Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 10

19/10/201311:51(Xem: 8176)
Phần 10


Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 4
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 10

46/ Phóng túng
47/ Ðừng ôm lòng cừu hận
48/ Khi công tử chê tiền
49/ Sợi dây bền nhất
50/ Chỉ tụng đề kinh Pháp Hoa mà mình và người thoát khổ

Phóng Túng

Xưa có một người nghèo khổ, thường dâng đồ cúng dường chư thiên, với lòng cầu mong được giàu có. Trải qua thời gian khá lâu, cảm được lòng thành, chư thiên hiện ra hình người đến hỏi anh ta rằng:

- Ông thường cúng dường chư thiên với lòng cầu mong gì?

- Tôi chỉ mong giàu có, đó là sở nguyện duy nhất của tôi.

Khi ấy vị trời cho ông ta một cái bình, nói rằng:

- Ðây là bình như ý, ông muốn điều gì thì tự nhiên bình ấy sẽ cung cấp cho ông.

Người ấy được bình rồi tùy theo ý muốn của mình, mọi việc đều như ý. Anh ta muốn có cung điện, xe cộ, vợ đẹp...

Một hôm, anh muốn khoe của, nên mời xóm giềng đến đãi đằng no say. Ðang khi ăn uống, có người hỏi:

- Trước kia ông nghèo khổ, sao bây giờ lại giàu có, tiền của nhiều như thế?

- Tôi nhờ thường cúng dường chư thiên, nên các ngài cho tôi một cái bình trời, trong bình ấy sẽ cho ra tất cả của cải tuỳ theo ý của mình nên tôi mới giàu có như vậy.

Mọi người đều khen ngợi chưa từng có, anh ta sanh lòng kiêu căng tự đắc, cầm bình nhảy múa, chẳng may, anh bị trượt té, rơi bình xuống đất bể nát. Anh ta xấu hổ ngồi dậy, nhưng ôi thôi, chung quanh anh, mọi người đang ngồi ngoài đồng trống, áo quần mặc trên thân anh đều tan biến. Nhà cửa ruộng vườn, xe cộ, vợ đẹp đều tiêu tan theo bình ấy.

Kể câu chuyện ấy xong, Ðức Thế Tôn bảo các Tỳ kheo rằng:

- Người giữ giới thì thành tựu được các pháp vi diệu và chí nguyện được viên thành, ngược lại kẻ phá giới, kiêu căng tự thị, phóng túng cũng như người kia vì tự đắc mà bình bể, tài sản đều mất.

Nếu ai muốn được niềm vui cõi trời, hay thường lạc ngã tịnh của niết bàn thì phải kiên trì giới luật đã thọ, siêng năng tu tập cần lao không gián đoạn, đến khi bỏ thân tứ đại, chắc chắn sẽ được phước báo an lành. Còn nếu không lo tu tập, không siêng năng cần mẫn, ăn rồi cứ rong chơi, bàn luận thế sự, chẳng những không lợi ích gì cho hiện tại mà chốn tam đồ chắc không tránh khỏi.

Này các Tỳ kheo, ví như ở phương tây có một quốc vương, trong vương quốc ấy, không có giống ngựa qúy, nhà vua cho người tìm mua về 500 con nuôi dưỡng luyện tập đề phòng khi có giặc. Nuôi ngựa đã lâu, nhưng trong nước gặp lúc bình trị, nhà vua tự nghĩ: “Nuôi 500 con ngựa này hao tốn quá mà chẳng có ích lợi gì, thôi ta hãy thả cho nó tự do đi kiếm ăn, không kiềm thúc nữa cho đỡ tốn ngân quỹ của nhà nước”. Nghĩ rồi sai quân làm như vậy. Bấy giờ ngựa được tự do chạy nhảy, bao nhiêu nết cũ, ngựa rong ngoài đồng đều sống lại. Chẳng bao lâu sau, trong nước bị ngoại xâm, nhà vua ra lệnh nai nịt cho 500 con ngựa ấy để ra trận. Tướng sĩ phóng lên lưng ngựa, cầm binh khí thẳng tiến về phía giặc, cho roi vào hông ngựa, nhưng ngựa chẳng chịu chạy tới mà quay đầu chạy trở lại, chẳng như ý chủ tướng. Quân giặc thấy vậy liền xua quân đánh úp, chỉ trong chớp nhoáng là chiếm được ngôi vua.

Này các Tỳ kheo, muốn cầu quả báo lành, phải nhiếp niệm thâm tâm, tinh tấn điều phục và sống theo hạnh của bậc thánh, chớ một khi giặc vô thường đến thì khó giữ ngăn. Cũng như nhà vua có bầy ngựa quý mà không biết sử dụng để cho nó tự tình buông lung chạy theo bản tính, khi có giặc đến cướp nước, bầy ngựa chẳng dùng được mà còn mất nước lụy thân. Các thầy hãy gắng tinh cần, nhắc nhở.

GIỚI ÐỨC

“Làm việc ác có hại đến thân, thì người ngu bảo là dễ. Làm việc thiện được an lạc, thì người ngu bảo là khó”.

Ðừng Ôm Lòng Cừu Hận

Thuở Phật còn tại thế, có một vị Ðại đức Trưởng lão tên là Tích Xá, hình như là bà con cô cậu với Phật. Sư xuất gia vào lúc tuổi đã già, và người khá mập. Tất nhiên, Sư tự thấy hãnh diện, vì biết rằng, khi đã xuất gia, y sẽ nhận được sự tán thưởng của Phật, cách ăn mặc của sư cũng rất tươm tất, xứng đáng với sự tán thưởng đó. Sư lại thường ngồi ngay giữa Tịnh xá, tại nhà khách.

