Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 11

19/10/201311:53(Xem: 8275)
Phần 11


Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 4
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 11


51/ Giữ ý như giữ thành
52/ Ðịnh nghiệp khó tránh
53/ Sự tích cây nêu ngày tết
54/ Một cách cho
55/ Công Ðức thọ Bát quan trai

Giữ ý như giữ thành

Khi Phật ở nước Xá Vệ, trong chúng Tỳ kheo tại tịnh xá Cấp Cô Ðộc có một vị Tôn giả tên là Soreyya, đã chứng quả A La Hán. Câu chuyện sau đây được truyền tụng về cuộc đời của vị Tôn giả trước khi đắc quả.

Trong lúc Tôn giả Soreyya còn ở tại gia ngài là con một vi phú hộ ở thị trấn Soreyya. Một hôm Soreyya cùng ngồi trên xe đi tắm với một người bạn thân của chàng có gia nhân đông đảo đi theo. Khi ra khỏi thành bỗng chàng thấy Tôn giả Ca Chiên Diên, đệ tử của Phật đang ôm bát đi vào khất thực. Tôn giả Ca Chiên Diên có một màu da sáng đẹp như vàng ròng, sắc diện uy nghiêm khả kính đến nỗi đoàn người đi tắm chú mục nhìn ngài không biết chán. Thanh niên Soreyya, là người hiếu sắc, thấy Tôn giả bèn nghĩ thầm trong bụng: “Ồ, ước gì vị Tôn giả ấy là vợ ta! Ước gì màu da cũng đẹp đẽ như vị Tôn giả ấy. Ngay khi tư tưởng ấy vừa khởi thanh niên Soreyya biến thành phụ nữ. Chàng vô cùng bối rối, vội nhảy ra khỏi xe lẩn vào đám đông trốn biệt. Phụ nữ Soreyya không dám về nhà, đi mãi đi mãi, theo đoàn người tiến ra thành phố cho đến khi gặp một đoàn xe đi về phía đô thị Tắc Ca, Nàng bạo dạn đến gần một xe xin quá giang đến thành Tắc Ca, trông thấy thiếu nữ Soreyya xinh đẹp họ bằng lòng ngay. Họ bảo nhau:

- Con trai của chủ chúng ta chưa có vợ, chúng ta hãy đưa nàng này về, thế nào cũng được trọng thưởng.

Quả nhiên, khi xe về đến thành Tắc Ca, phú ông Tắc Ca rất vui mừng được cô dâu xinh đẹp, làm lễ cưới ngay cho con trai mình. Thế là thanh niên Soreyya trở thành vợ của thanh niên Tắc Ca, con trai của phú ông ở đô thị Tắc Ca. Ðám cưới không bao lâu, nàng mang thai, sau mười tháng sinh ra một thằng con trai bụ bẫm. Ðứa con này vừa mới biết đi tập tễnh, nàng lại cho ra đời một thằng con khác. Soreyya trước là nam nhi ở thành Soreyya đã có vợ hai con, bây giờ biến thành phụ nữ lại sinh ra hai đứa con là bốn. Soreyya làm cha hai đứa và làm mẹ hai đứa vậy.

Một hôm thành Tắc Ca có hội chợ, tình cờ Soreyya trông thấy một thanh niên trong đám đông, và nhận ngay ra là người bạn rất thân đã cùng ngồi xe đi tắm với mình ngày trước, khi chưa biến thành phụ nữ. Bà Soreyya bảo gia nhân ấy đến mời thanh niên ấy về nhà mình. Thanh niên ngạc nhiên, nhưng được người đẹp mời cũng khoái, thấy không có gì hại thì liền theo gót gia nhân về nhà bà Soreyya. Ngồi vào ghế thanh niên mới đánh bạo lên tiếng:

- Thưa bà, có lẽ bà lầm chăng? Tôi chưa hề trông thấy bà từ trước đến nay, vì đây là lần đầu tiên đến thành phố này.

- Thưa ông tôi không lầm đâu, có phải ông là người thành Soreyya.

- Thưa bà chính vậy. Thế ra bà biết.

Soreyya bèn hỏi chàng thanh niên về sức khỏe của ông bà phú hộ cha mẹ mình và hỏi thăm tin tức vợ và hai con đang ở Soreyya. Thanh niên hỏi:

- Thưa bà họ đều khỏe mạnh, tại sao bà biết họ?

- Thưa ông, tôi biết lắm chớ. Thế còn người con trai của họ, thanh niên Soreyya ở đâu?

- Ồ, thưa bà đừng nhắc chuyện thương tâm ấy nữa. Bao nhiêu năm nay việc ấy đã thành một vết thương lòng cho những người thân. Số là chúng tôi cùng ngồi xe đi tắm, nhưng khi ra khỏi thành, không biết chàng biến mất tự bao giờ, người thì đoán chàng xuống tắm bị nước cuốn trôi người thì cho có lẽ bị cá nuốt. Tìm khắp nơi không thấy nên gia đình đã làm chay cho chàng.

- Thưa ông, chàng không chết đi đâu cả, chính tôi là Soreyya ngày trước.

- Thưa bà, bà nói cái gì thế? Soreyya là bạn rất thân của tôi, tôi biết rõ y là đàn ông.

- Thưa ông vậy mà tôi là Soreyya.

- Sao lại có chuyện kỳ quái như thế?

- Ông có nhớ lúc ta đi xe ra khỏi thành đã gặp một vị Tôn giả ôm bát vào thành hay không?

- Vâng, tôi nhớ có gặp vị Tôn giả Ca Chiên Diên ngày hôm ấy.

