Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện Cổ phần 03

18/10/201319:19(Xem: 4029)
Truyện Cổ phần 03

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 1
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 03


11/ Nắm hạt trai
12/ Xâu ngọc. . . nước
13/ Tiếng đàn ai oán
14/ Kẻ bỏn sẻn bị phạt
15/ Vàng hay Rắn

Nắm Hạt Trai

Hôm nay theo thứ lớp khất thực Ðạo sĩ A La phải đặt chân vào một chiếc cổng cổ kính, nhưng không kém phần tráng lệ và mỹ thuật của một thương gia, có tiếng chuyên môn buôn bán lớn về ngọc ngà vàng bạc.

Ðạo sĩ đưa chiếc gậy tre ấn nhẹ cánh cổng, rồi khoan thai bước vào! Người thong thả rảo bước theo hàng dậu, để lần đến một nếp nhà cao sang nằm chễnh chề giữa một khu vườn vuông vắn.

Chung quanh người hoa lá đang nhộn nhịp trong nắng sớm và trước mắt người cảnh giàu sang đang phô bày diễm lệ. Nhưng bình minh trong sạch như lòng, Ðạo sĩ vẫn trầm tĩnh, nét mặt vẫn bình dị, đôi mắt người vẫn dịu hiền và cả nụ cười không thay đổi ý nghĩa giải thoát của một nhà ÐẠO SĨ.

Xa xa, đàn ngỗng trắng đang đùa giỡn trên đám cỏ xanh mềm; bỗng chúng cất tiếng kêu vang, làm ngừng tay viên thương chủ, giữa lúc chàng mãi chọn lấy hạt trai, để xâu lại thành chuỗi… Ðạo sĩ khất thực!

Cả một hình dáng yên lành và thanh tịnh đang nhẹ tiến về phía chàng… sung sướng, chàng để luôn cả nắm hạt trai xuống đất, chắp tay vái chào Ðạo sĩ, rồi vội vàng đi lấy cơm dâng cúng cho người.

Trong lúc ấy, đàn ngỗng đứng bên cạnh, trông thấy nắm hạt trai óng ả chúng lầm tưởng một món ăn ngon, quên cả sự có mặt của Ðạo sĩ, một con lớn nhất trong đàn, lanh lẹ chạy đến và đớp đại lấy nắm hại trai… Ðạo sĩ hoảng hốt đưa tay đuổi… nhưng muộn lắm rồi, cả nắm hạt trai, trong nháy mắt, đã dễ dàng trôi qua cổ họng con ngỗng khốn nạn.

Trong trường hợp này, Ðạo sĩ tự thấy lo ngại, nhưng người trầm tĩnh lại ngay và yên lặng chờ đợi.

Giữa lúc ấy, chàng thương chủ đã từ nhà đi ra, mang theo một bát cơm sốt dẻo. Chàng cung kính quỳ trước Ðạo sĩ để dâng cúng cho người.

Nhưng chàng bỗng sửng sốt kinh lạ khi nhìn lại nơi chàng để nắm hạt trai. Một lần nữa chàng đưa mắt nhìn kỹ xung quanh, và nhìn lại nơi đã để hạt trai, rồi bỗng chàng đưa mắt lên nhìn Ðạo sĩ, mà người đang yên lặng đứng trước mặt chàng.

Chàng đứng ngay dậy, tay chàng run lên, mắt chàng như nẩy lửa, và chàng cất tiếng mỉa mai: “Chắc Ðạo sĩ không gì trước cử chỉ thất lễ đột nhiên của tôi chứ? Mong người trả lại nắm hạt trai quý giá cho chúng tôi”.

Trước cử chỉ và lời lẽ của thương chủ, Ðạo sĩ A La vẫn bình tĩnh không trả lời.

Thái độ yên lặng và thản nhiên của Ðạo sĩ, càng làm cho thương chủ tức giận sôi gan, chàng lớn tiếng mắng Ðạo sĩ và gọi gia đình bắt trói Ðạo sĩ lại, đồng thời cho mời hương chức để tra hỏi.

Nhưng Ðạo sĩ vẫn yên lặng chịu đựng, trước những lời lẽ đang nhiên chua chát của thương chủ; trước hình phạt tra tấn của hương chức. Nhưng người sức có hạn. Ðạo sĩ không chịu đựng được nữa, người té xỉu và ngất lịm trên vũng máu.

Giữa lúc ấy con ngỗng trắng khốn nạn kia, bỗng cất cánh bay lại bên Ðạo sĩ, chìa mỏ hút lấy dòng máu. Sẵn cơn tức giận, thương chủ không một thương tâm tha thứ, chàng xách gậy chạy đến và đánh chết ngay con ngỗng… Ðạo sĩ A La vừa hồi tỉnh, nghe động, đưa mắt nhìn sang, người hoảng hốt kêu cứu cho con ngỗng.

Nhưng làm sao kịp nữa; con ngỗng đáng thương của Ðạo sĩ chỉ còn lại cái xác không hồn; động lòng TỪ BI, ÐẠO SĨ cố lấn lại bên thi hài con ngỗng, người đưa tay vỗ về và lâm râm đọc kinh cầu nguyện…

Cử chỉ tự nhiên, thái độ chí thành của Ðạo sĩ trong sự cầu nguyện đã làm cho thương chủ yên lặng quên cả sự đánh mắng. Vài phút sau, Ðạo sĩ A La chống gậy đứng dậy và chậm rãi nói với thương chủ: “Nắm hạt trai của người chính con ngỗng này đã nuốt vào bụng nó, trong khi người vắng mặt”.

Nghe xong, thương chủ vội bảo người nhà đem mổ bụng con ngỗng để chàng xem hư thật.

Quả như lời Ðạo sĩ: Nắm ngọc trai óng ả được đưa ra với nắm ruột khốn nạn của con ngỗng bạc phước.

Thương chủ vừa trông thấy, chàng liền sụp đầu sát chân Ðạo sĩ, cầu xin người mở lượng TỪ BI cho chàng sám hối.

Chàng phân phiền: “Sao Ðạo sĩ không cho tôi biết trước, để tôi lầm lỗi thế này”.

Một câu nói ý nghĩa, đã vội nở trên đôi môi nhà Ðạo sĩ: “Hỡi thương chủ! Lòng TỪ BI không giới hạn, ta đã nguyện mở rộng trước mọi đau khổ của chúng sanh”.

Vì thế, nếu ta đem chuyện con ngỗng lầm dại, nói ngay với người từ trước, như vậy là ta đã gián tiếp giết hại con ngỗng! Việc ấy ta không bao giờ làm.

Vả lại ta không thể trái lời Phật dạy, manh tâm lưu hại cho chúng sanh, chỉ vì sự an lạc của chúng sanh nhỏ hẹp!”.

Thương chủ như mở bừng đôi mắt; đến đây chàng mới nhận rõ cái cử chỉ yên lặng từ trước của Ðạo sĩ là một ý nghĩa cao quí, làm sống lại lời Phật dạy và tỏa rộng đạo TỪ BI.

Chàng tự than: “Nếu tất cả nhân loại chúng sanh, ai cũng biết sống đúng theo lời Phật dạy và thực hành theo hạnh TỪ BI như Ðạo sĩ, thì còn đâu nữa mọi nỗi đau khổ của chúng sanh.

Hơn nữa, nếu biết xem thường vật chất thì đến nỗi nào phải tối tăm và lỗi lầm như chàng đã lầm lỗi”.

