Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

56. Ba mươi ba vị Tổ sư

02/03/201421:55(Xem: 19468)
56. Ba mươi ba vị Tổ sư
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)

4- Ba mươi ba vị Tổ sư[1]

Sau đức Phật Tổ Gotama Sàkyamuni, có tất cả 33 vị Tổ, gồm 28 vị Tổ tại Ấn Độ và 6 vị Tổ tại Trung Hoa truyền tâm ấn cho nhau. Đức Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma) vừa là vị Tổ thứ 28 tại Ấn Độ vừa là sơ Tổ tại Trung Hoa.

1. Mahà Kassapa[2](Ma Ha Ca Diếp) năm -623 đến -520

Tổ Mahà Kassapa, cùng một tuổi với Phật, tên thật là Pippalayana (Tất Bát La Dà Na) vì mẹ ngài sanh ngài dưới cội cây Pippala (Tất-bát-la), quê ở làng Mahàtittha, ngoại ô thành Vương Xá (Ràjagaha), thuộc gia đình trưởng giả giàu có lớn, dòng Bà-la-môn. Cha tên Kapila (Ẩm Trạch, Ni Câu Lư Đà Kiệt Ba), mẹ tên Hương Chí. Thuở bé, ngài đã rất thông minh, dung nghi trang nhã, toàn thân màu vàng, tỏa ánh sáng rất xa. Có thầy xem tướng nói : “Đứa bé này đời trước có phước đức lớn, chắc sau này sẽ xuất gia.” Cha mẹ ngài nghe nói lo sợ, cùng bàn với nhau sẽ cưới vợ cho ngài sớm.

Vừa lớn lên, cha mẹ liền lo chọn người lập gia thất, nhưng ngài một mực từ chối. Sau cùng, bất đắc dĩ ngài nói : “Có người con gái nào thân đồng màu sắc như con, con mới ưng.” Đến năm 607 trước tây lịch, ngài phải vâng lời cha mẹ, lập gia đình với bà Bhadda (Diệu Hiền), quê ở làng Sàgala gần Vesàlì, cũng có thân hình màu vàng tỏa sáng như ngài. Nhưng cả hai người đều không thích việc ân ái vợ chồng, chỉ thích sống đời phạm hạnh, thanh tịnh. Tuy là vợ chồng nhưng hai người ngủ giường riêng.

Theo kinh sách ghi chép, sau khi đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassì) nhập niết bàn, tứ chúng xây tháp thờ xá-lợi, trong tháp có an trí một pho tượng Phật phết vàng. Lâu ngày, trên mặt pho tượng bị lở khuyết. Có một cô gái trao một đồng tiền vàng cho thợ đúc vàng nấu ra để tu bổ lại tượng Phật. Cô gái đó là tiền thân của bà Bhadda, và người thợ đúc vàng là tiền thân ngài Mahà Kassapa. Do nhân duyên đó mà cả hai người đều có sắc thân màu vàng ròng.

Năm -589, một buổi sáng nọ, khi thức giấc, Mahà Kassapa thấy bà Bhadda đang ngủ say, một cánh tay buông thỏng từ trên giường xuống gần tới mặt đất. Một con rắn độc đang trườn qua dưới gầm giường, gần cánh tay. Mahà Kassapa nín thở, nhẹ nhàng bước đến cầm tay bà đặt lên giường. Bà giật mình thức dậy trách ông có ý không tốt, ông liền chỉ con rắn đang bò ra khỏi nhà. Cả hai người cùng ngồi chiêm nghiệm về tính cách vô thường của cuộc đời. Bà khuyên ông nên tức tốc đi tìm thầy học đạo. Ông rời nhà đi tìm thầy đúng vào ngày đức Phật vừa thành đạo.

Một hôm, vào năm -587, vừa trông thấy Phật đang ngồi tại đền Bahaputta, giữa đường từ Ràjagaha đến Nàlandà, ngài liền bước đến trước Phật đảnh lễ, xin xuất gia. Hai người vừa gặp nhau liền nhận ra duyên thầy trò. Chỉ 8 ngày sau khi xuất gia, ngài chứng quả A-la-hán. Trong hàng đệ tử Phật, ngài nổi tiếng tu hạnh đầu-đà[3]đệ nhất, và được xếp vào hàng thứ ba trong mười đệ tử lớn của Phật, sau ngài Sàriputta (Xá Lợi Phất) và ngài Moggallàna (Mục Kiền Liên).

Đến năm -585, sau khi đức Phật cho phép hoàng hậu Pajàpati Gotamì xuất gia và thành lập Ni bộ, bà Bhadda cũng xin xuất gia, về sau cũng đắc quả A-la-hán.

Theo điển tích “Niêm hoa vi tiếu”, Tổ Mahà Kassapa được đức Phật trao truyền “Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết bàn Diệu Tâm, Thật Tướng Vô Tướng, Vi Diệu Pháp Môn” trên đỉnh núi Griddhakùta (Linh Thứu). Theo kinh điển đại thừa thì sau đó đức Thế Tôn đến trước tháp Đa Tử gần cổng bắc thành Ràjagaha (Vương Xá), gọi ngài Mahà Kassapa đến, chia nửa tòa cho ngồi, lấy y tăng-già-lê (sanghàti) quấn vào mình cho ngài, rồi nói kệ phó pháp:

Pháp bổn pháp vô pháp,

Vô pháp pháp diệc pháp.

Kim phó vô pháp thời,

Pháp pháp hà tằng pháp.[4]

Năm 544 trước tây lịch, ba tháng sau khi Phật nhập niết bàn, Tổ Mahà Kassapa chủ tọa cuộc kiết tập kinh điển lần thứ nhất tại động Sattapanna, trên núi Vaibhara, tại Ràjagaha (Vương Xá). Và chính ngài trùng tuyên tạng Luận (Abhidhamma).

Khoảng năm -540, sau khi truyền pháp cho tôn giả Ànanda với bài kệ :

Pháp pháp bổn lai pháp,

Vô pháp, vô phi pháp.

Hà ư nhất pháp trung,

Hữu pháp, hữu phi pháp ?[5]

Tổ Mahà Kassapa vào núi Kukkutapada (Kê Túc Sơn, còn gọi là Linh Sơn hay Kỳ Xà Quật) ẩn thân và nhập diệt trong tư thế kiết già. Nhiều người cho rằng Tổ nhập định, chờ đến khi đức Phật Di Lặc ra đời, Tổ trao lại y bát của đức Phật Thích Ca rồi mới nhập vô dư y niết bàn.

Trong hội Pháp Hoa, đức Phật có thọ ký cho Tổ Mahà Kassapa sẽ thành Phật hiệu là Quang Minh Như Lai (Ramiprabhasa Tathàgata) ở thế giới Quang Đức (Avabhasa), kiếp Đại Trang Nghiêm (Mahà Vyuha kalpa).

2. Ànanda (A Nan) năm -604 đến -485

Tổ Ànanda[6]sanh năm -604, tại Kapilavatthu, cha là Amitodana (Cam Lộ Phạn vương). Ngài là em chú bác với Phật, nhỏ hơn Phật 19 tuổi. Ngài có tướng mạo trang nghiêm nhưng hiền hòa, phúc hậu, dễ gây cảm tình; tánh tình chính trực nhưng hòa nhã với tất cả mọi người; ngoài ra ngài còn có trí nhớ thật tuyệt vời, có thể nói lại một bài pháp của Phật không thiếu một câu, không sai một tiếng. Có bài kệ của Bồ tát Manjusri (Văn Thù Sư Lợi) khen tặng ngài Ànanda như sau :

Tướng như thu mãn nguyệt

Nhãn tợ thanh liên hoa

Phật pháp như đại hải

Lưu nhập A Nan tâm

Dịch :

Tướng như trăng thu đầy,

Mắt biếc tợ sen xanh,

Phật pháp rộng như biển,

Đều vào tâm A Nan.

Năm -587, ngài được 18 tuổi, cùng xin xuất gia một lượt với Devadatta, Anuruddha, Bhaddiya, Bhagu, Kimbila và người thợ hớt tóc tên Upàli, tại thành phố Anupiya, xứ Malla. Hai năm sau ngài thọ cụ túc giới tỳ kheo.

Năm -585, ngài Ànanda khéo léo xin với đức Phật cho hoàng hậu Pajàpati Gotamì và 500 nương tử dòng Sàkya và Koliya xuất gia tại Vesàlì, nhờ đó mới có Giáo Đoàn Tỳ Kheo Ni còn lưu truyền đến ngày nay.

Năm -570, hạ thứ 20, ngài Ànanda được cử làm thị giả thường xuyên cho Phật.

Năm -544, hạ thứ 46, Thượng tọa Ànanda vừa chứng quả A-la-hán, được tham dự cuộc kiết tập kinh điển lần thứ nhất tại Ràjagaha (Vương Xá), và chính ngài được mời trùng tuyên tạng Kinh.

Năm -540, ngài Ànanda được Tổ Mahà Kassapa truyền pháp làm Tổ thứ hai tại Ấn Độ. Kinh sách ghi chép : Một hôm, ngài Ànanda hỏi Tổ Mahà Kassapa :

– Sau khi đức Thế Tôn truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng cho sư huynh tại Linh Thứu sơn, ngài có truyền pháp gì khác nữa chăng ?

Tổ Mahà Kassapa liền nhìn ngài Ànanda, gọi :

– Ànanda !

– Dạ !

– Cây phướn trước chùa ngã.[7]

Ngài Ànanda liền ngộ rằng ngoài Tánh Giác sẵn có của mọi người, tất cả sự vật khác đều huyễn-hóa như lông rùa sừng thỏ. Sau đó ngài Ànanda được Tổ Mahà Kassapa truyền tâm ấn.

Năm -520, Tổ Ànanda truyền pháp cho ngài Sanavasin (Thương Na Hòa Tu) với bài kệ :

Bổn lai truyền hữu pháp,

Truyền liễu ngôn vô pháp.

Các các tu tự ngộ,

Ngộ liễu vô vô pháp.[8]

Đến năm 120 tuổi, Tổ Ànanda đến nhập diệt trên một hòn đảo ở giữa sông Gangà[9]gần thủ đô Pàtaliputta (hiện nay là Patna). Xá lợi của ngài được chia làm hai phần đều nhau cho hai xứ ở hai bên bờ sông. Vua Ajàtasattu xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) ở phía nam, xây tháp thờ xá lợi ngài tại Ràjagaha, bên cạnh tháp thờ xá lợi Phật. Các Vương tử Licchavi xứ Vajji (Bạt Kỳ) phía bắc, xây tháp thờ xá lợi ngài tại tinh xá Mahàvana ở Vesàlì.

Theo Kinh Niết Bàn 40 (bản Bắc), đức Phật khen ngài Ànanda là một thị giả đầy đủ phẩm hạnh, nhờ có 8 đặc tính sau đây :

1- Tín căn bền vững : Khi nghe Phật dạy, ngài có đức tin vững chắc và ghi nhớ đầy đủ, không sai, không thiếu.

2- Tâm tính chất trực : Tâm tính hiền hòa, chất phác, ngay thẳng, dễ gây cảm tình với tất cả mọi người.

3- Thân không bịnh khổ : Rất ít khi mắc bệnh.

4- Thường siêng tinh tấn : Vững tin theo Phật pháp, và cứ một đường thẳng tiến, không bao giờ thối chí ngã lòng.

5- Đầy đủ niệm tâm : Luôn luôn ghi nhớ Phật pháp, không bao giờ quên.

6- Tâm không kiêu mạn : Luôn luôn nhẫn nhịn, hòa nhã với tất cả mọi người.

7- Thành tựu định ý : Tâm ý không bao giờ rời Phật pháp.

8- Từ nghe sanh trí : Nghe rồi suy nghĩ, rồi hiểu, trí tuệ phát sáng.

Do đó, về sau, các vị tôn đức thường căn cứ vào 8 đặc tính trên để chọn thị giả.

Theo kinh Pháp Hoa, phẩm thứ 9, đức Phật thọ ký cho Tổ Ànanda sẽ thành Phật hiệu là Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai, ở thế giới Thường Lập Thắng Phan, vào kiếp Diệu Âm Biến Mãn.

3. Sanavasin[10](Thương Na Hòa Tu, Thai Y) năm -550 đến -470

"Sana" là bào thai, "vasin" là y (áo). "Sanavasin" có nghĩa là "thai y". Do nguyện lực đời trước, nên từ lúc sanh ra Tổ Sanavasin đã có áo sẵn mặc theo thân. Đến lúc ngài lớn lên thì cái áo ấy cũng rộng lớn theo vừa với mình. Tên thật của ngài là Sambhuta, họ Tỳ Xá Đa, người nước Mathura (Ma Đồ La), cha tên Lâm Thắng, mẹ tên Kiều Xa Da. Ngài nằm trong thai mẹ 6 năm mới sanh ra. Khi ngài Ànanda độ cho ngài xuất gia thì cái áo ấy biến thành áo sa di. Đến khi ngài thọ giới Tỳ kheo thì áo ấy lại biến thành áo tăng-già-lê (sanghàti). Tổ Sanavasin thâu nhận đệ tử là Upagupta, rồi đến nước Kế Tân (Kasmira, Cachemire) hoằng hóa.

Đến khi gần tịch diệt, Tổ truyền pháp cho Upagupta với bài kệ :

Phi pháp diệc phi tâm,

Vô tâm diệc vô pháp.

Thuyết thị tâm pháp thời

Thị pháp phi tâm pháp.[11]

Truyền pháp xong, Tổ vào núi Bạch Tượng, phía nam nước Kế Tân, ngồi nhập định. Một hôm, thấy nhóm 500 đệ tử của Upagupta thường hay lười biếng và khinh mạn, Tổ liền đến cảnh tỉnh họ. Đến nơi, Upagupta đi vắng, Tổ lại tòa của Upagupta ngồi. Các đệ tử của Upagupta bực tức, không phục, chạy đi báo cho thầy hay. Upagupta về đến, thấy thầy mình liền đảnh lễ. Song các đệ tử vẫn còn tâm khinh mạn chẳng kính. Tổ lấy tay mặt chỉ lên hư không liền có sữa thơm chảy xuống. Tổ hỏi Upagupta :

– Ngươi biết gì chăng ?

Upagupta bèn nhập chánh định để xem xét, nhưng không thể hiểu; ngài nói:

– Bạch thầy, điềm lành này do chánh định gì mà xuất hiện ?

– Đây là chánh định Long Phấn Tấn. Còn cả 500 thứ chánh định như thế mà ngươi chưa biết. Chánh định của Như Lai, hàng Bích Chi không thể biết. Chánh định của Bích Chi, hàng La Hán không thể biết. Chánh định của thầy ta là Ànanda, ta cũng không biết. Nay chánh định của ta, ngươi đâu có thể biết. Chánh định ấy là do tâm không sanh diệt trụ trong sức đại từ, hằng cung kính lẫn nhau. Được như thế mới có thể biết.

Đệ tử của Upagupta trông thấy sự kỳ diệu ấy đều kính phục, chí thành sám hối. Tổ Sanavasin liền nói kệ :

Thông đạt phi bỉ thử,

Chí thánh vô trường đoản.

Nhữ trừ khinh mạn ý,

Tất đắc A-la-hán.[12]

Sau đó Tổ liền bay lên hư không, hiện thập bát biến[13], dùng lửa tam muội tự thiêu. Upagupta cùng các đệ tử thu nhặt xá lợi, xây tháp cúng dường.

4. Upagupta[14](Ưu Ba Cúc Đa) năm -500 đến -430

Tổ Upagupta là con của trưởng giả Gupta ở xứ Mathura. Lúc 12 tuổi ngài được Tổ Sanavasin dạy cho pháp tu buộc niệm như sau: Nếu khởi niệm ác thì đặt một hòn đá đen bên trái; nếu khởi niệm thiện thì đặt một hòn đá trắng bên phải. Upagupta chú tâm thực hành đến ngày thứ 7 thì chỉ thấy toàn đá trắng. Tổ Sanavasin liền nói pháp Tứ Diệu Đế cho nghe. Nghe xong Upagupta liền chứng được quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti).

Năm 17 tuổi, Upagupta xin xuất gia. Tổ Sanavasin hỏi :

– Ngươi được bao nhiêu tuổi ?

– Bạch thầy, con được 17 tuổi.

– Thân ngươi 17 tuổi hay tánh ngươi 17 tuổi ?

Upagupta hỏi lại :

– Đầu thầy tóc bạc, vậy tóc thầy bạc hay tâm thầy bạc ?

– Tóc ta bạc, không phải tâm ta bạc.

– Con cũng thế, thân con được 17 tuổi, không phải tánh con 17 tuổi.

Tổ Sanavasin hoan hỉ nhận cho Upagupta xuất gia làm thị giả. Sau đó Upagupta thực tập thiền quán các pháp Khổ, Không, Vô thường, chứng quả A-na- hàm (Anàgàmi). Đến 20 tuổi, khi thọ giới Tỳ kheo thì ngài chứng quả A-la-hán (Arahattà). Chẳng bao lâu ngài Upagupta được Tổ Sanavasin truyền tâm ấn.

Tổ Upagupta hoằng pháp tại xứ Mathura, cảm hóa rất đông dân chúng qui ngưởng Phật pháp, có nhiều người đã chứng thánh quả. Mỗi khi giáo hóa một người thâm ngộ Phật pháp, Tổ để vào thất đá một thẻ tre. Sau khi truyền Chánh Pháp lại cho đệ tử là Dhitaka (Đề Đa Ca) với bài kệ :

Tâm tự bổn lai tâm,

Bổn tâm phi hữu pháp.

Hữu pháp hữu bổn tâm,

Phi tâm phi bổn pháp.[15]

Tổ Upagupta ngồi kiết già thị tịch. Lúc bấy giờ ngôi thất đá bề dài 18 thước tay (độ 4m5), bề ngang 12 thước tay (độ 3m) đã đầy ặp cả thẻ tre. Tổ Dhitaka và môn đệ mở cửa thất đá lấy thẻ tre làm vật liệu thiêu ngài, rồi thu lượm xá lợi xây tháp cúng dường.

Theo một số học giả thì thầy của vua Asoka là Moggaliputta-tissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu) và Tổ Upagupta (Ưu Ba Cúc Đa) có lẽ là một người. Nhưng theo soạn giả thì thuyết đó không đúng, vì vua Asoka ở vào khoảng giữa thế kỷ thứ 3 trước tây lịch, còn Tổ Upagupta sống vào đầu thế kỷ thứ 5 trước tây lịch, cách nhau khoảng hai thế kỷ.

Theo "Từ Điển Phật Học Huệ Quang", tham cứu tài liệu "Thiện-Kiến Luật Tỳ-bà-sa 1, 2" và "Phật Giáo Tiểu Sử 2", thì Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggaliputta-tissa) là một vị A-la-hán, sống vào thời vua A-dục, ở Ấn Độ. Vì ngài là Đại Phạm thiên Đế-tu từ cõi trời Phạm thiên giáng sanh vào gia đình Bà-la-môn Mục Kiền Liên, cho nên được gọi là Mục Kiền Liên Tử Đế Tu. Năm 16 tuổi, sư theo ngài Sigava (Tư Già Bà) làm sa di, sau thọ cụ túc giới với ngài Candavajji (Chiên Đà Bạt Xà). Ngài tinh thông 3 tạng kinh, chứng quả A-la-hán, sau được ngài Sigava phó pháp, làm thầy vua A-dục, giáo hóa nhân dân.

Theo lịch sử, vua A-dục trị vì từ năm -272 đến năm -236.

5. Dhitaka[16](Đề Đa Ca) năm -460 đến -380

Tổ Dhitaka, người nước Magadha (Ma Kiệt Đà), tên thật là Hương Tượng, thọ giới cụ túc với Tổ Upagupta hồi 20 tuổi. Lúc cầu xuất gia, Tổ Upagupta hỏi :

– Thân ngươi xuất gia hay tâm ngươi xuất gia ?

– Bạch thầy, con đến xin xuất gia không phải vì thân, cũng không phải vì tâm. Cái tâm chẳng sanh, chẳng diệt, là thường đạo, đồng với chư Phật. Tâm không hình tướng, thân cũng như vậy.

Vào lễ xuất gia, vừa nghe giới xong, Tổ liền đắc Tu-đà-hoàn (Sotàpatti). Đến lúc yết-ma[17]lần thứ nhất, Tổ đắc quả Tư-đà-hàm (Sakadàgàmi). Đến lúc yết-ma lần thứ nhì, Tổ đắc quả A-na-hàm (Anàgàmi). Đến lúc yết-ma lần thứ ba, Tổ đắc quả A-la-hán (Arahattà). Sau được Tổ Upagupta truyền tâm ấn.

Sau khi nhận lãnh Chánh Pháp, Tổ Dhitaka đến Trung Ấn giáo hóa. Nơi đây có 8.000 vị đại tiên, dưới sự lãnh đạo của tiên trưởng Michaka (Di Già Ca). Nghe Tổ đến, Michaka triệu tập tiên chúng đến yết kiến Tổ và thưa :

– Xưa tôi cùng thầy đồng sanh cõi trời Phạm Thiên. Tôi gặp tiên A Tư Đà (Asita) truyền cho pháp tiên. Thầy gặp đệ tử Phật hướng dẫn tu tập thiền định. Từ đó cách nhau đã đến 6 kiếp.

– Lời tiên nhơn nói quả đúng như vậy. Song ông chuyên về pháp tiên tột cùng sẽ đến đâu ?

– Tôi tuy chưa gặp bậc chí thánh, song tiên A Tư Đà có thọ ký rằng "Sáu kiếp về sau, tôi sẽ nhờ bạn đồng học mà chứng quả giải thoát". Nay gặp nhau đây, chắc là đúng như vậy rồi.

– Ông đã biết như vậy thì cần phải xuất gia. Pháp tiên là đường nhỏ, không thể đưa người đến giải thoát. Ta hóa đạo đã lâu, cũng muốn dừng nghỉ. Nếu ông thật muốn hướng về đại pháp thì không nên chậm trễ.

Michaka nghe nói vui mừng, liền xin xuất gia thọ cụ túc giới. Ít lâu sau được Tổ Dhitaka gọi đến bảo :

– Xưa kia Như Lai đã trao Chánh Pháp nhãn tạng cho Mahà Kassapa, lần lượt truyền đến ta. Nay ta trao lại cho ông, phải gìn giữ cẩn thận chớ để đoạn dứt. Nghe ta nói kệ :

Thông đạt bổn tâm pháp,

Vô pháp vô phi pháp.

Ngộ liễu đồng vị ngộ,

Vô tâm diệc vô pháp.[18]

Theo phẩm Trì Chánh Pháp trong kinh Đại Bi 2, và theo kinh Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 5, Tổ Dhitaka có đại thần thông, đại oai lực, thuyết pháp không mệt mỏi. Tổ giáng sanh ở Aryajaya, giáo hóa ở các nước Tukhara, Kàmarùpa và Malava. Tổ tịch ở thành Ujjayani nước Malava.

6. Michaka[19](Di Già Ca) năm -440 đến -360

Ngài cùng với 8.000 vị đại tiên xuất gia thọ giáo với Tổ Dhitaka. Sau khi được truyền tâm ấn, ngài tu hành theo Chánh Pháp, chứng được quả thánh. Ngài thường vân du miền bắc Ấn Độ, tùy duyên giáo hóa chúng sanh. Một hôm, chợt thấy trên thành có vầng mây màu vàng, ngài nói với đồ chúng:

– Đây là vượng khí đại thừa. Trong thành này ắt có bậc chí nhơn nối pháp cho ta.

Khi vào thành, đến chợ, quả gặp một người tay ôm bầu rượu, đón ngài, hỏi :

– Tôn giả từ phương nào đến ? Muốn đi về đâu ?

– Ta từ tâm mình đến, muốn đi không chỗ.

– Tôn giả biết vật trong tay tôi chăng ?

– Đây là đồ đựng vật làm mất thanh tịnh.

– Tôn giả biết tôi chăng ?

– "Tôi" thì chẳng biết, biết thì chẳng "tôi". Ngươi hãy nói tên họ ra, ta sẽ chỉ nhơn đời trước cho ngươi.

– Ngã kim sanh thử quốc,

Phục ức tích thời nhựt;

Bổn tánh Phả-la-đọa,

Danh tự Bà Tu Mật.[20]

– Thầy ta là Dhitaka có nói rằng “Thuở trước, trong khi đức Thế Tôn vân du đến nơi này, có nói với thầy Ànanda rằng 'Khi ta diệt độ được khoảng 200 năm, ở xứ này sẽ có một bậc thánh nhơn ra đời, dòng Bhàradvàja[21](Phả-la-đọa), tên là Vasumitra (Bà Tu Mật), sẽ làm vị tổ thứ 7 của Thiền tông'”. Đức Phật đã có nói trước như vậy, nay ngươi nên thế phát xuất gia.

Vasumitra liền để bầu rượu xuống, đảnh lễ Tổ, rồi thưa :

– Con nhớ lại thuở xưa, thường làm thí chủ, có cúng dường Phật một bảo tòa. Như Lai thọ ký cho con rằng “Ngươi ở kiếp Hiền sẽ được Phật pháp làm Tổ thứ 7”. Nay gặp gỡ đây thật là do duyên trước vậy. Cúi xin Tôn giả đại từ thương xót, độ thoát cho con.

Tổ Michaka liền cho Vasumitra xuất gia, thọ cụ túc giới.

Ít lâu sau, thấy tuổi đã già, cơ duyên hóa độ cũng xong, Tổ truyền Chánh Pháp lại cho Vasumitra với bài kệ :

Vô tâm, vô khả đắc,

Thuyết đắc bất danh pháp.

Nhược liễu tâm phi tâm,

Thùy giải tâm, tâm pháp.[22]

rồi nhập tam muội Sư Tử Phấn Tấn[23]bay lên hư không, rồi trở về chỗ ngồi, dùng lửa tam muội[24]tự thiêu.

7. Vasumitra[25](Bà Tu Mật, Thế Hữu) năm -420 đến -330

Tổ Vasumitra là người nước Gandhara[26](Kiền Đà La), miền bắc nước Ấn, giáp ranh xứ Kasmira (Kế Tân). Ngài thuộc dòng Bhàradvàja (Phả-la-đọa). Trước khi thọ pháp xuất gia, ngài thường ăn mặc sạch sẽ, du hành trong các làng mạc, tay cầm bầu rượu, miệng ngâm nga, ca hát lớn tiếng. Người ta cho ngài là điên. Đến khi được Tổ Michaka nhắc lại lời huyền ký của đức Phật Tổ và truyền tâm ấn cho, ngài trở nên người tu phạm hạnh rất tinh tấn.

Sau khi đắc pháp, Tổ Vasumitra đi hoằng pháp khắp nơi ở miền bắc Ấn Độ. Đến xứ Kàmalanka (Ca Ma Lãng Ca), Tổ lên pháp tòa giảng đạo, có một trí sĩ đến dưới tòa lớn tiếng tự xưng :

– Tôi là Buddhanandi (Phật Đà Nan Đề), hôm nay quyết luận nghĩa với thầy.

– Này nhơn giả, nếu luận thì chẳng phải nghĩa, nếu nghĩa thì chẳng phải luận. Nếu nghĩ luận nghĩa, trọn chẳng phải nghĩa luận.

Buddhanandi biết đã gặp người nói nghĩa thù thắng, khởi tâm kính phục, thưa :

– Con nguyện cầu đạo để được thưởng thức vị cam lồ. Xin thầy thương xót cho con được xuất gia kề cận thầy.

Tổ Vasumitra liền cho Buddhanandi xuất gia thọ giới. Chẳng bao lâu, Tổ gọi Buddhanandi đến dạy rằng :

– Cái Chánh Pháp Nhãn Tạng của đức Như Lai truyền lại, nay ta đem giao phó cho ngươi, ngươi khá hộ trì chớ để đoạn dứt. Nghe ta nói kệ :

Tâm đồng hư không giới,

Thị đẳng hư không pháp.

Chứng đắc hư không thời,

Vô thị vô phi pháp.[27]

Vasumitra là vị Tổ của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadin, Sabbattivada). Thuyết này được các vị tổ Buddhanandi, Buddhamitra, Pàrsva và Punyayasa tiếp tục phát triển sâu rộng, lần hồi đến đời Tổ Asvaghosa (Mã Minh) biến thành Tam Tạng Kinh Điển Bắc Tông đầu tiên gồm có : tạng Kinh Upadesa (Ưu-ba-đề-xá), tạng Luật Vinaya Vibhasa (Tỳ-nại-da Tỳ-bà-xa) và tạng Luận Abhidharma Vibhasa (A-tỳ-đạt-ma Tỳ-bà-xa). Mỗi tạng có 100.000 bài tụng tổng kết cả học thuyết của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Tổ Vasumitra và các ngài Dharmatrata (Pháp Cứu), Ghosa (Diệu Âm), Buddhadeva (Giác Thiên) được ngợi khen là Bà-sa Tứ Đại Luận Sư[28]. Tổ có soạn Dị Bộ Tông Luận, 1 quyển, nói về 20 bộ phái Tiểu thừa.

