Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện Cổ phần 04

18/10/201319:20(Xem: 3609)
Truyện Cổ phần 04

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 1
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 04

16/ Phước báo hiện tiền
17/ Con dao trong tâm
18/ Người học trò bị thầy gạt được Phật độ
19/ Công chúa Thuần Nhẫn
20/ Tỉnh giấc mơ hoa

Phước Báo Hiện Tiền

Ngày xưa ở xứ Hòa Na, dân chúng phần nhiều tín ngưỡng Phật giáo. Có vợ chồng chàng Kế Sa La cũng nhờ ảnh hưởng tinh thần ấy, mà nổi tiếng đôi vợ chồng hiền đức.

Nhà Kế Sa La rất nghèo, hằng ngày phải vất vả hai sương một nắng, tranh đấu với bát cơm manh áo; nhưng vợ chồng vẫn vui vẻ thân mật, an phần trong cảnh thanh bần, không bao giờ vì tiền tài danh vọng, mà làm hoen ố được lòng trong sạch của đôi vợ chồng chàng. Ngoài ra, chàng lại không quên đem chánh pháp mà mình đã hiểu biết, khuyến khích mọi người trở về đường thiện; mà chàng có thể đảm đương.

Thuở ấy, miền ngoại ô xứ Hoà Na vừa bị mất mùa, lại thêm nạn tật dịch, nên dân chúng miền ấy đói và chết rất nhiều. Các nhà hảo tâm trong xứ hiện thời, hoặc chung hoặc riêng, đến chùa tổ chức nhiều cuộc bố thí. Trước nhờ các Tăng sĩ cầu nguyện cho những kẻ vừa bỏ mình vì tật dịch được siêu thoát và nạn tật dịch đương hoành hành mau chấm dứt; sau đem các phẩm vật phân phát cho các nạn nhân đói khổ.

Vì vất vả theo sinh kế, vả lại cũng ít lui tới các phương xa, nên nạn tật dịch đói kém hoành hành ở ngoại ô vợ chồng Kế Sa La không hay biết gì cả.

Theo lệ thường, sáng nào Kê Sa La cũng cùng vợ chia nhau đến các nhà điền chủ để làm mướn. Nhưng lạ thay, sáng nay Kế Sa La đi một đoạn đường lại gặp những vị trưởng giả, khăn áo chỉnh tề, theo sau những tên gia đinh hì hục mang gánh gạo cơm mền áo… gặp hai ba phen như thế, Kế Sa La khống ngớt ngạc nhiên, dừng lại hỏi: Chàng mới biết vùng ngoại ô đang bị nạn và những bậc trưởng giả này đem các phẩm vật đến chùa để mở cuộc bố thí. Bị kích thích bởi tình đồng loại, lại thêm tủi cho số phận nghèo nàn của mình; trong khi đồng bào đang lâm cơn đói khổ mà mình không có một quan tiền, một đấu gạo, một viên thuốc đỡ đần. Càng nghĩ chàng càng đau đớn sầu tủi! Trong trí chàng hiện ra nhiều dấu hỏi: làm thế nào có tiền để giúp đồng loại? Và chàng nguyện rằng: nếu làm cách nào có tiền gạo để bố thí dù thân bị đọa đày suốt đời chàng cũng vui lòng đổi lấy. Ðến đây, Kế Sa La không còn thiết gì đến ăn làm nữa, lủi thủi về nhà.

Tối đến vợ chàng về, thấy chồng mặt mày ủ rũ, ngồi một mình thở ngắn than dài hình như bất đắc chí vì một việc gì… Chị vợ lo sợ hỏi chồng, nhưng chàng tìm cơ thối thoát không trả lời, vì chàng biết trước rằng: nếu đem sự thật nói với vợ, đã không ích gì mà lại gieo thêm cho vợ mối sầu tủi như mình, nhưng sau hai ba phen thiết tha gạn hỏi của vợ, Kế Sa La không nở giấu giếm nữa mới đem đầu đuôi câu chuyện thuật lại vợ nghe. Vợ chàng không kém gì chàng, cũng sầu, cũng tủi, cũng thở than như chàng! Nhưng sau một hồi suy nghĩ, chị vợ hăng hái nói: nếu chàng bằng lòng chị ta sẽ đến giúp việc cho các nhà phú hộ, thế nào cũng nhận đặng một số tiền, để làm việc bố thí. Kế Sa La không tán thành, và chàng không nở để cho vợ: nữ nhi yết ớt một mình đem thân thể làm tôi mọi người.

Chị vợ lại nói: Hay là cả chúng ta đều đến ở giúp việc cho một nhà đại phú, trước nhận được một số tiền lớn để bố thí, sau có thể giúp đỡ nhau trong những công cuộc nặng nề. Ý kiến này được Kê Sa La hoan hỷ tán đồng. Thế là sáng mai đôi vợ chồng Kế Sa La lên đường đến một nhà đại phú ở cạnh làng, xin giúp việc và nhận trước một số tiền.

Vốn nghe vợ chồng Kế Sa La là người hiền đức, nên nhà đại phú kia bằng lòng ngay và cho vợ chồng Kế Sa La mượn trước một năm quan tiền, lại được phép về nhà bảy ngày để sắp đặt công việc; và nếu trong bảy ngày ấy vợ chồng Kế Sa La đem đủ số tiền hoàn lại ông, ông cũng vui lòng trả quyền tự do cho vợ chồng chàng.

Tiền bạc giấy tờ, vợ chồng Kế Sa La hết sức vui mừng, đi vào chợ mua các phẩm vật… và đến chùa Ðàn Ba gần đấy, xin thiết lập cuộc bố thí ngay tại chùa, sau sáu ngày chú nguyện, đến ngày thứ bảy sẽ phân phát các phẩm vật.

Việc làm ấy rất thích hợp với hạnh Từ Bi, lại thấy lòng chí thành của vợ chồng Kế Sa La, nên các Tăng sĩ trong chùa đều tận tâm giúp đỡ, để cho cuộc bố thí này được thập phần viên mãn.

Chiều ngày ấy, Quốc vương bản xứ cũng cho người chuyên chở rất nhiều phẩm vật đến chùa Ðàn Ba mở hội và cũng định ngày thứ bảy bố thí. Vị Trú trì chùa Ðàn Ba tâu vua: ngày ấy đã có vợ chồng Kế Sa La định mở hội trước rồi, yên cầu nhà vua chung vào hội bố thí ấy, nếu không xin hoãn lại ngày sau. Nhà vua phán: Trẫm thiếu gì tiền bạc mà phải chung chạ với người khác và trẫm đây đường đường một vị quốc chủ, Kế Sa La nào đó lại không vì trẫm mà nhường cho trẫm được như nguyện, hay sao? Vị trú trì đem lời thuật lại với vợ chồng Kế Sa La.

Kế Sa La nhờ vị trú trì tậu lại nhà vua: Vợ chồng chàng xin chịu tội, chứ không thể thay đổi cuộc bố thí qua ngày khác.

Với ý định kiên quyết ấy, nhà vua hết sức ngạc nhiên, cho đòi vợ chồng Kế Sa La vào hỏi. Tiếp diện nhà vua, Kế Sa La đem hết cả sự tình tâu rõ là: Vợ chồng chàng đã bán mình cho một nhà địa chủ lấy tiền mở hội bố thí, đến ngày thứ tám đã chính thức làm tôi tớ cho người, không còn đi lại tự do nữa.

Nghe xong câu chuyện, nhà vua hết sức cảm phục cử chỉ của vợ chồng Kế Sa La. Ngài bùi ngùi than rằng: nếu trong quốc độ này mà được nhiều người có “tâm từ” như vợ chồng Kế Sa La, thì còn đâu những kẻ tham lam ích kỷ, lường gạt đồng bào và còn đâu những kẻ bơ vơ trong xó chợ đầu đình, lê mình khắp xứ, mà không đủ chén cơm lót dạ, manh áo che thân!

