Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

46. Mũi Tên “Phản Nghịch”

15/03/201410:52(Xem: 32854)
46. Mũi Tên “Phản Nghịch”
mot_cuoc_doi_bia_3


Mũi Tên “Phản Nghịch”





Đức vua Udena có một hoàng hậu là Sāmāvatī cùng hai thứ hậu, đó là Vāsuladattā và Māgaṇḍiyā. Về chuyện phòng the thì cứ luân phiên, mỗi bà như vậy, ông vua này thường ngự ở đấy bảy ngày. Ba bà có ba cung đặc biệt và cung nga thể nữ riêng(1)do mỗi bà tự tuyển chọn hoặc đức vua, tùy theo mức độ sủng ái mà ban phát cho.

Gần một năm nay, trong ba bà thì đức vua sủng ái thứ hậu Māgaṇḍiyā hơn, tuy nhiên, với các bà kia đức vua cũng có thỉnh thoảng!

Chuyện xảy ra vừa rồi làm đức vua khởi ý là sẽ viếng thăm cung vui của hoàng hậu Sāmāvatī để dò xem hư thực như thế nào, vì theo vua, dù sao thì chánh hậu cũng đã có một trai tuấn mỹ, danh phận đã thành, trước sau bà vẫn là quốc mẫu, không ai thay thế được.

Biết được chuyện ấy, thứ hậu Māgaṇḍiyā lại nũng nịu can ngăn:

- Sự thực rõ ràng như ban ngày, đã hai lần thiếp dè chừng mà bệ hạ vẫn không tin. Đêm qua, thiếp nằm mộng dữ, tiên báo có chuyện chẳng lành nếu bệ hạ sang cung của chánh hậu.

- Mộng dữ gì vậy?

Đầu óc kế xảo của bà thứ hậu Māgaṇḍiyā xẹt nhanh như lằn chớp trong trí:

- Thiếp thấy một con rắn độc suýt cắn bệ hạ!

Đức vua phì cười:

- Nhưng dù gì thì gì, trẫm cũng phải sang đấy!

Biết không thể can vua được, bà biểu người tức tốc nhờ ông chú quốc trượng mang đến một con rắn độc rất nhỏ đã nhổ nọc để sử dụng cho mục đích của mình.

Biết rằng, thường thì tiếng trống lâu thành báo khắc đêm, mặt trời vừa tắt, đèn vừa thắp lên là đức vua ngự kiệu sang cung các hậu. Trong lúc đó thì tiểu dạ yến ở chánh cung cũng đã được các cung nữ chăm lo chu đáo. Ca nữ, vũ nữ, nhạc công cũng đã có mặt để hầu tiếp niềm vui cho bậc chí tôn! Ngoài ra, đức vua còn một thú vui là lúc nào, đi đâu cũng mang theo cây tiêu “điều tượng”(1), thỉnh thoảng nhã hứng thổi một vài khúc chơi! Gần đáy của cây tiêu này có một lỗ nhỏ thường dùng để buộc một sợi dây lụa kết chỉ vàng lóng lánh. Vậy nên, vào khoảng giữa chiều, bà thứ hậu đã đích thân lẻn vào tẩm cung(2)của đức vua, bỏ con rắn độc vào trong lỗ ống tiêu rồi khéo tay lấy một bông hoa gấm nhỏ nhét lại giống như vật trang trí.

Đức vua đâu có biết gì. Một đêm vui qua mau, sáng ngày định chuẩn bị dùng sáng rồi đi thiết triều thì thị nữ thông báo, là thứ hậu Māgaṇḍiyā muốn dâng đức vua món cháo yến sào tẩm bổ khí huyết, ngài phải thọ nhận. Trong khi hoàng hậu Sāmāvatī đang sắp xếp vật thực để cho đức vua ngự dụng, thì bà thứ hậu giả vờ lăng xăng đi thu dọn vật này vật kia rồi lanh tay rút bông hoa nơi ống tiêu đang còn nằm trên long sàng. Chú rắn nhỏ được giải phóng, ngo nguẩy bò ra.

