Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 10

18/10/201320:28(Xem: 11183)
Phần 10

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 2
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 10


46/ Người không tai mắt mũi lưởi
47/ Tai hại của sân hận
48/ Tai hại của lòng tham
49/ Trì giới thanh tịnh
50/ Phật xử kiện



Người không tai, mắt, mũi, lưỡi

Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn đang trú tại nước Xá Vệ, Tịnh xá Kỳ Ðà diễn giảng đạo lý cho chúng Tỳ Kheo.

Có một gia đình trưởng giả, sinh được năm người con, nhưng toàn là con gái, chẳng có thằng con trai nào hết. Trong lúc bà đang mang thai người con thứ sáu thì chẳng may ông trưởng giả chết.

Theo luật nước nếu sau khi người cha chết rồi mà gia đình ấy không có con trai để thừa hưởng gia tài, thì của cải đó được sung công vào kho nhà nước.

Sau khi ông trưởng giả qua đời, thì chính quyền địa phương đến lập thủ tục giấy tờ tịch thu tài sản, sung công quỹ. Nhưng người con gái lớn không cho và đến tâu vua:

- Tâu bệ hạ, cha con mới mất, gia đình con hiển nhiên hiện giờ là không có con trai rồi, nhìn mẹ con còn đang mang một người con trong bụng, biết đâu sau này là con trai thì sao. Vậy mong ơn Vua xin hẹn lại một thời gian, say khi mẹ con đủ ngày, đầy tháng, chừng ấy quả thiệt là chẳng muộn. Vua nghĩ có lý bèn nói:

- Con nói có lý, ta sẽ cho quan địa phương dừng lại.

Chăng bao lâu, bà trưởng giả hạ sanh một cậu con trai, nhưng tiếc thay chẳng có tai mắt mũi lưỡi gì cả, chỉ có hình dáng như người con trai nên gọi là con trai mà thôi, bèn đặt tên là Man Từ Tỳ Lê.

Dù chẳng đầy đủ bộ phận con người, nhưng cũng là trai, nên tài sản đó không bị nhà nước tịch thu làm của công.

Tuy được một người em trai, nhưng người chị chẳng hài lòng tí nào cả, mặc dù tài sản vẫn còn nguyên, vì đứa em trai chẳng giống vật chỉ mà cũng mang dành hưởng trọn một gia tài đồ sộ, cô chán nản cho thân gái bèn bỏ nhà ra đi làm kẻ hầu hạ cho người: Khi nấu ăn, khi dâng nước, chẳng khác như đứa tớ gái.

Gần đó có một nhà trưởng giả, ông thấy vậy bèn hỏi:

- Nhà con giàu có, đâu phải nghèo hèn gì, tại sao không ở nhà mà thụ hưởng, tiêu xài mà phải ra thân tôi tớ cực nhọc vậy?

- Thưa ông, cha con vừa chết, của cải đầy kho đụn, mà chị em chúng con đều là con gái, nên của kia bị Vua thu làm công, nhưng may sao mẹ con vừa hạ sinh được một đứa con trai, nhưng nghiệt nỗi chẳng có tai mắt mũi lưỡi gì cả, nhờ vậy mà tài sản khỏi bị tịch thu. Em trai của con được trọn quyền sử dụng, nhìn thấy vậy mà buồn tủi cho phận gái vô duyên, chẳng bằng một người con trai mà chẳng ra người nên thân con mới ra nông nỗi này.

- Buồn làm gì vô ích, con muốn thoát khỏi thân gái bây giờ hãy tạo nhân lành, làm phước để kiếp sau sanh làm con trai khôi ngô tuấn tú, vậy giờ con hãy đi với ta đến chỗ Phật.

Hai ông cháu cùng đi đến yết kiến Thế Tôn.

- Kính bạch Thế Tôn, Man Từ Tỳ Lê được phước duyên gì mà sinh vào nhà giàu sang, phú quý, nhưng bạch Thế Tôn, bị tội gì mà sinh làm thân người mà chẳng đủ lục căn, xin Thế Tôn chỉ dạy.

- Lành thay, trưởng giả, về đời quá khứ có hai anh em sanh vào một gia đình giàu có, người anh tên là Ðàn Nhã Thế Chất người em tên là Thi La Thế Chất.

Người anh nết na thuần hậu, trung chánh và hay bố thí, giúp đỡ kẻ nghèo cùng, bởi vậy nên được mọi người trong nước kính nể, tôn trọng, về sau được Vua chọn vào triều giữ chức bình sự, để sử lý việc kiện tụng của dân.

Theo luật bấy giờ, những người vay nợ, chẳng có giấy tờ bút mực gì cả, mà hai bên đều đến quan bình sự làm chứng cho là được.

Lúc ấy, nhà Thi La Thế Chất giàu sang cho vay tiền lãi. Hôm ấy, có người lái buôn đến vay ông một số tiền khá lớn để đi buôn. Ngày giao tiền cả hai cùng đến trước quan bình sự để làm chứng. Khi đi Thi La Thế Chất dắt theo hai đứa con trai nhỏ, nói với anh rằng:

- Em chỉ có đứa con trai này, vậy sau này em có chết đi, thì món nợ người lái buôn mượn trả lại cho nó. Xin anh làm chứng cho.

- Em đừng lo, không sao đâu, sau này ông ta sẽ trả lại cho cháu, miễn sao ông đi được tốt đẹp và trở về an toàn là hay.

Sau thời gian chẳng bao lâu, Thi La Thế Chất qua đời, để lại tài sản cho vợ và con, còn người lái buôn kia không may, khi thuyền ra biển bị trận bão đánh đắm tàu tất cả, ông bám vào khúc gỗ và gió thổi tạt vào bờ.

Người con trai của Thi La Thế Chất hay được tin ấy lấy làm thương tình, nên khi gặp lại người lái buôn cũng chẳng đòi nợ.