- Ðấy khi tôi trông thấy Tôn giả, tôi nghĩ mong Tôn giả là vợ mình có được làn da mịn đẹp như Tôn giả. Ngay sau khi tôi vừa có ý nghĩ đó, tôi liền hóa thành phụ nữ. Ồ, thưa ông tôi bối rối quá, không thể nói cùng ai tôi nhảy đại ra khỏi xe chạy trốn, và đến thành phố này.

- Ồ bạn ơi, bạn đã làm một việc quá điên rồ. Sao bạn không bảo tôi. Thế bạn có sám hối cùng vị Tôn giả ấy không?

- Không bạn ạ, tôi chưa từng sám hối Ngài. Nhưng bạn có biết hiện giờ Ngài ở đâu không?

- Ngài ở quanh quẩn gần thành phố này.

- Ước chi Ngài đến đây, tôi sẽ cúng dường thực phẩm cho Ngài.

- Tốt lắm, vậy bạn hãy sửa soạn, ngày mai tôi sẽ thỉnh Ngài đến đây để bạn sám hối cùng Ngài.

Rồi người bạn của Soreyya vốn là một người Phật tử thuần thành đi đến chỗ Tôn giả Ca Chiên Diên ở, để thỉnh Ngài về nhà cư sĩ thọ trai.

Tôn giả hỏi:

- Này thanh niên con đâu có nhà ở đây? Không phải con là du khách ở thành phố này sao?

- Bạch Tôn giả việc ấy không quan hệ, xin Tôn giả nhận lời cho ngày mai được cúng dường Tôn giả tại nhà.

Tôn giả im lặng nhận lời. Ðến giờ thọ thực hôm sau, Ngài cùng thanh niên đến nhà Soreyya. Sau khi bà Soreyya bày biện các thức ăn thượng vị lên cúng dường, thanh niên bảo bà Soreyya quỳ xuống dưới chân Tôn giả và thay lời nàng tác bạch:

- Bạch Tôn giả, xin Tôn giả tha thứ cho bạn con.

Tôn giả chẳng hiểu ất giáp gì trước sự tình ấy bèn hỏi:

- Có chuyện gì thế?

- Bạch Tôn giả, người đàn bà này trước kia là đàn ông và là bạn rất thân của con. Một hôm y nhìn Tôn giả và có ý nghĩ quấy, nên bị biến thành đàn bà tức khắc, xin Tôn giả hãy tha thứ cho y.

- Ðược ta tha thứ cho ngươi. Hãy đứng lên.

Vừa khi Tôn giả thốt ra những lời ấy Soreyya đứng lên và trở lại thân hình nam nhi như trước. Con trai Tắc Ca, chồng của Soreyya, thấy vợ mình mới đó đã hóa thành đàn ông liền bảo:

- Này bạn ơi, vì bạn đã là mẹ của hai đứa con, tôi là cha của chúng thì quả thật chúng là con chung của chúng ta. Bạn hãy ở lại đây với tôi đừng có đi đâu, chúng ta hãy đem tình cầm sắc đổi ra cầm kỳ (vợ chồng đổi thành bè bạn).

Soreyya nói:

- Hỡi bạn, tôi đã hai lần hóa thân ngay trong một đời người. Ban đầu làm đàn ông, sau biến thành đàn bà và bây giờ hóa thành đàn ông trở lại. Ban đầu tôi làm cha hai đứa bé, sau lại làm mẹ hai đứa khác. Tôi còn sống ở đời làm gì nữa! Tôi muốn xuất gia. Bây giờ bạn hãy săn sóc hai đứa bé này.

Nói xong, Soreyya hôn hai đứa bé, từ giã chúng rồi xin theo Tôn giả Ca Chiên Diên. Tôn giả nhận chàng về trong Tăng đoàn. Sau khi truyền giới cụ túc cho Soreyya Ngài đưa Soreyya Tỳ kheo về tịnh xá Cấp Cô Ðộc nước Xá Vệ.

Câu chuyện đời tư về Soreyya truyền đi rất nhanh khắp thành Xá Vệ. Dân chúng tò mò đến tận nơi để biết rõ thật hư. Suốt ngày Tỳ kheo Soreyya phải bận rộn về những người này. Câu hỏi bất di dịch là:

- Bạch Ðại Ðức, có phải tin đồn Ngài hóa thân hai lần là đúng không?

- Ðúng.

- Bạch Ðại Ðức, Ngài đã từng làm cha hai đứa trẻ và làm mẹ hai đứa khác, Ngài thương cặp nào hơn.

- Tôi thương cặp con do tôi làm mẹ nhiều hơn.

Cuộc phỏng vấn cứ tái diễn như vậy không biết lúc nào ngưng làm cho Tỳ kheo Soreyya không rảnh phút nào để tham thiền nhập định. Do đó, Ðại Ðức quyết định rút vào rừng sâu, độc cư thiền định. Sau một thời gian ngắn, nhờ nỗ lực tu tập, Ðại Ðức chứng quả A La Hán và trở lại nếp sống bình thường trong Tăng đoàn ở tu viện.

Những người đến thăm lại được dịp phỏng vấn Tôn giả trở lại:

- Bạch Tôn giả, tin đồn rằng Ngài đã làm cha hai đứa trẻ và làm mẹ hai đứa khác, có đúng không?

- Ðúng.

- Ngài thương cặp con nào hơn?

- Không thương cặp nào cả.

Các Tỳ kheo nghe Tôn giả trả lời như vậy, liền đến bạch Phật.

