau sẽ có một vị cao tăng từ Đông Độ qua Tây Trúc thỉnh kinh đến thả ra, nên theo bảo hộ người ấy, đới tội lập công.

Vị cao tăng ấy chính là Ngài Đường Huyền Trang vâng chiếu chỉ vua Đường Thái Tông, Ngài được vua phong làm ngự đệ, thay vì họ Trần lại được đổi sang họ vua, cải pháp danh là Tam Tạng, sang Tây Trúc thỉnh kinh Phật.

Đi đến Ngũ Hành Sơn, Đường Tăng gặp Hầu Vương lâu nay bị đè dưới núi hết lời năn nỉ, nên động lòng từ bi, bèn trèo lên đỉnh gỡ bùa thả ra, nhận làm đồ đệ, đặt pháp danh là Hành Giả đem theo bảo hộ cho mình” (Trích sách: Thú xem Chuyện Tàu của Vương Hổng Sển, do nhà xuất bản Xuân Thu – năm 1989).

“Tích truyện xưa thực hư ra sao không rõ, người ta chỉ biết cảnh trí Ngũ Hành Sơn đẹp tự nhiên, vô cùng thanh tú, thu hút không biết bao nhiêu du khách hằng năm. Năm hòn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ sơn đứng chụm sát gần nhau mà từ trên cao nhìn xuống trông giống hệt bàn tay úp xuống. Từ huyền thoại tích Thạch Hầu đến núi Ngũ Chỉ Sơn là cả một khoảng thời gian dài gần một ngàn năm. Câu chuyện vượt cả không gian và thời gian: từ cung trời đến nhân gian, và rồi từ Trung Quốc tới Việt Nam. Chuyện Ngài Huyền Trang sang Tây Trúc - Ấn Độ thỉnh kinh Phật vào thế kỷ thứ bảy, cách đây hơn 13 thế kỷ là sự thật, lịch sử còn ràng ràng đó” (Mây nước thanh bình của chính tác giả).

Đi vào thời cận đại, lịch sử Ngũ Hành Sơn mới có chùa hơn 300 năm nay. Tổ khai sơn chùa Linh Ứng là Ngài Pháp Tràng, tự Quang Chánh, hiệu Bửu Đài, là đệ tử của thiền sư Thiệt Hội – Viên Quang, thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

Vào đời vua Lê Hiển Tông khoảng 1760, Ngài đến núi Ngũ Hành Sơn lập một thảo am lấy tên là “Dưỡng Chơn am” để nương náu tu hành. Sau một thời gian, Ngài dời thảo am đến trước động Tàng Chơn và đổi tên thành “Dưỡng Chơn đường”. Sau khi trùng tu Dưỡng Chơn đường lại đổi thành Ứng Chơn. Vào thời vua Khải Định (1916-1925) chùa Ứng Chơn lại đổi thành Linh Ứng cho đến ngày nay.

Long vị thờ tại tổ đình Linh Ứng của lịch đại tổ sư qua các đời như:

1. Dưỡng Chơn đường thượng, sa môn hiệu Bửu Đài, tự Quang Chánh, húy Pháp Tràng đại thiền sư đời 36.

2. Ứng Chơn Trụ Trì đời 37, Ngài Tiên Trực – Chơn Như

3. Linh Ứng tự tăng cang đời 38, Ngài Ấn Diệu – Tổ Truyền

4. Linh Ứng tự Trụ Trì đời 39, Ngài Ấn Lang – Tổ Huệ - Từ Trí

5. Linh Ứng tự Trụ Trì đời 40, Ngài Hải Nghiêm – Phước Nghi

6. Linh Ứng tự Trụ Trì đời 40, Ngài Chơn Thụy – Đạo Cúc – Hưng Long

7. Linh Ứng tự Trụ Trì đời 41, Ngài Như Thông – Giác Minh – Tôn Nguyên

8. Linh Ứng tự Trụ Trì đời 42, Hòa Thượng Thị Năng – Trí Hữu hiệu Hương Sơn từ 1957-1975.

Từ năm 1976 tới nay do Thượng Tọa Thiện Nguyện – pháp danh Đồng Nguyên pháp tự Bảo Tịnh, là đệ tử Hòa Thượng Thích Trí Hữu, đời thứ 43, Trụ Trì Tổ Đình Linh Ứng.