Theo kinh Sư Tử Nguyệt Phật Bản Sanh thì Tổ sẽ thành Phật kế ngài Di Lặc, hiệu là Sư Tử Như Lai.

Theo trong kinh Hoa Nghiêm, Tổ Vasumitra là vị thiện tri thức thứ 25 trong 55 thiện tri thức mà Đồng tử Thiện Tài tham vấn : Vasumitra ở thành Bảo Trang Nghiêm thuộc nước Hiểm Nạn, dung mạo đoan nghiêm, thân phóng ra ánh sáng lớn, đã thành tựu pháp môn ly dục, thực tế thanh tịnh, liền nói pháp môn ly dục cho chúng sanh nghe để họ được thanh tịnh.

8. Buddhanandi[29](Phật Đà Nan Đề) năm -370 đến -300

Tổ Buddhanandi họ Gotama (Cồ Đàm) là người nước Kàmalanka (Ca Ma Lãng Ca). Ngài có dung mạo lạ thường, trên đỉnh đầu có nhục kế thường phát ra hào quang năm sắc, trí tuệ cao siêu, biện tài vô ngại.

Năm 14 tuổi, Buddhanandi phát tâm xuất gia, tu hạnh thanh tịnh. Khi Tổ Vasumitra đến xứ Kàmalanca thuyết pháp, ngài đến vấn nạn, nhân đó kính phục và xin theo làm đệ tử. Chẳng bao lâu, được truyền tâm ấn.

Sau khi đắc pháp, Tổ Buddhanandi thống lãnh đồ chúng du hóa khắp nơi. Đến xứ Đề Ca (Đề Già), khi đi ngang nhà họ Visàkhà (Tỳ Xá Khư), chợt thấy trên nóc nhà có hào quang trắng xông lên, Tổ liền chỉ cho đồ chúng xem và bảo :

– Trong nhà này hiện có một vị thánh nhơn, tuy miệng không nói một lời, chơn không đi một bước, mà thật là bậc căn trí đại thừa. Dù không ra ngoài đường mà biết việc xú uế. Quả là người nối pháp cho ta, khiến Phật pháp hưng thịnh. Về sau, vị này sẽ độ được 500 người chứng quả thánh.

Vừa nói xong, có ông trưởng giả trong nhà bước ra chào hỏi và thưa :

– Tôn giả cần điều gì mà dừng lại đây ?

– Ta đến tìm người làm thị giả chứ không cần gì khác.

– Nhà tôi không có ai có thể làm thị giả cho ngài đâu. Tôi chỉ có một đứa con trai tên Buddhamitra (Phật Đà Mật Đa) đã 50 tuổi rồi mà không biết nói, không biết đi. Nếu ngài cần dùng thì tôi sẵn lòng cho nó theo hầu ngài.

– Đứa con ông nói đó chính là người tôi tìm.

Ông trưởng giả thỉnh Tổ vào nhà. Buddhamitra vừa trông thấy Tổ, liền đứng dậy chấp tay nói kệ : 

– Phụ mẫu phi ngã thân,

Thùy vi tối thân giả ?

Chư Phật phi ngã đạo,

Thùy vi tối đạo giả ?[30]

Tổ Buddhanandi liền đáp :

– Nhữ ngôn dữ tâm thân,

Phụ mẫu phi khả tỷ.

Nhữ hạnh dữ đạo hiệp,

Chư Phật tâm tức thị.

Ngoại cầu hữu tướng Phật,

Dữ nhữ bất tương tợ.

Nhược thức nhữ bổn tâm,

Phi hiệp diệc phi ly.[31]

Buddhamitra nghe bài kệ của Tổ xong, rất hoan hỉ, sụp xuống đảnh lễ Tổ, xin được xuất gia. Tổ liền triệu tập thánh chúng làm lễ truyền giới cụ túc. Ít lâu sau, Tổ gọi Buddhamitra đến dặn dò :

– Pháp nhãn của Như Lai thầm truyền đến đời ta, nay ta trao lại cho ngươi. Ngươi nên gìn giữ cẩn thận, chớ để đoạn dứt. Hãy nghe ta nói kệ :

Hư không vô nội ngoại,

Tâm pháp diệc như thử.

Nhược liễu hư không cố,

Thị đạt chơn như lý.[32]

Truyền pháp xong, ít lâu sau, Tổ Buddhanandi ngồi kiết già thị tịch. Ngài độ được 500 đồ chúng chứng nhị quả (Sakadàgàmi, Tư-đà-hàm).

9. Buddhamitra[33](Phật Đà Mật Đa) năm -360 đến -290

Tổ Buddhamitra là người nước Đề Già (Đề Ca), họ Visàkhà (Tỳ Xá Khư). Từ lúc lọt lòng mẹ đến 50 tuổi, ngài chưa từng nói một lời, chưa từng đi một bước. Đến khi gặp Tổ Buddhanandi, Tổ nói :

– Người này đời trước thông minh lắm. Ở trong Phật pháp, phát đại bi tâm muốn làm lợi ích lớn cho chúng sanh, nên thường nguyện “Tôi nguyện thọ sanh chỗ nào không bị tình phụ tử ràng buộc, tùy duyên lành kia liền được giải thoát”. Miệng không nói là tiêu biểu cho đạo không tịch. Chơn không đi là tiêu biểu cho pháp không có đến đi.

Cha mẹ ngài nghe lời giải thích của Tổ, vui vẻ cho ngài theo Tổ xuất gia. Sau khi đắc pháp, thấy vua trong xứ sùng tín ngoại đạo, Tổ Buddhamitra cầm cờ đỏ đến đứng trước đền vua nhiều lần. Vua triệu vào, Tổ xin được luận nghị với ngoại đạo. Tổ dùng Vô Phương Luận[34]để khuất phục đối phương và cảm hóa vua, khiến vua tin Chánh Pháp. Đồng thời 500 đệ tử phái Nigantha cũng xin quay về với Phật pháp.

Sau đó, Tổ Buddhamitra du hóa khắp nơi. Đến trung Ấn, Tổ gặp ông trưởng giả tên Hương Cái dắt con là Nan Sanh đến yết kiến Tổ và thưa :

– Thằng bé này ở trong thai mẹ ngót 60 năm, do đó tôi đặt tên cho nó là Nan Sanh. Có một tiên ông đến xem tướng nó rồi nói “Thằng nhỏ này hẳn là tướng phi phàm, sẽ là pháp khí đại thừa khi gặp Bồ tát hóa độ”. Bởi có duyên lành nên nay được gặp ngài. Tôi nguyện cho nó theo ngài xuất gia học đạo.

Tổ hoan hỉ chấp thuận. Trong buổi lễ xuất gia thọ giới của Nan Sanh bỗng có ánh sáng mát chiếu khắp chỗ Nan Sanh ngồi. Thấy cơ duyên hóa độ sắp viên mãn, Tổ gọi Nan Sanh đến dặn dò :

– Đại pháp nhãn tạng của Như Lai, nay ta trao cho ngươi. Ngươi hãy gìn giữ cẩn thận và truyền trao đừng cho đoạn dứt. Hãy nghe ta nói kệ đây :

Chơn lý bổn vô danh,

Nhơn danh hiển chơn lý.

Thọ đắc chơn thật pháp,

Phi chơn diệc phi ngụy.[35]

Nói kệ xong, Tổ ngồi kiết già nhập chánh định, hiện tướng niết bàn. Nan Sanh cùng đồ chúng làm lễ hỏa táng xong, thu lượm xá lợi xây tháp thờ tại Nàlandà.

10. Pàrsva[36](Hiếp Tôn Giả) năm -360 đến -270

Tổ Pàrsva, tên thật là Nan Sanh, là người xứ Gandhara (Càn Đà La, hiện nay là Pakistan), giáp ranh xứ Kasmira, miền bắc Ấn Độ. Ngài ở trong bụng mẹ 60 năm. Lúc ngài sắp sanh, thân phụ nằm mộng thấy một con voi trắng to trên lưng có một bảo tọa, trên bảo tọa có hột minh châu, từ ngoài cửa đi vào chiếu sáng khắp nhà. Ông giựt mình tỉnh giấc thì ngài ra đời. Tuy vừa mới sanh ra mà râu tóc và lông mày đều bạc.

Năm 80 tuổi[37]ngài mới xuất gia với Tổ Buddhamitra. Các Tỳ kheo trẻ chê cười ngài già yếu, không tiến tu được, chỉ ăn no rồi ngủ. Ngài nghe qua liền tự phát nguyện “Nếu không thông hiểu lý ba tạng kinh, đoạn dứt tham dục để được 6 thần thông và 8 giải thoát[38], thì nguyện trọn đời không đặt lưng xuống chiếu”. Do đó ngài được mệnh danh là Hiếp[39]Tôn Giả, tức là người không nằm sát hông xuống. Trải qua 3 năm, ngài đoạn dứt ngũ dục (sắc, thinh, hương, vị, xúc), chứng được Tam Minh[40], đắc quả A-la-hán và được truyền tâm ấn làm Tổ thứ 10.

Tổ Pàrsva là luận sư Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadin).

Về sau, Tổ đến thủ đô Pàtaliputta (Hoa Thị), lúc bấy giờ Bà-la-môn giáo rất thịnh hành, Phật giáo bị suy vi. Tổ biện luận và thuyết phục được rất nhiều ngoại đạo. Một hôm, trong khi tạm nghỉ ngơi dưới cây đại thọ, Tổ lấy tay chỉ xuống đất, bảo đồ chúng :

– Khi nào đất này biến thành màu vàng, sẽ có một thánh nhơn vào hội.

Tổ vừa dứt lời, đất liền biến thành màu vàng. Chốc lát có một thanh niên con nhà giàu có, đến trước mặt Tổ, chấp tay đảnh lễ. Tổ hỏi :

– Ngươi từ đâu đến ?

– Tâm con chẳng phải đến.

– Ngươi dừng chỗ nào ?

– Tâm con chẳng phải dừng.

– Ngươi chẳng định sao ?

– Chư Phật cũng thế.

– Ngươi chẳng phải chư Phật.

– Chư Phật cũng chẳng phải.

Tổ biết ý Punyayasa rất thiết tha cầu đạo, nên độ cho xuất gia và truyền giới cụ túc. Ít lâu sau, Tổ Pàrsva gọi Punyayasa đến bảo :

– Đại pháp nhãn tạng của Như Lai, nay trao lại cho ngươi, ngươi phải khéo lưu truyền, chớ để dứt mất. Hãy nghe ta nói kệ :

Chơn thể tự nhiên chơn,

Nhơn chơn thuyết hữu lý.

Lãnh đắc chơn chơn pháp,

Vô hành diệc vô chỉ.[41]

Truyền pháp xong, Tổ Pàrsva ngồi kiết già, hiện các thần biến rồi vào niết bàn. Đồ chúng hỏa táng thân ngài, thu được xá lợi nhiều vô số, phải lấy y bọc đem về xây tháp cúng dường.

11. Punyayasa[42](Phú Na Dạ Xa) năm -300 đến -230

Tổ Punyayasa sanh tại thủ đô Pàtaliputta (Hoa Thị), hiện nay là Patna. Tổ là con thứ 7 của Trưởng giả Không Thân (Bảo Thân ?). Thuở nhỏ, ngài có tâm tư bình thản. Ngài thường nói với các anh :

– Nếu có bậc đại sĩ ngồi nơi đạo tràng thuyết pháp, em quyết đến đó gần gũi tùy hỷ.

Khi Tổ Pàrsva đến Pàtaliputta chấn hưng Phật pháp, ngài liền đến đảnh lễ tham vấn và được thu nhận làm đệ tử. Sau khi được truyền tâm ấn, ngài hoằng pháp thù thắng, giáo hóa vô lượng chúng sanh, có đến 200 vị chứng quả A-la-hán. Đạo đức của Tổ Punyayasa vang khắp miền bắc và trung Ấn.

Một hôm, Tổ Punyayasa đang thuyết pháp tại Benares, có một vị trưởng giả bước vào trong hội. Tổ hỏi đồ chúng :

– Các ngươi có biết người mới vào đây là ai chăng ? Xưa kia đức Phật có huyền ký rằng “Sau khi ta diệt độ khoảng 300 năm, sẽ có một vị thánh nhơn ra đời tên Asvaghosa, sanh tại Benares, nói pháp nơi thành Pàtaliputta, khắc phục hết các ngoại đạo, độ người vô lượng”.

Asvaghosa (Mã Minh) nghe nói đúng tên mình, thầm khen, bước ra đảnh lễ Tổ và hỏi :

– Tôi muốn biết Phật, thế nào là Phật ?

– Ông muốn biết Phật ? Chẳng biết ấy là phải.

– Đã chẳng biết Phật thì đâu biết là phải !

– Ông đã chẳng biết Phật, tại sao biết chẳng phải ?

– Đây thật là nghĩa cưa.

– Đó là nghĩa cây. Ông nói nghĩa cưa là thế nào ?

– Tôi cùng thầy phân ra bằng nhau. Nghĩa cây của thầy nói là sao ?

– Ngươi bị ta xẻ.

Asvaghosa liền ngộ được thắng nghĩa, vui thích xin xuất gia làm đệ tử. Khi cơ duyên giáo hóa viên mãn, Tổ Punyayasa gọi Asvaghosa đến dặn dò :

– Ngươi nên chuyển bánh xe pháp, làm vị Tổ thứ 12. Xưa, đại Pháp nhãn tạng của Như Lai trao cho Tổ Mahà Kassapa, lần lượt truyền đến ta. Nay ta trao lại cho ngươi để tiếp tục truyền thừa. Hãy nghe ta nói kệ :

Mê ngộ như ẩn hiện,

Minh ám bất tương ly.

Kim phó ẩn hiện pháp,

Phi nhất diệc phi nhị.[43]

Truyền pháp xong, Tổ hiện thần biến, rồi lặng lẽ viên tịch. Asvaghosa và đồ chúng xây tháp trùm lên chơn thân, thờ ngài.

12. Asvaghosa[44](Mã Minh) năm -270 đến -190

Tổ Asvaghosa quê ở thành Benares[45]. Khi ngài sanh ra, mấy con ngựa ở gần đó đều hí vang lên, nên gọi ngài là Mã Minh. Cũng có người nói mỗi khi ngài thuyết pháp, các con ngựa trong chuồng gần đó đều im lặng lắng nghe; lúc ngài thuyết pháp xong chúng lại hí vang, nên gọi ngài là Mã Minh.

Lúc chưa xuất gia, ngài là một luận sư Bà-la-môn lỗi lạc, danh tiếng đồn đãi rất xa; ngài rất tin con người có bản ngã. Sau, do tranh luận với Tổ Punyayasa nên ngài cảm ngộ và xin xuất gia với Tổ. Vì có đạo hạnh thanh cao nên ngài được tôn xưng là Bồ tát. Tổ Asvaghosa thông suốt Tam Tạng kinh điển lẫn ngoại điển, là người tiên phong trong nền văn học cổ điển sanscrit với một văn thể mới, hay, đẹp, để lại tiếng tăm bất hủ trong lịch sử văn học sanscrit. Tổ vừa là một đại luận sư vừa là một thi nhân Phật giáo, cũng là đạo sư của vua Kaniska, lúc bấy giờ là hoàng đế toàn cõi Ấn Độ.

Đến đời ngài, đại thừa vừa được phát triển, ngài có công lớn trong việc mở rộng tư tưởng đại thừa. Nhơn hoàng đế Kaniska rất mộ đạo Phật, Tổ ra công tuyên dương Phật giáo đại thừa, làm cho Phật giáo đại thừa trở nên rạng rỡ. Năm 200 trước tây lịch, Tổ Asvaghosa được hoàng đế Kaniska mời chủ tọa cuộc kiết tập Kinh điển đầu tiên của Bắc Tông, tại thủ đô Kudalavana xứ Kasmira, viết bằng chữ Sanscrit. Tam Tạng Kinh Điển Bắc Tông đầu tiên gồm có : 1) Tạng Kinh Upadesa (Luận Ưu-ba-đề-xá, Khế kinh luận nghị) có 100.000 bài tụng; 2) Tạng Luật Vinaya Vibhasa (Luận Tỳ-nại-da Tỳ-bà-xa) có 100.000 bài tụng; 3) Tạng Luận Abhidharma Vibhasa (Luận A-tỳ-đạt-ma Tỳ-bà-xa) có 100.000 bài tụng. Tất cả ba tạng kinh có 300.000 bài tụng, gồm 9.600.000 chữ. Vua Kaniska cho khắc tất cả lên những bảng bằng đồng cán mỏng, rồi cất trong rương đá và xây tháp để thờ.

Khi Tổ Asvaghosa đi giáo hóa đến thủ đô Pàtaliputta, ngài khắc phục tất cả các nhân tài ngoại đạo, nêu cao ngọn đuốc trí tuệ của Phật pháp. Một hôm, ngoại đạo sư Kapimala (Ca Tỳ Ma La) thống lãnh 3.000 đệ tử, đến tranh luận đạo lý với Tổ, nhưng cuối cùng chịu khuất phục và xin quy y làm đệ tử. Sau khi thọ lễ xuất gia, Kapimala liền được giới thể, phát hào quang sáng và có mùi hương lạ xông khắp. Ít lâu sau, Tổ Asvaghosa gọi Kapimala đến bảo :

– Đại pháp nhãn tạng của Như Lai, nay ta trao lại cho ngươi, nên truyền bá chớ để đoạn dứt. Nghe ta nói kệ :

Ẩn hiển tức bổn pháp,

Minh ám nguyên bất nhị.

Kim phó liễu ngộ pháp,

Phi thủ diệc phi khí.[46]

Truyền pháp xong, Tổ nhập chánh định, hiện tướng viên tịch. Kapimala và đồ chúng đặt chơn thể của ngài vào khám thờ.

Hành trạng của Tổ Asvaghosa được ghi đầy đủ trong Mã Minh Bồ tát Truyện, 1 quyển. Ngài Kumàrajiva (Cưu Ma La Thập) đã dịch sang Hán văn, hiện được xếp vào Đại Chánh Tạng tập 49. Tác phẩm của Tổ gồm có : Phật Sở Hành Tán(Buddha carita) soạn theo lối thi ca về cuộc đời đức Phật từ lúc đản sanh đến khi nhập diệt; Tôn Đà Lợi Nan Đà Thi; Xá Lợi Phất Chi Sở Thuyết; Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận(Mahàyana sutralamkara) là một công trình vĩ đại về sự khuyến thiện; Kim Cang Châm Luận(Vajrasuci); Kiền Trĩ Phạn Tán(Gandistotragatha). Nổi tiếng nhất là bộ Đại Thừa Khởi Tín Luận, được xếp vào Đại Chánh Tạng tập 32.

13. Kapimala[47](Ca Tỳ Ma La) năm -250 đến -180

Tổ Kapimala quê ở thủ đô Pàtaliputta (Hoa Thị), nước Magadha (Ma Kiệt Đà). Lúc đầu, ngài là ngoại đạo sư, rất giỏi các phép huyễn thuật, thống lãnh 3.000 đệ tử, đến tranh luận đạo lý với Tổ Asvaghosa, nhưng cuối cùng chịu khuất phục và xin quy y làm đệ tử. Sau khi được Tổ Asvaghosa (Mã Minh) phó chúc, ngài đến miền nam Ấn Độ giáo hóa, có trước tác Luận Vô Ngãgồm 100 bài kệ để hàng phục ngoại đạo. Về sau, Tổ Kapimala đến miền tây Ấn Độ, được vị Vương tử tên Vân Tự Tại thỉnh Tổ và đại chúng vào cung cúng dường. Nhưng Tổ từ chối bảo:

– Phật cấm sa môn không được thân cận với các bậc vua, quan, cùng những nhà có thế lực, nên tôi không dám nhận lời.

– Thưa Tôn giả, phía bắc thủ đô có một hòn núi lớn, trong núi có một hang đá rộng rãi yên tĩnh, ít người lai vãng, rất thuận tiện cho việc thiền định. Tuy nhiên nơi đó có nhiều rắn rít và thú dữ. Nhưng chúng tôi tin tưởng nơi đức cao dày của Tôn giả sẽ có thể chuyển hóa chúng.

Tổ nhận lời, cùng đồ chúng tiến thẳng đến núi ấy. Vừa đến nơi, có một con rắn lớn dài năm sáu thước, trợn mắt nhìn Tổ. Tổ vẫn làm thinh đi thẳng đến phía nam chân núi, dừng nghỉ chỗ đất bằng phẳng. Con rắn ấy đến quấn chung quanh Tổ, Tổ cũng làm thinh. Giây lát con rắn bò đi. Tổ nhìn lại thì không thấy đồ chúng đâu cả, họ đã trốn đi đâu mất hết. Tổ đi một mình đến chỗ hang đá, bỗng thấy một ông già mặc toàn đồ trắng đi ra chấp tay kính lễ. Tổ hỏi :

– Ông là ai ? Tại sao lại ở chỗ hẻo lánh này ?

– Thưa Tôn giả, tôi xưa làm đạo sĩ, thích vắng lặng. Khi những người mới học đến hỏi, tôi thường nổi sân, do đó khi chết bị đọa làm thân rắn ở trong hang này đã gần ngàn năm. Nay được gặp Tôn giả là bậc thánh đức nên ra đảnh lễ.

– Nơi núi này còn ai ở nữa không ?

– Cách đây không xa, về phía bắc, có một cây cỗ thụ thật to, nơi đó ngài Nàgàrjuna (Long Thọ) thường nói pháp cho đồ chúng nghe. Tôi cũng thường đến nghe.

Tổ Kapimala chờ đồ chúng tụ hội lại, rồi cùng họ tìm đến nơi cây cỗ thụ. Vừa đến nơi, quả nhiên có ngài Nàgàrjuna vui vẽ ra đảnh lễ, thưa :

– Chỗ rừng sâu núi thẫm đầy dã thú này sao lại được bậc chí tôn thương xót đến đây ?

– Ta không phải bậc chí tôn. Chỉ muốn đến đây để thăm hỏi hiền giả.

Nàgàrjuna thầm nghĩ không biết vị cao tăng này có phải là bậc thánh nhân đã được truyền thừa Phật pháp chăng ? Tổ hiểu ý liền nói :

– Tuy ông chưa nói ra, ta đã biết rồi. Việc xuất gia là quan trọng, lo gì ta chẳng phải thánh ?

Ngài Nàgàrjuna liền đảnh lễ xin được xuất gia làm đệ tử. Không bao lâu Tổ Kapimala truyền tâm ấn cho ngài Nàgàrjuna với bài kệ :

Phi ẩn phi hiển pháp,

Thuyết thị chơn thật tế.

Ngộ thử ẩn hiển pháp,

Phi ngu diệc phi trí.[48]

Truyền pháp xong, Tổ Kapimala hiện thần biến rồi thị tịch. Nàgàrjuna cùng đồ chúng hỏa táng thân ngài, rồi thu lượm xá lợi xây tháp cúng dường.

14. Nàgàrjuna[49](Long Thọ) năm -240 đến -130

Tổ Nàgàrjuna, thuộc dòng dõi Phạm Chí, ở xứ Berar thuộc miền tây Ấn Độ. Mẹ ngài sanh ngài nơi cội cây arjuna (a-châu-đà-na) nên lấy tên cây ấy mà đặt cho ngài. Về sau, ngài được Long thần (Nàga = rồng) đưa xuống Long cung cho chép kinh Hoa Nghiêm nên ngài ngộ đạo. Do đó Tổ có biệt danh là Nàgàrjuna.

Từ nhỏ Tổ rất thông minh, học thuộc cả 4 bộ kinh Veda, thiên văn, địa lý, sấm truyền, bí tạng, đạo thuật đều thông suốt. Ngài từng cùng 3 người bạn thân học phép tàng hình, lén vào cung vua để hành lạc. Sự việc bại lộ, 3 người bạn bị vua chém đầu, riêng ngài thoát khỏi. Do đó Tổ cảm ngộ được ái dục là gốc của khổ đau, liền vào núi, đến trước Phật đài, tự xuất gia thọ giới. Sau khi xuất gia, ngài nghiên cứu tam tạng kinh điển nhưng thấy chưa đủ, lại đến núi Himalaya gặp một trưởng lão Tỳ kheo trao cho kinh điển đại thừa, nhưng ngài chưa thể thông suốt. Khi ấy, Long thần thấy vậy thương xót, liền đưa ngài xuống Long cung, bảo chép kinh Hoa Nghiêm. Nhờ vậy ngài được tỏ ngộ.

Sau khi được Tổ Kapimala truyền tâm ấn, Tổ Nàgàrjuna đến miền nam Ấn Độ giáo hóa, khiến vua bỏ tín ngưỡng Bà-la-môn, quy y Phật giáo. Từ đó Tổ nỗ lực hoằng pháp, viết nhiều sách chú thích kinh điển đại thừa, dựng lập thể chế cho giáo học đại thừa, khiến cho học thuyết “Bát-nhã Tánh Không” được truyền bá rộng rãi khắp Ấn Độ. Tổ Nàgàrjuna (Long Thọ) là vị viện trưởng đầu tiên của Viện Đại Học Phật Giáo Nàlandà.

Khi Tổ Nàgàrjuna đến miền nam Ấn hoằng hóa, một hôm, sau khi nghe Tổ thuyết pháp, thính chúng nói với nhau :

– Chúng ta chỉ nên rán làm việc thiện để được phước báo, chứ mong gì thấy được Phật tánh !

Tổ bảo :

– Các ông muốn thấy được Phật tánh thì trước hết phải bỏ tâm ngã mạn đi, mới có thể thấy được.

– Bạch Hòa thượng, Phật tánh lớn hay nhỏ ?

– Chẳng nhỏ chẳng lớn, không rộng không hẹp, không phước không báo, không chết không sống.

Dân chúng nghe ngài nói tột lý, ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu nổi. Tổ Nàgàrjuna liền ngay chỗ ngồi hóa thân thành hình mặt trăng tròn sáng. Dân chúng tuy vẫn nghe tiếng Tổ nói mà không nhìn thấy thân ngài. Trong thính chúng có ngài Kanadeva (Ca Na Đề Bà) đứng lên giải thích :

– Đây là Bồ tát thị hiện cho chúng ta thấy rõ Phật tánh vậy. Vô tướng tam muội giống như mặt trăng tròn là nghĩa Phật tánh rỗng rang sáng suốt.

Ngài Kanadeva vừa dứt lời thì vầng trăng ẩn mất. Tổ Nàgàrjuna hiện ngồi an nhiên chỗ cũ, nói kệ :

– Thân hiện viên nguyệt tướng,

Dĩ biểu chư Phật thể.

Thuyết pháp vô kỳ hình,

Dụng biện phi thinh sắc.[50]

Thính chúng nghe xong đều cảm ngộ. Rất nhiều người cầu xin xuất gia, trong đó có ngài Kanadeva.

Về già, Tổ ở núi Hắc Phong với đệ tử là Kanadeva. Một hôm, Tổ gọi Kanadeva đến truyền tâm ấn và nói kệ :

– Vị minh ẩn hiển pháp,

Phương thuyết giải thoát lý.

Ư pháp tâm bất chứng,

Vô sân diệc vô hỷ.[51]

Dặn dò xong, Tổ nhập nguyệt luân tam muội, hiện thần biến, rồi vào niết bàn.

Nhiều thuyết cho rằng Tổ sống đến vài trăm tuổi. Ngài có ảnh hưởng nhiều đến Mật tông ở Tây Tạng.

Tổ Nàgàrjuna sáng lập "Long Thọ Tứ Giáo", tức là một pháp môn tu gồm bốn giai đoạn (tứ cú, bốn câu) để thể nhập vào Như Lai Tạng Tánh :

1/ Hữu : Có (Có ngã, có pháp).

2/ Vô : Không, Chẳng có (Không ngã, không pháp => phá chấp có).

3/ Diệc hữu diệc vô : Cũng có cũng không (Phá chấp có / không).

4/ Phi hữu phi vô : Chẳng phải có chẳng phải không (Chơn không diệu hữu).

