Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

37. Hạ thứ 29 tại Jetavana (năm -561)

02/03/201421:18(Xem: 17312)
37. Hạ thứ 29 tại Jetavana (năm -561)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


9- Hạ thứ 29 tại Jetavana (năm -561)

Lòng từ bi của Phật đối với các khất sĩ còn non kém[1]

Đức Phật đặt rất nhiều tin tưởng nơi các vị khất sĩ tài đức để tiếp tục công trình hoằng pháp lợi sinh mà ngài đã đề xướng. Tuy nhiên ngài cũng rất kiên nhẫn và bao dung cho những vị khất sĩ tối dạ hoặc còn non kém. Như thầy Citta Hatthisàriputta đã xin ra khỏi Giáo đoàn 3 lần, cuối cùng cũng chứng quả A-la-hán sau khi thọ giới lần thứ tư (Tăng Chi Bộ, chương 6, phẩm 6, kinh Hatthisàriputta; Trường Bộ 9: 48-56). Có thầy tu không thành công, trở ra đời tới sáu lần rồi mà khi xin xuất gia trở lại vẫn được Phật chấp thuận cho nhập chúng. Có vị tối dạ đến nỗi học hoài mà cũng không thuộc được 16 phép quán niệm hơi thở, vậy mà Phật vẫn tiếp tục vỗ về và khuyến khích.

Lúc bấy giờ, ở tinh xá Jetavana có một thầy tên Bhaddali có những khuyết điểm mà Phật lờ đi để thầy có cơ hội chuyển hóa. Thầy không cố ý nhưng thường vi phạm những quy luật của tu viện. Ví dụ trong tu viện có điều khoản "Nhất tọa thực", nghĩa là khi ngồi xuống ăn, người khất sĩ không được đứng dậy lấy thêm thức ăn hoặc làm những việc khác, đến khi ăn xong mới được đứng lên. Vậy mà thầy Bhaddali không làm được. Sống trong đại chúng, thầy thường gây ra những phiền nhiễu cho người khác. Phật có quở thầy nhiều lần và dạy thầy phải thường xuyên tự đặt câu hỏi “Tôi phải làm gì để cho đại chúng được hoan hỉ ?”. Vậy mà đến mấy tháng sau thầy vẫn chưa thành công. Trong đại chúng có những thầy không đủ kiên nhẫn và có khi nói nặng thầy. Biết vậy, một hôm Phật dạy :

Này các thầy, một cá nhân trong tăng đoàn dù có những khuyết điểm trầm trọng, nhưng thế nào trong tâm người ấy vẫn còn lại một ít hạt giống của niềm tin Chánh Pháp và tình thương nhân loại. Chúng ta nên cư xử thế nào với vị ấy để cho những hạt giống lành còn lại đó có đủ cơ duyên nẩy nở, không nên để cho những hạt giống ấy hoàn toàn bị tiêu diệt. Ví dụ như có người kia vì bất hạnh mà bị mù một con mắt. Bà con thân thuộc của người ấy cố nhiên sẽ tìm cách giúp đỡ và bảo vệ con mắt còn lại kia. Họ biết rằng nếu con mắt kia mù nữa thì người ấy sẽ rất khốn khổ. Vậy, này các thầy, các thầy hãy giúp bảo vệ những hạt giống lành còn lại nơi người đồng đạo của mình bằng cách đối xử tử tế và dễ thương với người ấy.

Cũng tại Jetavana, có một cư sĩ trẻ, sau khi nghe Phật thuyết pháp, phát tâm dũng mãnh xin xuất gia[2]. Anh ta được hai vị sư trưởng và giáo thọ truyền dạy về giới như sau :

Này đạo hữu, giới có nhiều loại: Đây là Tiểu giới ...; đây là Trung giới ...; đây là Đại giới ...; đây là giới hộ trì Giới bổn ...; đây là giới hộ trì các căn ...; đây là giới thanh tịnh mạng ...; đây là giới sử dụng đồ vật ...

Vị tỳ kheo trẻ suy nghĩ: Thật có quá nhiều giới, ta không thể nhớ hết thì làm sao có thể giữ giới chính chắn thanh tịnh được; đã không giữ giới được thì xuất gia có ích gì ? Thôi, ta không nên xuất gia, ta chỉ có thể làm cư sĩ ở nhà nuôi dưỡng vợ con và làm việc phước thiện mà thôi.

Vị sư trưởng và giáo thọ đưa anh ta đến gặp Phật, trình bày sự việc. Phật bảo :

Này tỳ kheo, ông đã quyết chí xuất gia, vậy ông có thể giữ ba giới được không ?

Bạch Thế Tôn, với ba giới thì con giữ được.

