Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hạnh nhẫn nhục

11/09/201307:38(Xem: 4347)
Hạnh nhẫn nhục

Hanh_Nhan_Nhuc

Hân tra chìa khóa, mở cửa bước vào phòng làm việc. Căn phòng khá rộng. Diện tích gấp hai sân bóng rổ hầu hết chứa kệ vải. Ở một góc sát cửa sổ nhìn ra ngọn đồi cỏ là chỗ làm việc của Hân với Susan, chiếm 1/6 căn phòng, có một bàn dài, kế đó là những dãy kệ chứa nút, phẹt-mơ-tuya (dây kéo) ...

Hân được ông Baumann, xếp của nàng điều về đây đã ba tháng nay, sau khi hãng mẹ (trung ương), trụ sở ngay trung tâm thành phố vừa tậu thêm hãng con này tại S., một làng nhỏ hẻo lánh cách thành phố mười phút xe hơi.

Gọi là hãng con, nhưng con lại to xác hơn mẹ, rất đồ sộ, bốn tầng lầu chưa kể tầng hầm, tầng nào cũng rộng gấp hai sân bóng rổ.

Tục ngữ Việt có câu "Con hơn cha nhà có phúc" để biểu lộ sự phát triển, thăng tiến của một gia đình, dòng họ... thì hãng Akris cung cấp quần áo cao cấp cho giới thượng lưu trên thế giới (một chiếc áo đầm tối thiểu 500 Mỹ kim) cũng thành công theo chiều hướng đó.

Ba tháng trước, Hân làm việc tại văn phòng trung ương. Nàng cũng mới nhận việc vào hãng này vài tháng trước đó, sau thời gian thất nghiệp do hãng cũ bị phá sản ảnh hưởng trong kỳ kinh tế thế giới suy thoái.

Trái với chỗ làm ở hãng con, phòng làm việc của Hân tại hãng mẹ nhỏ xíu, chật chội. Phòng Hân chỉ với hai nhân viên, đi ra đi vô người này phải né tránh lách người kia. Thế nhưng Hân vẫn cảm thấy thoải mái, nhất là về tinh thần nhờ làm chung, không phải với Susan mà là Mira, cũng cô gái Thụy Sĩ, mới nhận việc trước nàng vài tháng.

Mira ba mươi sáu tuổi, kém Hân hai tuổi. Ngày mới đến nhận việc, Hân thắc mắc hỏi Mira:

- Phòng này, chị... chị... là ... xếp phải không?

Mira lắc đầu:

- Không đâu. Tôi không là xếp của ai cả. Tôi với chị làm chung. Chúng ta nên có trách nhiệm chung để lo công việc.

Nghe Mira trả lời đúng quan niệm của Hân, Hân thích lắm. Tự nhiên nàng cảm thấy gần gũi và thân thiện với Mira. Tuy vậy, vì là kẻ đến sau, đương nhiên, nhất nhất việc gì, Hân cũng cần Mira chỉ vẽ.

Nhìn cách hướng dẫn và làm việc chung với Mira trong vòng hai tuần, Hân ngấm ngầm khâm phục. Không chỉ vì sự thông minh, điều hành rất khoa học, lớp lang, rõ ràng, ngăn nắp đâu ra đấy mà còn tư cách làm việc của Mira: giờ giấc chính xác, không bê trễ một phút nào và nhất là tinh thần tiết kiệm, tôn trọng quyền lợi chung cho hãng, không phung phí lạm dụng dù một tờ giấy hay cây viết nhỏ. Thêm vào đó, Mira có đức tính khiêm nhường, ăn nói nhỏ nhẹ, đàng hoàng đúng đắn, biết chia xẻ nỗi khó nhọc vất vả với Hân khi phòng nhiều việc. Vì thế, dù Mira từ chối, trong thâm tâm, Hân vẫn đánh giá tài và tư cách của Mira quả xứng đáng một người lãnh đạo, là... "xếp" của nàng.

Về phía Hân, nàng cũng tỏ ra một cộng sự viên đắc lực không kém. Không hẳn do "thượng không bất chính" nên "hạ không tắc loạn" mà chính nàng cũng thích tinh thần làm việc có trách nhiệm. Trên thuận dưới hòa. Đồng lòng cùng nhau tát bể đông cũng cạn mà!

Công việc của phòng "phụ tùng" rất tiểu tiết linh tinh với hàng trăm giấy tờ, hồ sơ cho hàng trăm mặt hàng đủ loại: Nút, dây thun, dây kéo, nịt, ruy-băng, khoen, cầu vai... đủ màu sắc được ký hiệu bằng mã số mà Mira và Hân có nhiệm vụ đặt, nhận, kiểm, cất và phân phối theo hàng ngàn mẫu đặt hàng khắp trong nước để nhân công may, ráp. Ngoài ra, còn giải quyết toàn bộ hàng thiếu, dư, giá cả, ghi nhận cất vào hồ sơ. Công việc đòi hỏi không chỉ sự tập trung cần thiết mà còn cần có đầu óc sắp xếp tổ chức.