Cảnh trí chùa Linh Ứng nói riêng và Ngũ Hành Sơn nói chung nay đã thay đổi khá nhiều. Thầy Thiện Nguyện có công sửa sang tu bổ làm cho cảnh quang chùa ngày càng xinh đẹp, nhất là ngôi bảo tháp 12 tầng nằm dưới chân núi hướng phía đông, làm cho cảnh già lam càng tăng thêm vẻ đẹp hơn trước. Vì được xuất gia từ nhỏ, đầu còn để chỏm nơi ngôi cổ tự Linh Ứng này, được học hỏi dưới sự dìu dắt của bổn sư, tôi còn lưu nhiều kỷ niệm khó quên, nhất là với các huynh đệ đồng môn như Thanh An, Thanh Tịnh, Thông Hải, Thông Quang, Thông Chánh, Thông Nghĩa, Giải Thiện, Hoằng Khai, Thông Luận, Bửu Huệ, Thiện Ân...

Riêng tôi còn một ước nguyện, biến chốn Tổ đình Linh Ứng trở thành một trung tâm đào tạo tăng tài như thời thập niên 50, 60 ngày còn ân sư Hòa Thượng Thích Trí Hữu, Ngài giáo dưỡng liên tiếp nhiều khóa mà khóa của chúng tôi là khóa đầu tiên (1957) nay sau 56 năm còn được Hòa Thượng Thanh An (Hoa Kỳ), Hòa Thượng Bảo Lạc (Úc Châu), lớp sau có Thượng Tọa Thiện Nguyện và Thanh Thế (Việt Nam).

Điều ước nguyện của tôi mong thành hiện thật, để phục hồi lại chốn tổ như trước.

Sắc tứ Linh Ứng tự:
03-HT-Tri-Hưu

HT thượng Trí hạ Hữu, vị Thầy khai tâm khi tác giả hồi đầu còn

để chõm

Theo như sử liệu ghi lại rằng, vào đời nhà Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1780), có một vị ẩn sĩ đến tu tại động Tàng Chơn, sau thời gian Ngài xây cất một am tranh đề hiệu là “Dưỡng Chơn Am”, do sự tinh tấn tu hành. Sau một thời gian Ngài đích thân tự xây cất một nhà gỗ lợp bằng tranh lá ở trước động Tàng Chơn đề hiệu là Dưỡng Chơn đường. Qua thời gian ở ẩn núi non tu niệm, bấy giờ đất nước xảy ra việc tranh chấp giữa nhà Nguyễn với Tây Sơn đánh nhau. Lúc bấy giờ Nguyễn Phúc Ánh đến núi Ngũ Hành thấy cảnh trí kỳ quan hùng vĩ, sơn kỳ thủy tú. Vì thế khi Gia Long phục quốc bèn ra lệnh lập chùa tại Ngũ Hành Sơn – Quảng Nam. Lúc đó Dưỡng Chơn Đường được cải hiệu là ngự chế Ứng Chơn tự. Phải kể đó là do công phu tu trì miên mật và bàn tay kiến thiết của Hòa Thượng Quang Chánh hiệu Bửu Đài. Chính Bửu Đài đại sư là người đầu tiên khai sơn chùa Linh Ứng, bắt đầu từ đời Lê Cảnh Hưng (hậu bán thế kỷ 18) đến nhà Nguyễn Gia Long (1802-1819). Chùa Ứng Chơn diễn tiến từ một thảo am thành ngôi cổ tự đồ sộ nguy nga phụng thờ Tam Bảo, kể từ thời vua Minh Mạng (1820-1840). Thừa kế tư tưởng của vua cha, vua Minh Mạng bắt đầu khởi công xây cất những chùa chiền từ Huế đến Quảng Nam, đặc biệt vua lưu ý đến ngôi chùa Ứng Chơn, thay mái tranh vách ván bằng mái ngói tường gạch chắc chắn qui mô. Lúc bấy giờ chưa có đường lên núi, muốn xây chùa trên núi, triều đình phải chỉ định công binh từ Huế đến tận nơi quan sát tiến hành làm đường. Sau khi đường sá làm xong, người ta bắt đầu chuyên chở vật liệu lên xây cất chùa Ứng Chơn bằng tường gạch mái ngói. Lịch sử kiến thiết xây dựng ngôi cổ sát Ứng Chơn này như ngày nay người ta còn tìm thấy những dấu tích lưu lại như những tấm biển sơn son thếp vàng; những hoành phi chạm trổ công phu của thời xưa còn tại đây. Chẳng hạn, Minh Mạng hoàng đế ngự chế - Ứng Chơn tự - Minh Mạng tam niên tạo, Ngự chế Ứng Chơn Tự. Người ta không rõ Ứng Chơn tự đổi thành Linh Ứng tự từ hồi nào, có lẽ vì lý do phạm húy chữ “Chơn” của hoàng triều, nên Linh Ứng tự có từ thời vua Thành Thái, như bảng sắc tứ còn lưu truyền: Linh Ứng tự - Thành Thái tam niên – bắt đầu từ đó người ta mới hay gọi là chùa Linh Ứng – Non Nước, có nghĩa là ứng nghiệm và linh thiêng. Thế là ngôi quốc tự Linh Ứng được nhiều người biết đến từ đó đến nay (viết theo lịch sử Ngũ Hành Sơn – chùa Non Nước – của Hòa Thượng Hương Sơn).