Chính lúc đó, bà thứ hậu mới hô hoán lên:

- Con rắn độc! Con rắn độc!

Mọi người sửng sốt. Thị nữ bên ngoài nghe hô hoán đã chạy vào và họ đã nhanh tay lấy khăn dày bắt con rắn ấy đi. Bà thứ hậu được dịp đổ thêm dầu vào lửa:

- Thấy chưa? Bệ hạ đã thấy chưa? Âm mưu giết bệ hạ rành rành, không còn chối cãi vào đâu được nữa. Nhưng cảm ơn thượng đế Rāmā đã bảo vệ sanh mạng cho bệ hạ nên suốt đêm con rắn độc này đã ở yên đâu đó trong tấm chăn.

Đức vua lặng người, nhìn hoàng hậu một lát rồi trầm tĩnh hỏi:

- Hậu muốn giết hại ta thật à?

Hoàng hậu khuôn mặt không biến sắc, nghĩ là cũng phải biện hộ cho mình nên đáp:

- Tâu bệ hạ! Việc ấy, đệ tử của đức Phật không bao giờ làm, huống gì thiếp lại rất yêu kính bệ hạ. Việc ấy lại càng không thể, nếu con rắn ở trong chăn suốt đêm, hóa ra thiếp lại ngu dại tự giết mình! Việc càng vô lý hơn nữa, là con trai thiếp đã được bệ hạ đương nhiên cho kế thế ngôi vị thì thiếp còn mong cầu gì hơn trên đời này nữa?

Thấy cũng có lý nên đức vua nín lặng, phân vân chưa biết xét thế nào.

Bà thứ hậu tung ra đòn độc cuối cùng:

- Tham vọng quyền lực của con người khó hiểu lắm, tâu đại vương! Bệ hạ mất, bé trai kia sẽ lên làm vua, và người buông màn nhiếp chính bên sau là ai, bệ hạ rõ rồi. Và đương nhiên người làm vua nước này, thâu tóm mọi quyền lực cho bản thân, cho dòng họ cũng hữu lý lắm chớ, tâu đại vương!

Như điểm trúng yếu huyệt. Nó là sự hữu lý, là ông chánh án của mọi hữu lý trên đời, nên khuôn mặt đức vua tái đi. Hết tái rồi quay sang đỏ rần rần. Cơn giận của đức vua bị lửa sân thiêu đốt, âm ỉ rồi bốc cháy, vỡ òa trong tiếng hét:

- Đích thân ta sẽ ra tay giết ngươi, con tiện tỳ! Kể cả những cung nữ trưởng phòng, trưởng nhóm, ta cũng giết hết luôn để trừ hậu hoạn!

Buổi chiều, tại pháp trường của cung đình, bà hoàng hậu Sāmāvatī và mười cung nữ có chức vụ hai tay đều được cột bởi những tấm khăn lụa rồi bị lính hộ cung dẫn ra đứng một hàng một.

Thị nữ Khujjuttarā lưng gù, vì thân phận thấp hèn không bị tội, nói với mười một phạm nhân:

- Hoàng hậu không làm! Mấy trăm cung nữ ở đây đều là Phật tử nên cũng không ai làm! Ai có mưu kế ác độc đó thì chúng ta biết rồi. Nhưng khó có thể biện minh. Đây có lẽ do nghiệp quá khứ tối tăm nên bị nó dẫn dắt trả quả xấu. Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Chỉ có tâm từ, năng lượng của tâm từ mới có thể tiêu tai, giảm họa”. Vậy xin hoàng hậu với quý cung nương cứ trú tâm từ một cách an nhiên và bất động!

- Đúng vậy! Hoàng hậu gật đầu - chúng ta còn rải tâm từ đến cho đức vua và đến cho cả người do si mê mà làm hại ta nữa.

