Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

18. Vòng tay kiều nữ

24/10/201202:50(Xem: 8793)
18. Vòng tay kiều nữ

THANH GƯƠM BA-LA-MẬT
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Vòng tay kiều nữ





Sau khi nghe một thời pháp từ bậc đạo sư ở rừng Trúc, thanh niên Tissa đi thẳng về nhà.

- Thưa cha mẹ, hãy cho con xuất gia.

- Không thể được - Người cha nói - Ta chỉ có con duy nhất là trai. Con sẽ kế thừa cả một gia sản to lớn đấy.

- Quý gì cái gia sản ấy - Tissa nói - Hãy để con xuất gia.

- Không thể được - Người cha vẫn khăng khăng giữ lập trường của mình. Con là một thanh niên giàu có, cao sang, thuộc dòng dõi quý tộc. Vương tôn, công tử đứng chầu chực đầy cửa nhà, vinh hạnh được kết bạn với con. Mỹ nhân thiên hạ mong được cùng con gá nghĩa se duyên. Nô tì, kẻ làm công, ai cũng muốn phục dịch, hầu hạ con. Vậy con hãy ở nhà để giữ ánh sáng vinh quang cho gia tộc.

- Cái đó là phiền não, chẳng phải vinh quang. Hãy cho con xuất gia.

Nói xong, thanh niên Tissa vươn vai đứng thẳng như một con mãnh sư bình minh thức dậy trên non cao. Chàng to lớn, đẹp và hùng vĩ như một cái tháp bạc. Hai tay chàng vòng lại, chiếu đôi mắt như hai tia lửa xanh nhìn đăm đăm vào người cha không chớp, biểu hiện một ý chí vô hạn.

Người cha bủn rủn trước uy lực của con, hối hả lên lầu cao đánh trống triệu tập tất cả gia nhân. Lát sau những bước chân rầm rập đổ ra các hướng. Rồi thì ngựa phi, xe hai ngựa, xe bốn ngựa mỹ lệ, sang trọng từ các đường phố tất cả chạy lại.

Bạn bè, thân hữu của Tissa đều được gọi đến đứng chật nhà trong, nhà ngoài.

- Này bạn Tissa, sao vậy? Một người nói - Bạn có quẩn trí, thất vọng, buồn phiền chăng?

- Tissa quý mến! Người khác ân cần - con beo vàng kiều diễm của ta! Hay là chúng ta có làm điều gì tổn thương đến bạn?

- Thành phố Vương Xá này sẽ không còn mặt trời, mặt trăng nếu bạn ra đi! Tissa bạn ơi, hãy ở lại! Chúng tôi cần bạn như trái tim, như con mắt, như núm ruột không thể cắt lìa!

Thanh niên Tissa đứng vô cảm trước những lời xun xoe của bằng hữu. Đợi họ nói xong, chàng mới mở lời:

- Các bạn hãy về đi, đủ rồi!

- Thế là bạn ở lại chứ? Không có đi theo lũ trọc đầu ăn xin đó chứ?

Như một con cọp quay lưng vờn mồi, Tissa chiếu tia mắt rực lửa, quát như sấm nổ.

- Hãy liệu cái miệng của các bạn! Lời phỉ báng kia sẽ bửa cái đầu của bạn ra làm bảy mảnh! Đức Thế Tôn và Chư Tăng - đấy là những người đã cứu sự sa đọa cho thế gian này. Từ rày, Tissa nói nhỏ lại - ở cái thành phố này, ta không có ai là bạn nữa!

Nhát dao đã buông xuống, chém phăng, đứt lìa! Tissa quay lưng đứng nhìn ra cửa sổ. Bạn bè lấm lét kéo nhau đi hết.

Ngày thứ nhất qua đi, chàng không uống, không ăn, đứng sững như cây cột trồng.

Người mẹ bước tới, hai hàng nước mắt dầm dề.