Làm việc đâu ba tháng, một hôm, Mira hăm hở nói với Hân:

- Ông Baumann, xếp của chúng ta, rất hài lòng và khen ngợi sự làm việc của chúng ta rất chính xác, không sai sót điểm nào. Bấy lâu nay không ai khiếu nại.

Hân cười. Lòng lâng lâng vui sướng. Từ đó, tuy cả hai không nói ra mà tình thân giữa Hân và Mira càng ngày càng thắm thiết.

Thế rồi, vài tháng sau, cùng lúc hãng con vừa xây xong, ông Baumann điều Hân về đó với nhiệm vụ mới: liên lạc làm việc với ông lo hàng "phụ tùng" chuyển đến các hãng ở nước ngoài.

Lương Hân được tăng thêm 10%, làm việc trong điều kiện phòng ốc tối tân, tiện nghi khang trang rộng rãi. Tòa nhà, nơi Hân nhận nhiệm sở mới, tọa lạc tại một vùng quê yên tịnh, không khí trong lành. Hàng ngày sáng chiều có xe đưa đón, Hân có dịp thưởng thức cảnh trí thiên nhiên tuyệt vời biến đổi theo bốn mùa. Nhất là vào Xuân, khi ánh nắng rực rỡ bắt đầu tỏa lan khắp vạn vật đẩy dần tiết trời âm u lạnh lẽo ảm đạm của mùa Đông, phô diễn ra những đồi cỏ mượt mà như tấm thảm nhung xanh trải rộng đến những cánh rừng nhỏ, trổ lên những đóa hoa "răng sư tử" vàng rực thoạt trông như những cánh đồng lúa phì nhiêu. Và thoảng trong gió, quyện vào không gian, không chỉ hương thơm của cỏ cây, muôn hoa dưới thung lũng hay bên khung cửa sổ, lan can, vườn tược rải rác từ nhà của các bác nông phu mà lâu lâu còn "thưởng thức" mùi phân bón nồng nặc rất đồng nội rắc trên đồi cỏ mà Hân thường gọi đùa "mùi nước hoa Chanel thượng hảo hạng". Đó đây, trong không gian tĩnh lặng, thỉnh thoảng vang lên những tiếng chim ríu rít chuyền cành, những tiếng chuông leng keng treo lủng lẳng từ cổ những đàn bò, dê, cừu. Quả là một cảnh thanh bình êm ả, một bức tranh quê thiên tạo tuyệt vời. Thế nhưng lòng Hân vẫn man mác buồn vì xa Mira, thêm vào đó còn phải làm việc chung phòng với Susan, một cô gái có tính bất thường. Từ lúc về hãng con cho đến ba tháng nay, Hân đã cố gắng hết sức mình nhẫn nhục vẫn không sao chịu nổi.

Susan ba mươi tuổi. Độc thân. Trong đời chưa từng có người tình. Đôi khi Hân tự hỏi, có phải vì lý do tâm sinh lý nên tính nết Susan bất thường, luôn cáu gắt, nổi nóng vô lý, ngang ngạnh hay do bản tính của cô nên chả ai dám yêu cô? Nhưng thành thật xét cho cùng, Susan không phải hoàn toàn dễ ghét. Trái lại, tâm Susan rất tốt, chân thật, thánh thiện, hồn nhiên. Tiếc thay, sự chân thật hồn nhiên quá mức cần thiết đôi khi biến Susan thành trẻ con có những hành động khó coi, song Susan không hoàn toàn ý thức được điều đó.

Chẳng hạn, trong phòng (chung phòng nhưng không cùng việc) Susan thường đùa giỡn với ông Hans, năm mươi tám tuổi, phụ trách khâu hàng vải. Những lúc thưa việc, hay vào giờ giải lao, sẵn hãng con vắng vẻ, xa trung ương, không có xếp dòm ngó (văn phòng ông Baumann ở hãng mẹ), Susan không bao giờ để tay chân mồm miệng nghỉ nơi. Cô không khèo cái này, phá cái kia, thì cũng thọt léc, ôm cứng hay ngồi vào lòng ông Hans, đôi khi táy máy tháo dây nịt và mở cửa "phạc-ma-xi" (dây kéo) quần ông nữa!

Sự thân thiện, cởi mở vẫn là thái độ tự nhiên của người Tây phương. Nhưng ở độ quá mức thật... khó coi,( trong phòng còn có thêm một người đàn ông nữa), không ai buồn lên tiếng, kể cả Hân.

