Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

37. Những Câu Hỏi Vớ Vẩn !

15/03/201410:39(Xem: 33979)
37. Những Câu Hỏi Vớ Vẩn !
mot_cuoc_doi_bia_3

Những Câu Hỏi Vớ Vẩn





Còn vài tháng nữa đến hạ thứ chín, từ Bārāṇasī, đức Phật bộ hành lên thượng lưu sông Gaṅgā với năm trăm vị tỳ-khưu, trong đó có một số trưởng lão đi theo để chăm sóc hội chúng như Moggallāna, Ānanda, Nanda. Đặc biệt, tôn giả Sāriputta dẫn theo một số sa-di chững chạc như Rāhula, Sīvali để hướng dẫn, kèm cặp, rèn tập đời sống không cửa, không nhà.

Tại ngã ba sông Yamunā, đức Phật định đến an cư mùa mưa tại đất nước Vaṃsā. Tin tức này nhanh chóng lan truyền đây đó khắp kinh thành Kosambī. Tuy nhiên, đức Phật chưa ghé kinh thành vội, ngài bảo dừng chân ở một thị trấn có công viên Badarikārāma, cách Kosambī chừng hai do-tuần(1)vì ở đây cũng có một tịnh xá lớn. Trước đây nhiều năm, các vị trưởng lão đã hành hóa ở nơi này, đặc biệt là tỳ-khưu Khemaka; và nghe nói, những cốc liêu và những công trình chính và phụ đã khá hoàn chỉnh.

Đức Phật nói với đại chúng:

- Như Lai phải ghé thăm Badarikārāma vì mấy năm trước, ở đây đã xảy ra một câu chuyện lạ lùng và thú vị!

Nói thế xong, đức Phật đột ngột im lặng. Lát sau, ngài tiếp tục:

- Tự mình thuyết pháp cho người về đạo lộ giải thoát A-la-hán rồi tự mình đắc quả A-la-hán luôn là câu chuyện lạ lùng đầu tiên trong giáo hội của Như Lai!

Biết mọi người ai cũng tò mò muốn nghe hư thực, đức Phật kể tiếp như sau: 

- Tỳ-khưu Khemaka thuộc dòng tộc Sākya, nhiều năm về trước, ông ta xuất gia ở Rừng Cây Đa tại Kapilavatthu thuở Như Lai về thăm quê nhà lần thứ hai. Sau khi nhận được đề mục tu tập từ Như Lai, ông ta xin được đi về một phương trời xa xôi để hành đạo. Vị tân tỳ-khưu này tu tập rất tinh tấn. Bản thân Như Lai và cả Mahā Moggallāna đã giúp đỡ nhiều lần, sau đó ông đắc được quả vị Tư-đà-hàm. Từ đó, ông ta lang thang du hóa nơi này và nơi khác, khi đến công viên Badarika thì ông ta ngã bệnh. Đây là một vùng dân cư thưa thớt, công viên này là nơi cư trú của nai, khỉ, thỏ, sóc và chim. Ở nơi một cái chòi hoang, tỳ-khưu Khemaka cứ bình tĩnh dùng năng lực của định thiền mà chữa bệnh.

Chuyện kể tiếp theo. Có một vị tỳ-khưu tên là Dasaka xuất thân là nô lệ, ông ta là con của một nữ nô lệ trong đại gia đình trưởng giả Cấp Cô Độc. Khi tịnh xá Kỳ Viên đi vào sinh hoạt, công việc ở đấy rất bộn bề, trưởng giả Cấp Cô Độc đã sai thanh niên nô lệ Dasaka hằng ngày đến đấy để trông coi vườn tược kiêm cả việc gác cổng. Dasaka bẩm chất tháo vát, lanh lợi, chịu khó nên ai cũng mến yêu và tin cậy. Ngày qua ngày, Dasaka cảm thấy đời sống xuất gia sao mà thanh bình, an ổn và cao đẹp quá, cậu thầm ước ao trong lòng, là làm sao mình cũng sống được đời sống phạm hạnh như vậy. Hôm kia, đến Kỳ Viên có việc, trưởng giả Cấp Cô Độc tình cờ trông thấy Dasaka đứng lặng trông theo đoàn chư vị tỳ-khưu đang ôm bát vào kinh thành để khất thực. Đôi mắt của Dasaka như bị hút dính vào hình ảnh vô sự và thanh thoát ấy không chịu buông rời.

