Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện Cổ phần 02

18/10/201319:17(Xem: 4928)
Truyện Cổ phần 02

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 1
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 02


6/ Ðời người trong một câu
7/ Vua cò trắng
8/ Nàng Ưu Ðà Di
9/ Tại sao phải niệm Phật
10/ Tình ái là gốc của sự sanh tử

Ðời Người Trong Một Câu ! ! !

Nhà vua ấy, ngay từ lúc lên ngôi báu đã giao cho một viên đại thần cái trọng trách sưu tầm dưới các bầu trời xa lạ những tinh hoa rải rác trong vũ trụ và những triết lý của cuộc đời. Ý cửu trùng muốn thu nhập những cái hay ở đời để dựng một nguyên tắc trị dân.

Ba mươi năm trời đã qua, vị thanh niên anh tuấn nấy, chờ đợi tóc đã điểm bạc. Lễ khánh thọ ngũ tuần đã cử hành long trọng trong Hoàng cung. Lúc ấy quan đại thần cũng về với đoàn lạc đà, bốn vó trắng bụi đàng xa, và trên lưng chất hơn nghìn sách quý mà vị đại thần đã có công kết tập.

“Trẫm đã nhiều tuổi rồi, tinh hoa của trời đất nhiều đến thế. Trẫm làm sao xem hết. Khanh mang về rút ngắn lại cho trẫm đủ thời giờ xem.”

Ðoàn lạc đà lại chở những pho sách đi và mười năm sau nữa, bộ sách rút ngắn lại còn năm trăm quyển được dâng lên ngự lãm:

Nhà vua vuốt chòm râu bạc phau ngần ngại phán:

“Hãy còn nhiều quá. Tuổi trẫm đã lớn, đọc sao cho kịp. Khanh chịu khó về gạn lọc một lần nữa những tư tưởng huyền diệu trong ấy”.

Viên đại thần tận trung không hề nghĩ đến số năm tháng đã tàn tạ trên đầu, lui về một nơi u tịch kết tinh kho tư tưởng.

Sau năm năm triền miên, với bao nhiêu tinh hoa và tư tưởng cổ kim đông tây, viên quan già nua mừng rỡ khi thấy kết quả: năm trăm cuốn dồn lại chỉ còn một pho sách dầy. Một pho sách đầy chứa tất cả triết lý của muôn cuộc đời!

Cuốc sách dầy ấy, một buổi sớm được mang vào ngự lãm. Nhưng nhà vua đã nằm yên trên giường bệnh, chung quanh ngự y chầu chực.

Vừa mở mắt nhìn vị đại thần tận tâm và cuốn sách quý giá. Một nụ cười nhàn nhạt nở trên môi vua như ánh hoàng hôn.

Vua thở ra một giọng yếu nhỏ, viên đại thần quỳ xuống lắng tai đón lấy:

“Trẫm yếu lắm, một trang sách còn chưa thể xem được huống là cả cuốn… Song trước khi nhắm mắt, trẫm háo hức muốn biết qua những tư tưởng gì, những triết lý gì, đã chi phối cả đời người, đã điều khiển cả một vân mệnh… Khanh khá rút ngay quyển sách này thành một câu hay vài chữ cho trẫm xem kịp và đủ sức hiểu…”

Nét mặt viên đại thần trở nên trầm ngâm và hai mắt già nheo lại. Tử thần đã chờn vờn đâu đó. Các ngự y cúi đầu trước số mệnh. Nhà vua nằm yên khắc khoải chờ. Thời gian như ngừng hẳn lại. Không khí trở nên nặng nề và nghiêm trọng. Vàng son nội điện tự nhiên cũng hóa rầu rĩ. Mọi người chăm chú và kính cẩn nhìn viên đại thần đang lặng lẽ đem cuộc đời thu vào một câu. Sau một hồi suy nghĩ, viên đại thần từ từ bước đến bên án. Cả bộ Văn phòng tứ bảo hình như run khi bàn tay già đưa ra.

Bàn tay kính cẩn nâng cây bút, và nhẹ nhàng vạch trên mảnh hoa tiên những nét buồn lung linh. Mọi người đều ngó theo. Thần chết lúc ấy đã chập chờn đầu long sàng. Ðã mấy lần nhắm mở. Vua mới cất được mấy tiếng cuối cùng: “SANH LÃO BỆNH TỬ”.

Thuật giả: Tâm Phước

Một đời người luống qua vô ích

Chỉ kết liễu trong ân hận

Vua Cò Trắng

Ðời xưa, có một ông vua tên là Mỹ Tuấn, còn trẻ, cai trị một nước phồn thịnh gọi là xứ My Lăng. Nhà vua xem dân như con, tính tình thật là dễ chịu. Vua có một cận thần rất trung thành tên là Bằng Tô. Bằng Tô có một bộ râu dài gần sát đất. Bằng Tô thường hầu cận bên vua không khi nào rời. Vua mến ông ta lắm.

Một hôm, sau buổi cơm trưa, vua Mỹ Tuấn nhận thấy Bằng Tô không vui, vì một lát hắn ta lại thở dài một cái. Nhà vua hỏi:

- Khanh có chuyện gì buồn thế?

- Tâu bệ hạ! Bệ hạ thật là tài tình! Bệ hạ biết được cả trong lòng hạ thần! Tâu bệ hạ, tuy lâu nay bệ hạ đối đãi với thần rất đại lượng, nhưng hôm nay hạ thần chẳng dám nhờ hồng ân nữa, cho nên hạ thần buồn. Số là hồi sáng có một chú Chệt vào trong thành, đem theo nhiều bảo vật mà hạ thần chả có đủ tiền để mua.

- Chỉ có thế thôi mà khanh cũng buồn! Nhà vua mỉm cười. Khanh bảo thằng Chệt ấy đến đây. Khanh muốn gì ta mua đấy và bao nhiêu tiền ta trả cho cả. Bằng Tô thích chí quá, cảm ơn rối rít. Một võ quan đi tìm khắp thành phố dẫn chú Chệt vào.

Nhà vua bảo:

- Có cái gì trong tráp thì mở cả ra xem. Vừa hỏi vua vừa để ý nhận xét chú Chệt: thân mình hắn cũng nhỏ bé, dễ thương, song đôi mắt rất tinh lanh; hắn ăn mặc rách rưới, tiều tụy.

Chú Chệt lạy xong, mở tráp ra. Nhà vua kêu lên:

- Trời ơi! đẹp quá!

- Thật vậy, trong tráp có rất nhiều đồ trang sức ngọc ngà, chạm trổ tuyệt đẹp, nhẫn ngọc kim cương lóng la lóng lánh.

Bằng Tô tâu vua:

- Tâu bệ hạ! Như thế có đẹp không?

Nhà vua gật đầu:

- Ðẹp lắm!

Chú Chệt nghe vua khen, mỉm cười và rút trong đáy ra một cái hộp nhỏ màu đen, dâng lên đức vua:

- Tâu bệ hạ, hắn vừa nói vừa cúi đầu thấp xuống để cho nhà vua khỏi thấy hắn đang tái mặt – đây mới thật là của quý. Hạ thần mua được tận bên Mếch Di Cô kia ạ. Nó quí cho đến nỗi hạ thần dám chắc rằng tất cả các kho tàng trên thế giới họp lại mà cũng không đáng giá bằng. Hạ thần đã mua nó bằng một giá đắt lắm và theo lời người bán, hạ thần chưa hề mở ra lần nào. Hạ thần chắc rằng trong này có một bảo vật quý giá có một không hai trên trái đất.

Nhà vua và Bằng Tô nghe nói cúi đầu vào xem. Trong hộp mở ra, chỉ có một ít hột đen đen rất mịn, trên mặt có một mảnh giấy rất mỏng gất tư, trên mảnh giấy có những hàng chữ rất là kỳ quái.

- Lạ thật! Lạ thật! Nhà vua lẩm bẩm. Cái gì thế này? Chú Chệt run run:

- Hạ thần cũng không được rõ, chỉ biết là quý lắm mà thôi.

- Trẫm không biết đọc mấy chữ này, Bằng Tô, người có đọc được thì đọc cho trẫm nghe.

- Tâu bệ hạ, hạ thần cũng chịu, chả hiểu được chữ gì. Ðể hạ thần cho mời quan Thế Lâm vào, chắc ông ta đọc được.

Một lát, quan Thế Lâm vào. Nhà vua bảo:

- Này Thế Lâm, cầm lấy miếng giấy này, đọc đi. Ðọc được, trẫm sẽ ban thưởng cho. Nếu đọc không được thì giữ hồn, trẫm cho hai chục hèo đấy.

Quan Thế Lâm run sợ, nhưng khi nhìn đến tờ giấy thì liền vui mừng:

- Tâu bệ hạ, đây là chữ La Tinh đấy! Hạ thần xin đọc để bệ hạ nghe:

“Ai gặp bảo vật này là người sung sướng nhất đời. Phải cám ơn Trời Phật ban phúc lành cho mới được.

“Chỉ cần một dúm hột nho nhỏ này thôi mà cũng đủ sung sướng bằng ngàn kẻ sung sương!

“Chỉ cần hít một chút xiú bột này vào trong mũi và đọc lên rằng: MUY TA BO” là có thể tự mình biến ra một loài vật theo như mình ước muốn và có thể nói, nghe được tiếng nói của loài vật ấy.

“Khi cần hiện lại nguyên hình mình, thì chỉ phải quay mặt về phương Tây nghiêng mình đọc ba lần: “MUY TA BO” thì tức khắc trở lại thân người.

“Nhưng hãy cẩn thận; nếu trong khi biến thành loài vật mà cười lên một tiếng thì sẽ quên mất ba chữ thần bí ấy và không bao giờ hiện trở lại nguyên hình được, cứ thế mà sống mãi suốt đời.”

Nhà vua nghe đọc xong, sung sướng quá:

- Này Thế Lâm, trẫm cấm ngươi không được cho ai biết một tí gì về việc này. Nếu ngươi nói lộ chuyện này ra, ta sẽ chém đầu ngươi. Ði tìm quan giữ kho vào đây cho ta. Bảo nó nhét cho ngươi hai bọc vàng đầy.

Và quay lại Bằng Tô, nhà vua mỉm cười.

- Ta phải thí nghiệm mới được khanh ạ.

Bằng Tô hấp tấp trả lời:

- Tâu bệ hạ, phải đấy. Chúng ta phải thí nghiệm ngay, Bệ hạ chỉ hóa thành loài vật một lát thôi, ai mà biết được!

- Ai mà hiểu được! Nhà vua nhún vai, Trẫm chả cần ngươi khuyên. Theo ta mau. Chúng ta ra vườn thượng uyển chơi. Ở đây chắc có một vài loài vật.

Một giờ sau, nhà vua và Bằng Tô đã đi vào vườn không có tên lính nào hầu cả. Ðức vua nhìn quanh nhìn quất bảo Bằng Tô:

- Chả có thấy một con chim nào. Chúng ta phải đi đến chuồng ngựa hay sao?

Nhưng không. Nhà vua không cần ra chuồng ngựa. Bên kia, là hồ sen, sen nở đầy hồ ngát hương. Ba con cò trắng đang chăm chú tìm mồi. Một con thứ tư ưỡn ngực bước một cách mạnh dạn trên hai cẳng dài lêu khêu, đi tìm ếch nhái.

- Ấy đấy! Tâu bệ hạ! Xem cách đi của tụi cò ấy và cái nhìn của chúng, chắc câu chuyện của chúng nó hẳn là vui lắm! Nhà vua vui vẻ:

- Hay lắm! Này Bằng Tô! Hay lắm! Ngươi thật là một kẻ hầu cận trung thành vậy. Biến thành hai con cò! Trời ơi! Vui biết bao nhiêu! Nhưng hãy nhớ Bằng Tô nhé, nhớ học thuộc cái phương pháp hiện lại nguyên hình chứ, nếu mà quên thì khốn đấy nhé.

Cứ việc ngoảnh về phía Tây nghiêng mình đọc ba lần “MUY TA BO” là hiện nguyên hình được, tâu bệ hạ.

- Ngươi nói đúng lắm! Có khó gì mà không nhớ được! Ðồ trẻ con đấy mà! Nhà vua Mỹ Tuấn rút trong túi ra cái hộp đầy bột, lấy một chút đưa cho Bằng Tô và lấy một chút cho mình, khi hít bột vào mũi, hai người đọc lên ba chữ mầu nhiệm.

Bỗng chốc, một sự thay đổi mau chóng và bất ngờ: Hai chân dài và hai cánh rộng. Có lông hẳn hòi đấy nhé – thay cho hai chân hai tay và mặt của hai ngườI cứ dài dần ra cho đến khi trở thành hai cái mỏ thật dài. Nhà vua và Bằng Tô đã hoàn toàn biến thành cò trắng!

Ðức vua vui sướng khôn xiết.

- Này Bằng Tô, ngươi nhìn xem ta có đẹp không? Chà! Cái mỏ của ngươi dài quá, dài như bộ râu của ngươi hồi trước vậy.