- Bạch Thế Tôn, Tỳ kheo Soreyya phạm tội nói dối. Trước kia vị ấy thường bảo: “Tôi thương hai đứa do tôi làm mẹ hơn là hai đứa do tôi làm cha”. Thế mà bây giờ khi người ta hỏi, vị ấy đáp là không thương đứa nào. Bạch Thế Tôn, như vậy là nói dối.

- Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo Soreyya không nói dối đâu. Trước kia ông ấy chưa chứng quả, bây giờ ông ấy đã chứng quả và biết rõ rằng: “Chẳng phải cha hay mẹ, mà chính là cái tâm khéo điều phục mới đem lại lợi ích cho chúng sanh”.

Câu nói ấy trở thành pháp cú thứ 46 được lưu truyền.

THÍCH NỮ TRÍ HẢI

“Việc qua rồi chẳng nhớ

Việc chưa đến chẳng lo

Hiện tại đừng đem lòng vọng tưởng”.

Ðịnh nghiệp khó tránh

Thuở Phật tại thế, có một vị Tỳ kheo số phận xui xẻo mặc dầu thầy tu hành rất tinh tấn, giới hạnh trang nghiêm mà không bao giờ được no đủ. Số “con rệp” ấy đeo đuổi thầy mãi cho tới khi mãn phần, sau khi đã đắc quả A La Hán. Ðến ngày lâm chung, nhờ thần lực của Tôn giả Xá Lợi Phất, vị Tôn sư của thầy, thầy mới ăn được một bữa no lòng trước khi lìa đời.

Thầy xui xẻo từ khi còn trong bụng mẹ. Chẳng những riêng thầy xui xẻo, mà thầy còn mang sự bất hạnh đến cho tập thể trong đó có hiện diện của mình. Thầy là con của một gia đình đánh cá ở một làng ven biển có 1000 hộ khẩu. Từ khi nhập thai mẹ, cả làng đi biển không đánh được một con cá nào suốt cả tháng, mọi người phải ăn rong biển cho đỡ đói lòng. Họ bắt đầu nghi ngờ có một gia đình hắc ám trong làng đã đem đến tai họa cho tất cả. Do đó họ cố tìm cho kỳ được cái gia đình xui xẻo ấy để loại ra khỏi tập thể. Phương pháp họ làm là họ chia hai số hộ khẩu trong làng thành hai nhóm, mỗi nhóm 500 gia đình để làm ăn riêng, sinh hoạt riêng. Kết quả là một nhóm bắt đầu khá giả trở lại, một tiếp tục xui xẻo. Nhóm này lại chia hai để biết cái gia đình xui xẻo ấy nằm ở đâu. Khi chia thành hai nhóm nhỏ thì cũng như trước, 250 gia đình bắt đầu khá giả, còn 250 gia đình vẫn còn xui. Lại chia hai lần lượt như vậy để biết gia đình xui xẻo nằm ở đâu, thì cuối cùng họ khám phá ra gia đình của vị Tỳ kheo nọ. Cả gia đình thầy bị loại ra khỏi làng, đi lang thang như những người du mục. Bà mẹ khám phá ra từ ngày mang thai thầy, tai họa mới đến cho cả một làng và cho gia đình, nên muốn thầy chết đi. Tuy nhiên, một người chỉ còn một đời cuối cùng này là giải thoát (chứng quả A La Hán, không còn trở lại cõi đời) thì không ai có thể giết chết được trừ khi chính nghiệp lực của người ấy. Do vậy, cuối cùng mẹ thầy cũng sinh ra thầy và nuôi cho đến biết đi ăn xin. Trong thời gian bà nuôi đứa con mang sự xui xẻo ấy, bà rất vất vả và khốn đốn trong việc kiếm ăn. Cho đến một ngày không chịu đựng được nữa, sau khi đẩy thầy vào xin ăn tại một nhà nọ, bà mẹ tẩu thoát.

Ðứa trẻ - vị A La Hán tương lai nọ ngơ ngác khi bước ra không trông thấy mẹ, cũng không có cái gì ăn, bèn đi lang thang đầu đường xó chợ lượm những mẩu bánh người ta vứt bên đường để ăn cho đỡ đói. Trong “cuộc lử” đó đứa trẻ tình cờ gặp Tôn giả Xá Lợi Phất. Ðộng lòng thương, Ngài hỏi:

- Con cái nhà ai? Sao gầy sọp thế?

- Bạch Tôn giả, con là một đứa con mang lại sự xui xẻo cho mọi người, nên không ai chịu nuôi con, con phải ốm đói.

- Con có muốn xuất gia trở thành một tu sĩ không?

- Bạch Tôn giả con muốn lắm chứ, nhưng ai chịu chứa chấp con?

- Lại đây, ta sẽ độ cho con.

Ðứa trẻ vui mừng đi theo Tôn giả. Tôn giả Xá Lợi Phất dắt về vườn Cấp Cô Ðộc, tắm rửa sạch sẽ, cho ăn cơm và thế phát quy y cho cậu bé làm Sa môn đuổi quạ[1]Lớn lên đến tuổi thành niên, Tôn giả cho thầy thọ giới cụ túc thành một vị Tỳ kheo.

Số phần xui xẻo vẫn theo mãi vị Tỳ kheo suốt cả đời. Mỗi khi đi khất thực, người ta vừa để vào bát thầy một muỗng cơm thì thấy bát đã đầy tràn, làm cho không ai có thể bỏ gì thêm vào nữa. Khi thầy về đến chùa, thì trong bát chỉ có độc một muỗng cơm để cầm hơi cho thầy khỏi chết đói. Cứ như vậy cho đến ngày mạng chung đã chứng quả A La Hán, thầy cũng chưa bao giờ được một bữa no lòng.

