Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Chàng sa-môn họa sĩ

24/10/201202:50(Xem: 8893)
02. Chàng sa-môn họa sĩ

THANH GƯƠM BA-LA-MẬT
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Chàng sa-môn họa sĩ


Thuở Đức Phật Ca Diếp còn tại thế, có hai huynh đệ đồng tu. Anh là bậc trưởng lão thanh tịnh, đắc ngũ thông. Em là một nhà hội họa, tâm hướng như gió núi mây ngàn, suốt đời không an trụ.

Hôm kia, bậc trưởng lão gọi em đến dạy rằng:

- Ta suốt ba mươi năm cần cù khổ hạnh, nghiêm cẩn và chí thú với đạo Trí tuệ, vậy mà chưa thấy được pháp giải thoát. Còn em, suốt ngày say mê đuổi bắt những ảo ảnh vô thường. Sáng rong chơi ở bể đông để ngắm mặt trời mọc, chiều leo lên núi tây để xem mặt trời lặn. Bút lông thú thay cho trượng bố ma. Túi vải màu thay cho bình bát xin ăn. Sự thoáng hiện và biến đổi sắc màu của trời mây, non nước là trò chơi kiều diễm nhưng ma mị của thần huyễn hóa. Vui gì, đẹp gì mà mải mê cho uổng kiếp phù sinh?

Người em cúi đầu lắp bắp:

- Dạ phải, dạ phải!

Bậc trưởng lão thương hại nhìn em:

- Hãy tu thôi chứ em? Hãy quẳng bỏ túi màu và bút lông thú. Hãy ngồi dựng đứng như gốc cây, ăn vừa đủ, ngủ vừa đủ. Tuyệt đối chăm chú vào đề mục thiền định. Đêm ba canh, ngày bốn khắc, hãy chăm giữ cái tâm như chăm giữ một con ngựa hoang, như chăm giữ một con khỉ núi. Nếu không được thế thì cởi y, bỏ bát mà về đi thôi!

Người em cúi mặt thẹn thùng:

- Dạ phải, dạ phải!

Từ hôm được lời giáo huấn chí tình, chí lý và nghiêm khắc của anh, người Sa-môn họa sĩ lưng dựa vào gốc cây, tinh tấn thiền định.

Tháng thứ nhất qua đi, người em tới trình pháp:

- Thưa anh, tâm em đã an trú. Con ngựa hoang kia không còn bứt dây, phá xiềng để bay chạy đồi cao hay lũng thấp nữa! Con khỉ núi nọ không còn nhảy nhót, leo chuyền suốt đời phóng dật nữa. Chúng ở im. Tuy thế, những ảo ảnh như khói, như sương lại hiện đến lôi cuốn như ma mị. Trong vài giây khắc, em chụp túi màu và bút lông thú, nhưng vội tỉnh ngộ ngay. Nguy hiểm, thậm nguy hiểm!

Bậc trưởng lão mỉm cười rộng lượng:

- Gắng lên, gắng lên nữa!

Tháng thứ hai, chàng Sa-môn họa sĩ lại tới trình pháp:

- Thưa anh, tâm em hoàn toàn đã an trú thanh tịnh rồi. Vậy thưa huynh trưởng khả kính, đâu là con đường phải đi nữa? Đâu là pháp giải thoát cần phải hướng tâm?

Chăm chú nhìn em giây lâu, ở đấy, khí an tĩnh và trầm ổn tỏa ra từ khuôn mặt trẻ trung mang nét đẹp phiêu bồng của đám bạch vân ngự yên trên đầu núi; bậc trưởng lão đứng dậy:

- Em lãng du rong chơi cũng đã nhiều, có thấy nơi nào có chiếc hồ xinh đẹp, hoa súng nhiều màu tươi thắm, thơm ngát? Và dưới hồ trong xanh như mắt pha lê, có đàn cá đỏ vàng bơi lội nhởn nhơ trên những viên cuộn trắng tinh?

Người em ngạc nhiên:

- Có chứ! Ở phía tây Hy Mã, trong thung lũng của dãy Huyền Sơn, em đã thấy một chiếc hồ cực kỳ mỹ lệ như thế. Nếu là đêm thanh trong, có trăng... thì ôi! Là cả một bức tranh trăng nước, sơn thủy hữu tình! Giả dụ có túi màu và bút lông thú ...

Chàng Sa-môn họa sĩ biết mình lỡ lời nên nín lặng. Bậc trưởng lão khoát tay mỉm cười:

- Không sao, bây giờ em hãy cùng ta đi đến đó.

- A, chẳng hay ...?

- Không, ta không ngoạn cảnh đâu! Cảnh trên trần gian này đều là cảnh biến ảo, vô thường, có gì chắc thật đâu mà ngoạn!

- Thế thì chúng ta đến đó làm gì?

- Rồi em sẽ biết.

- Nhưng xa lắm.