Susan đến hãng Akris sau Hân một tháng. Trước, cô phụ trách khâu hàng mẫu, nhưng gặp vấn đề sao đó, nhân hãng con vừa xây xong, ông Baumann chuyển cô về đây cùng lúc với Hân. Hân lo hàng chuyển đi nước ngoài. Susan phụ trách phân phối hàng trong nội địa. Tuy nhiên, khi nào Hân xong việc, nàng có thêm nhiệm vụ phụ giúp Susan (Hân không nghe ông Baumann nói mà là Susan nói), chứ chả nghe Susan xong việc thì giúp nàng.

Ngày mới dọn về hãng con, Susan hí hửng nói với Hân:

- Ở đây, trong phòng này, tao là xếp của mày!

Câu nói tưng tửng vô thưởng vô phạt, Hân cho là lời nói đùa nên thản nhiên không màng để ý. Nhưng những ngày kế tiếp, khi bắt tay vào việc, Susan lặp lại rất nhiều lần, không còn là lời nói đùa như Hân nghĩ mà Susan làm thật. Susan chủ động sắp đặt hàng hóa, hồ sơ, giấy tờ...

Theo nguyên tắc, hàng hóa được phân loại theo mặt hàng, cất để theo số thứ tự. Tuy nhiên trong thực tế, có những nguyên tắc cần uyển chuyển linh động để được việc, chẳng hạn những mặt hàng thường dùng mỗi ngày, mỗi lúc nên để chỗ dễ lấy thì Susan theo nguyên tắc cất tuốt tận trần nhà tít mãi cuối phòng, mỗi khi cần phải dùng thang xếp trèo lên mất rất nhiều thời gian, Hân lên tiếng góp ý, Susan không chịu hiểu, lại quát lớn:

- Ở đây, tao là xếp của mày. Mày phải nghe lời tao!

Đến lúc này, Hân chưng hửng. Hết sức ngạc nhiên. Ai bầu Susan vậy? Không lẽ tự xưng? Không lẽ ông Baumann? Cũng có thể lắm. Và Hân cay đắng nhận ra một điều, bao năm sống, làm việc tại Thụy Sĩ dù dân bản xứ không lên tiếng kỳ thị nhưng dường như họ ngấm ngầm thi hành một điều "luật bất thành văn", cũng công việc như nhau, người nước ngoài vẫn luôn "dưới tay" dân bản xứ! Điều đó cũng đúng, nên thông cảm thôi. Vì thân phận của kẻ tỵ nạn ăn đậu ở nhờ có khác nào đứa con nuôi. Mà con nuôi không thể tin cậy hoàn toàn bằng con ruột, trừ những trường hợp ngoại lệ. Nghĩ như vậy, Hân không còn thầm trách ông Baumann, người nàng từng đánh giá rất cao về trình độ và sự hiểu biết. Với Hân, bầu ai làm xếp, làm chủ cũng được, miễn công việc trôi chảy thành công trong tinh thần hợp tác có ý thức trách nhiệm, vui vẻ thoải mái. Chỉ tiếc cho nàng, mới đụng chuyện nhỏ với Susan, Hân đã nhận thấy khả năng, tư cách của Susan không thể là một người xếp đúng nghĩa để nàng phục. Hân nhẹ nhàng nói với Susan:

- Dù cô làm xếp phòng này, với tinh thần dân chủ tối thiểu, tôi cũng có quyền đề nghị, còn quyết định vẫn là cô.

Nói xong, không đợi Susan lên tiếng, Hân lẳng lặng bỏ đi để mặc Susan muốn làm gì thì làm.

Sáng hôm sau, như thông lệ, ông Baumann vẫn có thói quen dành nửa giờ ghé qua kiểm soát công việc ở hãng con trước khi trở về hãng mẹ.

Susan khoe với ông:

- Ông xem, tôi sắp xếp hàng hóa như vậy có được không?

Ông Baumann đi một vòng, ngắm nghía một lúc, ông chỉ ngay kệ hàng hôm qua Susan cự nự với Hân:

- Hàng này sao lại để đây. Nên đưa ra phía trước.

Susan tiu nghỉu bắc thang đem thùng hàng xuống. Khi ông Baumann đi rồi, Hân không hiểu Susan nghĩ gì. Cả hai lẳng lặng làm việc. Mỗi người lo phận sự riêng, theo đuổi ý nghĩ riêng mình.

Khoảng gần trưa, có tiếng điện thoại reo. Susan bắt phone như thường lệ. Nghe xong, cô quay sang nói với Hân:

- Hân, mày đi theo tao!

- Có việc gì vậy? Hân hỏi.

- Cứ theo tao rồi biết!

Hân và Susan dùng thang máy qua hết tầng nọ đến tầng kia. Cuối cùng dừng ở lầu 3 phòng tiếp nhận. Susan chỉ hai thùng giấy nhỏ, nói với Hân:

- Mày đem hai thùng này xuống!