Tức thì nhà vua lại sai người đem vàng bạc ra ban thưởng và hạ chiếu cấp cho vợ chồng Kế Sa La được trọn đời hưởng quyền lợi trong mười xã. Ngài lại kêu vợ chồng Kế Sa La đến phán rằng: “Ðây là PHƯỚC BÁO HIỆN TIỀN” của hai người đó và trẫm vui lòng nhượng hai người mở cuộc bố thí vào ngày thứ bảy để cho hai người được toại nguyện”.

Vợ chồng Kế Sa La cảm động lạy tạ ơn vua. Và đôi vợ chồng ấy, không quên niệm hồng ân đức Phật đã tác thành cho vợ chồng chàng: “đức tánh Từ Bi, nâng cao Ðạo sống”. Nên nay mới gặp nhà vua đức độ, đem lại cho vợ chồng chàng đến cuộc đời sung sướng giàu sang.

Thuật giả: Thích Ðức Tâm

Dắt một người mù qua đường, cho người đứt tay miếng giẻ rách, lượm cây gai giữa đường, cho con kiến hạt cơm, đều gọi là bố thí.

Con Dao Trong Tâm

Ngày xưa ở thành Xá Vệ nước Ấn Ðộ, đức Phật đến giáo hoá độ cho một gia đình kia, hai vợ chồng đều cá tánh tham lam độc ác, không biết tôn trọng đạo đức. Ngài liền hóa một vị đạo nhân, mang bình bát đến khất thực. Lúc ấy người chồng đi vắng, người vợ ở nhà, thấy vị đạo nhân vào liền mắng chửi ầm lên. Vị đạo nhân hiền từ nói:

“Tôi là người tu hành, chỉ xin ăn mà tự sống. Lòng chỉ mong gia chủ cho bát cơm để đỡ lòng, cớ sao lại mắng chửi tôi đủ điều thậm tệ như vậy”.

Người vợ tức giận hét ngược lên, thì vừa người chồng về, trong tay sẵn cầm cao dao bén, chẳng nói chẳng rằng, người chồng lặng lẽ xông tới, định chém đạo sĩ. Bỗng một bức thành băng pha lê hiện lên, bao bọc người đạo sĩ, bức thành trong sáng, kiên cố, không có cửa, người chồng đến xô đập, đâm chém đủ cách cũng không sao chuyển được.

Người chồng liền nói: “Ông hãy mở mau cho tôi vào với”.

Vị đạo sĩ trả lời: “Ðược, nhưng ông hãy quăng con dao bén đi đã”.

Người chồng tự nghĩ: “Mình to lớn như thế này, còn người đạo sĩ bé nhỏ thế kia, mình dùng hai tay không cũng đủ giết chết vị ấy trong giây lát”. Nghĩ đoạn, liền quăng con dao bén đi xa, nhưng sao bức thành pha lê vẫn nguyên như củ, người chồng tức giận hét lên:

“Tôi đã quăng con dao bén đi rồi sao ông không chịu mở cửa cho tôi vào”.

Vị đạo sĩ đáp: “Không, tôi không có nói ông quăng con dao bén trong tay ông, tôi muốn ông quăng con dao bén trong tâm ông kia mà”.

Người chồng giựt mình kinh sợ, nhận thấy vị đạo sĩ thấu hiểu tâm lý thầm kín của mình, nên đã bớt độc ác, cúi đầu lạy tạ, ăn năn hối lỗi. Bức thành pha lê kiên cố ấy bỗng biến mất, vị đạo sĩ hiện thành Ðức Phật, phóng muôn ánh hào quang chói sáng rực rỡ một phương trời, và ngay khi đó Ðức Phật thuyết pháp để hóa độ cho hai vợ chồng người ấy.

Trích báo: Viên Âm

Tâm bình thế giới bình

Người học trò bị thầy gạt được Phật độ

Thuở xưa, tại thành Xá Vệ có ông Phạm Chí làm cố vấn cho nhà vua, mở trường giảng đạo Bà La Môn, thâu được một số học trò rất đông. Trong đám đệ tử của ông, có chàng Ương Quật Ma là một ngôi sao tỏ rạng: Văn đã giỏi, võ cũng hay, nết na thuần tuý, thêm diện mạo khôi ngô. Ai biết được Ương Quật Ma rồi cũng trầm trồ khen ngợi là người tài đức song toàn.

Người vợ của ông Phạm Chí lại chú tâm yêu thầm trộm mến đứa học trò tài giỏi của chồng. Nhân lúc chồng đi vắng, nàng phấn son trang điểm xạ ướp hương xông đến nhà Ương Quật Ma đường đột vào phòng liếc mắt đưa tình, nói sỗ sàng những lời hoa nguyệt tray trúa, tỏ bày thái độ quyến luyến gió trăng một cách lả lơi chẳng biết ngại ngùng.

Trước cử chỉ khiêu dâm, người học trò nết na thuần túy ấy không bao giờ để cho lửa tà xâm chiếm, Ương Quật Ma giữ lễ đệ tử, thưa với vợ thầy rằng: “Thưa thím, thầy ví như cha, thì thím ví như mẹ, đệ tử thà chết chớ không dám làm điều bất chính để tiếng nhơ nhớp ngàn năm”.

Vợ ông Phạm Chí còn giòn giã nói thêm: “Hễ đói thì ăn, khát thì uống; huống nữa ta đã sẵn sàng cho thì cứ tha hồ thưởng thức cái gì gọi là bất chính?”.

Ương Quật Ma nghiêm nghị nét mặt cự tuyệt lại rằng: Kẻ ngu dốt lỡ làng thói chim muông còn biết hổ thay! người học đạo như tôi há chẳng thẹn, nếu không biết tôn ti thượng hạ. Vả lại thím cũng như mẹ tôi, tôi đâu bạo gan làm điều vô liêm sỉ. Dứt lời, Ương Quật Ma liền bước ra khỏi nhà.

Vợ Phạm Chí biết người học trò của chồng mình lòng cứng như sắt đá không thể lay chuyển nổi, nên nàng riu ríu ra về một nước với sự mắc cở chua cay. Dọc đường, nàng tức giận quá mới nghĩ kế trả thù cho đã nư, nhất là cho khỏi gai mắt. Về nhà, nàng xé quần áo, lấy màu thoa mặt biến sắc, quàu mình trầy trụa, giả bộ đau nặng, nằm rên hì hì…

Ông Phạm Chí về, thấy vợ đầu bù tóc rối, quần áo rách rưới, thân thể bị vít, thêm nghe vợ kêu nhức rối rít, ông hỏi tại sao mà đến nổi như thế?

Nàng đáp rằng: “Sớm mai này, thừa lúc chàng đi vắng, Ương Quật Ma lẻn vào phòng thiếp, kéo áo nắm tay, giở trò hãm hiếp: thiếp không không thuận tình, bị gã cưỡng bức mới ra nông nỗi như vậy”.

Ông Phạm Chí nghe lời vợ nói thảm thiết đau thương, liền tin, không cần xét lại thật giả, quyết trừng trị ngay đứa học trò mình một cách nặng nề mới vừa lòng. Ông nghĩ ra một chước để gạt Ương Quật Ma sa vào lưới pháp luật, bị án tử hình hơn là mình ra tay giết nó; ông bèn gọi Ương Quật Ma nói ngon ngọt rằng: “Con đến học với thầy bấy lâu nay nghề kiếm thuật được tinh thông; theo chỗ thầy thấy thì trong đời không ai sánh kịp. Nhưng vì thiên hạ chưa biết nên con còn mai một tên tuổi. Muốn cho con mau nổi tiếng anh hùng, trước làm rạng rỡ tông môn, sau làm vẻ vang thầy tổ, nên thầy ban cho con thanh kiếm này để cho con lập công danh trong chớp mắt”. Ương Quật Ma lãnh thanh kiếm và đứng chờ thầy chỉ dạy thêm. Ông Phạm Chí bảo rằng: “Sáng sớm, con mang gươm ra ngã tư đường cái là chỗ đông người qua lại đón chặt lấy mỗi người một ngón tay, đến đứng trưa, lấy cho đủ một trăm ngón, xỏ xâu làm như tràng hạt mà đeo, thì tự nhiên nổi danh “hoàn cầu vô địch dõng sỉ”. Con phải lập tức thi hành y như lời thầy đã dạy. Hăng hái mau lên con!”.