Thời gian sau có người lái buôn khác, cho mượn vốn và dẫn ông ta đi để đền bù lại chuyến thất bại trước. Rất may, chuyến này gặp tốt đẹp hoàn toàn, vàng bạc, châu báu chở đầy tàu. Thế là ông ta phát tài lớn. Ông mời họ hàng anh em vui say, thanh toán món nợ của người lái buôn cho mượn vừa rồi, nhưng còn món nợ của Thi La Thế Chất thì không trả. Ông nghĩ: “Chuyến trước mình về chẳng thấy đứa con trai ông đòi hỏi gì, có lẽ khi mình với cha nó giao ước mượn tiền thì nó còn nhỏ quá nên không nhớ, hoặc là thấy mình buôn bán lỗ lã nên không đòi, vậy mình thử cậu bé có còn nhớ hay không”.

Hôm đó ông mặc áo đẹp, cưỡi ngựa đi chợ, gặp cậu con trai Thi La Thế Chất, cậu trai hỏi:

- Người lái buôn, bây giờ ông đã phát tài lớn rồi, vậy hãy trả lại số tiền mượn khi trước của cha tôi đi.

Ông ta giả đò vớ vẩn rồi đáp:

- Nào tôi có mượn tiền của cha cậu hồi nào đâu, hay là ai, cậu nhầm ư?

Trở về nhà, ông ta liền lấy một viên ngọc đi ngay đến nhà quan bình sự, nhét viên ngọc vào tay vợ quan, thưa rằng:

- Thưa bà quan lớn, khi trước tôi có vay của ông Thi La Thế Chất một số tiền nên bây giờ con ông theo đòi, mà hiện giờ gia đình tôi túng thiếu nên không trả nổi, vậy thằng con trai ấy đến kiện tụng, thì xin bà nói giúp giùm quan lớn để cho qua, tôi khỏi trả số nợ ấy.

- Ôi! Quan lớn nhà tôi trung trực lắm anh ơi! Tôi không giám đâu.

Nhưng ông ta theo năn nỉ mãi nên bà ta cũng động lòng, chấp nhận. Ðến tối, vợ đem câu chuyện ấy thuật lại cho chồng nghe, chồng gạt phắt đi và nói:

- Bà chỉ làm việc rầy rà, bà có biết nó là cháu tôi, hơn nữa tôi là người thành thực liêm chính, nhà Vua tin dùng, giờ này bà biểu tôi làm điều càn dở hay sao, mai nó có đến, sai lính đuổi đầu nó ra.

Sáng ngày người lái buôn lại lóc ngóc đến, vợ quan lớn thấy liền nói rằng:

- Không được ông ơi, tôi nói rồi nhưng chồng tôi không nghe, còn la tôi nữa.

Thấy bất ổn người lái buôn lòi ra hai viên ngọc nữa và nói rằng:

- Xin bà lớn giúp giùm cho một phen nếu giả như rằng con trai kia có kiện tụng và số tiền bồi thường ấy bà cũng đâu có dùng được. Bà cầm tất cả đi, xin bà thương cho trăm sự nhờ bà.

Nghe êm tai, và lòng tham nổi dậy bà hứa sẽ giúp.

Tối đến quan lớn làm việc về, cơm nước xong xuôi, vào phòng khách ngồi nghỉ, bà lẽo đẽo theo sau và nói với chồng:

- Này mình, đó là việc nhỏ mọn mà, mình giúp tí thôi, có gì mà liêm chính quá.

- Không có lý như vậy, tôi là người thiên hạ tin dùng, nếu tôi làm điều gian dối, ăn hối lộ thì đời nay không ai tin tôi, rồi đời sau đọa vào địa ngục để trả nợ, biết chừng nào cho xong. Bà hãy dẹp đi, đừng nói nữa.

Ðứng phắt dậy, ông bỏ vào phòng ngủ.

Lúc ấy đôi vợ chồng sinh được một mụn con trai chưa biết đi. Bà bèn lập mưu bế con vào phòng giận dỗi:

- Tôi với mình kết duyên với nhau hai thân như một, gặp việc dù đến chết cũng chẳng thể rời nhau và cũng chẳng lúc nào trái ý, huống nữa đây là một việc chẳng đáng kể, trọn quyền nắm trong tay mình, vậy mà tôi đã hết lời năn nỉ mà mình chẳng chiều tôi một chút, vậy mà tôi sống làm gì cho bận lòng mình, tôi giết con trước rồi sau tự sát cho xong đời tủi hổ này.

Quan bình sự nghe vợ nói quyết liệt như vậy, như nhát búa bổ vào đầu, nghẹn vổ họng, thầm nghĩ: “Ta chỉ có một mụn con, nếu chết rồi thì ai nối dòng gia thất, còn nếu chiều theo bà vợ oan nghiệt này thì trái pháp luật, làm điều xằng bậy, đời này bị phỉ nhổ, rồi đời sau chịu quả báo khổ muôn kiếp. Thật là một việc nan giải, từ chối cũng không được mà nhận lời cũng chẳng yên”. Cuối cùng buộc lòng ông phải đáp:

- Thôi bà cứ yên tâm.

Thấy chồng chấp nhận bà vui mừng, sáng hôm sau gặp người lái buôn, bà hớn hở nói:

- Mọi việc đều xong, quan lớn nhận lời rồi, ông khỏi lo.

- Thật cám ơn bà muôn vạn, quý hóa quá, nhờ bà tận tình giúp đỡ.

Sáng hôm sau người lái buôn thức dậy, mặc áo quần bảnh bao, đeo vòng vàng ngà ngọc, cưỡi ngựa đi vào chợ, cậu bé con trai Thi La Thế Chất thấy mình ông đeo vòng vàng, ngà ngọc thầm tưởng chắc ông ta mang đến trả nợ cho mình, nhưng một đỗi chẳng thấy ông nói gì hết và có vẻ làm lơ, cậu bèn chạy lại hỏi:

- Này người lái buôn, tiền nợ của cha tôi khi trước ông nên trả cho tôi đi chớ!

- Ô kìa, cậu bé, ai vay nợ cha cậu hồi nào?