Danh lam cổ sát:“Chùa Linh Ứng nằm trên ngọn Thủy Sơn thuộc Ngũ Hành Sơn, xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang (nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn), cách trung tâm thành phố Đà Nẵng, về hướng đông khoảng 8km.

Chùa Linh Ứng cùng với chùa Tam Thai là hai ngôi quốc tự đẹp và nổi tiếng bậc nhất ở Đà Nẵng. Chùa Linh Ứng mặt hướng ra biển đông, bên phải là Vọng Hải đài, Quan Âm Các, xung quanh cây cối um tùm bao phủ, tạo nên vẻ u linh cho hang động Tàng Chơn nằm sát phía sau chánh điện. Cảnh trí vừa hùng vĩ, vừa huyền ảo của bao sắc màu biển núi, đã là nơi dừng chân của nhiều đời vua quan và bao tao nhân mặc khách.

Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Linh Ứng hiện nay đã vô cùng đẹp đẽ với những tác phẩm điêu khắc chạm trổ tinh vi bằng chính đá Non Nước và đồ sành sứ dưới bàn tay nghệ thuật của các nghệ nhân đất Quảng.

Cùng với những hang động xung quanh Ngũ Hành Sơn, với cảnh núi non hùng vĩ giao hòa cùng tiếng sóng biển rì rào quanh năm suốt tháng, chùa Linh Ứng là một danh lam thắng cảnh góp phần xứng đáng cho nền văn hóa Phật giáo ở miền Trung” (theo Việt Nam danh lam cổ tự - Văn Võ Tường).

Danh lam thường đi chung với thắng cảnh nhằm chỉ ngôi chùa danh tiếng có cảnh trí hữu tình thu hút nhiều du khách tham quan vãng cảnh. Ngôi danh lam thường nằm trên đỉnh núi nên đi kèm theo cảnh đẹp thiên nhiên, tạo thành một bức tranh tuyệt mỹ. Riêng từ cổ sát cũng ám chỉ cho ngôi chùa nữa, nhưng không phải là ngôi chùa tầm thường. Chùa rộng lớn mang tính cách hùng vĩ, lại cổ kính nằm ẩn mình nơi núi cao rừng vắng, và lâu đời, nơi đào tạo các bậc nhân tài cho Phật giáo hoặc chốn thờ tự linh nghiệm trải qua nhiều thế hệ. Từ cổ sát có lẽ gần với chữ Vihara tiếng Phạn, chỉ chốn thiền môn nghiêm tịnh, nơi chúng lý tu hành đầu tư công hạnh, tuệ trí, để xây dựng hiện tại và tương lai Phật Pháp.

Việt Nam danh lam thắng cảnh: Theo sư cụ Hương Sơn, tác giả lịch sử Ngũ Hành Sơn viết về chùa Linh Ứng như thế này:

“Quốc tự Linh Ứng xây dựng tại thắng cảnh Thủy Sơn. Mặt tiền của chùa hướng về phương đông, trông ra phía trước là biển Thái Bình Dương, bên hữu là Vọng Hải đài, bên tả là động Ngũ Cốc. Mặt sau lưng chùa là động Tàng Chơn. Chung quanh chùa trước là cửa Tam quan, hai bên là nhà Tổ, giảng đường, nhà khách, thiền đường và nhà bếp. Khi người bước vào cổng tam quan, phóng tầm mắt thấy từ Bắc sang Nam một dãy nhà nguy nga trải dài và các ngọn núi Thủy Sơn chớn chở bao phủ kín chung quanh trông thật là hùng vĩ, như một thi nhân đã tức cảnh thành bài thơ thất ngôn bát cú:

Cảm đề

Như thêu như dệt cảnh thần tình

Linh Ứng chùa này lắm vẻ xinh

Vọng Hải đài kia gương vĩ đại

Vân Nham động nọ dấu uy linh

Thành cao cảnh tượng hồn non nước

Mầu nhuộm lam tuyền tiếng kệ kinh

Đâu đó xa gần đều hướng vọng

Ánh vàng lan tỏa khắp quần sinh.

