Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện Cổ phần 06

18/10/201319:23(Xem: 3693)
Truyện Cổ phần 06

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 1
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 06

26/ Tình thương và thù hận
27/ Lòng ngưỡng mộ Phật Pháp của vua A Dục
28/ Tịnh xá Kỳ Hoàn
29/ Hoàng tử hiếu thảo
30/ Công đức sám hối

Tình Thương và Cừu Hận

Trường Thọ Vương ngước nhìn ra trời đêm mù mịt. Kinh thành Ba Diệp đang ngập trong bóng tốt nặng nề. Ngoài xa, có le lói ánh lửa chắc quân thù đã hạ trại khi trời chiều, ở đồi bên kia.

Ngày mai!… Vâng, ngày mai nếu cứ tình trạng này thì cũng đến đánh nhau to. Không lẽ thành kia vấy máu, hồ kia ngập xác người, máu thấm đất cày đã hút nhiều mồ hôi lao động? Ai thích nghe chi những tiếng ngầm gào say máu, tiếng khóc than trên trận địa?

Càng nghĩ Vương càng thấy ruột rối bời. Lời khuyên nhủ của vị trung thần còn văng vẳng.

Bệ hạ không lý do chậm trễ. Giờ phút hưng vong của nước nhà là đây. Chúng ta không thiếu người tài giỏi. Ðội ngũ đã sẵn sàng, xin Ngài mau ra lệnh tiến binh.

Vương thấy ngao ngán vô cùng. Suốt đời làm vua, Trường Thọ Vương không bao giờ dùng thanh gươm nhọn để trị nước. Bằng đức độ và tình thương, Vương đã đem đến cho nhân dân cuộc sống yên lành. Nhưng cũng vì thế mà binh không hùng, tướng không mạnh. Vương có bao giờ nghĩ đến việc chinh phạt ai? Nhược điểm đó đã bị Phiên vương, một chư hầu nhòm ngó, rồi nảy ra ý tranh đoạt ngai vàng.

Bây giờ biết tính làm sao? Xuất binh ư? Chắc gì đã thắng? Mà nếu thắng thì cũng chỉ là giết người, có gì vui sướng. Gây chiến chinh thì làm sao tránh được cảnh mẹ già khóc con, vợ trẻ mõi mắt chờ chồng và những em bé ngây thơ ôi chúng có tội tình gì đâu mà bắt chúng phải mồ côi, phải sống cuộc sống không tình thương và đói lạnh.

Mà để làm chi nếu không phải bảo vệ một ngai vàng vô nghĩ lý? Vương lắc đầu chán ngán: “Không thể được, ta không tham cái của phù hư đó. Các ngươi cứ việc giành nhau. Ta sẽ đi tìm một cái gì nhân loại hơn đạo đức hơn”.

Vương đứng dậy, mắt sáng ngời quyết định. Ngài bước lần về phía hậu cung, phòng Thái tử vẫn còn ánh sáng. Qua những phòng cung nga Vương khẽ thở dài khi nhìn họ đang mê mệt ngủ. Họ đâu biết ngày mai có sự đổi chủ thay Thầy.

Ðây là phòng Thái tử Trường Sanh Thái tử gục đầu xuống bàn, một ngọn nến lập lòe bên cạnh. Ðứa con nhỏ hiếu học ấy là nguồn hy vọng và vui sống độc nhất của nhà Vua từ ngày Hoàng hậu chết giữa tuổi xuân. Vương sờ nhẹ trán con bằng một cử chỉ thương mến. Thái tử chợt tỉnh, ngỡ ngàng trong cái quỳ lạy đón chào. Vương nói với con:

- Con ơi! Phiên vương kéo quân đến cướp ngôi báu. Cha không muốn chỉ vì một ngai vàng nhỏ mọn mà nhân dân hai nước phải khổ đau. Hãy nhượng ngai vàng cho họ, cha con ta lên rừng tìm Ðạo.

Thái tử chợt hiểu. Ðôi mắt xanh biếc bỗng xoe tròn hai hàng lệ ngọc. Chàng nắm lấy tay cha như tìm nguồn an ủi. Thôi từ nay vĩnh biệt hoàng cung!…

Ðêm ấy, theo hướng sao đêm có hai người dắt nhau vào núi.

Thế rồi dưới gốc cây già. Trường Thọ Vương cùng con tu luyện. Ồn ào của thế nhân chỉ còn văng vẳng phía bên kia đồi. Bụi đời mờ mịt nhân gian đã lắng yên trong người tu ẩn. Thái tử thường vào núi hái hoa quả cúng dường cha.

Hôm ấy chàng đi vắng. Trường Thọ Vương thiền định một mình. Bỗng giật mình vì một tiếng reo vui: “A! Chính Vua đây rồi!…” Một người ốm o hiện từ lùm dứa lại. Y nói:

- Kinh thành đã bị chiếm. Một số trung thần tử tiết. Phần lớn trở về vui thú đoàn viên. Phiên vương ra lệnh tầm nã Ngài rất dữ. Nhân dân rất nhọc nhằn không hiểu cái họa ấy đến bao giờ mới hết. Ngài thấy không, tôi đã đi khắp nơi trong nước. Hôm nay tình cờ gặp được, còn chi vui sướng bằng.

Vương hỏi như rên lên vì đau đớn:

- Vì ta trốn dân phải nhọc nhằn đày đọa?

- Vâng, Phiên vương đã đánh đập tra khảo biết bao nhiêu người vì nghi họ chứa Ngài. Phiên vương còn treo giải cho ai bắt được.

Y nắm lấy tay Trường Thọ:

- Ngài hãy đi theo tôi về triều để tôi nạp lấy thưởng.

Vương rẫy mạnh, tên tay sai của Phiên vương gần ngã dụi. Nhưng Vương nghĩ: “Không lẽ ta để cho dân chúng phải đọa đày? Ta đã nguyện hy sinh tất cả để cứu đời. Mà thân mạng này rồi cũng có ngày tan rã. Phải cứu lấy nhân dân!” Vương đến để hai tay xuống vai người định bắt mình:

- Người ạ, nếu người bắt ta, nhân dân đỡ lo sợ, người có thể sung sướng ta nào tiếc chi.

Nhớ đến con, Vương khắc lên thân cây già một dòng chữ: “Cha đã bị bắt đưa vào kinh đô. Con ở lại tiếp tục tìm Ðạo”. Rồi nắm lấy tay y, Vương thúc giục: “Thôi ta đi”.

Hắn làm sao hiểu được tâm trạng của nhà Vua khi hắn chưa quan niệm rồi những con người xả thân cứu thế. Những con chim rừng thường hót líu lo chúc tụng đời giác ngộ nay reo gọi não nề…

Trường Sanh ôm giỏ hoa quả trở về thì còn đâu Từ phụ? Chàng tìm khắp nơi, gọi đến vang rừng cũng không một lời đáp lại. Tiếng tử quí buồn hiu hiu. Tình cờ đọc dòng chữ cha để lại, chàng ôm mặt khóc. Ôi đời có thể tàn bạo đến thế kia ư? Dù ở rừng sâu núi thẳm con người vẫn không được sống yên lành?

Theo đường cũ chàng lần về kinh thành Ba Diệp. Chính hôm đó, Trường Thọ Vương bị đưa lên giàn hỏa. Phiên vương đã đoạn tình khi xử tử một đấng vua hiền. Dân chúng bao nghẹt lấy giàn hỏa có những đôi mắt rơm rớm lệ. Họ đã khóc, thương một mạng sống lìa đời, tiếc một người cầm quyền đôn hậu.

Thái tử len lỏi đến tận giàn hỏa. Chàng lấy tay làm hiệu để cha biết đang có mình ở đây. Vừa lúc ấy, lính châm lửa vào giàn. Lửa bùng bùng bốc cháy. những ngòi lửa đỏ lòm lập lòa liếm quanh người Trường Thọ Vương như đang còn nếm thử. Thái tử bỗng giựt mình: Phụ vương đã thấy mặt con. Mắt Thái tử như đổ đồng tử. Nhưng tia lửa trên giàn hỏa kia liệu có rực đỏ bằng những tia lửa căm hờn trong mắt chàng thiếu niên ấy? Môi chàng mím lại, lúng búng một tiếng thét bị dằn vào trong: “Cha ơi! Con sẽ trả thù! Con phải trả thù! Trả thù cho cha!”.