- Ông quên rồi hả? Có quan bình sự làm chứng mà!

- Tôi không biết, cậu có muốn cứ trình quan.

- Vậy ông theo tôi.

Hai người bèn đi đến trước quan bình sự.

Hai người bèn đi đến trước quan bình sự.

- Thưa bác, ông lái buôn nầy ngày trước có vay tiền của cha con để đi buôn và khi ấy bác làm chứng, lúc ấy cũng có con nữa. Vậy mà bây giờ con đòi, ông nói chẳng có vay mượn chi cả. Xin bác giải quyết dùm con.

- Nầy cháu, bác có nghe nói gì đâu? Hay là cháu nhầm ai rồi! Thôi cháu nghe lời bác, hãy bỏ qua đi, đừng rầy rà nữa.

- Không, chính bác đã quên chứ cháu không có nhầm đâu, hôm đó bác có đưa tay chỉ và nói với cha cháu rằng: “Ðược rồi không sao đâu, chú cứ yên lòng cho họ vay, miễn họ đi về được yên lành thì tốt”. Vậy mà bây giờ bác bảo là không thấy, không nghe, không chỉ, không nói gì.

- Bác là người xử đoán công minh, luật pháp rõ ràng, lẽ nào bác lại ép cháu. Thôi cháu chớ có nhiều lời.

- Thưa bác, bác là người liêm chính, trung thực nhà Vua cử làm Quan bình sự, ai ai cũng tin dùng bác, còn tôi, tôi là cháu ruột của bác mà bác xử ngược lý như vậy thì người ngoài ra sao nữa, bác sẽ ép họ đến mức nào. Nhưng riêng cháu, cháu cũng chẳng biết điều phải lẽ trái như thế nào, thôi thì, đời sau sẽ rõ.

Thuyết giảng đến đây, Ðức Thế Tôn nhắc lại:

- Nầy Trưởng Giả, Quan bình sự thưở trước nay chính là Man Từ Lê Tử, chịu phải quả báo không tai mắt mũi lưỡi, bởi do một lời nói dối và giả bộ làm ngơ lúc đó, nhưng cũng vì hay giàu lòng bố thí nên được phước thọ sanh nhà giàu sang, phú quý và làm chủ một gia tài đồ sộ như thế.

Sự báo ứng thiện ác rõ ràng, hãy cẩn thận miệng lưỡi chớ nói càn mà mang họa.

GIỚI ÐỨC

Kiếp này nợ trả chưa xong

Làm chi thêm đỡ nợ chồng kiếp sau

Tai hại của sân hận 

Thuở xưa, tại thành Ba La Nại dưới quyền thống trị của Ðức Vua Ki Ta Va Sa, Ngài là một minh quân, thương yêu dân chúng như con ruột của mình.

Hiền nội của Ngài là một trang tuyệt sắc giai nhân, đủ tài cầm kỳ thi họa. Trong chuỗi ngày hạnh phúc trọn vẹn ấy, Hoàng Hậu thọ thai, thật là một tin lành khiến cho Hoàng gia và dân chúng vui mừng không sao tả xiết. Ðức Vua Ki Ta Va Sa vốn đã thương yêu Hoàng Hậu, bây giờ lại quý mến hơn, và hằng gia tăng lễ bái cầu nguyện thường xuyên hơn, tự thân Ngài chăm sóc từng miếng ăn thức uống của nàng, cho đến màn nệm gối loan thật êm ấm, thật tinh khiết. Một đoàn ngự y được lệnh túc trực bên Hoàng hậu để theo dõi sức khỏe, từng biến chuyển của Hoàng Hậu và thai nhi.

Thời gian thấm thoát trôi qua, ngày khai hoa nở nhụy đã đến, Ðức Vua Ki Ta Sa Va cùng Hoàng tộc hết sức đợi chờ, dân chúng Ba La Nại đều kéo về Hoàng Cung, hàng vạn dân chúng tụ tập quanh Hoàng thành để chờ đợi tin mừng, thời gian hình như lắng đọng. Khi tiếng loa tin Hoàng Hậu trổ sanh Hoàng Tử thì tiếng reo mừng của dân chúng vang trời dậy đất. Mọi người ôm nhau nhảy nhót hò hét như điên để biểu lộ niềm vui tột cùng ấy. Nhưng người sung sướng nhất hôm nay phải kể là Ðức Vua Ki Ta Sa Va. Ngài truyền lệnh dân chúng kết hoa ăn mừng, một đại tiệc được tổ chức sau đó, Hoàng Tử mới ra đời được chọn một tên thật đẹp là Ðút Tha Ku Ma Ra.

Một vị tiên tri đại tài được mời đến, sau khi quan sát Thái Tử nhiều lượt, nét mặt nhà tiên tri bỗng thoáng vẻ âu sầu. Ðức Vua liền phán hỏi:

- Khanh xem tướng Thái Tử như thế nào mà lộ vẻ lo âu như vậy?

- Vị tiên tri ngập ngừng:

- Tâu Hoàng Thượng… Tâu Hoàng Thượng…

Ðức Vua nóng lòng hỏi:

- Hoàng Tử thế nào? Khanh cứ trình bày, ta sốt ruột lắm!

Vị tiên tri đáp:

- Muôn tâu Bệ hạ, hạ thần không muốn vì một lời nói của mình làm suy giảm cuộc vui hôm nay.

Ðức Vua vội nói:

- Kể từ các vị Tiền Ðế dựng nước đến nay, dòng dõi của ta là một chủng tộc anh hùng, chỉ biết chiến thắng không hề biết chiến bại, ta và chủng tộc bao giờ củng nhìn thẳng vào sự thật, Khanh cứ tâu trình đi, đừng ngại chi cả.

- Muôn tâu Hoàng Thượng, sau nầy Hoàng Tử sẽ lìa đời một cách khổ sở lắm.

- Khổ sở đến mức nào?

- Kính tâu, Hoàng Tử sẽ lìa trần bởi khát nước.