Tác phẩm của Tổ Nàgàrjuna gồm có : Trung Luận Tụng, Thập Nhị Môn Luận, Không Thất Thập Luận, Hồi Tránh Luận, Lục Thập Tụng Lý Luận, Đại Thừa Phá Hữu Luận, Đại Trí Độ Luận, Thập Trụ Tỳ-bà-sa Luận, Tán Pháp Giới Tụng, Bồ-đề Tư Lương Luận, Bảo Hành Vương Chánh Luận, Bồ-đề Tâm Ly Tướng Luận, Quảng Đại Phát Nguyện Tụng, Nhân Duyên Tâm Luận Tụng, Đại Thừa Nhị Thập Tụng Luận, Phước Cái Chánh Hạnh Sở Tập Kinh.

15. Kanadeva[52](Ca Na Đề Bà) năm -170 đến -90

Kanadeva là người nước Chấp Sư Tử, thuộc miền nam Ấn Độ. Ngài có sự hiểu biết sâu rộng, tài biện luận không ai sánh bằng. Có lần ngài đục một mắt của tượng Đại Tự Tại Thiên bằng vàng, sau đó ngài tự khoét một mắt của mình trả lại cho Đại Tự Tại Thiên. Do đó ngài có tên Kanadeva nghĩa là Đề Bà Một Mắt.

Khi Kanadeva đến ra mắt Tổ Nàgàrjuna (Long Thọ), Tổ Nàgàrjuna sai đệ tử đem ra một bát nước đầy để trước mặt ngài Kanadeva. Ngài Kanadeva liền lấy một cây kim ném vào trong nước. Hai người vui vẻ, khế hợp tâm ý[53]. Khi Tổ Nàgàrjuna thuyết pháp một cách sáng tỏ đầy đủ, ngài Kanadeva ngộ được yếu chỉ, liền xin xuất gia làm đệ tử.

Sau khi được truyền tâm ấn, Tổ Kanadeva đi khắp các miền Ấn Độ, đem trí tuệ biện tài điều phục ngoại đạo, độ hằng triệu người. Khi Tổ đến thành Kapilavatthu, có ông trưởng giả tên Tịnh Đức sanh được hai người con trai, người cả tên La Hầu La Điểm, người thứ tên La Hầu La Đa (Ràhulata). Ông trưởng giả đã già, hằng ngày chỉ săn sóc vườn tược. Một hôm, thấy một cây trong vườn nẩy sanh một thứ nấm lạ, ông nhổ về ăn thử, thật ngon lành. Song chỉ ông và người con thứ hằng ngày đều nhổ được nấm ăn, ngoài ra không ai nhổ được. Ông trưởng giả nói với người con thứ :

– Nấm cây này chỉ ta và ngươi được ăn, ắt là việc phi thường. Ước gì có ai thông hiểu, giải thích cho việc này.

Ít hôm sau, Tổ Kanadeva đến nhà. Cha con ông Tịnh Đức vui mừng đem việc này ra hỏi. Tổ nói :

– Khi xưa, lúc 30 tuổi, ông thường mời một vị tỳ kheo về nhà cúng dường. Vị tỳ kheo này tuy có chút giới hạnh mà con mắt pháp chưa sáng, ham thích nhận sự cúng dường của ông. Khi mãn phần, tuy khỏi bị sa vào đường ác, nhưng vẫn phải làm cây sanh nấm này để trả nợ cho ông. Khi vị tỳ kheo đến nhà, chỉ có ông và người con thứ này thành kính cúng dường, còn bao nhiêu người khác đều không vui. Vì thế nên nấm hiện nay chỉ hai cha con ông được hưởng.

Tổ lại hỏi :

– Năm nay ông được bao nhiêu tuổi ?

– Tôi được 79 tuổi.

Tổ nói kệ :

– Nhập đạo bất thông lý,

Phục thân hoàn tín thí.

Nhữ niên bát thập nhất,

Thử mộc diệc vô nhĩ.[54]

Ông trưởng lão nghe xong, biết rõ duyên trước sanh lòng thán phục, nói:

– Tôi nay già yếu, tuy muốn xuất gia, e không kham theo thầy. Đứa con thứ của tôi đây hết lòng mộ đạo, vậy tôi xin cho nó theo thầy làm thị giả. Mong thầy chấp nhận.

Tổ hoan hỉ nhận cho Ràhulata (La Hầu La Đa) xuất gia, thọ giới cụ túc. Tổ tiếp tục du hóa đến Ba Liên Phất (Pàtaliputta) để chấn hưng Phật pháp. Khi già yếu, Tổ gọi Ràhulata đến truyền Chánh Pháp và nói kệ :

– Chư pháp bản không

Vô ngã, ngã sở

Vô hữu năng hại 

Diệc vô thọ giả[55]

Sau đó ít lâu, Tổ bị ngoại đạo ám sát chết.

Tác phẩm của Tổ Kanadeva gồm có :

Bách Luận (2 quyển), Quảng Bách Luận Bản (1 quyển), Đại Trượng Phu Luận, Đề Bà Bồ Tát Phá Lăng Già Kinh Trung Ngoại Đạo Tiểu Thừa Tư Tông Luận, Đề Bà Bồ Tát Thích Lăng Già Kinh Trung Ngoại Đạo Tiểu Thừa Niết Bàn Luận.

Bộ Bách Luậncủa Tổ Kanadeva họp với 2 quyển Trung LuậnThập Nhị Môn Luậncủa Tổ Nàgàrjuna làm thành bộ kinh chánh của Tam Luận Tông.

16. Ràhulata[56](La Hầu La Đa) năm -150 đến -60

Tổ Ràhulata sanh tại Kapilavatthu, cha là trưởng giả Tịnh Đức. Sau khi được Tổ Kanadeva truyền tâm ấn, Tổ Ràhulata du hành hóa độ khắp nơi. Khi đến phía nam thành Sàvatthi, đang ngồi thuyền ngược dòng sông Kim Thủy, bỗng Tổ lên tiếng nói với đồ chúng :

– Các ngươi biết chăng ? Vừa thấy bóng năm đức Phật hiện dưới lòng sông, ta lấy bát múc nước lên uống, thấy có mùi vị lạ. Ngược dòng sông này chừng 5 dặm ắt có bậc thánh tên là Sanghanandi (Tăng Già Nan Đề). Đức Phật có tiên tri rằng vị ấy sẽ là Tổ thứ 17.

Tổ Ràhulata bảo đồ chúng đưa ngài lên nguồn sông, qua bờ bên kia. Đến nơi, ngài thấy đại đức Sanghanandi đang ngồi nhập định trong hang đá. Chờ đến 7 ngày, Sanghanandi mới xuất định. Tổ hỏi :

– Ông ngồi lâu như thế mà thân ông định hay tâm ông định ?

– Thân tâm đều định.

– Thân tâm đều định sao có xuất nhập ?

– Tuy có xuất nhập mà không mất tướng định. Như vàng ở trong giếng, khi ra ngoài giếng, thể vàng vẫn yên lặng.

– Nếu vàng ở trong giếng, khi vàng ra ngoài giếng, thể vàng không động tịnh, thì vật gì ra vào ?

– Vàng thì có ra vào, nhưng thể vàng không động tịnh.

– Nếu thể vàng không động tịnh, thì khi ra khỏi giếng nó là vật gì ?

– Vì thể vàng không động tịnh, nên ở trong giếng hay ở ngoài giếng thì vàng vẫn là vàng.

– Nghĩa này không đúng.

– Lý kia chẳng nhằm.

– Nghĩa này đã ngã.

– Nghĩa kia chẳng thành.

– Nghĩa kia chẳng thành mà nghĩa của ta thành.

– Nghĩa ta tuy thành mà pháp không có ta.

– Nghĩa ta đã thành vì tuy ta mà không ta.

– Ta mà không ta lại thành nghĩa gì ?

– Vì ta không ta nên thành nghĩa của ngươi.

– Nhơn giả thờ vị thánh nào mà được không ta ?

– Thầy ta là Bồ tát Kanadeva chứng được không ta.

– Tôi xin đảnh lễ Kanadeva, người đã tạo thành nhơn giả. Vì nhơn giả không ta, tôi muốn thờ nhơn giả.

– Vì ta đã không ta, ngươi cần thấy rõ ta. Nếu ngươi muốn thờ ta, nên biết rõ ta chẳng ta.

Sanghanandi được tâm rỗng rang, liền đảnh lễ Tổ và nói kệ :

– Tam giới nhất minh đăng,

Hồi quang nhi chiếu ngã.

Thập phương tất khai lãng,

Như nhật hư không trụ.[57]

Sanghanandi nói kệ xong, lại đảnh lễ Tổ cầu xin tiếp độ. Tổ Ràhulata bảo :

– Tâm ngươi tự tại chẳng lệ thuộc vào ta, cần gì nương vào ta để cầu giải thoát.

Một hôm, Tổ gọi Sanghanandi đến, bảo :

– Ta nay đã già, không còn ở đời bao lâu. Đại pháp nhãn tạng của Như Lai, nay ta trao lại cho ngươi. Nghe ta nói kệ :

Ư pháp thật vô chứng,

Bất thủ diệc bất ly.

Pháp phi hữu vô tướng,

Nội ngoại vân hà khởi.[58]

Nói kệ xong, Tổ Ràhulata ngồi trên tòa lặng lẽ thị tịch. Bốn chúng xây tháp cúng dường.

17. Sanghanandi[59](Tăng Già Nan Đề) năm -100 đến -20

Theo Truyền Đăng Lục, ngài là hoàng tử con vua Bảo Trang Nghiêm (Ratana Vyuha) ở thành Thất La Phiệt (Sàvatthi). Ngài sanh chưa bao lâu đã biết nói, mà thường nói việc Phật pháp. Năm 7 tuổi, ngài chán thú vui ở đời, cầu xin cha mẹ cho phép xuất gia. Ngài nói kệ :

Khể thủ đại từ phụ,

Hòa nam cốt huyết mẫu.

Ngã kim dục xuất gia,

Hạnh nguyện ai mẫn cố.[60]

Cha mẹ cố khuyên giải. Năm 11 tuổi, ngài nhịn ăn, nài nỉ xin xuất gia cho kỳ được. Cuối cùng, thấy chí ngài quá mạnh không sao ngăn nổi, nên vua cha cho ngài xuất gia với điều kiện phải ở một ngôi nhà riêng trong hoàng cung. Vua thỉnh sa môn Thiền Lợi Đa vào cung dạy Phật pháp cho ngài. Từ đó ngài được pháp tự là Sanghanandi (Tăng Già Nan Đề). Ngài tu trong hoàng cung 9 năm, đến năm 20 tuổi mới thọ cụ túc giới. Năm 26 tuổi, ngài tự cảnh tỉnh :

– Ta đã thọ giới cụ túc mà còn ở trong nhà thế tục này sao ?

Một buổi chiều trời quang mây tạnh, ngài nhìn thấy một con đường bằng phẳng, ở xa đầu kia lố dạng một ngọn núi xanh. Ngài liền cất bước nhắm hòn núi thẳng tiến. Đến nơi trời chưa tối, ngài tìm được một hang đá rồi ngồi thiền nơi ấy. Sáng hôm sau, vua cho người tìm kiếm khắp nơi không được. Bực mình, vua đuổi sa môn Thiền Lợi Đa ra khỏi thành. Sanghanandi tu nơi hang đá này ngót 10 năm mới có cơ duyên gặp Tổ Ràhulata và được truyền Chánh Pháp.

Sau khi đắc pháp, Tổ Sanghanandi đi hoằng pháp khắp nơi làm lợi lạc quần sanh. Một hôm, Tổ bảo đồ chúng :

– Thầy ta là Ràhulata có nói nước Na Đề (Nadi) sẽ cho ra đời một vị thánh tên là Sanghayasas (Tăng Già Da Xá) để nối ta truyền pháp. Nay chúng ta nên đến nước đó tìm.

Đến nước Na Đề, Tổ và đồ chúng đang đi bỗng có một luồng gió mát lành từ phương tây thổi đến làm mọi người đều cảm thấy mát khỏe. Tổ nói :

– Đây là đạo đức phong, ba dặm về phía tây ắt có thánh nhơn.

Thầy trò đi đến một hòn núi, thấy trên đỉnh núi có áng mây năm sắc. Tổ bảo:

– Trên đỉnh núi có đám mây ửng đỏ hình cái lọng, ắt là chỗ thánh nhơn ở.

Lên gần đến đỉnh, quả nhiên thấy một mái nhà tranh. Một đứa bé cầm gương tròn đến bái chào Tổ. Tổ hỏi :

– Ngươi bao nhiêu tuổi ?

– Trăm tuổi.

– Ngươi còn bé mà sao đến trăm tuổi ?

– Tôi chẳng hiểu sao, chính tôi một trăm tuổi.

– Ngươi có căn lành chăng ?

– Phật có nói nếu người sanh trăm tuổi mà không hội được cơ duyên chư Phật, không bằng sanh một ngày mà hiểu được rành rẽ. (Pháp cú, bài 115)

– Ngươi cầm gương tròn để làm gì ?

Đứa bé liền nói kệ :

– Chư Phật đại viên giám,

Nội ngoại vô hà ế.

Lưỡng nhơn đồng đắc kiến,

Tâm nhãn giai tương tợ.[61]

Cha mẹ thấy đứa bé đối đáp hợp đạo như thế, đồng ý cho đi theo Tổ làm thị giả. Tổ nhận cho xuất gia làm sa di và đặt cho pháp tự là Sanghayasas.

Đến khi già yếu, Tổ Sanghanandi gọi Sanghayasas đến truyền tâm ấn và nói kệ:

– Tâm địa bổn vô sanh,

Nhơn địa tùng duyên khởi.

Duyên chủng bất tương phòng,

Hoa quả diệc phục nhỉ.[62]

Nói kệ xong, Tổ Sanghanandi đứng vịn cành cây mà thị tịch. Sanghayasas nói:

– Thầy ta diệt độ dưới tàng cây, cũng là điềm che mát cho kẻ sau.

Đồ chúng họp nhau làm lễ hỏa táng, thu nhặt xá-lợi, xây tháp cúng dường.

18. Sanghayasas[63](Tăng Già Da Xá) năm -50 đến +20

Ngài Sanghayasas họ Uddaka (Uất Đầu Lam) ở nước Na Đề (Nadi), cha là Thiên Cái, mẹ là Phương Thánh. Bà Phương Thánh thọ thai. Một hôm, bà nằm mộng thấy có người cầm cái gương báu đến nói “Tôi đã đến đây”. Chợt tỉnh giấc, bà nghe toàn thân nhẹ nhàng thanh thản, khác hơn ngày thường. Trong nhà có mùi hương lạ, vài lằn hào quang xuất hiện. Bảy ngày sau bà sanh ra ngài. Thân ngài trong sáng như lưu ly. Ngài thích chỗ vắng vẻ, nói ra những lời siêu việt. Nhà cha mẹ ngài trên núi Bảo Lạc Ca. Sau khi ngài ra đời, ngôi nhà này luôn luôn có áng mây hồng che đậy trên không. Tổ Sanghanandi nhơn thấy áng mây ấy mà tìm đến gặp ngài. Từ đó ngài Sanghayasas theo làm đệ tử Tổ Sanghanandi. Về sau được Tổ truyền tâm ấn.

Tổ Sanghayasas vân du khắp nơi, tùy duyên giáo hóa, làm lợi ích cho chúng sanh. Khi tuổi đã già, Tổ đến nước Taksasila (Taxila), miền bắc Ấn, độ cho ngài Kumàrata và truyền tâm pháp cho ngài với bài kệ :

Hữu chủng, hữu tâm địa,

Nhơn duyên năng phát manh.

Ư duyên bất tương ngại,

Đương sanh sanh bất sanh.[64]

Tổ Sanghayasas là một luận sư rất giỏi về Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadin) và các môn Nhân Minh, Thanh Minh ... Sau khi truyền pháp xong, Tổ ngồi kiết già, hiện 18 phép thần biến, rồi vào niết bàn.

19. Kumàrata[65](Cưu Ma La Đa) năm -15 đến +60

Tổ Kumàrata[66], dòng Bà-la-môn, là người nước Taksasila[67](Đát Xoa Thỉ La, Taxila) thuộc miền bắc Ấn Độ. Thuở nhỏ ngài đã thông minh tài trí hơn người nên được gọi là “Đồng tử” (Kumàra). Kumàrata tu theo ngoại đạo, chủ thuyết tự nhiên. Ông có nuôi một con chó, mỗi khi ăn xong, con chó thường ra hành lang nằm dưới tấm rèm. Nhiều khi mưa gió ướt cả mình, mà nó vẫn nằm đó. Người nhà sợ nó lạnh, đuổi đi chỗ khác, rồi nó cũng trở lại chỗ đó nằm. Ông Kumàrata thấy lạ, đem việc đó hỏi thầy ông, nhưng không giải thích được điều gì. Ông mong có dịp gặp những bậc thánh nhân để nhờ giải nghi.

Khi Tổ Sanghayasas du hóa đến nước Taksasila, thấy nơi nhà của Kumàrata có làn khí lạ xông lên theo hình vòng tròn như khoen đeo tai, Tổ bảo đây là khí đại thừa, trong nhà ắt có thánh nhơn. Tổ đến gõ cửa xin vào. Kumàrata, lúc bấy giờ được 30 tuổi, hỏi :

– Ngài là đồ chúng nào ?

– Ta là đệ tử Phật.

Kumàrata vốn tin theo ngoại đạo, nghe nói đến Phật thì đâm ra sợ hãi, đóng cửa lại. Tổ Sanghayasas chờ một chập lâu, lại gõ cửa nữa. Kumàrata nói vọng ra :

– Không có ai ở nhà hết.

– Ngươi nói không có ai ở nhà hết, vậy ai nói đó ?

Biết là bậc dị nhơn, Kumàrata mở cửa đón tiếp. Sau khi chào hỏi, Kumàrata bèn đem nghi vấn về con chó ra hỏi. Tổ Sanghayasas nói :

– Con chó này là cha của ngươi, bởi có chút ít nghiệp nên đọa làm súc sanh. Xưa kia cha ngươi đem cả ngàn đính vàng để trong cái hũ, lén chôn dưới rèm. Đến khi chết không kịp trối lại với ngươi. Vì còn tiếc của nên sanh ra làm con chó để gìn giữ. Nếu ngươi đào lấy được, ắt nó sẽ bỏ đi.

Kumàrata liền đào chỗ con chó nằm, quả nhiên được hũ vàng đúng như lời Tổ nói. Ông hết lòng kính phục. Tổ Sanghayasas lại nói :

– Đức Phật đã có tiên tri rằng “Khoảng 600 năm sau khi ta diệt độ, sẽ có một bậc đại sĩ xuất hiện tại nước Taksasila”. Nay ta gặp ngươi, thật ứng vào lời tiên tri ấy.

Ông Kumàrata nghe đến đó chợt nhớ lại việc đời trước, xin xuất gia theo Tổ Sanghayasas.

Sau khi được truyền tâm ấn, Tổ Kumàrata chuyên việc giáo hóa tại nước Khabandha[68](Khiết Bàn Đà) miền bắc Ấn. Lúc về già, đi giáo hóa đến miền trung Ấn, Tổ gặp ngài Jayata (Xà Dạ Đa). Tổ truyền pháp cho ngài Jayata với bài kệ :

Tánh thượng bổn vô sanh,

Vị đối cầu nhơn thuyết.

Ư pháp ký vô đắc,

Hà hoài quyết bất quyết.[69]

Truyền pháp xong, Tổ ngồi ngay trên tòa, chấp tay hở ra như hoa sen nở, phóng hào quang sáng soi khắp trong chúng, rồi yên lặng thị tịch.

Theo Đại Đường Tây Vực Ký, Tổ Kumàrata là người khai sáng Kinh Lượng Bộ[70](Sautrantika, Samkrantika), nên được tôn xưng là Nhất Xuất Luận Sư. Ngoài ra bốn vị Tổ Asvaghosa(Mã Minh), Nàgàrjuna(Long Thọ), Kanadeva(Ca Na Đề Bà) và Kumàrata(Cưu Ma La Đa) còn được tôn xưng là Tứ Nhật Yếu Thế, tức là 4 vị Bồ tát nổi danh thời đó.

Tác phẩm của Tổ Kumàrata gồm có : Luận Nhật Xuất, Luận Kết Phát, Luận Dụ Man, Luận Si Man, Luận Hiển Liễu, và 43 bài kệ mở đầu kinh Tọa Thiền Tam Muội.

20. Jayata[71](Xà Dạ Đa) năm +30 đến 100

Tổ Jayata là người miền bắc nước Ấn Độ. Cha mẹ ngài là người kính tin Tam Bảo nhưng lại thường bị khó khăn, xui xẻo, bệnh hoạn luôn. Vì thế ngài sanh tâm ngờ vực và bất bình. Đến khi gặp Tổ Kumàrata ở miền trung Ấn, Jayata hỏi :

– Cha mẹ tôi ở nhà rất có lòng tín mộ Tam Bảo, nhưng thường mắc tật bệnh luôn, còn hễ làm ăn mua bán gì thì đều bị thất bại cả. Gần nhà tôi lại có người hạng candala (chiên-đà-la, hèn hạ), thế mà thân thường tráng kiện, làm việc gì cũng được toại nguyện. Chẳng biết kẻ ấy có phước chi và chúng tôi có tội chi ?

– Việc nhân quả báo ứng của các nghiệp thiện ác có thể xảy ra trong ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai). Kẻ thường chỉ thấy người hiền thì chết yểu, người ác lại sống dai, kẻ nghịch thì gặp lành, người nghĩa thì gặp dữ, bèn cho là không có nhân quả, tội phước. Họ đâu có biết các nghiệp thiện ác luôn luôn đeo đuổi theo mình như bóng với hình, cho đến muôn kiếp cũng không tan mất !

Nghe xong Jayata hết nghi. Tổ Kumàrata lại giảng tiếp :

– Tuy ngươi đã tin nơi ba nghiệp là thân, miệng và ý, nhưng ngươi chưa rõ chỗ cái nghiệp (karma) nương theo cái lầm (vô minh, avijjà, avidya) mà sinh ra. Con người do tin theo sáu thức mà bị lầm. Vì sáu thức thường bị sáu căn che mờ tánh giác. Mà tánh giác là bổn tánh của cái tâm thanh tịnh, không sanh diệt, không tạo tác, không báo ứng, không hơn thua, lúc nào cũng linh linh, tịch tịch. Nếu ngươi biết cách đối trị sáu thức, không để cho sáu căn gạt gẫm; đưa sáu thức trở về tánh giác sáng suốt, thường trụ, tịch tịnh, thì nghiệp không còn nương vào đâu để phát sanh. Lúc bấy giờ ngươi đồng với chư Phật không khác. Tất cả nghiệp báo thiện ác đều là mộng huyễn hết.

Nghe xong, ngài Jayata liền ngộ Tánh Giác, xin xuất gia làm đệ tử Tổ Kumàrata.

Sau khi được truyền tâm ấn, Tổ Jayata đến thành Ràjagaha (Vương Xá) truyền bá đốn giáo, độ người vô số. Lúc sắp nhập diệt, Tổ Jayata (Xà Dạ Đa) truyền pháp cho ngài Vasubandhu với bài kệ như sau :

Ngôn hạ hợp vô sanh 

Đồng ư pháp giới tánh. 

Nhược năng như thị giải 

Thông đạt sự lý cánh.[72]

Sau khi phó pháp, Tổ an nhiên thị tịch.

21. Vasubandhu[73](Bà Tu Bàn Đầu, Thế Thân) năm 70 - 160

Theo Bà Tu Bàn Đầu Pháp Sư Truyệntrong Đại Chánh Tạng tập 50, thì Quốc sư Kausìla (Kiều Thi Ca) ở thủ đô Purushapura (Phú Lâu Sa Phú La, Peshawar) nước Gandhara[74](Càn Đà La) thuộc miền bắc Ấn Độ, có 3 người con trai là Asangha (Vô Trước), Vasubandhu (Bà Tu Bàn Đầu) và Tỷ Lân Trì Bạt Bà. Ba anh em đều xuất gia theo bộ phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sabbattivada, Sarvastivadin). Sau đó, Asangha và Vasubandhu chuyển sang Đại thừa, và trở thành người khai sáng Tông Du-già[75]của Phật giáo Đại thừa, chủ trương quán “Vạn pháp duy thức” để nhập tánh Chân-như.

Vasubandhu xuất gia năm 15 tuổi với vị A-la-hán Quang Độ và được Bồ tát Tỳ Bà Ha truyền giới cho. Ngài hâm mộ hạnh của Tổ Mahà Kassapa nên tập tu theo hạnh đầu-đà, thường ăn mỗi ngày một bữa và không nằm, ngày đêm sáu thời lễ Phật, thanh tịnh vô dục, làm chỗ nương tựa cho mọi người, được nhiều người hâm mộ theo làm đệ tử.

Một hôm, được tin Tổ Jayata (Xà Dạ Đa) vừa đến tạm trú trong vùng, ngài Vasubandhu liền dắt đệ tử đến viếng. Tổ Jayata chỉ Vasubandhu hỏi đồ chúng :

– Người khổ hạnh tu hành thanh tịnh này có thể đạt Phật đạo chăng ?

Chúng tăng đáp :

– Thượng nhơn này tu hành tinh tấn như thế, lẽ nào không đạt đạo ?

Tổ Jayata bảo :

– Người này còn xa đạo. Dù khổ hạnh trải qua nhiều kiếp, chỉ giúp cho gốc vọng, đâu thể chứng đạo !

Các đệ tử của Vasubandhu lấy làm bất bình, hỏi :

– Nhơn giả đã được pháp gì mà chê thầy chúng tôi ?

Tổ đáp :

– Ta không cầu đạo, cũng không điên đảo; ta không lễ Phật cũng không khinh mạn; ta không ngồi hoài, cũng không lười nhác; ta không ăn ngọ cũng không tạp thực; ta không tri túc cũng không tham dục : Tâm không mong cầu, đó gọi là Đạo.

Ngài Vasubandhu nghe xong liền phát sanh trí vô lậu, xin theo hầu Tổ.

Sau khi được Tổ Jayata truyền tâm ấn, ngài thường xuất thần lên cung trời Đâu Suất (Tusita) chầu đức Di Lặc và nghe đức Di Lặc thuyết pháp. Trở về địa cầu, Tổ ghi chép lại thành 2 quyển kinh Du Già Sư Địa Luận(Yogacarabhumi) và Duy Thức Nhị Thập Luận(Vimsatika vijnapti matrata siddhi).

Tổ Vasubandhu cũng là một giáo sư xuất sắc của trường Đại học Phật giáo Nàlandà, lúc bấy giờ có đến vài ngàn tăng sĩ tu học. Đại học Nàlandà là trường Đại học lớn nhất thế giới thời bấy giờ.

Khi đi hoằng pháp đến nước Nadi (Na Đề), Tổ Vasubandhu truyền tâm ấn cho ngài Madura (Ma Nô La) với bài kệ :

Bào huyễn đồng vô ngại,

Vân hà bất ngộ liễu.

Đạt pháp tại kỳ trung,

Phi kim diệc phi cổ.[76]

Truyền pháp xong, đang ngồi trên tòa, bỗng thân Tổ bay lên hư không, ngồi yên trên ấy. Bốn chúng quỳ xuống bạch :

– Chúng con muốn thờ xá-lợi. Xin Tổ hoan hỉ cho chúng con được thiêu lấy xá-lợi.

Thân Tổ liền hạ xuống ngồi yên chỗ cũ, hiện tướng niết bàn. Đồ chúng làm lễ hỏa thiêu, thu nhặt xá-lợi, xây tháp cúng dường.

Tác phẩm của ngài rất nhiều, chỉ kể ra đây những tác phẩm quan trọng :

Du Già Sư Địa Luận(Yogacarabhumi), A-tỳ-đạt-ma Câu-xá Luận(Abhidharma kosa) 30 quyển, Nhiếp Đại Thừa Luận Thích(Mahàyana Sangraha Bhasa) 15 quyển, Thập Địa Kinh Luận(Dasabhumi sastra) 12 quyển, Kim-cangBát-nhã Ba-la-mật Kinh Luận(Vajracchedika prajnaparamito padesa) 3 quyển, Quảng Bách Luận, Luận Bồ-đề Tâm, Duy Thức Nhị Thập Luận(Vimsatika vijnapti matrata siddhi), Duy Thức Tam Thập Luận Tụng(Trimsika vijnapti matrata siddhi), Luận Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn(Mahàyana satadharma praka samukha sastra), Vô Lượng Thọ Kinh Ưu-ba-đề-xá(Sukhavati vyuha Upatissa) ...