Bằng Tô nghiêng mình, lấy mỏ rỉa lông.

- Thật bệ hạ có phước tướng! Làm vua cũng thế mà làm cò cũng vậy, bao giờ dáng dấp của bệ hạ cũng uy nghiêm vô cùng. Hạ thần chắc rằng bây giờ mấy con cò kia chả thèm sợ chúng ta nữa, vì chúng ta đã là đồng loại của chúng rồi kia mà! Ðức vua nóng nảy:

- Mau, chúng ta hãy đến gần chúng, vì trẫm đang khao khát không biết rằng có thể nghe được tiếng nói của loài cò chăng.

Ðức vua Cò và đại thần Cò chỉ cần bước vài bước trên cặp chân cao lêu khêu là tới gần được hồ sen. Lạ chưa! Tiếng nhắp nơi mỏ của lũ cò bỗng trở thành một tiếng nói mà hai vua tôi đều nghe rõ được, nhờ có lỗ tai cò.

Một con cò bảo:

- Này! Chị Dài cẳng ạ! nước hồ hôm nay mới trong làm sao! Tụi cóc nhái cũng nhiều lạ! Này! Chị hãy nếm một chút này, ngon lắm.

Chị Dài Cẳng là một chị còn trẻ măng, lông trắng như tuyết, nàng ta quẹt mỏ hai bên cánh và đáp:

- Em chả cần ăn uống gì cả chị ạ. Em chỉ đến đây để tắm mát mà thôi. Má em bảo ngày mai có giỗ tổ, em phải sửa soạn sạch sẽ để mai khiêu vũ mừng quan khách đến chơi, chị ạ! Này chị! Em biết một điệu múa hay lắm, gọi là Vũ khúc hoa sen. Này nhé! Em múa thử chị xem.

Nàng ta nhỏng nhẽo nhảy múa. Lúc thì hụp xuống, lúc thì trồi lên, hai cánh vỗ có nhịp và uốn eó cái cổ dài một cách dễ cười, đến nỗi cả hai thầy trò nhà vua nhịn cười không được, phá lên cười như vỡ.

Tiếng cười bất ngờ quá làm cho các chị cò ta hoảng hốt, thốt nhiên vỗ cánh bay mất.

- A! A! A! Nhà vua nhảy cỡn lên vì sung sướng. Này Bằng Tô! Trẫm chưa hề thấy gì vui hơn thế! Tiếc quá, nếu chúng ta đừng cười lớn thì có lẽ bây giờ lại được nghe chúng nói chuyện thêm, vui biết bao nhiêu! Nhưng chàng cò Bằng Tô bỗng hốt hoảng:

- Chết! Chết rồi! Tâu bệ hạ: Ngài có nhớ ba chữ nhiệm mầu ấy không? Ba chữ mà hễ khi nào muốn hiện lại nguyên hình phải đọc ba lần ấy mà! Hạ thần ngẫm nghĩ mãi mà chẳng nhớ ra. Chết mất! Theo trong lời dặn thì trong khi biến hình, chả được cười lên một tiếng, nếu không sẽ quên mất ba chữ ấy! Tâu bệ hạ! Mà hạ thần đã… quên mất!

Ðức vua run rẩy:

- Chết rồi! Trẫm cũng đã quên mất ba chữ ấy! Này, khanh hãy nhớ lại xem. Muốn… muốn hiện lại nguyên hình thì phải xoay về… về hướng Tây nghiêng mình và đọc…

- Và đọc… đọc ba lần chứ… muy… ma… mơ, chữ mi … mô… mơ… Bằng Tô tìm kiếm một cách thất vọng.

- Muy.. ma… mô… mi… mô.

- Mơ… mi… mô… chết thật rồi bệ hạ! Hai người cố lục lọi hơn một giờ đồng hồ trong trí óc ba chữ cứu tinh kia, nhưng không tài nào nhớ được.

Cứ giờ này đến giờ khác, hai chú cò cứ ngoảnh mặt về phía mặt trời lặn, ngừng cổ tìm tòi một cách thất vọng, cho đến khi kiệt sức, hai chàng mỏi quá, nằm phịch xuống đất.

- Chúng ta chết mất!

Bằng Tô lắc đầu, rên rỉ và khóc.

Nhà vua bỗng trở nên mạnh dạn và làm chủ được mình:

- Im đi, Bằng Tô! Than van, khóc lóc là yếu hèn! Hãy chịu đựng sự hình phạt một cách can đảm. Chúng ta bị khổ thế này chắn hẳn chúng ta đã gây nhân xấu từ lâu. Than khóc vô ích. Bây giờ chỉ có nước an vui với số phận. Ta là cò thế cũng còn sung sướng chán. Cò, với hai cánh rộng, ta có thể bay tự do trên trời xanh, trong khi bay, ta cũng có cảm tưởng như ta trị vì vậy!

Chúng ta hãy đi tìm chỗ nghỉ, vì trời đã sắp tối. Ngày mai, chúng ta bay liệng trên thành phố để xem tình trạng của dân chúng ra sao khi họ nghe tin ta mất tích.

Bằng Tô bước từng bước một, lặng lẽ theo sau đức Vua cò, thở dài não ruột. Ðêm xuống lặng lẽ và buồn bã, buồn lặng với hai con cò.

Ngày mai, hai thầy trò bay liệng trên thành phố My Lăng và kêu lên những tiếng ai oán đau thương. Người qua đường nghe kêu, chỉ nhau và bảo:

- Ðấy, điềm dữ đấy, điềm không lành cho xứ sở đấy.

Chiều đến, Vua cò và Bằng Tô biết được rằng tin vua mất tích đã tràn xa khắp nước.

Ðã nhiều phen, hai vua tôi bay đến đậu trên nóc hoàng cung, cố ý làm cho các quan và dân chúng biết rằng “đây ta là vua các người”. Song, ai mà có thể tin được lời chim? Chỉ có một cách duy nhất: làm thế nào nhớ ba chữ thần diệu để hiện lại nguyên hình.

Hai vua tôi nhà cò đói quá, mới tìm trái cây để ăn và vụi mỏ xuống hồ nước để uống. Tối về ngủ trên cành cây. Họ chả dám ăn thằn lằn, ăn ếch nhái, ăn sao được! – như lũ cò khác, lũ này ăn ếch nhái một cách ngon lành.

Hơn một tuần lễ, hai con cò sống một cách sầm thảm như thế, thì một hôm, quang cảnh thành My Lăng bỗng nhộn nhịp khác thường. Ðường sá đều được cắm cờ, các nghinh môn được dựng lên khắp nơi… Một đám rước vĩ đại diễn qua trong thành phố: quân lính gươm giáo đi hàng tư và trống kèn inh ỏi.

Giữa đám rước, một người trai trẻ ngồi trên lưng ngựa, chung quanh các võ quan hộ giá uy nghiêm nhiệt liệt.

Nhà vua Mỹ Tuấn uất người thét lên:

- Ðấy là con của kẻ thù ta! Ðấy chính là thằng Cách Nô đấy, con của thằng Mai Gia trước đây đem binh qua xâm lăng nước ta, bị ta đánh cho bại trận.

Chính nó đã thề sẽ trả thù ta. Nó đã lập mưu đánh lừa ta để qua chiếm đoạt ngôi ta! Quân tiểu nhân!

Nhà vua nức lên, uất ức.

Bằng Tô gật gù:

- Chính nó! Thằng Chệt, chính là một đứa của tụi nó trá hình đến lừa ta! Quân gớm thật.

Nhà vua buồn bã:

- Thôi ta đi! Hỡi Bằng Tô! Xứ My Lăng không còn là xứ của ta nữa, tụi nó đã chiếm mất rồi! Ta đi! Ta đi đến xứ Mếch Di Cô. Ta đi đến đó, họa may được đỡ khổ đôi phần. Có lẽ ta gặp được các ông phù thủy giải ách được cho ta.

Thế là hai thầy trò từ giã thành My Lăng, vỗ cánh bay về Mếch Di Cô. Họ bay chưa quen nên mới vài đồng hồ mà hai cánh đã mỏi rã rời.

- Bệ hạ cho hạ thần nghĩ cánh chút đã. Bệ hạ bay mau quá! Chiều cũng đã xuống. Vậy thì vua tôi ta hãy nghỉ lại đây đêm nay. Ta đi tìm một chỗ trú ẩn.

- Phải. Trên đồi kia có một cái tháp cổ đã tiêu tàn. Ta lên đậu trên đó ngủ cho qua đêm.

Hai vua tôi, bay lên tháp. Trong tháp, có một gian phòng ẩm thấp, tối tăm. Bỗng nhiên, Bằng Tô cản nhà vua lại:

- Bệ hạ có nghe gì chăng? Bằng Tô nói nhỏ: Hình như có tiếng ai khóc nức nở.

Nhà vua chổng tai lên nghe:

- Có tiếng ai khóc! Lạ thật! Ta vào xem.

- Bệ hạ đừng liều lĩnh, tâu bệ hạ! Chỗ này chắc không yên, ta đi tìm chỗ khác trú ẩn vậy.

Nhưng nhà vua không nghe, tiến tới. Bằng Tô vội vã lấy mõ kéo cánh nhà vua lại, nhưng nhà vua đã đi tới, vài cái lông dính nơi miệng Bằng Tô.

- Ái chà đau! Ngươi đừng nhổ lông ta chứ!

Bên trong tối mịt. Tiếng khóc than càng rõ rệt giống như tiếng người! Nhìn cho kỹ, vua chỉ thấy một con cú thật lớn ở bên trong mà thôi. Bạo dạn vua hỏi:

- Ai khóc ở trong ấy?

Con cú bỗng nhiên giật mình đánh thót một cái và khi trông thấy hai con cò, thì kêu lên:

- Hai con cò! Hai con cò! Trời ơi! Tôi được cứu thoát!

Vua cò ngạc nhiên vô cùng, bởi vì con cú nói giọng người, mà lại nói một cách rõ ràng.

Mỹ Tuấn hỏi:

- Sao? Tại sao nhà ngươi khóc, mà nhà ngươi lại nói được tiếng người, hỡi con cú? Ta tin rằng ngươi cũng đồng một số phận với chúng ta,. Có phải ngươi đã dại dột đến nỗi thành hình cú chăng, nói mau cho ta rõ.

Con cú chùi nước mắt bằng hai cách màu sậm, úi đầu chào và trả lời:

- Em chả biết ông là ai, ông cò ạ, song nghe giọng nói của ông, em biết ông là một trong những kẻ đau khổ. Và người ta đã nói với em rằng một ngày kia nếu có hạnh phúc trở thành người lại thì hạnh phúc ấy cũng do nơi một ông cò đem đến. Bởi thế thấy hai ông, em thốt nhiên được vui mừng ngay.

- Trời hỡi, ta chả giúp gì được cho ngươi đâu! Và khi ngươi nghe ta kể chuyện chúng ta, ngươi sẽ thấy rằng nỗi đau của chúng ta là một nỗi đau khổ vô biên, đến nổi chúng ta không còn gì tặng cho ngươi hơn là một lòng thương hại.

Nhà vua bèn kể chuyện mình và Bằng Tô cho cú nghe.

Nghe xong con cú thở dài.

- Em thấy giữa số phận chúng ta có cái tương quan giống nhau. Nếu như bệ hạ là vua, thì em đây là công chúa Phương Châu, con gái độc nhất của vua Ấn Ðộ. Thằng Cách Nô mà nó ám hại bệ hạ ấy, vốn nó đã đến hỏi em làm vợ. Nhưng phụ hoàng em cho nó là đồ tồi tệ, bèn đuổi nó ra khỏi cửa. Bị nhục, nó tìm cách giả trang để vào làm tôi tớ trong cung và tìm cách đưa cái hộp ma quỷ ấy để lừa em. Thế là em bị mắc lừa, biến thành con cú và trong khi thị nữ đi tìm em khắp chốn, nó xách cổ em lên cái tháp này, tống em vào đây rồi bảo:

“Mi phải ở đây cho đến khi một kẻ nào đến đây và bằng lòng hỏi mi làm vợ. Chỉ có cách đó là mi có thể hiện lại nguyên hình. Nhưng tao thì tao giấu chả cho ai biết có mi ở đây. Mi cứ ở đây cho đến trọn đời, già đi và chết đi như những con cú khác. Thế cho bỏ ghét thằng cha mi”.

Nói xong, hắn bỏ đi. Em ở đây chẳng đi đâu được, vì bị cột lỏng chân. Ðã hơn ba tháng nay, em phải âm thầm sống ở đây, không có nhìn thấy trời đất. Ăn thì ăn dơi chuột, rêu đá. Và bệ hạ ơi, số kiếp của em còn khổ sở hơn số kiếp của bệ hạ nhiều. Bệ hạ còn có bạn, còn bay đi khắp chốn được, chứ em thì phải trọn đời ở nơi đây.

- Lạ thật, nhà vua lẩm bẩm. Số phận của chúng ta đồng nhau. Hẳn có liên quan gì đây.