Tốt lắm, vậy từ nay ông chỉ cần dũng mãnh tinh tấn giữ gìn ba giới về thân, miệng, ý. Thân không bao giờ làm việc ác, việc bất thiện; miệng không bao giờ nói lời thô ác bất thiện; ý không bao giờ nghĩ đến điều ác, điều bất thiện. Hãy tinh tấn lên, chớ hoàn tục, ông chỉ cần giữ ba giới này thôi.

Vị tỳ kheo trẻ hân hoan đảnh lễ Phật rồi theo hai vị sư trưởng và giáo thọ trở về trú xứ, tinh tấn giữ gìn ba giới thân miệng ý và phát triển thiền quán, ít lâu sau đắc quả A la hán.

Đức Phật lúc nào cũng từ bi, dịu hòa, nhưng có lúc ngài cũng rất nghiêm khắc và cũng từng quở trách nặng nề, quyết liệt. Người nào mà Phật không độ được hoặc chưa độ được quả thật là người không có tương lai.

Một hôm đức Phật nói chuyện với một người huấn luyện ngựa[3]. Phật hỏi:

Này Kesi, ông điều phục ngựa như thế nào, xin nói cho chúng tôi nghe với ?

Bạch Thế Tôn, có nhiều loại ngựa. Có loại rất dễ dạy, chỉ cần dùng biện pháp ngọt ngào. Có loại khó trị hơn, phải dùng vừa biện pháp ngọt ngào vừa biện pháp mạnh. Có loại rất khó dạy, chỉ có thể dùng biện pháp mạnh.

Vậy khi gặp loại ngựa chứng mà cả ba biện pháp đều vô hiệu thì ông làm thế nào ?

Bạch Thế Tôn, trong trường hợp ấy thì con buộc lòng phải hạ sát nó, vì để nó sống chung trong bầy sẽ làm hư hỏng những con ngựa khác. Bạch Thế Tôn, còn ngài dạy các đệ tử như thế nào ? Xin cho con biết với.

Thì Như Lai cũng làm tương tự như ông vậy. Với những người chỉ cần ngọt ngào, Như Lai dạy thân làm thiện, lời nói thiện, ý nghĩ thiện sẽ được quả báo thiện, được tái sanh về cõi Trời hoặc cõi Người. Với những người vừa cần biện pháp ngọt ngào, vừa cần biện pháp mạnh, Như Lai dạy thân làm thiện, lời nói thiện, ý nghĩ thiện sẽ được quả báo thiện, được tái sanh về cõi Trời hoặc cõi Người; thân làm ác, lời nói ác, ý nghĩ ác sẽ bị quả báo ác, sẽ bị tái sanh về các cõi địa ngục, ngạ quỷ hoặc súc sanh. Có người chỉ có thể dùng biện pháp mạnh mới trị nổi thì Như Lai phải quở trách nặng nề.

Vậy trong trường hợp cả ba biện pháp đều vô hiệu thì đức Thế Tôn làm thế nào ?

Thì Như Lai cũng phải làm như ông vậy.

Ủa ! Đức Thế Tôn giết họ à ?

Không, Như Lai chỉ từ chối không chấp nhận họ vào giáo đoàn khất sĩ, không chấp nhận họ làm đệ tử, thế thôi. Nhưng những trường hợp đó thật hy hữu và thật đáng thương tâm.

Vị trời Rohitassa hỏi cách ra khỏi thế giới sinh tử[4]

Lúc trời gần sáng, vị trời Rohitassa, với thân thể chiếu sáng linh hoạt, hiện đến tinh xá Jetavana, đảnh lễ Phật rồi đứng sang một bên, chào hỏi và bạch Phật :

Bạch đức Thế Tôn, có một cõi nào không có sinh, già, bệnh, chết không? Có một cõi nào mà muôn loài đều không chịu luật sinh diệt không ? Ta có thể di chuyển bằng cách nào để ra khỏi thế giới sinh diệt này và để đi tới thế giới không sinh diệt kia không ?

Này Rohitassa, không thể nào ra khỏi thế giới sinh diệt này bằng cách di chuyển, dù ta có đi nhanh hơn tia chớp cũng vậy.

Kính lạy đức Thế Tôn, ngài dạy rất chí lý. Quả thật ta không thể đi ra khỏi biên giới của thế giới sinh diệt này bằng cách di chuyển, dù bằng tốc độ nào. Con nhớ trong một kiếp trước con là Rohita Bhojaputta, con đã từng có thần thông, con có thể bay trong hư không nhanh như một mũi tên. Con chỉ cần phóng mình đi trong nháy mắt là đã có thể từ bờ biển phía đông sang tới bờ biển phía tây. Con đã nhất quyết vượt biên giới của thế giới sinh, già, bệnh, chết để đi sang một thế giới khác. Con đã bay đi suốt ngày này sang ngày khác, không hề dừng lại để ăn uống hoặc nghỉ ngơi. Con đã bay đi trên một trăm năm với tốc độ ấy nhưng cũng chưa thấy biên giới đâu cả, rốt cuộc con đã chết ở dọc đường. Thế Tôn nói thật đúng, chúng ta không thể nào vượt được biên giới của cõi sinh tử bằng cách di chuyển, dù là di chuyển với tốc độ của ánh sáng.