Ương Quật Ma gắng gượng mang gươm ra đi, vừa suy nghĩ sợ sệt, buồn rầu: nếu không nghe lời thầy thì lỗi đạo làm học trò; còn vâng lời thầy thì trái với lẽ phải; vì có ngăn ngừa mười điều ác và rộng làm mười việc lành mới sanh lên cõi trời; ấy mới phải phép con nhà Phạm Chí; con người lung lăng giết hại trái với lương tâm, con người học đạo nỡ lòng nào tàn nhẫn. Mãi so hơn tính thiệt, nghĩ tới xét lui, Ương Quật Ma bấn loạn tâm thần, đi vừa đến cội cây cổ thụ bên vệ đường, chàng bị xây xẩm mặt mày, ngã gục ngất người bất tỉnh. Thừa cơ, quỉ ác ám ảnh làm cho chàng như điên như dại, trợn mắt nghiến răng, hươi gươm vùn vụt.

Lúc bấy giờ, kẻ bộ hành bốn phương vì nghiệp xua đuổi đến bị Ương Quật Ma chặt đứt mỗi người một ngón tay, trong chốc lát gần đủ số một trăm. Những kẻ mắc nạn kêu la thảm thiết, tiếng đồn thấu tai nhà vua, các thầy Tỳ kheo đi khất thực cũng rõ việc chẳng lành ấy, nên khi về tới tịnh xá, liền bạch với Phật:

Ðức Thế Tôn nghe qua động lòng thương xót, bảo các thầy Tỳ kheo rằng: “Các người cứ ngồi yên, để ta đi cứu khổ cho mọi người”. Dọc đường, Phật gặp bọn chăn dê và dân chúng khuyên Ngài đừng vào con đường đương có người điên rồ tàn ác giết hại không biết bao nhiêu người rồi. Nếu Ðức Phật đến đó; Sợ e không khỏi bị thiệt hại: mất một ngón tay.

Ðức Thế Tôn đáp: “Không sao cả, giả sử trong ba cõi đều là giặc cả, ta cũng không ngại gì, huống chi chỉ có một người tàn bạo, thì ta có sợ gì, chúng ngươi chớ lo ngại”.

Mẹ Ương Quật Ma thường ngày vẫn thấy con gần đến giờ ngọ là về dùng bữa, mà hôm nay sắp đứng bóng rồi sao chẳng thấy con về, bà bèn đem cơm ra khỏi nhà tìm con. Khi đến nơi thì Ương Quật Ma đương đếm ngón tay được 99 cái. Nó trông lên mặt trời thấy đúng ngọ mà còn thiếu một ngón tay nữa, sợ quá giờ hỏng việc. Ương Quật Ma lòng đương bối rối, thoạt thấy mẹ đến, không rõ là ai, giơ kiếm chực chặt lấy ngón tay cho đủ số một trăm.

Mẹ Ương Quật Ma thấy con có bộ tịch hung hăng, bà hoảng hốt lui lại, thì lúc đó Phật vừa đến kịp.

Thương hại cho Ương Quật Ma thình lình bị ác quỷ ám ảnh mê muộn làm việc tàn nhẫn nếu chặt đứt tay mẹ, phạm lấy tội ngổ nghịch, sẽ bị trầm luân nhiều kiếp rất tội nghiệp, bèn hóa làm thầy Sa Môn lướt tới đứng trước mặt mẹ chàng. Gã thấy thầy Sa môn liền gươm toan chém lấy ngón tay. Nhưng vô hiệu quả, nó không làm sao lại gần bên mình thầy tu ấy được, mặc dầu nó ráng hết sức chạy theo cũng không bắt kịp. Ương Quật Ma nghĩ rằng: Ta nhảy một cái vượt khỏi sông lớn dễ dàng như kẻ thế gian bước mương rãnh, còn thầy Sa môn này đi bộ mà ta hết sức chạy theo cũng không kịp. Thật là lạ! Vậy ta phải dùng phép nhiếp hồn mới được. Ương Quật Ma bèn nạt một tiếng thật to vang như sấm, kêu rằng: “Thầy Sa môn kia phải dừng lại”. Thầy Sa môn đáp: “Ta đứng yên đã lâu, tại ngươi cứ chạy mới cách xa ta mãi!”.

Ương Quật Ma nghe nói hồi tỉnh lại, bèn ngâm bài kệ:

“Thầy nói đã đứng lâu,

Sao tôi rượt không kịp?

Thầy nói tại tôi chạy,

Ấy là tôi bị hiếp,

Xin thầy giải nghĩa giùm,

Cho tôi hết nghi hoặc”.

Thầy Sa môn dạy rằng:

Chỉ mang[1]nghe ta nói, mới khỏi sai lầm.

Vì người trọng vọng, để cho ám vào, nên không tự chủ được.

Muốn nổi tiếng anh hùng gây ra nhiều tội ác.

Thật là rất u mê, mong gì nên đạo nghiệp.

Ta đã đứng yên lặng, nên ta được giải thoát.

Người vẫn cứ lăng xăng, nên người bị khổ não.

Ương Quật Ma nghe nói tỏ ngộ, như say mê được tỉnh táo, liền ném gươm bên vệ đường, quì mọp xuống đất lễ Phật, bạch rằng: “Lạy Ðức Thế Tôn, xin dung thứ cho con là kẻ mê muội. Từ đây con xin làm đệ tử Ngài, bỏ tà theo chánh; mong nhờ Ðức Thế Tôn rộng lòng thương xót cứu độ con”.

Ðức Phật biết Ương Quật Ma cơ duyên đã thuần thục, bèn nhận lời làm đệ tử, đưa về tịnh xá tại vườn ông Cấp Cô Ðộc. Từ đó người tu các phạm hạnh, tinh tiến, chẳng bao lâu chứng đặng quả thánh.

Bấy giờ vua Ba Tư Nặc kéo binh đi tìm bắt kẻ sát nhân là Ương Quật Ma. Ngài đi cùng nơi khắp chỗ mà tìm không gặp. Thoạt đến tịnh xá, vua Ba Tư Nặc vào đảnh lễ Phật.

Ðức Thế Tôn hỏi vua ở đâu lại đây con có vẻ mệt mỏi quá vậy.

Vua bạch rằng: “Lạy Ðức Thế Tôn! Vì nghe quân báo có đứa nghịch tặc tên Ương Quật Ma đón đường giết hại lắm kẻ bộ hành; tôi phải đem binh tìm bắt để trừ hại cho dân lành, nên phải tuôn pha gió bụi dơ bẩn”.

Phật nói: “Thế là Ương Quật Ma hiện nay đã xuất gia làm Tỳ kheo ở tại đây: Vua có cần trị tôi người đó nữa chăng?”.

Vua bạch Phật rằng: “Nếu người đã phát tâm xuất gia học đạo, thì chẳng những tôi không trách phạt lỗi trước, mà tôi nguyện xin hứa nguyện trọn đời tứ sự cúng dường nữa. Bạch Ðức Thế Tôn, chẳng biết Phật thế nào mà khuyến hóa được kẻ hung ác ấy vào đạo dễ dàng? Và bây giờ người ấy ở đâu?”.

Phật vừa nói vừa chỉ: Người ấy ngồi kế bên đây!

