Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cánh chim lạc đàn

11/09/201307:40(Xem: 7741)
Cánh chim lạc đàn

Tran_Thi_Nhat_Hung_2
Cánh chim lạc đàn

Trần Thị Nhật Hưng



Thiên địa phong trần

Hồng nhan đa truân

(Chinh Phụ Ngâm)

Khi bước xuống thuyền vượt biên ai cũng mang đầy hy vọng, mơ ước... Có kẻ mơ ước một tương lai xán lạn ở chân trời mới, có người chỉ mong những giấc mộng bình thường: Ngày hai bữa đủ no, tự do yên ổn...

Nhưng trên đời, không phải giấc mơ nào cũng dễ thành, mà còn tùy thuộc vào số phận. Người tài giỏi thành công là chuyện hiển nhiên. Cũng như người kém cỏi chuốc thất bại là điều bình thường. Tuy vậy, cũng không thiếu kẻ có tài đức mà cuộc đời vẫn lận đận long đong như thường, như cụ Nguyễn Du đã nói: "Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau!". Ngược lại kẻ khờ khạo gặp may "hay không bằng hên" hoặc "thánh nhân đãi kẻ khù khờ" vẫn thành công nhan nhản trong cuộc sống. Tựu trung tất cả quy vào trời, vào duyên phúc số phận:

"Ngẫm thay trăm sự tại trời

Trời kia sao bắt làm người có thân,

Bắt phong trần, phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao".

(Kiều)

Cho nên những mơ ước qua đó mà thành tựu hoặc mãi mãi vẫn là ước mơ...

Tôi định cư tại Thụy Sĩ nhờ Hương, em gái ruột tôi sẵn ở đó. Hương đến trước tôi một năm, diện tỵ nạn. Còn tôi, đúng ra với tư cách vợ quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, chồng đang cải tạo, tôi được đi Mỹ dễ dàng, diện ba sau diện con lai và nhân viên trực tiếp làm việc với Mỹ. Điều đó ai cũng cho là may mắn (sự may mắn phải trả một giá rất đắt "nhờ" chồng ở tù), nhưng tôi lại khước từ, nêu nguyện vọng với Cao Ủy muốn định cư Thụy Sĩ, vì nơi đó có Hương. Hai chị em ruột bơ vơ xứ người, ai cũng trơ trọi không tìm đến nhau thì tìm đến ai?

Ngày rời đảo, chuyến bay của tôi vỏn vẹn sáu người: Tôi, một thanh niên, một cặp vợ chồng với hai con nhỏ. Những chuyến bay đi Úc, Canada, Mỹ... chở đầy ắp người Việt. Còn chuyến bay của tôi lẻ tẻ, lẻ loi như những con chim lạc đàn, nhưng không phải lạc đàn trong cơn bão tố, mà phải nói rẽ đàn đúng hơn, bay đi hướng khác, mong khám phá điều mới lạ nơi chân trời mới!

Từ nhỏ, tôi đã học qua những điểm chính yếu về Thụy Sĩ: Đời sống êm ả thanh bình thịnh trị, phong cảnh thiên nhiên đẹp, hữu tình và đặc biệt nổi tiếng khắp thế giới về đồng hồ với các hiệu Rolex, Longine, Omega... Giờ tìm hiểu kỹ càng hơn, tôi hơi thất vọng vì Thụy Sĩ quá nhỏ, diện tích chỉ 42.300 cây số vuông, nhiều đồi núi, dân cư thưa thớt (hơn bảy triệu dân), khí hậu lạnh hầu như quanh năm, nói bốn thứ tiếng: Đức, Pháp, Ý và cổ ngữ Latin.

Đặt chân đến, tôi càng nản hơn. Thành phố vắng hoe, cứ y như thành phố chết hoặc trong tình trạng giới nghiêm như ở nước ta trong thời chiến tranh vậy. Đúng sáu giờ rưỡi tối, các cửa tiệm đóng cửa (ngoại trừ một vài tiệm ăn). Ban ngày đã thưa người, tối càng vắng vẻ hơn.

Nhưng lỡ đến phải đến. Dù gì đời sống ở đây chắc chắn vẫn hơn trại tỵ nạn Bidong Malaysia. Đương nhiên, còn hơn xa Việt Nam trong chế độ Cộng Sản, ngục tù đã đày đọa linh hồn thể xác tôi trong suốt sáu năm trời qua. Hơn nữa, tới Thụy Sĩ, trước mắt đang mở ra một cuộc đời mới với những nô nức và ước mơ còn đầy ắp trong lòng nên tôi vẫn vui, chấp nhận những gì mình hiện có. Tôi hăng hái từng bước vào đời.

Ngạn ngữ Tây Phương có câu: "Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn", nhưng ở đây, theo tôi, "ngôn ngữ mới chính thực là cửa ngõ của linh hồn", là chìa khóa mở tất cả cửa thành công, dù nhiều hay ít. Nghĩ vậy, chưa đặt chân đến, từ trại tỵ nạn tôi đã cố gắng tìm lớp học sinh ngữ.

Tiếng Đức rất khó. Nhất là văn phạm. Nhưng kỳ lạ, văn phạm dù với sinh ngữ nào, khi học, tôi không gặp khó khăn mà luôn có vấn đề đàm thoại: Nghe và nói. Thi viết, tôi thường nhất lớp. Thi nói, tôi lại chót lớp. Nghĩ có buồn không?