Một hôm, có một số khách Tăng đến hầu Ðức Như Lai. Họ tưởng Tích Xá là một vị Ðại Trưởng lão nào đó, nên xin phép phục dịch, dâng các vật dụng để rửa chân cho Sư. Tích Xá ngồi im lặng không nói. Rồi thì, một thầy Tăng trẻ hỏi: “Ðại Ðức đã được mấy hạ ”. Nghĩa là hỏi Tích Xá được bao nhiêu tuổi đạo. Tích Xá đáp: “Chưa có hạ nào cả. Tôi xuất gia lúc tuổi đã trọng”. Nghe vậy, thầy Tăng trẻ mới nói: “Ông là một sư già hư hỏng, tự cho mình là quan trọng. Khi thấy các vị Ðại Trưởng Lão đây, ông lại không chút lễ độ đối với các ngài. Lúc các ngài phục dịch ông, ông lại đáp ứng bằng sự im lặng. Thêm nữa, ông không tỏ vẻ hối hận về cử chỉ sai lầm của mình”. Nói xong thầy Tăng đó khảy móng tay. Nhưng kiêu hãnh vì giai cấp chiến sĩ của mình, Tích Xá hỏi họ: “Các ông đi kiếm ai?” –“Chúng tôi đến hầu Ðức Ðạo sư” – Nhưng đối với tôi các ông lại tự bảo: ông này là ai? Thế thì tôi sẽ bứng trốc cả huyết thống của các ông. Nói như vậy rồi, Tích Xá đi đến Ðức Ðạo sư, vừa đi vừa khóc lóc, buồn rầu.

Ðức Ðạo sư hỏi: “Tích Xá, sao ông đến kiếm ta mà buồn rầu, khóc lóc, nước mắt lưng tròng như thế?”.

Các thầy Tăng bấy giờ nói với nhau: “Nếu để ông đó đi một mình, ông ta sẽ gây ra chuyện không hay”. Họ cùng bước theo Tích Xá lập tức. Sau khi kính lễ Ðức Ðạo sư, họ kính cẩn ngồi xuống một bên.

Tích Xá lúc đó trả lời câu hỏi của Ðức Ðạo sư như thế này:

“Bạch Thế Tôn, những thầy Tăng này chửi con”.

- Nhưng ông đang ngồi tại đâu?

- Ngay giữa Tịnh xá và trong Nhà khách.

- Khi các thầy Tăng này đến, ông có trông thấy họ không?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Ông có cung cấp cho họ các vật dụng thường trụ không?

- Bạch Thế Tôn con không dâng họ các vật dụng ấy.

- Ông có phục dịch họ, mang nước cho họ uống không?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Ông có dọn chỗ ngồi cho họ và lau chân cho họ không?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Tích Xá, ông phải làm các công việc này để hầu hạ các vị sư già, bởi vì ai không làm như vậy thì không được phép ngồi giữa Tịnh xá. Chỉ một mình ông là đáng bị quở trách, ông hãy xin lỗi các thầy Tăng này đi!

- Nhưng, bạch Thế Tôn, họ chửi rủa con, con không xin lỗi họ.

- Tích Xá, đừng làm như vậy, chỉ mình ông là đáng bị quở trách thôi. Hãy xin lỗi họ đi.

- Bạch Thế Tôn, con không chịu xin lỗi họ.

Các thầy Tăng bạch với Ðức Ðạo sư:

- Bạch Thế Tôn, ông ấy quả là một nhà sư bướng bỉnh.

Ðức Ðạo sư đáp:

- Này các thầy, đây không phải là lần đầu tiên ông ấy tỏ ra bướng bỉnh. Trong các đời trước ông ấy cũng đã từng bướng bỉnh như vậy.

- Bạch Thế Tôn, vậy chứ đời trước ông ấy đã làm gì?

Ðức Ðạo sư nói:

- Tốt lắm, các thầy hãy nghe Ta kể:

Rồi Ðức Ðạo sư kể về chuyện tiền thân của Sãi mập Tích Xá như sau:

Chuyện Ðê Va La và Na Ra Ða.

Thuở xưa, vào lúc một vị vua đang ngự trị tại thành Ba La Nại, bấy giờ có một đạo sĩ ẩn cư tại xứ Hy Mã trải qua tám tháng, sau đó muốn đến cư ngụ gần thành phố cho hết mùa mưa, nên từ Hy Mã ông trở về để mua trữ muối và giấm. Ông gặp hai chú bé tại cổng thành, bèn hỏi: “Các nhà sư khi đến thành phố này thường ngủ đêm tại đâu?

- “Bạch Ðại Ðức, tại nhà người thợ gốm”.

Thế rồi, Ðê Va La đi đến nhà người thợ gốm, đứng lại trước cửa và hỏi: “Này Pháo Ga Va, nếu ông vui lòng thì xin cho bần đạo tá túc tại nhà ông qua đêm nay”.

Người thợ gốm trỏ vào nhà sư và nói:

- “Tôi không làm việc ban đêm tại căn phòng này, và đó lại là một căn phòng rộng xin ngài cứ tự nhiên ngủ đêm tại đây thưa Ðại Ðức”.

Ðê Va La bước vào căn phòng và ngồi xuống chưa bao lâu thì lúc đó cũng có một đạo sĩ khác, tên là Na Ra Ða, từ Hy Mã về thành phố, đến xin người thợ gốm cho tá túc qua một đêm. Người thợ gốm nghĩ thầm: “Vị đạo sĩ đến trước không biết có đồng ý nghỉ đêm chung với vị này không, việc này không phải do mình quyết định”. Rồi ông thưa với đạo sĩ:

- “Bạch Ðại Ðức, nếu vị đạo sĩ đến trước tán thành, xin Ngài cứ việc nghỉ đêm tại đây theo ý muốn của vị đó”.

Na Ra Ða bèn đến gần Ðê Va La và nói:

- Thưa Thầy, nếu Thầy vui lòng, tôi xin nghỉ lại đây qua một đêm”.

Ðê Va La đáp:

- “Căn phòng này cũng khá rộng, vậy xin mời Thầy vào nghỉ đêm lại đây, ở bên đó”.

Na Ra Ða bước vào và ngồi xuống phía sau vị đạo sĩ đã đến trước mình. Cả hai trao đổi nhau những lời chào hỏi thân mật.

Ðến giờ ngủ, Na Ra Ða để ý cẩn thận chỗ nằm Ðê Va La và vị trí cánh cửa, rồi mới nằm xuống, nhưng khi Ðê Va La nằm xuống thay vì nằm ngay chỗ của mình, ông lại nằm ngay cánh cửa. Kết quả là khi Na Ra Ða đi ra ngoài, ông đạp nhằm lên chiếu của Ðê Va La. Tức thì Ðê Va La kêu lên:

- “Ai đạp lên chiếu của tôi đây?”

Na Ra đa đáp:

- “Thưa thầy, chính tôi”.

Ðê Va La nói:

- Cái ông thầy tầm bậy này, ông ở trên rừng về mà lại đạp lên chiếu của tôi”.