Một việc hy hữu đầy thương tâm sắp xảy ra. Bá quan văn võ đứng đầy đặc hai bên. Người của ba cung sáu viện cũng cùng nhau đứng chen chân không kẽ hở. Ai ai cũng thầm cảm thương nỗi hàm oan của hoàng hậu. Những giọt lệ chảy âm thầm và những tiếng khóc tức tưởi được kìm nén đó đây.

Đức vua Udena vốn nổi tiếng là một tay đại xạ thủ, và sức tay của đức vua vốn vô địch trong triều ngoài nội. Ông không những bắn chuẩn hồng tâm mục tiêu mà còn bắn xuyên một lúc mười mấy thân chuối!

Đức vua đã bước ra với cây cung vàng mà ngài ít khi sử dụng. Đây là cây cung được truyền từ nhiều đời, là bảo vật quốc gia, nó rất nặng có tên là Sahassathāmasiṅgadhanu(1)và khi bắn, sức bật của nó thường đi rất xa.

Trong lúc hoàng hậu Sāmāvatī cùng mười cung nữ đang bất động tĩnh lặng trú vào tâm từ thì đức vua giương cung lên, búng thử dây cung. Một âm thanh lạ lùng cất lên như xé tan không gian yên lặng. Cả quảng trường im phăng phắc, mọi người căng mắt, nín thở.

Đức vua thò tay phải rút mũi tên vàng lắp vào cung rồi căng mạnh cánh tay. Đức vua tự nghĩ: “Chỉ một điểm ngay trái tim của con tiện tỳ thì mũi tên kia còn đi xuyên suốt mười trái tim bên sau trở thành một xâu như xâu chim vậy”.

Rồi cung bật. Mũi tên lao vút đi như lằn sao xẹt. Mọi người nhắm mắt lại. Có vài tiếng la hét sợ hãi rú lên...

Nhưng chuyện lạ đã xảy ra. Mũi tên vàng vừa tới nơi trái tim của hoàng hậu, nó như bị một sức mạnh vô hình dừng đứng lại. Và rồi, mũi tên như có con mắt, nó chuyển hướng, quay ngoắt về phía đức vua và lao vút đi. Đức vua chưa kịp định thần, chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì mũi tên đã đến gần trái tim của ông. Và ngạc nhiên làm sao nó cũng dừng sững lại rồi rơi xuống đất!

Cả quảng trường im phăng phắc, trố mắt, sững sờ.

Đức vua bần thần, thả rơi cây cung, lạnh người. Tự nghĩ: “Cây cung truyền đời này, mũi tên đặc biệt này chỉ sử dụng lúc truyền ngôi, với bốn lực sĩ vác đến đặt vào tay thái tử kế vị, yêu cầu phải bắn trúng hồng tâm mặt trống đồng đặt cách xa tối thiểu là một govo(2). Nó có thể xuyên thủng thân cây sālā một vòng ôm. Nó có thể xuyên thủng vách tường thành bằng đá. Thế nhưng tại sao, với mãnh lực nào, uy lực nào nó không dám đụng đến hoàng hậu? Đã không dám đụng đến tội nhân mà nó lại còn quay ngoắt trở lại suýt xuyên thủng lồng ngực ta? Ồ! Vậy đúng là do đức hạnh của hoàng hậu rồi! Chính do giới đức và trái tim nhân từ của hoàng hậu mà mũi tên kia cũng không nỡ giết ta!”

Xúc cảm tâm linh và cũng thành tâm hối quá, đức vua ra lệnh lính cận vệ mở trói cho hoàng hậu và mười cung nữ rồi ông bước tới, quỳ xuống bên chân hoàng hậu, chân thành thốt lên:

- Ta thật có lỗi, xin hậu hãy đại lượng tha thứ cho ta!

Hoàng hậu Sāmāvatī cầm tay đức vua nâng lên:

- Xin bệ hạ giữ gìn ngọc thể!

Đức vua chưa chịu đứng dậy:

- Hậu tha thứ cho ta chớ?

- Đương nhiên! Thần thiếp không những tha thứ cho bệ hạ bây giờ, mà trước khi, trong khi bệ hạ giương cung bắn thì thiếp và tất thảy cung nữ còn rải tâm từ đến cho bệ hạ, đến cho cả người vu oan giá họa hiểm hại chúng thiếp nữa đó!