Giờ phút này lòng chàng như cởi mở và rộng rãi bao la… Ðưa mắt nhìn về dĩ vãng, chàng cảm thấy đời chàng như một căn phòng tối tăm, thấp thỏi!

Và có lẽ từ đây, chàng không thể sống lại một cuộc đời nhỏ hẹp, chỉ biết bo bo với vàng bạc ngọc ngà; chàng cũng không thể sống lại một cuộc đời nô lệ đầy tội lỗi chỉ biết tìm lạc một cuộc đời cho tự thân… Một ý niệm trong đẹp nẩy nở trên tâm thức: “Chàng phải từ rã tất cả để đền trả tội xưa; chàng phải từ rãy tất cả, để làm những gì mà lòng chàng ao ước hoài vọng”.

Ðưa mắt nhìn lại ngôi nhà sang trọng của mình rồi chàng mạnh mẽ hướng về Ðạo sĩ, chàng cúi đầu đảnh lễ, và cầu xin noi chí rộng rãi của người, chàng phát nguyện: “Chàng sẽ là một viên đá nhỏ, trong vô số viên đá khác, để chung góp xây đạo TỪ BI. Chàng sẽ là một tia sáng nhỏ, trong vô số tia sáng khác, để cùng nhau nêu cao lời Phật dạy, để đem lại hạnh phúc giải thoát và giác ngộ cùng khắp cho tất cả mọi loài”.

Thuật giả: Thích Tâm Nguyên

Chiến tranh làm gì có khi người ta giữ giới không sát sanh.

Xâm lượt làm gì có khi người ta biết giữ giới không trộm cướp.

Xâu Ngọc… Nước

Bên trời sương mù đã tan hẳn.

Vầng thái dương ẩn hiện sau áng mây thua, chiếu ánh sáng huy hoàng trong khoảng không gian trong tạnh.

Từng cơn gió mát lạnh từ phương nam thổi về làm rơi những hạt nước trong suốt như pha lê còn đọng ở đầu cỏ lá cây.

Cảnh vật nơi vườn Ngự sau một trận mưa mai vừa tàn, càng đượm vẻ thanh tân tươi thắm.

Nơi thềm cao của một ngôi đền vàng, một nàng công chúa tuổi còn thơ bé, ngồi trên chiếc cẩm đôn, đưa mắt thẩn thờ nhìn ngắm cỏ hoa trong thượng uyển.

Bên này nơi hồ bán nguyệt những đóa hoa sen trắng, đỏ, tươi, đẹp mịn màng xen lẫn thấp cao trên mặt nước.

Ðàng kia, chung quanh hòn giả sơn, những thứ hoa quý lạ từ bốn phương gởi về, hương sắc thanh kỳ, phô vẻ nghìn hồng muôn tía, như mỉm cười duyên dáng trước ngọn gió mai.

Xa xa, mấy gốc thùy dương dịu dàng nghiêng mình soi bóng bên dòng suối nhỏ.

Khung cảnh tuy đẹp nhưng không gợi được niềm vui cho Công chúa, vì nó đã thường với mắt nàng lắm, rồi nàng mơ mộng vơ vẩn và ước mong một cái gì khác lạ hơn nữa…

Nắng vàng nhẹ phủ lên hoàng cung.

Cảnh vật nơi vườn ngự tắm nắng triêu dương, rung động chập chờn trong làn gió sớm.

Công chúa đang thơ thẩn ngồi trông xa gần, bỗng đôi mắt nàng chăm chú vào một cảnh tượng. Từ trên mái ngói tráng men xanh, nước mưa còn đọng lại rơi xuống từng giọt đều đều, nối thành những bóng nước tròn, trôi lăn theo rãnh đá hoa trắng.

Dưới ánh chiêu dương, những bóng nước ấy lấp lánh, nổi nhiều màu sắc kỳ xảo, xinh đẹp lạ thường như những hạt ngọc tuyệt trần vô giá! Nét mặt công chúa sáng lên, nàng mỉm cười và thầm nghĩ: “Chà! những hạt ngọc kia sao mà đẹp thế! Ta đã có nhiều châu báu, nhưng chưa thấy thứ ngọc nào quý lạ bằng loại này.

Giá ta có một tràng chuỗi ngọc như thế để quàng nơi cổ thì thích biết bao!”.

Nghĩ xong, như thâu thần, công chúa lại thừ người ra nhìn ngắm say sưa quên hẳn bao nhiêu vẻ tươi thắm quanh mình, mặc cho ngọn gió nam cợt đùa cùng cảnh vật.

Giọt mưa đá dứt từ trên mái ngói.

Nơi lòng rãnh đá hoa, hình dáng những viên ngọc vô giá không còn nữa.

Ðâu đây, vài tiếng chim ríu rít điểm thưa thớt, đứt khoảng trong mấy tàn cây rậm.

Vầng thái dương lên đã hơi cao, ánh vàn xiên xiên rọi nữa thềm vàng, mà công chúa vẫn còn ngồi ngơ ngẩn, tâm hồn như phiêu dạt tận nơi nào! Một tên cung nữ từ phía trong đi ra, se sẽ đến gần, cung kính thưa: có lệnh mẫu hoàng gọi.

Như chợt bình tĩnh, công chúa không đáp, nặng nề bước thẳng vào phòng rồi lên giường nằm.

Cung nữ ngạc nhiên chạy vào phía trong.

Một lát, Hoàng hậu đến phòng con, thấy trên mặt ngây thơ có vẻ bơ phờ ủ dột, tưởng rằng đứa con yêu cảm nhiễm phong hàn, nên dịu dàng han hỏi.

Vốn là con một, hằng được nuông chiều, công chúa như có dịp để nhỏng nhẽo cùng mẹ.

Vì vậy tuy biết hoàng hậu đến thăm, nhưng nàng vẫn nằm xây mặt vào trong im lặng.

Hoàng hậu lại càng hốt hoảng kịp báo tin cho đức vua. Nghe tin con bất thường, đức vua vội vàng đến thăm hỏi, công chúa cũng vẫn im lặng không đáp. Sau khi vua và hoàng hậu dỗ dành, khuyên lơn mãi, nàng công chúa thơ ngây ấy mới thuật chuyện những viên ngọc quý và nói chỗ ước vọng của mình. Nghe xong, đứa vua cười vui vẻ và bảo: Ồ! Con ta khéo vớ vẩn thì thôi! Những hạt ngọc mà con nói đó, chỉ là những bóng nước, làm sao kết được tràng chuỗi? Nhưng thôi, con hãy yên lòng, các thứ ngọc quý giá ấy ở trong kho tàng không thiếu gì, cha sẽ cho con tùy ý lựa chọn. Nói đoạn, Vua sai quan giữ kho lựa những thứ ngọc thật đẹp đem đến cho công chúa. Nhưng sau khi xem xong từ thứ ngọc này đến thứ ngọc khác, công chúa vẫn không vừa ý, nhất định đòi cho được thứ hạt ngọc mà mình đã trông thấy.

Ước vọng không thành, lòng mơ tưởng những viên ngọc tuyệt đẹp làm cho công chúa âu sầu rã rượi, không còn biết đến bao nhiêu thức ngon, vật lạ.

Bệnh của công chúa mỗi ngày mỗi nặng. Ðức Vua và Hoàng hậu vô cùng lo lắng, vì vậy thấy sự tưởng nhớ có thể làm gầy mòn và cướp mất đứa con yêu của mình.