- Chắc thế, tâu bệ hạ. Em bị quả báo thế này, bởi vì trước kia em có hỗn với mẫu hoàng em một lần. Em chắc thế. Còn bệ hạ có lỗi gì đâu? Thế bây giờ bệ hạ đi đâu?

- Chúng tôi đi Mếch Di Cô để cầu cứu.

Cón cú lắc đầu, rồi bỗng nhiên hai mắt sáng rỡ phi thường:

- Em tưởng rằng bệ hạ và quan lớn chả phải đến Mếch Di Cô làm gì nữa. Em đã có cách để cứu được bệ hạ và quan lớn và luôn dịp cứu được cả em nữa.

Nhà vua hấp tấp:

- Làm thế nào? Làm thế nào?

Bằng Tô cũng hấp tấp:

- Làm thế nào? Làm thế nào?

Mỗi tháng bọn bộ hạ của Cách Nô đều nhóm họp gần ở đây, ở lâu đài bên kia đồi. Chúng nó tiệc tùng và kể chuyện vui chơi mà chúng đã làm trong một tháng. Có lẽ trong khi kể, chúng sẽ nhắc đến ba chữ thần bí kia mà bệ hạ đã quên. Mà nếu em còn nhớ, thì tối nay là tối chúng nhóm họp.

Vua Mỹ Tuấn vui mừng nhảy lên:

- Công chúa! Công chúa! Hay biết bao nhiêu! Nàng là kẻ cứu mạng chúng ta! Mau mau, nàng hãy chỉ cho ta đường lối sang lâu đài. Bằng Tô, hãy mổ đứt sợi dây cột chân nàng cho ta. Công chúa, nàng hãy vui lòng chỉ đường cho ta với.

Hai chàng cò khẩn khoản. Nhưng công chúa nghiêm nét mặt:

- Em cứu hai chàng, nhưng em phải ra một điều kiện. Nếu hai chàng tuân theo thì em mới đi.

Vua hấp tấp:

- Ðiều kiện gì ta cũng chịu cả. Nàng cần gì?

- Em muốn rằng bệ hạ sẽ giúp em trở lại nguyên hình. Em thưa rằng chỉ khi nào có kẻ muốn nhận em làm vợ, em mới thoát khỏi cái lớp áo cú xấu xa này. Vậy thì, tâu bệ hạ, nếu bệ hạ hoặc là quan lớn hứa làm chồng em.

Nhà vua kéo Bằng Tô ra xa nói nhỏ:

- Này Bằng Tô, bây giờ chính là lúc ngươi tỏ lòng trung thành với ta. Ngươi sẽ cưới công chúa làm vợ.

Bằng Tô giẫy nẩy và run lập cập:

- Tâu bệ hạ! Bệ hạ muốn cho khi thần về vợ hạ thần sẽ móc cặp mắt của hạ thần đi hay sao. Nó dữ lắm. Nếu nó thấy hạ thần đem công chúa về thì chết với nó. Bệ hạ nên nhớ rằng thần đã có vợ con. Hơn nữa thần đã già. Bệ hạ còn trẻ, chưa có vợ và đáng cưới công chúa hơn hạ thần. Công chúa thì trẻ đẹp… mà hạ thần thì già nua, râu dài chấm đất…

- Ai bảo ngươi công chúa còn trẻ và đẹp đấy! Chưa chắc! Nhà vua buồn rầu vuốt lông cánh, nghĩ ngợi mơ màng. Chả có gì chắc rằng nàng trẻ và đẹp! chắc phen này thì mua mèo trong bị đấy!

- Tâu bệ hạ, Bằng Tô đáp một cách lễ độ nhưng cương quyết, hạ thần chỉ có thể nói rằng: thà rằng chịu kiếp cò suốt đời còn hơn là rước vợ lẽ về để vợ hạ thần nó hành hạ thần khổ lắm, nếu bệ hạ biết được tính nết của con vợ hạ thần…

Hai thầy trò còn cãi vã một hồi nữa và cuối cùng nhà vua phải đành lòng nhận chị cú làm vợ.

Nghe nói nhà vua thuận nhận, công chúa Phương Châu rất vui mừng:

- Chúng ta sẽ được hiện nguyên hình không lâu. Chính hôm nay Cách Nô đãi tiệc. Giờ này chắc chúng đã bắt đầu nhập tiệc. Chúng ta hãy đi mau mau.

Nói xong nàng cú đi trước, bay nặng nề nhưng nhanh chóng. Hai chàng cò hấp tấp theo sau. Ðến lâu đài, công chúa lấy mỏ trỏ một cánh cửa con để hai chàng cò có thể bay lên đậu và nhìn vào tận bên trong phòng tiệc.

Mỹ Tuấn và Bằng Tô nhẹ nhàng bay đậu lên cửa, chống tai chống mắt mà nhìn mà nghe.

Trong gian phòng, một quanh cảnh tươi đẹp. Ðèn nến sáng trưng, bàn ăn khói lên nghi ngút. Chung quanh bàn, bọn chúng nó đến hơn sáu chục đứa. Trong bọn, nhà vua cò thấy có cả tên Chệt hôm xưa.

Tên Chệt này đang kể chuyện Bằng Tô và Mỹ Tuấn.

- Chúng ta đến thật là vừa lúc, vua Mỹ Tuấn vừa nghĩ vừa rùng mình. Nếu chậm một chút thì còn gì là đời! Lạy Phật! Xin nhớ ơn Ngài! Và hai thầy trò lắng hết cả bốn tai.

Tiếng cười trong phòng dội ra khi nghe tiếng kể chuyện của thằng Chệt bắt đầu lên giọng khôi hài. Một đứa trong bọn hỏi:

- Hay quá! Hay quá! Thế anh làm thế nào vào cung được và mấy chữ ấy là chữ gì mà thần bí đến thế?

(Ngoài này nhà vua và Bằng Tô lắng yên không dám động một máy lông).

- Chữ gì ư? Một chữ la tinh khó nhớ lắm mà tụi chúng một khi quên đi thì không thể nhớ lại được. Ấy là chữ “MUY TA BO” ấy mà!

Nghe đến đây, hai chàng cò chả thèm nghe nữa, vội vã đáp xuống thật mau, đến nỗi con cú phải bay gấp lắm mới theo kịp.

- Công chúa ạ, nhà vua mừng rỡ nói, may mắn quá. Vậy trước khi hiện lại nguyên hình, ta xin nhắc lại lời hứa: ta sẽ nhận công chúa làm vợ để trả cái ơn muôn kiếp không quên này!

Nói xong nhà vua quay mặt về hướng Tây, nghiêng mình đọc ba lần “MUY TA MO”.

Bằng Tô cũng bắt chước vua. Phút chốc hai người hiện lại nguyên hình. Mỹ Tuấn, một nhà vua đẹp trai và Bằng Tô một cận thần râu dài chí đất. Hai người nhìn nhau mừng rỡ và cảm động quá, thầy trò ôm chầm lấy nhau khóc.

Khóc xong, nhà vua chợt nhớ đến chị cú. Nhưng, sung sướng biết bao! Khi quay lại nhìn, nhà vua chả thấy cú đâu mà chỉ thấy một nàng công chúa đẹp như tiên, một nàng công chúa đẹp nhất trên đời mà người ta không có thể tưởng tượng.

Nàng mặc xiêm y lộng lẫy và nụ cười trên môi nàng đối với nhà vua còn tươi hơn cả những đồ trang sức đẹp nhất của nàng.

Công chúa Phương Châu quỳ xuống:

- Tâu bệ hạ! Bệ hạ có còn sợ mua mèo trong bị nữa chăng?

Nhà vua xấu hổ vì hồi nãy đã nói hơi to để cho công chúa nghe được. Nhưng chàng sung sướng, đỡ công chúa dậy và hôn tay nàng:

- Nếu sau này nhắc đến một cảnh ngộ vui mừng nhất của đời trẫm, trẫm sẽ nói rằng đó là cảnh ngộ mà trẫm bị biến thành kiếp cò trắng!

Không còn chậm trễ, vua và công chúa Phương Châu cùng Bằng Tô lên đường. Bán bớt một cái áo choàng, nhà vua mua ba con ngựa, sắm một đoàn tuỳ tùng cho đáng vẻ vương giả và cả ba lên ngựa về thành My Lăng.

Nhà vua được đón tiếp với tất cả những bồng bột nồng nhiệt của dân chúng. Cách Nô tiếm vị đã tuyên truyền nhà vua chết, nay thấy nhà vua về, toàn dân đều vui mừng thiếu một đường điên dại lên.

Cách Nô bị bắt, kẻ tiếm vị bị xử án: một là tự tử, hai là phải chịu kiếp cò. Thế là Cách Nô phải hít một chút bột ma quỷ vào mũi và quay sang phía Tây: “MUY TA BO!”.

Hắn biến thành cò, sống trọn đời trong vườn thượng uyển giữ kiếp cò trắng. Nghiệp quả của hắn đã gây, bây giờ hắn ráng chịu không ai phàn nàn.

Nhà vua lại lên ngôi, nhân dân lại được thái bình. Quần chúng mở tiệc ăn mừng luôn trong bảy ngày. Vua truyền lệnh tha cho các tội nhân và làm lễ thành hôn với công chúa Phương Châu.

Một hôm nhà vua nhớ lại chuyện cũ, cười bảo Bằng Tô:

- Khanh có nhớ không, nhớ đến kiếp cò của chúng ta không? Trẫm không nhịn được cười khi thấy khanh nghiểnh cổ về phía tây lắp bắp: “Muy ma… no… mô…”. Trông dáng điệu của khanh lúc bấy giờ thật là thiểu não lắm! Bằng Tô cười nhẹ, ghé tai nhà vua nói nhỏ:

- Bệ hạ đừng nhạo hạ thần quá, nếu không, hạ thần sẽ nói toạc câu chuyện tranh luận giữa hạ thần và bệ hạ ở trên tòa tháp hôm nọ… Hoàng hậu mà biết bệ hạ ấy Hoàng hậu về phía hạ thần vừa xấu, vừa già, vừa dài râu, thì Hoàng hậu sẽ buồn bệ hạ lắm đấy.

Nhà vua vội vã:

- Ấy, ấy đừng nói nhé, khanh nhé. Ta nói chuyện khác chơi vậy…

Nàng Ưu Ðà Di

Ðược tin Hoàng tử cùng vợ đi săn, dân thành Ca Tỳ La Vệ lo sửa soạn những cây cảnh trước nhà, họ xây những chậu hoa nào có màu tươi đẹp nhất quay mặt ra phía ngoài đường để đón chào vị Thái tử. Người ta chờ đợi nhìn khuôn mặt hiền từ với đôi lông mày dài và mềm lượn trên đôi mắt xanh như dòng nước biếc của sông Hằng, dáng điệu dõng dạc và thân hình nở nang của vị thiếu niên lúc nào cũng dẫn đầu một bọn lính kỵ vai đeo binh khí sáng chói, hùng hổ trên những con ngựa mập mạp. Ngày nào Thái tử dạo chơi thì đêm đó những tiếng đàn của các thiếu nữ trong thành vang lên, vừa quấn quit, vừa não nùng, khiến cho những hoa xung quanh vườn hình như say nhạc mà quên mất hương của mình bay tận đâu đâu và những kẻ láng giềng cũng ngẩn ngơ bỏ dở việc làm ngồi thừ như pho tượng.

Người ta uổng công chờ đợi chiều hôm ấy. Các hoa đẹp chỉ khoe sắc với khách qua đường. Ở phía cửa thành Thái tử đã bỏ dỡ cuộc đi săn. Thái tử Thích Ca thấy cảnh trái ngược giữa thân thể mạnh khỏe của mình như một cái cây đang lớn, với một hình vóc xấu xí của ông già kia như que củi khô: râu tóc bạc phơ bờm ra như lông lá của một con vật, thân ông cong quắp, tay với sát đất như chực bò.

- Có như vậy được chăng? Một người tráng kiện như ta bây giờ một ngày kia cũng thế?

Thái tử tự bảo rồi quay ngựa trở về.

Tối hôm ấy ánh trăng vằng vặc trên lâu đài nhà vua. Hoa kỳ cỏ lạ trong hoa viên sáng lên như ngọc. Vua Tịnh Phạn đã được thị vệ cho hay, Thái tử bỏ dở cuộc dạo chơi vì gặp một cụ già. Vua bèn mở ngay cuộc khiêu vũ dưới muôn ngọn đèn hoa để làm khuây Thái tử. Nhưng Thái tử Thích Ca vẫn không quên được ông già và màu râu tóc bạc hình như lại hiện về trên các khuôn cây ở hoa viên dưới ánh trăng bàng bạc.

Vua lo sợ săn sóc đến Thái tử như vậy, vì chỉ có một mình Thái tử là người kế vị. Thái tử là một thiếu niên anh tuấn mới 19 tuổi người đã thông thuộc cả các nghề. Nào thiên văn, địa lý, nghị luận, thi phú, văn chương, âm nhạc, hội hoạ, bói toán, phù chú, võ nghệ, trong nghề nào Thái tử cũng là người xuất chúng. Không những vì thế mà vua yêu quí, vua yêu quí Thái tử vì Thái tử là kết quả của cuộc nhân duyên đằm thắm giữa vua và hoàng hậu Ma Ha Ma Da. Thái tử là một mối tình thiên liêng của Hoàng hậu để lại cho vua ở thế giới này.