Nói rồi Susan ngoe nguẩy bỏ đi, dùng thang máy trở về chỗ làm việc. Còn lại một mình, Hân ngơ ngẩn sững sờ. Nàng không ngờ trên thế gian này lại có người thô lỗ sỗ sàng như vậy. Susan muốn bỉ mặt nàng? Tại sao? Để tỏ lộ uy quyền? Không lẽ? Cơn giận trong lòng bốc lên, nhưng Hân chỉ đứng chết trân nhìn hai thùng giấy Photo loại A4 tuy nhỏ nhưng Hân đoán khá nặng. Hân thừ người nghĩ ngợi. Một nỗi chán chường từ đâu ùa đến xâm chiếm tâm hồn. Lòng Hân chùng xuống, mơn man với những phiền muộn không sao tả được. Phải liệu sao đây? Điện thoại nói chuyện với ông Baumann? Sự việc thật chưa đáng để quấy rầy một xếp lớn công việc nhiêu khê như ông phải giải quyết. Ít nhiều ông sẽ rất bực mình về chuyện lặt vặt của các bà mà thông thường Hân vẫn thấy. Còn nếu "kháng lệnh" và cự nự với Susan càng không nên nữa. Hân sợ ư? Không đâu! Chống chọi với một người như Susan có khác chi đem chén kiểu chọi chén đá. Cãi nhau với Susan có khác nào cãi nhau với các bà hàng tôm hàng cá ngoài chợ. Bao lâu nay trong cuộc sống, điều Hân muốn tranh thủ không phải là sự hơn thua ban đầu mà là sự thắng lợi cuối cùng. Nàng luôn chủ trương "xử thế thoái nhất bộ vi cao" (xử thế nhường một bước là cao kiến) như kẻ ném tạ, muốn trái tạ được đi xa buộc lòng phải dậm lùi vài bước. Hơn nữa, là phụ nữ, ra đường to tiếng với người này kẻ kia là điều Hân tối kỵ. Trong cuộc cãi vã, chưa cần biết ai phải trái, người đứng ngoài nhìn vào đều đánh giá "cô đó đi đâu cũng thấy cãi nhau" nhất là đang sống trong xã hội xung quanh toàn tóc vàng mắt xanh; dù Hân thấp bé, cái mũi tẹt, tóc đen của nàng đương nhiên nổi bật. Trong hãng Akris có mình nàng là Việt Nam. Nếu có vấn đề gì, người ta sẽ không kháo nhau "cái con Hân này, Hân nọ" mà họ sẽ lên án xác định một cách rõ ràng rằng "cái con Việt Nam đó", thật là xúc phạm một cách quá đáng đến dân tộc. Nghĩ vậy, lòng Hân dịu đi. Nàng cúi xuống xách hai thùng giấy. Thùng hàng khá nặng. Đang dáo dác tìm chiếc xe đẩy nhưng chưa thấy đâu, Hân chợt thấy một người đàn ông đi qua. Nàng gọi:

- Chào ông. Ông vui lòng giúp tôi một tí.

Vừa nói Hân vừa chỉ hai thùng hàng. Người đàn ông hiểu ý, chả nói chả rằng, xách hai thùng giấy theo Hân dùng thang máy đem đến tận chỗ phòng làm việc cho Hân. Và Hân cám ơn. Khi người đàn ông đi rồi, Hân trở lại công việc của nàng, bình thản như không có chuyện gì xảy ra.

Những ngày kế tiếp vẫn là những ngày Hân sống trong địa ngục. Susan càng làm tới. Dường như mỗi ngày, không ngày nào Susan không to tiếng. Hở một tí là cô nạt. Đụng một tí là cô mắng. Toàn những chuyện vô cớ không đâu. Hai người đàn ông cùng phòng thỉnh thoảng đưa mắt nhìn, chả hiểu chuyện gì. Còn Hân tuyệt nhiên không nói lại. Hân tảng lờ làm như Susan đang cãi lộn với... ma, với người vô hình nào trong không khí, chứ không phải với nàng. Hân nhớ về câu chuyện thời Đức Phật hiện tiền đi thuyết giảng. Vĩ nhân đức độ như Đức Phật vẫn có kẻ đứng bên đường chửi Ngài. Đức Phật chẳng động tâm, nhưng đệ tử Ngài thắc mắc lên tiếng. Thay vì trả lời cho đệ tử, Đức Phật chỉ hỏi lại:

- Nếu có người tặng ngươi món quà, ngươi không nhận, người đó làm sao?

- Bạch Thế Tôn, người đó mang về ạ.

Susan cũng vậy. Susan đã "mang về" cho cô không biết bao nhiêu phiền não vào tim óc. Càng lúc mặt mày cô càng dữ dằn, đằng đằng sát khí. Nhìn vào không cách nào... thương được.

Đến hôm nay đã đúng ba tháng trọn. Ba tháng qua là chuỗi ngày lê thê khủng khiếp đối với Hân. Nếu Susan chỉ la hét suông, thật dễ dàng cho nàng. Đằng này Hân phải chung chạ công việc với Susan đó là điều hết sức phiền toái cho Hân. Hân mệt nhoài chạy theo cái lối vô tổ chức, bừa bãi của Susan mà Hân thì không có quyền xen vào hay đụng tới.

