Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 12

18/03/201201:48(Xem: 9806)
Chương 12

NGÕ THOÁT

tức Phương Trời Cao Rộng 3

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1996

flowerba

CHƯƠNG MƯỜI HAI

Thiện Đắc mới quen tôi vào mùa hè năm ngoái. Trước đó, Thiện Đắc biết tôi qua sự giới thiệu của chú Hòa (lúc này đã là một vị đại đức, nên gọi là thầy Tâm Hòa). Tâm Hòa kết giao với Thiện Đức và Nguyên Lạc trong một dịp lễ lớn nào đó ở Sài Gòn. Vì có sinh hoạt và giữ một nhiệm vụ quan trọng trong Đoàn Phật Tử Phụng Đạo, Tâm Hòa muốn giới thiệu đường hướng sinh hoạt chung của chúng tôi đến hai người bạn mới này; rồi thấy họ là những tăng sĩ trẻ nhiệt tâm, Tâm Hòa hướng dẫn họ đến tiếp xúc tôi tại chùa Long Quang, ngôi chùa ở kinh tế mới Bàu Cạn, thuộc huyện Long Thành.

Thiện Đắc lớn hơn tôi vài tuổi, nhưng anh hòa hợp và làm việc với tôi dễ dàng. Anh và Nguyên Lạc có đến ở lại chùa Long Quang với tôi ba tháng vào mùa hè năm ấy.

Thiện Đắc đang là sinh viên Luật khoa năm thứ nhất vào năm cuối cùng của chế độ Cộng Hòa. Một tu sĩ đeo đuổi Luật học cũng cho thấy phần nào cá tính và khuynh hướng của Thiện Đắc. Thường ngày, Thiện Đắc chuyên tâm đọc sách, toạ thiền, tụng mật ngôn (đà-la-ni, tức thần chú), ít nói chuyện. Nhưng vào các đêm chùa Long Quang có tổ chức uống trà đọc thơ dưới trăng, Thiện Đắc luôn luôn là người sôi nổi, tích cực nhất trong mọi tiết mục. Anh ca, đọc thơ, thảo luận thao thao với nhiều sáng kiến, nhiều nhận định sâu sắc về thời cuộc. Anh không đam mê gì ngoài việc tụng đọc thần chú và hút thuốc. Có thể nói là anh nghiện thuốc lá khá nặng. Tuy vậy, mỗi khi nhập thất (kéo dài một tuần), anh có thể không hút một hơi thuốc nào. Bắt tay vào việc gì anh cũng sốt sắng và quyết tâm làm cho đến nơi đến chốn. Có khi Thiện Đắc nói với tôi rằng anh không thấy gì trở ngại khi vừa đeo đuổi con đường giải thoát vừa dấn thân cứu đời bằng con đường chính trị để mưu cầu hạnh phúc cho số đông. Tôi cũng tán đồng quan điểm của anh. Tôi cho rằng, Phật giáo là đạo từ bi, giải thoát và giác ngộ. Nuôi dưỡng lòng từ bi thì không thể để mặc cho dân đói khổ; có lý tưởng giải thoát thì không thể để dân bị trói buộc trong xiềng xích nô lệ; có tinh thần giác ngộ thì không thể để cho dân bị các thế lực cầm quyền dìm vào chính sách ngu dân, hiểu biết một chiều một cách vô minh để rồi lại thêm trăm năm, ngàn năm tiếp tục sống dưới ách nô lệ, mất hết tính tự chủ độc lập mà tổ tiên đã trải cả máu xương để gìn giữ! Và tôi lặng lẽ nhìn Thiện Đắc như một hình ảnh đẹp biểu trưng tinh thần Đại thừa Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Việt Nam qua mọi thời đại, luôn gắn liền với dân tộc để gánh chung tất cả khổ nhục trong những bối cảnh suy vi của đất nước.

Sau ngày 30/4/1975, Thiện Đắc bị cộng sản trục xuất ra khỏi Việt Nam Quốc Tự. Nhà nước cho rằng ngôi quốc tự này được xây dựng bằng ngân quỹ của Mỹ-Ngụy, nên phải sung công để làm khu vui chơi giải trí của quận 10 (Cô nhi viện Quách Thị Trang ở sau lưng Việt Nam Quốc tự cũng cùng chịu chung số phận). Thiện Đắc kể lại rằng lúc mang hành lý cá nhân để rời khỏi Việt Nam Quốc Tự, anh hãy còn là một chú sa-di mười chín tuổi. Anh không ngờ là có lúc trên đời, một tu sĩ Phật giáo như anh bước ra khỏi cổng chùa mà chẳng biết đi về đâu. Đứng bên đường quay nhìn ngôi tháp cao sừng sững của Việt Nam Quốc Tự, anh nói lời từ biệt rằng: “Quốc tự ơi, có ngày ta sẽ trở lại để tiếp tục làm tiểu đồng quét dọn lá vàng trong sân mi.” Cuối cùng, Thiện Đắc đến sống tạm với người anh ruột trong một ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật, thuộc quận 3. Tưởng là sống tạm, không ngờ vì vấn đề khai báo hộ khẩu, Thiện Đắc trở thành thường trú nhân của gia đình người anh, và suốt mười năm kế tiếp, anh vẫn chưa chính thức xin được hộ khẩu hợp lệ ở bất cứ ngôi chùa nào trên đất nước. Dù vậy, anh vẫn quyết chí giữ gìn lý tưởng và sắc áo tu. Ban ngày anh đến tu học tại chùa Pháp Hoa (gần cầu Trương Minh Giảng), ban đêm về ngủ tại nhà người anh. Ăn một nơi, ngủ một nơi, Thiện Đắc vẫn vui vẻ, lạc quan và lặng lẽ tìm bạn cùng chí hướng.

Nhắc đến Thiện Đắc, cũng khó lòng quên được hình ảnh rất dễ thương của một tu sĩ trẻ đứng thả cá, thả chim trên các cây cầu Sài Gòn, nơi mà xe cộ ồ ạt qua lại. Thỉnh thoảng có tiền, Thiện Đắc ra chợ mua chim, cá đem phóng sanh. Tục phóng sanh đã có từ lâu đời và là một tục lệ rất phổ thông trong sinh hoạt Phật giáo với ý nghĩa tôn trọng sự sống của muôn loài, đồng thời là để thể hiện lòng từ bi của một người theo Phật. Phóng sanh vì thế, trong ý nghĩa thâm sâu, cũng chính là một phương pháp tu hành, thuộc về hạnh bố thí. Nhưng hiện nay, do vì người ta quá câu chấp vào hình thức phóng sanh nên phong tục này lại được hiểu sai như là một hành vi cầu phước. Tín đồ Phật giáo bây giờ phóng sanh với ý niệm cầu nguyện cho mình được an lành, may mắn, tai qua nạn khỏi, tiêu trừ tật bệnh. Vì đã hiểu như thế, dần dần tục phóng sanh trở nên một công việc dành cho giới bình dân phật-tử chỉ biết đến chùa cầu nguyện xin phước. Tôi chưa thấy một tu sĩ nào đích thân mang chim cá có ý cầu danh, muốn được người khác nhìn thấy và khen ngợi hành vi cao đẹp của mình. Vì tôi biết rõ, giới tu sĩ chúng tôi, không ai chuộng những lời khen là mình đã phóng sanh, ngầm hiểu là ham cầu phước. Dĩ nhiên trong hàng ngũ tu sĩ có nhiều sự sai biệt về khuynh hướng cũng như thói quen về sinh hoạt thường nhật. Người ý này, kẻ ý nọ, tùy theo cá tánh, tầm nhìn và hoàn cảnh của mình mà hành xử với đời. Nhưng, sự nghiệp duy nhất của tăng sĩ Phật giáo vẫn là sự nghiệp giác ngộ. Có giác ngộ mới có giải thoát. Phóng sanh đã bị hiểu như hành vi cầu phước của quần chúng bình dân ít hiểu đạo thì hiếm khi nào một tu sĩ -- nhất là tu sĩ trẻ ở phố -- lại chịu một mình đi phóng sanh công khai ở chỗ đông người. Thường thì vị thầy chỉ chú nguyện, trì tụng nghi thức phóng sanh rồi thả chim ngay tại chùa, còn cá, ếch nhái hay rùa thì giao các phật tử mang đi thả ở mé sông. Bố thí phóng sanh công khai giữa phố đời, tôi biết chỉ có Thiện Đắc là ông thầy tu trẻ duy nhất thực hành. Ban đầu tôi cũng không mấy thích về chuyện phóng sanh của anh, vì tôi cho rằng, chính tục lệ phóng sanh bị hiểu sai mà đưa đến tình trang lạm phát của nghề bán chim cá; càng có nhiều người ham cầu phước phóng sanh thì càng có nhiều người khác nỗ lực đi bẫy chim, lưới cá. Nhưng Thiện Đắc thì nghĩ khác. Anh cho rằng chỉ sau năm 1975, vì đói khổ quá nên xã hội mới nẩy sinh quá nhiều nghề nghiệp mà trước đó không hề có, hoặc chỉ có rất ít. Nghề bán chim, cá cũng là hậu quả của một xã hội đói kém, thiếu thực phẩm. Anh nói, người ta càng đánh bắt chim cá nhiều, người phật tử càng thực hành hạnh bố thí và phóng sanh nhiều hơn. Điều này cũng có thể ngầm hiểu rằng, khi người cộng sản bắt bớ bỏ tù và tước đoạt hết nhân quyền của người dân, phật tử khắp nơi trong cả nước có bổn phận lên tiếng để đòi lại những gì bị đánh mất.