Lửa bắt đầu cháy mạnh. Trường Thọ Vương muốn nói với con đôi lời trăn trối. Người ngửa mặt lên trời để tránh sự nghi kỵ của đám tay sai Phiên vương. Người kếu lớn:

- Trường Sanh con! Hãy tưới tình thương và đức độ xuống hận cừu. Ðừng bao giờ dùng gươm giáo để trả lời gươm giáo. Hãy sống cuộc đời Chư Phật, hỷ xả, từ bi…

Dàn lửa rừng rực, rừng rực. Lửa như reo hát, múa men. Những lời cuối cùng ấy bị tiếng lửa át mất. Thái tử mình trân trối và đau đớn vô cùng. Mắt cha hiền nhìn chàng tồi nhắm lại. Mùi khét lại bắt đầu lan xa…

Thái tử ngất đi trong đau thương cùng tận. Chàng đã thổ huyết đến 5 lần. Tuổi mười bốn ấy sớm chứng kiến những đau khổ của đời nên trở thành già dặn. Chàng bỏ vào rừng để nguôi ngoai tâm sự. Nhưng cứ một bước đi, một cái nhìn, hình ảnh cha hiện trên giàn hỏa rừng rực cháy cứ hiện ra như thục giục tăng trưởng ý chí phục thù. Chàng nghĩ:

- Nó đã giết cha ta. Nó đã cướp giang sơn ta. Phải lấy máu kẻ thù rửa hận. Giết! Giết!

Sương nắng của núi rừng rèn luyện thêm lòng chàng. Ðói rét của cuộc đời lang thang thử thách con người chí khí. Thái tử đã quyết báo phục thù. Chàng lại lần mò về kinh thành Ba Diệp. Chàng tìm mọi cách để được gần Phiên vương.

Một viên đại thần thấy chàng có sức lực nuôi và cho chàng trồng rau. Vốn bặt thiệp và thông minh, chàng lần hồi được mọi người mến phục. Những việc khó giải quyết trong nhà viên đại thần, chàng đều giải quyết được cả. Vì thế chàng trở thành kẻ tâm phúc của ông ta. Nhưng ông không hề biết đó là Trường Sanh Thái tử vì chàng cải trang rất khéo.

Một hôm, ông hỏi Thái tử:

- Này, nhà ngươi có tài gì đặc sắc nữa không?

- Thưa đại quan tôi có tài làm bếp.

Quả đúng như lời, Trường Sanh nấu ăn còn giỏi gấp mấy anh bếp trong nhà. Viên quan rất thích. Muốn khoe người bếp giỏi, ông ta mời Vua đến dự tiệc tại tư dinh.

Thái tử cố gắng nấu ăn thật ngon để thâu phục làm ham thích của Phiên vương. Quả nhiên, Phiên vương nài nỉ viên đại thần trao cho mình người đầu bếp. Và Thái tử nghiễm nhiên trở thành người đầu bếp riêng của nhà Vua.

Chàng tìm cách mua chuộc lòng tin yêu của Vua và đã nhiều lần chàng tỏ rõ sự thông minh uyên bác của mình. Phiên vương rất mến phục cho làm kẻ hộ vệ tâm phúc của mình. Hơn nữa làm việc gì Vua cũng hỏi ý kiến của chàng. Ði đâu, Vua cũng cho chàng đi theo.

Ngày mong đợi đã đến. Hôm ấy, chàng phò Vua đi săn. Mải theo con mồi, Vua cùng chàng tiến sâu vào trong rừng thẳm. Kể ra thì Trường Sanh cũng biết lối ra nhưng chàng cố ý đưa Vua đi lạc.

Mặt trời đã lặn mà hai người còn lẩn quẩn trong rừng. Ðoàn hầu cận không có một ai. Những tàn cây u ám giăng bóng tối che khuất ánh sao đêm leo lét phía chân trời. Vua buộc lòng phải ngủ dưới một gốc cây. Thái tử đeo gươm đứng hầu bên cạnh.

Cơ hội tốt đã đến. Trường Sanh cứ nhìn kẻ thù đang mê mệt dưới chân mình. Tâm tư chàng thúc dục: “Nó đã giết cha mày, chiếm giang sơn của mày! Còn chờ chi nữa mà không ra tay?…” Chàng rút gươm ra khỏi vỏ. Bỗng nhiên chàng như thấy đôi mắt dịu hiền của Trường Thọ Vương trên giàn hỏa. Tiếng nói của người như đang dội lại trong lòng chàng: “Con ơi hãy tưới tình thương và đức độ xuống hận cừu. Ðừng bao giờ dùng gươm giáo để trả lời gươm giáo. Hãy sống cuộc đời Chư Phật, hỷ xả, từ bi…”. Ôi lời cha còn đó, Thái tử có thể quên chăng? Chàng run tay, thanh gươm bén lại hiền lành chui vào vỏ. Vừa lúc Phiên vương thảng thốt thức dậy:

- Này khanh trẫm vừa mơ thấy một người muốn giết trẫm.

- Muôn tâu bệ hạ, có lẽ hơi lạnh thấm vào người sinh ra mộng mị. Có hạ thần đứng đây thì ai mà dám bén mảng?

Phiên vương yên tâm nằm xuống ngủ. Hình ảnh cha mình bị thảm sát lại hiện lên rước mắt Thái tử. Tâm tư chàng lại thúc dục: “Còn chờ gì nữa mà không lấy máu kẻ thù tế cho linh hồn cha…” Trường Sanh cương quyết tuốt gươm. Nhưng cũng vẫn đôi mắt dịu hiền, vẫn câu nói ngày xưa văng vẳng: “…Hãy sống cuộc đời Chư Phật, hỷ xả từ bi!..” Trong tâm hồn Trường Sanh hai dòng nước ngược đang ào ạt chảy: một dòng hận cừu đổ máu, một dòng đức độ thơm ngọt sữa hiền. Giữa ngã ba đường ấy biết về đâu?

Ðã ba lần, chàng rút gươm toan hạ thủ nhưng nghĩ đến lời cha dặn, chàng lại thôi. Cuối cùng không chịu nổi sự dày đạp của lòng chàng hét lên tức bực:

- Hỡi kẻ thù tàn ác, vì danh giá nhà ta, vì lời dặn cha ta, ta sẵn lòng tha cho ngươi.

Từ bi đã thắng hận cừu. Thanh gươm bây giờ không còn chịu ra khỏi vỏ. Phiên vương tỉnh dậy ngơ ngẩn:

- Khanh ơi! Trẫm vừa chiêm bao thấy con của tiên vương tha trẫm mà không trả thù. Khanh có biết là điềm gì không?

Trường Sanh trả lời trong nước mắt:

- Thưa Ngài, con của vua nước này chính là tôi đây. Khi cha tôi bị ngài thiêu trên giàn hỏa có căn dặn tôi không nên buộc chặt oán thù, hãy noi gương Chư Phật sống cuộc đời từ bi, hỷ xả. Vì thế đã ba lần tôi rút gươm muốn giết ngài nhưng lại thôi.

Phiên vương vô cùng hối hận. Vua ôm chầm lấy Thái tử mà nức nở:

- Thôi khanh hãy giết trẫm để báo phục thù, Trẫm không muốn khanh phải khổ tâm hơn nữa.

Trường Sanh cảm xúc đáp:

- Không, hạ thần xin chịu tội. Bệ hạ hãy xử cho rồi!

Và cả hai im lặng. Ðêm tối đã bắt đầu lui bóng. Phía chân trời ánh bình minh le lói như ánh sáng từ bi vừa lé sáng trong lòng người. Ôi từ bi quang! Từ quang đã dập tắt hận thù, chiếu sáng tâm hồn người đoạ lạc. Từ quang ôi! Hãy tuôn chảy như suốt thác, như sông biển dạt dào xuống lòng nhân loại si mê.