Đức vua rơi nước mắt:

- Trẫm đã si mê lạc bước lối đi mà không thấy, không biết đường về! Vậy từ nay hậu cho trẫm nương tựa với nhé?(2)

- Vậy là rất tốt! Hoàng hậu nói - Nhưng không phải nương tựa nơi thần thiếp mà bệ hạ phải thành tâm nương tựa nơi đức Chánh Đẳng Giác, vì chính ngài mới là bậc cao quý, cao thượng trên đời này. Nơi mà cõi người và cõi trời đều nương tựa.

- Vâng! Ta sẽ quy y với đức Thế Tôn.

- Bệ hạ phải đích thân đi đến chỗ đức Thế Tôn tức khắc bây giờ chứ?

- Vâng! Ta sẽ làm như vậy.

Đức vua nói xong, đứng dậy ân cần nắm bàn tay của hoàng hậu, khẩn thiết nói:

- Ngay bây giờ đây, trẫm chuẩn hứa cho hậu, rằng là hậu mong ước gì, mơ ước gì, sở thích gì, bất cứ điều gì, trẫm cũng sẵn lòng đáp ứng cho. Nên nhớ đây là ân huệ tối thượng đặc biệt trẫm dành cho hậu đó!

- Vâng! Hoàng hậu Sāmāvatī mỉm cười nói - Một điều thôi! Và đây được xem như ân huệ tối thượng đại vương ban cho thần thiếp. Là sau khi bệ hạ đến bên chân đức Đạo Sư, xin quy y Tam Bảo rồi, thiếp mong bệ hạ cho phép thiếp, thay mặt thiếp thỉnh mời đức Phật cùng năm trăm vị tỳ-khưu đến hoàng cung để cho chúng thiếp được đặt bát cúng dường và được nghe pháp trong vòng bảy ngày. Đấy là ước nguyện khẩn thiết duy nhất của chúng thiếp vậy.

Đức vua khuôn mặt rạng rỡ, gật đầu đồng thuận và trong tâm lại phát sanh lòng kính trọng đối với hoàng hậu vô cùng. Tự nghĩ: “Bà không xin kim cương trân bảo, xin địa vị, quyền lực, không xin truy cứu kẻ mưu hại mình mà chỉ xin được bố thí, cúng dường, nghe pháp! Ồ! Hậu của ta thật sự đã trở thành bậc thánh nhân rồi!”

Đức vua đứng lặng. Vừa tri ân vừa cảm kích tấm lòng vô lượng của hoàng hậu Sāmāvatī. Và ngay giây khắc ấy, đã có một sự chuyển hóa thật sự trong nội tâm của ông.


(1)Các vương triều Ấn Độ cổ xưa không biết như thế nào - nhưng Trung Quốc thì cung nga thể nữ chia nhiều loại, nhiều nhóm khác nhau: Ví dụ tài nữ, học nữ, ca nữ, vũ nữ... Lại còn có một số con gái đẹp được tuyển chọn để đức vua tùy nghi “du hí”, được gọi là ngự nữ! Tuy nhiên, chuyện thường xảy ra trở thành thảm kịch trong hậu cung, là có những cô gái sống đến già đời trong cung vẫn chưa được đức vua ban mưa móc lấy một lần!

(1)Pháp cú chú giải ghi là cây đàn - tôi nghi là cây tiêu, ống tiêu mới có lỗ cho con rắn nhỏ chui vào. Còn “điều tượng” có lẽ là để điều khiển voi chăng?

(2)Tẩm cung: Phòng ngủ.

(1)Tạm dịch nghĩa, đây là cây cung rất nặng, với sức lực của một ngàn con sư tử mới nhấc lên nổi (?).

(2)Là 434 mét.