- Tissa con ơi! Con nỡ nào hành hạ mẹ cha như thế? Con đứng, và hai chân con lún sâu vào trái tim của mẹ! Hãy ăn, hãy uống đi con! Rồi con hãy mặc vào những bộ y phục của con nhà trời, trang sức các thứ châu báu của chúa loài rồng. Và thế là tự ý con, leo lên những cỗ xe hai ngựa trắng của thiên thần, với những đãy tiền vàng, tha hồ mà tiệc tùng, ca hát, vui chơi, xung quanh cả bầy tiên nữ, hưởng các lạc thú trần gian...

Người mẹ kể lể xong, lấy ra một cái rương vàng đựng y phục quý giá, và một hộp bạc đựng đồ trang sức, cố ý khua lanh canh. Nhưng Tissa vẫn không quay lại, chàng chẳng hề động tâm.

Qua ngày thứ ba, Tissa có uống chút nước nhưng chàng vẫn không ăn. Người cha lại đến bên, nỉ non:

- Con ơi! Gia đình ta có tám ức triệu đồng tiền vàng. Với gia tài này, sau này, con bỏ ra một ít để mua chức Tiểu Vương. Như vậy là uy quyền danh vọng của con chẳng khác gì một vị Thiên tử, mà giàu sang thì thế gian này chẳng ai dám sánh. Có thể lập một bà chánh phi, dĩ nhiên là phải lựa chọn một người nữ mà tài sắc và đức hạnh vẹn toàn. Ngoài ra, con có thể lấy một ngàn tỳ thiếp hay lập ba cung, sáu viện tùy theo sở thích. Nếu con muốn sử dụng ngay số tiền này thì bắt đầu từ bây giờ, cha sẽ làm giấy kế thừa cho con, có triện son của Đức Vua vào buổi chiều.

Thanh niên Tissa tiếng nói đã lạc hẳn đi:

- Hãy cho con xuất gia.

- Hãy ăn một chút gì cho lại sức. Máu huyết ở nơi con sẽ khô, dung sắc thù thắng chói sáng như vàng như bạc của con sẽ tàn phai mất thôi!

Người cha thở dài. Ông không còn một hy vọng nào nữa. Ông xót xa nhìn hai chân run run của con:

- Con đứng hoài như vậy sao?

- Không đứng nổi nữa, con sẽ ngồi.

- Con không ngủ sao?

- Khi con ngồi, con sẽ ngủ chút ít.

- Thế còn ăn?

Thanh niên Tissa ngước đầu lên, giọng đã hơi yếu:

- Thưa cha, nếu chưa được phép xuất gia, con sẽ không ăn, không ăn mãi mãi.

- Đến ngày thứ bảy, Tissa rơi xuống như thân chuối đổ. Chàng giờ như cái xác khô, tuy thế vẫn gượng dậy, ngồi thế bán già, tĩnh lặng.

Cha mẹ Tissa đã thất bại trước ý chí của con. Nó sống còn hơn không, bèn cho xuất gia.

Thanh niên Tissa sau khi được Bậc Đạo Sư cho xuất gia ở rừng Trúc, chàng đi đến Xá Vệ, đảnh lễ các vị trưởng lão ở Kỳ Viên, rồi ôm bát ra đi, nguyện thọ đầu đà bậc thượng, gồm 13 pháp:

- Chỉ dùng ba y.

- Mặc y do vải lượm.

- Chỉ đi khất thực mà dùng

- Khất thực theo thứ tự từng nhà.

- Chỉ dùng vật thực trong một chỗ ngồi.

- Chỉ dùng trong một bát.

- Không thọ thêm vật thực nào nữa.

- Ngụ trong rừng.

- Gần cội cây.

- Ngụ nơi chỗ trống.

- Nơi nghĩa địa.

- Chỗ Tăng chỉ định.

- Ngăn oai nghi nằm.

Thế rồi, tỷ-kheo Tissa tu hành tinh tấn, giới hạnh trang nghiêm. Chỉ một thời gian sau, mặc dầu hạ lập còn nhỏ, chúng tỳ khưu kính trọng chàng, gọi chàng là trưởng lão Cullapindapapatika. Kinh nói rằng: “Ngài chói sáng trong giáo pháp của Đức Thế Tôn như mặt trăng giữa bầu trời”.