(Thích Thiện Trí, 29-9-55 (Ất Mùi)

Vì ngôi chùa nổi tiếng như thế, lại có nhiều hang động uy linh làm say lòng bao khách tục, với am viện ẩn tàng và tăng sĩ mật hạnh ẩn hiện nơi đây sớm chiều với non xanh nước biếc giữa chốn già lam thanh tịnh.

Đạo sĩ chờ ta với hải hồ

Ta chờ đạo sĩ lãng hư vô

Hôm nay trăng tạnh đồi cao

Gót giày đạo sĩ ra vào thiền quan

Tấm lòng rộng quá không gian

Gió mưa bao ngại cơ hàn sá chi

Tháng ngày theo gót từ bi

Cầu mong đắc đạo cứu vì chúng sanh...

(Vô danh)

Cảnh quan đẹp như thu hồn du khách, nên từ đời vua Minh Mạng người ta đã lưu tâm đến thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, và quanh năm người ta đi chùa Non Nước lễ bái, cầu nguyện, thăm viếng các hang động. Và do vậy mà từ đây ngôi Linh Ứng tự trở thành nơi tín ngưỡng đặc biệt với lượng người lễ bái quanh năm và khói hương bốn mùa quyện tỏa.

Úy chà chà núi cao

Trèo lên thử thế nào

Chùa vua thầy chúc tụng

Cửa Phật chúng ra vào

Chuông trống vang lừng núi

Đèn đuốc rạng tợ sao

Của tiền làm thế ấy

Công đức biết dường bao?

(thơ: Hòa Thượng Phúc Hậu)

Đề cập tới vãng cảnh chùa Non Nước tưởng cần nhắc qua đường cấp lên núi theo 2 con đường: đường đầu tiên lên chùa Tam Thai rộng 4mét với 156 bực cấp, và đường thứ hai lên chùa Linh Ứng ở về phía biển có 108 cấp lên tới cổng tam quan để vào xem các động Tàng Chơn, Vân Thông, Giếng Tiên, Vọng Hải đài... và ngắm nhìn xa xa ra phía chân trời góc biển, thật là cảnh non nước hữu tình.

Di sản văn hóa quốc gia:Lúc tu tại chùa Linh Ứng – Non Nước tôi thấy có bảng đề: di sản văn hóa quốc gia – Cổ tích liệt hạng. Như vậy trải qua hơn 200 năm trở lại đây, hai ngôi cổ tự: Tam Thai và Linh Ứng tại Ngũ Hành Sơn không những là ngôi danh lam thuần túy mà còn là di sản văn hóa của Quảng Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Như nhìn sang khía cạnh kinh tế, nếu ta biết khai thác đúng mức nơi thắng tích Ngũ Hành Sơn là điểm thu hút du khách nước ngoài rất nhiều và như thế Việt Nam hẳn thu được nguồn ngoại tệ khá, làm phong phú cho sự phát triển quốc gia. Thế nhưng chỉ có thế lại biết đâu trở thành bất lợi cho việc đào tạo tăng tài cho Phật giáo Việt Nam như các thế hệ thầy tổ đã đóng góp vào sự trường tồn của Phật pháp. Trong hiện tại theo cái nhìn của tôi về nơi chốn Tổ Tam Thai và Linh Ứng hầu như chúng ta thiếu quan tâm đặc biệt nên mất cả hai mặt: du lịch và giáo dục. Vì nếu được mặt này lại mất mặt khác, nên theo thiển ý, quí vị có chức quyền đừng nên khai thác thu lợi lập hàng quán bát nháo thiếu trật tự, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên nơi di sản văn hóa của Việt Nam; mặt khác phải có vị tăng ưu tư tiền đồ đạo pháp thực tâm đứng ra cổ xúy, tái lập lại học viện giáo dục tăng sinh, đào tạo nhân tài cho Phật giáo nước nhà ngỏ hầu phát huy đạo pháp, xây dựng con người Việt Nam về lâu dài. Hãy trả lại cái gì của Linh Ứng cho Linh Ứng để cùng nhau bảo tồn di sản văn hóa mà tiền nhân đã để lại nên đàn hậu bối không thể làm khác được, ngỏ hầu tài bồi phần nào trong muôn một giá trị truyền thống của dân tộc.