Vua ngoảnh lại thấy Ương Quật Ma, mặt liền biến sắc tỏ vẻ sợ hải.

Phật an ủi rằng: Vua chớ sợ, người ấy nay đã hiền lành không còn tánh bạo ác như xưa đâu, vua Ba Tư Nặc đi ngay trước mặt Ương Quật Ma chắp tay và chào hỏi rằng: “Thầy có phải là chỉ mang Ương Quật Ma không?”.

Thầy Tỳ kheo đáp lại rằng: “Chính tôi là Ương Quật Ma”.

- Thầy lúc còn ở tại gia họ là chi?

- Tôi Kỳ Giốc.

- Sao lại gọi là Kỳ Giốc?

- Vì tôi phải lấy theo họ của cha tôi lưu truyền.

- Thế là phải lắm! Thưa Thầy Kỳ Giốc Tỳ kheo, tôi xin trọn đời cúng dường cho thầy các món cần thiết trong lúc thầy tu hành.

Ương Quật Ma cảm lòng chí thành của vua nên hoan hỷ nhận lời.

Vua Ba Tư Nặc cúi đầu bái chào thầy Kỳ Giốc Tỳ kheo rồi lại trước pháp tòa khâm khen công Ðức Phật như vầy: “Từ bi thay, Ðức Thế Tôn! Giác ngộ cho người mê muội, dắt dẫn kẻ tàn ác trở lại đường lành, xuống phước cho nước nhà, ban ân cho lê thứ, cứu độ tất cả chúng sanh thoát khỏi vòng khổ não!”. Vua tán thán công đức của Ðức Phật rồi liền kéo binh về hoàng cung.

Bấy giờ Tỳ kheo Ương Quật Ma đắp áo cà sa, bưng bình bát vào thành Xá Vệ, lần lượt theo thứ lớp từ nhà xin ăn. Dọc đường, thầy gặp một người đàn bà có thai gần ngày sanh, cầu xin thầy chú nguyện cho được bình an. Thầy Tỳ kheo không biết chú nguyện thế nào, trở về tịnh xá, ăn cơm xong, thầy đến trước Phật bạch rằng: “Lạy Ðức Thế Tôn, hồi sáng này, con vào thành khất thực, gặp một người đàn bà có mang gần ngày sanh nở. Người ấy lo ngại thai nghén thế nào nhờ Phật từ bi dạy cho con được rõ”.

Phật bảo rằng: “Người mau trở lại an ủi người đàn ấy như vầy: Tôi rất thành thật nói lời chắc chắn, từ khi tôi mới sanh ra đến ngày nay, tôi chưa từng sát nhân hại vật. Vậy tôi nguyện cho bà đến lúc sanh sản được bình an vô sự”.

Thầy Tỳ kheo Ương Quật Ma do dự bạch Phật rằng: “Con đã làm nhiều tội ác, chém đến 99 người lấy mất mỗi người một ngón tay, còn đâu dám nói vọng được!”.

Phật nói việc ấy đã qua như thuộc về đời trước, khác hẳn với đời này. Từ khi người xuất gia đến giờ chưa từng nói dối, vì thế ngươi cứ chú nguyện như vậy cũng đủ cứu thoát ách nạn cho người đàn bà ấy.

Ương Quật Ma vâng lịnh Phật đến nhà người đàn bà chửa chú nguyện y như lời Phật dạy. Vừa dứt lời thì người đàn bà liền sanh được một cách dễ dàng, mẹ con đều bình an.

Lúc trở về tịnh xá, giữa đường thầy Tỳ kheo Ương Quật Ma gặp lũ trẻ hung tợn ngược đãi thầy, đứa thì lấy đá ném vào đầu, đứa dùng búa nện trên lưng, đứa lại lấy dao đâm, lấy gậy đập. Thầy bị u đầu, xể mặt, rách y, nhưng thầy vẫn coi như thường, không hề oán giận cũng không thốt ra một lời nào than phiền. Về đến tịnh xá, ngài đảnh lễ Phật và ngâm bài kệ rằng:

“Tôi thật là tàn ác

Chỉ mang tiếng lẫy lừng

Nay qui y theo Phật,

Học đạo dứt lòng sân.

Trước khi hay sát hại,

Nay lại rất hiền nhân,

Tuy chỉ có một kiếp,

Ðã đổi xác thay hồn.

Phật từ bi vô lượng,

Không gậy cũng không gươm,

Giáo hoá điều phục tôi,

Thoát khỏi vòng nhân ngã.

Tấm lòng đã sáng suốt,

Không giận cũng không tham,

Không mừng cũng không sợ,

Không khổ cũng không vui.

Chỉ mang Ương Quật Ma,

Ðã thành A La Hán,

Ở trước Ðức Như Lai,

Kính cẩn đọc kệ này”.

Thuật giả: Thích Trường Lạc

Dứt ác làm lành, giữ tâm hồn cho trong sạch, đó là Phật giáo.

Công Chúa Thuần Nhẫn

Công chúa Thuần Nhẫn là con gái út của vua Ba Tư Nặc. Công chúa là người hiếu hạnh, lại có đức nhẫn nhục, nhưng phải có tội xấu quá, nên đã 18 xuân mà vua cha chưa tính việc xuất giá được.

Ôi! Bà mụ cay nghiệt làm sao?

Bắt nặn thế nào cho công chúa xấu đến nổi ai thấy cũng bực mình, mũi tẹt, trán dồ, miệng hô, mắt toét, đó là chưa kể đến thân hình nếu nói đến thân hình thì nàng chỉ cao vỏn vẹn một thước lênh khênh. Vì vậy mà trong triều các vương tôn, công tử phải tìm kế du học ráo, để tránh cái nạn bị trạch phò mã.

Mỗi khi công chúa thấy hai chị hãnh diện trước nhan sắc xinh tươi, nàng rất ngậm ngùi tủi hận, song cũng không hề ganh tỵ. Trái lại, hai chị thì kêu căng, mỗi khi thấy nàng thường tỏ vẻ khó, không muốn gần gũi chuyện trò. Lại tâu với vua cha cấm không cho nàng đi ra ngoài sợ thế gian chê cười. Công chúa thui thủi một mình trong cung cấm.

Nàng hiếu hạnh với cha mẹ, chiều chuộng hai chị và hết lòng thương yêu những người hầu hạ. Nàng thường đem tiền bố thí cho người nghèo khổ, cung cấp thuốc men cho người bệnh hoạn, vì thế ai cũng yêu mến công chúa hơn hai bà chị.

Nhan sắc kỳ dị của công chúa Thuần Nhẫn bay ra, cũng như đức hạnh của nàng, nên một ngày kia Hoàng tử một nước lân cận đến xin cưới nàng làm vợ.

Cầm tay người nghĩa hiệp, vua Ba Tư Nặc cảm động, bảo Trọng Ðức rằng: “Con trẫm được Hoàng tử thương mến thật trẫm không biết lấy lời gì tả cho hết được nỗi lòng cảm bội”. Khi về nước, Hoàng tử không cho tiếp xúc với người, sợ thiên hạ thấy bên ngoài chê cười chăng?

Nhưng than ôi! Lòng hào kiệt của vị Hoàng tử thanh niên cá hạn, mà nhan sắc công chúa lại xấu vô cùng, nên mặc dầu vẫn mến đức, trọng tài của vợ, mà lắm khi Thái tử cũng bực mình về cái xấu của người vợ đáng thương. Rồi lần lần Trọng Ðức tìm cớ săn bắn vui chơi riêng. Công chúa như con chim trong lòng son, tuy có gạo trắng nước trong, nhưng ngoài bốn bức tường thì nàng không còn hay biết gì cả. Công chúa biết nghiệp duyên nên thầm trách kiếp xưa bởi vụng đường tu nên kiếp này phải mang lấy quả xấu, không bao giờ oán thán ai. Nàng chỉ một lòng nhu thuận với chồng, khoan dung độ lượng với người trong cung.