Đã đến lúc con rắn tu hành cuộn mình im lìm trong xó bếp làm rế cho các bà nội trợ đặt nồi, chảo. Dù nặng, rắn cũng kham được, nhưng chảo dầu nóng thì rắn không sao chịu nổi. Nó đã vươn cao cổ "khè" lên một tiếng cho mọi người sợ chạy.

Câu chuyện đạo về hạnh nhẫn nhục vẫn còn đó. Nhẫn nhục không có nghĩa là nhu nhược, mãi nhịn để dung túng kẻ xấu luôn luôn hiếp đáp đè đầu dận cổ người. Nhẫn nhục cũng cần có trí tuệ giải quyết vấn đề, đối phó từng trạng huống. Đã đến lúc Hân cũng ...vươn cao cổ "khè" lên một tiếng theo gương con rắn kia, khi Susan quá trớn không để Hân an tâm làm việc được. Hân xoay người nhìn Susan. Ánh mắt nàng nghiêm nghị nhìn thẳng vào mắt Susan. Mặt nàng lạnh lùng. Nàng nói:

- Susan, hôm nay tôi muốn nói chuyện với cô. Chúng ta vì sinh kế cùng đến đây làm việc đều bình đẳng như nhau. Tôi không phải là con cô. Cô không phải là mẹ tôi. Từ nay, cô không được phép nói chuyện với tôi bằng giọng điệu thái độ như thế.

Giọng Hân chắc nịch nhấn mạnh, chậm rãi từng chữ xoáy mạnh vào tim óc của Susan. Susan không phải vừa, cô nhảy dựng lên như đỉa phải vôi. Cô hét, vẫn điệp khúc cũ:

- Tao là xếp của mày. Mày phải nghe lời tao!

Hân lắc đầu:

- Không đâu. Cô không có khả năng của một người xếp. Càng không có tư cách một người xếp. Cô không thể là xếp tôi được.

Câu nói như chạm mạnh tự ái của Susan. Mặt cô đỏ rần lên. Mắt cô trợn ngược. Cô đùng đùng nổi giận:

- Tao sẽ nói chuyện với ông Baumann.

- Cô cứ tự nhiên.

Rồi Susan nhấc Phone quay số. Cô nói một tràng oang oang bằng tiếng địa phương. Lỗ tai Hân lùng bùng, nàng không sao hiểu được. (Tại Thụy Sĩ tiếng Đức dùng trong giấy tờ và nói chuyện với người nước ngoài. Tiếng địa phương không có chữ viết, dân bản xứ dùng để nói với nhau).

Khi Susan đặt điện thoại xuống, cô còn quay sang nói với Hân:

- Ông Baumann sẽ nói chuyện với mày!

Hân không trả lời, lẳng lặng làm việc. Nàng cố bình tâm để đối phó với sự thể hôm nay nhưng đầu óc Hân rối bời với nỗi chán chường không sao kể xiết. Đã đến nước này, nàng không còn e dè ngại ngùng gì nữa. Cùng lắm là nghỉ việc. Hân không tiếc nhưng nàng chỉ buồn thôi. Tại sao "cây muốn lặng mà gió chẳng muốn dừng". Nghiệp dĩ nàng phải chịu hay đây chỉ là thử thách trong cuộc sống để trau luyện sức chịu đựng của nàng? Tự nhiên nỗi uất nghẹn trào dâng, Hân thấy mắt cay cay, không muốn khóc mà nước mắt nàng cứ từ từ ứa ra lăn dài trên má. Để giấu không cho Susan biết sự yếu mềm trong lòng nàng, Hân xoay mặt qua hướng khác, rồi lẳng lặng đứng dậy đi vào phòng vệ sinh vốc nước rửa mặt. Nước mát như xoa dịu tâm hồn. Nàng đứng khóc một lúc cho vơi đi nỗi uất ức, xong, Hân bước về chỗ làm việc.

Chiều hôm sau, đợi lúc Susan về nhà - Susan buổi chiều vẫn về sớm trước Hân nửa tiếng, vì buổi sáng Susan làm sớm - Ông Baumann gặp Hân. Ông hỏi:

- Hôm qua có chuyện gì vậy? Tôi nghĩ, hai người làm việc với nhau nên bảo ban giúp đỡ nhau chứ!

