Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 02

19/10/201319:47(Xem: 7384)
Phần 02

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 5
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 02

Cụ già tu mướn
Lạy Phật cầu chồng
Khang Hy tìm Phổ Hiền
Phật ở đâu?
Ðức Phật và Chiến Già

Cụ già tu mướn

(Truyện cổ P.G. Nhật Bản)

Thiền sư Bạch Ẩn Huệ ở Nhật Bản có một tục gia đệ tử. Ông đệ tử này thường đến than phiền rằng cha già của y, dù tuổi đã cao, vẫn cứ mải mê làm việc kiếm tiền chứ không chịu tu hành gì ráo. Mỗi lần y nhắc nhở thì ông cụ quả quyết khẳng định:

- Nếu chuyện tu hành mà té tiền té bạc thì hãy nói với ta, bằng không đừng hòng!

Hôm nọ nghe xong nỗi băn khoăn của người đệ tử, thiền sư bảo:

- Chiều nay con hãy về bảo với cha con rằng: Hòa Thượng Bạch Ẩn bận bịu công việc quá đỗi nên không thể tu hành như ý muốn được. Ngài nhờ con tìm một người tu mướn. Cứ mười chuỗi niệm Phật là một quan tiền. Cần chọn người trung. Người làm mướn có thể lãnh tiền mỗi ngày hoặc hàng tuần cũng được.

Ông đệ tử y lời, trở về thưa với cha mình. Nhận thấy rằng đây quả là một công chuyện làm ăn té tiền té bạc hẳn hoi, ông lão sốt sắng nhận lời. Thêm vào đó, ngoài mười chuỗi niệm Phật ăn tiền, ông còn hoan hỷ biếu không cho Hòa Thượng hai xâu nữa.

Giao kèo đã ký kết, ông cụ cứ đến chùa lãnh tiền hàng ngày. Về sau để khỏi mất thì giờ, cụ để dồn hàng tuần mới lãnh.

Bẵng đi một thời gian không thấy ông cụ đến lãnh tiền. Người con theo lời dạy của Hoà Thượng, cứ để cha già làm theo ý muốn. Ngoài ba bữa ăn ông cụ ngồi ngay ngắn trước điện Phật… mà làm mướn. Cho đến một hôm, thấy cha mình cơ đồ đã ngưng lần chuỗi, mắt khép nhẹ, hơi thở đều hoà, nhẹ nhàng. Người con liền đến báo tin Hòa Thượng hay.

Thiền sư Bạch Ẩn đến tận nơi quan sát. Thấy cụ già dáng ngồi có hơi nghiêng, do tuổi tác chất chồng, nhưng mặt mũi hồng hào. Gương mặt ông phảng phất một niềm bình thản khinh an.

Hòa Thượng nói khẽ với người con, nhẹ như một hơi gió thoảng:

- Cha con đã nhập định.

Thiền sư đã dạy thiền cho ông cụ bằng cách ấy.

Như Thủy

Dùng phương tiện để đạt cứu cánh.

Lạy Phật cầu chồng

Ðời Ðường, tại tỉnh Sơn Tây, xứ Bắc Kỳ, có một người con gái tên là Như Ý, lúc lên mười tuổi thì cha mẹ đã qua đời, nhờ có phú hộ họ Lương thấy nàng còn nhỏ mà đẹp đẽ, nên đem về nhà nuôi.

Bước qua mười lăm tuổi, thấy nàng đã biết lễ phép, nên vợ chồng Lương công lần lần dạy nàng các việc nữ công trong gia đình và mỗi ngày giao cho nàng đi chợ mua đồ ăn.

Nhưng nàng có tánh lạ đời: Một là háo thắng, muốn mình hơn cả mọi người và hai là cương quyết, một lòng một dạ chẳng chịu đổi thay.

Gần chợ ấy, có một cảnh chùa thờ Phật Quan Âm rất linh hiển, tuy không có thầy trú trì, nhưng thập phương thiện nam tín nữ đến dâng hương cầu nguyện rất đông. Hằng ngày khói hương nghi ngút, đèn đuốc sáng ngời, cho đến việc vái nắng cầu mưa cũng rất linh nghiệm.

Thường nhật, nàng Như Ý đi chợ mua đồ ăn cho chủ xong, cũng nhín ít tiền để mua một thẻ nhang, và lúc về thì ghé vào chùa để dâng hương, lạy Phật và van vái với Phật Quan Âm rằng: “Thân con nghèo hèn, côi cút, lâu nay đem thân mình làm thân trâu ngựa cho người sai khiến, để sống qua ngày. Nay con đã lớn khôn, ước mong được gặp một người chồng quyền cao chức trọng như kẻ đế vương, mới chịu gá duyên cầm sắc. Mãn sợ ông tơ không biết ý, cầm chỉ xe quàng; bà nguyệt chẳng dò lòng, đem dây bược bướng; nên con tìm đến đây lạy cầu Phật giúp vận xây thời, nếu thân con còn hạnh phúc về sau, hưởng đặng thú chồng con viên miễn, thì nhờ ơn trên chọn Hoàng gia định trước, cho làm người quốc hậu trang nghiêm; bằng hạnh không đáng kẻ mẫu nghi, thà con cam chịu mãn đời cô quả, một lòng thành kính, khóc lạy dưới thềm.

“Nam mô Ðại Từ Ðại bi, cứu khổ cứu nạn, linh cảm Quan Thế Âm Bồ Tát”.

Mỗi ngày nàng Như Ý đi chợ, thì làm sao cũng mua cho được hương hoa rồi về ghé chùa Quán Âm lễ Phật và cứ van vái có một lời như trên đó thôi.

Thật lòng thành, đá cũng phải rung

Huống chi linh địa đổi cùng phước nhơn

Tại xứ ấy, có tên Dương Văn Hoài mới mười tám tuổi, nhà nghèo mà lại mồ côi cha, chỉ còn một mẹ già được bảy mươi tư tuổi.

Chàng ở với mẹ thật chí hiếu, sanh nhai có một nghề làm nhang để bán mà độ nhựt.

Thường ngày, chàng gánh nhang đến chợ, bán mãn buổi rồi, mua gạo trắng cá ngon, đem về lo nấu cho mẹ ăn; còn mình thì dùng mắm rau sơ sịa cho qua ngày tháng mà thôi.