Nhưng ác thay! Các bà Vương phi quận chúa thường tìm đến với nàng để khoe khoang hãnh diện, có khi còn dám chế nhạo nàng ra mặt. Ðức nhẫn nhục của công chúa thuần thành, nên nàng luôn luôn vui vẻ xem như không có gì đáng để ý.

Một hôm các bà về xúi chồng bày một bữa tiệc, mời khắp cả Vương tôn danh nhân trong nước. Theo lệ thường thì vợ nào chồng nấy đếu đến đủ mặt… Duy chỉ có Hoàng tử Trọng Ðức lủi thủi đến một mình. lủi thủi đến một mình. Thôi thì các bà Vương phi, quận chúa, tiểu thơ khoe khoang duyên dáng, các bà lại đi tìm Hoàng tử Trọng Ðức chế giễu.

Hoàng tử không chịu nỗi cơn tức giận, nên sanh lòng ghét vợ. Chàng hằm hằm chuyến này thì về nhất quyết ly dị cho rảnh.

Chồng đi yến tiệc, công chúa một mình vò võ trong cung. Tự nhiên nàng thấy nao nao trong lòng, tin chắc có điều gì không hay xảy đến cho mình. Nàng tủi thân rơi nước mắt. Tự nghĩ ta đời trước đã tạo nhân gì ác nghiệp đến nỗi sanh thân kỳ dị, làm khổ tâm biết bao nhiêu người vì thương yêu ta. Nàng liền chắp tay thành kính hướng về giữa thanh không thầm niệm. “Nam mô Phật, nam mô chư Phật”. và tự khấn nguyện: Ðức Phật hiện nay Ngài hay ban bố ích lợi cho chúng sanh, cứu khổ cho tất cả người khổ sở. Nay con là một người đang chịu khổ, lại không làm sao ra khỏi cung cấm để hầu Ngài. Nguyện xin oai thần Ðức Thế Tôn từ bi khuất giá giáng thần vào trong chốn u đày này, cho con được đảnh lễ. Nỗi thống khổ lòng thành kính tha thiết của con người đáng thương ấy, ứng hiệp với Ðức từ bi của Phật. Ðược Ðức Phật ở tịnh xá Kỳ Viên liền vận thần thông hiện ra trước mặt, trong khi công chúa đang quì lạy. Ngưỡng lên thấy Phật, vừa mừng vừa tủi, nàng kính bạch: “Bạch Ðức Thế Tôn! Ðời trước con đã gây nghiệp ác gì, mà ngày nay bị quả báo thân hình xấu xí như thế này? Lại nhờ phước đức gì mà sanh vào chốn giàu sang?” Ngài động lòng thương xót dịu dàng bảo: “Ðời trước con là một người đàn bà có nhan sắc, lại hay cúng dường bố thí, nhưng khắc nghiệt với tôi tớ, kiêu căng với bạn bè và hay ganh tỵ với người có nhan sắc hơn mình, mắt thường hay nguýt, miệng hay nói xấu người, khi sân hận nổi lên thì đánh đập tôi tớ một cách tàn nhẫn. Nhất là hay ỷ mình có nhan sắc của cải khinh ngạo kẻ khác. Ngày nay con phải thành tâm tha thiết cần cầu sám hối đi, thì những tội lỗi trước kia sẽ tùy theo tâm niệm mà tiêu diệt”.

Tiếng Phật dịu dàng như tiếng chim Ca Lăng Tần Già, công chúa thấy tự nhiên lòng nhẹ lâng lâng, nàng rút khăn lau ráo lệ, rồi tha thiết cần cầu sám hối. Nàng quỳ xuống chân Phật hàng giờ với những lời chân thật phát sinh ra tự đáy lòng. Ðức Phật để cánh tay vàng lên đầu nàng, công chúa ngẩng lên thấy đôi mắt hiền từ trong sáng của Ðức Phật nàng rất sung sướng. Liền khi ấy mắt nàng cũng trong sáng như mắt chim thu nàng thấy sắc diện của Phật đoan nghiêm hiền hậu, lòng nàng cảm động, sanh bao sự vui mừng, tự nhiên mặt nàng cũng đoan nghiêm mỹ lệ. Nàng thấy chân Phật sáng ngời, cốt cách siêu phàm, lòng nàng lại bội phần mến phục, tự nhiên thân nàng cũng đoan nghiêm điều đặn, các tướng xấu xa của nàng bị tiêu diệt. Nàng liền trở nên một công chúa đẹp đẽ xinh tươi đầy đủ phước tướng.

Phật thuyết pháp cho nàng nghe xong liền vận thần thông trở về Tịnh Xá.

Giữa bữa tiệc vui, Hoàng tử Trọng Ðức không chịu được lời chế giễu của các bạn. Tình yêu không thể kéo lại cái hổ, cái nhục. Thái tử bực tức lên ngựa trở về cung, vừa đi vừa thầm nghĩ: “Chuyến này nhất định để, nhất định ly dị”.

Tiếng gió ngựa của người hào kiệt sao mà gấp gáp thế? Công chúa lo ngại vội vàng bước xuống thang lầu thấy mặt chồng đầy sát khí, nàng không dám hỏi han gì. Theo lệ thường nàng cúi xuống tháo chiếc đai ngọc trên lưng Thái tử và cất chiếc mũ vàng cho đầu chàng đỡ nặng. Thái tử ngạc nhiên, cử chỉ ấy rõ ràng là vợ, mà sao nhan sắc nàng biến đổi thế kia? Công chúa hiểu ý, liền đem chuyện cầu Phật kể lại cho chồng nghe. Từ đó vợ chồng vui vẻ hòa thuận cùng nhau lo tu phước thiện.

Một hôm vui câu chuyện, công chúa bảo chồng: “Thiếp xem chàng trọng sắc hơn trọng đức”. Hoàng tử cả thẹn nói lảng qua chuyện khác.

Ðọc câu chuyện này chúng ta nhận thấy nhẫn nhục là điểm cốt yếu cần phải có trong tất cả hạng người, cần phải dùng trong tất cả hoàn cảnh. Nhờ sự nhẫn nhục, nhờ lòng thiết tha ăn năn của công chúa Thuần Nhẫn đã đổi được cuộc đời tối tăm trở thành tươi sáng. Chúng ta nên biết nếu tâm đức thanh tịnh thì sẽ chuyển được hình tướng bên ngoài. Vậy ta nên nhớ “NHẪN NHỤC LÀ GỐC HẠNH LÀNH, SÂN SI LÀ NGUỒI TỘI LỖI”.

Thuật giả: Thể Quán

Tỉnh Giấc Mơ Hoa

Ðàn én bốn phương bay về, đem lại cho trần gian tin xuân vui đầm ấm. Ánh triều dương sắc vàng rực rỡ, lần lần lan rộng, phá tan màu khói sương vẩn màu sửa đục của buổi bình minh. Ðôi hàng cây bên vệ đường đã trút sạch lớp áo vàng để thay vào những mầm non mập mạnh. Ngọn gió đông dịu mát đầy sinh khí, nhẹ nhàng thổi lướt trên đám cỏ xanh. Thành Thất La Phiệt vào buổi mai, âm thanh tràn ngập vẻ thanh hòa đáng mến.

Phút chốc vầng hồng đã lên cao.