Trong khi ấy, tại Vương Xá thành, gia đình người triệu phú sống trong không khí sầu muộn. Người mẹ với nước mắt không khô. Người cha bước vô, bước ra thở vắn, than dài.

Cứ mỗi ngày lễ hội đến, người mẹ lại lấy ra rương vàng, hộp bạc; lấy ra y phục và đồ trang sức của Tissa thuở trước, đấm ngực, than thở ỉ ôi:

- Con ôi là con ôi! Những rương vàng tráp bạc của con còn đây. Đây là y phục của con nhà trời. Đây là châu báu trang sức của chúa loài rồng. Cứ mỗi lần lễ hội, con ngồi trên chiếc xe hai ngựa trắng thiên thần. Và thế là mặt trời của thành Vương Xá xuất hiện. Nay con ở đây? Ông Sa-môn Cồ Đàm ấy mang con đi đâu? Hiện giờ con đang đứng ở chỗ nào? Đang ngồi ở chỗ nào? Vật thực hằng ngày có đủ no bụng? Và khi trời mưa, trời lạnh, trời nóng, trời gió, trời bão, con có cái mái trên đầu để che? Cái thân của con có đủ kín bởi một manh vải?

Chợt nhiên trước mặt người đàn bà rực sáng: Một người con gái dung sắc mỹ lệ đứng mỉm cười bên ngưỡng cửa.

- Thưa mẹ - cô gái tự nhiên nói - mẹ đừng than khóc sầu muộn nữa. Con gái của mẹ sẽ mang Tissa về cho mẹ.

Người đàn bà lau vội nước mắt, biểu lộ sự ngạc nhiên:

- Cô là ai? Xin lỗi, tôi chưa được hân hạnh làm mẹ một cô gái tuyệt với khả ái như thế. Cô là ai?

Cô gái lạ mặt lấy một chiếc khăn trắng tinh từ cái xách thêu chỉ vàng, có tẩm bột hương, dịu dàng lau nước mắt cho người đàn bà sầu khổ.

- Thưa mẹ, con cũng dễ gì mà được làm con của một người có tình thương vô bờ bến như mẹ. Giá có chết bảy đời để được làm con của mẹ trong ít ngày, sống trong tình thương của mẹ, như mẹ đối với Tissa - thì con sẽ mãn nguyện vô cùng.

- Tissa, Tissa! Người mẹ lắp bắp - Cô biết Tissa ư?

- Thưa mẹ - giọng cô gái thân thiết, êm dịu - Tissa, đấy là một thiên thần của trái đất. Ở Vương Xá thành này, ai không thấy Tissa là kẻ đó không có mắt; ai không nghe chuyện Tissa là kẻ đó không có tai; ai không thương mến Tissa là kẻ đó không có trái tim!

Người mẹ hởi lòng, hởi dạ, xiết chặt tay người con gái:

- Nay thì nó không còn nữa, con à! Người mẹ thì thào - Nó đi và đi biệt. Nó đi xin ăn từng hạt cơm thừa bằng thân con quạ! Nó kiếm từng vá canh thừa những nước ốc chua! Nó đi lượm những mảnh vải bó tử thi để mặc! Nó ngồi ở chỗ không có mái che. Còn nói gì đến y phục, thuốc thang, chăn đơn, chắn kép? Còn nói gì đến các món ăn thượng vị loại cứng, loại mềm? Ôi! Con ôi! Giờ con ở đâu?

Cô gái dìu bà mẹ đến chỗ ngồi, quạt mát và xoa lưng rồi cất giọng dịu dàng:

- Mẹ ơi! Chắc mẹ muốn Tissa trở về nhà lắm phải không?

- Cô hỏi gì lạ đời! Ai mà không muốn? Người mẹ chợt hạ thấp giọng - Nhưng mà cô ơi, cô không biết đâu! Nó cứng lắm. Cái thanh sắc nguội cũng không cứng hơn cái đầu của nó. Cái lòng của nó lại như ngọn núi đá, gió bão gì cũng không lung lay được. Nó xuất gia thôi. Nó không trở về đâu!