Biết nhược điểm của mình, tôi càng nỗ lực hơn. Ban ngày học tại trường chưa đủ, tối về lại "tranh thủ" học thêm. Tôi đọc tất cả bài vào băng cassette để đêm đêm đặt máy trên đầu giường "ru" tôi vào giấc ngủ!

Vài tháng đầu tiên tại Thụy Sĩ, dù thiện chí, tiếng Đức tôi vẫn chầm chậm theo chân... rùa! Lớp học chỉ tám người, chắp vá từ đủ thành phần trình độ tuổi tác khác nhau. Một "cụ" năm mươi vốn thích nhâm nhi rượu đế hơn ngồi trong lớp học, một bà nội trợ quen cầm dao thớt hơn sách vở, một cậu sinh viên, một thanh niên hai mươi tuổi, một cô gái tới lớp chỉ để biểu diễn thời trang v.v... và v.v... (Năm người cùng chuyến bay của tôi đều về vùng nói tiếng Pháp). Với lớp học như vậy, thật khó cho học viên. Càng khó hơn đối với thầy dạy. Đã vậy, vị thầy trẻ (độ 24 tuổi) còn tính ham chơi thiếu trách nhiệm. Gần như ông vắng mặt luôn để đám học trò tới lớp ngơ ngác, trông chờ ông như đàn gà con thiếu mẹ.

Một lần, thắc mắc mãi chịu không được, cả lớp bàn nhau kéo đến thông báo với văn phòng Caritas, nơi trách nhiệm đối với người tỵ nạn. Rồi sau đó tiện đường tìm đến nhà thầy để... hỏi thăm sức khỏe!

Thật không ngờ ngoài sức tưởng tượng, thầy chúng tôi chỉ vướng nặng bệnh... lười, nằm liệt giường, liệt chiếu (với một cô bạn gái!). Thấy chúng tôi đến bất ngờ, ông không khỏi ngạc nhiên, hơi bẽn lẽn một chút, vội thay áo quần, rồi xởi lởi mời cả lớp vào nhà. Cô bạn gái ông cũng ra về liền ngay đó. Còn ông, để khỏa lấp sự thiếu trách nhiệm của mình, ông ân cần... hối lộ cả lớp không biết bao nhiêu kẹo, bánh, sô-cô-la và bữa cơm chiều tại nhà do chị nội trợ của lớp đứng bếp.

Sau buổi đó, ông chuyên cần đến lớp không vắng mặt buổi nào. Nhưng vẻ chán nản, uể oải rất rõ nét nơi ông. Thỉnh thoảng, ông đưa cả lớp đi dạo. Lúc thì quanh phố, lúc vào công viên, khi đi xem sở thú... Ông viện lý do: Đi như vậy cũng là cách "học thực tế" đời sống bên ngoài. Một lần ông nói nhỏ với tôi, nhận thấy tôi tha thiết cầu tiến, dù mưa gió, bệnh hoạn tôi không nghỉ buổi học nào, ông đề nghị mời riêng tôi về nhà để ông kèm cho học. Lẽ đương nhiên tôi từ chối. Không hẳn tôi ngại dư luận, lời dị nghị đàm tiếu của cả lớp vì xé lẻ đi đêm không đẹp tí nào, còn bất tiện khi tôi một mình đến nhà ông (cũng ở một mình), dù rằng tôi hơn ông những sáu tuổi! Hơn nữa, lần trước cả lớp đến nhà ông, chúng tôi còn khám phá thêm một điều "bí mật" về ông, đến nay "bật mí" tôi không khỏi bật cười! Trong phòng khách, ông treo rất nhiều hình, đa số là những tấm hình ông chụp khi đi nghỉ hè và những sinh hoạt thường nhật. Nhưng trong khung hình bọc kiếng lớn cả thước, chi chít đầy ảnh cỡ 9 x 13 cm, đặc biệt có một tấm, tình cờ cả lớp nhìn thấy rồi cứ bụm miệng cười. Vừa khi đó, ông trờ tới, đoán học trò đang "chiêm ngưỡng" tấm hình ông trở về thời... đồ đá, ăn lông ở lỗ, ngồi xếp bằng trên bãi cát, hai lòng bàn chân châu vào nhau, tư thế giống đứa bé tám tháng tập ngồi. Thay vì... mắc cỡ lờ đi, ông thản nhiên đứng lại chỉ ngay vào tấm đó, khoe: "Tôi đó, tôi đó. Chụp trong ngày hội... cởi truồng"!

Đời sống ông "cởi mở, thoải mái" như vậy, thật lạ lẫm với tôi, nên nếu một mình đến nhà ông, tôi không khỏi hoang mang lo sợ: Sẵn "kèm" học, ông thản nhiên (như trai gái ôm nhau, hôn hít ngoài đường) rồi "kẹp" luôn tôi thì liệu làm sao?!

Ba tháng sau, ông... "mất dạy". Lớp học cũng tan rã, tản mát mỗi người một phương. Từ đó không hề gặp nhau nữa.

Riêng tôi, rút kinh nghiệm từ lớp trước, tôi thăm dò xin bảo trợ theo học một khóa khác. Lớp mới thuộc tư nhân, mang tên "Trường Thông Dịch", dạy cấp tốc mỗi buổi chiều hơn hai tiếng với ba trình độ: một, hai, ba. Mỗi khóa sáu tháng. Ngay lớp một, hầu hết học viên đều đã biết nói ít nhiều. Họ đến chú ý để lấy căn bản văn phạm và cách viết.

Lớp mới gồm 18 học viên, đầy đủ mọi sắc dân: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Nam Tư, Tàu... và riêng tôi duy nhất Việt Nam.