Hân đã lấy lại bình tĩnh, nàng chậm rãi đáp:

- Ông hỏi tôi thì tôi nói. Ba tháng qua tôi rất khổ sở vì Susan. Lúc nào Susan cũng tuyên bố Susan là xếp của tôi và tôi phải nghe lời cô ấy. Nghĩ mình là xếp, Susan dựa vào... chức quyền, ra lệnh sai bảo tôi một cách bừa bãi hết sức vô lý. Còn Susan, cô muốn làm gì thì làm. Tôi không có quyền góp ý. Ông xem, công việc ở đây, điều cần linh động thì cô ấy không linh động, điều nên nguyên tắc thì cô không theo nguyên tắc. Đến nay, hàng hóa giấy tờ hồ sơ chả còn thứ tự nào, nhảy cả lên bàn lấn tới chỗ tôi làm việc, nằm ỳ từ hai, ba ngày nay, bắt buộc tôi phải lên tiếng thì Susan lại la lối om xòm. Đúng ra, tôi nên trình bày với ông. Mãi hôm qua, lần đầu tiên tôi... chỉnh Susan. Cô ta đùng đùng nổi giận méc ông. Còn cô ta trợn mắt trợn mũi quát tháo mắng mỏ tôi ba tháng nay sao cô ta không nói đến.

Ngưng một lát như để xem phản ứng của ông Baumann, không thấy ông nói gì, Hân tiếp:

- Ông thấy đó. Thời gian tôi làm chung với Mira, có xảy ra vấn đề gì đâu. Mira giỏi. Tôi luôn luôn tôn Mira làm xếp, nhưng Mira không nhận. Còn đây...

Hân bỏ lửng câu nói, buông một tiếng thở dài. Ông Baumann tiếp lời:

- Susan đâu phải xếp ở đây!

Nói rồi ông liếc mắt nhìn qua một vòng, lẳng lặng bỏ đi không nói thêm gì.

Đến lúc này Hân mới vỡ lẽ, bấy lâu nay Susan đã tự xưng. Chao ôi, cái chức cỏn con tưởng "nắm đầu" có một người là Hân mà Susan đã choáng váng say danh vọng bỏ quên mất tình người, bản chất vốn có thật trong cô để cô không hề nhận biết sự tương quan, tùy thuộc của con người lẫn nhau trong cuộc sống mà ai nấy đều mong cầu được an lạc hạnh phúc, tránh khổ đau. Chức vụ cao, thấp chỉ là cái mốc định vị trí, khả năng để ổn định trật tự, công bằng khi làm việc. Và càng có chức quyền cao càng nên ý thức trách nhiệm nặng nề phải cưu mang, để nếu, không phục vụ thì cũng nâng đỡ hướng dẫn trông nom kẻ dưới, chứ không phải ngồi trên để huênh hoang tỏ lộ uy quyền hiếp đáp, bóc lột, đè đầu người dưới cho hả dạ.

Địa vị chức vụ ví như đồ trang sức. Nếu đeo vào người mà tài đức có giá trị thật sự thì càng tăng vẻ đẹp. Trái lại nó sẽ là hào quang chiếu sáng khiến thiên hạ chú ý để thấy cái xấu, cái dở của người không xứng đáng đeo nó mà thôi.

Bấy lâu, Susan đã không hiểu điều đó và trên thế gian còn biết bao nhiêu kẻ như Susan đã và đang đem đau khổ triền miên cho con người mà vì... say (say danh vọng) vô tình không biết đến.

Một ngày nặng nề trôi qua...

Buổi sáng hôm sau nữa, như thường lệ, Hân vẫn đi làm việc. Đến chỗ ngồi, nàng hết sức ngạc nhiên, trên mặt bàn ai đã để sẵn một phong sô-cô-la nhỏ, một ổ bánh mì tròn cặp thịt đặt trên tấm giấy lau miệng màu đỏ thắm. Hân đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì, tưởng là sinh nhật của ai đó vẫn thường làm như thế cho mọi nhân viên, thì Susan nhẹ nhàng đến bên nàng, chỉ bánh kẹo rồi nhỏ nhẹ nói:

-Hân, quà tao tặng mày đó, tao xin lỗi mày nha. Tao không phải là xếp của mày. Từ nay hàng hóa công việc ở đây mày cứ tự nhiên. Tao theo mày.

Hân xoay người, nhìn sững Susan. Tai nàng có nghe lộn không? Hân nháy mắt nhiều cái như để định thần nàng đang nằm mơ hay tỉnh. Điều gì làm cho Susan thay đổi nhanh chóng 180 độ như vậy. Có lẽ sáng qua, lúc Hân chưa đến, ông Baumann đã nói chuyện với Susan và giải thích rõ ràng cho cô hiểu. Hân thầm cám ơn ông Baumann và cảm động thực sự trước hành động của Susan hôm nay. Hân ngớ người ra, nhìn Susan rồi nhìn kẹo, bánh. Tuy Susan không nói nhưng Hân cũng đoán đó là quà của Susan tặng nàng biểu lộ sự ăn năn tạ lỗi với nàng. Hân cảm động quá, không nói thành lời. Lòng nàng rộn lên một niềm xúc động mãnh liệt. Nàng cứ đứng chết trân giương mắt nhìn Susan. Một lúc thật lâu, sau phút ngỡ ngàng, Hân xiết nhẹ tay Susan và ôn tồn nói với cô:

- Cám ơn Susan. Cám ơn Susan. Không có gì đâu, chúng ta luôn là bạn để cùng lo công việc.