19 năm về trước, một đêm nằm mộng, Hoàng hậu thấy mình lạc vào khu rừng hoang vu. Một con voi trắng sáu ngà đến ve vuốt bà mãi. Một hôm biết mình thụ thai, Hoàng hậu mới đem chuyện ấy nói cho vua nghe. Vua đoán là một điềm mộng tốt và rất vui mừng vì vua đã 50 tuổi rồi và Hoàng hậu cũng xấp xỉ tuổi vua, nếu may ra, Hoàng hậu sanh được Hoàng nam, vua sẽ có người kế vị.

Theo tục Ấn Ðộ phải về nhà cha mẹ mà đẻ. Một ngày ở vườn Lâm Tỳ Ni nước Câu Ly quê hương của Hoàng hậu Ma Ha Ha Da, chim kêu không ngớt tiếng, mặt trời lên cao chói sáng hơn cả mọi ngày. Ðêm ấy các khóm hoa đều tỏa hương thơm ngào ngạt. Hoàng hậu Ma Da ra dạo ở vườn hoa của vua Thiện Giác (anh bà), thơ thẩn nhìn trăng bà nguyện cầu: “Hởi những đấng thiêng liêng hãy phù hộ con con tôi sau này trong sáng như mặt trăng kia, trí tuệ của nó sẽ rộng rãi bao trùm cả thế giới như ánh sáng mặt trăng”.

Sao dần dần thưa, trên bầu trời đen thẳm. Rạng đông bừng sáng một phía vườn. Hoàng hậu bỗng thấy đau bụng, bà tựa vào một cây Vô Ưu.

Mặt trời vừa lên tỏa ánh sáng vàng ửng khắp vườn Lâm Tỳ Ni, một trẻ lọt lòng xinh đẹp và toàn vẹn hơn cả những châu ngọc ở cõi trần. Trẻ ấy là Thái tử Thích Ca.

Từ hôm Thái tử bỏ dở cuộc đi chơi về, nét trầm ngâm vẫn thoáng trên gương mặt sáng lạng tinh anh… Muốn giả sầu cho Thái tử, ngày nào vua cũng đặt ra những cuộc chơi trong cung điện. Các bọn ca nhi vũ nữ cùng các đào hát thầy đàn tha hồ được dịp trổ tài. Vua lại còn ra “Chỉ” xem ai có vật lạ nghề hay đem vào cung để làm vui Thái tử đều được hưởng.

Người ta đem đến những thứ hoa quỳnh to bằng cái đĩa lớn, những hoa lài cánh ta bằng cái hồng, những hoa sen vàng nở lá bốn mùa, những cây chuối trăm buồng, những giống quái vật ở núi ở biển, những san hô, ngọc cùng các thứ chạm trổ khéo léo. Trong các thứ ấy có con ngựa làm cho Thái Tử chú ý đến. Con ngựa vừa đẹp vừa khôn ngoan. Mình mẩy đều đặn, bốn chân thon thon, nó đứng bên cạnh những con ngựa to lớn nhất trong cung, thì những con này cũng thành thấp bé, những hình hài của nó làm sao sánh nổi với màu sắc của nó, tròng đen trong mắt nó có một sắc đen lánh như hột huyền, móng chân của nó đi vào trong tối thì sáng lên như sừng tê giác, lông nó mướt và trắng như tuyết trên núi Hy Mã Lạp Sơn, bờm của nó óng ánh như tơ vàng mềm mại và ở quanh cổ nó có nhung vân màu ngũ sắc dợn lên như một cầu vồng. Chưa hết đâu, người ta lại khéo đeo hai chân trước nó hai cái lục lạc âm dương, lúc ngựa chạy tiếng nhạc hoà lên một điệu xao xuyến và huyền bí như tiếng suối chảy trong đêm khuya, giọng chim riú rít trong rừng xa. Có lẽ từ hôm được con ngựa ấy, Thái tử cũng khuây được nỗi buồn. Nhưng đêm đến, vua còn sợ không có gì để giải trí cho Thái tử, nên bày ra không ngớt những cuộc vui. Ðêm hôm ấy cũng như mọi hôm, trong cung đều có múa hát trà tiệc, dưới ánh những cây nến có ngọn lửa to như bó đuốc, các vàng bạc ngà ngọc khảm trên các cây cột, trên trần nhà, trên các áo mão của người trong tiệc đều phản chiếu lên muôn ngàn màu sắc lạ. Hương trầm ở bốn phía tỏa ra ngào ngạt và rượu trong những cốc thủy tinh đủ màu như muôn hoa ở một vườn xuân, các vũ nữ đều thi tài múa hát, thân hình uyển chuyển theo âm nhạc như những gợn sóng, mặt mày tươi như những hao sen một buổi sớm mùa hạ. Ðiệu múa rất tự nhiên. Chân tay họ như làm bằng một thứ sáp, thứ bột gì rất dẻo tha hồ để cho một bàn tay vô hình uốn nắn. Một người chưa thấy cảnh ấy, nếu lạc vào đây e tưởng mình đã lên tiên. Nhưng những cảnh đẹp ấy đối với cặp mắt Thái tử quen lắm rồi. Ðêm ấy người ta mời một người con gái vừa tài vừa sắc đến giúp cuộc vui.

Các vũ nữ vừa kéo vào, một tiểu thơ quần áo trắng bước đến, nét mặt của nàng một cách ngây thơ và hồn nhiên. Trên tay nàng cầm một cây đàn chín dây, nàng cúi chào rồi quỳ xuống giữa chiếc thảm xanh như một đóa hoa mọc giữa một vùng lá biếc.

Người ta không rõ nàng đàn bản gì. Toàn xứ Ca Tỳ La Vệ chưa ai được nghe. Người nghe bản đàn ấy dầu có một mối sầu khó giải trong lòng cũng có thể nguôi được, dầu có tánh giận dữ đến đâu cũng thấy trở lại ôn hòa. Một bản đàn khiến cho người ta thấy sống ở cõi trần này là một cõi êm ái. Cứ mỗi lần nàng nghỉ tay, người nghe lại không biết từ đâu có tiếng chim rất trong nổi lên để tiếp theo. Nàng đã khéo luyện tập được một con chim khôn ngoan và bắt nó đậu trên cây đàn. Người ta tưởng con chim ấy hòa một bộ phận của một cây đàn, không ai ngờ những tiếng chim bay ra lại là của con vật xinh xinh kia. Ðàn xong, nàng cất tiếng hát. Chao ôi! tiếng hát lại trong bằng mấy tiếng đàn, khi lên khi xuống như hẹn hò trước với điều ao ước riêng của từng người. Trước khuôn mặt ngây thơ của người hát và giọng ngân trong trẻo, lòng ghen tuông của các cung tần không có thể có nữa.

Nàng dứt tiếng hát, Thái tử thấy khoan khoái, các người trong tiệc như ngây như dại, từ nãy đến giờ nín hơn để nghe, bây giờ mới dám thở ra. Thái tử quay lại mỉm cười, một người thị vệ đã nhanh nhẩu tâu: “Tâu Thái tử! Nàng Ưu Ðà Di, dòng dõi Bà La Môn”.

Như có mặt trời trên mình ngựa, Thái tử vui vẻ hầu như xóa được nỗi buồn xưa. Thị vệ được vui lây nên có người dám vui đùa như những lúc Thái tử không có gì phiền não. Thái tử đối với người hầu tử tế như anh em. Một người thị vệ thưa Thái tử.

- Thái tử có nhớ cái nhà trồng rất nhiều hoa ở phía nam hoàng thành?

- Nhà ấy có gì lạ, ngươi sẽ bảo ta nghe!

- Bẩm Thái tử! Ở đó có những tiếng nhạc, mà không có ai xứ này được nghe, họa may có một mình tôi.

Thái tử mỉm cười nhớ lại cái đêm nghe đàn trong cung.

- Hay hơn tiếng nhạc của Ưu Ðà Di chăng? Thế thì ngươi hãy dẫn ta đi đến đó.

- Bẩm Thái tử chính là Ưu Ðà Di.

- Sao ngươi bảo chưa ai được nghe?

- Bẩm Thái tử một đêm rất khuya, một đêm mà kinh thành Ca Tỳ La Vệ đều say trong giấc ngủ, hôm ấy tôi được nghỉ, phóng ngựa về thăm nhà. Lúc qua đấy tình cờ nghe được tiếng đàn thanh thót ở ngôi nhà kia đưa ra. Tôi dừng ngựa ngơ ngẩn quên mất việc về thăm nhà. Bẩm Thái tử, tôi đã nghe một khúc hát kỳ lạ hơn khúc hát ở trong cung hôm trước.

- Thế thì ta rẻ lối này.

Thái tử Thích Ca vừa nói vừa rẽ ngựa sang tay trái, các thị vệ đều mỉm cười sung sướng bước theo người.

Vó ngựa rầm rộ trên đường sỏi, gió thổi cái bờm óng ánh tơ vàng của con ngựa đi qua lớp áo nhung trắng cài khuy đỏ của Thái tử. Cái khăn trắng lớn trùm ngang trán để lộ ngọc bào, một nốt thịt nổi cao giữa hai hàng lông mày và phủ ngoài mớ tóc đen như mun, sợi tóc nào cũng uốn tròn về phía hữu.

Dưới màu trời xanh thẳm, ở trước mặt Thái tử xa xa một thành phố hiện lên trong quang đãng. Thái tử, trong một phút, đã nghĩ đến những nóc nhà kia là của thần dân dưới quyền vua cha. Mà trong đám nhà ấy, lại có ngôi nhà của người con gái tài hoa. Thái tử lại hình dung người đánh đàn hôm trước.

Vừa lúc ấy có những tiếng rên khừ khừ bên đường lọt vào tai Thái tử. Thái tử quay lại hỏi thị vệ:

- Hình như có người rên, các ngươi hãy lắng tai nghe có phải chăng?

Các thị vệ lắng tai nghe rồi đồng thanh trả lời:

- Bẩm Thái tử quả có.

Tiếng rên rõ lắm ở trong một bụi cây bên đường. Bên bụi cây, một người đen đủi gầy đét, đầu đã rụng tóc, da đầu lòi ra như sọ dừa, khắp thân mình đều lỡ lói ghê sợ, cả thân hình bệnh nhân xông lên một mùi rất hôi hám khiến cho người xem không dám đến gần. Tên ấy là một tên hủi thuộc về phái Bà Li A, là một phái hạ cấp ở Ấn Ðộ bị khách qua đường đá vùi xuống đấy như một con vật, vì không ai muốn gần một người bệnh ở một giai cấp mà người ta cho là hèn mạt. Nghe tiếng có người đến gần, nó gần đưa hai tay cụt bàn như hai cái càng lên trời và đôi mắt nó gần như mất hết tròng đen cũng cố mở để nhìn lên cao. Như tuồng nó không còn tin rằng những người đồng loại của nó còn thương xót nó. Trước cảnh ấy Thái tử buột miệng than:

- Còn cách gì chữa được nữa chăng?

Một người theo hầu tiếp trả lời:

- Bẩm như đến bệnh hủi ghê gớm kia thì không còn phương thuốc gì chữa được.

Thái tử Thích Ca cởi áo mình – cái áo nhung trắng có cúc đỏ và chỉ vàng thêu ở trước ngực đắp cho kẻ kia rồi cùng thị vệ quay về.

Trên đường về, đôi mắt Thái tử Thích Ca trở nên buồn bã, lúc nào trên gương mặt cũng tỏ dáng đăm chiêu suy nghĩ. Vua tìm hết cách để làm cho Thái tử vui mà cũng không có hiệu quả gì. Tình cờ một hôm vua sực nhớ đến người con gái đánh đàn. Vua ngẫm nghĩ, có lẽ Thái tử buồn bực vì cảnh cung cấm có vẻ tiều tụy, cung tần mỹ nữ không biết trang điểm, không có tài ăn nói để giải buồn Thái tử, họa may còn có con bé này; hôm trước ta nghe những khúc hát của nó cũng phải mê mẩn tâm thần, thấy mình quên hết những phiền muộn ở đời. Ừ mà phải, nó là dòng dõi Bà La Môn, tài gì mà không có sức học uyên thâm, giới hạnh nghiêm chỉnh. Ta sẽ nhờ nó xem sao.

Nghĩ như vậy bèn sai người mời Ưu Ðà Di vào cung, nàng khiêm tốn tâu rằng:

- Tâu Hoàng thượng, ân đức Hoàng thượng hầu khắp cả thần dân trong nước, ai ai lại không truyền tụng, tôi như hạt bụi dưới ánh mặt trời, như bọt nước trong bể cả. Bấy lâu chỉ biết tận hưởng những ân huệ cao siêu của Ngài, bây giờ Ngài ủy thác cho công việc theo hầu Thái tử tôi rất lấy làm vui, nhưng cũng lấy làm sợ.