- Con đang suy nghĩ gì đấy, này Dasaka?

Trưởng giả cất tiếng hỏi, Dasaka giật mình quay lại, lắp bắp:

- Dạ... dạ...

Như đọc được tâm ý của người thanh niên, ông trưởng giả quan tâm cất tiếng hỏi:

- Con có thích đời sống ấy không, Dasaka?

- Thưa, con không dám đâu. Con là thân phận nô lệ thấp hèn...

Trưởng giả với tấm lòng bao dung, rộng lượng, nở nụ cười thơm ngát như đóa hoa sen:

- Giáo hội của đức Tôn Sư không hẹp hòi thế đâu con! Máu ai cũng đỏ và nước mắt ai cũng mặn, ngài không hề phân biệt giai cấp. Nếu con sống được đời sống xuất gia cao thượng ấy, ta sẽ xóa bỏ thân phận nô lệ cho con. Khi ấy con sẽ không còn là kẻ nô lệ thấp hèn nữa. Và nếu con tu tập tốt, ta sẽ đảnh lễ con, cúng dường những vật dụng cần thiết đến cho con với tất cả tấm lòng thành, với tất cả sự quý kính...

Thanh niên Dasaka xúc động, chảy nước mắt, quỳ xuống ôm chân trưởng giả, nghẹn ngào không nói được nên lời.

Thế rồi, sau đó, thanh niên Dasaka được xuất gia. Tuy tu hành định tuệ gì cũng không bằng người nhưng ông ta có đức tính phục vụ rất nổi bật. Bất cứ việc gì mà chư tăngi giao phó, ông đều vâng lời chu toàn bổn phận. Đặc biệt, do trong dòng nghiệp, tích lũy nhiều đời là phi nhân nên ông ta có đôi chân đi nhanh và dẻo dai đến lạ lùng. Do vậy, việc trao truyền thông tin đây đó, từ quốc độ này sang quốc độ khác, từ tịnh xá này sang tịnh xá kia thường là trách nhiệm và bổn phận của Dasaka. Cũng vì việc Tăng nên hôm kia tỳ-khưu Dasaka đến Kosambī, đúng lúc, tỳ-khưu Khemaka ngã bệnh đang nằm một nơi hẻo lánh tại Badarika.

Chư tăngi Kosambī từ lâu vốn đã nghe tiếng tu hành nghiêm túc của tỳ-khưu Khemaka, rất ngưỡng mộ ngài nên nhờ tỳ-khưu Dasaka đến thăm hỏi bệnh tình.

Tỳ-khưu Dasaka vốn thất học, chất phác, không biết ăn nói nên tình thật hỏi:

- Vậy phải thưa hỏi làm sao?

- Nói là chư tăngi Kosambī quan tâm, lo lắng thăm hỏi bệnh tình của ngài, hiện ngài có kham nhẫn nổi với cơn đau hay không? Ngài đã xoay xở và tự chữa bệnh cho mình có hiệu quả hay không?

Đến công viên Badarika, tỳ-khưu Dasaka thấy tỳ-khưu Khemaka nằm bệnh nơi một cái chòi hoang tồi tàn, dường như chỉ còn bộ xương nhưng thần sắc rất an nhiên, tự tại. Sau khi lặp lại lời thăm hỏi của chư tăng Kosambī, đợi câu trả lời nhưng không nghe ông ta nói gì cả. Tỳ-khưu Dasaka bèn tự động đi quét dọn, chùi rửa nơi này nơi khác, tìm cách múc nước đầy nơi chỗ chứa - lặng lẽ đảnh lễ vị trưởng lão rồi từ giã. Trước sau, tỳ-khưu Khemaka vẫn không nói một lời, ông chỉ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Mấy ông tỳ-khưu ở Kosambī không có việc gì làm hay sao mà cho người đến thăm hỏi vớ vẩn như vậy chứ? Tu không chịu tu, cứ làm ba cái chuyện tào lao không!”