(2)Dịch thoát từ câu kệ Pāḷi: “Sammuyhāmi pamuyhāmi. Sabbā mayhanti me disā. Sāmāvatī maṃ tāyassu. Tvañca me saranaṃ bhavāti”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/12/2018(Xem: 3373)
Thằng Bửu nấp sau cây phượng vĩ có thân lớn một người ôm không xuể cách cổng trường chừng năm mươi thước. Trong bàn tay đang nắm chặt run rẩy vì giận tức của nó là một hòn đá xanh cứng gồ ghề những góc cạnh. Nó đang chờ, đúng ra thì nó đang rình, rình một người đã hơn nửa giờ qua... Thầy Tiên đang thong thả đạp xe từ hướng trường từ từ chạy đến. Thầy đang nghĩ ngợi nhiều về một đứa học trò ngỗ nghịch và lười biếng nhất của lớp mà thầy làm chủ nhiệm…
30/11/2018(Xem: 4294)
Căn bếp nhỏ thì có gì để nói, nên ánh đèn mờ trong cái bếp không có gì để nói đó thì lại càng không có gì sáng sủa mà được nói tới! Ấy vậy mà ánh đèn đó, trong căn bếp đó đã bất chợt khiến Sư già thổn thức “A Di Đà Phật. Ôi, cảm động biết bao!” Sư già ở một mình trong căn hộ nhỏ đã hơn mười năm nay. Huynh đệ, bạn đạo gần xa cũng thỉnh thoảng ghé qua, hỏi thăm nhau sức khỏe thế nào, tu tập tinh tấn không … Tịnh thất quá đơn sơ nên Sư già cũng chỉ thường đãi khách bằng tinh thần như khi xưa thi hào Nguyễn Khuyến từng tiếp tri kỷ: “Đầu trò tiếp khách, trầu không có Bác đến chơi đây, ta với ta …”
28/11/2018(Xem: 8814)
Am tường những thuật ngữ của văn chương tức là hiểu được những yếu tính của văn chương để rồi từ đó ứng dụng vào tác phẩm của mình hầu làm cho tác phẩm trở nên hay- đẹp, đúng ý mong muốn.
26/11/2018(Xem: 9639)
Xưa trong làng nhỏ vùng quê Có ông đánh trống chuyên nghề lâu nay Một hôm ông được cho hay Tại Ba La Nại nơi đây ăn mừng Có phiên hội chợ tưng bừng Bao người tham dự vô cùng đông vui
18/11/2018(Xem: 3343)
Vì là khu dân cư mới đang được hình thành qua từng tháng năm với tốc độ xây dựng chậm chạp, khoan thai, nên còn rất nhiều con đường liên thôn liên xóm chưa được đổ bê-tông, trông như một bức tranh lem nhem nhếch nhác, dở dang đang chờ đôi bàn tay tài hoa của nghệ sĩ hạ thủ công phu dứt điểm vào một buổi sớm tươi sáng cho hoàn mỹ chỉnh chu.
16/11/2018(Xem: 3205)
Cả đám bảy, tám đứa tuổi choai choai đang quây quần nhậu nhẹt hò hét, làm huyên náo cả cái thôn vắng vẻ nằm ven biển. Những nhà ở gần đó không ai nghỉ ngơi, chợp mắt ngủ trưa được sau một buổi quần quật với công việc làm. Không ai dám hé môi động răng lên tiếng trước cái đám “quỷ sống” nổi tiếng là “quậy tới bến” này, dù là lên tiếng van lơn năn nỉ chứ không phải răn đe khuyên bảo…
16/11/2018(Xem: 3173)