- Không cứng như mẹ tưởng. Người con gái mỉm cười - Nếu con đem được Tissa về cho mẹ thì mẹ thưởng cho con cái gì nào?

- Gì cũng được hết. Có Tissa là có tất cả. Mất Tissa là mất tất cả.

- Thưa mẹ, nếu vậy thì mẹ hãy hứa với con một lời. Mẹ hãy cho con chủ quyền hoàn toàn trong gia đình này, con sẽ mang Tissa về đây cho mẹ, như mang một con cừu!

Người đàn bà tưởng tai mình nghe lầm, sửng sốt hỏi:

- Cô nói là “chủ quyền hoàn toàn”, thế là thế nào? Cái tiền phí tổn cho cô làm công việc đó là toàn bộ gia sản tám ức triệu đồng tiền vàng hay sao?

Cô gái vẫn giữ nụ cười trên môi:

- Không phải vậy đâu mẹ ơi! Gia tài vẫn là của mẹ, vẫn là của Tissa chứ!

Người mẹ bây giờ mới hiểu ra:

- Ồ! Này con yêu quý! Này con dâu của mẹ! Thật xứng đáng cho Tissa có được người vợ tài sắc vẹn toàn như con.

Cô gái vốn là một kỹ nữ quý phải nổi danh tại thành Vương Xá, nổi danh trong giới quý tộc, trước đây đã nghe danh Tissa, đã thấy Tissa và thầm yêu trộm nhớ chàng trai phong nhã ấy. Nay có cơ hội mà mọi phí tổn đều do gia đình Tissa cung cấp, nên nàng quyết ra tay chinh phục.

Sau khi hỏi bà mẹ về những thói quen, sở thích, nhất là món ăn mà trước đây Tissa thường hay thích dùng, nàng mang theo một số tiền lớn của bà mẹ đưa, ngồi trong một chiếc xe có rèm che sang trọng, cùng với đám tùy tùng đi về Xá Vệ, là nơi mà chàng Tissa đang hành đạo.

Cho người theo dõi, biết được giờ đi, giờ về của Tissa, cô gái mua một ngôi nhà tươm tất trên con đường ấy, giá cả thỏa thuận rất nhanh, rồi mau chóng tổ chức nếp sinh hoạt với mọi người vào ra như dân bản xứ...

Cuộc chinh phục bắt đầu...

Trên con đường khất thực sáng nay trở về, trưởng lão Ullapindapatika cảm nghe có chuyện lạ. Một cái gì khác thường xảy ra ở đây. Nơi cái cổng quen thuộc, từ lâu đóng cửa im ỉm, mọi khi chẳng có ai ra cho một cái gì, thì nay để một món ăn, một tiếng thỏ thẻ dịu ngọt bên tai lẫn một mùi hương quyến rũ. Tissa thoáng lay động, nhưng trấn tĩnh được ngay. Về đến nghĩa địa, dưới cội cây, khi ngồi xuống để độ thực, chàng bắt gặp một món ăn yêu thích thuở còn tại gia. Đây là món ăn chỉ có mẹ chàng mới làm nổi. Vì nó đòi hỏi tiền bạc, công phu, thời gian, sự khéo léo... và nhất là một tấm lòng.

Suốt mấy năm đầu đà khổ hạnh, cái thân thể cường tráng, đẹp đẽ, chói sáng như cái tháp bạc của chàng giờ đã gầy khô, xương xẩu như que củi. Chàng đã quên đi quá lâu các sở thích, các ham muốn vị dục. Cái khẩu vị của chàng cũng quên đi quá lâu những thức này ngon, thức này béo, thức kia bùi. Bình thường, chàng nuốt nó đi, cũng không phải nuốt nữa, chàng đổ vào cho nó trôi qua cổ. Vừa đổ vừa quán tưởng: ăn là để duy trì mạng sống mà hành đạo, chẳng phải làm cho đẹp cái thân, chẳng phải để phô phang sức lực, chẳng phải để nô lệ cái xác... Và cái xóm mà chàng đi khất thực hàng ngày là xóm lao động nghèo nàn; vật thực của họ thì may ra cũng chỉ để no bụng, nên phù hợp với sự tu hành lập nguyện của chàng. Nhưng nay có sự đổi khác.