Một buổi chầu đức vua phán hỏi các quan làm thế nào cho công chúa hết bệnh? Tất cả triều thần đều nhìn nhau lặng thinh. Ngài lại hạ chiếu cho đòi những người thợ chuốt ngọc tài giỏi vào triều và hỏi có thứ ngọc nào như những bóng nước lấp lánh ngũ sắc để làm tràng chuỗi cho công chúa?

Tất cả thợ ngọc đều tâu không thể nào tìm được thứ ngọc như thế. Sau cùng, đức vua cho truyền rao khắp trong nước: Nếu người nào làm cho công chúa hết bệnh, sẽ được thưởng nghìn vàng.

Trong khi giờ khắc lặng lẽ trôi qua mà cứu tinh vẫn vắng bóng, vì lòng thương con, người cha hiền ngồi đứng không yên, muôn phần áo não.

Một buổi sáng tinh sương, có người thợ chuốt ngọc tuổi già, râu tóc bạc phơ; xin vào ra mắt, sau khi bái yết xong người thợ già quỳ xuống tâu: “Muôn tâu Hoàng thượng! Bệnh của công chúa là một tâm bệnh, không thể dùng thuốc thang điều trị.

Muốn cho hết bệnh lành, tất phải làm thỏa nguyện vọng của người ốm. Nhưng có điều khó: bóng nước không thể kết làm tràng chuỗi được.

Tuy nhiên, thần đã có phương chước làm cho công chúa hết bệnh. Như trút được gánh nặng, đức vua vô cùng mừng rỡ, liền đến phòng con âu yếm bảo: “Hôm nay có người thợ già hứa sẽ xỏ được xâu chuỗi ngọc ấy cho con. Thôi, con đừng buồn rầu nữa”. Lời nói ấy quả có một hiệu lực phi thường: trên gương mặt xanh xao tiều tụy của người bệnh nở nụ cười và cơn trầm kha bỗng dưng như tiêu tan đi đâu mất.

Một dịp may, sáng hôm sau, trời vần vũ đổ mưa xuống. Khi trận mưa vừa tạnh, những bóng nước cũng trôi nơi lòng rãnh đá hoa như hôm nào.

Người thợ già tâu vua xin mời công chúa ra trước thềm điệu vàng và thưa: “Tôi tuổi già, đôi mắt đã mờ, không phân biệt được vẻ tốt xấu.

Xin công chúa tuỳ ý lựa hạt ngọc nào đẹp nhất, tôi sẽ xỏ cho”. Nhưng bóng nước vẫn là chất mong manh, vừa chạm đến liền tan ngay, công chúa hết vớ bóng này đến bóng khác, kết cuộc đã mệt nhọc mà chẳng được chi cả.

Người thợ già hỏi: “Thế nào? Những hạt ngọc ấy ở đâu?”. Công chúa ngẩng lên nhìn người thợ, rồi quay lại nhìn vua cha, đáp: “Xin phụ vương ban cho con tràng chuỗi bằng tử kim, vì thứ ấy rất chắc rơi xuống gạch đá không vỡ.

Còn những thứ này chỉ có dáng bên ngoài, nhưng lại giả dối mong manh, con không thể lấy được và không còn thấy ưa thích nữa”.

Ðức vua dịu dàng bảo: Thì nó chỉ là những bóng nước thôi con ạ”. Như tỉnh ngộ ra, công chúa lộ vẻ e thẹn cúi đầu giữa nụ cười kín đáo của đoàn cung nữ…

Ðức Phật bảo A Nan và đại chúng:

“Tất cả pháp hữu vi đều vô thường, không thật như bóng nước chóng tan, như ánh nắng chập chờn giữa trời mưa mà loài nai khao khát lầm tưởng là nước cứ đuổi theo mãi. Sắc thân ngũ ấm cũng như thế chính tự thân còn không giữ được, huống là cảnh vật bên ngoài. Phàm phu trong lúc vì tự thân đi tìm hạnh phúc, chỉ đuổi theo bóng hình giả dối, mong manh, sống mãi trong vòng ước vọng, kết cuộc không được sự vui chơn thật, lại phải chịu bao nhiêu điều thống khổ, không khác chi trường hợp của nàng công chúa. Nếu chúng sanh nào xét biết ấm thân vô thường, dứt trừ phiền não huyễn tưởng, tất sẽ chứng được tánh thể vắng lặng, yên vui, không còn xoay lăn trong vòng sinh tử nữa!”. Ðoạn đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Nên quán tưởng bóng nước,

Và ánh nắng chập chờn

Như thế quán tưởng thân,

Sẽ thoát vòng sanh tử.

Thuật giả: Trí Hiền

Tiếng Ðàn Ai Oán Hay là

Lòng Thương Của Một Vị Hoàng Tử

Hoàng đế La Xà có hai Hoàng tử, Hoàng tử Thiện Hữu, thật là bạn hiền của mọi người, Hoàng tử Ác Hữu trái lại, độc ác để khiêu khích anh.

Hoàng tử khi đến cái tuổi biết nhìn cuộc đời trắng trợn bày trước mắt chàng: đây người sập chim, bẫy cá, kia người làm thịt chọc huyết, chim sáo mỗ bọ ngựa, bọ ngựa bắt chuồn chuồn.

Sự sống không loài nào không tự bảo trọng cả. Nhưng cả đây cũng như ở nơi kia, ở đâu sự sống cũng xây trên sự sống. Thấy vậy Hoàng tử Thiện Hữu xin vua cho tất cả kho tàng để giúp dân chúng. Kho tàng hết, chàng mạo hiểm vào bể tìm ngọc giữa sự lo sợ của cha mẹ. Nghe anh đi tìm ngọc, Hoàng tử Ác Hữu nghĩ:

- Không ác việc không thành được.

Rồi xin theo Thiện Hữu, nhưng Thiện Hữu ngăn lại:

- Thân là trọng, em không nên mạo hiểm theo anh.

Ác Hữu quyết đi theo:

- Sống không thỏa nguyện thì vô ích.

Thế là anh em theo nhau, và nhờ chí nguyện vĩ đại, tấm lòng thương người, Hoàng tử Thiện Hữu vượt bao nhiêu gian lao nguy hiểm, tìm được ngọc Như ý. Khi về đến bờ bể, Hoàng tử bảo em:

- Giờ trên đường về, anh ngũ thì em giữ, em ngũ thì anh giữ. Ðời sống no đủ của muôn dân ở nơi viên ngọc nầy. Em nhớ nhé.

Nhưng một hôm anh em ngủ trên một quảng đường hiểm. Ác Hữu bèn tìm hai cây nhọn đâm thủng mắt anh. Ðau quá, Thiện Hữu vùng dậy la rên gọi em.

Nhưng Ác Hữu điềm nhiên mang ngọc đi thẳng. Vừa rên, Thiện Hữu vừa đưa tay quờ quạng tìm em. Chàng cứ nghĩ rằng chàng bị đâm mắt chứ Á Hữu mang ngọc thì chắc bị kẻ cướp giết rồi. Nhưng quờ quạng một lát, chàng nghĩ ra: em ta hại ta chứ không ai đâu khác. Chàng đau đớn thở dài:

- Người tánh tình vẫn vậy…

Thiện Hữu đau lắm không thể nhổ hai cây nhọn ra được. Bỗng một đàn trâu rầm rộ đi qua. Thiện Hữu biết nhưng đành ngồi, không thấy gì mà tránh nữa. Nhưng lạ lùng thay, chàng biết mình đang ngồi dưới bụng một con trâu. Con trâu ấy che chở và thân mến liếm mắt chàng, trong khi đàn trâu rầm rộ đi qua. Tiếng chân đàn trâu vừa hết thì tiếng nói một người vừa đến:

- Ai đây? Sao mắt bị đâm vậy?