Ðáp xong vị Tiên tri xin phép cáo từ, Ðức Vua cho tùy tùng đưa vị Tiên Tri đến nơi cư ngụ.

Vốn biết tài tiên đoán của vị Tiên Tri không bao giờ sai. Ðức Vua cho triệu tập bá quan một phiên họp khẩn cấp, tại Kim Loan điện. Hôm ấy, bầu không khí thật u buồn và nghiêm trọng. Ai ai cũng hiểu rằng, Hoàng Tử bây giờ không phải riêng của Ðức Vua và Hoàng tộc mà sinh mạng của Hoàng Tử bây giờ gắn liền với niềm hy vọng của toàn thể dân tộc này. Bá quan ai cũng thi nhau đưa những ý kiến hay nhất của mình. Cuối cùng một kế hoạch tỉ mỉ được thảo ra với niềm hy vọng lớn sẽ ngăn ngừa những điều tai hại xảy đến cho Hoàng Tử.

Một mặt Ðức Vua truyền lệnh cho đào giếng trong và ngoài thành, trữ nước bằng lu để trong các chòi lá rải rác theo dọc đường. Một mặt Vua ra lệnh cho các nơi gia tăng nguyện cầu mong được nhiều sự an lành đến cho Thái Tử. Nhưng than ôi! Nghiệp chướng của Hoàng Tử Ðút Tha Ku Ma Ra quá sâu dày, cho nên bây giờ dù muốn chuyển nghiệp cũng rất khó, những nghiệp ác đó đã tạo phải trả không sai vậy.

Thời gian thấm thoát trôi qua, Hoàng Tử Ðút Tha Ku Ma Ra lớn dần trong sự vui mừng của Ðức Vua, Hoàng Hậu cùng Hoàng tộc, nhưng ai cũng lo lắng không hiểu đại họa chừng nào sẽ đến cho Hoàng Tử.

Càng lớn lên Ðút Tha Ku Ma Ra cũng tỏ ra thông minh đĩnh ngộ, văn võ song toàn, nhưng trước sự nuông chiều của Ðức Vua cùng Hoàng Hậu và sự kính trọng của mọi người, lòng kiêu hãnh cũng lớn dần theo thời gian. Bao giờ Ðút Tha Ku Ma Ra cũng nghĩ rằng ngoại trừ phụ vương và mẫu hậu, ai ai cũng phải cúi đầu trước mặt chàng.

Cách kinh thành Ba La Nại không xa, một khu lâm viên tươi tốt, thú rừng rất nhiều. Dân chúng không được phép bén mảng đến đấy, khu lâm viên này chỉ dành cho Hoàng tộc, Hoàng Tử Ðút Tha Ku Ma Ra rất thường đến đây tha hồ bắn giết không một chút nương tay. Trong xứ ấy dân chúng rất tôn trọng những nơi tu hành này. Các vị tu sĩ kể từ các triều đại trước, những ngôi tu viện luôn luôn được nhà Vua xây dựng và bảo hộ, những vị tu sĩ luôn luôn được tôn trọng, vì họ hiểu rằng có như thế các vị Thánh nhân mới đủ cơ duyên ra đời, bởi một nước nào nơi tôn thờ được giữ gìn có các vị Thánh nhân xuất hiện, xứ ấy sẽ hưởng thanh bình an lạc, mưa gió thuận hòa, thiên tai sẽ không đến, và triều đại sẽ rất bền vững.

Một hôm Hoàng Tử Ðút Tha Ku Ma Ra cùng đoàn tùy tùng đến khu lâm viên săn bắn, Ðút Tha Ku Ma Ra rất thích khu rừng này vì nơi đây có đủ muông thú để thỏa mãn lòng hiếu sát của chàng.

Ngược chiều với đoàn xa giá, một vị Phật Ðộc Giác lặng lẽ ôm bát vào thành khất thực, trước vẻ trang nghiêm và oai nghe tế hạnh của vị Bích Chi Phật, những tư tưởng an lành của ngài luôn luôn phát tiết, khiến mọi người khi nhìn Ngài cảm thấy hoan hỷ lạ thường. Không ai bảo ai, đoàn tùy tùng đồng loạt chắp tay cung kính hướng về Ðức Phật Ðộc Giác đảnh lễ.

Hoàng Tử Ðút Tha Ku Ma Ra thấy thế, lòng sân hận nổi lên như thác lũ, nghĩ rằng bọn tùy tùng ấy chỉ được phép cúi đầu trước mặt mình mà thôi, bây giờ trong khi đi vời mình mà ngang nhiên cúi đầu trước lão tu sĩ này.

Nhanh nhẹn rời lưng voi, tiến đến trước mặt Ðức Phật Ðộc Giác giựt lấy bình bát trên tay Ngài quăng xuống đất rồi dẫm lên cho bể. Ðoàn tùy tùng kinh ngạc lẫn hãi hùng trước hành động quá ngông cuồng của Thái Tử nên không ai kịp can gián điều gì.

Với lòng bi mẫn, nghĩ rằng hành động tội lỗi vĩ đại như thế sẽ gây nhiều thảm họa cho kiếp hiện tại và kiếp vị lai, nên Ðức Phật Ðộc Giác nhìn Hoàng Tử với đôi mắt từ bi vô lượng.

Không một chút hối hận ăn năn, Thái Tử cất lên một chuỗi cười ngạo nghễ và khiêu khích:

- Này lão Sa môn kia, ông biết tôi là ai không?

- Ðức Phật Ðộc Giác vẫn yên lặng.

Hoàng Tử nói tiếp:

- Ta là Hoàng Tử Ðút Tha Ku Ma Ra con của Ki Ta Va Sa đây.

Vị Ðộc Giác Phật vẫn lặng yên không nói gì, Ðút Tha Ku Ma Ra thao thao bất tuyệt:

- Lão có giận ta không? Lão hãy mở mắt nhìn ta cho kỹ. Xem bộ dạng ông như thế mà dám làm gì ai.