Lần cuối cùng tôi và Thiện Đắc gặp nhau cách nay khoảng hai tháng. Tình cờ đi ngang đường Nguyễn Thiện Thuật ở quận 3, tôi bắt gặp Thiện Đắc đạp xe đi ngược chiều. Tôi đưa tay vẫy, anh mừng quá, dừng xe lại, rồi mời tôi về nhà của người anh ruột, nơi anh tá túc lâu nay. Câu cuối cùng Thiện Đắc nói với tôi lúc chia tay rất cảm động, đáng nhớ:

“Khi nào cần người góp sức, hay cần việc gì đó, Khang cứ đến đây gọi, tôi sẵn sàng tham gia bất cứ lúc nào, tham gia vô điều kiện.”

Trong thời gian ẩn lánh, nghe được một lời nhiệt tình như thế, tưởng cũng ấm lòng tôi phần nào.

Ông Trọng đẩy miếng cạc-tông qua phía tôi:

Quạt đỡ đi. Sao, bữa nay khai cung thế nào? Tụi nó quần cậu dữ hả?

Cũng đâu có quần gì lắm đâu. Mọi chuyện đẫ đâu vào đó hết rồi mà.

Đâu vào đó? Ý cậu nói sao?

Hôm nay làm biên bản kết cung rồi,

“Cái gì? Kết cung? Sao nhanh quá vậy?”

Tôi cười:

Có gì lạ đâu? Bộ khai cung thì phải lâu, phải kéo dài sao? Không, cháu hỏi thiệt đó, khai cung lúc nào cũng phải kéo dài ạ? Tại sao vậy?

Thì… bởi vì vấn đề phạm tội lúc nào mà chẳng phức tạp! Nó luôn luôn liên quan đến nhiều người và việc khác. Với lại một phần cũng do mình không khai thật, không khai hết những gì tụi nó muốn biết. Kéo dài là vì vậy. Thường thường khai cung cũng phải mất cả tháng, hoặc nửa tháng, hay nhanh lắm là trong vòng một tuần lễ làm việc liên tục. Cậu mới có hai ngày mà đã kết cung thì lạ đó chứ.

Vậy hả. Nhưng cháu chẳng thấy gì lạ cả. Cháu có nói chú nghe trường hợp của cháu rồi mà. Bốn tháng trước, gần như toàn bộ nhân sự của Lực lượng Phục quốc bị bắt ở Long Thành và nhiều quận huyện khác của tỉnh Đồng Nai.

Điều đó không có nghĩa là mọi chuyện đã xong, vì chưa chắc cả trăm người đó đều biết cậu hoặc khai gì đó về cậu, phải không?

Nhưng có người bạn cháu làm đặc tình, như chú đã biết, anh ta nắm rõ mọi vấn đề rồi. Vả lại, cháu thấy chẳng cần thiết gì cái chuyện chối quanh chối co những gì cháu đã làm. Chối quanh co chỉ có lợi khi nào nó dẫn cán bộ khai cung đến chỗ lẫn lộn, không tìm ra được manh mối nào để kết tội mình. Đàng này, đã biết trước là không thể tránh, không thể chối, thì chối làm gì. Huống chi…

Tôi định nói rằng, huống chi giới luật Phật giáo dạy cháu không được nói dối,nhưng kiềm lại. Ông Trọng nhìn tôi, có vẻ chờ đợi tôi nói tiếp câu nói bỏ lửng. Thấy tôi không nói gì nữa, ông hỏi:

Cậu nói huống chi… cái gì?

Huống chi cháu thực tình là không muốn nói dối. Chối chạy việc mình làm là nói dối chứ gì, phải không? Cháu không thích làm vậy. Nói dối với những người nắm vũ lực trong tay, có vẻ hèn nhát quá. Cháu cảm thấy vậy. Họ nghĩ rằng mình sợ án tù, sợ họ kết tội nặng nên mới chối cãi.

Ông Trọng ngó tôi với hai con mắt mở lớn:

Trời đất, làm chính trị mà nói như cậu thì chết tiêu! Chấp nhận làm chính trị thì phải chấp nhận mọi thứ phương tiện, cho dù là một thứ phương tiện dối trá, lừa đảo… mà người ta thường gọi là thủ đoạn. Huống gì chuyện che giấu trong lúc khai cung, cũng chỉ là một phản ứng tự vệ tất nhiên thôi, có gì mà cậu phải mặc cảm chứ!”

“Cái kiểu làm chính trị như chú nói là kiểu chính trị của mấy tay hoạt đầu. Họ làm chính trị với mục tiêu là nắm chính quyền. Bởi cái mục tiêu đó, họ bất chấp mọi thủ đoạn.

“Thế cậu làm chính trị theo kiểu nào? Cậu hoạt động mà không nhắm đến chuyện nắm chính quyền sao?”

Không.”

Ông Trọng đốt thêm điếu thuốc khác, lẩm bẩm:

“Cũng lạ nhỉ.”

Im một lúc, ông quay qua dịu giọng hỏi tiếp với vẻ mặt đầy nghi vấn:

Có một mục đích nào khác hơn mục đích cầm quyền trong hoạt động chính trị sao?

Có lẽ chú đã quên rằng hồi xưa có những người phò vua giúp nước chống ngoại xâm, khi đất nước bình định rồi lại rút lui, vào hang sâu núi thẳm ẩn tích mai danh, hoặc làm kẻ vô danh ngao du sơn thủy…

Đó là trường hợp những thánh nhân hiền sĩ, những nhà sư…”

Tôi bật cười:

Đâu nhất thiết phải là những thánh nhân hiền sĩ hay những nhà sư! Chuyện đó ai lại làm chẳng được. Khi đất nước lâm nguy, dân tình thống khổ, kẻ sĩ tự dưng thấy lòng bứt rứt, phải dấn thân hành động để cứu đời. Dấn thân trong trường hợp này là làm việc nghĩa chứ có phải làm chính trịtheo cách hiểu của người thời nay! Khi việc thành tựu rồi, họ có thể giũ áo lên đường ngay chứ có khăn gì. Có bao giờ họ nghĩ đến chuyện nắm chính quyền hay được ban thưởng danh quan tước vị gì đâu mà nấn ná lại với đời. Hành động của họ là hành động cứu đời. Nếu có liên quan đến chính quyền, chính trị hay chăng, là ở chỗ hành vi của họ nhắm đến việc điều chỉnh những rối ren bất toàn của xã hội. Vua bất minh, chính quyền thối nát, kẻ sĩ phải góp phần điều chỉnh, giống như việc chữa bệnh của thầy thuốc: chỗ nào có bệnh nhân, chỗ đó có thầy thuốc; bệnh gì cho thuốc nấy.”

Ông Trọng nhìn tôi một lúc, gật gù:

Cũng phải. Lý tưởng quá. Như vậy, theo ý cậu… nếu biết chính quyền đó tàn hại, không thể chữa trị gì được nữa, có phải là chúng ta phải triệt hủy nó để ủng hộ một chính quyền khác mà chúng ta tin tưởng là khả quan hơn không?

Vâng, phải vậy thôi. Nhưng trước hết vẫn là chuyện điều chỉnh, điều chỉnh từ gốc đến ngọn. Không điều chỉnh được thì mới đốn luôn cả cây.”

Theo cậu, cái gốc bây giờ là gì?

Là sự mê muội say đắm vào ý thức hệ, vào chủ nghĩa.

Còn cái ngọn của nó?

Quyền lực, danh lợi.

Điều chỉnh thế nào đây?