Phiên vương ôm đầu suy nghĩ. Vua thấy tội mình mới lớn làm sao. Gương sáng của Trường Thọ Vương làm ngài thấy hổ thẹn. Một ý so sánh chợt đến trong óc ngài. Vua nói:

- Khanh ơi, đêm nay ta bắt gặp những gì cao đẹp nhất của đời. Chiến tranh và hận thù đều là tội lỗi. Không gì quý bằng tình thương.

Trời đã sáng hẳn, Thái tử dắt vua ra khỏi rừng. Các quan đang nóng lòng chờ đợi. Ðêm rồi nào ai biết vua ở đâu? Vua hỏi hết bá quan:

- Các khanh có biết Thái tử con vua cũ nước này ở đâu không? Rồi không đợi trả lời, người nắm lấy tay Thái tử, cao giọng:

Ðây là ân nhân của ta, Trường Sanh Thái tử con vua cũ, người đã vì hiếu quên thù. Này các khanh, không có gì cao cả cho bằng đức độ của tiên vương. Hãy nghe theo lời người… “Tưới tình thương và đức độ xuống hận cừu…”

Ngày hôm sau, Phiên vương trả nước lại cho Thái tử. Công đức Trường Thọ Vương được tán tụng khắp nơi. Thái tử nối chí cha, gieo rắc từ bi trong lòng nhân loại. Cuộc đời vì thế bớt đau thương…

(Ðây là một chuyện tiền thân của Phật Thích Ca do chính Ngài kể lại. Trường Sanh Thái tử là A Nan đệ tử yêu quý của Phật, còn Phiên vương là Ðề Bà Ðạt Ða.)

Huyền Thanh

Lòng Ngưỡng Mộ Phật Pháp của Vua A Dục

Vua A Dục trước là người rất độc ác, từ khi theo đạo Phật đổi thành người rất nhân từ. Hồi mới theo đạo, vì lòng cảm mộ quá dồi dào nên mỗi khi ngự ngoài đường hễ gặp vị Tỳ kheo nào đi ngang qua, liền xuống kiệu khấu đầu lạy.

Có một vị đại thần tên là Da Tát lấy thế làm quá đáng bèn can ngăn vua rằng: “Các Tỳ kheo kia chẳng qua là những người các cấp đi hành khất ngoài đường, không đáng tôn trọng lắm”. Vua yên lặng không trả lời.

Cách vài ngày sau, vua truyền cho các quan văn võ, mỗi ông phải đem bán một đầu súc vật, và cho biết giá bán các đầu ấy như thế nào. Ông Da Tát phải bán một đầu người. Các đầu súc vật thời bán được với giá tiền sai khác hơn kém nhau, duy có đầu người của ông Da Tát bán thời không ai mua cả. Vua hỏi cớ sao, ông Da Tát trả lời: Vì đầu người là vật hèn hạ không có giá trị gì, Vua lại hỏi: “Chỉ có một đầu này là hèn hạ hay tất cả đầu người đều hèn hạ?” Ông Da Tát đáp: “Tất cả đầu người đều hèn hạ”. Vua bèn hỏi: “Vậy đầu Trẫm đây cũng hèn hạ sao?” Ông Da Tát sợ hãi không dám nói, sau Vua cũng thú thật đầu Vua cũng hèn hạ.

Vua bèn giảng cho ông Da Tát nghe rằng: Phải! Người muốn can ta đừng lạy các vị Sa môn là nhà ngươi có ý kiêu căng tự đắc. Nhưng cái đầu của Trẫm này là một vật hèn hạ không ai thèm mua, vì cúi xuống mà được thêm công đức, thêm giá trị lên, thì phổng có hại gì? Nhà ngươi muốn chỉ trích các thầy Sa môn là người các cấp không sang trọng nhưng nhà ngươi không rõ uy đức của các Thầy. Khi nào có đi ăn tiệc, ăn đám cưới thời mới nên hỏi đến giai cấp người ta, chớ đi tu học phân biệt gia cấp làm gì. Như người sang trọng danh giá bị tội nặng thời ai cũng nói “Người này là kẻ có tội” và ai cũng đem lòng khinh bỉ. Trái lại con người hèn hạ mà tu nhân tích đức thời ai cũng kính trọng ai cũng cúi đầu.

Vua nói đến đây, bèn chỉ hẳn vào mặt ông Da Tát mà nói lớn rằng: Nhà ngươi há lại không biết câu này của Ðức Phật Thích Ca hay sao? Ngài dạy “Người có trí thời dầu vật không có giá trị cũng làm nên giá trị”. Ta muốn theo Phật, ngươi lại can gián ta, ấy là bất trung. Ðến khi ta nằm xuống đất như cây mía kia thì dầu muốn lạy, muốn đứng dậy, muốn cung kính cũng không sao được nữa, thời làm thế nào được công đức. Vậy ngươi để yên ta lạy các vị Sa môn để kiếm chút phước đức. Nếu có người dám tự nói “Ta là người đáng tôn trọng hơn cả”, thời người ấy là người u mê nhất đời vậy. Nếu lấy huệ nhãn của Ðức Phật mà xem xét thân thế, thời biết thân thể ông vua và thân mọi người giống nhau, cũng là da, thịt, xương, khác nhau chỉ có cái phù hoa trang sức bề ngoài. Nhưng cốt yếu ở đời là lòng đạo đức thời trong thân thể người hèn hạ nhất ở đời cũng có được, chính cái ấy con người trí giả gặp đâu cũng phải cung kính phải vái lạy vậy.

Trích: Viên Âm

Hoa thơm nhờ nhụy

Người có giá trị bởi đạo đức.

Tịnh Xá Kỳ Hoàn

Ðọc kinh sách Phật, chúng ta thấy Phật thường thuyết pháp ở “Tịnh Xá Kỳ Hoàn hay Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc viên” cũng thế.

Ðược truyền tụng hơn hết, Tịnh xá này là công trình kiến tạo to tát của ông Tu Ðạt Ða, một Phật tử tại gia thuần thành tên tuổi được hậu thế luôn luôn nhắc nhở.

Tu Ðạt Ða, người ở thành Xá Vệ, xứ Ấn Ðộ, là tôi đại thần của vua Ba Tư Nặc và là một nhà giàu có nhất thời bấy giờ. Tánh tình hào hiệp ưa cứu giúp kẻ cô bần, hay làm việc bố thí, thi ân, khoan hồng với người dưới, khắp xứ đều biết danh, ông được người thời bấy giờ gọi tặng là Trưởng giả “Cấp Cô Ðộc”.

Tu Ðạt sanh được bảy người con trai. Chúng đều khôn lớn cả và có gia thất, trừ cậu út. Hình dung tuấn tú diện mạo khác thường, chàng có ý tự mình lựa chọn bạn trăm năm. Trưởng giả mới nhờ một thầy Bà La Môn tìm nơi mối lái.

Một hôm thầy Bà La Môn đến hóa trai ở một nhà nọ tại thành Vương Xá.

Một người con gái xinh đẹp tuyệt trần, đem vật thực ra dưng. Hỏi ra mới biết là ái nữ của Trưởng giả Hộ Di. Thầy yêu cầu xin tiếp chuyện với phụ thân của nàng. Thiếu nữ vào trong thưa lại, một chập sau thầy được ra mắt Trưởng giả và lấy thật tình tỏ ý mình muốn tác thành cho hai họ.

Vì đã được nghe đại danh của Trưởng giả Tu Ðạt Ða chẳng những là người giàu có muôn hộ, hay cứu giúp kẻ nghèo đói, cô bần, mà còn là một vị đại thần quyền thế ở thành Xá Vệ, nên không ngần ngại gì; Hộ Di vui lòng hứa lời cho đàng trai bước tới.

Nhân dịp có người khách buôn dong xe về Xá Vệ Bà La Môn liền gởi một phong thơ báo tin lành, ông Tu Ðạt tức tốc khởi hành, cho gia nhân chở theo rất nhiều châu báu.

Lúc đến nơi, thầy Bà La Môn đưa ông tới nhà ông Hộ Di. Ðàng gái hết sức vui mừng, tiếp rước trọng hậu. Nhận thấy tôi trai, tớ gái tấp nập cỗ bàn, Tu Ðạt Ða mới hỏi thăm duyên cớ. Trưởng giả Di cho biết sáng hôm sau ông sẽ làm lễ cúng dường Phật và chư Tỳ kheo Tăng.