Này Rohitassa, Như Lai không nói rằng ông không thể vượt ra khỏi cõi sinh tử này. Nếu ông muốn, Như Lai sẽ chỉ cho ông cách vượt ra khỏi thế giới sinh tử. Này Rohitassa, chính từ nơi thân tâm ông mà thế giới sinh tử được sinh khởi, cũng chính từ nơi thân tâm ông mà ông có thể tìm thấy được sự chấm dứt của thế giới sinh tử. Ông hãy quán chiếu thân tâm ông. Hãy quán chiếu thế giới sinh diệt ngay trong thân tâm ông. Quán chiếu sắc, thọ, tưởng, hành, thức nơi ông để thấy được thực tướng của vạn pháp trong vũ trụ. Đến khi quán chiếu thành công, ông sẽ thấy thế giới sinh diệt tan biến mất và thế giới bất sinh bất diệt hiển lộ. Chừng đó ông sẽ được giải thoát khỏi mọi khổ đau trong thế giới sinh diệt, và sẽ được hoàn toàn thong dong, tự tại, an lành trong thế giới chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh.

“Này Rohitassa, để vượt khỏi thế giới sinh diệt khổ đau, ông không cần di chuyển đi đâu hết, ông chỉ cần ngồi im lặng, nhìn sâu vào tự tánh của thân tâm ông để chứng nghiệm và sống với cái thực thể bất sanh bất diệt của vạn vật. Cái thực thể đó không có hình tướng nên khó nhận ra, nhưng nó ở khắp mọi nơi, không cần đi tìm kiếm nơi đâu cả.”

Vị trời Rohitassa sụp xuống đảnh lễ dưới chân Phật, rất vui mừng và cảm động, ông nói :

- Bạch Thế Tôn, con như người đi lạc trong rừng sâu vừa được chỉ lối ra, như người đang mò mẫm trong nhà tối vừa được ngọn đèn sáng. Con như người mù đi tìm kiếm ánh sáng, dù trải qua bao nhiêu kiếp như thế cũng không thể tìm thấy được. Hôm nay con may mắn được đức Từ Bi chữa bệnh mù cho con, con mới được thấy ánh sáng lúc nào cũng ở ngay trước mắt, không cần phải đi tìm kiếm đâu xa. Con xin đức Thế Tôn hoan hỉ nhận con làm đệ tử.



[1]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 472-475; Trung Bộ 65: kinh Bhaddali; Trung A Hàm 194.

[2]Xem Tiểu Bộ, Jàtaka, kinh 56: Kancanakkhanda.

[3]Xem Tăng Chi Bộ, chương 4 pháp, kinh 101: Kesi.