Lần thứ hai, sau khi không nhận được câu trả lời nào, tỳ-khưu Dasaka được cử đi một lần nữa, với câu hỏi của chư tăng ở Kosambī: “Ngài đã thấy tự tánh của ngũ uẩn chưa?” Lần này, tỳ-khưu Khemaka cũng chẳng ừ với chẳng hử! Tiếp tục, tỳ-khưu Dasaka được cử đi lần thứ ba với câu hỏi: “Ngài đã đắc quả A-la-hán chưa?” Nghĩ là với câu hỏi ấy thì hơi quá đáng, và cũng đã “quá tam ba bận”, không đáp không được, tỳ-khưu Khemaka nói cộc lốc, cụt ngủn:“Chưa!”

Thế mà vẫn không yên, Dasaka được cử đi lần thứ tư với câu hỏi: “Khemaka có nghĩa là gì trong tự tánh?”

Hết chịu nổi với những câu hỏi ngu ngốc, phù phiếm của những tỳ-khưu ở Kosambī, bốn lần khó chịu dường như vón đặc lại thành một cục trong cổ họng, khạc mãi không ra, tỳ-khưu Khemaka vùng ngồi dậy. Mặc dầu sức khỏe còn yếu, ông cũng gắng gượng chống gậy cùng với tỳ-khưu Dasaka đến Kosambī. Và thật kỳ diệu, do đường xa lao nhọc, ông toát mồ hôi lớp này đến lớp khác và người cảm thấy rất nhẹ nhàng, rồi lành bệnh.

Và cuộc đối thoại giữa tỳ-khưu Khemaka với nhóm sáu mươi tỳ-khưu ở Kosambī đã xảy ra:

- Tại sao quý vị làm phiền tôi quá vậy?

- Nghe đồn về đời sống giới hạnh nghiêm túc và khả năng giáo pháp của ngài, nên chúng tôi chỉ muốn học hỏi thôi!

- Thế tại sao quý vị không chịu khó khởi cái tâm một chút, chịu khó nhấc cái chân một chút mà lại làm phiền đến tỳ-khưu Dasaka chất phác và hiền lành này?

- Chúng tôi thấy người bạn trẻ này rất nhiệt tình và không hề than van lấy nửa lời.

- Hóa ra, do vậy mà các vị đã lợi dụng lòng tốt của người ta?

- Chúng tôi xin sám hối!

- Không phải là với tôi!

Tỳ-khưu Dasaka vội xua xua tay, mỉm cười nói:

- Tôi có đôi chân tốt, giúp nhau một tí thôi! Không cần thiết phải nghiêm trọng sám hối như vậy đâu!

Sau đó, đoạn đối thoại được tiếp tục.

Tỳ-khưu Khemaka nghiêm sắc mặt:

- Rồi còn những câu hỏi nữa. Tại sao chư vị cứ chơi cái trò rỗng không và vô ích như thế?

Nhóm tỳ-khưu kia cúi đầu như nhận lỗi. Tỳ-khưu Khemaka nghĩ là cần phải nghiêm khắc, đưa họ từ đường biên, trở về với nẻo chánh, bèn thuyết giáo rằng:

- Chỉ những câu nói giúp nhau tiến triển giới, định, tuệ và tuệ giải thoát mới được gọi là lời nên nói, mới là chánh ngữ, đấy là lời nghiêm huấn của đức Tôn Sư. Ngoài ra, không chỉ nói và nghe suông mà còn cần phải thực hành, thường trực niệm và quán ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày. Tự tánh của ngũ uẩn là sanh diệt, là rỗng không, điều đó ai cũng biết, nhưng chỉ biết bằng tưởng tri hoặc thức tri thì có ích lợi gì, có hay hướm gì mà đặt câu hỏi? Cái biết ấy chỉ là ngoài da. Chúng phải được nhìn thấy và chứng nghiệm bởi tuệ giác do công phu hành trì miên mật, quý vị phải hiểu như thế chứ !