Trường Thông Dịch, giáo viên chuyên nghiệp, giáo trình quy mô đầy đủ nên học phí rất cao. Vì là tỵ nạn, tôi được đài thọ từ chính phủ qua hội từ thiện Caritas.

Nhưng cùng lúc tôi nhập vô lớp một, bảo trợ cũng xin cho tôi đi làm. Công việc của tôi tại cửa tiệm bán bánh mì, bánh ngọt ban đầu thật đơn giản. Hàng ngày bảy giờ rưỡi sáng, tôi có mặt để xẻ những ổ Bürli (bánh mì tròn) trét bơ, đặt vài lát dưa leo chua, Salami (một loại thịt nguội giống lạp xưỡng Việt Nam) hoặc Jambon, rồi bọc từng ổ bằng lớp ni-lon đem bày ngoài tủ bán. Xong việc, tôi phụ lò bánh gọt táo, xẻ đào, mận... để thợ làm bánh ngọt. Rảnh rỗi, bà chủ nhờ đi chợ, rửa rau, hoặc thỉnh thoảng giao bánh cho các ngân hàng. Đại để công việc linh tinh, vặt vãnh... nôm na "đứng chờ người sai vặt".

Việc học tiếng Đức của tôi bấy giờ cũng khả quan hơn. Nếu lớp trước tôi ví chậm như rùa, thì lớp sau nhanh như thỏ. Dù bài vở nhiều, giáo trình nhanh, nhưng sau khi đi làm về, tôi vẫn cố gắng "chạy" sát chân thỏ. Không bỏ sót một bài, một chữ nào. Cuối khóa, làm bài thi trắc nghiệm khả năng, tôi nhất lớp. Tôi rất vui, không chỉ vì kết quả học tập của mình, mà còn vui vì không làm hổ thẹn danh dự người Việt tỵ nạn. Nhưng niềm vui ấy thoáng nhanh, khi tận đáy lòng tôi vẫn phảng phất một nỗi buồn vì biết rằng: Nếu thi đàm thoại vấn đáp, chắc chắn tôi chót lớp. Rõ ràng suốt thời gian học, tôi nói vẫn ấm ớ, vẫn ngọng ngịu như trẻ lên hai. Vì thế, khi nghe cô giáo tuyên bố số điểm cao nhất của tôi, mọi học viên đều đổ mắt nhìn tôi rồi... "quàu" lên một tiếng ngạc nhiên!

Biết nhược điểm đó, ban đêm tại nhà cũng như lợi dụng thời gian ủi quần áo trên lầu tư trong căn phòng vắng lặng của bà chủ mỗi sáng thứ bảy, tôi cố tập nghe băng cassette. Tập trò chuyện với thợ với chủ, đôi khi hỏi chữ khó nữa...

Sau khóa một, thừa thắng xông lên, tôi xin bảo trợ tiếp tục khóa hai. Bảo trợ chấp thuận. Rồi cứ thế sáng tôi đi làm, chiều đi học, tối về nhà. Cuộc đời lặng lẽ trôi, tưởng bình thản êm đẹp, nhưng không dừng ở đó. Sóng gió bắt đầu nổi lên. Ban đầu chỉ là những áng mây đen, trời vần vũ rồi sau đó ùn ùn cơn dông ào đến.

Caritas đặt vấn đề với bảo trợ về việc làm và lương tháng quá ít, dưới mức quy định tối thiểu tại Thụy Sĩ của tôi. Lẽ dĩ nhiên, bà chủ, để chối bỏ sự bóc lột của mình, bà trút hết "tội lỗi" lên đầu tôi. Tôi không rõ bà nói với bảo trợ thế nào, vốn bản tính bộc trực, nóng nảy , bảo trợ chưa kịp suy xét đã buồn lòng buông ra những lời trách móc: "Người tỵ nạn nghèo khổ đến đây nhận trợ cấp từ tiền đóng thuế của bọn tao, chúng bây làm việc phải đàng hoàng, không được làm biếng...".

Câu nói, tuy không trực tiếp với tôi, chỉ chung chung qua người Việt Nam khác cùng bảo trợ, song cũng làm tôi thương tổn tâm hồn. Cảm giác bị xúc phạm, lòng tôi se thắt lại, đau đớn như ngàn mũi kim đâm vào tim. Tôi xét lại việc mình làm.

Thực sự, từ vài tháng về sau, khi quen việc, bà chủ "nhờ" tôi hết việc này sang việc nọ. Công việc mỗi lúc mỗi tăng. Tôi bắt đầu thấm mệt. Như buổi trưa, ăn cơm chung với gia đình bà, thay vì tôi cần vài phút nghỉ ngơi trước khi ra ga lấy xe lửa sang thành phố khác đi học, bà "nhờ" tôi hết xếp ly dĩa vào máy, xong đến rửa chảo, nồi, dần dà thêm lau cái bếp, máy hút hơi, lò nướng thịt (mà phải chà sạch như mới) v.v... Sau đó, với thời gian, bà nghiễm nhiên khoán trắng cho tôi phải thanh toán trong ngày trước khi tới lớp. Thời gian rất xít xao, cụp rụp. Bà không hề hiểu điều đó. Trái lại, sẵn có người dọn, bà tha hồ xả thêm.

Tới lớp, cơ thể tôi rã rời, mệt nhoài. Nhưng tất cả điều đó, tôi cố gắng khắc phục. Tôi nghĩ, tương lai sự sống của tôi chắc chắn không vĩnh viễn nơi nhà bà. Chưa gặp lúc, tôi chỉ cầu mong hai chữ "bình yên" trước khi tính tới.