Rồi cả hai nhìn nhau cười, không nói thêm lời nào. Mọi ngôn ngữ lúc này đều thừa thãi, không cần thiết. Chỉ nhìn nhau thôi cũng đủ trải hết tâm tư qua ánh mắt hân hoan vì vui sướng!

Trần Thị Nhật Hưng

(Tháng 11.2002)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/01/2025(Xem: 875)
Chiều ngày 25/12/24 Anh Chị Em Huynh Trưởng khắp liên bang hội tụ về tu viện Quảng Đức với tư thế sẵn sàng cho buổi họp tổng kết một năm hành hoạt và kế hoạch năm mới của Ban Hướng Dẫn Úc Đại Lợi. Trại sinh Huyền Trang bắt đầu giai đoạn 2 với đề thi nhập trại (Trại Huyền Trang kéo dài 3 năm/3 giai đoạn: giai đoạn 1 học hàm thụ trực tuyến, giai đoạn 2 thụ huấn 5 ngày tại trại, giai đoạn 3 hội thảo kết khoá vào cuối năm 2026) Lễ Khai Mạc Liên Trại Sáng ngày 26/12/24, tại Chánh điện chùa Quang Minh, Melbourne, lễ khai mạc liên trại đã diễn ra trong không khí trang nghiêm mở đầu hành trình 5 ngày tu học và rèn luyện dành cho các Huynh Trưởng từ khắp nơi. Sau lễ khai mạc, trại sinh cùng Ban Quản Trại di chuyển đến Alexander Resort, nơi chương trình trại chính thức triển khai theo đúng đề án đã định.
20/12/2024(Xem: 449)
Sáng hôm nay Hiền vẫn về Tu Viện như thường lệ, trời mùa đông Melbourne từng làn gió hắc hiu mang theo hơi lạnh rít từng hồi thấm sâu vào da thịt, trên thềm cỏ vẫn còn giọt nước sương đêm chưa tan dù mặt trời đã tỏa nắng, Gió thổi nhẹ khiến cho nhành liễu trước tượng đài Bồ Tát Quan Âm đu đưa như bàn tay đang vẫy gọi. Xoa mạnh hai lòng bàn tay nóng lên rồi đưa lên má vài lần cho ấm, Hiền bước vào Tu Viện. - Dạ bạch Thầy! Vị Sư phụ tháo cặp kiếng dày cộm đưa tay dụi mắt nở nụ cười hiền từ. - Hiền đấy con? Hôm nay con không đi làm sao? - Dạ hôm nay hãng con đóng nên con về Tu Viện làm công quả - Vậy à! Con giúp thầy nhỏ cỏ trong những chậu hoa xung quanh Tượng Đài - Dạ mô Phật !
23/09/2024(Xem: 2255)
Chuyến đi về Việt Nam lần này có thể nói ngoài sự dự tính của chúng tôi. Mặc dù, tôi cũng có ý muốn đến viếng thăm Hà Nội một lần nữa. Vì năm 2003, tôi có dịp đến trung tâm thành Phố Hà Nội và viếng thăm một vài nơi khác chung quanh Hà thành. Nhưng lần này, là do các Phật tử Bảo Khánh, Hiếu Hoa, Từ Nhẫn và Liên Thu có nhã ý mời chúng tôi về Hà Nội và rồi cùng đoàn đi hành hương Trung Quốc, đặc biệt là chỉ hành hương tham quan trong phạm vi tỉnh Vân Nam thôi. Nói đúng
29/06/2024(Xem: 2841)
Những tháng đầu năm 2021, Út Bình bên Mỹ vẫn thường âm thầm theo dõi Facebook của tôi, thấy biết tôi đang tích cực phụng sự Đạo pháp, theo chư Tăng lên các chùa ở sâu vùng xa để chụp ảnh, viết bài, đưa tin đến các trang Phật giáo trong và ngoài nước, liền nhắn tin tặng tôi chiếc laptop của Út còn cất trong tủ ở nhà từ đường. Ý của em là tiếp sức cho tôi có phương tiện hiện đại hơn để truyền tin tại chỗ, chứ đi dự lễ các chùa trên vùng núi cả buổi, chiều về mới ngồi vào máy tính viết tin bài, chọn ảnh để gửi đi thì chậm quá
22/06/2024(Xem: 2354)
Có nhiều người khi sinh con ra, bên cạnh tên thật hay, thường có một tên khác gọi ở nhà dí dỏm dễ thương, hay tên thật dở để khỏi bị “bà” bắt. Bà ở đây là bà nào không ai biết được, thế nhưng nhiều người vẫn sợ rồi kiêng. Riêng đối với bà Thịnh, bà không tin như thế, ngược lại, bà cần con cháu bà tên thật hay, phải có ý nghĩa nữa để đem may mắn vận vào cuộc đời nó.
12/05/2024(Xem: 8968)