Con trâu bây giờ đáng dang ra và nhìn chủ nó như cầu khẩn. Còn Hoàng tử Thiện Hữu nghe lời hỏi thì mừng gặp được người, nhưng lòng càng đau đớn. Chàng nghĩ thôi đành nói dối vậy.

- Tôi là kẻ ăn mày. Tôi đang ngủ, không biết ai nó hại tôi thế này.

Giọng Thiện Hữu làm cho người ấy không nỡ hỏi lại, nhưng thấy kính mến dị thường. Người ấy bèn nhổ cây đặt thuốc – ông ta là người rành việc này – và đưa về nhà cung phụng nuôi dưỡng một cách không suy nghĩ. Càng lâu người chủ càng kính mến, nhưng Hoàng tử Thiện Hữu không yên tâm. Chàng bèn xin người chủ cho chàng tự tìm cách nuôi sống. Người chủ nói trong bụng câu đã tự nói với mình mấy lần:

- Thật là người hiền.

Và trả lời:

- Không! Người cứ ở đây với gia đình tôi. Ðói no với nhau. Tôi không nỡ xa người.

- Xin ông thương tôi. Tôi không dám làm phiền nhiều.

Nói mấy cũng không được, người chủ hỏi:

- Thế giờ người định nuôi sống bằng gì?

- Ông cho tôi xin một cây đàn hay.

- Ðược! Nhưng xin người phải để tôi được làm cái việc ngày ngày đưa người ra chỗ đông, rồi tối đưa về nhà tôi ngủ.

Thiện Hữu lắc đầu:

- Thế lại phiền ông lắm! Cho tôi ngủ ở chợ hay dưới gốc cây.

Người chủ năn nỉ:

- Người có bằng lòng như thế, tôi mới để người đi kiếm ăn.

Thiện Hữu thở dài:

- Cũng được.

- Nhưng biết đàn à?

- Sơ sài vậy thôi! Người chủ ngạc nhiên. Và hôm sau đầu chợ, Thiện Hữu đã ngồi đấy, lên những tiếng đàn thanh toát ra những khúc nhạc lòng. Chàng đàn lên những tấm lòng của chàng, những chí nguyện của chàng. Chàng say mê quên cả mục đích kiếm ăn của mình, nhưng quần chúng cảm mến chàng. Chàng nuôi sống được cả nhà chủ chăn trâu.

Một hôm, tiếng đàn của Thiện Hữu làm chấn động lòng một người đẹp. Người ấy khi tiếng lòng của mình do ai gảy lên đã im rồi, mới tỉnh hỏi:

- Ông là ai?

- Người là ai?

- Tôi sẽ nói. Nhưng ông là ai xin cho biết đã?

- Người tự trả lời cho mình cũng đủ: tôi một kẻ ăn mày đang xin thiên hạ bố thí bằng tiếng đàn, người không thấy sao!

Và Thiện Hữu thở dài:

- Kể ra tôi cũng quá đáng đối với cây đàn đây! Nhưng ngoài việc kiếm ăn, nhờ nó, tôi đã thở ra được những gì của lòng tài!

- Người là ai vậy?

- Tôi là một công chúa.

Người đẹp nói nhanh và dò xét thần sắc của Thiện Hữu.

Nhưng chàng vẫn bình thản:

- Của?

- Của vua Sư Bạc.

Thiện Hữu bất giờ mới biết mình lâu nay sống trên đất của một chư hầu, và đang ngồi trước vị hôn thê chưa thấy mặt của mình. Nhưng chàng chỉ lặng thinh. Người đẹp đưa cho chàng một lượng vàng rồi từ biệt.

- Mai em sẽ đến mải với ông.

Thiện Hữu không để ý câu nói ấy.

Chàng bình thản về nhà ngụ.

Công chúa vua Sư Bạc thì lòng đã nhất định nàng không thể xa tiếng đàn ấy. Nàng tính rụt rè, nhưng hôm nay nàng mạnh dạn. Sau bữa cơm tối, nàng trịnh trọng thưa với phụ vương và mẫu hậu rõ ý định của mình. Nghe xong, Hoàng đế Sư Bạc giận lắm:

- Mày điên đấy à? Mày quên mày là vị hôn thê của Thái tử Thiện Hữu?

- Con xin cha mẹ thương con.

Hoàng đế Sư Bạc không thèm nghe nữa.

Nhưng sáng hôm sau, nàng thu xếp đồ dùng của mình và ra đi. Nàng đến vào lúc tiếng đàn lòng nàng đang lên với ánh sáng thanh bình của vũ trụ. Nàng say sưa nghe, thu hút vào lòng tất cả âm ba tiếng đàn đã tỏa ra không gian. Bản đàn dừng, nàng bảo chàng:

- Anh cho em nói chuyện đã.

- Ai đấy?

- Em đây, Công chúa vua Sư Bạc đây.

- Công chúa muốn nói gì?

Nàng chân thành và tha thiết quên hết cả dè dặt. Nàng bất chấp người chung quanh:

- Em nguyện theo anh.

- Công chúa theo tôi? Theo thế nào được! Và, Công chúa theo chi một người ăn mày?

- Em quyết định rồi, vua cha em không cấm em được nữa là!

Ðồng thời hai người nói chuyện thì trong kia hoàng cung, Hoàng đế Sư Bạc tức giận lắm. Ông muốn hạ lệnh bắt chém ngay người ăn mày có tiếng đàn cảm động lòng con ông. Nhưng ông nghĩ:

- Ta vi hành xem nó thế nào mà con ta cảm được. Làm to chuyện chỉ bây tiếng.

Lẫn lộn vào đám người nghe đàn, ông nhìn rõ, bỗng giựt mình:

- Sao giống Hoàng tử Thiện Hữu?

Quái lạ! Không lẽ. Nhưng khuôn mặt kia?…

Ông nghĩ ngay một kế. Về gọi một vị sứ giả trung thành ông bảo:

- Nhà ngươi vì ta qua vấn an Hoàng đế La Xà, và hỏi thăm Hoàng tử Thiện Hữu.

Ngay ngày hôm ấy, sứ giả lên đường. Sư Bạc nằm chờ.

Trời đã về chiều, Hoàng hậu bảo:

- Hoàng đế cho người ra bắt con về chứ sao để vậy?

- Bắt về làm gì? Xem như nó không còn nữa!

- Nhưng tai tiếng?

- Thì làm sao được? Bắt nó về thì hết tai tiếng à?

Vợ chồng Hoàng đế Sư Bạc cho rằng đó là việc xấu. Phong tục và quần chúng bảo đó là tiếng xấu, nhưng một điều lạ là những người nào nghe được tiếng đàn và thấy được hình dung Thiện Hữu - họ chỉ biết cái thật ấy, họ làm gì biết cái danh Hoàng tử của chàng - họ đều cảm mến đức hiền của chàng. Ở chàng đã tỏa ra một cái gì bao bọc mọi người. Họ biết và có kẻ hôm nay thấy tận mắt Công chúa vua họ theo Thiện Hữu.