Ngày xưa, tài giỏi như Hàn Tín ở Trung Hoa, Đào Duy Từ ở Việt Nam. Với chí lớn "đội đá vá trời", với tài năng "gầm sông nghiêng biển", nhưng khi chưa gặp thời, đã im lìm nhẫn nhục như núi đá. Kẻ đã phải luồn trôn, xin cơm nhà bà Phiếu Mẫu, người ăn mày chăn trâu tại nhà phú ông. Còn tôi, phận tép tôm, nhằm nhò gì so với nỗi vất vả hôm nay.

Vì thế tôi âm thầm chịu đựng, không than van, kêu ca với bảo trợ. Ngay cả việc oan ức bực mình xảy ra tại nhà bà. Lúc đó, tôi mới đến làm việc non tháng, bà nhờ tôi đi chợ. Chín chục tiền dư (khoảng 50 USD), bà dặn tôi để trong ngăn kéo tủ. Thế nhưng, khi bà cần đến, số tiền đó không cánh mà bay! Tôi ngớ người ra, giương hai con mắt thao láo nhìn bà, khi bà hỏi đến. Một lúc thật lâu, sau cơn ngỡ ngàng, niềm cay đắng tràn dâng, nước mắt đoanh tròng, tôi nghẹn ngào lắc đầu, miệng lắp bắp ba chữ: “Tôi không lấy!”. Tôi không rõ bà tin hay không. Về nhà, tôi kể chuyện với em gái. Hương khuyên tôi nên nghỉ việc vì nơi đó không tốt. Song tôi lại nghĩ khác. Nếu nghỉ việc bấy giờ, bà có thể cho rằng tôi ăn cắp, xấu hổ nên bỏ đi. Tôi phải ở lại. Tôi cần thời gian để chứng minh "cây ngay không sợ chết đứng", "vàng thật không sợ lửa".

Những ngày sau đó, trong nhà bà, vàng vòng lắc nhẫn... (cho đến bây giờ tôi vẫn không phân biệt được thế nào là thật, giả), không rõ bà quên hay cố ý để rải rác trên thành tủ, kệ. Bà thử tôi chăng? Tôi mỉm cười một mình, nhưng lòng buồn buồn nhìn ra sự tầm thường của cuộc sống. Không lẽ cứu cánh của cuộc đời là những sợi dây chuyền? Là sự lấp lánh ở những ngón tay, chói chang ở cổ, ở tai? Hay giá trị đích thực của con người mới là cái ánh sáng phát ra từ tâm, trí để biến chính người đó thành hạt kim cương? Và oái oăm thay, hạt kim cương muốn đời trang trọng nâng niu lại cần đời mài giũa!

Còn lương hướng, ngay ban đầu làm việc tại nhà bà, tôi không hề bàn tới. Phần tiếng Đức ấm ớ, phần bỡ ngỡ trước cuộc sống mới, tôi biết gì để bàn. Mọi sự đều qua trung gian bảo trợ, Caritas và bà chủ. Tôi như con cơ, cứ nhẹ nhàng chạy theo ngón tay của mọi người.

Tuy vậy, làm việc được hai tuần, trong một bữa cơm, bà chủ đặt vấn đề muốn "tặng" tôi một món quà như "thưởng" công tôi làm việc. Rồi cứ thế, thường mỗi hai tuần hoặc lâu lâu bà tặng, khi thì chiếc áo thun, lúc con dao, đồng hồ (không phải là Rolex hay Omega... đâu nhé!!!). Về sau, để tiết kiệm thời gian, tiện việc, thay vì mua quà, bà đặt vào phong bì một món tiền tượng trưng để tôi tùy nghi sắm sửa. Nếu bảo đó là lương thì quả là đồng lương bóc lột. Tôi không kêu ca, nhưng chính Caritas lại lên tiếng.

Kể từ hôm đó, "lương" tôi được tăng gấp đôi, nhưng tôi không lấy làm vui khi vấn đề đã xảy ra, đem tôi ra mổ xẻ. Với cảm giác rạn nứt trong lòng, tôi e dè sợ sệt trước cuộc sống. Có phải tôi đã mang tâm trạng của một chim câu ngơ ngác ra ràng, vừa rời khỏi tổ đã hoảng hốt giựt mình khi nghe tiếng động mạnh. Tại nhà bà chủ, cũng từ hôm đó, tôi ý tứ cẩn thận từng cử chỉ hành động. Tôi không còn dám hỏi bài các cô thợ, càng không dám trò chuyện với ông chủ (chồng bà) và cũng không dám nghe cassette tại lầu tư nhà bà khi ủi quần áo. Tôi sống khép kín hơn, cố gắng tránh né những đụng chạm không cần thiết.