Thời gian gần đây hiện tượng sư Thích Minh Tuệ tu theo hạnh Đầu Đà đi bộ từ Nam chí Bắc đã được quần chúng đủ mọi thành phần ngưỡng mộ. Họ chờ đón sư ở dọc đường, cúi đầu hoặc quỳ xuống lòng đường để đảnh lễ, tặng đồ ăn thức uống, có khi tháp tùng sư một đoạn đường dài. Có khi họ tụ tập quanh sư tại nơi nghỉ chân, có khi là nghĩa địa, một ngôi nhà hoang, hoặc dưới tàng cây, ngồi quanh sư để nghe sư thuyết pháp hoặc vấn hỏi một số vấn đề. Đặc biệt tại Thanh Hóa có cả xe chở mấy chục học sinh Tiểu Học, tung tăng chạy tới để chiêm ngưỡng và vái lạy sư. Và lần đầu tiên một vị sư thuyết pháp tại một nghĩa địa.
02/05/2024(Xem: 2854)
Biến cố 30 tháng 4 năm 75 không những làm đảo lộn cuộc sống của người dân miền Nam, làm xóa tan một chính thể Cộng Hòa nhân bản mà từ Đệ Nhất tới Đệ Nhị Cộng Hòa đều mang đến tự do, hạnh phúc cho người dân. Không như sáo ngữ "Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa - Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc", nghe như một liều thuốc tê làm mất hết cảm giác và trở thành con người vô cảm lúc nào không hay!
03/04/2024(Xem: 3452)
Có thể do một sự thần khải, thiên khải, mặc khải hoặc một phép mầu nhiệm, phép linh thiêng, phép huyền bí nào đó, hoặc do đại giác ngộ, đại ân sủng mà toàn thể loài người bỗng dưng trở thành tu sĩ! Thật đại phúc! Vui mừng khôn xiết! Mấy ngàn năm qua với bao lời rao giảng, truyền đạo, răn dạy mà con người vẫn cứ mê luyến vào cuộc sống phàm tục, sinh con đẻ cái, làm giàu, hưởng lạc thú trong cái cõi đời ô trọc này. Nay thì - đúng là ước mơ đã thành hiện thực của các giáo hội. Trong nỗi vui mừng khôn tả đó, việc đầu tiên là phải giải tán ngay phái bộ truyền giáo bởi vì mọi người đã trở thành tu sĩ rồi thì cần gì phải truyền đạo nữa? Tuyên truyền cho ai bây giờ? Còn đất đâu? Còn dân ngoại đạo nữa đâu mà tuyên truyền? Thôi thì cả triệu tấn giấy, hình ảnh, tài liệu, phim ảnh, CD, DVD, Video được đem ra đốt, bao nhiêu đài phát thanh, chương trình truyền hình, website truyền đạo cũng đều dẹp bỏ. Tuy nhiên trong nỗi hân hoan ấy việc chuyển hóa cả một cấu trúc xã hội thế tục vô cùng phức tạp qua
01/04/2024(Xem: 2088)
Sáng thứ Bảy cuối tuần rảnh rang, tôi rong xe về phố, qua bên kia đầu cầu Hà Ra ghé thăm đạo huynh Duy Pháp-Đinh Hoà ở dốc Đoàn Kết. Ngồi ngoài ban-công sân thượng, huynh đệ vừa uống trà, nhâm nhi tách cà phê nóng bên mấy chậu kiểng hoa hồng, vừa trò chuyện đổi trao chuyện Đạo trong Đời, Đời có Đạo, thật thân tình và đầy hứng khởi... Đây là lần thứ ba tôi có mặt trên "tịnh thất sân thượng" của huynh Duy Pháp. Lần trước là vào dịp Tết mới rồi, khi tôi đứng phóng mắt ngắm cảnh xa gần chung quanh, thấy được bóng dáng của chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa trên núi Sinh Trung hiện ra xa xa ở góc nhìn lạ, nên lần này tôi không quên mang theo máy ảnh gắn ống kính tele để "săn cảnh già lam"...
30/10/2023(Xem: 3444)
🐄Bò làm mệt, than với chó: " Tao mệt quá ". 🐶 Chó gặp mèo tâm sự: " Bò nó kêu mệt, chắc làm quá sức, chắc nó đòi nghỉ một chút". 🐱 Mèo gặp dê tám chuyện: " Bò nó muốn nghỉ một ngày vì công việc làm nó mệt quá, có lẽ ông chủ bắt nó làm quá sức". 🐐 Dê gặp gà: " Bò nó đòi nghỉ làm, ông chủ bắt nó làm đến kiệt sức thì phải". 🐔 Gà gặp heo nói: " Biết chuyện gì chưa, bò nó định đổi chủ và bỏ việc đấy".
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]