Một khi từ gốc đến ngọn đều nhuốm bịnh, sự điều chỉnh rất ư khó khăn. Nếu chỉ lo chữa ngọn thì không bao giờ hết bệnh, còn chỉ lo chữa được cho cái gốc, có thể căn bệnh của cái ngọn lại trở thành căn bệnh chính cho toàn thân cây. Bệnh của gốc thì giết chết nhiều người, bệnh của ngọn thì làm băng hoại cuộc sống. Cả hai đều nguy hiểm. Cần phải chữa trị… Tóm lại, thấy bệnh, thấy bất bình, phải ra tay hành động ngay, bệnh ở đâu, chữa ở đó.

Ông Trọng tiếp tục gật gù, nhìn tôi:

Cậu có vẻ là một nhà lý thuyết.

Tôi cười:

Trên thực tế, cháu chẳng chuộng gì lý thuyết. Cháu thích hành động hơn.

Cậu thích hành động, nhưng hành động của cậu chỉ là điều chỉnh, sửa sai, chữa trị, hoặc tích cực hơn, đốn ngã một thân cây mục nát để trồng một thứ cây tốt đẹp hơn chứ bản thân cậu không phải là cái cây đó… Nói thẳng cho đúng theo ý cậu thì có nghĩa rằng: cậu không có ý niệm hoặc ước vọng trực tiếp tham gia điều khiển đất nước, phải không? Vậy thì hành động của cậu chưa phải là hết mình. Ý tôi muốn nói… chưa phải là trọn vẹn. Đáng lý cậu nhận thức được cái gì là đúng, cái gì là sai thì phải đứng ra gánh lấy trọng trách điều khiển quốc gia một khi đủ khả năng đốn ngã một chế độ mục nát; nhưng cậu lại rút đi, làm ẩn sĩ, để cho một cá nhân hay một nhóm nào đó gánh lấy. Cái hành động lưng chừng đó, có khi nào cậu nghĩ rằng, nó vô tình bỏ ngõ cho những kẻ cũng tồi tệ không kém, đứng lên tiếp tục dẫn đất nước vào con đường khốn cùng chăng? Cậu nói nghe thử xem nào, trong trường hợp đó, cậu sẽ làm gì?

Lại tiếp tục điều chỉnh.

Kỳ vậy? Đốn một cây mục, trồng một cây mới khác, cũng do một tay cậu mà. Không lý cậu lại trở thành đối lập ngay cả những kẻ mà cậu từng ủng hộ?

Chuyện xây dựng đất nước tất nhiên phải vậy. Tốt thì mừng, xấu thì phải điều chỉnh chứ! Lúc mình ủng hộ, nó tốt, nhưng sau đó nó xấu, thì phải điều chỉnh, sao làm ngơ được? Kẻ cầm quyền mà mình ủng hộ đó có phải là thứ gì của mình đâu! Họ là của đất nước, của dân tộc. Mình ủng hộ họ vì họ có lòng với đất nước, vì tin tưởng họ khá hơn những kẻ mà mình tranh đấu chống lại. Nếu một lúc nào đó, họ đánh mất đi lòng tốt và sự nhiệt thành của họ đối với đất nước, mình phải tranh đấu chống luôn cả họ chứ, có gì khó hiểu đâu. Mình có lên tiếng, có hành động hay không là vì dân chứ có phải vì họ đâu mà ái ngại việc chống lại họ khi họ lầm đường lạc lối.

À, vậy mà tôi tưởng rằng khi đứng lên để lật đổ phe nhóm này cậu sẽ đưa phe nhóm của cậu lên thay thế… Té ra cậu cũng không lập một phe nhóm nào để ủng hộ hay đưa lên nắm chính quyền khi cần thiết… phải vậy không?

Vâng. Cháu chỉ là một người dân, chưa hề bao giờ nghĩ đến chuyện cầm quyền. Cháu có công việc và đời sống riêng của cháu, không phiền quấy gì đến các chế độ chính trị cầm quyền nào. Nhưng nếu người ta phiền quấy đến đất nước hay người dân chung quanh cháu, cháu không ngồi yên mà bó tay đâu.

Ông Trọng im lặng, nhìn tôi một lúc rồi cúi xuống, đốt thêm điếu nữa. Hình như ông đang cố che giấu một nỗi xúc động nào đó. Phà một hai hơi thuốc trong im lặng, ông mới nói:

Mười năm nay, từ khi đất nước thay đổi chế độ, tôi không giao tiếp nhiều, chỉ lẩn quẩn tới lui với vài người bạn già, hoặc trẻ lắm thì cũng lứa trung niên. Cho nên tôi thực không hiểu được cái tâm tình và chí hướng của những người thanh niên ngang lứa cậu thời nay như thế nào. Có thể nói, cậu là thanh niên đầu tiên mà tôi có cơ hội nói chuyện đôi chút về chính trị, về tình hình đất nước… Hôm nay nói chuyện với cậu, tự dưng tôi có một niềm tin mãnh liệt cho tương lai tươi sáng của đất nước. Vâng, tương lai đất nước sẽ khá hơn nhiều vì các thế hệ trẻ sau này ý thức được những vết đổ của các thế hệ già nua đi trước. Bao nhiêu năm nay, hết thế hệ này đến thế hệ nọ, thay nhau đứng lên, cũng đấu tranh, cũng tin tưởng mình là đúng, có chính nghĩa, nhưng rồi đất nước vẫn cứ khổ đau, chẳng làm sao ngóc đầu lên nổi. Cái đó là do đâu? Tự dưng, nói chuyện với cậu, tôi bỗng tìm thấy một câu trả lời rất đơn giản, vậy mà lâu nay tôi không thấy: rằng nếu ta thực sự nghĩ đến kẻ khác chứ không phải quyền lợi cho cái bản ngã nhỏ nhoi của ta, thì hành động nào của ta cũng mang lại lợi ích cho đời cả. Phải vậy không, cậu em?

Tôi cười, gật nhẹ. Hình như nói xong cảm nghĩ của mình, ông Trọng bị nghẹn nơi cuống họng. Tay ông cầm mãi điếu thuốc, rảy hoài, không đưa lên môi nữa, mắt nhìn ra phía cửa gió. Một lúc thật lâu, ông lại bắt chuyện:

Cậu đã ký tên vào biên bản kết cung rồi phải không?”

Dạ, ký rồi. Cháu thấy ký hay không cũng chừng đó. Trong biên bản, họ ghi rõ cháu đã làm gì cho lực lượng Phục quốc, mà những chuyện đó có thật, chẳng sai chút nào. Vậy thì có gì đâu mà không chịu ký.

Ông Trọng nhún vai, cười:

Ừ thì ký. Nếu là người khác, tôi còn muốn nói thêm điều này điều nọ, chẳng hạn đừng ký, thậm chí không thèm đọc biên bản… nhưng đối với cậu, nói chuyện ấy thì chẳng hợp chút nào. Cậu có lối suy nghĩ không được thực tế… à, ý tôi muốn nói là không giống lắm với những người sống trên xã hội thời nay. Con người cậu có cái vẻ gì lạ lắm. Cậu giống như những kẻ sĩ, những chàng quân tử ở các triều đại xa xưa. Trong thời đại này, những chàng quân tử đó phải chết trước mọi người. Nhưng có thể cũng nhờ sự có mặt của họ mà những thế hệ kế tiếp sẽ cao đẹp, sáng sủa hơn… Tôi hy vọng như thế. À, cậu nói vụ Phục quốc dấy lên từ Long Thành, thuộc tỉnh Đồng Nai, phải không? Nếu vậy thì cậu sắp rời khỏi trại giam này rồi.

Sao vậy?

Phạm tội ở đâu thì bị giam và bị xử án ở đó. Cậu hoạt động ở Long Thành thì công an ở đây sẽ chuyển giao cậu về cho công an tỉnh Đồng Nai. Đây thuộc địa phận Sài Gòn mà. Tụi công an này đâu có quyền xử cậu. Chúng chỉ lấy cung sơ sơ thôi rồi dẫn độ cậu đến một trại giam nào đó của tỉnh Đồng Nai. Hèn gì chúng kết cung nhanh quá.

Vậy sao! Cháu đâu có rành mấy cái vụ đó.

Ông Trọng lại đốt thuốc:

Nếu cậu đã ký tên vào biên bản kết cung rồi thì con đường trước mắt là chờ kết án rồi đi tù cải tạo thôi. Thời gian chờ xử án có khi cũng lâu lắc chứ chẳng nhanh gì đâu. Tụi này làm việc vậy đó. Chờ bắt đủ hết các tay đầu não của lực lượng rồi chúng mới đưa ra tòa xử. Nhưng cũng có khi nhằm vào một dịp nào đó cần thiết, chúng đem ra xử đại, xử rất nhanh. Khó hiểu lắm cái tụi cộng sản này. Ồ, đến giờ phát cơm rồi.