- Phật là gì? Tu Ðạt hỏi

- Quan huynh chẳng nghe ư? Con vua Tịnh Phạn ở thành Ca Tỳ La Vệ, tên Tất Ðạt Ða, vì thấy khổ, sanh, già, bệnh, chết, buồn lòng không vui thú gia đình, bèn bỏ cung điện đi tu, sau sáu năm khổ hạnh, được trí huệ đầy đủ, thắng chúng ma vương, tự tại thần thông, quan minh chiếu diệu được người xưng tôn là Phật.

- Còn thế nào gọi là Tăng?

- Tăng chỉ các vị đệ tử của Phật đều là bậc sáng suốt giải thoát, có thể vì chúng sanh làm đám ruộng phước.

Tu Ðạt vui mừng vô hạn hỏi tiếp:

- Chẳng hay Phật và chư Tăng ở đâu?

- Tại một Tịnh Xá trong vườn Trúc (Trúc Lâm).

Trong đêm ấy Tu Ðạt Ða sanh lòng kính tin, lăn lộn không ngủ, trông mau trời sáng để đến ra mắt Thế Tôn.

Vừa bình minh ông đã trổi dậy, hỏi hướng rồi ra đi.

Tịnh xá Trúc Lâm vẫn còn yên tịnh, sương lạnh phủ dày, các Tỳ kheo còn đang thiền tọa. Tu Ðạt Ða đang ngơ ngác, thì đàng xa có bóng người tiến đến. Thì ra đó là Ðức Phật, bởi biết trước nên xuất thiền ra ngoài kinh hành. Vừa trông thấy tướng mạo nghiêm trang, oai nghi, đĩnh đạt của Ngài, Tu Ðạt Ða mừng quá quên cả lễ phép:

“Thưa ông, không biết đức Cù Ðàm đã dậy chưa? Ngài ở đâu? Tôi muốn gặp liền bây giờ được chăng?” Ðức Phật vui vẻ chỉ chỗ mời ngồi, rồi ôn tồn hỏi: “Ông tìm đức Cù Ðàm có việc chi? Chính tôi là người ông đang tìm”.

Biết là Ðức Phật và cảm kích trước lời nói của Ngài, Tu Ðạt Ða liền cúi mình làm lễ và tha thiết bạch rằng: “Lạy Ngài rũ lòng thương xót, mở lòng dạy bảo cho kẻ đệ tử đầy tội lỗi này!”.

Ðức Thế Tôn bèn nói Pháp: khổ, không, vô thường, vô ngã và Niết Bàn yên vui vắng lặng cho ông Tu Ðạt nghe. Khi nghe xong, ông quá đỗi vui mừng, liền nhiễm Thánh pháp, đắc quả Tu Ðà Hoàn, thí như miếng lụa trắng dễ ăn màu nhuộm. Trưởng giả bèn quì xuống, chấp tay lạy Phật: “Bạch Thế Tôn, những người ở thành Xá Vệ nghe pháp có thể dễ thâm nhiễm như con không?” Phật bảo: “Ông vì túc căn nên mới sớm ngộ như thế không phải ai cũng ngộ như vậy đâu. Vả lại dân thành Xá Vệ phần nhiều tin theo tà giáo, khó mà nhiễm thánh pháp”. Tu Ðạt bạch Phật: “Cúi xin Ngài thương xót, rủ lòng đại từ quang lâm Xá Vệ đánh chuông cảnh tỉnh để người theo tà quay về lẽ chánh”.

Phật bảo: Phép của người xuất gia không được ở chung chạ với người thế tục, bên ấy không có Tịnh xá thì làm sao ta và các Tỳ kheo sang ấy ở được.

- Ðệ tử xin phát tâm kiến tạo Tịnh xá mong Phật từ bi hứa khả cho.

Ðức Phật yên lặng, tỏ dấu hứa chịu.

Mấy hôm sau, khi lo vợ cho con xong ông Tu Ðạt trở lại rừng Trúc bái Phật xin phái một vị đệ tử đi theo chỉ bảo cách thức xây cất Tịnh xá. Ðức Thế Tôn nghĩ rằng ở Xá Vệ bọn Bà La Môn rất nhiều, họ tin tưởng xằng bậy những điều không hợp chánh lý thế nào họ cũng ra mặt tranh đương, người kém tài kém đức, khó bề hàng phục được họ. Chỉ có Xá Lợi Phất trước là dòng dõi Bà La Môn thông minh đa trí, hiểu rõ nội bộ của họ đi mới có lợi. Phật liền sai Xá Lợi Phất đi theo Tu Ðạt sang Xá Vệ.

Dọc đường Tu Ðạt hỏi Xá Lợi Phất: “Ðức Phật đi bộ bao nhiêu dặm trong một ngày?” Xá Lợi Phất đáp: “Chừng nửa do tuần”. Ông Tu Ðạt bèn cứ hai mươi dặm là mướn người cất một khách xá (nhà tạm) để khi Phật sang Xá Vệ, đêm có chỗ tạm nghĩ.

Khi về đến nhà, Tu Ðạt và Xá Lợi Phất trải qua mấy ngày vất vả và vẩn chưa tìm ra chỗ nào vừa ý. Một hôm đi ngang vườn cây của Thái tử Kỳ Ðà, thấy đất đai bằng phẳng, cây cối xum xuê. Xá Lợi Phất bảo Tu Ðạt: “Trong vười này cất Tịnh Xá được, vì không xa không gần thành; xa quá thì khó cho sự khất thực, còn gần quá thì ồn ào, loạn động khó yên tâm để tu hành”. Thấy Tu Ðạt ra chiều suy nghĩ, Xá Lợi Phất tiếp: “Phải chăng ông sợ không thể mua được chớ gì? Ông nên đến ướm hỏi Ðông cung xem sao”.

Ông Tu Ðạt liền đánh bạo đến ra mắt Thái tử Kỳ Ðà.

- Tâu Thái tử! Tôi muốn kiến tạo một Tịnh xá để thỉnh Phật và chư Tăng sang đây diễn giáo, nhưng tìm mãi không ra chỗ. Nay Thái tử có vườn cây tốt, rộng rãi, xin Thái tử vui lòng nhường, miếng vườn ấy lại cho tôi, công đức của Thái tử thật vô lượng vô biên.

Thái tử cả cười bảo: “Tôi đâu có thiếu thốn gì mà phải bán; vườn này để làm chỗ ngoạn thưởng trong khi nhàn rỗi, cho thư thả tâm hồn, bán đi thì làm thế nào?”.

Ông trưởng giả Tu Ðạt năn nỉ mãi. Thải tử tánh dễ cảm, song vì tiếc miếng vườn nên định làm thối chí ông Tu Ðạt:

- Nếu trưởng giả mua, xin đem vàng lót khắp mặt đất tôi sẽ bán cho.

- Vâng.

Thái tử hỏi hối:

- Tôi nói chơi như thế, chớ bán đi thì làm gì.

- Quân tử vô hý ngôn, Thái tử sẽ làm vua trị dân, nói bỡn sao được.

Tu Ðạt bèn vội trở về nhà hối gia nhân chở vàng đến lót. Khi đã phủ xong nơi đất liền. Trưởng giả suy nghĩ coi phải làm thế nào để lót mấy nơi bị cây mọc choán. Thái tử đến gần vỗ vai hỏi: “Thế nào Trưởng giả suy nghĩ gì? Nếu ông chê mắc thì thôi vàng ông chở về vườn tôi xin trả lại cho ông”.

- Không, tôi không nói mắc rẽ gì đâu, thưa Thái tử. Tôi đang suy nghĩ coi phải chở ở kho nào cho vừa đủ, khỏi đem đi đem về thất công và tính coi mấy gốc bao nhiêu vàng đấy chứ.

Thái tử Kỳ Ðà nghe xong hết sức ngạc nhiên, tự hỏi Phật là người thế nào mà Trưởng giả coi của cải như không, xem vàng ròng như đất cục. Thật kỳ lạ quá… Có lẽ là một thánh nhơn, đạo cao đức cả mới có thể cảm hoá được lòng người như thế.