“Ngũ Hành Sơn là biểu tượng cho văn hóa Việt Nam nơi cổ kính, danh lam thắng tích. Địa thế cảnh trí sơn kỳ thủy tú như thế đã làm nổi bật nền văn hóa của dân tộc thêm phong phú. Vì thế, khi người ta biết đến cảnh Ngũ Hành Sơn, nhiều người lui tới thăm viếng là người ta đã có ý lo bảo vệ thắng cảnh: chùa viện, di tích Phật giáo – thần giáo kỹ lưỡng để gìn giữ được vị thế di sản văn hóa đúng nghĩa” (lịch sử Ngũ Hành Sơn)

Non nước thời nay:Ngũ Hành Sơn ngày nay không còn giống như xưa nữa. Lối kiến trúc tháp đường, tịnh viện tuy có bề thế sang trọng đó, nhưng lại mất đi vẻ cổ kính lâu đời mà có chen lẫn cái tâm trần của kẻ tục nên không được tôn nghiêm thuần khiết. Mỗi năm tại Ngũ Hành Sơn lại tổ chức lễ hội Quan Âm vào ngày 19 tháng 2 âm lịch, qui tụ hàng chục ngàn người về đây ngoạn cảnh vui chơi. Từ 10 năm nay nghe đâu ngày lễ hội Quan Âm do chùa Quan Âm phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức mỗi năm càng to lớn và hoành tráng. Việc làm này bề mặt như có vẻ màu mè tô điểm cho Phật giáo, song kỳ thật đó cũng chỉ nhãn hiệu người ta mượn oai thần Phật để trục lợi mà không gì khác hơn. Đến nổi có lời phản ảnh phát biểu tại lễ hội Quan Âm như báo động rằng: “Gần đây người vãn cảnh ngày một thêm tấp nập, nhưng trong hàng du khách có một số thiếu tinh thần xây dựng, nên chốn già lam thánh địa vì thế mất dần ý nghĩa thiêng liêng, đến nay thì hầu như chỉ còn là một chốn non nước hữu tình dành cho du khách nhàn du giải trí...” (Bài cảm niệm ngày lễ Quán Thế Âm Bồ Tát – không đề tên tác giả).

Ngũ Hành Sơn từ triều vua Minh Mạng trở đi, còn được dân chúng trong vùng gọi là núi Cẩm Thạch (Marble mountain), vì tại đây có rất nhiều đá cẩm thạch rất đẹp. Bài danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, tác giả Hoài Hương P.H.N (Muenster – Đức quốc) có đoạn viết:

“Ngày xưa Ngũ Hành Sơn là những núi đảo thuộc Nam Hải lâu ngày bị cát bồi lấp dần trên bờ bể. Ngũ Hành Sơn gồm: Kim Sơn (phía tây), Thổ Sơn (ở giữa), Thủy Sơn (đông bắc), Mộc Sơn (đông nam) và Hỏa Sơn ở cách nhau chừng vài ba cây số; thật ra có hai ngọn núi là Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn.

Tùy theo thời tiết, màu sắc các nơi này thay đổi chuyển từ màu lục sang lục đậm hoặc xám hay đen. Trong các núi Thổ Sơn là nơi thấp nhất; Kim Sơn là ngọn núi nhỏ nhất. Núi này chạy dài từ đông sang tây, đầu hướng về tây bắc đâm thẳng ra Trường Giang. Tại bến sông này có xây một bến đò gọi là “Bến Ngự”, vì là nơi thuyền nhà vua thường cập bến ở đây mỗi khi viếng Ngũ Hành Sơn.

Núi lớn nhất và đẹp nhất là Thủy Sơn, tại đây có nhiều chùa và động thạch nhũ thật đẹp. Với một diện tích 15 mẫu tây Thủy Sơn trải dài từ đông sang tây với 3 đỉnh núi sắp theo hình các sao Tam Thai tại trên đỉnh núi có chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng. Hai chùa này thông thương với nhau qua con đường quanh co dẫn qua các động Tàng Chơn, Vân Thông, Vân Nguyệt... qua các trạm Vọng Hải đài, Vọng Giang đài”.

Chùa Linh Ứng mặt tiền hướng ra biển Nam Hải. Dưới chân núi gần lối thang cấp dẫn lên có ngôi bảo tháp 12 tầng cao 15 mét làm tăng thêm vẻ đẹp chốn thiền môn thanh tịnh này.