Nguyên mỗi ngày bán tại chợ, Dương Văn Hoài thường thấy nàng Như Ý đến mua nhang của chàng, thì rất lấy làm lạ mà tự nghĩ rằng: “Nàng này mỗi bữa mua nhang mà mua có một thẻ, chớ không mua nhiều, thì chắc thường cầu nguyện việc riêng chi đây! Vả lại ta xem ý nàng, thấy bề “công dung ngôn hạnh” trội hơn người khác, thật đáng cho ta sánh đôi, nhưng phải rình xem mục đích nàng cầu khẩn việc gì, mới liệu định được”.

Hôm sau, khi thấy nàng Như Ý đi chợ và mua nhang vừa xong thì Dương Văn Hoài mượn người ngồi bán thế cho mình, chàng nom đi theo phía sau, thấy nàng vào chùa Quán Âm, lấy thẻ nhang ra đốt vái và lạy, mà không hiểu vái về việc gì!

Ba bốn ngày sau, Dương Văn Hoài cũng mượn người bán nhang giùm, chàng theo rình nàng Như Ý nữa cũng thấy nàng vào chùa ấy khấn vái như vậy.

Một bữa nọ, muốn biết nàng cầu khẩn việc gì, chàng bèn đến chùa Quan Âm trước, ngồi núp sau bàn Phật mà chờ nàng Như Ý, đặng lóng tai nghe cho biết.

Một lát sau, thì nàng đi chợ về ghé chùa ấy, lấy nhang ra đốt và cũng vái lạy y như cũ, rồi trở ra về.

Còn Dương Văn Hoài núp sau bàn Phật nghe tỏ rõ mấy lời khẩn cầu của nàng, rồi cũng trở lại chợ bán nhang cho mãn buổi. Khi về đến nhà, thì chàng cũng lo cơm nước cho mẹ xong rồi ngồi một mình suy tính phương kế để cho nàng Như Ý cảm phục.

Qua ngày sau, chàng cũng đến chùa Quán Âm trước, ẩn núp mà chờ nàng Như Ý.

Khi nàng đến đốt hương cúng vái vừa xong, thì chàng đứng sau bàn Phật, lên tiếng nói rằng: “Này nàng kia! Ta thấy nàng có lòng thành bền bỉ, mỗi ngày đến cầu vái khẩn xin, nên ta thương tình mà cho nàng biết rằng, người mà ngày sau sẽ làm vua chúa, sáng mai đây lối tám giờ sáng, sẽ đi tới ngã ba đường, gần đám rừng phía Tây. Người ấy có gánh hai cái thùng bằng cây, mặc áo cụt đen, quần vải trắng, trai tráng mạnh khoẻ, mới được mười tám tuổi. Tuy ngày nay lam lũ, vì thời vận chưa thông, chớ sau khi cá nước gặp duyên rồng mây vừa hội, thì người ấy sẽ là một vị đế vương”.

Nàng Như Ý lắng nghe đầy đủ, bèn cúi lạy mà tỏ lòng vâng lời Phật dạy, rồi quay lưng trở về. Còn Dương Văn Hoài thấy vậy cười thầm, chắc mình đắc kế, nên rất thích chí.

Ngày sau, nàng Như Ý đi chợ về sớm, bèn thưa với chủ nhà xin phép cho nghỉ một buổi, để đi thăm chị em bạn.

Khi được phép rồi nàng thay đổi y phục, đi tới ngã ba đường gần đám rừng kia, quả nhiên thấy một người gánh hai cái thùng vuông bằng cây từ phía Tây đi tới. Xét xem gánh, người và áo quần, đều y như lời mách bảo tại chùa Quán Âm; nhưng tưởng ai đâu lạ, té ra anh bán nhang. Khi ấy hai đàng gặp nhau, vui mừng chào hỏi.

Dương Văn Hoài mở đầu:

- Nay sao cô không đi chợ, lại đến đây sớm, chắc có việc gì?

- Thiếp vâng lời Phật dạy đến đây chờ anh!

Chàng nghe nói mấy lời biết trúng kế rồi, bèn chúm chím cười mà hỏi rằng:

- Vậy cô có chuyện gì cần tôi, xin cho tôi biết?

Nàng liền mắc cỡ, cúi mặt làm thinh, không thốt được một tiếng.

Chàng tiếp:

- Tôi cũng có chuyện lạ lắm, cô ơi! Hồi hôm tôi nằm chiêm bao thấy Phật Quan Âm mách bảo cho tôi như vầy: “Sáng mai con đi tới đám rừng phía Tây, sẽ gặp một người con gái, nàng là lương duyên túc đế của con; con nên cùng nàng kết nghĩa Tần Tấn cho trọn niềm thuỷ chung. Nàng là Nữ tinh giáng thế, ngày sau sẽ làm Chánh hậu; còn con là Tử Vi lâm phàm, rồi đây sẽ mở mang nghiệp đế. Khi tỉnh giấc thì tôi nửa tin nửa nghi, chẳng ngờ lại là sự thật, nay quả gặp cô tại đây!

Nàng nghe chàng trình bày như thế, thì bỡ ngỡ đáp:

- Phật Quán Âm cũng dạy bảo thiếp như thế, nay đôi ta gặp nhau đây, anh tính liệu làm sao?

Chàng đáp:

- Hai ta cùng thấy y như nhau, ấy là quả có duyên lành, vậy nàng về nhà ở với mẹ tôi vài hôm, rồi tôi sẽ chọn ngày tốt, sắm đủ lễ vật để bái cáo Phật, trời, ông Tơ, bà Nguyệt, và ông bà hai phía, đặng cùng nhau động phòng hoa chúc.

Nàng nghe chàng nói chẳng biết tính liệu làm sao, cứ làm thinh đứng đó một hồi, nghĩ rằng đi chung với chàng thì sợ thiên hạ thấy.

Chàng biết ý, bèn tiếp:

- Không hề chi! Cái thùng này rộng lớn, để tôi dồn nhang qua bên thùng kia và dằn thêm đá cho nặng. Còn nàng thì vào ngồi trong thùng này và đậy nắp lại, rồi tôi gánh đi, không ai ngó thấy!

Dương Văn Hoài nói như vậy rồi làm y theo.

Ðương khi một đầu gánh thùng nhang, một đầu gánh nàng Như Ý chạy lóc thóc trong rừng mà về nhà, thình lình chàng thấy cờ xí đỏ lòm, tiếng hét rền trời, trống kèn dậy đất, tai nghe mắt thấy, hồn vía lên mây. Chàng quáng chẳng biết làm sao, bèn bỏ gánh giữa rừng mà chạy trốn mất.