Nhưng họ cho là chuyện phúc. Họ trái tất cả tập quán và không suy nghĩ, không phân tích, không lý do. Thì ra đức hiền của người có khi đảo lộn cả tập tục, đúng hơn cả một quan niệm xã hội.

Chính họ khuyên Thái tử, khi chàng từ chối Công chúa.

- Người bằng lòng đi. Người đỡ lận đận cho chúng tôi mừng. Cho tiếng đàn người còn mãi mãi với chúng tôi.

- Nhưng phiền cho Công chúa và cho tôi lắm. Tôi biết… Uy quyền của một ông vua, khi ông bất bình. Tôi, kẻ ăn mày thì sợ gì ai, nhưng thân công chúa! Nói gì công chúa cũng không nghe. Nàng về với chàng trong sự hoan hỷ của những người mục kích đang thân mến nhìn theo.

Thiện Hữu tuy được vợ hiền, nhưng chàng không thay đổi. Tiếng đàn chàng đêm khuya vẫn trỗi dậy. Tiếng đàn bi thảm biểu diễn nỗi khổ vô biên của kiếp người, tiếng đàn cao hùng bộc lộ chí cao, cái hạnh cả muốn giúp người, cứu khổ cho người, tiếng đàn dũng mãnh toát hết cái chí hiên ngang của đấng đại trượng phu. Có khi tiếng đàn như tung không gian mà lên, có lúc như dấn mình xuống lao khổ… Có đêm điệu đàn bỗng lạc điệu: một điệu buồn thảm của kẻ nhớ cha, nhớ mẹ. Ðiệu đàn nghe chết cả lòng.

Công chúa sống cạnh chàng, lòng lên xuống đúng tiếng đàn của chàng. Nàng lấy làm lạ: Người ấy, tiếng đàn ấy, Công chúa nghĩ:

- Khả nghi lắm!

Nàng khóc:

- Anh giấu em!

- Quái lạ, anh giấu gì?

- Anh không phải là kẻ ăn mày!

- Thế là gì đây?

- Em khổ lắm! Anh giấu tông tích của anh! Anh, Anh nói rõ cho em. Tiếng lòng ta không đứt sao ta giấu nhau?

- Em nghĩ rằng một kẻ ăn mày, không thể đàn những tiếng đàn tuyệt đích?

- Nhưng em nghe ra: Tiếng đàn anh, lòng anh, nhất định không như tông tích anh nói! Anh nói cho em rõ đi.

Thiện Hữu buồn rầu:

- Anh giấu em làm gì? Nhưng nói em cũng chẳng tin được! Ðời tin người mù mắt là kẻ ăn mày là dễ, Chứ tin thế nào được người mù là hoàng tử con vua!

- Thế anh là một Hoàng tử?

- Em không tin? Phải. Nhưng nói thật em biết anh, Hoàng tử Thiện Hữu đây!

Công chúa giật mình:

- Anh không biết em là vị hôn thê của Hoàng tử Thiện Hữu đấy chứ?

- Anh không muốn em tin rằng anh là một Hoàng tử, chứ đừng nói là Hoàng tử Thiện Hữu anh không phủ nhận, nhưng chí anh không phải là một ông Hoàng, hay một Hoàng đế.

- Em cũng muốn như vậy. Em muốn rằng anh là một người nào như tiếng đàn cao vút của anh kia!

- Nhưng anh nhớ phụ hoàng và mẫu hậu lắm. Lòng anh thương người đến lắm lúc anh nghĩ sống làm chi khi mọi người đau khổ, nữa là với cha mẹ!

- Thế anh quả là Hoàng tử Thiện Hữu?

- Nếu anh không dối, thì nguyện bảy hôm nữa anh được tin cha mẹ anh…

Hoàng tử Ác Hữu khi đâm mắt anh xong, chàng về ra mắt cha mẹ, đưa viên ngọc Như Ý ra:

- Tâu phụ hoàng và mẫu hậu! Anh con mất rồi!…

Vợ chồng Hoàng đế La Xà chỉ nghe có thể đã ngất đi. Hai vợ chồng khóc mù mắt rồi, ánh sáng không còn nữa, mà tin con ngày càng im bặt.

Hoàng đế La Xà không dám tin rằng con chết, nên càng buồn, càng khóc.

Con nhạn của Hoàng tử Thiện Hữu nuôi, con nhạn khôn ngoan mà hai vợ chồng Hoàng đế buộc tin và cho nó đi kiếm Hoàng tử, cũng bay đi đâu biền biệt.

Vợ chồng Hoàng đế La Xà sống trong sầu khổ cho tới hôm nay, có tin sứ giả Sư Bạc đến…

- Công chúa hạ thần kính dâng lên đại Hoàng đế lời vấn an cầu chúc.

- Có thế thôi?

- Và vấn an Hoàng tử Thiện Hữu.

Hoàng đế La Xà lại ngất đi. Sứ giả biết có điều lạ. Tìm dịp kín đáo, sứ giả gặp La Xà hỏi rõ những điều Sư Bạc dặn. Ông kết luận thầm kín:

- Nếu vậy thì chắc chắn người ấy là Hoàng tử Thiện Hữu rồi. Và có thể Ác Hữu đã hại anh mà lấy ngọc đem về.

- Ta cũng nghi như vậy?

Và La Xà hạ ngục ngay Hoàng tử Ác Hữu và cất kỹ viên ngọc Như Ý. Hôm sau cho người hoàng gia lên đường với sứ giả Sư Bạc.

Hoàng tử Ác Hữu khi bị bắt hạ ngục, chàng chỉ cười thầm:

- Việc thành rồi vậy!

Và mấy hôm nữa, dân chúng hoan hỷ tưng bừng đón rước Thiện Hữu như đón rước một ân nhân, hơn nữa, một người bạn.

Hoàng tử Thiện Hữu về với vợ giữa sự hoan lạc của dân chúng, sau ngày được tin cha mẹ, đúng vào ngày thứ bảy chàng nguyện với vợ. Dân chúng cảm động ứa nước mắt, thấy Hoàng tử đui mù vì mình. Thương tâm hơn nữa, khi họ thấy Hoàng tử vịn vay vợ đến ôm lấy cha mẹ, ba người mù khóc với nhau trong một lòng thương.

Và quay lại dân chúng theo vợ chỉ dẫn, chàng cầm nước mắt nói:

- Tôi không ngờ gặp lại được cha mẹ và bà con. Chí nguyện tôi đã đạt. Bà con sẽ no đủ. Chỉ tiếc rằng tôi không được cùng bà con sống trong ánh sáng. Nhưng tôi hoan hỷ. Lòng thương không cần ánh sáng mới gặp nhau. Bà con tạm về. Trong đời sống an lạc ngày mai, mong bà con gắng thương nhau và làm điều thiện.

Lời nói Hoàng tử, đúng hơn là lòng thương của Hoàng tử, lúc ấy đối với dân chúng, quả là đã cho họ mỗi người một viên ngọc Như Ý vậy.