Biết thầy sắp mãn phần ở dương gian, Tôn giả Xá Lợi Phất động lòng thương xót nghĩ: “Losaka” (tên của thầy Tỳ kheo xui xẻo) hôm nay sẽ mạng chung. Ta sẽ làm đủ mọi cách giúp cho vị ấy ăn một bữa cho no trước khi chết.

Với ý định ấy, Tôn giả dẫn vị Tỳ kheo đi vào làng khất thực. Nhưng vì có Losaka, Tôn giả không xin được món gì, Ngài đành phải bảo vị ấy trở về, và đi một mình để xin ăn. Sau khi khất thực đầy bát, Tôn giả đem về cho vị Tỳ kheo Ngài đứng ôm bát trước mặt đệ tử bảo:

- Con hãy ăn đi.

Vị Tỳ kheo ngần ngại không dám ăn trước mặt Tôn sư, và nhất là để Ngài cầm bát, mặc dù thầy rất đói. Tôn giả giục:

- Con đừng ngại, ta phải đứng cầm bát để chờ con dùng bữa cho xong mới được. Vì nếu không có ta ôm bát, tất cả thức ăn này biến mất, và con sẽ tiếp tục đói.

Vị Tỳ kheo vâng lời thọ thực. Nhờ thần lực của Tôn giả Xá Lợi Phất vị ấy ăn được một bữa no lòng trước khi xả báo thân chót của một vị A La Hán.

Sau khi thầy Tỳ kheo xui xẻo quá vãng, các Tỳ kheo khác nhóm họp tại diệu pháp đường trong vườn Cấp Cô Ðộc hỏi Ðức Thế Tôn nguyên nhân vì sao một đời giới hạnh thanh tịnh, tu hành tinh tấn, vị Tỳ kheo bạc phước kia vẫn phải gánh chịu sự rủi ro suốt đời như vậy. Phật dạy:

- Này các Tỳ kheo, những hành động của chính vị ấy trong tiền kiếp là nguyên nhân sự xui xẻo hiện tại của y. Trong tiền kiếp y cũng là một vị Tỳ kheo, do lòng ganh tỵ, y đã cản trở cư sĩ cúng dường một vị Tỳ kheo khác trong khi vị này đã chứng quả A La Hán. Vì ác nghiệp ấy cho nên dù có tu hành thanh tịnh, y cũng phải thọ quả báo thiếu thốn, xui xẻo trong nhiều đời kiếp cho đến khi chứng quả.

THÍCH NỮ TRÍ HẢI

“Luật nhân quả không kiếp sau hay kiếp trước, giữa kiếp này vay lại trả rồi vay. Vay oán nhiều nên nợ đời thêm nặng, biết nhắn gởi cùng ai mau tỉnh giấc mê say”.

Sự tích cây nêu ngày tết

Ngày ấy không biết từ bao giờ và cũng không biết bằng cách gì, Quỷ chiếm đoạt tất cả đất nước. Người chỉ ăn nhờ ở đậu và làm rẽ đất của Quỷ. Quỷ đối với Người ngày càng quá tay. Chúng nó dần dần tăng số phải nộp lên gấp đôi và mỗi năm mỗi nhích lên một ít. Cuối cùng chúng nó bắt Người phải nộp theo một thể lệ đặc biệt do chúng nó nghĩ ra là “Ăn ngọn cho gốc” Người không chịu, chúng nó lấy áp lực, bắt Người phải theo. Vì thế, năm ấy sau vụ gặt, Người chỉ còn trơ ra những rạ là rạ. Cảnh tượng da bọc xương thê thảm diễn ra khắp mọi nơi. Bên cạnh bọn Quỷ reo cười đắc ý. Người cơ hồ muốn chết tuyệt.

Phật từ phương Tây lại, có ý định giúp Người chống lại sự bóc lột tàn nhẫn của Quỷ. Sau mùa đó, Phật bảo Người đừng trồng lúa mà cào đất thành luống trồng khoai lang. Người cứ y lời làm đúng lời Phật dặn. Quỷ không ngờ Người đã bắt đầu có mưu kế mới chống lại mình nên cứ nêu đúng trong thể lệ như trước “Ăn ngọn cho gốc”. Mùa thu hoạch ấy, Quỷ rất hậm hực nhìn thấy gánh khoai núc nỉu chạy về nhà Người đổ thành từng đống lù lù, còn nhà mình chỉ toàn những dây và lá khoai là những thứ không nhai nổi, thể lệ đã qui định, chúng nó đành cứng họng không thể chối cãi vào đâu được.

Sang mùa khác, Quỷ thay thể lệ mới là “Ăn gốc cho ngọn”. Phật bảo Người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại hỏng ăn. Những hạt lúa vàng theo Người về nhà, còn rạ phó mặc cho bọn Quỷ. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên bố : “Ăn cả gốc lẫn ngọn”. Lần này Quỷ nghĩ : -“Cho chúng mày muốn trồng gì thì trồng, đằng nào cũng không lọt khỏi tay chúng tao”. Nhưng Phật đã bàn với Người thay đổi giống mới, Phật trao cho Người hạt giống cây ngô để gieo khắp nơi mọi chỗ.

Năm ấy lại một lần nữa Người sung sướng trông thấy công lao của mình không uổng. Trong nhà Người thóc ăn chưa hết thì từng gánh ngô đã tiến về chứa từng cót đầy ăm ắp. Về phần Quỷ lại bị một vố cay chua tức uất hàng mấy ngày liền. Cuối cùng Quỷ nhất định bắt Người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa. Trong bụng chúng nó nghĩ: -“Thà không được cái gì cả còn hơn là để cho chúng nó ăn một mình”.