- Nàng Ưu Ðà Di, tài đức của nàng sắc đẹp của nàng ở đây ai lại không biết, hãy nhân dịp này để tỏ lòng trung thành của nàng.

Hôm ấy vua đến khuyên Thái tử:

“Ðã biết bao lần ta phải nhắc lại rằng ta chỉ còn một mình con ở trên đời này là ta quý mà thôi. Ðã biết bao lần con làm ta phải âu sầu nhớ đến mẹ con chăng? Ôi? nếu con biết những sự mong mỏi của mẹ con lúc tuổi tác cao mà vẫn chưa thai nghén, nếu con biết những lúc mẹ con cùng ta sung sướng với giấc mộng kỳ lạ của mẹ con. Ôi! Nếu con biết những nỗi hân hoan của mẹ con lúc mang con trong lòng cầu nguyện cho con sau này được hơn người. Cứ mỗi lần con không vui ta bùi ngùi tưởng nhớ đến mẹ con và tiếc rằng không còn mẹ con ở đây để dỗ dành con hộ ta”.

- Thưa cha, con đã là đứa con bất hiếu, con xin từ nay yên vui để cha bằng lòng, để linh hồn mẹ con được nhẹ nhàng trên chín từng trời thẳm. Mẹ con bây giờ còn làm sao gặp được con nữa, mà con cũng vậy, hình ảnh mẹ con còn có tìm đâu được ở trần giới này.

Như biết được Thái tử Thích Ca sắp rơi vào bẫy của mình, vua vẫn ôn tồn không lộ vẽ sung sướng của mình.

- Lời con nói nhắc ta nhớ đến một việc mà ta quên hẳn đi.

- Thưa cha nhớ lại việc gì?

- Còn một người sống ở thành này rất giống mẹ con ngày xưa.

- Thưa cha người ấy là ai con muốn tìm cho gặp.

Phải, ý nghĩ của con rất hay, vì tội nghiệp cho con, con vừa ra đời được bảy hôm thì mẹ con vội từ giả vườn Lâm Tỳ Ni, người con muốn chẳng ai xa lạ, chính là nàng Ưu Ðà Di, người đánh đàn hôm trước.

Tối đó ở hoa viên, Ưu Ðà Di ngồi trên một ghế da trước mặt vua và Thái tử. Trăng Ấn Ðộ tỏa một thứ ánh sáng huyền ảo trên thành quách, những cây trắc cao vút như muốn níu theo điệu nhạc do chính dây tơ dưới mười ngón tay tài tử đưa ra bên cạnh, những khóm lài đầy trĩu những hoa có hương ngào ngạt khiến cho những người hầu đứng bên dẫu có chất phát cho mấy cũng trở nên mơ mộng như nhà thi sĩ.

Hôm sau vua ban cho cha mẹ Ưu Ðà Di vàng ngọc châu báu để rước nàng vào cung. Tuy được trọng thưởng ông bà cụ không khỏi buồn vì xa con.

- “Vàng ngọc châu báu có quý đâu bằng tình mẹ con. Xa con mẹ lấy làm đau lắm. Con hãy còn nhỏ, rồi đây ai săn sóc con. Tuy vậy lệnh nhà vua không ai dám trái. Mẹ cầu nguyện cho vua và Thái tử sẽ yêu mến con như thầy mẹ đối với con vậy”.

Ưu Ðà Di an ủi mẹ:

- “Con đã lớn rồi mẹ ạ! Lẽ đâu con phải bắt mẹ lo lắng cho con. Hoàng tử người rất hiền lành, như mẹ đã thấy những khi Ngài dạo trước cửa nhà ta. Con sẽ cố làm cho Ngài vui, thế nào Ngài cũng chiều con như mẹ vậy”. Ông cụ ít bịn rịn hơn, khuyên con:

- “Con đã 15 tuổi rồi đó, gắng mà giữ gìn tâm tính. Con phải luôn luôn khiêm tốn nết na như những ngày sống gần thầy mẹ vậy, vì chức vị của cải dễ làm hư tâm tánh con người lắm đó. Thôi con cứ vui đi, thầy mẹ cũng mừng cho con”.

Ưu Ðà Di cúi đầu vâng lời cha mẹ, rồi nàng chạy tìm em, một cậu bé đang loay hoay dán một con diều nhỏ.

- Em ở lại vui vẻ nhỉ! Ðừng làm phiền cha mẹ, rồi lúc nào chị sẽ đem quà bánh về cho em. Em sẽ thay chị cho các con vật mình nuôi ăn uống. Luôn luôn săn sóc chứ đừng đánh đập nó.

Nói đoạn nàng kéo tay em ra vườn để thăm lại những cảnh vật thân yêu. Cây khế mà dưới gốc nàng đã bao lần ngồi hát, ngồi đàn cho cả nhà nghe.

- Nàng đi còn có ai mà hát dưới đêm trăng nữa?

Cây huệ than:

- Ai vuốt ve tôi? Tôi nở hoa cho ai?

Hoa hồng nũng nịu:

- Tôi lấy tóc ai mà bíu nữa?

Ưu Ðà Di trả lời:

- Các bạn ơi, thầy mẹ tôi và em tôi lại săn sóc hơn tôi nữa kia.

Ðàn ngỗng lúc bấy giờ ở dưới nước lại kéo lên:

- Rồi đây ai chìa tay cho chúng tôi mổ?

- Em tôi sẽ đưa bàn tay xinh xắn hơn tôi cho các ngươi.

Nước trong hồ cũng phụng chịu:

- Chiều chiều ai soi bóng trong lòng tôi nữa?

- Còn có em tôi soi bóng trong lòng của ngươi, em tôi còn ngoan ngoãn hơn tôi, đẹp đẽ hơn tôi.

Bồ câu và các thứ chim trong vườn cũng bay đến.

- Nàng đi thật đấy à? Vắng nàng chúng tôi hót cho ai nghe đây và ai hát cùng chúng tôi?

- Có thầy mẹ tôi và em tôi nghe những điệu thánh thót của các ngươi, giọng em tôi còn tốt hơn giọng tôi, sẽ hòa cùng các người.

Con chó lúc bấy giờ cũng chạy quấn quít bên chân nàng:

- Nàng đi, ai vuốt ve tôi và dắt tôi đi dạo?

- Em tôi vẽ vui đùa với ngươi.

Lúc ấy con chim nhỏ của nàng nuôi ở đâu cũng bay đến:

- Tôi nhất định theo nàng.

- Em sẽ theo ta và đậu trên cây đàn của ta.

Lúc cha mẹ và em đưa ra đến cửa, nàng như nhớ việc gì, quay lại bảo em:

- Em có nhớ những nhà tu hành ngày ngày đến xin ăn trước cửa, em sẽ kính cẩn em các thức ăn ra biếu lấy em ạ.

Ở cửa xe ngựa đã sẵn sàng để đón lấy nàng vào cung điện. Những người theo hầu nghiêng mình chào đón.

Về cung, Ưu Ðà Di tìm hết cách để làm cho Thái tử vui. Trước vẻ hồn nhiên của người con gái ấy, Thái tử không thể buồn được nữa. Ngày nào Thái tử cũng cùng với nàng cưỡi ngựa đi dạo trong khu vườn rộng thênh thang. Bên cạnh những đóa hoa tươi sắc, những lá biếc xum xuê biết hót bằng tiếng chim. Vợ Thái tử là bà Da Du Ðà La rất yêu mến nàng vì nhờ nàng bày vẻ những điệu hát những bài đàn cho con bà. Ưu Ðà Di lấy những lời rất dịu dàng để khuyên bảo như chị với em. Ðối với những người hầu hạ lúc nào nàng cũng tỏ ra là một người vừa nhũn nhặn vừa khoan dung. Nàng lại đem lòng yêu mến tất cả những người xung quanh nàng. Nàng lại biết tự tay đi hái những lá thuốc để chữa bệnh cho những người ở bên nàng trong cơn nguy hiểm.

Nhưng ở đời hễ được nhiều người mến chuộng thì lại tăng phần căm tức ghen tuông của những đứa tiểu nhân. Cũng may ở trong cung chỉ có một người ngầm ghét Ưu Ðà Di mà thôi, người đó là một cung tần tên là Sai A.

Một bữa Ưu Ðà Di vào phòng mình thấy quần áo treo trên móc đều bị con gì nhấm thủng cả, mà căn phòng cao ráo ấy làm gì có dán hay chuột. Hôm khác nàng thấy cây đàn tự nhiên đứt mất mấy dây, nàng phải nhọc công một buổi để buộc dây cho đúng điệu. Có hôm nàng săn sóc chậu hoa quý định đem bày ở phòng sách của Thái tử. Buổi sáng hoa ở chậu vừa nụ xinh tươi, thế mà chiều đến nàng phải khóc, vì không thấy hoa ở trên cành nữa. Ưu Ðà Di đoán có ai ngầm hại mình, nhưng nghĩ mãi cũng chẳng biết là ai, vì trong cung mọi người đối với nàng đều tử tế cả. Nhưng trong khi nàng không biết ai ngầm hại mình, Sai A lại càng nghĩ ngợi những mưu kế ghê tởm để ngầm hại. Nhưng hắn không ngờ làm một việc dữ chưa chắc hại nổi ai mà mình lại bị điều dữ đến cho mình.

Một tối hắn biết thế nào Ưu Ðà Di cũng ngủ rất say vì nàng phải đàn khuya, hắn khuyên một đứa tớ rất trung thành của hắn lén vào phòng của Ưu Ðà Di theo lời dặn của hắn.

Ưu Ðà Di thiêm thiếp ngủ trên chiếc nệm trắng tinh, đôi tay nho nhỏ của nàng trong giấc ngủ vẫn không rời cây đàn chín dây. Con chim xinh xinh đang đậu ở đầu giường. Cái dáng điệu ngủ đáng yêu và vô tội ấy, ai nỡ đứng trước mà nghĩ đến những chuyện giết hại được.

Lúc ấy con hầu của người cung tần vừa đến bên người lính canh ở trước phòng của Ưu Ðà Di. Nó toan lấy thuốc mê ra bỏ theo lời dặn của Sai A nhưng nó lại ngầm nghĩ: anh này say ngủ như chết, có bỏ cũng phí, để lát nữa ta bỏ cho cô bé này cho nhiều, càng nhiều càng mê lâu ta càng dễ hành động.

Nó mỉm cười, mất cả lo lắng từ trước, bước sang người anh lính hầu ngủ lăn trên đất. Nó mở cửa lẻn vào phòng Ưu Ðà Di, con chim thấy động kếu ríu rít và đến mổ tay người con gái đang ngủ. Nhưng vì nhọc Ưu Ðà Di say mê như không biết gì. Con hầu của Sai A tức khắc rút một ít thuốc rẩy trên mắt nàng và đưa tay xua đuổi con chim. Chim sợ sệt bay lên ở một góc phòng, nhưng nó vẫn kêu ríu rít. Con thị tỳ lại rút trong túi ra một cái hộp con. Nhưng tay nó dừng phắt lại. Trước khuôn mặt hiền từ đang nằm ngủ say, nó cảm thấy như đứng trước một vật gì trong sạch, rất quý báu, nó muốn ôm chầm lấy để thu tất cả mọi tội lỗi. Nó quay đi không nỡ làm hại con người đang ngủ ấy nữa. Ngực nàng Ưu Ðà Di nhẹ nhẹ lên xuống hình như nàng ngủ một giấc vô cùng êm ái. Nhưng con thị tỳ quay lại sực nhớ phần thưởng của Sai A hứa cho nó. Ðồng tiền bao giờ cũng có một sức mạnh xúi giục người ta dễ làm bậy. Phần vì ham tiền thưởng, phần vì sợ nếu không được việc sẽ bị chủ hành hạ, con thị tỳ mắm miệng quay vào. Nó quả quyết rút cái hộp ra. Nếu nó lanh tay một tý thì người con gái hiền hậu kia không còn ở trên đời này nữa, nhưng tay nó run lật bật, một con rít trong hộp đáng lẽ rơi trên mình Ưu Ðà Di, lại cứ bíu lấy hộp rồi bò thẳng lên tay nó, nó khiếp sợ quá thét lên, lúc ấy tên lính hầu vừa tỉnh giấc và con hầu của Ưu Ðà Di ở phòng bên cạnh nghe tiếng rú chạy vào. Con nữ tỳ của Sai A không tài nào thoát khỏi. Trong lúc kinh khủng nó thú cả tội lỗi. Không mấy chốc nó bị điệu cổ vào nhà giam xét hỏi và những viên lương y đã đến giải thuốc mê cho Ưu Ðà Di. Cơ mưu của Sai A bị tiết lộ. Vua tức giận lắm định đem giết kẻ làm việc ác đức ấy đi cùng với tên thị tỳ đã giúp việc cho hắn. Ưu Ðà Di được tin ấy động lòng thương hại xin cho những kẻ kia được nhẹ tội. Cảm lòng nhân đức của nàng tuy phải tù tội, nhưng tránh được cái chết, lấy làm ăn năn tội ác của mình, từ ấy thề sẽ chữa lại tâm tánh. Còn những kẻ ở trong cung càng yêu mến người con gái nhân đức kia.