Nguyên vua nhà Trần có một vị Ðông cung Thái tử được mười tám tuổi, kén vợ đã nhiều nơi mà Thái tử không ưng đâu hết.

Một ngày kia, Thái tử buồn ý, tâu với cha mẹ xin phép đi săn bắn để giải khuây.

Hoàng hậu nghe con xin như vậy, bèn tâu với vua:

- Ðông cung chưa từng ra khỏi kinh thành mà nay lại đòi vào rừng săn bắn, vậy bệ hạ nên truyền cho quan Khâm Thiên Giám chiếu một quẻ Dịch coi thế nào, như được quẻ tốt, thì sẽ cho đi; bằng nhằm quẻ xấu, thì cầm luôn trong cung hay hơn.

Vua nghe Hoàng Hậu tâu có lý, liền truyền chiếm quẻ Dịch tức thời.

Khâm Thiên Giám vâng mạng, đặt bàn hương án xủ quẻ vừa xong, bèn nói rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Ðông cung đi săn sẽ bắt được ác thú và đổi đặng lương nhơn; thật là Phật trời sắp xếp, định trước lứa đôi xứng đáng. Quẻ này tốt đúng bực nhứt.

Khâm Thiên Giám lại tâu tiếp:

- Quẻ này có thần ứng, nếu có sai lầm thì ngu thần xin dâng thủ cấp trước bệ hạ.

Lúc này vua hết nghi, bèn hạ chiếu cho quan Ðiện tiền Ðại tướng dẫn quân lính theo bảo hộ Thái tử đi săn.

Sáng bữa sau, tôi chúa kéo thẳng đến Tây Sơn lưới giăng ba mặt, mới đuổi sơ qua có một lần, thì lưới đã sập, hùm kia vào rọ, quân hầu đều nổi trống hiệu, chúa tôi tựu lại lấy dây xích trói chặt khóa kỹ, rồi khi mở lưới khiêng ra, ai nấy xem tường là một con cọp mun, có một hàng chữa trắng trên lưng “Hượt tróc mãnh hổ, địch đắc lương nhơn” (bắt sống cọp này, đổi đặng vợ hiền).

Thái tử thấy việc đó rất kỳ lạ, liền truyền quân nhổ lưới và khiêng cọp về triều cho kịp giờ.

Quân đương rầm rộ kéo đến khúc rừng kia, bỗng đâu thấy gánh thùng để giữa đường mà không thấy người.

Thái tử bèn truyền lệnh mở ra xem, thì thấy một thùng đựng đầy những nhang và đá; còn thùng kia thì có một người con gái ngồi ở trong. Ngài lấy làm lạ bèn bảo nàng ra cho Ngài hỏi thăm.

Nàng Như Ý ra khỏi thùng rồi đến gần quì lạy. Thái tử thấy nàng mặt hoa mày liễu, da tuyết môi son, cốt cách phương phi, hình dung yểu điệu thì đã đem dạ thương liền. Thái tử bèn hỏi:

- Nàng là người ở đâu, tên họ gì, bao nhiêu tuổi, cha mẹ làm nghề gì, có chồng con hay chưa, nói rõ cho ta biết?

Nàng Như Ý đem tên tuổi, xứ sở của mình và việc mồ côi ở mướn, đi chợ mua nhang, cúng vái tại chùa Quán Âm, lời Phật dạy bảo thế nào, và cớ sao lại ngồi trong thùng, từ đầu chí cuối, nàng thuật lại không sót một mảy.

Thái tử chưa kịp nói gì, liền thấy quan Ðại tướng quỳ xuống tâu rằng:

- Muôn tâu Ðiện hạ! Nàng nói những lời của Phật bảo trong chùa Quán Âm đó, thì chắc là thằng bán nhang lập kế mạo xưng. Tội ấy chẳng nói làm chi; chí như nó nói ngày sau nó sẽ làm vua, thì lời ấy là tội tiếm nghịch. Ngu thần tưởng nó còn trốn nội trong đám rừng này, cúi xin điện hạ truyền quân lục bắt nó mà trị tội.

Thái tử cười và nói rằng:

- Khanh hãy đứng dậy, đặng ta nói cho mà nghe! Ðã biết lời ấy là của thằng bán nhang giả Phật mà thốt ra; nhưng khi nó đã rình nghe lời vái của nàng, mà nếu không nói rằng nó sẽ làm vua, thì làm sao nó phục được lòng của nàng, nên nó phải quyền biến như vậy.

Và lại những điều khẩu khuyết vô bằng chẳng nên câu chấp làm gì!. Huống chi nó không làm cách đó, thì ngày nay ta đâu gặp đặng nàng; nên xét cho kỹ, nó tuy có tội mà cũng có công; nội công này cũng đủ trừ tội kia rồi.

Còn có một sự này rất lạ! Ta đã săn bắn được một con cọp mà trên lưng nó lại đề mấy chữ bảo ta đem nó đổi với một người vợ hiền lương. Nhưng người ấy đâu không thấy mà nay thấy nàng này, thì ta tính đổi con cọp đó, rồi đem nàng này về triều tâu với Phụ vương và Quốc mẫu, xin cho ta kết duyên Tần Tấn, vậy các khanh liệu sao?

Các quan đều tâu rằng:

- Ðiện hạ thiệt là lòng trời lượng biển, xét đoán công minh, triều thần hết dạ kính phục, vậy xin Ðiện hạ cứ y kế mà làm!

Sau đó, Thái tử truyền quân đem cọp bỏ vào thùng đậy nắp lại y như cũ; lại biểu đốn cây làm kiệu, đặng khiêng nàng Như Ý về trào.

Khi đến kinh thành, Thái tử truyền đem nàng vào Dịch đình an nghỉ và cấp hai người cung nữ theo nàng hầu hạ, đợi ngày vào triều phục chỉ.

Vua nhà Trần nghe con tâu chuyện nàng Như Ý mồ côi và ở mướn, thì không bằng lòng, nên xuống lời chỉ ý, dạy sáng mai dẫn nàng vào yết kiến, rồi sẽ định liệu.

Hôm sau, vua ngự trên ngai, hai bên văn võ triều bái tung hô vừa xong, kế Thái tử quỳ xuống tâu rằng:

- Muôn tâu lịnh Phụ vương! - Con đã vâng mạng đem nàng Như Ý vào, đương đứng ngoài ngọ môn mà chờ lệnh.