Nơi cái món ăn của căn nhà kia, mới nuốt một miếng đầu tiên, không kịp quán tưởng, Tissa cảm nghe như nó đánh thức cả châu thân. Những máu huyết, những tế bào, những lỗ chân lông... như đứng bật cả dậy. Tất cả thân thể như được tỉnh thức sau một cơn ngủ dài. Tissa hốt hoảng ngồi ngay ngắn lại, điều thân quán tưởng. Nhưng rồi... miếng thứ hai, miếng thứ ba... cho đến luôn cả gói vật thực - không nhiều lắm - thì chàng không còn kiểm soát được tâm ý, không còn quán tưởng gì được nữa. Chàng không nuốt, không đổ mà nó tự trôi, cũng không phải tự trôi mà bên trong nó lôi vào, nó kéo vào!

Tissa phải kiên trì chiến đấu. Cho đến lúc chiều mát, chàng mới đi vào được cơn yên lặng của thiền định.

Ngày thứ hai, với ý chí đang còn mới mẻ, chàng có ý định từ bỏ căn nhà ấy, nhưng chàng nghĩ lại, không phải lúc nào cũng có món thượng vị. Đâu đó chỉ là sự tình cờ thôi. Nhưng dường như nó chẳng tình cờ chút nào, chàng lại bắt gặp mùi hương cũ, một món ăn thượng vị khác nữa. Đặc biệt hôm nay, dẫu chàng cố bịt tai, vẫn nghe được giọng nói ngọt ngào, cố nhắm mắt cũng thoáng thấy cổ tay, ngón tay nuột nà ngọc chuốt của người con gái.

Thế rồi, cuộc chiến đấu thầm lặng diễn ra suốt buổi chiều, hôm nay cường liệt hơn một tí, gần tối chàng mới đi vào thiền định.

Có thể từ bỏ ngôi nhà không? Chàng lại nghĩ, pháp và luật của bậc Thánh có cho phép ta, thọ đầu đà bậc thượng, lại khởi tâm phân biệt, đứng nhà này mà không đứng nhà kia trên cùng một con đường? Và rồi, bữa thứ ba, một món ăn khác nữa, cũng là món mà chàng yêu thích thuở nào, được nấu một cách thiện xảo, lẫn cái mùi hương mà chàng không còn quên được nữa.

Thời gian sau, chẳng lâu lắm, người ta thấy trưởng lão Cullapindapatika có da, có thịt hơn, nhưng dáng đi không còn thanh thản, thong dong nữa. Chàng vẫn giữ hạnh đầu đà, cũng lần lượt từng nhà một xin ăn trên con đường cũ ấy. Tuy nhiên, đôi khi chàng lại được nữ thí chủ ôm bát thỉnh vào nhà. Có vật thực xong, chàng vội ra ngay. Thỉnh thoảng, có lẽ vì “thuyết pháp” hay nói vài lời “phúc chúc” chàng ở lại lâu hơn một tí.

Hôm kia, biết cá đã cắn câu, biết sợi dây vô hình đã ràng buộc được cánh chim bằng, người kỹ nữ giả vờ bệnh và nằm ở trong phòng. Khi Tissa đến, một người hầu ra thỉnh bát.

- Nữ thí chủ hôm nay vắng nhà?

- Bạch trưởng lão, không phải vậy đâu! Người hầu chấp tay thưa - nữ chủ của con ngọc thể bất an, đang nằm mê man trên gường bệnh.

Tissa ngần ngại.

- Ôi! Nữ chủ của con trông mong trưởng lão xiết bao! Chỉ cái bóng của trưởng lão cũng đủ làm mát mẻ, êm dịu cho nữ chủ của con trước cơn bệnh ngặt nghèo!

Trưởng lão vào nhà, chẳng thấy ai. Người hầu chỉ vào chiếc màn the ủ hương.