“Chùa Tam Thai hay chùa Non Nước được dựng ở phía tây Thủy Sơn, nơi một vùng rất kỳ tú trang nghiêm. Từ chùa Tam Thai đi thẳng về phía tây, ngang qua Vọng Giang đài để đến tháp Phổ Đồng và chùa Từ Tâm. Tháp Phổ Đồng được xây bằng gạch xưa của Chiêm Thành và đá cẩm thạch. Chùa Từ Tâm là nơi đức Địa Tạng cùng những người quá vãng không kẻ kế tự được thờ phượng. Tại chùa cũng có thờ liệt vị tiên đế các đời Đinh, Lý, Trần, Lê”.

(Hoài Hương P.H.N như đã dẫn).

Đặc biệt cạnh chùa Tam Thai có động Huyền Không trông thật là kỳ bí, quang cảnh ánh sáng huyền ảo soi vào đá hoa, vách đá trong động nên khách viếng thăm có cảm tưởng như mình đang lạc vào tiên cảnh. Nơi lối vào phía trước hang động có đôi thạch nhũ nước chảy rỉ rả âm thanh tí tách, nước trong veo như giếng tiên nên du khách có thể lấy đem về dùng tùy thích. Do cảnh đẹp thần tiên như vậy nên có nhiều văn nhân thi sĩ cảm tác nên thành vần điệu ca tụng cảnh thiên nhiên hữu tình này.

Bạch thạch huỳnh sa túy tác đôi

Thông thông uất uất khí giai tai

Thiên quang vân ảnh tinh lâm động

Hải sắc giang dung hiếu thượng đài

Tình cảnh chi ung tiên mạc trú

Thành du hoàn hữu sứ tra lai

Truy tu trở giá miên tiên sử

Để ý thân tâm tại thu hồi.

(Trương Quan Dần – danh thần triều Nguyễn)

Dịch nghĩa:

Đá vàng cát trắng khéo xây nên

Nghi ngút điện già bốc khói thiêng

Tia sáng bóng mây soi thấu động

Màu sông sắc biển sớm lênh đênh

Màu tiên cảnh vắng đành xa tục

Thuyền sứ thành qua lại đậu bến

Trở giá chuyện xưa ngồi nhớ lại

Lòng thành kẻ dưới thấu bề trên.

(Chí sĩ Minh Viên – Huỳnh Thúc Kháng dịch)

Nơi di tích chùa Linh Ứng, nay còn lại 2 cặp câu đối như sau:

Cổ tự tăng nhàn thường dĩ yên hà vi bạn lữ

Thâm sơn cấu thế chỉ bằng thảo mộc ký xuân thu.

Nghĩa:

Thầy tăng chùa cổ thường vui đùa với thú nước mây

Đời rớm núi sâu mượn cỏ cây làm bạn tháng ngày.

Và:

Mộ cổ thần chung cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách

Triêu kinh tịch kệ hoán hồi trần thế mộng mê nhơn

Nghĩa:

Chuông sớm mõ chiều thức tỉnh khách danh lợi đa tình

Sáng kinh tối kệ giục gọi người mộng tỉnh cơn mê

(Thích Bảo Lạc dịch)

Cảnh đẹp tự nhiên đẹp, không thể dùng ngôn ngữ hay ngòi bút diễn tả hết được, nhưng dù sao đi nữa thi nhân cũng là người đa cảm, nên tôi tạm mượn mấy vần thơ tóm lược những điều vừa nêu lên.

Nghe nói Hành Sơn cảnh tuyệt vời

Cõi trần dạo bước thử xem chơi

Năm hòn chót vót cây chen đá

Bốn mặt mênh mông nước lộn trời

Bãi cát trắng phau cơn gió bụi

Chòm rêu xanh ngắt bóng trăng khơi

Ngự thi nét bút còn như vẽ

Dâu bể bao phen đã đổi đời

(Nữ sĩ Ngọc Anh)

Cảnh đẹp cũng làm cho nhà chí sĩ cao hứng đối cảnh sanh tình qua bài thơ thất ngôn Đường luật:

Ngộ nhập hồng trần trấp ngũ niên

Bồng lai hồi thủ tứ mang nhiên

Như kim đáo đắc Tàng Chơn động

Tảo thạch chiêm hoa lễ chúng tiên.

Linh Ứng đài cao ẩn thúy vi

Tàng Chơn động cổ thạch đài hy

Thu phong độc ỷ tùng quan vọng

Bất kiến thiên nhai hải hạc phi.