Vua nhớ lại chuyện ấy không vui, nên làm thinh một giây lát, rồi vị tình con mà phán rằng:

- Con dẫn nàng vào đây cho ta xem!

Thái tử vâng mạng ra đem nàng vào dưới bệ mà bái yết.

Lạ thay! Máy trời sắp đặt, dầu sang hèn cách mấy cũng vui mừng; tơ đỏ vấn vương, dẫu trái ngược bao nhiêu cũng xuôi thuận. Khi vua chưa thấy Như Ý thì đã đem dạ bất bình, nay xem thấy mặt nàng, lại liền phát động lòng thương, hỏi han vài lời rồi truyền đem nàng vào cung, đặng bái yết Hoàng hậu.

Vua lại truyền quan Khâm Thiên Giám chọn ngày tốt mà làm lễ thành hôn cho Thái tử, và thưởng người về sự chiếm quẻ lúc trước.

Cách ít năm sau, vua nhà Trần băng hà, Thái tử nói ngôi, bèn tôn nàng Như Ý làm Hoàng hậu, đổi thân hạ tiện thành bực chí tôn. Ðó cũng vì một dạ chí thành mà cảm động đến trời Phật.

Ðây nhắc lại Dương Văn Hoài chạy trốn trong rừng đến lúc quan quân đi hết, thì chàng mới dám ló ra, thấy gánh của mình còn y nguyên, rất vui mừng, cứ việc kê vai gánh thẳng về nhà.

Ðến trước cửa nhà, thì chàng để gánh xuống rồi hăm hở chạy vào thưa với mẹ rằng:

- Nay con đã kiếm được cho mẹ một con dâu hiền thục, đã đem về đây rồi, nên con thưa cho mẹ mừng.

Khi bà mẹ bảo đem con dâu vào cho bà xem, thì Dương Văn Hoài lật đật chạy ra mở gánh giở cái nắp thùng, bỗng nghe con hùm ở trong rống lên một tiếng như sấm và lăn ra khỏi thùng. Chàng thấy vậy hoảng hốt liền té bật ngửa xuống đất chết giấc; còn trong nhà bà mẹ nghe tiếng hùm rống cũng thất kinh, liền đóng cửa lại, thân hình run lập cập.

Một lát, Dương Văn Hoài tỉnh dậy, nhìn thấy con cọp bị trói bằng dây xích, nên trong lòng cũng bớt sợ, bèn tức giận chạy vào nhà xách cây búa lớn, quyết ra bửa đầu cọp mới lại gan.

Nhưng bà mẹ can:

- Con đừng nóng nảy, phải nói cho mẹ rõ tại sao cọp đã bị trói, lại ở trong gánh của con mà con không biết, để đến bây giờ mới hay?

Chàng đem việc giả Phật Quán Âm mà gạt gẫm nàng Như Ý, cho đến khi bỏ nàng vào thùng mà gánh, vừa gặp quan quân đi săng giữa rừng, nên phải bỏ gánh mà trốn, đầu đuôi tự sự chàng kể hết cho mẹ nghe.

Bà gục gặc đầu mà nói rằng:

- Phải rồi! Phải rồi! Tại con làm lếu, dám giả dối lời Phật truyền, mới khiến gặp quả báo, bọn đi săn đem cọp đã bắt được mà đổi người con gái đó.

Nay cọp này đang bị trói bằng dây xích, dẫu già yếu như mẹ đây, hay là đàn con nít đi nữa, đánh chết nó cũng được, huống chi là con. Vả lại người ta đang mắc nạn, mà mình nhẫn tâm sát hại, là người bất nhân; vậy con nên nghe lời mẹ, bẻ khóa mà thả nó ra, thì mẹ rất vui lòng.

Dương Văn Hoài là con chí hiếu, nên khi nghe mẹ giải thích như vậy không dám trái ý mẹ; chàng liền lấy kềm sắt ra mà nói với cọp rằng:

- Ðáng lẽ ta phải giết mi, nhưng vì mẹ ta can gián, nên ta tha mi. Vậy mi có tánh linh, thì nằm yên một chỗ đặng ta lấy cái thùng úp mi lại, ta sẽ bẻ khóa dây xích giùm cho mi; nhưng chừng nào ta bảo mi đứng dậy, mới được đứng dậy.

Quả nhiên con cọp vâng lời nằm yên thiêm thiếp chẳng dám cựa quậy. Chàng bèn lấy cái thùng úp trên mình cọp, để ló bốn cái chân có cột dây xích ra ngoài, rồi chàng lấy cái kềm sắt cố ráng sức bình sinh bẻ khóa gãy lìa.

Chàng liền chạy vào nhà đóng cửa lại, kêu cọp bảo dậy, cọp liền vùng vẫy một hồi, thì cái thùng đã văng ra xa và dây xích cũng xổ tháo ra, cọp vội vàng chạy vào rừng.

Vì Dương Văn Hoài biết nghe lời mẹ làm việc phóng sanh, và cọp nhờ chàng tha khỏi chết, nên từ đó về sau, mỗi tháng ba kỳ, cọp bắt một con thịt rừng lớn đem bỏ trước sân để chàng bán mà nuôi mẹ, để đền ơn cứu tử.

Thú cám ơn người, người biết ơn thú, càng nghĩ càng hay.

Trích Phật học Tạp chí Từ Bi Âm.

Non Phổ Ðà Quan Âm thường nhập định

Tùy cơ duyên ứng hiện khắp nơi nơi

Tìm tiếng kêu cứu khổ độ người đời

Quán Tự Tại đấng mẹ hiền muôn thuở.

Khang Hy tìm Phổ Hiền

Khang Hy hoàng đế đời nhà Thanh tự xưng là Lão Phật gia, đi khắp núi rừng lễ Phật để cầu lấy thuốc trường sinh bất lão. Người nghe nói Phổ Hiền Bồ Tát ở trên núi Nga My rất linh nghiệm, liền muốn tới núi Nga My để tìm Phổ Hiền cầu lấy phương thuốc tiên trường thọ.

Trong lòng Khanh Hy phát sinh điều nghi kỵ, sợ trên đường đi có kẻ ám hại mình, người liền cử ba trăm quân ngự lâm tinh nhanh khỏe mạnh để bảo giá, lại chọn tám người có mặt mũi hình dạng giống mình, cho ăn mặc hóa trang giống hệt mình, cùng lên núi, định làm trò “người mù vờ ngủ gật” để khó phân thật giả.