- Nữ chủ của con dẫu biết là thất lễ những chẳng thế nào ra đảnh lễ, cúng dường. Xin trưởng lão hãy ngồi đây - chỗ mà nữ chủ đã soạn sẵn - để cất tiếng hỏi! Ôi! Chỉ một tiếng nói của trưởng lão cũng công hiệu hơn, mau lành bệnh hơn cả ngàn thang thuốc quý.

Tissa tự nghĩ: “Chỉ một hạt cơm, một muỗng cháo cũng là ân, là nghĩa với chúng sanh. Lẽ nào ta lại vô tình mà không hỏi han bệnh tình”.

- Chẳng hay nữ thí chủ có kham nhẫn nổi cơn bệnh? Nó có triệu chứng giảm hay triệu chứng suy? Và bần tăng có thể làm gì cho nữ thí chủ qua cơn thống khổ?

Có tiếng người rất yếu vọng lại.

Người hầu nói:

- Trưởng lão hãy cùng con vào thăm nữ chủ con một tí. Giọng nói của nữ chủ con giờ rất yếu, hay là đang hấp hối rồi đây!

Nói xong, y như hốt hoảng nắm tay trưởng lão kéo vào chiếc màn the ủ hương. “Đây là một người hầu nam. Đây là một việc phải lẽ. Không thể không vào thăm một người sắp chết đang cần đến mình.” Trưởng lão Tissa suy nghĩ như thế.

Căn phòng tối mờ. Lát sau, Tissa mới nom rõ một người đang nằm trên giường bệnh. Cả đầu, cả chân được phủ kín mít bằng một chiến chăn. Người nằm không động tịnh.

- Bần tăng vào thăm nữ thí chủ đây.

Tissa cất giọng nhỏ. Trên giường, chiếc chăn lay động và người kỹ nữ với một động tác cố gắng ngồi dậy. Với một cử động mạnh làm như quá đà, không gượng nổi, người kỹ nữ run xiêu té về phía trưởng lão. Tissa hốt hoảng, không còn thấy người hầu đâu, vội đưa tay đỡ người đàn bà. Khi ấy, chiếc chăn mới chịu rơi xuống. Tissa chết sững như trời trồng, chưa kịp trấn tỉnh, đã bị chiếc chăn quấn lại... rồi chết lịm đi trong mùi hương, trong vòng tay mềm mại của người kỹ nữ!...

Vĩnh viễn không còn hình bóng của trưởng lão Tissa ôm bát trở về Kỳ Viên nữa.