- Thôi, Thái tử bảo, ông đừng chở vàng đến nữa, bây giờ đất vườn thuộc về ông, còn cây thuộc về tôi, tôi xin cúng cho Phật đấy.

Trưởng giả vui sướng quá. Ngay ngày hôm sau kêu thợ đo đất khởi công, còn Xá Lợi Phất thì vẻ bản đồ và chỉ bảo cách thức.

Song một trở ngại lại xảy ra. Phái Lục sư ngoại đạo Bà La Môn kéo nhau đến tâu vua Ba Tư Nặc: “Trưởng giả Tu Ðạt Ða mua vườn của Thái tử để kiến tạo Tịnh xá cho bọn Sa Môn Cù Ðàm xin bệ hạ cho phép chúng tôi cùng bọn kia tranh tài, nếu họ thắng được bọn tôi, chừng ấy họ mới được phép cất Tịnh xá và sang đây thuyết đạo, còn trái lại, thì ở đâu phải ở đó”.

Nhà vua liền triệu Tu Ðạt Ða vào triều vào bảo rằng: “Hàng Lục sư Bà La Môn không chịu có phái nào khác truyền giáo. Nay khanh mau vườn cất Tịnh xá để rước đồ chúng của Ðức Cù Ðàm về đây dạy đạo. Lục sư vào tâu khi nãy, xin cho hai phái cùng nhau một trận thư hùng, nếu họ thua thì khanh tự ý muốn làm gì thì làm, còn nếu phe Cù Ðàm thua thì đừng bén mảng đến đây. Muốn cho yên thuận, ta đã hứa với họ rồi, vậy khanh lo liệu thế nào cho chu tất”.

- Xin bệ hạ cho phép hạ thần trở về bạch lại với đệ tử của Ðức Phật xem sao.

- Ðược, khanh cứ đi, muốn cho bọn họ và công chúng biết được giá trị của đôi bên, ngoài phương pháp đó, không còn gì hơn nữa.

Trưởng giả cáo từ ra về, mặt luôn luôn dàu dàu, đầu óc miên man lo nghĩ: “Không rõ bên ta có thể thắng được không? Hơn chẳng nói gì, còn rủi thua thì khổ biết bao. Lục sư pháp thuật cao cường, lại bè lũ đông đảo, liệu một mình Ngài Xá Lợi Phất có đương cự lại chăng?”. Bao nhiêu câu hỏi làm lòng ông ngổn ngang lo sợ, đến nỗi về đến cửa nhà mà ông không hay.

Trông thấy vẽ mặt đượm đầy u buồn, lo ngại của Tu Ðạt, Xá Lợi Phất bèn cất tiếng hỏi: “Hôm nay có việc gì mà Trưởng giả không được vui?”.

Tu Ðạt rầu rầu đáp: Thưa Ngài công việc kiến tạo Tịnh xá sợ không thành tựu.

- Tại sao thế?

- Thưa Ngài, bọn Lục sư quyết lòng ngăn trở công việc làm của mình. Họ đã đến khiếu nại với vua, xin cho cùng chúng ta tranh thủ nếu chúng ta thắng họ thì mới được cất Tịnh xá. Vua đã chuẩn y lời của họ. Bây giờ trăm việc tôi xin trông cậy vào Ngài. Tôi lo lắm, bọn họ tu hành theo tiên đã lâu, tài nghệ pháp thuật cao cường, trong thành này ai cũng biết, thêm nỗi bọn họ rất đông, liệu mình Ngài có chống nổi chăng?

- Trưởng giả đừng ngại. Tôi tuy một mình, nhưng ông có thấy chăng, chỉ một ánh sáng mặt trời đủ phá tan bao nhiêu bóng tối; cần gì phải đông. Ðồ chúng của Lục sư có nhiều đến bực nào cũng không làm chi tôi nổi. Trưởng giả cứ vững lòng tin tôi và tâu lại nhà vua xin định ngày đấu sức, không sao.

Tu Ðạt nghe nhõm người, chạy bay vào cung, xin định ba hôm sau là mở hội tranh tài.

Bọn Lục sư truyền rao cho tín đồ của chúng hảy đến xem cuộc đấu phép ít có mà phần thắng chắc chắn về phái họ. Vua Ba Tư Nặc cũng truyền lệnh cho dân gian và cho phép tam cung lục viện đến dự. Ðồng thời vua cho cất khán đài tại một miếng đất trống to lớn phía ngoài thành.

Ðúng ngày giờ hẹn, trời vừa tang tảng sáng, bọn Lục sư đã lũ lượt kéo tới, cả dân chúng nữa, người người không thể tính số được. Giữa khán đài, vua và hoàng hậu ngồi ghế lớn, hai bên trăm quan và cung phi mỹ nữ đứng hầu, còn dân chúng chen nhau đứng phía dưới. Trước đài, tả hữu có hai đài khác, dành cho hai phái tranh thủ.

Giờ đấu tài đã đến, bọn Lục sư thấy thế tuyên bố ầm lên: “Bọn Cù Ðàm sợ chúng ta rồi, đã tới giờ mà không thấy bóng hình đâu cả”. Tiếng bàn tán cải cọ thêm to. Có kẻ đánh bạo đến gần tâu vua: “Tâu bệ hạ, bọn đệ tử Cù Ðàm có lẽ tự biết mình vô tài nên không dám đến. Vậy xin bệ hạ kể họ như thất trận rồi”.

Vua Ba Tư Nặc trầm tĩnh đáp: “Chưa gì mà các người đã vội ca khúc khải hoàn, hãy đợi một chút nữa xem nào”. Ðoạn vua xoay qua Tu Ðạt: “Tại sao thầy của khanh chưa đến, khanh hãy đi xem thử sao?”.

Lúc ấy, Xá Lợi Phất đang ngồi thiền định dưới cội cây to, yên lặng suy nghĩ: “Hội chúng hôm nay phần đông theo tà giáo đã lâu, tà pháp đã thâm nhiễm vào trong óc của họ, nên họ đầy vẽ kêu mạn, tự cao. Làm thế nào mà cứu vớt họ? Phật đã dạy, trong khi truyền đạo, không nên dùng thần thông làm kinh dị lòng người, nhưng trong trường hợp này, nếu không dùng thần thông thì làm sao gây được tín tâm. Vậy xin Phật thấu hiểu và xá tội cho!”. Vừa nghĩ xong thì Tu Ðạt hấp tấp đến.

- Bạch Ðại đức, công chúng đã nhóm họp đông đủ cả rồi, nhà vua đang chờ trông, xin Ðại đức quang lâm cho.

Xá Lợi Phất bèn xuất thiền đứng dậy, sửa ngay y phục, vất tọa cụ lên vai, rồi oai nghiêm cất bước, từ từ tiến về phía diễn trường mà quang cảnh mà là một biển người, lô nhô đầu là đầu không hàng ngũ trật tự gì cả. Thế mà khi Xá Lợi Phất đến, công chúng lại tự dưng vẹt ra, chừa một đường khá rộng cho Ngài vào. Tu Ðạt ung dung theo sau khỏi chen lấn gì cả.

Xá Lợi Phất đi đến đâu thì đám đông cúi chào, xa trông như một đồng lúa bị gió đùa. Còn bọn Lục sư, tuy lúc đầu đã dặn nhau không được tỏ vẻ kính nể nào, nhưng khi thấy vị đại đệ tử của Phật, tất cả như bị một sức mạnh gì ở thâm tâm thúc đẩy, đồng đứng dậy lễ phép chào như bao nhiêu người khác. Xá Lợi Phất chậm rãi thượng đài và an tọa. Vua Ba Tư Nặc liền ra lệnh cho hai bên đấu phép.

Lao Ðộ Sai, tay huyền thuật giỏi nhất trong phái Lục sư, trổ tài trước. Công chúng đang lao nhao chờ đợi, bỗng thấy một cây đại thọ mọc lên giữa sân sừng sừng, to lớn một cách nhanh chóng khác thường, tàn che kín khắp vùng đất chiếm làm diễn trường.