Trong chùa Phổ Hiền trên núi Nga My có một vị Hòa Thượng tên gọi là Chiếu Ngọc. Tối hôm đó, Chiếu Ngọc Hòa Thượng đang tọa thiền ở trong phòng Thiền, bỗng nhiên có một ông lão râu bạc từ ngoài cửa bước vào, Chiếu Ngọc liền hỏi:

- Xin hỏi lão cư sĩ đêm hôm khuya khoắt tới đây có điều gì dạy bảo?

Ông lão nói:

- Ta là Thổ Ðịa của bản sơn, ngày mai Khanh Hy hoàng đế của lão quan tới chùa ngài đây tìm Phổ Hiền. Ngài phải chuẩn bị nghing tiếp.

Nhà sư Chiếu Ngọc nói:

- Tôi không biết Khang Hy.

Thổ Ðịa nói:

- Việc này không khó. Ngày mai có chín người mặt mũi quần áo hình dạng tương tự như nhau lên núi. Tuy họ mặc long bào, đội miện vàng như nhau, nhưng trong đó chỉ một người trên mặt có nốt rỗ hoa, đó mới là Khanh Hy thật! -Nói xong, Thổ Ðịa liền biến mất.

Ngày hôm sau sư Chiếu Ngọc thức chờ, trời vừa sáng liền gọi tất cả các sư trong chùa dậy, lau chùi quét dọn rất sạch sẽ tất cả các tượng Phật, đài Thần, điện trên điện dưới, chùa ngoài chùa trong. Các nhà sư ai nấy đều khoác áo cà sa, tay gõ pháp khí, miệng niệm Nam mô A Di Ðà Phật, quỳ ở bên đường để nghênh hầu thánh giá. Chẳng bao lâu, đã nhìn thấy ở dưới chân núi có một đoàn người ngựa kéo đến; đi đầu là ngự lâm quân tay cầm đao, kiếm, súng, kích; sau quân ngự lâm là quan thái giám và các tên thị vệ vây xung quanh chín lọng vàng, dưới mỗi cái lọng vàng có một người mặc áo bào, đầu đội mũ “Khương Hy Hoàng Ðế” vàng tía, các cung nữ tả lôi hữu kéo chầm chậm bước vào trước cửa chùa. Chiếu Ngọc Hòa Thượng đưa mắt lén nhìn trộm, nhận đúng người trên mặt có nốt rỗ hoa, mấy bước vượt chạy qua, quỳ xuống nói:

- Phương trượng Chiếu Ngọc chùa Phổ Hiền núi Nga My cầu kiến kính chúc Ngô Hoàng vạn tuế! Vạn vạn tuế!

Khanh Hy vừa nghe đã giật mình kinh sợ, liền gọi tả hữu:

- Cho ta xuống! Bắt hắn cho ta!

Các thị vệ liền bắt Hòa Thượng trói lại, làm cho Chiếu Ngọc Hòa Thượng trương nhị Kim Cương không hiểu đầu đuôi ra sao nữa!

Khanh Hy quát dọng hỏi:

- Tên yêu tăng đáng chết! Cớ sao ngươi lại nhận ra ta? Lẽ nào ngươi là Phổ Hiền sống hay sao?

Lão Hòa Thượng sợ hãi tới mức mặt sanh mặt vàng, vội vàng lắp bắp trả lời:

- Bẩm vạn tuế! Ðó là Thổ Ðịa của bản núi tối hôm qua nói cho nhà sư biết rằng hôm nay thánh thượng sẽ tới chùa nhỏ này để tìm Phổ Hiền Bồ Tát.

Khang Hy nghe xong, chuyển giận thành vui. Trong lòng nghĩ chính trong dịp này nên hỏi thăm tung tích của Phổ Hiền. Tức thì vội hỏi:

- Phổ Hiền ở đâu? Hòa Thượng có biết không?

Chiếu Ngọc nói:

- Bồ Tát không thích sự rối ren ồn ào của thế tục, nên người đã tới chùa Chiêu Giác ở Thành Ðô rồi.

Khang Hy vừa nghe nói Phổ Hiền không ở trên núi, liền thất vọng, chùa cũng chẳng vào, quay mình xuống núi, vội tới chùa Chiêu Giác.

Khanh Hy sợ Phổ Hiền không muốn gặp mình, liền hóa trang thành một cư sĩ già: mặc một chiếc áo cánh màu xanh không dài không ngắn, đội một chiếc mũ chỏm dát đá mã não, thân mũ bằng đoạn xanh bước vào chùa Chiêu Giác. Lúc này Phổ Hiền đã biến thành một Hòa Thượng trong chùa bước ra. Khanh Hy bước lên khoanh tay thi lễ hỏi:

- Xin hỏi sư phụ, Phổ Hiền có sống ở đây không?

Hòa Thượng giơ tay, chỉ nói:

- Ở trong đại điện kia kià!

Khang Hy mừng lắm, bước vào trong đại điện. Trong đại điện không có một bóng người, đang định đi tìm người để hỏi, vừa hay vị Hòa Thượng kia lại bước vào. Khanh Hy vội hỏi:

- Trong đại điện này làm gì có Phổ Hiền sống?

Hòa Thượng chỉ Bồ Tát trên tọa thiền nói:

- Kia chẳng phải à?

- Ðó là tượng thần đắp đất, khắc gỗ đấy chứ?

Hòa Thượng nói:

- Không phải là Phổ Hiền sống, nhiều người kính vái ngài như vậy để làm gì?

Khang Hy bị nhà sư hỏi tắc miệng không nói được câu nào, cũng không dám tranh cãi, đành tự mình hối hận. Khang Hy từ đại điện bước ra, đi theo phía hậu điện. Phổ Hiền lại biến thành một lão cư sĩ từ hậu điện bước ra. Khanh Hy bước tới trước hỏi:

- Này lão cư sĩ! Các người ở đây có nhìn thấy Phổ Hiền sống không?

Lão cư sĩ chỉ vào hậu điện nói:

- Ðang chữa bệnh cho người ở hậu điện kia thôi!