Ðức Thế Tôn tự kể tiền thân của mình rồi bảo đại chúng:

- Các con! Ác Hữu là ai các con có biết không? Là Ðề Bà Ðạt Ða vậy. Nhưng các con đừng tưởng Ðề Bà Ðạt Ða là người ác. Ðời đời kiếp kiếp, ta nhờ thiện tri thức Ðề Bà, mà ngày nay thành Phật Ðà. Ðề Bà dùng nhiều phương tiện vi diệu, khiêu khích và tác thành cho ta phát bồ đề tâm, tu bồ tát hạnh và thành vô thượng giác. Này A Nan! Con hãy thay ta xuống địa ngục thăm Ðề Bà.

A Nan Tôn giả vâng lời, khi gặp ngài Ðề Bà, Tôn giả cung kính thưa:

- Ðức Thế Tôn kính lời thăm Ngài.

- Ðức Thế Tôn giáo hóa có dễ dàng không? Chúng sanh giác ngộ có nhiều không?

- Nhiều và rất dễ dàng.

- Thế là ta mãn nguyện.

- Ngài ở địa ngục có khổ lắm không?

- Người nhập Tam thiền có vui không?

- Vui nhất thế gian, một thứ vui thanh tịnh từ trong đến ngoài.

- Ta ở địa ngục như ở Tam thiền.

Phật dạy:

- Bồ tát đại sĩ dẫn tiến chúng sanh bằng đại phương tiện chịu đủ khổ sở lớn mà không thấy gì là khổ vui.

Và kết luận:

- Các con! Nhờ Thiện tri thức mà ta biết ân báo ân cha mẹ và chúng sanh, nhờ thiện tri thức mà ta độ chúng sanh thành Phật Ðà. Vậy các con phải biết ân báo ân của các vị thiện tri thức.

Trích báo: Viên Âm

Chỉ có lòng thương chân chính.

Và rộng rãi mới cảm hóa được quần chúng.

Kẻ Bỏn Xẻn Bị Phạt

Ngày xưa ở gần thành vua nước Xá Vệ, có ông Lô Chí, nhờ thừa hưởng của phụ ấm và thêm hà tiện có tiếng “Rán sành ra mở được trở nên triệu phú ít ai bì”.

Một hôm trong thành có tổ chức cuộc lễ công cộng linh đình, tiếng pháo vang rền, trống kèn inh ỏi đưa lọt vào tai, thêm trước mắt hình ảnh nam thanh nữ tú dập dìu ngựa xe đông đúc kéo nhau rộn rịp vào thành dự hội, làm cho Lô Chí thấy trong người cũng hân hoan. Ông vội vàng vào nhà mở tủ lấy ít đồng tiền lẻ, định ăn xài một bữa cho ngỏa nguê. Xuống nhà bếp hốt một nắm muối, lấy một cái chai, gói cột lại một đùm, Lô Chí mang đi xem lễ, không ngượng ngùng gì cả.

Vào thành, sau một hồi bách bộ ngóng xem cảnh đẹp phố phường, trưởng giả nhà ta mỏi mệt bụng bắt đói, miệng thèm ăn. Ông ghé vào quán mua thêm ít cái bánh và rượu, rồi đi ngay ra ngoại ô tìm chỗ vắng người định dùng bữa. Ðến một gốc cây to, ông vừa ngồi xuống mở nút trút ve, thì bỗng nghe tiếng kêu “quạ quạ!” trên không. Sợ lũ chim ô tinh ranh xớt bánh, ông lật đật đứng dậy chạy một hơi tuốt ra đồng không mông quạnh, một mình ăn uống. Rượu vài tuần, ông trưởng giả hứng chí đứng lên múa hát nghêu ngao, lúc cao hứng ông lại lớn tiếng tự hào:

“Bực vua Trời (Ðế Thích) hôm nay cũng không sướng bằng ta, huống nữa là các vị Tứ Thiên Vương!”. Rủi cho ông lúc đó ông Ðế Thích với các vị hiền thánh đi ngang qua đồng đến tịnh xá Kỳ Hoàn nghe Phật thuyết pháp. Vừa nghe được lời ngạo nghễ của Lô Chí, vua Trời nghĩ ra một kế phương tiện để hóa độ người ngu si hết tật bỏn sẻn. Ngài liền hiện thần thông biến ngay một ông Lô Chí giả giống hệt Lô Chí thiệt, chạy thẳng về nhà ông trưởng giả. Lô Chí giả hối tất cả người nhà tựu họp lại nói chuyện. Ông thưa với mẹ rằng: Bấy lâu nay con bị con ma bỏn sẻn ám ảnh mất hết trí khôn. Nó không cho con chủ trương một việc gì có đạo nghĩa cả. Bao nhiêu tiền kho nó cũng cấm con đem cung phụng mẹ già, cấp dưỡng con cái, dâu rễ. May mắn thay! Ngày hôm nay, nhân dịp tiết hội, con đi chơi trong thành, gặp ông đạo sĩ cao tay ấn đuổi con ma tham lam ấy ra khỏi mình con. Từ đây cả nhà chúng ta đều được hạnh phúc. Ông lại dặn thêm rằng: “Con ma bỏn sẻn ấy giống con không sai chút nào. Nếu nó có đến, thì nội nhà ai ai cũng phải giúp con đánh đuổi nó ra khỏi cửa”.

Dăn dò xong, ông vào kho tuôn tiền bạc ra cho người đi chợ thuê nhạc, mua pháo và sắm đủ món ngon, vật lạ làm tiệc linh đình, thiết đãi tất cả lục thân quyến thuộc, tôi trai tớ gái trong nhà và lối xóm láng giềng không sót một ai cả. Ông bảo đóng cửa rào lại không cho con ma bỏn xẻn vào, để ông đem các đồ quí báu ra phân phát cho mọi người xong, rồi sau sẽ cho nó vô. Ông dâng cho mẹ quần áo quí giá, phát cho vợ, con, dâu, rễ vàng ngọc bạc tiền. Tay phải ông dắt mẹ, tay trái ông dắt vợ đi viếng thăm kho tiền trong lúc tiếng hát hoà với giọng đàn, giữa mùi thuốc pháo pha lẫn hương trầm. Thật là cuộc vui hi hữu trong nhà ông trưởng giả lần thứ nhất vậy.

Lô Chí thiệt tỉnh rượu trở về nhà. Thấy thiên hạ rất đông đảo bao vây quanh nhà mình, trong nghe có tiếng đàn hát trống kèn inh ỏi, ông lấy làm ngạc nhiên và sợ hãi. Ông cố sức chen lấn người vào đến cửa rào kêu gào lạc giọng người nhà, nhưng không ai lên tiếng. Lô Chí giả biết Lô Chí thiệt đã về, dạy người ra mở cửa rào. Ông trưởng giả chạy thẳng vào nhà. Khi ấy mọi người đều la lên rằng:

“Ma bỏn xẻn đến kia rồi! Hãy đề phòng sẵn sàng đánh đuổi nó”.

Lô Chí trưởng giả thấy một người giống in mình ăn mặc sang trọng, có vẻ trang nghiêm, ngồi ăn uống với mẹ, vợ, con, gái, dâu, rể một cách tự nhiên. Ông lại gần hỏi: Ngươi là ai? Sao được vào nhà ta hoành hành phung phí như thế?

Vua Trời tươi cười hỏi lại: Ngươi là ai?

- Tôi là Lô Chí, chủ nhà này chớ ai. Bà này là mẹ tôi, cô kia là vợ tôi, đám nọ là con cái, dâu, rễ tôi.