Thấy nhóm tỳ-khưu kia có vẻ chăm chú lắng nghe, có vẻ phục thiện nên ngài tiếp:

- Còn Khemaka có nghĩa là gì trong tự tánh ư? Chẳng có gì ráo! Nó chỉ là cái tên suông thôi! Tuy nhiên, ngay chính tôi cũng chưa hề thấy được như thực cái tên suông ấy, cái danh ấy, bao giờ tôi cũng sinh khởi cái tôi ấy mà biết, sinh khởi cái của tôi ấy mà hành! Chưa bao giờ tôi trả được tự tánh vô thường, vô ngã lại cho vô thường và vô ngã cả! Tôi chưa làm được điều đó. Một vị thánh A-na-hàm dầu đã đoạn tận năm món kết buộc và sai sử(1)mà vẫn còn bị ràng buộc bởi cái tôi ấy, cụ thể là vẫn còn ngã mạn, phóng tâm và vô minh. Chư vị hãy biết rõ như vậy, thấy rõ như vậy chứ!

Lời của tỳ-khưu Khemaka vừa chấm dứt, chợt ông lặng người, một sự kỳ diệu xảy ra trong tâm ông, ông đắc quả A-la-hán ngay tại chỗ. Và còn kỳ diệu hơn thế nữa, sáu mươi vị tỳ-khưu kia cũng đắc quả A-la-hán luôn.

Thế rồi, khi câu chuyện này được lan truyền ra, mọi người tín mộ, cả tăng và tục ùn ùn kéo đến; từ đó, Badarika mới bắt đầu được xây dựng cốc liêu ngày càng nhiều và mọi công trình chính và phụ trông cũng tươm tất. Hiện giờ được gọi là công viên Badarikārāma.

Đức Phật kể ngang đó, biết mọi người còn thắc mắc về thân phận nô lệ của tỳ-khưu Dasaka, ngài nói tiếp, và sau đó, ai cũng hiểu như sau:

- Bây giờ tỳ-khưu Dasaka đã đắc quả A-la-hán rồi. Trước đây, ông tinh tấn phục vụ thì tốt nhưng hễ cứ ngồi thiền thì hôn trầm, thụy miên lại kéo đến. Đức Phật và tôn giả Mahā Moggallāna đã khiển trách và cũng đã nhiều lần sách tấn, khuyến khích, tìm biện pháp thích nghi dìu dắt ông ta từng bước một. Do nhân duyên quá khứ, cách đây chín mươi mốt kiếp (kappa), tiền thân Dasaka gặp được đức Phật Độc Giác Ajita và có cúng dường đến vị này một quả xoài. Đến thời đức Phật Kassapa, ông ta đã là một vị tỳ-khưu. Đây là nhân và duyên giúp tỳ-khưu Dasaka đắc A-la-hán quả. Tuy nhiên, trong một kiếp quá khứ khác, ông ta sai bảo một vị A-la-hán làm một số việc lặt vặt cho mình nên đã nhiều đời kiếp phải mang thân nô lệ.

Nhân như vậy đó, duyên như vậy đó và quả cũng như vậy đó. Hóa ra từ những câu hỏi vớ vẩn, mà cuối cùng, từ cái vớ vẩn mà thành tựu đạo quả! Thật kỳ diệu và thú vị vậy thay!



(1)14 dặm Anh - là theo sử liệu của Tây, nhưng theo cách tính quen thuộc là 32km.