Chỉ vài hôm sau, người ta thấy ở căn nhà kia xuất hiện một cỗ xe ngựa trắng, các cửa có rèm che sang trọng. Trong xe, một thanh niên y phục như con nhà trời, trang điểm châu báu của chúa loài rồng, ngồi cạnh một cô con gái đẹp như chúa loài tiên, với đám tùy tùng lớn, nhàn nhã đi về thành Vương Xá...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/11/2017(Xem: 4420)
Hôm nay ngày 1.11 tôi viết bài này chỉ nhằm kể một câu chuyện thực tế lịch sử; vì đâu, nguyên nhân, tôi xin miễn đào sâu vì cũng không có đủ hiểu biết, thời gian và cũng không phải mục đích tôi muốn chia sẻ ở đây! Ba mẹ tôi đều sinh ra và lớn lên tại Huế, học xong tú tài ở trường Khải Định năm 1955 (tên lúc bấy giờ của trường Quốc Học Huế). Giai đoạn đó đất nước vừa chia đôi, TT Ngô Đình Diệm vừa chấp chính. Ông Diệm xuất thân từ gia đình quan lại, bản thân ông cũng từng đỗ đạt ra làm thượng thư như cha của ông là Ngô Đình Khả, anh là Ngô Đình Khôi, nên rất trọng bằng cấp, học vấn như lối suy nghĩ của tầng lớp trí thức nho học thời bấy giờ. Vì vậy ông Diệm rất ưu tiên cho ngành giáo dục, đặc biệt trong giai đoạn sau 1954 khi người Pháp rời khỏi VN, cần xây dựng một nền giáo dục bản xứ thay thế cho nền giáo dục thuộc địa của Pháp.
19/10/2017(Xem: 14358)
Truyện thơ: Hoàng Tử Khéo Nói và Con Thủy Quái, (thi hóa, phỏng dịch theo bản văn xuôi PRINCE GOODSPEAKER AND THE WATER DEMON của Ven. Kurunegoda Piyatissa & Tod Anderson) , Ngày xưa có một ông vua Trị vì đất nước rất ư công bằng Cạnh bên hoàng hậu đoan trang Vua yêu, vua quý, chứa chan hương tình. Thế rồi hoàng hậu hạ sinh Một trai kháu khỉnh đẹp xinh vô cùng Nhà vua sung sướng vui mừng Nghĩ suy chọn lựa tìm đường đặt tên Mong cho con lúc lớn lên Vẻ vang ngôi vị, êm đềm tương lai Vua bèn đặt tên con trai Hoàng tử Khéo Nói, nhiều tài mai sau.
06/09/2017(Xem: 7483)
Hạt hồ đào (walnut) ăn rất ngon nhưng cái vỏ của nó rất cứng. Ở Tây phương người ta có chế ra một cái kẹp sắt, chỉ cần bóp mạnh cái kẹp thì vỏ hồ đào vỡ và ta có thể thưởng thức ngay hương vị thơm ngọt và bùi của hồ đào. Có những kẻ trong chúng ta đã từng bị lúng túng trong khi đọc những bài kệ Trung Quán Luận. Nhưng trong hai mùa Đông năm 2001-2002 và 2002-2003, thầy của chúng tôi là thiền sư Nhất Hạnh đã giảng giải cho chúng tôi nghe và hiểu được những bài kệ ấy một cách dễ dàng và thích thú. Sách này ghi lại những bài giảng của thầy về sáu phẩm căn bản của Trung Quán Luận, các phẩm Nhân Duyên, Khứ Lai, Tứ Đế, Hữu Vô, Nhiên Khả Nhiên và Niết Bàn
31/08/2017(Xem: 5109)
Vào một buổi tối mùa đông cách đây hơn 30 năm, tại thủ đô Washington của nước Mỹ, một quý bà không may đánh rơi chiếc cặp tài liệu trong bệnh viện. Chồng của quý bà là một thương nhân giàu có. Ông đã vội vã quay lại bệnh viện giữa đêm hôm để tìm kiếm, bởi vì trong chiếc cặp không chỉ là rất nhiều tiền mà còn có cả một tập tài liệu mang thông tin mật của thị trường tài chính. Vị thương nhân đang đảo mắt tìm kiếm thì thấy một đứa trẻ rách rưới đứng ở hành lang bệnh viện. Cô bé đứng dựa vào tường, người vẫn còn co rúm trong bộ quần áo mỏng manh. Và trên tay cô bé chính là chiếc cặp mà vợ ông đánh mất.
29/08/2017(Xem: 6864)
Khi tôi 26 tuổi, tôi hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. George có mái tóc đen, mắt xanh và cặp lông nheo dài tôi chưa bao giờ thấy ai có được như vậy. Cu cậu bắt đầu nói khi được chín tháng, đi được khi được mười tháng và có thể bay nhảy khi được hai tuổi. Cậu bé là niềm vui của tôi, và tôi yêu thương thằng bé hơn cả tình thương mà tôi có. Đứa Con Trai Hoàn Hảo, Sharon Drew Morgan, Quảng Tịnh dịch