Khanh Hy nghe thấy thế lòng càng sung sướng, cho rằng lần này nhất định sẽ được gặp Phổ Hiền sống. Vái chào cư sĩ xong, liền bước tới hậu điện. Ðến hậu điện nhìn: một vị lão Hòa Thượng cả râu lẫn tóc bạc phơ, đang chữa đùi cho một cư sĩ bị nhọt ác tính đã lâu. Khanh Hy ngắm nhìn lão Hòa Thượng hết bên trái sang bên phải, nửa tinh nửa ngờ hỏi:

- Thưa lão Sư phụ! Người chính là Phổ Hiền sống?

Vị Hòa Thượng đó đã già, mắt kèm nhèm, tai nghễnh ngãng, nhìn thấy có người nói với mình, liền ghé tai nghe một lúc, rồi buồn bã nói:

- Hừ! Ngài hỏi tôi sống được mấy năm nữa à? Tôi sắp đầy tám mươi rồi, làm sao lại có thể sống được mấy năm nữa!

Khanh Hy vừa nghe, thì ra đó là một nhà sư điếc, biết rằng mình tìm sai rồi.

Khanh Hy từ hậu điện bước ra, đi về hướng nhà bếp, Phổ Hiền lại biến thành một nhà sư nấu ăn, đang ngồi nấu cơm ở trước cửa lò lửa. Khanh Hy bước vào trong bếp, nhìn bên đông ngó bên tây.

Nhà sư hỏi:

- Thưa lão cư sĩ, người đến tìm ai?

Khanh Hy nói:

- Tôi tìm Phổ Hiền sống.

Vị Hòa Thượng kia nói:

- Tìm Phổ Hiền sống để làm gì?

Khang Hy nói đại:

- Ðể cầu lấy phương thuốc trường sinh, trị bệnh cứu đời!

Hòa Thượng nói:

- Tôi khuyên ngài không nên tìm người đó nữa. Phương thuốc của người ấy không linh nghiệm gì đâu!

Khang Hy vội hỏi:

- Tại sao không linh nghiệm?

Hòa Thượng nói:

- Ðầu năm nay bọn tham quan ô lại, khắp noi tìm kiếm cướp bóc, làm cho nhân dân không sao sống nổi, còn có ai cần đến phương thuốc trường sinh của ngài nữa? Tôi nghĩ chỉ có bọn quan lại đó mới cần đến. Thế nhưng bọn chúng uống thuốc trường sinh vào cũng không sống được lâu đâu.

Khang Hy mơ hồ hỏi:

- Vì sao?

Hòa Thượng nói:

- Bọn quan chức đó đã làm hết nhiều việc ác, người người đều chửi bới nguyền rủa. Nguyền rủa sẽ đưa chúng đến chỗ phải chết, còn sống được bao lâu nữa?

Khang Hy bị một trận chửi rủa cay độc, lại sợ để lộ chân tướng, liền thừa lúc lão Hòa Thượng mải bày cơm chay không chú ý, nên đã rủi trốn.

Sau khi Khang Hy đi khỏi, trong lòng Phổ Hiền rất áy náy: Tại sao Khang Hy lại biết mình đang ở chùa Chiêu Giác? Người lập tức trở lại núi Nga My tra hỏi, mới biết Thổ Ðịa ở trên núi đã tiết lộ ra. Trong lòng Phổ Hiền rất tức giận liền đuổi hết Thổ Ðịa ở núi này xuống không cho một tên nào ở trên núi nữa. Có một Thổ Ðịa trốn ở trên núi không muốn đi, bị Phổ Hiền tìm thấy, dùng tay phất vẫy một cái, liền lẳng Thổ Ðịa xuống một gò đất ở chân núi Nga My. Bởi không thể trở về núi Nga My được nữa, vị Thổ Ðịa ấy suốt ngày canh giữ miếng đất mà khóc. Nước mắt đã chảy thành hai dòng sông: một gọi là sông Long Trì, một gọi là sông Nhị Ðạo, còn mảnh đất đó người ta gọi là “Thổ Ðịa quan” - nhốt Thổ Ðịa.

Tích Truyện Bồ Tát Nhà Xuất Bản Văn Hóa.

Xin tạ ơn phố thị khách trần

Cho tôi thời khắc quán duyên thân

Cho tôi giác ngộ vô thường huyễn

Tâm giải thoát hồng…dưới nắng xuân.

Phật ở đâu?

Thưở xưa, có hai chàng đọc kinh, nghe nói về Phật thích lắm, nhất định đi tìm cho gặp Ngài mới nghe. Anh chàng khăn gói quả mướp ra đi. Sau khi trải qua không biết cơ man nào là núi sông, hầm hố, gian nguy hiểm trở… chàng vẫn chưa được gặp Phật giống như hình dáng trong kinh đã diễn tả:

“Thân Phật sắc vàng, cao một trượng sáu, đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp hào quang sáng chói”.

Hôm nọ tại một triền non, chàng trai tình cờ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ cốt cách siêu phàm. Mừng quá chàng khẩn khoản:

- Thưa cụ, cụ có biết Phật đang ngụ ở đâu không? Xin chỉ giùm con với:

Ông lão mỉm cười:

- Ồ, chỗ nào mà không có Phật? Trên quãng đường vừa qua chả lẽ con không gặp được Ngài?

- Thưa cụ, trên đường đi con đã từng gặp vô số người, nhưng đều là hạng người phàm phu tục tử cả… con chưa từng thấy người nào có được vài tướng tốt như trong kinh đã mô tả về Phật cả.

Ông cụ cười ha hả:

- Chú mày ngốc nghếch thật! Chú không biết rằng cái thân đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp đó, dân Ấn đã đốt thành tro và chia nhau xây tháp thờ cùng cả rồi ư?

- Thưa thế thì Phật chết rồi sao?

- Hiện giờ đức Phật đang phân thân ở khắp mọi nơi. Ngài cũng mang thân tồi và xấu như chúng sanh vậy. Con còn có muốn gặp Ngài nữa không?

- Thưa dù với bất cứ hình dung nào, nếu đích thực là Ngài thì con vẫn vô cùng khát ngưỡng.