- “Thưa Thầy, tôi không biết Thầy nằm ở đây, xin lỗi”.

Na Ra Ða đi ra. bỏ Ðê Va La ngồi khóc nức nở một mình.

Ðê Va La nghĩ thầm: “Ta làm cho y đạp lên mình lần nữa khi y trở vào”. Rồi ông quay lại và nằm xuống, để đầu về phía mà trước đó ông để chân. Khi Na Ra Ða đi vào, ông nghĩ thầm: “Lần trước mình xúc phạm ông thầy này, lần này mình đi vòng phía chân của ông”. Kết quả, khi Na Ra Ða bước vào lại đạp nhằm cổ của Ðê Va La. Tức thì, Ðê Va La thét lên:

- “Ai đó?”

Na Ra Ða đáp:

- “Thưa Thầy tôi đây”.

Ðê Va La nói:

- Cái ông Thầy tầm bậy này, lần trước ông đạp lên chiếu tôi, lần này ông lại đạp lên cổ tôi. Tôi sẽ rủa xả Thầy.

- Thưa Thầy, không phải lỗi tại tôi. Tôi không biết Thầy nằm theo kiểu này. Khi bước vào, tôi đã nghĩ thầm, lần trước mình xúc phạm Thầy, lần này nên đi vòng phía chân. Xin lỗi!

- Cái ông Thầy tầm bậy, tôi sẽ rủa xả Thầy!

- “Thưa Thầy, đừng làm thế”.

- Nhưng Ðê Va La không thèm đếm xỉa lời nói của Na Ra Ða, cứ vẫn rủa như thường. Ông rủa:

“Mặt trời có một nghìn tia sáng và một trăm ngọn lửa, xua tan bóng tối. Khi mặt trời mọc hừng đông, thề cho đầu thầy vỡ thành bảy mảnh”.

Na Ra Ða nói: “Thưa Thầy, tôi đã nói là không phải lỗi tại tôi. Nhưng Thầy không nghe tôi mà cứ rủa xả tôi. Tôi thề cho kẻ nào có tội thì đầu vỡ làm bảy mảnh, và người vô tội thì không. Rồi Na Ra Ða đọc lên lời thề như sau:

“Mặt trời có một nghìn ánh sáng và một trăm ngọn lửa, xua tan bóng tối. Khi mặt trời mọc hừng đông, thề cho đầu của Thầy vỡ thành bảy mảnh”.

Bấy giờ Na Ra Ða đã có sức thần thông rất lớn, có thể thấu suốt tám mươi vòng thế gian, bốn mươi vòng về đời quá khứ và bốn mươi vòng về đời vị lai. Ông mới nhận xét xem ai là người sẽ mắc phải lời thề thì thấy rằng chính vị đạo huynh của mình mắc phải, ông cảm thấy thương hại, nên vận sức thần thông cản không cho mặt trời mọc.

Khi mặt trời không mọc được, dân chúng kéo nhau tụ tập trước cổng cung điện của vua và kêu gào: “Muôn tâu bệ hạ, mặt trời không mọc, mà ngài là vua, vậy ngài hãy khiến mặt trời mọc lên cho chúng tôi”. Nhà vua tự kiểm điểm các hành vi, các lời nói cũng như các ý nghĩ của mình, thấy không có điều gì lầm lỗi, mới nhủ thầm: “Nguyên do tại đâu? Vua cho rằng có thể là do một cuộc cãi lộn của các nhà sư nào đây, mới hỏi: “có vị sư nào ở trong thành phố hay không?” Tâu bệ hạ, tối hôm qua có người đến ngủ lại ở nhà ông thợ gốm”. Nhà vua đốt đuốc cầm tay, đi thẳng tới nhà thợ gốm, chào hỏi Na Ra Ða, rồi kính cẩn ngồi xuống một bên, và thưa:

- “Na Ra Ða, dân chúng trong nước Xích Táo không thể làm các phận sự khẩn thiết của mình.

Tại sao thế giới bị phủ đầy bóng tối ? Xin Ngài hãy trả lời tôi câu hỏi này ?”.

Na Ra Ða kể cho vua nghe câu chuyện đã xảy ra, và nói: “Vì vậy mà tôi bị lão đạo sĩ này rủa xả. Cho nên tôi cũng rủa xả lại rằng, tôi không có lỗi, xin cho kẻ có tội trong chúng tôi hãy mắc phải lời thề. Nhưng khi tôi rủa xả thầy đó, tôi nhận xét thầm xem ai sẽ mắc phải lời thề, thì thấy rằng đầu của đạo huynh mình sẽ bị vỡ làm bảy mảnh. Do đó, vì thương xót ông ta, tôi không cho phép mặt trời mọc”.

- “Nhưng thưa Ðại đức, làm cách nào để thầy ấy tránh khỏi tai nạn này”.

- “Ông ta có thể tránh khỏi tai nạn nếu chịu xin lỗi tôi”.

Nhà vua bèn nói với Ðê Va La:

- “Hay lắm, Thầy hãy xin lỗi đi”.

Ðê Va La đáp: “Tâu Ðại Vương, ông bạn này đạp lên chiếu và lên cổ tôi, tôi không xin lỗi ông đạo tầm bậy đó”.

- Thưa Ðại Ðức, hãy xin lỗi đi. Ðừng làm như thế!.

- “Tâu Ðại Vương, tôi không xin lỗi”.

- Ðầu Ngài sẽ bị vỡ làm bảy mảnh.

- Mặc kệ, tôi không xin lỗi.

Nhà vua nói: “Tôi chắc rằng Thầy không chịu tự ý xin lỗi”.

Rồi nhà Vua nắm tay, nắm chân, nắm lưng, nắm cổ của đạo sĩ, đè xuống dưới chân của Na Ra Ða.

Na Ra Ða bảo:

- “Thôi thầy hãy đứng dậy, tôi tha lỗi cho Thầy”.

Rồi Na Ra Ða nói với nhà vua:

- “Tâu Ðại Vương, vị đạo sĩ này không chịu tự ý xin lỗi, hãy mang ông đến một cái hồ nào đó đừng xa thành phố lắm, đặt một khối đất sét lên đầu ông ta, bắt ông ta đứng dưới nước, ngập ngang cổ”.