Quyển A-tỳ-đạt-ma Câu-xá Luận sau thành kinh chánh của Câu-xá tông. Hai quyển Duy Thức Luận sau thành kinh chánh của Pháp Tướng tông. Do đó Tổ Vasubandhu được tôn làm giáo tổ sáng lập của hai tông ấy.

Lưu ý: Tổ Vasubandhu là em của ngài Asangha (Vô Trước) với ngài Vasubandhu là học trò của Tổ thứ 9 Buddhamitra (Phật Đà Mật Đa) là hai người khác nhau.

22. Madura[77](Ma Nô La) năm 120 - 190

Tổ Madura là hoàng tử thứ ba, con vua Sadavasita (Thường Tự Tại) ở nước Nadi (Na Đề). Khi mới sanh ra có nhiều điềm lạ, nên vua không dám lấy việc thế tục ràng buộc. Năm 30 tuổi ngài xuất gia theo Tổ Vasubandhu. Theo quyển Phật Tổ Chánh Tông Đạo Ảnh, thì khi Tổ Vasubandhu đến nước Nadi hoằng pháp, vua thỉnh vào cung tham vấn, Tổ nói :

– Hiện nay trong nước của Bệ hạ có hai vị sư giáo hóa và chỉ dẫn đạo lý cho chúng sanh. Trước kia đức Phật có tiên tri rằng khoảng 700 năm sau khi Phật diệt độ sẽ có hai bậc thần lực đại sĩ xuất gia nối ngôi Thánh. Hai vị ấy, một là Madura, hoàng tử thứ ba của Bệ hạ, vị thứ hai là tôi, tuy tôi đức bạc.

Vua nghe rồi, cho phép hoàng tử xuất gia. Về sau được Tổ Vasubandhu truyền tâm pháp.

Tổ Madura đi hoằng hóa miền tây Ấn Độ, đến xứ của vua họ Cồ Đàm (Gotama), tên Đắc Độ[78]. Vua Đắc Độ rất sùng kính Phật pháp, tinh tấn tu hành. Một hôm, ngay chỗ vua tu hành, bỗng hiện lên một bảo tháp xanh huyền, bề cao một thước tư. Vua đích thân đến bưng lên để trên bàn thờ, nhưng bưng không nổi. Lính hộ vệ họp lực nhắc lên cũng không nổi. Sau cùng vua phải mở đại hội triệu tập lực sĩ, tăng sĩ, phạm chí, các nhà chú thuật ... để hỏi nguyên nhân bảo tháp xuất hiện và tìm cách dời lên bàn thờ. Trước tiên, các lực sĩ ra sức nhắc lên không nổi. Các nhà thần chú dùng chú thuật cũng bất lực. Tổ Madura bước ra nói :

– Tháp này do vua Asoka tạo ra để thờ xá lợi Phật. Bốn mặt đều có chạm hình tiền thân đức Phật Sàkyamuni khi còn làm hạnh Bồ tát. Ngày nay, do Đại vương có duyên phước lớn nên tháp này mới hiện ra.

Nói xong, Tổ Madura bước đến nhắc bảo tháp để lên bàn thờ. Vua và tất cả mọi người đều hết lòng kính phục. Vua nói :

– Xin Tôn giả dạy cho trẫm những pháp Phật chủ yếu để học.

– Học Phật pháp là học cách bỏ ba vật và thực hành đủ bảy việc.

– Ba vật gì phải bỏ và bảy việc gì phải thực hành ?

– Ba vật phải bỏ là tham, sân, si. Bảy việc phải thực hành là đại từ, hoan hỉ, vô ngã, tinh tấn, nhiêu ích, hàng ma và vô chứng.

Vua Đắc Độ nghe xong liền được đại ngộ, rất tiếc mình được hiểu quá muộn. Vua than “Đời người quá ngắn ! Bậc chí thánh khó gặp !”. Vua cho đòi thái tử đến giao hết việc nước, rồi xin xuất gia theo Tổ. Chẳng bao lâu vua Đắc Độ chứng quả thánh. Tổ Madura dạy Đắc Độ ở lại trong xứ giáo hóa, còn Tổ đến xứ Đại Nguyệt Chi[79]tìm người kế truyền. Vua nước Đại Nguyệt Chi là Bảo Ấn và tỳ kheo Haklenayasas đồng nghinh tiếp Tổ, thỉnh về nội cung. Tỳ kheo Haklenayasas hỏi :

– Bạch Hòa thượng, con có một đứa đệ tử tên Long Tử, tuy còn nhỏ tuổi mà thông minh tuyệt vời. Con nhập định tìm nguyên nhơn đời trước của nó mà không thấy manh mối. Xin Hòa thượng chỉ dạy cho.

– Ông nhập định, quán thấy được mấy kiếp ?

– Con chỉ thấy được ba kiếp.

– Đệ tử của ông năm kiếp trước sanh trong nhà Bà-la-môn giàu có ở nước Diệu Hỷ. Khi ấy trong nước có ngôi chùa mới khánh thành cái đại hồng chung. Con ông Bà-la-môn này dùng gỗ chiên đàn tiện cái chày dộng chuông cúng chùa. Nhờ chày này giúp cho người được nghe chuông thức tỉnh. Bởi quả báo tốt ấy nên nay nó sanh ra được thông minh.

– Riêng con, không biết do nhân duyên gì mà cảm được bầy chim hạc thường theo. Xin Hòa thượng chỉ dạy.

– Bốn kiếp trước kia, ông làm một tỳ kheo đạo đức đầy đủ, có đến 500 đệ tử. Mỗi khi ông được thỉnh đến Long cung để cúng dường, ông xét thấy trong hàng đệ tử không ai có đủ phước đức để thọ lãnh cúng dường tại Long cung, nên ông chỉ đi một mình. Nhóm đệ tử bất mãn nói “Thầy thường dạy các pháp bình đẳng, trong sự ăn uống cũng phải bình đẳng, mà nay thầy đi thọ trai một mình !”. Về sau, mỗi khi có Long cung thỉnh, ông đều cho chúng đi theo. Bởi họ chưa đủ đức hạnh mà nặng về sự ăn uống, nên sau khi mãn phần, lần lượt sanh trong loài có cánh. Trải qua 5 kiếp, nay họ lại làm thân chim hạc. Do nhân duyên thầy trò kiếp trước nên nay chúng cảm mến ông.

– Nay phải dạy chúng tu pháp gì để trở lại làm người ?

– Thân người mất đi, khó được trở lại ! Ta có pháp bảo vô thượng, là kho tàng tri kiến của Như Lai, xưa kia đức Thế Tôn đã trao cho Tổ Mahà Kassapa, lần lượt đến ta, nay ta trao cho ông, ông nên truyền bá chớ để dứt mất. Nghe ta nói kệ :

Tâm tùy vạn cảnh chuyển,

Chuyển xứ thật năng u.

Tùy lưu nhận đắc tánh,

Vô hỷ diệc vô ưu.[80]

Truyền pháp xong, Tổ Madura (Ma Nô La) ngồi kiết già thị tịch.

23. Haklenayasas[81](Hạc Lặc Na) năm 150 - 230

Tổ Haklenayasas là người xứ Đại Nguyệt Chi thuộc miền bắc xứ Afganistan ngày nay, dòng Bà-la-môn, cha tên là Thiên Thắng, mẹ là Kim Quang. Ông Thiên Thắng đã lớn tuổi mà không con, ông thường đến chùa dâng hương lễ bái cầu con. Một hôm bà Kim Quang nằm mộng thấy một vị thần đứng trên ngọn núi Tu Di, tay cầm vòng ngọc, nói với bà “Ta đã đến đây”. Khi thức giấc, bà biết có thai.

Khi Haklenayasas được 7 tuổi, đi chơi trong xóm, thấy dân chúng thường giết súc vật đem đến cúng thần trong một ngôi miếu. Ngài đi thẳng vào miếu quở :

– Khéo bày đặt sự họa phước mà lừa gạt dân chúng, làm hao phí của nhân dân và tổn hại sinh mạng loài vật quá nhiều !

Ngài quở xong, vừa bước ra thì ngôi miếu bị sụp đổ. Dân chúng trong làng gọi ngài là ông thánh con. Năm 20 tuổi xuất gia tu theo Phật giáo, ở ẩn trong rừng ngót 9 năm, làm bạn với bầy hạc và chuyên tụng kinh Đại Bát Nhã. Năm 40 tuổi gặp Tổ Madura (Ma Nô La) và được truyền tâm ấn.

Tổ Haklenayasas du hóa miền trung Ấn Độ, được vua Vesarajjasaga (Vô Úy Hải) rất kính trọng, thường thỉnh ngài vào cung thuyết pháp cho vua nghe.

Tổ có một đệ tử tên Long Tử rất thông minh nhưng mạng yểu. Khi Long Tử mất, cha mẹ và anh là Sư Tử (Simha) đến làm lễ hỏa táng, song không thể dời quan tài được. Simha lấy làm lạ, hỏi Tổ :

– Toàn chúng tận lực, sao không nhấc quan tài lên nổi ?

– Lỗi tại nơi ngươi vậy.

– Tôi có lỗi gì ? Xin Hòa thượng hoan hỉ nói cho tôi biết.

– Em ngươi xuất gia, còn ngươi theo Bà-la-môn giáo. Hai năm nay, em ngươi ngày đêm thương nhớ, mong ngươi theo về với Chánh Pháp nên xin cha ngươi thỉnh một tượng Phật để trong nhà. Ngươi vì ghét nên đem tượng Phật để xuống đất, trong một xó. Bây giờ ngươi hãy về nhà thỉnh tượng Phật để trên bàn lại, thì sẽ dời quan tài đi được.

Simha làm y lời Tổ dạy, quả nhiên quan tài có thể dời đi được dễ dàng.

Ít lâu sau, người cha lại qua đời. Simha buồn bã, nghiệm lại lời Tổ nói, bèn đến xin Tổ cho xuất gia làm đệ tử.

Một hôm, Simha hỏi :

Bạch thầy, con muốn dụng tâm cầu đạo, phải làm như thế nào ?

Không có chỗ dụng tâm.

– Đã không dụng tâm làm sao hoàn thành Phật sự ?

– Nếu ngươi dụng tâm thì chẳng phải công đức. Làm Phật sự phải vô tâm, không nghĩ rằng mình đang làm Phật sự, như thế mới thật công đức.

Simha liền ngộ, phát sanh trí tuệ. Tổ lại chỉ hướng đông bắc, hỏi :

– Ngươi thấy gì không ?

– Con thấy.

– Ngươi thấy cái gì ?

– Con thấy hơi trắng xông lên như cái mống vòng khắp chân trời, lại có năm làn khói đen như cây thang xẹt lên trời Đao Lợi.

– Ngươi có biết ứng điềm gì không ?

– Con không biết, xin thầy dạy cho.

– 50 năm sau khi ta diệt độ, sẽ có pháp nạn ở bắc Ấn. Ngươi nên biết điều đó.

– Xin thầy chỉ dạy con nên làm gì.

– Nay ta đã già, sắp vào niết bàn. Đại pháp nhãn tạng của Như Lai, nay giao lại cho ngươi. Ngươi nên đến nước khác lánh nạn, nhưng phải dè dặt, truyền trao Chánh Pháp đúng thời, chớ để đoạn mất. Nghe ta nói kệ:

Nhận đắc tâm tánh thời

Khả thuyết bất tư nghì.

Liễu liễu vô khả đắc,

Đắc thời bất thuyết tri.[82]

Truyền tâm ấn cho ngài Simha Bhiksu xong, Tổ Haklenayasas phi thân lên hư không, hiện 18 phép thần biến, rồi trở lại chỗ ngồi lặng lẽ thị tịch.

24. Simha Bhiksu[83](Sư Tử Tỳ Kheo) năm 200 - 280

Tổ Simha Bhiksu là người miền trung Ấn Độ, xuất thân từ dòng Bà-la-môn. Sau khi đắc pháp với Tổ Haklenayasas, ngài đến nước Kế Tân[84]hoằng pháp. Trong nước này có vị sa môn tên Valisaka (Bà Lợi Ca) chuyên tập thiền quán. Sau khi qua đời, môn đồ của ông chia ra làm 5 phái : 1) Thiền định, 2) Tri kiến, 3) Chấp tướng, 4) Xả tướng, 5) Tịnh khẩu. Họ tranh nhau giành phần hơn. Tổ Simha Bhiksu dùng biện tài thuyết phục được bốn phái. Người cầm đầu của phái Thiền định là Dharmatrata (Đạt Ma Đạt) hay tin, tức giận, tìm đến tranh luận với Tổ. Vừa gặp Tổ, Dharmatrata lên tiếng :

– Tôi là Dharmatrata, muốn tranh luận với hiền giả nên mới đến đây.

– Nhơn giả chuyên thiền định, sao lại đến đây ? Nếu đã đến đây thì đâu phải là định.

– Tôi tuy đến chỗ này mà tâm không động. Định tùy người tập, đâu phải tùy nơi chốn.

– Vậy khi nhơn giả đến đây thì cái định có cùng đến hay không, hay còn ở tại trụ xứ ?

– Định tập người, chẳng phải người tập định. Tuy tôi có đi lại mà cái định ấy vẫn thường tập.

– Khi ông đi lại, nếu cái định không theo ông thì cái định ấy tập ai ? Nếu cái định cùng đi theo ông thì không phải là định.

– Như hạt minh châu tinh anh, trong ngoài không bị che; khi định được thông đạt thì tới lui vẫn không động.

– Nếu không bị che thì làm sao có trong ngoài ? Nếu không động thì làm sao có tới lui ? Tôi thấy nhơn giả không thể sánh được với hạt minh châu!

Dharmatrata thấy mình đuối lý, liền quy phục, thưa :

– Con học đạo còn sơ suyển, nếu không được Tôn giả chỉ dạy thì làm sao biết được chỗ cùng tột. Cúi xin Tôn giả thương xót nhận con làm đệ tử.

Tổ Simha Bhiksu dạy thêm :

Thiền định của chư Phật không có sở đắc. Giác đạo của chư Phật không có sở chứng. Không đắc, không chứng là chơn giải thoát. Đền nhơn trả quả là nghiệp báo của thế gian, trong Chánh Pháp ắt chẳng như thế. Ngươi nên theo đó mà tập thiền định.

Một hôm, có ông trưởng giả tên Tịnh Hạnh dẫn đứa con đến yết kiến Tổ và thưa:

– Bạch Hòa thượng, con tôi đây tên Suta (Tư Đa). Từ khi sanh ra cho đến bây giờ đã 20 tuổi mà bàn tay trái nó vẫn nắm chặt lại chưa từng mở ra. Xin Hòa thượng hoan hỉ nói rõ nhơn duyên đời trước của nó cho tôi biết.

Tổ Simha Bhiksu nhìn thẳng vào mặt Suta, rồi đưa tay ra, bảo :

– Trả hạt châu lại cho ta !

Suta liền xoè tay trái ra dâng hạt châu cho Tổ. Ông trưởng giả và đồ chúng thấy thế đều ngạc nhiên. Tổ giải thích :

– Đời trước, ta làm tỳ kheo, thường được Long vương thỉnh xuống Long cung tụng kinh. Lúc bấy giờ Suta tên là Vasa, cũng xuất gia làm thị giả cho ta. Một hôm, khi tụng kinh xong, Long vương trao cho ta một hạt châu để đáp lễ. Ta nhận rồi trao cho thị giả cất giữ. Sau đó ta tịch rồi sanh nơi đây. Vì nhơn duyên thầy trò chưa hết nên lại gặp nhau đây.

Ông trưởng giả nghe được chuyện tiền duyên của con mình, hoan hỉ cho Suta xuất gia theo Tổ. Tổ bèn ghép tên đời trước là Vasa với tên hiện đời là Suta để đặt pháp tự là Vasasuta cho con ông trưởng giả.

Đến khi già yếu, Tổ gọi ngài Vasasuta (Bà Xá Tư Đa) đến bảo :

– Nước này sắp có tai nạn xảy đến cho ta, nhưng ta đã già yếu đâu mong lánh thoát làm gì. Nay ta trao đại pháp nhãn tạng của Như Lai lại cho ngươi, ngươi nên phụng trì. Ngươi mau đi khỏi xứ này, lấy sự giáo hóa làm nhiệm vụ. Nghe ta nói kệ :

Chánh thuyết tri kiến thời

Tri kiến câu thị tâm.

Đương tâm tức tri kiến,

Tri kiến tức vu kim.[85]

Vasasuta vâng lời Tổ, đến miền nam Ấn Độ giáo hóa, còn Tổ vẫn tiếp tục ở lại Kasmira (Kế Tân). Lúc bấy giờ vua xứ Kasmira tin theo ngoại đạo, ra lệnh đàn áp Phật giáo. Một hôm nhà vua hỏi Tổ Simha Bhiksu :

– Hòa thượng đã lìa khỏi sanh tử chưa ?

– Tâu Đại vương, bần tăng đã lìa khỏi sanh tử.

– Vậy Hòa thượng bố thí cho trẫm cái đầu được chăng ?

– Trọn thân tôi vốn chẳng thật, thì còn tiếc chi cái đầu !?

Vua liền vung đao chặt đầu Tổ. Máu trắng phun lên cao mấy thước. Cánh tay phải của vua liền rụng ngay xuống đất. Đúng bảy ngày sau, vua băng hà.

25. Vasasuta[86](Bà Xá Tư Đa) năm 240 - 325

Tổ Vasasuta tên thật là Suta, người nước Kasmira (Kế Tân), thuộc dòng Bà-la-môn, cha tên Tịnh Hạnh, mẹ tên Thường An Lạc. Mẹ ngài nằm mộng thấy thanh gươm thần mà mang thai. Khi mới sanh, bàn tay trái ngài luôn luôn nắm cứng lại. Năm 20 tuổi, được Tổ Simha Bhiksu nhắc lại chuyện đời trước, ngài liền nhớ lại rõ ràng, xin xuất gia theo Tổ. Tổ Simha Bhiksu ghép tên đời trước của ngài là Vasa với tên hiện đời là Suta thành ra Vasasuta mà đặt pháp tự cho ngài, rồi mật truyền tâm ấn, khuyên ngài nên đến miền nam Ấn Độ giáo hóa.

Rời xứ Kế Tân, Tổ Vasasuta đến trung Ấn (thung lũng sông Gangà). Vua Ca Thắng ra đón tiếp ngài. Nguyên trong xứ này có ngoại đạo tên Vô Ngã, rất giỏi pháp thuật và nghị luận, khinh chê Phật pháp. Nhà vua mở hội nghị luận, chính vua làm chủ tọa. Vô Ngã đến hội đề xướng mặc luận, không dùng lời nói. Tổ Vasasuta không đồng ý, nói :

– Nếu chẳng dùng lời làm sao phân biệt hơn thua ?

– Chẳng tranh hơn thua, chỉ lấy nghĩa lý.

– Cái gì là nghĩa ?

– Không tâm là nghĩa.

– Ngươi đã không tâm thì đâu thành nghĩa ?

– Ta nói không tâm, chính là danh chẳng phải nghĩa.

– Ngươi nói không tâm chính là danh chẳng phải nghĩa; ta nói phi tâm chính là nghĩa chẳng phải danh.

– Chính là nghĩa chẳng phải danh, thì làm sao biện được nghĩa ?

– Ngươi nói chính là danh không phải nghĩa, thì danh này là danh gì ?

– Vì biện cái phi nghĩa nên không danh mà đặt danh.

– Danh đã phi danh, thì nghĩa cũng phi nghĩa. Người biện là ai và biện vật gì ?

Bàn qua luận lại như thế hơn 50 lần, ngoại đạo mới bặt lời, chịu phục. Bỗng trong vương cung có mùi hương lạ bay đến, Tổ chợt nói :

– Đây là tin đưa đến, thầy ta đã tịch.

Tổ Vasasuta liền xây mặt về hướng bắc, chấp tay đảnh lễ. Lễ xong, Tổ nói với vua :

– Khi ra đi, thầy tôi dạy đến nam Ấn. Nay ở lại đây đã lâu là trái ý thầy, xin tạm biệt Đại vương, tôi phải đi.

Vua Ca Thắng và quần thần tiễn Tổ lên đường đi nam Ấn.

Đến miền nam, gặp vua Thiên Đức thỉnh Tổ về hoàng cung. Vua Thiên Đức có hai người con : thái tử Đức Thắng thì thân thể khỏe mạnh mà tánh tình hung bạo, còn người em tánh tình hiền lành mà bệnh hoạn liên miên. Vua hỏi Tổ :

– Đứa con thứ của trẫm tôn thờ Phật pháp, ưa làm việc lành, sao lại mắc bệnh kinh niên, vậy lẽ báo ứng lành dữ như thế nào ?

– Bệnh của hoàng tử là do công đức phát sanh. Song lý sâu xa này Đại vương phải khéo nghe. Phật dạy người có nghiệp nặng nơi thân, ví như bệnh nội thương quá nặng, uống thuốc không có công hiệu, sắp chết bệnh càng hoành hành. Nếu là nghiệp nhẹ, bệnh nhẹ, gặp thuốc liền bớt, bớt rồi từ từ mạnh. Người nghiệp nặng, dù có công đức cũng không làm gì được, đến lúc gần chết nghiệp lại càng phát hiện. Người nghiệp nhẹ, làm các việc công đức, nghiệp trước liền hiện, trả xong sau sẽ được nhẹ nhàng thanh tịnh.

“Hiện nay, hoàng tử làm việc thiện mà bị bệnh lâu, hẳn là do làm các công đức nên phát ra nghiệp nhẹ này. Hiện tại tuy có khổ nhỏ, về sau sẽ được an ổn. Kinh có nói : “Nếu phải chịu nghiệp báo trong ba đường ác, nên nguyện đời nay trả xong, để khỏi sanh vào đường ác.” Đại vương chớ nghi ngại.

Vua Thiên Đức nghe xong, tin nhận, càng phát tâm làm việc phước thiện. Tổ Vasasuta từ giã vua, đi hoằng hóa nơi khác.

Mười sáu năm sau, vua Thiên Đức băng. Thái tử Đức Thắng lên nối ngôi, tin theo ngoại đạo, vấn nạn Tổ Vasasuta. Thái tử Punyamitra (Bất Như Mật Đa) đến can ngăn, bị vua bắt giam. Vua muốn gán cho Tổ tội truyền tà pháp để giết. Nhưng khi cùng Tổ Vasasuta tranh luận đạo lý, vua bị Tổ thuyết phục, nên xin hối lỗi, lễ bái và phóng thích Tổ. Thái tử Punyamitra được vua tha liền xin xuất gia theo Tổ Vasasuta. Sau 6 năm, Tổ Vasasuta gọi Punyamitra đến bảo :

– Ta đã già lắm rồi, sắp rời cõi đời này. Đại pháp nhãn tạng của Như Lai đã truyền cho Mahà Kassapa xưa kia, nay ta trao lại cho ngươi. Hãy nghe ta nói kệ :

Thánh nhơn thuyết tri kiến,

Đương cảnh vô thị phi.

Ngã kim ngộ kỳ tánh,

Vô đạo diệc vô lý.[87]

Truyền pháp xong, Tổ Vasasuta thị hiện thần biến rồi vào niết bàn, năm 325.

26. Punyamitra[88](Bất Như Mật Đa) năm 300 - 388

Tổ Punyamitra là thái tử, con vua Đức Thắng miền nam Ấn Độ. Khi vua bắt giam Tổ Vasasuta, thái tử đến can ngăn cũng bị vua bắt giam luôn. Trước khi mang Tổ Vasasuta ra xử tử về tội truyền tà pháp, vua cùng Tổ tranh luận đạo lý. Vua bái phục và hối lỗi. Thái tử Punyamitra được vua tha, xin xuất gia với Tổ Vasasuta, và sau 6 năm được truyền tâm ấn.

Theo quyển Phật Tổ Lịch Đại Thông Tái, thì sau khi được truyền tâm ấn, Tổ Punyamitra đến giáo hóa tại miền đông Ấn Độ. Vua nước ấy tên Kiên Cố tin theo ngoại đạo là Phạm Chí Trường Trảo[89](Dìghanakha), bảo Tổ là ma. Tổ dùng Chánh Pháp chế ngự tà pháp của Phạm Chí, rồi diễn thuyết pháp yếu khiến vua theo về Phật đạo.

Nguyên trong xứ này có một đồng tử, con dòng Bà-la-môn. Cha mẹ mất sớm, đồng tử ấy phải xin ăn để sống qua ngày. Đồng tử này tánh tình phóng khoáng lạ thường, không ai biết tên họ gì. Có khi đồng tử tự xưng là Anh Lạc, nên dân chúng gọi là đồng tử Anh lạc. Một hôm, vua Kiên Cố cùng Tổ Punyamitra ngồi chung xe đi sang cổng thành phía đông. Anh Lạc bước ra đứng trước xe làm lễ. Tổ nói với vua :

– Người này là thánh nhơn trong nước Đại vương đây.

Rồi Tổ quay sang hỏi Anh Lạc :

– Ngươi nhớ việc xưa chăng ?

– Tôi nhớ khi xưa, đồng trong pháp hội, Tôn giả giảng Bát-nhã Ba-la-mật-đa (Prajna paramità), còn tôi giảng Tu-đa-la (sutra, sutta) thậm thâm. Duyên xưa, nay gặp lại, nên mới đón nhau đây.

Tổ nói với vua :

– Đồng tử này là hóa thân của Bồ tát Đại Thế Chí, ra đời để nối pháp cho tôi. Sau tôi sẽ có hai vị đại sĩ ra đời, vị trước giáo hóa ở nam Ấn, vị sau có duyên với nước Chấn Đán (Trung Hoa), nhưng chỉ ở bên ấy 9 năm rồi trở về bổn quốc.

Tổ lại quay sang nói với Anh Lạc :

– Do xưa ta giảng Bát-nhã, còn ông thuyết Tu-đa-la, nay lại gặp nhau đây. Vậy nên gọi ông là Bát Nhã Đa La (Prajnatara[90]).

Prajnatara liền đảnh lễ, tôn Tổ làm thầy, xin xuất gia theo Tổ.

Tổ Punyamitra hoằng pháp nơi đây 60 năm. Đến năm 388, Tổ truyền tâm ấn cho ngài Prajnatara với bài kệ :

Chơn tánh tâm địa tàng,

Vô đầu diệc vô vĩ.

Ứng duyên nhi hóa vật,

Phương tiện hô vi trí.[91]

Truyền pháp xong, Tổ ngồi kiết già hiện các thần biến rồi vào niết bàn, hóa lửa tự thiêu. Vua Kiên Cố thâu xá lợi, xây tháp cúng dường.

27. Prajnatara[92](Bát Nhã Đa La) năm 360 - 460

Tổ Prajnatara là người miền đông Ấn Độ, dòng Bà-la-môn. Ngài mất cha mẹ từ thuở nhỏ, thường dạo chơi trong xóm làng, tự xưng là Anh Lạc, hành động và ngôn ngữ khác thường, gần giống như Bồ tát Thường Bất Khinh. Một hôm, nhơn gặp Tổ Punyamitra nhắc lại nhân duyên đời trước, đồng tử Anh Lạc xin xuất gia theo Tổ và được đặt pháp tự là Prajnatara.

Đến năm 388, được truyền tâm ấn, Tổ Prajnatara đến hoằng pháp tại nước Dekhan miền nam Ấn Độ. Vua xứ này là Hương Chí hết lòng sùng kính Phật pháp. Đến năm 460, Tổ Prajnatara truyền trao Chánh Pháp cho người con thứ ba của vua Hương Chí là Bodhitara, pháp tự là Bodhidharma, với bài kệ sau đây :

Tâm địa sanh chư chủng,

Nhơn sự phục sanh lý.

Quả mãn bồ-đề viên,

Hoa khai thế giới khởi.[93]

Truyền pháp xong, Tổ ngồi nhập định, hiện các thứ thần biến rồi thị tịch.

28. Bodhidharma[94](Bồ Đề Đạt Ma), Sơ Tổ tại Trung Hoa, năm 440 - 529

Tổ Bodhidharma sanh năm 440, là con trai thứ ba của vua Hương Chí xứ Dekhan, miền nam Ấn Độ. Tên thật của ngài là Bodhitara. Một hôm vua mời Tổ thứ 27 là Prajnatara vào cung thọ trai. Sau khi nghe thuyết pháp, vua dâng cúng cho Tổ một viên ngọc quý nhất trong xứ. Tổ Prajnatara cầm viên ngọc quý đưa lên, hỏi ba vị hoàng tử :

– Chẳng hay các Hoàng tử có bao giờ thấy vật gì quý hơn hòn ngọc này không ?