Tất cả người trong nhà đều phản đối. Bà mẹ nói “Con ma bỏn xẻn, mày giống con tao thiệt, nhưng tao nhìn nhận đứa con hiếu thảo, mà từ bỏ đứa con bội nghịch”. Bà lại kêu nàng dâu nói: “Con ma bỏn xẻn xưng là chồng mầy, sao không lại gần nó đi”.

Nàng dâu đỏ mặt, nạt dội trưởng giả: “Ðồ quỷ nói xàm! Hãy đi cho khỏi nhà này, thứ bỏn xẻn ai mà có yêu”.

Vua Trời nói: Các ngươi đều công nhận tôi là Lô Chí, chủ nhà này thì sao còn để ma bỏn xẻn ở đây làm gì? Tức thời kẻ thộp gậy, người quơ roi đuổi xua trưởng giả chạy dài một nước. Ra đường ông ta tay bức tóc, chân dậm đất, miệng kêu trời, khóc kể rối rít như người mất trí. Một ông lão thấy vậy thương tình, cho mượn tiền sắm lễ vật đến vua cầu xin minh oan. Ðến bệ rồng, trưởng giả Lô Chí vừa cúi đầu dâng hai tấm lụa lên bỗng bị Ðế Thích dùng phép thần thông biến hai tấm lụa thành hai bó cỏ khô. Lô Chí chết điếng sợ tội khi vua, mặt mày tái mét, run rẩy lập cập nói ra không được lời nào.

Vua lấy thế làm thương, hỏi các người theo Lô Chí biết việc làm sao tâu giùm rành rẽ.

Bạn của Lô Chí tâu rằng “Muôn tâu bệ hạ, hôm qua ông Lô Chí vừa đi dự lễ trong thành, thì có một người giống hệt như ông, tự xưng là Lô Chí, đi ngay vào nhà ông, tự do hoành hành, tiêu xài hết của cải. Ông Lô Chí về, người nhà gọi rằng ma bỏn xẻn không nhìn, đánh đuổi. Ông Lô Chí uất ức quá nên đến xin Thánh hoàng minh xét”.

Vua nghe tâu rồi cho người bắt kẻ giống như Lô Chí đến hầu.

Lô Chí giả, chính là Ðế Thích, đến trước bệ rồng. Vua xem tiên cáo, hai người in như khuôn đúc, không biết thế nào mà phân biệt giả thiệt. Vua suy nghĩ một chập rồi nói với bị cáo rằng: Lô Chí xưa nay vốn rít róng không dám xài tiền. Còn nhà ngươi tâm tánh rộng rãi, biết thi ân bố đức cho mọi người. Trẫm xét tính tình khác nhau như thế thì đủ biết thật giả lắm rồi, nhà ngươi cứ việc khai ngay.

Ðế Thích đáp: “Bệ hạ phán lời ấy có lý, song gần đây tôi mới hấp thọ giáo pháp của Ðức Phật Thích Ca, bỏ tà theo chánh, nên tôi phát tâm bố thí, dứt sạch thói bỏn xẻn đê hèn ngày xưa”.

Vua hỏi quần thần có ý kiến gì hay giúp ngài minh oan.

Ông Túc Cầu tâu “Xin bệ hạ hỏi các việc bí mật ở trong nhà và trong thân thể thì biết được sự chơn giả”. Vua đưa cho hai người vào phòng riêng bắt làm khai của cải và những việc cẩn mật. Thì hai tờ sớ khai trình sản nghiệp và sự bí mật đều giống nhau cả. Vua lấy làm lạ. Ngài hạ lệnh đòi mẹ Lô Chí vào hầu.

Vua hỏi: “Trong hai người này: ai là thiệt con bà?

Ðế Thích nói nhỏ trong tai bà ấy: “Xin mẹ chớ để con bị con ma bỏn xẻn ám ảnh nữa”.

Bà cụ chỉ Ðế Thích: “Người này có lòng hiếu thảo với tôi. Còn người kia bạc bẽo lắm, quyết không phải là con tôi. Tôi căn cứ vào tánh nết tốt xấu mà thừa nhận, chứ hình vóc, tiếng tăm không phân biệt được.

Vua lại hỏi: Con bà có dấu vết gì? Ở trong chỗ ẩn mật hay không?

Bà cụ tâu: Ở dưới nách bên tả con tôi có một nút ruồi đen bằng hột đậu nành.

Ðế Thích nghe lập tức biến nốt ruồi ngay ở nách để đợi khám nghiệm.

Vua truyền hai người cởi áo, đưa tay trái lên coi, thì thấy người nào cũng có nốt ruồi đen như nhau. Vua và quần thần hết sức ngạc nhiên đồng cười rộ. Vua thú nhận rằng Ngài không phương giải quyết. Ngài nhất định thân hành đem nội vụ đến tịnh xá Kỳ Hoàn cầu Phật phân đoán.

Ðến trước Phật đài, vua lễ Ðức Như Lai và bạch rằng: “Lạy Ðức Thế Tôn, chúng con đem hết tài năng suy cứu cũng không làm sao phân biệt được hai người này ai là Lô Chí thiệt ai là Lô Chí giả. Mong cần Ðức Như Lai dùng Phật nhãn phân giải giùm kẻo tội nghiệp ông Lô Chí trưởng giả”.

Bạch rồi, vua phán dẫn hai ông Lô Chí đến trước Phật đài. Ðại chúng ngồi yên lặng đợi nghe Ðức Thế Tôn minh đoán.

Bị cáo Lô Chí giả, thân thể khác thường mặt mày vui vẻ, ngồi yên lặng chỉnh tề. Tiên cáo, Lô Chí thiệt thân hình tiều tụy, quần áo rách rưới, bẩn thỉu, mặt mày lem luốc, ra dáng đau khổ. Ông khóc mướt, bạch rằng: Lạy Ðức Thế Tôn, xin đấng cha lành làm cho con khỏi sự oan ức.

Bị cáo, ông Ðế Thích thấy Lô Chí khổ não quá thì mỉm cười.

Ðức Như Lai cất cánh tay vàng thần quang rực rỡ chói lòa, phá tan mọi vật mờ ám tối tăm, không còn vật nào ẩn hình vào đâu được nữa. Ðức Phật hỏi Ðế Thích rằng “Ngươi làm gì thế?”.

Lô Chí giả lập tức biến mất, hiện nguyên hình là Ðế Thích, khắp mình hào quang chói rạng, tướng mạo trang nghiêm, chắp tay hướng trước Phật đài đọc bài kệ rằng:

Cái người bỏn sẻn ngu si

Không hay bố thí giúp gì cho ai,

Năm đồng bánh rượu một chai

Ðem ra nơi vắng ngồi nhai một mình

Say rồi múa hát linh đình

Lớn lời tự thị dám khinh cả trời

Muốn cho tánh nó đổi đời

Quyền phi phương tiện nên tôi trá hình.

Phật bảo Ðế Thích: “Tất cả chúng sanh đều có tội, nên hoan hỷ cho nó”.

Trưởng giả Lô Chí than với Ðế Thích rằng: “Tôi chịu khổ sở nhiều năm mới trích trữ được tiền của cho đầy kho. Nay bị Ngài huy hoặc phá tan hết trơn, tội nghiệp tôi quá!”.

Ðế Thích đáp rằng: “Ta không hề tiêu phá của ngươi đồng nào”.

Trưởng giả Lô Chí còn hoài nghi.