Trên con đường lớn quanh co hướng dẫn vào thành, một đoàn Sa môn có hơn nghìn người, đi nối tiếp nhau như con rồng lượn khúc. Các Tăng sĩ, vị nào cũng có vẻ điềm tĩnh đoan trang, nhìn xuống lặng lẽ bước, dáng đi xem tự tại thoát trần. Dẫn đầu là một bực Tôn túc, thân xác vàng ánh, tướng tốt trang nghiêm, đi chậm rãi oai nghi như voi chúa. Sau đấng ấy một vị Tỳ kheo trẻ tuổi ôm bát theo hầu. Ðấy là Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng thị giả A Nan và chư Tăng vào thành khất thực. Bấy giờ, những người có lòng tin ngôi Tam Bảo, muốn gieo trồng giống phước, đem thức ngon vật lạ cúng dường Phật và chúng Tăng. Lại có kẻ không dâng cúng, nhưng thấy dáng điệu trang nghiêm siêu thoát của đấng Ðiều Ngự và các Ðại Ðức Tỳ kheo, cũng họp nhau đứng nơi cửa trông ra, hoặc đứng bên đường để nhìn ngắm.

Từ nơi cửa sổ trên lầu cao, nàng Ma Ðăng Dà một bậc tài sắc trong thành Thất La Phiệt, nghe tiếng động, khẽ vén bức màn thêu, đưa mặt nhìn xuống. Nhưng sống với hương tình vị ái của tuổi xuân, nàng làm sao nhận thức được sự giải thoát đức thanh cao nơi các nhà tu sĩ. Trông qua lớp áo hoại sắc của những vị Sa môn, nhìn lại y phục sa hoa lộng lẫy nơi thân mình, nàng tự thấy phong lưu sang trọng. Rồi kêu hãnh, nàng điểm trên môi một nụ cười. Nhưng bỗng ngạc nhiên, Ma Ðăng Dà chăm chú nhìn vị Tỳ kheo trẻ tuổi đứng hầu sau Ðức Phật. Ôi! giữa trần gian này sao lại có trang nam nhân đẹp đến thế? Nàng tự nghĩ thầm nếu được cùng người này chung hưởng được trăm năm, dù phải nghèo nàn, khổ nhọc, ta cũng ưng lòng, không còn ước mong gì hơn nữa! Mắt vẫn nhìn, trí mãi suy nghĩ, Ðức Phật và chư Tăng đi khuất từ lúc nào, nàng Ma Ðăng Dà còn ngồi ngơ ngẩn dường như không hay. Ðến chừng định thần lại, nhìn ra khoảng đường vắng vẻ, nàng buông một hơi thở dài, trên mặt lộ đầy vẻ bâng khuâng nhớ tiếc…

Không rõ A Nan xinh đẹp thế nào, mà Ðức Phật không cho ông mặc áo trần vai, vì sợ hàng phụ nữ trông thấy động tình. Và Ngài Văn Thù Bồ Tát từng khen tặng ông rằng: “Mặt như vầng nguyệt sáng, mắt tợ cánh sen tươi”. Thế thì cô mỹ nữ kia yêu mến ông, điều ấy cũng không lấy chi làm lạ.

Nàng Ma Ðăng Dà từ khi trông thấy A Nan mối tình si dường như vấn vương khó dứt. Mỗi ngày, nàng thường lên lầu, trông ra cửa sổ, chờ chư Tăng đi khất thực, mong sao cho được thấy mặt người yêu. Sống trong tình khát ái khó tỏ nỗi lòng, Ma Ðăng Dà tâm thần ngơ ngẩn, quên ăn uống, biếng nói cười, gương mặt xinh tươi lần lần hóa ra tiều tụy. Thân mẫu nàng thấy con có những trạng thái bất thường như thế, sinh nghi đôi ba phen gạn hỏi. Không thể che giấu, nàng phải đem sự thật tỏ bày và van xin mẹ làm thế nào cho mình khỏi thất vọng. Nghe xong, mẹ nàng lộ vẻ ngậm ngùi bảo: “Con ơi! Ðiều con muốn khó thể thực hiện được. A Nan là người hầu cận thân tín của ông Cù Ðàm ông ấy và những Sa môn đệ tử của ông có nhiều phép thần thông kỳ diệu. Những bậc cao đức trong hàng lục sư còn phải nhường họ, thì mẹ đâu có tài gì làm thỏa nguyện cho con. Hơn nữa, A Nan là người thuộc dòng tôn quý, con của ông Hộc Phạn Vương, nếu không xuất gia, có lẽ y thay thế cho thái tử Tất Ðạt Ða là vua trong một nước, mẹ con ta là phận thấp đâu mong gì sánh được với người. Thôi con hãy xóa bỏ những ý nghĩ ấy và khuây khỏa nỗi sầu khổ để cho mẹ vui lòng. Mất A Nan này sẽ có A Nan khác, trong bốn phương thiên hạ lẽ không tìm được một người đẹp như thế hay sao?”. Nghe mẹ nói, tuy lặng yên không đáp, song nàng Ma Ðăng Dà thật trăm phần đau đớn. Trước kia, một tia hy vọng lập loè trong trí, nay hiểu qua mọi nổi khó khăn, nàng tự cảm thấy như rơi vào cõi âm u ghê sợ.

Tâm tư tràn ngập nổi buồn thương thất vọng, nàng thầm than: “Thôi, thế là hết! Ðời ta đã đến giai đoạn kết cuộc từ hôm nay…”

Thế là bệnh của Ma Ðăng Dà mỗi ngày một nặng. Trong cơn mơ thấy A Nan đi đến, nàng vô cùng mừng rỡ, vội chạy đến choàng vai, nhưng vị Tỳ kheo trẻ tuổi nhẹ nhàng thoát khỏi tay nàng rồi biến mất; nàng cất tiếng khóc to lên thì vừa thức giấc… Thân mẫu nàng thấy con khi mê khi tỉnh, thoạt khóc thoạt cười, lấy làm buồn rầu lo lắng, một mặt khuyên dỗ, một mặt chạy chữa đủ thứ thuốc thang, song vẫn không hiệu quả.

Một buổi sáng tà dương đang tiết trời dìu dịu, gió bên ngoài nhẹ thổi động bức rèm thêu đùa không khí trong mát vào phòng; cơn sốt như được giảm bớt, Ma Ðăng Dà lặng lẽ thức tỉnh. Nhìn lạy thân hình vỏ vàng gầy héo, lộ vẻ chua cay, nàng nhẹ nhếch một nụ cười. Nhưng vừa khi ấy nàng bỗng ngạc nhiên, vì nhận thấy hôm nay trong phòng trang hoàng rất sạch sẽ. Ðối diện nàng bức họa: “Vườn xuân dưới nắng mai” được treo lên với vẻ mỹ thuật. Và, chiếc lọ thủy tinh cắm đầy hoa tươi, ai đã đem đến đây để ngay ngắn giữa mặt bàn như tấm thảm màu xanh da tươi. Ðể ý trông qua khe cửa, Ma Ðăng Dà thấy mẹ đang ngồi tiếp chuyện với một vị đạo sĩ râu tóc bạc phơ, vầng trán sáng suốt, nét mặt trầm ngâm. Hai người nói gì nàng không nghe rõ, nhưng hình như xem mẹ nàng có vẻ chú trọng lắm, Ma Ðăng Dà chưa hiểu, còn đang nằm yên suy nghĩ, thì nghe có tiếng giày của mẹ đi nhẹ vào phòng. Nàng nhắm mắt giả vờ như không hay biết, tiếng giày đi lại bên giường chợt im bặt hồi lâu, thốt nhiên nàng cảm thấy bàn tay từ mẫu đặt lên trán mình và tiếp theo đấy, nối liền một giọng đều đều êm dịu: “Con ơi! Chớ nên buồn rầu! Con là lẽ sống duy nhất của mẹ; với lòng quý mến con, mẹ có thể hy sinh tất cả hạnh phúc trên đời. Vì thế vừa rồi mẹ có mời được một đạo sĩ danh tiếng, ông đã truyền cho mẹ bài mật ngữ “Ta Tì La Phạm Thiên chú”. Theo lời ông mật ngữ có năng lực mê hoặc người, dù người ấy đạo hạnh đã đến mức cao siêu. Nếu học thuộc thần chú này, con có thể thực hiện nguyện vọng của mình bằng cách mê hoặc A Nan, khiến cho y mất sức tự chủ và hoàn toàn bị sai sử tùy theo ý con muốn”. Máu nóng chảy rần rật trong huyết quản, Ma Ðăng Dà như cảm thấy có một nguồn sinh lực mầu nhiệm làm cho nàng mạnh mẽ hơn hồi chưa bệnh, sau khi nghe được mấy lời ấy; gương mặt tươi tỉnh hẳn lên, nàng nói với giọng run run vì sung sướng, cảm động: “Thật thế hở mẹ? Nếu vậy bệnh con sẽ lành và con không còn lo buồn gì nữa!”. Rồi nàng trỗi dậy gọn gàng như người vô sự.