Ẩm bãi tùng giao tọa thúy vi

Tiên ông tằng thử tức trần ky

Cổ nhân tung tích quân hưu vấn

Nhất phiến nhàn vân vạn lý phi.

(Nguyễn Thượng Hiền)

Dịch nghĩa:

Hai mươi năm lẻ xuống trần gian

Ngoảnh lại Bồng lai gẫm dỡ dang

Kìa động Tàng Chơn nay được đến

Dâng hoa quét đá lễ tiên ban.

Linh Ứng đền xây giữa núi sâu

Tàng Chơn động cổ đá thưa rêu

Gió thu tựa cửa Tùng Quan ngắm

Hạc biển bay mà chả thấy đâu.

Non cao mấy chén rượu tùng say

Xa tục, tiên ông ở chốn này

Tung tích người xưa thôi chớ hỏi

Chòm mây muôn dặm tự do bay.

(Huỳnh Thúc Kháng dịch)

Và tôi cũng phụ họa mấy câu cho vui lòng độc giả:

Mái chùa che chở hồn thiêng

Trẻ già, trai gái đồng nguyền tiến tu

Sớm chiều kinh kệ công phu

Xây đời an lạc đắp bù gia công

Quả xinh tu tạo nhân trồng

Tương lai bồi đắp cha ông đạo nhà

Mái chùa đầm ấm thiết tha

Cháu con giữ lấy món quà tâm linh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/08/2014(Xem: 21434)
Nhân quả là định luật căn bản xuyên suốt quá trình thành trụ hoại diệt của tất cả chúng sinh từ đời này sang đời khác, cho đến vũ trụ, vạn vật cũng không phải tuần hành, biến dịch một cách ngẫu nhiên, vô lí, mà luôn tuân theo định luật nhân quả. Định luật này không do một đấng thần linh nào, xã hội nào đặt ra cả, mà là luật tự nhiên, âm thầm, lặng lẽ, nhưng luôn đúng đắn, chính xác, hiệu quả vô cùng.
17/08/2014(Xem: 28543)
Ngài Nam Tuyền nói: “Tâm bình thường là đạo.” Chư vị Tổ sư dùng đến vô số phương tiện cũng không ngoài việc dẫn dắt người học đạt đến tâm bình thường này. Vì thế, thiền không phải là một lãnh vực siêu nhiên vượt ngoài phạm trù ý thức thông thường như nhiều người lầm tưởng, mà trái lại chính là sự soi rọi, chiếu sáng những trạng thái tâm thức hết sức bình thường mà mỗi người chúng ta đều đã và đang trải qua trong cuộc sống thường ngày.
16/08/2014(Xem: 4525)
Đất đai phì nhiêu nhưng không ai dám khai phá do quá nhiều đỉa. Có vị sư giàu lòng thương dân đã phát nguyện dâng hiến thân xác của mình cho bầy đỉa bâu xé đổi lấy sự bình yên. Tương truyền vùng đất làng Thới Hòa (nay thuộc ấp 4, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) vốn phì nhiêu nhưng không ai dám khai phá do quá nhiều đỉa. Có vị sư giàu lòng thương dân đã phát nguyện dâng hiến thân xác của mình cho bầy đỉa bâu xé đổi lấy sự bình yên.
15/08/2014(Xem: 10118)
Sau thời kinh, ở phương đông trời cũng vừa ửng sáng. Sa di Thiện Thiên như thói quen đi mở hết các cánh cửa sổ của chánh điện cho ánh sáng và gió sớm lùa vào. Chẳng bao lâu toàn chánh điện đã chan hòa ánh sáng báo hiệu một ngày như mọi ngày sinh hoạt của tịnh xá Ngọc Hưng. Chánh điện tịnh xá Ngọc Hưng nền tráng xi-măng, có những đường nứt thật rõ. Gần bục thờ được trải 4 chiếc chiếu nylon để tăng chúng lễ lạy hai thời công phu. Nhìn từ cuối chánh điện, tượng Đức Bổn sư Thích Ca và những đồ thờ bằng kim loại sáng bóng như mới được đánh dầu đồng trong dịp Đản Sinh vừa qua.
14/08/2014(Xem: 12539)