Sự đời tưởng đã yên, nhưng vẫn chưa dừng ở đó. Tôi càng thu mình về thì bà càng tiến lên. Số tiền lương tăng gấp đôi, bà không chịu mất trong ngân quỹ nhà bà. Tăng lương thì tăng việc. Bà cho một người phụ việc nghỉ, rồi khéo lái tôi đưa tôi vào thay thế. Công việc cũ, cộng thêm công việc mới khá nặng nề: Hút bụi và lau chùi cửa kiếng bốn tầng lầu nhà bà... Không lẽ tôi từ chối? Không lẽ tôi xin nghỉ việc? Tôi phải nói sao đây với bảo trợ, khi chính họ và gia đình họ làm công việc như vậy! Tôi thất thế, tôi không chê công việc. Hơn nữa, với tôi công việc nào cũng trọng cả. Nghề nào cũng có giá trị riêng. "Nhất sĩ nhì nông", hết gạo chạy rông "nhất nông nhì sĩ". Hơn thua là sự hiểu biết và tư cách con người. Nhưng sức tôi có hạn. Tới lớp, thân xác tôi vốn rã rời, giờ càng thêm rời rã. Một thân thể không khỏe mạnh, tâm trí không minh mẫn. Tôi lờ đờ như người say rượu. Giờ giải lao, trong khi cô giáo cùng học viên kéo nhau đi uống cà phê ở căng tin, tôi thoái thác một mình ở lại lớp gục mặt xuống bàn nhắm mắt nghỉ. Bài vở lớp hai lại rất nhiều. Nếu lớp một là thỏ chạy, thì lớp hai là phản lực. Với tâm hồn nặng trĩu, buồn chán thất vọng tràn đầy, cô đơn nhớ nhà da diết, tôi học tụt hẳn xuống. Tôi đuối, không phải vì chán học hay không hiểu bài mà không còn thời gian và sức lực. Tôi ưu tư về tương lai. Thăm dò đường đi tới. Đại Học tại Thụy Sĩ rất khó. Một sinh viên đòi hỏi tối thiểu hai, ba sinh ngữ. Ngay dân bản xứ, số người học đại học chỉ chiếm 6%. Nghề vớ vẩn như uốn tóc, thợ may, sửa đồng hồ, bồi bàn, bán hàng... Phải đào tạo từ hai đến ba, bốn năm, đôi khi còn kén tuổi tác nữa. Nhìn về tương lai, nơi đây đối với tôi, không phải vùng đất hứa. Cũng không tìm thấy tình người. Tôi thoáng nghĩ đến việc trốn đi! Phải, ở đường cùng, không đủ sức đương đầu chống chọi với đời, với người, muốn tự cứu mình "Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng sách" (ba mươi sáu kế, chạy là thượng sách). Nghĩ vậy, tôi viết đơn gởi đến Tòa Đại sứ Hoa Kỳ xin du lịch viện lý do thăm bà con, rồi tiện thể trốn luôn ở đó. Tiếc thay, đơn bị từ chối vì chính sách của Hoa Kỳ chưa cho phép người tỵ nạn chưa ổn định công ăn việc làm đến nước họ. Thất vọng, nhưng tôi vẫn cố "còn nước còn tát". Tôi viết tiếp đơn thứ hai, thứ ba với lời cầu xin tha thiết thăm người nhà, thòng thêm lời "hăm dọa" tôi buồn, tôi muốn chết!

Chỉ là lời hăm dọa suông, nhưng khi đơn bị bác, tuyệt vọng, tôi muốn chết thật. Tôi buông xuôi nằm bẹp dí như cánh chim đại bàng đang bay bổng trên không bị trúng tên rơi ngay xuống đất. Cái đau đớn của vết thương cùng đôi cánh gãy khiến tôi ê ẩm khắp châu thân. Nhưng cái đau của thể xác chả thấm vào đâu so với nỗi đau của tâm hồn khi trí óc tôi còn đủ tỉnh táo để nhận thức rõ lòng và ý chí vẫn muốn vươn cao. Tôi không thể nằm bẹp mãi nơi đây để cho đời chà đạp. Nhưng càng muốn cựa mình ngoi lên thì vết đau ê chề càng làm liệt dần ý chí. Tôi muốn chết mà không sao chết được. Những ý nghĩ miên man sống, chết chờn vờn mãi nơi tôi dẫn tâm hồn tôi chơi vơi về bên kia đại dương, nơi đó có hai người, chồng và bố chồng tôi, đang ngày đêm trông ngóng đặt niềm tin và hy vọng ở tôi: "Nếu em có ra đi, hãy nói cho thế giới tự do biết về chế độ Cộng Sản, nói về cái gọi là "học tập cải tạo" để họ can thiệp giúp anh và các bạn tù của anh!". Nói, nói, nói... tôi vẫn chưa "nói" được để tự giúp tôi, thì còn giúp được ai?! Nghĩ đến người thân, đến bao kẻ còn kẹt tại Việt Nam đang mơ ước vị trí của mình, lòng tôi dịu xuống. Đúng rồi, tôi cần phải sống. Can đảm mà sống. Vì sự sống của tôi hiện giờ ít ra cũng là tia sáng le lói cuối đường hầm, để chồng tôi ngóng về trong nỗi tuyệt vọng cùng cực của chàng. Tôi không nghĩ nhiều đến cha mẹ ruột. Không phải tôi không thương, không nhớ đến cha mẹ mình, nhưng ông bà nhiều con cháu và vẫn rất khá giả, tôi không phải quan tâm lo lắng. Còn cụ Đang (bố chồng tôi) gần 80 tuổi, cô quạnh trong căn nhà trống rỗng (Cụ di cư vào Nam chỉ có hai bố con), nhà rất nghèo, những số tiền vay chưa trả cứ chồng chất thêm lên. Tôi không thể quay lưng. Hay đúng hơn, tôi không nỡ quay lưng. Lương tâm tôi không cho phép. Thế thì tôi phải sống. Sống vì người khác mà sống!

Tự an ủi dỗ dành mình như vậy, tôi không nghĩ đến cái chết nữa, nhưng nỗi buồn tủi hằng đêm cứ theo tôi vào giấc ngủ, để bất chợt thức giấc, tôi thấy nước mắt tôi đầm đìa. Những giọt nước mắt lặng lẽ, như suối, theo nhau chảy dài trên áo gối, thấm cả vào lòng gối bên trong, khoáng lên, loang dần thành những áng mây xám xịt.