Phật bảo Người điều đình với Quỷ cho tậu một miếng đất vừa bằng bóng một chiếc áo cà sa. Nghĩa là Người sẽ trồng một cây tre trên có mắc chiếc áo cà sa, hễ bóng che bao nhiêu diện tích ở mặt đất là đất sở hữu của Người ở đó. Ban đầu Quỷ không thuận, nhưng sau chúng nó suy tính thấy đất tậu thì ít mà giá rất hời bèn nhận lời: “Ồ! Bằng một chiếc áo cà sa có là bao nhiêu”. Chúng nó nghĩ thế, hai bên làm tờ giao ước: ngoài bóng che đất là của Quỷ, trong bóng che là của Người.

Khi Người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn tung áo cà sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút mãi lên, đến tận trời. Tự nhiên trời đất trở nên âm u: bóng của áo cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất. Bọn Quỷ không ngờ có sự phi thường như thế, mỗi lần bóng áo lấn dần vào đất chúng, chúng phải dắt nhau lùi mãi. Cuối cùng Quỷ không có đất ở nữa phải chạy ra biển Ðông. Vì thế người ta mới gọi là Quỷ Ðông.

Tiếc vì đất đai hoa màu đều thuộc về tay Người, Quỷ rất hậm hực, cố chiêu tập binh mã vào cướp lại. Lần này Người phải chiến đấu với Quỷ rất gay go vì quân đội của Quỷ có đủ một bầy ác thú như voi, ngựa, chó, ngao, bạch xà, hắc hổ v..v... rất hung dữ. Phật cầm gậy tầm xích đánh giúp Người làm cho quân của Quỷ không tiến lên được.

Sau mấy trận bất lợi, Quỷ bèn cho quân đi dò xem Phật sợ gì, Phật cho chúng biết là sợ hoa quả, oản chuối và cơm nắm, trứng luộc. Ðối với Phật cũng dò hỏi và biết quân của Quỷ chỉ sợ độc có mấy thứ : máu chó, lá dứa, tỏi và vôi bột.

Lần giáp chiến sau đó, quân của Quỷ đem không biết cơ man nào là hoa quả đến ném Phật, Phật bảo Người nhặt làm lương ăn rồi đem máu chó vấy khắp mọi nơi. Quân của Quỷ thấy máu chó sợ hoảng hồn bỏ chạy.

Lần thứ hai, quân của Quỷ lại đem oản chuối vào ném quân Phật. Phật bảo Người nhặt làm lương ăn giã tỏi phun vào quân địch. Quân của Quỷ không chịu được mùi tỏi nên cũng cắm đầu chạy biệt tích.

Lần thứ ba, quân của Quỷ lại đem cơm nắm, trứng luộc vào ném quân Phật. Người tha hồ ăn và theo lời Phật dùng vôi bột vung vào Quỷ. Người lại lấy lá dứa quất vào chúng. Quỷ chạy không kịp, lại bị Phật bắt đầy ra biển Ðông. Ngày Quỷ già, Quỷ trẻ, Quỷ đực, Quỷ cái cuốn gói ra đi, bộ dạng của chúng vô cùng thiểu não. Chúng rập đầu xuống đất cố xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền thăm phần mộ của tổ tiên cha ông ngày trước, Phật thấy chúng khóc vang cả lên mới thương hại, hứa cho.

Vì thế, hàng năm cứ đến ngày Tết nguyên đán là ngày Quỷ vào thăm đất liền, thì người ta theo tục cũ, trồng nêu để cho Quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở. Trên nêu có bánh đất mỗi khi gió rung thì tiếng động phát ra để luôn luôn nhắc nhở bọn Quỷ nghe mà tránh. Cũng trên đó có buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hài để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Ðông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm cửa Quỷ. Có câu tục ngữ :

Cành đa lá dứa treo kiêu (cao)

Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà

Qủy vào thì Quỷ lại ra

Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm.

Ngày xưa người ta còn tin rằng những lúc cần đuổi Quỷ như khi có dịch tễ chẳng hạn, thì treo một nắm lá dứa ở trước ngõ hay vẩy máu chó khắp mọi nơi cho Quỷ khỏi quấy. Ðàn bà thường buộc tỏi vào dải yếm là cũng có một mục đích gần như vậy.

NGUYỄN ÐỔNG CHI

Truyện cổ Việt Nam tập II

“Việt Nam là suối

Phật giáo là ngưồn

Nguồn làm suối đẹp, nước tuôn hoài hoài.

Từ nguồn ra đến biển khơi

Việt Nam, Phật giáo đời đời bên nhau !”

Một cách cho

Tại thành Xá Vệ, nơi có Tịnh xá Kỳ Hoàn nổi tiếng với Ðức Thế Tôn và chúng Tỳ Kheo Tăng thường trú ngụ.

Ngày ngày ánh thái dương chiếu trên những tấm cà sa vàng rực của các vị Tỳ kheo Tăng đi khất thực khắp các nẻo đường, tạo nên cảnh tượng hiền hòa tươi mát đến mọi thôn xóm, mọi gia đình, như đám mưa lành rưới khắp cỏ cây.