Nửa tháng sau, khi sức khẻo gần bình phục, Ma Ðăng Dà đã thuộc làu làu bài mật ngữ. Nàng còn chờ một thời gian ngắn cho trong người thật mạnh sẽ thi hành ý nguyện, lòng chứa chan hy vọng, tin chắc thế nào mình cũng đắc thắng bằng hai lợi khí: nhan sắc và thần chú nhiệm mầu. Rồi, một buổi sớm mai, nàng trang sức rất đẹp, sắm sẵn những thức cúng dường để gợi ý trung nhân. Nhưng bóng ác càng cao, Ma Ðăng Dà càng nhìn trông mỏi mắt và cuối cùng phải thất vọng, vì đã quá ngọ mà vẫn vắng bóng hành khất của chư Tăng. Hoài công chờ đón như thế đến bốn năm hôm, hỏi ra nàng mới biết lúc này vào đầu mùa mưa, chư Tăng theo lệ thường mỗi năm phải ăn cư một chỗ trong vòng ba tháng. Nghe được tin ấy, nàng âu sầu khổ não, song cũng phải dằn lòng đợi dịp, không biết phải làm thế nào.

Lá tươi rồi héo, hoa nở rồi tàn, cảnh vật âm thầm biến chuyển mau lẹ theo cánh thời gian, thấm thoát đã đến ngày chư Tăng mãn hạ. Ðối với nàng Ma Ðăng Dà, ba tháng thật là mấy năm trường đằng đẳng! Nhưng việc sẽ đến tất phải đến, hôm nay nàng sẽ cảm thấy sống dậy một mùa xuân tươi đẹp mùa xuân ở cõi lòng. Từ sáng sớm, những thức cúng dường đã được sắp đặt đâu vào đấy. Công việc xong xuôi, Ma Ðăng Dà đến trước gương trang điểm, vừa đọc nhẩm mấy câu Phạm chú. Vẻ vui tươi đắc ý hiện rõ trên mặt nàng. Giai nhân lồng bóng trong gương, hai dáng xinh đẹp in nhau, phưởng phất như cành hoa Tịnh Ðế. Khi ánh nắng mai chiếu vào song cửa, trên con đường vào thành, hình dáng của đoàn Sa Môn đi khất thực lần lần lộ rõ và cũng lại gần, Ma Ðăng Dà vô cùng mừng rỡ, định thỉnh riêng ông A Nan đến trước nhà để tiện bề dùng huyển thuật. Nhưng lần này nàng rất ngạc nhiên, vì không thấy vị Tỳ kheo trẻ tuổi theo hầu Ðức Phật. Thêm một điều lạ: chư Tăng cùng đi thẳng, không dừng lại từng nhà để thọ cúng như mọi khi. Ma Ðăng Dà để ý nhìn từng vị Sa Môn lần lượt đi qua, nhưng cũng không thấy người mình muốn gặp. Mỗi nỗi buồn vô tả xâm chiếm tâm nàng, khi vị Sa Môn cuối cùng vừa đi khuất. Nàng để rơi mình xuống ghế, hai tay bưng mặt, choáng váng cả tâm thần. Không biết ngồi như thế được bao lâu, khi ngước đầu lên, Ma Ðăng Dà chợt thấy từ xa tiến đến một hình dáng quen thuộc. Nàng mở to đôi mắt nhìn kỹ người ấy không ai đâu lạ, chính là vị Tỳ kheo trẻ tuổi mà nàng đã thương nhớ từ lâu. Lòng rạo rực, nỗi vui mừng không thể tưởng tượng, nàng vội vả đứng dậy đón chờ.

Tại sao lại có việc như thế?

Nguyên vào lúc các thầy Tỳ kheo mãn hạ, nhân ngày kỵ phụ vương Ba Tư Nặc sắm những thức ăn quí lạ, mời Phật và chư Tăng thọ trai trong hoàng cung. Ðức Thế Tôn thân lãnh các vị Tỳ kheo thẳng đến cung vua để ứng cúng, nên không theo thường lệ đi từng nhà khất thực. Duy có ông A Nan trước đã chịu người mời riêng, đi xa chưa về, không kịp dự hàng trai chung. Vì về trễ, ông đi giữa đường một mình. Nhớ lời Ðức Phật đã quở Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp và Tu Bồ Ðề làm A La Hán tâm không quân bình, ông kính vâng lời dạy vô giá của đấng Ðiều Ngự, ôm bát theo thứ lớp ghé vào từng nhà, kính giữ phép hoá trai.

Khi A Nan đi đến, nàng Ma Ðăng Dà đem thức ăn ra cúng dường đồng thời gọi thầm tên vị Tỳ kheo trẻ tuổi và đọc mấy câu Phạm chú, đoạn nàng xây lưng trở vào nhà.

Tay chân bủn rủn, thần trí không định, A Nan cũng nối gót theo sau. Lúc hai người đã vào đến phòng, như cây héo gặp mùa xuân, Ma Ðăng Dà giở đủ trò khêu gợi quyết tâm làm nổi dậy ngọn sóng tình trong con người tịnh hạnh. Trong giờ phút nguy hiểm ấy; tuy bất lực, song cũng còn tỉnh trí, A Nan tha thiết tưởng nghĩ: “Hỡi Ðức Từ Nghiêm! Nay con bị nạn, Ngài đành bỏ con sao?”.

Khi ấy Ðức Như Lai thọ trai xong, đã về đến tịnh xá và đang ngồi thuyết pháp giữa vô số thính chúng. Ðấng Từ Nghiêm trí tuệ thần thông nghe thấy ông A Nan mắc nạn, liền từ nơi nhục kế trên đảnh, phóng ánh sáng trăm thứ báu rất tự tại nhiệm mầu. Trong ánh sáng có vô số hóa Phật, mỗi vị đều ngồi trên toà sen nghìn cánh, đồng thời nói ra thần chú bí mật. Ðức Như Lai khiến Ngài Văn Thù phụng trì chú ấy, đến dẹp trừ tà chú đem ông A Nan về. Ngài Văn Thù vâng lời đến, phóng áng sáng nói lại thần chú bí mật. Bấy giờ ông A Nan tâm trí sáng suốt, như cá đã thoát khỏi lướt, vụt chạy ra ngoài. Chưa được thỏa nguyện, bỗng mất người yêu, Ma Ðăng Dà cũng chạy theo A Nan tâm trạng như người cuồng dại. Khi ba người đã đến Tịnh xá, lòng si ái quá nặng, Ma Ðăng Dà sầu khổ bạch với Phật: “Xin Ngài trả ông A Nan lại cho tôi”. Ðức Phật mĩm cười, dùng phương tiện bảo: “A Nan là kẻ xuất gia, nàng là thế tục, hình thức và đời sống của đôi bên đều khác, thế thì làm sao gần gũi nhau được? Nếu nàng chịu cạo tóc, mặc áo cà sa, ta sẽ giao A Nan lại cho”. Trước tiên, Ma Ðăng Dà còn dùng dằng, nhưng bị ái tình làm mù quáng, đã thương trót phải liều, nàng nghĩ thầm: “Nếu Phật không giữ lời hứa, ta sẽ nắm áo Ngài và ông A Nan”.