– Bạch Hòa Thượng, hoàng tử lớn tên Candra Suddha Tara (Nguyệt Tịnh Đa La) đáp, viên ngọc này thật hiếm có, con chưa bao giờ thấy vật gì quý bằng hòn ngọc này cả.

Vị hoàng tử thứ nhì tên Gunatara (Công Đức Đa La) cũng đồng ý với anh. Vị hoàng tử thứ ba tên Bodhitara (Bồ Đề Đa La) thưa :

– Bạch Hòa Thượng, viên ngọc này thật là quý báu. Nhưng theo con nghĩ thì Giáo Pháp của đức Phật còn quý hơn nhiều. Vì Giáo Pháp đó có thể mang đến cho chúng ta sự bình an, hạnh phúc và giải thoát khỏi mọi đau khổ.

Tổ Prajnatara lại hỏi :

– Trong muôn loài, loài nào lớn hơn cả ?

– Bạch Hòa Thượng, Bodhitara đáp, con nghĩ rằng Phật Tánh là lớn hơn cả, vì nó bao gồm cả muôn vật.

Sau khi nghe hai câu trả lời đó, Tổ nói với vua :

– Tâu Bệ hạ, hoàng tử Bodhitara là người có trí tuệ rộng lớn, đúng là vị thánh nhơn mà đức Phật đã tiên đoán là sẽ nối nghiệp tôi sau này.

Sau khi vua băng hà, hoàng tử Bodhitara xin xuất gia, được Tổ Prajnatara đặt pháp tự là Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma). Đến năm 20 tuổi, Bodhidharma được truyền tâm ấn, Tổ Prajnatara nói :

– Này Bodhidharma, Chánh Pháp Nhãn Tạng của đức Thế Tôn đã truyền cho Mahà Kassapa, Mahà Kassapa truyền cho Ànanda và truyền lần cho đến ta. Nay ta trao lại cho ngươi. Từ nay ngươi là vị Tổ thứ 28 ở Ấn Độ. Ngươi tạm giáo hóa ở xứ này, sau sang Trung Hoa mới thật là nhân duyên lớn. Song đợi ta diệt độ rồi, khoảng 60 năm sau sẽ đi. Nếu ngươi đi sớm e có việc không tốt.

Vua Nguyệt Tịnh (Candra Suddha) băng, thái tử Dị Kiến lên nối ngôi. Dị Kiến lên ngôi không bao lâu lại tin theo ngoại đạo, bài bác Phật giáo. Tổ Bodhidharma sai đệ tử là Parati (Ba La Đề) đến cung vua để cải hóa. Sau khi cải tà quy chánh, vua Dị Kiến hỏi ra mới biết Parati là đệ tử của chú mình. Nhà vua thỉnh Tổ về cung giáo hóa. Cơ duyên tới, Tổ Bodhidharma, theo di chúc của Tổ Prajnatara, theo thuyền buôn vượt biển đến Trung Hoa. Ba năm sau, thuyền cặp bến Quảng Châu, huyện Phiên Ngung, tỉnh Quảng Đông, vào ngày 21 tháng 9 âm lịch năm Canh Tý 520.

Vua Lương Vũ Đế (502-557) sai sứ rước Tổ đến kinh đô Kiến Nghiệp, mời Tổ vào cung tham vấn. Vua hỏi :

– Bạch Hòa Thượng, từ hồi lên ngôi Hoàng đế đến nay, trẫm đã ra lệnh xây cất chùa, tạc tượng Phật, đúc chuông đồng nhiều vô số. Ngoài ra còn in kinh sách, cúng dường tăng ni không kể hết. Như vậy có công đức gì chăng ? Sau này trẫm có được thành Phật không ?

– Thưa Đại vương, không công đức ! Không thể thành Phật được !

– Sao lạ vậy ? Trẫm không hiểu !?

– Thưa Đại vương, những điều ngài làm chỉ được phước báo hữu lậu. Không thể thành Phật được.

– Vậy phải làm thế nào để được công đức vô lậu ?

– Tâm rỗng.

– Thế nào là một Thánh nhơn ?

– Quách nhiên vô thánh.[95]

– Trẫm đang nói chuyện với ai ?

– Không biết.

Vua Lương Vũ Đế ngơ ngác. Tổ Bodhidharma kiếu từ, rút lui. Đến ngày 19 tháng 10 âm lịch, Tổ âm thầm qua sông, đến đất Ngụy, dừng chân ở chùa Thiếu Lâm, núi Tung Sơn, ngồi thiền xoay mặt vào vách đá suốt ngày đêm. Người thời ấy gọi ngài là Bích Quán Bà-la-môn.

Ngày mồng 9 tháng 12 âm lịch năm 520, có vị tăng tên Thần Quang từ xa tìm đến để hỏi đạo, thấy Tổ ngồi thiền, không dám quấy rầy, đứng chờ phía sau lưng Tổ. Đến gần sáng, gặp mùa đông, tuyết lên đến đầu gối. Thấy vậy, Tổ hỏi :

– Ngươi đứng suốt đêm trong tuyết, ý muốn cầu việc gì ?

– Bạch Thầy, con muốn cầu học đạo của chư Phật.

– Đạo của chư Phật rất thâm sâu, mầu nhiệm. Phải cần cù học tập trong nhiều kiếp, phải làm được những việc siêu phàm, phải kiên nhẫn trong khi người khác không chịu nổi. Những kẻ phàm tục, mê muội, đầy kiêu mạn, không chịu nổi khó nhọc, không thể nào học được Chánh Pháp. Nếu ngươi thật sự muốn học, hãy chứng tỏ sự quyết tâm của ngươi.

Ngài Thần Quang liền dùng dao chặt đứt cánh tay trái, tay phải lấy tuyết bụm vết thương lại, đứng yên một chỗ. Tổ Bodhidharma hỏi :

– Ngươi đã chặt tay để bày tỏ sự quyết tâm. Vậy ngươi muốn học gì ?

– Bạch Thầy, con xin được nghe Pháp ấn của chư Phật.

– Pháp ấn của chư Phật không thể “nhờ người mà ta được”[96].

– Bạch Thầy, tâm con không an, xin Thầy an tâm cho con.

– Tâm ngươi đâu ? Đưa đây, ta an cho.

Ngài Thần Quang suy nghĩ một lúc rồi nói :

– Bạch Thầy, con tìm mãi mà không thấy tâm con đâu cả !

– Ta đã an tâm cho ngươi rồi đó.

Ngài Thần Quang liền được đại ngộ, quỳ xuống đảnh lễ, xin theo làm đệ tử, được Tổ ban pháp tự là Huệ Khả.

Từ đây, kẻ tăng người tục đua nhau đến yết kiến ngài, tiếng tâm lừng lẫy. Vua Hiếu Minh Đế nước Ngụy ba phen sai sứ đến thỉnh Tổ, Tổ đều từ chối. Nhà vua càng kính trọng, sai sứ đem lễ vật đến tận nơi cúng dường, rốt cuộc Tổ phải nhận.

Mở cửa phương tiện, Tổ Bodhidharma dùng bốn hạnh chính để giáo hóa môn đồ: 1) Báo oán hạnh[97], 2) Tùy duyên hạnh, 3) Vô sở cầu hạnh, 4) Xứng pháp hạnh.

Sau 9 năm, vào cuối tháng 9 năm Kỷ Dậu 529, Tổ muốn trở về Ấn Độ, ngài gọi 4 đệ tử lớn đến hỏi :

– Ta sắp trở về Thiên Trúc, các ngươi hãy nói chỗ sở đắc của mình cho ta nghe thử.

– Bạch Thầy, đại đức Đạo Phó (Tăng Phó) thưa, theo con nghĩ, muốn hiểu Đạo thì không nên căn cứ vào văn tự nhưng cũng không nên rời văn tự[98].

– Ngươi đã được phần da của ta, Tổ đáp.

– Bạch Thầy, sư cô Tổng Trì thưa, theo chỗ hiểu của con, như Tổ A Nan thấy nước Phật A Súc[99], chỉ thấy một lần, không còn thấy lại. (Tất cả đều là hư vọng).

– Ngươi đã được phần thịt của ta.

– Bạch Thầy, đại đức Đạo Dục thưa, con thấy tứ đại đều không, năm uẩn chẳng thật. Theo con thì không một pháp có thể được. (Vô sở hữu, vô sở đắc).

– Ngươi đã được phần xương của ta.

Tới phiên ngài, đại đức Huệ Khảbước ra đảnh lễ Tổ, rồi lui lại đứng im lặng(Bất khả thuyết, không thể diễn tả được). Tổ nhìn ngài Huệ Khả nói :

– Ngươi đã được phần tủy của ta.

Tổ Bodhidharma liền truyền tâm ấn cho ngài Huệ Khả. Tổ nói :

– Xưa kia đức Thế Tôn đã truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng cho Tổ Mahà Kassapa, rồi từ đó truyền lần cho đến ta. Hôm nay ta trao lại cho ngươi cùng với y bát của ta[100]. Ngươi hãy gìn giữ cẩn thận. Mỗi vật đều quan trọng, ngươi nên biết rõ.

– Bạch Thầy, xin Thầy chỉ dạy cho con.

Trong truyền tâm ấn để khế hợp chỗ tâm chứng; ngoài trao y bát để định tông chỉ. Đời sau có nhiều người cạnh tranh, nghi ngờ, họ nói ta là người Ấn, ngươi là người Hoa, căn cứ vào đâu mà được Pháp, lấy gì để minh chứng? Ngươi gìn giữ pháp y (áo cà-sa) này, nếu gặp tai nạn, ngươi đem ra làm pháp tín, thì sự giáo hóa không bị trở ngại.

“Hai trăm năm sau khi ta diệt độ, y bát này dừng lại không truyền, vì lúc đó Phật pháp rất thạnh hành. Chính khi ấy, người biết đạo thật nhiều, người hành đạo quá ít, người nói lý thì nhiều, người ngộ lý thì ít. Tuy nhiên, người thầm lặng chứng đạo có hơn hằng vạn. Ngươi gắng xiển dương, chớ khinh người chưa ngộ. Nghe ta nói kệ :

Ngô bổn lai tư độ,

Truyền pháp cứu mê tình.

Nhất hoa khai ngũ diệp,

Kết quả tự nhiên thành.[101]

“Và đây là bộ kinh Lăng Già(Lankavatara sutra) gồm 4 quyển, là cửa vào Chơn Tâm, là chìa khóa để mở kho tàng tri kiến Phật, ngươi hãy ráng bảo trì. Ta rất hài lòng được người thừa kế như ngươi.

“Ta từ nam Ấn sang đây, đã 5 phen bị thuốc độc mà không chết. Vì thấy xứ này tuy có khí đại thừa mà chưa ứng hợp, nên ta lặng lẽ ngồi lâu chờ đợi. Nay đã truyền trao xong, đã có thủy ắt phải có chung vậy.

Vài ngày sau, Tổ cùng đồ chúng đi đến Võ Môn, ở chùa Thiên Thánh, dừng lại 3 hôm. Quan Thái thú nơi đây tên Dương Huyễn Chi là người sùng mộ Phật pháp, nghe tin Tổ đến, liền tới đảnh lễ rồi hỏi :

– Đại sư ở Ấn Độ được kế thừa làm Tổ và sang Trung Quốc để truyền bá Giáo Pháp. Vậy thế nào là Tổ ? Làm sao thành một vị Tổ sư ?

– Biết rõ tâm tông của Phật, làm và hiểu hợp nhau, ấy gọi là Tổ.

– Còn có chi khác không ?

– Phải biết soi sáng tâm người, biết hiện tại và quá khứ, an nhiên trước có / không, không phân biệt trí / ngu, không vướng mắc vào đâu cả. Người như thế đáng làm Tổ.

– Bạch Đại Sư, con vì nghiệp thế tục, ít gặp được thiện tri thức, trí nhỏ không thể thấy đạo. Xin Thầy hoan hỉ chỉ dạy cho con đường lối tu tập theo Phật, theo Tổ.

Không khinh điều ác; không trọng điều thiện. Không xa trí tuệ; không gần vô minh. Không bỏ phàm phu; không theo hiền thánh. Đó là đại đạo đưa đến Phật Tánh để cứu muôn loài chúng sanh. Tâm bình đẳng đối với thánh / phàm. Vượt ngoài ý niệm đối đãi. Đó là vị Tổ sư.

Rồi Tổ Bodhidharma nói bài kệ tóm ý như sau :

"Ngoài dứt muôn duyên(5 căn thanh tịnh)

"Trong bặt nghĩ tưởng(ý căn thanh tịnh)

"Tâm như vách tường(tâm bất động chuyển)

"Mới là vào Đạo.

"Sáng Phật Tâm Tông(biết rõ Chơn tâm, Phật tánh)

"Thảy không sai ngộ.

"Làm hiểu hợp nhau

"Ấy gọi là Tổ.

Quan Thái Thú Dương Huyễn Chi nghe xong, vui mừng chảy nước mắt, thưa :

– Bạch Đại Sư, con xin ngài ở lại đây thật lâu để giáo hóa chúng con.

– Ta sắp đi đây, ta không thể ở lâu hơn nữa. Người đời tâm tánh sai khác, ta đã bị phiền lụy nhiều rồi.

– Ai dám phiền lụy đến Đại Sư, xin ngài cứ nói, con sẽ thanh toán người ấy.

– Ta đã truyền bá bí pháp của chư Phật để cứu người. Nay, chẳng lẽ vì sự an nguy của mình mà hại người sao ?

– Con không hại người, chỉ muốn biết đó thôi.

– Đời mạt pháp, kẻ tội ác quá nhiều, dù ta có ở lại lâu e chẳng lợi ích gì mà còn làm tăng trưởng tội ác cho người. Hãy nghe ta nói kệ đây :

Giang tra phân ngọc lãng,

Quản cự khai kim tỏa.

Ngũ khẩu tương cộng hành,

Cửu thập vô bỉ ngã.[102]

Thái thú Huyễn Chi nghe xong ghi nhớ, đảnh lễ Tổ rồi lui ra.

Ba ngày sau, Tổ Bodhidharma ngồi an nhiên thị tịch, nhằm ngày mồng 9 tháng 10 năm Kỷ Dậu 529. Đến ngày 18 tháng chạp, nhục thân của Tổ được an táng tại chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ. Hơn ba năm sau, khi sứ nước Ngụy là Tống Vân đi sứ Ấn Độ về, qua núi Thông Lãnh, chợt gặp ngài dùng gậy quảy một chiếc dép trên vai đi nhanh như bay. Tống Vân hỏi :

– Đại Sư, ngài đi đâu đó ?

– Ta đi về Thiên Trúc (Ấn Độ). Chủ ông đã chán đời rồi !

Khi về đến Lạc Dương, vua Hiếu Minh Đế đã băng, Tống Vân thuật lại cho vua Hiếu Trang Đế nghe việc gặp Tổ tại núi Thông Lãnh. Vua lấy làm lạ, ra lệnh mở quan tài ra xem: Mọi người ngạc nhiên thấy trong quan tài chỉ có một chiếc dép của Tổ. Vua ra lệnh xây tháp thờ Tổ Bodhidharma với di tích chiếc dép của ngài, ở chùa Thiếu Lâm, đặt tên là tháp Không Quán.

Vua Lương Vũ Đế tôn xưng Tổ là Thánh Trụ Đại Sư. Vua Đường Đại Tông ban thụy hiệu là Viên Giác Đại Sư. Đời Đường, niên hiệu Khai Nguyên năm thứ 15 (năm 728), môn đồ dời chiếc dép của Tổ về thờ ở chùa Hoa Nghiêm.

Về đệ tử của ngài, ngoài Tổ Huệ Khả còn có những vị nổi tiếng khác như Đạo Dục, Tăng Phó (Đạo Phó), Đàm Lâm, Tổng Trì, v.v...

Tổ Bodhidharma không để lại tác phẩm nào bằng văn tự. Các tác phẩm nói lên phương pháp tu hành của ngài gồm có : Luận Nhị Thập Tứ Hành, Thiếu Thất Lục Môn, Đạt Ma Hòa Thượng Tuyệt Quán Luận, Thích Bồ Đề Đạt Ma Vô Tâm Luận, Nam Thiên Trúc Bồ Đề Đạt Ma Thiền Sư Quán Môn, Thiền Môn Nhiếp Yếu, Thiếu Thất Dật Thư.

29. Huệ Khả[103](Hoei Keu), Nhị Tổ tại Trung Hoa năm 487 - 593

Tổ Huệ Khả, sanh năm 487, là người huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, họ Cơ, tự Thần Quang, hiệu Tăng Khả, vào thời Nam Bắc Triều. Ngài thuộc dòng tôn thất nhà Chu. Khi ngài lọt lòng mẹ, có hào quang lạ chiếu sáng trong nhà, nên cha mẹ đặt tên là Thần Quang. Thuở nhỏ, ngài xuất gia với sư Bảo Tịnh, chùa Hương Sơn ở Long Môn, Lạc Dương; sau thọ giới cụ túc tại chùa Vĩnh Mục. Ngài sớm đi tham học các nơi về Thiền Quán, tinh cần nghiên cứu về Khổng, Lão. Năm 520, vào ngày mồng 9 tháng 12 âm lịch, ngài đến chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, tham yết Tổ Bodhidharma và theo học 9 năm, được truyền tâm ấn làm Nhị Tổ tại Trung Hoa vào đầu tháng 10 năm 529.

Sau khi Tổ Bodhidharma thị tịch, Tổ Huệ Khả sang bắc Tề hoằng truyền Chánh Pháp. Năm 556, Tổ đang ở tại chùa Quang Phước, một hôm, có một cư sĩ trạc 40 tuổi, chẳng nói tên họ, đến đảnh lễ Tổ và thưa :

– Thân con lâu nay mắc bệnh ghẻ lở, chữa trị mãi không lành. Chắc đời trước con đã gây nhiều tội lỗi, xin Đại Sư hoan hỉ sám hối tội cho con.

– Hãy đem tội của ngươi đến đây, ta sẽ sám hối cho.

– Bạch Đại Sư, con tìm kiếm tội, không thấy ở đâu cả.

– Ta đã sám hối tội cho ngươi rồi đó. Nhưng ngươi nên nương tựa Phật, Pháp, Tăng.

– Hiện giờ đệ tử thấy thầy đây là đã biết được Tăng. Nhưng chẳng biết thế nào là Phật và Pháp ?

– Tâm ấy là Phật, tâm ấy là Pháp. Phật và Pháp không hai. Ngươi biết chưa ?

– Nay đệ tử mới biết tánh tội không ở trong, không ở ngoài, không ở chặn giữa. Tâm cũng vậy, Phật và Pháp cũng vậy. Thế nên Phật và Pháp không hai.

Tổ Huệ Khả nghe nói, rất hoan hỉ, liền cho xuất gia, và bảo :

– Ngươi là vật báu của ta, nên ta đặt tên cho ngươi là Tăng Xán.

Sau khi thọ giới cụ túc, bệnh của ngài Tăng Xán lần lần thuyên giảm. Ngài Tăng Xán theo hầu Tổ được hai năm. Một hôm, Tổ Huệ Khả gọi Tăng Xán đến, bảo :

– Tổ Bodhidharma chẳng ngại xa xôi, từ Ấn sang đây, đem Chánh Pháp nhãn tạng của Như Lai truyền cho ta và có để lại y bát của ngài làm pháp tín, nay ta trao lại cho ngươi, ngươi khéo giữ gìn, chớ để đoạn tuyệt. Nghe ta nói kệ :

Bổn lai duyên hữu địa,

Nhơn địa chủng hoa sanh.

Bổn lai vô hữu chủng,

Hoa diệc bất tằng sanh.[104]

Rồi Tổ Huệ Khả nói tiếp :

– Ngươi được Pháp rồi, nên vào núi sâu mà ở, lúc này chưa phải thời ngươi hành hóa. Trong nước sẽ có nạn.

– Thầy đã biết trước mọi việc, xin từ bi chỉ dạy con rành rẽ.

– Đây không phải tự ta nói, mà là lời huyền ký của Tổ Prajnatara, do Tổ Bodhidharma thuật lại cho ta nghe : Sau khi Tổ Prajnatara nhập niết bàn khoảng 150 năm, sẽ có những việc xảy ra như trong bài kệ sau đây :

Tâm trung tuy kiết ngoại đầu hung,

Xuyên hạ tăng phòng danh bất trung.

Vi ngộ độc long sanh võ tử,

Hốt phùng tiểu thử tịch vô cùng.[105]

“Xét về niên số nhằm đời của ngươi, ngươi nên thận trọng. Ta cũng có cái nợ ngày trước cần phải trả.

Tổ Huệ Khả phó pháp cho đệ tử là Tăng Xán xong, đến huyện Nghiệp Đô, tỉnh Hà Nam giảng kinh Lăng Già, rồi mai danh ẩn tích trên 30 năm, chẳng ai biết tông tích.

Lúc bấy giờ có một văn sĩ nổi tiếng là thần đồng, tên Mã Tăng Ma. Năm 21 tuổi, ông đã giảng được sách Lễ, kinh Dịch tại miền Đông Hải, thính giả đến nghe đông như chợ. Vừa được gặp Tổ Huệ Khả, Mã Tăng Ma liền xin xuất gia, thọ cụ túc giới. Từ đó về sau, ông không cầm đến cây viết, bỏ hết sách thế gian, chỉ một y, một bát, một tọa cụ, ngày ăn một bữa, ngủ một lần dưới gốc cây, chuyên tu hạnh đầu đà. Về sau, Mã Tăng Ma dạy đệ tử là Huệ Mãn rằng :

– Tâm ấn của Tổ sư chẳng phải chuyện khổ hạnh. Khổ hạnh chỉ là giúp đạo mà thôi. Nếu ngươi khế hội được bản tâm[106], phát cái dụng tùy ý chơn quang[107], thì khổ hạnh như nắm đất thành vàng. Nếu ngươi chỉ chú trọng khổ hạnh mà không rõ bản tâm, lại bị yêu ghét trói buộc thì khổ hạnh như đêm 30 đi trong đường hiểm.

"Ngươi muốn rõ được bản tâm, phải suy cùng xét cạn, khi gặp sắc gặp thinh mà chưa khởi suy nghĩ thì tâm ở chỗ nào ? Là không chăng ? Là có chăng ? Đã chẳng rơi vào chỗ có/không, thì tâm chân tự sáng, thường chiếu thế gian, chưa có một mảy bụi làm gián cách, chưa có một sát-na đứt nối.

Lại có ông cư sĩ Hướnglà một nhà văn uyên bác, chẳng màn đến bả công danh, thích sống nơi rừng sâu hoang vắng, đói ăn lá cây, khát uống nước giếng, làm bạn với nước biếc non xanh để di dưỡng tinh thần. Nghe Tổ Huệ Khả đang hoằng hóa ở bắc Tề, ông biên thơ đến hỏi như vầy :

– Bạch Thầy,

“Theo thiển ý của tôi, người đời cảnh tạm, công danh phú quý như chòm mây nổi, lạch biển cồn dâu; đài các phong lưu như hòn bọt nước. Cái gì là chơn thật, đáng để ta quý trọng ?

“Vì bởi bóng do hình mà có, vang theo tiếng mà sanh, đuổi bóng nhọc hình, chằng biết hình là gốc của bóng; to tiếng để ngăn vang, đâu biết tiếng là cội của vang. Trừ phiền não mà thú hướng niết bàn, cũng như bỏ hình mà tìm bóng. Lìa chúng sanh mà cầu Phật quả, cũng như im tiếng mà tìm vang.

“Thế nên biết, mê ngộ một đường, ngu trí chẳng khác, không tên mà đặt tên, nhơn tên đó mà có thị phi. Không lý mà tạo thành lý, nhơn lý đó mà khởi tranh luận. Huyễn hóa chẳng phải chơn, thì cái gì phải ? cái gì quấy ? Hư vọng chẳng phải thật, thì cái gì không ? cái gì có ?

“Muốn đem cái biết “được mà không chỗ được, mất mà không chỗ mất” trình với Thầy mà chưa có dịp gặp. Nay thố lộ ý này, mong Thầy từ bi đáp cho.

Tổ Huệ Khả đáp :

– Bị quán lai ý giai như thật,

Chơn u[108]chi lý cảnh bất thù:

Bổn mê ma-ni vị ngõa lịch,

Hoát nhiên tự giác thị chơn châu.

Vô minh trí tuệ đảng vô dị,

Đương tri vạn pháp tất giai như.

Mẫn thị nhị kiến chi đồ bối,

Thân từ tá bút tác tư thơ.

Quán thân dữ Phật bất sai biệt,

Hà tu cánh mích bỉ vô dư ?

Dịch nghĩa : Ông cư sĩ Hướng,

Xem rõ ý ông gởi đến đây,

Đối lý chơn u có khác gì:

Mê bảo ma-ni là ngói gạch,

Bỗng nhiên giác ngộ biết chơn châu.

Vô minh trí tuệ đồng chẳng khác,

Muôn pháp đều như, phải liễu tri.

Thương kẻ chấp thường và chấp đoạn,

Bày lời mượn bút viết thơ này.

Quán thân với Phật không sai khác,

Nhọc gì tìm kiếm niết bàn chi ?

Ông cư sĩ Hướng được thơ của Tổ Huệ Khả, đọc xong, tìm đến đảnh lễ và thọ nhận ấn ký.

Sau đó, Tổ Huệ Khả hay mặc thường phục, có khi vào quán rượu, có lúc đến hàng thịt, hoặc ở giữa đám đông thuyết pháp, hoặc làm người khuân vác v. v... Có người biết, hỏi :

– Thầy là nhà tu, sao lại làm như thế ?

– Ta tự điều phục tâm, đâu có can hệ gì đến ngươi.

Một hôm, Tổ mặc thường phục đến trước tam quan chùa Khuôn Cứu ở Quảng Thành, diễn nói đạo vô thượng. Nhằm lúc pháp sư Biện Hòa đang giảng kinh Niết Bàn trong giảng đường. Thính giả trong chùa từ từ rút lần ra ngoài rất đông, đứng nghe Tổ nói. Sư Biện Hòa bực tức báo với quan ấp Tể là Địch Trọng Khản rằng Tổ giảng tà thuyết, làm việc phi pháp. Trọng Khản nghe theo, không xét phải quấy, bắt Tổ gia hình. Tổ không đối kháng, mặc nhiên thừa nhận để trả nợ trước cho xong.

Tổ Huệ Khả tịch vào năm 593, thọ 107 tuổi, được thiện tín thương xót đem di thể về chôn ở chùa Từ Châu, phía đông bắc huyện Phú Dương. Về sau được vua ban thụy hiệu là Chánh Tông Phổ Giác Đại Sư. Vua Đức Tông nhà Đường truy phong Đại Tổ Thiền Sư.

30. Tăng Xán[109](Seng Tsan), Tam Tổ tại Trung Hoa năm 517 - 606

Tổ Tăng Xán sanh năm 517 ở Từ Châu. Không ai biết gốc gác ngài như thế nào, chỉ biết ngài mắc bệnh ghẻ lở kinh niên. Một hôm, ngài đến nhờ Tổ Huệ Khả làm lễ sám hối nghiệp đời trước, mong sẽ được lành bệnh. Nhơn đó được ngộ đạo, và được Tổ cho xuất gia, thọ cụ túc giới tại chùa Quang Phước vào ngày 18 tháng 3 âm lịch năm Bính Tý 556 nhằm niên hiệu Thiên Bình thứ hai đời Bắc Tề. Đến năm 558, ngài Tăng Xán hết bệnh, được Tổ Huệ Khả truyền y bát và bảo :

– Ngươi được Pháp rồi, nên vào núi sâu mà ở, lúc này chưa phải thời ngươi hành hóa. Trong nước sẽ có nạn.

Tam Tổ Tăng Xán vào núi Tư Không, huyện Thái Hồ ẩn cư, thay đổi chỗ ở luôn. Trong thời gian này, khoảng năm 574, có một vị sư người nam Ấn tên Vinitaruci (Tỳ Ni Đa Lưu Chi)xin làm đệ tử. Sau khi được truyền pháp, Vinitaruci nghe theo lời Tổ vào miền nam hoằng pháp, trụ tại chùa Chế Chi tỉnh Quảng Châu trong 6 năm; đến năm 580, ngài Vinitaruci rời Trung Quốc sang Giao Châu (Việt Nam), dừng chân ở chùa Pháp Vânthuộc phủ Thuận An, huyện Siêu Loại, nay là chùa Dâu[110]thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Sau, Tam Tổ Tăng Xán đến núi La Phù hoằng pháp, lập pháp hội nơi cội cây. Đến đời vua Võ Đế nhà Bắc Chu đàn áp Phật giáo, Tổ lánh nạn đến núi Hoản Công, huyện Thư Châu, người đời không ai biết.

