Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Say Hoa

01/11/201204:11(Xem: 8201)
08. Say Hoa
NGƯỜI TRỒNG HOA VÀ CHÀNG TU SĨ
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Say Hoa




Vào đời vua Trần Nhân Tôn, dưới chân núi Thiên Thai có một nhà ẩn sĩ họ Khưu, tánh tình lập dị, không màng danh lợi mà quanh năm chỉ say mê hoa kiểng.

Gia tài của cha mẹ để lại cũng có trăm vạn, vài chục đám ruộng nhưng lần hồi Khưu ẩn sĩ bán sạch. Hễ nơi nào có giống hoa quý, hoa lạ thì với giá nào chàng cũng mua cho bằng được. Không có tiền mua, chàng đổi bằng của cải, tài sản. Chỉ non mười năm sau, nơi khu vườn của chàng đã có hơn trăm loại phong lan, trăm loại thổ lan, ngoài ra các lại danh hoa, danh mộc như trà mi, mẫu đơn, tảo mai, mộc cẩn, thục quỳ, oanh trúc... thì thật không kể xiết.

Vào vườn, khách phải đi xuyên qua một khu rừng trúc. Trúc cũng không phải là những thứ trúc tầm thường, mà được sưu tầm từ các xứ xa xôi. Có những thứ trúc như tảo đằng, tuyết đầu, thiên bút, cao phong, vân lôi... chàng phải đặt mua từ các dãy núi Thiên Sơn, Côn Luân tận cực Tây Trung Hoa.

Qua khỏi khu rừng trúc, khách phải dừng chân nơi một con suối thơ mộng. Ở đâu đó, nước rỉ ra từ những kẻ đá, trôi lặng lờ trên mặt cuội trắng tinh rồi vỗ nhẹ lên mấy đám cỏ biếc nở hoa li ti ngũ sắc. Cá lội từng đàn đủ màu, đủ vẻ, giỡn với những hạt bọt nổi phù du nom thanh bình như giữa cõi bồng lai. Đứng mỏi, khách có thể ngồi trên những tảng đá lưu niên cổ đại, tượng đứng, tượng ngồi, tượng nằm, sắc đá loáng thoáng rêu đen, xám, nhợt nhờ sương nước như những bức tranh “vĩnh tịch”.

Qua suối, bên mép chiếc cầu đá cong cong, ai đó viết nguệch ngoạc vài câu thơ không rõ nét, trông cũng phóng khoáng và phiêu bồng quá thể. Trên một tảng đá dựng thẳng, cao hơn trượng, đầu xám bạc, chân rêu xanh, nổi lên hai câu thơ, nét đại tự sắc mạnh như vệt đao chém giữa hư không:

“Thiên hạ hốt nhiên đại định,

Tứ thời tịch mịch hoa khai!”

Chẳng có gì hay ở đó, đại ngôn và tầm thường nữa, nhưng kể ra là có khí phách, ngang tàng một chút hoặc cuồng ngông một chút thì cũng vậy. Nhưng đâu là cái đại toàn? Giữa cái tuyệt bích rơi xuống một vài nét chấm phá thô tháo không tạo cho ta một vài cảm giác mạnh và đột ngột hay sao?

Người ta thường gọi chàng là Khưu ẩn sĩ, nhưng cái danh của chàng chơi hoa ở núi Thiên Thai đã làm rung động chốn đế kinh và thu hút rất nhiều danh sĩ, đạo nhân, tao nhân mặc khách...

Hôm kia, qua chân núi Thiên Thai là hai Tăng nhân bộ hành phong trần. Đến khu rừng trúc, họ dừng chân lại.

Một người nói:

- Cái thú say hoa kiểng thì thế gian chỉ có Khưu ẩn sĩ là một.

Người kia đáp:

- Họ say hoa thì chúng ta say Phật. Tục, thanh hay thoát tuy có khác nhau nhưng cũng là một cách say đó thôi!

Nói xong, y cười ha hả, giở chiếc nón rộng vành bày khuôn mặt ốm thanh tú, đôi mày sắc và nước da sạm đen. Y còn rất trẻ, tuy khoác chiếc áo nâu rộng đã bạc màu nhưng cũng không giấu được nét phong lưu kỳ mỹ.

Người kia đã đứng tuổi, to lớn, cằm vuông. Y nhăn mặt:

- Pháp đệ nói vậy không sợ giảm giá trị của đạo ta xuống sao? Hoa mà dám ví với Phật sao?

- Có gì đâu mà Pháp huynh bảo là dám và không dám?