[4]Xem Tăng Chi Bộ, chương 4 pháp, kinh 45: Rohitassa; Tương Ưng Bộ, chương 2, kinh 26: Rohitassa; Đường Xưa Mây Trắng, trang 475-476.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/01/2011(Xem: 3476)
Nếu bảo tuổi trẻ là tuổi của rong chơi vui vẻ, của yêu đương mộng mơ, của lãng mạn...thì tôi không có được diễm phúc có tuổi trẻ. Chơi không dám chơi hết mình. Cười, không dám cười to. Nói năng e dè, đi đứng lủi thủi một mình, ít bạn bè thân...lúc nào cũng đầy mặc cảm nghèo khó, quê mùa. Đời tôi, do vậy, từ tốt nghiệp, ra đời, dù có nhiều lúc thăng trầm, nhưng hình như không có lúc nào cảm thấy...xuống chó cả, chỉ có lên voi thôi! Nguyện vọng tha thiết của Ba Mẹ tôi và cũng là hoài bảo lớn nhất của tôi, trong thời gian học ở trường trung học tỉnh lẻ Gò Cong, chỉ là làm sao được thi đậu vào trường Sư phạm để ra trường về làng dạy học.
13/01/2011(Xem: 21406)
Trong Đường Xưa Mây Trắng chúng ta khám phá ra Bụt là một con người chứ không phải là một vị thần linh. Đó là chủ tâm của tác giả...
09/01/2011(Xem: 11480)
Milarepa là Thánh St. Francis của Tây Tạng. Chúng ta không thể nhầm lẫn âm điệu của những ca khúc này với âm điệu của những ca khúc Fioretti...
07/01/2011(Xem: 8289)
Ngày nay, Buddhagay là nơi thu hút giới Phật giáo và các phái đoàn hành hương đến viếng thăm quanh năm. Như một điều kỳ diệu, Buddhagay , một ngôi làng tầm thường, cổ xưa đã được chuyển hoá trong chốc lát. Giờ đây, Buddhgay đang hoạt động mạnh mẽ trong đời sống, và một lần nữa, Buddhagay có triển vọng sẽ là một trung tâm của Phật giáo thế giới. Thánh tích "Bồ-đề Đạo Tràng" (Buddhagay hay còn gọi là Bodhgay ) là địa danh chỉ cho nơi Đức Phật đạt được quả vị giác ngộ tối thượng (Sambodhi). Buddhagay cách thị trấn Gay cũ sáu dặm về phía Bắc, ngày nay cũng được biết với tên Brahmagay , nơi chiêm bái của tín đồ Ấn giáo (Hinduism). Có lẽ tín đồ Ấn giáo đã thêm thuật ngữ ‘Brahma’ vào địa danh của thánh tích này để phân biệt với Buddhagay , thánh tích của Phật giáo. Buddhagaya bây giờ là một thị trấn thịnh vượng, phía bắc giáp với Haripur, phía đông giáp với Mastipur, Dhondowa, Bhalua and Turi, phía nam giáp với Rampur và phía đông giáp với dòng sông Lilajan. Đây là một hình thức
06/01/2011(Xem: 6374)
Tôi và chị chưa hề một lần gây thù chuốc oán với nhau. Vậy mà không hiểu sao ngay từ ngày chạm mặt đầu tiên ở trụ sở Hội Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh, bỗng dưng tôi thấy ghét chị thậm tệ. Và nhìn ánh mắt, vầng trán nhăn nhíu, điệu bộ của chị khi đứng gần tôi vào lúc cuộc họp chuẩn bị khai mạc, tôi cảm nhận, thấy biết được chắc chắn rằng chị cũng chẳng ưa gì tôi, có thể là ghét cay ghét đắng tôi, còn hơn cái mức mà tôi ghét chị. Sao kỳ vậy? Đố kỵ tài năng sao? Không phải.
06/01/2011(Xem: 3932)
Sắp Tết đến nơi rồi. Ngồi bên vỉa hè ngập nắng trước ngôi chùa suốt ngày đóng cổng tam quan im ỉm tịch lặng, dì Thanh rơm rớm nước mắt nhìn dòng người ngược xuôi tấp nập trên đường, ai nấy cũng lăng xăng sắm sửa chuẩn bị tống tiễn năm cũ, còn dì thì cứ như bất động, muốn động đậy cũng không còn sinh lực để nhấc cử tay chân. Bây giờ có muốn lo toan đèo bòng cùng thiên hạ, sắm thứ này thứ nọ, thì dì cũng chẳng có tiền để mà đứng dậy đi ra chỗ chợ búa xôn xao trăm hàng khoe sắc. Dì cúi xuống nhìn bé Trang đang nằm ngủ thật vô tư trên manh chiếu rách nát
06/01/2011(Xem: 7160)
Sau kỳ nghỉ hè, trở vào hãng làm việc, không thấy Goga mang theo chó, tôi hỏi : - Ủa , chó của bạn đâu ? Goga, con nhỏ bạn người Nam Tư trả lời : - Chó của tôi còn bé quá, phải một tháng sau, tôi mới mang qua được. - Bạn gởi nó bằng bưu điện ? -Không, tôi sẽ trở về rước.
05/01/2011(Xem: 2898)
Nguyên Nguyễn Tịch, người đời nhà Tấn, là người rất ưa rượu và đàn. Làm quan rồi cáo bịnh về nhà, kết bạn cùng Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàn...
05/01/2011(Xem: 3106)
Thắng trận, Sở Trang vương đời Xuân Thu truyền bày tiệc liên hoan, gọi là "Thái bình yến". Phàm các quan văn võ bất cứ cấp nào đều được tham dự.
04/01/2011(Xem: 51894)
QUYỂN 5 MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BỐN (Năm 574 trước TL) 91 CÁC LOẠI CỎ Đầu Xuân, khi trời mát mẻ, đức Phật tính chuyện lên đường trở về Sāvatthi. Thấy hội chúng quá đông, đức Phật bảo chư vị trưởng lão mỗi vị dẫn mỗi nhóm, mỗi chúng phân phối theo nhiều lộ trình, qua nhiều thôn làng để tiện việc khất thực. Hôm kia, trời chiều, cạnh một khu rừng, với đại chúng vây quanh, đức Phật ngắm nhìn một bọn trẻ đang quây quần vui chơi bên một đám bò đang ăn cỏ; và xa xa bên kia, lại có một đám trẻ khác dường như đang lựa tìm để cắt những đám cỏ xanh non hơn; ngài chợt mỉm cười cất tiếng gọi:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]