- Vậy thì để ta mách nước cho con nhé… con hãy quay về… trên đường về nếu gặp được một người nào mang guốc trái ở chân phải, guốc phải ở chân trái thì chính người đó là một hóa thân của Phật. Hãy thừa sự và cúng dường vị Phật ấy như trong kinh đã dạy…

Chàng trai hối hả quay về, suốt quãng đường dài chàng trai không gặp đức Phật nào mang hình dáng như cụ già diễn tả. Chán nản chàng quay về nhà. Trời về khuya, bà mẹ còn chong đèn ngồi đợi con. Nghe tiếng gọi cửa bà mừng quá, tụt xuống phản quờ quạng tìm đôi guốc rồi chống gậy tất tả ra mở cửa. Chàng trai thấy mẹ tiều tụy, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo, mang lộn chiếc guốc trái qua chân mặt, guốc mặt sang chân trái. Chàng ôm lấy chầm lấy mẹ nghẹn ngào:

- Ôi! Ðức Phật yêu quý của con!

Như Thủy

Cha mẹ còn sống là Phật còn tại thế ở trong nhà.

Ðức Phật và Chiến Già

Một thời đức Phật và đồ chúng của Ngài an trú tại Kỳ Viên. Thấy nếp sống phạm hạnh của các thầy Tỳ kheo và đạo tâm kiên cố của Phật tử mỗi ngày mỗi thêm rực rỡ, bọn ẩn sĩ Bà La Môn sanh tâm đố kỵ, ghen tức. Chúng lập kế xây dựng một cơ sở gần Kỳ Viên, ngày đêm ra sức theo dõi các hoạt động của Phật và đồ chúng của Ngài. Nhưng tất cả đều vô ích, chúng không tìm đâu ra một kẽ hở tầm thường nhất để bôi nhọ Giáo Hội. Cuối cùng, một ẩn sĩ nói với đồng bọn hắn:

- Chúng ta đã từ lâu quan sát hành vi của các Sa môn này. Ðạo hạnh của họ không thể phủ nhận được. Tuy nhiên chúng ta phải xúi giục quần chúng chống lại họ, ta đã có cách. Ta quen biết Chiến Già (Sinca), một thiếu nữ hấp dẫn lắm. Nàng rất có tài thực hiện quỷ kế. Nàng sẽ không từ chối giúp ta, uy danh Thích Ca nay mai sẽ bị tan biến.

Bọn ẩn sĩ cho mời Chiến Già đến.

Nàng nói:

- Các thầy gọi con có việc chi?

- Con biết tên Sa Môn ở Ca Tỳ La Vệ chứ? Người mà quần chúng tôn thờ là Phật đó!

- Chưa biết, nhưng con nghe tiếng tăm của Ngài lừng lẫy lắm. Người ta bảo Ngài làm được vô số phép mầu huyền diệu.

- Chiến Già, hắn là kẻ thù cay nghiệt nhất của các thầy. Hắn hạ nhục các thầy, hắn muốn tiêu diệt quyền năng của các thầy. Cô nào hàng phục được người chinh phục, cô ấy sẽ được vô vàn hãnh diện, cô ấy sẽ được vang danh trong giới nữ nhi, cô ấy sẽ được cả thế giới lên tiếng ca ngợi.

Chiến Già bị lời lẽ đường mật của bọn ẩn sĩ lôi cuốn. Nàng tin chắc là mai đây đức Phật sẽ bị ô nhục, tên tuổi của Ngài sẽ bị nguyền rủa khắp mặt địa cầu.

Bấy giờ, ngày ngày nàng đến Kỳ Viên, mỗi khi thấy tín đồ nghe đức Thế Tôn thuyết pháp sắp ra về, nàng diện một bộ đồ màu hồng rực rỡ, hai tay ôm một bó hoa. Và nếu như có ai tình cờ hỏi nàng: Cô đi đâu đó? Nàng đáp: “Việc gì đến người mà người hỏi?”. Khi đến Kỳ Viên, nàng chờ tới lúc vắng vẻ, chỉ còn một mình nàng, rồi thay vì trú xứ của Phật, nàng lại thẳng đến nơi cư ngụ của bọn ẩn sĩ gian ác. Nàng ngủ đêm tại đó, nhưng tảng sáng là nàng quay lại cổng Kỳ Viên đến khi gặp mặt tín đồ dậy sớm đi lễ Phật cúng dường thì nàng mới đủng đỉnh quay về. Và có ai hỏi: “Cô đi đâu về sớm thế”. Nàng đáp: “Việc gì đến người mà người hỏi?”.

Cuối tháng, nàng đổi cách trả lời. Chiều đến, nàng nói: “Tôi đến Kỳ Viên nơi đức Thế Tôn đang chời tôi”. Sáng ra, nàng nói: “Tôi vừa từ Kỳ Viện về, nơi tôi đã ngủ đêm với đức Thế Tôn”. Thế là một số người khờ khạo, nhẹ dạ tin nàng, nghi ngờ đức Thế Tôn bất tịnh.

Sáu tháng sau, nàng lấy một khổ vải quấn quanh bụng. Người ta nghĩ: Nàng có thai, và bọn người nông cạn đần độn kia khăng khăng cho rằng đạo hạnh của đức Thế Tôn chỉ là sự giả vờ.

Chín tháng trôi qua, nàng nịt một trái banh gỗ ngay trước bụng, nàng đi đứng ra vẻ uể oải nặng nề. Cuối cùng, một hôm nọ nàng vào thẳng giảng đường đức Thế Tôn đang thuyết pháp. Nàng bạo dạn đối diện và cất tiếng sang sảng cắt ngang lời Ngài:

- Ngài thuyết giảng giáo pháp cho quần chúng lời lẽ ngọt ngào như đường mật. Còn em, mang thai với Ngài, sắp làm mẹ trong nay mai, thì không có đến một nơi nằm chỗ! Ngay cả dầu mỡ em cần Ngài cũng lờ luôn. Nếu Ngài sợ xấu hổ không lo cho em thì ít ra Ngài cũng có thể gởi em cho một đệ tử nào của Ngài chứ: quốc vương Ba Tư Nặc hay trưởng giả Cấp Cô Ðộc chẳng hạn. Nhưng không! Ngài chẳng đếm xỉa gì đến em, và cũng chẳng lo lắng gì cho đứa con sắp ra đời! Ngài chỉ biết vui hưởng ái tình mà cóc cần cưu mang trách nhiệm!

Ðức Thế Tôn thản nhiên hỏi:

- Này Chiến Già, người nói thật hay vu khống đó? Chỉ có ta và người biết thôi.

Chiến Già gào lên:

- Ngài biết rõ quá mà, em đâu có nói láo! 