Ðồ chúng của Lục sư, biết là sự biến hóa của phe mình, lấy làm thích chí, trầm trồ khen ngợi vang rền. Tứ phía muôn mắt quay về hướng Xá Lợi Phất đang tĩnh tọa, đôi mắt lim dim như không hay thấy gì hết. Một phút, hai phút… Mọi người đều nóng ruột, nóng hơn hết có lẽ là Tu Ðạt Ða. Tiếng ồn ào vừa ngưng trong một hồi chờ đợi thắt thỏm, thì từ đôi mắt của Xá Lợi Phất hai luồn hào quang xẹt ra, bao luyện thân cây rồi cùng với thân cây biến mất trong chớp mắt. Tiếng hoan hô nổi dậy để tức khắc đổi thành tiếng kinh khủng: một con rồng nhiều đầu, thân thể to lớn dị thường, múa lộn trên hư không, giữa tiếng sấm sét vang tai điếc óc. Nhưng kìa, từ miệng của Xá Lợi Phất, một đạo bạch quang phóng ra, biến thành một con đại bàng, to gấp hai kẻ nghịch, xáp đến xớt rồng bay mất.

Thua canh này bày canh khác, Lao Ðộ Sai bèn dùng mình biến thành một con quỷ Dạ Xoa kếch xù, trên đầu lửa cháy, mắt lồi, miệng đỏ, xồng xộ chạy lại đài Xá Lợi Phất, hung ác vô cùng. Trầm tĩnh vị đệ tử của Phật xòe bàn tay năm ngón dịu mềm: Năm vị Tỳ sa môn Thiên vương hiện ra, đứng bao bốn phía và trên không. Ðồng thời lửa tam muội đùng đùng nổi dậy, phủ vây con ác quỷ không phương đào tẩu. Lửa càng cháy, tiếng than khóc cầu tha mạng sống càng lớn. Tâm khinh mạn đã tan, bốn phía lửa dữ cũng hạ, Lao Ðộ Sai hoàn phục nguyên hình, dập đầu sám hối tạ tội. Xá Lợi Phất bèn bay vọt lên hư không hiện đủ bốn oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hiện thân to lớn như hư không rồi lại hiện nhỏ, hoặc nữa, chia thân ra trăm ngàn thân khác rồi thâu trăm ngàn trở lại một. Xong, Ngài trở về chỗ cũ, ngồi yên, thuyết kệ rằng:

Tâm sanh các pháp thảy đều sanh,

Tâm diệt các pháp thảy đều diệt.

Muôn ngàn nghiệp chướng thảy do tâm,

Rồi cũng do tâm mà diệt nghiệp.

Công chúng được xem các phép biến hóa và được nghe bài kệ rồi, nhảy nhót vui mừng như người nghèo được của báu.

Nhân cơ hội ấy, Xá Lợi Phất dạy: Các pháp là khổ, là không, là vô thường, vô ngã; tất cả đều do tâm, tâm không dính mắc theo trần lao phiền não là Niết bàn tịch tịnh. Trong thính chúng bấy giờ có nhiều người nhớ lại nhân duyên trước của mình, phát tâm hướng về nẻo giải thoát, thấu được lý đạo, kẻ chứng quả Tu đà hoàn, người chứng quả Tư đà hàm v.v… Hơn ba ngàn đồ chúng của Bà La Môn đều làm lễ Xá Lợi Phất xin thọ giáo.

Cuộc so tài đấu phép đến đây chấm dứt, vua truyền bế mạc. Công chúng lục tục ra về với bao vẻ hân hoan, mà người vui mừng nhất là Tu Ðạt.

Mờ sáng hôm sau, người ta đã thấy Xá Lợi Phất, Tu Ðạt Trưởng giả và những công nhân kiến trúc có mặt tại vườn Kỳ Ðà, bắt tay vào việc. Tuy mệt nhọc nhưng mọi người đều vui vẻ sốt sắng.

Một hôm, đi ngang nền Tịnh xá, Xá Lợi Phất bỗng nhiên dừng bước chỉ con kiến càng to lớn đang bò, bảo Tu Ðạt trưởng giả: “Một khi ta mất thân người, muôn kiếp khó hoàn phục. Con kiến này đã nhiều kiếp chết đi sanh lại nơi đây là chỗ bảy đời Phật hằng giảng pháp. Ông nên biết, dầu ở sát bên chỗ Phật nói pháp mà trót mang thân súc sanh thì có mắt cũng như đui, có tai cũng như điếc, không giải thoát. Còn làm người mà mê muội, cứ nhắm mắt chạy theo tiếng gọi của vật dục, tham luyến dục lạc hiện tiền, không chịu suy nghĩ, chỉ biết có ngày nay không tin nhân quả, đã vậy còn gây thêm nghiệp hủy bán chánh pháp, thì xét kỹ không hơn con kiến bao nhiêu, cành sống càng xa ánh sáng giác ngộ, khổ não trăm bề, sa đọa vào bậc thấp hèn đem tối. Thế nên sanh được làm người là một điều khó; là một đại bất hạnh khi đã được thân người mà không lo tu sửa để được lần về nẻo giải thoát, hoặc kiếp sau còn trở làm người cố công tu học, thì thật uổng cho một kiếp.

Công trình kiến trúc vĩ đại quá, thành thử Xá Lợi Phất cũng như Tu Ðạt trưởng giả phải vất vả, cực nhọc suốt ba bốn thánh mới hoàn thành. Tu Ðạt bèn vào triều yết kiến vua Ba Tư Nặc trình các việc và xin vua phái sứ thần sang thành Vương Xá thỉnh Phật quang lâm. Vua y lời.

Một buổi sáng trời quang gió mát, Ðức Thế Tôn cùng các đệ tử lên đường sang Xá Vệ, ngày đi đêm nghỉ nơi các khách xá của Tu Ðạt đã lo xa cho cất bước kia. Khi gần đến thành, vua quan cùng dân chúng ra đón cách một khoảng xa. Vào đến Tịnh Xá, Ðức Phật an tọa, mọi người làm lễ rửa chân cho Ngài và đi nhiểu ba vòng, rồi theo thứ cấp ngồi dưới chân quanh Phật. Ðức Thế Tôn phóng ra năm sắc hào quang rực rỡ chiếu khắp thế giới, đoạn Ngài diễn nói công đức bố thí, tu phước cho đại hội thính chúng nghe. Ai nấy đều được lòng dạ sáng tỏ vui vẻ vâng làm.

Từ ấy, mỗi ngày Ðức Phật và các đệ tử vào thành khất thực, đến trưa về Tịnh xá thọ trai xong và thăng tòa diễn pháp cho các đệ tử hai phái cùng nghe. Số người theo về quy y đông vô kể.

Chẳng những là một công trình xây dựng lịch sử, Tịnh Xá Kỳ Hoàn còn là một nhắc nhở lớn cho các hàng Phật tử tại gia về bổn phận hộ trì Tam Bảo.

Xây dựng một ngôi chùa,

Tức là đã phá huỷ một nhà lao.

Thêm một đoàn thể học Phật,

Tức nhiên bớt một số người tù tội.

Hoàng Tử Hiếu Thảo

Xưa có vị hoàng tử tên là Nhẫn Nhục, tướng mạo khôi ngô, trí rất thông minh, lòng rất nhân đức. Ngài đem lòng thương xót hết cả mọi người, nên rất được mọi người thương mến. Ðối với Vua cha và Hoàng hậu, Ngài rất kính yêu và hiếu thảo, không bao giờ từ chối một việc gì mà Ngài có thể làm cho cha mẹ vui lòng.

Một ngày kia Vua cha đau nặng, thuốc thang chạy chữa đã hết phương mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Hoàng tử lo buồn lắm. Ngài hội các đình thần lại để hỏi xem ai có cách gì cứu chữa cho Vua cha. Trong triều có một kẻ gian thần, vì muốn giết Thái tử để cướp ngôi sau khi vua mất, liền đứng dậy thưa rằng: “Thưa Thái tử bệnh của Hoàng đế chỉ có một thứ thuốc có thể chữa được, nhưng khó kiếm”. Hoàng tử tỏ vẻ vui mừng, vội hỏi: “Chẳng hay thứ thuốc ấy là thuốc gì thế? Nếu chữa được bệnh cho Phụ vương tôi, thì dầu khó thế nào, tôi cũng cố tìm cho được”. Bẩm, ấy là cái não của một người trẻ tuổi mà từ nhỏ đến lớn rất hiếu thảo với cha mẹ và nhân đức với mọi người”. Hoàng tử hỏi: “Vậy não của tôi có thể đem dùng để làm thuốc được không?”. Kẻ đại thần nghe nói, trong lòng lấy làm mừng rỡ, nhưng giả vờ buồn bã mà thưa rằng: “Thưa chắc được, vì còn ai hiếu thảo và nhân đức hơn Ngài. Nhưng chúng tôi không dám và cũng không nỡ làm một việc nhẫn tâm như thế”. Hoàng tử khẳng khái trả lời: “Nếu tôi chết mà cứu sống được Phụ vương tôi, thì tôi rất sung sướng. Xin các Ngài đừng lo ngại”.