Hết cái nạn ấy, Ưu Ðà Di được sống vui vẻ bên cạnh Thái tử. Thường hai người cùng đánh cờ, cùng đọc sách, cùng hòa đàn. Thật là đôi thiếu niên sung sướng trong đời này vậy. Tuy thế có những việc xảy đến mà không bao giờ người ta ngờ có được, hôm ấy đoàn ngựa của nhà vua lại ung dung kéo ra cửa thành phía đông. Mặt trời quang đãng trên con đường phẳng, đoàn ngựa chạy dưới bóng hai hàng cây kè kè lá xòe ra như những cái quạt lớn. Qua những cây ấy, Thái tử nhìn thấy những người cày ruộng mình trần trùi trụi cùng với những con trâu hì hục cày bừa trên những thửa ruộng lầy lội. Một luồn gió mát thổi qua, Thái tử bất giác nghĩ đến cái khoái trá trên mình ngựa dưới bóng cây râm mát và cái cảnh lam lũ của những người làm ruộng kia dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Cảnh tượng ấy, Thái tử đã gặp từ năm còn nhỏ trong một cuộc dạo chơi với vua cha. Thì ra lòng thương xót của người không theo thời gian mà thay đổi. Cảnh tượng ấy vừa qua, đi được một lát, đoàn ngựa gặp phải một vật gì lù lù nằm choáng cả lối đi. Một tên thị vệ tâu:

- Bẩm Thái tử cho tôi đến trước xem vật gì nằm choáng ngang đường. Nói đoạn, hắn phi ngựa chạy đến trước. Lúc Thái tử cùng bọn hầu đến gần thì thấy người thị vệ đã xuống ngựa hất cái vật kia qua một bên đường, vật ấy cứng đờ như một khúc gỗ.

- Bẩm Thái tử, thây một kẻ chết, nó vừa nó vừa vọt lên ngựa định theo Thái tử nối tiếp cuộc đi chơi, nhưng Thái tử gò cương lại nhìn cái xác chết mà ruồi nhặng đương tha hồ đục khoét. Thái tử thấy lòng se lại ngồi nghĩ đến đời sống của con người thật là khổ: suốt đời chỉ thấy lo lắng bâng khuâng, bệnh hoạn, già nua, chết chóc. Nghĩ vậy, Thái tử không thiết đến cuộc đi chơi nữa. Những thị vệ trông thấy Thái tử trở lại buồn rầu, lo quá. Chúng bèn bàn nhau đưa Thái tử về hoa viên rồi mời Ưu Ðà Di ra khuyên dỗ Thái tử. Ưu Ðà Di vội vã ra vườn. Nàng thiết tha như một nàng tiên trong cảnh bồng lai. Tuy vậy, Thái tử vẫn điềm nhiên ngồi trầm tư bên một gốc cây. Ưu Ðà Di lại gần nỉ non.

- Thưa Thái tử, có phải hôm nay Thái tử buồn vì như lời thị vệ nói Ngài đã gặp những cảnh thương tâm chăng? Nếu vậy sao Ngài không nhân trời tối này đi dạo cho khuây khỏa lại cứ ngồi giữ kín mối sầu làm gì vậy? Hay là tại lỗi tôi không kịp theo hầu Thái tử chăng?

Thái tử vẫn điềm nhiên không đáp:

- Thưa Thái tử, Ngài không nhớ một hôm trong vườn hoa, Ngài đã bảo tôi là em gái Ngài, tôi có nét mặt giống Hoàng hậu không đủ làm cho Ngài vui sao?

Thái tử nhìn thấy đôi mắt long lanh sáng của người con gái quỳ trước mặt, ra lệnh cho nàng đứng dậy:

- Tôi không muốn nàng biết nỗi buồn của tôi, bởi nàng cũng như đóa hoa vô tư kia.

- Thưa Thái tử, những đóa hoa kia cũng biết buồn rồi đó, hôm nay tôi thấy hoa nào cũng ủ rũ cả, như thế không thật sao?

- Hoa nào lại có thể giữa màu sắc được bền lâu.

- Thưa Thái tử đời cũng vậy, ai lại không đau ốm, bệnh tật và chết.

- Nhưng cái chết của cây cỏ không máu mủ thịt xương, còn con người, con vật đến lúc bệnh hoạn có khi làm cho không ai có thể đứng gần bên được. Vì vậy tôi biết người sinh ra thì khổ nên tôi muốn tìm cách để trừ cái khổ ấy đi. Tôi đã hết cách tiêu khiển. Có cái gì tôi muốn mà không được. Thế mà cách để được yên vui tôi, làm sao tôi yên vui được lúc tôi nghĩ đến không làm sao tìm được bên cạnh đời no ấm xa hoa của tôi, biết bao nhiêu người khổ sở lăn lóc ốm đau, già nua bệnh hoạn.

Ưu Ðà Di không biết phân giải thế nào bèn đến quỳ tâu bên Thái tử nét mặt rầu rầu. Lúc ấy nhận thấy vì mình mà những người xung quanh phải khổ lây, Thái tử gượng cười đứng dậy cùng Ưu Ðà Di đi dạo quanh vườn. Những người hầu từ nảy đến giờ lo ngay ngáy, sợ nếu Thái tử còn buồn thì sẽ bị vua cha quở mắng, lúc bấy giờ cũng tươi lên. Chim chóc từ bốn phía vườn cũng bay lại hòa thành khúc nhạc rất vui. Những hoa huệ bổng vươn mình lên trắng xóa khắp vườn làm cho những hoa bướm khác tăng phần rực rỡ.

Tuy cố gượng vui nhưng nét mặt trầm tư của Thái tử, nhiều lúc vẫn lộ ra không giấu được. Vua lại tìm hết cách để làm cho Thái tử khuây. Ðàn hát xướng ca không ngớt. Tuy vậy hình như không có kết quả gì mấy. Một hôm vua cha bảo Ưu Ðà Di: Từ nay con hãy chiều chiều hầu Thái tử ra vườn hoa cửa Bắc mà ta vừa mới lập xong. Con sẽ mỗi ngày thay một thứ áo xinh đẹp để cùng với những thiên nhiên ở đấy làm vui cho Thái tử, vì ta chắc không ai có thể bằng con trong việc này. Những đình tạ hoa nước trong vườn kia không phải chỉ riêng cho Thái tử, đó là phần thưởng ta tặng cho con đó để chung vui cùng Thái tử.

Chiều ấy song trên mình ngựa Thái tử Thích Ca và Ưu Ðà Di đi trước một đoàn thị vệ áo hầu rực rỡ. Ưu Ðà Di chỉ những màu sắc tươi đẹp ở một bụi cây, trên mặt nước, hay ở một khoảng trời lần lượt hiện ra hai bên đường. Thái tử Thích Ca luôn luôn mỉm cười nhưng trong đôi mắt vẫn phảng phất một mối buồn không dứt được.

Vườn hoa cửa Bắc của vua Tịnh Phạn là một vườn hoa đẹp nhất xứ Ấn Ðộ. Trong vườn có cả các thứ cây quí hoa lạ ở các nơi đem đến. Những giống chim giống thú đỗ ở các miền xa, những đường lối sạch sẽ như mặt bàn trải thảm, những nệm cỏ xanh tươi, những hồ nước trong leo lẻo in bóng, những đình tạ nạm vàng mạn ngọc chói lên ánh sáng rực rỡ.

Vào vườn không thể lấy mắt mà đếm những màu sắc của hoa thú trong ấy. Ðến bên cạnh hồ da thịt mát rượi, hương lên nồng nàn. Người ta tưởng các thứ nước hoa Ấn Ðộ đều là lấy ở đó ra. Nói tóm lại, như chắt lọc ở khu vườn này tất cả cái tinh túy của vũ trụ thần tiên.

Tuy vậy, Thái tử cũng nhìn qua loa cảnh vật rồi tìm một góc cây ngồi nghĩ và bảo người hầu đem Ưu Ðà Di đi dạo các nơi. Mọi người đang dụ dự Thái tử quả quyết:

- Các ngươi hãy vâng lời cho ta vui. Ưu Ðà Di nàng hãy đi dạo chơi vì chỗ này mát mẻ nên tôi ngồi đây một lát, tý nữa tôi sẽ theo.

Thái tử ngồi một mình bên gốc cây suy nghĩ. Bao nhiêu những cảnh xưa lại hiện về trong óc. Những phút sung sướng, những lúc đau buồn, những cảnh hào nhoáng xa hoa, những kẻ tật bệnh đói rét, những thảm trạng của đời người lần lượt diễn ra trong trí của vị Hoàng tử. Ðang lúc ấy, một người đầu không tóc mình khoác một manh áo xấu xí, tay chống gậy đi đến. Nhưng dáng điệu thì uy nghi, đôi mắt thì lóng lánh như có luồng điện. Thái tử thấy trong điệu bộ lạ lùng của người này có vẻ huyền bí, khác hẳn với những người thường ngày đã gặp trong cung. Thái tử hỏi:

- Ông ở đâu lại?

- Tôi ở khu rừng ở xứ này.

- Ông làm gì ở đây?

- Bẩm, tôi làm kẻ tu hành theo tìm học đạo.

- Tu hành là người thế nào?

- Là một kẻ chuyên suy nghĩ đến những lý lẽ của mọi sự, mọi vật, để tìm tòi những phương pháp phá hết các sự phiền muộn đang buộc con người với đời không thiệt, được đó mất đó, để về sau hết kiếp này khỏi chịu kiếp khác.

Nói xong ông thầy dùng phép thần thông bay bỗng lên không lẫn với màu sắc huyền ảo của hoàng hôn.

Thái tử mừng reo lên:

- Hay lắm! Hay lắm! Ta quyết tu thế nào cho được cho như vậy mới nghe.

Ưu Ðà Di và kẻ hầu đã quay về. Tuy dưới ánh nắng hoàng hôn mà ai nấy cũng đều lấy làm lạ rằng Thái tử Thích Ca trở nên vui vẻ.

Ðêm ấy Thái tử tâu với vua cha cho theo tu hành như ông thầy tu kia. Vua giật mình khuyên can.

- Ai gieo vào cho con cái tư tưởng điên rồ ấy? Con không phải là nhà vua trên muôn ngàn dân ở xứ này sao? Bây giờ con lại làm một ông thầy tu cực khổ, rách rưới, thì ta nhục nhã biết bao nhiêu; dòng dõi vua chúa không phải đến đây là hết?

- Thưa cha, công đức của cha mẹ như trời như bể. Con sống ở giữa châu báu ngọc ngà, giữa những sự nưng niu, chiều chuộng, không còn thiếu gì nữa. Tuy vậy bấy lâu nay con vẫn bị những phiền muộn mà không được vui gì, không vàng ngọc gì làm khuây khỏa được. Nay tình cờ con gặp được một vị tu hành nghe có mấy lời của người mà lòng con như cất được gánh nặng từ bấy lâu nay đèn nén. Vậy xin vua cha cho con được xuất gia, đó là một cách yên vui hoàn toàn vậy.

- Ta đã hết sức chiều Thái tử, nhưng đến việc này ta không thể nghe theo. Con là con nhà vua, con sẽ là nhà vua, ta chỉ biết có thế, con đừng xin nài gì nữa.

Từ đấy vua truyền lệnh cho những người hầu canh giữ trong cung rất nghiêm ngặt. Thái tử đi đâu là người theo, tuy vậy nghĩ đến chuyện xuất gia, Thái tử vẫn luôn luôn vui vẻ.

Ðêm nào cũng vậy, ở các cửa thành vẫn có lệnh canh nghiêm nhặt, lại có lính đi tuần tiểu. Thái tử Thích Ca vẫn ngày đêm lo nghĩ về kế xuất gia.

Một đêm Thái tử đợi cho trong cung cấm không còn một tiếng động, nhẹ nhàng nhỏm dậy khoác áo, dắt vào mình một thanh kiếm ngắn. Qua mấy cánh cửa sổ để mở, trời đêm chỉ còn nhấp nhánh sao mờ, Thái tử vươn mình từ trên cửa sổ tầng thứ ba nhảy xuống vườn hoa.

Thỉnh thoảng lính hầu lại vác cung đi qua lại. Thái tử Thích Ca vừa rơi xuống đất, thì nhún mình nhảy vào một nhóm lài để tránh những quân lính canh. Vừa lúc ấy một bóng đen ở bên cũng nhảy xổ theo. Thái tử Thích Ca nhanh nhẹn khóa hai tay người ấy.

- Bẩm Thái tử, tôi đây ạ.

Nghe giọng nói Thái tử Thích Ca nhận được tiếng của Xa Nặc, người hầu trung thành của mình.

- Ngươi làm ta giật mình tưởng quân gác, thế đã xong chưa?