Ngày 1 tháng 4 năm 1975. Thành phố biển Nha Trang hiền hòa bỗng chốc biến động, trở nên hoảng loạn. Chợ Đầm bị đập phá, phát hỏa. Bọn cướp giật, đâm thuê chém mướn đủ các loại hạng từ các trại giam phá ngục ùa ra đường, túa đi khắp các ngõ, nhập vào những dòng người tất tả, hăm hở đi hôi của. Những quân nhân “Cộng Hòa” ở các trại lính cũng bỏ hàng ngũ chạy về thành phố, luýnh quýnh và sợ hãi, như rắn mất đầu, cầm cây súng trong tay như mang một của nợ khủng khiếp. Súng quăng lăn lóc ngoài đường, đạn dược ném vung vãi nơi công viên, bãi biển, trở thành những thứ vũ khí cực kỳ lợi hại và đắc dụng cho bọn đầu trộm đuôi cướp đang có mặt khắp các nẻo đường với một bầu máu tham sôi sục. Trong mấy giờ chính quyền cũ bỏ chạy, chính quyền mới chưa lập lại được trật tự ấy, thành phố như đầy hiểm họa và đổ nát, làm cho những người lương thiện, người thật thà và nhát gan phải chui rúc ru rú trong nhà đã đóng cửa cài then với những lời cầu nguyện triền miên trên môi…
16/11/2018(Xem: 3878)
Đó là tên gọi của "dự án" mới tinh toanh của Tâm Không - Vĩnh Hữu, sẽ gồm những câu chuyện ngắn thú vị nhưng hàm chứa nhiều điều để suy ngẫm về cuộc sống đa sắc màu luôn sống động bất trắc, cũng như luôn bình lặng an vui, khi tu học và ứng dụng Phật pháp. Mục đích là khuyến tu, là nhắc nhở những người con Phật hãy Thực Hành, chứ đừng mãi Thuyết Suông! Tác giả khởi viết từ chiều nay, cho đến khi được chừng trăm câu chuyện, sẽ in thành tuyển tập để phổ biến rộng khắp với tâm nguyện phụng sự của một “hoằng pháp viên” nhỏ bé như viên sỏi. Xin giới thiệu câu chuyện đầu tiên:
13/11/2018(Xem: 3357)
Hôm ấy, trời trong xanh sáng mượt, muôn hoa đang khoe sắc, ong bướm dập dìu bay lượn dưới ánh nắng hồng dịu đẹp. Hạt Bụi vừa trở mình mở mắt ra và cảm thấy quá đỗi ngỡ ngàng, tò mò với vạn vật xung quanh. Mọi thứ đều trở nên lung linh sinh động, lạ lẫm trước mặt mặc dù Hạt Bụi vẫn ở đây từ bao kiếp trước đến giờ. Có lẽ, sau khi tu luyện chứng quả thành hình người, cơ thể thay đổi, có đủ lục căn nên việc bắt đầu tiếp xúc sáu trần khiến Hạt Bụi trở nên tò mò hơn. Cảm giác có thể dung tayđể sờ chạm vào vật thể thật tuyệt vời Sư Phụ hỉ, con thích lắm cơ. Sư Phụ chỉ ngồi lặng yên quan sát rồi mỉm cười nhẹ và nói. Hạt Bui à. nay con đã có đủ hình hài của con người rồi thì cũng nên đổi lại tên cho hợp với con người nhé. Hạt Bụi nhanh nhảu đáp: Tên là gì hở Sư Phụ? Con là Hạt Bụi mà. Vậy Hạt Bụi có phải là tên của con không?
13/11/2018(Xem: 3082)
Như thường lệ, sau giờ điểm tâm sáng, tiểu Ngọc đều ra khoảng sân rộng trước đài Quan Âm đọc truyện tranh Phật Giáo.Ngọc chọn một chỗ lý tưởng cho mình rồi nhẹ nhàng ngồi xuống với tư thế hoa sen, hít vào thật sâu và thở ra thật chậm rãi,3 lần trước khi bắt đầu đọc sách.Làm như vậygiúp lưu thông khí huyếtdẫn lên não bộ để tiếp nhận thông tin tốt nhất.Đây là công việc hàng ngày củaNgọc vì là chú tiểu nhỏ nhất chùa nên không phải chấp tác. Trời trong xanh, gió xuân hiu hiu thổi, tiểu Ngọc bắt đầu lật từng trang sách dưới gốc cây hoa Anh Đào. Đang chăm chú đọc từng dòng kinh, kệ thì một cơn gió nhẹ lướt qua thổi rơi cánh hoa trên cành,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]