Bậc trưởng lão cất giọng xa xôi:

- Ta ba mươi năm cần cù khổ hạnh, trì chí kiên gan theo lời dạy của Đức Thế Tôn. Tuy thế, vì căn cơ chậm lụt, “lõi cây” dẫu chưa tìm được, ta cũng vớ được cái “vỏ ngoài”. Em yên trí, với cái “vỏ ngoài” đó, từ đây mà đến dãy Huyền Sơn xa tít tắp kia, chỉ cần thời gian một cái nhấc tay!

Nói xong, bậc trưởng lão bảo em nhắm mắt lại. Lạ lùng thay, khi mở mắt ra, họ đã đứng cạnh chiếc hồ xinh xắn, mỹ lệ.

Bậc trưởng lão ân cần nắm tay em đi dạo một hồi. Lát sau, họ cùng ngồi trên tảng đá, nhìn đàn cá vàng đỏ tung tăng bơi lội dưới hồ.

- Hãy nhìn xuống đáy hồ kia! Bậc trưởng lão nói.

- Dạ! Người em đáp.

- Em thấy gì trong đó?

Người em chăm chú quan sát rồi nói:

- Sóng lặng, nước trong nên không những em trông thấy cá bơi lội, từng viên sỏi nhỏ, mà còn trông thấy cả những cọng rong rêu bé li li như sợi tơ trời đan kết lại.

- Đúng thế, nhưng anh đố em, tại sao có lúc ta có thể nhìn thông suốt đáy hồ, mà tại sao có lúc ta không nhìn thấy gì hết?

Vốn thông minh sẵn, người em mỉm cười:

- Cảm ơn anh đã tận tình và khổ công chỉ dạy rõ ràng, cụ thể. Em đã biết rõ con đường để đi. “Giới năng sinh định, định năng sinh tuệ”. Có phải anh muốn khai mở cho em thấy rằng, tâm ta mà yên lặng và trong suốt như hồ kia thì ta có thể thấy được vi tế phiền não. Định là ở đó, mà Tuệ giải thoát cũng từ đó mà phát sanh?

Bậc trưởng lão nhũn nhặn, khiêm tốn:

- Đấy là giáo giới của bậc Đại Tôn Sư!

Thế rồi, tháng thứ ba, người em đi sâu vào thiền định và an trú kiên cố nơi trạng thái vắng lặng an lạc của nhị thiền, nhưng Tuệ không thấy phát sinh.

Tháng thứ tư, người em lại càng đi sâu thêm nữa. Thân giờ như cây khô, tâm giờ như tro nguội, thất tình lục dục đã chìm mất xa xôi như ở một kiếp nào. Chàng đã lần lượt bước vào tam thiền và tứ thiền, tìm được trạng thái hoàn toàn buông xả, trong lặng, nhưng Tuệ cũng không thấy phát sinh.

Sau bốn ngày nhập định, người em xả thiền đi đến bậc trưởng lão để trình pháp:

- Không còn thấy tăm bóng ngựa hoang và khỉ núi nào nữa cả. Chiếc hồ kia lặng yên và trong suốt lắm rồi, những sắc màu long lanh của vảy cá, những cọng rong li ti đều trông thấy rất rõ ràng. Nhưng Tuệ giải thoát là ở đâu? Tuệ thấy rõ Niết bàn ở chỗ nào?

Bậc trưởng lão trầm ngâm:

- Ta chỉ biết có thế thôi, không hơn em mà cũng không thua em - trên phương diện thiền định. Tuy thế, không phát sanh được Tuệ giác thì ta hướng tâm đến các khả năng thần thông phép lạ. Phần thưởng này cũng lạc thú vô cùng, không uổng cái kiếp phù sinh chứ em?

Người Sa-môn họa sĩ bây giờ lại cất lên tiếng rống của con mãnh sư:

- Thôi đi, ngài đại trưởng lão thanh tịnh! Cái mà Ngài gọi là lạc thú kia, chắc gì đã lạc thú bằng chàng họa sĩ với túi màu và bút lông thú của y? Thần thông và phép lạ của ngài chắc gì hơn được sự biến đổi sắc màu của trời mây, non nước? Thần như cây khô, tâm như tro nguội thì quý báu gì cho lắm mà toan đánh đổi lấy kiếp phù sinh?

Thôi, em xin trân trọng trả lại “chiếc hồ xanh trong suốt như pha lê” cho anh; trả lại “sự thanh tịnh bất động ngàn đời của định núi đá hoang vu” cho anh. Trả hết! Em đi thôi! Em trở về với biển cả sinh động ngàn đời của em! Em trở về với kiếp phiêu bồng mây ngàn và gió núi của em!

Chàng Sa-môn họa sĩ vừa quay lưng định bỏ đi thì sừng sững trước mặt, một vị Đại Sa-môn to lớn, uy nghi, đầu trần, chân đất, chiếc y vàng rực cả một khoảnh trời. Y sửng sốt, há miệng ra, quỳ xuống! Suốt đời, chàng Sa-môn họa sĩ chưa bao giờ gặp được một con người toát ra những uy lực nhiếp phục người khác đến như vậy.