- Bẩm lũ kia uống rượu tẩm thuốc mê ngủ lăn ra cả. Tôi định vào đây để mời Thái tử đi ngay. Tôi nhắm cái cửa sổ Ngài vừa nhảy qua, nhưng quân canh lúc ấy chưa đi khuất.

- Thôi chúng ta nhanh chân chứ, ngựa đâu?

- Bẩm dưới cây dừa nước đằng kia.

Hai người len qua các nhóm cây rồi lên ngựa. Trong đêm chân con ngựa của Hoàng tử sáng lên như bốn ngọn đèn xanh. Tuy vậy lính canh không ai biết cả. Anh nào cũng đang đánh một giấc ngủ ngon. Không mấy chốc hai con ngựa đã nện móng trên con đường vắng vẻ ngoài thành Ca Tỳ La Vệ. Phố xá lâu đài im lặng đang êm giấc trong đêm khuya, dưới trăng sao mờ mờ, dần dần bị bỏ lại biến xa trong đêm mù, rồi tan mất, Thái tử vừa đến một khu rừng rậm:

- Xa Nặc trung thành ơi, thôi anh hãy về, mang con ngựa về tặng Ưu Ðà Di vì ta không muốn một ai theo ta vào trong rừng rú.

Xa Nặc toan kêu nài, Thái tử bèn ra hiệu nên vâng lời về ngay.

Xa Nặc buồn rầu dẫn con ngựa về. Lúc quay lại bóng Thái tử vừa khuất trong rừng rậm.

Trời vừa tảng sáng, Ưu Ðà Di nghe có tiếng gọi nho nhỏ nhưng cấp bách ngoài cửa. Ưu Ðà Di vừa mở cửa. Xa Nặc đã hớt hải thưa:

- Bẩm cô nương, Hoàng tử tặng cô con ngựa quý, tôi đã buộc nó ở bên ngoài, thôi xin chào cô nương tôi đi chịu tội đây.

Ưu Ðà Di sửng sốt níu áo Xa Nặc hỏi chuyện đầu đuôi. Xa Nặc đem câu chuyện thuật lại, Ưu Ðà Di khóc sướt mướt, Xa Nặc an ủi:

- Thưa cô đây là ý muốn của Thái tử, lẽ nào cô nương không muốn Thái tử vui hay sao?

Tuy vậy nàng vẫn không thể đè nén lòng mình, bỏ mặc Xa Nặc ngồi đấy, ra ngoài lấy ngựa của Xa Nặc phóng như bay ra ngoài hoàng thành trước những lũ quân ngơ ngác. Xa Nặc ngồi lại một mình lắc đầu buồn bã. Ngoài sân chim rũ lông đầy cả lối đi.

Ba ngày lưu lạc trong rừng rậm, người nhọc bụng đói mà vẫn không tìm được Thái tử. Ưu Ðà Di đã ngã gục bên ngựa, một tối thứ ba, đến lúc mở mắt dậy nàng thấy trong mình nhẹ nhõm khác thường. Một người mình trần trùi trụi không râu không tóc, nhưng với những đường nhăn trên mặt trên mình có vẻ đã nhiều tuổi lắm. Ưu Ðà Di bủn rủn cả người, nàng liếc thấy con ngựa của mình đang đứng bên một gốc cây định chạy lại lấy ngựa để trốn. Người kia gọi giật lại:

- Nàng Ưu Ðà Di.

Nghe gọi đúng tên mình, nàng quay lại kinh ngạc nhưng cũng cố can đảm xem thử người nào lại biết mình.

- Cô không nhớ tôi sao?

- Thưa cụ tôi không được rõ.

- Nàng không nhớ nàng đã cho tôi cơm ở nhà nàng hay sao? Nàng chóng quên thế?

Tưởng rằng ma quỷ hiện lên ám ảnh mình vì nàng không nhớ người ấy là ai. Tuy vậy nàng vẫn giữ lễ phép trả lời.

- Phải, tôi biết cô đang bận tìm Thái tử phải không?

Nghe người đoán đúng ý nghĩ mình, nàng vội kên lên:

- Cụ ơi, Hoàng tử ở đâu cụ bảo giùm tôi. Thái tử đi lốIinào hở cụ?

- Thái tử đã đi xa rồi cô ạ. Cô hãy ngồi yên đây rồi tôi sẽ giúp cô.

Ưu Ðà Di vâng lời nghe theo.

- Không giấu gì cô, tôi là một kẻ tu hành lâu năm ở chốn rừng này học được ít phép mầu nhiệm, đã đoán biết những việc đã qua và sắp xảy đến. Ðêm qua nhìn một ngôi sao tôi biết rằng Thái tử sẽ xuất gia, tôi rất vui mừng, vì thế nào Hoàng tử sau này cũng sẽ là một vị đại cứu thế.

- Thưa cụ, thế tôi có gặp được Hoàng tử không?

- Nàng hãy yên tâm, Hoàng tử đã vào rừng sâu khó lòng mà gặp được, nhưng nàng hãy vui đi, vì thế nào Ngài cũng thành Phật mà tế độ chúng sanh.

- Phật là thế nào? Bẩm cụ có uy quyền, có sung sướng hơn Hoàng tử không?

- Chính chúng tôi cũng cố tu để một ngày kia được thấy ánh sáng của Phật đây. Phật là đức đại từ đại bi thông thuộc hết những lý lẽ cao siêu, những nguyên nhân huyền bí để chỉ vẽ chúng ta tránh xa con đường tội lỗi khổ sở, các ông hoàng làm sao sánh kịp.

- Thế liệu Hoàng tử có thành Phật được không? Ngài có về với chúng ta không?

- Thế nào Ngài cũng thành Phật, một đức Phật xưa nay chưa từng có ở thế giới này. Thôi tôi chỉ nói chừng ấy cho cô vui, cô nên nghe tôi về ngay nhà vì chính là lúc cô nên về theo sự suy đoán của tôi, cô hãy cưỡi ngựa chạy về nhà đi, tôi sẽ đưa cô ra khỏi rừng này, đây mấy viên thuốc cô hãy cầm lấy để cứu người. Bây giờ cô hãy ngậm một viên đi. Vừa ngậm xong tức thì nàng thấy trong người vui tươi tự kiếm được lời để tự an ủi mình:

- Hoàng tử rồi sẽ thành Phật, người sẽ về với chúng ta.

Ðến cổng nhà, nghe có tiếng khóc mới chạy vào thì thấy mẹ và em đang ngồi bên giường của cha. Ông cụ đang thoi thóp trên giường bệnh. Nàng cầm một viên thuốc bỏ vào miệng cha, tức thì ông cụ mở mắt chống tay ngồi dậy tỉnh táo như thường, nàng bèn lấy hai viên thuốc khác đưa cho mẹ và em tức thì ai nấy đều trở nên vui vẻ.

Bà mẹ ôm lấy em vào lòng:

- Tôi lại gặp được con tôi vui tươi hơn trước, thật là phước quá. Nhưng làm sao con lại về được đây?

Ưu Ðà Di đem mọi chuyện kể lại cho cha mẹ nghe.

Hai cụ đều tỏ vẻ sung sướng. Vừa lúc ấy, những cây cỏ ngoài vườn cũng đều reo lên, cây khế nói:

- Nàng đã về, nàng sẽ vui vẻ ca hát với chúng ta, ở bên gốc của ta.

Cây huệ:

- Ðêm nay tôi sẽ nở hoa trắng mướt cho nàng vuốt ve.

Cây hồng:

- Tôi sẽ bíu lấy tóc nàng, nàng ơi!

Con ngỗng:

- Nàng sẽ chìa tay xinh đẹp của nàng cho tôi mổ lúa.

Mặt hồ:

- Chiều chiều, nàng lại ra đây rửa chân, tôi lại được ôm bóng nàng.

Chim bồ câu và chim chích:

- Nàng lại cùng chúng ta hát đây.

Con chó:

- Nàng ve vuốt tôi đi, ve vuốt tôi đi.

Con chim từ ngày nàng rời cung điện vẫn bay theo nàng:

- Tôi sẽ luôn luôn đậu trên cây đàn của nàng.

Ưu Ðà Di tưởng những ngày mình sống trong cung điện bên cạnh vị Hoàng tử chỉ là một giấc mộng xinh đẹp để điểm trang cho đời sống của mình, từ đây nàng mới thật sống vui vẻ bên cạnh những cảnh vật lúc nào cũng âu yếm mình.

Thuật giả: Trực Hiền

Tại Sao Phải Niệm Phật?

Thành Thất La Phiệt có một ông hoàng tánh rất hung bạo. Thêm vào đó, quyền thế và địa vị của ông có thể giúp ông thủ tiêu tội án trước pháp luật. Chưa một lời phải, một đạo giáo nào cảm hóa được ông. Một hôm ông gặp Phật khi Phật du hóa xứ này. Mới thấy, lòng ông bỗng cảm phục như voi dữ trước quản tượng. Ngài có dạy ông vài lời sơ lược: “Hãy tưởng niệm Phật Ðà, hãy từ bi thương người, sốt sắng cứu người”. Ông cung kính vâng lời. Nhưng khi về đến nhà, vừa thấy người hành khất, ông liền đùng đùng nổi giận. Lời vàng của Phật không còn trong lòng của ông nữa, khi ông toan đánh đuổi người. Bỗng sực nhớ lại hình dáng từ nghiêm của Phật, ông liền dịu lại, nhưng không bố thí chút gì. Tối hôm đó vợ ông lấy làm lạ, gạn hỏi đầu đuôi. Ông bèn tuần tự thuật lại. Nhờ thuật lại, ông nhớ lại rõ ràng hình dung Ðức Phật và lời Ngài dạy. Ðêm hôm ấy ông suy nghĩ mung lung. Ông nghĩ:

“Nhớ Phật, phải nhớ đến người nghèo khổ, tưởng Phật phải tưởng đến người nghèo khổ”. Rồi trời mới sáng ông liền đi tìm Phật. Giữa đường gặp một người hành khất ốm liệt bên vệ đường, ông suy nghĩ, ông đến ân cần hỏi han và dốc hết tiền túi ra cho. Người ấy e sợ, cám ơn rối rít. Nhưng ông chỉ bảo: “Vì tưởng nhớ Phật, nên tôi giúp anh. Anh nhận tiền này khiến tôi được phước, thế là tôi chịu ơn anh, chớ nào anh có mang ơn gì với tôi”. Người hành khất nghe thế, lấy làm lạ, vì không lạ gì tánh nết của ông và uy danh của Ðức Phật nữa. Bỗng nhiên người ấy cất tiếng niệm: “NAM MÔ PHẬT ÐÀ” (kính lễ đấng Giác Ngộ). Ông hoàng cũng bất giác niệm theo và đi mau tìm Phật. Khi gặp được Phật ông thuật lại rõ đầu đuôi mọi việc. Nghe xong, Ðức Phật mỉm cười hiền từ bảo: “Phải! Niệm Phật, ông hãy tưởng niệm người nghèo khổ. Tưởng niệm người nghèo khổ là tưởng chư Phật đó”.

Trích báo: Viên Âm

Thân làm việc ích lợi

Miệng nói điều phải

Ý nghĩ những sự tốt đẹp

Như thế là niệm Phật

Tình Ân Ái Là Gốc Của Sự Sanh Tử

Bóng hồng vừa gác núi. Chim chóc từng đàn lũ lượt bay về tổ, kêu la rộn rịp. Trên con đường mòn khúc khuỷu, các bác tiều phu vội vã cất gánh củi lên vai trở về làng mạc. Tiếng náo động vắng dần. Quang cảnh rừng rú mỗi lúc càng tĩnh mịch.

Thỉnh thoảng một vài tiếng chuông chùa ngân nga từ xa vọng lại, dường như để thúc hối những người còn chậm bước chưa ra khỏi cảnh hoang liêu ghê rợn của núi rừng. Một vài tiếng hú kêu vang và sâu tận trong hốc núi càng làm cho những kẻ lạc loài khiếp đảm. Các loài thú dữ đã bắt đầu cuộc săn mồi thường bữa, chốc chốc điểm lên những tiếng rống ghê người của chúa tể sơn lâm.