Tôi lấy ca bước đến cửa gió, nhìn ra ngoài. Mấy anh nuôi lăng xăng, hô hoán. Thùng cơm được đóng bằng gỗ, đang bốc khói. Ông Trọng nói, trại giam này vì thuộc Sài Gòn nên tương đối khá; tuy phần cơm cũng chẳng nhiều bao nhiêu so với các trại giam khác, nhưng gạo Sài Gòn mà, còn mới chứ chẳng hư mốc và nhiều thóc sạn như ở các nơi. Anh nuôi ở đây lại ưu đãi mấy người tù biệt giam. Có khi ông Trọng xin thêm được cả hai ba phần cơm, buổi trưa chỉ ăn một nửa, một nửa để dành cho buổi chiều; chiều được phát phần cơm khác thì ông để dành cho buổi sáng kế tiếp (vì trại không phát cơm buổi sáng). Như vậy, ông vẫn có được ba bữa ăn. Ông ăn khá mạnh. Chuyện cũng chẳng gì lạ. Ông to lớn như một người khổng lồ thì phải ăn nhiều mới đủ sức để vận chuyện cái khối thịt đó.

Lãnh cơm xong, chưa đến mười giờ rưỡi. Hãy còn quá sớm để ăn trưa. Ông Trọng ngồi đốt thuốc. Tôi đứng bên cửa gió nhìn bâng quơ. Trời nắng dịu. Những cụm mây trắng vô tình trôi qua trên nền trời xanh biếc.

Ngày qua nhanh quá. Tiếng kẻng báo hiệu cứ hết hồi này lại đến hồi kia. Vừa đánh thức xong đã thấy phát nước sôi cho bữa điểm tâm. Xong bữa điểm tâm thì có kẻng báo giờ làm việc. Sau kẻng làm việc, loay hoay một lúc đã đến giờ phát cơm trưa… Rồi sẽ có kẻng báo ngủ và thức cho giấc trưa. Giờ làm việc buổi chiều. Phát cơm buổi chiều. Điểm danh. Cửa gió đóng. Đèn phòng bật lên. Tù nhân om sòm ca hát… rồi kẻng báo nghiêm. Người ta nói nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoạimà sao tôi thấy ngày qua nhanh khủng khiếp. Cái tâm trạng phức tạp nào đây mà có cảm giác ngược đời vậy? Phải chăng mấy ngày đầu, chưa quen cảnh tù nên thấy vậy, sau đó ngày sẽ bắt đầu dài thiên thu như người xưa từng nói? Ồ, nếu mỗi ngày là thiên thu thì có phải là ta sống trên triệu tuổi không! Hãy thưởng thức cái dài thiên thu đó đi, có gì mà phải rầu lo chứ, hỡi mấy anh chàng tù nhân trên khắp đất nước!

Trong phòng biệt giam, đêm buông xuống sớm hơn là thực tế bên ngoài. Sau giờ điểm danh buổi chiều, cánh cửa gió bị cán bộ trực đóng ập lại, bóng đêm chụp xuống ngay lúc đó. Và không khí trong phòng tự dưng nặng trĩu xuống.

Ông Trọng có điếu thuốc để xua ngay nỗi buồn của ông. Khi đèn phòng bật sáng, tôi thấy ông cố gắng che giấu một giọt lệ sắp rơi xuống má. Ông nhớ vợ con thì phải. Từ lúc tôi vào đây, chỉ nghe ông nhắc vợ con chứ chẳng nhắc đến ai khác. Đôi mắt dữ tợn của con hổ khi nhớ vợ con đã dịu xuống thành đôi mắt nai hiền lành, u ẩn.

Thực ra, nhìn cái tướng cao lớn dềnh dàng của ông, khó có thể tưởng tượng được rằng một con người như thế lại biết khóc. Nhưng ông đã khóc thực rồi đó. Dù một thời ngang dọc vẫy vùng, khuấy nước chọc trời như ông từng kể tôi nghe tối hôm qua, thì ông vẫn là con người, có tình cảm, có con tim biết đập và nhảy những nhịp điệu muôn thở và thường tình của kiếp người. Tiếng gầm thị uy của con hổ làm rúng động cả núi rừng, hoảng sợ cả trăm loài muông thú; và thật dã man dữ tợn làm sao khi nó sử dụng nanh vuốt và răng nhọn của mình để cấu xé, nhai nuốt con mồi! Nhưng không phải vì vậy mà nó thiếu đi cái vẻ tình tứ, thương yêu đối với vợ con. Tình cảm làm quân bình đời sống, làm dịu đi sự hận thù và lòng đanh ác. Trong một số trường hợp, tình cảm đã cho thấy mãnh lực dời núi lấp biển của nó. Tình cảm có thể động viên người ta làm được những việc phi thường, kỳ diệu. Nhưng, thảm hoạ của cuộc đời, đa phần cũng dấy sinh từ cái tình cảm vừa dễ thương vừa khùng điên đó.

Tôi nhìn ông Trọng khóc như vừa nhìn thấy lần đầu một cảnh tượng lạ đời nhất. Có một cảm giác ngồ ngộ, vừa thương xót, vừa buồn cười, len lỏi trong từng thớ thịt, từng đốt xương, đục khoét nhè nhẹ nhưng lạnh buốt tâm hồn tôi. Tôi không có vợ con để đau khổ nhớ thương như ông nên không thể cảm thông tận cùng nỗi buồn của ông. Nhưng tôi có thể tưởng được đó là sự quằn quại của một tâm hồn đang nhớ thương, nuối tiếc về quá khứ với những bóng hình thân yêu tuột khỏi tầm tay một cách cưỡng ép.

Khi nỗi buồn vơi đi rồi, ông Trọng đốt thuốc, hút liên tục, hết điếu này đến điếu khác. Phiếu mua hàng ông đặt mua thực phẩm thì hãy còn chờ vài ngày, nhưng thuốc lá thì được đưa vào ngay vì cán bộ trực cũng có mang theo vào trại để bán lén cho tù nhân. Nhờ vậy, ông Trọng mới có đủ khói thuốc phù du để xua đẩy cái buồn của ông đi. Tôi chẳng biết phải an ủi ông bằng cách nào. Chúng tôi ngồi im lặng như thế một lúc lâu.

Bên ngoài, tiếng nói chuyện inh ỏi, đều đều, rào rào, từ các phòng giam vọng qua vọng về, xen vào nhau, chạm vào nhau, như những đường gươm vung múa trước trận tiền. Thỉnh thoảng, một tràng cười trổi lên nghe như một loạt súng liên thanh bắn xả vào dòng người chen chúc. Lại có tiếng những tù nhân người Hoa, kêu réo, gọi nhau ơi ới, rồi nói chuyện bằng loa tay những lời xí xô xí xào không sao hiểu nổi. Chen lẩn trong dòng thác âm thanh cuồng loạn, hỗn tạp đó, cũng có đôi giọng ca cất lên. Kẻ ca tân nhạc, kẻ hát vọng cổ.

Ông Trọng bỗng bốc hứng đáp lại tiếng réo gọi chung quanh bằng một khúc vọng cổ đột ngột. Y như những con gà trống ở vùng quê mà tôi thường lắng nghe chúng gáy mỗi khuya. Ban đầu là một con, rồi hai ba con đáp lại, rồi đồng loạt cả xóm gà gáy rân trời. Tôi muốn bật cười khi nghe ông Trọng bắt giọng ca, nhưng ráng nín và lắng nghe. Vốn không thích, và vì vậy, không hiểu biết gì về cải lương vọng cổ, tôi chẳng hứng thú chút nào mà có khi còn khó chịu khi nghe kẻ khác hát bên tai mình những khúc ca nhì nhằng, ỏng ẹo, lê thê và thường thường là sầu thảm đó. Nhưng bây giờ, ông Trọng hát, tôi bỗng thấy mình chịu khó, lắng nghe và hình như còn thích thú nữa là khác. Đây là một bản tân cổ giao duyên, tôi không biết nó mang tựa đề gì, nhưng lời ca rõ ràng là kể lại câu chuyện tình cảm bi thương của Lan và Điệp mà tôi có biết qua. Giọng ông Trọng ồ ồ, khàn đục, nhưng lại truyền cảm vì ông hát say sưa và gởi gắm cả tâm hồn ông vào đó. Nỗi buồn nơi ông dường như tuôn ra theo tiếng ca, phủ lấy không gian nhỏ hẹp của phòng giam. Rồi nó len nhẹ vào lòng tôi khiến trái tim tôi như tê giật lên bởi một dòng điện nhỏ. Lần đầu tiên, tôi rung động thực sự bởi một khúc vọng cổ. Có thể điệu ca và lời ca không đủ tác dụng để cuốn hút tôi đến thế. Nhưng rung động, đúng hơn là do trong một phút chốc, từ nỗi buồn của ông Trọng, tôi bỗng cảm nhận một cách thấm thía nỗi ly biệt miên viễn, trường kỳ của kiếp nhân sinh giả hợp.