Hằng ngày, tôi uể oải đến nhà bà chủ rồi tới lớp. Chỉ mới gần một năm tại Thụy Sĩ, tôi bỗng trở thành người khác. Xơ xác, tiều tụy như cái xác biết đi. Những chuyển biến nội tâm, tôi không biết tâm sự với ai, mà cũng chẳng có ai để tỏ. Em gái tôi thì nó theo chồng. Nó sống đời của nó. Với lại, tôi cũng không muốn nói để Hương thêm lo lắng và buồn.

Căn nhà bảo trợ thuê cho tôi tọa lạc dưới chân đồi ở ngoại ô của một thành phố nhỏ. Bên ngoài căn nhà rất cũ kỹ, tồi tàn, tương phản với bên trong rất mới, rộng, đẹp, khang trang và thơ mộng. Những vách tường gỗ, thảm len tạo căn phòng ấm cúng hẳn lên. Nhà rất nhiều cửa kiếng với Balkon rộng hướng về đồi cỏ xanh vào mùa hè, mượt mà như tấm thảm nhung trải rộng đến đỉnh đồi. Mùa đông tuyết trắng xóa lạnh ngắt.

Căn nhà nằm lẻ loi không đụng vách với hàng xóm. Chiều tối dưới ngọn đèn vàng dìu dịu quả là lý tưởng cho những cặp tình nhân hay đôi vợ chồng son xây tổ uyên ương. Nhưng so với tâm trạng tôi và hoàn cảnh bấy giờ thì thật là thê thảm. Chiều xuống, tiếng quạ kêu oang oác gọi đàn, tạo cho tôi cảm giác rờn rợn ma quái. Dù mùa hè hay mùa đông, khi trời tắt nắng, âm u, tôi khóa trái hết tất cả cửa, lên giường, trùm chăn kín mít đầu, ngủ sớm. Giấc ngủ thường chờn vờn khó đến. Cái vắng lặng yên tĩnh như bãi tha ma cho tôi nỗi bất an. Tôi quen sự nhộn nhịp tại Việt Nam, ở đảo và cho đó là sự sống!

Nhiều khi bên khung cửa sổ, nhìn bầu trời bao la xanh ngát rộng mở tận chân trời, tôi tự hỏi sao tôi lại đứng đây như chim bị nhốt trong chiếc lồng son. Và chiếc lồng son đó bị đời bỏ quên trên ngọn đồi vắng. Chim muốn xổ lồng tung bay, nhưng ủ rũ không sao cất được một tiếng kêu dù chim chíp.

Việc học của tôi càng lúc càng tụt dốc. Bài vở mỗi ngày càng chồng lên nhau. Đúng ra, những gì của hôm nay, chớ để ngày mai. Tôi đã để không biết bao việc "hôm nay" dồn đống, dồn đống. Tôi choáng ngộp trước bài vở đang chờ đợi. Giá buổi sáng tôi được ở nhà, không đi làm, tôi có thể thảnh thơi thân xác, tâm trí, ngồi tra tự điển tất cả chữ mới rồi ngấu kỹ trước khi tới lớp. Ở xứ người, sinh ngữ là đầu cầu bước sang bờ tương lai. Để gãy cầu coi như mình không lao đầu xuống vực thẳm thì cũng là đà ở bờ vực.

Một ngày, cô giáo mon men đến hỏi thăm: "Em khỏe không?". Câu hỏi như nhìn thấu suốt tâm tư tôi, như xé toạc vết thương lòng đang nhức nhối. Cổ tôi nghẹn lại nên không nói thành lời chỉ đứng òa ra khóc. Đê đã vỡ! Thác lũ đang ào ào đổ xuống. Tôi không thể lặng yên mãi. Phải tính thôi. Rồi lại một lần nữa, tôi nghĩ đến "Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng".

Tôi điện thoại cho bảo trợ, nhờ họ trình bày với Caritas can thiệp với Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ cho tôi định cư tại Mỹ (tôi có diện đi Mỹ mà!). Tôi không giải thích rõ tại sao, chỉ nêu nguyện vọng, ở Mỹ đông người Việt, đồng cảnh ngộ như tôi, tôi sẽ dễ dàng nương theo họ mà sống. Còn Thụy Sĩ vắng vẻ chơ vơ, tôi sẽ chết dần trong cô quạnh!

Nhưng ông Hội trưởng Caritas địa phương, qua sự việc lần trước, ông không hoàn toàn tin như thế. Dường như, ông cảm nhận một cách tinh tế có điều gì ẩn sâu trong vấn đề. Ông muốn gặp riêng tôi tại nhà tôi kèm với thông dịch viên của hội.

- Caritas là cơ quan từ thiện giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần cho người tỵ nạn. Hôm nay chúng tôi đến đây mong được nghe tất cả nỗi niềm cũng như những khó khăn cô gặp phải tại Thụy Sĩ với hy vọng có thể giải quyết mọi vấn đề. Trước khi đến đây, tôi đã gọi điện thoại nói chuyện với bà chủ cùng cô giáo của cô. Bà chủ nói mọi việc vẫn bình thường, nhưng cô giáo thì không. Cô giáo kể hết mọi diễn tiến tại lớp học, hết lời ca ngợi cô và rất thương mến cô. Cô siêng năng chăm chỉ, hiếu học và học khá. Nhưng không hiểu sao gần đây, cô học tụt hẳn đi, luôn trầm tư một mình, xa lánh mọi người. Cô giáo đến hỏi thăm, cô không trả lời chỉ đứng khóc.