Rồi tăng nhân trẻ chợt cao giọng:

- Phật là hoa. Hoa là Phật. Phật là tối thắng hoa, diệu thắng hoa. Pháp huynh vì không thấy Phật nên không thấy hoa. Hoặc giả, Pháp huynh bận đi tìm Phật nên chẳng thấy hoa bao giờ.

Tăng nhân đứng tuổi nhăn mày có vẻ trách móc nhưng lặng lẽ nhẫn nhục không nói gì. Ngay khi ấy có tiếng reo từ rừng trúc vọng lại:

- Hay lắm! Hay! Sư bác luận thế làm cho kẻ quê mùa dốt nát này bái phục làm sao! Phật là hoa, hoa là Phật, hay lắm!

Câu nói vừa xong, thì một người gầy gò mặc áo bào xanh chống gậy trúc sau vòm cây bước ra, dáng dấp tiêu sái, nhàn thoát khó đoán nổi tuổi tác. Y cung hai tay lại, phong cách lễ độ vừa phải.

Vị tăng trẻ đáp lễ rồi hỏi:

- Ẩn giả là chủ nhân chốn kỳ hoa?

Người ấy là Khưu ẩn sĩ, cười đáp:

- Vâng, xin thưa, chữ chủ nhân kia chỉ là lạm dụng, khiên cưỡng. Ai đòi làm chủ hoa thì kẻ đó khi mạn, thất lễ với trời đất. Kẻ ngu hèn này đâu dám thế. Hoặc giả sư bác muốn chỉ dạy một bài học về tâm pháp chăng?

Vị tăng lớn tuổi bây giờ mới quay lại, chăm chú nhìn người lạ mặt một hồi:

- Quả thật danh bất hư truyền. Đúng là phong độ cao nhân ẩn sĩ họ Khưu! Chúng tôi cam bề thất lễ. Nhưng bây giờ thì xin cáo từ!

Vị tăng trẻ nói:

- Huyền Quang tôn giả có lễ chưa về núi, hiện giờ đang còn ở Yên Tử cũng nên. Hay là, Pháp huynh à, chúng ta qua bộ vào trong kia một lát cho mãn nhãn cái kiếp nhân sanh?

Vị tăng đứng tuổi hừm một tiếng:

- Hoa sắc, sắc hoa đều là hiện tướng của ma quân! Pháp đệ hãy khá lưu tâm. Sinh tử là việc lớn, trăm năm nào có mấy khắc, chớ có say mê hoa thơm cỏ lạ dọc đường để ngàn thu ân hận.

Khưu ẩn sĩ tủm tỉm cười:

- Mời quý sư ông, sư bác vào tệ xá uống vài chung thanh trà lấy thảo. Huyền Quang tôn giả và ngu lão đây vốn có tình quen biết, lúc nào đến Thiên Thai, đại sư cũng dừng chân ở đây giây lát để ngắm hoa và thưởng trà.

Vị tăng trẻ nói:

- Vậy thì xin phép chủ nhân cho chúng tôi được quấy quá.

Thế là vị tăng đứng tuổi đành miễn cưỡng đi theo. Cảnh đẹp làm cho vị tăng trẻ phải ngẩn ngơ, thán phục. Qua cầu, y dừng chân nơi hai câu thơ thật lâu rồi trầm trồ khen ngợi không hết lời. Vị tăng đứng tuổi hừm một tiếng rồi xăm xăm đi trước.

Ôi! Thật là không thể kể xiết được những kỳ hoa dị thảo ở khắp nơi. Trên cội cây, hốc đá, lối đi, bờ suối, triền non... đâu đâu cũng trăm sắc nghìn vẻ. Lời đồn đại của thế gian là mười mà chưa nói lên được một. Cảnh trí u nhã làm cho tâm hồn con người lâng lâng lắng dịu. Chủ nhân và vị tăng trẻ có vẻ tâm đầu ý hợp nên trò chuyện huyên thuyên...

Khi rời rừng hoa để bước vào Thảo nhai đình, tức là chái mây nhô ra bờ vực làm nơi thưởng trà, vọng nguyệt, vị tăng trẻ hốt nhiên ngâm mấy câu thơ lục bát với nhã ý tặng riêng Khưu ẩn sĩ:

Trần gian một thoáng không dài

Có khi mộng hóa, liên đài cũng nên!

Thềm mây đọng bóng chơn thiền

Ai ngờ tâm pháp một miền cỏ hoa!