Năm 592, đời Tùy, niên hiệu Khai Hoàng, có sa di Đạo Tín, mới 14 tuổi, đến đảnh lễ Tam Tổ rồi thưa :

– Bạch Hòa Thượng, xin Hòa Thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát.

– Có ai trói buộc ngươi sao ?

– Dạ, không có ai trói buộc con cả.

– Đã không bị trói buộc, đâu cần cầu giải thoát.

Đạo Tín vừa nghe xong liền đại ngộ. Ngài xin theo hầu Tam Tổ suốt 9 năm. Sau đó đến Kiết Châu thọ giới cụ túc, rồi trở lại hầu Tổ rất cần mẫn. Đến năm 604, thấy Đạo Tín đã thuần thục, Tam Tổ Tăng Xán gọi ngài đến, bảo :

– Đại pháp nhãn tạng của Như Lai, nay ta trao lại cho ngươi cùng với y bát của Tổ Bodhidharma. Ngươi gắng gìn giữ. Nghe ta nói kệ :

Hoa chủng tuy nhơn địa,

Tùng địa chủng hoa sanh.

Nhược vô nhơn hạ chủng,

Hoa địa tận vô sanh.[111]

Tổ Tăng Xán nói tiếp :

– Xưa, Tổ Huệ Khả trao pháp cho ta rồi ngài đến xứ Nghiệp Đô hoằng hóa hơn 30 năm mới thị tịch. Nay đã có ngươi thừa kế cho ta thì việc của ta đã xong, còn mắc ở đây làm gì ?

Truyền pháp xong, Tổ Tăng Xán đến núi La Phù ngao du hai năm, rồi lại trở về Châu Thư, ngụ tại chùa Sơn Cốc. Dân chúng ở đây nghe Tổ đến đều vui mừng tấp nập kéo đến thừa sự, cúng dường. Tổ đăng tòa thuyết pháp cho tứ chúng nghe, rồi đứng ngay thẳng dưới cây đại thọ, chấp tay thị tịch. Nhằm ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần, niên hiệu Đại Nghiệp thứ hai (606) đời nhà Tùy.

Tổ Tăng Xán có để lại một tác phẩm : Tín Tâm Minh.

Vua Huyền Tông đời Đường (713-755), có sắc thụy phong cho ngài là Giám Trí Thiền Sư. Đến đời vua Thiên Bảo (742), có quan Doãn huyện Hà Nam tên Lý Thường đến khai mộ Tổ, thỉnh thi hài làm lễ trà tỳ. Ông thu lượm xá-lợi xây tháp thờ, một phần tặng sư Thần Hội ở chùa Hà Trạch, một phần mang luôn theo mình.

31. Đạo Tín[112](Tao Sinn), Tứ Tổ tại Trung Hoa năm 580 - 651

Tổ Đạo Tín, người huyện Quảng Tế, tỉnh Kỳ Châu (Hồ Bắc), họ Tư Mã. Cha mẹ ngài quê ở Hà Nội, sau khi dời về Kỳ Châu mới sanh ra ngài. Ngài xuất gia khi còn để chỏm, tuy còn ấu thơ mà đã có ý chí xuất trần muốn tu giải thoát. Năm 14 tuổi, ngài vào núi Hoản Công ở Thư Châu, tham yết Tổ Tăng Xán, được Tổ độ cho ngộ đạo. Ngài ở lại hầu Tổ 9 năm. Đến năm 604, ngài Đạo Tín được Tổ Tăng Xán truyền y bát làm Tứ Tổ.

Theo huyền thoại, vào năm 601, đại đức Đạo Tín nhơn đi ngang núi Long Phong huyện Huỳnh Mai, gặp một đạo sĩ già chuyên trồng cây tòng (tùng), nên người ta gọi ông là Tài Tòng. Đạo sĩ Tài Tòng nhận thấy đạo phong của ngài Đạo Tín nên hỏi :

– Đạo pháp của Như Lai có thể cho tôi học được chăng ?

– Tuổi ông đã quá già, dù có học cũng chẳng được lợi ích cho nhiều người. Như ông nhẫn chịu đến khi đầu thai trở lại thì tôi sẽ dạy cho.

Đạo sĩ Tài Tòng ưng chịu, liền đi xuống núi. Đến huyện Huỳnh Mai, thấy một cô gái đang ngồi giặt áo ở bờ sông, ông đến chào và hỏi :

– Nhà cô ở gần xa, cô vui lòng cho tôi nghỉ nhờ một đêm được chăng ?

– Tôi còn cha mẹ, không dám tự quyền, mời ông vào nhà hỏi cha mẹ tôi là hơn.

– Vậy cô có bằng lòng không đã ?

– Riêng tôi thì bằng lòng.

Ông đạo Tài Tòng đến nhà cô gái, xin nghỉ qua đêm, rồi sáng sớm hôm sau ông đi mất dạng. Cô gái kia là con út của nhà họ Châu. Ít lâu sau cô có thai. Cha mẹ cô lấy làm ô nhục, quở mắng và đuổi cô ra khỏi nhà. Cô còn trẻ mà phải cam chịu sống cảnh bơ vơ trong sự tủi nhục, không nơi nương tựa, phải đi làm mướn nuôi thân qua ngày. Chín tháng sau, cô sinh ra một đứa con trai xinh xắn. Cô vẫn chịu nhẫn nhục nuôi con, sống nhờ vào sự bố thí của những người hảo tâm. Thấm thoát được sáu năm, đứa bé tỏ ra kháu khỉnh, thông minh, ăn nói khác thường. Vì nó không có cha nên người trong xóm thường gọi nó là thằng bé không họ.

Đến năm 608, Tổ Đạo Tín đến huyện Huỳnh Mai, giữa đường gặp một đứa bé dáng vẻ khôi ngô, độ chừng 7 tuổi. Đồ chúng nói cho Tổ biết đó là thằng bé không họ. Tổ gọi :

– Này thằng bé không họ !

– Tôi có họ chớ !

– Ngươi họ gì ?

– Tôi họ Phật.

Tổ bỗng nhớ đến lời hẹn xưa của ngài với ông đạo Tài Tòng, bèn tìm đến nói với người mẹ, xin đứa bé đem về nuôi. Căn cứ vào tánh nhẫn của Tổ, tánh nhẫn của Tài Tòng và tánh nhẫn của người mẹ, Tổ đặt tên cho thằng bé không họ là Hoằng Nhẫn, rồi cho thế phát làm sa di, giao cho đồ chúng dạy học...

Năm 617, Tứ Tổ Đạo Tín dẫn đồ chúng đến huyện Lư Lăng, tỉnh Kiết Châu. Bị bọn giặc Tào Võ Vệ bao vây thành 70 ngày, suối giếng khô cạn, mọi người đều lo sợ. Tổ khuyên mọi người thành tâm niệm Ma-ha Bát-nhã. Bọn giặc từ xa trông thấy như có thiên binh giữ thành, nên bảo nhau “Trong thành ắt có dị nhân, không nên đánh”, rồi rút quân. Sau đó, Tổ muốn đi Hoành Nhạc, nhưng trên đường ra Giang Châu, người xuất gia cũng như tại gia đều thỉnh Tổ ở lại chùa Đại Lâm tại Lô Sơn. Tổ hoằng pháp nơi đây 7 năm.

Năm 624, Tổ trở về quê ở Kỳ Châu, trụ trên núi Phá Đầu hơn 30 năm. Tăng chúng bốn phương đua nhau tìm đến tham vấn rất đông. Núi Phá Đầu sau đổi tên là núi Song Phong, nên người đời còn gọi Tổ là Song Phong Đạo Tín.

Năm 630, Tổ đang ở trên núi Phá Đầu, nhìn xem khí tượng, biết trên núi Ngưu Đầu có bậc dị nhơn. Tổ Đạo Tín đích thân tìm đến núi này, vào chùa U Thê hỏi thăm chư tăng rằng :

– Ở đây có đạo nhơn chăng ?

– Phàm là người xuất gia ai chẳng phải là đạo nhơn ?

– Cái gì là đạo nhơn ?

Chư tăng im lặng. Có một vị đáp :

– Ở bên kia núi, cách đây chừng 2 dặm, có một vị sư tên Pháp Dung, lười biếng đến đỗi thấy người đến cũng không đứng dậy chào, cũng không chấp tay xá. Như vậy có phải là đạo nhơn chăng ?

Tổ liền leo núi tìm đến nơi, thấy sư Pháp Dung đang ngồi thiền định trên tảng đá, dường như chẳng để ý đến ai. Chờ một lúc, đến khi sư Pháp Dung xuất thiền, Tổ hỏi :

– Đại đức ở đây làm gì ?

– Quán tâm.

– Quán là người nào ? Tâm là vật gì ?

Pháp Dung không đáp được, bèn đứng lên làm lễ, thưa :

– Hòa thượng an trú nơi nào ?

– Bần tăng không có chỗ ở nhất định, hoặc đông hoặc tây.

– Ngài có biết thiền sư Đạo Tín chăng ?

– Vì sao thầy hỏi ông ấy ?

– Tôi nghe danh đức đã lâu, khao khát muốn đến lễ yết.

– Thiền sư Đạo Tín là bần đạo đây.

– Vì sao ngài quang lâm đến đây ?

– Ta tìm đến thăm hỏi thầy. Có chỗ nào nghỉ ngơi chăng ?

– Dạ có cái am nhỏ kia.

Pháp Dung liền đưa Tổ về am, có nhiều cọp sói lảng vảng xung quanh. Tổ đưa hai tay lên ra vẻ sợ sệt. Pháp Dung hỏi :

– Ngài vẫn còn cái đó sao ?

– Cái đó là cái gì ?

Pháp Dung không đáp được. Giây lát, Tổ đến tấm đá của Pháp Dung ngồi thiền, vẽ một chữ PHẬT. Pháp Dung nhìn thấy giật mình. Tổ bảo :

– Vẫn còn cái đó sao ?

Pháp Dung không hiểu, bèn đảnh lễ cầu xin Tổ chỉ dạy. Tổ bảo :

– Phàm trăm ngàn pháp môn đồng về một tấc vuông. Diệu đức như hà sa, thảy ở nơi nguồn tâm. Tất cả pháp môn như giới, định, tuệ, thần thông biến hóa, thảy đều đầy đủ nơi tâm ngươi. Tất cả phiền não xưa nay đều lặng không. Tất cả nhơn quả đều như mộng huyễn, không có tam giới có thể ra, không có bồ-đề có thể cầu. Người cùng phi nhơn tánh tướng bình đẳng. Đại đạo thênh thang rộng lớn, bặt suy dứt nghĩ. Pháp như thế, nay ngươi đã được, không thiếu khuyết, cùng Phật không khác, lại không có pháp gì lạ.

Chỉ cần tâm ngươi tự tại, chớ khởi quán hạnh, cũng chớ lóng tâm, chớ khởi tham sân, chớ ôm lòng lo buồn, rỗng rang không ngại, mặc tình tung hoành, chẳng làm các việc thiện, chẳng làm các việc ác, đi đứng nằm ngồi, mắt thấy tai nghe ... thảy đều là diệu dụng của Phật. Vì vui vẻ không lo buồn nên gọi là Phật.

Pháp Dung thưa :

– Tâm đã đầy đủ. Vậy cái gì là Phật ? Cái gì là tâm ?

– Chẳng phải tâm thì không hỏi Phật. Hỏi Phật thì chính là tâm.

– Đã không khởi quán hạnh, khi gặp cảnh khởi tâm, làm sao đối trị ?

Cảnh duyên không có tốt xấu. Tốt xấu khởi nơi tâm. Nếu tâm chẳng theo cảnh (danh sắc), thì vọng tình từ đâu khởi ? Vọng tình đã chẳng khởi, thì chơn tâm mặc tình biết khắp. Ngươi chỉ cần tùy tâm tự tại, chẳng cần đối trị, tức gọi là pháp thân thường trụ, không có đổi thay. Ta thọ pháp môn đốn giáo này của Tổ Tăng Xán, nay trao lại cho ngươi. Ngươi nên nhận kỹ lời ta, chỉ ở núi này, sau có năm vị đại nhơn đến nối tiếp giáo hóa.

Năm 643, nghe đạo hạnh của Tổ, vua Thái Tông ba phen hạ chiếu thỉnh về kinh, nhưng Tổ đều dâng biểu từ chối. Vua tức giận ra lệnh nếu Tổ không đi thì sứ giả phải mang thủ cấp của Tổ về. Khi sứ giả đến đọc chiếu chỉ xong, Tổ ung dung ngửa cổ chịu chém. Sứ giả lấy làm lạ trở về tâu lại với vua. Vua càng kính phục, gởi gấm lụa đến tận nơi cúng dường.

Năm 651, ngài Hoằng Nhẫn được 50 tuổi, Tổ Đạo Tín gọi đến bảo :

– Xưa Như Lai truyền Chánh Pháp nhãn tạng cho Tổ Mahà Kassapa, rồi từ đó truyền lần cho đến ta. Nay ta trao lại cho ngươi cùng với y bát của Tổ Bodhidharma, ngươi nên gìn giữ cẩn thận. Nghe ta nói kệ :

Hoa chủng hữu sanh tánh,

Nhơn địa hoa sanh sanh.

Đại duyên dữ tín hiệp,

Đương sanh sanh bất sanh.[113]

Tổ Đạo Tín lại nói tiếp :

– Trước kia, trong đời Võ Đức, ta có viếng Lô Sơn, lên tột trên đỉnh, nhìn về núi Phá Đầu, thấy một vầng mây màu tía giống như cái lộng, dưới phát ra lằn khói trắng chia ra sáu đường. Ngươi cho là điềm gì ?

– Đó là điềm sau Hòa Thượng, con cháu sẽ chia thêm một nhánh Phật pháp.

– Hay thay, ngươi khéo biết đó.

Truyền pháp xong, đến ngày mồng 4 tháng 9 nhuần năm Tân Hợi 651, Tổ Đạo Tín gọi hết thảy đệ tử vào dặn :

Tất cả các pháp đều là giải thoát, các ngươi phải tự ghi nhớ và giáo hóa đời sau.

Dặn dò các đệ tử rồi, Tổ ngồi an nhiên thị tịch, thọ 72 tuổi. Nhục thân ngài được đồ chúng nhập tháp thờ ở chùa Huỳnh Mai, huyện Đông Sơn[114]. Ngày mồng 8 tháng 4 năm sau, cửa tháp tự nhiên mở ra, dung nhan của Tổ xinh tươi như lúc sống. Từ đây về sau, các đệ tử không đóng cửa tháp nữa.

Vì đệ tử của Tổ là ngài Hoằng Nhẫn hoằng truyền pháp Thiền tại chùa Huỳnh Mai, Đông Sơn, nên người đời còn gọi Tổ Đạo Tín là Sơ Tổ pháp môn Đông Sơn. Ngoài ra sư Pháp Dung, một đệ tử khác của Tổ, lập riêng pháp Thiền Ngưu Đầu.

Vua Đường Đại Tông (766-779) ban cho Tứ Tổ Đạo Tín thụy hiệu Đại Y Thiền Sư, tháp hiệu Từ Vân.

Tác phẩm của Tổ Đạo Tín gồm có : Nhập Đạo An Tâm Yếu Phương Tiện Pháp Môn, Bồ tát Giới Tác Pháp.

32. Hoằng Nhẫn[115](Houng Jenn), Ngũ Tổ tại Trung Hoa năm 602 - 675

Tổ Hoằng Nhẫn không cha, mẹ họ Châu, sanh năm 602 tại huyện Huỳnh Mai, tỉnh Kỳ Châu (Kỳ Xuân, Hồ Bắc). Thuở nhỏ, ngài rất thông minh, xinh đẹp. Có ông thầy xem tướng khen rằng “Đứa bé này có đầy đủ tướng tốt, chỉ thua Phật bảy tướng thôi”. Vì không biết cha ngài là ai, nên người trong xóm thường gọi ngài là thằng bé không họ.

Năm lên 7 tuổi, ngài xuất gia với Tứ Tổ Đạo Tín ở chùa Đông Sơn, núi Song Phong, huyện Huỳnh Mai, tỉnh Kỳ Châu.

Năm 651, ngài Hoằng Nhẫn được 50 tuổi, được Tổ Đạo Tín truyền tâm ấn làm Ngũ Tổ, thường được gọi là Ngũ Tổ Huỳnh Mai (Hoàng Mai).

Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn lấy việc liễu ngộ Chơn Tâm làm ý chỉ, giữ tâm thanh tịnh làm cốt yếu của thiền tập. Ngài phát huy Thiền phong, hình thành pháp môn Đông Sơn, và bắt đầu phổ biến sâu rộng kinh Kim Cang Bát Nhãthay thế kinh Lăng Già. Tổ có rất đông đệ tử, tăng chúng thường trực nơi đạo tràng Hoàng Mai không dưới 500 người.

Năm 671, có người cư sĩ họ Lư tên Huệ Năng từ phương nam đến xin yết kiến Tổ. Tổ hỏi :

– Ngươi từ đâu đến ?

– Bạch Hòa Thượng, đệ tử từ Lãnh Nam đến.

– Ngươi muốn cầu việc gì ?

– Đệ tử chỉ muốn cầu làm Phật, không cầu việc gì khác.

– Người Lãnh Nam là giống dân man di, làm sao thành Phật được ?

– Theo con nghĩ thì người tuy có nam bắc, chứ Phật tánh không có nam bắc.

Tổ Hoằng Nhẫn biết Huệ Năng là bậc lợi căn, giả vờ nạt bảo :

– Thôi, hãy ra nhà sau đi !

Huệ Năng đảnh lễ, đi xuống nhà sau lãnh phần bửa củi, giã gạo.

Sáu tháng sau, Tổ dự biết thời kỳ truyền pháp đã đến, liền gọi đồ chúng đến bảo :

– Nay ta đã già yếu rồi, các ngươi, tùy ý mỗi người, làm một bài kệ nói rõ chỗ thâm hiểu của mình về Phật pháp. Nếu được chỗ cao siêu phù hợp với Chánh Pháp, ta sẽ truyền y bát cho.

Lúc bấy giờ, tăng chúng hơn 700 người, ai cũng tôn kính thượng tọa Thần Tú là bậc giáo thọ[116]. Họ bảo nhau :

– Nếu không phải thượng tọa Thần Tú thì còn ai đảm đương nổi việc này. Chúng ta có làm kệ cũng vô ích thôi.

Ngài Thần Tú nghe lời bàn tán của đồ chúng như vậy, tự nghĩ mình phải làm kệ. Làm kệ xong, ban đêm ngài lén biên lên vách ở hành lang chùa :

Thân thị bồ-đề thọ,

Tâm như minh cảnh đài.

Thời thời cần phất thức,

Mạc sử nhạ trần ai.[117]

Sáng ngày, Tổ Hoằng Nhẫn đi kinh hành thấy bài kệ trên vách, đọc qua biết là của thầy Thần Tú làm. Tổ khen :

– Người đời sau, nếu y bài kệ này tu hành sẽ được thánh quả.

Toàn chúng đều đua nhau đọc tụng và học thuộc lòng. Huệ Năng đang giã gạo sau chùa, nghe một thanh niên đọc đi đọc lại bài kệ ấy để học thuộc lòng. Hỏi ra biết của thầy Thần Tú làm. Huệ Năng bèn nhờ người đó dẫn đến chỗ biên kệ, đọc lại cho nghe một lần nữa, rồi nhờ người đó biên giùm một bài kệ họa vận :

Bồ-đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệc phi đài.

Bản lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai ?[118]

Tổ thấy bài kệ này thầm nhận là người đã sáng đạo, nhưng không dám nói ra, e có người ganh tị hại Huệ Năng. Tổ lấy dép bôi bài kệ, nói :

– Ai làm bài kệ này vẫn chưa thấy tánh.

Tổ ra sau chùa gặp Huệ Năng đang giã gạo, hỏi :

– Gạo đã trắng chưa ?

– Bạch Hòa Thượng, gạo đã trắng rồi nhưng chưa giần sàng.

Tổ cầm gậy gõ lên miệng cối ba cái rồi bỏ đi vào liêu. Đến canh ba (nửa đêm) Huệ Năng vào thất của Tổ. Tổ lấy y che kín xung quanh thất, rồi giảng kinh Kim Cang cho Huệ Năng nghe. Đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Huệ Năng liền đại ngộ, buột miệng nói :

Đâu ngờ tự-tánh vốn tự thanh tịnh ! Đâu ngờ tự-tánh vốn không sanh diệt ! Đâu ngờ tự-tánh vốn tự đầy đủ ! Đâu ngờ tự-tánh vốn không dao động ! Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp!

Ngũ Tổ biết Huệ Năng đã ngộ được bản tánh, dạy rằng :

Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên là dắt dẫn cho tất cả chúng sanh đều thành Phật, thành bậc Giác Ngộ hạnh phúc đời đời. Nhưng vì chúng sanh có nghiệp lực nặng nhẹ, căn cơ lớn nhỏ khác nhau, nên chư Phật mới phương tiện nói ba thừa, giảng các pháp môn đốn tiệm từ thấp lên cao. Như Lai riêng đem Chánh Pháp Nhãn Tạng vô thượng chơn thật vi diệu trao cho Tổ Mahà Kassapa, lần lượt truyền đến đời thứ 28 là Tổ Bodhidharma. Tổ Bodhidharma sang Trung Quốc truyền nối đến đời ta. Nay ta đem đại pháp và y bát đã thọ trao lại cho ngươi. Ngươi là vị Tổ đời thứ 6, hãy khéo tự hộ niệm, rộng độ chúng sanh, gìn giữ, truyền trao đừng cho bặt dứt. Nghe ta nói kệ :

Hữu tình lai hạ chủng,

Nhơn địa quả hoàn sanh.

Vô tình ký vô chủng,

Vô tánh diệc vô sanh.[119]

Huệ Năng thọ pháp và y bát xong, đảnh lễ Tổ và thưa :

– Xin Thầy chỉ dạy cho con những điều cần thiết phải làm.

– Xưa Tổ Bodhidharma, khi truyền pháp cho Tổ Huệ Khả, vẫn ngại người đời không tin có sự truyền thừa giữa thầy Ấn trò Hoa, nên trao y bát làm bằng chứng (pháp tín). Nay tông môn của ta thiên hạ đều biết rõ, không còn ai chẳng tin, nên y bát dừng ngay đời ngươi. Vì đến đời ngươi, Chánh Pháp càng được phổ biến rộng rãi, nếu còn truyền y bát sẽ sanh sự tranh giành, người nhận y bát mạng như chỉ mành treo chuông. Bây giờ ngươi nên đi ngay, không nên chậm trễ, nên ẩn mặt một thời gian, khi thấy yên sẽ ra hoằng hóa.

– Bạch Thầy, bây giờ con phải đi đâu ?

– Ta sẽ đưa ngươi đến bờ sông. Từ đó ngươi hãy đi về phương nam. Đến Hoài thì dừng, gặp Hội thì ẩn.

Sau khi truyền pháp cho Huệ Năng, Tổ ở luôn trong thất ba hôm liên tiếp. Toàn chúng sanh nghi, vào thất thưa thỉnh. Tổ bảo :

– Pháp của ta đã đi về phương nam rồi. Còn thưa thỉnh gì nữa ?

– Bạch Hòa Thượng, người nào được ?

– Ai năng thì được.

Đồ chúng biết ngay là cư sĩ Huệ Năng. Họ bất bình đuổi theo, nhưng tìm không gặp. Bốn năm sau, năm 675, Tổ gọi đại chúng đến bảo :

– Việc ta đã xong, đến lúc nên đi.

Tổ Hoằng Nhẫn vào thất, ngồi an nhiên thị tịch, thọ 74 tuổi. Đồ chúng xây tháp thờ ở Đông Sơn, huyện Huỳnh Mai. Vua Đường Đại Tông (763-779) sắc phong thụy hiệu là Đại Mãn Thiền Sư, và tháp hiệu là Pháp Võ.

Tác phẩm của ngài : Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại Sư Tối Thượng Thừa Luận (1 quyển).

33. Huệ Năng[120](Hoei Neng), Lục Tổ tại Trung Hoa năm 638 - 713

Tổ Huệ Năng họ Lư, sanh ngày mồng 8 tháng 2 năm Mậu Tuất 638, đời vua Đường Thái Tông, tại huyện Tân Hưng, tỉnh Hải Nam (Quảng Đông). Cha là Hành Thao, mẹ là Lý Thị.

Theo kinh Pháp Bảo Đàn:

“Huệ” có nghĩa là đem pháp Phật bố thí cho chúng sanh; “Năng” có nghĩa là có khả năng làm nên Phật sự. Theo phẩm Hành Do trong kinh, ngài con nhà nghèo, cha mất sớm, thường phải đi đốn củi bán lấy tiền nuôi mẹ. Năm 24 tuổi, một ngày kia, ngài gánh củi đến chợ cho một tiệm ăn. Lúc ra về bỗng nghe tiếng tụng kinh Kim Cang Bát Nhã, ngài đứng lại nghe, lấy làm thích thú. Đến khi người kia tụng kinh xong, ngài đến hỏi :

– Thưa ông, ông tụng kinh gì ? Tụng kinh để làm gì ?

– Tôi tụng kinh Kim Cang. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ở chùa Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai thường khuyên mọi người nên trì kinh Kim Cang để thấy Tánh, thành Phật.

Nghe xong, ngài tỏ ý muốn tìm đến đó học đạo, song còn mẹ già, chưa biết tính sao ? Có người khách hàng quen, rất hâm mộ đạo Phật, sốt sắng giúp ngài một số tiền để cấp dưỡng bà mẹ có cơ sinh sống. Gặp cơ hội tốt, ngài về xin phép mẹ cho xuất gia, mẹ ngài hoan hỉ bằng lòng. Ngài khăn gói lên đường, độ một tháng sau đến huyện Huỳnh Mai, vào yết kiến Tổ Hoằng Nhẫn. Tổ bảo xuống nhà trù làm công quả. Huệ Năng chuyên bửa củi, giã gạo. Cối gạo to, chày đạp lớn, thân ngài không đủ sức nặng cất được chày đạp, ngài phải cột thêm một cục đá vào lưng để đủ sức giã gạo. Ngài làm công việc nặng nhọc như vậy suốt trên 6 tháng, không hề trễ nải, thối chí hoặc than phiền điều gì.

Một hôm, Tổ Hoằng Nhẫn xuống nhà trù, thấy ngài Huệ Năng mang đá giã gạo, Tổ hỏi :

– Ngươi vì đạo quên mình đến thế ư ? Ta biết ngươi căn tánh lanh lợi, nhưng ngại kẻ khác hại ngươi, nên ta không nói chuyện với ngươi. Ngươi có biết chăng ?

– Bạch Hòa Thượng, con biết.

Hai tháng sau, nhờ làm bài kệ họa vận lại bài kệ của thầy giáo thọ Thần Tú, Huệ Năng được Tổ Hoằng Nhẫn truyền tâm ấn và y bát rồi bảo ngài phải đi về miền nam lánh nạn gắp. Huệ Năng, lúc bấy giờ (năm 663) vẫn còn là cư sĩ, chưa thọ giới xuất gia.

Huệ Năng mang y bát đi được ít hôm, vừa đến Dưu Lãnh thì bị sư Huệ Minh, vốn là một cựu võ quan, đuổi theo kịp. Huệ Năng để y bát trên tảng đá, ẩn mặt trong bụi cây. Huệ Minh đến cầm y bát lên không nổi, hoảng sợ kêu lên :

– Hành giả ! Tôi đến đây vì pháp, chớ không phải vì y bát.

Huệ Năng nghe nói, bước ra, ngồi trên tảng đá, bảo :

– Nếu ông vì pháp, hãy bình tâm lại nghe tôi nói.

Huệ Minh đứng yên lặng chờ nghe. Huệ Năng bảo :

Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Huệ Minh ?

Huệ Minh nghe câu này liền đại ngộ, đảnh lễ Tổ Huệ Năng, rồi lui bước. Trên đường về, gặp nhóm người đuổi theo, sư bảo không gặp.

Lục Tổ Huệ Năng đến miền nam, ở ẩn vùng Tứ Hội và Hoài Tập. Có lúc gặp phải cuộc sống khó khăn trong rừng, Tổ gia nhập vào đoàn thợ săn. Đến bữa ăn, Tổ hái rau luộc nhờ trong nồi thịt, rồi chỉ ăn rau, không ăn thịt. Như vậy, với hình thức cư sĩ, Tổ thường tùy duyên nói pháp cho họ nghe. Như thế suốt gần 15 năm.