Nói xong, Ngài liền truyền đem cắt đầu mình, lấy não đem hòa với thuốc để Vua cha uống. Lòng hiếu thảo của Thái tử động đến trời đất, nên khi vua uống xong chén thuốc thì bệnh liền thuyên giảm ngay.

Hoàng tử hiếu thảo trên đây, chính là tiền thân của Ðức Phật Thích Ca.

Trích Viên Âm

Cùng tột điều thiện không gì hơn Hiếu,

Cùng tột điều ác không gì hơn Bất hiếu.

Công Ðức Sám Hối

Thuở xưa, đời nhà Lương, vua Võ Ðế, có quen với một vị Hòa thượng, hiệu là Chí Công, hằng ngày trò chuyện với nhau rất thân thiết.

Hoàng hậu tên là Hy Thị, thấy vậy, bèn can gián vua đừng chơi với người ngu tăng ấy, nhưng vua Võ Ðế chẳng hề nghe, cứ giao du như thường. Hoàng hậu giận lắm, toan lập mưu hại ngài Chí Công, bèn lén dùng thịt chó làm nhân bánh, rồi sai người đem bánh ấy đến chùa mà trai tăng.

Ai ngờ Hòa thượng Chí Công đã biết trước, nên dự sắm áo tràng rộng tay, làm bánh chay bỏ vào, rồi khi trai Tăng lén bỏ bánh mặn trong tay áo, lấy bánh chay ra ăn.

Bà Hi Thị đợi tin Hòa thượng ăn rồi, tức thì tâu với vua rằng: “Bánh ấy thiếp dùng thịt chó làm nhân, ông Chí Công ăn mà không biết, thiệt là người phàm ngu muội, không có đạo đức trí tuệ gì cả, nay bệ hạ còn làm bạn nữa chăng?”.

Vua nghe nói nổi giận, liền mang gươm đến chùa mà giết Hòa thượng.

Khi ấy, ngài Chí Công cũng đã biết trước, nên ra ngoài cửa chùa đứng đợi.

Lúc vua ngự đến trông thấy Hòa thượng thì hỏi rằng: “Ông ra đứng đây mà làm chi?”.

Ngài Chí Công đáp rằng: “Bần tăng biết bệ hạ đến giết bần tăng, nên bần tăng ra đây đứng đợi. Nếu Bệ hạ mà vào chùa mà giết hại, thì ô uế chốn Già lam càng tội nghiệp lắm!”.

Vua nghe nói kinh hồn chấp tay niệm Phật và sám hối, rồi liền mời Hòa thượng vào chùa mà hỏi rằng: “Ngài đã tiên tri được như vậy, vì sao còn ăn lầm bánh thịt chó mà không biết?”.

Ngài Chí Công bèn đáp rằng: “Muôn tâu Bệ hạ! Bần tăng có ăn đâu!”

Tâu rồi Ngài liền thỉnh vua ra sau vườn, dạy người đào lấy bánh thịt chó lên, thấy vẫn còn đủ 120 cái. Hòa thượng bèn lấy nước Tịnh thuỷ phun vào, tức thì mỗi mười bánh hiệp lại thành một con chó, hình thể vận động như thường.

Vua thấy vậy thất kinh, mới biết pháp lực thần thông của Ngài Chí Công thiệt là cao cường quảng đại, liền trở vào chùa hết lòng lễ sám hối những sự lỗi lầm. Từ ấy Võ Ðế càng yêu mến Hòa thượng Chí Công hơn ngày trước nữa; trái lại bà Hy Thị thấy thế lại càng giận thêm, nên khiến kẻ hầu hạ đến chùa lấy kinh sách đem ra đốt hết.

Ðến niên hiệu Thiên Giám, bà mang bệnh nặng rồi phải từ trần, rồi bào thai làm con rắn mãng xà ở sau hậu cung ẩn mình không cho ai thấy, thừa khi ban đêm, bà lại mách điềm chiêm bao cho vua Võ Ðế hay rằng: “Khi thiếp còn sống ăn ở bất nhân, tổn vật hại người, làm điều tham độc. Vì cớ ấy nên nay thiếp phải làm thân mãng xà, thân đã dài, vóc lại lớn, bò lết không nổi, đói không có chi ăn, khát chẳng có chi uống, cực khổ nhiều bề, còn mỗi trong chân vảy lại có thứ độc trùng đeo vào cắn rứt da thịt, đau thắt ruột gan thật là khó chịu! Thiếp nghĩ vì thiếp cùng Bệ hạ vẫn là tơ duyên chỉ nợ, tình vợ nghĩa chồng, mà nay thiếp bị đọa ra thân súc sanh thế này, Bệ hạ nỡ nào hưởng thọ phú quý một mình mà không tìm phương chi cứu thiếp, nên xin Bệ hạ từ bi thỉnh thầy làm chay độ giải cho thiếp, may nhờ Phật pháp hộ trì, thoát ra khỏi vòng ác báo, thì thiếp cảm ơn đời đời”.

Vua Võ Ðế nghe rồi, bèn thức dậy rầu rĩ khóc lóc một hồi; sáng ra liền truyền lệnh rước các thầy Sa môn nhóm tại điện mà hỏi rằng: “Vậy trong hàng chư tăng, ai có phép chi cứu giải Hoàng hậu khỏi điều tội khổ chăng?”.

Hòa thượng Chí Công tâu rằng: “Muôn tâu Bệ hạ! Tội của Hoàng hậu rất nặng, xin Bệ hạ hãy thiết lập đàn tràng lễ bái sám hối, thì mới cứu được”.

Vua Võ Ðế bằng lòng, liền cầu Hòa thượng Chí Công soạn ra mười quyển sám văn, rồi thiết đàn trong cung là chay ba tháng, cầu sám cho Hoàng hậu. Có một hôm kia, khi trai đàn gần mãn có mùi hương nồng nã bay khắp trong cung điện. Vua Võ Ðế ngước mắt ngó lên trời, thấy có một nàng con gái, nhan sắc tuyệt trần, đứng giữa hư không mà chấp tay tâu cùng vua rằng: “Thiếp nhờ công đức của Bệ hạ cầu sám hối đã thoát được thân mãn xà mà sanh về cõi trời Ðao Lợi. Nên thiếp phải hiện thân ra cho Bệ hạ thấy để làm chứng nghiệm vậy – Thôi, mấy lời cảm tạ, kính chúc Bệ hạ ở lại bình an”. Bà nói rồi liền ẩn mình không thấy nữa.

Khi ấy vua Võ Ðế nửa mừng nửa khóc, khôn xiếc sự tình bèn lui vào cung mời Hòa thượng Chí Công mà hỏi rằng: “Hoàng hậu của Trẫm buổi còn sống, hết sức thù ghét Hòa thượng là túc duyên làm sao mà gây ra cừu oán như vậy?”.

Ngài Chí Công tâu rằng: “Muôn tâu Bệ hạ! Sự cừu oán duyên do kiếp trước có một vị Trú trì và một vị Giám tự ở chung một chùa. Trong chùa ấy có cái đôn để nước, dưới chân cái đôn có con thiện trùng thường thường kêu trong khi ban đêm; tiếng kêu của nó inh ỏi như thể tiếng con dế hay con vạt sành vậy. Thường khi ông Trú trì tới đó lấy nước súc miệng, rửa mặt thì cũng chú nguyện cho con ấy mau mau thoát đặng cái thân súc vật, mà sanh về đường nhân luân.