Ca xong bản tân cổ, ông Trọng lại đốt thuốc, rồi ông bắt đầu kể chuyện tôi nghe. Đêm nay là câu chuyện về những cuộc tình và hôn nhân của ông.

Theo lời ông kể, nếu là sự thực, đã có khoảng trên dưới mười người đàn bà qua tay ông. Tôi được nghe chi tiết những mẩu chuyện tình này từ nguyên nhân đến thời điểm, không gian của sự tao ngộ, sự thành thân hay ăn nằm lén lút với nhau, rồi giai đoạn và lý do chia tay, tan vỡ của mỗi cuộc tình. Bất kể là tôi có thích nghe hay không, ông ấy nói thao thao không ngừng. Tôi có thói quen là luôn chăm chú lắng nghe người khác nói chuyện, dù rằng đôi lúc câu chuyện của họ chẳng mấy hấp dẫn. Có lẽ vì vậy mà ông Trọng cảm thấy khích lệ để không ngần ngại tuôn ra hết cả những gì đáng ra nên giữ kín. Tình ái quả là đề tài hấp dẫn mà hình như ai kể cũng có vẻ lôi cuốn, sinh động. Nhưng đối với mọi vấn đề, cái hay và đẹp nằm trong sự thực được chứng nghiệm. Trải qua mười mấy cuộc tình dang dở và cuối cùng là hai đời vợ lớn, vợ nhỏ, ông ấy quá đủ tư cách và thẩm quyền để kể được những mẩu chuyện tình kỳ thú, cũng như có thể đóng vai bậc thầy cho những cậu con trai ngây ngô mới lớn về vấn đề tình dục hay cái mà nhà nước bây giờ gọi là kế hoạch sinh đẻ, hay kế hoạch hoá gia đình.

Ông Trọng có vẻ hả hê trong câu chuyện ông kể. Dường như ông được sống lại lần nữa với những vết tích chưa nhòa của dĩ vãng. Tôi đọc được trong ánh mắt rực cháy của ông, nơi khoé miệng thèm thuồng của ông, cái khát dục không cùng của một sinh vật người hiện hữu trên trần gian.

Mồi lại điếu thuốc bị tắt ngấm vì mải lo kể chuyện, ông Trọng hỏi:

Còn cậu thì sao, kể tôi nghe với chứ. Hề hề, theo kinh nghiệm riêng của tôi thì đàn bà thích nhất hai loại đàn ông: thứ nhất là tên đàn ông hoạt bát, nói năng có duyên, lôi cuốn; thứ hai là gã đàn ông ít nói, có vẻ ngây thơ, khờ khạo. Nhưng hạng đàn ông thứ nhất thì chỉ vớ được mấy ả xoàng xoàng ham chuộng bề ngoài; còn hạng thứ hai, đi chậm mà chững chạc, có đời sống nặng về nội tâm hơn… Mà theo cách tôi nhìn thì cậu đúng là hạng đàn ông thứ hai, hẳn là cậu phải có nhiều cô thương, tình nguyện nâng khăn sửa túi, phải không? Ủa, cậu nói cậu chưa có vợ hả?

“Dạ, chưa. À, phải nói là không.”

“Không? Cậu muốn độc thân suốt đời à?”

Tôi chỉ cười, không đáp.

“Cậu hai mươi sáu tuổi rồi, phải không?”

“Dạ phải.”

“Thế thì cũng biết rồi.”

“Biết gì, thưa chú?”

“Biết cái chuyện… trai gái đó.”

“Ơ…”

“Ơ cái gì mà ơ! Tôi biết từ cái thuở mười bảy, mười tám kia. Không lý cậu hai mươi sáu mà còn tân sao!”

“Cũng tùy thôi chú à. Có người trên ba mươi, hay trên bốn mươi vẫn chưa biết gì về chuyện ấy,”

“Xì, đó là mấy ông thầy tu. Còn người thường như chúng ta thì phải biết. Khác nhau là sớm hay muộn vài năm thôi. Cậu ngại phải nói ra cái chuyện tình cảm à? Bộ cậu nghĩ rằng dấn thân làm chính trị thì không yêu đương, không lấy vợ sao? Ối trời, đó là cái chuyện thường tình như là ăn cơm, uống nước. Có gì mà phải xấu hổ, che giấu. Ừ thôi, cho là cậu chưa biết gì về chuyện chăn gối đi, nhưng ít nhất trong lứa tuổi hăm sáu, với cái vẻ hiền lành, ít nói dễ gây cảm tình với phụ nữ, tôi nghĩ cậu cũng phải trải qua tệ lắm là năm cuộc tình sơ xịa, dơ dở, ương ương, phải không?

“Ơ…”

“Lại ơ nữa rồi. Có thì nói đại là có chứ ngại gì! Phải không?”

“Dạ… có cũng được.”

Sao cũng được! Có. Dứt khoát là có chứ không thể có cũng được. Phải không?”

“Dạ… có.”

“Thế thì người tình sau cùng, mới nhất, trước khi cậu vào tù như thế nào? Bao nhiêu tuổi rồi?”

“Dạ… chẳng biết nữa.”

“Hô hô, sao mà không biết! Nếu đã yêu thực sự thì chẳng việc gì mà không biết. Tình yêu nó lạ kỳ như vậy đó. Tự dưng cậu sẽ biết tất cả những vấn đề riêng tư thuộc về người tình của cậu, khỏi cần cô ta khai báo. Thế mới hay chứ. Nếu cô nào mà cậu chưa biết tuổi thì chưa thể gọi là nhân tình; đó chỉ là mới quen phớt. Đã có tình thì tự động có hiểu biết. Trong hiểu biết về đối tượng thương yêu, tuổi tác đi đầu. Cậu không thể có một người tình mà chẳng biết cô ta bao nhiêu tuổi. Phải biết chứ. Sao? Mây tuổi? Đẹp lắm phải không?”

“Ơ… cháu cũng xin thưa thật với chú rằng lâu nay cháu ít quan tâm, hay nói thẳng là cháu không có thì giờ để nghĩ đến chuyện đó.”

“Thôi cha nội! Làm sao mà chẳng nghĩ đến. Cậu cũng là con người chứ có phải khúc gỗ, cục đá đâu mà không có tình cảm! Nhìn đôi mắt ướt át long lanh như con gái của cậu là tôi biết ngay đời sống tình cảm của cậu nó như thế nào rồi. Nó có vẻ êm đềm ở bề ngoài nhưng bên trong phải như một con sông dậy sóng chứ chẳng phải chơi đâu. Cậu có cái bề ngoài trang nghiêm, hiền lành thật, nhưng điều đó không có nghĩa rằng không có tình cảm. Huống chi, trong vấn đề tình cảm, không thể nói là không có thì giờ. Cậu em nên biết, khi có yêu, tự dưng thì giờ nó nhiều ra, nhiều lắm. Một đời ta, thì giờ dành cho vấn đề yêu đương, vấn đề tình cảm, hơn một nửa rồi. Yêu ai cậu sẽ có rất nhiều thì giờ dành cho người đó. Đi, đứng, ngồi, nằm, ăn uống, làm việc, đi chơi, nói chuyện… không lúc nào mà không nghĩ đến người tình. Thậm chí nằm mộng cũng thấy toàn là bóng người tình không à. Đúng không? Đâu có sợ không có thì giờ!”

Tôi phì cười, chợt nghĩ đến công phu tu tập của những người theo Phật giáo. Trong Thiền tông, các thiền sinh đã áp dụng phương pháp quán tưởng, tham công án vào mọi sinh hoạt của đời sống thường nhật của họ. Bên Tịnh độ tông cũng thế, họ được dạy là phải niệm Phật A Di Đà, quán tưởng hình ảnh đức Phật A Di Đà trong nhất cử nhất động, không hở phút giây nào.

Khổ nỗi là ở đời, ít người có khả năng hay quyết tâm để thực hành được các pháp thức nói trên. Có lẽ quán tưởng, nhớ nghĩ hay gọi tên người tình dễ hơn tham thiền, niệm Phật. Nó vừa dễ, vừa cụ thể, mà có hy vọng thành tựu rõ ràng hơn!