Có lần Tổ đến Thiều Châu, kết bạn với cư sĩ Lưu Chí Lược. Chí Lược có người cô là sư cô Vô Tận Tạng thường tụng kinh Niết Bàn. Tổ nghe tụng qua, vì bà giảng nói thâm nghĩa. Sư cô đem quyển kinh ra hỏi. Tổ bảo :

– Chữ thì tôi không biết, còn nghĩa thì tùy sư cô cứ hỏi.

– Chữ còn không biết, thì nghĩa làm sao hiểu nổi ?

– Diệu lý của chư Phật chẳng quan hệ gì đến văn tự.

Sư cô nghe giảng lý thâm sâu, lấy làm kinh ngạc, liền báo tin cho các bậc kỳ lão trong làng hay có bậc đạo sĩ đáng cúng dường. Dân chúng trong làng nghe tin, đua nhau đến lễ Tổ. Họ hợp sức tu bổ lại ngôi chùa cổ hiệu Bảo Lâm, rồi thỉnh Tổ về trụ trì. Hằng ngày tứ chúng bốn phương tụ hội về đông đảo, không bao lâu ngôi chùa Bảo Lâm biến thành một đạo tràng xinh đẹp. Chẳng bao lâu, có người theo dõi, Tổ lại phải tìm nơi ẩn tránh[121].

Ngày mồng 8 tháng giêng năm Bính Tý 676, Lục Tổ Huệ Năng đến Quảng Châu, vào xin nghỉ nhờ ngoài hiên chùa Pháp Tánh. Hôm ấy pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết Bàn. Trước chùa có treo lá phướn dài, gió thổi phất phơ qua lại. Hai ông đạo ngồi trước chùa lấy đó làm đề tài tranh luận. Người nói phướn động, người bảo gió động; bàn qua cãi lại, ai cũng cho mình đúng lý. Tổ bước đến nói :

– Có thể cho khách cư sĩ này lạm bàn được chăng ?

Hai người đồng ý. Tổ bảo :

– Không phải phướn động, không phải gió động, mà chính tâm các nhơn giả động.

Hai nhà sư nghe qua đều ngạc nhiên, vào báo cho Hòa Thượng Ấn Tông biết. Hôm sau, Ấn Tông mời Tổ vào hỏi về lý “tâm động”. Tổ giải rõ thâm lý. Ấn Tông bất giác đứng dậy thưa :

– Ngài không phải là người thường. Nghe nói pháp y của Ngũ Tổ Huỳnh Mai đã về phương nam, vậy có phải là ngài chăng ?

– Chẳng dám.

Ấn Tông bèn tập họp bốn chúng, yêu cầu Tổ cho xem y bát. Tổ đưa y bát ra cho đại chúng chiêm bái. Ấn Tông xin làm đệ tử, thỉnh cầu Tổ dạy yếu chỉ thiền tông. Đến ngày rằm tháng giêng, Ấn Tông thỉnh các bậc tôn đức đến làm lễ thế phát cho Tổ. Đến ngày mồng 8 tháng 2, Hòa Thượng Trí Quang làm lễ truyền giới cụ túc cho Tổ tại chùa Pháp Tánh. Từ nay Tổ mới có độ điệp (giấy phép) chính thức làm tăng sĩ. Sau đó có quan Thứ Sử Thiều Châu tên Vi Cừ thỉnh Tổ đến chùa Đại Phạm thuyết pháp môn vi diệu và thọ giới vô tướng tâm địa. Quan liêu, sĩ thứ, cư sĩ và người xuất gia đến dự nghe pháp trên ngàn người. Những thời thuyết pháp tại đây được các đệ tử ghi lại đầy đủ trong kinh Pháp Bảo Đàn.

Năm sau, Lục Tổ muốn trở về chùa Bảo Lâm, huyện Tào Khê (Thiều Châu), là chỗ ở ẩn xưa kia. Ấn Tông cùng quan dân hàng ngàn người tiễn đưa Tổ. Về đến chùa Bảo Lâm, Tổ hoằng dương pháp môn đốn ngộ “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” đối lại với pháp môn tiệm ngộ của ngài Thần Tú đề xướng ở phương bắc. Lúc bấy giờ người ta thường nói : nam đốn, bắc tiệm; nam Năng, bắc Tú. Tăng chúng xa gần đua nhau đến tham vấn. Trung bình chư tăng thường có mặt tại chùa không dưới một ngàn người. Lục Tổ Huệ Năng đã dựng lên cây cờ Đại pháp tại Tào Khê (Thiều Châu), bốn phương trông thấy đều hướng về.

Năm 705, vua Trung Tông sai quan Nội thị là Tiết Giản đến thỉnh Tổ về kinh đô, nhưng Tổ cáo bệnh, từ chối. Tiết Giản thưa :

– Các bậc thiền đức nơi kinh thành đều nói “Muốn được đạo cần phải tọa thiền, tập định, nếu không nhơn thiền định mà được giải thoát, là việc chưa từng thấy”. Chưa biết Thầy thường nói pháp dạy người như thế nào?

– Đạo do tâm ngộ, đâu phải do ngồi. Kinh nói “Nếu nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc nằm, hoặc ngồi là người ấy không hiểu nghĩa ta nói. Vì sao? Vì Như Lai không từ đâu đến, cũng không đi về đâu cả”. Không từ đâu đến tức là không sanh, không đi đâu cả tức là không diệt. Không sanh không diệt là Như Lai thanh tịnh thiền. Các pháp không-tịch (vắng lặng) là Như Lai thanh tịnh tọa[122]. Đạo tột cùng không thể được, không có chỗ chứng, đâu do ngồi mà được ư ?

– Đệ tử trở về kinh đô ắt Chúa Thượng sẽ hỏi. Cúi xin Hòa Thượng từ bi chỉ cho chỗ thâm yếu, ngõ hầu đối cảnh giải rành, khiến cho những kẻ học giả ở kinh đô hiểu biết tu hành. Ví như thắp một ngọn đèn, mồi được trăm ngàn ngọn đèn, khiến cho chỗ tối tăm được sáng, sáng mãi không cùng.

– Đạo không có tối sáng, tối sáng là nghĩa đối đãi nhau. Dù sáng mãi không cùng cũng là có cùng. Bởi do đối đãi mà lập văn tự, cho nên kinh nói “Pháp không có so sánh vì không có đối đãi”.

– Sáng dụ trí tuệ, tối dụ phiền não. Người tu hành nếu không dùng trí tuệ chiếu phá phiền não, thì làm sao ra khỏi cái sanh tử từ vô thủy ?

– Dùng trí tuệ chiếu phá phiền não là phương pháp của kẻ tiểu căn nhị thừa, là xe dê, xe nai, người đại căn thượng trí không như vậy.

– Thế nào là chỗ kiến giải của Đại thừa ?

– Sáng cùng không sáng, tánh nó chẳng hai. Tánh không hai tức là tánh thật. Tánh thật thì ở phàm phu chẳng bớt, ở hiền thánh chẳng thêm, dừng nơi phiền não mà chẳng loạn, đứng nơi thiền định mà chẳng lặng, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi, chẳng ở giữa hoặc hai bên, chẳng sanh chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ không dời đổi, gọi đó là Đạo.

– Hòa thượng nói chẳng sanh chẳng diệt, có khác gì chúng ngoại đạo nói?

– Ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt, là đem cái diệt chận cái sanh, lấy cái sanh để bài trừ cái diệt. Diệt mà nói chẳng diệt, sanh mà nói không sanh. Ta nói không sanh không diệt là xưa tự không sanh, nay cũng không diệt, do xưa không sanh nên nay không diệt, đâu phải giống như ngoại đạo nói. Ông muốn rõ được chỗ thâm yếu của Đạo, thì đối với tất cả việc thiện ác đều chớ suy nghĩ, tự nhiên được vào. Tâm thể trong trẻo thường lặng, diệu dụng như Hằng sa.

Tiết Giản nghe qua liền đại ngộ, lễ bái Tổ rồi trở về triều. Ông tâu hết tự sự cho vua nghe. Vua càng thêm cung kính và ngợi khen, ban chiếu chỉ cúng dường cà-sa ma-nạp, bát màu lục, tích-trượng bảo-câu ... Ban sắc lệnh đổi tên chùa Bảo Lâm là Trung Hưng. Năm 707, vua lại ra sắc lệnh cho quan Thứ sử Thiều Châu kiến thiết ngôi chùa Trung Hưng lại và đổi tên là Pháp Tuyền. Trong thời gian đó Tổ lại sáng lập thêm chùa Quốc Ân ở huyện Tân Châu.

Trong một thời pháp, Lục Tổ Huệ Năng dạy :

Này các thiện tri thức, hãy tịnh tâm nghe ta nói pháp yếu. Tất cả các ông nên biết tâm mình là Phật, chớ có hồ nghi. Ngoài tâm ấy không có một pháp có thể dựng lập. Tất cả muôn pháp đều do tâm mình sanh ra. Kinh nói “Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt”. Nếu muốn thành tựu nhất thiết chủng trí[123], phải đạt nhất tướng tam muội và nhất hạnh tam muội.

Nhất tướng tam muộilà gì ? Nếu ở tất cả chỗ mà không trụ tướng, ở trong tướng ấy mà không sanh yêu ghét, chẳng lấy, chẳng bỏ, chẳng nghĩ việc lợi ích, thành bại ..., tâm luôn được an ổn thanh tịnh gọi là nhất tướng tam muội.

Nhất hạnh tam muộilà gì ? Nếu ở tất cả thời, trong lúc đi đứng nằm ngồi, ròng một trực tâm, tâm không rời đạo tràng, nơi nào cũng là Tịnh Độ, gọi là nhất hạnh tam muội.

“Người đủ hai tam muội này như thửa đất tốt để nuôi dưỡng thành tựu hoa trái vô sanh. Nay ta nói pháp, ví như khi mưa thấm ướt cả đất. Phật tánh của các ông ví như các hạt giống, vừa gặp đất ướt liền nẩy mầm. Giữ đúng lời ta quyết được Bồ-đề, đúng theo ta dạy mà thực hành nhất định chứng quả Phật.

Đến năm 712, Tổ gọi đồ chúng đến bảo :

– Ta ở chỗ Tổ Hoằng Nhẫn thọ pháp yếu cùng y bát. Nay tuy truyền pháp mà không truyền y bát, bởi vì lòng tin của các thầy đã thuần thục, không còn nghi ngờ. Nghe ta nói kệ :

Tâm địa hàm chư chủng,

Phổ vũ tất giai manh.

Đốn ngộ hoa tình dĩ,

Bồ-đề quả tự thành.[124]

Tổ lại bảo :

– Pháp ấy không hai, tâm ấy cũng vậy. Đạo kia thanh tịnh, không có các tướng. Các thầy nên dè dặt, chớ quán tịnh, chớ quán không. Tâm này đã sẵn tịnh, sẵn không, các thầy chỉ cần để tâm thênh thang tự tại, không dính mắc bất cứ điều gì (không dính mắc vào sáu trần), đấy là chơn giải thoát.

Năm 712, Tổ bảo đệ tử xây tháp ở chùa Quốc Ân, huyện Tân Châu. Đến ngày mồng 6 tháng 6 năm 713, Tổ lại sai người đến đốc thúc làm nhanh. Đến ngày mồng 1 tháng 7 năm 713, Tổ gọi môn đồ đến bảo :

– Ta muốn trở về Tân Châu, các thầy hãy lo sửa soạn thuyền.

Đồ chúng nghe nói đều buồn bã, thỉnh Tổ ở nán lại. Tổ bảo :

– Chư Phật ra đời vẫn thị hiện vào niết bàn. Có đến ắt có đi, đó là việc thường. Thân hình hài của ta về ắt có chỗ.

– Hôm nay Thầy đi, bao giờ trở lại ?

– Lá rụng về cội, trở lại không hẹn.

– Chánh Pháp Nhãn Tạng, Thầy sẽ trao cho người nào ?

– Có đạo thì được, vô tâm thì thông[125].

– Xin Thầy để lại di chúc xem có tai nạn gì không ?

– Ta diệt độ khoảng 9 năm ắt có người đến lấy đầu ta. Nghe ta nói kệ :

Đầu thượng dưỡng thân,

Khẩu lý tu xan.

Ngộ Mãn chi nạn,

Dương Liễu vi quan.[126]

Sau khi ta diệt độ khoảng 70 năm, có hai vị Bồ tát từ phương đông đến, một tại gia, một xuất gia, chung nhau chấn hưng Phật pháp, sửa lại các ngôi già lam, nâng đỡ tông chỉ của ta.

Lục Tổ Huệ Năng về đến huyện Tân Châu, vào chùa Quốc Ân, tắm gội xong, ngồi kiết già, an nhiên thị tịch. Khi ấy có mùi hương lạ xông ra, mống trắng vòng chí đất. Lúc bấy giờ nhằm ngày mồng 2 tháng 8 năm Quí Sửu 713. Tổ thọ 76 tuổi. Bấy giờ môn đồ ở Thiều Châu (Tào Khê) và Tân Châu đều muốn đem di thể Lục Tổ về huyện mình để thờ. Đồ chúng bèn thắp hương khấn nguyện ý Tổ, khói hương bay thẳng về hướng Tào Khê. Thế là nhục thân Tổ được đưa về nhập tháp tại chùa Nam Hoa, bên bờ khe Tào Hầu, huyện Thiều Châu, ngày 13 tháng 11 năm Quí Sửu 713. Ngày 25 tháng 7 năm Giáp Dần 714, đồ chúng tổ chức lễ nhập tháp nhục thân Lục Tổ. Những bảo vật như y bát của Tổ Bodhidharma truyền lại, y ma-nạp và bát thủy tinh của vua Trung Tông ban, đều giao cho thị giả của Lục Tổ giữ tại chùa Bảo Lâm. Đến nay nhục thân Lục Tổ Huệ Năng vẫn còn.

Đêm mồng 3 tháng 8 năm Nhâm Tuất (722), thình lình nghe trong tháp như có tiếng kéo dây sắt. Chúng tăng giựt mình thức dậy thấy bóng một người mặc đồ đại tang từ trong tháp chạy ra. Vào tháp thấy có vết thương nơi cổ Lục Tổ. Môn đồ đem chuyện ấy trình quan. Quan huyện Dương Khản và Thứ sử Liễu Vô Thiễm nhận được đơn, truy lùng kẻ phạm tội. Sau 5 ngày, bắt được tên Trương Tịnh Mãn, người huyện Lương thuộc Nhữ Châu, ở chùa Khai Nguyên xứ Hồng Châu, nhận do thầy Sải Kim Đại Bi nước Hàn (Triều Tiên) mướn lấy đầu Tổ để đem về xứ Hải Đông cúng dường.

Vua Đường Hiến Tông (806-821) ban thụy hiệu là Đại Giám Thiền Sư, tháp hiệu là Linh Chiếu. Vua Thái Tổ nhà Tống (976-983) lại ban thụy hiệu là Chân Không Thiền Sư. Vua Tống Nhân Tông (1023-1064) lại ban thụy hiệu là Phổ Giác Thiền Sư. Vua Tống Thần Tông (1068-1086) lại ban thụy hiệu là Viên Minh Thiền Sư.

Trong 43 vị đệ tử nối pháp của Lục Tổ, các vị nổi danh nhất là : Thần Hộiở Hà Trạch, Huệ Trungở Nam Dương, Huyền Giácở Vĩnh Gia, Hành Tưở Thanh Nguyên, Hoài Nhượngở Nam Nhạc. Ngoài ra còn các vị Pháp Hải, Huệ Trung, Bổn Tịnh, Huyền Sách, Tam Tạng Quật Đa, v.v...

Lục Tổ rất có tài biện luận. Những bài pháp của ngài được các đệ tử sưu tập thành hai tác phẩm chính : Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh, Kim Cang Kinh Khẩu Quyết.

Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang[127](Hiuen Tsang) năm 602 - 664

Ngài Huyền Trang là cao tăng Trung Quốc, đời Đường, họ Trần, tên Huy, người huyện Câu Thị, tỉnh Lạc Châu (nay là huyện Yển Sư, tỉnh Hà Nam). Ngài là con út trong một gia đình có 4 người con trai. Cha ngài làm quan đất Giang Lăng. Thuở nhỏ, ngài thông minh xuất chúng, tướng mạo khôi ngô, học sách Bách gia chư tử (Khổng Mạnh) và thường đến chùa Tịnh Độ ở Lạc Dương thăm anh là sư Trường Tiệp, và nghe giảng kinh Phật. Dần dần ngài có khuynh hướng chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp.

Năm 612, quan nhà Tùy là Trịnh Thiện Quả, khi tuyển chọn người làm tăng ở Lạc Dương, thấy ngài tuy tuổi nhỏ nhưng có khí phách, tướng mạo khác thường, đối đáp trôi chảy, liền đặc cách cho phép ngài làm tăng. Sau khi được cấp độ điệp, ngài ở lại chùa Tịnh Độ, cùng anh học kinh Niết Bàn với ngài Huệ Cảnh và học Luận Đại Thừa với Pháp sư Trí Nghiêm.

Khi nhà Tùy mất, đất Lạc Dương loạn lạc, ngài cùng anh đi khắp nơi như Cam Túc, Tứ Xuyên, Kinh Châu, Triệu Châu, tham yết các bậc Tôn túc. Ngài học Nhiếp Luận, Tỳ Đàm với ngài Đạo Cơ và Bảo Thiêm, nghe Phát Trí Luận với Pháp sư Chấn. Năm 622 đời Đường, ngài thọ giới cụ túc, học Luật bộ. Sau đó học Luận Thành Thật với ngài Đạo Thâm, học Luận Câu Xá với ngài Đạo Nhạc, học Nhiếp Đại Thừa Luận với ngài Pháp Thường và Tăng Biện.

Nhưng ngài thường than rằng, các sư giảng không đồng nhất, xem trong các Thánh điển cũng có những chỗ khác nhau, cho nên sinh ra nhiều mối nghi ngờ, không biết nương vào đâu để làm căn bản. Do đó ngài mới phát nguyện đến Thiên Trúc (Ấn Độ) tìm học kinh sách Phật giáo để giải quyết mối nghi.

Năm 629, ngài khởi hành đi theo "con đường tơ lụa" của các thương gia, trải qua nhiều gian nan nguy hiểm, vượt qua các vùng Tần, Lương, Cao Xương...,đến miền bắc Ấn. Sau đó, ngài đi về hướng nam, lần lượt chiêm bái các thánh tích như vườn Cấp Cô Độc, thành Ca Tỳ La Vệ, vườn Lâm Tỳ Ni, rừng Sa-la, vườn Lộc Uyển, Bồ-đề đạo tràng, Trúc Lâm, Vương Xá.

Năm 631, ngài đến xin nhập học tại Viện Đại Học Phật Giáo Nàlandà, lễ Đại sư Giới Hiền (Sìlabhadra) làm thầy. Ngài ở đây 5 năm, nghe đại sư Giới Hiền giảng Luận Du Già Sư Địa, Lục Túc Luận, Hiển Dương, Bà Sa, Câu Xá, Thuận Chánh Lý, Đối Pháp, Nhân Minh, Thanh Minh, Tập Lượng, Trung Luận, Bách Luận... Sau đó, ngài rời đại học Nàlandà, đi tham học với các bậc danh sư và sưu tập các bản kinh tiếng Phạn trên khắp vùng Ấn Độ suốt 2 năm. Khi trở về đại học Nàlandà, ngài Giới Hiền giao cho ngài giảng Luận Nhiếp Đại Thừa, Luận Duy Thức Quyết Trạch.

Lúc bấy giờ, trong số đệ tử của ngài Giới Hiền có Sư Tử Quang thấy ngài Huyền Trang được trọng đãi, có ý không phục, nên dùng Trung Luận và Bách Luận để phá nghĩa lý Du Già. Nhưng ngài Huyền Trang vốn hội thông cả Trung Luận, Bách Luận và Du Già, nên làm 3.000 bài tụng lấy tên là “Hội Tông Luận”, giảng rõ đại nghĩa trình lên ngài Giới Hiền và đại chúng, mọi người xem qua đều khâm phục. Về sau ngài lại soạn 1.600 bài tụng đả phá bộ “Phá Đại Thừa Luận” của luận sư nước Ô Đồ[128](Odra). Từ đó danh tiếng của ngài vang dội khắp xứ Ấn Độ. Vua nước Ô Đồ là Cưu Ma La (Kumàra) sai sứ đến thỉnh ngài về nước mình để giảng đạo.

Năm 641, vua Giới Nhật (Sìladitya, Harsa Vardhana) và vua Cưu Ma La (Kumàra) mở đại hội ở thủ đô Khúc Nữ (Kanyakubja) xứ Magadha để ngài Huyền Trang tuyên dương Giáo lý Đại thừa cùng tranh luận với các giáo phái khác. Đây là một đại hội văn hóa lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ, với sự tham dự của các Quốc vương 18 nước Ngũ Thiên Trúc, quy tụ hơn 7.000 tăng sĩ thuộc các giáo phái. Tại đây, ngài Huyền Trang đã thuyết trình “Chân Duy Thức Luận” để làm nội dung cho cuộc tranh luận. Vua Sìladitya còn ghi chú dưới bài thuyết trình “Nếu ai nhận thấy một chữ sai lầm, trẫm xin cắt đầu tạ lễ”. Nhưng qua 18 ngày, không có ai dám đứng ra tranh luận. Sau khi hội nghị bế mạc, hằng ngàn người trở về với Giáo Pháp đại thừa. Từ đó tiếng tăm ngài Huyền Trang càng thêm vang dội, các vị quốc vương càng thêm kính phục.

Năm 643, ngài Huyền Trang khởi hành về Trung Quốc. Vua Sìladitya (Giới Nhật) trao tặng rất nhiều lễ vật và truyền lệnh cho quan quân hộ tống ngài đến biên giới Ấn- Hoa.

Đến tháng giêng năm 645, ngài về đến Trường An. Vua Đường Thái Tông sắc lệnh cho trăm quan văn võ như Lương Quốc Công, Phòng Huyền Linh...tổ chức đại lễ đón rước ngài cùng với kinh sách, tượng, xá-lợi, trong đó có 657 bộ kinh tiếng Phạn.

Sau khi về nước, ngài được vua Thái Tông và vua Cao Tông vô cùng kính trọng, tổ chức lễ cúng dường trong đại nội và ban hiệu là Tam Tạng Pháp Sư. Vua Thái Tông hai lần khuyên ngài hoàn tục để giúp việc nước, ngài đều từ chối với nguyện vọng suốt đời hành đạo để báo quốc ân. Vua cũng phải thuận theo và hết lòng giúp đỡ ngài trong công việc phiên dịch kinh điển.

Ngài Huyền Trang lần lượt trụ trì chùa Hoằng Phước, chùa Đại Từ Ân, cung Ngọc Hoa. Trong 19 năm, dịch được 75 bộ, gần 1.335 quyển Kinh, Luật, Luận. Trong số đó có kinh Đại Bát Nhã 600 quyển, Luận Du Già Sư Địa 100 quyển, Luận Đại Tỳ Bà Sa 200 quyển, Luận Câu Xá, Luận Thành Duy Thức, Luận Nhiếp Đại Thừa...

Ngài bài xích phương pháp dịch ý của ngài Cưu Ma La Thập (Kumàrajiva), chủ trương trung thành với nguyên tác và dịch xác nghĩa từng chữ. Phương pháp này đã trở thành chuẩn mực cho việc phiên dịch đời sau. Do đó các kinh được dịch trước thời ngài Huyền Trang gọi là cựu dịch, từ ngài Huyền Trang trở về sau gọi là tân dịch.

Ngoài ra, ngài còn soạn bộ Đại Đường Tây Vực Ký12 quyển, tường thuật lại cuộc Tây Du cầu pháp của ngài trong 17 năm, xuyên qua 138 nước, một cách rất tường tận. Những điều ngài đã thấy nghe, học hỏi về lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế, xã hội đều được ghi chép rành rẽ. Bộ sách này hiện nay đã trở thành một tài liệu quan trọng cho các nhà khảo cổ về các nước Trung Á và Ấn Độ vào thế kỷ thứ 7. Vì thế các nước Nga, Nhật, Anh, Đức, Pháp ... đều có phiên dịch ra tiếng nước họ.

Ngài Huyền Trang tịch vào ngày mồng 5 tháng 2 năm Giáp Tý 664, tại cung Ngọc Hoa, thọ 63 tuổi. Nghe tin ngài tịch, vua Đường Cao Tông không cầm được nước mắt, bãi triều ba ngày và nói với các quan rằng “Trẫm nay mất một quốc bảo”. Vua ban thụy hiệu cho ngài là Đại Biến Giác và ra lệnh xây tháp thờ ngài trên ngọn đồi phía bắc Phiền Xuyên. Về sau, loạn Hoàng Sào nổi dậy, linh cốt ngài được thỉnh về Nam Kinh. Thời Thái Bình Thiên Quốc, tháp bị hư hoại, đến khi yên định thì linh cốt ngài bị vùi lấp, không còn ai biết ở đâu. Thời kháng chiến chống Nhật (1937-1945), Nhật Bản đến Nam Kinh sửa đường, đào đất, phát hiện được linh cốt của ngài, bèn thỉnh về thờ ở nước họ. Về sau, chính phủ Nhật trả một phần xương đảnh cho Trung Quốc, hiện nay được thờ tại chùa Huyền Trang ở đầm Nhật Nguyệt, huyện Nam Đầu, tỉnh Đài Loan.



[1]Trong phần này những năm sanh tử của các vị Tổ tận cùng bằng số 0 hoặc số 5 là do phỏng định theo phương pháp sử học vì không có tài liệu chính xác. Tuy nhiên nếu có sai biệt là chỉ trong vòng 5-10 năm mà thôi.

[2]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Tạp A Hàm 41; Tăng Nhất A Hàm 20, 35, 44; Phật Bản Hạnh Tập Kinh 45; Đại Ca Diếp Bản Kinh; Luật Tứ Phần 54; Luật Ngũ Phần 30; Kinh Tỳ Ni Mẫu 1; Hữu Bộ Bí-sô-ni Tỳ-nại-da 1; Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 261: Mahà Kassapa.

[3]Đầu-đà(dhuta) : khổ hạnh vừa phải, thiểu dục tri túc.

[4]Dịch nghĩa : Pháp gốc của các pháp là "không pháp", Pháp "không pháp" cũng là pháp. Nay ta giao phó "không pháp" thì Tất cả các pháp chẳng hề là pháp.

[5]Dịch nghĩa : Tất cả các pháp từ xưa đến nay, Vốn chẳng phải pháp cũng chẳng phải phi pháp. Tại sao trong một pháp, Đều có pháp và phi pháp ?

[6]Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 260: Ànanda.

[7]Thật ra trước chùa không có cây phướn nào cả.

[8]Dịch nghĩa : Xưa nay có pháp truyền, Truyền rồi nói không pháp. Người tu cần tự ngộ, Ngộ rồi mới biết không pháp cũng không.

[9]Theo Buddhist Legends, quyển II, trang 160-161 thì Tổ Ànanda nhập diệt ở giữa sông Rohinì năm 120 tuổi : Tổ Ànanda ngồi kiết già, bay lên không trung, dùng lửa tam muội tự thiêu thân xác, xá lợi rơi xuống 2 bên bờ sông, mỗi bên một nửa.

[10]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 1; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 2; Kinh Hiền Ngu 13; Kinh Xá Lợi Phất Vấn; Đạt Ma Đa La Thiền Kinh, thượng; Luật Ngũ Phần 30; Đại Đường Tây Vực Ký 17.

[11]Dịch nghĩa : Chẳng phải pháp cũng chẳng phải tâm, Không tâm cũng không pháp. Khi nói tâm pháp ấy, Pháp ấy chẳng phải tâm pháp.

[12]Dịch nghĩa : Thông suốt không ta người, Chí thánh không hay dở. Phải trừ tâm khinh mạn, Mới chứng A-la-hán.

[13]Thập bát biếnlà 18 thần biến của chư Phật, chư Bồ tát và A-la-hán. Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang.

[14]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Tạp A Hàm 23, 25; Thiện Kiến Luật Tỳ-bà-sa 1; Luận Đại Trí Độ 10; Câu-xá Bảo Sớ 5; Kinh A-dục Vương 8 đến 10; A-dục Vương Truyện 4 đến 6; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 3, 4; Đại Đường Tây Vực Ký 4.