Lời của ông Hội trưởng Caritas như liều thuốc xoa dịu các vết thương ở lòng tôi. Tôi tìm thấy sự an ủi, cảm thông, hiểu biết ở nơi ông, nên chầm chậm trong nước mắt ràn rụa, tôi kể hết mọi nỗi, rồi kết luận:

- Tôi đến Thụy Sĩ với hai bàn tay trắng. Ngoài cô em gái yếu đuối, tôi không có họ hàng thân thích nào khác, kể cả bạn bè. Được sự giúp đỡ tận tình của quý vị, tôi vô cùng cảm kích, không biết lấy gì đáp đền ngoài sự "vâng lời" để tỏ lòng tri ân. Nhưng tôi nghĩ bước đầu tại Thụy Sĩ, việc học tiếng mới là quan trọng chứ không phải việc làm. Và nếu có làm thì cũng nên làm vừa phải chừng mực để tôi còn đủ sức với thời gian học hành. Bấy lâu, tôi không muốn kêu ca hay phản đối vì chưa tìm thấy sự cảm thông từ mọi người. Không còn cách nào hơn, tôi chỉ muốn rời đây để khỏi phải làm phiền quý vị.

Ông Caritas ghi chép tất cả lời tôi kể. Ông tỉ mỉ hỏi tôi từng chi tiết và hết sức ngạc nhiên, tôi làm việc, không có giờ giải lao. Còn lương của tôi so với thời gian và công việc tôi làm thì quả là bà chủ chỉ trả tôi một phần năm (1/5) so với mức ấn định. Rồi để sự việc minh bạch công bằng, không thể nghe từ một phía, ông hẹn tôi, mời cả bà chủ và bảo trợ tại văn phòng ông để đối chất.

Ngày mọi người ngồi đợi sự hiện diện của bà chủ thì bà lại không đến. Sự thoái thác bất ngờ viện dẫn lý do nhà có người đau tim, bà phải đưa vô bệnh viện gấp, cũng đủ trả lời tất cả sự thật. Ông Caritas cho phép tôi được nghỉ việc, nhưng vẫn nhận đủ lương do Caritas cấp, tôi được ở nhà chỉ chuyên tâm học hành. Ông còn hứa hẹn trực tiếp giúp tôi khi tôi cần đến. Nhưng lòng tôi đã chấn thương. Tôi cảm ơn sự quan tâm ưu ái của ông và thực sự không muốn làm phiền ai nữa.

Hết khóa hai, tiếng Đức cũng vừa đủ để tôi tự kiếm việc làm, mong sống đời tự chủ, tự lập. Con chim trời hãy để nó tung bay, dù cơn lốc 30 tháng tư năm 75 đã thổi tung tổ ấm, xô giạt nó tơi tả tấp vào một chân trời xa lạ. Chim đã quen phong ba, bão tố. Giờ bình minh đã ló dạng, chim có thể tự kiếm ăn, chờ ngày thật quang đãng, nhập đàn dựng xây lại tổ ấm.

Sáu rồi tám năm sau, thời gian vừa đủ để những đắng cay, gian khổ cho tôi những kinh nghiệm sống, luyện tôi thành người có sức chịu đựng dẻo dai, dọn sạch chông gai, lót gạch hoa cho chồng và đứa con trai nuôi của chúng tôi lần lượt định cư tại Thụy Sĩ thênh thang tiến bước.

Sự thành công của cả hai đã là niềm vui, an ủi cho quãng đời mà phước duyên, may mắn, quý nhân chỉ đến với tôi sau một thời gian dài phấn đấu đầy thử thách. Thà là vậy: Trong họa tìm thấy phúc, còn hơn trong phúc rồi mới thấy họa.

Bây giờ mọi sự đã trôi qua. Sau cơn mưa, trời lại sáng. Những chuyện xưa như một giấc mơ, tôi gói ghém xếp tất cả vào hồ sơ kỷ niệm để những lúc trà dư tửu hậu, nhắc đến suy ngẫm cuộc đời, tôi thấm thía biết bao câu nói của thi hào Nguyễn Du:

"Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao"

Cùng lúc tôi cũng nhìn ra, tôi cần phải tu thêm, vì phước duyên của mình còn nhỏ.

Trần Thị Nhật Hưng

2002

Ý kiến bạn đọc
04/06/202100:26
Khách
Thật nhiều chông gai. Cảm ơn tác giả chia xẽ. Phần đông mình người VN đã có chút ít vốn liếng tiếng Anh nên định cư ở Mỹ dễ hội nhập hơn, thêm đông người Việt và các sắc dân Á đông hơn, lại có nhiều tiểu bang, nếu 1 chỗ lạnh lẽo vắng vẻ quá thì di chuyển về vùng ấm áp