Ðức Phật Ðộc Giác vẫn thản nhiên yên lặng, Ngài đành chịu đói và vận thần thông bay về núi Nam Dra Mu Ha Ka.

Không còn hứng thú trong việc đi săn đó nữa, Hoàng Tử truyền lệnh cho đoàn tùy tùng trở lại hoàng cung. Ðoàn tùy tùng nặng nề luy bước, ai ai cũng lo sợ vì nghiệp dữ quá nặng nề mà Hoàng Tử mới tạo.

Trên đường về, Hoàng Tử bỗng cảm thấy nói năng lạ thường, sức nóng ngày càng tăng, cảm thấy khát nước. Hoàng Tử truyền lệnh cho đoàn tùy tùng tìm nước uống, nhưng do nghiệp lực quá nặng nề khiến hồ ao giếng đều khô cạn, đoàn tùy tùng tìm mãi không được một giọt nước nào, trong khi ấy Hoàng Tử đang lăn lộn la hét:

- Nước! Nước! Hãy cho ta uống nước. Ôi! Khát nước quá! Có lẽ ta chết mất!

Dù tận tâm tận lực, đoàn tùy tùng vẫn không tìm ra chút nước nào, thậm chí đến một giọt cũng không có.

Chịu khát không nổi, Ðút Tha Ku Ma Ra quằn quại khổ sở, cuối cùng trút linh hồn.

Sau khi lìa trần, linh hồn Hoàng Tử bị đọa vào địa ngục A Tỳ chịu khổ không sao tả xiết.

GIỚI ÐỨC

Giận lên là phát cơn điên

Người khôn hóa dại, người hiền hóa ngu.

Tai hại của lòng tham

Thời Ðức Phật còn tại thế, một hôm Ngài cùng A Nan đi du hóa tại một vùng quê, Ðức Phật đang đi trên đường bỗng Ngài bước đi bên bờ cỏ. A Nan ngạc nhiên, tự nghĩ: “Ðức Thế Tôn không bao giờ đi dậm trên cỏ non, vì lý do nào hôm nay Ngài không đi trên đường mà lại đi trên cỏ”. Nghĩ thế A Nan bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn không đi trên đường mà lại tránh đi trên cỏ?

- Này A Nan, phía trước có kẻ giặc, sau ta có ba Phạm Chí đang đi, họ sẽ gặp giặc đó.

Ba người Phạm Chí đang đi bỗng thấy bên đường có một gói vàng bèn dừng lại lấy bỏ túi.

Khi được của, ba anh mới bàn tính, rồi bảo một người đến chợ mua đồ về ăn uống no say, khao nhau một bữa.

Anh đi chợ vừa đi vừa nghĩ: “Gói vàng ấy nếu chia cho hai anh kia thì ta sẽ ít đi, chi bằng nhân lúc này ta cho thuốc độc vào đồ ăn để giết cả hai người kia thì số vàng đó do ta hưởng trọn”. Nghĩ thế, anh liền thực hành ngay ý định.

Trong khi đó, hai người ở lại cũng cùng nhau bàn tính:

“Nếu chúng ta chia cho người kia thì số vàng sẽ bị ít đi, chi bằng đợi nó về rồi cả hai cùng ra giết quách là xong”. Nghĩ vậy hai người cùng núp vào chỗ kín, chờ người kia đi chợ mua đồ ăn về, liền nhảy ra giết chết. Giết xong, hai người đem đồ ăn ra, ăn uống, no say thỏa mãn, nhưng khi ăn xong thuốc độc thấm vào người, liền lăn đùng ra đất chết hết.

Ðức Phật bảo A Nan:

- Cả ba người vì lòng tham nên sanh ác tâm để rồi cùng giết hại lẫn nhau. Kẻ ngu si thật đáng thương.

GIỚI ÐỨC

Khi lòng tham đã xâm nhập con người thì họ quên mất đạo đức ở đời này và quả báo ở đời sau.

Trì giới thanh tịnh 

Xưa tại núi Trung Nhạc có thầy Tỳ kheo Nguyên Khuê hằng ngày ngồi dưới gốc cây trong chốn rừng sâu u tịch để nhập định. Thầy đã giữ giới rất thanh tịnh trong tâm tư đã không, ngoài cảnh được tịnh nên mới chứng được Pháp Hoa Tam Muội. Công phu tu luyện của Thầy đã khiến Thầy nhận thấy tâm Thầy với Phật đã đối hiệp, thân với Ðạo đã cảm thông.

Thần linh các cõi đều cảm phục công đức Thầy và rải hoa Mạn Ðà La xuống để dâng cúng.

Một buổi nọ, trăng thanh gió mát, Tỳ kheo Nguyên Khuê tụng niệm vừa xong, bỗng thấy có một người tướng mạo oai vệ đứng bên mình, Thầy vui vẻ cất tiếng hỏi:

- Nhân giả là ai vậy? Người đến với tôi đàm đạo chơi hay có điều chi cần thiết?

Khách đáp rằng:

- Tôi là Thần Nhạc Ðế ở núi này, thấy Thầy trì giới thanh tịnh nên hết lòng cảm phục. Nay tôi đến cầu xin Thầy mở lòng từ bi truyền giới cho tôi được tu tập, vì giới Pháp của Ðức Phật sẽ hóa độ tất cả chúng sanh vượt ra ngoài sông mê bể khổ.

Tu sĩ đáp:

- Nhân giả đã thành tâm cầu giới thì ắt được, hà tất còn xin ta truyền giới làm chi vì giới tự trong tâm mà ra chứ đâu phải tự ngoài tâm mà tới.

Nhạc Ðế khẩn khoản thêm:

- Lời Thầy dạy đó hẳn là tâm lý giới. Tôi còn mê muội chưa thấu suốt được xin Thầy truyền giới cho tôi, tôi tập hành theo sự tướng để ngộ nhập lý tánh.