Nhà vua làm y theo. Na Ra Ða mới bảo Ðê Va La:

- “Thưa Thầy, tôi sẽ giải tỏa sức thần thông của mình để làm cho mặt trời mọc lên. Lúc đó, Thầy hãy lặn xuống nước, rồi trồi lên ở một chỗ khác, sau đó đi đâu tùy ý”.

Ngay khi mặt trời mọc, vừa rọi tia sáng lên khối đất sét, khối đất liền vỡ thành bảy mảnh. Ðê Va La lặn ngay xuống nước, rồi trồi lên ở một chỗ khác, và bỏ đi.

Bấy giờ, đức Ðạo Sư mới dạy pháp thoại này, Ngài nói:

- “Này các Thầy, nhà vua thuở đó là A Nan Ðà ngày nay, Ðê Va La là Tích Xá đó, và Na Ra Ða chính là ta đây. Trước kia, ông ấy cũng đã bướng bỉnh như vậy”.

Và Ngài giảng cho Trưởng Lão Tích Xá nghe rằng: “Này Tích Xá, nếu một thầy Tỳ Kheo cứ nghĩ rằng: “Người ta chửi rủa tôi như thế này như thế nọ, người ta lấn lướt tôi như thế này như thế nọ, người ta cướp bóc của tôi như thế này như thế nọ, cứ nghĩ thế thì không bao giờ hận thù tiêu tan được. Nhưng nếu không ôm ấp những ý nghĩ như vậy, hận thù sẽ chấm dứt”. Rồi Ngài nói lên các bài kệ sau đây:

“Nó chửi tôi, nó đánh tôi, nó lấn lướt tôi, nó cướp của tôi: Ai ôm ấp ý nghĩ này, hận thù không bao giờ tiêu tan được.

Nó chửi tôi, nó đánh tôi, nó lấn lướt tôi, nó cướp của tôi: Ai không ôm ấp những ý nghĩ như vậy, hận thù sẽ tiêu tan”.

MINH VĂN

“Người chế ngự được sự sân hận, còn cương dũng hơn bậc anh hùng, và người tự chủ được mình còn cao cả hơn viên hổ tướng chiếm đoạt thành trì. Với tâm bình thản, bậc thiện trí đã nói như trên”.

Khi Công Tử Chê Tiền

Kàla là con trai của nhà cự phú Cấp Cô Ðộc, một vị trưởng giả giàu lòng kính tin, đã từng xuất cả kho vàng ra để mua vườn cây của thái tử Kỳ Ðà để xây Tịnh xá cúng dường Phật. Vậy mà công tử Kàla lại không có cảm tình với Phật cùng Tăng chúng tí nào.

Vốn được sinh trưởng trong một gia đình thế phiệt, lại thông minh tài giỏi nên Kàla được vào làm quan cận thần dưới triều vua Ba Tư Nặc ngay khi còn rất trẻ.

Một hôm nhà Vua cùng Hoàng hậu Mạt Lợi thiết trai cúng dường Phật và Chúng Tăng tại Hoàng cung. Toàn thể triều thần cùng hoàng tộc đều hoan hỷ, duy có công tử Kàla là nhún vai bình phẩm lén với các vệ sĩ của chàng:

- Hoàng thượng tiêu xài thật vô lối, chẳng khác gì ông bố của ta. Mấy lão trọc áo vàng kia ăn no nê xong, đi về tịnh xá đánh một giấc tới chiều. Thật là vô tích sự.

Ðức Thế Tôn đoán biết được ý niệm của Kàla nên sau buổi lễ Ngài đọc một bài kệ : - “Người xan tham không thể sanh lên cõi trời. Kẻ ngu si không ưa việc bố thí. Nhưng người thiện trí thấy việc bố thí lại sanh lòng tùy hỷ và đó cũng được dự phần an lạc”. (PC177).

Chuyện đến tai vua Ba Tư Nặc, Kàla liền bị đuổi ra khỏi Hoàng cung chàng công tử này nhân chuyện đó, càng tăng thêm ác cảm với Phật và Tăng đoàn.

Kàla thường tìm cách lánh mặt Phật mỗi khi cha chàng thiết trai cúng dường. Trước thái độ của cậu con trai cưng. Trưởng giả Cấp Cô Ðộc rất lấy làm khổ tâm. Sau nhiều phen rầy la vô hiệu, ông nghĩ ra một diệu kế nên gọi con trai đến, dịu dàng bảo:

- Này Kàla! Mai này cha bận việc nên không thể đến Kỳ viên thọ bát quan trai giới được. Nếu con đi giúp, cha sẽ thưởng cho 100 đồng vàng.

Vừa nghe nhắc đến Tịnh xá, Kàla đã cau mày, nhưng số tiền quá hấp dẫn khiến chàng phân vân:

- Mấy cái giới đó có... khó giữ lắm không thưa cha?

- Dễ ợt! Tụi con nít trong nhà này còn làm được, huống chi là thanh niên trai tráng như con.

- Ðâu cha nói sơ qua con nghe thử!

- Có gì đâu. Con chỉ phải giữ vỏn vẹn tám điều răn sau đây, chỉ trong vòng có 24 giờ thôi. Ðây này:

1. Không giết

2. Không trộm cắp

3. Không dâm dục

4. Không nói dối

5. Không uống rượu

6. Không trang điểm

7. Không nằm giường cao chiếu rộng

8. Không ăn quá ngọ

- Ðó dễ quá phải không con?

Kàla chắt lưỡi thầm tính:

- Thôi kệ mình chịu ép xác trong một ngày một đêm để lãnh 100 đồng vàng... Ngày mốt ta ăn bù lại cũng được.

Và Kàla bằng lòng, không quên mặc cả:

- Nhưng cha phải giữ đúng lời hứa một trăm đồng vàng hẳn hoi nhé.

- Ðược rồi, con yên tâm.

Hai cha con đều vui mừng. Sáng hôm sau công tử Kàla cởi hết đồ trang sức, khoác một manh áo thô, ăn một bữa điểm tâm thịnh soạn đến căng bụng và gọi gia nhân thắng kiệu đến thẳng Tịnh xá Kỳ Viên. Ðến nơi chàng cho kiệu về, tảng lờ như không nhìn thấy ai hết, kiếm một chỗ mát mẻ trải rơm nằm đánh một giấc cho qua tai nạn.

Tờ mờ sáng hôm sau, Kàla đã về đến nhà khua cổng ầm ĩ và quát tháo, hối thúc gia nhân dọn điểm tâm. Ăn uống và phục sức đỏm dáng xong Kàla đến gặp cha đòi tiền công.