Vị tăng đứng tuổi lòng ngổn ngang trăm mối buồn phiền vì người Pháp đệ của mình. Vừa qua chung trà thứ nhất, y đã cất giọng nói lớn:

- Chủ nhân có một đời sống thanh cao lắm, nhưng dám xin thưa thẳng một điều: tự mình có một đời sống nhàn lạc ở nơi góc núi đẹp như tiên cảnh này, danh lợi thị phi đắc thất dường như gió thoảng ngoài tai, dẫu vậy, phải chăng cũng còn ở trong cái ngã ái chật hẹp lắm ư?

Ẩn sĩ họ Khưu mỉm cười mà rằng:

- Dạ phải, sư ông dạy chí phải!

Vị tăng đứng tuổi cười lạt:

- Khưu ông mang cốt cách, phong thái của một dật sĩ, năm kinh ba giáo xem chừng cũng đã có ghé mắt xem qua. Vậy thì lời dạy của thánh hiền phải chăng là sở đắc này: Một đời sống nhàn lạc riêng tư, chật chội, phó mình buông trôi cho dòng chảy xiết “bộc lưu sinh tử”?

Ẩn sĩ họ Khưu cúi đầu nhũn nhặn:

- Dạ phải, sư ông dạy chí phải!

Vị tăng trẻ lấy làm khó chịu:

- Pháp huynh sao lắm lời đến thế? Mỗi người ai chí nấy, nhân nào quả nấy, tâm nào cảnh nấy! Đức Thích Ca đại sĩ bao nhiêu năm thuyết pháp mà không hề nói một chữ! Tu-bồ-đề im lặng thiền duyệt mà chư thiên rải hoa! Tâm mà có thể nói được? Pháp mà có thể nói được?

Vị tăng đứng tuổi khuôn mặt thoáng rắn lại, rồi chợt cười ha hả:

- Hay lắm! Cám ơn Pháp đệ đã thuyết Bát-nhã tánh không cho ta nghe! Cám ơn Khưu ẩn sĩ đã cho bần tăng lãnh hội tri kiến Pháp Hoa kinh. Thậm tri! Thậm tri! Vậy thì quý ngài cứ tâm đắc thù tạc, cho bần tăng thất lễ kiếu từ.

Ân sĩ họ Khưu chợt nói:

- Xin sư ông nán lại một chút. Có mấy đóa “bạch vân trà”, có lẽ vữa mới mãn khai. Đấy là loại tinh khiết, vương giả giữa trăm hoa, không để cho sư ông thưởng ngoạn thì biết để dành cho ai nữa?

Nói xong, ông ta biến mất sau mấy cụm bích đào, lát sau, mang ra một chậu trà mi trắng trang trọng đặt lên phiến đá cẩm thạch.

Cả hai vị sư đều sửng sốt.

Trong chậu, mấy đóa trà mi trắng nõn nường. Như lụa? Như thủy tinh? Như sương? Có lẽ chẳng phải thế! Nó như màu nguyệt bạch hoặc như màu bạch ngọc nhìn qua làn trăng mỏng. Cũng không hẳn thế. Thôi, chỉ diễn tả là đẹp lắm, đẹp tuyệt vời, đẹp không có gì sánh nổi, không có cách gì mà dùng lời được. Từng cánh hoa cong cong xếp lại. Mỗi cánh là một nét yểu điệu, mềm mại của vì tiên nữ. Ngoài ra còn có những đường vân tinh vi khi ẩn khi hiện qua ánh sáng đã được chắc lọc tinh khôi, vô nhiễm...

Khưu ẩn sĩ nhìn đôi mắt sửng sốt của hai vị tăng, y mãn nguyện, rung đùi ngâm:

- Tướng Phật, tướng hoa: vô nhị tướng!

Tánh hoa, tánh Phật: bản lai đồng!

Vị tăng trẻ cũng nhã hứng, thốt lên một cách sảng khoái:

- Biệt biệt, nhất trần vô cá biệt!

Khán hoa kiến Phật, liễu vô cùng!

Khưu ẩn sĩ đứng dậy cung tay hoan hỷ tán thưởng. Vị tăng đứng tuổi chép miệng, chặt lưỡi, ngó lên trời than dài:

- Ôi! Đảo điên đến thế là cùng! Pháp lộn tâm! Tâm lộn pháp! Chẳng hiểu đầu đuôi gốc ngọn ra sao mà dám xem Phật, hoa là đồng đẳng! Khán hoa là kiến Phật! Ôi! Than ôi! Phật pháp suy vi đến thế là cùng! Kẻ học Phật thời nay ngông cuồng đến thế là cùng! Ôi! Than ôi!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/06/2011(Xem: 2068)
Mặt trời ló dạng trải những ánh vàng óng ả trên mặt biển khơi, chiếu sáng rực rỡ một góc trời. Ngoài xa, từng cơn sóng nô đùa nối đuôi nhau cặp bờ.
12/06/2011(Xem: 2344)
Ngày xưa có một anh chàng sinh viên nghèo, thật thà, ngay thẳng, sống trong một căn gác xép, chẳng có lấy một tí gì.
12/06/2011(Xem: 2266)
Một sáng tháng năm ta ở phía tây thổi về (vẫn lời của gió), rong ruổi trên bờ bể, qua các khu rừng và đồng bằng, vượt qua sông Ben.
12/06/2011(Xem: 2338)
Em nhổm dậy và nhìn qua cửa buồng vẫn đang hé mở. Em lắng tai và hình như nghe tiếng đàn dương cầm vẳng ra từ phòng bên...
12/06/2011(Xem: 2279)
Cha nó đang ốm thập tử nhất sinh. Nó rất buồn. Trong túp lều nhỏ chỉ có hai cha con. Cha nó bảo: "Giăng ơi! con thật hiếu thảo!
04/06/2011(Xem: 5169)
Trời đổ mưa, muối Bé, bây giờ là hạt mưa, gặp lại muối To mừng rỡ, ngạc nhiên: “Ôi chị muối To của em, sao chị lại nằm trơ trốc một mình ở chốn này!”. Muối To sụt sùi kể: “Số kiếp của chị khổ lắm, tủi nhục lắm… hu, hu… còn em sống thế nào?”. “Tuyệt lắm chị ơi! – muối Bé hí hửng – khi em hòa tan trong nước biển, em được bay lên trời, thỏa thích ngắm Trái đất trên cao, đẹp lắm. Sau đó em thành mưa tưới mát cho Trái đất thêm xanh tươi. Chưa hết, em còn đi chu du nhiều nơi trên Trái đất trước khi về biển, chuẩn bị một hành trình tuyệt vời khác… Thôi em chào chị, em phải đi để sớm về với cội nguồn”. Nhìn muối Bé hòa mình với dòng chảy, xa dần… bỗng dưng muối To thèm khát cuộc sống như muối Bé, muốn hòa tan, hòa tan… Nhưng… chao ôi, quá muộn rồi? Nó đã trở thành sỏi đá, mãi sống trong cô đơn, mãi bị người ta chà đạp!
03/06/2011(Xem: 12331)
Tập 5 Thích Minh Chiếu Sưu tập ---o0o--- Mục lục Tập 5 Phần 01 Chuyện con ngỗng trời vàng Ðường lầy Ô Sào thiền sư Năm con lừa Hành động bất khả tư nghì của một bậc đã tu chứng Phần 02 Cụ già tu mướn Lạy Phật cầu chồng Khang Hy tìm Phổ Hiền Phật ở đâu? Ðức Phật và Chiến Già
31/05/2011(Xem: 23904)
Trước khi thành Thiền sư, Trúc Lâm đại sĩ đã từng làm vua nước Đại Việt. Đó là vua Trần Nhân Tông, người đã từng đẩy lui cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ.
24/05/2011(Xem: 5191)
Lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy có không ít những vị Thiền sư Việt Nam đã thể hiện trọn vẹn tinh thần vì dân vì nước. Các Thiền sư này xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, khi thì đóng vai Thái sư Khuông Việt, hay người chèo đò Đỗ Thuận, lúc lại là người thầy thuốc Tuệ Tĩnh hay thợ đúc đồng Nguyễn Minh Không, thậm chí có lúc tự tại ở ngôi vị đế vương xông pha trước mũi tên lằn đạn để chống đỡ cho muôn dân thoát khỏi nạn dày xéo của ngoại bang. Đối với các Ngài, hình thức cư sĩ, xuất gia, làm vua, làm quan, làm người chèo đò, làm thầy thuốc, làm thợ mộc hay thợ đúc đồng hoặc bất cứ ngành nghề gì chẳng qua chỉ là lớp áo đổi thay không dừng trên sân khấu cuộc đời, trong tâm niệm các Ngài luôn mong mỏi đem lại ấm no hạnh phúc cho dân tộc. Vì vậy, các ngài đi vào cuộc đời mà không bị lợi danh quyền thế làm hoen ố vẩn đục; tâm hồn luôn thanh thoát như những đóa hoa sen thơm ngát giữa bùn lầy mà không bị bùn nhơ làm ô nhiễm. Vì vậy, bất cứ người Việt nào, khi đọc lại những trang sử
22/05/2011(Xem: 3076)
Tít ngoài biển khơi kia, nước xanh hơn cánh đồng hoa mua biếc nhất, trong vắt như pha lê, nhưng sâu thăm thẳm, sâu đến nỗi neo buông không tới đáy...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]