Ðức Thế Tôn vẫn bình tĩnh, tiếp tục thuyết pháp. Chiến Già nổi điên khùng đứng phắt dậy định xông đến làm nhục đức Thế Tôn, nhưng vì thở mạnh, sợ dây nịt đứt ra, trái banh gỗ rơi đạch xuống đất. Thính chúng nhao nhao đứng dậy. Nàng hoảng hốt cắm đầu chạy, hay chân quýnh quáng va vào nhau nên phải té nhào. Các Phật tử Ưu Bà Di ùa đến định vạch mặt Chiến Già, nhưng hai Tỳ Kheo Ni nhanh nhẹn bước tới, nhẹ nhàng đỡ Chiến Già đứng dậy và dìu nàng vào phòng kế bên. Ðức Phật giơ tay ra hiệu thính chúng ngồi xuống. Ngài tiếp tục bài thuyết pháp với lời kết luận:

“Từ bi thắng sân hận

Hiền thiện thắng hung tàn

Bố thí thắng xan tham

Chân thật thắng hư ngụy.”

Trích cuộc đời Ðức Phật

Tịnh Minh Dịch

Bồ Tát bị mắng nhiếc lâu trăm ngàn kiếp chẳng sanh lòng giận dữ, hay khen ngợi trăm ngàn đời cũng chẳng sanh vui mừng. Ấy là vìliểu đạt lời nói người đời là lẽ sanh diệt của tiếng tăm như chiêm bao, như tiếng vang.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/07/2010(Xem: 10484)
Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, tất cả mọi hành động bằng thân, lời và ý đều xuất phát từ hai tiêu chuẩn đó nhằm đem lại lợi lạc cho mình và tha nhân. Đây là những đức tính rất cơ bản để phát triển về Giới-Định-Tuệ mà một người muốn thăng tiến về mặt tâm linh thì cần phải quan tâm và thực hiện một cách triệt để.
17/07/2010(Xem: 4747)
Đêm qua con nghe bài pháp “Vượt qua oan gia trái chủ”của thầy Thích Tâm Đại, cảm thấy bàng hoàng, sửng sốt, mồ hôi ướt lạnh. Hóa ra, trong quá khứ, con đã tạo vô lượng tội, gieo vô lượng oán thù, oan gia trái chủ.
25/06/2010(Xem: 5070)
Vì không biết sự vận hành nội tại nên hầu hết mọi người trên thế gian không ai nhận ra chính mình và cũng không đồng ý với chính mình. Có người nương vào thể chất như thân thể cao lớn, mạnh khỏe, sắc diện đẹp đẻ, sáng sủa thù thắng …và cho đó là ta. Có vị lấy tri thức như bằng cấp học vị là mình như tiến sĩ, bác sĩ hay kỹ sư v.v. Có vị lấy danh vọng chức tước như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng v.v.làm ta.
25/06/2010(Xem: 9609)
Cô Sue Dixon, một Phật tử người Úc, vướng phải căn bệnh hiểm nghèo, ung thư ngực, trong lúc dường như phải bó tay và hoàn toàn tuyệt vọng thì các Tăng sĩ Tây Tạng đã hướng dẫn phương pháp Thiền quán. Tuyệt vời thay, không lâu sau đó, cô bình phục và khỏe mạnh như xưa. Bài viết dưới đây, cô sẽ kể cho đọc giả biết quá trình loại bỏ bệnh ung thư như thế nào
02/06/2010(Xem: 3786)
Đó là ngày 26 Tháng 10 năm 1967. Tôi đang bay ngay trên bầu trời trung tâm Hà Nội đan chéo đầy hỏa tiễn trong phi vụ thứ 23 của mình, thì bị một hỏa tiễn Nga kích thước cỡ cột điện thoại bắn tung cánh phải chiếc Skyhawk ném bom tôi bay. Phi cơ bổ nhào từ cao độ khoảng 4,500 feet xuống đất, bị đảo ngược lại, gần như chúi thẳng đầu xuống đất. Tôi kéo cần bung dù thoát hiểm. Lực phóng làm tôi bị bất tỉnh vì tốc độ gió đâu khoảng 500 knot (chú thích người dịch: 926 km/giờ). Lúc đó tôi không nhận thức được, nhưng chân phải ngay quanh đầu gối và ba nơi trên cánh tay phải cùng cánh tay trái của tôi đã bị gãy. Tôi tỉnh lại ngay trước khi cánh dù của tôi rơi xuống một hồ nước ngay một góc của Hà Nội, một trong những hồ họ gọi là Hồ Tây. Mũ phi công và mặt nạ dưỡng khí của tôi đã bị thổi bay đâu mất. Tôi chạm mặt nước và bị chìm xuống đáy. Tôi nghĩ rằng hồ sâu khoảng 15 feet, cũng có thể 20. Tôi chòi chân phía dưới để nổi lên mặt nước. Lúc đó tôi không cảm thấy bất kỳ đau đớn nào. Tôi hít một
03/04/2010(Xem: 3965)
Đạo vốn vô ngôn; do ngôn mà hiển đạo, thế nên có mạn lục, có bảo huấn, có bút ngữ, có võ khố. Nay đây, có Hòa thượng Văn Thủ, tự Nhất Ty (1607 – 1648) người nước Nhật Bản, lúc đầu ở ẩn nơi Tây Cương thuộc đất Lạc Tây, về sau Ngài về núi Đan mai danh ẩn tích. Nhưng các hàng xuất gia khắp chốn hải hồ tìm đến bên Ngài kết am tranh tu học số đông không kể xiết. Rốt cuộc, danh Ngài thấu đến cửu trùng, vua thỉnh Ngài trụ trì hai chùa Pháp Thường và Linh Nguyên, ban hiệu là Định Huệ Minh Quang Phật ĐảnhQuốc Sư. Những khi nhàn rỗi, Ngài xem lại gương xưa góp nhặt những di ngôn, vãng hạnh của Phật Tổ và thêm vào đó lời phẩm bình biên tập lại thành bộ Truy Môn Bảo Tạng Tập (trong bản dịch nầy tạm lấy nhan đề là Kho Báu Nhà Thiền). Bộ sách nầy thật là cây đuốc huệ trong đường tăm tối, là thuốc hay cho người bệnh, chẳng những lợi cho người đương thời mà cũng là tiếp độ kẻ hậu côn, thật không có gì hơn vậy. Than ôi! Vào niên hiệu Bảo Vĩnh vì ảnh hưởng thời cuộc nên đâu có khắc bản và muốn lưu hàn
21/02/2010(Xem: 6090)
Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]