[15]Dịch nghĩa : Tâm vẫn là tâm xưa nay, Bổn tâm vốn không có pháp. Có pháp là do có tâm làm gốc, Không tâm thì các pháp chẳng sanh.

[16]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Hữu Bộ Tỳ-nại-da Tạp Sự 40; A-dục Vương Truyện 5, 6; Truyền Pháp Chánh Tông Ký 2; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 1; Phật Tổ Thống Kỷ 5.

[17]Yết-ma: Các việc làm có liên quan đến giới luật như thọ giới, sám hối, kiết giới, bố tát ...

[18]Dịch nghĩa : Thông đạt pháp bổn tâm, Không pháp không phi pháp. Ngộ rồi như chưa ngộ, Không tâm cũng không pháp.

[19]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Kinh Đại Bi 2; Bảo Lâm Truyện 2; Tổ Đường Tập 1; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 1.

[20]Dịch nghĩa : Nay tôi sanh nước này, Lại nhớ ngày xa xưa; Dòng họ Phả-la-đọa, Tên là Bà Tu Mật.

[21]Bhàradvàja(Phả-la-đọa) là người thông minh lanh lợi; ngược với Candala(Chiên-đà-la) là người tối dạ thấp hèn.

[22]Dịch nghĩa : Không tâm, không thể đắc, Nói đắc không đúng nghĩa. Nếu rõ tâm chẳng phải tâm, Mới hiểu tâm và tâm pháp.

[23]Sư Tử Phấn Tấntam muội là loại chánh định dũng mãnh như uy thế của con sư tử chồm lên, các căn đều giãn nở, lông trên toàn thân dựng đứng, thế lực mạnh mẽ nhanh nhẹn.

[24]Tam muội(Samàdhi, tam-ma-đề) là chánh định. Lửa tam muộilà lửa phát sanh do thần lực chánh định.

[25]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Câu Xá Luận Quang Ký 20; Đại Đường Tây Vực Ký 3; Dị Bộ Tông Luân Luận Thuật Ký Phát Nhận, thượng.

[26]Xứ Gandharahiện nay thuộc xứ Pakistan. 

[27]Dịch nghĩa : Tâm đồng giới hạn với hư không, Cũng như pháp hư-không. Khi chứng được hư-không, Thì không có pháp cũng không có phi pháp.

[28]Bà-sa Tứ Đại Luận Sư: Bốn vị Luận sư tối thắng của bộ Vibhanga trong Tạng Luận (Abhidhamma pitaka).

[29]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 5; Tổ Đường Tập 1; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 1.

[30]Dịch nghĩa : Nếu cha mẹ chẳng phải thân thích với ta, thì ai là người chí thân ? Nếu chư Phật chẳng phải là đạo của ta, thì cái gì là đạo tối thắng ?

[31]Dịch nghĩa : Lời của ngươi cùng với tâm mới thật là thân thích, cha mẹ không thể sánh. Hạnh của ngươi cùng với đạo thật thích hợp, chư Phật chính là tâm. Người cầu Phật có hình tướng bên ngoài, thật chẳng giống ngươi chút nào. Nếu biết được bổn tâm của ngươi, chẳng phải hiệp cũng chẳng phải lìa.

[32]Dịch nghĩa : Hư không chẳng có trong ngoài, Tâm pháp cũng như thế. Nếu hiểu rõ hư không như vậy, là đã đạt được lý Chơn như.

[33]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 5; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 1; Truyền Pháp Chánh Tông Ký 2; Phật Tổ Thống Kỷ 5.

[34]Vô Phương Luận: Phép luận nghị chú trọng vào việc phá tất cả chấp, nên vô ngại, không có chỗ kẹt hay chỗ hở nào để đối phương có thể bắt bẻ.

[35]Dịch nghĩa : Chơn lý vốn không có tên, tạm gọi là "Chơn lý" để dễ hiển bày. Khi được pháp chơn thật, thật ra pháp đó không chơn cũng không ngụy.

[36]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 5; Đại Đường Tây Vực Ký 2, 3; Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập 2.

[37]Vì ờ trong thai tới 60 năm nên lúc mới sanh ra đã kể 60 tuổi. Do đó đến 80 tuổi, tức 20 tuổi đời, mới thọ cụ-túc giới.

[38]Bát giải thoát(attha vimokkha) gồm có: 1- Giải thoát sắc dục trong tâm; 2- Giải thoát sắc dục bên ngoài; 3- Thân thanh tịnh giải thoát; 4- Không vô biên xứ giải thoát; 5- Thức vô biên xứ giải thoát; 6- Vô sở hữu xứ giải thoát; 7- Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát; 8- Diệt thọ tưởng xứ giải thoát.

[39]Hiếplà cái hông. Hiếp Tôn Giảcó nghĩa là người không nằm sát hông xuống.

[40]Tam minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh.

[41]Dịch nghĩa : Chơn thể đã sẵn chơn, Bởi chơn nói có lý. Nhận được pháp chơn thật, Không đi cũng không dừng.

[42]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 5; Bảo Lâm Truyện 3; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 1; Phật Tổ Thống Kỷ 5; Nội Chứng Phật Pháp Tương Thừa Huyết Mạch Phổ.

[43]Dịch nghĩa : Mê ngộ như ẩn hiện, tối sáng chẳng rời nhau. Nay trao pháp ẩn hiện, không một cũng không hai.

[44]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Kinh Tạp Bảo Tạng 7; Mã Minh Bồ tát Truyện; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 5.

[45]Theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang thì quê của Tổ Asvaghosa ở thành Sàketa (Ta Chỉ Đa) gần Sàvatthi (Xá vệ), tức Ayodhya ngày nay.

[46]Dịch nghĩa : Ẩn hiện là pháp này, Sáng tối vốn không hai. Nay truyền pháp liễu ngộ, Không lấy cũng chẳng bỏ.

[47]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 5; Phật Tổ Thống Kỷ 5; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 1.

[48]Dịch nghĩa : Pháp không ẩn không hiện, Nói ra thật tế nhị. Ngộ pháp ẩn hiện này, Chẳng ngu cũng chẳng trí.

[49]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Kinh Nhập Lăng Già 9; Đại Thừa Huyền Luận 5; Hoa Nghiêm Kinh Truyện Ký 5; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 5; Pháp Chánh Tông Ký Truyện 3; Phật Tổ Thống Kỷ 5; Pháp Uyển Châu Lâm 18; The Life of Nàgàrjuna from Tibetan and Chinese Sources (M.Walleser).

[50]Dịch nghĩa : Thân hiện tướng trăng tròn, Để chỉ thể tánh Phật. Thuyết pháp không thấy thân, Để chỉ không thinh sắc.

[51]Dịch nghĩa : Vì rõ pháp ẩn hiện, Mới nói lý giải thoát. Nơi pháp tâm không chứng, Không giận cũng không mừng.

[52]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải 5: Truyện Đề Bà Bồ Tát; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 6; Xuất Tam Tạng Ký Tập 12.

[53]Kiến thức tuy đã đầy như chén nước, nhưng thêm vào một chút yếu chỉ cũng không bị tràn.

[54]Dịch nghĩa : Vào đạo không thông lý, Báo thân hoàn tín thí. Trưởng giả tuổi tám mốt, Cây này không sanh nấm.

[55]Dịch nghĩa : Các pháp vốn không, Không ngã, ngã sở, Không người làm hại, Không người bị hại.

[56]Xem Sử 33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa của Hoà Thượng Thanh Từ.

[57]Dịch nghĩa : Một ngọn đèn chiếu sáng ba cõi, Trở lại chiếu vào con. Mười phương đều xán lạn, Như mặt trời trụ hư không.

[58]Dịch nghĩa : Nơi pháp thật không chứng, Chẳng giữ cũng chẳng lìa. Pháp chẳng tướng có không, Trong ngoài do đâu khởi.

[59]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 6; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 2; Truyền Pháp Chánh Tông Ký 3; Phật Tổ Thống Kỷ 5; Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải 5.

[60]Dịch nghĩa : Cúi đầu lễ cha lành, Nép mình lạy mẹ hiền. Nay con muốn xuất gia, Xin thương xót nhận cho.

[61]Dịch ghĩa : Chư Phật như gương tròn lớn, Trong ngoài không vết che. Hai người đồng được thấy, Tâm mắt đều giống nhau.

[62]Dịch nghĩa : Đất tâm vốn không sanh, Nhờ đất theo duyên khởi. Duyên và giống chẳng ngại nhau, Hoa quả cũng như thế.

[63]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Nhân Minh Đại Sớ 1.

[64]Dịch nghĩa : Có giống, có đất tâm, Gặp thuận duyên tất nẩy mầm. Đối với duyên chẳng ngăn ngại, Thì chính khi sanh liền được vô sanh.

[65]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Luận Câu-xá 2; Luận A-tỳ-đạt-ma Thuận Chánh Lý 38; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 2; Phiên Dịch Danh Nghĩa, tập 2; Tiểu Thừa Phật Giáo Khái Luận.

[66]Tổ Kumàrata (Kumàralata)phiên âm là Cưu Ma La Đa là vị Tổ thứ 19. Không nên lầm với Cưu Ma La Thập (Kumàrajiva)là vị Tam Tạng Pháp Sư tại Trung Hoa vào năm 344-413, người xứ Tân Cương, cha là người Ấn, mẹ là công chúa xứ Dao-Tần (Tân Cương, Trung Hoa).

[67]Taxila(Taksasila) thuộc miền bắc xứ Pakistan hiện nay.

[68]Khabandha hiện nay là vùng Sarikol thuộc tỉnh Tân Cương xứ Trung Hoa.

[69]Dịch nghĩa : Chơn tánh vốn không sanh, Vì có người cầu nên phải nói. Các pháp đều không đắc, Đâu cần giải hay không giải.

[70]Kinh Lượng Bộlà bộ phái xem trọng về kinh, cho kinh là chánh lượng.

[71]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 6; Bảo Lâm Truyện 4; Tổ Đường Tập 2; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 2.

[72]Dịch nghĩa : Lời nói hợp vô sanh, Đồng với Pháp giới tánh. Nếu hiểu được như thế, Thông đạt sự lý xong.

[73]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 6; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 2; Đại Đường Tây Vực Ký 4; Lịch Đại Tam Bảo Kỷ 9; Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện 2; Khai Nguyên Thích Giáo Lục 7; Thích Ca Phương Chí, thượng. Theo quyển “Sử 33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn-Hoa” của Thiền sư Thích Thanh Từ thì Tổ Vasubandhu họ Tỳ Xá Khư (Visàkhà) ở nước La Duyệt (Ràjagaha, Vương Xá), cha là Quang Cái, mẹ là Nghiêm Nhất.

[74]Xứ Gandharahiện nay thuộc miền bắc xứ Pakistan.

[75]Tông Du-già (Yoga)còn gọi là Tông Pháp Tướnghay Duy Thức, tu theo Du Già Sư Địa Luận (Yogacarabhumi) do Bồ tát Di Lặc giảng và được Bồ tát Vô Trước và Thế Thân ghi lại, là một bộ phái Đại thừa.

[76]Dịch nghĩa : Bọt huyễn đều không ngăn ngại, Tại sao chẳng liễu ngộ ? Đắc pháp ngay trong ấy, Chẳng xưa cũng chẳng nay.

[77]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Bảo Lâm Truyện 4; Tổ Đường Tập 2; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 2.

[78]Có lẽ vua Đắc Độthuộc dòng dõi bộ tộc Sàkya lưu lạc đến đây sau khi vua Vidùdabha tàn sát và thiêu hủy Capilavatthu 1.

[79]Xứ Đại Nguyệt Chithuộc miền bắc xứ Afganistan ngày nay.

[80]Dịch nghĩa : Tâm theo muôn cảnh chuyển, Chỗ chuyển thật kín sâu. Theo dòng nhận được tánh, Không mừng cũng không lo.

[81]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 6; Ma-ha Chỉ Quán 1, thượng; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 2; Phật Tổ Thống Kỷ 5.

[82]Dịch nghĩa : Khi rõ biết tâm tánh thì Lời nói không thể nghĩ bàn. Rõ ràng không chứng đắc, Có đắc thì không thể nói là biết.

[83]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện 6; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 2; Bảo Lâm Truyện 5.

[84]Kế Tânlà tên cũ của nước Kasmira(Ca Thấp Di La, Cachemire). Ngày nay thuộc vùng biên giớI giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Hoa.

[85]Dịch nghĩa : Chính khi nói tri kiến thì Tri kiến cũng là tâm. Tâm này là tri kiến, Tri kiến là hiện tại.

[86]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Bảo Lâm Truyện 6; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 2.

[87]Dịch nghĩa : Thánh nhơn nói tri kiến, Ngay cảnh không phải quấy. Nay ta ngộ tánh ấy, Không đạo cũng không lý.

[88]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Tổ Đường tập 2; Bảo Lâm Truyện 6; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 2; Phật Tổ Lịch Đại Thông Tái.

[89]Có lẽ đây chỉ là người thuộc phái Trường Trảo Phạm Chí, tức là các du sĩ để móng tay dài không cắt. Vì cậu của ngài Xá Lợi Phất cũng là Trường Trảo Phạm Chí (Dìghanakha) vào thời đức Phật còn tại thế.

[90]Chữ sutracòn có thể viết là sutara. Ghép 2 chữ Prajnavà sutara lại thành chữ Prajnatara.

[91]Dịch nghĩa : Chơn tánh là kho tàng Tâm địa, Không có đầu cũng không có đuôi. Tùy duyên sanh muôn vật, Phương tiện gọi là Trí.

[92]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Xuất Tam Tạng Ký tập 9; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 2; Ngũ Đăng Hội Nguyên 1.

[93]Dịch nghĩa : Đất tâm sanh các giống, Nhơn sự lại sanh lý. Quả đầy bồ-đề tròn, Hoa nở thế giới sanh.

[94]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Tục Cao Tăng Truyện 16; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 3, 30; Truyền Pháp Chánh Tông Ký 5; Nội Chứng Phật Pháp Tương Thừa Huyết Mạch Phả; Tông Cảnh Lục 97; Truyền Pháp Chánh Tông Luận, hạ; Tổ Đình Sự Uyển 2, 5, 8; Cựu Đường Thư Liệt Truyện 141; Thần Tú Truyện.

[95]Không hề có thánh.

[96]Không thể nhờ người khác chỉ dạy hay truyền trao mà mình được. Phải do chính mình học hỏi, thiền quán, tinh tấn tu tập mới có kết quả.

[97]Báo oán hạnh: Khi gặp nghịch cảnh khổ nạn, hãy tự nghĩ đây là quả báo do ác nghiệp mình đời trước.

[98]Có câu "Y kinh thuyết pháp tam thế Phật oan, Ly kinh nhất tự tức đồng Ma thuyết".

[99]Nước Phật A Súc(Aksobhya Tathàgatasya vyuha) ở thế giới Diệu Hỷ, về phương đông. Đức Phật A Súc (Aksobhya) thường khuyến khích và khen ngợi những ai tu hạnh Lục-độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ). Chúng sanh nào tu hạnh Lục-độ và cầu sanh về cõi Tịnh Độ phương đông sẽ được Phật A Súc tiếp rước.

[100]Truyền y bát: Chỉ từ Tổ Bodhidharma soạn giả mới thấy nói đến việc truyền y bát. Ngoài ra còn có tài liệu nói rằng Tổ Mahà Kassapa giữ y bát của đức Phật, vào núi Kê Túc (Kukkutapada, Griddhakùta) ngồi nhập định, chờ đến khi Phật Di Lặc (Maitreya) ra đời sẽ trao lại.

[101]Dịch nghĩa : Ta sang đến xứ này, Truyền pháp cứu mê tình. Một hoa nở năm cánh, Nụ trái tự nhiên thành.

[102]Dịch nghĩa : Thuyền con rẽ sóng ngọc, Đuốc soi mở khóa vàng. Năm miệng đòng cùng đi, Chín mười không ta người. Câu thứ tư nói trước đến ngày mồng 9 tháng 10 Tổ sẽ nhập diệt.

[103]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Bảo Lâm Truyện 8; Tổ Đường tập 2; Truyền Pháp Chánh Tông Ký 6; Tục Truyền Đăng Lục 1; Tông Môn Thống Yếu Tục tập 2; Phật Tổ Thống Kỷ 30; Ngũ Đăng Hội Nguyên 1.

[104]Dịch nghĩa : Xưa nay nhơn có đất, Nhờ đất giống hoa sanh. Xưa nay không có giống, Hoa cũng chẳng từng sanh.

[105]Dịch nghĩa : Trong tâm tuy kiết bên ngoài hung, Xuyên dưới phòng tăng tên chẳng đúng. Vì gặp độc long sanh con võ, Chợt nghe chuột nhỏ lặng vô cùng.

[106]Khế hội bản tâm= Hiểu và thực hành đúng theo Chơn Tâm, Chơn Lý.

[107]Phát cái dụng tùy ý chơn quang= Hiểu biết sự vật đúng như thật, không bị căn, trần, thức lừa gạt.

[108]Chơn ulà mờ mịt Chơn lý. Câu này có nghĩa là khi chưa biết Chơn lý thì càng lý luận càng thêm mờ mịt, khi biết rõ rồi thì không cần phải suy luận. Muốn biết Chơn lý phải dùng trực giác chứ không thể dùng suy luận.

[109]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 3; Phật Tổ Thống Kỷ 30; Ngũ Đăng Hội Nguyên 1; Long Hưng Phật Giáo Biên Niên Thông Luận 18.

[110]Không nên lầm với chùa Đậuở làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, là nơi có toàn thân xá lợi của 2 thiền sư Vũ khắc Minh (Đạo Chân) và Vũ khắc Trường (Đạo Tâm).

[111]Dịch nghĩa : Giống hoa tuy nhờ đất, Từ đất giống hoa sanh. Nếu không người gieo giống, Hoa không từ đất sanh.

[112]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Phật Tổ Chánh Tông Đạo Ảnh; Tục Cao Tăng Truyện 26; Ngũ Đăng Hội Nguyên 1; Phật Tổ Thống Kỷ 29.

[113]Dịch nghĩa : Giống hoa có tánh sống, Nhờ đất hoa nẩy mầm. Do duyên lớn hợp với tín căn, Nên đương khi sống đắc vô sanh.

[114]Theo quyển Sử 33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa của Thiền sư Thích Thanh Từ thì đồ chúng xây tháp thờ Tổ Đạo Tín ở núi Phá Đầu còn gọi là Song Phong.

[115]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Tống Cao Tăng Truyện 8; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 3; Ngũ Đăng Hội Nguyên 1; Phật Tổ Thống Kỷ 29, 39.

[116]Giáo thọlà vị thượng tọa có khả năng thay thế vị Sư trưởng để chỉ dạy cho đồ chúng.

[117]Dịch nghĩa : Thân là cội bồ-đề, Tâm như đài gương sáng. Luôn luôn siêng lau chùi, Chớ để dính bụi trần.

[118]Dịch nghĩa : Bồ-đề vốn không cội, Gương sáng cũng không đài. Xưa nay không một vật, Chỗ nào dính bụi trần ?

[119]Dịch nghĩa : Hữu tình đến gieo giống, Nhờ đất quả lại sanh. Vô tình đã không giống, Không tánh cũng không sanh.

[120]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Phật Tổ Thống Kỷ 29; Tống Cao Tăng Truyện 8; Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 5; Ngũ Đăng Hội Nguyên 1; Thích Thị Kê Cổ Lược; Truyền Pháp Chánh Tông Ký 6.

[121]Vì lúc bấy giờ Tổ Huệ Năng chưa có độ điệp (giấy phép) của vua ban cho làm tăng sĩ.

[122]Trong kinh Pháp Hoa, Phật nói: Ngồi tòa Như Lai là tất cả pháp đều không.

[123]Nhất thiết chủng trí= Vô sư trí, trí tuệ cao nhất, prajna paramita, trí bát-nhã.

[124]Dịch nghĩa : Đất tâm chứa các giống, Mưa khắp ắt nẩy mầm. Hoa tình vừa đốn ngộ, Tự thành trái Bồ-đề.

[125]Thông hiểu.

[126]Dịch nghĩa : Trên, đầu để nuôi thân, Trong miệng để ăn. Gặp Mãn gây nạn, Dương Liễu làm quan. Bài kệ này nói trước sẽ có người tên Mãn đến cắt đầu Tổ vào thời Dương Khản và Liễu Vô Thiễm làm quan.

[127]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện (Huệ Lập) ; bài tựa Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo ; bài tựa Đại Đường Tây Vực Ký ; Huyền Trang Tam Tạng Sư Tư Truyện Tùng Thư ; Đại Đường Nội Điển Lục 5 ; Đại Đường Cố Tam Tạng Huyền Trang Pháp Sư Hành Trạng ; Tục Cao Tăng Truyện 4.

[128]Xứ Odraở đông Ấn, hiện nay là vùng Orissa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/09/2016(Xem: 5689)
Vào cuối đời Tây Tấn, vua Huệ Đế ngu tối, việc triều chính đều do hoàng hậu Giả thị chủ trương. Giả hậu là người nham hiểm, lại biết quyền biến đởm lược, mưu giết các thân vương, phế bỏ Thái tử. Triệu Vương Luân bèn phẫn uất, cử binh giết Giả hậu, truất phế vua Huệ Đế mà tự xưng lên làm vua. Các thân vương khác thấy vậy cũng dấy binh tranh giành lẫn nhau, cốt nhục tương tàn, làm cho nhà Tấn suy yếu.
22/08/2016(Xem: 4624)
Sáng hôm nay trong thinh lặng của một sáng chủ nhật mùa đông, tôi muốn dành tâm trí thảnh thơi để viết vài hàng trả nợ cho cô bạn tí hon ngày xưa. Nợ vì tôi cứ hẹn sẽ viết cho nàng. Gọi là bạn nhưng chưa bao giờ nói chuyện, gọi là bạn vì học cùng trường. Tí hon vì nhỏ hơn tôi ba tuổi. Từ nhỏ, tôi có một tật rất xấu, tôi xem ai nhỏ tuổi hơn tôi là con nít. Vì sao chỉ hơn vài tuổi mà khi nào tôi cũng có cảm tưởng như mình đứng rất cao để nhìn xuống những người tí hon này!
11/08/2016(Xem: 4233)
Nó không biết chính xác năm nay mình bao nhiêu tuổi, chỉ nghe sư thầy nói nó ở chùa đã 12 năm với cái tên Quảng Chân Tâm. Tất cả những đứa trẻ ở chùa ngoài tên đời do cha mẹ đặt, sư thầy đều cho pháp danh với chữ Quảng đứng đầu.
03/08/2016(Xem: 37107)
Nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện [1941 - 2011] qua đời năm 2011 tại Houston, nhưng chuyện kể, các bài viết về anh đã nhiều lầm lạc : Người viết : anh bỏ áo tu hành lấy cô vợ người Pháp, theo Thiên Chúa Giáo, kẻ khác viết : anh không hề có một mảnh bằng kể cả bằng tú tài mà dạy Triết Học Viện Đại học Sorbonne, mười lăm tuổi anh đọc và viết hàng chục ngôn ngữ, mười lăm tuổi anh dạy trung học, hai mươi tuổi anh là khoa trưởng khoa Khoa Học Nhân Văn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, anh là triết gia không cần học một ai ? Dạy Triết học tại một Đại Học Pháp mà không cần một văn bằng nào ?
25/07/2016(Xem: 5303)
Người đàn bà đến bên cửa sổ ghé mắt nhìn ra ngoài trời. Qua lớp mưa mù dầy đặc trắng xoá ngoài kia bà chẳng nhìn thấy được gì ngoài những tia chớp xé toạt không gian kèm theo hàng loạt tiếng sấm như long lỡ đất trời. Thời tiết chiều nay quá xấu, xấu hơn người ta đã dự đoán và xấu hơn sự suy nghĩ của Quang, đứa con trai lớn của bà. Đã mấy tháng rồi nó mới có dịp bay về thăm bà vậy mà hôm nay trời lại mưa bão quá chừng! Trước khi lên máy bay nó còn gọi báo cho bà biết: - Bên đây thời tiết đẹp lắm má! Mong rằng khi con bay sang đến Cali thì trời quang mây tạnh, con sẽ chở má đi ăn và ở chơi với má đến tối mới về lại khách sạn.
06/07/2016(Xem: 8688)
Hôm nay là ngày 10 tháng 6 năm 2015, tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 65 của mình với tựa đề là “Nước Úc trong tâm tôi” để sang năm 2016 sẽ xuất bản và ấn tống. Tác phẩm nầy được viết trong mùa An Cư Kiết Hạ lần thứ 31 của năm Ất Mùi, nghĩa là từ năm 1984 đến nay (2015) cứ mỗi năm ba tháng như vậy, Thầy trò chúng tôi có trọn vẹn 3 tháng an cư tại chùa Viên Giác thật là an lạc. Chương trình mỗi ngày được bắt đầu từ 5 giờ 45 sáng. Đại Chúng vân tập nơi Tổ Đường để xá Tổ, sau đó lên Chánh Điện, hô canh và tọa thiền 15 phút. Sau khi xả thiền, Đại Chúng bắt đầu trì tụng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm, phần giữa của thời khóa có kinh hành niệm Phật ba vòng, tiếp đó lạy danh hiệu của chư Phật, Bồ Tát và Thánh Chúng độ 35 lạy. Sau thời công phu khuya ai về phòng nấy để nghỉ ngơi hay hành trì tiếp, hoặc tập thể dục. Đúng 8 giờ sáng là giờ điểm tâm của Đại Chúng, ai nấy đều tỉnh thức trong lúc dùng sáng, không nói chuyện, mà câu chuyện hằng ngày chỉ được
13/06/2016(Xem: 4396)
Hoa Lan nhất định không đầu hàng ngẩng mặt than thở: “Đời là bể khổ, tình là giây oan“ như cụ Tố Như đâu. Hoa Lan phải tâm tâm niệm niệm cột vào tâm câu Nhất thiết duy tâm tạo, khổ hay vui đều do cái đầu và bàn tay năm ngón của ta điều binh khiển tướng. Hoa Lan sẽ kể về nỗi khổ, niềm đau của thế gian trong trường thiên Tỵ Nạn Tình Duyên, một vấn nạn trong cuộc sống lứa đôi, trong vòng ái ân, sinh tử. Nỗi khổ chúng sanh chỉ cần khoanh vùng trong hai chữ tỵ nạn cũng đủ làm ta khiếp vía. Nào tỵ nạn cộng sản, con rơi của tỵ nạn chính trị, cháu rớt của tỵ nạn kinh tế, những đề tài ấy nhắc đến đã đủ ù tai hoa mắt và cũng chẳng phải là sở trường của mình, Hoa Lan sẽ kể về đề tài tỵ nạn tình duyên, nơi đã đi, đã đến và đã về.
01/06/2016(Xem: 13221)
Bài này được viết như một ghi chú cho Thiền Tông, để như một cách tiếp cận đơn giản… và hy vọng, cũng là một ghi chú cho rất nhiều pháp khác của nhà Phật, kể cả Tịnh Độ. Bởi vì, Thiền Tông là pháp môn cốt tủy nhất, trực tiếp nhất, không qua bất kỳ phương tiện nào khác, và cũng có thể dùng làm chiếc cửa lớn cho tất cả các pháp khác.
31/05/2016(Xem: 20956)
Chuyện xảy ra ở Việt Nam, nhưng lại bắt đầu từ bên Mỹ. Số là, vào khoảng thời gian năm 1956, có một kỹ sư Hoa Kỳ tên là Frank M.Balk. Chàng kỹ sư này suốt đời chẳng biết gì về cái xứ bé nhỏ xa xôi tận vùng Đông Nam Á tên gọi là Việt Nam cả.
27/05/2016(Xem: 6571)
Bao nhiêu năm ao ước cho đến hôm nay tôi mới có duyên lành được hành hương về Tây Trúc - Tây Trúc hay Thiên Trúc là tên gọi trước đây của xứ Ấn Độ. Trong phái đoàn tôi đi có nhóm Sợi Nắng và các Phật tử đến từ Canada cũng như Hoa Kỳ. Về chư Tăng thì có thầy Tánh Tuệ - nhà thơ Như Nhiên. Thầy là người từng sống và học tập ở Ấn Độ suốt bảy năm nên thầy nắm rất rõ về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán... của người Ấn Độ. Cũng chính vì thâm niên như vậy nên nước da thầy rám nắng và người ta thường gọi thầy với cái tên rất gần gũi là "thầy cà-ri". Ngoài ra, phái đoàn còn có thêm sư cô An Phụng và sư cô Huệ Lạc
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]