Phật dạy rằng: Ngươi hãy an lòng tin chắc, cứ về kiểm điểm lại đi, không mất một tý gì đâu cả. Lô Chí tin lời Ðức Phật, bao nhiêu phiền não đều tiêu tan. Ông kính cẩn lễ Phật rồi vội vã trở về nhà.

Thuật giả: Thích Trường Lạc

Vàng Hay Rắn

Khi Ðức Phật còn tại thế, một hôm Ngài cùng hai vị đại đệ tử A Nan và A Nan Ðà từ non Thứu Lãnh đi xuống kinh thành khất thực. Ði giữa đường, ngang qua một bờ lở, Ngài thấy một ghé vàng.

Ðức Phật dừng lại bảo A Nan Ðà rằng:

“Này A Nan Ðà! Người có thấy đây là một loài rắn độc không?”. Ngài A Nan Ðà cung kính bạch rằng: “Bạch Thế Tôn thật là một loài rắn độc đáng sợ hãi”. Có chàng tiều phu đứng gần nghe vậy, tưởng có gì độc thật vội vàng đến xem.

Anh đến, thấy một ghè niêm phong cẩn thận, mở ra xem. Anh mừng quá. Vàng toàn là vàng. Vàng ngọc quý cả. Anh cười thầm Phật và đệ tử Ngài không biết dùng thứ ấy, còn cho nó là rắn độc. Anh ta cẩn thận, hớn hở mang về. Trước khi đem về, anh ta sung sướng la lên rằng:

“Tôi xin nguyện con rắn độc này luôn luôn cắn tôi và cắn cha mẹ, vợ con, quyến thuộc tôi. Tôi không cảm thấy đau đớn gì hết”.

Anh chàng tiều phu kia trở nên một người trưởng giả giàu có kiêu sa: nào là nhà cửa, ruộng vườn, tôi tớ, bò trâu, xe cộ, cực kỳ sung túc và lộng lẫy. Làng xóm thấy vậy đâm ra nghi kỵ, không biết anh vì sao giàu sang đột ngột như vậy?

Tiếng đồn vang đến tai vua A Xà Thế. Vua cho sứ giả đến hỏi: “Có phải được của kín nhà vua chăng?”. Anh ta ấp úng trả lời: “Tôi giàu là tôi giàu; tôi cũng không được chi của nhà vua cả”.

Sứ giả về tâu lại.

Vua cho gọi đến hỏi. Anh cũng ấp úng trả lời như củ. Cho là người gian, vua ra lệnh tịch thâu gia tài điền sản và bắt anh ta và tất cả bà con quyến thuộc đem đi hành hình.

Khi đi giữa đường anh ta khóc lóc, buồn bã và la lớn rằng: “Ngài A Nan Ðà ơi! Thật là một thứ rắn độc! Rắn độc nó đang cắn tôi và cắn bà con của tôi đây”.

Theo luật vua A Xà Thế, ông vua thật hành Phật Pháp, mỗi khi muốn xử tử một người nào, giữa đường nếu có gì lạ phải trở về tâu lại ngay. Bọn lính nghe chàng ta gọi mãi Ngài A Nan Ðà, bèn trở về tâu lại vua hay.

Vua đoán chắc có chuyện lạ, nên ra lệnh đem anh về. Vua hỏi lại lần này anh ta mới chịu thưa thiệt nguyên do được ghè vàng, nghe xong, vua cảm động ân hóa dụ của Ðức Phật và bảo chàng tiều phu rằng: “Tội ngươi đáng chết, nhưng may duyên gặp Ðức Thế Tôn. Ta cũng là người Phật tử, ta phóng thích cho người và bà con người. Người được phép đem gia tài và châu báu về. Người phải đổi tự tâm tu theo thiện nghiệp và hết lòng cung kính cúng dường Tam Bảo.”

Chàng tiều phu được phóng thích, sung sướng vô cùng. Cảm mến ân Phật được sống, chàng về chỉ lo tu phước đức và hết lòng cúng dường Tam Bảo.

Không bao lâu, nhờ công đức và lòng thành kính ta hành, anh ta được chứng quả giải thoát.

Ta phải làm chủ tiền bạc,

Ðừng để tiền bạc làm chủ ta.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/04/2011(Xem: 12686)
Trên đời này, hạnh phúc và khổ đau; chiến tranh và hòa bình; giàu và nghèo… nếu chúng ta chịu khó tu tập một chút và giữ tâm thật bình thản, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều hay vô cùng.
19/04/2011(Xem: 6881)
Như sen nở dưới mặt trời Vươn cao mặt nước, xa nơi bùn lầy, ưu tiên truyền đạo giờ đây Khai tâm những kẻ loay hoay tìm đường
15/04/2011(Xem: 5079)
Sau khi viết xong đoạn cuối Truyện Hoa Lan với một kết thúc thật tốt đẹp, nàng tươi sáng trong chiếc áo tràng nhuộm màu Ánh Đạo Vàng, tự hứa với lòng sẽ mãi mãi là Đóa Sen bất diệt không để cho chàng có cơ hội chà đạp lên Đóa Lan xưa nữa. Bạn bè tôi ở khắp nơi trên thế giới viết thơ về chúc mừng tới tấp, mừng cho tôi sắp được an hưởng tuổi vàng. Tuổi vàng phải hưởng sớm hơn chứ để đến lúc già lụ khụ thì còn hưởng gì được nữa.
05/04/2011(Xem: 10507)
Trưởng giả Tu-đạt-đa (cũng gọi là Tu-đạt) là một nhà từ thiện lớn, luôn vui thích làm những chuyện phước đức, bố thí. Ông thường cứu giúp những người nghèo khó...
27/03/2011(Xem: 6337)
Chư Bồ Tát, tùy theo hạnh nguyện thù thắng khác biệt mà mỗi vị mang một danh hiệu khác nhau, tựu trung hạnh nguyện của vị nào cũng vĩ đại rộng sâu không thể nghĩ bàn...
26/03/2011(Xem: 9696)
Tuy ra đời khá sớm trong dòng văn học Phật giáo, nhưng cho đến nay, điểm thú vị của độc giả khi đọc lại tập sách này là vẫn có thể nhận ra được những vấn đề quen thuộc với cuộc sống hiện nay của bản thân mình.
26/03/2011(Xem: 3423)
Chân lý chỉ có một, nhưng mỗi người đến với chân lý bằng một con đường khác nhau. Dù bằng con đường nào đi nữa thì đó cũng là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời...
25/03/2011(Xem: 3547)
Dì Tư Lợi có ba cô gái đang xuân tuổi từ 24 đến 30, đều xuất thân đại học, đều có việc làm tốt tại San Jose, California, đứa nào cũng theo nếp sống Âu Mỹ giao du rộng rãi, đùa giỡn tưng bừng mà vẫn lửng khửng chẳng “kết” ai. Dì Tư thầm lo sợ “ba hũ mắm nêm” nổ thình lình, nên cứ nhì nhằng than thở
22/03/2011(Xem: 2951)
Sân chùa yên ả không một tiếng lá rơi. Mặt trời áp má lên những vòm cây xum xuê, chỉ để rớt nhiều đốm nắng rất nhỏ xuống đất, không nóng bức, không khó chịu...
21/03/2011(Xem: 10039)
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời cách đây đã hơn 25 thế kỷ. Những gì ngài để lại cho cho chúng ta qua giáo pháp được truyền dạy khắp năm châu là vô giá...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]