Tỳ kheo bèn lên điện thắp đèn đốt hương kính cẩn lễ Phật và ngồi lại nghiêm trang thuyết thần Nhạc Ðế:

- Năm giới rất khó giữ gìn cho được thanh tịnh viên mãn. Khi kể các giới, nhân giả phải suy nghĩ cho kỹ, liệu giữ được giới nào thì thọ giới ấy, bằng không giữ được thì thôi chớ đừng nên nói giữ được mà sau lại hủy phạm. Như thế thọ giới đã chẳng được công quả gì mà còn thêm mắc tội “pháp giới”.

Vị thần kính cẩn thưa lại:

- Tôi xin vâng theo lời dạy của Thầy.

Thầy Nguyên Khuê lại nói:

- Giới thứ nhất: Phật cấm sát sanh, không cho giết hại thần mạng các giống hữu tình dù nhỏ mọn như loài sâu kiến, liệu ngươi có giữ được chăng?

Nhạc Ðế đáp:

- Tôi lãnh nhận nhiệm vụ sát hại kẻ hung ác để răn đời. Nếu bỏ việc ấy tôi sẽ không làm tròn bổn phận.

Giới sư nói:

-Không phải thế, ta muốn ngươi lưu ý đến những kẻ vô tình không cố tâm phạm tội mà trót lỡ lầm phạm phải thì hãy nên châm chước và những án nào mà ngươi còn nghi ngờ thì hãy xét lại tận tường rồi mới ra tay thi hành để tránh giết oan người vô tội.

Nhạc Ðế nghe xong nhận xin thụ giới thứ nhất.

Giới sư lại tiếp:

- Giới thứ hai Phật cấm trộm cắp, không cho phép giữ lấy vật gì không thuộc quyền sở hữu của mình, dù là vật mọn không đáng là bao như ngọn cỏ cành rau nếu người không cho, ta không được phép lấy. Nhân giả nghĩ thế nào?

Nhạc Ðế nói:

- Tôi làm Thần linh, ngay thẳng lắm không hề trộm cắp của ai.

- Ý ta muốn bảo nhân giả đừng hưởng lễ của kẻ ác mà tha thứ nó, cũng chớ nên trách người lương thiện không hay cúng dường mà chẳng độ trì.

Nhạc Ðế nhận giữ một lòng vô tư, làm tròn phận sự đúng như lời Giới sư chỉ bảo.

Giới sư lại tiếp:

- Giới thứ ba, Phật cấm phạm dâm, liệu ngươi có giữ được chăng?

Nhạc Ðế ngẫm nghĩ rồi thưa:

- Tôi lỡ đã có vợ rồi, biết làm sao giải được.

- Ðược, điều đó không sao, nhân giả có vợ nhưng phải gìn giữ cho có tiết độ, ngoài ra không được gian dâm với vợ người hoặc con em người.

Nhạc Ðế nhận mình chuyên trừng trị nghiêm khắc những kẻ tà dâm, sẽ không phạm giới ấy.

Ðến đây, Giới sư lại tiếp:

- Thứ tư là Phật cấm nói vọng: Không nói dối trá, không nói hai lời, không nói bóng bẩy xa xôi, không nói lời gian ác, nhân giả giữ được hay không?

- Tôi chánh trực công minh không bao giờ nói vọng.

Giới sư nói:

- Như thế chưa đủ, ta muốn nhân giả trước khi nói điều gì phải suy nghĩ chín chắn, coi lời nói có đúng với chân lý hay không. Lời nói là vô cùng quan hệ nhất là đối với người quyền thế, có thể làm cho kẽ khác nên cửa nên nhà hoặc tán thân mất nghiệp.

- Tôi xin tuân lời Thầy.

Giới sư tiếp:

- Giới thứ năm Phật cấm uống rượu, nghĩa là các chất làm say người.

- Rượu là vật đứng đầu trong các lễ vật cúng tế của người thế gian, thiếu nó thì không ra lễ.

Giới sư ngắt lời:

- Như thế có thể châm chước cho nhân giả được dùng chút ít trong dịp đại lễ. Ngoài ra không nên nhận những buổi tiểu lễ và lai rai uống mãi vì uống nhiều mê say đến mất trí khôn, làm hỏng các công việc. Còn khi nào người ta cùng mà lỡ thiếu rượu thì đừng vịn câu “Vô tửu bất thành lễ” mà trách phạt hay không chứng cho người.

Nhạc Ðế nguyện xin tuân theo giới tửu trong điều kiện ấy. Giới sư giảng giải thêm:

- Năm giới tôi vừa kể là năm giới gốc làm căn bản cho mọi giới, phàm hễ trì giới thì phải biết kinh quyền, biến thông chớ không thể câu nệ chấp nhất.

Nhạc Ðế từ khi thọ giới hết sức vui mừng ra công gìn giữ. Có lần Nhạc Ðế quá hào hứng thốt với Giới Sư rằng:

- Thưa Thầy, từ khi trì giới đến nay, Thần thông của tôi rất là diệu dụng, chỉ kém có Ðức Phật mà thôi.

Tỳ kheo vội bảo:

- Nhân giả thọ giới thứ tư “Không vọng ngữ” mà đã vội quên. Trước khi nói lời gì phải suy nghĩ chín chắn xem có đúng hay không rồi sẽ nói, thế mà ngươi cao hứng quá nói ra như thế nên phạm tội nói dối. Vì người tuy làm thần, có phép biến hóa nhưng còn năm việc chưa làm nổi.

Thứ nhất là ngươi không thể trái lệnh bề trên cai trị ngươi.

Thứ hai ngươi không thể đi bảy bước từ phương Ðông sang phương Tây, hay từ phương Bắc xuống phương Nam.

Thứ ba là ngươi chưa đủ sức cai quản tất cả chư vị bách linh và thống lãnh hết quyền chánh trong Tòa Ngũ Nhạc.

Thứ tư ngươi không thề chuyển đi được bốn biển.

Thứ năm ngươi không thể trốn khỏi luật vô thường.

Chính Ðức Phật là bậc vô thượng Chí Tôn của Tam giới còn nhận rằng Ngài có ba điều chưa làm được thay.