Tuy vậy, rải rác cũng có những gia đình thiếu thiện duyên, phước báo, nên hạt mưa pháp chưa thấm đến được, chẳng hạn, gia đình một phú hộ ở cuối thành. Ông chủ nhà này thừa hưởng một gia tài giàu có của tổ tiên để lại, đồng thời cũng thừa hưởng luôn cả cái tánh keo kiệt, hung dữ di truyền. Ông và vợ con ông đã quen nếp sống đó, nên tưởng là đương nhiên chẳng có gì trái đạo. Vì vậy, không ai dám khuyên hóa hay bày vẽ điều hay lẽ phải gì được nếu có thì ông cũng gạt phăng đi hết. Trong nhà ít khi đầm ấm, chồng không cãi với vợ, thì cha cũng gây gỗ, mắng nhiếc con. Những câu nói thô tục, trái tai thường xuyên thốt ra, vì vậy mà bà con xóm giềng đã tránh xa không ai thèm đặt bước tới nhà, ngoại trừ mấy người bạn bè cùng tính nết và mấy thầy Tỳ kheo đi khất thực. Theo phép bình đẳng thứ lớp khất thực, thầy Tỳ kheo không lựa chọn nhà sang hèn giàu nghèo. Trên bước đường đi cứ hết nhà này đến nhà khác. Tới trước nhà nào cũng đứng lại năm ba phút im lặng chúc phúc cho nhà đó, rồi lui gót đi sang nhà khác, dù nhận được gì hay không cũng vậy. Khi đến trước nhà ông phú hộ, thầy Tỳ kheo cũng dừng lại ít phút, nhưng thay vì nhận được phẩm vật cúng dường như các nhà kia, thì ở đây các Thầy chỉ nhận toàn những lời nguyền rủa, xua đuổi.

Ngày nào cũng như ngày nào, hễ thấy bóng mấy thầy Tỳ kheo dừng bước trước nhà, thì vợ chồng ra mắng nhiếc xua đuổi.

Thấy vậy, có thầy Tỳ kheo đề nghị chớ đến khất thực nơi nhà ấy nữa. Nhưng thầy khác lại khuyên nên thực hành lời Phật dạy, thầy dẫn ra một đoạn kinh cho các Tỳ kheo nghe về hạnh khất thực: “Nầy các Tỳ kheo, đây là nghề sinh sống hèn hạ nhất, tức là nghề khất thực. Như lời nguyền rủa trong đời, khi người đời nói: “Các ngươi, kẻ khất thực với bình bát trên tay, các ngươi đi chỗ này đến chỗ kia”. Nhưng đây là nghề sinh sống mà các thiện gia nam tử chấp nhận, những vị sống vì lý tưởng mục đích, duyên với lý tưởng mục đích, không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, cũng không phải vì không có nguồn sinh sống như với ý nghĩ: Ta bị chìm đắm trong sanh già chết sầu bi khổ ưu não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị đoanh vây bởi đau khổ, nên ta tìm con đường tu hành giải thoát và hóa độ chúng sanh.

Thế là các Tỳ kheo vẫn tiếp tục đi khất thực không bỏ qua nhà đó.

Một hôm, thầy Tỳ kheo vừa đến cửa, thì bà phú hộ cũng vừa đi ra, bà vụt miệng nói một câu nhẹ nhàng hơn bao nhiêu lần trước:

- “Thưa ông, ông hãy đi nơi khác để xin, ở đây tôi không sẵn lòng cho ông đâu, xin đừng đứng lâu mất thì giờ của ông đó”.

Nhưng thầy Tỳ kheo vẫn thản nhiên đứng đủ vài phút rồi tiếp tục đi. Giữa đường chợt gặp ông phú hộ đi ngược chiều trở về nhà. Thấy thầy Tỳ kheo quá quen thuộc ngày nào cũng vào xin nơi nhà mình, ông chận lại hỏi:

- Này, ông mới vào xin nhà tôi ra phải không?

Thầy Tỳ kheo trả lời:

- Phải!

- Có cho chi không?

- Có cho.

Vừa nghe hai tiếng “có cho” ông nổi cơn lôi đình chạy tốc về nhà hỏi vợ:

- Bà kia, ai bảo bà mang đồ cho Sa môn?

Bà vợ nghe chồng hạch sách đột ngột lấy làm dửng dưng:

- Ai nói ông đấy?

- Ông Sa môn hồi nãy chứ ai!

- Ồ, tôi nào có cho ông ấy thứ chi đâu!

- Không cho sao ông ấy nói có cho?

- Nếu không tin ông chạy theo mà tra soát.

Ông phú hộ lại đuổi theo vị Tỳ kheo đang đi trong dáng khoan thai đếm từng bước, đến nơi ông chẳng nói chẳng rằng liền giựt lấy bình bát thầy Tỳ kheo ra xem, nhưng chẳng thấy chi cả, ông liền ném bình bát xuống đất và mắng:

- Tu hành mà nói dối! Ai cho gì đâu mà nói có cho?

Thầy Tỳ kheo ôn tồn đáp:

- “Ông hãy bình tĩnh, tôi sẽ nói ông nghe: bao nhiêu lần đến khất thực nhà ông chúng tôi đều được nhận toàn những lời nguyền rủa thô tục, nhưng sáng nay tôi vừa đến trước ngõ thì bà chủ nhà đã cho tôi một câu nói nhẹ nhàng rằng: “Thưa ông, ông hãy đi nơi khác để xin, ở đây tôi không sẵn lòng cho ông đâu, xin đừng đứng lâu mất thì giờ của ông đó”. Và tôi đã nhận lời nói đó như một phẩm vật đặc biệt. Nghe vị Tỳ kheo nhã nhặn trình bày, ông phú hộ thẹ thẹ cúi xuống lượm bình bát đặt lại trên tay Tỳ kheo rồi lẳng lặng trở về, trong lòng suy nghĩ miên man. Ðến nhà ông gọi vợ:

- Này bà, từ trước tới nay, nhà ta có cho những gì các vị Sa môn không?