- Con đã hoàn tất nhiệm vụ mà cha giao phó, xin cha cho con số tiền đã hứa.

Tất cả hành động của cậu con không lọt khỏi cặp mắt của người cha tốt bụng, ông Trưởng giả vẫn không nản lòng, trao tiền cho con và điềm tĩnh bảo:

- Này Kàla tốt lắm! Con đã làm một việc rất đẹp lòng cha và ngày mai này cha muốn đi nghe Ðức Ðạo Sư thuyết pháp nhưng lại không rỗi rảnh. Nếu con đi nghe giúp cha, cha sẽ thưởng cho 200 đồng tiền vàng. Con nghĩ sao?

Kà la nghe nói đến tiền là sáng mắt, chàng vội vã nhận lời và nghĩ bụng:

- Cha mình ngó bộ mê mấy lão đầu trọc đó dữ dội rồi! Thây kệ, cờ tới tay ai nấy phất. Ðây quả là một cách kiếm tiền lương thiện và khỏe khoắn nhất.

Thế là hệt như bữa trước, công tử Kàla lại đến Kỳ Viên, len vào giữa đám thính giả chen chúc trước pháp tòa, dự thời pháp của đấng Ðạo Sư. Chàng hết ngoáy mũi đến gãi tai, rung đùi... Không một pháp âm nào lọt được vào đôi tai hờ hững của chàng. Và Kàla được lãnh 200 đồng vàng sau những thủ tục như bữa truớc.

Vài hôm sau Trưởng giả Cấp Cô Ðộc lại gọi Kàla đến bảo:

- Này con! Ðộ rầy chuyện nhà quá bề bộn khiến cha không thể đến hầu thăm Ðức Ðạo Sư và nghe Ngài thuyết pháp được. Nếu con có thể đi nghe và về nói cho cha biết, dù chỉ một bài kệ ngắn thôi, cha cũng sẽ thưởng cho con 500 đồng vàng.

Ðã có kinh nghiệm qua lần trước Kàla lập tức bằng lòng ngay, vì chàng nhận thấy rằng không có công việc làm ăn nào mau phát tài bằng việc đi thăm khu vườn của mấy ông sư đầu trọc.

Sáng hôm ấy, Kàla đến Kỳ Viên thật sớm định bụng sẽ chỉ nghe và nhớ một bài kệ thôi rồi sẽ trở về đi xem hát.

Với trí thông minh sẵn có, Kàla thuộc lòng ngay một bài kệ mà Ðức Ðạo Sư vừa đọc, chàng vội vã quay về. Ði được một quãng, Kàla sực nhớ là mình chưa hiểu rõ ý thú của bài kệ. Không muốn ấp úng trước mặt cha Kàla đành quay lại ngồi chăm chú nghe Ðức Ðạo Sư thuyết giảng. Như một trái cây vừa chín tới, gặp phải cơn gió giao mùa liền rụng, nhờ những cơ duyên lành đời trước, sau thời thuyết pháp của Ðức Ðạo Sư, Kàla chứng ngay sơ quả Tu Ðà Hoàn. Lần đầu tiên công tử Kàla đến quỳ gối trước Ðức Ðạo Sư, đặt vầng trán thông minh chưa có một vết nhăn của chàng lên đôi chân trần của Ðức Ðạo Sư, bầy tỏ lòng tri ân vô bờ bến.

Ðức Thế Tôn bình thản bảo chàng:

- Này Kàla, hôm nay cha con có mời Như Lai đến nhà thọ trai... đã sắp đến giờ rồi chúng ta đi thôi.

Kàla cung kính đón lấy chiếc bát của Phật và khép nép đi sau Ngài như một chú thị giả thuần thục chính hiệu.

Cử chỉ của Kàla hôm ấy đã khiến Trưởng giả Cấp Cô Ðộc đẹp lòng. Ông hoan hỷ mang tiền ra thưởng con trước mặt quan khách:

- Này con trai cưng! Thái độ của con làm cho cha vui mừng vô hạn, dù con chưa thuyết giảng lại cha nghe một lời pháp nào của Ðấng Ðạo Sư cha vẫn sẵn sàng trao cho con 1000 đồng vàng thay vì 500 như cha đã hứa.

Công tử Kàla thẹn đỏ mặt, cúi đầu nói nhỏ:

- Thưa cha! Con không cần tiền.

- Hãy cầm lấy! Tiền thưởng của cha cho con kia mà!

Kàla vẫn khăng khăng từ chối. Người cha ngạc nhiên, sững sờ nhìn con rồi quay sang bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Lần đầu tiên, cháu nó mới chê tiền.

Ðức Phật mỉm cười: Kàla đã chứng Sơ quả Tu Ðà Hoàn. Và kể từ giờ phút ấy, không một của cải trên trần gian này có thể làm lung lạc tâm của chàng ta được.

Ngài đọc bài kệ:

“Dù là vua cõi đất – Hay là chúa cõi trời – Cũng không so sánh được quả vị Tu Ðà Hoàn” (PC147).

“Muôn kiếp sinh linh giật mình tỉnh mộng

Lời Nam Mô sám hối ngút ngàn sao

Tiếng chuông ngân như sóng bể dạt dào

Với bất diệt vỗ lên bờ bến giác”.

Sợi Dây Bền Nhất

Một thuở nọ Phật ngụ tại Tịnh xá Kỳ Hoàn. Có ba mươi vị Tỳ kheo lên kinh thành để đảnh lễ Ðức Thế Tôn. Sau một đêm ngơi nghỉ, sáng tinh sương các thầy đã rủ nhau vào thành khất thực và xem cho biết đó đây. Ðối với các thầy thành phố đầy dẫy những cảnh tượng lạ lùng, nhưng các thầy vẫn không dám sơ thất oai nghi, nghiêm trang theo thứ lớp khất thực.

Khi về đến tịnh xá, các thầy vào bạch Phật, hỏi:

- Bạch Thế Tôn, sáng nay khi vào thành khất thực, ngang qua một khám đường, chúng con thấy có nhiều phạm nhân bị trói tay chân nằm co ro vô cùng khổ sở, họ xoay trở còn khó khăn nói gì đến việc tháo cùm chạy trốn. Chúng con tự hỏi không biết trên đời này còn có thứ xiềng xích nào bền chắc hơn loại dây lòi tói sắt đó không?