Một bữa kia ông Trú trì đi khỏi, ông Giám tự ghét con thiện trùng đêm nào cũng kêu, và làm cho lòng ông không được thanh tịnh và chẳng cho ông ngủ thẳng giấc, nên ông bèn bắt con ấy, lấy dao cắt ngang giữa lưng làm hai, rồi cũng bỏ lại dưới chân đôn như cũ.

Qua bữa sau ông Trú trì về, trót đêm không nghe tiếng con thiện trùng kêu nữa, bèn kiếm dưới chân đôn, thì thấy nó đã chết rồi. – Ông thương khóc, niệm Phật chú nguyện cho nó và lấy một miếng vải đỏ buộc vào chỗ lưng bị cắt, rồi đem chôn sau vườn chùa.

Muôn tâu Bệ hạ! Con thiện trùng ấy tức là kiếp này làm thân Hoàng hậu; còn vị Giám tự là kiếp này làm thân của Bần Tăng đây. – Vì vậy oan gia gặp nhau toan đòi nợ trước, nếu tôi kiếp này tu hành lơ láo, thì có thể nào thoát ra khỏi tay của Hoàng hậu!”.

Vua Võ Ðế nghe nói liều gật đầu mà đáp rằng: “Hèn gì Hoàng hậu của Trẫm thường thường buộc sợi dây đỏ ngang lưng, không khi nào rời bỏ, mà Trẫm không biết cớ làm sao. – Có một đêm Hoàng hậu ngũ mê, Trẫm lén mở sợi dây ấy ra, thì Hoàng hậu nói rằng đau lưng, rồi lấy dây ấy buộc lại vào, tức thì không đau nữa. Nay Hòa thượng bày tỏ sự túc trái như vậy, thì biết Phật nói “NHÂN QUẢ” thiệt là không sai”.

Từ ấy, vua Võ Ðế lại càng tin tưởng Phật pháp, trọng đãi Chúng Tăng và nguyện một lòng phụng sự Tam Bảo…

Trích gương: Nhân Quả

Chúng sanh khi xả báo thân này thì thọ báo thân khác. Nếu trong khi tìm thọ thân khác mà chưa đủ nhân duyên thì thân nầy chưa xả. Ví như con sâu đo, trong khi đàng đuôi bám chặt một nơi thì đàng đầu ngóc lên tìm kiếm. Hễ đàng đầu tìm được chỗ mà bám xuống thì đàng đuôi mới nhả ra. – Con người trong lúc nằm thiêm thiếp chờ chết, chính là lúc nghiệp thức tìm kiếm nơi thác sanh. Nếu được nơi rồi thì liền chết, bỏ xác thân nầy mà thọ thân khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/09/2010(Xem: 3582)
Tha phương sinh sống xứ người, tuy thâm tâm lúc nào cũng hướng về quê hương mến yêu, thế nhưng phải chờ đợi đến hơn hai mươi năm trời, sau bao ngày khắc khoải suy tư Thanh mới đột ngột quyết định về nước nghỉ hè hai tháng. Chàng về Saigon viếng thăm họ hàng vài ngày, rồi lang thang du ngoạn khắp các vùng biển từ Sầm Sơn đến Vũng Tàu, sau cùng quay lại Nha Trang, chiều chiều thơ thẩn đi dài dài trên bãi, mắt lơ láo nhìn biển khơi xa xăm với nỗi buồn vời vợi.
02/09/2010(Xem: 3848)
“Khác hơn thường lệ, đôi bạn thân Hiển và Phước, đối ẩm trong lặng lẽ, chẳng ai chịu mở lời. Hiển nâng chung trà hớp từng ngụm, rồi dường như đang bâng khuâng thả hồn theo những chiếc lá phong đỏ thẩm từng chiếc, từng chiếc rụt rè buông rời cành theo làn gió chiều mơn man. Còn Phước thì cầm chung trà, đi tới lui đăm chiêu suy nghĩ, mấy lần định lên tiếng mà cố đè nén chưa chịu hở môi.
02/09/2010(Xem: 3726)
Nghĩa háo hức theo mẹ về Việt Nam thăm viếng quê hương. Sau mấy ngày vui nhộn làm sống lại những kỹ niệm ấu thơ tại Thủ Đức với bà con họ nội xa gần, chàng theo mẹ về quê ngoại, tạm trú tại nhà cậu Út ở thành phố Phan Rang, Ninh Thuận. Vì thuở nhỏ chàng không có cơ hội liên lạc với họ ngoại, nên dù được cậu tiếp đón rình rang, nhưng chàng muốn thân thiết với hai đứa em cô cậu thật khó.
01/09/2010(Xem: 5619)
Dù dòng thời gian đã xoá nhòa những hình ảnh quý gíá xa xưa, dù dấu chân của các Ngài đã rêu phong phủ kín. Nhưng những dấu chân ấy đã đi vào lịch sử nhân gian, dù tiếng nói các Ngài đã hòa vào không gian tĩnh lặng. Nhưng đâu đây vẫn còn vang vọng pháp âm của các Ngài, làm chấn động tâm tư huyết mạch của bao người con Phật. Trong quyển “Những Vị Phật ở Miền Tây Nam Việt Nam” này. Chúng tôi sưu tầm, nghiên cứu và ghi chép trung thực theo lời thuật của các vị Trưởng Lão uy tín; hay các vị trí thức trung hậu; hoặc trích trong các tài liệu giá tri được mọi người tin tưởng.
28/08/2010(Xem: 62882)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 4497)
Tết Mậu Thân 1968, một cái Tết mà Việt Cộng tràn về quá bất ngờ, tôi không thể tin rằng đó là sự thật. Mồng Một Tết vẫn ăn Tết sắm sửa bình thường. Nhà tôi ở lầu 2 trường Đồng Khánh vì tôi làm Giám Học tại trường này, bên hông là Tòa Hành Chánh và Lao xá Thừa Thiên - nơi giam giữ nhiều tù binh Việt Cộng. Cả ngày vẫn tấp nập bà con tới lui thắm viếng, chiều lại còn có con của các nhân viên trong trường đến thăm chuyện trò hàn huyên vui như ngày hội. Tối đến cả nhà còn bàn nhau nên đi ngủ sớm để ngày mai xuống phi trường đón gia đình người anh chồng về Huế ăn Tết.
28/08/2010(Xem: 58929)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
19/08/2010(Xem: 8936)
Tại Keelung, Đài Loan có một cửa hàng với cái tên là “Ngộ Duyên Hào”. Ông chủ Lâm vốn là một người rất tử tế, xung quanh khu vực ông sống có rất nhiều những cư dân đánh cá hay kiếm sống quanh đó.
04/08/2010(Xem: 4586)
Tác-giả Thiện Xuân Malkhanova là một con người thật đặc-biệt. Còn nhớ năm 2000 khi chị Trương Anh Thụy và tôi đi sang họp Đại-hội Văn-bút Thế-giới ở Mạc-tư-khoa, chúng tôi đã để ý đến chuyện đi đường, gặp con sâu róm ở dưới đất, chị đã ân cần lấy một cái lá nâng nó lên rồi đặt nó lên một cành cây gần đó. Một con người từ-bi đến với cả cỏ cây, đất đá! Chị bảo đó là điều chị đã học được từ đạo Phật.
04/08/2010(Xem: 4112)
Không biết từ lúc nào, mà ngôi tịnh thất vô danh thấp thoáng dưới tàn cây huỳnh đàn rậm lá trên đỉnh núi Ông cheo leo mây mù đong đưa bao phủ quanh năm, đã được dân quê dưới chân núi ưu ái gọi là am Mây Ngàn thay thế cho cái tên “chòi đạo Ân” mà họ hùa nhau ám chỉ túp lều lá của sư Từ Ân ngày trước. Thuở mới đăng sơn cắm dùi khẩn đất làm chốn ẩn tu, sư lủi thủi một mình chẳng có móng đệ tử lăng xăng đón đưa phục dịch, sư tự vác cuốc, quẩy gánh... lặng lẽ lên tận đỉnh, khai phá được một khoảnh đất nhỏ làm rẫy. Sư bắt đầu trồng các loại rau đậu, khoai, bắp, cà dưa... để sớm gặt hái hoa lợi,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]