-Thứ nhất Ngài không thể diệt ngay được định nghiệp.

-Thứ hai tuy Ngài biết rõ được tất cả nghiệp tánh của chúng sanh với nhân quả muôn kiếp ngàn đời của họ, nhưng Ngài không thể cứu độ được những chúng sanh vô duyên với Phật.

- Thứ ba là tuy Ngài hóa độ được vô lượng, vô biên, vô số chúng sanh nhưng Ngài cũng không độ được hết thế giới chúng sanh.

Vậy khuyên ngươi nên ngẫm điều đó mà từ đây cố gình giữ lời ăn tiếng nói kẻo mắc lấy khẩu nghiệp.

Thần Nhạc Ðế cúi lễ Giới Sư nguyện sám hối và thưa rằng:

- Tôi nhờ Thầy chỉ dạy lý huyền của Ðạo vô thường như kẻ đi đêm được nhờ ánh sang soi đường. Thật là một điều duyên phúc lớn vậy. Từ nay tôi xin tình nguyện hiến dâng này để Thấy sai khiến gọi là đền đáp ân nghĩa.

Thầy Nguyên Khuê vội chối từ:

- Bấy lâu nay trong tâm ta đã rỗng không mà ngoài cảnh ta vẫn tịch, ta còn mong mỏi gì hơn mà nói đến ân nghĩa.

Nhạc Ðến thưa:

- Ðức Phật còn hoan hỷ cho Chư Thiên Bát Bộ hộ pháp Ngài, nay mặc dù Thầy không lưu tâm đến chuyện đền ân trả nghĩa nên lòng tôi phát nguyện muốn để lại chút kỉ niệm với Thầy trong cảnh Già lam.

Giới Sư mỉm cười và sau đó Thần Nhạc Ðế dùng phép thần thông biến nơi am cỏ của Tỳ kheo thành một nơi đầy hoa lá tốt tươi, hương thơm bóng mát, phong cảnh thật là thanh khiết u tịnh để đền ơn vị giới sư đã giác ngộ mình…

Trích NIÊN LỊCH P.G

Giới luật còn đạo pháp còn.

Phật xử kiện 

Có một người đàn bà bồng một đứa bé đến hồ sen của Ðức Mahasadha để rửa tay cho nó. Sau khi rửa rái cho con và để con ngồi trên đống áo quần khô, người đàn bà ấy xuống hồ tắm rửa.

Lúc bấy giờ, một con quỷ Dạ Xoa cái trông thấy và thèm ăn thịt đứa bé. Nó liền biến thành một người đàn bà và đến nói với mẹ đứa bé rằng:

- Chị ơi, thằng nhỏ dễ thương quá! Phải con chị không?

- Vâng con tôi đấy.

- Tôi cho nó bú nhé?

- Ðược, chị cứ cho.

Lúc ấy con quỷ ẵm đứa bé lên, nâng niu rồi bồng đi mất.

Trông thấy con mình bị người lạ mặt bồng đi, mẹ đứa bé đuổi theo và la lên:

- Chị, chị đem con tôi đi đâu đấy?

- Sao, con chị à? Ðây là con của tôi.

Hai người đàn bà tranh chấp nhau về đứa bé.

Từ trong nhà nghe tiếng cãi cọ ồn ào, Ðức Mahosadha gọi họ và hỏi:

- Có chuyện gì xảy ra đấy?

Sau khi biết được lý do của cuộc tranh chấp và nhận ra con quỷ Dạ Xoa cái qua đôi mắt đỏ ngầu và thân hình không in bóng của nó, Ðức Mahosadha hỏi thêm:

- Các ngươi có muốn ta phân xử việc này không?

- Xin Ngài phân xử cho.

Ðức Mahosadha gạch một đường thẳng trên mặt đất, đặt đứa bé nằm cân phân trên đường thẳng ấy và bảo con quỷ cầm hai tay đứa bé, mẹ nó cầm hai chân đoạn Ngài hô lên:

- Hai người kéo đi. Ðứa bé sẽ thuộc về người kéo được nó.

Hai người đàn bà nong sức kéo, đứa bé đau quá ré lên khóc.

Mẹ đứa bé, vì quá thương con, không kéo được nữa và đứng khóc.

Ðức Mahosadha hỏi mọi người chung quanh:

- Trong hai người, mẹ ruột và người dưng, ai là kẻ thương yêu đứa bé?

- Kính thưa Ngài, mẹ ruột.

Và ai là người mẹ của đứa bé? Người giữ đứa bé hay là người thả đứa bé?

- Kính Bạch Ngài, người thả đứa bé.

- Các ngươi có biết người ăn cắp đứa bé này không?

- Kính Ngài, chúng con không biết được.

- Ðấy chính là một con quỷ Dạ Xoa cái, nó đã ăn cắp và định ăn thịt đứa bé.

- Kính Bạch Ngài, tại sao Ngài biết?

- Bởi vì đôi mắt của nó đỏ ngầu, thân hình của nó không có bóng, nó không có một chút tình thương đối với đứa bé và kéo đứa bé một cách tàn nhẫn.

Bấy giờ Ðức Mahosadha mới hỏi con quỷ Dạ xoa cái:

- Mầy là ai?

- Tôi là quỷ Dạ Xoa.

- Tại sao mầy ăn cắp đứa bé?

- Ðể ăn thịt nó.

- Vì mê muội, kiếp trước mầy đã phạm nhiều tội ác và phải đầu thai làm quỷ. Thế mà ngày nay mầy vẫn tiếp tục phạm tội ác. Ngu si lầm lạc như thế thật là quá đỗi.

Sau khi ban dạy những lời vàng ngọc trên, Ðức Mahosadha quy y cho con quỷ Dạ Xoa trước khi nó từ giã.

Mẹ của đứa bé hướng về Ðức Mahosadha và bạch rằng:

- Kính Bạch Ngài, con xin kính chúc Ngài được trường thọ.