Từ trong thảo am bên mé nói, một vị Thiền sư lưng mang dây bố, tay chống gậy tre, lần bước trên con đường mòn, tiến dần về phía xóm nhà cạnh mé rừng. Trời vừa sắp tối, vị Thiền sư đến nơi và đi ngay vào cổng, tìm lại nhà hai vợ chồng vị cư sĩ đã thọ giáo với Ngài. Sau những lời chào hỏi, hai vợ chồng vị cư sĩ trải chiếu hoa mời Ngài an toạ. Trà nước xong, Thiền sư liền bảo: “Từ Ngày hai ông bà đã thọ giáo theo Phật đến giờ, tôi thường tới lui để thúc nhắc. Ðộ này việc tu niệm của ông bà được khá lắm, thật tôi rất lấy làm vui mừng. Song sự đời có hiệp phải có tan, hôm nay tôi đến đây để thăm và cũng để tỏ lòng từ giả hai ông bà. Ngày mai này tôi sẽ lên đường đặng đi giáo hoá một nơi khác. Có lẽ cách nhau lâu, vì vậy tôi không dám hẹn ngày tái ngộ. Trước khi lên đường, tôi xin dặn lại ít lời rất thiết, có thể là châm ngôn tu tập hằng ngày. Hai ông bà phải cố gắng niệm Phật đừng để lãng quên, nếu chẳng may có gặp việc gì xảy ra chênh mếch trong gia đình, ngoài xã hội, nên kiên nhẫn bỏ qua, tự an ủi lấy lòng. Giả như một trong hai người lâm bịnh nặng sắp đến giờ hấp hối, người mạnh cần nhất phải cho tĩnh tâm, sửa sang Phật tượng, hộ niệm cho nhau đến phút cuối cùng; đừng nên than khóc, van kêu, làm cho người chết phải bối rối, loạn niệm, khó được vãng sanh. Ðây là một việc khó, mà nhiều người tu hành đã vấp phải. Nên tôi căn dặn hai ông bà hãy ghi nhớ. Ðược vậy, dù tôi ở cách xa, vẫn yên hóa đạo”.

Dặn dò, chỉ bảo đâu đó xong xuôi, rạng ngày vị Thiền sư lên đường…

Ngày tháng qua mau, phút chốc đã được hai thu, nhờ y theo lời dạy của vị Thiền sư mà thời gian qua, hai vợ chồng vị cư sĩ ăn ở với nhau rất thuận hòa, hằng ngày làm phước, bố thí tụng kinh niệm Phật chuyên cần, lối xóm nhiều người cảm mến.

Một hôm người chồng bị chứng thương hàn đau nặng. Người vợ chạy thuốc tìm thầy đã hết hơi mà bịnh đâu vẫn còn nguyên đấy. Cuối cùng, có một vị danh y đại tài đã được mời đến do công lao của người anh họ chẳng ngại xa xôi rước về. Sau khi bắt mạch xong, vị danh y bảo: “Bệnh này không qua khỏi ngày nay, vì mạch đã hết. Vậy bà đừng nên chạy chữa làm gì nữa cho tốn công hao của, hãy lo liệu những vật dưỡng già mà thôi”.

Người vợ lúc bấy giờ đã tuyệt vọng, tâm thần bà rối loạn, quên hẳn lời dặn bảo của vị Thiền sư, người chồng cứ nằm mê man mãi. Trong tình cảnh này, vì thương chồng, vì tủi phận, người vợ chỉ có nước gục mặt bên chồng khóc kể liên miên. Mãi đến khi người chồng mở đôi mắt thất thần nhìn vợ lần cuối cùng, mà người vợ còn ghé mặt sát mặt chồng nức nở van kêu: “Mình ơi! Mình nỡ nào chết đi để một mình tôi ở lại sống cô độc lẻ loi; hồi nào khổ sở có nhau, vui buồn cùng chịu, ngày nay mình bỏ tôi mình đi một mình! Mình ơi!”.

Tội nghiệp người chồng vì nghe lời lẽ quá bi ai của vợ, cảm tình ân ái bất giác nổi lên, nhìn vợ mà hai hàng lệ thắm tuôn ra, nghẹn thở… rồi… trút linh hồn.

Thần thức ông xuất ra nơi mắt. Người vợ vì gục mặt vào mặt chồng mà khóc, nên thần thức chui ngay vào lỗ mũi vợ, hóa thành một con sâu.

Chồng mất rồi, vợ lo tròn bổn phận, chôn cất xong xuôi, đám ma cũng khá lớn, những ơn nghĩa lối xóm cũng lo tròn.

Ðến khi bà con ai về nhà nấy, bấy giờ bốn bề lặng ngắt, người vợ vì thương chồng bạc phận xét nỗi cô đơn hiu quạnh, lại thêm lỗ mũi mỗi ngày một lớn và đau nhức vô cùng. Nàng cứ ngày đêm kêu gào than khóc, làm cho những kẻ ở gần, ai cũng phải động lòng thương xót kẻ xấu duyên bạc phận.

Một hôm, vị Thiền sư trở lại và ghé thăm. Nàng vừa thấy bóng Ngài đã hối hả chạy ra khóc than, kể lể…

Vị Thiền sư ôn tồn bảo: “Bà hãy nín, sống chết là lẽ thường, hễ có sanh là có tử. Người tu hành khi bỏ được thân khổ này như quẳng được cái gánh nặng, bà nên mừng giùm chớ sao lại khóc? Bà còn than khóc thế là bà chưa hiểu đạo. Xin khuyên bà hãy nghe tôi, có thương nhớ nên để lòng, lo tu hành cho khuây lãng, nếu còn nặng lòng ái ân thì kiếp sau lại gặp nhau nữa, vay trả, trả vay thành một chuỗi oan gia vô cùng tận”.

Sau khi nghe vị Thiền sư khuyên bảo, như giải được sự đau buồn, nàng liền sửa lại mái tóc, rồi tình cờ khịt mũi mạnh văng ra một con sâu khá lớn.

Thiền sư cả cười bảo: “Ở đời ít ai có nghĩa hơn bà, ai đời thương chồng mà khóc đến có sâu trong lỗ mũi”.

Nàng thẹn quá, toan lấy chân dậm chết con sâu. Vị Thiền sư vội vàng khoát tay bảo: “Ðừng, bà đừng nên làm thế, vì con sâu ấy là chồng bà vậy”. Nàng lạ lùng hỏi:

“Bạch thầy: Chồng tôi suốt đời niệm Phật, làm phước, tại sao chết lại sanh vào loài sâu bọ như thế?”. Thiền sư bảo: “Bà đã quên lời tôi dặn, khi chồng bà chết và không lo tụng kinh niệm Phật và khuyên bảo chồng bà khởi chánh niệm, bà lại còn đem tình ân ái kể lể khóc than, nên chồng bà khi sắp mất, bị lòng thương vợ, nặng tình ân ái mà lãng quên chánh niệm. Vì vậy nên thần thức luyến ái không thể vượt lên cao, mà phải chui vào mũi bà thành sâu bọ. Than ôi! Uổng một kẻ tu hành, đã mong thoát kiếp luân hồi lại còn bị ái ân cột chặt. Thật có khác nào con cò muốn cất cánh bay cao để thoát ngoài dò, bẫy; nhưng khốn nỗi nó có bị sợi dây vô tình cột chặt vào chân. Thế có tội nghiệp không?”

Thiền sư lại đến gần con sâu khẽ bảo: “Ngươi trước cũng nghe lời ta chăm chỉ tu hành lẽ ra thời đã được công đức lành mà sanh thiên hay vãng sanh Cực Lạc, song vì tình ân ái của vợ chồng ngươi có còn sâu thẳm ngàn trùng, thành ra khi trút hơi cuối cùng mà còn gây nghiệp chướng nặng nề phải thành loài sâu bọ, thật đáng thương thay!”.

Con sâu nằm im từ này giờ, dường như nó cũng tự biết hổ thẹn ăn năn. Thiền sư chú nguyện cho và nhờ công đức lành đã tạo từ trước, nên con sâu quằn quại một lúc rồi chết, thần thức lại sanh vào cõi người. Người vợ đã tự hối và phát nguyện tu hành, niệm Phật, trì chí không thối lui, kết quả bà được vãng sanh.

Người ta cũng không phải chỉ có một đời sống ngắn ngủi mở đầu trên cái nôi và chấm hết trên cái mồ. Lọt lòng và nhắm mắt chỉ là bình minh và đêm tối của một thời gian lặng lẽ trôi, không bao giờ tạm ngừng, không có đầu, không có đuôi.





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/01/2013(Xem: 11107)
Cận cảnh tượng cụ Nguyễn Du bằng gỗ gù hương khủng ở Việt Nam
01/01/2013(Xem: 5696)
Ngày tôi còn học Y Khoa, ở khu Sản khoa thời đó ở miền Nam Việt Nam chỉ cho phép làm “abortion therapeutique”, với chữ ký cuả 3 vị Thầy đồng ý phải bỏ thai nhi để cứu mạng sản phụ. Và đây là chuyện rắc rối mà tôi đã gặp phải sau 1975 Anh chị M., đối với tôi là một cặp vợ chồng có tư cách rất đáng qúy, tôi luôn xem hai người như anh chị ruột của mình. Anh M., một Phật tử thuần thành, lớn hơn tôi 10 tuổi, tốt nghiệp đại học bên Pháp, là một người sống nhiệt thành vì lý tưởng, lập gia đình trễ, từng giữ chức vụ khá lớn thời Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1980, khi mới ở tù cộng sản ra, tôi là người đưa chị M. đến nhà thương sanh con gái đầu lòng – cháu Phương Thanh (tên đã được thay đổi, không phải tên thật)
28/11/2012(Xem: 7095)
Nam Tuyền chém mèo (Nam Tuyền trảm miêu)[1]. 南泉斬猫 Bản tắc: Hòa thượng Nam Tuyền[2] nhân việc các học tăng ở đông đường và tây đường cứ tranh cãi nhau vì một con mèo, mới nắm ngay nó tại chỗ và giơ lên, nói: -Nếu có ai trong các ngươi nói được một câu nào, ta sẽ tha mạng con mèo. Bằng không, ta sẽ chém nó cho coi. Chư tăng không ai đáp lại được. Rốt cục, không còn cách nào, Nam Tuyền chém con mèo. Tôi hôm đó, đại đệ tử của ông là Triệu Châu ở ngoài về. Nam Tuyền đem chuyện vừa xãy ra kể lại. Lúc đó, Triệu Châu mới tháo đôi dép cỏ mang dưới chân đội lên đầu và ra khỏi phòng. Nam Tuyền thấy thế mới bảo: -Nếu ngươi lúc đó có mặt thì nhất định con mèo không đến nổi chết.
23/11/2012(Xem: 3394)
Tôi đang loay hoay quét mạng nhện trên trần nhà, chuẩn bị một cuộc tổng vệ sinh nhà cửa để đón cái Tết cổ truyền, chào mừng năm mới theo lệnh của cha. Út Huy đi học về lúc ấy, mặt chằm quằm một đống, liệng chiếc cặp lên chiếc ghế salon... rồi ngồi phịch xuống kế bên, thở dài nghe não ruột. Tôi ngưng tay chổi ngó nó từ đầu tới chân. Nó lấm la lấm lét nhìn tôi, lúng búng: “Anh Ba... anh Ba...” Đưa mắt nhìn nghi ngại, tôi bắt gặp ngay chuyện không vui. Hơi lo, tôi làm bộ hỏi: "Thì tao là anh Ba đây, có gì là lạ đâu? Mày sao vậy? Sao mà... như bị mất hồn vậy?” Chừng như thằng nhóc chỉ chờ tôi hỏi vậy, nói ngay: “Lão thầy đánh em, anh Ba à!” Tay nó xoa lấy mông, nước mắt lưng tròng.
09/11/2012(Xem: 6185)
Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng. Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không.
01/11/2012(Xem: 14687)
Tu sĩ vẫn không quay lại, đôi bàn tay với những ngón tay kỳ diệu bật lên dây đàn, mắt nhìn ra khung cửa tối - biển âm thanh xao động rồi ngưng lắng một lúc...
01/11/2012(Xem: 13937)
Khi Phật đã thành đạo và thành lập giáo đoàn với năm vị đệ tử tì kheo đầu tiên tại vườn Nai, mọi người dân Ấn vẫn chưa biết gì về Phật. Đến lúc giáo đoàn đông dần, và các vị đệ tử đầu tiên đã có đầy đủ khả năng và đạo hạnh để tự mình đi hành hóa các nơi, thì người ta mới bắt đầu nghe nói đến “Phật"! Cho đến gần một năm sau, khi Phật thu phục được ba anh em Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, tiếp đến là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, và sau đó không lâu là Đại Ca Diếp, thì tiếng tăm của Phật mới thực sự vang khắp bốn phương, trong triều ngoài nội ai ai cũng biết!
17/10/2012(Xem: 17450)
Đa Văn từ lâu được nổi tiếng là nghe nhiều, nhớ giỏi. Hôm kia, chẳng biết suy nghĩ được điều gì mà chú hăm hở chạy vào gặp nhà sư, lễ phép và khách sáo nói...
10/10/2012(Xem: 11234)
Không hiểu tại sao người ta gọi con vật ấy là chó. Cái tên này không gây nên một ấn tượng đẹp theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhất là đối với tôi, một người không mấy ưa loài động vật này. Lý do, có lẻ từ một kỷ niệm thuở mới lớn.
21/09/2012(Xem: 4285)
Vừa rẽ vào đường hẻm nhỏ, chỉ một đoạn ngắn, chiếc xe Honda ngừng lại, tắt máy. - Đây rồi. Lữ khách ngồi sau xe bước xuống, lập lại lời người lái xe: - Đây rồi! Có phải đây là nơi chốn đã đến, đã biết đâu, mà sao xác nhận như đã từng!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]