Phật dạy:

- Này các Tỳ kheo! Những loại dây trói buộc mà các ông cho là chắc đó nào có thấm vào đâu so với sự trói buộc ái dục. Những gông xiềng làm bằng tài sản, mùa màng, vợ con còn bền chắc gấp trăm nghìn lần. Nhưng dù chúng có bền chắc, có khó chặt đứt đến đâu, người thiện chí đều bẻ gãy xa lìa dục nhiễm, tìm nơi thanh vắng để tự giải thoát lấy mình.

Nhân đó, Ðức Thế Tôn kể lại một tiền thân của Ngài:

Vào một thuở xa xưa, cũng tại thành Benares, có một chàng trai nghèo khổ nhưng rất hiếu thảo. Ðến tuổi trưởng thành, bà mẹ cưới cho chàng một cô vợ trẻ. Chẳng bao lâu bà mẹ mất, chàng bảo vợ:

- Này em, em hãy tự tìm phương sinh sống, anh muốn xuất gia tìm đạo giải thoát.

- Em đang có mang, xin mình hãy ráng đợi lúc em sinh nở xong xuôi, thấy mặt con rồi mình đi tu cũng chưa muộn.

Người chồng nán đợi, ít lâu sau đứa bé chào đời, chàng bảo vợ:

- Nay em đã sinh nở cứng cáp, mẹ tròn con vuông, thôi để anh đi.

- Mình ơi! Em tay yếu chân mềm con lại còn thơ dại, xin mình hãy nán đợi đến lúc con dứt sữa rồi hãy đi.

Chàng bèn chờ đợi, ba năm sau cậu bé vừa dứt sữa thì vợ chàng có mang. Người chồng thầm nghĩ: “Nếu cứ theo lời của vợ ta thì có lẽ không bao giờ dứt áo ra đi được”.

Vào nửa khuya hôm đó, chàng vén màn nhìn vợ hôn con, rồi ra đi vào núi Tuyết sống đời ẩn sĩ. Sau khi ngộ đạo, nhà ẩn sĩ đọc lên một bài kệ, mà bất cứ người xuất gia nào cũng nên học nằm lòng:

“Ta đã gan dạ bẻ gãy cái gông cùm bền chắc nhất: gông cùm dục nhiễm, Ta đã chặt đứt sợi dây ràng buộc vững nhất: lòng luyến ái vợ con”.

Kể xong Ðức Thế Tôn bèn dạy:

“Dây làm bằng sắt, gai hay gỗ, vẫn chưa phải là bền chắc. Sợi dây bền nhất là dây trói buộc vào ái luyến vàng bạc vợ con. (Pháp cú 345)

“Sự trói buộc ấy thật là bền bỉ: nó trì xuống mềm mại, nhưng rất khó gỡ ra, nhưng người thiện chí cắt lìa nó, từ bỏ thế gian và bỏ lại sau lưng mọi ràng buộc ái luyến”. (Pháp cú 346)

“Ngàn vạn sợi dây đồng không thể buộc chân người dũng sĩ, mà chỉ một sợi tóc của mỹ nhân cũng đủ buộc chặt ý chí phiêu lưu của kẻ anh hùng”.

Chỉ Tụng Ðề Kinh Pháp Hoa

mà mình và người thoát khổ

Quận Phùng Dực, ông Lý Sơn Long làm chức tả giám môn hiệu úy trong niên hiệu Võ Ðức bị chết, mà trên ngực khoảng bằng bàn tay không lạnh, người nhà chưa nỡ tẩn liệm. Ðến ngày thứ bảy sống lại thuật rằng : “Ðương lúc chết bị người bắt dẫn đến một dinh quan rất hùng tráng rộng lớn. Trong sân có bọn tù vài nghìn người, hoặc mang gông, hoặc xiềng xích đều đứng xây mặt về hướng Bắc, chật cả sân.

Quân hầu dắt Sơn Long đến dưới dinh. Có một vị Thiên Quan ngồi giường cao kẻ hầu hạ nghi vệ như hàng vua chúa. Sơn Long hỏi quân hầu: “Quan nào đó?” Quân hầu đáp: “Vua đấy?”. Sơn Long đến dưới thềm vua hỏi: “Ngươi thuở bình sanh làm phước nghiệp gì?”. Sơn Long thưa: “Mỗi lần trong làng thiết lập trai đàn giảng kinh tôi thường thí của vật đồng như người”. –Vua lại hỏi : “Còn tự thân ngươi làm phước nghiệp gì?” Sơn Long thưa: “Tôi tụng thuộc kinh Pháp Hoa hai quyển”. Vua nói: “Rất hay! Ðược lên thềm”. Ông Long đã lên trên nhà thấy phía Ðông Bắc có một tòa cao giống như tòa diễn giảng. Vua chỉ tòa nói với Sơn Long rằng: “Nên lên tòa này tụng kinh”. Sơn Long vâng lệnh đến bên tòa. Vua liền đứng dậy nói: “Thỉnh ngài pháp sư lên tòa”. Sơn Long lên tòa xong. Vua liền xây về phía tòa mà ngồi. Sơn Long khai kinh tụng rằng: “Diệu Pháp Liên Hoa kinh, tự phẩm đệ nhất”. Vua nói: “Thỉnh pháp sư thôi”. Sơn Long liền thôi xuống tòa lại đứng dưới thềm đoái xem trong sân, bọn tù nhân vừa rồi không còn một người. Vua bảo Sơn Long rằng: “Phước đức tụng kinh của ông chẳng những là tự lợi, nhẫn đến làm cho bọn tù trong sân nhơn nghe đề kinh Pháp Hoa mà đều đặng thoát khổ, há chẳng hay lắm sao! Nay tha ngươi trở về.

Sơn Long lạy từ. Ði đặng vài mươi bước, vua kêu trở lại rồi bảo quân hầu: “Nên dắt người này đi xem các ngục”.