- Ông chẳng nhớ sao, các ông đến là mình mắng nhiếc, xua đuổi đi chứ có cho vật gì.

- Thôi, kể từ đây tôi đề nghị với bà rằng, mình đã không cho đồ đạc của cải thì thôi, cũng đừng dùng lời lẽ chua cay mà mắng nhiếc các vị Sa môn ấy nữa. Họ có tội tình gì mà phải nghe lấy những điều sỉ nhục mạt sát của mình. Họ cũng đâu bắt buộc mình cho cơm áo họ đâu, họ chỉ làm công việc của một kẻ tu hành, của một người khất sĩ xin ăn, làm ruộng phước cho bao nhiêu người gieo trồng căn lành, giống tốt, ai có gieo giống thì họ được gặt quả, còn mình, mình không làm thì thôi cớ sao lại mạ nhục họ. Bà thấy không mình phi lý đấy chứ.

Nghe chồng nói một thôi dài, bà vợ im lặng suy nghĩ.

Kể từ khi gặp vị Tỳ kheo hôm nọ, đời sống gia đình ông phú hộ, người ta không còn nghe những lời to tiếng, những trận cãi vợ con, đánh đập tôi tớ, một đời sống thuận hòa trên dưới nhường nhau đã tạo ra một không khí đầm ấm hạnh phúc.

Và cũng kể từ đây, gia đình ông biết ăn ở đối xử với mọi người chung quanh. Nhờ vậy, bà con láng giềng thường hay lui tới bắt mặt làm quen, mối tình lân cận càng thêm thắm thiết.

GIỚI ÐỨC

“Lời nói không mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Công Ðức thọ Bát quan trai

Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn và đại chúng Tỳ kheo ngự tại Kỳ Viên Tịnh xá của Ông Trưởng giả Cấp Cô Ðộc, vườn cây thái tử Kỳ Ðà, tại thành XáVệ.

Thuở ấy có một thiếu nữ tên Sa Ta, là con gái của một vị thiện tín rất nổi danh tại Xá Vệ. Nàng Sa Ta, tuy tuổi vừa đôi tám, nhưng tư chất rất thông minh, thường đến chùa nghe pháp, nên rất thấm nhuần Phật Pháp.

Năm ấy Sa Ta đến tuổi trưởng thành, song thân chọn nơi môn đăng hộ đối, gia phong lễ giáo của một gia đình danh giá để gả nàng. Một tiệc cưới linh đình dọn ra, hai họ đều lả Phật tử thuần thành nên tất cả đều cung thỉnh Ðức Phật và chư Tăng đến cúng dường trai tăng trong sự hoan hỷ tột cùng của mọi người.

Sau tiệc cưới, Sa Ta về chung sống bên gia đình cha mẹ chồng. Vốn là người khéo léo, siêng năng và tế nhị nên chẳng bao lâu nàng chiếm cảm tình của mọi người trong gia đình bên chồng, nàng tận tâm phụng dưỡng cha mẹ chồng, hầu hạ chồng, săn sóc mọi người chung quanh. Sa Ta rất giàu lòng từ bi, thường bố thí thức ăn quần áo cho kẻ ăn người ở và những kẻ khốn cùng.

Ðến ngày Bát quan trai, nàng tinh tấn thọ giới, giữ gìn giới hạnh hết sức trong sạch, không hề giải đải.

Cha mẹ chồng của nàng đều là những người có đức tin Tam Bảo, trước những đức hạnh tuyệt vời của Sa Ta nên cha mẹ chồng càng yêu thương quý mến nàng dâu nhiều hơn nữa.

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, đến khi tuổi thọ đã mãn, do nghiệp thiện đã tạo ở nhân gian nàng Sa Ta được thọ sanh về cõi Tứ Ðại Thiên Vương làm ái nữ Ðức Thiên Vương, cũng mang tên Sa Ta như lúc ở cõi Ta Bà.

Ðức Thiên Vương có năm cô con gái xinh đẹp tuyệt trần: Nàng Sa Ta, nàng Sa Ja, nàng Ba Va Ra, nàng A Chi Mu Ta và nàng Su Tra.

Ðến khi các cô tiên trưởng thành, đúng tuổi trăng tròn, Ðức Thiên Vương Ðế Thích chọn năm nàng về cung trời Ðao Lợi để sung vào đoàn ca nhi trong thiên đình của Ngài. Năm cô tiên xinh đẹp ấy, hằng ngày chỉ ca múa để dâng lên Ðế Thích thưởng ngoạn.

Một hôm, năm nàng có sự tranh luận với nhau, một trong năm nàng hỏi rằng:

- Trong chúng ta, ai là kẻ có giọng tốt và vũ đẹp hơn cả?

Ai cũng tự nhận mình hát hay và vũ đẹp hơn cả, cuộc tranh luận gay cấn, càng lúc càng gia tăng, năm nàng không thể tự giải quyết được, liền đem vấn đề ấy trình lên phụ vương để phân giải giùm.

Năm cô tiên cùng tâu rằng:

- Muôn tâu phụ vương, trong năm chúng con ai là kẻ hát hay và vũ đẹp hơn cả? Kính xin phụ vương hãy phân giải giùm cho công bằng.

Thiên Vương ít khi trực tiếp nghe con mình hát, sau một chút suy nghĩ mới phán rằng:

- Này các con yêu quý của cha, nếu các con muốn biết ai hát hay và vũ đẹp hơn cả thì con nên đến ca vũ ngay trước sự chứng kiến của chư thiên trên bờ hồ A Nô Tát Ta, nơi rừng Tuyết Sơn biên quốc thì các con sẽ biết sự thật.