Tôi xua tay ra dấu với ông Trọng là tôi không muốn nói chuyện nữa. Tôi nằm xuống, duỗi thẳng hai chân hai tay, mắt ngước nhìn cái bóng đèn cao mút trên trần, tỏa ánh sáng chói lòa từ sau khung lưới nhỏ. Mộng Huyền ơi! Phải chăng theo một nghĩa nào đó, chúng ta đã là những tình nhân của nhau? Không được. Chúng ta không phải tình nhân. Lý do nào thì em đã biết, phải không?

Thấy tôi im lặng, ông Trọng cũng ngưng nói. Có lẽ ông hơi phật lòng vì bị mất hứng. Ông ngồi duỗi chân, lưng tựa vào vách, đốt thêm điếu thuốc nữa, hút trong im lặng.

Rõ ràng là ông đang im lặng. Nhưng tôi vẫn cứ nghe như là ông đang nói. Ông đang nói hay là một gã mặt thẹo lẩn khuất đâu đó, nhe răng ra mà nói. Hay là chính tôi đã nói với tôi. Tôi thấy rõ ràng có một cái miệng nhép nhép hai hàm răng trắng ngà ngà, lúc ẩn lúc hiện giữa bờ môi dầy. Đôi môi dầy quen thuộc của một kẻ khát dục.

“Tôi nói cậu nghe, ở đời không có việc gì mà không đòi hỏi nghệ thuật, hay kỹ thuật tuyệt xảo của nó để đạt đến cái toàn mỹ và hạnh phúc. Trong tình yêu cũng vậy, không thể bỏ qua nghệ thuật của nó. Đó là một nghệ thuật đặc kỳ, sắc xảo, tinh tế và cao cả nhất trong tất cả nghệ thuật. Tình yêu chiếm gần trọn cuộc đời ta và là khía cạnh nổi bật nhất của cuộc sống, quyết định sự tồn hữu hay suy hoại của hạnh phúc con người. Nhưng chẳng mấy ai biết yêu cả. Người ta mù lòa quờ quạng chạy theo ái dục bằng cách sống với nhau, ăn chung mâm, ngủ chung giường, đầu ấp tay gối, tìm sinh kế, đẻ con cái, gây gổ đánh cãi nhau, rồi lại ôm nhau, hôn hít, rồi già, rồi bệnh, rồi chết, rồi sầu khổ. Cả một đời như thế, nhưng chẳng có gì thực sự gọi là yêu trong sự kết hợp trâu bò đó. Tôi gọi là sự kết hợp trâu bòbởi vì nó thiếu cái nghệ thuật, bởi vì nó chẳng thuộc về tình yêu. Họ chẳng biết yêu gì cả. Họ chỉ biết làm bổn phận trong một phút lỡ trớn sa chân của họ mà thôi. Tình yêu của họ bị chết tiệt từ khi cái khao khát chiếm đoạt được thỏa mãn; sau đó, chỉ còn lại bổn phận, là cái mà người ta gọi là nghĩa vợ chồng, nghĩa tào khang. Hừm, đúng, đúng là cái tình nghĩa, cái ràng buộc bất khả kháng, chẳng vui thú và đẹp đẽ gì mà chỉ có sự giả dối, đeo mặt nạ mà cười gượng gạo với nhau, mà ở bề sâu thì đày đoạ và làm khổ nhau. Họ chẳng giữ gìn được tình yêu và chẳng thưởng thức được trọn vẹn cái hạnh phúc tất hữu của yêu đương. Yêu, phải là hạnh phúc; không thể nói yêu là đau khổđược. Sao lại phải đau khổ! Đau khổ thì yêu làm quái gì! Không biết yêu, không gìn giữ được tình yêu thì tự khắc phải chuốc lấy đau khổ thôi. Cái hạnh phúc trong tình yêu không nằm ở chỗ được hay mất đi đối tượng yêu thương của mình mà chính là sự trọn vẹn, nhất quán, và bất biến của nó ở trong ta, chảy trôi và bàng bạc trên từng khoảnh khắc mong manh, biến ảo của dòng đời. Người tình không phải chỉ là kẻ được ta yêu thương mà chính là ta đó. Kẻ nào tự phân ly mình với người tình, thấy có sự sai khác giữa mình với người đó, thấy rằng có hai thực thể đối lập nhau đi đến kết hợp như một trao đổi và nương tựa nhau, kẻ ấy tự cắt chia tình yêu và đặt nó vào khuôn khổ vốn dĩ không phải là nơi có thể chứa đựng cái mênh mông của tình yêu. Cái gì chân thật, bất biến thì không bị chia cắt, không bị hạn cuộc, không bị ngưng đọng trong cái hữu hạn và nhất thời. Yêu một người, trước tiên có nghĩa là phá bỏ bức rào ngăn cách ta với người đó, khiến cho ta với người đó trở thành một. Người tình của ta chính là ta chứ không là gì khác. Cả cuộc đời ta nằm ở trong đó. Ta làm tất cả những gì mang lại khoái lạc và hạnh phúc cho người tình, có nghĩa là làm cho chính ta. Nhưng ta không cần phải hỏi là làm cách nào để người tình của ta được hạnh phúc, hay cho chính ta được hạnh phúc. Bởi vì tình yêu tự có lối đi của nó. Cứ yêu một cách chân tình và hết mình thì hạnh phúc sẽ có. Cậu nói sao? Những gì tôi nói nãy giờ chỉ là lý thuyết thôi à! Vậy thì theo cậu, thế nào là thực tế của tình yêu?”

Tình yêu phức tạp và chắc chắn là không vươn ra khỏi sự hạn cuộc của tính ích kỷ và cái bản ngã đáng ghét của chính ta? Vì ích kỷ nên tình yêu chỉ biết chăm sóc và nâng niu đối tượng nó chiếm hữu, như vậy chỉ có tình yêu hạn cuộc chứ không có cái tình yêu mênh mông, cao cả được. Mà một khi tình yêu bị hạn cuộc bởi lòng ích kỷ chiếm hữu, nó gây tạo sự ràng buộc và khổ đau cho kẻ yêu và ngay cả kẻ được yêu nữa. Còn nếu nó muốn vươn ra khỏi cái vòng hạn cuộc đó, điều này chỉ là một sự phóng ngoại để tìm cầu một đối tượng mới khác cũng nhỏ nhen và hạn cuộc, để thay thế cái hạn cuộc nhỏ nhoi cũ mà thôi. Nói cho cụ thể, chú chỉ có thể làm mọi việc cho thím, cho các cháu, và cho chính chú, chứ không thể lang bang trải tình yêu đó đến với một đối tượng khác, vì như thế sẽ gây đau khổ cho vợ con.”

“Ha ha, sao lại phóng cái tình yêu đó dong ruỗi đến đối tượng nào nữa một khi nó đã tự chọn một nơi chốn để tụ hội và phát tiết toàn vẹn thể cách vô biên của nó! Vợ con ta không phỉa là tất cả đó sao. Vợ con ta chính là ta, chính là thế giới.”

“Sự náo loạn và xung đột của thế giới có thể được dấy sinh từ sự tập trung bảo vệ và chiếm hữu của mỗi người đối với những gì hắn yêu thích.”

“Kẻ nào luôn sống trọn vẹn với tình yêu của hắn, hàm ý rằng hắn đã sống trọn với vợ con hắn, sông trọn với chính con người hắn, thì không tổn hại và xâm phạm đến hạnh phúc của kẻ khác. Thực sự yêu thì chỉ có hạnh phúc chứ chẳng gây đau khổ nào cả.”

“Lòng ích kỷ, sự ghen tuông, lòng khao khát chiếm hữu độc quyền, tất cả những thứ ấy không thể không ảnh hưởng đến tâm hồn con người yêu thương. Thiên hạ đã đau khổ bao nhiêu vì những thứ ấy. Cháu xin lỗi chú khi đặt giả thiểt như vầy: sẽ có những lúc mà thím ở nhà có thể làm chú nổi cơn ghen tức với một tình địch nào đó. Cơn ghen làm mất bình tĩnh và gây khổ đau trong lòng chú, phải không?”