“-Này tỷ-kheo! Đức Thế Tôn Ca Diếp cất tiếng thanh tao, trầm bổng như tiếng chim Ca-lăng-tần-già trên đỉnh Tuyết sơn - Tâm không loạn, ấy là định. Pháp không lầm lẫn, thấy rõ như thực, ấy là tuệ. Tâm không dính mắc dù pháp thô hay tế, bên trong hay bên ngoài, ấy là Tuệ giải thoát. Này tỷ-kheo, pháp của Như Lai không từng thêm, không từng bớt. Pháp ấy cụ thể, hiện tiền, vượt không gian, thời gian... Pháp ấy không phải là để chứng đạt, nắm bắt mà chỉ để dành cho kẻ có trí tự mình liễu tri, giác hiểu...”.

Ý nghĩa lời pháp như ánh mặt trời vàng chói lọi xuyên thủng qua hàng triệu đêm trường tăm tối, đốt cháy hư vô và hốt nhiên bừng nở trong tâm chàng họa sĩ Sa-môn một đóa kỳ hoa. Bờ kia hiển hiện ngay chính bờ này, chẳng đến, chẳng đi, dung thông tự tại.

Bậc trưởng lão được khai thông tuệ nhãn, rút sâu vào rừng để viên mãn công hạnh, sau này, làm nơi y chỉ cho tứ chúng.

Còn chàng Sa-môn họa sĩ thì tùy duyên hóa độ từ xứ này sang phương khác; thỉnh thoảng chàng lại hành trang lên đường với túi màu và bút lông thú ... Sáng rong chơi ở biển đông để xem mặt trời mọc ... Chiều leo lên núi tây để ngắm mặt trời lặn ...!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/09/2011(Xem: 11433)
Tôi cảm động, vì sống trong đạo giải thoát tôi đã tiếp nhận được một thứ tình thiêng liêng, trong sáng; một thứ tình êm nhẹ thanh thoát đượm ngát hương vị lý tưởng...
12/09/2011(Xem: 3653)
Hồ Biểu Chánh (1884–1958), tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên; là một nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ 20. Ông sinh năm 1885 (trong giấy khai sinh ghi ngày 1 tháng 10 năm 1885) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, ông thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.
11/09/2011(Xem: 12475)
Tôi thức dậy trong một sự yên tĩnh như thế ấy ở Pomona. Tiếng chim hót vang rừng những không thể nói là tiếng ồn. Nó lại càng làm cho sự yên lặng thêm sâu hơn về bề sâu là khác.
06/09/2011(Xem: 10505)
Đóa sen, nếu nhìn dưới kính hiển vi và suy luận theo thiên văn học, là nền tảng của vũ trụ và cũng là một phương tiện giúp ta khám phá vũ trụ.
05/09/2011(Xem: 7485)
Điều tôi muốn là con đường đưa đến sự chấm dứt mọi đau khổ, một con đường đã được khám phá hơn hai ngàn năm trăm năm nay nhưng mãi đến thời gian gần đây tôi mới ý thức được nó.
05/09/2011(Xem: 6224)
Tinh thần Hoa Nghiêm từng dạy một câu rất thâm sâu nhưng chỉ cần lắng tâm là có thể nắm bắt được. Đó là: “Khoảnh khắc chứa đựng thiên thu”. Mỗi phút giây là mỗi thách thức của ta qua sự hiện hữu ở cõi Ta Bà này. Ta phải nghĩ thế nào để có chánh niệm, thở thế nào để có tỉnh thức, sống thế nào để có an lạc. Bước được một bước chân vào Tịnh Độ thì cần gì trăm năm?! Khoảnh khắc đó chính là thiên thu đấy.... Đức Phật là tiêu biểu tuyệt hảo về Từ, Bi, Hỷ Xả. Đó là Tứ Vô Lượng Tâm toàn bích, không một tỳ vết, thể hiện qua suốt cuộc đời thị hiện ta-bà của Ngài.
01/09/2011(Xem: 2763)
Lữ khách một mình trên lối mòn vào thung lũng An-nhiên. Núi rừng trùng điệp miền Bản-ngã-sơn huyền bí, nhàn nhạt ánh mặt trởi trên bóng lá thâm u. Mơ hồ đâu đó phảng phất khói lam ai đốt lau làm rẫy dưới sườn non.
31/08/2011(Xem: 13016)
Cám ơn nàng. Nàng đã đem lại cho ta SỰ THẬT. Nàng đã cho ta thấy cái phi lý của tưởng tượng. Ta sẽ không còn ôm giữ một hình ảnh nào, vì Phật đã dạy: Pháp còn phải bỏ huống chi phi pháp.
29/08/2011(Xem: 7005)
Cha cô vẫn nói, cô giống mẹ từ chân tơ, kẽ tóc, vừa xinh đẹp, vừa tài hoa. Cha thương nhớ mẹ bao nhiêu là yêu quí cô bấy nhiêu.
29/08/2011(Xem: 14107)
Bàng bạc khắp trong tam tạng kinh điển, hằng hà sa số mẩu truyện, đức Phật thường nhắc đến sự liên hệ giữa Ngài và các đệ tử, giữa chúng sanh và Ngài trong những kiếp quá khứ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]