Tuân lời phán dạy của phụ vương, năm nàng tiên bèn tổ chức một buổi trình diễn để trổ tài ca vũ cho chư thiên thưởng ngoạn và chấm điểm.

Rừng Tuyết Sơn, vùng đất âm u vắng vẻ, bỗng chốc trở thành ca vũ trường vĩ đại nhất trong lịch sử.

Lúc ấy chư thiên từ bốn phương đồng nhau đến rừng Tuyết Sơn đông đảo chưa từng thấy, để thưởng ngoạn tài nghệ của năm cô tiên xinh đẹp ấy.

Năm cô lần lượt trổ tài trước sự diện kiến của chư thiên. Nàng Sa Ja khởi đầu bằng những bài hát tuyệt vời và những vũ điệu tuyệt kỹ. Tiếp đến cô Ba Va Ra cất tiếng oanh vàng lảnh lót, cùng những vũ khúc vô cùng công phu. Ðến lượt A Chi Mu Ta và Su Tra lần lượt biểu diễn tài nghệ trước chư thiên thì chư thiên vẫn yên lặng không chê mà cũng không tán thưởng. Cuối cùng đến Sa Ta cất tiếng bổng trầm, đây mới thật là cung đàn muôn điệu thật lảnh lót du dương, hòa nhã như tiếng chim Ca Lăng Tần Già.

Nàng Sa Ta lại xoay qua những điệu vũ thật như những cánh bướm lượn trong nắng xuân, như đàn thiên nga bơi lội trên mặt hồ, như tất cả tinh hoa vũ trụ đều tập trung nơi đây.

Từng tràng pháo tay rộn rã cả khung trời, tán thưởng tài nghệ vô cùng điêu luyện, vô cùng xuất sắc của Sa Ta, những lời hoan hô và chúc lành vang rền cả rừng Tuyết Sơn.

Su Tra, cô tiên út vô cùng thán phục Sa Ta bèn đến hỏi rằng:

- Thưa chị, hồi tiền kiếp chị làm được những công đức gì mà bây giờ có nhan sắc tuyệt đẹp và có giọng hát trong thanh như tiếng chim Ca Lăng Tần Già và được thông minh như thế?

Nàng Sa Ta dịu dàng đáp:

- Chị có sắc đẹp, giọng hát hay, thông minh như thế này vì kiếp trước chị đã giữ giới Bát quan trai từ tấm bé cho đến tuổi già không bị phạm giới lần nào cả.

GIỚI ÐỨC

“Phật tử muốn kiến lập Phật Pháp duy trì Chánh Giáo ở thế gian, cần phải tự mình thọ trì giới luật trước”.



[1]“Khu ô sa di” là chú tiểu còn quá nhỏ chưa đến tuổi thọ giới (16 tuổi) chưa làm được việc gì ngoài việc đuổi quạ cho chúng khỏi làm ồn náo trong giờ chư tăng tọa thiền”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4289)
Sau một buổi cày vất vả, Trâu được tháo ách cho đứng gặm cỏ. Nhưng mệt quá, nhai nuốt không vô, bèn cất tiếng than : - Mẹ sinh chi tuổi Sửu, làm ...
10/04/2013(Xem: 4178)
Trắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh ...
10/04/2013(Xem: 6020)
Tất cả các món quà quý nhất trong đời, món quà Pháp là món quà quý nhất trong các món quà. Bần sư xin tặng đến những người thân món quà Pháp này với tâm từ của bần sư.
10/04/2013(Xem: 4175)
Nhà tù tối tăm. Giống như một cái hang trừ việc không có một bức tường nào. Im lặng tràn ngập không gian. Một bóng trắng dật dờ trôi như ánh sáng.
10/04/2013(Xem: 6554)
Ở đời, người ta thường hay nói "ngu si hưởng thái bình” hay ”khôn quá hoá dại” là hai câu đối chọi hẳn nhau về nhân quả. Ngu đây không có nghĩa là ...
10/04/2013(Xem: 5666)
“Ðợi gió!” - Tôi suýt trả lời như thế với câu hỏi bất ngờ cất lên phía sau: - Con đang đợi ai à?”
10/04/2013(Xem: 5897)
Trong những bức tranh và tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát, chúng ta thường thấy dưới chân ngài phủ phục một con linh khuyển. Con vật này có ...
10/04/2013(Xem: 4131)
Hồi ấy, khi tuổi tráng niên của tôi còn đủ sức dặm ngàn mây gió, một buổi dừng chân là một kỷ niệm đáng nhớ. Lần này, một ngôi chùa ni ven tỉnh lộ...
10/04/2013(Xem: 4508)
Tôi yêu cầu thầy mãi mà thầy không nghe, cứ duy trì đường lối sinh hoạt thanh thiếu niên như hiện giờ thì có ngày thầy cũng sẽ gặp rắc rối to...
10/04/2013(Xem: 7553)
Trong thời hồng hoang của lịch sử, con người chỉ biết có mẹ. Khỏi cần tìm hiểu đâu xa, cứ nhìn các con vật thì biết: gần gủi và hiền lành là con chó, con gà, xa xôi và hung bạo như con beo, con cọp. Sinh ra và lớn lên chỉ biết có mẹ, lúc thúc quanh mẹ. Bởi một lẽ đơn giản: khi biết mình mang thai, con cái thường sống cách ly con đực, thậm chí còn cắn đuổi con đực không cho lại gần.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]