(1)5 món kiết sử: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tình dục, bất bình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/09/2016(Xem: 5686)
Vào cuối đời Tây Tấn, vua Huệ Đế ngu tối, việc triều chính đều do hoàng hậu Giả thị chủ trương. Giả hậu là người nham hiểm, lại biết quyền biến đởm lược, mưu giết các thân vương, phế bỏ Thái tử. Triệu Vương Luân bèn phẫn uất, cử binh giết Giả hậu, truất phế vua Huệ Đế mà tự xưng lên làm vua. Các thân vương khác thấy vậy cũng dấy binh tranh giành lẫn nhau, cốt nhục tương tàn, làm cho nhà Tấn suy yếu.
22/08/2016(Xem: 4617)
Sáng hôm nay trong thinh lặng của một sáng chủ nhật mùa đông, tôi muốn dành tâm trí thảnh thơi để viết vài hàng trả nợ cho cô bạn tí hon ngày xưa. Nợ vì tôi cứ hẹn sẽ viết cho nàng. Gọi là bạn nhưng chưa bao giờ nói chuyện, gọi là bạn vì học cùng trường. Tí hon vì nhỏ hơn tôi ba tuổi. Từ nhỏ, tôi có một tật rất xấu, tôi xem ai nhỏ tuổi hơn tôi là con nít. Vì sao chỉ hơn vài tuổi mà khi nào tôi cũng có cảm tưởng như mình đứng rất cao để nhìn xuống những người tí hon này!
11/08/2016(Xem: 4229)
Nó không biết chính xác năm nay mình bao nhiêu tuổi, chỉ nghe sư thầy nói nó ở chùa đã 12 năm với cái tên Quảng Chân Tâm. Tất cả những đứa trẻ ở chùa ngoài tên đời do cha mẹ đặt, sư thầy đều cho pháp danh với chữ Quảng đứng đầu.
03/08/2016(Xem: 37079)
Nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện [1941 - 2011] qua đời năm 2011 tại Houston, nhưng chuyện kể, các bài viết về anh đã nhiều lầm lạc : Người viết : anh bỏ áo tu hành lấy cô vợ người Pháp, theo Thiên Chúa Giáo, kẻ khác viết : anh không hề có một mảnh bằng kể cả bằng tú tài mà dạy Triết Học Viện Đại học Sorbonne, mười lăm tuổi anh đọc và viết hàng chục ngôn ngữ, mười lăm tuổi anh dạy trung học, hai mươi tuổi anh là khoa trưởng khoa Khoa Học Nhân Văn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, anh là triết gia không cần học một ai ? Dạy Triết học tại một Đại Học Pháp mà không cần một văn bằng nào ?
25/07/2016(Xem: 5300)
Người đàn bà đến bên cửa sổ ghé mắt nhìn ra ngoài trời. Qua lớp mưa mù dầy đặc trắng xoá ngoài kia bà chẳng nhìn thấy được gì ngoài những tia chớp xé toạt không gian kèm theo hàng loạt tiếng sấm như long lỡ đất trời. Thời tiết chiều nay quá xấu, xấu hơn người ta đã dự đoán và xấu hơn sự suy nghĩ của Quang, đứa con trai lớn của bà. Đã mấy tháng rồi nó mới có dịp bay về thăm bà vậy mà hôm nay trời lại mưa bão quá chừng! Trước khi lên máy bay nó còn gọi báo cho bà biết: - Bên đây thời tiết đẹp lắm má! Mong rằng khi con bay sang đến Cali thì trời quang mây tạnh, con sẽ chở má đi ăn và ở chơi với má đến tối mới về lại khách sạn.
06/07/2016(Xem: 8671)