Ghen tuông chẳng có gì là khổ. Ghen tuông là một điều kỳ thú và cần thiết, như những bông hoa, những nét chấm phá muôn màu điểm tô thêm cho vẻ diễm ảo của bức tranh tình ái. Ghen là sự dội ngược của bản ngã khi va chạm vào bức tường ly cách nó với bên ngoài. Nếu ta yêu một cách trọn vẹn, sống một cách trọn vẹn, bức tuờng đó bị phá đổ, và chẳng có sự va chạm nào ngoài sự hợp nhất của ta với thế giới. Thế giới là gì? Thế giới là vợ ta đó. Ghen tuông khổ, nhưng phải biết cách. Kẻ biết ghen cho trọn vẹn là kẻ tự húc đầu vào bức tường ly cách giữa hắn với tha nhân, chứ không phải là làm cho vững chắc thêm bức tường đó để rồi quằn quại đau khổ. Nhưng kẻ nào đã biết yêu một cách trọn vẹn thì không có gì xảy ra cho hắn một cách nhảm nhí như ghen tuông, thất tình, càu nhàu, bẵng gắt, giận lẫy, thẩn thờ, điêu đứng, khổ sở… Và cũng bởi người tình của hắn sẽ chẳng bao giờ ngoại tình, hoặc làm, hoặc nói, hoặc biểu lộ một điều gì vượt ra ngoài vòng tay chân tình của hắn. Tình yêu chân thật sẽ tự vẽ ra những lối đi của nó. Những lối đi này biểu hiện sự phong phú và tròn đầy của tình yêu; mặt khác, chính chúng là những cánh tay ban phát, thâu nhặt và bảo vệ sự sinh tồn của tình yêu. Những lối đi đó, chính là nghệ thuật yêu đương. Kẻ nào biết yêu thì tự hắn đẻ ra nghệ thuật này; kẻ nào không biết yêu phải học nghệ thuật đó để tiến đến tình yêu và hạnh phúc chân thật. Bởi vì con đường từ nhà đến chợ cũng chính là con đường dẫn ta từ chợ đến nhà vậy. Phải không cậu em?

Tôi trở mình, xoay qua phía ông Trọng, thấy ông vẫn còn ngồi im đó. Điếu thuốc trên tay ông chỉ cháy hơn một nửa. Cái miệng ông hãy còn nhép nhép. Tôi lẫn lộn, chẳng rõ là nãy giờ ông ta nói hay cái gã mặt thẹo lấp ló đâu đó đã nói. Ông ta đang nói hay đang nhai thứ gì? Mà những điều ông nói có vẻ lung tung quá. Cái tình yêu đó, cơn khát khao dục tình đó, cả ông và gã mặt thẹo đều nói một ý như nhau: lúc nào cũng ca ngợi, khuyến khích con đường chiếm hữu, hợp nhất với những đối tượng huyễn ảo của trần gian mà tôi từng gắng công vượt thoát. Tôi vỗ nhẹ đùi ông một cái, nói:

“Thôi, đừng nói nữa chú. Nghĩ đi cho khỏe.”

Ông Trọng há hốc, nhìn tôi:

“Nãy giờ tôi có nói gì nữa đâu.”

Tôi dụi mắt, nhìn kỹ lại miệng ông. Cái miệng không cử động, không nhóp nhép, nhưng há ra trong kinh ngạc.

“Dạ… thì đừng nói nữa.”

Tôi nhắm mắt lại. Có tiếng ông Trọng phủi bụi đất nơi chỗ nằm của ông để nằm xuống. Ngủ ngon nghe chú. Ừ, cậu cũng ngủ ngon. Đã đến giờ báo nghiêm. Trại giam im lặng. Ngon đèn trên trần cháy sáng suốt đêm. Tôi nghe như có những âm ba nào đó chạy rần rần theo những tia sáng chói chang của ngọn đèn tỏa xuống.

Cái hạnh phúc trong tình yêu mà ông Trọng tự hào là ông tìm thấy, có phải là thứ hạnh phúc chân thật không? Ông có thực tìm thấy bình an và sự bất động trước những quấy nhiễu của khổ đau và hệ lụy của cuộc đời chăng? Tại sao ông ấy buồn khổ và đã khóc? Cái tình yêu trọn vẹn và thực sự mà ông nói không cứu thoát ông ra khỏi nỗi nhớ nhung, buồn thương khi chia cách với vợ con sao?

“Nói gì thì nói, hình như chú vẫn phải đớn đau vì nỗi nhớ thương và buồn tủi khi phải xa cách vợ con mình. Đó là thực tế khổ đau nẩy sinh từ tình yêu chiếm hữu.”

“Ha, nhớ nhung là sự vươn dài của tâm hồn một cách tha thiết cuồng nhiệt về quá khứ dấu yêu để ý thức và xác định sự bất diệt của tình yêu trong dòng biến thiên vô cùng của đất trời. Ta không thấy khổ đau gì trong nhớ nhung, bởi nhớ nhung là hưởng thụ, là sự múa nhảy cần thiết của trái tim để biểu lộ giá trị chan rưới, hòa hợp giữa những thực thể vẫn thường tự ly cách nhau bằng sự vây bọc của lớp vỏ bản ngã. Nhớ nhung là phút quay đầu và réo gọi của tình yêu hướng về dĩ vãng. Nó không là gì khác hơn tình yêu. Mà trong tình yêu, chẳng có cái gọi là khổ đau. Khi yêu, hãy hợp nhất với tình yêu; khi nhớ nhung, hãy hợp nhất với nhớ nhung.”

“Nhưng rõ ràng là chú vẫn rơi nước mắt. Đó không phải là dấu hiệu của khổ đau sao?”

“Khổ đau như trái ớt cay. Kẻ nào biết ăn, biết thưởng thức, biết hưởng thụ thì nó thấy ngon. Kẻ không biết thì hãi sợ. Đã yêu thực sự thì ngại gì khổ đau! Ta nhai nó ngấu nghiến, vui miệng chứ có hề hấn gì đâu nào!”

“Vậy tâm hồn chú sẽ như thế nào nếu vĩnh viễn chia xa với vợ con? Cháu xin lỗi đã dặt giả thiết này. Cháu nói cụ thể hơn, nếu người tình chết đi, nó sẽ ảnh hưởng biết bao với đời sống của ta!”

“Sống hết mình, yêu trọn vẹn, ta đã làm tròn ý nghĩa và bổn phận của chính ta trên cuộc đời. Ta không ân hận, nuối tiếc, vì ta chẳng bao giờ phụ lòng người tình của ta. Nàng có chết đi, tình yêu của ta cũng không mất. Tình yêu bất diệt. Đó là đièu kỳ thú. Vì tình yêu bất diệt, hạnh phúc cũng bất diệt…”

Dù ông Trọng nói vậy, tôi vẫn nghi ngờ, cho đó là lời dụ hoặc quyến rũ của yêu ma trần tục. Tôi luôn luôn thấy một cái gì giả trá, mộng huyễn trong cái mà người ta gọi là tình yêu. Tôi có rung động, có khát khao, có mơ tưởng, nhưng cứ nhìn lại, xét lại và thấy toàn bộ những thứ ấy chỉ là sự dấy động của dục vọng mà thôi. Tuy vậy, lúc này tôi chưa biết nói gì để bác bỏ luận điệu của ông Trọng. Vì dù sao, trong vấn đề tình yêu, tôi vẫn là kẻ thiếu thực nghiệm trong khi đó, ông ấy đã sống, đã yêu, bằng cả con người, bằng cả cuộc đời ông.

Tôi vùng dậy tính nói với ông Trọng rằng dù tôi không cãi lý được với ông, tôi vẫn chưa hoàn toàn tán đồng quan điểm của ông về tình yêu và hạnh phúc. Nhưng rõ ràng là ông ấy đã ngủ khò. Tiếng ngáy của ông giống như tiếng rít qua điếu cầy của những người hút thuốc lào. Giống như có bong bóng nước sủi lên trong ấy. Ông đâu có nói chuyện với tôi. Tôi chỉ tưởng tượng ra đấy thôi. Hoặc là, chính tôi đã nói chuyện với gã mặt thẹo, cái thằng tôidễ ghét thường bám sát theo tôi mà thôi. Tôi nằm xuống trở lại, cố dỗ giấc ngủ bằng cách niệm Phật. Nhưng tôi cứ nghe vang vọng những thứ âm thanh chung quanh. Có tiếng văng vẳng của một thiếu nữ nào đó vọng từ tim tôi vọng ra. Đừng bỏ em, nghe anh. Đừng bỏ em. Ồ, đó chỉ là ảo giác. Khang ơi, quên đi. Gợi lại chỉ thêm đau mà thôi. Nam mô A Di Đà Phật… Những tiếng bên ngoài vẳng vào mới thực. Nói vậy cũng không đúng. Phải nói là cả trong lẫn ngoài đều chẳng thực. Nhưng lại có hiện hữu. Giống như giấc mộng. Mộng cũng có, đâu phải không có, nhưng chẳng thực. Có tiếng la ơi ới của một tù nhân nào đó bên phòng giam tập thể. Ông Trọng hơi cựa mình một chút. Tiếng chó sủa xa xa. Con chuột cống dưới lỗ cầu cố gắng đẩy bung chiếc dép nhựa của ông Trọng ra khỏi miệng cầu để chui lên mà không thành công. Hai con dế hay thứ côn trùng không tên nào đó, kêu rúc rích rúc rích như cười giỡn với nhau. Chắc chúng phải nhỏ hơn cả con muỗi mới phát ra tiếng kêu bé xíu thiếu âm lượng như vậy…