Nhưng cũng vì cực khổ nên thế hệ di dân đầu tiên chịu khó cần cù hơn, so với sau này cuọc sông dễ dãi hơn nên lại không cố gắng bằng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/09/2012(Xem: 8069)
Những Truyện Cổ Việt Nam Mang Màu Sắc Phật Giáo - Lệ Như Thích Trung Hậu, Sưu tầm & giới thiệu
14/09/2012(Xem: 4958)
Những câu chuyện thật chốn Thiền môn do các bậc trưỡng lão kể lại luôn luôn là những bài học hay nhất, là nguồn động lực lớn nhất cho các thế hệ mai sau noi gương trên con đường tu học. Trường hạ của Giáo Hội Thống Nhất tại Úc Châu – Tân Tây Lan năm nay tại Tu viện Vạn Hạnh Canberra, ngoài những buổi lễ trang nghiêm thành kính, ngoài những giờ sám hối thanh tịnh, ngoài hình ảnh chư Tôn đức với màu huỳnh y giải thoát, mỗi tối chư Tôn Đức Tăng Ni còn có những buổi thảo luận thật hoan hỷ, sôi động, không khí gần gũi nhưng không kém phần trang nghiêm. Những câu chuyện thật về công đức tu hành trong chốn thiền môn đã được chư Tôn kể lại, bài học “giữ tâm một chỗ, việc gì cũng xong”, trong đó việc sanh tử là việc lớn nhất của người xuất gia, từ ấy đã được lan xa….
21/08/2012(Xem: 3301)
Kính mời quý vị, quý bạn, quý Phật tử thưởng thức một truyện ngắn thực pha lẫn hoang đường, vừa có tính huyền bí vừa có tính cách triết lý, để thấy cuộc đời này tưởng như thực nhưng không có gì thực cả. Tất cả do tâm thức biến hiện. Thần linh chỉ là trò che mắt chúng sinh.
20/07/2012(Xem: 15993)
Nhìn chiếc cổng tre hai cánh mở bám đầy rêu xanh, an nhiên giữa tuyết sương, năm tháng - bất chợt, người con nhớ đến một câu thơ của ai đó: Cửa sài hai cánh mở...
03/07/2012(Xem: 3091)
Ni sư Ryonensinh năm 1797. Cô là cháu nội của Shingen, một vị tướng Nhật nổi tiếng. Sắc đẹp quyến rũ và thiên tài về thi ca đã khiến cô trở thành một công nương trong triều đình, kề cận bên hoàng hậu khi mới 17 tuổi. Tuy còn quá trẻ như thế nhưng danh vọng đã chờ đón cô.
14/06/2012(Xem: 26231)
Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ và Phương Trời Mộng - Tập 2, Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang ấn hành... Nguyên Siêu
23/05/2012(Xem: 3809)
Cách chùa khoảng một trăm mét, xéo về phía tây, dòng sông chảy hiền hòa uốn quanh thôn làng, bao bọc gần hết chu vi ba mặt của xóm nhỏ, chừa mặt tây trông ra ngọn núi hình dáng như người nằm ngủ nghiêng mà ở khúc đuôi của nó như một bàn chân đang chỉa năm ngón lên trời. Ba người ngồi trên bãi cát hẹp của bờ sông. Phía trên đầu, gió chiều đang luồn qua lùm tre tạo ra những âm thanh xào xạc dễ chịu.
23/05/2012(Xem: 5210)
Bà già nhìn xuống dòng sông nước đục lờ, dõi theo một khúc gỗ đang trôi lững lờ theo con nước dập dềnh lên xuống đến khúc quanh ở cuối làng, nơi hai ống khói cao nghệu của nhà máy thả lên trời những cụm khói đen bay tản lạc trong gió chiều hoàng hôn. “Mới đó mà đã 20 năm, ông nhỉ?” bà nói mà không nhìn vào ông già ngồi cách mình một sải tay, trên phiến đá bám đầy rêu xung quanh hông.
10/05/2012(Xem: 6709)
Tập sách bạn đang cầm trên tay là bản dịch Việt ngữ của cuốn ‘The Snow Lion`s Turquoise Mane’. Cuốn này do Surya Das tập hợp các mẩu chuyện do các vị Lạt-ma Tây Tạng kể lại, được xuất bản năm 1992 tại Mỹ. Các mẩu chuyện ngắn này nhắc nhở đến những chuyện liên quan đến các vị đạo sư, từ đức Thích-ca cho đến các vị hiện nay còn sống như Đạt-lai Lạt-ma. Phần lớn các mẩu chuyện này toát ra nhiều đạo vị, nhất là gián tiếp chỉ cho người đọc thấy triết lý của toàn bộ đạo Phật, đó là nhận chân ra rằng mọi hiện tượng muôn hình muôn vẻ của tâm vật chẳng qua đều là biến hiện của tự tính trong tâm thức mọi loài. Đó là tự tính vô thủy vô chung, bất sinh bất diệt, lại không hề rời xa con người, nhưng trực nhận ra điều đó là một quá trình tu học gian nan mà các mẩu chuyện này cũng có nhắc đến.
09/05/2012(Xem: 3592)
Bác sĩ Quách Huệ Trân là một bác sĩ chuyên khoa ung thư, bà rất nhiệt thành và tận tâm trong công việc. Lòng từ bi và thuần thành của bà không những đã đem lại sự khích lệ to lớn cho bệnh nhân mà còn cảnh giác cho những người khỏe mạnh, làm cho nhiều người phát tâm học Phật và niệm Phật. Sau đây là bài nói chuyện với các bạn học ở Huệ Trí Phật Học Xã của Đại học Trung Nguyên, nội dung rất phong phú cảm động. Tuy là đang bị bệnh ung thư trầm trọng, bác sĩ Trân vẫn ráng chịu đau và dùng Tín, Nguyện niệm Phật vô cùng kiên cố của mình để lên giảng đài thuyết pháp. Khi tuyên bố bị bệnh bà nói: “Bây giờ vừa đúng lúc để tôi nhất tâm niệm Phật và chuẩn bị vãng sinh”. (Sau lần nói chuyện này bác sĩ Trân từ chức và lên núi xuất gia).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]