Hôm nay là ngày 10 tháng 6 năm 2015, tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 65 của mình với tựa đề là “Nước Úc trong tâm tôi” để sang năm 2016 sẽ xuất bản và ấn tống. Tác phẩm nầy được viết trong mùa An Cư Kiết Hạ lần thứ 31 của năm Ất Mùi, nghĩa là từ năm 1984 đến nay (2015) cứ mỗi năm ba tháng như vậy, Thầy trò chúng tôi có trọn vẹn 3 tháng an cư tại chùa Viên Giác thật là an lạc. Chương trình mỗi ngày được bắt đầu từ 5 giờ 45 sáng. Đại Chúng vân tập nơi Tổ Đường để xá Tổ, sau đó lên Chánh Điện, hô canh và tọa thiền 15 phút. Sau khi xả thiền, Đại Chúng bắt đầu trì tụng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm, phần giữa của thời khóa có kinh hành niệm Phật ba vòng, tiếp đó lạy danh hiệu của chư Phật, Bồ Tát và Thánh Chúng độ 35 lạy. Sau thời công phu khuya ai về phòng nấy để nghỉ ngơi hay hành trì tiếp, hoặc tập thể dục. Đúng 8 giờ sáng là giờ điểm tâm của Đại Chúng, ai nấy đều tỉnh thức trong lúc dùng sáng, không nói chuyện, mà câu chuyện hằng ngày chỉ được
13/06/2016(Xem: 4396)
Hoa Lan nhất định không đầu hàng ngẩng mặt than thở: “Đời là bể khổ, tình là giây oan“ như cụ Tố Như đâu. Hoa Lan phải tâm tâm niệm niệm cột vào tâm câu Nhất thiết duy tâm tạo, khổ hay vui đều do cái đầu và bàn tay năm ngón của ta điều binh khiển tướng. Hoa Lan sẽ kể về nỗi khổ, niềm đau của thế gian trong trường thiên Tỵ Nạn Tình Duyên, một vấn nạn trong cuộc sống lứa đôi, trong vòng ái ân, sinh tử. Nỗi khổ chúng sanh chỉ cần khoanh vùng trong hai chữ tỵ nạn cũng đủ làm ta khiếp vía. Nào tỵ nạn cộng sản, con rơi của tỵ nạn chính trị, cháu rớt của tỵ nạn kinh tế, những đề tài ấy nhắc đến đã đủ ù tai hoa mắt và cũng chẳng phải là sở trường của mình, Hoa Lan sẽ kể về đề tài tỵ nạn tình duyên, nơi đã đi, đã đến và đã về.
01/06/2016(Xem: 13206)
Bài này được viết như một ghi chú cho Thiền Tông, để như một cách tiếp cận đơn giản… và hy vọng, cũng là một ghi chú cho rất nhiều pháp khác của nhà Phật, kể cả Tịnh Độ. Bởi vì, Thiền Tông là pháp môn cốt tủy nhất, trực tiếp nhất, không qua bất kỳ phương tiện nào khác, và cũng có thể dùng làm chiếc cửa lớn cho tất cả các pháp khác.
31/05/2016(Xem: 20940)
Chuyện xảy ra ở Việt Nam, nhưng lại bắt đầu từ bên Mỹ. Số là, vào khoảng thời gian năm 1956, có một kỹ sư Hoa Kỳ tên là Frank M.Balk. Chàng kỹ sư này suốt đời chẳng biết gì về cái xứ bé nhỏ xa xôi tận vùng Đông Nam Á tên gọi là Việt Nam cả.
27/05/2016(Xem: 6564)
Bao nhiêu năm ao ước cho đến hôm nay tôi mới có duyên lành được hành hương về Tây Trúc - Tây Trúc hay Thiên Trúc là tên gọi trước đây của xứ Ấn Độ. Trong phái đoàn tôi đi có nhóm Sợi Nắng và các Phật tử đến từ Canada cũng như Hoa Kỳ. Về chư Tăng thì có thầy Tánh Tuệ - nhà thơ Như Nhiên. Thầy là người từng sống và học tập ở Ấn Độ suốt bảy năm nên thầy nắm rất rõ về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán... của người Ấn Độ. Cũng chính vì thâm niên như vậy nên nước da thầy rám nắng và người ta thường gọi thầy với cái tên rất gần gũi là "thầy cà-ri". Ngoài ra, phái đoàn còn có thêm sư cô An Phụng và sư cô Huệ Lạc
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]