Nghĩ như thế nàng liền ưng thuận, sau khi đã thành hình thức xuất gia, Ma Ðăng Dà lập lại yêu cầu khi trước, Ðức Phật không đáp hỏi lại:

- Nàng thương A Nan vì chỗ nào?

- Tôi thương đôi mắt xinh đẹp của ông.

- Mắt của A Nan chỉ là hai khối thịt hôi, trong ấy chứa những nước mắt, ghèn dơ, có chỗ nào tinh sạch đặng cho nàng mến?

- Tôi thương cái mũi ông A Nan.

- Mũi của ông ấy có những chất nhớp bên trong và thường chảy ra thứ nước không sạch, nàng chẳng nên ưa thích.

- Tôi thương cái miệng ông A Nan.

- Miệng của A Nan có những nước miếng, đờm, dãi, nếu ông ấy không năng súc rửa, nơi đó sẽ đóng cáu bợn và tiết ra mùi hôi. Thế thì không đáng cho nàng yêu chuộng.

Sau khi đánh tan những chỗ ái chấp của Ma Ðăng Dà, Ðức Phật lại vì nàng giải thích, chỉ rõ thân người không sạch, mong manh chóng suy tàn, là nguyên nhân của sự đau buồn trong hiện tại và vô lượng nỗi khổ về sau.

Nghe lời chánh chơn hợp lý của Ðức Phật, như người trong bóng tối chợt bắt gặp ánh sáng, Ma Ðăng Dà đứng lặng suy nghĩ. Trước kia nàng lầm tưởng ái tình là vườn hoa tươi đẹp, đầy màu sắc rực rỡ, hương vị thơm tho, nơi ấy hẳn hứa hẹn cho thế gian một diễm phúc tuyệt trần. Nhưng hôm nay nhìn sâu vào thực tế, nàng mới biết nó là một mũi gai độc ẩn núp dưới lớp lá xanh; một sợi dây vô hình lôi kéo người vào ngục tối đau khổ, Tỉnh Giấc Mơ Hoa, nàng quan sát những lý: bất tịnh, khổ không, vô thường, vô ngã của Ðức Phật vừa khai thị, liền chứng được quả A Na Hàm. Vừa mừng rỡ vừa tủi thẹn, nàng cúi xuống đảnh lễ Ðức Thế Tôn, xin trọn đời làm đệ tử và phát nguyện sẽ dẫn dắt chúng sanh thoát khỏi vòng hoa mộng, vào bản thể an vui trong sạch…

Thuật giả: Trí Hiền



[1]Chỉ Mang: Vì chặt ngón tay người làm chuỗi đeo nên gọi là Chỉ Mang.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/07/2010(Xem: 10662)
Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, tất cả mọi hành động bằng thân, lời và ý đều xuất phát từ hai tiêu chuẩn đó nhằm đem lại lợi lạc cho mình và tha nhân. Đây là những đức tính rất cơ bản để phát triển về Giới-Định-Tuệ mà một người muốn thăng tiến về mặt tâm linh thì cần phải quan tâm và thực hiện một cách triệt để.
17/07/2010(Xem: 4805)
Đêm qua con nghe bài pháp “Vượt qua oan gia trái chủ”của thầy Thích Tâm Đại, cảm thấy bàng hoàng, sửng sốt, mồ hôi ướt lạnh. Hóa ra, trong quá khứ, con đã tạo vô lượng tội, gieo vô lượng oán thù, oan gia trái chủ.
25/06/2010(Xem: 5124)
Vì không biết sự vận hành nội tại nên hầu hết mọi người trên thế gian không ai nhận ra chính mình và cũng không đồng ý với chính mình. Có người nương vào thể chất như thân thể cao lớn, mạnh khỏe, sắc diện đẹp đẻ, sáng sủa thù thắng …và cho đó là ta. Có vị lấy tri thức như bằng cấp học vị là mình như tiến sĩ, bác sĩ hay kỹ sư v.v. Có vị lấy danh vọng chức tước như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng v.v.làm ta.
25/06/2010(Xem: 9824)
Cô Sue Dixon, một Phật tử người Úc, vướng phải căn bệnh hiểm nghèo, ung thư ngực, trong lúc dường như phải bó tay và hoàn toàn tuyệt vọng thì các Tăng sĩ Tây Tạng đã hướng dẫn phương pháp Thiền quán. Tuyệt vời thay, không lâu sau đó, cô bình phục và khỏe mạnh như xưa. Bài viết dưới đây, cô sẽ kể cho đọc giả biết quá trình loại bỏ bệnh ung thư như thế nào
02/06/2010(Xem: 3833)
Đó là ngày 26 Tháng 10 năm 1967. Tôi đang bay ngay trên bầu trời trung tâm Hà Nội đan chéo đầy hỏa tiễn trong phi vụ thứ 23 của mình, thì bị một hỏa tiễn Nga kích thước cỡ cột điện thoại bắn tung cánh phải chiếc Skyhawk ném bom tôi bay. Phi cơ bổ nhào từ cao độ khoảng 4,500 feet xuống đất, bị đảo ngược lại, gần như chúi thẳng đầu xuống đất. Tôi kéo cần bung dù thoát hiểm. Lực phóng làm tôi bị bất tỉnh vì tốc độ gió đâu khoảng 500 knot (chú thích người dịch: 926 km/giờ). Lúc đó tôi không nhận thức được, nhưng chân phải ngay quanh đầu gối và ba nơi trên cánh tay phải cùng cánh tay trái của tôi đã bị gãy. Tôi tỉnh lại ngay trước khi cánh dù của tôi rơi xuống một hồ nước ngay một góc của Hà Nội, một trong những hồ họ gọi là Hồ Tây. Mũ phi công và mặt nạ dưỡng khí của tôi đã bị thổi bay đâu mất. Tôi chạm mặt nước và bị chìm xuống đáy. Tôi nghĩ rằng hồ sâu khoảng 15 feet, cũng có thể 20. Tôi chòi chân phía dưới để nổi lên mặt nước. Lúc đó tôi không cảm thấy bất kỳ đau đớn nào. Tôi hít một
03/04/2010(Xem: 4009)
Đạo vốn vô ngôn; do ngôn mà hiển đạo, thế nên có mạn lục, có bảo huấn, có bút ngữ, có võ khố. Nay đây, có Hòa thượng Văn Thủ, tự Nhất Ty (1607 – 1648) người nước Nhật Bản, lúc đầu ở ẩn nơi Tây Cương thuộc đất Lạc Tây, về sau Ngài về núi Đan mai danh ẩn tích. Nhưng các hàng xuất gia khắp chốn hải hồ tìm đến bên Ngài kết am tranh tu học số đông không kể xiết. Rốt cuộc, danh Ngài thấu đến cửu trùng, vua thỉnh Ngài trụ trì hai chùa Pháp Thường và Linh Nguyên, ban hiệu là Định Huệ Minh Quang Phật ĐảnhQuốc Sư. Những khi nhàn rỗi, Ngài xem lại gương xưa góp nhặt những di ngôn, vãng hạnh của Phật Tổ và thêm vào đó lời phẩm bình biên tập lại thành bộ Truy Môn Bảo Tạng Tập (trong bản dịch nầy tạm lấy nhan đề là Kho Báu Nhà Thiền). Bộ sách nầy thật là cây đuốc huệ trong đường tăm tối, là thuốc hay cho người bệnh, chẳng những lợi cho người đương thời mà cũng là tiếp độ kẻ hậu côn, thật không có gì hơn vậy. Than ôi! Vào niên hiệu Bảo Vĩnh vì ảnh hưởng thời cuộc nên đâu có khắc bản và muốn lưu hàn
21/02/2010(Xem: 6125)
Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]