Quân hầu liền dắt Sơn Long đi qua phía đông hơn trăm bước, thấy một thành bằng sắt rất rộng lớn, trên có mái trùm kín. Quanh thành có nhiều lỗ nhỏ, thấy các nam nữ từ dưới đất bay vào trong lỗ liền chẳng trở ra. Sơn Long lấy làm lạ hỏi quân hầu. – Ðáp: “Ðây là đại địa ngục, trong đó nhiều lớp phân cách theo tội riêng khác. Các người đó theo nghiệp riêng dữ của mình đã tạo, vào ngục chịu khổ”. – Sơn Long nghe xong buồn rầu sợ xưng: “Nam Mô Phật” xin quân hầu dắt ra. Ðến cửa viện thấy một vạc lớn lửa mạnh nước sôi, bên vạc có hai người ngồi ngủ. Sơn Long hỏi dò. Hai người đáp: “Tôi bị báo vào vạc nước sôi này. Nhờ hiền giả xưng Nam Mô Phật cho nên các người tội trong ngục đều đặng một ngày nghỉ mệt nên chúng tôi ngủ”. Sơn Long lại xưng: “Nam Mô Phật”.

Quân hầu đưa Sơn Long về nhà, thấy hàng thân thuộc đang khóc, sắm sửa những đồ tẩn liệm, Sơn Long vào đến bên thây thời liền sống lại...

“Nhiệm mầu thay kinh Pháp Hoa! Người tụng trì được công đức, ngoài Phật ra không ai có thể nghĩ lường được. Ðọa địa ngục, vì tội nghiệp nặng lên tòa vừa khai tụng đề kinh mà cả mấy ngàn tù nhân dưới sân đều thoát khổ. Thoát khổ là bởi tội nghiệp tiêu. Tội nghiệp nặng mà tức khắc tiêu tan, nếu không phải công đức rộng lớn quyết không thể đặng. Nghe đề kinh Pháp Hoa mà công đức còn lớn dường ấy, huống là người trì tụng đề kinh, huống là người trì tụng một phẩm, một quyển đến toàn bộ, nhẫn đến người giải nói, biên chép, ấn tống. Ông Sơn Long được thoát ngục, được vua trọng, được quân hầu kính, phải chăng là do oai lực của kinh Pháp Hoa. Ta đối với kinh Pháp Hoa, thật nên chí thành đảnh đới, thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, ấn tống, nếu ta có chí tự thoát khổ và thoát khổ cho người”.

“Chánh pháp sâu xa rất nhiệm mầu

Trăm nghìn ức kiếp dễ tìm đâu.