Thủ tướng Abe Shinzō (An Bội Tấn Tam-安倍 晋三) đã từ chức vào năm 2007, và chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do khi chưa làm được một năm, sau thất bại thảm hại của đảng này khi bầu cử Thượng viện. 12 tháng 9 năm 2007 : Nhiệm kỳ của ông lại bị phá hỏng vì hàng loạt cuộc từ chức của các Bộ trưởng Nội các và vụ tiết lộ về việc để mất số liệu lương hưu. Ông từ chức sau một năm tại nhiệm với lý do sức khỏe. Bảy tháng sau, Thủ tướng Abe Shinzō (An Bội Tấn Tam-安倍 晋三) bị bệnh hay quên lãng và đã thử thách mình bằng cách dùng phương pháp trị liệu "Tọa thiền" ngồi thiền tại Chùa Zenshōan (臨済宗國泰寺)một ngôi chùa thuộc Thiền phái Lâm Tế ở huyện Yanaka, Tokyo.
14/08/2014(Xem: 5814)
Mãi đến tận giờ, có lẽ ít người ngờ rằng Hòa thượng Thích Minh Châu ngoài phong cách một học giả có văn phong cổ kính, nghiêm túc và khô khan nhất trong làng Phật giáo Việt Nam, còn là một ngòi bút tân kỳ và thơ mộng đáng bậc thầy của không riêng Phật giáo. Tác phẩm Trước Sự Nô Lệ Của Con Người, xuất bản giữa thập niên 1960 đã chứng minh điều đó. Nhưng vẫn chưa hết, cái duyên ngầm trong chữ nghĩa của Hòa thượng càng kinh người hơn khi ta có dịp so sánh các bài kệ trong bản dịch Kinh Tạng với nguyên tác Pāḷi hay qua bản dịch tiếng Anh.
14/08/2014(Xem: 4509)
Vâng, tôi là một con Ma, các bạn đừng vội sợ hãi tôi không làm gì đâu! Tôi cũng giống như các bạn, chỉ khác một điều là tôi nhìn thấy được bạn nhưng bạn không có khả năng nhìn thấy được tôi. Để tiện việc xưng hô, cứ gọi tôi là Con Ma “Nửa đời chuông mõ“, cái tên cũng thánh thiện đấy chứ! Đã hết sợ tôi chưa? Nhân đọc bài “Bóng anh hùng“ của nhà văn Doãn Dũng, chuyên gia chuyển âm tư tưởng của người chết cho người sống cảm thông. Vì tôi lúc sinh thời là độc giả trung thành của tờ báo đạo Viên Giác, nên muốn tìm cô Bút Nữ Nhật Hưng để nhờ vả. Nhưng khi biết cô rất sợ ma, chỉ cần sự xuất hiện của tôi là cô đã hồn siêu phách lạc mất rồi. Do đó không còn sự lựa chọn nào khác hơn là tìm cô Hoa Lan để “chọn mặt gửi lời“, cái người dám tuyên bố câu “không sợ ma chỉ sợ người“.
12/08/2014(Xem: 7613)
Ngày nọ, một đứa trẻ hỏi cha nó : -“Thưa cha, sau này con phải sống làm sao cho được lòng khen ngợi của mọi người ?” Người cha thấy con mình còn nhỏ tuổi mà đã biết suy nghĩ như thế, trong lòng không khỏi lâng lâng vui mừng. Buổi sáng đi làm việc, ông gọi con đi theo, để cho nó có dịp được học hỏi.
25/07/2014(Xem: 12077)
Mùa An Cư Kiết Hạ lại về, đặc biệt lần này Giáo Hội Úc Châu sẽ tổ chức kỳ thứ 15 tại Tu Viện Quảng Đức của thành phố Melbourne đáng yêu, với số người Việt đông vào hạng nhất nhì của xứ Úc. Đấy cũng là mùa Vu Lan, mùa báo hiếu với một biểu tượng không thể thiếu là Ngài đại hiếu Mục Kiền Liên. Ngài là ai mà nổi tiếng đến thế! Từ già đến trẻ, ai cũng thuộc điển tích “Mục Liên vào địa ngục đưa cơm cho mẹ, nhưng than ơi cơm hóa than“, đã biết bao nhạc sĩ phổ nhạc và biết bao soạn giả dàn dựng những vở tuồng cải lương về lòng hiếu thảo của Ngài đã lấy bao nước mắt người xem.
25/07/2014(Xem: 5626)
Những con thú dữ như cọp, beo, gấu.. bình thường thì chúng cũng biểu lộ tình cảm, lòng thương đối với con chúng sinh ra, y như các loài hiền lành khác như chim, sóc, nai ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]