21/08/2017(Xem: 4735)
Tại Sao Tôi Đi Tu ? Thích Từ Lực và Trần Mạnh Toàn, Thường ngày, cảm giác của người bị phong tỏa, rình rập và đe dọa từng giây từng phút khiến anh thấy như quên mất con người riêng của mình. Nỗi buồn, vui, rung động trước ngọn gió cuối năm như đã xa rời anh. Tiếng súng và trọng pháo vắng hẳn trong buổi chiều hưu chiến. Anh không nghĩ có thể tạm quên được sự nguy hiểm, báo động thường xuyên nhưng sự vắng lặng của chiều cuối năm khiến cho những xúc động trong lòng dậy lên như âm binh được điều động. Ngọn gió nơi chân đồi bỗng làm anh thấy gờn gợn đôi tay trần. Ngọn gió y hệt như lúc vi vu bên hàng chè trước nhà vào chiều ba mươi tết, lúc mà anh giúp mẹ đặt nồi bánh chưng lên bếp lửa. “Tết ni được no rồi.” Bấy giờ, anh chẳng để ý để hiểu hết câu nói của mẹ, vừa nói, đôi tay chai sạn vừa đẩy mấy gộc tre vào lòng bếp.
09/08/2017(Xem: 4318)
Tôi về ở trong appartement này đã hơn 20 năm, một khoảng thời gian dài đủ để chứng kiến bao cảnh tang thương biến đổi của cuộc đời. Bóng xế hoàng hôn ảm đạm dàn xuống chung cư này nhiều hơn là ánh sáng rực rỡ của những buổi bình minh... Những năm đầu khi tôi mới đến, vợ chồng ông Damhart ở tầng 1 là một cặp vợ chồng đã được nhiều người yêu mến về tính tình cởi mở, luôn luôn hòa nhã với mọi người. Bà rất siêng năng mẫu mực, làm việc nhà không biết mỏi mệt, lúc nào cũng mang sẵn một cái tablier trước ngực. Tôi có cảm tưởng như công việc nhà của Bà làm không bao giờ hết được. Và gặp ai cũng vui vẻ dừng lại, hỏi thăm đôi ba câu rồi mới chịu đi. Ông chồng lại rất vui tính với nụ cười hiền hòa thật dễ thương. Rồi dần dà, Bà bị đau, không còn nhớ gì, đi gõ cửa hết nhà này đến nhà khác, có khi quên cả lối về! Cuối cùng thì không còn đi được n
28/07/2017(Xem: 4483)
Sau những cơn nắng luộc da vào Hạ, trời Hà Nội có vẻ dịu hẳn, phố phừng dập dìu xe cộ. Căn nhà nằm sâu trong đoạn đường vừa khai phóng, đối diện với một cao ốc, tầng dưới là siêu thị đơn điệu vài mặt hàng không đủ cho khách vãng lai dán mắt nhìn. Căn nhà của cô Chung, trưởng đoàn từ thiện, là cứ điểm để nhóm Từ Tâm - Hiểu và Thương hàng năm vê đây làm nơi phát xuất chuyến lữ hành mãi tận vùng Tây Bắc, cận biên Việt-Trung. Gia Lâm là một huyện ngoại thành phía đông của thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố 8 km. Đây là cửa ngõ để đi sang các tỉnh thành phía Đông như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên...
04/07/2017(Xem: 10615)
Từ hai ba tháng qua, hầu như ngày nào tôi cũng dành thì giờ ôn lại các bài học của Bụt Thích Ca trong tập phim Buddha, do nhà sản xuất Modi đưa lên mạng Youtube từ năm 2016. Khi được bạn bè giới thiệu cuốn phim này, tôi coi mấy đoạn đầu, rồi nhảy cách tới đoạn Buddha thành đạo (tập 34), và coi tiếp sau đó tập 41 tả cảnh Buddha về thánh Ca Tỳ La Vệ thăm gia đình. Đoạn 41 này rất hay, đạo diễn và tài tử đều diễn tảđược tình cảm của Buddha và bà vợ mà ông rất thương yêu trước khi đi tu.
02/07/2017(Xem: 5915)
Tống Văn đời Đường được bổ nhiệm làm tri phủ Tô Châu. Là người nổi tiếng thanh liêm, chính trực nhưng lại trọng Nho, khinh Thích. Khi về trấn nhậm Tô Châu nghe nói sự cụ Chùa Hàn Sơn là bậc tu hành đắc đạo nhưng không tin. Tống Văn lý luận rằng: Tụng kinh gõ mõ, lóc cóc leng keng ai làm chẳng được. Người tu hành không quyền thế, không binh lính trong tay, không hiền lành thì hung dữ với ai. Lại nữa, có tỏ ra hiền lành thì thập phương mới cúng kiếng chứ hung dữ thì chỉ có nước bỏ chùa đi ăn mày…cho nên tìm cách thử.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]