Rồi với đứa con trong tay và niềm hoan hỷ trong lòng, người đàn bà bái biệt Ðức Mahosadha…

THIỆN CHÂU

Không bố thí tiền của, không bố thí pháp, không bố thí vô úy, thường ôm lòng tham lam ganh ghét, do nhân duyên ấy sẽ sanh vào cõi ngạ quỷ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/10/2018(Xem: 3908)
Một cú điện thoại gọi đến vào giấc trưa im ắng đã làm cả nhóm sinh viên chúng tôi giật bắn cả người. Thằng Tiên, trưởng nhóm gia sư, vồ lấy điện thoại với vẻ mặt háo hức. Tiếng đầu dây bên kia: “A lô, xin lỗi … có phải nhóm gia sư trường Đại học Nha Trang không ạ?” “Dạ phải! Dạ phải!”, thằng Tiên vừa đáp vừa nheo mắt nhìn chúng tôi. “À, tôi cần một gia sư thật gấp!” “Kèm lớp mấy ạ? Môn gì ạ?” “Lớp 5, môn Toán. Con tôi nó thích học cô giáo, có cô không?”
19/10/2018(Xem: 12784)
Ở Ba La Nại xa xưa Trị vì là một vị vua lâu đời Vua sinh ra một con trai Lớn lên độc ác ít ai sánh cùng Kiêu căng, bạo ngược, tàn hung Khiến người hầu cận, tùy tùng không ưa
18/10/2018(Xem: 4933)
Giữa tháng 11 năm 2007, khi tôi đang nhập chúng, An Cư Kiết Đông tại Làng Mai, Pháp quốc, chờ được thọ giới Sa-Di-Ni trong Đại Giới Đàn Thanh Lương Địa, thì gia đình gửi điện sang, cho biết đã tìm được một chỗ khá tươm tất theo nhu cầu và khả năng của tôi, nhưng phải trả lời ngay trong vòng 24 tiếng!
14/10/2018(Xem: 4082)
Sức chịu đựng của tôi thuộc loại ghê gớm lắm. Tôi có được, luyện được sức chịu đựng ấy là nhờ học từ chữ Nhẫn của đạo Phật. Nhẫn là chiến thắng. Nhẫn là thành công. Nhịn nhường là bản lĩnh, là dũng cảm. Nhịn nhường là cao thượng, là bao dung. Tôi đã từng ngồi im cả tiếng đồng hồ để lắng nghe bà chị Hai chửi vì cái tội coi lén nhật ký của bả.
10/10/2018(Xem: 4567)
Một bệnh nhân vào phòng mạch, khám bệnh. Bác sĩ niềm nở : - Bạn có khỏe không ? Đó là câu nói đầu môi chót lưỡi rất ư là lịch sự mỗi lần gặp nhau để thay cho lời chào hỏi thường ngày của mọi người ở cái xứ sở đầy ắp văn minh này. Riết rồi thành thói quen.
10/10/2018(Xem: 5596)
Trời đã vào thu rồi mà nắng vẫn còn ấm, những đợt nắng trong veo như mật ong rải ánh vàng long lanh trên ngàn cây nội cỏ. Tôi lại nhớ những ngày thu ở Huế, dù chỉ là mùa thu mà trời đầy mưa bụi bay bay và gió lạnh run rẩy khi đạp xe qua cầu Tràng Tiền thời đi học. Nỗi nhớ như sợi tơ trời lãng đãng, vật vờ bay lượn giữa hư vô chợt sà xuống vướng mắc nơi góc vườn kỷ niệm.
09/10/2018(Xem: 5011)
“Định mệnh không là Định mệnh”, lấy theo tựa đề của một độc giả, người tôi chưa từng quen biết và cũng là lần đầu tiên đọc tác phẩm “Người tình định mệnh” của Hoa Lan. Cám ơn người đọc này đã khai ngộ cho tôi, chợt nhớ rằng trong đạo Phật không có chữ “Định mệnh” mà chỉ có “Định nghiệp”. Gây nghiệp nào sẽ từ từ xuất hiện nghiệp ấy liền tay. Một dạng của nhân quả!
09/10/2018(Xem: 3686)
Thăm người nghèo, sống một mình và cô đơn ở Frankfurt, Đức Tôi đến châu Âu nhiều lần và nhất là Đức. Tôi yêu Đức và thấy đây là quốc gia rất phát triển, rất văn minh. Đồ dùng của Đức thì quá tuyệt vời. Ở Pháp còn thấy nhiều người nghèo, kể cả lừa đảo. Ở Ý còn thấy trộm cắp. Ở Bỉ thấy kẻ xấu, móc túi… Nhưng ở Đức thật sự thấy văn minh và bất cứ dùng thứ gì ở Đức cũng luôn rất yên tâm.
06/10/2018(Xem: 5990)
Ngày nay, cảnh khổ bàng bạc khắp muôn nơi, vì chiến tranh, xung đột, thiên tai do tham sân si, đố kỵ, hơn thua, được mất của biết bao nhiêu phàm nhân trong thế giới vật chất khắc nghiệt xô bồ khó chịu này mà ra. Nhan nhản người khốn khó đang ngày đêm trông chờ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân bằng tịnh vật và tịnh tài để sống qua cơn bỉ cực. Nếu trong hoàn cảnh bỉ cực này của tha nhân, những ai có lòng từ mẫn chân thành chia sẻ tịnh tài hay tịnh vật dù ít dù nhiều tùy khả năng, thì việc bố thí nầy được xem như là Quảng Đại Tài Thí, như đã được Như Lai dạy trong Trung Bộ Kinh – 142: Phân Biệt Cúng Dường (Pali) như sau:
02/10/2018(Xem: 3947)
Tại nơi tịnh xá Trúc Lâm Thành Ba La Nại, mùa Xuân đã về Đất trời tĩnh lặng bốn bề Muôn hoa phô sắc sum suê trên cành Đàn chim vui hót lượn quanh Hương xuân phảng phất bên mành ngất ngây. Thế Tôn an tọa nơi đây Nhưng nhìn thấy cảnh đọa đầy phương xa
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com