Phước duyên nay gặp xin trì tụng

Nguyện rõ Như Lai nghĩa lý sâu”.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/06/2020(Xem: 10297)
Sau 26 năm lưu đày biệt xứ với 2 bản án Chung thân của người tù trải qua hơn một phần tư thế kỷ, tôi trở về từ cõi chết được bình an, trong sự chào đón hân hoan vui mừng của mọi người thân ruột thịt cốt nhục gia đình của quý chư Tôn Đức Pháp quyến. Đặc biệt các Tổ chức Nhân quyền LHQ, Hội Ân xá Quốc tế, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tại Hải ngoại, Phòng Thông tin Phật Giáo Quốc tế tại Paris, các Đài Truyền thông Quốc tế loan tải phổ biến tin vui. Nhiều đồng bào Phật Tử xa gần trong và ngoài nước, đã gửi điện thư, điện thoại, đến đất Bạc nơi mái tranh nghèo tôi đang tạm trú,
02/06/2020(Xem: 10243)
THƯ TÒA SOẠN, trang 2 ¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 4 ¨ BIỆN TRUNG BIÊN LUẬN TỤNG THÍCH, t.t. (HT. Thích Thắng Hoan), trang 9 ¨ THÔNG ĐIỆP CỦA SỰ HẠNH PHÚC (ĐNT Tín Nghĩa), trang 12 ¨ TỬ SINH, TỰ TÌNH KHÚC (thơ Ns. Hạnh Đạt), trang 13 ¨ TÀI SẢN SẼ MẤT, TẠO PHƯỚC THÌ CÒN (Quảng Tánh), trang 14 ¨ TÂM THƯ CẦU NGUYỆN BỆNH DỊCH CORONA VŨ HÁN CHẤM DỨT (HT. Thích Tín Nghĩa), trang 15 ¨ CHÚC NGUYỆN THƯ PHẬT ĐẢN 2564 (TK. Thích Tuệ Sỹ), trang 16 ¨ THỌ GIỚI (HT. Thích Huệ Hưng), trang 18 ¨ SAU MÙA GIÓ LOẠN (thơ Mặc Phương Tử), trang 23 ¨ CHÙA CỔ THIÊN TỨ... (Tâm Không Vĩnh Hữu), trang 24
31/05/2020(Xem: 4521)
-Các con biết đây là gì không? Đây là chiếc Gối Gỗ của Sư Ông. Bốn huynh đệ chúng tôi trố mắt nhìn nhau, lần đầu tiên trong đời mới thấy chiếc gối gỗ. Thì ra, món đồ Sư Phụ để trên bàn thờ mấy năm qua được bọc vải vàng là cái Gối Gỗ của Sư Ông, chúng tôi nhiều lần thắc mắc nhưng không ai biết được đấy là gì, cũng không dám hỏi Sư Phụ. Tôi còn nhớ như in buổi chiều khi hay tin Sư Ông viên tịch, Thầy trò đang ngoài ruộng lúa chuẩn bị cho vụ mùa. Thầy vội vã về chùa để ra quê cho kịp chuyến xe tối. Hạnh Trí nhanh nhẹn chuẩn bị cho Thầy bộ Y, mấy bộ quần áo và vài gói mì lá Bồ Đề bỏ vào trong cái túi đãi đã bạc màu. Hạnh Tú thì tranh thủ dắt chiếc xe đạp ra ngoài trong tư thế đưa Thầy ra quốc lộ. Hạnh Lưu nhanh tay lo cho Thầy mấy trái bắp luộc để lót dạ trên đường. Thầy đi chỉ dặn dò mấy con ở chùa nhớ công phu bái sám đều đặn, công việc nặng thì nhờ quý bác Phật tử giúp giùm.
29/05/2020(Xem: 3678)
Hôm nay ngày Đại Tường Sư Ông, Sau thời công phu sáng, trước Giác Linh đài, chí thành đảnh lễ, không gian như lắng yên, tĩnh lặng…tất cả nhìn tôn ảnh của Sư Ông với tất cả niềm kính cẩn thiêng liêng, trên bàn thờ những đóa sen hồng đang nở, hòa với những ngọn nến thật huyền diệu lung linh… - Tâm hả con, vào nhanh đi. Tiểu Tâm bối rối cả người té ra là …, Chú sợ quá, quỳ xuống lạy Hòa thượng trong tiếng khóc nức nở trong nỗi niềm vừa lo âu và hối hận. Hòa Thượng lấy tay xoa lên đầu chú, vuốt cái chõm tóc dài đang ướt và nắm tay chú nhẹ nhàng từ tốn bảo: - Con thay quần áo nhanh đi, ước hết rồi, hơ ấm, lạy Phật, rồi ngủ đi con!
27/05/2020(Xem: 5366)
Hoa Lan vốn là loài hoa đẹp vừa kiêu sa thanh thoát, tuổi thọ cao (thường trụ trong chậu những sáu tháng), hương thơm nhẹ nhàng được bao người trân quí dùng làm quà tặng nhau hay chưng tại các đại sảnh, trang thờ, phòng khách... Nhưng Hoa Lan ở đây, tôi muốn viết về là bút hiệu của cô bạn văn tên thật là Lan Hương ( hương của hoa lan), cái tên đúng là có sự an bài của định mệnh.
10/05/2020(Xem: 4181)
Cả tuần lễ nay Chùa Linh Thứu như có sức sống của một cành cây đang đâm chồi nẩy lộc, khác hẳn với những tháng ngày cửa đóng then cài vì dịch Corona. Thí chủ nào muốn cúng dường gạo sữa, hoa quả chỉ dám nhấn chuông rồi lặng lẽ để phẩm vật trước cửa Chùa. Không thể nào thực hiện được hạnh nguyện cúng dường ba nghiệp thanh tịnh của Bồ Tát Phổ Hiền, nhưng tấm lòng nhớ đến Tam Bảo như thế cũng đáng được tán thán! Chùa trở nên sống động nhờ ý tưởng độc đáo của Sư Bà Linh Thứu, phải làm một cái gì hữu ích cho xứ sở mình đang sống để trả ơn cho họ trong cơn đại dịch. Sư Bà huy động tất cả các Phật tử có tay nghề may vá, kêu gọi họ may khẩu trang đem đến Chùa quyên tặng và các Sư Cô của Chùa cũng phải ngày đêm may cắt làm sao cho đủ số. Ít nhất phải đến con số 3000 chiếc khẩu trang ân tình Sư Bà mới dám triệu Ngoại Vụ của Chùa đi làm việc. Sư Bà muốn mời một vị khách quý của Chùa đến nhận món quà ấy, ông Thị Trưởng của quận Spandau nơi chùa Linh Thứu sinh hoạt.
01/05/2020(Xem: 12433)
Ngày 25 tháng 10 âm lịch năm 1967, Ngài ngồi thiền trong động Di Lặc, núi Củu Tiên, dãy Quế Lạc, Công xá Thượng Đông, Huyện Đức Hóa, Tỉnh Phước Kiến, đột nhiên được Bồ Tát QUÁN-THẾ-ÂM tiếp dẫn đi khiến mất cả tông tích. Lúc ấy, Pháp Sư được dẫn đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, tham quan các cảnh giới 9 phẩm hoa sen. Thời gian dường như chừng 1 ngày 1 đêm, nhưng khi về đến nhân gian đã là ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch năm 1973 (đi từ 25/10 âm lịch 1967) chạy ra đã trên 6 năm 5 tháng trôi qua. Thoạt nghe thì như là vượt ra tri thức thường tình, khó mà lý giải được. Có câu nói "trên trời 1 ngày, dưới này vài năm" là vậy, cũng bởi không gian của vũ trụ không giống nhau, khái niệm thời gian cũng khác, người có chút ít hiểu biết về Phật học, tất lý nhận ra được.
30/04/2020(Xem: 4875)
Hãy mau mau buông bỏ mọi mê lầm ngay tại đây và ngay bây giờ. Xin giới thiệu với độc giả hoàn cảnh ra đời của bài này. Tác giả là nhân viên làm việc trong một nhà tù thuộc tiểu bang Victoria. Trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, mọi người dân đều phải chấp hành lệnh của chính phủ tiểu bang và liên bang để giữ gìn an toàn sức khỏe cho cộng đồng. Không được tụ tập trên mười người và phải giữ giản cách xã hội (cách nhau hơn một sải tay). Vì phải làm lễ cầu siêu cho một tù nhân vừa qua đời sau hơn hai năm mang nhiều thứ bệnh trong hoàn cảnh đặc biệt này cho nên chúng tôi chọn cái đề tựa như trên.
27/04/2020(Xem: 3335)
Ra khỏi bến xe Vinh, xe rẽ về ngả Thanh Chương. Hàng cây hai bên đường như lui dần, biến vào trong đám bụi đất đỏ phía sau xe. Sáng sớm trời còn mờ sương. Hơi lạnh từ các hốc núi tỏa ra lãng đãng tan vào không khí. Gió mát dịu, tôi khoan khoái ngả người vào thành ghế phía sau lơ đãng nhìn những đám mây xám lơ lửng trong bầu trời âm u. Dường như có một chút ánh sáng ửng hồng ở phương xa, bên kia ngọn đồi trước mặt. Xe tiến tới. Ánh sáng như thật gần rồi sáng bẵng. Mặt trời đã bắt đầu ló dạng. Người trong xe như trở mình sau một cơn ngáy ngủ. Họ lấm lét nhìn tôi soi mói như nhìn một quái vật từ cung trăng rớt xuống. Chắc là tôi lạ lắm. Tôi nghĩ vậy. Mái tóc ngắn, chiếc áo bà ba bó sát thân hình, chiếc quần đen hàng vải ú, nhưng dáng người ốm ốm, cao cao, tôi không giấu được tôi là người miền Nam vừa đến. - Chị ra Bắc thăm bà con đấy hẳn? Người đàn bà ngồi bên cạnh hỏi tôi. Tôi quay lại mỉm cười rồi gật đầu dạ nhỏ.
27/04/2020(Xem: 2872)
Năm tôi mười hai tuổi, tôi đã biết mộng mơ. Nhưng tôi không mơ công tử đẹp trai con nhà giàu học giỏi hay các chàng bạch diện thư sinh mặt hoa da phấn mà tôi mơ hình ảnh thiếu nữ áo dài xanh (màu xanh nước biển), có đôi găng tay trắng, ở cổ áo gắn hai đầu rồng nho nhỏ, xinh xinh, huy hiệu của tiếp viên phi hành hàng không Air Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]