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/08/2019(Xem: 9209)
Truyện Cổ Tích "Con Chim Tu Hú", Mùa mưa là khoảng thời gian tuyệt vời để những mầm sống mới bắt đầu hồi sinh trên các cánh rừng mưa nhiệt đới. Loài thực vật khoác trên mình tấm áo mới xanh non và đâu đó trong rừng, các vùng đất ngập nước, từng bụi lau, sậy cũng vươn mình phát triển. Đó là nơi trú ngụ, làm tổ lý tưởng của một số loài chim chích đầm lầy thuộc giống Locustella.
05/08/2019(Xem: 7599)
Galilê là nhà khoa học nổi tiếng thời Cổ đại, ông sinh ra ở thành Pisa Italia. Suốt đời ông theo đuổi chân lý, hiến thân cho khoa học, dám giữ vững nguyên tắc của mình. Đầu tiên ông đưa ra nguyên lý quán tính, khái niệm lực và gia tốc, là người mở đường cho lực học kinh điển và vật lý học thực nghiệm. Ông là người đầu tiên dùng kính viễn vọng quan sát các thiên thể, chứng minh và phát triển thuyết mặt trời là trung tâm vũ trụ của Côpecnich. Ông được người đời sau mệnh danh là “Cha đẻ của khoa học cận đại”. Galilê là nhà khoa học nổi tiếng thời Cổ đại, ông sinh ra ở thành Pisa Italia. Suốt đời ông theo đuổi chân lý, hiến thân cho khoa học, dám giữ vững nguyên tắc của mình.
02/08/2019(Xem: 8160)
Lời người dịch: Thấm thoát mà đã năm Mùa Vu Lan vắng bóng Ba tôi cũng như chỉ còn vài tuần nữa cũng là Ngày Vinh Danh Cha tại Úc Châu, QT xin chia sẻ vài câu chuyện cảm động về tình cha kính tặng Hương Linh Ba tôi và những người làm Cha vào ngày Lễ đặc biệt này. Một cậu bé luôn được Ba nuông chiều và sắp tốt nghiệp tuần tới. Vài tuần trước, cậu thấy một chiếc xe thể thao đẹp ở phòng trưng bày và muốn người Ba giàu có tặng cho mình vào dịp này.
29/07/2019(Xem: 3488)
Cô iên (Yên) nguyên là hiệu trưởng trường Hùng Vương, TP Ty Quà (Tuy Hòa) tỉnh Phú iên, Chị iên cũng là hinh trưởng (huynh trưởng GĐPT Bảo Tịnh) gọi qua và nói: Thầy Nghiện (Nguyện) chị Diên chỉ bị bịnh, hổm rày chỉ chờ Thầy gọi dìa (về) cho chỉ dui (vui), chờ quài (hoài) mà không thấy, chỉ giận chỉ nói ông Nghiện ổng đi qua bển rầu (rồi) đâu có nhớ gì ở đây đâu, tao và bà Thỉ (Thủy) chờ ổng gọi hỏi thăm, chờ miết thấy ghét, thâu Thầy gọi liền cho chỉ đi, chắc chỉ dui lắm đó.
28/07/2019(Xem: 6557)
Bây giờ ở nơi đây mỗi lần con bị cảm : lên chợ mua bịch lá xông , nấu sôi trong nồi cơm điện , rồi phủ mền , xông , bệnh cũng hết , nhưng lúc nào con cũng nhớ về Thầy , bóng Thầy hao hao gầy , đưa cây khèo quéo kéo lá khuynh diệp hay lá tre , rồi nhón chân lên hái lá , nấu nước xông
19/07/2019(Xem: 3811)
Ngày không như mọi ngày, đó là ngày gì? Đó là ngày có một sự kiện đặc biệt sau nhiều năm trở lại với chúng ta, những người định cư tại Âu Châu: Chương trình của Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ do Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác tổ chức kiêm làm trưởng đoàn. Suốt cả tháng 6 năm 2019, Phái Đoàn Hoằng Pháp giảng Pháp nhiều nước tại Âu Châu, trạm cuối cùng, từ ngày 21-23.6.2019, phân nửa về chùa Linh Thứu Berlin, phân nửa về Tu Viện Viên Đức tại Ravensburg Đức quốc. Tôi và Hoa Lan (bạn văn) tùy địa lý, được quí Thầy phân công chia địa bàn ra viết tường thuật. Hoa Lan may mắn trụ tại Berlin, thủ đô nước Đức. Đã là thủ đô hoa lệ vốn có nhiều tài tử giai nhân “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” để diễn tả sự đông đúc của người qua, kẻ lại, lại còn có ngôi chùa Linh Thứu mới xây tráng lệ, uy nghi đã thu hút Phật tử khắp nơi, thêm Sư Bà Trụ Trì tên Phước mà còn là “Diệu” Phước giỏi giang, đảm đang nổi tiếng nên Hoa Lan nương theo đó mà hưởng được nhiều…phước.
11/07/2019(Xem: 6947)
Chúng tôi được Thầy mở cho xem Video clip do Thượng Tọa Thích Hạnh Tuệ tri sự chùa Phật Đà ở San Diego cũng là Chủ Biên của trang nhà hoavouu.com ở Hoa Kỳ thực hiện ngày 21.01.2019 với tâm ý kính tặng HT Thích Bảo Lạc và HT Thích Như Điển, nhằm giới thiệu Thiền Lâm Pháp Bảo Úc Châu. HT Thích Bảo Lạc, Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo VNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, cho biết Thiền Lâm Pháp Bảo là vùng đất thiêng đã được xây dựng từ 4 năm qua. Tháp Vãng sanh sẽ được xây dựng tại Tự Viện Pháp Bảo và Thiền Lâm Pháp Bảo cũng đang tiến hành công trình những hạng mục mới. Thiền Lâm Pháp Bảo là nơi hoàn toàn thiên nhiên hùng vĩ, núi đồi xanh tươi bao la bát ngát. Trong Vườn Thiền có 4 câu thơ được khắc vào trong đá: Dấu Thiền lắng giữa hư không Tháp hành ? soi bóng Thiền Lâm đậm màu Ngày xưa mãi đến ngàn sau Tâm Không vật cũng nhuốm màu hư không (Thơ Sông Thu TBL)
05/07/2019(Xem: 3459)
Ở vào năm 2019 này, theo sự quan sát của tôi, tôi nhận thấy rằng TT Thích Nguyện Tạng cùng một số ít tăng sĩ khác (như TT Thích Phước Tấn trụ trì chùa Quang Minh/ Melbourne ) có thể được biểu dương là những người tiên phong, đại diện cho tăng sĩ trẻ trong thời buổi hiện đại này đã thông hiểu tận tường nội, ngoại minh của kinh điển và đã áp dụng thực triển vào trong Đời và Đạo .
05/07/2019(Xem: 4091)
Riêng tôi, nếu ví nhà chùa như bịnh viện tinh thần, tôi thấy cũng có lý. Vì rõ ràng quí sư đã chẳng nói đạo Phật là đạo cứu khổ ban vui. Do vậy đến chùa quan sát kỹ sẽ thấy, cũng không thiếu người góa chồng, góa vợ, li dị, hoặc chán ngán chuyện gia đình, hay đang cô đơn, cô độc...lân la đến chùa để giải tỏa nỗi lòng tìm niềm vui. Người thì rán nghe Pháp Phật chiêm nghiệm nghiệp quả mình tạo ra rồi tụng kinh sám hối, kẻ thì kể lể với bạn đạo để trút hết bầu tâm sự hay đôi khi trút cả đến những vị trụ trì nhờ “gỡ rối tơ lòng“. Tựu trung là tìm cách để giải tỏa nỗi khổ niềm đau.
05/07/2019(Xem: 4889)
Rồi ngày ấy cũng đến, cái ngày cả đạo tràng Chùa Linh Thứu mong đợi đã đến! Họ háo hức chờ đợi cũng phải vì cả một Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ gồm các Chư Tăng Ni từ 4 châu lục, đến Chùa Linh Thứu từ ngày 21 đến 23 tháng 6 năm 2019, chỉ để trao tặng cho đạo tràng dễ thương này 3 ngày an lạc. An lạc từ thân đến tâm, từ khẩu đến ý. Đúng quá đi chứ! Cả ba ngày chỉ để nghe Pháp, tụng kinh, lạy Phật, ngồi thiền, đi kinh hành... làm gì còn thì giờ để "tám" với ai nữa. Cứ xem như dứt sạch nợ trần!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]